vietsoul21

Archive for Tháng Sáu, 2014|Monthly archive page

Bất Bạo Động: Tròng Diễn Luận? (phần I)

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Triết Học, Việt Nam on 2014/06/07 at 05:20

Phần I:

PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM

DIỆN

ĐIỂM

 _____________________________

Có một câu tục ngữ tuyệt vời–đó là cho đến khi những con sư tử có sử sách riêng, lịch sử săn bắn sẽ luôn luôn tôn vinh các thợ săn. Điều đó chẳng đến với tôi mãi cho đến sau này. Một khi tôi ngộ ra thì tôi muốn là một nhà văn. Tôi phải là người viết sử đó. Nó không phải là công việc của riêng một ai. Nó không phải là công việc của một cá nhân nào. Nhưng nó là việc mà chúng ta phải làm, vì thế câu chuyện cuộc săn bắn lúc nào cũng phản ảnh sự thống khổ, nỗi cực nhọc, thậm chí cả sự dũng cảm của những con sư tử. ~ Chinua Achebe (Tiểu thuyết gia, nhà thơ, giáo sư, và nhà phê bình người Nigeria)

Oppression_Silence_1

LỜI MỞ ĐẦU

Gần đây các phong trào đấu tranh tại VN thể hiện qua phương cách xuống đường biểu tình chống đối nhà cầm quyền CSVN, nhất là phản đối hành động xâm lược mới nhất của Trung Quốc qua vụ giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981), dường như đang dâng cao.

Ngoài phong trào tự phát kêu gọi tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, những lời “hiệu triệu” (từ các cá nhân sinh hoạt “chém gió” trên mạng—thuộc đảng phái chính trị hải ngoại hay không—cho đến các tuyên bố với ý đồ tốt của những nhóm xã hội dân sự trong nước) liên tục “khuyên” đám đông dân đen nên xuống đường “ôn hòa”. Bất bạo động như thế có làm bạo quyền không ra tay đàn áp bằng bạo lực? Chuyện giờ đã rõ.

Những lời kêu gọi này đã và đang làm mọi người hoang mang trong khi bất bình và phẫn nộ—nhất là sau khi chứng kiến các trấn áp bạo hành tàn nhẫn người biểu tình vào ngày 18/5/2014.  Đây không phải là lần đầu cho các trấn áp bạo hành. Nhưng tình hình đất nước đang đến hồi nguy cập so với năm 2011 khi các cuộc biểu tình bị trù dập trắng trợn bắt đầu xảy ra nơi công cộng trên đường phố.

Trong tình hình như thế, thiết nghĩ là các chất vấn sau đây khá quan trọng nhưng có thể bị xem thường:

  • Xử dụng phương thức bất bạo động để làm gì, trong bối cảnh nào và mang đến kết quả như thế nào, và có lợi/hại cho ai và vì ai?
  • Cuộc đấu tranh bất bạo động với quần chúng có nhất thiết phải là cuộc đấu tranh phi võ trang không?
  • Cuộc đấu tranh bất bạo động với quần chúng này có khi nào chỉ mang lại một “nền hòa bình tiêu cực”[i] vì chỉ là sự vắng mặt của những căng thẳng, bạo động, và nỗi lo sợ bị đàn áp bằng bạo lực chứ không phải “nền hòa bình tích cực” có công lý, hợp tác vì lợi ích chung, và có sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội?

Việc gỡ rối trong các nhận xét và phân tích liên quan đến bối cảnh và điều kiện cụ thể dẫn đến phong trào bất bạo động có khả năng thành công hay thất bại do đó là điều cần thiết.

Chúng ta có lẽ cần am hiểu (1) các hành vi cư xử nào đã thành khuôn mẫu nhưng không hề bị chất vấn vì đã được cung cấp sẵn và rồi thành thói quen trong suy nghĩ của các phong trào bất bạo động, (2) quá trình năng động mà trong đó có cả sự phát triển của chiến thuật lâu đời và sự sáng tạo cho các chiến thuật mới, và (3) mối tương quan giữa các phương pháp cụ thể của bất bạo động và mục tiêu ngắn hạn và dài hạn và tầm nhìn của phong trào.

Đây là một vấn đề đáng quan ngại từ lâu nay. Không ai chối cãi phương thức bất bạo động—đặc biệt loại thực tiễn—có những ưu điểm của nó như đã từng được trình bày qua các báo điện tử như một loạt bài trên Dân Luận, Dân Làm Báo, của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và hai thông cáo của đảng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (hay Việt Tân)—một đăng cùng vào ngày biểu tình 18/5 tại VN, và một mới nhất sau những cáo buộc của CSVN về bạo loạn tại Bình Dương, cũng như trong cuộc phỏng vấn của RFA với đảng Việt Tân gần đây vào tháng 3 năm 2014[ii].

Điều rõ ràng là có một vài hậu quả nghiêm trọng trước mắt một khi phương thức “bất bạo động” dần tạo ra khuôn mẫu do thói quen và trở thành diễn luận (vì được rao giảng cổ võ nhan nhãn rất “hoành tráng” trong và ngoài nước qua nhiều hình thức khác nhau).

Các hậu quả đó là (1) diễn luận bất bạo động vô tình đã loại trừ hành động tự vệ phản kháng một khi đã được định hướng và chỉ đạo (trực tiếp bởi quyền lực thống trị, hỗ trợ bởi nhóm công sai/cánh tay nối dài, và gián tiếp bởi các lực lương xem là độc lập), (2) diễn luận bất bạo động giúp che chở bảo bọc cường quyền độc tài (thông qua cảnh sát, mật vụ, tình báo, và quân sự) trong việc giữ độc quyền về bạo lực (trong một số trường hợp trên thế giới, điển hình là hiện trạng ở Việt Nam), và (3) nuôi dưỡng các ẩn ức tâm lý bạo lực trong diễn luận và phương thức bất bạo động.

Bài viết này sẽ được chia và sẽ đăng thành ba phần: (1) phần phân tích “diện” và “điểm” (hay “hiện tượng” và “bản chất”) liên quan đến các đối kháng/phản kháng của quần chúng tại Việt Nam; (2) phần phân tích hiện tượng tự vệ do nhập nhằng mà tạo ra sự lên án chỉ trích gán là bạo động, và phần phân tích về các ảnh hưởng lợi hại của diễn luận bất bạo động; và (3) phần kết thúc bàn về hạn chế của diễn luận bất bạo động.

PHẦN I

PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM

Thiết nghĩ việc phân tích các tương đồng và khác biệt giữa “diện” và “điểm” (hay “hiện tượng” và “bản chất”) trong hiện tại và các khả dĩ liên quan đến phương thức đối kháng/phản kháng của quần chúng tại Việt Nam là điều không thể thiếu và cần thiết.

Hiểu biết thấu đáo vấn đề phức tạp mang tính sống chết này không hẳn là dễ dàng. Tuy nhiên, hy vọng bài viết này là một đóng góp để chúng ta có thể giúp nhau thông hiểu hơn nguyên tắc, sách lược và tính thực tiễn của bất bạo động và các giới hạn của nó. Hẳn nhiên bài viết lạm bàn này không có ý độc tôn tư tưởng, độc đoán chân lý, hay độc quyền khuyên bảo quần chúng.

Trước khi bàn vào vấn đề này, xin mạn phép định nghĩa diễn luận và các ảnh hưởng tiêu cực của diễn luận trước.

Diễn luận (discourse) là một khái niệm trừu tượng nhưng có thể được nhìn thấy qua “diện”.

Diễn luận bao gồm tất cả những diễn đạt (trong cả ngôn ngữ viết và nói) chung cho một ý nghĩa. Các diễn đạt này được xử dụng qua các dấu hiệu thường nằm trong tri thức biểu hiện của một nền văn hóa. Những ai có khả năng và quyền lực một khi sử dụng những diễn đạt đó sẽ tạo ra tác động và ảnh hưởng dù có chủ tâm hay không.

Tất cả dấu hiệu của diễn đạt khi gộp vào và được lặp đi lặp lại—qua các phương tiện tuyên truyền như truyền thông báo chí và văn học đại chúng (quốc doanh)—sẽ tạo thói quen trong ý tưởng và đi vào tâm lý trở thành vô thức thì gọi là diễn luận.

Ví dụ như diễn luận liên quan đến bất bạo động thì có các dấu hiệu như (1) các điệu bộ cử chỉ (ví dụ bực dọc hay khinh bỉ hành động hay bản thân nhóm công nhân hôi của), (2) cấu trúc (ví dụ như ranh giới giữa Sài Gòn và Bình Dương hay khu Vũng Áng), (3) vật liệu (ví dụ như cờ hay băng rôn khẩu hiệu xuống đường tôn vinh đảng), (4) sự im lặng (ví dụ như sự im lặng của cường quyền và báo chí về dữ kiện giàn khoan Trung Cộng vào lãnh hải VN đã hơn một tháng), VÀ cả dấu hiệu dốt nát (ví dụ như không biết về dữ kiện Trung Cộng xâm lăng hay các cuộc xuống đường). Xin nhớ dấu hiệu dốt nát là một dấu hiệu không thể xem thường hoặc cho là loại rất nhỏ so với các dấu hiệu kia vì tất cả đều nằm trong diễn luận này.

Khi có một tuyên bố về một chủ đề (thuộc về một diễn luận cụ thể) được chọn thực hiện, diễn luận này giúp cho chủ đề xây dựng theo một kiểu nhất định nào đó. Diễn luận này cũng hạn chế trường hợp có thể xẩy ra một khi chủ đề được xây dựng theo những kiểu cách khác.

Tất cả các dấu hiệu này sẽ tạo ra biểu tượng và tín hiệu, và truyền đi bằng thông điệp hầu tạo ra một hiện thực có khả năng “sàng tới sàng lui không cần cảnh báo”. Điểm tối quan trọng là một diễn luận hoàn toàn chủ chốt trong việc quyết định ai là người sẽ nói và nói về cái gì, khi nào, ở đâu, và nói với ai.

Tóm lại, diễn luận khi thực hành thì vừa là một hình thức thông tin và vừa là hành vi tạo ra được ý nghĩa. Diễn luận (qua phương tiện của các dấu hiệu nói trên) được sản sinh bằng cách cài khung (framing) trong quá trình tạo ra ý nghĩa để kiến thức được sản sinh và nuôi dưỡng. Khi kiến thức cưu mang nhiều biểu tượng/thông điệp mang tính tiêu biểu và đồng nhất được tiêu thụ và hệ thống hóa thì sẽ trở thành một ý thức hệ (ideology)—một ‘hệ tư tưởng’ hay là hệ thống những ý tưởng và quan điểm triết học, tôn giáo, hay chính trị.

Diễn luận dẫn đến ý thức hệ và hành động thì dẫn đến cả hai. Louis Althusser và một số học giả cho rằng khi xã hội vận hành quen dần theo một thể cách cụ thể nào đó thì tạo ra ý thức hệ mà xã hội đó đi theo, và diễn luận tạo ra trong lúc xã hội vận hành. Nói một cách khác, diễn luận là một công cụ để chuyển tiếp các hệ tư tưởng. Diễn luận giúp ta hiểu hơn về một xã hội (dù lớn hay nhỏ) và những hệ tư tưởng mà xã hội đó vận hành và chịu ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta từ đó nói và hành động mà không còn suy nghĩ nhiều về diễn luận, và điều này cuối cùng dẫn đến sự tập hợp các ý tưởng hay ý thức hệ.

Diễn luận không chỉ quan trọng cho tư tưởng chính trị, mà quan trọng cho tất cả các loại tư tưởng. Bất kể loại ý tưởng nào mà con người muốn thể hiện hoặc khuyến khích, họ cũng cần phải sử dụng ngôn ngữ đễ diễn đạt biểu tượng và tín hiệu một cách hiệu quả hầu thuyết phục “khán giả” (hay quần chúng).

Vì vậy, quá trình tạo nên diễn luận này nếu không đặt trên nền tảng giá trị mang tính đạo đức (ví dụ các đức tính trong ngũ thường: nhân, trí, tín, lễ, nghĩa) nhưng chỉ khiến “khán giả” phục tùng một cách tự nguyện thì các diễn luận ra đời trở thành loại diễn luận thống trị nhằm phổ biến, tuyên truyền, và kiểm soát việc áp dụng ý thức hệ làm cho con người trong một tổ chức hay xã hội đồng thuận không hề thắc mắc. Ví dụ, đảng CSVN vun trồng ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa” qua một số diễn luận cụ thể—như diễn luận “yêu nước”—để thống trị đất nước qua các thông điệp “Yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội”, “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội”, “Vì Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” v.v…

DIỆN

Phương cách bạo lực của bạo quyền được thi hành mang tính hệ thống máy móc đã xảy ra đồng loạt toàn quốc trong nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ được thấy rõ ràng như trong thời điểm này. Một nhà văn/cựu chiến binh người Bắc—một thời “trung với đảng” tham gia các trận chiến tấn công và cưỡng chiếm miền Nam—sau khi bị bắt chủ nhật 18/5 đã trần tình như sau:

Những con người công cụ này chỉ được giáo dục và rèn luyện về bạo lực. Bạo lực được tuyệt đối hóa. Lòng trung thành cũng được thể hiện bằng bạo lực. Với họ, chỉ có một giá trị là đảng cộng sản của họ.

Đọc tên các bạn trẻ bị bắt, bị đánh tôi lại nhớ đến những lời mạt sát tôi của người bắt tôi. Với những người có tuổi như tôi, họ đánh vào danh dự, vào nhân cách, họ sử dụng bạo lực tinh thần. Với những người trẻ, họ đánh vào thân xác, họ sử dụng bạo lực cơ bắp.  (Nhà văn Phạm Trọng)

Bạo lực tinh thần và bạo lực cơ bắp đã đặc biệt chiếu cố người Sài Gòn, nhất là các em sinh viên thanh niên trẻ tại Hà Nội và Sài Gòn. Hơn thế nữa, không thể chối cãi được là hiện tượng người yêu nước biểu tình bị bắt cóc và mất tích đang bắt đầu nhân cấp. Đây là tội ác rất nghiêm trọng mà CSVN đã và đang vi phạm theo Công Ước Quốc Tế về Bảo Vệ cho Người bị Cưỡng Bắt Mất Tích (The International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance) vào năm 2006 tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Nhưng có mấy ai để ý hoặc biết nêu ra là gia đình người mất tích có quyền được bồi thường và được biết sự thật của việc bắt cóc/thủ tiêu. Trong khi đó thì CSVN xem chừng được miễn nhiễm vì nhiều lổ hổng trong luật lệ quốc tế trong khi cố tình không đưa vào hệ thống luật pháp hình sự.

Hiện nay không khí trong và ngoài nước vẫn bị bế tắc nặng nề bởi lời kêu gọi cho việc sử dụng ôn hòa và “kềm chế” nếu có xuống đường tự phát. Phương thức bất bạo động mang tính thực tiễn này thường bị cài khung (framing) bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan, và từ đó trở thành một diễn luận nhiều hơi hướng nghiêng về cái gọi là “hùng biện lý tưởng” (rhetorics of the ideal). Trong khi đó, ít ai dám lạm bàn về những sự thật và hạn chế của các phong trào đối kháng thường được xem như thành công trên thế giới, và từ đó, có thể xét đến bối cảnh riêng tại VN.

Diễn luận “bất bạo động”—dù chỉ là một trong các phương thức đối kháng/phản kháng nhưng dần dần được xem là cứu cánh—vì thế đang loãng dần ảnh hưởng vì không có tính thuyết phục, một khi vượt lên trên các lý do liên quan đến thiếu cơ hội/phương tiện.

Hãy bàn một chút về hiện tượng và bản chất của phong trào này.

Tất cả hình thức bất bạo động được rút ra từ các phong trào đối kháng của quần chúng xem có vẻ như chiếm ưu thế và xem là thành công trên thế giới.

Chẳng hạn chúng ta ngưỡng mộ thần tượng đấu tranh bất bạo động Mahatma Ghandi và Martin Luther King, Jr. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta cũng không thể quên những người đấu tranh với phương cách hình thức tự vệ đối kháng khác hoặc cùng hoặc sau thời của hai nhà đấu tranh này.

Bhimrao Ambedkar (1891 – 1956)

Bhimrao Ambedkar (1891 – 1956)

Ví dụ như học giả/luật sư/chính khách Bhimrao Ramji Ambedkar—một người cùng thời với Gandhi—là một nhà hoạt động chính trị-xã hội nổi tiếng đã không ngừng nghỉ ủng hộ các quyền chính trị và tự do xã hội cho người dân bần cùng thuộc cấp thấp nhất (untouchables) của Ấn Độ. Một trong những bộ sách xuất bản của ông là “Hủy Bỏ Đẳng Cấp” (Annihilation of Caste) mạnh mẽ chỉ trích các nhà lãnh đạo tôn giáo chính thống Ấn Độ giáo, hệ thống giai cấp nói chung, và bao gồm “một lời phê bình khiển trách Gandhi” về chủ đề này. Những người ông phê phán nhiều nhất không phải là trào lưu chính thống hay cực đoan của Ấn Độ mà là thành phần người Ấn tự cho mình là “ôn hòa”—thành phần mà Ambedkar cho là tự mâu thuẫn vì vừa cho mình là ôn hòa mà vừa vin vào các bộ luật của Ấn Độ Giáo. Cho đến nay chúng ta không hề biết đến những hoạt động đóng góp của ông.

ArundhatiRoy-Gandhi-Ambedkar

Laura Flanders phỏng vấn nhà văn/nhà đấu tranh Arundhati Roy về quyển sách “Annihilation of Caste” (“Hủy Bỏ Đẳng Cấp”) của tác giả B.R. Ambedkar và huyền thoại m à phương Tây dựng lên về Mahatma Gandhi (ngày 21/10/2014, https://youtu.be/4-yMiBGBOe0)

Ví dụ như Malcolm X, một mục sư Hồi giáo người Mỹ gốc Phi và một nhà hoạt động nhân quyền cùng thời với Mục sư Martin Luther King. Ông là một nhà hoạt động can đảm ủng hộ một mực cho quyền lợi của người da đen, người truy tố các điều khoản khắc nghiệt nhất về tội ác người Mỹ trắng đối với người Mỹ da đen. Ông khẳng định chưa bao giờ ông là người khuyến khích bạo động[iii]. Tuy nhiên, Malcolm X đã bị gièm pha bằng nhiều cáo buộc rằng ông rao giảng phân biệt chủng tộc và “bạo lực” nên ít ai biết đến.

Malcolm X (1925 - 1965)

Malcolm X (1925 – 1965)

Còn vô số những người xả thân vô danh khác cùng thời cùng lúc đã đóng góp vào sự thành công chung của đất nước và phong trào đấu tranh của thế kỷ 20. Nhưng không phải ai cũng được tôn vinh? Tại sao? Tại sao có người được đề cao là ôn hòa và có kẻ bị lên án là bạo động? Tại sao khi hành động bạo lực của CSVN khi tấn công cưỡng chiếm miền Nam thì được ca ngợi—không những trong sự tự mãn của chính tập đoàn kẻ cướp mà còn từ phương tây, nhất là phe khuynh tả trước đây (dù rằng chân tướng của thằng độc tài gian ác cuối cùng đã lộ ra và bị lên án hiện nay)?

Lịch sử thường được viết bởi kẻ liên kết với quyền lực thống trị—nhất là sau khi thắng cuộc, và trở thành bộ nhớ thuộc lòng cho quần chúng qua cơ chế định hướng dư luận.

Như đã nói trên, tính chất hùng biện của diễn luận bất bạo động sẽ không còn mấy thuyết phục một khi không còn sát thực với tình hình và bối cảnh của một quốc gia. Và chính nó vô hình chung mang tính bạo lực vì đã áp đặt lên dân trí rằng đây là con đường duy nhất, và do đó, vùi lấp một thực tế phủ phàng.

Có ai đã quên rằng một số phong trào bất bạo động chống lại chế độ độc tài đã bị đàn áp thậm tệ và không đi đến thành công trong các quốc gia như El Salvador (1979-1981), Miến Điện (1988) và Trung Quốc (1989)?

Đó là chưa nói đến các thành công giả tạo của phong trào đối kháng bất bạo động.

Ví dụ, trong chiến dịch “Ấn Độ Ly Khai” (Quit India) mà Gandhi tiên phong tại Ấn Độ, ông Gandhi được báo chí Anh tung hô và tạo cho ông có danh tiếng. Báo chí Anh đã chọn tập trung tường thuật vào hành vi bất hợp tác của ông Gandhi thay vì vào hiện tượng hàng trăm cảm tử đã chiến đấu cho độc lập tự do của Ấn Độ bằng cách chế bom và ám sát các quan chức Anh, công chức bản địa.

Một quá trình cũng đã xảy ra như thế song song trong chiến dịch bất bạo động dành dân quyền của ông mục sư/ tiến sĩ Martin Luther King. Các giới truyền thông Hoa Kỳ không báo cáo về cuộc tuần hành đòi quyền dân sự tại Birmingham đã biến thành “bạo loạn”, và trong nhiều trường hợp tương tự, đã thực sự kích thích cho việc luật pháp địa phương và liên bang phải thay đổi dựa trên căn bản cấm không được kỳ thị người Mỹ da đen.[iv]

Khi nào dân chúng tự nguyện nhớ những gì kẻ thống trị muốn nhớ và quên những gì kẻ thống trị muốn quên, và qua đó, tự nguyện đưa cổ vào thòng lọng (qua bộ nhớ lịch sử chính thống) và cảm thấy tự sướng khi được kéo dây, giật, và xiết thì cơ chế đó đạt được việc“ổn định và phát triển đất nước”.

Đây là một trong những biểu hiện vô cùng hiệu quả của bạo lực vô hình (vì không cần sử dụng bạo lực cơ bắp) bằng các phương tiện của diễn luận và ý thức hệ để tạo ngu dân—một xã hội mà ngay cả trí thức cũng câm trong miệng và câm trong óc. Còn phó thường dân trong xã hội này thì sao?  Blogger Tung Do đã viết:

Tỉnh nào cũng có vé số, hằng ngày đưa dân tộc vào những con số (số đề) để đầu óc họ mụ mị đi, để họ cứ đi tìm cách làm giàu hư ảo, để họ quên đi thực tại thối nát, quên đi họ còn có những quyền cơ bản của con người mà Liên Hiệp Quốc công nhận!

Đó là chưa nói đến việc kẻ thống trị bắt chước các mô thức kỹ xảo (nhập từ phương Tây) mang tính tâm lý thụ hưởng ăn chơi và dục vọng của chủ nghĩa cá nhân. Đó là chưa nói đến các phương tiện kỹ thuật và thiết bị hùng biện khác để thống trị và kiểm soát làm đám đông quên lãng. Chẳng hạn như việc sử dụng bộ máy truyền thông làm công cụ. Malcolm X đã từng nhận xét rằng[v]:

Truyền thông là cơ quan quyền lực nhất trên trái đất. Họ có sức mạnh để làm cho những người vô tội có tội, và làm cho những người tội thành vô tội, và đó là quyền lực. Bởi vì truyền thông kiểm soát tâm trí của quần chúng. Nếu bạn không cẩn thận, các tờ báo sẽ khiến bạn ghét những người đang bị áp bức, và yêu những người áp bức.

Câu nói nổi tiếng nhưng không nhiều người biết đến này của Malcolm X có thể giúp chúng ta không còn ngạc nhiên để hiểu được tại sao Malcolm X bị thế giới truyền thông tạo ra một hình ảnh tiêu cực biến ông thành kẻ cần bị bôi nhọ là “bạo động”[vi]. Đây là một đề tài cần một bài tiểu luận riêng về bản chất và hiện tượng cũng như chức năng để bàn về các ảnh hưởng tiêu cực của thế giới và văn hóa truyền thông.

Tóm lại, việc ai chọn cho nói và việc gì được cho thấy qua phương tiện truyền thông chính thống hay các mạng thông tin chiếm ưu thế là một trong những mạch nhập nhằng quan trọng thuộc guồng diễn luận hầu tạo ra hình ảnh/biểu hiện và thông điệp sau cùng. Như vậy thì tín hiệu và bộ nhớ mà quần chúng nhận biết và ghi khắc chưa hẵn là sự thật.
Neutral_Einstein_V version

ĐIỂM

Đấu tranh bất bạo động thường được hiểu đơn giản theo định nghĩa ahimsa của Gandhi tức là không gây hại—không dùng hay trang bị vũ khí và phương tiện bạo động để tấn công cường quyền.

Gene Sharp, một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị (cùng một số học giả khuynh tả khác như Peter Ackerman, Jack DuVall, Jonathan Schell) là người cũng thường được ca ngợi là nhà chủ xướng ra các phương thức bất bạo động mang tính sách lược thực tiễn dựa trên nền tảng này. Phương cách đấu tranh bất bạo động thường phủ nhận sự thụ động, và do đó cho là hành động, nhưng là hành động không dùng bạo lực. Số đông quần chúng và chính nghĩa được sử dụng như là hai nhân tố chính giúp phong trào lớn mạnh và thành công. Neutral_Einstein

Tóm lại, theo Viện Albert Einstein, “phương pháp đấu tranh sử dụng hình thức phản đối tượng trưng, bất hợp tác và thách thức, nhưng không dùng bạo lực, để tạo ra sức mạnh trong các cuộc xung đột”. Các hình thức của bất bạo động được đề cao là tuyệt thực, kiến nghị, phát tán tờ rơi, các cuộc biểu tình mang tính quần chúng, các cuộc đình công bãi thị/bãi khóa, và việc ngăn chặn luân lưu nguồn tiền đóng nộp.

Thật ra, Gene Sharp có đề cập đến các yếu tố của hình thức cưỡng chế (coercion) như là một trong các hình thức của phương pháp bất bạo động[vii]. Ông còn nhấn mạnh rằng chất lượng của các lựa chọn mang tính chiến lược được thực hiện bởi các nhà hoạt động trong phong trào bất bạo động có thể đóng một vai trò lớn trong việc xác định kết quả của cuộc đấu tranh bất bạo động.

Gene Sharp đã cảnh cáo rằng nếu không có hoạch định chiến lược cẩn thận thì năng lượng có thể bị chệch hướng sang các vấn đề nhỏ hoặc áp dụng không hiệu quả; cơ hội để thúc đẩy một chủ đích không sử dụng được; đối phương sẽ thiết lập cách đối phó qua nghị sự; những điểm yếu riêng của phong trào sẽ bành trướng; và nỗ lực để đạt được mục tiêu sẽ ít có cơ hội thành công. Ngoài ra, cách làm suy yếu sức mạnh của một tầng lớp áp bức là tổ chức đối kháng của tầng lớp mà nó thực sự phụ thuộc vào chứ không nhất thiết phải là từ tầng lớp bị áp bức trực tiếp trừ khi sức đối kháng này nhằm giúp thúc đẩy sức mạnh kháng cự của nhóm thứ ba đó.

Các trình bày lý luận này do đó nằm trong phạm trù bất bạo động mang tính thực tiễn[viii]. Việc tự vệ, kháng cự lại bạo lực, can thiệp trực tiếp khi kết hợp với vũ trang thường bị cho ra rìa, không được xem là phù hợp. Do đó phương thức bất bạo động thực tiễn này—dù vô tình hay cố ý—đã tạo ra một trong những cách kiểm soát, bao che, và bảo vệ cơ chế bạo quyền độc tài xảy ra khắp nơi trên thế giới.

Trong thực tế người đấu tranh luôn phản kháng/đối kháng bằng mọi phương thức, mọi nơi và hằng ngày. Hành động họ không hẵn phát sinh nhờ vào sự cổ võ và hướng dẫn của phong trào bất bạo động. Các đối kháng/phản kháng thực tiễn của người đấu tranh cũng có nhiều cấp—từ làm suy yếu tính hợp pháp của bạo quyền cai trị cho đến bất hợp tác cho đến can thiệp trực tiếp[ix].

Trong quốc gia pháp trị thì họ kháng cự bằng cách “làm theo định hướng” chẳng hạn như dùng tòa án để đấu tranh, vạch trần sai trái. Ngay cả dưới chế độ thực dân người ta vẫn thực hiện phần nào điều này. Ở chế độ độc tài toàn trị, độc tài cộng sản thì tòa án là cánh tay nối dài của cường quyền và nguời đấu tranh bị tước bỏ trắng trợn cái phương tiện đó.

Ngoài ra, trong trường hợp tại VN thì dù trong tư cách cá nhân hay nhóm đoàn, người đấu tranh còn sử dụng mọi phương thức, phương tiện bất hợp tác (hay bất tuân dân sự) để phản kháng lại cường quyền. Chẳng hạn như các nhà đấu tranh Dân Chủ không hợp tác khi có giấy mời triệu gọi tới phường để tra vấn. Chẳng hạn như luật sư Nguyễn Mạnh Tường thời Cải Cách Ruộng Đất/Nhân Văn Giai Phẩm đã từ chối tham gia vào guồng máy bạo lực và viết như sau trong quyển hồi ký “Un excommunié (Kẻ bị khai trừ)” xuất bản tại Paris năm 1992:

Tôi không hề tham gia Mặt trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, luôn luôn ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền.

Hay như nhà thơ Hữu Loan sau tù đày và tù treo vì tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã chịu đựng nghèo khó mà “không hề cúi đầu” khi quyết định trở thành người “đi bộ ngược chiều”—“chiều của dòng chảy thuần tính xã hội chủ nghĩa, chiều của a dua hay im lặng”, “chiều của dòng chảy tiêu diệt niềm tin, tính tự trọng và …vô cảm trước các nỗi đau của xã hội”.

Và cũng có kẻ/nhóm/làng đã chọn phải tự vệ vì tức nước vỡ bờ, vì mưu sinh sống còn. Malcolm X_Self-Defense

Không có cuộc Nổi Dậy tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) mùa đông năm 1956, Văn Giang, Dương Nội, hay Đoàn Văn Vươn, Đoàn Ngọc Viết, Liệt nữ Anh Hào Lê thị Tuyết Mai, không có dân bắt cán bộ xã, không có nông dân quyết tử giữ đất thì liệu người dân có học được bài học nhận thức rồi đi đến hành động quyết liệt làm gương “vượt qua nỗi sợ” để từng bước lớn mạnh đương đầu với cường quyền?

Khi không có sức thì họ sử dụng thế. Đây là thời điểm họ nghĩ đến kế có sách lược chứ không còn tự phát thực tiễn nữa.

Trên hết, họ luôn luôn đề cao cảnh giác không để thông điệp của họ bị chiếm làm của riêng [hay tước hữu (appropriated)]. Vì họ biết rất rõ thông điệp và yêu sách của mình sau giai đoạn chiếm hữu thì đã bị xoa bóp nhào nặn qua nhiều năm tháng hầu định hướng lại cho phù hợp với đường lối chính sách và tuyên truyền của đảng, trong khi không còn mối lợi nào dành cho họ—những phó thường dân—cả.

Trong phạm trù và tầng độ văn hóa này thì người phản kháng cũng vận dụng tri thức quyết từ chối sử dụng những biểu tượng đã bị tước hữu bởi cường quyền.

Ví dụ điển hình về một hình tượng thuộc “tổ quốc” mà đã bị ĐCSVN bắt làm con tin. Cờ đỏ sao vàng dù là quốc kỳ (nguồn cờ xuất xứ từ tỉnh Phúc Kiến của đảng cộng sản Trung Cộng) của CHXHCNVN nhưng đã bị tước hữu bắt làm con tin phục vụ cho chế độ đảng trị CSVN. Khi người tự do hay người đấu tranh sử dụng lá cờ đỏ thì vô hình chung tự đặt để mình thuộc vào với chế độ CSVN, nghĩ rằng mình làm vì tổ quốc mà quên rằng biểu tượng lá cờ đã bị bắt làm con tin từ lâu lắm rồi.

Cũng như thế. Hình HCM, Võ Nguyên Giáp là biểu tượng của ĐCSVN. Giương hình đó lên thì dù muốn hay không cũng là thể hiện một lòng với chế độ của cường quyền. Như đã định nghĩa, lá cờ và hình lãnh tụ là các dấu hiệu mang tính vật liệu phục vụ trực tiếp liên quan đến tròng diễn luận “yêu nước” và phần nào có liên quan đến tròng diễn luận “bất bạo động”.

Trong cuộc đối đầu bất tương xứng giữa cường quyền (dùi cui, gậy điện, còng/cùm, súng, xe phóng thanh, ban tuyên huấn, tv, báo chí, truyền thanh) và người dân muốn tự do dân chủ (trên facebook, blog, twitter, cho thân thế cá nhân) thì tiếng nói và thông điệp là phương tiện mà người đấu tranh có thể sử dụng để tạo ưu thế.

Thông điệp “ổn định” đã bị tước hữu vì nó không còn ý nghĩa trung tính nữa mà bị thuần hóa cho đồng nghĩa với không khiếu kiện, không biểu tình, không phản kháng. Cũng thế, “đồng thuận” đã định hướng trở thành đồng lõa, đồng tình với áp bức trấn lột và bất công. Như vậy “đồng thuận” thành một trong những dấu hiệu “im lặng” trực tiếp liên quan đến tròng diễn luận “yêu nước” và phần nào nằm trong mắc xích của tròng diễn luận “bất bạo động”.

Tóm lại, người đấu tranh không thể để thông điệp đối kháng của mình bị chiếm đoạt làm của riêng [hay gọi ngắn gọn là “tước hữu” (appropriation)], và nhất là không để thông điệp đối kháng của mình rơi vào bẫy bị xào nặn đồng hoá hòa lẫn vào thông điệp của cường quyền chẳng hạn như nhà cầm quyền Việt Nam—kẻ vừa ăn cướp vừa đành trống la làng.

Ngoài ra, thông điệp về bất bạo động là từ nơi ai?

Đám đông phó thường dân hay người/nhóm không vị thế có khi nào được mời ngồi bàn cãi với các nhóm xã hội dân sự, với trí thức và những nhà bất đồng chính kiến, và cả với Đảng CSVN? Đám đông phó thường dân hay người/nhóm không vị thế có khi nào được dự phần xem lời kêu gọi “ôn hòa” mang tầm ý nghĩa chính trị lớn nhỏ và có lợi hại như thế nào trong phong trào đối kháng hay giữ nước? Lý do vì nội gián điệp viên trong các phong trào đối kháng có đủ thuyết phục? Khi nào và trong hoàn cảnh nào phương thức bất bạo động đã tự nó bảo vệ chế độ bạo quyền?

Thêm vào đó, tại sao hành động hôi của cướp phá của công nhân Bình Dương (cho dù có bị giật dây bởi một lực ma mảnh nào đó) bị miệt thị và liệt kê là “bạo loạn”? Giáo sư chuyên gia về VN Thomas Jandl, thuộc trường American University ở Washington DC, đã chỉ ra hố rãnh giữa công nhân bị bóc lột hằng bao năm trời và thành phần người Trung Cộng trấn lột là một trong những nguyên nhân chính hơn là vấn đề địa chính trị (geopolitics):

Bạo loạn có thể dễ dàng bắt đầu từ những vấn đề nhỏ, sau đó cộng hưởng với các yếu tố khác. Họ chỉ là những người công nhân, không phải là học giả khoa học chính trị hay sử gia. Họ có những đốc công “Trung Quốc”, họ cảm thấy rằng những người này không tử tế gì với họ cả, và bây giờ thì những người đốc công Trung Quốc, hoặc ai đó giống họ, lại đang xâm lược đất nước.

Ký giả Bill Hayton/BBC tường thuật tiếp như sau: “Công nhân phàn nàn về lương thấp, điều kiện làm việc kém (như chất lượng đồ ăn trong nhà máy tồi, bị hạn chế đi vệ sinh trong giờ làm việc), và bị giới quản l‎ý trù dập.” Rồi ông Bill Hayton cũng đã xác nhận thêm rằng: “một vài nhà máy [tại Hà Tĩnh], đặc biệt là các nhà máy Đài Loan sở hữu đã ưa tuyển dụng công nhân Trung Quốc hơn công nhân người Việt.”

Trong bài viết cho BBC này, ông Hayton sau đó đã nhận định rằng đây là một “thực trạng tức giận chưa đủ chín: một phần là chống Trung Quốc, nhưng phần có vẻ khẩn cấp hơn là chống lại giới chủ tồi.” Vậy tại sao thành phần công nhân lại trở thành mũi dùi và bị miệt thị?

Khi có miệt thị hành động cưu mang nỗi tức giận chưa chín muồi này của thành phần công nhân là “bạo động” hay “bạo loạn”  thì việc gì xảy ra kế tiếp và có lợi cho ai? Ai tạo ra hố rãnh giai cấp để trị?

Đó là chưa luận bàn đến việc bỗng dưng hành động cướp bóc hôi của bị đánh đồng thành hành động đại diện cho một quốc gia. Đây là một trong những sách lược hùng biện của kẻ chủ mưu: sử dụng thiết bị hùng biện (rhetorical devices) qua “tấn tuồng” nhằm thuyết phục “khán giả” trong và ngoài nước là hành động “bạo loạn” này của công nhân Bình Dương là điều không thể chấp nhận được.

Một khi đã thuyết phục được thì sẽ có các phản ứng ảnh hưởng nào lọt bẫy kẻ mưu chước?

Chắc hẳn không ai lại cổ võ hoặc bỏ qua cho việc cướp bóc hay hôi của. Thế nhưng hành động này được gán ghép cho tập thể mấy ngàn người biểu tình và là mũi nhọn của diễn luận “ổn định xã hội”. Thật ra, “[l]ý do‎ [chính phủ Việt Nam (một tổ chức mà ông Hayton gọi là một “tổ chức sáng dạ”) châm chước cho biểu tình với bạo loạn] là bởi Đảng Cộng sản cầm quyền muốn gây ấn tượng với hai nhóm khán giả: chính nhân dân của họ và các đối thủ nước ngoài.”

Từ cử chỉ “bực dọc và khinh bỉ” (thuộc dấu hiệu “điệu bộ cử chỉ”—một mắc xích của tròng diễn luận “yêu nước” mà chúng tôi đã trình bày ở đầu bài) đưa tới việc nẩy sinh ra một tâm lý ô nhục tầm quốc gia, và đồng thời, vừa tạo áp lực vừa là cơ hội cho các nhóm “khán giả” khác nhau (trong nước và hải ngoại) càng có dịp lên án mạnh mẽ những hành động “thiếu văn minh” này.

Ngoài ra, tiểu thuyết gia người Pháp Anatole France đã từng mỉa mai rằng: “Luật pháp (với bình đẳng là trọng tâm đồ sộ) cấm những người giàu cũng như người nghèo ngủ dưới gầm cầu, ăn xin trên đường phố và ăn cắp bánh mì.” Đương nhiên là người giàu không bao giờ ngủ dưới gầm cầu, ăn xin, và cắp vặt thế nên luật đưa ra chỉ để áp dụng trừng phạt và áp đặt lên người nghèo. (Chuyện đại gia, quan lớn đánh cắp của công và tài nguyên thì là một vấn đề “nhỏ” khác).

Thật khó thấy có một sự rối loạn nào, tự nhiên hoặc nhân tạo, trong xã hội đang có “trật tự” mà không dẫn đến cướp bóc hay hôi của ở đâu đó. Huống gì dưới một chế độ độc tài như Việt Nam khi khoảng cách giai cấp giữa giàu và nghèo quá lớn.

Như vậy, vấn đề có giàn dựng này (khi đã được các báo nước ngoài điểm chỉ) cho ta thấy điều gì? Nó phát xuất từ nguồn bạo lực tạo ra từ hệ thống cơ chế và giai cấp. Vậy thì ai chịu trách nhiệm đây? Hành động của người hôi của chăng? Chưa hẳn đúng. Hành động của họ chỉ là “diện” (hiện tượng) mà không phải “điểm” (bản chất) của vấn đề!

Vấn đề xây dựng một tri thức tận tường về bạo lực cơ chế và bạo lực văn hóa là một hành động không thể thiếu và cần thiết trong lúc sử dụng các phương cách đối kháng. Nên ta không thể đơn thuần kêu gọi quần chúng xuống đường tự phát nên “ôn hòa”, “kiềm chế”, hay bất bạo động.

Các thiết bị hùng biện (rhetorical devices) đã được dùng cho giàn dựng “tấn tuồng” và các thông điệp hoa mỹ—như “ôn hòa”, “kiềm chế”—với ý nghĩa chung chung mơ hồ như thế đều nằm trong mắc xích của tròng diễn luận “bất bạo động”.

Đây là cái bẫy tiếp tục được giàn dựng không phải chỉ từ bạo quyền CSVN mà còn do các lực đồng lõa khác.

Neutral_Tutu_2

Xem tiếp: Phần II & Phần III

________________________

CHÚ THÍCH

[i]  Martin Luther King đã đề cập đến hai loại nền hòa bình này trong một lá thư khi đang ngồi trong tù tại Birmingham. Ông chỉ trích mạnh mẽ không phải nhóm kỳ thị chủng tộc KKK hay các Hội Đồng Cố Vấn cho người Mỹ da trắng mà là những người Mỹ “ôn hòa” thiên”trật tự” thay vì công lý”; đây là những ai thiên về một nền hòa bình tiêu cực—với sự vắng mặt của các căng thẳng—thay vì một nền hòa bình tích cực mà công lý phải hiện diện; đây là những người [“ôn hòa”] thường  nói: “Tôi đồng ý với anh trong các mục tiêu mà anh đang theo đuổi, nhưng tôi không thể đồng ý với phương pháp hành động trực tiếp của anh.”

[ii]  “Đấu tranh bất bạo động, con đường khó khăn và cực nhọc”, RFA phỏng vấn người đại diện đảng Việt Tân, 16/3/2014.

[iii]  Malcolm X. 1992. February 2965: The Final Speeches. New York, NY: Pathfinder (trang 47). Trong một bài phát biểu vào ngày 11/2/1965, tại Trường London School of Economics, Malcolm X giải thích rõ vấn đề mô tả (mang tính đặc thù và có tính cách tách chia) sự khác nhau giữa bạo động và bất bạo động trong phong trào Dân quyền tại Hoa Kỳ đã được sử dụng như thế nào:

 

Tôi chưa bao giờ nói rằng người [Mỹ] da đen nên tấn công chống lại người da trắng, nhưng mà khi chính phủ không bảo vệ họ, người da đen có quyền làm [chuyện tự bảo vệ mình]. Đó là quyền lợi đã vạch sẵn cho họ. Tôi thấy có những người da trắng không ủng hộ lời khuyên dành cho loại người da đen không biết phòng thủ này lại là những người da trắng thuộc loại ‘chính trị tự do’ phân biệt chủng tộc. Họ sử dụng báo chí để tạo hình ảnh chúng tôi là kẻ bạo động.

 [Nguyên văn: “I have never said that Negroes should initiate acts of aggression against whites, but where the government fails to protect the Negro he is entitled to do it himself. He is within his rights. I have found the only white elements who do not want this advice given to undefensive Blacks are the racist liberals. They use the press to project us in the image of violence.”]

[iv]  Colaiaco, J.A. (1984). The American Dream Unfulfilled: Martin Luther King, Jr. and the ‘Letter from Birmingham Jail’”, Phylon, 45(1), 1-18.

[v]  Scardino, F. (2005). The Complete Idiot’s Guide to US Government and Politics. New York, NY: Penguin (trang 47).

[vi]  Powell, K., & Amundson, S. (2002). Malcolm X and the Mass Media: Creation of a Rhetorical Exigence. North Dakota Journal of Speech & Theatre, 15, 35-45.

[vii]  Sharp, G. (1970). Exploring Nonviolent Alternatives. Boston, MA: Porter Sargent (trang 31).

[viii]  “198 phương thức bất bạo động” (198 Methods of Nonviolent Action), The Albert Einstein Institution.

[ix]  Can thiệp trực tiếp là một loại đối kháng để làm gián đoạn các hoạt động bình thường có hỗ trợ giúp cho hiện trạng của nhà cầm quyền tiếp tục đứng vững, hoặc tạo ra những hành vi hoặc tổ chức có các mô hình mới được chuộng. Loại can thiệp gây rối bao gồm phong tỏa, tuyệt thực, tự xung phong vào tù. Loại can thiệp sáng tạo có thể bao gồm sự hình thành các cơ chế khác như trường học, các tổ chức kinh tế, và phương tiện truyền thông song song với cơ chế độc tài hiện hữu.

___________

BẤT BẠO ĐỘNG: TRÒNG DIỄN LUẬN?

Phần I: PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM
Phần II: “TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?” & “BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?”
Phần III: HẠN CHẾ CỦA DIỄN LUẬN BẤT BẠO ĐỘNG & TẠM KẾT

Bất Bạo Động: Tròng Diễn Luận? (phần II)

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử on 2014/06/07 at 05:15

Phần II:

TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?

BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?

TRÍ THỨC ÔN HÒA

ĐÁM ĐÔNG NHÂN CHỨNG

 _____________________________

PHẦN II

Khi phát biểu phải bộc trực, thẳng thắn, trung thực – ngay cả khi bạn phải trả giá. Điều cuối cùng mà mỗi chúng ta muốn thấy [là] con người quá thích nghi với bất công. ~ Cornel West[i]

TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?

Từ 2011 đến nay các cuộc xuống đường tự phát (trong tinh thần ước mong có cải cách hơn là cách mạng dân tộc) đều bị điểm chỉ là gây thiếu “ổn định” và gây “bạo động”. Như đã đề cập trong phần I, gần đây các cuộc xuống đường của công nhân Bình Dương vào ngày 12/5/2014 được truyền thông trong và ngoài nước báo cáo tường thuật là “bạo loạn”. Vai trò nào của diễn luận yêu nướcbất bạo động ở đây?

Diễn luận bất bạo động thường vùi chôn san bằng các khác biệt trong tương quan quyền lực. Hậu quả là kẻ bần cùng hay vô danh nếu phản kháng hay đối kháng thì dễ phải nhận chịu những nguyền rủa và thiệt thòi.

Như đã trình bày, những hành vi của họ (cho dù có âm mưu khích động từ nhóm nào đó liên hệ đến nhà cầm quyền CSVN hay không) thường bị xem là “gây rối trật tự công cộng”, “tục tằn”, “thô bạo”, “bị xúi giục bởi các thế lực thù địch”, “thiếu văn hóa”, “không văn minh”, làm “xấu hổ” dân tộc đất nước. Những lên án chỉ trích này dù từ những ai/nhóm nào (và dù có quyền lực hay không) tạo ra đi chăng nữa đều thể hiện sự đồng nhịp ăn khớp với một trong những dấu hiệu của tròng diễn luận “bất bạo động”.

Thế nào là có văn hoá văn minh? Ai định đoạt tiêu chuẩn văn hoá văn minh?

Văn hóa “xin-cho” chăng? Nạn nhân lại phải đi xin công lý ư và chờ cường (“ngụy”) quyền cho lại nhân phẩm à?

Văn minh cho ai? Ai sẽ có lợi khi nạn nhân tin là mình không “văn minh” do đã “bạo động” hay “bạo loạn”?

Cách ứng xử có văn minh văn hoá giữa hai đối tượng CHỈ có thể xảy ra khi hai bên có quyền lực tương xứng và cơ chế đối thoại phân minh. Một khi “miệng nhà quan có gang có thép” thì những kẻ bị hiếp đáp chỉ biết dùng “đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm” để đáp lại.

Nếu một bên có quyền lực tuyệt đối, có quyền sinh sát, nắm tất cả các cơ chế hành pháp, lập pháp, tư pháp—như nhà nước Việt Nam đang nằm trong tay đảng CSVN—để áp đảo tiếng nói đối tượng thì mọi việc cũng như “con kiến mà kiện củ khoai.” Các luật sư còn bị họ vu khống, bỏ tù, cưỡng chế, quấy nhiễu chỉ vì dám lên tiếng bảo vệ công lý chứ nhằm nhò gì đám dân đen bé cổ thấp họng.

Kẻ bị đàn áp không có một cách thức nào khác hơn để lên tiếng. Những hình thức ngôn ngữ dung tục này là phản xạ hoàn toàn hợp lý cho những người nạn nhân bị ức hiếp, đàn áp.

Thật ra họ chỉ như con giun xéo mãi cũng quằn, tức nước thì vỡ bờ. Họ tự vệ phản kháng trong phản xạ khi bị áp bức. Hành động của anh Đoàn văn Vươn và các làng thôn miền Bắc bảo vệ đất đai ruộng vườn của mình trong các năm vừa rồi đã bị gán cho là bạo động. Hành động một dân oan đi kiện tụt quần tại văn phòng tiếp dân trung ương đảng CSVN là phản kháng sự hiếp áp của công an nơi thưa kiện và việc chiếm đất ở địa phương. Bà thách thức bạo quyền thà cứ “hiếp” bà trước mặt công chúng còn hơn là bản thân và gia đình bị công an địa phương hà hiếp lén lút ở bờ ruộng hay sau nhà. Một gia đình ở Bắc Giang có con chết oan ức vì bị công an đánh buộc phải đem quan tài diễu hành trên phố để đòi lại “công bằng cho con trai tôi”.

Còn thêm bao nạn nhân chết tương tự dưới tay công an CS như ông Nguyễn Năm (3-7-2010), anh Nguyễn Phú Trung (8-6-2010), Nguyễn Quốc Bảo (22-1-2010), nhưng đa số tất cả đã bị bịt miệng và chịu tử vong hay bị bắt cóc mất tích. Nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Mascơva tại Nga đã phát biểu với RFA như sau qua hai trường hợp của ông Trịnh Xuân Tùng (bị giết vào tháng 2/2011), anh Nguyễn Công Nhựt (bị giết vào tháng 4/2011)

[N]hững hành động đàn áp của CA như vậy là do nhà nước, những người lãnh đạo bày cho họ, do những người lãnh đạo sử dụng các phần tử gọi là “quần chúng tự phát”, tức CA giấu mặt để đàn áp dân chúng… Chưa bao giờ số người dân bị CA giết chết nhiều như vậy.

Ông Nguyễn Ngọc Già cũng đã đồng thanh và chỉ ra bản chất bạo lực của chế độ CSVN như thế này:

Những họng súng chĩa thẳng vào mình, có sợ không? Có. Còng số tám, dùi cui, nhà tù, có sợ không? Có. Nhưng điều chúng tôi sợ nhất, mà không, chúng tôi ghê tởm nhất, chính là “văn hóa đàn áp”. Nó đã ngày càng trở nên ghê rợn như người Việt Nam đang sống giữa rừng già thâm unơi “ánh sáng văn hóa” chưa bao giờ rọi tới!

Trong một xã hội với văn hóa đàn áp tràn lan các ngõ ngách mạch sống thì diễn luận “văn minh” liên quan với móc xích của tròng diễn luận  “bất bạo động” này có lợi cho ai?

Chúng tôi đưa ra các trường hợp (dù mang tính cách cá nhân hay địa phương) nói trên để nhấn mạnh rằng việc định hướng dư luận—qua các kiểu cách xoa bóp nhào nặn diễn luận “bất bạo động” và các diễn luận liên quan với nó—là một công tác dân vận rất phổ thông qua nhiều thời kỳ tại VN (và nay là công tác kiều vận tại hải ngoại qua nghị quyết 36). Những chính sách tuyên truyền này ẩn chứa rất nhiều bạo động về mặt tâm lý và mang lại nhiều thuận lợi cho cơ chế cầm quyền trong khi sử dụng văn hóa bạo lực.

Những phán xét—“gây rối trật tự công cộng”, “tục tằn”, “thô bạo”, “bị xúi giục bởi các thế lực thù địch”, “thiếu văn hóa”, “không văn minh”, làm “xấu hổ” dân tộc đất nước—dựa vào quan điểm (trong lối mòn nhận thức) ngay cả trong tư cách cá nhân hay đại diện đảng phái chính trị và dù vô tình hay cố ý—đều trở thành cánh tay nối dài của quyền lực chuyên chế, và đồng thời, gián tiếp bóp mũi, bịt miệng, thậm chí xiết cổ cái khát vọng cũng như nỗi oan khiên từ kẻ khốn cùng.

BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?

TRÍ THỨC ÔN HÒA

Diễn luận “bất bạo động” mới nghe thì xuôi tai và thuận lợi cho các “diễn biến hòa bình” nhưng thực tế thì có lợi cho ai? Cho các nhóm lợi ích, lũ đi đêm để đầu cơ chính trị, lũ ăn theo, và dĩ nhiên, cho lũ nô tài độc ác nhưng có quyền lực trong tay.

Qua truyền thông thống trị hay dạng chiếm ưu thế—nhất là truyền thông mạng cho những ai hoạt động xã hội, diễn luận này tiếp sức giúp chế độ độc tài tiếp tục đứng vững.

Các nhóm trí thức cùng bọn đầu cơ chính trị đã và đang xử dụng các biểu tượng, thông điệp và luận cứ (nghe thì có vẻ rất êm tai) để “chỉ đạo”. Họ chỉ đạo ai? Chỉ đạo tay sai và các nhóm lợi ích thường“đục nước béo cò” để “định hướng” dư luận và kiểm soát tâm lý và tâm trí quần chúng.

TriThuc SG

Diễn luận “bất bạo động” thường kéo theo thông điệp “nhẫn nhục để khắc phục” (cho “bớt đổ máu” như qua lời người đại diện đảng Việt Tân trong cuộc phỏng vấn của RFA mới đây vào ngày 16/3/2014, hay lời ám chỉ của tác giả Vũ Đông Hà qua bài “Nếu bạn muốn bạo động…” trên Dân Làm Báo mới đây), “hòa hợp hòa giải” (giúp “dân tộc thu về một mối”), và diễn luận “văn minh” (“theo đà phát triển của thế giới”).

Các diễn luận chính/phụ và những thông điệp này đan chéo hỗ trợ nhau như thể sinh hoạt của một lưới nhện phức tạp—dù thường gây bất lợi cho quần chúng của một dân tộc chịu nhiều bất hạnh đau khổ, nhất là thành phần anh chị em thật sự tiên phong đấu tranh—nhưng đã được trưng bày khéo léo qua các thiết bị hùng biện (như tấn tuồng và cách sử dụng ngôn từ chung chung mơ hồ nhưng lấp lánh) để người trong cuộc tự nguyện chịu làm nô lệ và cắn răn trong đau khổ.

Theo Gandhi, vai trò của tự hy sinh chịu khổ hạnh đọa đày là để phá vỡ các bế tắc, để phá vỡ sự phòng thủ duy lý của đối thủ bởi vì trái tim có sắc đá nhất và sự kém hiểu biết có thô sơ nhất cũng sẽ tàn lụi khi đối mặt với đau khổ—nỗi đau khổ không hề có tức giận hay ác ý.

Thiết nghĩ Gandhi có vẻ như quá thiên về một chuyển đổi nhanh chóng đạt được từ một nỗ lực của ý chí dựa trên tâm lý xấu hổ hoặc hối hận. Trong thực tế, nhất là trong trường hợp ngắn hạn, khả năng xảy ra ngược lại thì lại rất nhiều. Chấp nhận bạo lực mà không kháng cự thường gợi gây nhiều bạo lực hơn.

Nhà tâm lý học Leroy Pelton tuyên bố rằng ý tưởng tự chấp nhận đau khổ để làm trái tim đối thủ ‘tan chảy’ là một lý luận đơn giản phiến diện, và thậm chí hành động này có thể gợi ra những phản ứng tiêu cực đối với các nạn nhân. Ông đưa ra các tài liệu dữ kiện tâm lý về đám đông và nhấn mạnh rằng: chúng ta thường mong những điều tốt đẹp thì phải xảy ra với những người tốt và đau khổ nghiêm trọng thường xảy ra cho người xấu, và do đó chúng ta thậm chí có thể không thích, chứ không hề thông cảm với, những người đau khổ.[ii]

Nói cách khác, trong nhiều trường hợp tưởng đơn giản là đạo đức trong tinh thần trọng nhu sẽ có kết quả thì thực tế nó chẳng làm được việc hoán cải đối thủ được. Một vài nghiên cứu mới đây có vẻ thuyết phục hơn đã cung cấp các phân tích cho các liên quan giữa đau khổ và sự hoán cải này. Ông Johan Galtung—học giả người Na Uy—đã gọi sự hoán cải đối thủ một cách gián tiếp từ đau khổ thật ra là chuỗi xiềng xích to xù của phương thức bất bạo động[iii]. Hoán cải chỉ có thể xảy ra trong trường hợp những kẻ áp bức (hoặc một nhóm có thể gây ảnh hưởng về mặt đạo đức đối với kẻ tấn công hoặc những ai thay mặt để can thiệp) cảm thông được với nạn nhân vì coi họ như đồng bào đồng hương. Khi nạn nhân bị xem là Kẻ Kia (the Other) không cùng một “chiến tuyến” thì không thể nào có chuyện hoán cải được.

Bất bạo động phủ nhận bất kỳ giá trị xã hội nào đóng vai trò cứu chuộc cho bạo lực và các anh em của nó chẳng hạn như sự giận dữ.

Tuy nhiên, trong thực tế thì các sắc tố của nỗi tức giận bị nén và bị buộc xóa bỏ khỏi tâm trí vì dựa vào châm ngôn thường rao giảng là “hãy yêu kẻ thù của bạn”. Tức giận hoặc niềm bất mãn đó lại được củng cố thêm qua phong trào bất bạo động thay vì trở thành một công cụ phục vụ cho sự chuyển đổi tích cực trong xã hội.

Bất bạo động thường nói về việc chấp nhận đau khổ hơn là gây tổn hại đến người khác, nhưng oái ăm thay đây lại là những gì phụ nữ đã hành xử qua các thời đại.

Thành phần phó thường dân, nhất là nhóm dân oan và phụ nữ, thường là người chịu đàn áp trấn lột trực tiếp và nhiều nhất. Sự tức giận này của họ rất cần được sự công nhận và chấp nhận để chấm dứt bạo lực áp đặt lên họ. Nếu không, việc họ bị đàn áp mặc nhiên được duy trì như thể hợp lệ hợp pháp.

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại thì các chế độ phụ hệ thường tìm cách—hoặc chuyển hướng hoặc sửa đổi—và tránh né lánh xa bao nỗi tức giận của phụ nữ bằng cách tạo dựng các huyền thoại về những phụ nữ sống cao thượng như thần thánh. Bất kỳ người phụ nữ nào ra mặt từ chối tiêu chuẩn đạo đức này thì sẽ không còn được xem là phụ nữ nữa. Tóm lại, sự tức giận này dù là một nguồn năng lực tích cực nhưng thường không được công nhận bởi những “tín đồ” của phong trào bất bạo động.

Marcos Bisticas-Cocoves, một người hoạt động cho hòa bình và học giả Hoa Kỳ (Morgan State University/Maryland) về các vấn đề bạo động/bất bạo động trong các hoạt động đối kháng tại chốn công cộng, từng nói:

Tôi vẫn tin vào phương cách bất bạo động trực diện như một chiến thuật, nhưng tôi giờ đã có mối nghi ngại nghiêm trọng về khả năng chính trị của một triết lý mà chỉ đề cao tình yêu và bôi nhọ sự tức giận,…một triết lý đòi hỏi từ bỏ sự giận dữ như là một điều kiện tiên quyết để hành động.[iv]

Theo ông Bisticas-Cocoves, tức giận là nguồn gốc của quyền lực, và sự tức giận cần phải được hoán chuyển hướng theo chiều hướng gây được áp lực đối với cầm quyền, không phải hầu “đắc nhân tâm” để hoán cải thành phần cường quyền này.

Nếu không, bất bạo động rất dễ trở thành một loại khổ dâm—loại tình dục biến thái nếu phân tích theo phương diện tâm lý, một khi các nhà hoạt động cho phong trào bất bạo động chỉ cung cấp hình ảnh và viễn cảnh người tham gia phong trào chịu hy sinh để tiếp tục bị đánh đập, bị bắt, hoặc bị tra tấn.

Điều này nói lên điểm gì? Thành phần có quyền lực đồng thời không ngớt rao hàng mời chào và ban bố chút quyền (cai thầu nô lệ) cho những ai chấp nhận a tòng và phục tùng nó.

Trong thực tế, quyền lực thì không bao giờ cho sang nhượng mà chỉ phải giành lấy. Như Malcolm X đã từng nói, “Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn sự bình đẳng hay công lý hay bất cứ điều gì. Nếu bạn là một con người thì bạn phải giànhlấy nó. ”

Malcolm X_Power

Vì thế cởi bỏ nỗi sợ và tâm thức nô lệ đòi hỏi sự chọn lựa chấp nhận hy sinh khi phải đối đầu với nó và rũ bỏ cái tôi, chút địa vị, lợi ích cám dỗ.

Quan trọng hơn nữa là việc kẻ thống trị và người hiếp áp luôn sử dụng và áp đặt những cơ chế làm nạn nhân (và đám đông nhân chứng) mất trí nhớ quên đi tội ác mà kẻ bạo quyền đã và sẽ gây ra. Ai có lợi đây?

Nếu chúng ta (từ chối) không hiểu chỉ có một đường chỉ đỏ mỏng manh giữa tự vệ và bạo động thì vấn đề đối kháng/phản kháng hằng ngày đối với cường quyền và nhóm ăn theo/đầu cơ chính trị/tay sai sẽ tàn lụi.

Những ai một khi đã tự xưng là thành phần “ôn hòa” thì mối liên hệ với những người cương quyết, nhất quán trong việc đấu tranh trở thành mối liên hệ xa lạ––giữa ta và Kẻ Kia (the Other). Giữa hai phía là một hố khoảng cách sâu rộng cho dù ngay cả khi cả hai đều có cùng một mục đích hoặc lý tưởng đi nữa.

Không thiếu gì trường hợp người ôn hòa gán cho người khác là “quá khích”, “cực đoan”, là “bất hảo”, “mất gốc rễ”, là “vô liêm sĩ, man rợ”, là “xuyên tạc và kích động bạo lực”, là “ô hợp” thiếu “văn minh”—đặc biệt một khi Kẻ Kia có những ứng xử không theo “tiêu chuẩn” của người chủ quan tự cho mình là thành phần ôn hòa.

Ví dụ rất điển hình là vào năm ngoái khi ông TS Nguyễn Quang A cảnh cáo nhà hoạt động dân chủ Bùi thị Minh Hằng “Không được kích động bạo lực” khi phân vân không biết nên gọi hành động của chị là gì–“anh hùng hay khủng bố?”

Vô hình chung cách ứng xử này sẽ cô lập và tách biệt quần thể ra thành hai nhóm—một tập thể bỗng dưng có hai thái cực đối kháng và khắc kỵ nhau. Kết quả cả hai đều rơi vào BẪY PHÂN HÓA do tròng diễn luận cài khung được thực thi bởi quyền lực hiện hành mà không hề hay biết. Đây lại là loại bạo động vô hình do diễn luận “văn minh” chủ đạo và áp đặt một cách khéo léo lên hai nhóm có tương quan với nhau nói trên.

Bên cạnh chỗ dựa “ôn hòa” trong đám đông thầm lặng những kẻ tựa vào quyền lực lại còn có chiếc ô che “khách quan” (vô tư) tránh nắng (thiếu) khoa học tạo thuận lợi giúp cho những phán quyết về người khác được xem như là chuẩn mực.

Nơi an toàn nhất đối với họ là vị thế “ôn hòa”, “việc đâu còn có đấy”, “bình chân như vại” không động đến cái lông chân. Chốn khó khăn đầy hiểm nguy là điểm trực diện đương đầu với quyền lực chỉ của những ai chọn dấn thân.

Khi không hiểu ảnh hưởng tiêu cực của diễn luận “bất bạo động” mà chỉ phản biện cãi cọ chém gió tranh giành ảnh hưởng dư luận (và còn tự mệnh danh là người “ôn hòa”) thì chỉ để được chút tiếng tăm mà thôi.

Tự bao lâu quyền lực chuyên chế đã chiếm hữu ngôn từ [cũng như chiếm đoạt các dòng đại tự sự (grand narratives), và đặt vô tròng diễn luận] trong chủ định áp đặt ý nghĩa riêng phục vụ cho lợi ích và quyền lực của họ. Vì vậy, người bị áp bức, nhóm phản kháng phải cùng nhau giải mã, phải chất vấn cái ý nghĩa và sự thật nằm trong ngôn từ rồi vẽ ra con đường mới để thoát khỏi dòng tự sự tìm cách định sẵn.

Như đã đề cập trong phần I, các chất vấn sau đây rất quan trọng: Xử dụng phương thức bất bạo động để làm gì, trong bối cảnh nào và mang đến kết quả như thế nào, và có lợi/hại cho ai là một vấn đề là một vấn đề lớn và phức tạp.

ĐÁM ĐÔNG NHÂN CHỨNG

Ngoài bạo quyền và đám ăn theo—từ trí thức dù chém gió (trong tự mãn hay không) cho đến lũ công sai biểu trương bạo lực là chuyện bình thường—diễn luận này khi sử dụng thành công cũng có lợi cho đám đông thầm lặng (tất cả chúng ta) trong khi chứng kiến bạo hành.

Trước khi đề cập đến thành phần đám đông nhân chứng thầm lặng thường bị chê là “vô cảm”, tưởng cũng nên nêu danh hành động của kẻ/nhóm khác có thể giúp cho bạo lực bất công được tiếp diễn. Đó là:

  • Kẻ/nhóm tuyên bố là thành phần trung lập trong bàn cờ chính trị tầm quốc gia hay quốc tế?
  • Kẻ/nhóm thường tự hào là ta ôn hòa và kêu gọi không “cực đoan” trong đối kháng với bạo hành bạo quyền?
  • Kẻ/nhóm hay lên tiếng và chỉ nhập cuộc sau khi bàn cờ đã chuyển, sau khi máu đã đổ thành sông và xương khô phủ khắp ruộng đồng?

Ngoài kẻ/nhóm trong cả hai tầng quốc gia và xuyên quốc gia trên, đám đông nhân chứng thầm lặng như chúng ta là một lực lượng đáng kể. Tất cả chúng ta một khi im lặng không lên tiếng hay can thiệp khi chứng kiến trực tiếp hay gián tiếp thì đã tự mình đồng lõa.

Hiện tượng đám đông trở thành nhân chứng thụ động và bản chất “vô cảm” của nó là một vấn đề rất hệ trọng nhưng thường bị bỏ quên không ai đề cập đến. Blogger Huỳnh Trọng Hiếu mới đây đã kể lại:

Cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh chóng và lực lượng công quyền trấn áp người đi biểu tình: “Khi chúng tôi hô “đả đảo TQ xâm lược” khoảng được 10 – 20 phút [thời gian tôi ước lượng] thì cơ quan công an đưa loa phát thanh yêu cầu mọi người giải tán, nếu không sẽ bị trấn áp. Một số bạn trẻ lo lắng đã tách ra khỏi đoàn và đứng qua một bên. Một số người còn lại – những người chấp nhận bị bắt cùng đứng chung lại với nhau hô “đả đảo TQ xâm lược VN”. Sau đó, lực lượng công an vây chúng tôi lại trong 1 khu vực có vỉa hè rất rộng, không cho chúng tôi thoát ra ngoài để trấn áp chúng tôi. Những người nào đưa khẩu hiệu “trả tự do cho người yêu nước” bị đánh rất nghiệt ngã. Một bạn trẻ người Chăm, đang theo học ngành bác sĩ, giương khẩu hiệu có lá cờ ba sọc đỏ thì ngay lập tức cơ quan công an tấn công và đánh anh ta rất dữ dội.

Trách nhiệm của đám đông nhân chứng thầm lặng khi chưa thể vượt qua thái độ bình chân như vại hay nỗi sợ hãi để cùng nhau tạo sức mạnh đám đông để can thiệp trong lúc bạo hành xảy ra là một vấn đề rất hệ trọng cần bàn luận sâu.

Như có trình bày ở phần I, đám đông thầm lặng tuân theo lề thói vì thói quen, sợ bị trừng phạt, không có tự tin, nghĩa vụ “đạo đức” vạch ra rạch ròi bởi diễn luận, lợi ích cá nhân, đứng về phía phe thống trị vì tự nhận cùng thể loại, và vì sự thờ ơ vô cảm.

Đám đông nhân chứng thầm lặng sau nhiều năm tháng vì bị nhồi sọ bởi ý thức hệ CS dần dần bằng lòng tự nguyện chấp nhận các diễn luận tuyên truyền “ổn định để phát triển” đất nước là chính đáng! Tư tưởng họ bị thuần phục trong tình nguyện và không hề có cưỡng chế. Từ đó, cùng với nỗi sợ hãi bạo lực, họ trở thành lú lẫn lãng quên để nhận ra đâu là hiện thực và chỉ tập trung mưu cầu sinh tồn và dục vọng. Đến lúc đó thì “không cần biết, không cần bàn, không cần kiểm tra” hay theo đạo ba không: “không thấy, không nghe, không biết”. Đây là dấu hiệu dốt nát thuộc về tròng diễn luận đã đề cập trong phần I của bài viết.

Điều lý tưởng (chẳng hạn như qua thiết bị hùng biện cổ võ cho diễn luận “bất bạo động”) và tình hình hiện thực (không có tương quan quyền lực giữa cường quyền và người dân cũng như hiện tượng đám đông nhân chứng thụ động) là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Neutral_Tutu_1

Tiếc thay trong tuyên truyền thì các nhóm trí thức và các nhà bất đồng chính kiến (song song với các tính toán của bè lũ đầu cơ chính trị) đã và đang xử dụng ngôn ngữ mỹ miều để biến “lý tưởng” và “hiện thực” thành một. Khi hai trở thành một thì chúng ta (chứng nhân đám đông thầm lặng) quên đi bản chất hiện thực là cái gì.

Đó là lý do ta thấy chỉ có dân oan và các thành phần không tên tuổi và không có địa vị hay thế lực bị đánh đập bạo hành. Những ông bà trí thức với các đặc quyền xã hội (vì nằm trong phe nghiêng ngả) và cả đặc quyền hèn sợ thường có bị bắt hay bị đánh đập đâu?

Điều khác biệt khi so với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2011 là những nhà trí thức hay hoạt động dân chủ (dù chỉ trên mạng và dù có được mệnh danh là chém gió hay không) không là mục tiêu của trấn áp bạo hành trong ngày 18/5/2014.

Quay ngược về lịch sử ta sẽ thấy mục sư Martin Luther King biết rất rõ thủ thuật của hành động bất bạo động trực diện có tiềm tàng một nghịch lý. Mặc dù ông tin rằng bạo lực là vô đạo đức, các phương pháp bất bạo động của ông chỉ có thể thành công khi nó có thể kích động được bạo lực từ những người đàn áp. Ông và các cộng sự lúc nào cũng hy vọng đạt được mục đích của mình mà không thành nạn nhân của bạo lực. [v]

Tương tự như thế, những nhà hoạt động dân chủ trong (hay ngoài VN) đã không (thể) có mặt trong các cuộc xuống đường đó. Có người còn cho rằng họ không xuống đường vì không muốn “là con tốt thí” để mắc mưu cộng sản VN. Điều này cho thấy hậu quả của một phản ứng ngược. Khi đất nước đến hồi lâm nguy người xuống đường “ôn hòa” đã thí mạng và bị bắt cóc mất tích không phải là những vị đấu tranh tiên phong.

Ai trong chúng ta mà không biết trường hợp anh sinh viên người Chăm tên là Lâm Vanda—người mang một biểu ngữ biểu dương cờ vàng VNCH bên cạnh cờ đỏ và cờ Hoa Kỳ để kêu gọi đoàn kết (được các phóng viên và các nhà dân chủ gọi là “ôn hòa”) đã bị đánh đập dã man trong cuộc biểu tình ngày 18/5/2014 và cho đến nay vẫn không có tin tức. Sau cuộc biểu tình thì nhiều blogger chẳng hạn như Trung Nghĩa, Lô Đề VN, v.v… bị bắt biệt tăm ít nhất là vài ngày. Nhiều người thậm chí bị bắt cóc mất tích trước cả cuộc biểu tình ngày 18/5 ví dụ như các blogger Lê thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung—những người vừa bị công an Đồng Nai khởi tố theo điều 258 Bộ luật Hình sự.

PhuongAnh

Hiện tượng các đối thủ (chính trị, trí thức, hay chỉ là phó thường dân yêu nước yêu tự do dân chủ) bị bắt cóc mất tích thường là một phương cách để chế độ tạo trong quần chúng một cảm giác đồng lõa dù là trong vô thức. Đây là chước tạo nhiều thử thách khó lường trong việc công khai chống chính phủ một khi các vụ bắt cóc giết người có thể dẫn đến một cuộc “tự huyễn hoặc” tập thể rằng mọi chuyện đều bình thường (everything is normal?), như nó đã thực hiện tại Nam Mỹ–nhất là tại Argentina, Chile.

Đây là một thử thách đáng kể cho các phương pháp mà Gandhi đề xướng trong việc áp dụng ở những quốc gia mà đối thủ của chế độ bị bắt cóc mất tích giữa khuya, không bao giờ được nghe hay biết đến nữa. Nếu không có tự do báo chí và quyền hội họp người ta không thể thu hút các ý kiến bên ngoài hay giúp cho một phong trào quần chúng được hình thành.

Việc chọn vị trí ôn hòa hay trung lập là không thể có được. Như đã trình bày ở trên, vị trí “ôn hòa” chỉ có thể làm lợi cho phe thống trị mà thôi.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta sợ hãi loại bạo lực nào nhất? Bạo lực của bè lũ tập đoàn thống trị hoặc “bạo động” (hay thật ra là “tự vệ”) của kẻ bị trị và bị bạo hành? Trả lời được câu hỏi đó là đã xác định phe nào ta sẽ chọn để nhập cuộc.

 

Xem tiếp: Phần I & Phần III

________________

CHÚ THÍCH

[i]  Cornel West, Lecture on “Race, Injustice” at Cornell University, April 2006.  [Nguyên văn: “Bold speech, frank, honest – even if you have to pay a price. The last thing one wants to see [is] people who are well adjusted to injustice”.]

[ii]  Pelton, L. (1974). The psychology of non-violence. New York, NY: Pergamon.

[iii]  Galtung, J. (1989). Nonviolence and Israel/Palestine. Honolulu, HI: University of Hawaii Press.

[iv]  Bisticas-Cocoves, M. (1998). Listening to Anger. Non-violent Activist, September-October, 9.

[v]  King, M.L. (1963, 1964) Why We Can’t Wait. New York, NY:Harper & Row.

Lewis, D.L. (1978, 2nd Ed.) King: A Biography. Urbana, IL: University of Illinois Press.

Oates, S.B. (1982) Let the Trumpet Sound: The Life of Martin Luther King, Jr. New York, NY:Harper & Row.

 

___________

BẤT BẠO ĐỘNG: TRÒNG DIỄN LUẬN?

Phần I: PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM
Phần II: “TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?” & “BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?”
Phần III: HẠN CHẾ CỦA DIỄN LUẬN BẤT BẠO ĐỘNG & TẠM KẾT

Bất Bạo Động: Tròng Diễn Luận? (phần III)

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Triết Học, Việt Nam on 2014/06/07 at 05:10

Phần III:

HẠN CHẾ CỦA DIỄN LUẬN BẤT BẠO ĐỘNG

HIỆU QUẢ NGẮN HẠN

CẢI CÁCH HAY CÁCH MẠNG

TẠM KẾT

_____________________________

PHẦN III

Hãy minh bạch trong ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng và những ý tưởng mà chúng ta nuôi dưỡng. Vì ngôn ngữ là gì nếu không là sự biểu hiện của tư tưởng? Hãy làm cho suy nghĩ của bạn chính xác và trung thực, và bạn sẽ thúc đẩy sự ra đời của tự trị (sawraj[i]) ngay khi mà cả thế giới đang chống lại bạn. ~ Mahatma Gandhi

HẠN CHẾ CỦA DIỄN LUẬN BẤT BẠO ĐỘNG

Việc sử dụng các phương pháp bất bạo động thì phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm (1) các truyền thống liên quan đến nhân dân và lịch sử (ví dụ truyền thống chống ngoại xâm của người Việt), (2) trình độ kiến thức và kinh nghiệm của các vị tiên phong và các nhà hoạt động về phương cách bất bạo động, (3) tình hình chính trị và xã hội , (4) mức độ đàn áp các vị tiên phong và các nhà hoạt động xã hội sẵn sàng chịu hy sinh đau khổ, (5) bản chất của các mục tiêu thuộc phe đối thủ , (6) các nguồn tài lực mà đối thủ dùng để xử lý, (7) mức độ tàn nhẫn của đối thủ , (8) số lượng người tham gia phong trào bất bạo động và mức độ hỗ trợ phong trào nhận được từ công chúng, (9) chất lượng của các nhà hoạt động và các vị lãnh đạo, và (10) tính chất của yêu sách và tình hình cụ thể mà trong đó hành động của yêu sách diễn ra.

Như đã phân tích trong phần I, sự từ chối bạo lực—đặc biệt là không thừa nhận hành động có chủ đích tự vệ—tự nó đã chấp nhận các logic đạo đức của chủ nghĩa phát xít, rằng kẻ yếu phải chấp nhận sự cai trị của kẻ mạnh hay kẻ tàn nhẫn nhất trong các phương pháp mà họ sử dụng để kiểm soát người dân.

Phong trào bất bạo động tại VN do đó có thể là chất xúc tác dẫn đến các “cải cách” chính trị NHƯNG KHÔNG giúp lật đổ một chế độ mục rữa trong tinh thần cách mạng dân tộc.

HIỆU QUẢ NGẮN HẠN

Khi cổ võ cho bất bạo động, ông Lý Thái Hùng, Tổng bí thư đảng Việt Tân, đã tuyên bố: “Cái giá phải trả để được các lợi điểm nêu trên là phải chấp nhận một cuộc đấu tranh lâu dài.” Sách lược lâu dài thì có lợi cho ai? Cho đảng phái nào? Cho nhà cầm quyền Việt Nam? Và cho ai/nhóm nào nữa? Chắc chắn không thể có lợi cho phó thường dân khi máu đã đổ thành sông và xương khô phủ khắp ruộng đồng.

Nhiều nhà hoạt động chống độc tài thuộc tầng hệ thống cơ chế đã từng than hỏi rằng: “Liệu công việc đối kháng nào sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn: dùng thân thể nhiều người để phong tỏa một cây cầu trong một vài giờ hay cho cầu sập để kinh tế giao dịch qua cầu phải trì trệ trong vòng sáu tháng hay cả năm?”

Đây cũng là một trong những cách Việt Cộng đã từng sử dụng và công nhận là có ích lợi cho “công cuộc đấu tranh” cưỡng chiếm miền Nam VN của chúng. Trí thức CSVN sau 1975 cũng đã từng cổ võ cho sự bạo động của người tu hành dưới chiêu bài yêu nước. Lê Gia Hân thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã từng viết quả quyết như sau:

[T]hực tế lịch sử Việt Nam cho thấy, không phải mọi lúc, mọi nơi, tăng ni và Phật tử đều áp dụng phương thức bất bạo động trong các cuộc đấu tranh với quân xâm lược. Khi đất nước gặp họa xâm lăng, nhiều nhà sư đã “cởi cà sa, khoác chiến bào” trực tiếp cầm vũ khí đánh giặc bảo vệ Tổ quốc.

Vậy tại sao diễn luận “bạo động vì yêu nước” đó lại bị bác bỏ hay tước hữu hiện nay bởi nhiều thành phần? Như vậy thì có lợi cho ai, cho đảng phái nào?

Bất bạo động không nên được xem là một loại thuốc chữa bách bệnh. Một số xung đột chính trị tự nó có khả năng kháng cự các giải pháp ngắn hạn, dù giải pháp ngắn hạn là bạo động hay bất bạo động.

Lực lượng vũ trang có thể cần thiết trong một số trường hợp để bảo vệ người dân. Chẳng hạn như ở Đông Timor nơi mà Liên Hiệp Quốc đã cung cấp lực lượng vũ trang giúp cho người dân an toàn hơn trong khi chống lại cuộc tấn công của lực lượng dân quân mà chính quyền Nam Dương đã bảo trợ. Vai trò của bất bạo động trong các cuộc xung đột sắc tộc cũng vì thế cần được đánh giá một cách nghiêm túc hơn khi mà dân chúng biểu lộ thái độ ngoan cố và thách thức mạnh mẽ hơn đối với phương thức bất bạo động.

Vấn đề bất bạo động có thể trở thành một lựa chọn thay thế cho chức năng bạo động trong quá trình xã hội tiến hóa hiện tại vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Tương lai của bất bạo động nằm ở chỗ làm sao đưa ra các phương cách áp dụng cả hai lực—sức và thế—mang tính sáng tạo hơn là nhấn mạnh quá nhiều vào chất độ tinh khiết trong khi ứng dụng. Nếu không, các áp dụng hiện nay cho phong trào bất bạo động đã vô hình chung loại trừ hàng triệu người dân trong việc dự phần vào phong trào.

Quan trọng hơn hết là gánh nặng của việc xác định thế nào là một hành động bất bạo động trong một trường hợp cụ thể phải thuộc về những người trong cuộc thực hành phương thức đó chứ không phải là người bên ngoài.

Không ai có quyền đánh giá thế nào là đúng và thế nào là sai dựa trên một mô hình hay tiêu chuẩn điển hình phát triển trong một bối cảnh khác với bối cảnh của nơi mà các hành động diễn ra trong hiện thực.

Điều này không có nghĩa là một phong trào bất bạo động nên gạt bỏ khỏi nền tảng luân lý của nó. Nhưng khi mối quan tâm của phong trào lại (1) tập trung quá nhiều về nguyên tắc của hành động bất bạo động thì các hành động của đám đông ở hiện trường có thể vô hình chung bị xiềng xích, và (2) khi kỹ thuật bất bạo động được chú trọng quá mức thì nền tảng luân lý của bất bạo động có thể bị suy yếu và phá hủy. Một khi cố làm cho các đề nghị dựa trên các mục tiêu không mấy gì là cao quý mà lại mong có khả dĩ được thừa nhận thì đấy chính là lúc mà chúng ta cần nghĩ ngang nghĩ dọc thêm về một sách lược thỏa hiệp.

Đối thủ thường không (cần) phân biệt giữa một hành động bất bạo động và bạo động dựa trên cơ sở có chủ ý hay không. Trong khi đó đấy lại là bản chất của những ai hành động. Đối với nhà cầm quyền hành động bất bạo động của bất cứ loại nào, dù là loại nguyên tắc hoặc sách lược, thì đều là có vấn đề.

Ngoài ra, hành động bất bạo động là trọng tâm của người sử dụng chứ không phải là trọng tâm của cơ chế. Do đó nhiều hình thức áp bức không có chỗ cho việc hệ thống hóa mà cũng không được phân tích ngọn ngành trong quá trình cổ võ cho phong trào bất bạo động.

Đối với nhiều nhóm phó thường dân bị áp bức trấn lột thì bất bạo động không còn tạo được hấp dẫn một khi (1) có sự quá tin tưởng vào tính phổ quát của bất bạo động, (2) quá tin vào sự đồng thuận trong xã hội cho tính người của bất bạo động, và (3) khi phong trào bất bạo động thất bại vì không thừa nhận các hình thức đàn áp xảo quyệt của nhóm thống trị.

Chúng ta nên thừa nhận rằng chuyển đổi một cơ chế có thể dẫn đến biến đổi cá nhân thì hiện tượng ngược lại cũng có thể xảy ra, như Anthony Giddens từng nhắc nhở. Đối với các nhóm liên minh, các nhà hoạt động bất bạo động do đó không nên tự mãn về tính “giải phóng” của phong trào bất bạo động trong lúc thể hiện các mối quan tâm quá mức của mình cho tính thuần khiết và độc lập của phong trào.

Khi bất bạo động chỉ được sử dụng như một phương tiện để kết thúc cuộc đấu tranh, bất bạo động sẽ thành vô ích ngay cả khi đạt chiến thắng hời hợt giả tạo bởi vì cuộc tìm kiếm chân lý cho sự tồn tại của con người đã không phải là mục tiêu cuối cùng của phong trào.

CẢI CÁCH HAY CÁCH MẠNG?

Nếu chỉ có hiệu quả ngắn hạn, câu hỏi kế tiếp và nhất thiết là phải biết chúng ta xuống đường “ôn hòa” là để làm gì? Cho cải cách hay cách mạng? Cải cách theo kiểu bình cũ rượu mới hay là cách mạng đập bỏ chai rượu?

Như đã đề cập ở phần trên, phong trào bất bạo động trên thế giới đa phần tập trung hoàn toàn vào chiến thuật ngắn hạn và chưa thấy bất kỳ các chiến thuật này có thể nào đạt được mục tiêu dài hạn cho phong trào. Mục tiêu dài hạn phải là đấu tranh cho một nền hòa bình mang tính tích cực.

Một học giả người Na Uy, ông Johan Galtung, đã mở rộng khái niệm về bạo lực (vượt lên trên tình huống của bạo lực cơ bắp công khai và trực diện, và vượt lên trên thể lý, cá nhân, chủ đích) bao gồm các hình thức ngấm ngầm như bóc lột, kỳ thị màu da hay chủng tộc, khử trừ loại bỏ, bất bình đẳng và bất công trong xã hội. Các hình thức ngấm ngầm này dù không cần phương tiện bạo lực trực diện vẫn có những tác hại cả về mặt thể xác và tinh thần trong đó có tâm lý.

Matrix_Violence

Bạo lực cơ chế không thể xuất hiện như thần như thánh trong văn hóa mà dựa trên các tập tục tìm thấy trong nền văn hóa đó. Nói cách khác, bạo lực cơ chế là một quá trình mà nhờ đó bạo lực văn hóa được thể chế hoá. Galtung đã đề xướng ý tưởng về bạo lực cơ chế trong lúc làm nổi bật vai trò của văn hóa bạo lực như là một phần của ma trận của một xã hội bạo lực—một ma trận thường được sử dụng vừa để biện minh và vừa hợp pháp hóa cả bạo lực cơ chế và bạo lực văn hóa. Các hình thức tập quán của bạo lực văn hóa có thể được tìm thấy trong các khía cạnh của văn hóa như tôn giáo, ý thức hệ, ngôn ngữ và nghệ thuật. Khi nói về ảnh hưởng tai hại của bạo lực văn hóa ông Galtung cho rằng:

Bạo lực văn hóa giúp cho bạo động trực diện (lên thể xác) và bạo lực cơ chế ở chỗ khi người ta nhìn thấy, và thậm chí cảm thấylà điều phải hoặc ít nhất là không sai [ii].

Nói một cách đơn giản, bạo lực văn hóa hợp thức hóa bạo lực cơ chế. Để giải thích rõ hơn các động tác của bạo lực, ông Galtung phân tách sự khác biệt và tính tương quan của bạo lực trực diện, cơ chế, và văn hóa như sau:

Bạo lực trực diện là một sự kiện; bạo lực cơ chế là một quá trình với những thăng trầm lên xuống; bạo lực văn hóa là một bất biến , một “vĩnh cửu. Ba hình thức bạo lực nhập cuộc ở các khoảng thời gian khác nhau, phần nào tương tự như sự khác biệt trong lý thuyết động đất—sự khác nhau giữa các trận động đất như một sự kiện, sự chuyển động của các mảng thạch quyển là một quá trình, và các đường nức đứt như một tình trạng lâu dài hơn.[iii]

Như vậy câu hỏi cần cân nhắc ở đây phải là: Tại sao khi sử dụng phương cách bạo động trực tiếp thì bị chống đối hơn là các phương cách của bạo lực mang tính cơ chế và văn hóa–dù nằm ở dạng sóng ngầm nhưng tác hại thì lan tràn vào mọi mạch máu của xã hội trong nhiều bối cảnh và qua nhiều thế hệ?

Blogger Lâm Mạnh Di đã than thở về cái chết bằng những cảm nhận sắc bén của mình khi thấy có quá nhiều người tập trung vào những hình ảnh trưng bày những cái chết dã man do nhà cầm quyền Trung Cộng tạo ra vì đã tàn sát tập thể các sinh viên tại Thiên An Môn ngày 4/6/1989:

Một cái chết mau chóng dù sao cũng “hạnh phúc” hơn cái chết dần chết mòn, cái chết trong sự bị sỉ nhục, bị đầy đọa về tâm hồn lẫn thể xác như hàng trăm ngàn dân miền Bắc trong CCRĐ, hay biết bao nhiêu sỹ quan quân đội VNCH trong ngục tù được mang danh là trại cải tạo … Đó mới là những cái chết thê thảm và đau đớn. Polpot có thua gì, hay tìm đọc Gulag để thấy sự dã man của Stalin đối với dân tộc Nga.

Những tội ác khủng khiếp nhất, những kiểu giết người kinh dị nhất đều mang cái tên CNCS!

Chỉ với vài câu diễn tả khéo léo trong mỉa mai (bằng cách nhái cách gài khung của “đầy tớ” CSVN gọi dân oan là “ông bà chủ”), blogger Đặng Bích Phượng cũng đã lột tả được cơn sóng ngầm của bạo lực cơ chế và văn hóa đang âm thầm hủy hoại đất nước Việt Nam, nhất là những ai đang sống mà như đã chết:

“Trong cái nóng hầm hập, các ông bà chủ ngồi bệt ở ngoài cổng, bên trong cổng, cơ ngơi của các đầy tớ thật khang trang. Mọi cánh cửa đều đóng im ỉm, mát lạnh điều hòa.

Hôm nay, mồng 4/6, khắp mọi nơi người ta tưởng nhớ đến các nạn nhân của Thiên An Môn. Vậy có ai nhớ đến các nạn nhân còn đang sống đây không? Hơn 1000 dân oan Dương Nội, Văn Giang, Hải Phòng cùng đến mặt trận tổ quốc để gửi đơn kêu oan.

Vì thế, ông Johan Galtung phê bình phương pháp bất bạo động thực tiễn của ông Gene Sharp là loại “bất bạo động tiêu cực”, tức là không thực sự can thiệp và thách thức các “bạo lực của cơ chế”—một loại trấn áp trấn lột đã bện dệt trở thành bản chất của một xã hội và tạo vững chãi cho một nền văn hóa bạo lực. Ông đề xướng phương thức “bất bạo động tích cực” để chống lại các bạo động mà cơ chế tạo ra và được củng cố bằng một nền văn hóa bạo lực[iv].

Chất vấn về nguyên nhân của những cái chết dần mòn và trong sỉ nhục như thế lại dẫn đến một câu hỏi liên quan: vậy thì mục đích của phong trào đối kháng/phản kháng lại một thể chế độc ác vô nhân đạo phải là gì?

Protest Message

Khẩu hiệu xuống đường hay tại gia “VÌ MỘT QUỐC GIA CƯỜNG THỊNH, PHẢI THAY ĐỔI!” đã nói lên được ước muốn chung của người dân (khi đã nhận ra vô số sai lầm và khiếm khuyết của cơ chế “đồi trụy”). Nhưng nếu không có một mục tiêu nhất định thì thay đổi (cải cách) này cũng có thể bị tước hữu bỡi quyền lực đương thời để tiếp tục thống trị bằng cách hoán vị thay ngôi cá mè một lứa.

Mục tiêu chính là gì khi muốn “thay đổi”? Thay đổi cái gì và trong viễn quan của cải cách hay cách mạng triệt để? Thay đổi liên quan với đổi mới như thế nào?

Hãy nhìn vài thí dụ của diễn luận “đổi mới” của CSVN. Mục tiêu của chính sách “Đổi Mới” của ĐCSVN [vào hai thời kỳ: hoàn toàn thất bại về sản xuất nông nghiệp tại miền Bắc vào năm 1967 và lại tái diễn nhưng không thành công trong thập niên 1980s cho công nghiệp] như một ví dụ. Đổi mới về cái gì? Phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì có lợi cho ai? Đổi mới thật sự cho ai? Hay là “Đổi mới nhưng không đổi màu” và “Hòa hợp nhưng không Hòa tan” (lời Đỗ Mười tại khóa đảng CSVN lần thứ VII vào năm 1991)?

Chọn “thay đổi chậm và mang tính ổn định” (lời của Nguyễn Cảnh Bình, Giám Đốc nhà xuất bản Alpha Books, người được cho là “một nhà cải cách thực dụng và thẳng thắn” ủng hộ những gì ông gọi là “trung đạo” cho Việt Nam) hay muốn có “Mùa Xuân Việt Nam” thay đổi hoàn toàn một cơ chế?

Chúng ta xuống đường “ôn hòa” và “kềm chế” là để làm gì? Cho cải cách (bình cũ rượu mới) hay cách mạng triệt để (đập bỏ chai rượu)?

Tác giả Trần Ngân (trong bài “Vài Đánh Giá Ban Đầu Về Cuộc Xung Đột Hiện Nay Giữa Việt Nam Và Trung Quốc”) mới đây đã nói gì để mạng Bauxite Việt Nam cho là một tiếng nói “khách quan soi tỏ tình hình ở Việt Nam” và là một tiếng nói “trung ngôn nghịch nhĩ”:

Đa số những người có hiểu biết thật sự đều hiểu rằng chỉ có cách tách ra khỏi “quỹ đạo Trung Quốc”, dân chủ hóa đời sống chính trị, tự do hóa nền kinh tế để làm đất nước mạnh lên, hội nhập hơn nữa vào các chuẩn mực chung của văn minh nhân loại để tìm thêm những người bạn mới trên thế giới thì mới là cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, điều này lại vấp phải một trở lực quá lớn là ý thức hệ của đảng cầm quyền.

Thế thì “ý thức hệ của đảng cầm quyền” (theo chủ nghĩa cộng sản) có thể thay đổi bằng “cải cách”?

Trong bài phát biểu vào ngày 30/5/2014 tại Toronto nhân dịp buổi gây quỹ cho tổ chức “Tribute to Liberty” để dựng một đài tưởng niệm vĩnh viễn tại Ottawa, thủ đô Canada, để tưởng nhớ “hàng trăm triệu” linh hồn nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, ông thủ tướng Stephen Harper thuộc đảng Bảo Thủ của Canada đã nhấn mạnh rằng ý thức hệ này “gây nhiễm độc khắp nơi trên thế giới, trên hầu hết các châu lục” với ngút ngàn tội ác qua áp bức và giết người. Ông nói,

[D]ù ở bất cứ hình dạng, nhãn hiệu nào – chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa Mác-Lênin, hay chủ nghĩa khủng bố ngày naytất cả đều có một điểm chung: sự hủy diệt, chấm dứt tự do của con người.

Ông Harper cảnh cáo rằng, “Tội ác xuất hiện dưới nhiều hình thức và chúng có thể tái sinh.” Không ai có thể phủ nhận là ý thức hệ của đảng Cộng Sản là một nền văn hóa bạo lực vì đã tước hữu tất cả đặc trưng văn hóa của quốc gia, tước hữu tất cả thông điệp/yêu sách về dân chủ tự do và quyền con người, và sau đó tất cả bị xoa bóp nhào nặn để định hướng lại cho phù hợp với đường lối chính sách của chính quyền.

Chủ đích tước hữu tất cả các thứ đó không phải chỉ hoạt động ở tầng tạo dựng ý nghĩa từ những giá trị nhập nhằng và xây dựng quyền lực không phân minh. Chủ đích tước hữu tất cả các thứ đó còn hoạt động cả trong tầng lớp hưởng thụ ăn bám như ký sinh trùng (sát cánh) giúp vận hành cỗ máy đó.

Có rất nhiều móc xích trong chuỗi ký sinh, loại trực tiếp và loại gián tiếp. Có ký sinh trực tiếp “còn đảng, còn mình”. Có ký sinh gián tiếp thoáng ra không ai nhìn thấy vì nó nằm xa mãi ở tận cuối chuỗi móc xích. Ký sinh trực tiếp thì biết (bám) chủ còn ký sinh gián tiếp nằm ở cuối chuỗi móc xích thì lờ mờ (lửng lơ) với chủ gốc.

Điểm đặc biệt ở đây khác với định luật sinh tồn trong quan điểm sự tồn tại thuộc về loại mạnh nhất (survival of the fittest) ở chỗ ký sinh rất dị ứng với việc chủ bị triệt tiêu. Vấn đề này rất hệ trọng vì làm rối loạn mối liên hệ của chủ-ký sinh (host-parasite relationship). Nguyên do bởi lẽ ký sinh và chủ có cùng một chu trình tiến hóa tương tác (co-evolution). Chủ có sống thì ký sinh mới tồn tại. (VietSoul:21)

Ngay cả khi chủ không còn sống thì ký sinh vẫn có thể tồn tại khi tìm cách “trao thân gởi phận” vào chủ mới—loại chủ thật ra chỉ biến thái trên bề mặt.

Cổ võ cho “cải cách” ý thức hệ với nhiều loại ký sinh trùng “trao thân gởi phận” như thế thật là chuyện không tưởng!!!

Một khi phương thức bất bạo động tập trung hoàn toàn vào chiến thuật ngắn hạn (và chưa thấy bất kỳ các chiến thuật này có thể nào đạt được mục tiêu dài hạn cho phong trào) thì làm sao có thể “thay đổi” ý thức hệ? Còn nếu chọn cách mạng xóa bỏ hoàn toàn một ý thức hệ—hiện thân của bạo lực—thì sao?

Cách mạng hầu (1) xóa bỏ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa vừa vô nhân vừa độc tài, (2) rũ bỏ dứt áo với văn hóa bạo lực, và (3) chôn vùi cơ chế bạo quyền CSVN đã sinh sản những bạo lực đòi hỏi một mục tiêu dài hạn. Trong khi đó việc ứng dụng phương cách “bất bạo động” thì không có chỗ để bàn đến ý thức hệ—một lãnh vực hệ trọng nhưng vô hình và bàng bạc khắp mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và văn hóa—nên không thể chỉ mang tính thực tiễn thực dụng và chỉ nằm trong phạm trù duy lý.

Cách mạng ở đây không hàm ý là cuộc cách mạng “long trời lở đất” máu đổ đầu rơi mà là cuộc cách mạng vượt qua nỗi sợ, hoàn toàn xóa bỏ ý thức hệ độc tài và cơ chế bạo quyền bằng phản kháng toàn diện. Cuộc cách mạng này có sự tham gia của toàn thể người dân thuộc mọi thành phần xã hội dùng đủ các phương tiện, phương thức đứng lên đòi quyền làm người, quyền công dân tự do. Trí thức thì tách rời (bỏ đảng, bỏ hội đoàn) khỏi cơ chế áp bức đứng vững trong vị trí độc lập đối trọng với tuyên huấn trong việc chấn dân khí, hậu dân sinh. Công nhân thì kết đoàn đình công, thương gia thì bãi thị, sinh viên thì bãi khóa bãi trường, nông dân thì tử thủ giữ đất giữ làng.

Hành động của nhà thơ Hữu Loan và những ai tương tự là hành động phi thường của những cá nhân đơn độc trong một nền văn hóa và giữa một cơ chế bạo lực tạo ngu dốt và vô cảm. Hủy bỏ cơ chế và văn hóa bạo lực thì là chuyện tất phải làm và chẳng có gì là phi thường—nhất là khi mọi người đồng lòng từ chối rót dầu bôi trơn cho cỗ máy vận hành, khi mọi người luôn tìm cách gây trở ngại phá hủy cỗ máy thì nó sẽ ngưng hoạt động.

Ai quên rằng: Một viên đá cuội ở chiếc ná trong tay của David nhắm vào thái dương đã đánh gục gã khổng lồ Goliath. Một cây kim hoặc một cái tăm nhọn chọc thẳng vào tròng mắt của beo hùm cũng làm chúng đui mù rống chạy. Một chai nước lã trộn vào bình xăng, bình dầu cũng làm máy ì ạch và tắt ngủm. Một viên sỏi nhỏ bỏ vào tâm trục quay của máy móc dù tinh vi đến mấy cũng làm nó gãy càng ngừng chạy.

Con đường còn lại cho người bị áp bức là phản kháng và đối kháng bằng mọi phương tiện và mọi phương thức ở mọi nơi mọi lúc. Không chấp nhận văn hóa “xin—cho”, làm ký sinh trùng bôi trơn cho cỗ máy đang nghiền nát tự do, hạnh phúc, “đem bục công an đặt giữa trái tim người”[v].

Ex-prisoners_Message

Từ trái qua phải, hàng trên: Luật sư Nguyễn Văn Đài (Hà Nội), Anh Nguyễn Văn Túc (Thái Bình), Thạc Sĩ Nguyễn Tiến Trung (Sàigòn), Linh mục Phan Văn Lợi (Huế), Chị Phạm Thanh Nghiên (Hải Phòng), Giảng viên Phạm Minh Hoàng (Sàigòn)

Hàng dưới : Kỹ sư Phạm Văn Trội (Hà Nội), Sinh Viên Nguyễn Phương Uyên (Bình Thuận), Luật Sư Lê Công Định (Sàigòn)

Bất bạo động sẽ là vô nghĩa trừ khi nó đi đến tận gốc rễ căn bản của một vấn đề để thúc đẩy hòa bình tích cực.

Có nên chăng rút ra bài học cả thành công và thất bại của các phong trào bất bạo động lật đổ chế độ độc tài?

Ấn Độ sau khi ông Gandhi bị giết cho đến ngày nay vẫn chưa xóa bỏ được các cuộc cách mạng chống lại kỳ thị chủng tộc và kỳ thị giai cấp, chủ nghĩa thực dân, và bạo lực mà ông Gandhi đã tiên phong cổ võ.

Sự từ nhiệm của các nhà độc tài tại El Salvador và Guatemala sau một phong trào bất bạo động làm các khu đô thị tê liệt vào năm 1944 đã không chấm dứt được nghèo nàn sâu rộng và giảm được lượng tập trung quyền lực và ảnh hưởng chính trị trong xã hội nằm trong tay một số nhỏ giàu có.

Nga và một số quốc gia tự trị trong và ngoài Liên Xô thì như thế nào? Những phong trào độc lập và cải cách đã đem lại gì cho các xã hội Đông Âu này? Cải cách chuyển đổi từ chuyên chế CS độc tài toàn trị sang một xã hội với bầu cử phổ thông kinh tế thị trường nhưng truyền thông và báo chí cũng như các tập đoàn tài chính/kỹ nghệ được cổ phần hóa và vẫn nằm trong tay kiểm soát của tàn dư phe đảng nên vẫn không bảo đảm vấn đề công bằng công lý trong kinh tế và xã hội mà cũng chẳng chấm dứt chủ nghĩa quân phiệt.

Miến Điện cũng thế. Nếu quân đội tiếp tục kiểm soát nhiệm kỳ tổng thống và không giao quyền lực cho các nhà lãnh đạo dân sự thì tính hợp pháp và sự ổn định của quá trình chuyển đổi chính trị không thể nào hoàn chỉnh. Cho dù bà Aung San Sui Kyi được nhiều ủng hộ đồng tình trong và ngoài nước, sức lực cán cân của Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ quá mỏng nên không thể làm suy yếu chế độ độc tài.

Đó là vì chế độ Miến Điện có các sách lược nhằm ngăn chặn các luồng thông tin đến tới công chúng cũng như bên ngoài. Đây là cách chế độ (bình cũ rượu mới) miễn nhiễm với dư luận toàn cầu. Hơn nữa, kỹ nghệ hiện đại sử dụng để kiểm soát đám đông thường ngăn chặn sự hiểu biết của người dân về bản chất của tội ác mà chế độ cầm quyền đã thi hành. Công cụ kiểm soát mới mà cảnh sát sử dụng giờ đã uyển chuyển nhưng không hẵn kém hiệu quả so với cách cưỡng chế gây chết người để chống lại các hành động bất bạo động. Chế độ bình cũ rượu mới này thiết kế một chương trình hành động để bọc kẹo các tác dụng của đàn áp khiến truyền thông không thể nào tường thuật được chính xác về toàn bộ tình hình trong đó có các giai tầng của cưỡng chế ép buộc. Tóm lại, Miến Điện cho dù chấm dứt thể chế “xã hội chủ nghĩa” vào năm 1988 (sau cuộc Nổi dậy 8888 như là một “Diễn biến hoà bình”) nhưng cho đến nay vẫn có rất nhiều vấn đề hiến pháp khác cần được giải quyết vì vẫn bị ám bởi bóng ma cộng sản độc tài và sự ủng hộ từ các cường quốc trong vùng, đặc biệt là Trung Cộng.

Ai Cập sau ba tuần của một “làn sóng cách mạng hoa lài” vào cuối năm 2010 thì sao? Nên nhớ, đây không phải là một phong trào chỉ có bất bạo động để thay đổi một chế độ độc tài mặc dù các mạng truyền thông không tập trung vào các cảnh bạo động. Làn sóng cách mạng thành công này vừa có bạo động vừa có bất bạo động với nhiều náo loạn tầm quốc gia nhưng vẫn không thiêu hủy cơ chế độc tài, không đồng nghĩa với một bảo đảm thật sự cho các chính sách dân chủ chung hòa (democratic inclusion), công bằng xã hội, bình đẳng trong cơ hội, và bảo vệ quyền con người. Khi điểm chỉ nguyên nhân thất bại (qua cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do) là do “chưa kịp phát triển đủ nền tảng xã hội dân sự”[vi] thì quả là phiến diện thiếu chiều sâu vì đơn giản hóa một bức tranh phức tạp. Phân tích như thế là đổ một trách nhiệm quá lớn cho khối xã hội dân sự trong khi ý thức hệ mang hiện thân bạo lực của xã hội Ai Cập (và chúng ta có thể thấy hiện tượng tương tự như dưới chế độ CSVN) thật ra là nguyên căn đã đem lại một hậu quả sâu rộng tiêu cực và phá hủy tâm và tầm của con người trong xã hội đó.

Thế thì bài học lịch sử là gì?

Chuyện lật đổ nhóm cầm quyền độc tài chuyên sử dụng bạo lực tuyệt đối hóa không thể chỉ là vấn đề cải cách và dẫn tới nền hòa bình tiêu cực thiếu công lý và không có sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội—như dưới chế độ CSVN khi mà chính trị vẫn là thủ thuật giật bánh, đòi bánh, chia chác bánh, nhưng chỉ vẽ bánh mà không để dân lấy bánh.

Thứ hai, việc dọn đường chuẩn bị xóa bỏ các ảnh hưởng sóng ngầm tiêu cực của tròng nô lệ trong tư tưởng, tâm lý, và hành động xóa bỏ tất cả các bạo lực từ thể xác, tinh thần đến cơ chế và văn hóa. Đó mới chính là mục tiêu quan trọng nhất.

Ngoài ra, việc thách thức một số giả định rằng “phương cách nào—dù là bạo động hay bất bạo động—thì có hiệu quả hơn” phải được đưa ra qua các ví dụ đơn giản, chẳng hạn như khi nào bạo động hay bất bạo động sẽ tạo phản tác dụng đối với bạo quyền hoặc người biểu tình. Sau đây là một số đề nghị thiết thực:

  • Vạch trần các “tiêu chuẩn kép” (double standards) trong các cuộc thảo luận của bạo động/bạo lực và bất bạo động, ví dụ bằng cách chỉ ra thế nào là hữu hiệu và về những thất bại của các phong trào bạo động cũng như bất bạo động.
  • Làm cho mọi người biết đến trong khi không có chủ ý áp đặt các nghiên cứu thiên vị cho một trong hai phong trào.
  • Hiểu và hành với cả hai truyền thống nguyên tắc và thực tiễn trong bạo động và bất bạo động, và sự tương tác giữa nguyên tắc và hiệu quả.
  • Chứng minh được vấn đề đấu tranh bất bạo động “không liên quan gì tới thụ động, quy phục hay hèn nhát.”
  • Vạch rõ thế nào là bất bạo động thực tiễn, sách lược, hay nằm trong nguyên tắc thiên triết học.
  • Không tìm cách áp đặt và tự mãn khi cho phương cách này hay phương cách của mình là đúng để tránh các dấu hiệu bạo lực về mặt tâm lý.

Tất cả các cuộc cách mạng đều có thỏa hiệp, và mang tính đa dạng của các chiến lược, chiến thuật, và triết lý. Những lập luận cho hành động bất bạo động và chống lại bạo lực/bạo động phải được hiểu chỉ là những xu hướng, không có các chân lý phổ quát.

Khi “bất bạo động” được đề ra như một chiến thuật nghiêm ngặt và theo chiều thu hẹp như thể là phương tiện thích hợp duy nhất ở các quốc gia độc tài và chậm phát triển (chứ không là một sách lược hay lý thuyết cho sự thay đổi trong xã hội) thì không thể nào tạo ra các thay đổi sâu rộng và lâu dài.

Chúng ta không thể đồng lõa để các lập luận bất bạo động trở thành tròng thắt cổ diễn luận vì tròng làm bằng vải lụa mượt mà—loại vải lụa đan dệt tinh vi bằng sợi chỉ mang màu lý luận chính trị trọng nhu bất cương.

TẠM KẾT

Dù rằng đây là bài phân tích và phê phán diễn luận bất bạo động, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần phải có cái nhìn sâu hơn bề mặt của “diện” (hay “hiện tượng”) để hiểu “điểm” (hay “bản chất”) của các phong trào phản kháng tại Việt Nam.

Hy vọng là thế.

“Bất bạo động” từ nhiều hình thức khác nhau (là tâm công, là vận dụng địch như chiến thuật liên tục làm kẻ thù đổi hướng quay sang phe ta) có thể trở thành nén, dồn năng lượng, chờ đúng thời cơ, đúng hướng bật lên, và chuyển sang tự vệ/đối kháng trực diện bằng cách ĐÁNH ngay vào nhược điểm của bạo quyền.

Và nếu thế thì tùy theo tình hình trong bối cảnh Việt Nam, hành động tự vệ linh hoạt và linh động của nhiều nhóm đoàn sẽ mang tính đột kích đột phá, không phải là bất bạo động tự phát xảy ra nữa, mà đã có thể xảy ra sau khi chuyển từ sử dụng phương cách bất bạo động thực tiễn.

Có lẽ chúng ta—đám đông nhân chứng—phải cởi trói tư tưởng không nô lệ dựa dẫm chỉ vào một chủ thuyết/nguyên tắc/phương cách. Ngoài ra, đám đông nhân chứng tiếp tục rèn luyện khả năng nhận xét/phân tách và tri thức cách mạng, và hun đúc hành động phản kháng/đối kháng giống như là tinh thần và tính cách của NƯỚC.

Nước rất mỏng manh. Nước khởi đầu leo lách.

Nước có đoạn chảy xiết nhưng khi ánh sáng nhiệt đủ độ đốt có thể chuyển sang dạng ngầm. Nhưng nước không tuyệt tử. Nước chỉ ngầm thấm.

Nước róc rách âm thầm tuôn chảy trước khi chuyển thành thác đổ.

Nước khi ấy làm xói mòn đá và lật đổ núi đồi.

Điều oái ăm là nạn nhân, đám đông nhân chứng (trong đó có chúng ta) thường chui rúc ở góc quán lá cuối con đường mang tên “lú lẫn lãng quên”.

Quán lá ấy tồn tại một khi bạo lực được tuyệt đối hóa và đám đông nhân chứng tự mình chấp nhận quán lá “lú lẫn lãng quên” là một nhà lầu nguy nga có chủ quyền và chính thức. Quán lá ấy chỉ tồn tại một khi đám đông nhân chứng tự bằng lòng đu đưa nằm trên võng lưới nô lệ của”nội thực dân”—võng lưới mà tư bản đỏ đã tròng vào, giật dây, và xiết chặt đến độ không muốn vực dậy. Quán lá ấy vẫn mãi tồn tại một khi mà đám đông nhân chứng thích đu đưa trong khoái cảm. Hãy nhìn những thanh niên đoàn CSVN quốc nội, du sinh, và Việt Kiều tại Đông Âu hân hoan khoe khoang trên mạng sau khi xuống đường biểu tình chống Trung Cộng với cờ đỏ sao vàng—một biểu tượng của tổ quốc đã bị bắt làm con tin nhốt vào chuồng của đảng.

Đám đông nhân chứng vì vậy ù lì ở vũng nước tù, vì vậy đi mà như ngủ, đi trong mê sảng như thể chỉ có mình, đi mà như không thấy trên đường bao kẻ với lương tri tỉnh thức bị bạo lực trù dập, quên phắc đi rằng là khi tụ họp và sẵn sàng thì nước sẽ thành thác lũ với sức mạnh dũng mãnh nứt núi, đổ đồi.

Nước nứt núi, đổ đồi phá hủy toàn bộ cơ chế trong ý chí đoàn kết một lòng bất hợp tác toàn diện.

Ai còn biết đến nước thì rõ bản năng của nước—một bản chất lúc len lách, lúc vượt tràn hoàn toàn bất hợp tác với tròng diễn luận “bạo động” hay “bất bạo động” áp đặt sẳn.

Còn biết đến nước. Còn sống với nước. Còn nhớ rằng những cơn thác lũ đã từng sói mòn và cuốn trôi những chướng ngại trên đường ra biển cả ở mảnh đất mang hình chữ S này.

Còn nước—nguồn sinh lực chảy ngầm hội tụ thành cơn lũ cuốn sạch đi những vũng tù độc hại đem lại nguồn sống mới cho dân Việt để nuôi dưỡng linh khí Việt.

Nước là chúng ta, chúng ta là nước.

 

Xem tiếp: Phần I & Phần II

________________________

CHÚ THÍCH

[i]  Swaraj (tự trị) đặt trọng tâm vào cách quản trị không phải do một chính phủ phân cấp mà là thể chế tự quản trị thông qua xây dựng cá nhân và cộng đồng. Chủ đích của tự trị là đối kháng quyền lực thể chế chính trị mang tính tập trung.Thể chế tự trị ở đây là một đường lối phản kháng lại hệ thống chính trị và xã hội do nước Anh khởi thiết chế, khái niệm về Swaraj của Gandhi nhấn mạnh loại bỏ thể chế chính trị, kinh tế, hành chính, luật pháp, quân sự, và giáo dục Anh quốc tại Ấn Độ. Nguyên văn tiếng Anh câu nói của Gandhi: “Let us be clear regarding the language we use and the thoughts we nurture. For what is language but the expression of thought? Let your thought be accurate and truthful, and you will hasten the advent of sawraj even if the whole world is against you.”

[ii]  Galtung, J. (1990). Cultural Violence. Journal of Peace Research, 27(3), 291-305 (trang 291).

[iii]  Galtung, J. (1990). Cultural Violence. Journal of Peace Research, 27(3), 291-305 (trang 294).

[iv]  Galtung, J. (1969). Violence, Peace, and Peace Research. Journal of Peace Research, 6(3), 167-191.

Galtung, J. (1985). Twenty-five years of peace research: Ten challenges and some responses. Journal of Peace Research, 22(2), 141-158.

[v]  “Nhân Câu Chuyện Mấy Người Tự Tử”, Lê Đạt

[vi]  “Đấu tranh bất bạo động, con đường khó khăn và cực nhọc”, RFA phỏng vấn người đại diện đảng Việt Tân, 16/3/2014.

___________

BẤT BẠO ĐỘNG: TRÒNG DIỄN LUẬN?

Phần I: PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM
Phần II: “TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?” & “BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?”
Phần III: HẠN CHẾ CỦA DIỄN LUẬN BẤT BẠO ĐỘNG & TẠM KẾT