vietsoul21

Thực dân, nô lệ, ăn mày – Nguyễn Hoàng Văn

In Chính trị (Politics), Liên Kết, talawas, Việt Nam on 2010/11/04 at 08:45

BBT: Người lao động bị áp bức và bắt buộc làm nô lệ cho thực dân thời Tàu, Pháp đô hộ. Tàn tích thực dân vẫn còn để lại trong văn hoá và ứng xử của người Việt. Riêng giới có học thì không thiếu gì người tự nguyện làm nô lệ, làm tay sai cho thực dân, làm cai thầu nô lệ (slave master). Trong nước thì Đảng CSVN bắt dân làm nô lệ cho chủ thuyết ngoại lai tùng phục chủ nhân ông “lạ”. Ngoài nước thì có kẻ trở về làm tân thực dân (neo-colonialist) với chính đồng bào của mình. Mời các bạn đọc lại bài viết “Thực dân, nô lệ, ăn mày” của Nguyễn Hoàng Văn.

Tháng Ba năm 1906, phẫn nộ trước hình ảnh người Trung Quốc hả hê thưởng thức cảnh lính Nhật cắt cổ đồng bào mình trên màn ảnh trong một giảng đường y khoa tại Nhật, Lỗ Tấn đã dứt khoát từ bỏ hoài bão làm thầy thuốc nhen nhúm từ tấm bé và nung nấu khát vọng canh tân ở tuổi chớm biết ưu tư để lao vào cái nghề cầm bút nghiệt ngã, bấp bênh. Làm thầy thuốc thì chỉ có thể chữa những bệnh tật trên thể xác của con người. Cái mà dân tộc Trung Hoa cần chữa là những căn bệnh sâu trong tinh thần của mấy trăm triệu người.[1]

Tháng Tư năm 2010, những triệu chứng của chứng bệnh ấy lại lộ ra, không với dân tộc của Lỗ Tấn mà với chúng ta. Khi một bậc chuẩn khoa bảng ngành American Studies, qua sự tiếp tay của một nhà truyền thông, bực dọc đưa ra “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” để biện minh cho sợi thòng lọng mà hệ thống toàn trị láng giềng đang siết dần vào cổ họng đất nước mình, cả hai đã hả hê thưởng thức tương tự, không hơn không kém.[2] Hả hê trước những tâm cảm nhức nhối về thân phận nhược tiểu của đất nước mình. Hả hê trước tình cảnh điêu đứng của những anh em chú bác mình, những người vừa cắn răng chịu đựng một chính quyền không ra chính quyền, vừa bươn chải chịu đựng gã láng giềng đang tập tành tướng đi đế quốc nhưng chưa bao giờ ra dáng đế quốc bởi không thể gột bỏ hết bản chất vô sản lưu manh kiểu bần cố nông đấu tố như có thể thấy qua những hành vi cướp biển bần tiện, nhỏ mọn.[3] Và khi hả hê thưởng thức như thế, những con bệnh tim não cùng những ủng hộ viên khác đã thưởng thức với sự mãn nguyện của những đầu óc nô lệ, ăn mày.

… Như một chuẩn siêu cường đang lên, nước Trung Hoa hãnh tiến hôm nay đang càng ngày càng ra dáng thực dân và hệ quả là sự hình thành của lớp bồi Tàu đương đại, như một sự tiếp nối của những lớp “quăng vùa hương xô bàn độc” / “chia rượu lạt gặm bánh mì” thượng lưu hay hạ đẳng ngày trước.[6] Nếu sức mạnh cơ giới của thực dân Pháp từng khiến một Tôn Thọ Tường khiếp đảm đến độ đầu hàng không điều kiện Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc / Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay thì sức mạnh của thực dân Trung Hoa hôm nay cũng đang thai nghén nên một lớp kế thừa tương tự.[7] Nhưng thần phục thực dân cũng có nghĩa là thần phục sức mạnh. Não trạng nô lệ và ăn mày thực dân, thực chất, cũng chỉ là biểu hiện của não trạng nô lệ và ăn mày trước sức mạnh chính thống.

Khuynh hướng phò thực dân, như thế, chỉ là biểu hiện nhất thời và sa đoạ của khuynh hướng phò chính thống. Và nếu khái niệm “thực dân” luôn được hiểu như là những thế lực đến từ bên ngoài thì đã đến lúc chúng ta phải nhận diện thứ “thực dân” sinh sản bên trong.[8]

Khi quyền lực chính thống tự tách mình ra, không nương tay bóc lột cộng đồng để phục vụ lấy mình như một cộng đồng con, nó đã là hiện thân của một thứ “thực dân”. Nội hoá hay ngoại hoá, đã đối phó với khát vọng sống của cộng đồng thì thứ thực dân nào cũng ngay ngáy kiểm duyệt để che đậy bản chất ăn cướp và bóc lột của mình. Nhưng kiểm duyệt cũng chỉ là một biện pháp cụ thể trong mục tiêu ngu muội hoá con người, như một đường lối nhất quán. Khi hệ thống toàn trị sắt máu hơn cả chính quyền thực dân trong chính sách ngu muội hoá ấy, nó đã sợ hãi sự thật và mong mỏi công dân của mình ngu dốt hơn cả thế lực cai trị bên ngoài đã từng sợ và từng mong.[9] Như thế, nếu cái mũ cối được xem là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân phương Tây thì hệ thống toàn trị hiện tại không chỉ kế thừa từ thực dân Pháp cái mũ ở trên đầu mà kế thừa cả cái chủ trương ngu dân ở bên trong cái đầu.

Cuộc cách mạng đắt giá mà hệ thống toàn trị vẫn ồn ào kỷ niệm đi kỷ niệm lại, xem ra, chỉ là thứ “cách mạng” để thay đổi màu da dưới cái mũ cối. Chỉ thay màu da thôi nên sau đó vẫn là những trò ngu muội hoá con người quen thuộc, vẫn là những cuộc xâm lược nhắm vào giềng mối quan hệ và tình cảm quen thuộc. Và có quen thuộc như thế nên những hình ảnh sinh động và bi phẫn nhất trong “Á Tế Á Ca” hay “Bình Ngô Đại Cáo” vẫn tiếp tục sinh động và tiếp tục bi phẫn như một thứ “hiện thực phê phán”.[10]

Khi thực hiện chính sách ngu dân trên đất nước chúng ta, thực dân Pháp đã đần độn hoá con người để vừa có thể đầu độc và bóc lột thậm tệ bằng thuốc phiện hay sưu cao thuế nặng, vừa có thể cao rao sứ mạng “khai hoá”. Hệ thống toàn trị kế thừa cũng tiếp tục như vậy để vinh quang hoá cái sự nghiệp ghê tởm xây dựng từ những cuộc đấu tố, những trại cải tạo, những trò cướp bóc tập thể, những cơn mê sảng vĩ cuồng mà hậu quả nhãn tiền là đói rách, nợ nần và tụt hậu. Hệ thống cần làm vậy để những sai lầm tiếp nối sai lầm vĩnh viễn thuộc về trách nhiệm của một “quá khứ” chung chung, của những “lý do lịch sử” chung chung hay “yếu tố khách quan” chung chung. Và nó cần vậy để mối quan hệ rành rành giữa kẻ cướp và con mồi mới trở thành “quan hệ hữu nghị hướng tới bền vững, ổn định”.

Để thoải mái cai trị và, thậm chí, để được thoải mái… hèn, hệ thống toàn trị phải kìm hãm, phải duy trì công dân của mình trong thân phận của những kẻ nô lệ hay ăn mày ngây dại, hồn nhiên.[11]

Như cái kiểu hồn nhiên khi chúng ta nắn nót những “đơn xin” đầy tính ăn mày. Cứ dựa theo tiêu chí dân quyền của một xã hội dân sự thì, trừ một thiểu số quyền lực, những ai đang từng hay đã từng sống dưới với hệ thống cai trị ấy mà không phải gánh chịu kiếp ăn mày? Dưới hai cái ách cai trị thực dân và quân chủ, cha ông chúng ta phải chịu thân phận ăn mày ấy khi viết “đơn xin” gởi lên “quan Công sứ” với lời kết “Muôn đội ơn quan lớn” đã đành.[12] Thời của những chính quyền “nhân dân”, “dân chủ” hay “cộng hoà”, chúng ta cũng phải tiếp tục các phẩm giá tương tự trong những “Đơn xin” in sẵn và những “Đơn xin” tự biên tự diễn tương tự. Đơn xin nhập học. Đơn xin chuyển trường. Đơn xin chuyển hộ khẩu. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng. Đơn xin mượn giấy tờ trong hồ sơ sinh viên. Đơn xin làm lại thẻ sinh viên.[13] Xin, xin và… xin. Chúng ta vẫn phải đi ăn xin và vẫn phải “đội ơn” như thể là thời thuộc địa cho dù ngôn ngữ khác đi, có màu mè thêm ra kiểu “Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của quý cấp tôi xin bày tỏ nơi đây tấm lòng thành kính và biết ơn sâu xa”.

Ăn xin cho đáng ăn xin / Lấy chồng cho đáng bù nhìn giữ dưa… Có hạ mình đi xin thì cũng nên xin những gì cho đáng chứ? Và để xứng đáng là “chính quyền nhân dân” thì cũng phải bình thường hoá những chuyện như thế như là những “thao tác” thuần túy kỹ thuật chứ? Khi phức tạp hoá những “thao tác kỹ thuật” ấy bằng một thứ ngôn ngữ và những thủ tục ăn mày, hệ thống cai trị đã biến nó thành một “hành động chính trị” để, qua đó, chính trị hoá vấn đề, biến công dân của mình thành những con tin hay con nợ nhằm tiện bề thao túng và chi phối.

Nhưng không chỉ là những quan hệ xin-cho lặt vặt mà là chủ trương ăn mày hoá như một phần trong hệ thống giáo huấn ngu dân. Chính tính nhất quán và sự tiếp nối của những hệ thống giáo huấn ngu dân nối tiếp nhau qua bao thời kỳ quân chủ, thực dân và thực-dân-hậu thực-dân mới có thể biến chúng ta thành những con tin hồn nhiên và ngây thơ như thế. Nó huấn nhục và tôi mọi chúng ta. Nó lột sạch phẩm giá con người của chúng ta. Nó bắt chúng ta tư duy như là những thực thể ký sinh, chỉ có thể tồn tại bằng cách ăn xin hệ thống, bám chặt vào hệ thống, như một thứ tôi đòi.

Và như, những lời ta thán về vấn đề sang nhượng lãnh thổ và sự thờ ơ của đa số công dân trước vấn đề lãnh thổ. Đã tiến hành “cách mạng” chỉ để thay đổi màu da dưới cái mũ cối thì hệ thống cũng chỉ kế thừa lãnh thổ như thể là kế thừa cái mũ ấy trên đầu. Đã kế thừa lãnh thổ như một thứ thực dân thì cũng hành động như một thứ thực dân và hậu quả là đất đai bị tùng xẻo y như là thời… mất nước. Và khi con người bị hệ thống tách ra khỏi đất nước, phải tồn tài bằng cách bám vào hệ thống như một thứ ký sinh, họ đâu còn biết đến “lãnh thổ quốc gia”? Cái mà họ biết hay chỉ vờ vịt biết là không gian sinh tồn, là cương vực riêng của hệ thống.

Hẳn nhiên, những chủ trương ngu dân như thế không thể thể nào dung hợp với khát vọng sống của con người. Nếu đã không hợp với con người mà những từ ngữ dành cho sản phẩm của nó như “nô lệ”, “ăn mày”, “ở đợ tinh thần”, “con tin” hay “con nợ” và “ký sinh trùng chính trị” đã trở thành nhàm chán, chúng ta có thể nào sử dụng đến từ “con thú”?

Xã hội thì phải luôn tiến hoá. Mà khi hệ thống toàn trị đang đẩy xã hội và con người đi vào những bước thoái hoá nối dài thì, có lẽ, hệ thống thực dân nội địa này cũng đang dần biến con người chúng ta trở thành con thú…[27]

Nguyên bài:

Thực dân, nô lệ, ăn mày



Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: