Tất cả Nguyễn Du đều bắt đầu và chấm dứt bằng một chữ “lòng”. Có thể đúc kết tất cả Thi Nghiệp và tất cả Tư Tưởng Triết Lý của Nguyễn Du vào trong một chữ duy nhất ấy. Chữ nôm “Lòng” bao trùm cả chữ hán việt “tâm”. Chữ “tâm” chỉ có được thực nghĩa dồi dào trọn vẹn trong chữ “lòng” của Nguyễn Du. Chính chữ “lòng” đã xuất hiện mấy ngàn năm trước trong tiếng nói quê hương và đã ngự trị điều động tất cả lộ trình của Tính Mệnh, Sinh Mệnh và Sử Mệnh Việt Nam.
Ngày nào nữa trong hiện nay và tương lai, ngày nào nữa sau bao cuộc bể dâu đoạn trường mà mỗi người trong chúng ta, dù sống đau đớn trong những hoàn cảnh mê man đứt ruột đi nữa, lúc nào mỗi người vẫn còn giữ được lòng mình, vẫn còn “có lòng”, có được “tấm lòng”, không hề đánh mất “lòng quê”, không hề quên “ơn lòng”, mỗi giây phút đều sống dậy “lòng son” và sống trào “lòng thơ” thì cái tấc lòng lai láng ấy vẫn còn tiềm lực phong phú vĩ đại nhất để hứng khởi phấn chấn sức mạnh vỡ bờ của tinh thần dân Việt, khả dĩ giúp cho chúng ta thấy được những gì đã được nhìn thấy, và trông thấy giữa những hỗn loạn, tao loạn, biến loạn và đại loạn của đất nước. Nguyễn Du đã trông thấy những điều khó lòng trông thấy được; chính lòng thơ lai láng của Nguyễn Du đã chảy trong veo dào dạt trong tư tưởng và cảm thức bồi hồi của thi nhân, và đã tuôn chảy lặng lẽ thâm sâu dằng dặc muôn đời vào tận đáy lòng trầm bình của Việt tộc.
(Nguyễn Du Đại Thi Hào Dân Tộc, Phạm Công Thiện, trích chương 23 – Tất cả đều nằm ở chữ “Lòng” của Nguyễn Du, trang 113-114)