vietsoul21

Posts Tagged ‘tư hữu’

Phạm Đình Trọng – Đất gọi

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/04/30 at 15:16

1

Cả nước đang sôi sục, nóng bỏng, đang ầm ầm dậy sóng những đoàn người khiếu kiện và đang cuồn cuộn những con sóng ngầm phẫn nộ trong lòng người vì đất đai.

Tiếng súng Đoàn Văn Vươn nổ ở Tiên Lãng, Hải Phòng, phá tan sự thanh bình, êm ả ngàn đời của làng quê Việt Nam cũng vì đất đai.

Sự biến ở Văn Giang, Hưng Yên, hàng ngàn công an trập trùng mũ sắt, khiên đồng, súng đạn, dùi cui trấn áp vài trăm người dân lương thiện, lam lũ cũng vì đất đai.

Vụ án ngang trái, oan khiên ở nông trường Sông Hậu, Cần Thơ cũng vì đất đai.

Đất đai đã trở thành sự xung đột giữa quyền sử dụng đất của người dân được ghi trong Hiến pháp: Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài (Điều 18, Hiến pháp 1992) với những nhóm quyền lực kinh tế kết hợp với quyền lực chính trị hối hả tìm kiếm lợi nhuận kếch xù, mau lẹ và dễ dàng bằng đất đai.

Đất đai đã trở thành sự xung đột ngay trong những văn bản pháp luật. Thế lực kinh tế liên kết với thế lực chính trị liên tục sửa Luật đất đai để họ dễ bề chiếm đoạt đất đai, làm giầu trong phút chốc bằng đất đai. Càng sửa, Luật đất đai càng xa rời Hiến pháp, ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, càng vô hiệu Hiến pháp, đất đai càng vô chủ, càng kích thích lòng tham, càng có thêm nhiều dự án treo đầu dê bán thịt chó về đất đai.

Đất đai đã trở thành sự xung đột giữa mục đích tối cao của nhà nước là an dân với những người nhân danh nhà nước chiếm đoạt mảnh đất sống ổn định của dân, gây sự xao xác, bất bình trong lòng dân, gây ra sự phản kháng mạnh mẽ, sự bùng nổ rộng rãi trong xã hội, gây đổ vỡ lòng tin của người dân với nhà nước.

Đất đai là nơi chỉ ra rõ nhất bản chất một nhà nước. Nhà nước ứng xử với đất đai như ở Tiên Lãng, Hải Phòng, như ở Văn Giang, Hưng Yên mà tự nhận là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đó là sự giả dối.

Đất đai đã làm băng hoại đạo đức xã hội, phá nát kỉ cương phép nước. Vì đất đai, quyền lực ngang nhiên chà đạp lên pháp luật, vất bỏ đạo đức làm người, coi thường cả đạo lí xã hội.

2

Đất đai gây đổ vỡ trong lòng người; đất đai làm rối loạn xã hội; vì đất đai, quyền lực thản nhiên chà đạp lên pháp luật thể hiện sâu sắc nhất trong vụ án nông trường Sông Hậu, Cần Thơ và trong vụ nhà nước dùng bạo lực chiếm đất của dân Văn Giang, Hưng Yên giao cho doanh nghiệp vẽ lên những dự án mĩ miều: đổi đất lấy hạ tầng nhưng thực chất chỉ là kinh doanh bất động sản mà quyền lực nhà nước trở thành đồng vốn quan trọng nhất trong loại kinh doanh đó.

ĐẤT NÔNG TRƯỜNG SÔNG HẬU, CẦN THƠ – NAM BỘ

Hai người Anh hùng, hai thế hệ cha con nối tiếp nhau lao động tận tụy, quên mình đã biến mảnh đất phèn Sông Hậu đến cỏ cũng không mọc nổi, người không thể sống được, chỉ có lơ thơ lăn lác hoang hóa thành mảnh đất bát ngát đồng lúa, xum xuê vườn cây trái. Hàng ngàn gia đình nông dân không có đất gieo trồng, sống lay lắt, nghèo khổ, lang bạt, nay có nơi an cư, trở thành nông trường viên nông trường Sông Hậu, có cuộc sống khấm khá và đang ngày càng giầu có.

Nhưng mảnh đất không có sự sống nay đã trở thành đất sống, mảnh đất nghèo nay đã trở thành đất giàu lại lọt vào tầm ngắm, lại là nỗi thèm khát của những phi vụ kinh doanh nhà đất. Người đàn bà Anh hùng giám đốc nông trường Sông Hậu liền nhận được gợi ý giao lại đất nông trường để chính quyền sử dụng đất vào những dự án khác mà ai cũng biết đó là những dự án đô thị hoành tráng.

Đất nông trường Sông Hậu đã là đất sống ấm no của hiện tại, đất khát khao hi vọng, đất rực rỡ trong tương lai của hàng ngàn gia đình nông trường viên. Vì những gia đình nông dân bình dị, thân thiết như ruột thịt đó, người đàn bà Anh hùng giám đốc nông trường không thể giao đất theo gợi ý của quyền lực. Người Anh hùng liền trở thành tội phạm.

Ủy viên trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy định tội rồi lệnh cho công an điều tra, viện Kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử! Tòa sơ thẩm rồi tòa phúc thẩm có sẵn bản án trong túi đều tuyên người đàn bà Anh hùng tám năm tù. Đó là lần thứ nhất pháp luật bị quyền lực chính trị khinh bỉ, chà đạp trên mảnh đất Sông Hậu!

Người Anh hùng bị tù oan khuất chống án. Lương tâm xã hội rầm rộ lên tiếng. Cơ quan quyền lực chính trị gồm mười bốn thành viên liền nhóm họp xem xét biểu quyết số phận người Anh hùng Sông Hậu. Mười một phiếu biểu quyết dừng vụ án, miễn truy tố người Anh hùng Sông Hậu. Cơ quan quyền lực chính trị đã làm thay cả tòa án của nhà nước, xóa tội cho người đàn bà Anh hùng Sông Hậu. Quyền lực chính trị cấp tỉnh chỉ định tội và lệnh cho công an, tòa án làm án buộc tội người Anh hùng Sông Hậu. Nay quyền lực chính trị cấp cao còn xử thay cả quan tòa! Đó là lần thứ hai pháp luật bị quyền lực chính trị ngang nhiên khinh miệt, chà đạp trên mảnh đất Sông Hậu!

Vụ án nông trường Sông Hậu chỉ xô đẩy mấy người trong ban giám đốc nông trường Sông Hậu vào vòng lao lí oan khiên, ngang trái nhưng đã bộc lộ hai điều lớn lao hệ trọng của xã hội, liên quan tới mọi số phận người dân.

Một là, Đất đai đã trở thành một thế lực ghê gớm, khuynh đảo cả pháp luật. Đất đai đã tạo ra một lớp người giầu có và một lớp quan chức hối hả tham nhũng bằng đất đai. Hai lớp người này lập tức liên kết với nhau làm thay đổi cả bản chất nhà nước, từ nhà nước của dân, do dân, vì dân trở thành nhà nước đối lập với dân.

Hai là, Từ đất đai, người dân phải cay đắng nhận ra là họ đang phải sống ở thời không có pháp luật, quyền lực chính trị đứng trên pháp luật, làm thay pháp luật mà vụ án ở nông trường Sông Hậu là minh chứng.

ĐẤT VĂN GIANG, HƯNG YÊN – BẮC BỘ

Ruộng vườn Văn Giang, Hưng Yên trên tầng đất phù sa sâu cả chục mét do con sông Hồng màu mỡ bền bỉ bồi đắp từ hàng triệu năm tạo lên. Hoa màu đang tươi tốt, cuộc sống đang yên ổn trên đất đai của tổ tiên từ ngàn đời để lại, bỗng ầm ầm ô tô chở công binh, công an đến, rầm rập công an dàn hàng ngang, nổ súng, vung dùi cui, xả đạn hơi cay vào dân. Những người nhân danh nhà nước đã biến cánh đồng của màu xanh bình yên thành bãi chiến trường mù mịt khói lửa, quyết ăn thua đủ với dân, quét dân ra khỏi đất hương hỏa cha ông. Rồi máy gạt, máy ủi gầm rú nghiến nát hoa màu như thời nô lệ năm 1944 lính Nhật hung hãn kéo đến quật nát lúa đang ngậm đòng bắt dân nhổ lúa, trồng đay phục vụ cuộc chiến tranh của Nhật.

Người dân cả mấy làng ở Văn Giang, Hưng Yên kéo ra đồng suốt đêm đốt lửa giữ đất như thời hồng hoang con người đốt lửa xua bầy thú dữ. Bầy thú bốn chân thời tiền sử đã lùi vào quá khứ hàng ngàn năm nhưng ngày nay người dân tay không giữ đất lại phải đối mặt với bầy công cụ hai chân, đầu mũ sắt, tay khiên, tay súng còn hung dữ gấp ngàn lần bầy thú hồng hoang vì bầy công cụ đông tới hàng ngàn tên. Sự kiện đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên thực sự đưa xã hội văn minh trở về thời hoang dã xa xưa, bạo lực hung hãn trút xuống đầu dân, bạo lực ngạo nghễ giành chiến thắng trên nỗi đau khổ, uất nghẹn căm phẫn của người dân.

Trong xã hội dân sự yên bình, sự chiến thắng của bạo lực nhà nước với dân lành đồng nghĩa với cái thua của pháp luật, cái thua của đạo lí, cái thua của văn hóa trị nước an dân: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.

Pháp luật thua, đạo lí thua, văn hóa trị nước thua vì nhà nước đã không đứng về phía nhân nghĩa, không đứng về phía công bằng xã hội, không đứng về phía số đông người dân lao động lương thiện mà đứng về số ít người có của, những nhà đầu tư trong nước, ngoài nước. Bạo lực nhà nước đã được huy động tối đa ra trấn áp dân, chiếm bằng được mảnh đất sống cuối cùng của dân, giao cho người có của xây nhà kinh doanh, làm giầu trên nỗi nghèo đói, bất an vô định của số đông dân lành.

Đại diện nhà nước cấp tỉnh, ông chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên nói rằng chỉ có 30% diện tích đất của Dự án Ecopark Văn Giang dành cho xây nhà kinh doanh, còn lại là đất dành cho phát triển giao thông, công trình phúc lợi, cây xanh nên Dự án Ecopark Văn Giang là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải dự án thương mại kinh doanh đơn thuần. Đó chỉ là cách nói lấp liếm, nói lấy được của thứ quan gian “muốn nói gian làm quan mà nói”. Đường sá, cây xanh, công trình phúc lợi xã hội bao quanh những tòa nhà cao tầng của khu dân cư chỉ làm cho những căn hộ trong khu dân cư có giá cao chót vót và bán đắt như tôm tươi mà thôi. Tỉ lệ cây xanh càng cao, những con đường thênh thang càng kéo những thành phố lớn lại gần thì khu dân cư càng đắt giá và nhà đầu tư càng lời lớn mà thôi.

3

Những cuộc chiến tranh đẫm máu liên miên suốt gần nửa thế kỉ, từ 1945 đến 1989, chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Mĩ, chiến tranh chống Pôn Pốt diệt chủng, chiến tranh chống Đại Hán bành trướng, chiến tranh giai cấp sắt máu trong lòng dân tộc… làm cho đất đai đồng ruộng Việt Nam đã thấm đẫm mồ hôi lại thấm đẫm máu người nông dân. Gần nửa thế kỉ chiến tranh, nhà nước đã huy động đến kiệt cùng sức người, sức đất của người nông dân. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người cho cơn khát của chiến tranh. Cả trong cuộc chiến tranh giai cấp sắt máu, số nông dân bị đôn lên địa chủ và bị bắn giết cũng phải đủ chỉ tiêu do giai cấp vô sản đề ra. Người nông dân phải chịu hi sinh mất mát lớn nhất cho chiến tranh, cho chiến thắng, cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hôm nay.

Sống còn bằng máu người nông dân, thế mà ngày nay nhà nước Việt Nam lại giành giật mảnh đất thấm đẫm máu người nông dân giao cho những nhà đầu tư để họ kinh doanh kiếm lời, đẩy người nông dân vào cảnh khốn cùng không còn đất sống. Đó là sự phản bội, vô ơn, táng tận lương tâm, không còn biết đến đạo lí làm người và văn hóa cai trị.

Máu người không phải nước lã. Máu người thiêng lắm. Mảnh đất đã thấm đẫm mồ hôi và máu người nông dân, mảnh đất ấy có hồn thiêng. Hồn thiêng của đất đã gọi và đang khẩn thiết gọi những người nông dân để họ biết phải làm gì giữ đất. Đất gọi và tiếng súng Đoàn Văn Vươn đã dõng dạc trả lời. Bao giờ những người nông dân cũng là nơi tiềm ẩn sức mạnh quyết định của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Tác giả gửi ngày 29-4-12

Source: Viet-studies.info

(Về bài viết) Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/04/25 at 12:46

Dân Làm Báo – Sau khi tìm hiểu và so sánh thêm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau được công bố trên mạng, những dữ kiện mà Dân Làm Báo có được cho thấy có hai công ty Việt Hưng: (1) Công ty cổ phần phát triển bất động sản Việt Hưng (là công ty đối tác chiến lược của VietCapital Bank do Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch HĐQT); (2) Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (chủ dự án Ecopark).  Xin đọc tiếp ở link này: Về bài viết “Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thanh Phượng và Ecopark”

 

 

Dân Làm Báo– Nguyễn Thanh Phượng là Chủ tịch của 4 công ty: VietCapital Bank, công ty quản lý quỹ Bản Việt, công ty chứng khoán Bản Việt và công ty bất động sản Bản Việt. Đó là thông tin chính thức được công bố.

Trên trang blog của anh Huỳnh Ngọc Chênh, đăng tải một tài liệu “Nghị quyết Đại hội Cổ đông thường niên 2012 của công ty Bản Việt” đề ngày 20 tháng 4, 2012 với nội dung:
VietCapital Bank phát hành quyền chọn mua cổ phiếu cho Công ty CP Phát triển Bất Động Sản Việt Hưng (Vihajico). Trong văn bản này Việt Hưng được ghi là đối tác chiến lược của VietCapital Bank và VietCapital Bank phát hành quyền chọn mua cổ phiếu cho đối tác chiến lược Việt Hưng. Việt Hưng nắm 5.670.000 quyền, mỗi quyền là 1000 đồng Việt Nam, tổng cộng giá trị của cổ phiếu là 5,6 tỷ VND.
Người ký văn bản là Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của VietCapital Bank.

Công ty Việt Hưng chính là Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) – Chủ dự án Ecopark.
Nguyễn Thanh Phượng là con gái của Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Tấn Dũng là Thủ tướng nước CHXHCNVN, người đã ký văn bản 1495/CP – NN cho dự án đô thị Ecopark – Văn Giang và giao cho Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư.
Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên công bố hôm 20/4/2012 do Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Bản Việt ký cũng đã vừa được đăng tải bởi BBC:

Tóm lại: Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyềh hành Thủ tướng để ký giấy trao dự án EcoPark cho công ty Việt Hưng và công ty này là đối tác chiến lược của VietCapital do Nguyễn Thanh Phượng – con gái của ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Sự việc chỉ có dừng lại ở đó?
Câu hỏi kế được đặt ra là Việt Hưng chỉ là đối tác chiến lược hay chính Nguyễn Thanh Phượng lại là một trong những thành phần lãnh đạo của Việt Hưng.
Các trang mạng lề trái đang đăng tải thông tin về công ty này trong đó Tổng Giám đốc của Việt Hưng (Vihajico) là Đào Ngọc ThanhChủ tịch Hội đồng quản trị là Nguyễn Thanh Phượng.
Tuy nhiên, dữ kiện trên thông tin của Ecopark vào ngày 21.08.2011 “Vihajico kỷ niệm 8 năm ngày thành lập (19/8/2003 – 19/8/2011)”, thì chủ tịch HĐQT của Việt Hưng (Vihajico) là ông Lương Xuân Hà.
Dữ kiện về ông Lương Xuân Hà cũng tìm thấy trong bản tin Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh về thăm dự án Ecopark.
Và sơ đồ cơ cấu tổ chức của Vihajico: (Cập nhật ngày: 01/12/2010)
Hiện nay, nếu có sự thay đổi nhân sự và Nguyễn Thanh Phượng trở thành Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của công ty Việt Hưng, chủ đầu tư dự án Ecopark thi thông tin này chưa được chính thức công bố.

Tạm thời có thể kết luận: Nguyễn Tấn Dũng đã dùng quyềh hành Thủ tướng để ký giấy trao dự án EcoPark cho công ty Việt Hưng và công ty này là đối tác chiến lược của VietCapital do Nguyễn Thanh Phượng – con gái của ông ta làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Bạn đọc có thêm thông tin hoặc dữ kiện liên quan xin gửi về lienlacdanlambao@gmail.com

Toàn văn bản “”Nghị quyết Đại hội Cổ đông thường niên 2012 Công ty Cổ phần chứng khoáng Bản Việt (VCSC”

Thùy Linh – Đất vỡ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/04/24 at 18:22

Tản văn của Thùy Linh

Theo blog Thùy Linh

Đêm qua cả ngàn nông dân úp mặt vào Đất để lắng nghe lần cuối tiếng thì thầm từ lòng sâu, nơi hồn thiêng cha ông gửi vào đó bao đời và mai đây sẽ chìm dưới những căn hộ cao tầng sang trọng cho những kẻ lắm tiền nhiều chức.

Họ đốt lửa ngồi sát bên nhau im lặng thổn thức trước một cuộc chia ly không có vé khứ hồi. Bất lực cô đơn không tấc sắt để chống lại bạo quyền và biết sẽ là chiến bại nhưng vẫn muốn bám chặt mười ngón tay lên mảnh ruộng này lần cuối…

Đêm không ngủ cùng Đất Mẹ bụng rỗng mắt hoa tâm trí hoang mang nghèo đói hiện tiền không tương lai nào dành cho họ.

Đêm nay Đất dưới chân bỗng biến thành trái tim bị dẫm đạp giày xéo vỡ tung thành trăm mảnh. Lửa thiêu đốt ngút trời tiếng khóc xé vành môi bà mẹ chị em tôi những người bán mặt cho đất bán lưng cho trời để kiếm hạt thóc nuôi con khôn lớn đi đánh giặc giữ nước giữ làng. Giờ Làng Nước có rồi nhưng Đất lại bị đưa vào cuộc bán buôn kiếm chác của những kẻ chức quyền tham lam vô độ vô nhân.

Lửa đã cháy và máu đã đổ không phải từ ngoại xâm mà từ những người họ hay gọi là đồng chí. Ôi người dân quê tôi lam lũ nhiều đời sẽ còn bị bần cùng tới khi không còn nước mắt để khóc, không còn máu để chảy trong huyết quản. Ngày mai những thân phận người không còn được bú mớm dòng sữa Đất Mẹ sẽ vất vưởng ra thành phố lay lắt kiếm sống qua ngày. Những kiếp sống tàn đời không biết đến ấm no.

Con ơi… Ông bà cha mẹ ngàn lần xin lỗi vì đã không thể giữ lại mảnh đất này… Khi ông bà cha mẹ chết đi con hãy viết trên mộ chí dòng chữ “thế hệ chỉ biết nhân nhượng” là điều các con nên tránh. Con sẽ phải học bước vào đời với hai bàn tay trắng cái đầu lạnh và trái tim máu nóng không biết bước qùi. Con hãy nghi nhớ những gì hôm nay ông bà cha mẹ đã phải chịu đựng thất bại ê chề đớn đau tủi nhục để biết sống và tìm cho mình một lối đi khác. Không còn Đất nhưng tương lai của con phải được gieo trồng trên những cánh đồng của Tự do Hạnh phúc Công bằng Yêu thương.

Đất đang vỡ như trái tim đang vỡ… Từng mảnh tim ứa máu rải khắp quê hương này… Và người ta đang lấy máu Đất để sơn phết những gương mặt Quỉ đang nhảy múa cuồng điên trong cơn khát tiền tài danh vọng.

Đất đã vỡ như trái tim đã vỡ… Tan hoang…

Thôi, hãy quay mặt đi đừng nhìn cơn điên loạn này mà phá hỏng mất tâm hồn. Ông bà cha mẹ cố giữ lấy cho con lòng tốt để đón chờ một tương lai sẽ phải đến nhé con yêu…

 

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

In Chính trị (Politics), Kinh Tế, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam, Văn Chương on 2012/03/29 at 16:23

 

Nước Vệ triều nhà Sản

Năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương thứ hai.

Nứt đập chắn nước ở nam trung bộ, tính mạng hàng trăm ngàn bá tính bị đe dọa.

Dân oan bốn phương kéo về kinh đô đánh trống kêu oan ngày một đông.

Ngoài biên cương nước Tề kéo thủy quân nhòm ngó lãnh hải, bắt đi cơ man nào là ngư dân đòi tiền chuộc.

Ngân khố cạn kiệt, giá cả vẫn leo thang chóng mặt.

Nhà nhà phá sản, khánh kiệt.

Kẻ có bạc vẫn hoang phí, xa hoa,quan chức thì xây cung điện, dinh cơ tráng lệ. Phường trọc phú tậu xe tứ mã nhập ngoại, tổ chức hôn lễ đình đám tốn hàng ngàn lượng vàng.

Bấy giờ nhà Sản thấy ngân khố trống rỗng, lo lắng họp triều định nghị sự, đại thần nghị chính Tôn Dưa mở đầu nói rằng.

Nay thiên hạ rối ren, đập nứt, vỡ nợ, nông dân thì kiện triều đình mất đất, ngư dân thì bị Tề bắt giam đòi chuộc, giá cả lạm phát hàng ngày….nhưng thứ đó đều quan trọng. Nhưng cái quan trọng nhất cần bàn phải là ngân khố triều đình. Đập vỡ chết dân thì dân lại sinh đẻ. Nông dân, ngư dân không có ruộng, biển hành nghề  tức khắc đói đầu gói phải bò kiếm nghề khác. Giá cả cao thì không ăn thịt nữa chọn rau , củ mà ăn…chưa hẳn là cấp bách. Ngân khố là sức mạnh đoàn kết của triều đình, không có ngân khố không duy trì được ba quân. Không giữ được ba quân thì không giữ nổi triều đình. Nước Vệ ta từ khi thành lập đến nay dân tình trải qua bao lần đào sắn, khoai trừ bữa nhưng chưa bao giờ sinh biến, ấy bởi vì ngân khố cho ba quân còn mạnh. Ba quân mạnh thì dẫu biến thế nào cũng trị được. Bởi vậy lần này nghị triều, việc khẩn cấp là tìm nguồn tài lực cho ngân khố. 

Vệ Kính Vương trầm tư gật đầu, xưa Dưa với Vệ Kính Vương cùng trường, người khóa trước kẻ khóa sau. Nên nói là hợp ý. Vệ Kinh Vương trăn trở luận rằng.

Biết là vậy, nhưng tài nguyên đã bán hết từ lâu, ruộng đồng của dân thu hồi về bán cũng gần hết. Vay nợ bên ngoài khắp nơi giờ cũng hết chỗ mà vay. Biết chỗ nào trông cậy.

Bạo e hèm một tiếng, triều thần đổ dồn ánh mắt về phía Bạo. Làm tể tướng nhiều năm, Bạo có tiếng là liêm khiết. Gia sản thanh bạch, nhà cửa mồ mả cha ông ở quê nhà vẫn đơn sơ, giản dị. Con cái, họ hàng không được nhờ cậy toàn phải tự lực cánh sinh. Lúc Bạo làm tể tướng tính yêu sự thật, ghét giả dối cho nên không có bè cánh gì cả, chỉ dựa vào tài năng, đức độ của mình mà điều hành việc nước. Không những dân chúng trong nước yêu mến, mà ngay cả người nước ngoài đều đánh giá Bạo tài năng lỗi lạc, xuất chúng. Bởi vậy Bạo hắng giọng là được sự chú ý của cả triều đình.

Bạo đưa cằm lên cao, ngước mắt nhìn xung quanh, mắt nheo nheo, miệng cười khẩy nói.

Triều nhà Sản ta xưa nay lắm lý luận, chả lẽ không có kế gì sao.?

Một phần ba đại thần nghị chính là nho sĩ, triết gia, lý luận hàng đầu của nước Vệ. Nghe Bạo hỏi ai cũng tảng lờ. Việc tiền bạc và chữ nghĩa xưa nay không mấy khi chung đường. Bạo đợi mãi không thấy ai trả lời, mới hỏi.

– Thế nào là phát huy nội lực.?

Vẫn không ai trả lời, Bạo quay lại đằng sau gọi quân bản bộ của mình là tùy tướng Đương Leo Thang.

–  Này Thang, ngươi có trả lời được câu này cho triều đình nghe không ?

Đương Leo Thang tuổi trẻ, tài cao, chí lớn. Người trấn Sơn Nam Hạ. mắt phượng, mày ngài đi đứng ăn nói dõng dạc. Nghe chủ tướng gọi tên mình, Thang bước ra giữa triều tâu.

Phát huy nội lực chính là lúc này đây, không lấy được tiền từ tài nguyên, đất đai, vay mượn thì lấy từ trong dân. Kế này gọi là hết nạc ta vạc đến xương. Dân ta bây lâu nay nhờ ơn nhà Sản mở mang luật pháp cho làm ăn, của nả cũng dư dả. Xe cộ nườm nượp đi tắc cả đường. Nay nhân cớ dẹp tắc đường mà thu phí. Đó chả phải là kế hay sao.?

Bạo hỏi.

Thế ngươi đã có chủ trương gì chưa ?

Thang tâu.

Thưa tể tướng, thần từ khi nhậm chức đã biết lo xa. Nên đã học Thương Ưởng.

Triều đình có tiếng thì thầm, học gì , Thưởng Ưởng là ai nhỉ ?

Thang rành rẽ kể.

– Được vua Tần giao quyền trị nước, Thương Ưởng liền soạn thảo một chính sách Pháp trị cứng rắn để đem ra áp dụng. Bảy điều luật ông chuẩn bị ban hành đều rất hà khắc, trong đó điều thứ 7 là hà khắc nhất: trong 10 nhà nếu có một nhà phạm pháp mà không ai báo thì cả 10 nhà đều bị giết.

Vì chính quyền nước Tần lâu nay vẫn chuyên “nói một đường làm một nẻo”, giờ cần lấy lại lòng tin của dân chúng để thi hành 7 điều luật Pháp trị mới này thật khó. Thương Ưởng đã nghĩ ra một cách phương cách khá ngoạn mục và cũng khá hao tốn: Ông cho dựng nhiều cây gỗ nhẹ dài khoảng ba trượng ở cửa Nam thành kinh thành rồi thông báo: “Ai vác nổi một cây gỗ này từ đây sang cửa Bắc sẽ được thưởng 5 lượng vàng”.

Suốt ngày hôm đó không có ai vác.

Hôm sau ông lại cho thông báo: “Ai vác được một cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lượng vàng”.

Hôm ấy cũng chẳng có ai vác.

Hôm sau nữa Thương Ưởng lại cho thông báo như cũ nhưng thay vì thưởng 10 lượng thì giờ lại tăng thành 50 lượng. Dân chúng thấy kỳ lạ chưa biết ý của quan Tả thứ trưởng muốn gì. 

Một người ăn mày nói:
-Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?

Và người này đã vác thật! Khi vừa để thanh gỗ xuống cửa Bắc ông ta liền được người của quan Tả thứ trưởng mời vào trong trao tặng 50 lượng vàng thật! Những người khác thấy vậy cũng kéo sang cửa Nam vác gỗ sang cửa Bắc và cũng đều được lãnh thưởng 50 lượng.

Thực hiện xong việc lấy lại lòng tin của quốc dân, Thương Ưởng liền ban hành pháp lệnh mới để chính quyền cùng dân chúng thi hành.

Sau khi pháp lệnh được ban ra, chính quyền bắt đầu triệt để thực hiện. Từ các bậc công hầu cho tới hàng thứ dân hễ ai phạm lỗi đều bị trừng phạt đúng mức. Thái tử Doanh Tứ vì chê tân lệnh không đúng cũng bị trừng phạt. Vì Thái tử là vị vua tương lai không thể phạt trực tiếp, hai vị thầy dạy của Thái tử là Công Tử Kiền đã phải chịu cắt mũi và Công Tôn Giả đã phải chạm vào mặt.

Thế là từ đó dân nước Tần tin hễ nhà nước nói sao thì làm vậy

Thang ngừng lại một lát để câu chuyện được thấm vào tai người nghe, đoạn tiếp.

Thần khi mới nhậm chức, đã học chuyện đó mà cách chức mấy mống quan dưới quyền. Ra lệnh khắt khe với bọn dưới trướng. Dân tình giờ ai cũng hân hoan, khen ngợi quan lại triều ta chí công vô tư. Lời nói bây giờ thần đã có trọng lượng với dân rồi ạ.

Bạo khoát tay.

Thôi không rườm rà, thế đã đến lúc phát huy nội lực chưa ?

Thang tâu.

Giờ đã là lúc chín muồi, thần đã có bản tấu xin triều đình phê chuẩn thu phí xe cộ trong dân gian.

Bản tấu của Đương Leo Thang chuyền tay cho triều đình đọc, ai cũng tấm tắc khen kế sách chu toàn, nghĩ trước sau chặt chẽ. Các quan lại đứng đầu các bộ như tìm ra được hướng đi, hân hoan bàn tán râm ran, người tính tăng giá thuốc, người lượng tăng giá than, người áng thu phí thuế đất ở phi nông nghiệp….

Vệ Kính Vương nâng ly mừng tể tướng Bạo.

Quả là rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt, công lao này thuộc cả về tể tướng.

Bạo nhận chén rượu, khiêm tốn đáp lễ rằng.

Ấy là nhờ Vương cả, giữ vững được niềm tin cho dân chúng đến chùa, giữ được chùa tất nhiên có oản mà thôi.

Triều đình nhà Sản nghị xong, tình đoàn kết lại tràn trề. Mọi mối tị hiềm đều được xua tan. Đúng là một nước cường thịnh, vua sáng tôi hiền. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng như lời tiên đế ban khi xưa.

Lúc lệnh ban ra, dân chúng đa số đồng thuận. Duy có lác đác vài kẻ cự nự. Đại thần nghị chính kiêm tổng trấn kinh thành là Cả Sáng phán.

Chúng mày nhiều tiền mua xe đi, kêu ca cái nỗi gì.

Dân chúng từ đó không còn ai dị nghị nữa.

Nguồn: Người Buôn Gió

Cùng tác giả:

Người Buôn Gió – Đồng “chác”

Người Buôn Gió – Ngôn từ

Người Buôn Gió – Thời của âm binh

Người Buôn Gió – Tái cơ cấu thần chưởng

Người Buôn Gió – Đêm dài biên ải

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

Người Buôn Gió – Hóa ra đều ăn cắp hết

Người Buôn Gió – Đi tù và đi cải tạo

Người Buôn Gió – Con trâu của ai?

Người Buôn Gió – Hà Nội trong mắt ai

Loạt bài Đại Vệ Chí Dị:

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị – Mọi sự quái đản đều là do… thế lực thù địch

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị: Cứ đổ cho thế lực thù địch xúi dục là OK!

Bút Gà (chấp bút) Đinh Thế Huynh gởi ban tuyên giáo Tiên Lãng_HP

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/02/09 at 18:31

Tớ, Bút Gà, chấp bút cho (thủ) anh Đinh Thế Huynh của bộ hầu đồng (BCT) bình vôi[1] đảng CSVN, gởi lời phán của bà đến ban tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng và TP Hải Phòng. Những tưởng lời bà phán trước Tết đã đủ cho các cậu hiểu nhưng sao các cậu đần thế. Các cậu chắc hẳn là lũ đần ông nên bà lại phải cho uống nước “thánh” (vật) vậy.

Trước nhất bà hỏi có phải thằng Đại (tá) Ca này ăn phải ka ka hay vui vẻ úp mặt vào cái lá đa nên phát ngôn ô uế thối um cả đền bà. Bà nói là phải để cái thằng này thánh vật mới chừa tật. Vừa chưa hết cái họa mồm[2] hôm nọ nay lại văng miệng (miểng). Thế này thì đến chết thôi.

Ối giời ơi, cái thằng thánh vật mà không chết này thì bà phải vời cô hồn các đảng làm thịt mày mới được! Mày hại bà rồi! Làm sao mày lại nói nhà của Vươn là chòi. Thế thì chết bà rồi! Bao nhiêu năm qua các anh mày thu hồi đất đai, lấy đất, lấy ruộng, đào mồ xới mả nhân dân bị kiện cáo đầy trước cửa phủ bà. Giờ nếu nhỡ bọn mất đất, mất ruộng, mồ mả ông bà ấy chúng chỉ xin bồi thường theo tiêu chuẩn lượng giá “cái chòi anh Vươn” thì các anh mày phải chết giở thôi!


Bà đã cảnh báo anh Huynh nhà mình chớ khinh suất để mất chủ động. Cần phải biến hóa mọi việc từ thủ sang công, đổi công thành tội, bóc tách đổ lên đầu anh em nhà Lê văn Hiền, Lê văn Liêm. Đứa nào dại đỡ đòn bao che thì ta đem làm dê tế thần luôn thể. Tuyệt đối cô lập ranh đe “thuần hóa” anh em nhà họ Đoàn với con ngáo ộp “thế lực thù địch” là chúng tịt ngòi ngay thôi nhé.

Bà nói thế đấy. Nghe thấu chửa? Đã qua Tết, xong chuyện khánh tiết đón tiếp lính anh, lính chị địa phương về thăm viếng gởi phong bì chúc Tết anh Huynh, nên Bút Gà tớ đây mới có tí thì giờ ngoáy hũ cáy chấm bút (mút) chút đỉnh. Các cậu biết là anh Huynh đã giao ban báo chí đầu năm[3] vào cuộc định hướng đỡ đòn. Anh giao cho 6 nhiệm vụ, tất cả tập trung vào “tuyên truyền” cho cái bình vôi (BCT) của bà. Anh gởi lời của bà trước nhất là tập trung tuyên truyền kỷ niệm ngày mở phủ (3/2), học tập và làm theo gương đạo đức/đ. (tên đệ tử con cầu tự) Hồ Chí Minh.

Đồng thời anh Huynh đã gài khung “Hành vi chống người thi hành công vụ” rồi đấy. Anh Ba Dũng (a hèm, đại biểu quốc hội của tỉnh cảng Hải Phòng) cũng đồng điệu góp lời trong công điện số 57 yêu cầu “Xử lý nghiêm trường hợp chống đối người thi hành công vụ”. Cứ quán triệt, nhất trí như thế mà làm. “Việc báo chí đưa tin, phân tích đa chiều vụ cưỡng chế” cũng chỉ là đánh bùn sang ao trong hệ thống luật lệ (lệnh)[4] nhà nước đảng ta.

Anh Huynh nhà mình cũng đã điện về cậu Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, triệu cuộc mít tinh quán triệt thời sự tại Đảng bộ thị trấn Tiên Lãng. Toàn thể đảng viên Huyện Tiên Lãng “thống nhất về mặt tư tưởng”, “giữ vững lập trường” là “ông Vươn … đã chọn giải pháp chống người thi hành công vụ là vi phạm cực kỳ nghiêm trọng về luật pháp”. Việc cưỡng chế, thu hồi đất về cho bà là chuyện thường ngày ở huyện, như chuyện cái đêm hôm ấy đêm gì[5]. Bà khoán đất cho chúng thì bà đòi lại thế thôi. Không thể để vụ tay Vươn này trở thành một tiền lệ trong “nhà nước pháp quyền” chuyên chính đảng ta.

Anh Huynh cũng từng nhắc đi nhắc lời phán của bà để các cậu thấu triệt thế này. Cái câm lặng cần thiết cho việc trị dân. Đừng để cho “cây tỏi nổi giận”[6] và chước sách hữu hiệu là bịt miệng nạn nhân. Thế chứ lị. Ta đã bịt miệng nạn nhân tập thể rồi đấy. Bằng cách cho chúng tự do tha hồ gởi khiếu kiện tới đủ cơ quan ban ngành và địa phương, cho báo chí lề phải tha hồ báo cáo tường thuật, cho cụ Lê Đức Anh ngay lập tức ra mặt la làng la xóm là các cậu Tiên Lãng làm quấy. Từ Huyện tới Tỉnh, từ Thành phố đến Trung ương, từ Mặt Trận đến Quốc hội theo kiểu đèn cù hội chứng Lục Vân Tiên[7]. Cụ Hiền Đức với núi hồ sơ dân oan khiếu kiện cầm đèn chạy trước nhưng ô tô Thanh tra nhà nước cứ phanh trước nhà hàng Long Đình nhận tí trà nước thì đã sao nào. Ta đã bịt (miệng) nòng súng hoa cải trao (tráo) anh Vươn cái loe đài “Em sẽ khai thành khẩn, em nhận thức việc đó là sai” và “Đảng và nhà nước khoan hồng cho em và người thân của em.” thế là xong.

Bà cảnh cáo rằng thì là dù tiếng súng hoa cải lẹt đẹt nhưng âm vang và đồng hưởng rất to vì số dân oan vô vàn khắp nơi trên toàn cõi đất nước[8]. Khi ấy ta phải cần những phèng la, trống ếch, chuông mõ ồn ào nhiễu động để át tai và đánh lạc hướng.

Phương pháp đánh lạc hướng một cách chủ động là tổ chức “tuyên truyền về các lễ hội” nhất một. Đây là một trong 6 nhiệm vụ hàng đầu của báo chí. Đấy là việc có lợi vô vàn. Tất cả những gì về truyền thống, dân tộc sẽ được gán ép, gắn liền với đảng và nhà nước ta. Cùng lúc ta tạo dựng được cái bình phong xã hội hạnh phúc, vui chơi trong chốc lát để chẳng ma nào để ý đến những khổ đau, xấu xa, bất cập diễn ra trước mắt ngày ngày. Và hơn hết ta lôi kéo, mê hoặc, mị dân hao mòn năng lực vào cái đình đám, vô hình (ăn mày dĩ vãng theo Bà) và quên nhãng đấu tranh cho công bằng xã hội trong hiện thực.

Phương pháp đánh lạc hướng khác cũng không kém phần rôm rả, có vẻ như “ngẫu hứng qua cầu” là (phản) phản biện[9] của giới trí thức/trí ngu/trí ngủ, trùm chăn/bó chiếu/giăng mùng. Ta kích cho chúng thỏa thê gây sóng gió với cơn bão trong tách trà[10] (he he he, cái này phải cần Bổ đề toán mới giải ra hết) cho đến khi chén nước nguội dần thì ta nốc cạn.

Ta mặc cho chúng trăn (chăn) trở để lương tâm lâu lâu được giũ bụi, phơi nắng khỏi bị mốc meo mắc bệnh hắc lào. Đám “nói và làm” như Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, anh Ba SG, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Huy Thức, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng, Đoàn Văn Vươn dám thách thức bà thì đã được giải quyết nhanh chóng rồi. Còn các cụ/cựu, nguyên/ngơ, nghị/nghễnh xôi oản một (nhất) thời, phát ngôn (ngông) nhiễu động cũng rất cần thiết cho cái “dân chủ đầu mưng mủ” đảng ta.

Ta để cho các cậu (chậu) kiểng Mặt Trận vờ vịt (mờ mịt) hoắng lên “Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại.[11] Những đảng viên la toáng “xấu hổ” vẫn ôm bình bát (bình vôi) khất thực cửa đền. Bà đẻ đứa con hoang Mặt Trận để ôm tráp cho bà thì đố (bố) nó bảo vệ cho ai đấy! Các cậu ấy biết tỏng tòng tong rằng-thì-là các anh nhà mình đã be bờ thì ngọn đầu sóng vũ bão lẻ loi cũng là chuyện nhỏ như con thỏ. Có mà cả ngàn con sóng nhỏ cùng dồn dập không ngừng thì các anh mày mới kệch. Ối dào, anh Ba phù phép “quả đấm thép” Vinashin tái cấu trúc thành “bột bánh bao” tha hồ rút/đút ống mà có thấy thằng nào ló mặt “hành động để phản ứng lại” đâu.

Bà sai tớ phải luôn nhắc nhở nhân dân quán triệt “chân lý” bà là chủ đất (nước) từ cái thời cướp chính quyền. Đó là một “khách quan lịch sử” và “ơn đảng, ơn chính phủ” đời đời phải tạc ghi chứ lị. Sở hữu toàn dân có nghĩa là dân chỉ toàn có tiếng còn bà thì được trọn nguyên miếng. Đứa nào nói bà cướp đất[12] là mắc tội phỉ báng và đáng đi nằm nhà đá. “Sở hữu toàn dân” là đỉnh cao trí tuệ của đảng (cướp) ta nằm ở đuôi của cái gọi là kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chừng nào mà nông dân vẫn tự nguyện làm “nhân dân” khoán hộ đất bà và khối công nhân, người dân thành thị luôn xin xỏ cầm sổ đỏ thì vận của bà vẫn thông hanh.

Năm nay là năm con rồng. Rồng đất/nước cỡi đầu ngọn sóng (Tiên Lãng) khó mà thuần hóa được. Bà thuộc cõi âm, lại khắc tinh con rồng nên mệnh yểu và cần lính anh, lính chị các cậu hết lòng bảo vệ. Các cậu sểnh vụ này bể bình vôi thì mất lộc, hết thóc đi ăn mày đấy.

Bút Gà


[6] Cây Tỏi Nổi Giận, tiểu thuyết của Mạc Ngôn

[7]Vân Tiên cõng mẹ chạy vô, đụng phải Thanh tra cõng mẹ chạy ra.
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, gặp ma Ba Đình cõng mẹ chạy vô.”


Chuỗi bài:


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ]

 

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/02/09 at 16:15

 

Người Buôn Gió

Theo blog Người Buôn Gió

Năm Tân Mão. Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66, đời Vệ Kính Vương thứ nhất.

Năm đó loạn khắp nơi. Mùa hè đến suốt mùa thu năm Tân Mão dân sĩ kinh thành tụ họp phản đối chuyện Tề chiếm lãnh hải, việc đó kéo dài đến mấy tháng. Sau này triều đình mới tóm người nổi bật trong đám ấy là một nữ nhi, tống vào trại giáo dục như trại tù. Chuyện đó mới tạm yên.

Từ khi con cháu của khai quốc công thần là Cù tiến sĩ bị đưa ra xét xử vì tội mưu phản triều đình. Nước Vệ càng rối ren hơn. Ngay sau khi xử, triều đình tầm nã ráo riết, bủa lưới khắp nơi bắt thêm vài chục mống thanh niên với tội mưu phản, đến đầu năm sau lại bắt thêm nhóm khác ở phía Nam thuộc phái Công Luận Công Án đến cả chục người cũng tội mưu phản.

Bấy giờ ở đất Lãng ven biển, có người họ Đoàn thi đỗ cử nhân không làm quan bỏ về quê ra công lấn biển, đắp đê, quai đập ròng ra mười mấy năm trời. Cơ nghiệp cha ông để lại cùng mưu sức dồn cả vào đó. Lập nên một trang trại mênh mông, dân trong vùng nương nhờ con đập mà ổn định sự sống. Tưởng đâu đời sống thái bình, chí thú làm ăn đến lúc tuổi già.

Ngày nọ quan anh đất Lãng là Lê Liêm Khiết cùng quan em là Lê Hiền Lành đi tuần thú, thấy đất đai của Đoàn màu mỡ, thẳng cánh cò bay. Quan anh mới hỏi quan em rằng.

Ơ! đất đâu ra mà ngon thế nhỉ?

Quan em thưa.

Đất này do Đoàn cử nhân, lấn biển mà có. Nay họ Đoàn đang sử dụng.

Quan anh.

Thế tên Đoàn cử nhân ấy sống có biết lẽ trời không?

Quan em.

Tên họ Đoàn ấy ỷ công sức lấn biển, coi thường quan sở tại, hàng năm không có cống nạp gì. Gặp quan lại trong quán chỉ dương mắt mà nhìn. Thật vô lễ. Lẽ đời còn chưa biết, nói chi là lẽ trời.

Quan anh nói.

Nhà Sản chúng ta thay trời hành đạo, cai trị đất nước này đã mấy chục năm. Bốn cõi phẳng lặng, yên bình, ấy là do chúng ta hành đạo sâu sát, khiến dân chúng ý thức được bổn phận con đen. Anh em chúng ta là quan nhà Sản tức là vâng mệnh trời mà hành đạo. Sao để có đứa vô lễ như vậy. Nếu không làm cho ra nhẽ, đứa khác a dua theo, chúng ta còn mặt mũi nào mà cầm thẻ ngà nhà Sản mà hành đạo nữa. Mau ra lệnh thu hồi gấp để giao đứa nào biết lễ nghi sử dụng.

Thế rồi kẻ nách thước, người tay đao, súng ống tề tựu dưới sự chỉ huy của anh em nhà quan sở tại họ Lê, ngày nọ dẫn cả đám kéo đến trang trại nhà họ Đoàn thu hồi đất. Họ Đoàn thấy đám nọ xâm phạm đất nhà mình,từ xa bèn lấy súng đạn ghém bắn dọa chơi một cái. Khiến quan quân sợ vỡ mật, ôm đầu mà chạy. La đến tận hàng tổng, khiến quan tổng binh thành Hoa Cải là Đậu Ka phải vận dụng hết binh pháp, sáng tạo thêm lối đánh tài tình. Trên bến, dười thuyền, thủy bộ toàn dùng quân đặc nhiệm nhịp nhàng tác chiến do Ka trực tiếp chỉ huy. Đến nơi khai hỏa, khói súng mịt mù trời đất, rồi xông vào thì chả còn ai. Quan sở tại họ Lê nhân lúc đó bèn cho người bắt chó, bắt cá, đập phá nhà cửa khiến cơ ngơi mấy mươi năm họ Đoàn thành bình địa, vườn không nhà trống. Triệt luôn tang tích, dấu ấn của họ Đoàn.

Họ Đoàn ra đầu thú, quan tổng binh trấn Hoa Cải là Đậu Ka bắt cả họ vào ngục, sau thả vài mống đàn bà về. Anh em nhà họ Đoàn bị giam vào ngục vì tội có ý giết quân triều đình. Tiếng tăm vụ án này bay khắp nước, nhân sĩ, quan văn, lão thành, cựu chiến binh nghe thấy đều bất bình với hành động của quan sở tại đất Lãng làm đơn khiếu nại, rồi bàn tán bất bình.

Vua tôi nhà Sản họp cả tháng trời không biết quyết sao. Lúc đang phân vân, dằng co tính định thì lão khai quốc công thần mới sốt ruột gửi tờ hối thúc. Tờ đó ý rằng cả năm nay nhà Sản bắt bao người dân thường, trí sĩ với tội mưu phản, khiến lòng dân đã hồ nghi sao lắm người làm phản thế. Nay lại chính quan lại nhà Sản cũng gây phức tạp thêm, nếu không quyết xử thì người ta lại đổ tại là vì quan lại ác bá mà dân làm phản.

Triều đình nhà Sản nghe thấy cao kiến, bèn quyết định bãi chức anh em nhà họ Lê đất Tiên Lãng. Việc rành rành cả tháng trời mới quyết xong, bàn đi tính lại mãi. Ấy cũng bởi cách làm phân vân giữa luật và lệ. Phàm khi dân phạm luật thì có án ngay, quan lại phạm luật dùng dằng để cả năm chưa xong. Vụ xứ Lãng nhờ dư luận gay gắt thế mà cũng phải mất tháng trời.

Thế mới biết, nhà Sản hành đạo thì hay, nhưng hành pháp vẫn còn lúng túng lắm.

 

Cùng tác giả:

Người Buôn Gió – Tái cơ cấu thần chưởng

Người Buôn Gió – Đêm dài biên ải

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

Người Buôn Gió – Hóa ra đều ăn cắp hết

Người Buôn Gió – Đi tù và đi cải tạo

Người Buôn Gió – Con trâu của ai?

Người Buôn Gió – Hà Nội trong mắt ai

Loạt bài Đại Vệ Chí Dị:

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị – Mọi sự quái đản đều là do… thế lực thù địch

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị: Cứ đổ cho thế lực thù địch xúi dục là OK!

Bút Gà (chấp bút) Đinh Thế Huynh gởi các Huyện ủy

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/01/15 at 20:16

Tớ, Bút Gà, chấp bút cho (thủ) anh Đinh Thế Huynh của bộ hầu đồng (BCT) bình vôi[1] đảng CSVN, gởi lời phán của bà đến các cô/cậu Bí thư, Chủ tịch Huyện. Chuyện thường ngày ở huyện mà các cậu làm ăn bát nháo thế nào lại đến tai bà.

Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng

Bà hỏi rằng các cô/cậu Bí thư, Chủ tịch Huyện múa may gì mà chúng lại bơi móc, lôi cả tên của bà ra mà xỉa xói như vậy.  Bà bảo là bà chỉ có ba đầu sáu tay chứ đâu phải như Quan Âm nghìn tay nghìn mắt để độ hết thủ nhang, đồng đèn, lính anh, lính chị khắp chốn địa phương. Vụ cưỡng chế Đoàn văn Vươn đất Tiên Lãng[2] này thì bà đã trước sau như một quy trách nhiệm “dân của mày thì mày về mà giải quyết”[3] đấy nhá. Bà đã khiển/khiến anh Huynh nhà mình từng huy động lực lượng “chức năng” 4T “bảo vệ đảng” thì cớ sao chúng bây lại bôi bác lấy thúng úp voi để lộ hàng tuồn tuột.

Ví như phải là đám ăn đóm theo tàn thì các cậu không cần kiêng nể, e dè vì bà nắm cái hầu bao chúng, bà khiển được qua việc lên xe xuống ngựa. Còn cái tên Vươn, kẻ khốn trong bước đường cùng thì các cậu vây vào để mắc họa thì đừng than. Giờ thì cái loa định hướng thằng đệ tử Huynh, thằng anh chúng mày đấy, phải cô lập và bóc tách anh em nhà Lê văn Hiền, Lê văn Liêm ngay. Phải vu ngay cho chúng là mất lập trường (cường hào), hủ hóa (ác bá) địa phương. Định khung chúng là thành phần (gian dối) lý lịch bất hảo từ thời Pháp thuộc chứ chả phải vì quán triệt “đạo đức Hồ Chí Minh” mà áp bức, bần cùng hóa nông dân.

Bà đã phán từ xưa đến nay rằng thì là xây khối đền đài, mở phủ (lễ hội) soèn soẹt thì phải tốn thóc, tốn cơm. Bà lại còn phải nuôi lắm đám từ thủ nhang, đồng đèn, lính anh, lính chị đến cả dàn chầu văn chuyên lo hầu bà chứ. Tốn hao nhất thì nào khỏi ngoài khoản chi cho cái dàn chầu văn mà thằng đệ tử Huynh anh mày đảm đương đấy. Chúng đờn ca, hát hỏng tất tật mới chèo kéo, mê hoặc, mị dân để nhất bộ, nhất bái phủ phục bà.

Bán đất (nước), đào mỏ (mả) mà ăn thì cũng hao hụt nên giờ ta phải lấy đất từ đám bần cố nông thôi[4]. Đứa nào nói bà cướp đất[5] là nói ngoa đấy, bà là chủ đất (nước) từ cái thời cướp chính quyền chứ lị. Công lao (quần) chúng tham gia khởi nghĩa, cách mạng được đền bù thế là đủ rồi. Giờ thì phải giả lại cho bà chứ. Bà đã giải phóng chúng, cởi trói khỏi phải làm hợp tác xã lao động nay thả rông cho làm lao động tự do cửu vạn, ô sin[6] thoải mái thế mà còn trách móc gì.

Bà biết. Ngay cả Hitler, Stalin, Pol Pot, Mao Trạch Đông (Bác Hồ ta đó chính là bác Mao[7]) cũng đâu thể một mình tàn sát, giết người trong tội phạm diệt chủng. Họ phải có sai nha cần mẫn, tận tụy, và trung thành thực thi cái sát lệnh. Hendrich, Himmler, Beri, Duch (Kaing Guek Eav) là những cánh tay đắc lực thực hành chính sách bạo tàn. Bà nuôi bao đứa ròng rã suốt hơn sáu mươi nhăm năm rồi chứ ít ỏi gì. Bà cưng nhất là cái thằng đấu tố (Hữu), “giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”[8] để gom hết đất (nước) vào tay bà. Thằng đệ tử anh Huynh nhà mày chỉ đáng xách dép cho đệ tử ruột Tố Hữu của bà thôi con ạ. Nó chỉ có nói được mỗi một câu “Việt Nam không có nhu cầu đa đảng”[9] là mát lòng bà, ngoài ra thì có được tích sự gì.

Bà nhắc các cô (cậu) phải hiểu là cái câm lặng cần thiết cho việc trị dân. Đừng để cho “cây tỏi nỗi giận”[10]. Câm lặng là điều chúng ta cần vì khi những tiếng nói cùng nhau trỗi dậy thì cái loa phường của anh Huynh nhà mày chắc không át nổi. Nếu chúng không cảm thấy bị cô thế thì ắt chúng vùng lên chống trả và không khuất phục trước bạo lực. Câm lặng là điều chúng rất sợ: “vì rốt ráo thì chúng ta không sợ lời thâm độc của kẻ thù, nhưng cái câm lặng của bạn bè, hàng xóm láng giềng.”[11]

Bà nhắn các cô (cậu) Bí thư, chủ tịch Huyện phải ngừng ngay các hoạt động cưỡng chế trong thời gian này. Cuối năm là lúc để những đứa đi cầu lộc, cầu tài được ơn mưa móc về dâng thóc đền ơn đáp nghĩa cho Bà. Chớ mà phiền đến bà nhé! (Anh Huynh nhà mình cũng căn dặn chớ phiền đến anh y hệt như Bà vậy, he he he). Các cậu thì khỏi nói cũng biết. Các cậu tham (ác) quá làm hỏng bát vàng của Bà.

Đấy. Bà bảo thế đấy. Cận Tết, tớ chả thêm bớt mắm muối hũ cáy gì vì phải lo khánh tiết đón tiếp lính anh, lính chị địa phương về thăm viếng gởi thiệp (phong bì) chúc Tết anh Huynh.

Bút Gà


[2] Quả bom Đoàn Văn Vươn hay là quyền sở hữu đất đai của công dân? Osin HuyDuc

[7] “Bác Mao không ở đâu xa, Bác Hồ ta đó chính là bác Mao”, thơ Chế Lan Viên

[8]Xin Đảng hãy ngừng tay giết!”, Tự Do Ngôn Luận

[10] Cây Tỏi Nổi Giận, tiểu thuyết của Mạc Ngôn

[11] “In the end, we will remember not the words of our enemies, but the silence of our friends.”

Martin Luther King Jr.


Chuỗi bài:


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu – (8) Gió mưa là chuyện của trời … – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ]