vietsoul21

30 phút với nghị viên thành phố Seattle

In Cộng Đồng, LittleSaigon - Seattle on 2008/08/22 at 16:51

Nguyễn Hiếu • 22.08.08

Sáng thứ Sáu, 22 tháng 8 vừa qua, 7 em thanh thiếu niên trong nhóm Sứ Giả Trẻ Quốc Tế (International Young Ambassadors) [i] cùng với anh Thế-Anh và cô Quỳnh-Trâm đến gặp hai nghị viên thành phố Seattle, Tom Rasmussen và Sandy Clark.

Buổi họp đầu với nghị viên Tom Rasmussen, ông hỏi các bạn thanh thiếu niên ở đâu, có quan tâm gì về Tiểu Sài Gòn, phố Tàu. Ông hỏi cả nhóm khu vực quan tâm ở đâu cũng như số chủ đất và số người thuê cửa hàng là bao. Nhóm đã giải thích cho ông biết vùng chủ yếu quan tâm đến người Việt/Hoa là khu vực ID kéo dài xuống Rainier/Dearborn, qua MLK phiá nam Seattle. Nhóm cũng cho biết tỉ lệ người làm chủ đất là 15% so với 85% tiểu thương thuê mướn mặt bằng.

Em Trường Nguyễn nói đến khó khăn của tiểu thương, dẫn ví dụ quán Mai Thảo mới mở không lâu nhưng vì giá mướn tăng quá cao nên họ phải đóng cửa tiệm ở khu thương mại Pacific Rim trên đường Jackson.

Anh Thế-Anh trình bày viễn cảnh các tiểu thương Việt/Hoa bị đẩy bật dời chỗ (displacement) như đã từng xảy ra đối với người Mỹ da Đen bị đẩy bật ra khu Central Area khi tiến trình chỉnh trang đô thị (gentrification) những khu nghèo sập xệ. Ông hỏi có cần công viên cho khu ID và đề nghị đi bầu ủng hộ cho Đề Xuất Vì Công Viên (Pro-park Measures).

Một câu hỏi làm mọi người hơi khựng lại vì đó có lẽ là quan tâm hàng đầu của dân cư dòng chính, nhưng ít để ý bởi người thiểu số. Tuy nhiên, nhóm đặt lại câu hỏi cho ông là ai ai cũng muốn có công viên, sân chơi trẻ em nhưng vấn đề là ở việc xử dụng và phân phối ngân qũy. Thực tế ngân quỹ của thành phố chi dùng phân phối cho những cộng đồng sang giàu như Lake Union, East Lake trong khi những khu vực nghèo như MLK, White Center, Little Saigon thì không được tu bổ, chỉnh trang. Chỉ cần nhìn vỉa hè, lề đường bể nát, khập khiểng không an toàn cho người đi bộ ở Tiểu Sài Gòn là biết rõ. Một em dẫn chứng đến việc thành phố chi phí trên $150,000 để lau chùi cửa kiếng thư viện trung tâm nhưng đã bỏ bao nhiêu cho Tiểu Sài Gòn để giúp đỡ tiểu thương hoặc chỉnh trang khu phố.

Cuộc họp với nghị viên Sandy Clark rất ngắn trong vòng 15 phút. Bà Sandy Clark và ông Dan phụ tá cùng họp đi thẳng ngay vào vấn đề quan tâm đến tái phân vùng khu vực Tiểu Sài Gòn. Bà Sandy Clark hỏi mọi người đã nghiên cứu đề án Livable South Downtown (LSD) chưa và thấy có gì thiếu sót, điều gì được và không tốt đối với cộng đồng. Bà yêu cầu mọi người trong nhóm đọc, nghiên cứu rõ về công trình LSD.

Nhóm phản ảnh lại là đề án Livable South Downtown không được phổ biến, giải thích rộng rãi trong cộng đồng. Những người tiểu thương Tiểu Sài Gòn cũng như Nam Seattle bận bịu để sinh tồn không hề biết tới cũng như không có khả năng chuyên môn để tìm hiểu đề án này ngay cả nếu có thời gian. Bà Sandy Clark cho biết là có người Việt đại diện cộng đồng tham gia trong ủy ban tham vấn cho kế hoạch..

Nhóm giải thích cho bà biết là có hai người Việt nằm trong ban tham vấn Vision 2030, nhưng Quang Nguyễn và Lam Bo (Bửu Lâm/Lâm’s Seafood) không phổ biến và tham khảo ý kiến chung rộng rãi trong cộng đồng. Bà Sandy nói thêm là cộng đồng Việt Nam chia rẽ (split) nên khó biết ý nguyện chung.

Đây là một luận điệu thường xuyên được dùng để biện minh cho thái độ bỏ ngoài tai ý kiến không thuận và chỉ làm việc với những người thân cận, quen biết đồng ý với chính sách và tiếp tay với họ mà chính một số người Việt cũng đã dùng luận điệu này

Nhóm lập tức đặt ngược câu hỏi trở lại cho bà Sandy là ngay cả cộng đồng cư dân Mỹ trắng cũng vẫn có những ý kiến trái ngược nhau thế nhưng không bị gán cho cái từ “chia rẽ” nên không thể dùng lập luận là cộng đồng Việt Nam chia rẽ để làm ngơ không màng tới. Lập luận này có hơi hướng phân biệt và kỳ thị.

Bà Sandy làm lơ chuyển sang nói vuốt là ở mọi cộng đồng đều có bất đồng ý kiến giữa người mướn (renter) và người chủ (owner). Em Vinsey bày tỏ cảm tưởng là khu Tiểu Sài Gòn, Phố Tàu là bằng chứng gốc rễ, lịch sử của người di dân thiểu số và em có được sự phấn khởi, cảm hứng qua những phấn đấu của ông bà cha mẹ gầy dựng. Họ đã bỏ hết công sức để gây dựng khu phố thương mại tuy không hoành tráng nhưng sinh động, nhộn nhịp, đa dạng nếu bây giờ bị tiêu tán thì các em sẽ mất niềm tin vì sự phấn đấu của mình cũng chẳng đạt được gì.

Điều cần biết là dự án khu siêu thương mại vùng (urban super-regional mall) này là một công trình xây cất lớn nhất tại Seattle. Việc nhượng bỏ đường phố (street vacation) cho nhà thầu tư nhân sẽ là sự chuyển nhượng đường phố công cộng lớn nhất chưa từng xảy ra ở Seattle. Vì thế ảnh hưởng của nó rất lớn đến khu phố Tàu và Tiểu Sài Gòn: Mất cảnh quang đặc thù văn hóa, tắc nghẽn giao thông, tăng giá mướn mặt bằng và nhà ở, giảm an toàn cho người bộ hành, v.v…

Tuy nhiên có những nhân tố sẵn sàng thoả hiệp để đạt được một chút ít nào đó riêng đánh đổi cho cái mất chung to lớn của cộng đồng. Một cái bánh vẽ hứa hẹn bồi hoàn “to lớn” như “Nhà Văn Hoá”, “Trung Tâm Cộng Đồng”, vài “triệu đồng” trên bề mặt và một chút ít lợi nhuận thực đằng sau cho cá nhân hoặc tổ chức riêng. Chắc người ta đã cố quên hoặc không muốn nhớ bài học 33 năm về trước khi Hoa-kỳ phủi tay không trợ cấp cho Việt Nam Cộng Hoà và chúng ta đã mất nước. Hiệp định Paris và ký kết (lắt léo) giữa hai quốc gia cũng còn không được tôn trọng thì đáng gì một vài lời hứa hảo của các nghị viên “kiếm phiếu”.

Cuộc họp ngắn gọn dưới 30 phút với hai nghị viên thành phố Seattle cho thấy một hố ngăn cách biệt lớn về cái nhìn giữa nghị viên và người Việt đối với Tiểu Sài Gòn, Phố Tàu, và Phố Nhật (Little Saigon, Chinatown, and Japantown) trong khu vực International District. Chúng ta quá xa lạ với các nghị viên dù toà thị chính chỉ cách Tiểu Sài Gòn chưa đầy 1 dặm. Những nhu cầu và quan tâm của cộng đồng người Việt không hề được biết tới. Ông Tom còn tự hỏi là không biết có được tiếp (welcome) khi đi đến đó không. Riêng 30 phút ngắn đó đối với các em là một kinh nghiệm, một thái độ ứng xử quyền công dân, và một niềm tự tin vào tranh đấu cho quyền lợi bản thân và cộng đồng.

[i] Các em trong nhóm International Young Ambassadors có gốc gác là người Hoa, Việt gốc Hoa, và Việt Nam. Một số em đã sinh hoạt trong chương trình Lãnh Đạo Trẻ muà Hè hàng năm do Tuần Báo Á Châu vùng Tây Bắc tài trợ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: