vietsoul21

Posts Tagged ‘phản biện’

BS Ngọc – Trí nô ký sinh

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam, Văn Hóa on 2013/03/16 at 13:54

BS Ngọc

Nhờ có chuyện góp ý cho Hiến pháp 1992 chúng ta mới nhìn rõ hơn trình độ của các giáo sư, tiến sĩ như thế nào. Nói thẳng cho dễ hiểu: dốt. Dốt đến mức khó tưởng tượng nổi. Nhưng tại sao họ dốt như thế? Tôi cho rằng vì nền giáo dục tồi. Chỉ có một nền giáo dục tồi mới sản xuất ra những con người vừa dốt vừa trơ tráo như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua.

Chúng ta đã thấy qua “Bên thắng cuộc” của Huy Đức các chính khách Việt Nam dốt như thế nào. Nhưng phải đợi đến vụ góp ý cho Hiến pháp chúng ta mới thưởng lãm được sự dốt nát của thành phần giáo sư, tiến sĩ, tướng tá. Cái dốt của họ được bộc lộ qua những lập luận ấu trĩ, những lý giải nguỵ biện, và những quan điểm mang tính xu nịnh. Xu nịnh rất trắng trợn. Tôi gọi họ là những “trí nô ký sinh”. Tức là những kẻ có chút học thức nhưng là thứ học thức nô lệ. Họ là ký sinh vì phải sống bám vào một thứ chủ nghĩa đã bị cả thế giới ruồng bỏ và lên án.

Nhưng để biết loại trí nô ký sinh này ra sao, chúng ta cũng cần phải biết họ nói những gì. Bối cảnh của câu chuyện là bản dự thảo Hiến Pháp. Hai điểm mấu chốt trong bản dự thảo và vai trò của Đảng CSVN và quân đội. Điều 4 Hiến Pháp ghi là Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Bản dự thảo Hiến Pháp còn ghi thêm rằng quân đội phải trung thành với Đảng CSVN.

Một nhóm nhân sĩ trí thức đưa ra một bản dự thảo khác, mang tính phản biện. Bản dự thảo của nhóm nhân sĩ được hàng ngàn người đủ thành phần xã hội ký tên ủng hộ. Sự ủng hộ của người dân làm cho những người cầm quyền thấy lo ngại. Những lãnh đạo cao cấp nhất lên tivi tố cáo những người góp ý là “cơ hội”, là “thế lực thù địch”. Thật ra, đó là những phát biểu được sao chép từ sách của Trung Quốc mà Việt Nam đã chuyển ngữ. Đó là những luận điệu Trung Quốc đã dùng 20 năm trước đây. Có thể nói rằng các lãnh đạo ta chẳng có sáng kiến gì mà chỉ lập lại những gì Trung Quốc sáng chế ra. Có thể xem đó là một sự rập khuôn tư tưởng.

Nhà nước lo ngại còn vì lý do khác. Bởi vì khi so sánh hai bản dự thảo, bất cứ ai có chút lương tri cũng có thể nhận ra sự kém cỏi của nhóm soạn thảo ăn lương Nhà nước. Thật ra, phải nói là quá kém cỏi. Kém cỏi từ cách sử dụng từ đến tính hợp lý. Thế là Nhà nước huy động một lực lượng giáo sư, tiến sĩ, tướng tá ra quân phản biện lại những phản biện.

Thế là chúng ta chứng kiến một cảnh phản phản biện.

Khởi đầu là một nhà văn, trung tá, phó giáo sư, tiến sĩ tên là Nguyễn Thanh Tú đăng đàn phát biểu. Ông lý giải rằng “việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh” và ông hồn nhiên kết luận rằng bỏ điều 4 Hiến Pháp là đồng nghĩa với “đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc!

Chỉ tiếc một điều là ông nhà văn – trung tá – phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú không thuộc sử. Dân tộc Việt đã tồn tại trên 2000 năm nay mà có cần đến Đảng CSVN đâu. Dân tộc Nga và các dân tộc Đông Âu có bị diệt vong khi đảng cộng sản ở những nước đó bị truất phế?

Phải nói ngay rằng chính sự thống trị của Đảng CSVN đã dẫn đất nước này và dân tộc này đến bờ nguy cơ mất căn cước tính. Đảng CSVN đã du nhập một chủ nghĩa ngoại lai và dựng nên một chế độ công an trị để phá nát nền văn hoá dân tộc. Chính Đảng CSVN đã ký công hàm dâng đảo cho Trung Cộng. Chính Đảng CSVN đã để mất đất trên vùng biên giới phía Bắc. Chính Đảng CSVN đã cho bọn Tàu cộng vào quậy phá đất nước này. Đến đây thì chúng ta đã thấy ông nhà văn – trung tá – phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú dốt như thế nào.

Tiếp theo lập luận của Nguyễn Thanh Tú là “GSTS” Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Tôi phải để GSTS trong ngoặc kép vì tôi nghĩ trình độ lý luận của ông này chưa qua khỏi tú tài. Ông Hoàng Chí Bảo nói: “Tuy nhiên, Đảng với nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phương hại đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Vì bảo vệ dân mà phải hiến định nó”. Tôi phải thốt lên: wow! Ông lập luận theo kiểu tam đoạn luận:

  • A với B là một,
  • A với C là một,
  • Bỏ A tức là bỏ B và C,
  • Bảo vệ B và C thì phải bảo vệ A.

Vấn đề ở đây là ông đã sai be bét ngay từ định đề đầu tiên. Đảng CSVN với người dân Việt Nam không phải là một, không thống nhất được. Đảng CSVN chỉ có 3 triệu người, nhưng Việt Nam có đến 91 triệu dân. Đảng CSVN cướp chính quyền, chứ người dân đâu có bầu cho Đảng. Nếu ông thành thật tin rằng Đảng CSVN thật sự được sự ủng hộ của người dân, thì tại sao không cho người dân tự do lập đảng và tranh cử nghiêm minh?

Đến lượt ông Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu thì chúng ta mới thấy sự thảm hại của tư duy. Ông vẫn khẳng định điều 4 trong Hiến pháp là “yêu cầu tất yếu của lịch sử đương đại Việt Nam”, nhưng đề nghị viết lại cho … hay hơn. Hay như thế nào? Ông muốn sửa thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong đồng thời là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động, lãnh đạo đất nước dựa trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức”. Nếu các bạn hiểu được ý của ông này tôi nghĩ các bạn không thành thật. Đây là kiểu nói của một con vẹt. Con vẹt nói chỉ nói chứ nó không hiểu nó nói gì.

Thật ra, đây là một sự đạo văn. Câu “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động” là lấy từ trong tài liệu của Đại hội Đảng lần thứ 7.

Nhưng đó là một kiểu nói nhập nhằng. Đã đại diện mà còn đội tiên phong? Lãnh đạo dựa trên “nền tảng liên minh công nhân, nông dân, và đội ngũ trí thức” là cái gì? Cái chủ nghĩa Mác-Lênin đó đã bị cả thế giới ghê tởm và phỉ nhổ. Chính đất nước khai sinh ra cái chủ nghĩa đó cũng đã vứt nó vào thùng rác. Thật ra, cái chủ nghĩa gọi là Mác-Lê đó không có thật, nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của tên đồ tể Stalin để triệt hạ những ai chống đối hay tranh giành quyền lực với hắn. Nay các đồ đệ của Stalin ở Việt Nam lại làm sống cái chủ nghĩa đó để trấn áp người dân Việt. Thật là trớ trêu!

Ông Hồ Chí Minh không hề có tư tưởng gì cả. Chính ông nói như thế. Xin trích một đoạn trong hồi ký của ông Nguyễn Văn Trấn như sau:

“Trong tư cách Tổ trưởng Đại biểu Đảng CSVN năm 1951, lúc ấy vừa tái công khai dưới cái tên Đảng Lao động VN, ông đã gặp ông HCM. Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trcạh Đông làm kim chỉ đạo cho Đảng ta. Nhưng anh em giao là nói trong tổ cho nhau nghe thôi chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng nói ở đây một điều như vậy, trong quan hệ quốc tế này thì ngậm miệng đừng nói là hơn.

HCM nhắm hí mặt như Stalin khi gặp vấn đề khó nghĩ, vì tìm chữ. Tôi thưa tiếp: ‘Có đồng chí nói hay là ta viết ‘tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh’ có phải hay không!’

Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp cấp kỳ: ‘Không, tôi không có tư tưởng gì khác ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin. […] Chớ còn tư tuởng là quan niệm về vũ trụ, về thế giới xã hội con người thì tôi là học trò của Mác, Anghen, Lê-nin, chớ làm gì tôi có tư tưởng ngoài triết học Mác”.

Đấy, chính ông cụ Hồ nói ông không có tư tưởng gì cả. Ông chỉ là học trò của mấy ông râu xồm kia mà thôi. Mà chưa chắc là học trò giỏi vì tiếng Pháp của ông còn khá hạn chế, như có lần được biểu hiện qua một bài phỏng vấn (www.youtube.com/watch?v=LsNJ28qM0vU). Những bài viết và phát biểu của ông có thể nói là nhỏ nhặt, linh tinh, có khi chẳng đâu vào đâu. Cách ông trả lời cũng có khi khá buồn cười. Ví dụ như khi được hỏi thế nào là dân chủ tập trung, ông nói một cách hồn nhiên: “Như các cô, các chú có đồ đạc tài sản gì đó thì các cô chú là chủ, đó là dân chủ. Các cô chú không biết giữ, tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khóa lại, bỏ chìa khoá vào túi tôi đây. Đó là dân chủ tập trung”! Một tư tưởng gia mà lý luận ngô nghê như thế hay sao? Ấy thế mà các đàn em của ông lại gán ghép và nâng tầm những câu nói của ông thành “tư tưởng”! Tất cả chỉ là một sự giả tạo.

Nếu xem những giáo huấn của ông là tư tưởng và đáng học tập thì tại sao không làm theo câu sau đây:“Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Chính phủ hiện nay đã làm cho người dân hết đau khổ này đến đau khổ khác. Cải cách ruộng đất. Nhân văn giai phẩm. Mậu thân 68. Cải tạo. Vượt biên. Buôn bán người qua biên giới. Cướp nhà, cướp đất. Đó là vài “sản phẩm” tiêu biểu của Đảng CSVN. Chính phủ do Đảng CSVN điều khiển đã làm cho Việt Nam nghèo nàn và tụt hậu cả trăm năm so với Tân Gia Ba và Đại Hàn, đi sau 50 năm so với Thái Lan và Mã Lai Á. Đó là một nỗi nhục. Ấy thế mà Đảng lại không biết nhục mà còn đòi quyền lãnh đạo!

Nếu làm theo lời dạy của cụ Hồ thì tại sao không nhớ câu này của ông cụ: Quân đội ta trung với Nước, hiếu với dân”. Ấy thế mà có ông tiến sĩ nọ dám sửa lời ông cụ rằng “Quân đội ta trung với Nước, hiếu với dân”! Ngoài miệng họ nói làm theo lời ông cụ, nhưng khi viết xuống thì họ chỉ lợi dụng ông cụ cho những toan tính cá nhân.

Tôi nghĩ nếu họ là trí thức thật sự và có tự trọng, họ không thể nào ăn nói trơ tráo như thế. Chỉ có thể kết luận đây là một đám xu nịnh và sống vì cái “chủ nghĩa sổ hưu” của Trần Đăng Thanh, chứ chẳng trí thức gì cả. Đúng là ăn cơm chúa, múa tối ngày. Quả là một loại trí nô ký sinh.

Nhưng tất cả những trò gọi là góp ý Hiến pháp chỉ là một màn kịch. Đó là một màn kịch vụng về. Cái gọi là Hiến pháp chỉ là một cách hiến định hoạt động của Đảng CSVN mà thôi. Chính vì thế mà những trí nô ký sinh phải gân cổ lên biện minh cho điều 4. Tôi thấy thiếu tướng tiến sĩ Nguyễn Xuân Mười thành nhận nhất khi ông nói “Hiến pháp và pháp luật nước ta chính là sự thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; thực chất của việc tuân thủ nghiêm minh Hiến pháp, pháp luật chính là sự thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong mọi hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội và như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”. Thế là đã quá rõ: vì sự tồn vong của Đảng chứ đâu phải tồn vong của dân tộc. Nhưng sự tồn vong của Đảng lại là một đe doạ đến sự tồn vong của dân tộc. Đó mới chính là bi kịch.

Tôi tự hỏi tại sao có những con người trí nô ký sinh như thế? Tại sao có những người mang danh giáo sư, tiến sĩ mà phát biểu chẳng có một chút hàm lượng tri thức nào cả. Tôi nghĩ có thể tìm câu trả lời trong cái hệ thống giáo dục hiện nay. Trong một nền giáo dục mà văn bằng tiến sĩ là một thứ đồ trang sức (xem Vietnamnet) thì chúng ta biết hệ quả như thế nào. Yếu tố làm nên những đồ trang sức đó là những luận án mà đọc lên chúng ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Luận án về tắm giặt cho quân nhân. Lấy nghị quyết của Đảng làm luận án tiến sĩ. Hay thử đọc vài tựa đề luận án tiến sĩ:

  • Quan điểm của C. Mác về phát triển con người và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay.
  • Hoàn thiện chính sách tài chính đối với ngành công an Việt Nam.
  • Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
  • Giải pháp xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế – xã hội ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam.
  • Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
  • Vai trò của Nhà nước đối với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
  • Vân vân.

Với những “nghiên cứu” như thế thì hẳn nhiên chúng ta không thể nào đòi hỏi tri thức từ những “tiến sĩ”. Nhưng những con người đó, những tiến sĩ đó sẽ trở thành giáo sư, phó giáo sư. Họ sẽ đóng vai thầy để đào tạo thêm một thế hệ “tiến sĩ” khác. Thế hệ “tiến sĩ” mới sẽ trở thành “giáo sư”, thành tướng, thành tá. Và cứ thế, đất nước này sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ giấy và giáo sư dỏm. Chính họ vừa là sản phẩm vừa là tác nhân làm cho nền giáo dục nước nhà suy thoái. Một đất nước có truyền thống giáo dục cả ngàn năm mà bây giờ phải bị ô nhiễm bởi những kẻ dỏm như thế thì quả là một nỗi nhục với tiền nhân.

Nếu những kẻ dỏm này ngồi yên một góc xó nào đó thì sẽ không có gì để nói. Nhưng ở đây, họ lại cất tiếng nói về những chuyện quốc gia đại sự và đó là điều đáng quan ngại. Quan ngại vì với danh xưng hoa mỹ họ có thể thuyết phục vài người nghe theo. Và đó là một điều nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi những kẻ dỏm đó dùng quyền lực trong hệ thống quân đội và công an để trấn áp những tiếng nói của những nhà trí thức chân chính. Nhưng trên hết, sự có mặt của họ là một nỗi nhục cho nền học thuật của nước ta.

Trong một xã hội hưng thịnh, giới trí thức là những tinh hoa của xã hội. Xin hiểu ở đây “trí thức” không có nghĩa là những người có bằng cấp cao mà là những người có khả năng sáng tạo tri thức mới và dấn thân vì xã hội. Nói như GS Cao Huy Thuần, trí thức là những người không để cho xã hội ngủ. Hiểu như thế mới thấy những người chủ trương trang bauxitevn là trí thức. Và nếu hiểu trí thức như vừa nói thì có lẽ những người mang danh giáo sư, tiến sĩ của Chính Phủ đang ra rả trên đài, trên báo không phải là trí thức mà chỉ là những trí nô ký sinh.
Theo blog BS Ngọc

Bài liên hệ:  Nô dịch đỏ

Han Times – Tuyên ngôn Blogger

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/03/13 at 18:06

Ba Sàm vừa có bài đăng “Phản phản biện“. Có thể nói đây là bài viết mà Ba Sàm đã dành khá nhiều tâm huyết và nó liên quan trực tiếp tới cái gọi là “đặc khu thông tin” do blogger này đề xuất. Tuy nhiên nội dung bài viết có một số điểm không thỏa đáng như việc chủ trang này đã áp đặt một số tiêu chí để phân loại blogger, hay việc hình thành cái gọi là “đội quân thứ 4” phản phản biện một cách có văn hóa và khoa học hơn.

1. Phải – Trái hai lề

Một bên Lề Phải với đầy đủ ban nọ bệ kia, với tiền của Nhà nước (xin nói thẳng là cả tiền công dân đóng thuế), với quá nhiều nhà báo, quá nhiều những kẻ mang danh là nhà lý luận. Bản thân TBT Nguyễn Phú Trọng cũng phải thốt lên đại ý rằng: Chưa bao giờ chúng ta có được bộ máy tuyên truyền đồ sộ với trang thiết bị hiện đại như thế này.

Phía bên này Lề Trái, phần đa là dân blogger. Họ (chúng ta, tôi) biên blog theo đúng cái kiểu tay trái: không mấy người sống được nhờ biên blog phản biện (công kích) Nhà nước – càng không có mấy người mạo hiểm kiếm sống từ “nghề” này.

Không phải ai cũng làm nghề viết rồi trở thành blogger phản biện.

Blogger chỉ có tay không, không tiền đài thọ, không thế lực, không che chắn và phải đối mặt với một tương lai bị hăm dọa. Thứ duy nhất mà chúng ta có được đó là cái đầu và trái tim của mình.

Nhưng tao ngộ chiến Lề Phải – Lề Trái nhiều lần rồi, Lề Phải tỏ ra không phải là đối thủ xứng tầm của Lề Trái. Bài cùn cuối cùng mà Lề Phải bung ra sẽ là ca ngợi Đảng Quang Vinh, nhân dân chọn lựa, còn bên kia là thù địch, kích động lôi kéo.

Cả một bộ máy tuyên truyền đồ sộ, tốn tiền tốn của nhưng lại thường xuyên phải chịu thất bại thảm hại trước blogger (những kẻ tay không biên blog). Đó là tại sao? Là tại công cụ tuyên truyền của Nhà nước đã trở nên quá thiểu năng, phiến diện và cạn đáy về tư duy.

Nhìn ở chiều sâu hơn, điều này chỉ biểu thị tư duy đã cạn kiệt của chính những người cầm quyền.

Thời gian gần đây xuất hiện cái gọi là “Dư luận viên” nhưng cá nhân tôi tin rằng chẳng mấy chốc họ sẽ bị đào thải. Lào xào có đấy, cũng sẽ xôm tụ chút ít nhưng cuối cùng họ với sự non yếu về lý luận của mình cũng sẽ chỉ tụ lại với nhau thành từng nhóm và không làm việc gì hoàn hảo hơn là tự diễu cợt chính mình, qua đó diễu cợt ngay cả người đài thọ cho họ

Cơ chế không cho phép có được người tài trong “bộ máy Dư luận viên”. Một thực tế rất hiển nhiên, nhiều người vốn dĩ từ Lề Phải (báo chính thống) đã chuyển sang thành Lề Trái hoặc không lề. Đơn giản khi ham đọc, ham hiểu, ham khám phá thì sẽ tìm ra chân lý và khát khao được nói tiếng nói của mình.

2. Tuyên ngôn blogger

Blog hay không blog?

Blog hay không blog?

Chúng ta là blogger, những kẻ tay không viết log và đầu óc mơ về một thứ tưởng như điên rồ cho cả xứ sở này: Dân Chủ – Thịnh vượng. Chúng ta không có gì ngoài cái đầu và trái tim của mình, chúng ta không có gì ngoài sự trải nghiệm những buồn vui và cả nước mắt của mình.

Chúng ta có quyền phát ngôn theo ý riêng của mình, chúng ta có cái đầu để tư duy, có con tim để yêu cái phải, cái đúng, ghét cái ác, cái giả dối.

Chúng ta là blogger chúng ta trịnh trọng tuyên bố về quyền bình đẳng, quyền dân chủ, quyền được nói của chính mình. Bằng tiếng nói của mình, chúng ta chiến đấu để bảo vệ quyền đó cho không chỉ riêng chúng ta.

Thứ quyền mà không một thế lực nào, một quyền lực nào có thể cướp đoạt được.

Và chúng ta bình đẳng như nhau.

Và do vậy mọi áp đặt phân vai đều là không thể chấp nhận được. Tôi – blogger do vậy tôi nói tiếng nói của tôi. Đó là quyền của blogger, quyền của cá nhân blogger. Đừng tự đẻ ra luật và áp đặt những tiêu chí dị hợm của bất cứ một vị nào lên tôi.

Chỉ có bình đẳng, đa chiều ngôn luận và mở rộng tranh luận thì mới có dân chủ, và blogger sống trên cộng đồng Internet này là vì điều đó.

3. Đội quân thứ 4: Phản phản biện.

Ba Sàm đề xuất việc ra đời của “đội quân thứ 4” phản phản biện một cách khoa học và có văn hóa. Tôi nói thẳng với tôi đó là điều quái thai và dị hợm, nó không khác gì đội quân “Dư luận viên” cả – có chăng cũng chỉ là ở tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn.

Hình thành đội quân này có nghĩa là phải có tiền, có công sức để đầu tư cho đội quân ấy. Tiền ấy ở đâu ra? Xin thưa rằng từ thuế của tôi – Của công dân. Với tư cách người đóng thuế, tư cách công dân tôi thì một xu tôi cũng không cho đội quân phản phản biện, dù cho nó có văn hóa và khoa học như thế nào đi chăng nữa.

Gần bẩy trăm tờ báo, sáu bẩy chục nhà đài hàng chục vạn người sống nương theo đó chưa đủ à? Qua những gì mà chúng ta đã được trải nghiệm qua các lần tao ngộ chiến giữa Lề Phải với Lề Trái thì việc hình thành được đội quân thứ 4 như BS nói (hay việc báo chí chính thống có thể làm được điều này) là viễn mơ, không thực tế.

Cá nhân tôi không cần “đội quân thứ tư”, tôi không có nhu cầu đóng thêm thuế.

Thay vì hình thành ra đội quân phản phản biện thì Nhà nước hãy đối thoại với công dân. Hơn lúc nào hết nhà nước cần có một tư duy đối thoại với công dân. Còn khi nhà nước từ chối đối thoại thì có nghĩa công dân còn tiếp tục công kích, tiếp tục xa rời nhà nước, rời xa những người cầm quyền.

Con gà và quả trứng, con gà có trước, hay quả trứng có trước?

Mong cầu đối thoại dân chủ, cởi mở trên không gian hiện đại, bắt đầu từ việc Nhà nước và Công Dân đối thoại, bắt đầu từ việc dẹp bỏ luôn và ngay những quy chụp vớ vẩn, lố bịch từ không ít báo chính thống. Chứ không phải từ đặc khu thông tin, hay “từ đội quân thứ 4” phản phản biện văn hóa và khoa học.

Nguồn: blog Han Times

Thùy Linh – Hiệu Ứng Cánh Bướm

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/05/07 at 10:02

 

Vừa rồi mình có một entry nhận được vài phản hồi khiến mình phải nghĩ ngợi. Thường thì mình trao đổi với bạn bè phản hồi tại nơi phản hồi và để các bạn phản hồi tự phản hồi với nhau cho sôm tụ. Nhưng có một phản hồi đặc biệt mình muốn trao đổi ở entry này. Thực ra là mình muốn hỏi là chính vì mình vốn chả hiểu lắm lý lụân về CNXH, nhất là thứ lý luận CNXH hiện nay với mệnh đề “kinh tế thị trường theo định hướng  XHCN”. Mình vốn học hành ấm ớ, chữ tác, chữ tộ ở trường đại học, nhất là môn triết học Mác Lê về CHXN. Đã thế thời tuổi trẻ còn cúp cua do mải chơi, yêu đương, nên không học đến nơi đến chốn môn học này như các môn khác. Cũng không phải chuyên môn, không bằng cấp là thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư về môn CNXH khoa học nên càng ấm ớ. Nếu có chút khái niệm gì về CNXH chủ yếu do đọc sách và tự giáo dục mình bằng thực tế. Nên bạn nào còm men về vấn đề này thông cảm nhá…Mình theo từng còm men của bạn mà thắc mắc…

1. “Nhưng mình thắc mắc, tại sao nước mình đi theo con đường ưu việt hơn hẳn mà lại lệ thuộc vào tụi tư bản đến vậy? Tụi nó khủng hoảng, suy thóai mình cũng khủng hoảng, suy thoái là sao? Thậm chí tụi nó hắt hơi mình cũng hắt hơi hả? Và sao mình lại nhận viện trợ, vay tiền vốn toàn của tụi tư bản? Rời tụi nó là nước mình tiêu luôn vì có vay được mấy ông anh, em cùng phe CNXH đâu?

Họ nhiều cái sai, cái bất cập, cái mâu thuẫn không thể giải quyết mà sao họ giàu, tử tế, sống đàng hoàng quá vậy?”(TL viết)

Bạn đã từng nghe về “Hiệu ứng cánh bướm” chưa? Đại khái thế này “Con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn bão lớn ở Texas”. Bây giờ cái khái niệm ấy không chỉ còn giới hạn trong lĩnh vực khoa học đơn thuần mà nó còn được nhắc đến cả trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế. Chỉ một cái tin “Chính phủ Hy Lạp chấp nhận chính sách thắt chặt tài khóa để đổi lấy gói cứu trợ của Châu Âu” cách đó nửa vòng trái đất chỉ số DowJohn tăng liền 300 điểm. Vì thế, chẳng khó khăn gì ta có thể nhận ra: Trong thời đại mà sự liên kết là mối quan hệ giao thương qua lại chặt chẽ với nhau giữa các nền kinh tế trên thế giới…”.

-Ơ, mình thắc mắc là tại sao CNHX ưu việt thế mà chưa tạo ra được hiệu ứng cánh bướm nào hoàng tráng để tụi tư bản giãy đành đạch cho chết hẳn đi nhỉ? Toàn những cơn lốc tai hại, điển hình là CMVH ở Tàu; CCRĐ ở cả Tàu lẫn VN; sự kiện Thiên An môn; Những chuyện lùm xùm ở Bắc Triều; sự sụp đổ của Liên bang Xô viết dẫn đến sự sụp đổ cả hệ thống CNXH ở Đông Âu…Chả kể nữa kẻo lại đắc tội chỉ nhớ chuyện xấu. Mỹ và các nước tư bản toàn gây hiệu ứng cánh bướm…to to là. Chi phối cả thế giới, giúp cả thế giới phát triển là sao? Đáng lẽ CNXH phải giật lấy ngọn cờ cách mạng đó chứ? Toàn chạy theo, ăn theo, nói leo. Đến khi cái gì dở, xấu xa lại đổ là bị nhập cảng từ họ?

2. “Hiện nay, Chủ nghĩa Tư bản trong giai đoạn tích lũy vật chất dồi dào, phúc lợi xã hội được nâng cao. Ở một số nước Bắc Âu và những nước có nền kinh tế phát triển, xã hội ở đó, tuy không sử dụng thuật ngữ XHCN nhưng họ đang dần dần tiệm cận đến thứ mà chúng ta phấn đấu để đạt được: đó là XH XHCN. (Vì mục tiêu chất lượng sống không nghừng được cải thiện).

-Nói chung, tất cả các nước Tư bản mang viện trợ và vốn ra nước ngoài đầu tư đều đem về quý quốc của họ thứ gì đó; có thể là lợi nhuận do đồng vốn đem lại hoặc các ưu đãi khác gián tiếp mang lại lợi nhuận cho tổ chức hoặc quốc gia của họ. Không phải quốc gia nào cũng viện trợ hoàn toàn vô tư đâu bạn nhé.

-Đến đây tôi xin hỏi lại bạn 1 câu: Tại sao với bề dày kinh nghiệm hang trăm năm vậy mà một số nước tư bản ở Châu Âu lại lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng đến vậy?

-Thế ra cứ nước tư bản nào giàu mạnh là CNXH nhận về mình, như Thuỵ Điển hả? Thế ra là họ sử dụng lý thuyết CHXH để xây dựng đất nước họ hả? Vậy sao VN không cọp pi nguyên xi mô hình của Thuỵ Điển về mà áp dụng, khỏi lí lụân lằng nhằng mất công? Bác Tổng Trọng đỡ phải đi rao giảng, vừa mất hơi sức, vừa mất uy tín, vừa bị người ta “tám” khắp nơi cho khổ thân bác ấy? CHXH không ngừng cải thiện cuộc sống của người dân ư? Đố bạn tìm ra một gia đình Việt nào hai vợ chồng chỉ là công nhân bình thường mà hằng năm họ có thể đưa cả gia đình đi nghỉ mát ở nước ngoài chỉ bằng đồng lương nhận được? Điều này thì có thể tìm thấy ở nhiều nước tư bản đấy bạn ơi…Còn ở VN để làm được điều này chỉ có ở gia đình quan chức, doanh nhân giàu có.

-Ý mình nói trong entry trước là tại sao các nước XHCN hay phải nhận viện trợ của tư bản mà không thể viện trợ cho nhau? Nếu tụi tư bản viện trợ với mục đích vụ lợi như thế thì VN (hay nước CNXH nào đó) có thể từ chối nếu ảnh hưởng đến an ninh, hình ảnh, quyền lợi quốc gia họ mà? Người viện trợ có quyền hướng đến mục đích của họ, còn người nhận có quyền từ chối viện trợ vì không chấp nhận tính vụ lợi mà? Trước đây nhận viện trợ của TQ và Liên xô để đánh Mỹ thì VN đâu có được sự hoàn toàn vô tư từ hai ông anh này? TQ đã từng tuyên bố sẽ “đánh Mỹ đến người VN cuối cùng” cơ mà? Mà hệ thống XHCN giương cao khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước doàn kết lại” rồi đấy nhé? Đòi hỏi sự vô tư hoàn toàn từ một đất nước khác khi họ đưa sang hàng ngàn, hàng ngàn tỷ đôla, Euro vào một nước khác là điều không tưởng, đúng không nhỉ? Chỉ khác nhau mục đích đó phục vụ cho cái thiện hay cái xấu xa thôi…

-Đến đây mình lại muốn hỏi lại bạn một câu: bạn có thể bắt một người chỉ được khoẻ và không được ốm không? Tại sao sống đến gần 100 tuổi mà cụ lại ho hen thế được hử? Chả lẽ với kinh nghiệm sống lâu như thế, cụ không tự giữ gìn không được ốm à? Hihi…Thế nên các nước tư bản phát triển cao đến độ nào đó khủng hoảng là chuyện có thể hiểu chứ ạ (theo hình sin ấy mà)?

3. “Bác Tổng bảo: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”. Cơ mà xã hội VN giờ cái xấu như bác kể gấp nhiều lần tụi tư bản thì ở đâu ra vậy, thưa bác? Không lẽ đổ lỗi cho cha ông do phải kế thừa? Phải tội chết đấy”. (TL viết)

Đoạn này tôi băn khoăn, không biết bác Tổng hay bạn “phải tội chết đấy”…
Bạn có biết XH ta trước những năm 90 của thế kỷ trước nó thuần khiết như thế nào không? (Chắc chắn bạn và tôi đều hiểu) và tất nhiên khi ta mở cửa thì có vô số thứ bay vào ngoài ý muốn. Có thể những thói xấu (ví như lưu manh và đĩ điếm) không đến từ những nước phương tây, nhưng không loại trừ khả năng sự nhập khẩu văn hóa sâu độc nước ngoài trà trộn và hủ hóa với thói học đòi của người Việt sinh ra tệ nạn vậy. Nói vậy nhưng xin bạn hãy khách quan mà đánh giá xem XH ta và XH Mỹ cái xấu ở đâu là cái xấu gộc và cái xấu nào mang dấu ấn của cả một xã hội bạn nhé.

-Cứ cho là cái xấu xa do “nhập khẩu” đi thì mình hỏi nhé: Nếu một cơ thể khoẻ mạnh thì bệnh nào xâm nhập được hả bạn? Chắc cơ thể VN ốm yếu quá lâu nên bệnh nào cũng mắc? Bạn nhắc mình nhớ những năm 90 “thuần khiết” ư? Mình chỉ nhớ đó là “thuần khiết” đói, “thuần khiết” bảo thủ, trì trệ, giả dối, mệt mỏi, bối rối, sợ hãi, lo lắng, hoang mang…Công chức lương chả đủ sống, trẻ con suy dinh dưỡng, nỗi sợ hãi bao trùm xã hội như luôn bị khủng bố, đe dọa…Rồi khi mở cửa thì tham nhũng, hối lộ tràn lan. Cái này chả cần tranh luận nữa bạn nhỉ? Hay tham nhũng cũng là “nhập khẩu” từ tư bản đây? Chắc bạn thừa biết nhiều doanh nhân từ các nước tư bản đã phải tháo chạy khỏi VN vì không chấp nhận làm ăn thông qua hối lộ chứ? Nếu mình nói sai thì mình xin “phải tội chết” ngay…Tính nhân văn cao cả nhất của một xã hội là chia đều cơ hội cho tất cả mọi người, kể cả những người nghèo khổ ít may mắn. Ở VN thì sao hả bạn? Lịêu một người chả có cống hiến gì cho xã hội, không có tài năng được xã hội thừa nhận mà làm đến chức bí thư tỉnh uỷ có nên không bạn? Còn vừa mới ra trường, làm việc chưa được bao lâu, năng lực như nhiều người rất bình thường khác mà đã ủy viên trung ương, thứ trưởng một bộ không? Còn cô gái vừa mới tốt nghiệp một ngành chả liên quan gì đến xây dựng lại lãnh đạo một tập đoàn xây dựng với 2000 nhân viên?…Nhiều lắm chả nhớ hết được các COCC được nâng đỡ làm lãnh đạo đâu. Còn tổng thống Obama chỉ là một trí thức da màu qua tranh cử mà trở thành tổng thống Hoa Kỳ, không hề có cha mẹ nào nâng đỡ cả. Ai ưu việt hơn ai hả bạn?

4. “Ở đọan khác, bác Tổng Trọng khẳng định: “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước TBCN có cùng mức phát triển kinh tế”. Nước tư bản cùng mức là nước nào nhỉ? Thôi cứ tạm lấy loanh quanh nước ta cho hợp lý là Thailand, Indonesia, Singapore nhé…Theo báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân Hàng Thế Giới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thailand và 158 năm so với Singapore”. (TL viết)

Đã có câu: “Bất cứ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng”. Ở đây tôi hoàn toàn không tin cái báo cáo của NH Thế giới nói đến số năm đi trước hay tụt lùi là một con số mang tính chính xác.

-Và ngay trong những con số của NHTG cũng đã giải thích hộ tôi: chỉ lấy 3 nước đó để so sánh với nhau thôi cũng đã là câu trả lời cho bạn.
-Bạn giải thích thế nào khi Thái Lan, Indonesia, Singapore là 3 nước có thể chế tương đồng vận hành một nền kinh tế tư bản, không phải trải qua chiến tranh như Việt Nam lại có một sự khác biệt khi Indonesia tụt hậu 44 năm so với Thai lan và 107 năm so với Singapore. Cái này có phải do tầm nhìn, óc sáng tạo, hay tinh thần dân tộc của các Quốc gia khác nhau không bạn?

-Hihi, đến đoạn này thì mình mỉm cười chút vì nếu không phản biện được thì…không tin. Đúng tinh thần của các nhà mác xít và những người vô thần. Nếu bạn không tin thì đừng quan hệ, nhất là làm ăn với NH Thế giới nữa nha bạn? Vì người xưa đã khuyên: đã dùng thì nên tin, đã không tin thì đừng dùng…NH Thế giới “tệ” thật. Con số đưa ra chả thuyết phục tí nào. Đúng như bạn nói, mọi so sánh đều khập khiễng nhưng vì các nước đều trong “hịêu ứng cánh bướm” nên không thể không đặt trong sự so sánh tương đối. Bạn chắc nhớ là chiến tranh lùi xa đất nước ta đã 37 năm. Và có lẽ không nên đổ lỗi cho chiến tranh quá nhiều nữa? Một đứa trẻ ra đời vào năm 1975 giờ sắp bước vào tuổi trung niên rồi đó bạn. Thậm chí họ có thể đã qua 2 (3) lần xây dựng gia đình, chăm lo cho những đứa trẻ bắt đầu lí lụân với cha mẹ chúng về quyền tự chủ, tính độc lập, tự do…Họ có thể sai lầm ở tuổi mới bước vào đời khi xây dựng gia đình, nhưng lần thứ 2, thứ 3 mà vẫn sai lầm thì đó là sự bất cẩn, là thiếu tri thức cần thiết của một người có thể làm chủ cuộc đời mình, bạn nhỉ?

-Còn tại sao các nước như Thái Lan, Indonesia, Singapore không phát triển đồng đều thì là đương nhiên đúng không nhỉ? Giống như trong một lớp học có đưa trẻ học giỏi, đứa học khá, đứa thì trung bình, đứa thì dốt đặc cán mai…Quan trọng là học trò trung bình và học trò dốt kia có ý thức mình dốt để phấn đấu hay tự cho là mình giỏi giang, không cần học ai, không cần so sánh với ai, tự mình đi một lối đi mà các bạn trong lớp không bao giờ bước tới, rồi tự phụ kêu lên rằng, lối đi của tôi mới là đúng đắn nhất, “giữ vững tinh thần độc lập”…dốt nhất? Chuyện này chắc nhờ bạn chỉ giáo giùm…

5. “Dân chúng sẽ nhớ câu chốt hạ của bác Tổng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh thắng – thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”. Bác nên nhớ dân chúng không phải là những hòn đất đặt đâu ngồi đó như những năm trước đây đâu nhá. Họ là những hòn đất biết nói năng đấy…” (TL viết)

Riêng cái này tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Hiến pháp và các văn kiện của Đảng, chính sách của nhà nước đã trao cho nhân dân những thiết chế về dân chủ để xây dựng một nhà nước thực sự vì dân, do dân. Dù cho lúc này, lúc khác, chỗ này chỗ khác hay hầu hết mọi nơi, mọi chỗ trên đất nước này tinh thần công dân tích cực bị trừng trị làm cho mọi người phải e dè giữ mình một cách khôn khéo và hiện thái độ đó đã thoái hóa thành thái độ thụ động, phó mặc.
Tuy nhiên bầu không khí của XH, đời sống tinh thần đã thay đổi theo hướng tích cực điều đó đã và đang là thứ không thể cưỡng lại được.
Để kết thúc câu chuyện trao đổi với bạn tôi xin nhắc lại một điều: Sự thật chỉ xuất hiện trong các bài viết và cuộc tranh luận mang tính xây dựng và sáng tạo.

-Đọc mấy câu đầu đã mừng thầm vì dù sao cũng đã tìm được ít nhất một tiếng nói chung với bạn. Nhưng đọc tiếp lại…thất vọng. Đọc câu “Thiết chế về dân chủ”…”xây dựng một nhà nước thực sự vì dân, do dân”…”tuy nhiên bầu không khí của XH, đời sống tinh thần đã thay đổi theo hướng tích cực”…thì mình nhớ ngay đến anh nông dân Đoàn Văn Vươn phải dùng đến tiếng súng để đánh động xã hội, giờ vẫn phải sống trong lao lí? Nhớ đến hàng ngàn nông dân Văn Giang mất đất khiếu kiện mấy năm mà chả ai nghe họ để giải quyết thấy tình đạt lí? Nhớ đến 3 người đang chờ xử án là Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải chỉ vì bày tỏ ý kiến ôn hoà (viết đến đây chợt giật mình vì những điều vừa viết từ nãy đến giờ nếu bị qui chụp thì mình cũng giống họ?). Thôi, tạm nêu ba chuyện mới tinh, còn dang dở mà nghe nhắc ai cũng nhớ ngay để thấy thiết chế dân chủ và nhà nước do dân, vì dân bạn vừa nói là thế nào?

-Có ý kiến này của bạn mà mình cực thích, đồng ý tắp lự: “Dù cho lúc này, lúc khác, chỗ này chỗ khác hay hầu hết mọi nơi, mọi chỗ trên đất nước này tinh thần công dân tích cực bị trừng trị làm cho mọi người phải e dè giữ mình một cách khôn khéo và hiện thái độ đó đã thoái hóa thành thái độ thụ động, phó mặc”. Hy vọng mình không là người (e dè, giữ mình) như thế và bị đối xử như thế (bị trừng trị)?

-Điểm nữa mình cũng đồng ý luôn: “Sự thật chỉ xuất hiện trong các bài viết và cuộc tranh luận mang tính xây dựng và sáng tạo”. Nhưng chỉ xin đừng vẽ “vòng phấn cap ca dơ” vào hai chữ “xây dựng” để có thể qui kết là “phá hoại”; “chống đối”, “tuyền truyền chống phá” người góp ý theo ý kiến chủ quan của ai đó? Chắc bạn còn nhớ nhà văn Thổ Nhĩ Kỹ Azit Nêxin dùng lối viết châm biếm để chế riễu sự chậm phát triển của đất nước ông. Ai dám bảo ông không yêu tổ quốc mình? Hay Vũ Trọng Phụng chế riễu thói rởm đời học đòi của những kẻ cơ hội thì không yêu con người? Hơn ai hết là con dân nước Việt đều mong muốn đất nước phát triển, giàu mạnh, tự do, dân chủ, hạnh phúc, công bằng, văn minh…Đơn giản vì trên dải đất chữ S ấy có ngôi nhà của gia đình họ đang sinh sống.

Chân thành cám ơn LK.

*Chữ in nghiêng là comment của bạn đọc LK. Phần viết của TL mà LK dùng để phản biện đã chú thích ngay tại từng câu.

Nguồn: blog entry Hãy cùng tôi ghé thăm trái đất này: HIỆU ỨNG CÁNH BƯỚM

Phong Trần – Trí thức luận

In Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/03/11 at 09:57

Nhà báo Tam Dương sau một thời gian vắng mặt khá dài đã trở lại Việt Nam để làm phóng (không đại) sự. Trước hết xin nhắc lại vài hàng về “nhân thân” của tay phóng viên Lề Trái này. Tại sao anh ta lại có tên là Tam Dương. Thực ra tên tiếng Nôm của anh là Ba Dê vì anh ta học đòi thói phong lưu của các bậc tiền bối mà mê “ba cái lăng nhăng một trà, một rượu, một đàn bà”. Vì nghèo mà ham nên Tam Dương ăn chơi tòan đồ dởm: trà thì uống ở quán cơm lao động, rượu thì rượu dởm do Trung Quốc nó đổ tháo vào nước ta như đồ phế thải, còn tình thì trong cái xã hội Tiền mệnh lệnh của thời đại kiếm đâu ra người đàn bà nào dám nâng khăn sửa túi cho một anh nhà báo nghèo như Tarzan. Tuy nhiên lâu lâu cũng có một vài em ca sĩ Ka-Rao Ô-Kià về chiều đột xuất nổi hứng, trước là mua vui sau là làm nghĩa ban cho anh một chút “tình vặt”.

Tam Dương về nước đúng lúc phong trào “Trí Thức Luận” nổi lên như Sóng Thần Tiên Lãng, bèn tìm nhà phản biện Ba Đê (tức cụ Ba Đéo: Đéo theo Đảng, Đéo Tin Đảng và Đéo Sợ Đảng) để tìm hiểu sự việc trong lúc đó thì Tể Tướng Ba Dũng đi thực thi luật pháp Xã Nghĩa cho vụ án Tiên Lãng. Một già một xồn xồn gặp nhau trong một quán cóc bên Hồ Hoàn Kiếm, tay bắt mặt mừng, chẳng khác gì cảnh “Bác Hồ” gặp “Cụ Mao”.

Ba Đê: Chú mày kiếm tao gấp gáp hẳn có chuyện gì ghê gớm lắm phải không?

Tam Dương: Ghê thì chả ghê nhưng gớm lắm cụ ạ. Số là nhà cháu đi chỗ nào cũng thấy thiên hạ bàn ra tán vào về trí thức, làm như nước ta mới nẩy sinh ra trí thức vậy. Thế nhà cháu hỏi cụ trí thức là gì mà thiên hạ làm toáng lên vậy?

Ba Đê: Chú mày phải phân biệt giai cấp trí thức với người trí thức thì mới rốt ráo được. Ai có kiến thức thì thuộc giai cấp trí thức như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, chuyên viên… Nhưng tách riêng ra khỏi tập thể này thì người ta chỉ gọi người trí thức là người có học thức và có tâm huyết với nhân quần xã hội. Sự khác nhau giữa người trong giai cấp trí thức với người trí thức nói riêng giống như sự khác nhau giữa xã hội tư bản với người tư bản vậy. Chú mày thuộc xã hội tư bản nhưng có dám vỗ ngực mình là người tư bản không.

Tam Dương: Nhưng có ông tiến sĩ lại nói rằng ai kiếm cơm bằng trí óc là người trí thức.

Ba Đê: À, cái ông Lưỡng Quốc Trạng Nguyên phải không. Người ta ăn lương đế quốc tư bản, hưởng lộc XHCN nên phải nói nước đôi chứ. Câu nịnh phải kèm câu chê. Nói rằng cứ làm việc trí óc mà thành người trí thức thì nước ta ra ngõ gặp trí thức đấy. Thế thằng xã ũy Tiên Lãng nó có làm việc bằng trí óc không? Tần Thủy Hòang, Xít-ta-lin, Mubarack, Gadhafi, có cai trị dân bằng trí óc không? Ăn trộm, ăn cắp , tham nhũng, cướp đất, cướp ruộng… mà trí óc không làm việc thì đói rã họng ra.

Tam Dương: Thế nhà phản biện có phải là người trí thức không?

Ba Đê: Có người phản biện nào vỗ ngực tự nhận mình là người trí thức đâu. Có ai phản biện để được gọi là trí thức đâu.

Tam Dương: Thế tại sao có người chê người phản biện là phản biện để được phong hàm trí thức?

Ba Đê: Thế Mao Trạch Đông nói “Trí thức không bằng cục phân” thì trí thức là cục phân hay sao. Ta hỏi chú mày nhé, có ai muốn vào tù, muốn bị công an đạp vào mặt để được cái tiếng hão trí thức không. Nếu nhận định rằng không có phản biện thì xã hội chết ngay khi lâm sàng thì tại sao lại biếm nhẽ phản biện. Ta hỏi chú mày chứ duy vật biện chứng pháp dựa vào cái gì? Có phải dựa vào hai mặt đối lập của mọi sự vật không? Chỉ có dốt như anh Tô Huy Rứa mới đòi xã hội chỉ có lề phải.

Tam Dương: Thế cụ có phải là người trí thức không?

Ba Đê: Tao đã làm được đéo gì mà nhận mình là trí thức.

Tam Dương: Thế theo cụ trong những người phản biện ai là người trí thức?

Ba Đê: Coi ai là trí thức thì tùy theo cách nhìn của mỗi người, chả ai phong hàm trí thức cho ai được. Chỉ có triều đình XHCN mới có cái trò phong hàm trí thức cho cán bộ tuyên giáo của nó thôi.

Tam Dương: Thế bác Hồ có phải là người trí thức không?

Ba Đê: Có, ông ấy là nhà trí thức XHCN đấy. Con cháu của ông ta như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng, kể cả bí thư huyện Tiên Lãng …đều là những trí thức XHCN cả.

Hai người nâng ly rượu Mao Tải (phế thải) nhìn trời nhìn đất, rồi thở dài sườn sượt:

Trí thức đâu rồi?

Phong Trần
Quán chủ phong trần quán

Nguồn: Thông Luận

Nguyễn Thị Từ Huy – Muốn hay không muốn

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/02/09 at 22:50

Nguyễn Thị Từ Huy

Theo Văn Hóa Nghệ An

Ở Việt Nam hiện nay, ta thấy không chỉ có nông dân bị bần cùng hóa bởi chính sách ruộng đất bất hợp lý và bởi chế độ cưỡng chế đất đai bất công mà vụ Đoàn Văn Vươn là một ví dụ nổi bật, đang là mối quan tâm chung của dư luận ở thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới này. Cũng không chỉ có công nhân bị bần cùng hóa. Mà cả giới lao động trí óc cũng bị bần cùng hóa.

Trong khi mà trong xã hội hiện thời có những nghề cho phép một số người lao động hưởng lương lên đến cả trăm triệu đồng một tháng, thì lương khởi điểm của giáo viên nói chung chưa đến hai triệu, lương khởi điểm của giảng viên đại học trên hai triệu một chút. Lương của các nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu còn thấp hơn, vì dù sao ngạch giảng dạy còn được cộng thêm một số phần trăm đứng lớp. Với giá cả hiện tại, mức lương đó không thể đảm bảo cho các sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của những người lao động trí óc, nhất là ở các thành phố lớn. Một chế độ lương như vậy là một chế độ lương mang tính chất bần cùng hóa. Người lao động trí óc bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Nghịch lý ở đại học (và các trường học nói chung) là sau khi mất nhiều năm học hành, cố gắng để đạt kết quả xuất sắc, người giảng viên được giữ lại trường giảng dạy, thì nỗi lo lắng bận tâm của họ không phải là trau dồi kiến thức, phát triển năng lực chuyên môn, mà là làm gì để sống. Vậy đấy, đi làm rồi, có được một nghề rồi, một nghề được xem là cao quý hẳn hoi, nhưng lại phải khốn khổ loay hoay tìm cách trả lời câu hỏi: « làm gì để sống ? »[1]

Điều nguy hại đáng nói ở đây là: người lao động trí óc bị bần cùng hóa bởi chế độ lương phải lao vào các hoạt động kiếm sống, và sau một thời gian thì họ khó có thể giữ được các hoạt động trí óc, mặc dù lao động của họ vẫn được xếp vào loại lao động trí óc, ví dụ như nghề nghiên cứu hay đi dạy. Thực tế cho thấy là có một số giảng viên ở bậc đại học đi dạy rất nhiều nhưng để nói là họ có hoạt động trí óc thì rất khó, bằng chứng là họ không có công bố hoặc nếu có thì đó là những bài viết mà chất lượng khoa học thấp, ít hàm lượng tri thức và phát kiến, ít hàm lượng tư duy. Bài giảng của họ chỉ là tổng hợp lại kiến thức của người khác, đã thế nhưng kiến thức cũng không được thường xuyên cập nhật, bài giảng của họ có thể được soạn một lần để giảng trong nhiều năm và giảng ở nhiều nơi.

Một nghịch lý khác mà giới trí thức ở các nước phát triển rất khó có thể hình dung, nhưng đang là thực tế của xã hội chúng ta: giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị / tự bần cùng hóa cả về đời sống tinh thần. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến: những người, về nguyên tắc, phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Không hiếm những lời phàn nàn kiểu như: giới văn chương gặp nhau không nói chuyện văn chương, mà nói chuyện bất động sản, đất đai, nhà cửa, ô tô.

Mặt khác đa số tự nguyện tuân theo những quy định thành văn và bất thành văn về cách thức tư duy, đường hướng tư duy, hệ quả tất yếu là sự nghèo nàn trong nội dung tư duy, và hệ lụy thê thảm nhất là không ít người có nguy cơ đánh mất khả năng tư duy và thói quen tư duy, dẫn đến việc mất khả năng phân tích, mất khả năng tự quyết định, chỉ còn biết chấp nhận và chờ đợi những quyết định từ trên xuống, dù những quyết định đó sai hay đúng, dù chúng có tác hại như thế nào chăng nữa. Thậm chí có những người còn rất trẻ cũng đã tỏ ra không biết làm gì nếu không được định hướng. Trong khi đó, hoạt động trí óc, về thực chất, là một hoạt động mang tính tự do; và không có gì có thể tước đoạt được thứ tự do đó. Đối với tư duy tất cả đều được phép. Người ta có thể bị tước đoạt tự do công bố, tự do phát ngôn và trình bày công khai; nhưng tự do tư duy thì không gì có thể động đến được. Do đó có thể nói rằng đa số thuộc giới lao động trí óc ở ta tự nguyện tuân theo các định hướng suy nghĩ từ bên ngoài, hoặc khép mình vào những giới hạn do tự mình đặt ra, và hình dung rằng giới hạn đó trùng với những gì được phép, không lấn sang khu vực của những gì không được phép. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sự tự giới hạn này phản ánh một nỗi lo sợ nhiều khi thiếu căn cứ, bởi vì những gì « không được phép » đối với người này lại là « được phép » (đúng hơn là « tự cho phép ») đối với người kia. Cái vòng kim cô, do vậy, không phải chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài, mà nó còn có tính nội sinh. Giới lao động trí óc tự tạo ra cái vòng đó và để nó xiết chặt từ bên trong vỏ não. Sự tự nguyện này, xét kỹ, không gì khác hơn là hệ quả của sự bần cùng hóa tinh thần. Nếu như một bộ phận lớn thuộc giới lao động trí óc Việt Nam được gọi là « trí thức trùm chăn » thì đó chính là hậu quả của sự (tự) bần cùng hóa về phương diện tinh thần này. Bởi lẽ giờ đây, khi các thói quen và quán tính đã được thiết lập một cách vững chắc, nếu họ có hất cái chăn đi, thì việc trình bày ý kiến cũng hoàn toàn không đơn giản và không dễ dàng. Thử giả định rằng họ được chuyển sang sống ở các nước dân chủ và họ có toàn quyền phát ngôn về mọi chuyện mà không có bất kỳ một đe dọa nào hay một áp lực nào, thì liệu họ có thể tham gia phản biện như các trí thức ở các nước sở tại không?

Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Chẳng hạn giới giáo viên có thể tự cho là chính đáng khi nhận phong bì của học sinh và phụ huynh. Họ lập luận rằng đấy là để bù lại sự bất công trong chế độ thù lao của nhà nước. Họ đã dùng cái sai này để sửa cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn đã không được lựa chọn. (Chúng tôi sẽ còn trở lại bàn sâu hơn về điều này). Họ thấy hay không thấy rằng, giữa cái phong bì và sự suy đồi đạo đức, sự suy thoái trầm trọng của nền giáo dục, có mối quan hệ khăng khít? Họ thấy hay không thấy mối liên hệ nhân quả giữa cái phong bì và tệ nạn bằng cấp dởm, chức danh dởm, những thứ đã và đang đẩy chất lượng giáo dục xuống bờ vực thẳm? Đơn giản là một khi đã nhận tiền của sinh viên thì họ không thể đánh trượt hay dành điểm kém cho luận văn hay luận án của sinh viên, dù cái luận văn hay luận án ấy có kém cỏi đến mức độ nào chăng nữa. Họ thấy hay không thấy rằng khi quyết định trao bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cho một người không có năng lực tương xứng với học vị đó, thì họ đã gián tiếp đẩy bao nhiêu thế hệ học sinh vào nguy cơ bị ngu hóa, bị bần cùng hóa về mặt trí tuệ ? Vấn đề không chỉ là việc cho ra đời một tiến sĩ dỏm, mà cùng với tiến sĩ dỏm đó là hàng loạt thế hệ thanh thiếu niên phải gánh chịu hậu quả. Rồi những người thầy kém sẽ tạo ra các thế hệ những người thầy kém tiếp theo, cứ như vậy mà kéo dài tình trạng suy thoái.[2] Vậy những người làm giáo dục muốn đẩy trách nhiệm ấy cho ai?

Vấn đề đối với giới lao động trí óc không hẳn chỉ là hợp tác hay bất hợp tác. Voltaire từng bị triều đình bỏ tù vài lần, nhưng rồi sau đó cũng có lúc ông hợp tác với triều đình Versailles và triều đình của Friedrich II, rồi lại bất hợp tác. Goethe từng giữ nhiều chức vụ trong các triều đình của Đức thời bấy giờ. Hugo từng thực sự mong muốn tham gia triều chính, muốn có ảnh hưởng để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông trở thành người tin cẩn của Louis-Philippe năm 1844, và sau đó làm Nguyên lão nghị viên. Rồi tự lưu đày, từ chối trở về nước Pháp khi mà ông chưa thấy đất nước này có tự do. Dù ở thời kỳ nào trong đời họ, dù họ lựa chọn thái độ nào, hợp tác hay bất hợp tác, thì đó cũng là những nhân cách lớn, những trí tuệ lớn và những bản lĩnh văn hóa đáng nể trọng. Họ biết rõ họ làm việc vì ai, vì cái gì. Nhân loại đã được hưởng lợi rất nhiều từ sản phẩm của lao động trí óc của họ.

Sự (tự) bần cùng hóa về tinh thần, về đời sống trí tuệ đã khiến cho đa phần giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay mất dần các phẩm chất tư duy, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ nhân tính! Do vậy mà thuật ngữ « trí thức trùm chăn » cũng chưa hẳn đã xác đáng. Bởi lẽ trí thức trùm chăn dù thơ ơ với thế sự thì ít ra cũng còn giữ được căn cốt của người trí thức.

Vấn đề quan trọng đặt ra cho giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay là làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng bần cùng hóa cả về vật chất lẫn tinh thần. (Nếu nhìn vào các dấu hiệu của tài sản thì có vẻ như một số người thuộc giới lao động trí óc đã thoát khỏi sự bần cùng hóa về vật chất, nhưng nghịch lý là ở chỗ: phương thức mà phần lớn trong số đó sử dụng để thoát nghèo lại góp phần thúc đẩy quá trình bần cùng hóa về tinh thần ở họ. Điều này sẽ được đề cập vào một dịp khác.)

Nhưng có lẽ vấn đề còn quan trọng hơn là làm thế nào để, nếu không phải toàn bộ thì cũng là phần lớn, giới lao động trí óc của chúng ta mong muốn thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa ấy, nhất là thoát khỏi sự bần cùng hóa về tinh thần. Để tránh sa vào duy ý chí, cần nói rõ hơn rằng, dù « Muốn » chưa phải là điều kiện đủ, thì đó cũng là điều kiện cần. Hiện nay còn quá ít những người có mong muốn này. Một khi còn chưa có sự mong muốn, khi mà tình trạng chung là chấp nhận, chịu đựng và thỏa hiệp, thì việc đặt câu hỏi « làm thế nào » chỉ là một thứ xa xỉ phẩm mà thôi. Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta nhận ra rằng thực ra trong mỗi người đều có một nguồn năng lượng rất lớn. Cần phải để cho nguồn năng lượng đó được giải phóng để biến thành sức mạnh; giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, khỏi những định kiến, khỏi sự ràng buộc và hạn hẹp trong nhận thức. Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta có thể đi tới chỗ đồng ý với John Stuart Mill rằng: « …nguồn gốc của mọi thứ đáng trọng trong con người như một thực thể có trí tuệ cũng như một thực thể có đạo đức, đó là phẩm chất sửa lại sai lầm của mình »[3], và càng đồng ý với ông hơn về nhận định: « Con người có khả năng sửa chữa sai lầm của mình bằng thảo luận và trải nghiệm. Không phải chỉ có bằng trải nghiệm không thôi. Phải có thảo luận để biết trải nghiệm cần được suy đoán ra sao. »[4]

Chỉ khi nào giới lao động trí óc có mong muốn thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa này thì lúc đó họ mới nghĩ đến việc tìm giải pháp, tìm cách làm thế nào, khi đó họ mới có cơ may tìm lại được các giá trị của lao động trí óc. Bởi vì sự mong muốn sẽ kích hoạt trí não, sẽ khiến cho trí óc hoạt động, và sự hoạt động của trí óc là cách duy nhất giúp người ta tìm ra giải pháp tích cực nhất trong hoàn cảnh của mình. Như câu ngạn ngữ của người Pháp: « vouloir c’est pouvoir »[5], hoặc như Đam San của Tây Nguyên: « Ta sẽ đi tới nơi ta muốn ».

Vinh, ngày 24/1/2012

________________

[1] Vì muốn tập trung vào chủ đề chính của bài viết, chúng tôi sẽ không đề cập đến một hiện tượng, đó là một số người thuộc giới lao động trí óc ở Việt Nam, bất chấp sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, đã không ngừng nỗ lực làm việc. Đến mức mà, có lẽ các đồng nghiệp nước ngoài của họ cũng khó có thể hiểu được họ lấy đâu ra sức lực để có thể làm việc như thế trong một điều kiện tồi tệ như thế.

[2] Xin kể ra đây một câu chuyện nhỏ mà người viết bài này từng chứng kiến khi còn ở Pháp : một sinh viên bậc master (tương đương với thạc sĩ ở Việt Nam) có cơ hội nhận học bổng làm tiến sĩ, nhưng cô ấy không nhận, và giải thích rằng, cô ấy tự thấy không có thiên hướng và không đủ khả năng làm nghiên cứu, vì thế cô ấy nghĩ rằng nên để suất học bổng đó cho người nào thực sự có năng lực và say mê nghiên cứu. Cô ấy sẽ tìm một việc phù hợp với trình độ và sở thích của mình. Trong ví dụ này ta thấy rõ những gì mà nền giáo dục Pháp đã đạt tới trong việc giáo dục con người. Những gì được Rousseau nói tới từ thế kỷ XVIII : « Con người thực sự tự do chỉ muốn điều gì anh ta có thể, và làm điều gì anh ta thích » (Emille hay là về giáo dục, bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, NXB Tri Thức, 2008, tr. 95)

[3] John Stuart Mill, Bàn về tự do, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức, 2005, tr. 56 .

[4] Như trên, tr. 56

[5] Muốn là có thể thực hiện được.

(Phản) Phản Biện và Sự Thật

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Tạp văn on 2011/02/18 at 01:52

BBT: Chúng tôi cài lại bài này vào trang nhất góp phần vào các ý kiến về “trí thức”, phản biện, và “đối lập trung thành” liên quan đến các bài báo, phỏng vấn nhà văn Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, GS Chu Hảo, Ngô Bảo Châu, Nguyễn Minh Thuyết …

VietSoul:21

“Kiến thức và sự thật chỉ là một chiều, tùy theo bối cảnh, chủ quan, nhuốm đuộm quyền lực, và liên quan đến người trong cuộc. Sự từ chối các giá trị, những thành kiến, và chính trị là không thực tế và chả ai muốn.”

(Hesse-Biber, 2012, p. 9)

Truth_Václav Havel_E&V

Hổm rày đọc báo mạng thấy nhiều “phản biện” và “phản-phản biện” đến một vài bài viết. Sôi nổi hơn hết là những (phản) phản biện với hai bài viết tựa đề “Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam” và “Không th b cong s tht đ t ru ng mình và bn đc[i]. Chúng tôi đã góp ý chung cho hai bài viết này tại trang đăng bài. Thế nhưng vì muốn được “nhân dân”[ii] ủng hộ nên xin góp thêm một vài ý nữa.

Những điều mà chúng tôi đóng góp thêm sau đây thuộc về bn cht và tác dng ca s lm dng phn bin cũng như mối liên hệ đến hoang tưởng sở hữu sự thật. Ngoài ra bài này biểu lộ sự hoài nghi của chúng tôi về tính toàn bích của “phản biện” (tìm cái tối ưu và thuyết phục, minh bạch, và duy lý) được đưa ra trong bài viết “Phản biện[iii] gần đây. Chúng tôi muốn giải mã những lý luận, không nhắm vào “người đưa tin” (shooting the messenger). Mong rằng cũng nhận được sự phản biện về bài viết này nằm trong tinh thần lắng nghe và xây dựng.

Theo chúng tôi thì phản biện mà không tham gia chính trị là lối diễn luận “hơi bị quen” của nhiều thành phần thuộc vào các khối bất vụ lợi, xã hội dân sự, và trí thức trong và ngoài nước. Đây là một hiện tượng chung của hằng hà sa số trong đó đầy đủ các biện luận bào chữa và gián tiếp giúp thể chế đang vận hành tiếp tục củng cố và đứng vững.

Thành phần tự cho mình đứng trong vị trí này thường có đánh giá thiên lệch trong tự mãn và dễ dẫn đến sai lầm, nhất là những lúc khư khư quả quyết rằng “chính trị” chuyên mang nghĩa tiêu cực và thủ đoạn. Đó là sự nhập nhằng đánh đồng giữa tư cách chính trị, vị thế chính trị, quan điểm chính trị, và hành xử chính trị đối với chấp chính (các đảng phái chính trị tranh giành quyền chấp chính).

Những ai tự xưng mình chỉ “phản biện mà không tham gia chính trị” thường là lẩn quẩn lòng vòng với ngụy biện mặc dù có lẽ biết bất cứ bước nào mình chọn đi, hay chỗ nào mình chọn tới, cũng hàm chứa ý nghĩa chính trị. Dù kiểu chính trị tối thiểu chỉ dừng lại nơi chốn có lợi và vô hại cho cá nhân mình mà thôi.

Quan điểm “không tham gia chính trị” thật ra là một thói quen “khoanh vùng” (mặc áo giáp, đặt hàng rào chống B40) của những người dân sống ở các chế độ độc tài áp bức, hay ứng xử cố hữu của các sắc dân thiểu số trong những xã hội mang danh “dân chủ tự do kiểu Tây” (Western Liberal Democracy). Đó âu cũng là một vị trí bảo thủ nhằm mua được sự an toàn tránh bị “điểm mặt”. Thế nhưng việc họ có thể trốn/tránh được bạo quyền đàn áp hay không thì là một chuyện khác. Hay là rốt cuộc họ cũng bị đì ì xèo bởi các “đầy tớ” quan thầy.

Hơn 30 năm sống hải ngoại chúng tôi chưa thấy có công dân xứ sở tự do (Hoa-kỳ đây chẳng hạn) nào phải mào đầu tự “khoanh vùng” khi ứng xử hay đối thoại về chính sách và chính quyền. Đôi lúc họ tránh né tranh luận chính trị vì bất đồng chính kiến chứ không cần phải bảo kê cho mình bằng cách tuyên xưng vị thế “phi chính trị”. Riêng người Việt hải ngoại thì cũng không ít kẻ nhóm vẫn còn la chai bải “không tham gia chính trị” vì ám ảnh nặng nề của tâm thức nô lệ hậu-thực-dân.

Chúng tôi tin rằng đa số những người Ai-cập xuống đường trong hơn ba tuần không phải là những người có ý nghĩ “tham gia chính trị” hoặc đi làm “cách mạng”. Họ chỉ ứng xử một cách tự nhiên như “con giun xéo mãi cũng quằn” với tư cách công dân để đòi hỏi quyền làm người của họ mà thôi. Sau khi vượt qua nỗi sợ họ từ chối “khoanh vùng” cho mình là thuộc giai cấp công nhân, nông dân, hay trí thức gì gì ráo. Họ xuống đường với tư cách là công dân và những hành động của họ tự mang một quan điểm chính trị.

Không phải phong trào đấu tranh trên thế giới nào cũng có sự hiện diện của thành phần trí thức chuyên năng nổ trong công tác phản biện. Đa phần họ chỉ là những người thích tập trung tư duy để quan sát, so sánh, và phân tích (dù có ngụy biện hay không) sau khi các cuộc đấu tranh xuống đường đang xảy ra (dù thắng hay bại) hay đã chuyển sang chợ chiều để đi vào hoàng hôn tắt ngấm.  Nếu có tham gia vào công việc đấu tranh thì họ chỉ thực hiện vào giai đoạn cuối khi mọi chuyện sắp đến hồi kết cuộc—máu đã đổ và mồ hôi nước mắt đã cạn. Vì không có quyền lực nào tự bằng lòng cho sang nhượng mà chỉ phải tranh lấy mà thôi.

Cổ xúy, tham gia, và thực hiện phong trào đấu tranh dân chủ trong cảnh tỉnh bất bạo động là một việc nan giải đòi hỏi đám đông thắng được sự sợ hãi.  Và cuộc nổi dậy phát khởi nào mà không bị dập tắt thì không thể thiếu làn sóng kích thích phát xuất từ một nhân tố hay sự kiện chấn động lòng người. Tuy nhiên, đấu tranh xuống đường không phải là không thể xảy ra, nhất là khi có “nhân hoà” trong tinh thần tự phát đồng điệu, hoà hợp với “thiên thời” và “địa lợi”.

Khi đấu tranh nổi dậy xuất hiện thì nó đến bất ngờ như vũ bão.  Không một nhà bình luận, phân tích chính trị nào đoán trước nỗi. Tiếc thay đa số họ (nhất là các nhà quan sát Tây Phương) lại châm bẩm vào tính chất máy móc của cuộc cách mạng để chất vấn “Tại sao nó lại xảy ra vào lúc này?” và “Chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp?” nên thường lạc điệu, lỗi nhịp với thời điểm và ý nghĩa lịch sử quan trọng của cuộc cách mạng nổi dậy đó.[iv]

Tranh đấu cho công bằng xã hội của hết thảy chứ không chỉ riêng mình là việc nhiêu khê—lợi ít hại nhiều cho bản thân. Ông bà ta chẳng từng có câu “ăn cơm nhà vác ngà voi” đấy sao! Công việc tích cực góp sỏi, lót đường, xông xáo không ngại gian nan trong khi đòi hỏi tự do nhân phẩm và quyền làm người thì lúc khởi đầu khó có sự hiện diện của những ai thụ động và câu nệ xốc vác. Nói trong hùng biện thì dễ nhưng tay lấm chân bùn thì khó.

Tác giả Việt Hoàng cũng đã khẳng định như thế trong một bài viết về sự thờ ơ né tránh tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ của các đại gia, trọc phú, và doanh nhân Việt Nam. Tác giả đã nói tiếp,

Tôi cho rằng không phải dân trí người Việt Nam kém mà ý thc ca tng lp trí thc Vit Nam kém. Nếu không kém thì trí thc Vit Nam đã làm được việc “khai dân trí, chấn dân khí” cho mọi người Việt Nam. Trước tình hình đất nước như hiện nay thì trí thc phi xem vic dn thân chính tr như là mệnh lệnh của lòng yêu nước và trí thức phải nhận lãnh trách nhim dn dt người dân và lãnh đạo đất nước.”[v]

Hiện tượng thờ ơ né tránh tham gia phong trào đấu tranh đòi dân chủ này liên hệ đến một điều quan trọng hơn nữa: “Tư duy phản biện có thể phân biệt, nhưng không thể tách rời khỏi cảm quan.” Không ai có thể quả quyết là mình nắm chắc hay biết được “sự thật”. Mọi quan điểm của cá nhân hay đoàn thể  đều xây dựng diễn giải từ quá trình học hỏi cũng như tích lũy kinh nghiệm sống riêng nhưng tất đều ảnh hưởng xã hội. Bất cứ quan điểm nào mà cá nhân hay đoàn thể đưa ra cũng không thoát khỏi giới hạn trong tầm nhìn được kết lũy từ quá trình diễn giải tương đối đó.

Václav Havel cũng đã từng trao đổi suy nghĩ của ông về sự thật với một phóng viên Tiệp lưu vong Karel Hvížd̕ala và đã được ghi lại trong quyển sách mang tựa đề “Quấy rầy hòa bình” (“Disturbing the Peace: A Conversation with Karel Huizdala“). Ông nói sự thật “không chỉ là chuyện của bạn nghĩ nó nghĩa là gì, nó còn được nói ra sao trong bối cảnh nào, nói với ai, tại sao, và được nói như thế nào.” (1990, trang 67). Rất nhiều bình luận (loạn) gia (pundits) đều cho mình sở hữu “sự thật” nhưng thật sự mọi người/đám đông thầm lặng chỉ mong muốn họ có và tỏ lộ được chút lòng chân thật. Những chuyện “lộng giả thành chân” vẫn nhan nhãn ấy thôi.

Phản biện hạn chế vì liên hệ đến địa lý tính, nhãn quan xã hội và hệ tư tưởng ăn sâu trong văn hóa.  Sản sinh của phản biện thì tùy theo lăng kính phụ thuộc cường độ chủ quan của lịch sử chính thống—loại lịch sử thường xóa sổ và cướp mất tiếng nói của những ai bị cho ra rìa, không có, hoặc mất vị trí trong xã hội. Đây là loại lịch sử đã gạn lọc và chỉ ghi chép các dữ kiện thuận lợi cho thành phần đương kim sau khi cướp quyền lực từ đấu tranh quần chúng.

Trong bối cảnh như thế thì đa phần các vị học giả trí thức chọn làm người “ngoài cuộc” mà vẫn “ăn theo”. Ăn theo đây không hẳn là trực tiếp hưởng được bổng lộc của cơ chế chính thống mà là lợi gián tiếp vì “bình chân như vại” ở đặc quyền (privileges) thuộc về chuyên gia. Chuyên gia thì bao giờ cũng được sử dụng và ưu đãi bởi người cầm quyền (phe tả, phe hữu) vì ta nằm trong phe nghiêng ngã.

Hơn thế nữa, chuyên gia xử dụng kiến thức và đặc quyền để dẫn đặt cái ảo tưởng huyễn hoặc là mình có “sự thật” định hướng suy nghĩ của đám đông quần chúng, và bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nói hộ giùm cho (phó) thường dân. Dĩ nhiên, chuyện mặt bên kia của đồng tiền cũng rất quan trọng:  ai được chọn cho phát biểu phản biện. Sự lựa chọn thiên vị đó không nằm ngoài sức mạnh của đồng tiền và quyền lực của một hệ thống nhập nhằng giữa nhà nước, cơ quan truyền thông, các cơ quan cung cấp ngân quỹ (còn gọi là “Sáng viện” hay “sáng hội” tức foundation), và giới chủ nhân ông.[vi]

Ông Thomas L. Friedman/một nhà bình luận cho tờ báo NY Times—người từng bị lên án nhiều lần khi ủng hộ chiến tranh Iraq và thiên vị Israel trong khi có nhiều lời lẽ miệt thị các dân tộc Ả rập cũng như từng bị chỉ trích bởi những người hàn lâm cánh tả và phe chống tự do thương mại toàn cầu hóa tại Hoa Kỳ—thì vừa rồi cũng đã khéo gác phản xạ lý trí chuyên gia của mình sang một bên để tường thuật lại cuộc cách mạng nhân dân Ai-cập như sau:

Khi do lòng vòng [ti quãng trường] ai cũng nghe thy toàn là những hy vọng bị đè nén, những khát vng và thất vọng suốt 50 năm qua của người dân Ai Cập. Tôi biết các nhà chuyên gia “thc tế” đang cho rng tt c không chóng thì chy s b dp b. Có th chúng sẽ bị dẹp tan. Nhưng trong những khoảnh khắc tỏa sáng ngắn ngủi này thì xin hãy quên đi các v chuyên gia và ch cn lng nghe thôi. Bạn chưa từng nghe được như thế này trước đây đâu. Đó là âm thanh của người dân tng đã quá lâu bị cướp đi và rt cuc đã tìm li được, đằng hắng thử âm ging và hân hoan ct lên tiếng nói mình.”[vii]

Đó là chưa nói đến hai lăng kính khác. Theo thuyết nữ quyền (feminism) (gọi chính xác hơn là nam nữ bình quyền) thì phản biện nặng tính chất “đực rựa” do đó không tạo được hợp quần đoàn kết. Cứ tham gia chơi trò đá gà, đá cá (lăn dưa), hay đấm (đá) bốc Muay Thái thì biết. Ngoài ra, phản biện xuất phát từ “kỹ nghệ triết lý” từ thời Socrates rất xa xưa của nền văn minh Tây phương nên luôn luôn trọng lý thiếu tình, và đã gạt bỏ hẳn cảm tính cho vị tha bao dung.

Giới hàn lâm phương Tây từng bị nghẹn họng vì lậm duy lý và loay hoay chưa cách nào thoát nỗi cái cạm bẫy đầy trắc trở của diễn luận “sự chọn lựa hợp lý” (rational choice discourse), nhất là sau khi Descartes đã kiên định sự hiện hữu của ông ta là nhờ “biết dùng cái đầu” (từ ngữ trong bài viết “Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam”; còn nguyên văn của Descartes là “I think therefore I am”). Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận cái lý luận/phản biện nhưng cần vạch ra tình/lý của mọi sự việc.

Diễn luận không giúp ích gì được cho cuộc đấu tranh giải phóng giúp bản thân ta và người khác khỏi nạn “nội thực dân[viii] trong các xã hội ngổn ngang những bất công và đau khổ.  Sự chọn lựa (mê sảng) duy lý này làm thui chột tâm hồn và nhân cách khi ta buộc chạm trán với tương quan giữa người và người (I- and-thou).[ix] Một sự chọn lựa duy lý trong vô thức nhưng tạo tràn đầy phản xạ thèm thuồng ghen tị của đám đông làm ta quên tình tha nhân và gạt bỏ lòng bồ tát, do đó dẫn đến việc coi thường chuyện con người cần vượt qua bản ngã và cái tôi.

Thứ ba, phản biện không tạo được đối thoại. Cứu cánh cho phản biện là phải tiếp tục sản xuất kiến thức theo đơn đặt hàng (ví dụ mong số lượng người nghe và đọc tăng cao) và trọng vị cá nhân hóa. Rất nhiều khi phản biện chuyên chở thành kiến chỉ trích, hay mang khinh ghét, và tạo phê phán nhục mạ (do vô thức hay có chủ ý) trong lúc đề cập đến và đánh giá các lập trường của các nhân vật hay lực lượng đối kháng nhau.

Thói (chứng) phản biện mang nặng tính giả thuyết (và nhiều khi thiếu bối cảnh quan) nhưng đội lốt hành xử khéo léo trong chủ quan kiêu hãnh rằng lập luận của mình thì là phải đúng.  Phản biện do đó tiềm ẩn gốc rễ bạo động vì nó dập tắt tương quan đối thoại.  Dĩ nhiên không có tương quan đối thoại thì không thể nào cổ động hô hào cho “hòa hợp hòa giải” hầu chuyển hóa tình cảnh mâu thuẫn bế tắc.

Chúng tôi ghi nhận nhiều viễn quan về đoàn kết và xây dựng trong các bài viết nhưng không may do tính duy lý trong phản biện đã gây phản tác dụng và đưa đến kết cuộc là chỉ sinh ra hàng loạt dây chuyền (phản) phản biện.

Phản biện tự nó không chỉ dừng ở trò chơi cá cuộc của hùng biện diễn luận và những cuộc bút chiến.

Nó còn là biển mê hoặc làm chúng ta chìm đắm nhanh chóng vào sóng đời tranh nhau vài mảnh bánh vụn vơi rãi dưới đất. Từ đó quên bén đi ai đang tỉnh bơ thuổng cả chiếc bánh trên bàn vào túi của họ. Không cần là chuyên gia thì ai cũng biết chuyện gì sẽ tiếp diễn xảy ra khi kẻ “cướp ngày” tiếp tục ung dung nắm giữ quyền lực một cách dễ dàng vì đã thuổng trọn chiếc bánh rồi mà.

© 2011 Vietsoul:21


[ii] Nhân dân, Nguyễn Hưng Quốc, VOA, 14/2/2011

[iii] Phản biện, Nguyễn Hưng Quốc, VOA, 11/12/2010

[v] Doanh nhân và dân chủ, Việt Hoàng, Thông Luận (số 255), 02/2011

[vi] Chứng quên tập thể, VietSoul21, 13/08/2010

[vii] Speakers’ Corner on the Nile, Thomas L. Friedman, NY Times, 7/2/2011

[ix] I-and-Thou, Martin Buber