vietsoul21

Archive for Tháng Ba, 2014|Monthly archive page

Nguyễn Thị Từ Huy – Bao giờ anh thôi sống hèn?

In Cộng Đồng, Kinh Tế, Liên Kết, Tạp văn on 2014/03/16 at 09:28

Nông dân (phụ nữ) Hưng Yên kéo bừa thay trâu

Hôm nay tôi đọc được bài báo « Xem nông dân Hưng Yên kéo bừa thay trâu », ở link này :

và thấy những hình ảnh người nông dân, trong thời đại được tuyên bố là công nghiệp hóa, phải dùng sức mình kéo bừa. Và nhất là, phụ nữ phải thay trâu kéo cày, như thế này :
Đàn ông các anh, nhìn cảnh này có nghĩ gì không, có cảm thấy gì không ?
Các anh nói gì khi đặt hình ảnh này cạnh câu khẩu ngôn được treo khắp mọi vùng miền trên đất nước này : « Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, hạnh phúc » ?
Hay là các anh sẽ chẳng nghĩ gì, chẳng cảm thấy gì, chẳng nói gì hết và chẳng làm gì hết? Chẳng làm gì hết trước việc những người phụ nữ của mình bị bán đi làm nô lệ tình dục cho đàn ông nước ngoài, chẳng làm gì hết trước việc những người phụ nữ của mình phải làm cái công việc vốn là của con trâu (than ôi, dưới thời phong kiến phụ nữ không phải kéo cày), chẳng làm gì hết khi những người phụ nữ của mình bị đẩy ra đường, bị bỏ đói, bị đối xử bất công (trường hợp của Nhã Thuyên, của cô Nguyễn Thị Bình còn đang là thời sự đấy thôi). Đa số các anh chẳng làm gì hết, thế nhưng ngày mồng tám tháng ba vẫn còn có thể thốt ra được những lời chúc mừng mỹ miều cho phụ nữ.
Cũng tương tự như việc đa số các anh im lặng, buông xuôi, trước những dấu hiệu rõ rệt, không thể phủ nhận, về sự lệ thuộc của đất nước này vào Trung Quốc.
Cá nhân tôi, từ những gì nhìn thấy và biết được, tôi cho rằng sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn. Không phải các anh không biết, không phải các anh không thấy. Các anh thấy hết, biết hết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, lấy im lặng và nhẫn nhục làm mục đích tồn tại.
Tôi muốn hỏi tất cả đàn ông các anh, những người đàn ông của chúng tôi, câu này :
 « Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu ? Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn ? »
Hậu mồng tám tháng ba
Nguyễn Thị Từ Huy

Đại Vệ Chí Dị – Chuyển ngôi

In Liên Kết, Tạp văn, Văn Chương on 2014/03/14 at 23:19

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69.

Nạn đói kém không dứt, nạn đạo tặc cướp của giết người không giảm.

Mùa xuân năm ấy, nhà Sản nghị triều chuẩn bị nhân sự cho vương triều kế tục.

Chúa gọi con trai đầu đang giữ chức phó thượng thư vào phủ. Trưởng nam nhà Chúa tuổi 37 tuổi, tướng mạo béo tốt đẫy đà. Làm quan bấy lâu không có tiếng tốt cũng chẳng có tiếng xấu.

Chúa ra hiệu trưởng nam ngồi bênh cạnh, rồi bảo:

– Con phải về quê nhà mình, mai này cha dưỡng hưu cũng về đó. Đất ấy của nhà mình, các tỉnh xung quanh toàn là tâm phúc. Để con ngoài kinh thành khi cha không còn chức, e bọn miền Bắc chúng bách hại.

Trưởng nam hỏi:

– Thưa cha, ta không có người kế nhiệm cha đáng tin sao?

Chúa thở dài nói:

– Giờ ta có Đàm Cận, nhưng tuổi còn trẻ, chưa vào hàng đại thần nghị chính, không thế đưa lên được. Chuyện đó còn mươi năm nữa. Cũng tại ta khi xưa dùng tổng quản phủ là Xuân Thọ, người miền Trung. Không ngờ hắn thay lòng đổi dạ, nhân lúc Vương Phủ tấn công ta mà nhăm nhe soán đạt ngôi. Sau này ta về lành ít, dữ nhiều. Chúng ta trụ ở đất nhà, đợi thời cơ khởi nghiệp. Khi xưa Chúa Nguyễn cũng từ đó mà làm nên 200 trăm năm nhà Nguyễn. Cơ sự nhà mình mai sau trông cậy vào thằng út, cha để con lộ mình sớm vì tưởng thế của cha còn vững dài, đó cũng là cái thiệt thòi của con.

Trưởng nam thưa:

– Phận làm con, cha mẹ đặt đâu ngồi đấy. Xưa nay cha bảo sao con làm vậy, không hề có ý hối tiếc. Vả lại con thích chuyên môn hơn là làm quan, mệt nhọc lắm cha à. Gia sản nhà mình đâu cần phải kiếm thêm làm gì nữa.

Chúa nghiêm mặt nói:

– Con không muốn kiếm vì cha muốn con giữ tiếng tốt. Nhưng tiền bạc trong thiên hạ là nội lực. Mình không thu về, kẻ khác cũng thu về. Khi kẻ khác có nội lực, nếu không ưa mình thì mình gặp họa. Cha vì phòng xa nên mới phải tận tâm, tận lực nắm mọi nguồn thu trong thiên hạ. Bá tính, quan lại nước Vệ ngày nay chỉ có chữ tiền mới khiến họ theo. Không thể nào bỏ qua chuyện ấy được là vì thế.

Trưởng nam lo lắng:

– Khi cha về, ai là người cha sẽ chỉ định kế vị. Cha có quyền đó mà.

Chúa lắc đầu:

– Nhưng giờ cha chưa biết tìm ai, ngôi vương xưa nay người Bắc nắm, ngôi chúa dành cho người Nam. Trong hàng ngũ tâm phúc của cha chưa biết tìm ai. Có lẽ cha sẽ tiến cử một phụ nữ có dáng vóc xinh đẹp, lấy hình mẫu bên Xiêm để giữ ngôi chúa. Cô ta người Nam, cũng là đại thần nghị chính, lại từng kinh qua giữ chức vụ kinh tế, con nhà dòng dõi công thần. Từng ấy làm cớ thì khó ai bác được. Vẻ ngoài của cô ấy khi bang giao các nước cũng đem lại sức sống mới cho nước Vệ, ý ta muốn quyết vậy. Nhưng e bọn miền Trung bị bọn miền Bắc kích động, ta đang phải ngừa chuyện đó.

Trưởng nam hỏi:

– Vậy ai sẽ làm vương?

Chúa khoát tay nói:

– Chuyện này chưa rõ, còn tùy thuộc Vệ Kính Vương chọn ai. Nhưng dường như Kính Vương chọn Sáng Quyết đại thần nghị chính, tổng trấn kinh thành rồi. Con cứ nhận ấn tín, về cố hương ẩn mình, chờ đợi thế thời thêm lúc nữa.

Trưởng nam vâng lời, xin cáo từ. Về tư gia gọi gia nhân sắp xếp hành lý. Nhận ấn tín từ triều rồi về bản quán nhậm chức.

Nước Vệ vẫn không có thay đổi gì lớn. Người chết vì cái chết không đáng có vẫn chết. Bá tính nợ nần, túng thiếu vẫn nợ nần, túng thiếu. May chăng 20 năm sau thế tử út nhà Chúa trưởng thành, sự thay đổi có thể gọi là.

Nguồn: FB Người Buôn Gió

Uwe Siemon-Netto – Phía Sai Trái Đã Thắng

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Việt Nam on 2014/03/11 at 22:46

BBT:  Dưới đây là bản dịch của VietSoul:21 cho một bài luận mang tính tổng hợp mới đây mang tựa đề The wrong side won của Tiến Sĩ người Đức Uwe Siemon-Netto.

Đây cũng là bài dịch thứ ba của chúng tôi trong loạt bài viết liên quan đến một cựu phóng viên quốc tế người Đức đã tường thuật nhiều sự kiện lớn trên thế giới trong vòng 57 năm chẳng hạn như việc xây dựng và sự sụp đổ của bức tường Berlin, cuộc chiến 6 ngày giữa Ả Rập và Do Thái, cuộc Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Cộng, và vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy.

Ông Siemon-Netto nguyên là tổng biên tập về tôn giáo của United Press International, hiện là bình luận gia quốc tế và một nhà thần học (không phong chức) của đạo Lutheran. Ông là sáng lập viên của Center for Lutheran Theology and Public Life (CLTPL) và chủ tịch của tổ chức “The League of Faithful Masks” đặt bản doanh tại Capistrano Beach và trường Concordia University Irvine, California.

Với tư cách một nhà báo, ông chuyên về những đề tài liên quan đến niềm tin, xã hội và ngoại giao. Ông hiện là cộng tác viên thường trực của tờ “The Atlantic Times,” một tờ báo tiếng Anh hàng đầu của giới báo chí Ðức tại Mỹ.

Mối quan hệ của ông Siemon-Netto đối với Việt Nam rất mật thiết. Trong khoảng thời gian năm năm (từ năm 1965 cho đến năm 1969 và sau đó một lần nữa vào năm 1972) với tư cách phóng viên chiến trường tại Việt Nam, ông đã chứng kiến tội ác Việt Cộng tại Huế kỳ Mậu Thân 1968, trong đó một số người quen của ông là 3 bác sĩ người Ðức cùng với vợ của một người đang làm việc thiện nguyện tại trường Y Khoa Huế đã bị thảm sát. Ông còn là nhân chứng của một số xung đột khủng khiếp, đặc biệt là trận chiến đẫm máu tại thung lũng “Ia Drang” trong năm 1965.

Sau hai bản dịch cho các điểm sách của Michael PotemraJoseph Reitz, chúng tôi chọn dịch tiếp bài thứ ba là bài viết của chính tác giả vào cuối năm vừa rồi trên tạp chí The American Legion–một tạp chí chuyên về các đề tài liên hệ đến các cựu chiến binh Hoa Kỳ.

Trong bài viết này ông đã dùng ngòi bút qua kinh nghiệm xương máu tại chiến trường Việt Nam để mô tả tội ác khủng khiếp của Cộng sản. Ngoài các chuyện kể cảm động từ các nhân chứng đã sống trong những giây phút cuối cùng của tháng 4 năm 1975, ông kể lại cảm xúc của mình đối với thành phần sinh viên và trí thức cánh tả với rừng cờ Mặt Trận GPMNVN khi đang sống tại Paris trong cùng khoảng thời gian đó.

Ông cũng không quên phê phán thái độ không trung thực của giới truyền thông Hoa Kỳ vào thời kỳ chiến tranh ấy. Ông còn dùng dẫn chứng để bạch hóa chuyện phương Tây không có các phương tiện tâm lý và chính trị để chống lại một cuộc chiến tranh kéo dài.

Đọc bài viết này chúng ta có thể thấy được tại sao sau hơn nửa thế kỹ mà tác giả vẫn không thể quên vô số nạn nhân vô tội do Cộng sản gây ra trước và sau khi có cuộc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam bắt đầu từ năm 1975. Đây là bài viết dựa vào quyển hồi ký mới của nhà thần học này mang tựa đề Đức: A reporter’s love for a wounded people xuất bản vào năm ngoái 2013.

Ngay đầu cuốn hồi ký ông đã viết những chuỗi dòng thương nhớ tưởng niệm sau đây:

Tưởng niệm

Cuốn sách này được viết nhằm tưởng nhớ vô số các nạn nhân vô tội trong cuộc xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bởi Cộng sản, đặc biệt là:

– Hàng trăm ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị tàn sát trong các làng mạc và thành phố, nhất là tại Huế;

– Hàng trăm ngàn chiến sĩ và công cán chính VNCH đã bị hành quyết, tra tấn hoặc bỏ tù sau khi chiến tranh kết thúc;

– Hàng triệu người đã bị xua đuổi ra khỏi quê hương và hàng trăm ngàn người đã bị chết đuối trong quá trình đi tìm tự do;

– Các chiến sĩ VNCH đã anh dũng chiến đấu khi đã mất tất cả và các tướng lãnh oai hùng đã quyên sinh vào những giờ phút cuối cùng;

– Các thanh niên miền Nam và Bắc Việt Nam động viên vào quân ngũ đã bỏ mạng trong cái gọi là “chiến tranh giải phóng” nhưng đã không mang lại tự do cho ai;

– 58.272 binh lính Hoa Kỳ, 4.407 Đại Hàn, 487 Úc; 351 Thái và 37 Tân Tây Lan đã hy sinh tại Việt Nam ;

– Các đồng hương người Đức của tôi, trong đó có BS Horst-Günther và Elisabetha Krainick, BS Alois Alteköster, BS Raimund Discher, GS Otto Söllner, Bá Tước Hasso Rüdt von Collenberg và nhiều người khác đã đến như những người bạn và phải trả giá bằng mạng sống của họ.

Trong tư cách một phóng viên và nhân chứng lịch sử, tác giả sau đó đưa ra các dữ kiện tình tiết liên quan đến nạn nhân của một cuộc chiến mà bên sai trái đã thắng và chia xẻ nhiều kỹ niệm khó quên trong suốt hồi ký của mình.

Qua các phân tích và chứng minh chiến thắng của Cộng sản Việt Nam đặt trên căn bản của tội ác, ông không chấp nhận chiến thắng đó là một cuộc giải phóng. Ông đàm luận rằng phe sai trái đã thắng nhờ vào khủng bố, tàn sát và phản trắc.

Hồi ký của ông đã được ra mắt tại quận Cam tại California vào dịp Quốc Hận năm ngoái với hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Phiên bản tiếng Việt là Đức: Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương được hai biên tập viên của Diễn Ðàn Cựu Sinh Viên Quân Y dịch. Hai cựu sinh viên quân y này là Nha sĩ Lý văn Quý tại Little Saigon/Quận Cam và Dược Sĩ Nguyễn Hiền tại Hòa Lan đã “dịch vừa sát nghĩa vừa đượm hồn Việt”. Quý vị có thể tham khảo videobài nói chuyện của tác giả (hay bản dịch tiếng Việt) trong dịp sinh hoạt này của Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y với sự hỗ trợ của tổ chức Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và Tù Ca Xuân Điềm.

Phiên bản tiếng Đức đã xuất hiện và bản tiếng Anh vừa tái xuất bản vào năm nay với nhiều bổ túc và sửa chửa. Điều bắt mắt là tít cho bìa tiếng Đức, “Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten”–tạm phỏng dịch “Việt Nam của tôi: Tại sao bọn Sai Trái lại chiến thắng?”. Ngược lại trong lần tái bản tiếng Anh này thì ông đã cho đặt thêm cụm từ “Vinh quang của sự Phi Lý” (Triump of the Absurd) lên tựa đề ngoài bìa sách và xử dụng thuật ngữ “bị bỏ rơi” thay vì “nhiều đau thương” khi nói đến dân tộc Việt Nam.

Một số chương mẫu (Preface, Chapter 1-“Comme la mer, comme le ciel”, and Epilogue) trong nguyên bản tiếng Anh có thể tìm thấy trên trang nhà của tác giả. Quý bạn cũng có thể tìm đọc các chương mẫu bằng Việt Ngữ tại các trang mạng nối sau đây:

Chương 1: Như biển cả, như bầu trời

Chương 15: Tết Mậu Thân: Hỏa ngục Huế

Đoạn kết: Hậu quả của khủng bố và hiệu lực của hy vọng

Toàn quyển (do ông Lý Văn Quý &  Nguyễn Hiền dịch, tại trang của ông Phan Ba): Vinh Quang của Phi Lý

Nhân dịp 30 tháng 4 năm nay ông sẽ đi một vòng Châu Âu để ra mắt sách. Nhưng trước tiên ông Siemon-Netto sẽ ra mắt hồi ký bằng Đức ngữ của mình tại Hội Chợ Sách được tổ chức ngay tại nơi ông đã sinh trưởng—thành phố Leipzig (Đông Đức cũ). Quý vị có thể mua sách tại Amazon hay trang nhà của tác giả, http://www.siemon-netto.org hoặc viết thư liên lạc với tác giả tại siemon-netto@siemon-netto.org hay quyvanly@aol.com

Đọc tiếp »

Tình yêu , Sự thật, và Việt Nam

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Việt Nam, Văn Chương on 2014/03/08 at 23:36

Điểm sách của Michael Potemra

National Review Online, 18/7/2013

Bản tiếng Anh: “Love, Truth, and Vietnam” by Michael Potema

Ai mà muốn những vết thương của Việt Nam bị toang mở lần nữa? Nhưng sự thống khổ của đất nước đó vẫn là những bài học cho tất cả chúng ta. Uwe Siemon-Netto là một phóng viên chiến tranh thời đó, và ông vừa xuất bản một cuốn hồi ký về nó, Đức: Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương. Như những hồi ký thực sự xuất sắc, chính những chi tiết nhỏ nhất trong sách đã làm bức tranh lớn trở nên linh động. Siemon-Netto đã chứng minh rằng Bắc Việt là khách hàng quân sự chủ yếu bên ngoài châu Âu của Đông Đức, quốc gia này đã cung cấp mìn gây chết người gọi là PPM-2. Nhiều lần chạy xe dọc quốc lộ 19 ở Việt Nam, ông thấy rằng hầu hết những người bị giết bởi mìn PPM-2 là phụ nữ và trẻ em, bởi vì người dân thường di chuyển bằng xe cộ sơ sài không có khả năng tự vệ so với xe quân sự chuyên chở lính tráng lẽ ra là mục tiêu chính của mìn.

Siemon-Netto không chỉ đơn thuần là một người quan sát từ xa về các tổn thất nhân mạng của thường dân trong cuộc chiến đó. Ông kể lại câu chuyện trong một lần đến bệnh xá của người Đức chữa trị cho thường dân ở Việt Nam, trong khi chiến trận đang diễn ra ở ngoài:

Một bác sĩ trẻ người Đức đang làm việc ráo riết để cứu mạng sống. Trên một bàn mổ dã chiến tôi thấy có một người phụ nữ nằm mê man với lòng ruột phòi ra ngoài một vết thương lớn ở bên trái bụng của cô.

“Bạn có phải là bác sĩ?” Ông BS hỏi.

“Không phải, tôi là phóng viên.”

“Không sao, tôi cần sự giúp đỡ ngay bây giờ. Không còn ai ở lại đây để giúp tôi một tay. Bọn Việt Cộng bắt cóc tất cả. Bạn đi rửa tay ở đằng đó rồi đeo găng tay phẫu thuật vào và hãy tự biến mình thành người hữu dụng.”

Để đặt các bộ phận lòng ruột của người phụ nữ trở lại vị trí cũ, [bác sĩ] đã phải cắt toang bụng cô. Sau đó, ông cần thêm một đôi tay nhét chúng vào bụng qua vết thương hở bên trái của cô. Việc đó thành phận sự của tôi . . . 

Một chủ đề khác mà Siemon-Netto biểu lộ thật mạnh mẽ và rõ ràng là việc chuyện con người ta khoác trên người mình quá dễ dàng một mai rùa kiên cố để phủi lưng (tay) với sự thật. Nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Siemon-Netto đã về lại Đức:

Tôi tham dự cuộc họp buổi sáng của một tờ báo trí thức Đức nơi tôi làm việc dưới tư cách là một tư vấn biên tập. Công việc của tôi là giúp các biên tập viên và nhà xuất bản này hiện đại hóa tờ báo cổ hũ của họ trong hy vọng rằng nó sẽ đạt tầm cỡ hàng đầu của nước Đức thống nhất . . . .

Các cuộc thảo luận chuyển sang chủ đề cho các câu chuyện tiêu biểu từ Đông Đức cũ.

“Xin xem đây như một đề nghị”, tôi nói. “Sao ta không thử làm một báo cáo chuyên sâu về các nhà sản xuất Đông Đức làm mìn PPM-2, những tàn tích liên quan đến các nạn nhân mà tôi chứng kiến trên dọc cả Quốc Lộ 19 tại Việt Nam? Sao không thử tìm kiếm tài liệu lưu trữ của Đông Đức về bộ máy tuyên truyền cáo buộc Tây Đức đồng lõa trong chiến tranh Việt Nam, và có lẽ đã dẫn đến cái chết của một số bác sĩ và y tá của chúng ta tại Việt Nam?”

Ối trời, tôi đã đạp vào ổ kiến lửa bằng lời gợi ý này! …Dù đây không phải là một tờ báo cánh tả nhưng một số biên tập viên trẻ tự mãn đã trở mặt giận dữ làm tôi tự hỏi có quả thực là thể chế Cộng sản Đông Đức đã thực sự biến mất. Cái ý thức hệ của phong trào sinh viên năm 1968 tôn vinh Hồ Chí Minh đã bắt rễ quá nhiều trong thế hệ của sinh viên tốt nghiệp trường đại học Đức nên bất cứ đề cập nào đến những hành vi vô nhân đạo của Việt Cộng sẽ bị coi là một dị giáo.

Nó cũng không làm tôi ngạc nhiên khi các biên tập viên lớn tuổi, những người lẽ ra phải hiểu biết hơn, vẫn nghĩ là thiếu thận trọng nếu hỗ trợ cho tôi. Nhà thần học Lutheran Dietrich Bonhoeffer một lần từng than vãn là sao mà “lòng can đảm từ công dân quá khan hiếm” ở nước ông ta khi bị Đức quốc xã thống trị…Cái thiếu hụt này nhất định vẫn hiện còn kéo dài ở vài nơi chốn.

Tất nhiên đây không chỉ là một điều thuần tính cách của người Đức: Đây là một xu hướng phổ quát của con người luôn ghét vị thần mang hung tin, và khi sự giận dữ chống lại vị thần sứ giả đưa tin này dâng cao thì ngay cả những người lẽ ra phải hiểu biết hơn cũng làm lơ không bảo vệ sứ giả. Nó làm cho người ta nghĩ đi nghĩ lại trước khi lên tiếng, và ngay cả những ai thực sự dũng cảm cũng không có đủ can đảm để nói lên tất cả sự thật trong mọi thời điểm. Nhưng cuốn sách Siemon-Netto là một minh chứng cho việc phải luôn tiếp tục cố gắng là điều cần thiết.

Người dân Việt Nam đã bị phương Tây bỏ rơi trong những năm thập niên 1970, họ vẫn còn bị áp bức cho đến mãi bây giờ, nhưng chuyện của họ vẫn chưa đến hồi kết cuộc. Siemon-Netto kết luận: “Tôi biết rằng [người Việt Nam] sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa độc tài. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó rồi sẽ xẩy ra.”

Về vấn đề cuối vừa đề cập: Hy vọng là một điều có nhiều mãnh lực. Lúc tôi còn là một cậu bé bắt đầu quan tâm đến chính trị, hồi thời những năm 1970, vì tôi chủ yếu nghĩ rằng cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản trong chiến tranh lạnh là một điểm quan trọng mang tính cách sinh tử. Nếu hàng triệu người Mỹ coi việc này thật nghiêm túc và thực sự gắng sức, tôi nghĩ, thế hệ của chúng tôi có thể đặt được nền móng cho vài thế hệ tương lai tạo được chiến thắng cuối cùng và sự thất bại tối hậu của đế chế Xô Viết.

Thế mà khi tôi chưa hết lứa tuổi 20 thì điều đó đã xảy ra.

Trước khi cuốn sách này xuất bản, tôi biết các tác phẩm của Siemon-Netto chỉ qua những văn bản về tôn giáo của ông viết cho UPI, và thông qua sự tham gia của ông ở các cuộc tranh luận trong nội bộ của Lutheran. (Ông là một nhà thần học Lutheran khả kính.) Dù cuốn sách này là một thành tựu quan trọng trong một lĩnh vực hoàn toàn khác, nó đã thấm nhuần các nguyên tắc nhân đạo và tôn giáo trong toàn thể các tác phẩm của ông. Cuốn sách này, như ông cho biết trong phụ đề của mình, là một công trình có gốc rễ từ tình yêu.

Michael Potemra

Hồi ký “Đức: Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc bị tổn thương”

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Việt Nam, Văn Chương on 2014/03/08 at 18:05

Điểm sách của Joseph Reitz

Books In Review II, 13/10/2013
Bản tiếng anh: “Đức: A Reporter’s Love For a Wounded People” by Uwe Siemon-Netto–Book Review by Joseph Reitz

Phiên bản hồi ký đầu tiên tiếng Anh (2013)

Phóng viên người Đức Uwe Siemon-Netto đưa chúng ta vào Hài kịch Phi Lý của Việt Nam trong suốt hồi ký mang tên “Đức: Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc bị tổn thương” (NXB CreateSpace, 278 trang, 25 đô-la, bản in giấy). Chúng ta cùng với anh chứng kiến những biến cố trong chiến tranh Việt Nam vào những năm 1965-69.

Luận cứ của tác giả–từ chương đầu “Tưởng niệm đến Uwe” đến trang cuối cùng của lời bạt phần kết—là cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải là một cuộc chiến giải phóng. Siemon-Netto không phải là người hâm mộ chuyên chú tâm đến số lượng xác người, nhưng số thương vong và số người di tản loạn lạc được liệt kê trong trang tưởng niệm của cuốn sách quả thật là kinh hoàng.

Việc theo dõi chuỗi sự kiện trong cuốn sách đôi khi gặp khó khăn, nhưng đâu có cuộc chiến tranh nào lại diễn ra trong chiều trật tự. Tác giả mô tả cảnh tra tấn, chết chóc, và mất mát chịu đựng của người dân Việt Nam. Những khoảnh khắc hài hước dù hiện hữu đều lồng trong một đám mây bao trùm bởi sợ hãi.

Tác giả là người sống sót sau các cuộc bỏ bom trong Thế chiến II ở Đức, và điều này có lẽ giúp giải thích tại sao tác giả ít khi đề cập đến những nỗi sợ hãi của chính mình khi ở dưới làn bom đạn. Ông có thừa những lần chết hụt để làm cho hồi ký Đức vô cùng kích thích như bất kỳ tiểu thuyết chiến tranh khác. Cách đối xử với một số đồng nghiệp của ông bị bắt bởi VC cho thấy cuộc chiến đó là một cuộc chiến của hận thù và tàn sát – không phải là một cuộc chiến tranh giải phóng.

Siemon-Netto định nghĩa “hài kịch của sự phi lý” như là sự đặt để hai hiện thực trái ngược cạnh kề nhau. Một trong những cặp hiện thực đối lập trái ngược là bài tường thuật của các phóng viên tại chiến trường và hiện tượng mà ông gọi là cách bóp méo biến dạng các sự kiện ấy khi tường thuật với người dân Hoa Kỳ. Một cặp hiện thực tương phản khác liên quan đến nhu cầu của một quyết tâm rất cần thiết cho một cuộc chiến tranh lâu dài đối nghịch với điều mong muốn của người Mỹ cho một chiến thắng nhanh chóng. Tác giả cho thấy là cả hai tình huống này đã dẫn đến chiến thắng của phe cộng sản.

Hài kịch phi lý này có một dàn diễn viên phong phú cho các nhân vật hơn hẳn bất kỳ sản phẩm nào từ phim trường Hollywood. Các đứa trẻ lấy trộm xe của tác giả để đổi lấy một căn nhà, những người phụ nữ cắt sửa quyết liệt cơ thể của họ để hấp dẫn đàn ông Tây phương có thể là bộ phim hài châm biếm trong một tác phẩm hư cấu. Thế nhưng cuộc chiến và những câu chuyện của tác giả thì không có gì gọi là hư cấu.

Một trong những đồng nghiệp của tác giả có thói quen đến các cuộc họp báo khi đã say mềm và hỏi những câu hỏi ngớ ngẩn. Tại những cuộc họp báo của [Bộ Tư Lệnh Hỗ Trợ Quân Sự (MACV) thuộc] chính phủ Mỹ, mà các phóng viên thường gọi họ là “Bọn Ngu Xuẩn lúc Năm giờ”, hiếm khi thấy có điều gì quan trọng được công bố cả. Đã từng có một cuộc họp báo mà họ đã dành toàn bộ một tiếng đồng hồ nói chuyện về việc một chiến binh Mỹ đái vào bức tường của một ngôi chùa.

Uwe Siemon-Netto

Cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968 có lẽ là buổi trình diễn lớn nhất trên hý trường hài kịch phi lý. Sự kiện này chứng minh một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến. Phi lý nằm ở chỗ trong khi Bắc Việt và Việt Cộng rõ ràng bị thua trận trên chiến trường thì công chúng Mỹ lại chuyển hướng chống chiến tranh. Trong khi việc cuộc chiến kết thúc là không thể tránh khỏi nhưng máu vẫn tiếp tục đổ thêm gần năm năm sau đó.

Siemon-Netto mở lòng với chúng ta khi ông mô tả trận chiến giành lại thành phố Huế, trong đó hàng ngàn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã bị sát hại bởi quân miền Bắc Việt Nam một cách có hệ thống. Tác giả kể về các nấm mộ tập thể của người chết và đôi khi mộ của cả những người bị chôn sống.

Vợ của tác giả, cô Gillian, đã theo chồng đến sống ở Sài Gòn. Cô cũng trải qua chuyện sống dưới lằn đạn qua các trận chiến trên đường phố. Siemon-Netto mô tả các bạo động và nguy hiểm hàng ngày mà người dân Sài Gòn phải gánh chịu trong khi các chuyện này rất hiếm được tường thuật lại ở nước nhà [Hoa-kỳ].

Seimon-Netto hoàn thành mục tiêu của ông khi đưa chúng ta vào trọng tâm của một dân tộc bị thương tổn. Mặc dù ông đã phơi bày mảng đen trong trái tim của kẻ ác, ông cũng đưa chúng ta vào ánh sáng và sự kiên cường của những người tự hy sinh vì yêu đất nước và gia đình họ.

Độc giả của tác phẩm Đức sẽ gặt được nhiều thông tin về cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á, hoặc ít nhất sẽ được nhắc nhở về những điều lãng quên.

Uwe Seimon-Netto lập luận rằng tội ác chiến tranh gây ra bởi những người cộng sản là một phần trong sách lược của họ. Trong khi người Mỹ đôi lúc vi phạm tội ác chiến tranh nhưng tội ác của chúng ta không phải là một phần của chính sách chiến tranh. Điều này giúp tôi có một hy vọng cho tương lai của chúng ta.

Trang mạng của tác giả www.siemon-netto.org.

– Joseph Reitz

Alan Phan – Một Quốc Gia Tình Nghĩa

In Liên Kết, Tạp văn, Thế giới, Việt Nam on 2014/03/02 at 10:59

Dối trá lập đi lập lại nhiều lần sẽ thành (như thiệt) chính trị.

Trong quan sát của tôi về lịch sử cận đại, tôi không thấy các chánh trị gia xứ nào có thể sánh với các quan chức Việt Nam về chỉ số may mắn. Đất nước chúng ta có thể được Guinness liệt kê vào bảng kỷ lục về… ”tình nghĩa”.

Ông cựu Tổng Thống Ukraine vừa phải thoát thân qua Nga và lúng túng không biết giải thích sao về những tài sản mênh mông khắp xứ, kể cả một dinh thự trên 138 hectares đẹp hơn cung điện của những Nga Hoàng ngày xưa. Ông Khadafi thì không kịp giải thích, còn ông Mubarak thì ở trong tù lâu quá, trí nhớ hơi kém.

Trong khi đó, tôi nhớ khoảng mấy năm về trước, vài quan chức Việt nói những tài sản kếch xù các mạng truyền thông tìm ra là do công sức “buôn thúng bán bưng” của các bà vợ hiền. Không những đầy ắp “tình” mà các vị này còn may mắn là có cả kho núi tiền do “tài” của những bậc phu nhân. Vì nghe chuyện này mà một thằng bạn Việt Kiều của tôi bỏ xứ Thuỵ Sĩ lạnh lẽo về Việt Nam đi khắp nước, cặp kè hơn 30 triệu bà cô không chồng. Sau 10 năm vất vả, vẫn không thấy một bà nào đủ “tài” tháo vát như các bà vợ quan chức.

Tôi nhớ có khuyên là nó đã bỏ sót một bộ phận không nhỏ là…đạo quân bán vé số… khắp thành thị làng quê. Nếu nhắm vào số lượng biết vui hưởng hạnh phúc XHCN cực nhọc này, thì chẳng mấy chốc bạn tôi sẽ thành đại gia… tỷ phú đô la, ăn xài cả chục đời không hết.

Ngoài “tình”, vài quan chức gần đây còn tuỳ thuộc vào “nghĩa”. Chỉ cần 1 người em kết nghĩa là một ông có thể xây xong một dinh thự hơn 16 ngàn mét vuông, trị gia vài chục tỷ đồng. Theo đánh giá của xã hội tình nghĩa này, càng làm lớn thì càng may mắn và càng có nhiều người em “kết nghĩa”. Tôi nghe nói một quan Trung Ương phải có ít nhất là chục ngàn người em kết nghĩa; còn ở các quận xã nghèo nơi “đất cày lên sỏi đá” thì tệ lắm cũng kiếm được vài trăm em kết nghĩa. Một người em dư xây một biệt thự, vài trăm em thì lên thiên đàng mấy hồi.

Do đó, ở đâu không biết, nhưng tại Việt Nam, mỗi ngày trên TV đều có những giải đặc biệt để xem quan chức hay đại gia nào có nhiều “tình” nhất hoặc nhiều “nghĩa” nhất. Đúng là thời Nghiêu Thuấn cũng không sánh bằng.

Vì sự tôn trọng “tình nghĩa” bàng bạc khắp lịch sử, một giáo sư tuyên giáo trung ương phải phẫn nộ mà kết tội bọn đế quốc Mỹ là tội ác của họ “trời không dung, đất không tha”. Chứ tình nghĩa như người anh kết nghĩa Trung Quốc thì em Việt Nam phải nghìn đời nhớ ơn, năm nào cũng sẵn sàng đem khoáng sản, mỏ dầu ngoài khơi, đi kiếm tiền bọn tư bản, nhập siêu đem về tặng anh kết nghĩa. Còn chuyện chiến tranh biên giới năm 1978 chỉ là một hiểu lầm nhỏ nhặt trong gia đình.

Cách đây vài tuần tôi ghé ngang Hồng Kông, tình cờ gặp một anh bạn cũ làm cho Bộ Ngoại Giao Mỹ. Sau vài trao đổi về thời tiết và gia đình, tôi hỏi anh về tiến bộ trong đám phán TPP, nhất là với Việt Nam. Anh ta cười,” Sao mày nghiêm túc quá. Hết giờ làm việc rồi, hãy để tao enjoy ly whisky này cho trọn vẹn nghe.” Rồi anh kể chuyện tiếu lâm mà anh nói là có thực, đang được hành lang Bộ Ngoại Giao phổ biến.

Một chính trị gia Mỹ đi công cán ở một quốc gia mới nổi. Cô đơn, ông bắt chuyện và gạ được một phụ nữ địa phương ở quán bar lên phòng mình, sau khi thoả thuận giá cả. Ông hăm hở vào cuộc ngay khi cà hai vừa leo lên giường. Bỗng người phụ nữ la làng,” Bớ làng xóm, coi thằng đế quốc tư bản này đang hiếp tôi nè.” Ông sợ quá, cả thân hình như khô cứng, người chết lặng. Bà ta lại chu chéo,” Tôi la gì kệ tôi, sao ông lại ngừng?”

TPP đành phải đợi vậy.

Nguồn: blog Góc nhìn Alan

Người Buôn Gió – Chúng ta biết ơn những người bị bắt.

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết on 2014/03/01 at 12:47

Có lần một thượng nghĩ sĩ của một nước châu Âu, hỏi trực tiếp tôi (qua phiên dịch). Bây giờ thì hình như ông ta là bộ trưởng hay phó thủ tướng gì đó.

– Anh nghĩ sao về chuyện có những người bị bắt và có những người chưa bị bắt. Tôi vẫn thấy nhiều người viết hoặc đấu tranh nhân quyền không bị bắt đó thôi.

Tôi trả lời.

– Tôi nghĩ là chỉ có người bị bắt và người chưa bị bắt thôi. Vì sự bắt bớ vẫn diễn ra, năm nay người này, năm sau người khác. Cho nên tôi chờ đợi ở những người như ông câu hỏi – Chừng nào ở Việt Nam không có người viết, người bất đồng chính kiến bị bắt? – Câu hỏi đó tôi nghĩ mới cần thiết.

Ở cuộc gặp này có 3 người Việt Nam được đối thoại với các nghị sĩ, hai trong số 3 người đó là người của nhà nước Việt Nam.

Trong câu hỏi của vị thượng nghị sĩ kia, chắc chắn ông ta có những thông tin về người bị bắt, và chắc chắn ông ta còn có những lý giải của ai đó về việc vì sao có người không bị bắt. Ví dụ người bị bắt là không phải đấu tranh ôn hòa cho nền dân chủ, nhân quyền mà họ đi gây sự, đi phá phách …v.v.. và vân vân.

Những lý giải này từ phía người của nhà nước Việt Nam, đó là chuyện tất nhiên. Nhưng đáng tiếc những lý giải này còn có ở những người đấu tranh chưa bị bắt. Tôi rất buồn khi nhìn báo cáo của họ, tôi vẫn cứ nghĩ rằng báo cáo đó do an ninh mạo danh soạn ra và cách nào đó gửi đến đây, nghĩ thế cho đỡ buồn.

Trở lại câu chuyện người bị bắt và chưa bị bắt. Nói nôm na theo dân chúng, chẳng qua chỉ là chuyện nạc và xương. Bao giờ hết nạc mới vạc đến xương. Những người bị bắt là nạc, những người chưa bị là xương. Đương nhiên người ta cứ chén nạc cái đã, bao giờ hết mới đến bọn xương.

Tôi nằm trong số bọn xương, nhiều khi tôi nghĩ mình chưa bị bắt, không phải là khôn ngoan hơn người bị bắt. Chẳng qua những người bị bắt đã mạnh mẽ quá, và họ đã hứng chịu thay cho mình. Thử hỏi không có họ xem, ôn hòa à, hữu nghị à, chỉ viết lách à…với một chính quyền chuyên chế thì chỉ bóng gió thôi cũng đi tù mút mùa cải tạo như trước đây nhiều người đã bị khi nói vài câu ở hàng nước.

Nhưng hôm nay ở hàng nước nhiều người nói thế không sao. Bởi vì có người viết hẳn bài trên mạng, người viết bài trên mạng không sao, vì có người viết hẳn tên tuổi đích danh quan chức. Và nếu có bắt thì những người viết đích danh như Cù Huy Hà Vũ, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào sẽ bị bắt trước, chẳng bao giờ người ta đi bắt bọn phê phán ôn hòa ở hàng nước vỉa hè trước cả.

Tương tự như thế, những người ở đảng phái sẽ bị bắt trước những người không đảng phái. Khi mà không có người ở đảng phái, tổ chức thì ắt những người đấu tranh không đảng phái vô tù. Lúc đó thì đừng nghĩ mơ đến chuyện tôi không đảng phái gì, tôi độc lập, tôi trong sáng lý tưởng.

Cũng tương tự như thế, người đấu tranh trực tiếp trên đường phố bằng hành động thực tế như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và Bùi Thị Minh Hằng sẽ đương nhiên bị ưu tiên hốt trước tiên.

Cho nên những người chưa bị bắt có đi con đường ôn hòa (con đường không nạc mỡ) thì đừng chê trách những người bị bắt. Vì hiểu thấu đáo nguyên nhân thì họ đã chịu trận cho mình. Chúng ta, những người chưa bị bắt chả khôn ngoan gì hơn họ, nói thẳng chúng ta đang hưởng chút an toàn từ họ.

Nhưng còn chê trách họ, ngầm tạo dư luận bất lợi cho họ trước phiên xử, trước khi cơ quan anh ninh ra quyết định khởi tố. Cung cấp những thông tin về họ thiếu khách quan cho tổ chức báo chí quốc tế, nhân quyền, đại sứ, chính phủ các nước. Để họ bị cô lập trước một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Đó là điều không giản đơn.

Tôi chia sẻ với ông Huỳnh Ngọc Tuấn, là một người đấu tranh nhiều năm, chịu án tù nhiều năm, ông cảm giác cơn giông bão sắp tới với con thuyền gia đình mình là điều tất nhiên. Cảm giác ấy khó nói được thành lời để giãi bày thiên hạ.

Không phải tình cờ, một Hồ Lan Hương ngồi một chỗ, không mấy tiếng tăm, không tham gia các hoạt động. Càng chưa bao giờ gần với Bùi Thị Minh Hằng. Bỗng nhiên một ngày giật status nói Bùi Hằng đi gây sự, và hai hôm sau cơ quan an ninh chuyển từ tạm giữ sang tam giam và khởi tố Bùi Thị Minh Hằng với tội danh chống người thi hành công vụ, một tội danh rất phù hợp với từ “gây sự”.

Chúng ta hãy xem lại đoạn phim Bố Già, khi Mai Cơn vào viện thăm ông, không thấy ai bảo vệ. Mai Cơn đã hiểu đằng sau đó có vấn đề sắp đến với sinh mạng bố mình.

Cũng như Trần Bùi Trung đi đòi bảo vệ mẹ mà không thấy những người trước kia gọi mẹ xưng con, chị chị em em đi theo.

Dù sao ở bài viết này, tôi vẫn muốn nhấn mạnh chuyện vì sao có người bị bắt và chưa bị bắt. Và vì sao những người chưa bị bắt nên cám ơn họ. Chứ không phải là chê trách họ ngu hơn mình.

Đó cũng là lý do vì sao tôi hay bênh vực những người bị bắt bớ giam cầm vì lý tưởng.

Nguồn: FB Người Buôn Gió