vietsoul21

Posts Tagged ‘Đoàn Văn Vươn’

Phạm Hồng Sơn – Tại sao lại nổ súng?

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/09/12 at 15:48

Di ảnh Đặng Ngọc Viết

Cách đây hai hôm, ngày 11/09/2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, người Thái Bình đã tự sát sau khi xông vào trụ sở chính quyền thành phố, nã đạn vào đầu 5 viên chức, làm 3 người bị thương và một người đã tử thương. Theo các thông tin do báo chí nhà nước công bố, ông Viết đã làm sẵn tấm di ảnh kèm cả tờ lịch ngày chết cho mình trước khi cầm súng đi bắn các viên chức nhà nước liên quan đến vấn đề đất của gia đình ông. Báo chí thuật, ông Viết, trước đó là một người lương thiện, từng đi làm ở Nga, đã bắn vào ngực mình và chết ngay dưới chân bức tượng Phật bà Quan Âm trong một ngôi chùa gần nhà vào chập tối ngày 11/09. Như vậy, việc tự sát của ông Đặng Ngọc Viết đã được chuẩn bị rất kỹ và quyết liệt.

Tự sát là một hiện tượng không mới của xã hội loài người và là một chủ đề được chú ý từ hơn 100 năm qua trong giới khoa học. Năm 1897, Émile Durkheim (1818-1917), một trong những ông tổ của ngành xã hội học, đã cho ra mắt công trình nghiên cứu mang tên Tự sát (Le Suicide). Qua thu thập và khảo sát gần 26.000 ca tự sát, Durkheim đã phân tự sát ra làm bốn loại khác nhau. Loại thứ nhất, Durkheim đặt tên là Tự sát vị kỷ (suicide égoïste), đây là những trường hợp tự sát ở những người có ít liên kết với xã hội như những người già bị bỏ rơi, người độc thân. Loại thứ hai, Tự sát vị tha (suicide altruiste), ở những người có rất nhiều liên kết và rất sâu sắc với xã hội như những chỉ huy quân sự tự bắn vào đầu mình khi bị thua trận, những chính trị gia tự sát khi bị mất tín nhiệm. Loại thứ ba, Tự sát tan rã (suicide anomique), ở những người thấy thiếu hoặc mất phương hướng do những biến đổi quá nhanh về các chuẩn mực, qui ước, đạo đức của xã hội như các thanh niên tự sát trong giai đoạn xã hội có những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa cho dù điều kiện gia đình thuộc loại đầy đủ. Loại thứ tư, Tự sát định mệnh (suicide fataliste), ở những người cảm thấy các ràng buộc, áp chế của xã hội đè lên mình quá nặng, sự tự do cá nhân bị ép quá chặt như tự sát ở những người nô lệ, công nhân bị vắt sức lao động, những người bị ngược đãi, bất công.

Ngày nay ngành khoa học xã hội đã có những bước phát triển xa hơn tác phẩm Le Suicide của Émile Durkheim trong việc lý giải hiện tượng tự sát. Ví dụ, dưới nhãn quan của lý thuyết xung đột (conflict perspectives), mà ông tổ của Chủ nghĩa Cộng sản Karl Marx luôn được viện dẫn hàng đầu, thì tự sát là kết quả của những xung đột quan hệ xã hội gay gắt nhưng không được giải quyết. Hoặc theo lý thuyết biểu tượng tương tác (symbolic interactionist perspectives) tự sát là biểu hiện của một tiếng kêu cứu hay một sự đánh động cho một vấn đề cá nhân/xã hội.

Việc tìm hiểu sâu hơn và lý giải vụ tự sát, kèm theo vụ sát hại, của ông Viết xin được dành cho quí vị độc giả và giới chuyên môn như các nhà xã hội học, tâm lý học hay tội phạm học,… Nhưng chỉ nhìn vào những cơ sở lý thuyết sơ lược kể trên, chúng ta có thể thấy sẽ có nhiều cách lý giải và giả thuyết khác nhau về nguyên nhân, động cơ căn bản dẫn đến hành động quyết liệt bi thương của ông Đặng Ngọc Viết.

Cái chết nào cũng gây cho người ta đau buồn, ngậm ngùi, dù là cái chết do tự sát hay do bị sát hại, dù là cái chết của thủ phạm hay nạn nhân.

Nhưng trong cái chết của ông Viết có ít nhất một sự an ủi. Vì nếu ông Viết không tự sát (hoặc tự sát không thành) chắc chắn ông sẽ phải hầu tòa vì tội “cố ý giết người”, giống như anh em ông Đoàn Văn Vươn mới đây phải ra tòa. Và một người như ông Viết, tôi tin, sẽ rất đau đớn nếu bị những ông bà thẩm phán là đảng viên cộng sản ngồi trên ghế quan tòa giật giọng hỏi: “Tại sao lại nổ súng bắn cán bộ mà không đi kêu oan?”

Cái đau đó chắc sẽ không thua cái đau do viên đạn ông đã tự bắn thẳng vào ngực mình trong cái tối định mệnh ngày 11 tháng Chín vừa qua.

© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra

BS Hồ Hải – Nhân Quả trong câu chuyện Tiên Lãng

In Chính trị (Politics), Tạp văn, Triết Học, Việt Nam on 2013/04/05 at 15:02

Hầu hết các bài viết của tôi nằm trong tiêu chí của câu nói Đức Dalailama – Share your knowledge. It’s a way to achieve immortality. Viết vì cái chung cho cộng đồng, không viết cho một cá nhân nào, ngoại trừ cá nhân đó quá kiệt xuất hoặc quá quắt về hành vi hoặc mưu đồ làm hại đến cộng đồng. Hôm nay, xin một lần thứ ba viết về một cá nhân, xin cá nhân và cộng đồng thông cảm, vì đây chỉ là một trải lòng phải làm.

Hôm nay tình cờ đọc bài báo Cổ súy cho “tự xử” là triệt tiêu công lý của nhà báo Đức Hiển, tự nhiên tôi thấy chạnh lòng cho một thế hệ làm báo Việt Nam dưới thời Xã hộ chủ nghĩa.

Chạnh lòng vì thế hệ mà tôi hy vọng có sự đổi thay cho đất nước Việt là thế hệ này – 197x – thế hệ mà nhà báo Đức Hiển sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhân ái, vị tha và hiểu biết để làm người tử tế.

Chạnh lòng vì, đọc xong bài báo, tôi mới ngỡ ngàng là, té ra thế hệ này không như tôi nghĩ, mà là, như một Tổng kết về tâm lý đám đông mà, tôi đã làm cách nay hơn 3 năm về trước.

Chạnh lòng vì nhà báo Đức Hiển là một lãnh đạo trẻ của một tờ báo mà, cách đây hơn 2 năm về trước mà tôi đã từng tin tưởng và cộng tác viết bài trong một số lãnh vực và giáo dục, y tế, vì một tấm lòng với thế hệ tương lai.

Chạnh lòng vì, một lãnh đạo trẻ báo chí mà tôi đã từng tin tưởng, nhưng mất căn bản về kiến thức triết học, khi viết về vụ án Đoàn Văn Vươn trong cặp phạm trù nhân quả.

Tôi đã từng viết trên blog này, muốn nắm bắt một vấn đề thấu đáo thì phải luôn nắm chắc khái niệm của vấn đề. Và muốn tư duy thấu đáo một cách phản biện duy lý, khách quan thì phải nắm chắc triết học. Và triết học không có gì cao xa, mà lại rất gần, như ăn, thở, ngủ, nghĩ trong quá trình sống của con người.

Nhà báo Đức Hiển cho rằng, ông Đoàn Văn Vươn và gia đình ông có tội, vì đã chuẩn bị có chủ đích và cố ý gây thương tích với “người thì hành công vụ”, nên phải xử tội, dù chính quyền sai thì phải xử. Thế nhưng, nguyên nhân, động cơ gây ra để ông Đoàn và gia đình ông buộc phải tự trang bị vũ khí thô sơ để tự vệ là từ đâu đến vậy ông nhà báo trẻ?

Nguyên nhân bắt đầu từ ý đồ cố sát của ông Đoàn và gia đình ông Đoàn hay hành động của ông Đoàn và gia đình ông chỉ là hậu quả vậy nhà báo trẻ?

Tôi cho rằng, muốn làm nhà báo để “được” chức như nhà báo Đức Hiển thì ít nhất cũng phải trải qua tấm bằng đại học dưới thời Xã hội chủ nghĩa này. Trong giáo trình để tốt nghiệp đại học dưới thời này, thì môn thi bắt buộc tốt nghiệp đại học là môn “triết học Marx-Lenin”. Trong đó, phải can qua duy vật biện chứng, và chắc chắn phải học cặp phạm trù Nhân – Quả, mà các nhà theo trường phái duy vật đã đúc kết từ Phật học của Tất Đạt Đa đã nói trước Tây lịch những 624 năm!

Đó là chưa bàn đến vấn đề là, công an là để giữ an ninh trật tự quê nhà cho dân yên ổn làm ăn, nhưng công an ở Tiên Lãng lại đi đàn áp nhân dân, đúng hay sai? Và quân đội là để giữ bờ cõi đất nước trước họa ngoại xâm, nhưng quân đội huyện Tiên Lãng lại được điều động để đi đàn áp dân lành, đúng hay sai vậy ông nhà báo trẻ?

Tự do là gì, nếu không là tự do của anh không được vi phạm đến quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của tôi? Trong câu chuyện Tiên Lãng ai đã vi phạm quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của ai hỡi nhà báo trẻ?

Nhà báo không thấy rằng ngay cả những người công an và quân đội được lệnh điều đi đàn áp ông Đoàn và gia đình ông Đoàn, mà họ bị thương tích, thì họ cũng cảm thấy xấu hổ, khi lên tiếng không cần bồi thường đối với hành động mà nhà báo thay tòa để kết tội ông Đoàn đó sao?

Đã hơn 40 năm, nhưng tôi mãi nhớ lời thầy dạy năm nào, người trượng phu quân tử chỉ phù suy, không phù thịnh – tức đỡ đần người yếu thế và đúng, chứ không phò kẻ mạnh và lưu manh – không biết nhà trường Xã hội chủ nghĩa có dạy ông nhà lãnh đạo báo còn trẻ tuổi điều này không?

Tuổi đời và tuổi học của ông nhà báo chắc chắn phải sau tôi ít nhất một vài con giáp. Kiến thức ông nhà báo học chắc chắn còn mới hơn tôi có lẽ phải vài thập niên. Nhưng sao ông nhà báo lại “chóng quên” đến thế, mà lại quên một kiến thức rất cơ bản ngay cả bà bán cá, hay ông nông dân không cần học cũng rất hiểu nó rành rọt để sống có nhân cách của một con người tử tế.

Như một bài viết của tôi gần đây – Tự diễn biến – việc nhà lãnh đạo báo trẻ viết bài báo trên không giúp cho sự việc của Tiên Lãng tốt hơn, mà còn góp phần làm lòng tin của dân càng mất sạch, lòng căm thù của người dân càng tăng thêm đối với đảng cộng sản cầm quyền.

Quả thật đáng để chạnh lòng. Chạnh lòng vì một thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước. Lấy đâu ra nhân lực, trong khi chỉ thấy toàn nhân sự trong đảng cầm quyền để cho tương lai đất nước?

Tư gia, 22h26′ ngày thứ Năm, 04/4/2013

 Blog BS Hồ Hải

Nguyễn Đắc Kiên – Về những xác chết biết đi

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2013/04/05 at 14:55

 Theo blog Ba Cừu

Tôi không thấy mức án VKS đưa ra là nhẹ, dù ông Quý đã vừa khóc vừa nói, mong tòa giữ nguyên mức án VKS đã đề nghị áp dụng cho anh trai – ông Vươn, 5-6 năm tù. Nhưng tôi cũng sẽ không nhìn vào mắt các vị quan tòa để tìm kiếm tia hy vọng mong manh cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, được xử trắng án.

Những người chịu trách nhiệm phán xử trong vụ án Nọc Nạn năm xưa là những con người tự do. Ngoài mệnh lệnh chính trị của chính quyền thực dân, họ còn phải chịu sự phán xét của tòa án, một tòa án cấp cao hơn, cấp tối cao trong mỗi con người, đó là tòa án lương tâm. Đây chính là khác biệt căn bản của họ với những người đang chịu trách nhiệm phán xử vụ án Tiên Lãng, những nô lệ khoác bộ áo quan tòa.

Khi người ta không được tự do trong hành xử của mình thì họ cũng thấy mình không phải chịu trách nhiệm với những phán quyết mà họ đưa ra. Tất nhiên khi đó họ cũng không phải đối mặt với tòa án lương tâm của chính họ. Giả sử nếu có lúc nào đó họ phải đối mặt thì họ cũng tìm ngay ra một kẻ để đổ lỗi, đó là cấp trên, là lãnh đạo, là hệ thống… Rồi họ tự kết luận, họ vô tội. Họ cũng chỉ là nạn nhân.

Điều tồi tệ hơn, trong xã hội Việt Nam ngày nay, những ông quan tòa của chúng ta không phải là những kẻ hiếm hoi, lạc loài, trái lại, họ dễ dàng tìm thấy những kẻ đồng lõa với mình ở khắp mọi nơi. Đó là ông bác sỹ, anh công an, chú nhà báo, ông bạn kỹ sư, cô hàng nước gần nhà, anh xe ôm đầu ngõ… họ tìm thấy một tình trạng nô lệ, một sự sự vô trách nhiệm, vô trách nhiệm như một lẽ tất yếu, nô lệ như một lẽ tất yếu, được phổ biến khắp nơi, len lỏi đến từng ngõ ngách của cuộc sống.

Trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt, nghệ sỹ Kim Chi nhận định rằng: “Nếu người ta thả bổng cho Đoàn Văn Vươn, cho gia đình anh ta, thì điều đó sẽ thu phục được lòng dân. Còn nếu mà lấy quyền, lấy luật rừng để mà trừng trị một người lương thiện như thế, thì nhất định là tức nước thì phải vỡ bờ thôi”.

Tôi có thể phần nào đồng ý với nghệ sỹ Kim Chi ở vế thứ nhất, còn ở vế thứ hai thì chắc chắn không. Dù kết quả vụ án Đoàn Văn Vươn thế nào thì cũng không dễ gì có chuyện “tức nước vỡ bờ” trong hoàn cảnh hiện nay. Đa số người dân chỉ “tức nước vỡ bờ” khi những quyền lợi thiết thân của họ bị xâm phạm, như đầm tôm với gia đình ông Vươn, còn ngược lại, sự cảm thông với hoàn cảnh bất hạnh, hay bất bình vì oan trái cùng lắm chỉ gây nên xót xa – căm hận ở trong lòng mà thôi. Một số ít sẽ tỏ thái độ, còn đa phần sẽ làm ngơ. Và cũng như các vị quan tòa trong vụ án Đoàn Văn Vươn, những người làm ngơ sẽ có đủ lý lẽ để biện hộ cho mình.

Đó chính là điều tồi tệ nhất mà một hệ thống toàn trị có thể tạo ra. Những lầm lỗi, thậm chí là tội ác về kinh tế dễ gây bất bình, phẫn nộ cho công luận, nhưng suy cho cùng nó lại là những tội lỗi để lại ít hậu quả và dễ khắc phục. Còn những tội ác làm phá hủy tận căn để lương tri con người thì khó nhận biết hơn, gây phẫn nộ ít hơn, lại khó cứu vãn và để lại hậu quả ghê gớm hơn gấp nhiều lần. Tình trạng nô lệ, sự vô trách nhiệm được gieo rắc phổ biến nơi con người trong các chế độ toàn trị là một trong những tội ác như thế. Nó như một thứ thuốc độc ma mãnh, từng lúc từng lúc len lỏi vào tận xương cốt mỗi con người phá hủy tận gốc dễ, căn để, bòn rút toàn bộ sức mạnh sáng tạo, động lực phát triển của xã hội.

Không có chuyện “tức nước vỡ bờ”, nhưng nếu vụ án Đoàn Văn Vươn kết thúc bằng một bản án khắc nghiệt, một sự hủy hoại trong mỗi con người, niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội chắc chắn sẽ gia tăng. Khi niềm tin vào công lý, vào đạo đức xã hội bị xói mòn, con người sẽ bị đẩy sâu hơn vào các lợi ích thiết thân. Họ sẽ tìm mọi cách để tự bảo vệ mình, gia đình mình, lợi ích riêng tư của mình và không ngần ngại nếu có thể, xâm phạm vào lợi ích người khác, lợi ích xã hội. Đồng thời cũng chính những con người này, họ cũng sẽ sẵn sàng kháng cự lại bằng “luật rừng” nếu có thể với mọi sự xâm hại đến lợi ích bản thân và gia đình họ.

Những người có trách nhiệm với đất nước cần nghĩ đến những hệ quả sâu xa này. Étienne Vacherot, triết gia, chính trị gia Pháp thế kỷ 19 đã viết: “Chế độ chuyên quyền là trường học tồi tệ nhất cho nền dân chủ”. Tôi đồng ý với nhận định này. Người ta hay lấy những cuộc biểu tình, những bất ổn chính trị ở Thái Lan để chỉ trích chế độ dân chủ. Nhưng tôi thì lại thấy rằng đó là những sự “tập dượt dân chủ” không tránh khỏi và tin rằng không lâu nữa, người Thái sẽ có một chế độ dân chủ đủ trưởng thành để đưa đất nước họ vào một quỹ đạo phát triển bền vững. Sau khi viết những lời trên trong cuốn La Démocratie, năm 1859, tức là 70 năm sau cách mạng Pháp 1789, Étienne Vacherot đã bị bắt vào tù, với mức án 1 năm (sau được giảm xuống còn 3 tháng). Rõ ràng người Pháp đã chẳng được cho không nền dân chủ tự do của họ có bây giờ.

Thật nực cười khi muốn đất nước có dân chủ tự do mà lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo gọi là “mất ổn định”. Với cá nhân mỗi con người, tôi không thấy những người lúc nào cũng chỉ chăm chăm một cuộc sống bình yên có thể làm được điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời của họ.

Xin hãy nghe lại lời Patrick Henry, lãnh tụ Cách mạng Mỹ, phát biểu ngày 23/3/1775: “Liệu có phải cuộc sống quá đáng yêu và hòa bình quá ngọt ngào tới mức phải mua bằng xiềng xích và nô lệ không? Ơn chúa tối cao, hãy đừng bao giờ như vậy. Tôi không biết những người khác sẽ chọn con đường nào. Nhưng với tôi, hãy cho tôi tự do hay là chết”

Nguyễn Đắc Kiên

 

Tháng Tư oan trái

In Chính trị (Politics), Việt Nam on 2013/04/05 at 14:52

Tháng Tư tôi khóc với anh Vươn, tôi khóc cho anh Vươn, tôi khóc cho các đứa con anh Vươn, tôi khóc cho vợ anh Vươn, tôi khóc cho dân oan mất đất mất nhà, tôi khóc cho những người lam lũ oằn lưng thân còi  lây lất dưới chế độ nội-thực-dân cộng sản.

Tháng Tư tôi khóc cho những người phải bỏ nước ra đi, lướt sóng vượt đại dương, bao kẻ mất bấy người còn, đi tìm tự do, sống đời hạnh phúc.

Tháng Tư tôi khóc cho anh Vươn, ngọn đầu Tiên Lãng, lập đê đắp kè, chắn sóng đẩy lũ, vượt bao thử thách, con mất thân tàn chống trả quân “ác với dân, hèn với giặc” nội-thực-dân cộng sản.

Tháng Tư tôi cúi đầu tưởng niệm cho những vong linh oan khiên ngày cũ.

Tháng Tư tôi mắt trừng phẫn nộ cho bao mảnh đời đày đọa hôm nay.

Tháng Tư tôi hổ ngươi là con nước Việt chưa học làm người, cam phận nô đày.

Bút Gà (chấp bút) Đinh Thế Huynh gởi ban tuyên giáo Tiên Lãng_HP

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/02/09 at 18:31

Tớ, Bút Gà, chấp bút cho (thủ) anh Đinh Thế Huynh của bộ hầu đồng (BCT) bình vôi[1] đảng CSVN, gởi lời phán của bà đến ban tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng và TP Hải Phòng. Những tưởng lời bà phán trước Tết đã đủ cho các cậu hiểu nhưng sao các cậu đần thế. Các cậu chắc hẳn là lũ đần ông nên bà lại phải cho uống nước “thánh” (vật) vậy.

Trước nhất bà hỏi có phải thằng Đại (tá) Ca này ăn phải ka ka hay vui vẻ úp mặt vào cái lá đa nên phát ngôn ô uế thối um cả đền bà. Bà nói là phải để cái thằng này thánh vật mới chừa tật. Vừa chưa hết cái họa mồm[2] hôm nọ nay lại văng miệng (miểng). Thế này thì đến chết thôi.

Ối giời ơi, cái thằng thánh vật mà không chết này thì bà phải vời cô hồn các đảng làm thịt mày mới được! Mày hại bà rồi! Làm sao mày lại nói nhà của Vươn là chòi. Thế thì chết bà rồi! Bao nhiêu năm qua các anh mày thu hồi đất đai, lấy đất, lấy ruộng, đào mồ xới mả nhân dân bị kiện cáo đầy trước cửa phủ bà. Giờ nếu nhỡ bọn mất đất, mất ruộng, mồ mả ông bà ấy chúng chỉ xin bồi thường theo tiêu chuẩn lượng giá “cái chòi anh Vươn” thì các anh mày phải chết giở thôi!


Bà đã cảnh báo anh Huynh nhà mình chớ khinh suất để mất chủ động. Cần phải biến hóa mọi việc từ thủ sang công, đổi công thành tội, bóc tách đổ lên đầu anh em nhà Lê văn Hiền, Lê văn Liêm. Đứa nào dại đỡ đòn bao che thì ta đem làm dê tế thần luôn thể. Tuyệt đối cô lập ranh đe “thuần hóa” anh em nhà họ Đoàn với con ngáo ộp “thế lực thù địch” là chúng tịt ngòi ngay thôi nhé.

Bà nói thế đấy. Nghe thấu chửa? Đã qua Tết, xong chuyện khánh tiết đón tiếp lính anh, lính chị địa phương về thăm viếng gởi phong bì chúc Tết anh Huynh, nên Bút Gà tớ đây mới có tí thì giờ ngoáy hũ cáy chấm bút (mút) chút đỉnh. Các cậu biết là anh Huynh đã giao ban báo chí đầu năm[3] vào cuộc định hướng đỡ đòn. Anh giao cho 6 nhiệm vụ, tất cả tập trung vào “tuyên truyền” cho cái bình vôi (BCT) của bà. Anh gởi lời của bà trước nhất là tập trung tuyên truyền kỷ niệm ngày mở phủ (3/2), học tập và làm theo gương đạo đức/đ. (tên đệ tử con cầu tự) Hồ Chí Minh.

Đồng thời anh Huynh đã gài khung “Hành vi chống người thi hành công vụ” rồi đấy. Anh Ba Dũng (a hèm, đại biểu quốc hội của tỉnh cảng Hải Phòng) cũng đồng điệu góp lời trong công điện số 57 yêu cầu “Xử lý nghiêm trường hợp chống đối người thi hành công vụ”. Cứ quán triệt, nhất trí như thế mà làm. “Việc báo chí đưa tin, phân tích đa chiều vụ cưỡng chế” cũng chỉ là đánh bùn sang ao trong hệ thống luật lệ (lệnh)[4] nhà nước đảng ta.

Anh Huynh nhà mình cũng đã điện về cậu Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, triệu cuộc mít tinh quán triệt thời sự tại Đảng bộ thị trấn Tiên Lãng. Toàn thể đảng viên Huyện Tiên Lãng “thống nhất về mặt tư tưởng”, “giữ vững lập trường” là “ông Vươn … đã chọn giải pháp chống người thi hành công vụ là vi phạm cực kỳ nghiêm trọng về luật pháp”. Việc cưỡng chế, thu hồi đất về cho bà là chuyện thường ngày ở huyện, như chuyện cái đêm hôm ấy đêm gì[5]. Bà khoán đất cho chúng thì bà đòi lại thế thôi. Không thể để vụ tay Vươn này trở thành một tiền lệ trong “nhà nước pháp quyền” chuyên chính đảng ta.

Anh Huynh cũng từng nhắc đi nhắc lời phán của bà để các cậu thấu triệt thế này. Cái câm lặng cần thiết cho việc trị dân. Đừng để cho “cây tỏi nổi giận”[6] và chước sách hữu hiệu là bịt miệng nạn nhân. Thế chứ lị. Ta đã bịt miệng nạn nhân tập thể rồi đấy. Bằng cách cho chúng tự do tha hồ gởi khiếu kiện tới đủ cơ quan ban ngành và địa phương, cho báo chí lề phải tha hồ báo cáo tường thuật, cho cụ Lê Đức Anh ngay lập tức ra mặt la làng la xóm là các cậu Tiên Lãng làm quấy. Từ Huyện tới Tỉnh, từ Thành phố đến Trung ương, từ Mặt Trận đến Quốc hội theo kiểu đèn cù hội chứng Lục Vân Tiên[7]. Cụ Hiền Đức với núi hồ sơ dân oan khiếu kiện cầm đèn chạy trước nhưng ô tô Thanh tra nhà nước cứ phanh trước nhà hàng Long Đình nhận tí trà nước thì đã sao nào. Ta đã bịt (miệng) nòng súng hoa cải trao (tráo) anh Vươn cái loe đài “Em sẽ khai thành khẩn, em nhận thức việc đó là sai” và “Đảng và nhà nước khoan hồng cho em và người thân của em.” thế là xong.

Bà cảnh cáo rằng thì là dù tiếng súng hoa cải lẹt đẹt nhưng âm vang và đồng hưởng rất to vì số dân oan vô vàn khắp nơi trên toàn cõi đất nước[8]. Khi ấy ta phải cần những phèng la, trống ếch, chuông mõ ồn ào nhiễu động để át tai và đánh lạc hướng.

Phương pháp đánh lạc hướng một cách chủ động là tổ chức “tuyên truyền về các lễ hội” nhất một. Đây là một trong 6 nhiệm vụ hàng đầu của báo chí. Đấy là việc có lợi vô vàn. Tất cả những gì về truyền thống, dân tộc sẽ được gán ép, gắn liền với đảng và nhà nước ta. Cùng lúc ta tạo dựng được cái bình phong xã hội hạnh phúc, vui chơi trong chốc lát để chẳng ma nào để ý đến những khổ đau, xấu xa, bất cập diễn ra trước mắt ngày ngày. Và hơn hết ta lôi kéo, mê hoặc, mị dân hao mòn năng lực vào cái đình đám, vô hình (ăn mày dĩ vãng theo Bà) và quên nhãng đấu tranh cho công bằng xã hội trong hiện thực.

Phương pháp đánh lạc hướng khác cũng không kém phần rôm rả, có vẻ như “ngẫu hứng qua cầu” là (phản) phản biện[9] của giới trí thức/trí ngu/trí ngủ, trùm chăn/bó chiếu/giăng mùng. Ta kích cho chúng thỏa thê gây sóng gió với cơn bão trong tách trà[10] (he he he, cái này phải cần Bổ đề toán mới giải ra hết) cho đến khi chén nước nguội dần thì ta nốc cạn.

Ta mặc cho chúng trăn (chăn) trở để lương tâm lâu lâu được giũ bụi, phơi nắng khỏi bị mốc meo mắc bệnh hắc lào. Đám “nói và làm” như Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, anh Ba SG, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Huy Thức, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng, Đoàn Văn Vươn dám thách thức bà thì đã được giải quyết nhanh chóng rồi. Còn các cụ/cựu, nguyên/ngơ, nghị/nghễnh xôi oản một (nhất) thời, phát ngôn (ngông) nhiễu động cũng rất cần thiết cho cái “dân chủ đầu mưng mủ” đảng ta.

Ta để cho các cậu (chậu) kiểng Mặt Trận vờ vịt (mờ mịt) hoắng lên “Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại.[11] Những đảng viên la toáng “xấu hổ” vẫn ôm bình bát (bình vôi) khất thực cửa đền. Bà đẻ đứa con hoang Mặt Trận để ôm tráp cho bà thì đố (bố) nó bảo vệ cho ai đấy! Các cậu ấy biết tỏng tòng tong rằng-thì-là các anh nhà mình đã be bờ thì ngọn đầu sóng vũ bão lẻ loi cũng là chuyện nhỏ như con thỏ. Có mà cả ngàn con sóng nhỏ cùng dồn dập không ngừng thì các anh mày mới kệch. Ối dào, anh Ba phù phép “quả đấm thép” Vinashin tái cấu trúc thành “bột bánh bao” tha hồ rút/đút ống mà có thấy thằng nào ló mặt “hành động để phản ứng lại” đâu.

Bà sai tớ phải luôn nhắc nhở nhân dân quán triệt “chân lý” bà là chủ đất (nước) từ cái thời cướp chính quyền. Đó là một “khách quan lịch sử” và “ơn đảng, ơn chính phủ” đời đời phải tạc ghi chứ lị. Sở hữu toàn dân có nghĩa là dân chỉ toàn có tiếng còn bà thì được trọn nguyên miếng. Đứa nào nói bà cướp đất[12] là mắc tội phỉ báng và đáng đi nằm nhà đá. “Sở hữu toàn dân” là đỉnh cao trí tuệ của đảng (cướp) ta nằm ở đuôi của cái gọi là kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chừng nào mà nông dân vẫn tự nguyện làm “nhân dân” khoán hộ đất bà và khối công nhân, người dân thành thị luôn xin xỏ cầm sổ đỏ thì vận của bà vẫn thông hanh.

Năm nay là năm con rồng. Rồng đất/nước cỡi đầu ngọn sóng (Tiên Lãng) khó mà thuần hóa được. Bà thuộc cõi âm, lại khắc tinh con rồng nên mệnh yểu và cần lính anh, lính chị các cậu hết lòng bảo vệ. Các cậu sểnh vụ này bể bình vôi thì mất lộc, hết thóc đi ăn mày đấy.

Bút Gà


[6] Cây Tỏi Nổi Giận, tiểu thuyết của Mạc Ngôn

[7]Vân Tiên cõng mẹ chạy vô, đụng phải Thanh tra cõng mẹ chạy ra.
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, gặp ma Ba Đình cõng mẹ chạy vô.”


Chuỗi bài:


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ]

 

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/02/09 at 16:15

 

Người Buôn Gió

Theo blog Người Buôn Gió

Năm Tân Mão. Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66, đời Vệ Kính Vương thứ nhất.

Năm đó loạn khắp nơi. Mùa hè đến suốt mùa thu năm Tân Mão dân sĩ kinh thành tụ họp phản đối chuyện Tề chiếm lãnh hải, việc đó kéo dài đến mấy tháng. Sau này triều đình mới tóm người nổi bật trong đám ấy là một nữ nhi, tống vào trại giáo dục như trại tù. Chuyện đó mới tạm yên.

Từ khi con cháu của khai quốc công thần là Cù tiến sĩ bị đưa ra xét xử vì tội mưu phản triều đình. Nước Vệ càng rối ren hơn. Ngay sau khi xử, triều đình tầm nã ráo riết, bủa lưới khắp nơi bắt thêm vài chục mống thanh niên với tội mưu phản, đến đầu năm sau lại bắt thêm nhóm khác ở phía Nam thuộc phái Công Luận Công Án đến cả chục người cũng tội mưu phản.

Bấy giờ ở đất Lãng ven biển, có người họ Đoàn thi đỗ cử nhân không làm quan bỏ về quê ra công lấn biển, đắp đê, quai đập ròng ra mười mấy năm trời. Cơ nghiệp cha ông để lại cùng mưu sức dồn cả vào đó. Lập nên một trang trại mênh mông, dân trong vùng nương nhờ con đập mà ổn định sự sống. Tưởng đâu đời sống thái bình, chí thú làm ăn đến lúc tuổi già.

Ngày nọ quan anh đất Lãng là Lê Liêm Khiết cùng quan em là Lê Hiền Lành đi tuần thú, thấy đất đai của Đoàn màu mỡ, thẳng cánh cò bay. Quan anh mới hỏi quan em rằng.

Ơ! đất đâu ra mà ngon thế nhỉ?

Quan em thưa.

Đất này do Đoàn cử nhân, lấn biển mà có. Nay họ Đoàn đang sử dụng.

Quan anh.

Thế tên Đoàn cử nhân ấy sống có biết lẽ trời không?

Quan em.

Tên họ Đoàn ấy ỷ công sức lấn biển, coi thường quan sở tại, hàng năm không có cống nạp gì. Gặp quan lại trong quán chỉ dương mắt mà nhìn. Thật vô lễ. Lẽ đời còn chưa biết, nói chi là lẽ trời.

Quan anh nói.

Nhà Sản chúng ta thay trời hành đạo, cai trị đất nước này đã mấy chục năm. Bốn cõi phẳng lặng, yên bình, ấy là do chúng ta hành đạo sâu sát, khiến dân chúng ý thức được bổn phận con đen. Anh em chúng ta là quan nhà Sản tức là vâng mệnh trời mà hành đạo. Sao để có đứa vô lễ như vậy. Nếu không làm cho ra nhẽ, đứa khác a dua theo, chúng ta còn mặt mũi nào mà cầm thẻ ngà nhà Sản mà hành đạo nữa. Mau ra lệnh thu hồi gấp để giao đứa nào biết lễ nghi sử dụng.

Thế rồi kẻ nách thước, người tay đao, súng ống tề tựu dưới sự chỉ huy của anh em nhà quan sở tại họ Lê, ngày nọ dẫn cả đám kéo đến trang trại nhà họ Đoàn thu hồi đất. Họ Đoàn thấy đám nọ xâm phạm đất nhà mình,từ xa bèn lấy súng đạn ghém bắn dọa chơi một cái. Khiến quan quân sợ vỡ mật, ôm đầu mà chạy. La đến tận hàng tổng, khiến quan tổng binh thành Hoa Cải là Đậu Ka phải vận dụng hết binh pháp, sáng tạo thêm lối đánh tài tình. Trên bến, dười thuyền, thủy bộ toàn dùng quân đặc nhiệm nhịp nhàng tác chiến do Ka trực tiếp chỉ huy. Đến nơi khai hỏa, khói súng mịt mù trời đất, rồi xông vào thì chả còn ai. Quan sở tại họ Lê nhân lúc đó bèn cho người bắt chó, bắt cá, đập phá nhà cửa khiến cơ ngơi mấy mươi năm họ Đoàn thành bình địa, vườn không nhà trống. Triệt luôn tang tích, dấu ấn của họ Đoàn.

Họ Đoàn ra đầu thú, quan tổng binh trấn Hoa Cải là Đậu Ka bắt cả họ vào ngục, sau thả vài mống đàn bà về. Anh em nhà họ Đoàn bị giam vào ngục vì tội có ý giết quân triều đình. Tiếng tăm vụ án này bay khắp nước, nhân sĩ, quan văn, lão thành, cựu chiến binh nghe thấy đều bất bình với hành động của quan sở tại đất Lãng làm đơn khiếu nại, rồi bàn tán bất bình.

Vua tôi nhà Sản họp cả tháng trời không biết quyết sao. Lúc đang phân vân, dằng co tính định thì lão khai quốc công thần mới sốt ruột gửi tờ hối thúc. Tờ đó ý rằng cả năm nay nhà Sản bắt bao người dân thường, trí sĩ với tội mưu phản, khiến lòng dân đã hồ nghi sao lắm người làm phản thế. Nay lại chính quan lại nhà Sản cũng gây phức tạp thêm, nếu không quyết xử thì người ta lại đổ tại là vì quan lại ác bá mà dân làm phản.

Triều đình nhà Sản nghe thấy cao kiến, bèn quyết định bãi chức anh em nhà họ Lê đất Tiên Lãng. Việc rành rành cả tháng trời mới quyết xong, bàn đi tính lại mãi. Ấy cũng bởi cách làm phân vân giữa luật và lệ. Phàm khi dân phạm luật thì có án ngay, quan lại phạm luật dùng dằng để cả năm chưa xong. Vụ xứ Lãng nhờ dư luận gay gắt thế mà cũng phải mất tháng trời.

Thế mới biết, nhà Sản hành đạo thì hay, nhưng hành pháp vẫn còn lúng túng lắm.

 

Cùng tác giả:

Người Buôn Gió – Tái cơ cấu thần chưởng

Người Buôn Gió – Đêm dài biên ải

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

Người Buôn Gió – Hóa ra đều ăn cắp hết

Người Buôn Gió – Đi tù và đi cải tạo

Người Buôn Gió – Con trâu của ai?

Người Buôn Gió – Hà Nội trong mắt ai

Loạt bài Đại Vệ Chí Dị:

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị – Mọi sự quái đản đều là do… thế lực thù địch

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị: Cứ đổ cho thế lực thù địch xúi dục là OK!

Phó thường dân (14): Mèo – thỏ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Thế giới, Việt Nam on 2012/01/20 at 11:36

 
Còn hai ngày nữa là tới Tết nhưng chẳng thấy hơi hướng mùa Xuân đâu ở cao nguyên tình xanh vùng Tây bắc Hoa-kỳ này. Dự báo thời tiết cho mùa đông lạnh cóng (hiệu ứng niña) năm nay làm ai cũng phải cười khỉnh vì qua lễ Tạ ơn và Noel nhưng chẳng thấy tuyết đâu. Đùng một cái. Trời đổ tuyết liên tục không dứt vào mấy ngày cận Tết. Trường học, công sở thì đóng cửa. Chẳng ma nào dám lái xe trên đường phố đang đóng băng dầy trơn trợt. Phó thường dân cũng đành ru rú ở trong nhà. Muốn phát sốt (cabin fever)!

Thấy tuyết đổ nhiều chẳng ưa gì nhưng trong lòng phó thường dân tui cũng một phát thở phào mừng thầm. Chỉ gần hai tháng trước phó thường dân đã thay cái mái nhà lợp gỗ tuyết tùng (cedar shake) đã cũ kỷ, cong chênh và chớm mục bằng lớp mái loại tổng hợp (composite shake). Bây giờ thì yên tâm ăn Tết chẳng phải âu lo thấp thỏm nơm nớp sợ nhà bị dột.

“Vô tư” nên phó thường dân tui ngô nghê ngoảnh lại năm mèo đang đỏng đảnh bước qua trước mặt. Chợt nhận ra con mèo (Việt Nam) thì khác xa với con thỏ (Trung Quốc) trong số 12 con giáp à nha.

Theo sinh vật học và chủng loại thì mèo, cọp (tiger, cougar), beo, báo, sơn miêu (lynx) và cả sư tử cũng đều nằm trong họ nhà mèo (cat). Hóa ra chú mèo ta tuy nhỏ nhưng được lấy tên làm cả họ mèo. Tuy ở ta thì mèo được gọi là tiểu hổ (theo TQ?) nhưng ở Tây thì cọp, beo, và ngay cả sư tử lại được ví chung/gọn là mèo lớn (big cat).

Thỏ thì chắc ai cũng biết rồi, nhát như thỏ. Thỏ được mỗi biệt tài là chạy nhanh nhưng vốn ỷ y, nhởn nhơ nên tới đích còn sau cả con rùa. Còn mèo thì có tính độc lập, tự chủ, không dễ bị sai khiến, không theo bầy đàn. Nói theo người Mỹ, trong thành ngữ “việc khó như chăn mèo” (It’s like herding cats) là đủ phô trương trích dụng bản tính độc lập của loài mèo.

Những ngày cuối năm Mão này khi phó thường dân ngó lại cũng thấy y chang nhiều sự kiện biến chuyển dạng theo tính khí của con mèo hơn là con thỏ.

Trước hết phải kể đến những biến động lịch sử trên thế giới vào đầu năm như Cách mạng hoa nhài, mùa Xuân Ả-rập ở Tunisia, Ai-cập, Libya, và láng giềng Miến Điện. Các diễn biến này hiện lộ mồn một đầy tính “mèo”: độc lập, tự chủ. Người dân ở các nước độc tài kể trên không còn chịu sống trong áp bức, thiếu tự do mãi. Họ quyết định vùng lên để giành sống đời tự chủ bất chấp hiểm nguy chưa đo lường trước được.

Riêng tại Việt Nam ta thì người dân dù biết mình thấp cổ bé miệng chỉ là con giun, cái kiến trong một thể chế độc tài nhưng cũng đã mức mực thể hiện lòng dạ can đảm. Họ quá bức xúc trước các hành vi bá quyền Trung Quốc xâm lấm biển Đông, bách hại ngư dân đã xuống đường hàng loạt vào mùa hè để biểu tình phản đối chính quyền TQ. Khẩu hiệu Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam đã được trương cao và tung hô công khai trên đường phố Sài Gòn và Hà Nội. Người biểu tình kiên quyết lên tiếng hơn 11 lần bất chấp đàn áp, cưỡng chế, hành hung, giam cầm của nhà cầm quyền đảng CSVN. Họ phản kháng dù biết mối đe dọa tù đày[1]. Vì chỉ có những con bò thì mới chịu bị “chăn dắt” chứ mèo cũng không chịu, nói chi là con người[2].

Đảo mắt dần tới cái tháng cuối năm con mèo này thì có ai không biết tới biến cố sôi sục Đoàn văn Vươn[3] chống trả lực lượng cưỡng chế của quan/quân huyện Tiến Lãng. Những người dân lành chỉ biết cặm cụi lo làm lụng kiếm ăn một khi bị dồn vào chốn đường cùng cũng không thể làm gì khác hơn là vùng dậy dù rằng họ đã bị “tuyên huấn”, “định hướng”, “chỉ đạo” khá thuần (Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng trong khẩu khí khinh bôi “Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế[4]). Họ vươn lên như “những con giun xéo mãi cũng quằn” kháng cự lại một thể chế với guồng máy và hệ thống đầy tính bạo động. Làm sao mà buông xuôi, không chống trả cái tập đoàn tội phạm cơ “cấu” trong đảng CSVN nối kết, giật dây xã hội đen cướp của, cướp đất mà họ đã gầy dựng bằng mồ hôi và máu thịt cho được?  Những chuyện động trời ở Tiên Lãng[5] bị lộ hàng này phải chăng chỉ là mảng băng nổi của bao chuyện thường ngày ở huyện.

À mà chút xíu nữa là quên vì bực giận. Phó thường dân nãy giờ chỉ nói về mèo mà hổng nhắc gì tới thỏ thì thiệt là không công bằng. Các chuyển động rần rần hàng ngày ở bộ sậu (BCT) đảng CSVN có khác gì hiện tượng “thỏ” với hành xử nhút nhát, luồn cúi, khiếp nhược với Trung Quốc. Những thỏ thò thụt, thin thít với “tàu lạ” mà người dân nhận rõ bản chất của họ là “Hèn với giặc ác với dân”[6]. Những kẻ mà Hoàng Sa-Trường Sa, bô-xít Tây nguyên, khoán hộ trăm năm rừng đầu nguồn, tham nhũng PMU, Vinashin, chứng khoán đứt phanh[7], doanh nghiệp phá sản cùng với lạm phát[8] và giá cả tăng phi mã tất tật đều là “chuyện nhỏ như con thỏ”.

Phó thường dân nói đến đây chợt nhớ một chuyện nhỏ như con thỏ khác ở nước Mẽo này xin kể bà con nghe chơi nha. Đó là chuyện triệu hồi chức vụ (recall election) các viên chức nhà nước dù được dân cử trước đó nhưng nay cử tri không còn tín nhiệm mặc dù nhiệm kỳ chưa quá đát. Điều kiện thực hiện tiến trình triệu hồi này khác nhau tùy theo địa phương nhưng thể thức chung tương đối đơn giản. Chỉ cần thu thập đủ mức số chữ ký của cử tri trong địa hạt bầu cử (Thống đốc và dân biểu tiểu bang, Thị trưởng và Nghị viên thành phố, v.v…) là có được sự thay đổi. Nghĩa là chuyện nhỏ như con thỏ.

Một ví dụ điển hình nhất là vụ triệu hồi chức vụ Thống đốc Tiểu bang Wisconsin, ông Scott Walker. Nguyên nhân chỉ vì ông ta thông qua đạo luật hủy bỏ quyền thương lượng tập thể (collective bargaining rights) của nhân viên nhà nước (public employees). Các hiệp hội lao động cùng với dân chúng, cử tri ở Wisconsin kết hợp tổ chức cuộc triệu hồi. Họ vận động qua truyền thanh, truyền hình, các trang mạng và facebook[9] với kết quả là đã thu thập trên 1 triệu chữ ký, gần gấp đôi con số đòi hỏi cần thiết. (Nghĩ tới đây lại nhớ và thương ba em Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tranh đấu cho người lao động mà phải bị tù đày khổ sai đang bị hành hạ từng ngày.)

Riêng trong năm 2011 đã có 150 cuộc triệu hồi chức vụ ở Hoa-kỳ, kết quả là một nửa số 75 dân cử bị truất chức và 9 vị khác từ chức (cho đỡ mất mặt) trước mối đe dọa bị triệu hồi[10]. Cơ chế bầu cử dân chủ và pháp luật ở xứ tự do thì như thế chứ còn ở đất nước độc tài, độc đảng của Đảng CSVN thì dù dân chúng có chán ngán, bất tín nhiệm muốn truất phế thì cũng đành bótay.com. Chỉ có những quả bom Đoàn Văn Vươn[11] đầu ngọn sóng nổ tung mới đổ sập được bức tường nhà tù nô lệ.

Hồn thiêng ngàn năm Thăng Long vẫn còn trên đất Việt. Lòng dân Việt Nam đang trong vận hội mới muốn khai phóng vươn dậy tháo gỡ gông cùm độc tài chuyên chế.
 
© 2012 Vietsoul:21
 
[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi (2) Nôị-thực-dân (3) Sợ (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông (5) Con dân – con cá – cò mồi (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng (7) (Vô) Hậu  (8) Gió mưa là chuyện của trời …  (9) Vô liêm sỉ – man rợ (10) Phế-anh-hùng (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta …  (15) phố vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ (17) Nín thở qua cầu (18) Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần (19) Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm]


[10] Recall Election, wikipedia