vietsoul21

Archive for Tháng Tư, 2009|Monthly archive page

Tháng Tư Câm

In talawas, Việt Nam on 2009/04/30 at 05:33

BBT: Tưởng niệm tháng Tư, 35 năm “Thống Nhất” trong chia rẽ lòng người. Bạo quyền độc tài vẫn còn thống trị đất nước, áp bức dân lành, cướp của bán đất, bán dân làm nô lệ thời hiện đại xứ người.


Nguyễn Hiếu

“…‘home’ is a mythic place of desire in the diasporic imagination.”

Avtar Brah, Cartographies of Diaspora


Tháng Tư. Ngày đầu tháng là “Ngày lỡm” (April fools’ day). Ngày cuối tháng là ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh Việt Nam/Hoa-kỳ. Phải chăng ai đã đùa tinh quái và dân tộc Việt Nam mắc lỡm. Hơn hai mươi năm tương tàn và ba mươi hai năm ly tán. Thiền sư Nhất Hạnh trở về lập đàn giải oan cầu vong linh hàng triệu người chết siêu thoát, và mong tám chục triệu người còn sống hoà giải bắt tay nhau. Thế nhưng không được nói, không được nghe, làm sao được hiểu?

“Khi Đồng Minh Tháo Chạy”[1] xây tượng đài kỷ niệm, viết những trang sử xét lại biến thua thành thắng sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt cuối thập niên 80. Với “Đại thắng mùa Xuân” người anh em bên kia vĩ tuyến viết bao ca ngợi chiến thắng lịch sử, huy hoàng và tiếp tục bán chác dưới hào quang một thời. Còn hơn mấy triệu người tan đàn, tản mát, trôi dạt, vì sợ hãi, vì không sống nổi trong kềm kẹp. Những đứa con ghẻ (được coi như cùi hủi) của chế độ không bao giờ có tiếng nói. Những người ấy bị đá ra lề dòng sống chính không được kể đến vì lịch sử được viết từ người thắng cuộc.

Trong một đoạn phim “Việt Nam: cuộc chiến 10.000 ngày” (Vietnam: the 10,000 days war) có cảnh bà mẹ ôm đứa con nhỏ (chắc khoảng chừng 4-5 tuổi) bị cháy bỏng chạy hớt hải trên đường làng. Trước đây tôi đã từng xem đoạn phim này nhưng không nghe tiếng vì lời tường thuật của thuyết viên chồng lên tiếng thật của phim. Lúc đó chỉ thấy cái đau thương, sức huỷ diệt của bom đạn trong cuộc chiến. Người ta nói “hình ảnh đáng giá hơn ngàn lời” nhưng khi được xem lại đoạn phim đó với tiếng khóc kêu của bà mẹ thì “một lời chứa đựng ngàn năm”. Bà mẹ khóc than “Trơì ơi, con ơi, Lượm ơi, mày đi đâu mà tội vậy con, mới thấy mày ở đây mà giờ như dzậy.” Tiếng kêu than, trời cao sao thấu. Tiếng thống thiết, ai biết cho vừa. Ôm đứa con da lột bỏng vì bom Napalm trong vòng tay, bà chỉ biết than trời, trách phận. Bom rơi, đạn nổ bà chẳng biết tại sao, chỉ biết rằng con mình bị nạn. Đó là tiếng của người gặp nạn, của người không có quyền lực, của người đã qua ngàn năm đô hộ, của người mất quyền sống. Bà đã bị tước đoạt hoàn toàn mảnh đất sống. Bà không có một nơi trú ngụ an toàn. Bà, gia đình con cái sống trên mảnh đất đơn sơ đó nhưng số phận thì đã bị định đoạt ở nơi đâu. Số phận đã được định đoạt bởi quyền lực phương Bắc hơn một ngàn năm trước đó, bởi quyền lực phương Tây ngàn dặm bên kia bờ Thái bình dương, rồi bà và con cháu bà sẽ ở dưới độc tài toàn trị bao năm sau.

Lúc đau đớn tột cùng đó bà không đổ lỗi cho người hoặc cho mình. Thế thì lỗi tại ai? Tại chiến tranh. Chiến tranh như một thực thể vô sinh và khách quan. Có chiến tranh thì có chết chóc, vậy thôi. Chiến tranh không trách nhiệm với cái chết. Và cái chết của những người thường dân vô tội được coi như “tổn thất phụ” (collateral damage) viết ngoài bìa sổ giữ con số chính thức của địch/ta bị chết, bị thương để xác định thắng/thua. Người ta nói “bom đạn không có mắt” như một tai nạn bất thường để giải thích cho cái không lý giải của số phận. Nhưng chắc họ quên mất là có người nhắm và bóp cò.

Còn trong một đoạn phim “Thương tiếc báo tin” (Regrets to inform) một bà lão kể đến việc 9 người trong gia đình bà bị đem ra bắn chết vào một buổi sáng khi quân Mỹ hành quân qua. Bà nhắc đi nhắc lại là cả nhà chưa ăn sáng chi hết mà bị đem đi bắn chết. Như rằng nếu có giết thì cũng để cho người ta ăn một miếng cơm, chứ chết tức tưởi chưa có miếng cơm vào bụng, thành ma đói. Người nông dân bé cổ, yếu thế tránh né hận thù về cái chết và chỉ than vãn về hiếp đáp không để cho ăn được miếng cơm.

Suốt những đoạn phim tài liệu chiếu cảnh dân tình loạn lạc thì thấy đa số là người già, trẻ em, và phụ nữ. Thiếu bóng những người đàn ông vì ở chiến trường hoặc nhiệm sở. Phụ nữ lo cho cha mẹ già, con trẻ, cho miếng cơm manh áo hàng ngày. Sau chiến tranh, lại cũng những người phụ nữ đi tiếp tế thăm nuôi cho chồng, con tù đày ở trại cải tạo hoặc nuôi dưỡng những tấm thân què quặt, đui mù thương phế. Một số phụ nữ khác thì được đặt lên bệ đài cao cả, “tình nguyện” lấy thương binh, quên mình, sống đời khiên cưỡng. Không ít phụ nữ nhỡ muộn, quá tuổi (một mức tuổi khắt khe, ngắn hẹp, chưa mở đã khép theo hệ thống xã hội phụ hệ) thèm một mụn con, “xin con” để đỡ khát con từ bản năng người mẹ và hủ hỉ tuổi già. Có ai nghe những tiếng thở dài thầm lặng trong đêm khuya?

Và bao nhiêu người lưu lạc không tiếng nói trong một ngày nào đó ngỡ ngàng khi tiếng mẹ đẻ của mình cũng mất đi. Họ mơ bằng ngoại ngữ, suy tư bằng tiếng bản địa nơi cư trú. Lưỡi cứng, đầu mù, tim sai nhịp. Một nỗi đau mất mát cắt sâu. Những người con của họ, thế hệ thứ hai, có được nghe, biết, và hiểu gì về đất nước mà cha mẹ, ông bà, chú bác của chúng đã lìa xa? Cuộc sống bươn chải, vất vả ban đầu mà cha mẹ chúng đã trải qua để sinh tồn trên đất lạ đã chiếm hết thời giờ, sức lực và chẳng còn dành được chút khoảng khắc nào để chia sẻ. Khoảng cách tuổi giữa hai thế hệ, khoảng cách giữa hai nền văn hóa, nỗi mặc cảm, tự ti người da màu trên đất khách làm những điều không/khó nói ra được. Những người con không được biết nguồn gốc, lịch sử của cha mẹ mình. Những gì chúng biết chỉ là những mảnh vụn kỷ niệm, ký ức thi thoảng tình cờ được nghe. Chúng học lịch sử Việt Nam qua phim ảnh, qua sách giáo khoa viết bởi những người bản xứ. Sách giáo khoa lớp Năm “Xây dựng đất nước” (Build Our Nation) của nhà xuất bản Houghton Mifflin nói rất ngắn gọn về vai trò của Hoa Kỳ tại Việt Nam tương tự như Nam Hàn là để chống bành trướng Cộng Sản và không hề đề cập đến số thường dân thiệt mạng. “Apocalypse Now”, “Platoon”, “Hamburger Hill”, “Rambo”, “Missing in Action”, “We’re soldiers” cũng như một số phim hạng ba khác chỉ vẽ ra cái khốc liệt của chiến tranh thu gọn lại ở một trận chiến nào đó để những hành động anh dũng trong tình đồng đội vượt qua và che mờ cái bối cảnh rộng lớn bất cập hoặc quy vào một vài quân nhân riêng lẻ hành động điên rồ do ảnh hưởng sức ép cuộc chiến, tâm lý bệnh hoạn hoặc những cuộc giải thoát cứu bạn tù huy hoàng (chiến thắng trong chiến bại). Chúng học thế thì hiểu ra sao?

Tại Hoa-Kỳ, người tị nạn nào may mắn ở những địa phương tập trung đông đảo như “Little Saigon” vùng quận Cam, San Jose, Virginia, Houston, Biloxi; ở Úc, Sydney, Melbourne, Canberra, Brisbane, Adelaide; và Gia Nã Đại, Vancouver, B.C., Montreal, Toronto, Calgary, Edmonton, Quebec, Ottawa, v.v… mới có cơ hội tiếp cận với ngoại sử trong dòng văn hoá lưu vong nhưng cũng còn vô số ở rải rác các địa phương lèo tèo vài chục, vài trăm gia đình quá xa xôi không gần ngay cả phụ lưu dòng chảy nhỏ cạn ấy. Thế hệ thứ nhất muốn quên còn thế hệ thứ hai không được nhớ. Đặc biệt là thế hệ một chấm rưỡi (1.5), thế hệ bắc cầu, thế hệ giữa-hai-bên (in-between) không muốn quên nhưng nào có bao nhiêu để nhớ. Họ định vị giữa-hai-bên về thời gian, không gian, tâm thức và chịu lực kéo đẩy cả hai: nhà (quê hương/chốn ở), tuổi thơ VN/cuộc sống địa phưong, lý trí/cảm tính, ký ức/lãng quên. Nhưng nói chung, tất cả họ đều ở vùng giữa-hai-bên, đầy cơ hội và cũng lắm rủi ro.

Chấp nhận hay kháng cự với quên lãng và câm lặng. Thỏa hiệp dễ hơn là phản kháng. Dối trá dễ chịu hơn là đối diện với sự thật. “Sự thật không có quyền lực bằng giả dối. Sự thật là cái người ta thường chối bỏ, nhưng dối trá thì người ta ôm ấp lấy. Nó [Dối trá] bao che và vỗ về. Sự thật thì không bao giờ làm ta khuây khỏa, nó luôn gây bối rối.”[2]

Những cố gắng để thốt lên tiếng nói kể lại hành trình “Vượt Sóng”[3] trong kinh hoàng “Bolinao 52”[4] dù giới hạn nhưng ấn tượng để không bị lãng quên vì “cuộc đấu tranh của con người chống lại quyền lực là sự cố gắng cho ký ức khỏi bị xóa quên.”[5] Và vẫn còn một niềm hy vọng không bị quên lãng xóa nhòa từ những nỗ lực, niềm tin và phương tiện hiện đại để nói, viết, chia sẻ trong một cộng đồng Việt Nam xuyên quốc gia, không biên giới (talawas, tienve, damau, diendan, Wikivietlit, …)[6] ở vùng giữa-hai-bên đầy cơ hội ấy.

@tạp chí da màuhttp://damau.org/archives/14909

CHÚ THÍCH:

[1] Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, (Cơ Sở Xuất Bản Hứa Chấn Minh, San Jose, 2005)

[2] bell hooks, Wounds of passion: a writing life, (New York: Henry Holt, 1997), p.36

[3] Phim Vượt Sóng (Journey from the fall), đạo diễn Trần Hàm

[4] Phim tài liệu Bolinao 52, đạo diễn Nguyễn Đức

[5] Milan Kundra, The book of laughter and forgetting

[6] Những diễn đàn, nguồn thông tin mạng

Các bài khác trên talawas:

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

Tôi là người Việt Nam

Thời cửu vạn, ôsinThe Age of Day Laborer and Housemaid

Những cái nhập nhằng không tênThe Unspoken Ambiguities

Lết tới “thiên đường”

Phản bội hay trung thành với lý tưởng?