vietsoul21

Posts Tagged ‘vô cảm’

Nguyễn Hưng Quốc – Bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/08/28 at 13:56

Sinh viên chống Trung Quốc Nguyễn Phương Uyên (Nguồn: VOA)

Trong bài phỏng vấn do Trà Mi thực hiện, Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi được nhiều người xem như một “biểu tượng” của lòng can đảm và của tuổi trẻ, nêu lên một ý nguyện, đồng thời cũng là một tham vọng của em: “Tôi không muốn mắc phải căn bệnh rất khó trị ở các thanh niên cùng tuổi tôi. Tôi muốn làm một bài thuốc để thanh niên Việt Nam nhìn thấy mà làm hết mình, ‘cháy’ hết mình, không còn bị vô cảm và sợ hãi vốn đã bị tiêm nhiễm ngay từ bé.”

Tôi không biết hiệu quả của “bài thuốc” ấy thế nào. Nhưng tôi nghĩ Phương Uyên đã bắt đúng căn bệnh kép không phải chỉ của giới trẻ mà còn của người Việt Nam nói chung lâu nay: bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi.

Bệnh sợ hãi, thật ra, là một bệnh lâu đời. Chế độ phong kiến, ở đâu cũng vậy, bao giờ cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng chính: sự sùng bái và sự sợ hãi. Sự sùng bái được xây dựng trên hai nền tảng chính: tư tưởng thần quyền (nòng cốt là tư tưởng thiên mệnh) và các nghi lễ đầy tính đẳng cấp trong xã hội. Sự sợ hãi được tạo thành và được duy trì chủ yếu bằng một biện pháp chính: khủng bố. Trong các tội trạng, tội nặng nhất là tội phản nghịch. Hình phạt dành cho tội này thường là tử hình, có khi không phải tử hình một cá nhân mà còn tử hình nguyên cả một dòng họ (tru di tam tộc). Tử hình không phải chỉ nhắm đến việc giết chết tội nhân. Mà còn nhắm đến việc giết chết mọi ý đồ phản nghịch của những người còn sống bằng cách khiến họ phải sợ hãi. Do đó, người ta bày ra đủ thứ kiểu giết người, từ kiểu chặt đầu, treo cổ đến kiểu cho voi giày, ngựa xé, ném vào vạc dầu sôi, tùng xẻo, v.v.. Bởi vậy, chuyện ngày xưa dân chúng thường xuyên sống trong sợ hãi là điều dễ hiểu.

Sau này, chế độ cộng sản tiếp tục duy trì sự sợ hãi ấy bằng các trại cải tạo và nhà tù, hơn nữa, bằng chế độ lý lịch: Con cháu những người bị xem là phản động trở thành một thứ con ghẻ, thường xuyên bị nghi kị và kỳ thị, có thời gian, lại là thời gian khá dài, còn không được nhận vào đại học. Bây giờ, do sự phát triển của kinh tế thị trường, chế độ lý lịch ấy đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, hệ thống nhà tù thì vẫn dày đặc. Mà không cần nhà tù, chỉ cần sự hiện diện của công an, mọi người đã khiếp sợ.

Tất cả những sự khủng bố và đe dọa ấy khiến mọi người nếu không run sợ thì ít nhất cũng thu mình lại, né tránh mọi đụng chạm đến công an hoặc rộng hơn, đến chính trị, từ đó, làm nảy sinh ra một thứ bệnh khác: bệnh vô cảm.

Nếu sợ hãi là một căn bệnh lâu đời, vô cảm lại là một căn bệnh rất mới. Trước, hầu như không ai nói người Việt vô cảm bao giờ. Thậm chí, ngược lại, hầu như ai cũng cho người Việt sống bằng tình cảm nhiều hơn lý trí. Với tư cách cá nhân, người ta quan tâm đến nhau; láng giềng quan tâm đến nhau; cả làng quan tâm đến nhau. Chuyện một người biến thành chuyện của cả tập thể. Sự quan tâm lớn đến độ lấn át cả sự riêng tư của từng cá nhân một.

Vậy mà, những năm gần đây, hầu như bất cứ người nào để ý đến xã hội Việt Nam một chút, cũng đều nhận thấy ngay một hiện tượng: người ta đối xử với nhau thật vô cảm.

Ngoài đường, nhìn người khác bị cướp giật, hầu như mọi người đều dửng dưng; thấy có ai đó bị tai nạn nằm giãy đành đạch, phần lớn vẫn đứng trố mắt nhìn. Trồng trọt hay buôn bán thực phẩm, biết việc sử dụng nhiều hóa chất có thể gây nhiễm độc hay bệnh hoạn cho xã hội, người ta vẫn mặc kệ. Làm các dịch vụ du lịch, biết việc chụp giật hay lừa đảo có thể gây ấn tượng xấu cho cả đất nước, khiến du khách ngoại quốc khinh bỉ và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, người ta vẫn bất chấp.

Chưa hết.

Hiện tượng con cái đánh đập hoặc đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà càng lúc càng phổ biến. Chỉ giận hờn hay cãi cọ nhau một chút là học sinh, có khi là nữ sinh, đã đánh nhau một cách tàn nhẫn. Để cướp một chiếc nhẫn, thay vì trấn lột, người ta nghĩ ra một biện pháp cực nhanh: chặt đứt nguyên cả cánh tay. Ăn trộm một con chó cũng bị cả làng xúm vào đánh chết.

Dù sao, ở trên cũng là những chuyện… nhỏ.

Lớn hơn là những chuyện liên quan đến số phận của cả đất nước. Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng ư? Người ta nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!” Nạn tham nhũng hoành hành, các công ty quốc doanh thi nhau phá sản để lại những núi nợ nần không những cho thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ sau này nữa ư? Người ta cũng nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!”

Quan trọng nhất là chuyện chủ quyền. Hầu như ai cũng biết Trung Quốc đang toan tính cướp biển và cướp đảo Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống của nhiều ngư dân Việt Nam, chi phối tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam. Ai cũng biết vậy. Nhưng phần lớn đều nhún vai: “Làm gì được?”. Rồi thôi.

Người Việt vẫn thường tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất và anh dũng của mình. Nhưng thời gian gần đây, nhìn đâu cũng thấy những cái nhún vai bất cần, kiểu sống chết mặc bay như thế.

Tại sao?

Lý do, thật ra, khá đơn giản. Một phần vì sợ, như đã nói ở trên. Phần khác, vì đó là chính sách của nhà cầm quyền. Dưới mọi hình thức tuyên truyền, nhà cầm quyền chỉ muốn mọi người vô cảm. Bày tỏ sự quan tâm của mình đối với chủ quyền của đất nước dưới hình thức biểu tình thì bị đạp vào mặt hay bắt thảy vào các nhà tù; dưới hình thức bài viết trên các blog thì bị vu cho tội… trốn thuế.

Trước, mọi nhà độc tài đều duy trì chế độ của mình trên sự sợ hãi của người dân; sau này, ngoài sự sợ hãi, người ta sử dụng một biện pháp nữa: làm cho mọi người trở thành vô cảm.

Tôi không biết hiệu quả của bài thuốc trị sự vô cảm và sự sợ hãi của Phương Uyên như thế nào. Nhưng ít nhất, nhìn ánh mắt, dáng dứng và những câu phát biểu của em trước tòa, cả tòa sơ thẩm lẫn tòa phúc thẩm, và đặc biệt, nhìn cả trăm người từ khắp nơi đến tham dự phiên tòa phúc thẩm của em, tôi nghĩ, ít nhất cũng có nhiều người đã vượt qua được hai căn bệnh hiểm nghèo ấy.

NguồnVOA

Yueh Nan – 2029

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/12/23 at 23:05

BBT: Trước biến động Biển Đông do việc Trung Quốc đem dàn khoan dầu HD 981 và triển khai lực lượng hải quân, hải giám, kiểm ngư hàng trăm chiếc dùng súng vòi rồng tấn công và dùng tàu lớn đâm thủng tàu VN cũng như liên tục đánh đập và phá hoại tàu đánh cá của ngư dân, đồng thời nhà cầm quyền csvn đã đàn áp, đánh đập, và bắt bớ những thường dân biểu lộ lòng yêu nước chống Trung Cộng, chúng tôi xin cài lại bài viết này trên trang đầu. Đây là tâm tình về vận mệnh đất nước Việt Nam xin được chia sẻ với đồng hương, đồng bào trong và ngoài nước.

Sáng mai thức dậy mơ thấy hòa bình[1]. Vẫn còn nhớ mang máng câu này không biết ở đâu.

Sáng mai thức dậy đứa cháu nói gì không hiểu. Khi hỏi nó chỉ tròn xue mắt, lắc đầu nguầy nguậy.

Sáng mai thức dậy lếch thếch ra đầu ngõ. Rừng cờ đỏ sao vàng, nửa quen nửa lạ[2].

Sáng mai thức dậy làm người xa lạ. Lưỡi cứng tiếng đầu đời, tiếng mẹ ru một thời.

Sáng mai thức dậy kết thúc đại hội Đảng vùng tự trị. Wen Zhong Zhi được bổ nhiệm Toàn quyền Yueh Nan.

Sáng mai thức dậy vực người với hồi tưởng năm xưa. Việt Nam, 2011.

Thế là đã thấm thoát gần 20 năm kể từ mùa hè năm ấy. Mười mấy cuộc biểu tình yêu nước bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Hà Nội, Sài Gòn. Các bạn mình cũng không ít người đã tham gia các cuộc biểu tình đó. Các em, chú, bác, ông, bà, ai ai cũng có mặt.

Phải rồi, chẳng quên nào anh Hải Điếu cày và cô Thanh Nghiên bị giam cầm cả vài năm trước. Cậu Nguyễn Tiến Trung, anh Trần Huỳnh Huy Thức, ông Đặng Kim Anh lúc ấy đang thụ án dài. Anh Ba SG, Tạ Phong Tần bị bắt biệt tăm. Em Minh-Hạnh thì chôn vùi tuổi xuân vì tranh đấu cho những người lao động khốn cùng. Anh Cù Huy Hà Vũ con nuôi cụ Xuân Diệu cũng vừa bị vào tù. Paulus Lê Văn Sơn với mẹ già hấp hối chết dần trong mong mỏi. Rồi cô Minh Hằng thì bị tống vào tập trung cải tạo như thưở vừa chấm dứt chiến tranh. Cánh thanh niên bao nhiêu người biệt tăm tích. Cậu Hiếu, Người Buôn Gió, lúc ấy cũng đương đầu trước kiểu rập khuông vừa cảnh cáo vừa truy lùng nên chọn kháng cự bằng cách trốn chạy không biết đi đâu về đâu. Còn khối vạn người nữa, chẳng cách gì nhớ hết!

Lúc ấy mình làm gì nhỉ? Ồ, mình đã khôn ngoan tránh xa. Chỉ cần làm tốt trong chuyên môn. Chức danh và việc làm không cho phép mình vấy vào các “thế lực thù địch”. Chẳng gì mình cũng là thành phần trí thức chứ lỵ. Thức thời, thời phải thế.

Chẳng phải mình luôn tỏ ra là có tư duy độc lập trong vị thế trung lập đâu. Mình chỉ muốn chứng minh rằng-thì-là không hề bị ảnh hưởng bởi các thế lực lề phải-lề trái, chính thống-đối lập, truyền thống-đương đại, vân vân và v.v. Vì từng tuyên bố hoàn toàn khẳng định không thiên vị bên nào cơ mà.

Có kẻ phê phán rằng đó là trò sáu ngón (a sleight-of-hand) phủi bỏ trách nhiệm, dối lòng. Mặc kệ nó!

Có kẻ cho rằng mình chuyên xử dụng thủ thuật ngụy biện đánh tráo phạm trù, hoả mù bối cảnh cốt để lý giải cho quan điểm sai lệch. Hắn—một trong những kẻ suy diễn phê phán ấy—đặt câu hỏi phải chăng chỗ đứng trung lập thực sự là không thiên vị? Chưa hết. Nó lại quy kết rằng thực ra trung lập là tránh né xung đột giữa hai lực lượng đối lập nhau, và tiện bề nép bóng phe quyền thế để có lợi bản thân. Hắn lại còn chất vấn có thật sự tư duy độc lập thì không cần nền tảng? Rốt cuộc hắn bảo: núp bóng tư duy độc lập không dựa trên nền tảng quan điểm là tráo trở hầu phát ngôn theo hai mặt của một vấn đề. Mặc kệ nó!

Hắn kêu gào “giờ phẫn nộ![3]”. Mình trầm ngâm “chưa phải lúc!”

Chả phải là lỗi thằng khách quan, thằng lịch sử, thằng thiên tai, thằng thế lực thù địch, thằng đánh máy chứ có phải là lỗi của ai đâu nào mà kêu gào, mà phẫn nộ.

Mình là trí thức đứng trên thời cuộc. Không dính dáng với chính trị.

Mình chẳng phải lên tiếng. Vả lại được gì hay chỉ là rách việc (mất việc)?

Hà Nội bây giờ ra sao nhỉ? Nghe rằng cụ rùa đã vào lăng và Hồ Gươm lấp đất tạo mặt bằng cho phát triển đô thị. Biết làm gì, đến như mình đây cũng không được ở Hà Nội, thủ đô một thời.

À mình chợt nhớ ra rồi. Năm 2011, cũng là ba con giáp từ ngày binh lửa tàn vào năm 1975. Năm 2011 ấy đúng ra phải gọi là năm châm lửa.

Cuộc diễn biến hòa bình trong Bộ chính trị và Trung ương Đảng đã hoàn tất qua sắp xếp nhân sự. Phong hàm, phong tướng[4], phong học vị cho những mác lê, cái lưỡi và đầu gỗ. Tung hô vạn tuế mười sáu chữ vàng, bốn tốt để vùi con đỏ[5] vào vòng đói rách, mất đất canh nông, mất biển ngư trường.

Tiến trình diễn biến hòa bình trong lòng người dân Việt Nam bắt đầu sang trang. Hoàng Sa – Trường Sa trở thành ngôn từ nhạy cảm để không một cá nhân nào có quyền bày tỏ tình cảm yêu tổ quốc. Các tổ hợp thương mại, bất động sản, công trình đổi ruột sang tên qua các khoảng vốn đầu tư “lạ”. Rừng, mỏ khoán nhượng trăm năm. Cờ TQ sáu sao thường xuyên xuất hiện trên báo chí, đài truyền hình, và nghi thức ngoại giao quan hệ TQ. Phong trào phát huy “tư tưởng Hồ Chí Minh”, “giáo dục nhân dân”[6] về “láng giềng hữu nghị” về “ổn định hòa bình”.

Cờ TQ 6 sao (Nguồn: Reuters)

Khắp nơi đâu đó thầm thì âm vang tiếng uất nghẹn của những người yêu nước trong chốn lao tù[7]. Cứ thế dân đen nhẫn nhục, sĩ phu xu phụ, quan quân cầu vinh hưởng lợi[8]. Cao trào vô cảm xã hội và miễn nhiễm lương tâm lên đỉnh điểm cuối năm 2015, kết thúc một tiến trình diễn biến hòa bình hoàn toàn thắng lợi.

Yueh Nan – 2029.

Sáng nay thức dậy ai còn ai mất? Cậu Hán-Nôm vẫn còn lao cải. Người Buôn Gió thì cuốn theo gió bụi. Nguyễn Tiến Trung thụ án rồi trục xuất lưu vong. Huỳnh Thục Vy chung thân quản chế tại gia. Riêng anh André Menras giờ ra sao nhỉ sau khi hồi hương về cố quận Phú-lang-sa vì quốc tịch Việt đã xóa sổ?Còn ai hay mỗi mình ta, kẻ vật vờ sau những lọc lừa…mình lọc lừa mình lọc lừa hắn lọc lừa đời…đời lọc lừa mình lọc lừa chúng hắn lọc lừa lẫn nhau…

Sáng nay thức dậy nghĩ mình mới qua đời– hay mất tự bao giờ.

Sáng nay thức dậy qua một giấc ngủ dài. Giấc ngủ bao mươi năm chưa thức.

Sáng nay thức dậy trên đất nước ổn định hòa bình.

Sáng nay thức dậy mình là người Yueh Nan.


[1] “Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình”, Nhật ký Đặng Thùy Trâm

[3] Giờ phẫn nộ!, Vietsoul21.net

[5] “Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”, Bình Ngô Đại Cáo

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

In Cộng Đồng, talawas, Tạp văn, Việt Nam on 2010/06/15 at 14:52

” Để xoa dịu dị ứng của lương tâm, chúng tôi cũng làm việc thiện, việc phước đức đóng góp cho hội thập tự, bỏ thùng phước sương, giúp xây trường học, giúp quỹ xây cầu, v.v… Nó tạo một khoảng cách tình cảm an toàn giữa chúng tôi và đối tượng. Chúng tôi sống ở chốn bình an, không phải là những người khốn khó đó. Chúng tôi và “họ” là hai thực thể tách biệt. Người làm phước và người được ban phát. Những việc làm đó dần dà tăng sức đề kháng với dị ứng và đến một lúc nào đó chúng tôi được miễn nhiễm.”

—————

Vi Nhân

The opposite of courage is not cowardliness, it is conformity.”

(Anonymous)

The opposite of love is not hate, it’s indifference.  The opposite of art is not ugliness, it’s indifference.  The opposite of faith is not heresy, it’s indifference. And the opposite of life is not death, it’s indifference.”

(Elie Wiesel, Holocaust Survivor)

Cái Tôi của tôi rất lớn nhưng trên diễn đàn mạng thì xin phép các bác cho tôi ôm/vơ/dựa vào đám đông xưng là chúng tôi để thưa chuyện.

Chúng tôi lớn lên trong buổi giao thời, chưa đủ tuổi để tham gia vào cuộc chiến tương tàn cốt nhục. Nhưng dẫu sao chúng tôi cũng đã nghe những tiếng đạn pháo kích nửa khuya và hoảng hốt chui xuống hầm tránh đạn. Chúng tôi thấy dấu máu và tường sập do bị đặt chất nổ ở rạp xi nê mà bạn bè chúng tôi đã nhiều lần cúp cua đi xem phim hồi hộp. Chúng tôi thấy những chiếc xe cam nhông nhà binh chở đầy quan tài phủ cờ quốc gia. Chúng tôi đưa tang, làm giỗ chạp cho anh, cho chú. Chúng tôi cũng bao lần bỏ nhà, bỏ cửa để chuộc mạng di tản, chạy giặc. Rồi chúng tôi trôi dạt tới đất “xin nhận nơi này làm quê hương” thứ hai, kẻ đeo càng trực thăng, người leo lưới nhảy tàu, ai bọc giấy thông hành, và bao người chôn dầu vượt biển. Có hề gì, hãy quên đi cái mảng đời ấy.

Đất nước ngày xưa của chúng tôi bây giờ thì lại đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào thời kỳ đồ đểu. Đểu qua sự dối trá của chữ nghĩa. Ông láng giềng to kềnh trở thành người “lạ”. Hữu hảo là bảo gì gật ấy. Đầy tớ nhân dân là đày đọa đồng bào. Diễn tiến hoà bình là tiến trình “phản động” cần đề cao cảnh giác. Quốc Hội là cơ quan lập pháp tối cao đại biểu nhân dân nhưng mọi việc phải chờ chủ trương của ban chấp hành trung ương của Đảng CSVN chỉ đạo. Đồng thuận đồng nghĩa với đồng im lặng, đồng gật đầu. Chúng tôi cùng nhau đi theo lề phải, cùng tung hứng nhịp nhàng với loa to, miệng gang miệng thép, để quan lộ hanh thông chứ. Chúng tôi thức thời biết sống với đểu. Chúng tôi là những người sành điệu. Vui thôi mà!

Dù bên này hay bên kia đại dương thì chúng tôi vẫn vui vẻ đánh đu với chữ nghĩa. Chúng tôi thích làm xiếc với phạm trù (triết học, mỹ học, văn học, sử học, v.v…) Hơn thế nữa, chúng tôi dùng mọi khả năng tri thức để tìm chỗ ẩn nấp cho lương tri. Vì mang sứ mệnh trí thức nên chúng tôi không bao giờ muốn để lương tri mình ở nơi thấp kém như gầm cầu, xó chợ. Nó phải được trịnh trọng bưng vào an tọa trong nơi kinh các, thư phòng, hí viện cho xứng đáng nhân thân.

Tâm của chúng tôi thì tròn trịa như viên bi, được dũa mài, được đánh bóng, lóng lánh muôn màu. Bi có thể lăn khắp mọi nơi, mọi hướng, không nằm yên một chỗ vì chỉ động đậy một chút là nó lăn theo hấp dẫn trọng lực (quyền lực). Tâm của chúng tôi được đong đếm, so sánh, cân nhắc với Tài để xem chữ Tâm có được bằng ba chữ Tài.

Chúng tôi thầm kín đắn đo mọi suy nghĩ và hành động vì Tài thì mọn mà Tâm thì mỏng. Trong chúng tôi có kẻ cố rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp và đồng thời mài dũa tâm cho đến một lúc nào đó thì tài cao học hẹp và lương tri tròn trụi. Chúng tôi cùng tự nhận với nhau là trí thức nhưng Tài thì nhỉnh nhỉnh cỡ một bồ và Tâm thì xình xình đâu một rổ. Toàn những chuyên viên chuyên cần chăm chỉ hạt bột. Thế nhưng cái Ngã thì to đùng. Chúng tôi ôm lấy cái chức vị, cái học vị như danh tánh bản thể (personal identity) không thể tách rời hoặc cắt đứt. Chúng tôi sợ chết lắm. Nhưng còn sợ hơn là sống mà bị mất chức danh. Như thể đời tàn. Chúng tôi cố bám lấy cái danh trông vẻ mỹ miều ấy. Nhất quyết phải che chở bao bọc và bán đổi nhiều thứ để an phận giữ lấy “danh”. Ai như cái ông Hữu Loan nào ấy dấm dớ chỉ vì thật mà bỏ tất cả về quê đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi thồ đá. Cứ nhũn đi một tí, cứ dối đi một tị thì chả việc gì! Đúng là con nhà tá điền, nhà nông, quê mùa chả biết gì. Thế đấy, cái Tâm của một người chất phát yêu, ghét quá rõ ràng, chẳng biết màu mè hay dấu diếm. Nên chỉ thiệt thân!

Trong giới chúng tôi nghe đâu có một chàng đeo càng sang đây, xấp xỉ tuổi “anh Ba”[1], mạnh mồm miệng ông Triết (gia). Cũng ngang hàng với người ta, cũng nói năng đúng mức đàng hoàng … Cũng biết cách tư vấn “… vấn đề này là khó lắm đó … chúc ông nỗ lực làm được việc này … vừa động viên … vừa phân hoá” …[2] Ông có viễn kiến tiến trình dân chủ hoá đất nước và chuyện bỏ tù dăm ba người hoạt động dân chủ cũng là chuyện nhỏ. Vì theo cái nhìn biện chứng và sử tính thì mạng con giun cái kiến chả là gì! Con giun cái kiến chẳng thể nhìn xa hiểu rộng—không phân biệt hiện tượng và bản chất, không phóng chiếu tư duy, không nắm được tất yếu của lịch sử, của thời kì quá độ (quá đáng) nên bao nhiêu cũng bị “hy sinh” tế sống cho một đảng “bách chiến bách thắng”. Nhằm nhò chi. Run rủi sao chúng tôi (kể cả ông ấy) đã làm chuyện “phản động”, “phản bội tổ quốc”, bỏ nước ra đi nên bây giờ được hưởng tự do, có nhà (không) cao (nhà trệt), cửa rộng (theo tiêu chuẩn). May là lúc đó đổ khùng “phản động” chứ chờ bây giờ lò mò ra đi theo hạng xuất khẩu lao động làm người rơm, người rừng[3] còn gian truân hơn kiểu “Bác Hồ ra đi tìm đường cứu đói”. Có dại gì mà làm chuyện “chống phá nhà nước”!!!

Chúng tôi có đủ tri thức để tán hươu Đông Tây kim cổ. Tri thức này được trang bị với tinh thần duy lý của hệ thống giáo dục Tây phương nên mọi việc, mọi thứ đều có thể được miêu tả, đong đếm, phân loại, sắp hạng, so sánh, phân tích, và tổng hợp. Mọi luận án, đề án đều có phần kết luận gần như bất khả thi hay tránh né thực hiện. Đó không phải là việc của chúng tôi! Chúng tôi có đủ khả năng lý luận ngụy biện cho mọi việc, với người khác, với nhau, và với cả bản thân. Điều đó không có gì khó vì chúng tôi là những chuyên gia tỉnh lẻ, quen thói tuân thủ nên rất dễ được thuyết phục.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam vùng Đông Nam Á nên chúng tôi được nghe rất nhiều triết lý Phật giáo và Thiền. Chúng tôi bảo nhau đừng nhìn cái ác và cái thiện trong con mắt của người phàm, từ ý thức trần thế, mà phải nhìn từ ngoài thuyết lưỡng phân. Thiện Ác thì mắt phàm sao thấy được cho nên đừng có mà lên tiếng, chớ có mà hành động để tránh được nhiều phiền toái và thân tâm an lạc. Hơn nữa chúng tôi tin vào cái nghiệp. Chúng tôi có mặt ở xứ tự do, được cuộc sống an lành đó là phước đức ông bà để lại. Còn những đồng bào bị áp bức, bị khổ đau thì cũng là tại cái nghiệp của họ. Cái nghèo, cái đói, cái ngu nào phải do chính quyền thối nát, xã hội đảo điên gây ra. Họ phải chịu trách nhiệm cho bản thân họ như thế thôi. Chúng tôi còn nhắn nhủ nhau nên nhìn vấn đề như những công án thiền—lục lạo và đối chiếu xem cái nào hợp với lý của mình. Chúng tôi cười trên huyên náo của thời cuộc, với cái nhìn của “thức giả” nằm ngoài sự việc và hiện thực, cho rằng mọi hành động chỉ là trò đời, rốt cuộc sự việc trên đời rồi vậy vẫn vậy. Kế sách của chúng tôi là án binh bất động. Chúng tôi lý luận cả hai mặt của một vấn đề (two sides of a coin) (chớ vu là ba phải, vì chỉ mới có hai) nhưng chỗ đứng của chúng tôi thì nhất định phải nằm ở mặt nào (mặt dày) sinh lợi, ít ra là không có hao hụt quyền lợi và danh tánh tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời gian. Cùng quá thì ghạt ngang, mắc mớ chi để bàn cãi, tranh luận vì đồng tiền một mặt, hai mặt đã nằm trong túi của tui.

Thật lòng mà nói thì chúng tôi cũng cảm thấy khó chịu và dị ứng với những áp bức, bất công, và giới hạn tự do. Chúng tôi loay hoay, ngứa ngáy do tác động dị ứng và đi tìm liều thuốc xoa dịu. Rất may, chúng tôi có một kho thuốc trị liệu truyền thống: tư tuởng Khổng giáo, Lão giáo, và Phật giáo. Mỗi dị ứng đều có một toa thuốc trị liệu. Nước có minh quân thì ta phò, hôn quân thì ta về ở ẩn. “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa phải quét lá đa” có gì mà thắc mắc. Vô vi lão luyện trường sinh. “Đời là bể khổ” và mỗi người có cái nghiệp riêng. Để xoa dịu dị ứng của lương tâm, chúng tôi cũng làm việc thiện, việc phước đức đóng góp cho hội thập tự, bỏ thùng phước sương, giúp xây trường học, giúp quỹ xây cầu, v.v… Nó tạo một khoảng cách tình cảm an toàn giữa chúng tôi và đối tượng. Chúng tôi sống ở chốn bình an, không phải là những người khốn khó đó. Chúng tôi và “họ” là hai thực thể tách biệt. Người làm phước và người được ban phát. Những việc làm đó dần dà tăng sức đề kháng với dị ứng và đến một lúc nào đó chúng tôi được miễn nhiễm.

Miễn nhiễm lương tâm.

Miễn bàn.

© 2010 Vi Nhân

© 2010 talawas, http://www.talawas.org/?p=21341

_________________________________________________________

CHÚ THÍCH:

[1] anh Ba Dũng, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng

[2] Nguyễn Minh Triết “lòe” Việt Kiều

[3] Những bước chân đổi đời gian nan …

Các bài liên hệ:

(Phản) Phản Biện và Sự Thật

Tôi là người Việt Nam

Những cái nhập nhằng không tênThe Unspoken Ambiguities

Các bài trên Tạp chí Da Màu:

Tháng Tư Câm

Hồn ma và xương khô

Đọc tiếp »

Tôi là người Việt Nam

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, talawas, Việt Nam on 2010/05/25 at 07:46

“Họ bảo chúng tôi thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Họ bảo chúng tôi đừng mặc cảm nữa. Tại sao mặc cảm? Mặc cảm gì? Mặc cảm phe chiến bại ư? Mặc cảm bọn “phản quốc” bỏ nước ra đi ư? Làm gì có! Chúng tôi chẳng có mặc cảm, và luôn tự hào đã dám bỏ tất cả, chấp nhận tù đày và hiểm nguy trên biển cả sống vất vưởng để đi tìm tự do.”

—————

Vi Nhân

Tôi là người Việt Nam!

Tôi là người Việt Nam!

Tôi là người Việt Nam!

Lập đi lập lại câu này ba bốn lần trong đầu và tôi cảm thấy đau lòng. Đau đứt ruột.

Tôi vừa xem xong Thúy Nga Paris by Night 99, chủ đề “Tôi là người Việt Nam“. Rất nhiều người Việt Nam thành đạt trong mọi lãnh vực, chính trị, khoa học, kinh tế, tôn giáo, v.v… trên khắp thế giới Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, Âu Châu được tuyên dương trong chương trình này. Những cá nhân đó với những thành tựu liệt kê xem ra đáng khâm phục. Họ đã vượt qua bao khó khăn cực nhọc trong tiến trình di cư hội nhập và sinh sống ở xứ người để có ngày hôm nay. Sức phấn đấu, trí sáng tạo, lòng tự tin, tính kiên nhẫn, tinh thần tự lực cánh sinh đã giúp họ đạt những thành quả vượt bực. Đó là những tấm gương sáng chói về thành công đường đời trên phương diện cá nhân.

Tôi là người Việt Nam. Nhưng sao lời khoa trương “tự hào dân tộc” hoặc hãnh diện là người Việt Nam này cũng làm tôi cảm thấy ngượng ngùng khi ngắm nhìn các thành tích của các cá nhân đó trong chương trình này. Có lẽ tôi lại thêm một chút gì xấu hổ thì đúng hơn khi “thấy người sang bắc quàng làm họ”. Vì những thành đạt của họ đâu ăn nhập gì đến cá nhân tôi! Tôi cũng chưa nhìn thấy những thành công với kích cỡ này đã mang lại ảnh hưởng tích cực gì cho dân tộc Việt Nam.

Ngược lại, ở xứ người này “một người làm quan cả họ được nhờ” thì cũng chẳng phải là một điều gì hay ho cho lắm. Hoa-kỳ, Úc, Gia-nã-đại, Pháp, Anh, Đức có chắc hãnh diện vì có những gương công dân di dân gốc Việt sáng chói đem lại thịnh vượng cho đất nước của họ? Hay lại trở thành oan khiên của diễn luận và huyền thoại “tấm gương dân thiểu số” (model minority), và là tấm bia gián tiếp dẫn đến những vụ giết người vì phân biệt ghen ghét (hate crime)? Chất xám của những người di dân đến các nước này có điều kiện để phát huy, và giúp tài năng họ nẩy nở tạo ra những thành tựu xuất chúng thì cũng là tất nhiên, nhưng dựa vào đó mà ôm lấy làm tự hào dân tộc Việt Nam ư?

Tôi là người Việt Nam. Rất nhiều lời kêu gọi “Tràng pháo tay cho mẹ Việt Nam”, “Yêu tổ quốc, dân tộc Việt Nam” trong chương trình này. Quả là những lời kêu gọi tình tự ngọt ngào đứt ruột! Khúc ruột ngàn dặm này chẳng đã từng bị cắt vất bao năm, sình chướng ở xứ người. Người Việt nào chẳng yêu mẹ Việt Nam. Nhưng thôi, đừng bắt mẹ Việt Nam phải hy sinh mãi mãi. Đừng bắt chị, bắt em bán thân đợ nợ. Đừng bắt trẻ, bắt già học giáo điều thối rữa. Chúng đã cắt da xẻ thịt mẹ đem cho kẻ “lạ”. Chúng từng thế chấp mẹ cả trăm năm ở rừng đầu nguồn. Chúng không ngừng đào bới lưng còng mẹ, rút tủy tài nguyên. Chúng còn đè lưng cưỡi cổ anh em con, mẹ Việt Nam ạ. Tất cả cho kẻ “lạ”! Còn anh em thì sống chết mặc bay. Chúng lại hành hung, khủng bố, giam cầm người con nào muốn bảo vệ mẹ. Mẹ là mẹ của tất cả các con chứ đâu phải riêng gì của chúng! Chúng lại bảo các con cần đóng góp nuôi dưỡng mẹ. Và cũng chính chúng trâng tráo hàng ngày rút máu mẹ bán trước đã. Các con càng thương mẹ bao nhiêu, thì chúng càng bòn rút mẹ bấy nhiêu. Chúng giết mẹ rồi. Con sói lang lấy chăn phủ người, lấy khăn che mặt. Nhưng chúng con dù là cô bé quàng khăn đỏ ngây thơ cũng biết mẹ là mẹ. Mẹ đâu có mắt lồi hung dữ, mẹ đâu có răng nanh nhọn hoắc, còn hôi mùi thịt, còn tanh mùi máu. Chúng bảo “Trung với Đảng!” Không! Một trăm lần không, một ngàn lần không. Đảng không là tổ quốc! Đảng chẳng bao giờ là tổ quốc.

Tôi là người Việt Nam. Những câu ca dao, tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn” lan chảy trong huyết quản, nằm lòng từ thuở cắp sách tới trường qua các bài học đức dục. Ai mà không yêu tổ quốc, dân tộc. Tuy nhiên, lòng yêu tổ quốc không thể để bị bán tráo cho một chủ thuyết lai căn vô nhân bản.

Tình đồng hương, đồng bào, nhân loại hiện nay đang được khai hoa, rộ trái qua các tổ chức thiện nguyện và bất vụ lợi. Hoạt động của khá nhiều đoàn thể này tạo một cơ cấu, một thuật loại tổ chức sinh hoạt tạo thuận lợi cho các đóng góp giúp đỡ từ mọi người. Họ làm với mục tiêu chuyên biệt và tập trung trong một lãnh vực. Thật đáng quý, đáng trọng biết bao. Mục tiêu của các tổ chức thiện nguyện này nhằm nâng đỡ người nghèo khổ, hoạn nạn, bất hạnh. Đó là cơ chế giảm, bù trong xã hội với nhiều hố cách biệt. Giảm đói, giảm nghèo; bù thiệt thòi, thiếu thốn. Tuy nhiên, các tổ chức thiện nguyện và bất vụ lợi thật ra chỉ là một cơ chế phụ trong một quốc gia, nhà nước. Vì sao?

An sinh xã hội trước hết phải phát xuất từ chính sách của quốc gia và trách nhiệm của nhà cầm quyền đương thời. Quốc sách “cơm no, áo ấm” cho toàn dân bao giờ cũng phải thật sự là điều nằm lòng trong tiềm thức và chủ tâm của người lãnh đạo. Chứ không phải trên đầu môi, chót lưỡi của cái loa tuyên truyền thuộc một nhà nước “xã hội chủ nghĩa” nhưng chẳng màng gì đến phúc lợi xã hội. Giáo dục công cộng đã bị lụn tàn và giờ đây lại đẻ ra vô số khoản “lệ phí” đòi hỏi từ cha mẹ học sinh. Y tế công cộng thì trở chiều bệnh hoạn một khi giới “lương y như từ mẫu” lúc nào cũng hạnh hoẹ “đầu tiên” (tiền đâu?) trong từng khâu, từng phòng.

Tôi là người Việt Nam. Bản thân tôi cũng đã đóng góp gián tiếp, trực tiếp ở các tổ chức thiện nguyện địa phương cũng như các hội xuyên quốc gia về đến Việt Nam. Điều này không mấy phiền khó. Thật dễ để đóng góp tài chánh cho tổ chức thiện nguyện, và cũng không lắm nhọc khi bỏ chút công sức tham gia quyên tiền, hoặc trực tiếp đến tận nơi giúp đỡ người hoạn nạn. Các tổ chức thiện nguyện luôn tạo điều kiện dễ dàng cho mọi người đóng góp—gián tiếp hoặc trực tiếp. Kiểu nào cũng có cả. Ai cũng có thể mua được chút yên ổn tâm hồn mình trong nghĩa cử nhỏ đó. Làm việc đạo hạnh thì được phước. Chúa Giê-su đã phán, Phật đã dạy thế kia mà.

Ở các nước phương Tây và Bắc Mỹ, cơ chế vô vụ lợi này đã được sản sinh đi song song với dòng tư hữu hóa các hoạt động công ích cho phúc lợi của người dân. Chính quyền tự động hết phải lo nhiệm vụ gánh vác phúc lợi xã hội và để cho cả hai khối “tân bảo thủ” (neo-conservative) và “tân tự do” (neo-liberal) đảm nhiệm việc xã hội nhưng đi theo luật thị trường. Chưa kể hết là những tệ nạn cấp mới của thành phần tự xưng thiện nguyện tốt bụng vô vụ lợi để che dấu những động cơ hám danh, thủ lợi đằng sau tấm màn sân khấu vì trò chơi chính trị của tranh dành ngân quỹ. Tệ nạn này được gọi chung là “hội chứng tập đoàn kỹ nghệ vô vụ lợi” (the non-profit industrial complex) giống như tệ nạn “hội chứng tập đoàn kỹ nghệ nhà tù” (the prison industrial complex) từ thế kỷ trước vẫn đang tiếp diễn.

Ca dao Việt Nam có câu “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”. Công việc thiện nguyện thật ra có tính chất xoa dịu tạm thời vết thương cấp bách, giảm bù những thiếu sót của xã hội mà thôi. Y thể như một nhà phát chẩn ở đâu đó đến cho những người nghèo đói tạm qua bữa, qua ngày. Xã hội nào mà người đứng xếp hàng trước nơi phát chẩn càng ngày càng dài và khi nhu cầu phát chẩn càng ngày càng tăng thì cái phước huệ đóng góp đó cần phải được suy nghĩ lại. Nhắm mắt làm phước thì dễ, nhưng mở mắt để nhìn bất công tạo đau khổ khốn cùng thì khó. Sao không ai chất vấn nguyên do gì số người đó càng ngày càng tăng trong khi cũng một số không ít người nhà sang cửa rộng, đô thị cao lớn, xe bóng loáng, tiệc tùng hoành tráng, áo xiêm lộng lẫy?

Đang còn biết bao những người “rơm”[1] ngủ rừng ngủ bụi xứ người, những người lao động không tên tuổi chết vùi trên đất khách, những em thơ làm nô lệ tình dục khi chưa biết mộng mơ. Cơ chế nhà nước thế nào thì kết quả cho con dân của xã hội thế đó. Giàu nghèo là chuyện đương nhiên, nhưng làm gì mà một bên thì giàu nứt vách đổ tường, và còn lại thì nghèo rớt mồng tơi phải là một câu hỏi lớn.

Những tên trưởng giả mới này là ai? Là con ông cháu cha, là con cháu các cụ[2]. Họ cũng xếnh xáng để “tên tuổi” nằm đầu bảng đóng góp thiện nguyện, nhưng trước đó thì họ đã vơ vét vào riêng, để rồi chỉ thí “cô hồn” chút ít hầu đánh bóng tín chỉ đạo đức của mình.

Những người nô lệ mới này là ai? Là nông dân mất ruộng, là công nhân mất việc, là ngư dân mất thuyền. Như trong chuyện ngụ ngôn về người ở cuối nguồn , chúng ta phải hỏi xem “Chuyện gì xảy ra ở đầu nguồn? Nguyên do nào mà các thi thể trôi dạt từ thượng nguồn xuống hạ lưu?” Khi hiểu và giải quyết được nguyên nhân từ thượng nguồn thì không còn vấn đề xẩy ra dưới cuối nguồn.

Tôi là người Việt Nam. Một đất nước bị đô hộ ngàn năm giặc Tàu, làm thuộc địa thực dân Pháp trăm năm, làm công cụ và lệ thuộc Mỹ, Nga, Tàu nhiều thập niên kéo dài cho đến hiện tại. Đã có một thời, toàn dân đã đứng lên trong phong trào giải thực với tinh thần dân tộc để giành lại độc lập. Nhưng vô số những người yêu nước đó, cha ông chúng tôi, đã bị bán đứng, bị thủ tiêu, bị kết án, bị đấu tố, bị kềm kẹp. Họ bị kẻ lừa bịp treo đầu dê bán thịt chó. Chúng đã treo bảng “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” nhưng bán ép chủ nghĩa “Cộng Sản” độc tài Stalinist, Maoist vô thần, bất nhân. Nay chúng lại treo bảng “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng món hàng thực chất là độc tài đảng trị, tư bản bè phái, đặc quyền, đặc lợi cho thiểu số cầm quyền và những kẻ quỳ lụy ăn theo.

Tôi là người Việt Nam. Chúng tôi được mang kèm thêm tên “tị nạn cộng sản”. Bây giờ chúng tôi lại “được” dán mác “khúc ruột ngàn dặm”, “kiều bào”, “việt kiều yêu nước”. Họ bảo chúng tôi thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Họ bảo chúng tôi đừng mặc cảm nữa. Tại sao mặc cảm? Mặc cảm gì? Mặc cảm phe chiến bại ư? Mặc cảm bọn “phản quốc” bỏ nước ra đi ư? Làm gì có! Chúng tôi chẳng có mặc cảm, và luôn tự hào đã dám bỏ tất cả, chấp nhận tù đày và hiểm nguy trên biển cả sống vất vưởng để đi tìm tự do. Một tự do mà chính quyền nhà nước cộng sản đã tước đoạt, không cho phép. Tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đảng phái, tự do báo chí, tự do công đoàn. Chúng tôi không chấp nhận thứ tự do trong cũi, tự do đi lề bên phải, tự do làm con vẹt theo “chỉ đạo” của đảng cộng sản trong một nhà tù lớn.

Họ ve vãn bảo muốn hoà hợp, hoà giải với chúng tôi. Dân tộc, đồng bào, anh em của chúng tôi thì chẳng có gì để sinh ra phải hoà giải với nhau vì chúng tôi tự nhiên thương yêu nhau. Riêng với Đảng CSVN, chúng tôi cũng có thể sẵn lòng gạt bỏ mọi chuyện trong quá khứ để tiến tới tương lai. Nhưng chúng tôi không thể quên dĩ vãng này. Vì chúng tôi cần phải nhớ, phải mở mắt để thấy và kiểm định những việc đang xảy ra trong hiện tại và diễn tiến vào tương lai. Khi Đảng CSVN còn độc tôn lãnh đạo, cố bám chặt đặc lợi, đem đặc quyền cho bè nhóm thì những lời kêu gọi hoà hợp, hoà giải thật ra chỉ là một trò bịp. Tôi không thể nhắm mắt tự hào mình là người Việt Nam như thể trò bịp ấy không hề xẩy ra.

Tôi là người Việt Nam. Tôi sẽ hãnh diện là người Việt Nam với tự hào dân tộc khi đất nước dân tộc tôi thay đổi và phát triển theo chiều cấp tiến xã hội – mọi người được cơm no áo ấm, các trẻ em có tuổi thơ mơ mộng trong hệ thống giáo dục phổ thông miễn phí, những nông dân có ruộng để cày cấy, những công nhân được công đoàn lao động và luật pháp bảo vệ, các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác và xuất bản, người khuyết tật, già nua được an sinh xã hội và y tế công cộng chăm lo, và trên hết mọi công dân được tự do bình đẳng dưới một nhà nước dân chủ pháp trị trong tinh thần dân tộc, nhân bản.

© 2010 Vi Nhân

© 2010 talawas, http://www.talawas.org/?p=20610

——————————–

CHÚ THÍCH:

[1] Những bước chân đổi đời gian nan – Câu chuyện người rơm

[2]Vietnam’s New Money (BILL HAYTON | JANUARY 21, 2010, Foreign Policy)

Các bài liên hệ:

Tự tình mẹ

Giờ phẫn nộ

Bịt miệng nạn nhân

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

Thời cửu vạn, ôsinThe Age of Day Laborer and Housemaid

Những cái nhập nhằng không tênThe Unspoken Ambiguities

Lết tới “thiên đường”

Phản bội hay trung thành với lý tưởng?

Các bài trên Tạp chí Da Màu:

Tháng Tư Câm

Hồn ma và xương khô

Nhạc minh hoạ:   Sinh ra là người Việt Nam – Phan văn Hưng