vietsoul21

Posts Tagged ‘Trường Sa’

Thanh Nghiên – Chúng ta sẽ không bao giờ mất anh

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/07/24 at 15:59

Tự do cho Điếu Cày – Free blogger Điếu Cày

Nhà tù không hẳn là địa ngục nhưng phận tù đày là kiếp đày đọa nhất của mọi kiếp người.
Và trong kiếp đày đọa ấy, vẫn có thêm một sự đọa đày.
Nếu anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn bị biệt giam trong buồng kỷ luật thì có nghĩa, anh đã bước sang ngày thứ 32 tuyệt thực trong “nhà tù của nhà tù”.
Còn tôi, ngồi đây để gõ mấy con chữ vô nghĩa này, để nói về sự may mắn của mình.

Tôi may mắn cả khi là một người tù.
Tôi đã không phải bỏ mạng như người tù lương tâm Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương sau hàng chục năm bị giam cầm. Hay người tù lương tâm, linh mục Nguyễn Văn Vàng, khi chết vẫn đang bị cùm và bị bỏ đói.

Tôi không phải thoi thóp để nhìn quỹ thời gian của mình đang dần vụt mất như người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu gần bốn mươi năm trời không nhìn thấy ngày trở về.

Tôi may mắn hơn rất nhiều những người trong một khoảnh khắc bại trận đã bị biến thành tù nhân chỉ vì không biết dùng thủ đoạn và sự tàn ác với dân tộc mình để chiến thắng. Trong số những cựu quân nhân cán chính dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, có người bị cầm tù đến tận hôm nay, đã hàng chục năm trời sau cái lần gọi là “giải phóng” ấy. Có người đã gửi lại thân xác (nguyên vẹn hoặc không nguyên vẹn) nơi chốn ngục tù. Nhiều đồng đội của họ vẫn còn bị cầm tù nơi nghĩa trang lạnh lẽo.

So với những người tù hình sự (có tội hoặc không có tội), tôi cũng may mắn hơn. Họ, hầu hết không dám nhìn thẳng vào mặt những tên cai tù.

Và nhìn sang những đứa trẻ phải theo mẹ vào tù để chung kiếp đọa đày, nhiều bé đã ra đời trong bốn bức tường giam, vẫn còn may mắn hơn nhiều bào thai khác không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời dù trong chốn ngục tù. Tôi may mắn hơn các bé vì tôi là người tù đã ngoài ba mươi tuổi.

Còn trước anh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tôi thấy mình tầm thường và nhỏ bé.

Trong buồng biệt giam, nơi có thể nghe rõ cả tiếng thở dài của người bạn tù buồng bên cạnh, Điếu Cày đối mặt với sự tĩnh lặng đến ghê người. Và lắng nghe cơ thể của mình – một hình hài đã trở nên quá mong manh – thay đổi qua từng ngày tuyệt thực. Nhưng anh đâu chỉ đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần. Để đánh bại anh, chúng sẽ “lôi” Điếu Cày ra khỏi những suy tưởng của riêng mình, bắt anh chấp nhận một cuộc đấu cả bằng sức (vốn đã không còn) lẫn bằng trí. Một người luôn “dị ứng” và mẫn cảm với mọi sự sỉ nhục như Điếu Cày, hẳn sẽ không tiếc dù là chút sức lực cuối cùng để ném sự khinh bỉ và ghê tởm vào những tên cai tù, đang lăm lăm dùi cui và bản nhận tội viết sẵn dành cho anh.

Tất cả chúng ta đang hướng về anh, tôi cũng như bạn. Nhưng tôi sẽ làm cái việc lần đầu tiên tôi làm: Kết thúc bài viết khi nó vẫn đang dang dở. Và tin rằng, chúng ta sẽ không bao giờ mất anh. Anh đã chiến thắng và anh sẽ sống.

Nhà tù đã quỳ gối quy hàng trước anh, một người tù kiên gan và bền chí.
Và chính anh, đang nâng đỡ chúng ta trong những phút giây yếu đuối này.

Nguồn: FB Thanh Nghiên

Tưởng Năng Tiến – Điếu Cầy Tuyệt Thực

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/07/24 at 07:17

“Từng phút một, hình hài đáng quý trọng ấy có thể giã từ chúng ta, làm thế nào loại trừ để khả năng đáng ân hận ấy không thể xảy ra, không được xảy ra?”

Hà Sĩ Phu


Dù chưa bao giờ tuyệt thực nhưng cái đói thì tôi chả xa lạ gì. Lắm người Việt Nam (e) cũng thế. Mà nghĩ cho cùng thì đói ăn, thiếu mặc đều là những chuyện rất bình thường đối mọi công dân nơi đất nước theo chủ nghĩa cộng sản – chứ chả riêng chi ở xứ sở mình.

Chỉ có điều không bình thường là chúng tôi – những sĩ quan của quân lực miền Nam, phần lớn khi tuổi đời vừa mới đôi mươi – đã phải đối diện với sự đói rách một cách hơi quá bất ngờ và vô cùng khắc nghiệt.

Chúng tôi chỉ được chuẩn bị vài ngày thức ăn nhưng lại phải trải qua một chương trình cải tạo kéo dài đến vài năm, hoặc cả chục năm. Và chịu đói là bài học đầu tiên, cũng là bài học duy nhất mà chúng tôi được dậy, và đây cũng là bài học kéo dài mãi cho đến ngày … mãn khóa!

Ở vào hoàn cảnh này khi vớ được mấy củ khoai đào sót, một con nhái chậm chân, một nắm rau rừng cấu vội, hay một vốc gạo thừa – vét được sau những lần tạp dịch dọn kho – mà có sẵn cái lon Guigoz bên mình thì tiện lắm. Nó đòi hỏi rất ít nhiên liệu khi nấu nướng, và gọn nhẹ khi di chuyển hay hay cần cất dấu.

Hằng đêm chúng tôi đều được nghe giảng dậy về một cuộc sống mới không giai cấp, mình vì mọi người, mọi người vì mình, không ai bóc lột ai, mọi sản phẩm đều là của chung, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu … Chúng tôi tiếp thu tốt, thảo luận tốt, viết thu hoạch tốt, với tinh thần nhất trí rất cao về tất cả mọi khía cạnh tươi đẹp của cuộc sống mới.

Tuy nhiên, ngay sau đó thì mọi người đều lục đục mang cái lon Guigoz của riêng mình đi nấu nướng, rồi tìm một góc khuất ngồi cắm cúi ăn. Hay còn gọi là “sột sệt” theo như cách nói riêng của người tù Bùi Ngọc Tấn.

Kiểu sống này rõ ràng (ngó) hơi kỳ và đáng phải hổ thẹn!

Điều may mắn là đói mãi rồi cũng hoá quen thôi. Cùng lúc, thời gian đã cho chúng tôi cái khoảng cách cần thiết tối thiểu để nhìn lại chính mình, và thay đổi dần thái độ. Những bài học (trời biển) hằng đêm không còn được lắng nghe chăm chú nữa. Những cái lon Guigoz cũng bị dẹp bỏ từ từ, và chỉ còn dùng để cất dấu thực phẩm đun nước pha tra – nếu có.

Lần lượt, chúng tôi họp thành từng nhóm nấu nướng và “sột sệt” chung. Vừa ăn, vừa nói chuyện giễu về những nét khôi hài của chủ nghĩa xã hội và thế giới đại đồng – nơi mà nhà cửa không cần khoá, và của rơi không có người nhặt vì toàn dân không ai có nhu cầu cần thêm một cái cuốc hay cái … thẻ cử tri.

Cuốc, nếu hư, chỉ việc xin thay cái khác. Còn thẻ cử tri thì lại quá dầy, và cũng quá nhỏ, không tiện cho việc vệ sinh thân thể! Chúng tôi đã cố gắng khôi phục lại con người bình thường của mình, bằng những nụ cười lém lỉnh như thế, hằng đêm.

Tất nhiên, cũng có những chiến hữu … một đi không trở lại. Họ vẫn cứ tiếp tục sống lủi thủi và lặng lẽ với cái lon Guigoz của (riêng) mình. Họ trở nên cô đơn và lầm lũi. Họ đâm ra sợ hãi và nghi kỵ tất cả mọi người xung quanh. Họ không bao giờ cười nữa, dù chỉ cười chơi giữa đám bạn bè đồng cảnh. Họ đã tận dụng Chủ Nghĩa Ăn Gô để đối phó với Chủ Nghĩa Cộng Sản (Guigozism v.s Communism) như một phương cách để sinh tồn.

Chúng tôi, tất nhiên, không phải là những tù nhân đầu tiên của chế độ hiện hành. Hơn nửa thế kỷ trước, ngay sau khi nửa nước rơi vào tay của người cộng sản, cũng đã có không ít người phải đi … cải tù.

Tương tự như hoàn cảnh của chúng tôi, họ cũng bất ngờ phải đối diện với cái đói nhưng phản ứng của những bậc tiền bối (xem ra) đáng kính trọng hơn nhiều – theo như lời kể của người tù Kiều Duy Vĩnh:

Chánh giám thị Nguyễn Quang Sáng tỏ ra quyết liệt hơn, cứng rắn hơn, dấn tới một bước nữa.Cấm triệt để làm dấu thánh trước khi ăn cơm. Nhưng lần này thì Nguyễn Quang Sáng phải chịu thua. “Ai cho các anh ăn?” chúng tôi. Chúng tôi cho các anh ăn chứ không có Chúa nào cho các anh ăn cả.” “Cấm cầu kinh, các anh vẫn lén lút cầu kinh vậy bây giờ trước khi ăn, tôi cấm các anh làm dấu. Các anh phải cảm ơn người cho các anh ăn. Đúng lắm, nhưng đó là chúng tôi đây chứ không có chúa nào hết. Không có con mẹ Maria, thằng Jê su nào cả. Biết chưa?” (Nguyên văn như vậy, tôi xin lỗi các vị phải viết đúng, không dám xuyên tạc, bịa đặt, báng bổ gì). Và đến bữa ăn. Quản giáo đứng đó. Mọi lần thì cửa mở, chúng tôi bê cơm vào trong phòng. Đóng cửa lại. Chúng tôi chia nhỏ từng xuất một và ăn. Không có sự hiện diện của ai cả. Nhưng hôm ấy, bê cơm vào, cửa vẫn mở, Quản Giáo đứng đó kiểm soát và nhắc lại lệnh cấm của Ban Giám Thị. Tất cả, cả tôi, không ai phải bảo ai, không chia cơm ra ăn. Đứng mãi chán, Quản Giáo đóng cửa lại đi về. Đến chiều, tù nhà bếp đến lấy thùng. Cơm canh vẫn nguyên. Cơm canh đều chia vào hai cái thùng gỗ to, chứ không chia thành một phần như ở xà lim. Buổi chiều, đích thân Chánh Giám Thị xuống, mọi việc lại diễn ra đúng như buổi sáng. Mặt tái vì giận dữ. Nhưng làm thế nào mà bắt họ ăn cho được? Không có khí thế hừng hực đấu tranh như những người Cộng Sản ở Sơn La, Côn Đảo tuyệt thực, không có hô khẩu hiệu, tất cả đều lặng lẽ ngồi im. Không thể dùng lưỡi lê và sức mạnh để nhét cơm vào mồm họ được. Họ không ăn, thế thôi. Không hò reo, không gõ bát, gõ đĩa, không ai diễn thuyết, kích động, yêu sách điều gì. Im lặng, ai ngồi chỗ ấy. Giám thị Sáng đứng đó, không một ai thèm nhìn vào mặt ông ta cả. Tất cả đều quay mặt đi chỗ khác. Giám thị Sáng đành phải ra về. ……………..


Sáng hôm thứ hai của sự tuyệt thực, tù lại khênh cơm lên.

Quản giáo lại đứng đấy để giám sát. Không ai nhúc nhích gì. Không ai ăn cả, kể cả tôi. Lúc ấy tu sĩ Chính đứng dậy cầm bát chia cơm canh của tôi ra cái thùng gỗ của nhóm năm người, tôi vẫn ăn cùng với tu sĩ. Tu sĩ Chính xúc vào bát của tôi, cơm canh đầy đặn và lặng lẽ bê đến trước mặt tôi.

“Đây phần của anh, anh ăn đi” và về ngồi lại ở chỗ mình.

Một lần nữa tôi lại xin các vị cố hiểu cho tôi và bỏ qua cho tôi.

Tôi không theo đạo Thiên Chúa và không làm dấu thánh bao giờ.

Tôi ăn. Hà tất gì tôi lại nhịn không ăn. Không có điều gì thúc đẩy buộc tôi bắt tôi không ăn cả.

Tôi nghĩ đúng như vậy.

Nhân cơ hội ấy. Quản Giáo bèn lên tiếng:

“Đấy các anh thấy không? Anh Vĩnh, anh ấy ăn cơm không cần làm dấu thánh. Có sao đâu nào. Anh ấy vẫn ăn được một cách ngon lành, thế thì tại sao các anh lại không ăn?

Các anh là đồ ngu dốt, cuồng trí, dại dột dám chống lại Đảng và Chính phủ.

Rồi các anh sẽ biết.”

Không một tu sĩ nào trả lời đáp lại.

Có tôi lên tiếng:

“Xin lỗi ông, chắc ông đọc lý lịch của tôi thì ông đã rõ, tôi không theo đạo nào cả? Phật không, chúa cũng không, mà lệnh của các ông thì chỉ có cấm làm dấu thánh trước khi ăn mà thôi. Tôi, tôi từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa làm dấu thánh bao giờ. Vì vậy tôi ăn có thế thôi.”

Đứng cho đến lúc tôi ăn xong. Quản giáo thấy trơ trẽn quá, quay gót khóa cửa ra về.

Đến buổi chiều không thấy mặt ai cả. Cả Giám thị, cả Quản giáo cả lính coi tù.

Tu sĩ Chính đứng dậy chia cơm cho một mình tôi. Tôi ăn.

Các đấng bậc và kể cả T.H Liệu cũng không ăn.

Hai ngày trôi qua.

Sáng hôm thứ ba tù khênh các thùng cơm canh nguội lạnh còn nguyên xuống nhà bếp và rồi lại khênh lên với cơm canh mới hãy còn nóng.

Không có ai đi kèm.

Ban Giám thị không.

Quản giáo không.

Khênh cơm canh vào buồng. Khóa cửa lại.

Chia đều.

Và các đấng bậc tu sĩ lại làm dấu thánh trước khi ăn.

Chẳng ai cười cợt, nói năng, hát hò, reo vui gì trước cuộc đấu tranh đã dành được thắng lợi lẫy lừng và vang dội đó …

Và cuộc sống của chúng tôi lại lặng lẽ trôi như thế cho đến khi tôi được về và các vị còn lại chết hết.

Viết tại Hà Nội, Ngày 1 Tháng 8, Âm lịch, năm 1994


Kiều Duy Vĩnh

 

Ông Kiều Duy Vĩnh qua đời vào năm 2012. Qua năm sau, trên trang Bauxite Việt Nam người ta đọc được một bản tin ngăn ngắn:

“Sáng nay 21/6/2013, sau khi gặp chồng mình tại Trại giam số 5, Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Dương Hà cho  biết do Trại giam số 5 Bộ Công an cuối cùng đã phải ra văn bản giải quyết đơn của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nên từ 9 giờ sáng hôm nay ông đã kết thúc tuyệt thực. Từ nhà tù, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ gửi thư cảm ơn đến tất cả mọi người đã ủng hộ cuộc đấu tranh của ông.”

Tiếp theo đó là một bản tin khác của BBC, nghe được vào hôm 21 tháng 7 năm 2013:

“Ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, hiện đã tuyệt thực sang ngày thứ 29 và ở trong tình trạng ‘rất yếu’.

Con trai ông Hải, anh Nguyễn Trí Dũng, vừa có cuộc tiếp xúc kéo dài chưa đầy 5 phút với cha mình hôm thứ Bảy 20/7 tại trại giam số 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Anh cho hay ông Hải tuyệt thực là để phản đối việc Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An không giải quyết đơn khiếu nại của ông. Lý do khiếu nại là ông Nguyễn Văn Hải bị quản lý trại giam ép ký vào một bản nhận tội và khi ông không ký thì bị quyết định biệt giam ba tháng.”

Ảnh: Dân Luận

Về những “tội danh” của Điếu Cầy, ông Hà Sĩ Phu đã bình luận như sau:

“Qua thực tiễn, nghiệm ra rằng chỉ có mấy ‘tội’ này là nặng nhất, bị nhà nước ta ‘ghét’ nhất: thứ nhất là tội xúc phạm đến tình hữu nghị 16+4 , hai là tội lập tổ chức ‘ngoài sự lãnh đạo’, ba là tội bướng – nhất định giữ khí phách, lương tâm và danh dự cá nhân, không chịu phục tùng. Ba ‘tội’ hàng đầu này Điếu Cày đều dính cả, trọng tâm là tội thứ nhất, nói nôm là ‘tội chống Tàu xâm lược’!

Hơn nửa thế kỷ trước những tu sĩ công giáo đã thắng, sau một cuộc tuyệt thực để bảo vệ đức tin của họ, trong trại Cổng Trời. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng vừa thành công sau một cuộc tuyệt thực đòi bảo vệ nhân phẩm và sức khoẻ của tù nhân, tại trại giam số 5 –  Thanh Hoá.

Ở trại giam số 6, Nghệ An, cuộc chiến đấu của Điếu Cầy – rõ ràng – gian nan và phức tạp hơn. Ông không chỉ phải đối địch với cái nhà nước toàn trị hiện hành mà còn cả với đất nước “hữu nghị” láng giềng nữa. Ý chí của Điếu Cầy có thể dư nhưng thể lực của ông thì lại là chuyện khác:

Từng phút một, hình hài đáng quý trọng ấy có thể giã từ chúng ta, làm thế nào loại trừ để khả năng đáng ân hận ấy không thể xảy ra, không được xảy ra?”

Tưởng Năng Tiến

Trần Trung Đạo – Một tuyên bố chung Việt-Trung có 29 lần “nhất trí”

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/06/22 at 09:11

Nguồn: voanews.com

Đọc tuyên bố chung giữa Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký ngày 21 tháng Sáu vừa qua mới thấy số phận chùm gởi CSVN phụ thuộc sâu xa vào cây cổ thụ già Cộng Sản Trung Quốc đến mức độ nào. Sự khiếp nhược và ươn hèn thể hiện rõ đến mức chỉ trong một văn bản gồm 8 điểm nhưng có tổng cộng 29 lần “nhất trí”.

Hai bên “nhất trí” không chỉ các chính sách đối nội nhằm duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng CS mà còn “có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm” trong đó có cả vấn đề Đài Loan, một vấn đề thuộc nội bộ Trung Quốc không dính líu gì đến Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại. Năm 1958, vì quá nhiệt tình nịnh bợ đàn anh CSTQ trong tranh chấp với Mỹ về vấn đề Đài Loan,  Bộ Chính Trị đại hội II của đảng CSVN đã chỉ thị Phạm Văn Đồng viết công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” So sánh nội dung của tuyên bố chung lần này với các văn bản  theo đuôi Trung Quốc của các thập niên 1950, 1960 không khác nhau nhiều. Thời gian cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng mức độ khiếp nhược của CSVN đối với đàn anh CSTQ vẫn không thay đổi.

Vấn đề tranh chấp biển Đông là vấn đề nóng bỏng nhất, Trương Tấn Sang thay vì khẳng định việc quốc tế hóa, mở rộng vấn đề biển Đông sang các diễn đàn quốc tế như Philippines đang làm, lại cũng “nhất trí” thu hẹp vấn đề trong phạm vi hai nước “nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.”

“Hòa bình” và “ổn định” là hai thuật ngữ ngoại giao bắt đầu từ chủ trương Đặng Tiểu Bình “giấu mình để bước tới” đã được lập đi lập lại trong hầu hết các văn bản về chính sách đối ngoại của CSTQ.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc một mặt kêu gọi “hòa bình” và “ổn định” nhưng mặt khác đã cho dời từng cây cọc trên vùng biên giới, lấn chiếm từng thước đất, từng bãi san hô, từng hòn đảo nhỏ trên biển Đông. Cái hèn hạ và tin tiện của đám lãnh đạo CSTQ là chúng chỉ biết ăn hiếp những đám lãnh đạo cũng hèn hạ và ti tiện tương tự, trong trường hợp này là CSVN  và chỉ biết ăn cắp vặt để các cường quốc không đủ lý do đặt vấn đề và các biến cố do chúng gây ra không đủ tầm vóc để được quốc tế quan tâm.

Bài học chính trị, kinh tế, quân sự từ thời thượng cổ đến nay đều cho thấy, đương đầu với kẻ thù lớn mạnh, chọn lựa cần thiết của các quốc gia nhỏ yếu là liên kết chặt chẽ với nhau và đồng minh với các nước lớn khác có quyền lợi mâu thuẫn với kẻ thù.

Dĩ nhiên giới lãnh đạo CSVN biết chiến lược quen thuộc đó nhưng tham vọng quyền lực của đảng CS và túi tham cá nhân, băng đảng không đáy đã làm mờ mắt họ, che mất tầm nhìn của họ vào các thế hệ tương lai con cháu giòng giống Việt.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất và cũng là cuối cùng của đảng CSVN. Từ đó đến nay, các chính sách của đảng, từ các đổi mới kinh tế, xã hội cho đến các quan điểm chính trị, tư tưởng gần như rập khuôn Trung Quốc.

Giới lãnh đạo CSVN quá lo cho nồi cơm riêng của họ đến nỗi quên rằng Trung Quốc cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật, Đức.

Kỹ thuật quân sự của Trung Quốc  tiến xa so với thời kỳ chiến tranh với Việt Nam tháng Giêng 1979 nhưng điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với 30 năm trước. Ngoài ra, các vấn đề môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng đang là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại quốc gia trong tương lai gần.

Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Quốc cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng.

Mặc dù viện trợ 2 tỉ đô la hàng năm để nuôi dưỡng chế độ độc tài man rợ của gia đình họ Kim nhưng chính Trung Quốc lại là một trong những nước lo lắng nhất khi họ Kim ra lệnh thử đầu đạn hạt nhân bất chấp lời can gián của Bắc Kinh. Bởi vì, nếu chiến tranh Nam Bắc Hàn lần nữa xảy ra, ngoài làn sóng tỵ nạn khổng lồ sẽ tràn ngập biên giới phía đông bắc Trung Quốc, hạ tầng kinh tế gầy dựng bấy lâu nay của Trung Quốc sẽ sụp đổ và có thể cả toàn bộ thượng tầng kiến trúc chính trị cũng sẽ tiêu vong theo. Giới lãnh đạo Trung Quốc còn ôm mối lo canh cánh khác bên lòng rằngTrung Quốc tuy là một nước lớn nhưng thường bị các nước nhỏ xâm lăng và cai trị nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm như dưới các triều đại Mãn Thanh. Sự tan rã của đế quốc CSTQ chỉ là vấn đề thời gian.

Tuyên bố Việt-Trung mang nội dung ươn hèn và khiếp nhược của lãnh đạo đảng CSVN trước thiên triều CSTQ là lời cảnh tỉnh cuối cùng đối với những người đang còn ngóng cổ trông chờ, còn đang van xin thỉnh nguyện đảng CS sớm hồi tâm, hướng thiện mà còn là tiếng chuông gõ nhịp vào lương tri của cả dân tộc.

Như kẻ viết bài này kết luận trong bài “Ai giết 9 ngư dân Thanh Hóa ?” trước đây, chỉ có một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Quốc mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, thay vì van xin, thỉnh nguyện đảng CS, những ai quan tâm đến đến tiền đồ đất nước nên dứt khoát tập trung toàn lực vào việc thay đổi cơ chế chính trị độc tài CSVN hiện nay.

Nếu không làm được thế, rồi không chỉ 9 ngư dân Thanh Hóa, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả dân tộc lại sẽ chìm đắm trong họa đồng hóa của thời đại mới. Và khi đó, đừng đổ thừa cho Trung Quốc mà chính sự nhu nhược, yếu hèn, mê muội trong mỗi chúng ta đã giết chết 9 ngư dân Thanh Hóa, giết chết chính chúng ta và dân tộc Việt Nam.

Nguồn: FB Trần Trung Đạo

Chiến thắng không cần đánh ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa)

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Thế giới, Việt Nam on 2013/04/16 at 18:02

By Marvin Ott | April 15, 2013

Cần gì một lực lượng hải quân? Trung Quốc ra mắt tàu du lịch để đánh dấu tuyên bố  chủ quyền Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa)

A Chinese fisherman in front of fishing vessels in the sea town of Tanmen, in China’s southern Hainan Province, on Jan. 21, 2013. With Beijing claiming a huge swath of the strategically crucial South China Sea, Hainan’s fishermen and tour agencies are at the forefront of the dispute. (Wang Zhao/AFP/Getty Images)

 

Cuộc hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới vào năm 2012. Với chiếc tàu cũ của Nga được tân trang lại, Trung Quốc sẽ thực thi các tuyên bố mở rộng của họ trên Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa), các nhà quan sát dự đoán, mặc dù để mẫu hạm Liêu Ninh thực sự vào nhiệm vụ hoạt động vẫn còn vài năm nữa.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã giới thiệu một hệ thống vũ khí hiệu quả hơn để khẳng định chủ quyền lãnh thổ bằng cách sử dụng tàu du lịch với hàng ngàn khách du lịch. Triển khai một chiếc thuyền du lịch cùng với vô số tàu khác để thiết lập các yêu sách của mình ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) đã mang lại ý nghĩa mới đối với sự kiện “trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.”

Từ thập niên 1950, bản đồ Trung Quốc đã dùng chín đường kéo dài dọc theo bờ biển của Trung Quốc và Đông Nam Á để đánh dấu kiểm soát lãnh thổ của mình. Những nỗ lực để làm rõ ý nghĩa của dòng chữ U có vẻ bị lẫn mất trong các báo cáo mâu thuẫn, khó hiểu.

Ngay cả khi dự định như là một ranh giới có chủ quyền, các dòng 9 đoạn không được xem là nghiêm túc. Nhưng trong năm 2009, Trung Quốc đệ trình bản đồ lên Liên Hợp Quốc để đánh dấu “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc. Những động thái của Trung quốc từ đó cho thấy rõ ràng, không chút nghi vấn, là các cấp cao cấp nhất của chính phủ Trung Quốc xem các dòng chữ U như là một ranh giới hàng hải hợp pháp để bảo vệ.

Một loạt các sự cố với các nước láng giềng Đông Nam Á liên quan đến tàu đánh cá Trung Quốc, tàu tuần tra và những tuyên bố công khai gay gắt đã nâng cao nhận thức quần chúng trong tháng 7 năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Trung Quốc phản ứng bằng cách tăng cường khả năng cưỡng chế và điều động một loạt các cơ quan hàng hải của chính phủ: Cục Quản lý an toàn hàng hải, Bộ chỉ huy thực thi Luật Thuỷ sản, Quản lý đại dương Nhà nước, và Giám sát Hàng hải Trung Quốc. Họ cũng điều động Lực lượng Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an và các cơ quan hàng hải cấp tỉnh, đáng chú ý nhất là những người ở đảo Hải Nam – tất cả các tổ chức riêng biệt song hành bên cạnh sự tăng trưởng nhanh chóng của hải quân và không quân Trung Quốc.

Phương pháp mới

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã nhận được nhiều sự chú ý, nhưng trong tương lai gần nó chỉ là một cơ sở huấn luyện và không phải là một nguồn lực cho hoạt động quân sự. Nhưng lực lượng Cảnh sát hàng hải dưới đủ mọi hình thức khác nhau của họ là một vấn đề hoàn toàn khác.

Tăng trưởng của lực lượng đó đã được nêu rõ bởi phóng viên cho tờ Los Angeles Thời báo ở Bắc Kinh: Ví dụ, từ năm 2000 quân đội Trung Quốc đã chuyển giao 11 tàu chiến cũ cho cơ quan giám sát hàng hải, nơi đã đóng 13 tàu của riêng của mình và kế hoạch thêm 36 chiếc nữa. Bộ chỉ huy áp đặt Luật Thuỷ sản gần đây đã nhận một tàu chiến cũ được trang bị với một bệ hạ cánh máy bay trực thăng. Những tàu mới được bận rộn. Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ ước tính rằng số lượng tuần tra tầm xa bởi cảnh sát hàng hải Trung Quốc ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2008.

Theo Hải quân Mỹ thuyền trưởng James Fanell quan sát thấy trong bài viết cho tờ Thời Báo, “Các tàu giám sát hàng hải Trung Quốc không có nhiệm vụ gì khác hơn là để quấy rối các quốc gia khác chịu chấp nhận tuyên bố lãnh hải mở rộng của Trung Quốc.” Họ đã cắt dây cáp quang của Việt Nam, bị bắt giữ và đe dọa các ngư dân Đông Nam Á , quấy rối tàu hải quân Hoa Kỳ, và ngay cả trong một trường hợp đặc biệt là dựng lên một rào cản để thiết lập quyền kiểm soát độc quyền của Trung Quốc. Các tàu hải quân Trung Quốc không được trang bị vũ khí quân dụng, nhưng chứng minh sức mạnh bằng vòi rồng và móc câu, châm ngòi vào cái bực bội và cảm giác bất lực ở các nước láng giềng của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể đã tự cướp cò trong chiến lược, nhưng không phải ở tầng chiến thuật. Các nước Đông Nam Á không có khả năng để đáp trả với Trung Quốc trên mặt biển bằng quân sự hoặc nguồn lực bảo vệ bờ biển, cái khoảng cách khả năng càng ngày càng lớn. Nói thẳng ra, các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc có thể uy hiếp các nước Đông Nam Á khác bất kể – riêng chỉ có các tiền đồn quân sự Việt Nam may ra là ngoại lệ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ từ lâu đã tuyên bố rằng họ không xác quyết quan điểm nào trên các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa), và nhấn mạnh trên hai nguyên tắc: bảo trì các tuyến đường biển quốc tế trong khu vực như là một “thế giới chung” và giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không cần sử dụng lực lượng quân sự . Trung Quốc khai thác lỗ hổng trong lập trường của Mỹ bằng cách sử dụng lực lượng dân sự bảo vệ bờ biển không trang bị vũ khí để thực thi tuyên bố chủ quyền của họ.

Lãnh vực Kinh tế

Đòn bẩy của Trung Quốc trên khu vực Đông Nam Á bao gồm một thành phần kinh tế quan trọng. Vào cuối những năm 1990, Hoa Kỳ và Nhật Bản là đối tác kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á. Hiện tại thì không như vậy – Trung Quốc đã thay thế cả hai quốc gia trên để trở thành đối tác thương mại lớn khu vực trong khi lượng đầu tư vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng. Các mối liên kết vượt xa ngoài tầm đơn giản là xuất khẩu hàng hóa chỉ, dịch vụ, và tài chánh.

Với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc là trung tâm, Trung Quốc đã đàm phán một loạt các thỏa thuận kinh tế với khu vực này bao gồm một loạt các dự án cơ sở hạ tầng kết nối Đông Nam Á với Nam nội địa Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng đường sắt ấn tượng, đường nhựa, và các mạng lưới ven sông cộng với mạng lưới điện và cảng – đan chặt khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cùng nhau trong một đơn vị kinh tế tổng hợp. Không cần sự nhạy bén tuyệt vời người ta cũng hình dung ra các mối liên kết và phụ thuộc có liên quan có thể được sử dụng để thúc đẩy chiến lược và phá vỡ các mối quan hệ khác trong khu vực như thế nào. Vào năm 2012 ở cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN được đăng đàn bởi Cam-pu-chia, tranh chấp phát sinh khi Phi-luật-tân nhất quyết đòi hỏi bản thông cáo chung kết thúc hội nghị phải có điểm tham chiếu đề cập đến các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa).

Chủ tịch Campuchia từ chối, và hội nghị tan vỡ trong mâu thuẫn. Các quan chức Campuchia đã thú nhận riêng là họ đã hành động như thế để đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc vì một mối đe dọa các hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Phnom Penh không tuân thủ. Trong thực tế, Bắc Kinh đã chứng minh khả năng phủ quyết bất kỳ vị trí thống nhất trong ASEAN về Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa).

Việc Trung Quốc đưa ra một du thuyền du lịch ở các vùng biển tranh chấp đưa đến một thách thức khác trong khu vực. Không có nước láng giềng Đông Nam Á nào dám bắn vào một tàu ở trong vùng lãnh thổ được coi là của họ nếu tàu chỉ chở khách du lịch dân sự.

Cũng có thể lập luận rằng quyết định kéo bỏ chiếc mạng che mặt của sự mơ hồ về động cơ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) của Trung Quốc là một sai lầm chiến lược. Nó tạo ra báo động ở Đông Nam Á, đặc biệt là các chính phủ có tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực – Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và thậm chí cả Indonesia. Nó cũng quay “trục” Mỹ hướng về châu Á, bao gồm cả các báo cáo của bộ trưởng quốc phòng là các lực lượng Mỹ sẽ được tái triển khai tới châu Á và những việc tái phối trí lực lượng sẽ được bảo vệ trước các cắt giảm ngân sách.

Chính phủ Việt Nam, Philippines, Singapore, và Indonesia đã có động thái công khai tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Một khu vực đã từng thoải mái và thiện ý với Trung Quốc hiện nay lại hoàn toàn rất căng thẳng.

Tương lai chiến lược của khu vực Đông Nam Á và khu vực hàng hải của nó không rõ ràng và cũng không dự đoán được. Trung Quốc đã đặt cược một tuyên bố lãnh hải, thậm chí trắng trợn, thiếu hỗ trợ trong luật pháp quốc tế vào lãnh thổ không thuộc kiểm soát lịch sử của họ. Tuy nhiên dù tuyên bố có mập mờ trong giá trị, Trung Quốc đã khai triển các chiến thuật và đòn bẫy để làm tuyên bố chủ quyền thành một thách thức chiến lược đầu tiên đối với khu vực và Hoa Kỳ.

Nguồn: Epoch Times

Nguyễn Thông – Điểm chạm

In Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/03/30 at 09:12

 

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bao nhiêu năm nay, dù hình thức là hữu nghị, 4 tốt 16 chữ vàng nhưng thực chất luôn căng thẳng, thậm chí đối địch, tiềm ẩn quá nhiều bất ổn. Nguyên do thì nhiều, nhưng có thể thấy rõ trước hết là bởi những mưu đồ, dã tâm của giới cầm quyền Trung Quốc, ngoài ra là do cách ứng xử “khôn khéo” của những người đang lãnh đạo Việt Nam. Phải nhìn cho rõ để xác nhận bản chất của vấn đề, chứ không phải cái gì cũng đổ tại “thùng rác” Trung Quốc.

Xét về bản chất, từ bao lâu nay, ý đồ mở rộng lãnh thổ, bành trướng trên biển, thực hiện mộng bá quyền (thực chất là đế quốc) của giới cai trị Trung Quốc không hề thay đổi. Càng về sau càng lộ rõ. Và rõ nhất là khi những kẻ đóng mác cộng sản nắm quyền thống trị xứ ấy. Chỉ có điều chúng có sách lược tinh vi, biết che đậy đánh lừa dư luận, cương nhu đầy đủ, bài bản rõ ràng. Mức độ ngày càng tăng, bản chất ngày càng nghiêm trọng, hành động ngày càng dồn dập, ý đồ ngày càng lộ rõ. Những hành vi, vụ việc xâm chiếm lãnh thổ, chủ quyền Việt Nam là chứng minh hùng hồn nhất, không thể chối cãi về thủ đoạn “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” của bè lũ cầm quyền Bắc Kinh.

Quan hệ “anh em” giữa hai nước được xác lập từ năm 1950 nhưng ngay sau đó Trung Quốc đã công khai bộc lộ ý đồ thôn tính Hoàng Sa, qua bản tuyên bố về hải phận (năm 1958). Thì cứ cho lúc bấy giờ do hoàn cảnh nên chúng ta đã không thể phản ứng (chứ điều này thì lịch sử đã phán xét rồi), tạm thời không trách những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi ấy. Tiến thêm bước mới, năm 1974, thấy miền Bắc không tỏ thái độ rõ ràng, Trung Quốc hoàn tất việc chiếm trọn Hoàng Sa. Năm 1975, Trung Quốc chiếm tiếp một số đảo trong quần đảo Trường Sa khi ấy hoàn toàn thuộc chủ quyền nước Việt Nam anh em, tức là Bắc Kinh xác định hướng nam tiến rất rõ ràng. Đỉnh điểm năm 1988 Trung Quốc xua quân chiếm đảo Gạc Ma, đảo quan trọng chiến lược nhất trong một cụm đảo của quần đảo Trường Sa. Điều rất khó hiểu là khi đó Gạc Ma hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam trên cả thực tế lẫn pháp lý, nhưng người anh em Trung Quốc chiếm mà Việt Nam chỉ phản ứng rất yếu ớt. Từng hãnh diện có lực lượng hải quân hùng mạnh sau chiến thắng 75, vậy mà các nhà lãnh đạo thời ấy không dám ra lệnh phản công chiếm lại đảo, để đảo bị mất đến tận bây giờ. Một ông em tôi, thượng tá công an (trên blog Kha Trà Phương) đã đặt lại vấn đề mà tôi thấy rất có lý: Ai phải chịu trách nhiệm về việc mất đảo Gạc Ma, lịch sử cần nêu rõ, biên lại cụ thể khách quan, không thể lờ tít tìn tịt, ù xọe mãi. Sau khi đã hoàn chỉnh chiến lược chiếm biển Đông, nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục khiêu khích Việt Nam, xua tàu dân sự ra vi phạm chủ quyền, bắt ngư dân, bắt tàu đánh cá, cắt cáp dầu khí, tuyên bố lập thành phố Tam Sa, tổ chức tuyến tua du lịch, khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa giàn khoan ra biển Đông, tăng cường lực lượng hải giám, hải quân… Trước kia, những tranh chấp giữa hai nước phần lớn chỉ xoay quanh vấn đề Hoàng Sa (bởi Trường Sa đương nhiên thuộc chủ quyền Việt Nam) thì càng về sau càng chuyển hướng đậm về Trường Sa. Trung Quốc đã cố ý coi Hoàng Sa là của họ, không có gì bàn cãi nữa, giờ chỉ cần “giao thiệp” với nhau về Trường Sa thôi. Rõ ràng trong sự lấn lướt của Trung Quốc có phần trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam. Mềm nắn rắn buông. Cứ mềm mãi nên phải chịu lùi.

Lạ là, khi thực tế sờ sờ như vậy, vẫn có những vị tỏ vẻ có “đầu óc chiến lược” khôn ngoan hơn người, lên giọng mắng mỏ người khác, đại loại “thế các ông muốn gì, muốn chiến tranh chắc?”. Hỏi chi hỏi lạ. Ai chả muốn hòa bình, ai chẳng ghét chiến tranh. Chả nhẽ chỉ có mấy vị là muốn hòa bình thôi ư? Thời nhà Trần thế kỷ 14, thế giặc mạnh, không ít vị vương công tột đỉnh, bộ mặt triều đình, như Trần Kiện, Trần Ích Tắc đã chả khuyên thế thủ, cầu hòa, đầu hàng đó sao. Lúc ấy thiên hạ có mấy ai dám chê các ả Trần. May mà cấp cao hơn của vương triều Trần đã nhận ra chân tướng họ. Còn nhiều vị lãnh đạo ngày nay bám lấy chủ trương khôn khéo, mềm dẻo, cố gắng duy trì hòa bình, ổn định. Vì đại cục, không sử dụng vũ lực. Ta cao đạo thế nhưng Tàu nó không thế. Nó cứ muốn đẩy ta mãi đến cùng đường. Chúng không cho ta yên ổn. Vậy thì cái sự ổn định chông chênh, bị tấn công liên tục đó ai dám bảo đảm là nó sẽ ổn định.

Trung Quốc đã không thèm đếm xỉa đến sự khôn khéo của Việt Nam. Việc dùng tàu hải quân bắn cháy tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngày 20.3 là liều thuốc thử của họ. Có lẽ nhà cầm quyền Trung Quốc đã mừng khi thấy sự phản ứng chậm chạp, yếu ớt của Việt Nam. Thay vì phải lên tiếng phản đối ngay sau khi nắm được vụ việc, mãi 2 ngày sau người phát ngôn của Việt Nam mới lên tiếng, thậm chí báo Tiền Phong phải lột bài đã đăng. Điều cần làm ngay thì không làm, nhưng Việt Nam lại rất nhanh chóng trao tiền giúp ngư dân bị nạn, tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, tuyên truyền ca ngợi việc bảo vệ lá cờ khi tàu bị cháy cabin… Tất cả những điều đó đều cần, nhưng chỉ có giá trị với chính chúng ta, chứ không mảy may tác động đến Trung Quốc để làm thay đổi hành vi của họ. Chúng ta chỉ nhanh thứ không cần nhanh, và rất chậm điều đừng để chậm. Khi sử dụng hải quân, Trung Quốc đã quyết định đụng đến điểm chạm nguy hiểm có thể nổ bùng phá tan mối quan hệ mà họ không cần giữ nữa. Sự phản ứng yếu ớt của Việt Nam cũng sát sạt vào điểm chạm không có lợi cho chính Việt Nam: thế giới xem thường, dân chúng mất lòng tin, Trung Quốc được đà lấn tới.

Chả ai muốn chiến tranh, nhưng phải giữ được tư thế của một dân tộc, một quốc gia. Dư luận thế giới sẽ không ủng hộ ta khi ta nổ súng trước, nhưng sẽ đồng tình, đứng về phía ta khi ta cứng cỏi không chịu cúi đầu khuất phục trước Trung Quốc. Nó bắn cháy tàu ta, trên vùng biển chủ quyền ta, ta có quyền tự vệ, bắn trả, phản công. Cứ sợ nó khiêu khích, lấy cớ để làm càn thì kéo dài sự sợ hãi khiếp nhược đến bao giờ. Hùm sói có khi nào chê thịt. Hay là đợi đến khi mạnh, đủ lực để chống chọi. Mình mạnh, nó không mạnh chắc? Mình đi tắt đón đầu, nó chấp nhận đi đường vòng ôm đuôi chắc?  Sao chẳng nhớ lời dạy của cụ Hồ “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới… Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến– 1946). Và xin các vị “yêu hòa bình” trước khi dậm dọa người khác “muốn chiến tranh chắc?” hãy ngẫm câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá
Những nhiệt tình xuống quá độ âm
Có nghe tiếng ngư lôi và cao xạ
Giặc đến đánh ta thì ta đánh trả
Giữ hòa bình phải đâu bằng mọi giá
Giá hòa bình là quật ngã bọn xâm lăng” (Sao chiến thắng)

Quật ngã bọn xâm lăng. Đó là sự khôn khéo nhất để giữ hòa bình, một nền hòa bình đích thực. Đừng tự ru ngủ mình và nhân dân mình nữa.

30.3.2013
Nguyễn Thông

(Ghi thêm: Bài này lẽ ra được đăng ngay sau khi tàu hải quân Trung Quốc bắn cháy tàu ngư dân Việt Nam nhưng không may mấy bữa qua nhà cháu có chút việc, đành để dang dở. Tự an ủi, sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, chủ quyền còn lâu dài, còn nhiều gian nan vất vả, chả ai nỡ trách mình).

Nguồn: blog Nguyễn Thông

Trần Trung Đạo – Giữ nước bằng thơ và “Cờ tổ quốc” !

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/03/30 at 08:46

Trong khi hầu hết các quốc gia vùng Đông Nam Á, từ Philippines dân số gần 95 triệu cho đến Brunei dân số chỉ vỏn vẹn 400 ngàn, đang tìm mọi cách để liên minh với các cường quốc, tăng cường quân sự, trang bị tối đa khả năng phòng thủ vùng trời, vùng biển, vùng đảo mà họ tin rằng thuộc chủ quyền nước họ, Việt Nam tăng cường phòng thủ bằng thơ và cờ.

Hôm qua, theo báo Thanh Niên, “huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức trao một ngàn lá cờ đỏ sao vàng và một trăm áo Đoàn cho các chủ tàu cá là ngư dân trẻ đang bám biển Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.”

Trước đó một ngày, ông Phạm Bá Khoa, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam đến trụ sở báo Tiền Phong, nhờ báo này chuyển những món quà “hết sức có ý nghĩa” cho hai ngư dân Bùi Văn Phải và Phạm Quang Thạnh – nhân vật trong bài viết trên báo Tiền Phong. “Món quà ý nghĩa” đó là một “cờ tổ quốc” và chính tay ông đã viết trên đó bài Nam Quốc Sơn Hà.

Ngoài cái tư duy lạc hậu, ngược dòng thời đại, làm những chuyện buồn cười, việc nhận những lá “cờ tổ quốc” của các quan chức CS cũng chẳng khác gì nhận những viên đạn từ nòng súng của hải quân Trung Quốc.

Thật vậy, sự kiện tặng cờ này làm tôi nhớ chuyện tàu hải quân Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Thanh Hóa tám năm trước. Cũng báo Thanh Niên ngày 15 tháng 1 năm 2005 ghi lại lời anh Nguyễn Văn Hoàn, chủ nhân tàu đánh cá ở Thanh Hóa, may mắn còn sống sót và kể lại: “Bất kể ngày đêm, lúc nào tàu của anh cũng treo cờ Tổ quốc và luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật khi hoạt động ngoài khơi”, thế nhưng, “các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục truy sát, vừa đuổi, vừa bắn tàu của anh gần 3 giờ đồng hồ mới chịu quay trở ra”.

taudanhcabiban

Anh Hoàn tội nghiệp kia, tưởng rằng khi treo “cờ Tổ quốc”, biểu tượng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và “tuân thủ pháp luật khi hoạt động ngoài khơi” thì hải quân Trung Quốc ắt phải è dè và kính trọng. Đáng thương thật ! Anh ngư dân chất phát không biết rằng cũng chính vì “treo cờ Tổ quốc” nên chiếc ghe máy thô sơ của ông mới bị đuổi bắn suốt 3 giờ. Nói thẳng thì bảo là phản động nhưng phải chi anh đừng treo “lá cờ tổ quốc” đó hay treo đại lá cờ Phi, cờ Thái, thậm chí cờ trắng thì biết đâu bà con ngư dân Hòa Lộc còn có cơ may sống sót.

Việc “tặng thơ và cờ” trong thế kỷ 21 này cho thấy tai họa lớn nhất mà dân tộc Việt Nam đang phải đương đầu không chỉ phát xuất từ hiểm họa thực dân đỏ Trung Quốc mà còn từ tư duy vô cùng lạc hậu của giới lãnh đạo các cấp tại Việt Nam. Những đầu óc khô đặc đó không khác gì nhiều so với đầu óc bảo thủ trong bốn bức tường phong kiến của vua chúa nhà Nguyễn trước họa thực dân, chứng tỏ sự lạc hậu, lỗi thời, tự cô lập với dòng phát triển đa phương của nhân loại và không mở ra một lối thoát nào cho tương lai dân tộc.

Trần Trung Đạo

Yueh Nan – 2029

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/12/23 at 23:05

BBT: Trước biến động Biển Đông do việc Trung Quốc đem dàn khoan dầu HD 981 và triển khai lực lượng hải quân, hải giám, kiểm ngư hàng trăm chiếc dùng súng vòi rồng tấn công và dùng tàu lớn đâm thủng tàu VN cũng như liên tục đánh đập và phá hoại tàu đánh cá của ngư dân, đồng thời nhà cầm quyền csvn đã đàn áp, đánh đập, và bắt bớ những thường dân biểu lộ lòng yêu nước chống Trung Cộng, chúng tôi xin cài lại bài viết này trên trang đầu. Đây là tâm tình về vận mệnh đất nước Việt Nam xin được chia sẻ với đồng hương, đồng bào trong và ngoài nước.

Sáng mai thức dậy mơ thấy hòa bình[1]. Vẫn còn nhớ mang máng câu này không biết ở đâu.

Sáng mai thức dậy đứa cháu nói gì không hiểu. Khi hỏi nó chỉ tròn xue mắt, lắc đầu nguầy nguậy.

Sáng mai thức dậy lếch thếch ra đầu ngõ. Rừng cờ đỏ sao vàng, nửa quen nửa lạ[2].

Sáng mai thức dậy làm người xa lạ. Lưỡi cứng tiếng đầu đời, tiếng mẹ ru một thời.

Sáng mai thức dậy kết thúc đại hội Đảng vùng tự trị. Wen Zhong Zhi được bổ nhiệm Toàn quyền Yueh Nan.

Sáng mai thức dậy vực người với hồi tưởng năm xưa. Việt Nam, 2011.

Thế là đã thấm thoát gần 20 năm kể từ mùa hè năm ấy. Mười mấy cuộc biểu tình yêu nước bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Hà Nội, Sài Gòn. Các bạn mình cũng không ít người đã tham gia các cuộc biểu tình đó. Các em, chú, bác, ông, bà, ai ai cũng có mặt.

Phải rồi, chẳng quên nào anh Hải Điếu cày và cô Thanh Nghiên bị giam cầm cả vài năm trước. Cậu Nguyễn Tiến Trung, anh Trần Huỳnh Huy Thức, ông Đặng Kim Anh lúc ấy đang thụ án dài. Anh Ba SG, Tạ Phong Tần bị bắt biệt tăm. Em Minh-Hạnh thì chôn vùi tuổi xuân vì tranh đấu cho những người lao động khốn cùng. Anh Cù Huy Hà Vũ con nuôi cụ Xuân Diệu cũng vừa bị vào tù. Paulus Lê Văn Sơn với mẹ già hấp hối chết dần trong mong mỏi. Rồi cô Minh Hằng thì bị tống vào tập trung cải tạo như thưở vừa chấm dứt chiến tranh. Cánh thanh niên bao nhiêu người biệt tăm tích. Cậu Hiếu, Người Buôn Gió, lúc ấy cũng đương đầu trước kiểu rập khuông vừa cảnh cáo vừa truy lùng nên chọn kháng cự bằng cách trốn chạy không biết đi đâu về đâu. Còn khối vạn người nữa, chẳng cách gì nhớ hết!

Lúc ấy mình làm gì nhỉ? Ồ, mình đã khôn ngoan tránh xa. Chỉ cần làm tốt trong chuyên môn. Chức danh và việc làm không cho phép mình vấy vào các “thế lực thù địch”. Chẳng gì mình cũng là thành phần trí thức chứ lỵ. Thức thời, thời phải thế.

Chẳng phải mình luôn tỏ ra là có tư duy độc lập trong vị thế trung lập đâu. Mình chỉ muốn chứng minh rằng-thì-là không hề bị ảnh hưởng bởi các thế lực lề phải-lề trái, chính thống-đối lập, truyền thống-đương đại, vân vân và v.v. Vì từng tuyên bố hoàn toàn khẳng định không thiên vị bên nào cơ mà.

Có kẻ phê phán rằng đó là trò sáu ngón (a sleight-of-hand) phủi bỏ trách nhiệm, dối lòng. Mặc kệ nó!

Có kẻ cho rằng mình chuyên xử dụng thủ thuật ngụy biện đánh tráo phạm trù, hoả mù bối cảnh cốt để lý giải cho quan điểm sai lệch. Hắn—một trong những kẻ suy diễn phê phán ấy—đặt câu hỏi phải chăng chỗ đứng trung lập thực sự là không thiên vị? Chưa hết. Nó lại quy kết rằng thực ra trung lập là tránh né xung đột giữa hai lực lượng đối lập nhau, và tiện bề nép bóng phe quyền thế để có lợi bản thân. Hắn lại còn chất vấn có thật sự tư duy độc lập thì không cần nền tảng? Rốt cuộc hắn bảo: núp bóng tư duy độc lập không dựa trên nền tảng quan điểm là tráo trở hầu phát ngôn theo hai mặt của một vấn đề. Mặc kệ nó!

Hắn kêu gào “giờ phẫn nộ![3]”. Mình trầm ngâm “chưa phải lúc!”

Chả phải là lỗi thằng khách quan, thằng lịch sử, thằng thiên tai, thằng thế lực thù địch, thằng đánh máy chứ có phải là lỗi của ai đâu nào mà kêu gào, mà phẫn nộ.

Mình là trí thức đứng trên thời cuộc. Không dính dáng với chính trị.

Mình chẳng phải lên tiếng. Vả lại được gì hay chỉ là rách việc (mất việc)?

Hà Nội bây giờ ra sao nhỉ? Nghe rằng cụ rùa đã vào lăng và Hồ Gươm lấp đất tạo mặt bằng cho phát triển đô thị. Biết làm gì, đến như mình đây cũng không được ở Hà Nội, thủ đô một thời.

À mình chợt nhớ ra rồi. Năm 2011, cũng là ba con giáp từ ngày binh lửa tàn vào năm 1975. Năm 2011 ấy đúng ra phải gọi là năm châm lửa.

Cuộc diễn biến hòa bình trong Bộ chính trị và Trung ương Đảng đã hoàn tất qua sắp xếp nhân sự. Phong hàm, phong tướng[4], phong học vị cho những mác lê, cái lưỡi và đầu gỗ. Tung hô vạn tuế mười sáu chữ vàng, bốn tốt để vùi con đỏ[5] vào vòng đói rách, mất đất canh nông, mất biển ngư trường.

Tiến trình diễn biến hòa bình trong lòng người dân Việt Nam bắt đầu sang trang. Hoàng Sa – Trường Sa trở thành ngôn từ nhạy cảm để không một cá nhân nào có quyền bày tỏ tình cảm yêu tổ quốc. Các tổ hợp thương mại, bất động sản, công trình đổi ruột sang tên qua các khoảng vốn đầu tư “lạ”. Rừng, mỏ khoán nhượng trăm năm. Cờ TQ sáu sao thường xuyên xuất hiện trên báo chí, đài truyền hình, và nghi thức ngoại giao quan hệ TQ. Phong trào phát huy “tư tưởng Hồ Chí Minh”, “giáo dục nhân dân”[6] về “láng giềng hữu nghị” về “ổn định hòa bình”.

Cờ TQ 6 sao (Nguồn: Reuters)

Khắp nơi đâu đó thầm thì âm vang tiếng uất nghẹn của những người yêu nước trong chốn lao tù[7]. Cứ thế dân đen nhẫn nhục, sĩ phu xu phụ, quan quân cầu vinh hưởng lợi[8]. Cao trào vô cảm xã hội và miễn nhiễm lương tâm lên đỉnh điểm cuối năm 2015, kết thúc một tiến trình diễn biến hòa bình hoàn toàn thắng lợi.

Yueh Nan – 2029.

Sáng nay thức dậy ai còn ai mất? Cậu Hán-Nôm vẫn còn lao cải. Người Buôn Gió thì cuốn theo gió bụi. Nguyễn Tiến Trung thụ án rồi trục xuất lưu vong. Huỳnh Thục Vy chung thân quản chế tại gia. Riêng anh André Menras giờ ra sao nhỉ sau khi hồi hương về cố quận Phú-lang-sa vì quốc tịch Việt đã xóa sổ?Còn ai hay mỗi mình ta, kẻ vật vờ sau những lọc lừa…mình lọc lừa mình lọc lừa hắn lọc lừa đời…đời lọc lừa mình lọc lừa chúng hắn lọc lừa lẫn nhau…

Sáng nay thức dậy nghĩ mình mới qua đời– hay mất tự bao giờ.

Sáng nay thức dậy qua một giấc ngủ dài. Giấc ngủ bao mươi năm chưa thức.

Sáng nay thức dậy trên đất nước ổn định hòa bình.

Sáng nay thức dậy mình là người Yueh Nan.


[1] “Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình”, Nhật ký Đặng Thùy Trâm

[3] Giờ phẫn nộ!, Vietsoul21.net

[5] “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, Bình Ngô Đại Cáo