vietsoul21

Archive for Tháng Mười Hai, 2012|Monthly archive page

Tiểu Bối – LƯU MANH HÓA TRÍ THỨC

In Cộng Đồng, Liên Kết, Văn Hóa on 2012/12/31 at 11:25

Theo số liệu thống kê cho biết : Cả nước hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học [1] . Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để trở thành nước có nền kinh tế phát triển như : nguồn lao động trẻ, thuận tiện giao thông, có nhiều loại tài nguyên,…. Tuy vậy, nước ta vẫn trong cái vòng luẩn quẩn của nghèo nàn, lạc hậu. Nguyên nhân chính là ở yếu tố con người , do đất nước chúng ta không tôn trọng giá trị con người , không tôn trọng trí thức đích thực. Yếu tố con người chưa được quan tâm thích đáng trong khi nó mới là nhân tố chính cho sự hưng thịnh/ suy yếu của 1 quốc gia. Một xã hội bảo thủ, trọng thành tích, hám danh sĩ diện với bằng cấp thường đi đôi với sự coi thường sự tiến bộ của khoa học , kỹ thuật đương nhiên sẽ tụt hậu. Và Việt Nam đã và đang tụt hậu. Cũng theo số liệu thống kế cho biết các chuyên gia WB tính toán “Việt Nam phải mất rất lâu nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực Đông Nam Á: 158 hoặc cũng có thể là 175 năm với Singapore, 95 năm với Thái Lan và 51 năm với Indonesia.” [2]

Vấn đề đầu tư vào giáo dục luôn quyết định hưng, suy của một quốc gia. Nền giáo dục của Việt Nam và cả xã hội Việt Nam làm nhân tài không có đất dụng võ. Với bằng cấp tràn lan, làm người Việt ảo tưởng về mình. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ, giáo sư mới nhưng nền kinh tế của chúng ta lẹt đẹt. èo uột , đất nước chúng ta lạc hậu. Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản [3] . Và với số lượng hùng hậu GS, TS, Ths, Cử nhân đã nêu trên , Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nhưng hiện vẫn đốt đuốc tìm lao động chuyên gia, thiếu hẳn những công trình khoa học – sáng tạo – sáng chế được ứng dụng vào thưc tiễn cuộc sống… Trong khi nền kinh tế sản xuất vẫn là nhân công giá rẻ, miệt mài với gia công phụ thuộc, công nghệ thì vẫn đang loay hoay ở trình… “sản xuất mì tôm”.

Người Hàn Quốc họ có quyền tự hào vì họ xây dựng được những sản phẩm mang tính thương hiệu quốc tế như : Sam Sung, Huyndai . Người Nhật có thể vỗ ngực tự hào với Sony, Toyota . Sing có quyền hãnh diện về hàng xuất khẩu điện tử của mình ra khắp thế giới,…Hoàn toàn thiếu một sản phẩm Việt sánh ngang tầm các quốc gia khác trên thế giới.

Thực tế này cho thấy, chất xám Việt đang bị lãng phí. Lãng phí từ khâu đào tạo ( đào tạo quá nhiều GS, TS, Ths giả và dỏm) , lãng phí cả khâu sử dựng ( Nhân tài thực sự chưa được tin dùng và sử dụng hợp lý và trọng dụng họ).

Người Việt, trí thức Việt, dân Việt trách móc Xã hội này đôi khi, nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì chính họ chính chúng ta tạo nên Xã hội này. Trí thức Việt nói riêng , dân Việt nói chung nhiều lúc đôi khi có xu hướng, chờ đợi mong mỏi một vị minh quân, 1 vị lãnh đạo tài ba xuất chúng nào đấy xuất hiện để đưa lối dẫn đường họ và lãnh đạo đất nước đang tụt hậu này, nhưng họ quên rằng không ai dẵn dắt và không ai hành động tốt hơn họ tự dẫn dắt mình định hướng cho mình. Đã đến lúc cả dân tộc này và giới trí thức Việt cần nhìn thẳng và nhìn thật vào chính mình, nhìn vào thực tế và tự gánh trách nhiệm cũng như vài trò của mình để tự thoát ra cái vòng luẩn quẩn này chứ không phải một ai đó, 1 vị cứu tinh nào đó hay 1 vị minh quân còn ẩn dật đâu đó.

Nghèo , dốt, thua kém người khác chưa hẳn là cái tội . Cái tội là ở chổ : nghèo, đói , lạc hậu , thua kém người khác nhưng lại không biết, hay biết mà không chiu thừa nhận và tệ hơn là phải phủ nhận mình nghèo bằng mọi giá vì cái sĩ , để rồi không chịu tìm tòi hướng đi, lối thoát cho mình . Và nếu chúng ta không khắc phục được sự yếu kém của đất nước, nạn nhân cũng chính là chúng ta. Chúng ta là nạn nhân của chúng ta.

Bất cứ xã hội nào, trí thức và yếu tố con người mới là yếu tố hàng đầu để đưa đất nước đi lên. Nước Mỹ phồn vinh với giấc mơ Mỹ và là miền đất Hứa của biết bao người trên thế giới, Người Hàn Quốc chấp nhận “ăn mày chất xám” ở phương tây, tinh thần Samurai của Nhật…. Sao không để cho trí thức Việt được tự do trong sáng tạo, tự do trong tư tưởng, tự do trong lựa chọn của mình !? Để họ được cống hiến !?

Ở một góc độ nào đó, có thể nói và khẳng định rằng, đất nước không phát triển được như người ta là vì trí thức Việt chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Và lại ở 1 góc độ nào đó, họ bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt tư duy, tư tưởng, và cả ý thức hệ, họ cũng muốn sống, muốn cống hiến lắm , muốn được hy sinh nhưng ý thức hệ, sự khác biệt trong tư duy và tư tưởng đã làm cho họ không được chọn, và họ bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn của giới trí thức Việt bao đời nay, vòng xoáy của một xã hội mà ngay cả đến trí thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hóa”, ở đó nhân phẩm của trí thức bị người khác chà đạp và tự mình chà đạp lên mà sống ,để rồi họ không kịp nhận ra họ vừa là “nạn nhân” mà còn đồng thời là “thủ phạm” . Họ hành hạ nhau và dẫm đạp lên nhau mà sống:

– Một bác sĩ với mức lương èo uột, 3 đồng 3 cọc , chết đói, anh ta tìm đủ cách làm khó bệnh nhân để được nhận “lót tay”. Nhưng khi anh ta sử dụng các dịch vụ khác, anh ta lại bị làm khó lại.

– Một thương gia ( doanh nhân) vì chạy theo lợi nhuận và tham đồng tiền bất chính không ngại bán rẻ lương tâm mình sản xuất ra những hàng hóa chất lượng kém, độc hại tới sức khỏe của người tiêu dùng, miễn sao lợi nhuận nhiều, xả chất thải độc hại ra môi trường, nhưng rồi chính anh ta hủy hoại môi trường chung anh ta đang sống trong đó và sẽ ra sao nếu anh ta mua phải những sản phẩm độc hại khác do người khác cũng vì tham lam mà sản xuất ra như anh ta.

– Từ Vụ sập cầu Cần Thơ, cho đến sập cầu cống, hàng loạt công trình thủy điện quốc gia công trình dân sự khác,.. những kỹ sư làm việc trên công trình đó đã làm hại hoặc tiếp tay cho người khác làm hại rất nhiều người. Sẽ ra sao nếu như những kỹ sư này đứng dưới công trình của chính họ thiết kế và xây dựng .

– Một nền giáo dục thay vì dạy con người ta cách học, nó chỉ dạy con người ta cách tin và phải đặt niềm tin vào đấy, kết quả tạo ra khg phải 1 thế hệ mà nhiều thế hệ cứ bắt thế hệ nối tiếp sau cứ tiếp tục đặt niềm tin. Bởi lẽ thế hệ này tiếp tục “dẫn dắt” ( chăn dắt!?) thế hệ kia.

– Một công chức, phải bỏ ra 1 khoản tiền lớn để mua chạy chức, hối lộ cho người này, cho cơ quan kia để có cái ghế, cái chức. Khi có cái ghế, cái chức rồi lại quay lưng ra cướp phá, cướp bóc , hạch sách nhũng nhiều người khác để lấy lại những thứ mà mình từng bỏ ra . Và xem điều đó là lẽ đương nhiên và cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn !

– Một nhà báo, nhà văn, người cầm bút vì lợi ích cá nhân riêng, có thể nhẫn tâm bẻ cong ngoài bút, viết láo và viết liều để nhận được những đồng tiền bẩn tưởng chừng như chỉ làm tổn hại tới người đọc nói riêng và nền văn báo chí văn hóa nước nhà nói chung nhưng anh ta cũng đang tự biến mình thành trò bỉ ổi và lố bịch trong mắt người đọc, vì người đọc bây giờ đủ thông minh để nhận biết đâu đúng , đâu sai. Bởi trước khi hốt bùn để ném vào mặt người khác, thì bàn tay anh ta cũng đã lấm bùn trước rồi….

Và cứ thế , mỗi người trong xã hội cứ tự hại mình và hại người khác. Có thể nói trí thức Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung vừa tự hại mình và hại người , nạn nhân của nhau, nạn nhân của định hướng xã hội, nạn nhân của sự lãnh đạo và dẫn dắt tồi tệ .

Trong một xã hội, khi “sự thật” bị bóp méo, bị bẻ cong Trí thức Việt từ chổ ” người sáng” cũng trở thành “người mù” , người thẳng cũng thành “còng lưng” . Hoặc im lặng, cúi đầu chấp nhận để mà sống yên ổn thay vì cất tiếng nói phản kháng rồi bị vùi dập.

Với mức giá, mức lương hiện tại , Xã hội còn nhiều trí thức không sống được vói mức lương thực của mình. Người lao động trí thức bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Đây chính là một trong những lý do làm nên sự tha hóa, biến chất của giới lao động trí thức, thay vì đầu tư vào nghiên cứu , nâng cao chuyên môn tay nghề ,phát minh ra cái này, khám phá ra cái kia họ lao đầu vào kiếm tiền kiếm sống, làm sao phải sống được cái đã. Chính điều này dẫn họ tới kết quả làm nhiều việc trái nghề, trái lương tâm, trái đạo đức xã hội…

Mua quan, bán chức, mua vị trí công tác diễn ra đều đặn trong giới lao động trí thức trong Xã hội để rồi khi lên nắm quyền thì Vua quan thi nhau chia chác, nhũng nhĩu, quan liêu, thằng lên sau thì dốt hơn nhưng lưu manh, khốn nạn hơn thằng trước. Khốn khổ cho một xã hội !

Chưa dừng lại ở đó ,Giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị bần cùng hóa hay tự bần cùng hóa cả về tư duy đời sống tinh thần khác. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến : những người, lẽ ra , phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Hoặc học nhiều đọc nhiều, có bằng này bằng nọ chỉ để tự hào, để khoe khoang, để lên lớp nhau, để mơn trớn nhau vì cái tính sĩ diện hảo. Và cách người Nga đáp trả: Mày giỏi (giáo dục cao, học giỏi …) sao mày không giàu (sao mày không thể bán chút kiến thức để kiếm tí tiền tiêu cho sang trọng). Có lẽ câu nói đó hơi sống sượng. Nó hơi chợ búa. Nhưng nó chỉ ra một thứ rất đáng nghĩ rằng: nếu như kiến thức của bạn không mang lại giá trị cho chính bản thân bạn thì bạn cần kiến thức đó làm gì. Để trang trí hả? Để khoe mẽ hả? Nói thẳng ra, nó hơi chợ búa, nhưng đấy là cách nghĩ của một con buôn chứ không phải 1 trí thức.

Mặt khác , một số đông trí thức và tự nhận mình là trí thức lại cố định , cột chặt và để người khác cột, trói chặt tư duy và suy nghĩ của mình bằng những định kiến có sẵn, những quan điểm tâm lý đám đông và những quy luật bất thành văn khác về tư duy và quan điểm của họ . Điều này dẫn đến họ không tự do tư duy, không có tính bức phá không có khả năng phán xét đâu đúng đâu sai , họ chỉ biết nghe, biết chấp nhận những điều từ người khác mớm cho, từ trên đưa xuống không cần phán xét coi nó đúng hay sai, lợi hại ra sao. Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Họ đã dùng cái sai này để ngụy biện bao che, phủ lấp cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn, khoa học đã không được lựa chọn.

Chính sự bần cùng và tự bần cùng hóa về tư duy, đạo đức và tinh thần, đời sống, trí tuệ đã khiến cho trí thức Việt Nam bị tha hóa nhiều mặt, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Để tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật ! Chính vì thế nhiều người còn chút lương tri họ chấp nhận cắn răng chiệu đựng và thõa hiệp với cái ác và cái xấu để yên ổn mà sống.

Họ dối trá, tiếp tay cho sự dối trá, họ lừa lọc, tiếp tay cho sự lừa lọc, họ sĩ diện và tiếp tay cho sự sĩ diện. Tất cả nó làm nên dung mạo của nền trí thức bị “lưu manh hóa”.

Đất nước này đã phải trả cái giá quá đắt cho tệ nạn “lưu manh hóa trí thức” này rồi, bây giờ đã đến lúc chúng ta phải biết tự đứng dậy, dám nhìn thẳng, nhìn thật vào sự thật, nhìn vào thực tế,… tự bản thân mình thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, đừng tự hại mình và hại người nữa.

[1] Số liệu Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đưa ra.
[2] Tính toán của các chuyên gia dựa trên báo cáo của WB năm 2007
[3]Theo TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc Gia.

OH, 30/12/2012

Nguồn: FB Tiểu Bối

Đông Hải Long Vương: ĐCSVN đã lâm trọng bệnh – Quá trình chuyển dạ của dân tộc chăng ?

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/12/31 at 11:10

Vào sáng ngày mồng 5/6/2012, sau đúng 1 năm nổ ra phong trào biểu tình yêu nước tại Hà Nội và Sài Gòn, tại Hà Nội có khoảng 30 anh chị em đã tụ tập giao lưu, hàn huyên tại một quán cafe cạnh tượng đài cảm tử. Phần lớn những người đã từng đi biểu tình có cuộc sống rất bình thường. Tuy ở các môi trường, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có một đặc điểm chung là cùng thao thức đến tiền đồ của dân tộc trong khi ở thời điểm đó (2011) trở về trước chính quyền cố tình bưng bít thông tin về biển đảo, biên giới, lãnh thổ và tìm mọi cách ngăn chặn, tiêu diệt các cuộc biểu tình cũng như sự gắn kết của họ sau biểu tình.

Trong một khung cảnh trái ngược cũng vào sáng hôm đó, nghe giang hồ đồn đại tại một buổi sinh hoạt đảng bộ X của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) (*) trong cơ quan Y trên địa bàn Z, đồng chí báo cáo viên cấp trên đã phát biểu công khai “Đảng đã lâm trọng bệnh” và thú nhận “đây là lúc chúng ta phải nói thật với nhau“.


Một số anh chị em từng tham gia biểu tình chụp ảnh lưu niệm. Ảnh : Facebook.com

Nếu quả thật “Đảng đã lâm trọng bệnh” thì xưa nay những tâm thư, tố cáo, kiến nghị của những trí thức và cựu cán bộ/tướng lãnh của chế độ từng gửi Ban Bí Thư, BCT mong muốn ĐCSVN phải chỉnh đốn đề tồn tại nhằm giúp dân, giúp nước coi như nước đổ lá khoai. Cách đây 2 năm, cũng trên tinh thần “ăn cây nào rào cây ấy“, tuy chỉ là thân phận bọt bèo của người công nhân cũng muốn cho đảng của mình tồn tại nên tôi cũng mạo muội viết vài dòng cho tổ chức đảng cơ sở:

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (đảng viên tự diễn biến)

Thiết nghĩ bao năm qua những góp ý của những tên tuổi lớn như đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố trung tướng Trần Độ, rồi gần đây là cựu thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và nhiều cựu tướng lãnh/cán bộ trung-cao cấp khác chẳng có tác động gì đối với những kẻ cầm quyền, thao túng trong Quốc Hội, Chính Phủ, ĐCSVN (3 trong 1) thì những tiếng nói đơn lẻ trong số 3,6 triệu đảng viên của ĐCSVN, các nhân sĩ-trí thức độc lập, Hội-Đoàn-Đảng trái luật CHXHCNVN và nhân dân nói chung chỉ là rơm rác, cỏ dại mà thôi.

Lúc này tôi nghĩ toàn ĐCSVN, toàn dân, toàn quân không nên mất thời gian và làm khổ nhau vào những việc hô hào kêu gọi chỉnh đốn Đảng, học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM, chống tham nhũng nhằm củng cố suốt đời quyền lãnh đạo của ĐCSVN mà sâu xa và bản chất phũ phàng để giữ độc quyền thao túng quyền lợi, vận mệnh dân tộc của chỉ một vài kẻ/nhóm thiểu số chóp bu cậy mình công thần nhưng đầy bảo thủ và lạc hậu.

Và lúc này tôi nghĩ người Việt (ngoài ĐCSVN) quan tâm đến chính trị không nên phân biệt, đố kị, hận thù, nghi ngờ giữa đại bộ phận đảng viên thường với nhân dân Việt Nam. Những người đảng viên này cũng bị đè nén, lừa đảo, nhồi sọ không khác gì dân thường. Thân phận của họ còn khốn khố hơn vì họ phải cam chịu mà không dám nói lên lời, họ rất sợ viết blog, phát biểu công khai, viết thư ngỏ/kiến nghị dễ bị kiểm điểm cao hơn là quy chụp phản Đảng, nâng cao quan điểm là phản Quốc vào những tội danh rất mơ hồ của luật pháp nước CHXHCNVN.

Nhưng lúc này tôi nghĩ đến những trí thức lớn; các nhà quản lý kinh tế, luật sư tài ba, giáo dục vĩ mô, quí vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo… đặc biệt là những sỹ quan trung-cao cấp trong quân đội ở các quân khu-binh chủng có lòng yêu nước nồng nàn, có một tư tưởng mong muốn nước Việt Nam hùng mạnh, ước mơ cải thiệt chất lượng sống của người dân cả về vật chất và tinh thần, cổ súy văn hóa cộng đồng Việt Nam được bảo tồn và phát triển rực rỡ hãy nghĩ đến vấn đề mấu chốt, dài hơi nhằm tác động ĐCSVN dần dần rời khỏi vũ đài chính trị với những công lao hiển hách chấn động địa cầu và cả những chấn thương gây ra cho dân tộc Việt Nam kể từ khi Nó ra đời năm 1930. Hi vọng một ngày nào đó những người đại diện này sẽ đứng trong một Quốc Hội mới với một bản Hiếp Pháp mới của một nước Việt Nam mới. Thiết tưởng chỉ riêng việc ĐCSVN dám bản lãnh rời khỏi vũ đài lịch sử thì đó sẽ là công trạng cực lớn và cũng là cuối cùng, tôi tin rằng nhân dân sẽ hồ hởi và trân trọng đón nhận.

ĐCSVN đã lâm trọng bệnh thì những vấn đề thuốc thang, chữa chạy chỉ nhằm câu giờ, kéo dài tuổi thọ mà thôi!

Nếu tinh tế chúng ta sẽ nhận thấy những biện pháp bắt bớ, gây khó dễ những người cất lên tiếng nói đấu tranh vì bất công trong xã hội, dùng kỹ thuật ngăn chặn người dân tiếp cận thông tin trên Internet, dùng chế tài ràng buộc trong nội bộ Đảng, gây nhiễu sóng trên hệ thống truyền thông bằng những tin tức sex-cướp-hiếp-chém gió, ru ngủ thanh niên bằng lối sống hưởng thụ với những chương trình giải trí rầm rộ như VietNam I-ỐT, got talent, thi hoa hậu-người mẫu…chỉ là những biện pháp xoa dịu tình thế cho một cơn chuyển dạ lớn của dân tộc.


Mẹ sẽ tròn con sẽ vuông nếu sản phụ được sự quan tâm tận tình của người thân và các bác sỹ. Ảnh : webtretho.com

Không biết thời gian chuyển dạ của dân tộc sẽ diễn ra vào lúc nào và trong bao lâu? Nhưng trước hay sau thì tôi vẫn chỉ là 1 người dân, 1 người lao động kiếm sống bình thường, tôi không và không thể có khả năng can dự vào những chuyển biến chính trị. Có chăng trong tôi giống như bao người khác chỉ là một tinh thần dân tộc mạnh mẽ được hun đúc qua gia đình, dòng họ và tổ tiên đã sống bao đời trên mảnh đất hình chữ S này. Tôi hi vọng và chân thành mong muốn cuộc chuyển dạ của dân tộc sẽ diễn ra êm thấm, tránh biến động lớn cả về đối ngoại lẫn đối nội cho dù ít nhiều sẽ mang lại nỗi buồn, hoài niệm cho thiểu số ai đó nhất là những thành phần cựu chiến binh/lão thành cách mạng đã từng nắm quyền bính trong tay trong một giai đoạn nhất định của biến động lịch sử đầy hào hùng nhưng cũng chứa chan nước mắt.

Cuộc chuyện dạ này cần phải có và tất yếu phải đến để dân tộc Việt Nam đứng dậy bước tới văn minh!

Tôi không mong muốn quá trình chuyển dạ sẽ gây ra cảnh nồi da xáo thịt, đẫm máu, cũng như tạo cơ hội cho những kẻ bất tài nhưng lắm tiền nhiều của do ăn cướp của nhân dân, suy nghĩ cục bộ địa phương nhảy lên cướp cái rồi lại sinh ra một vòng luẩn quẩn mới. Trong trường hợp xấu nhất đối với những kẻ chóp bu cầm quyền ngoan cố đi ngược lại trào lưu tiến bộ, nếu các anh em trong quân đội, công an cảm thấy khó xử vì lý do nào đó (tình nghĩa/quan hệ/tránh mang tiếng) thì đến lúc đó hãy bật đèn xanh và phát súng cho những người theo chủ nghĩa dân tộc, cấp khích như tôi sẵn sàng thế chấp mạng sống của mình để “Thế Thiên Hành Đạo“.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích 2 nội dung ngắn là Thập Đại Khoái & Lục Đại Nguyện trong tác phẩm Tân Việt Nam của cụ Phan Bội Châu viết cách đây trên 100 năm. Hi vọng những đảng viên của ĐCSVN còn chút lương tri, tình tự dân tộc nhưng đang còn do dự, e dè hãy can đảm từng bước dấn thân nhập cuộc.

Di ảnh cụ Phan Bội Châu (danlambao)

THẬP ĐẠI KHOÁI

– Không có cường quốc bảo hộ
– Không có bọn quan lại hại dân
– Không có người dân nào không được thỏa nguyện
– Không có người lính nào không được vinh dự
– Không có thuế xâu nào mà không bình đẳng
– Không có hình luật nào mà không công bằng
– Không có nền giáo dục nào là không hoàn thiện
– Không có nguồn địa lợi nào là không khai phá
– Không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt
– Không có ngành thương nghiệp nào là không thịnh lợi

LỤC ĐẠI NGUYỆN

– Xin mọi người trong nước đều có chí tiến thủ mạo hiểm
– Xin mọi người trong nước đều có tinh thần thương mến, tin yêu nhau
– Xin mọi người trong nước đều có tư tưởng bước lên nền văn minh
– Xin mọi người trong nước đều có sự nghiệp thực hành yêu nước
– Xin mọi người trong nước đều có sự nghiệp thực hành công đức
– Xin mọi người trong nước đều có hy vọng về danh dự lợi ích

(*) Trong bài viết này nói riêng và blog nói chung rất hay có cụm từ viết tắt ĐCSVN, thay vì viết tắt là Đảng vì tôi muốn người đọc hiểu rằng ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay đang hoạt động đã từng có và sẽ có những đảng phái khác xuất hiện trên vũ đài chính trị, lịch sử.

Nguồn:  donghailongvuong

Người Buôn Gió – Chuyện bên lề về Lê Quốc Quân

In Liên Kết, Tôn giáo (Religion), Tạp văn on 2012/12/28 at 10:34

Khi ai đó đụng chạm đến một vị chức sắc Công Giáo, thế nào cũng có giáo dân nổi giận. Dù có trưng ra bằng chứng dấu đỏ, chữ ký không thể bác bỏ đó là văn bản giả mạo, thì những người Công Giáo sẽ vẫn bênh vực cho chức sắc của mình rằng –  Các Đấng có đường lối riêng, không thể đem suy luận thấp hèn mà đánh giá các Đấng được.

Lê Quốc Quân cũng là một giáo dân như vậy. Lần trước khi ĐC Nguyễn Văn Nhơn còn trong Đà Lạt, mình nói với Quân đợt tới ĐC Nhơn sẽ ra Hà Nội là phó tổng Giám Mục Hà Nội quyền kế vị. Quân bảo mình nói láo,châm chọc chuyện Giáo Hội, biết gì mà xen vào. Lúc ĐC Nguyễn Văn Nhơn ra một thời gian, mình lại nói 15 ngày nữa ĐC Nhơn sẽ thay thế Đức Cha Ngô Quang Kiệt, không chỉ có thế mà ở trong Vinh Giám Mục Cao Đình Thuyên sẽ nghỉ hưu để Linh Mục Nguyễn Thái Hợp ra Vinh làm Giám Mục Lần nầy thì Quân nổi nóng thực sự, đến mức chửi thề và doạ giết mình vì phao tin đồn nhảm.

Nhưng 15 ngày sau, mãi đến 6 giờ chiều, tin chính thức từ toá thánh Vatican thông báo. Hôm sau Quân gặp mình, bắt tay và khóc.

Rút kinh nghiệm từ Quân,cho nên bài viết này, mình sẽ không đưa nhận xét của mình về các Đấng Bậc chức sắc Công Giáo, mà chỉ kể lại một số sự việc. Qua đó bạn đọc tự đánh giá.

Từ khi ĐC Phao Lô Nguyễn Thái Hợp về nắm quyền Giám Mục ở giáo phận Vinh, lúc đó ngọn lửa Tam Toà vẫn còn hừng hực bỗng dịu dần xuống. Một số Linh Mục kiên quyết được điều chuyển đi xứ khác xa xôi hơn, đặc biệt những Linh Mục này vốn trông coi những giáo xứ gần nhau thường qua lại xứ của nhau, nay người vào Hà Tĩnh, người lên giáp Lào cách xa nhau hàng trăm cây số.

Đức Cha Phao Lô Cao Đình Thuyên về hưu bởi đã quá tuổi, đó là việc bình thường. Việc điều chuyển Linh Mục đi các xứ cũng là chuyện bình thường trong giáo hội Công Giáo. Khách quan thì việc thay thế, điều chuyển là vẫn xẩy ra. Cho nên nhìn nhận việc ĐC Hợp về thay và thực hiện việc điều chuyển Linh Mục không có gì là lạ.

Một người phụ nữ nấu bếp ở toà Giám Mục Xã Đoài thời Đức Cha Cao Đình Thuyên bị bắt tù vì tội trải truyền đơn cho cha Tadeo Nguyễn Văn Lý mở màn cho một loạt các cuộc bắt bớ giáo dân khác xẩy ra trên giáo phận Vinh hồi năm ngoái. Người phụ nữ này từng có mặt ở Tam Toà và chịu đánh đập bởi một đám đông ” quần chúng tự phát ”, sau đó công an Quảng Bình bắt vài ngày vì tội ” gây rối trật tự công cộng ”. Người phụ nữ này bị bắt sau khi ĐC Nguyễn Thái Hợp về quản Xã Đoài, bà ta không còn ở trong nhà bếp nữa. Hình như tên chị là Thuỷ, phó chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ Tam Toà.?

Một điều tối kỵ của cơ quan an ninh là hạn chế bắt người Công Giáo tại khu vực đông giáo dân, trong ngày lễ Trọng. Thế nhưng tại Vinh, một giáo phận có hàng nửa triệu giáo dân, trong những giáo xứ toàn tòng thì những cuộc bắt bớ diễn ra không cần phải né tránh điều tối kỵ ấy. Ngay chiều ngày 24 tháng 12 năm 2011, Phero Nguyễn Đình Cương , một thanh niên Công Giáo bị bắt ngay tại giáo xứ Yên Đại của mình, trong một nhà người bạn hàng xóm.

Tới đây cuộc xét xử của mười mấy thanh niên Công Giáo sẽ diễn ra tại thành phố Vinh, như đã nói, nơi có hàng trăm nghìn người Công Giáo sinh sống. Phiên toà này do tính chất thụ lý vụ án, không nhất thiết phải xử ở Vinh. Nó có thể được xử ở Hà Nội nơi mà các bị cáo đang bị giam giữ suốt từ khi bắt đến giờ. Nhưng nhà cầm quyền không hề e ngại sức nóng  của các vụ Tam Toà, Con Cuông ( xảy ra khi ĐC Nguyễn Thái Hợp ở nước ngoài ) khiến phiên toà căng thẳng.? Một điều thật lạ. !!! khi chọn Vinh làm nơi mở phiên toà, lý do đa số bị cáo là người Vinh chỉ là một phần.

Trở lại vụ Con Cuông, khi tình hình rất căng thẳng thì ĐC Nguyễn Thái Hợp về nước. Nguyên văn trong một bản báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An gửi Thủ Tướng Chính Phủ có đoạn.

– Từ khi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp về nước ( 3h sáng ngày 14/7/2012 ) thì giáo hội có sự thay đổi về phương thức. Bớt trực diện, cực đoan, từ bỏ ý định diễu hành tại thành phố Vinh, bao vây trụ sở tỉnh uỷ, UBND tỉnh, phong toả đường quốc lộ 1A.

Nhìn nhận dưới quan điểm một người kính Chúa yêu nước, sống Phúc Âm trong lòng dân tộc, tốt Đời đẹp Đạo… thì hẳn nhiên phải thấy ĐC Phaolo Nguyễn Thái Hợp Giám Mục giáo phận Vinh, chủ tịch Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình của HĐGM Việt Nam là một người có tâm nguyện muốn một giáo phận Vinh yên bình dưới những tiêu chí ấy.

ĐC Nguyễn Thái Hợp có một quá khứ phi thường, thân phụ bị sát hại, lúc 9 tuổi ĐC Hợp vác di hài thân phụ băng sông vào Nam. Sau này làm Linh Mục, ĐC theo một trường phái gọi là thần học giải phóng, sau này theo dòng Đa Minh. Khi ĐC đi sang Nam Mỹ ngài mang hộ chiếu VNDCCH, sau ngày 30/4 vì nặng lòng với quê hương, ngài đổi hộ chiếu CHXHCNVN với mong muốn sau này về nước mục vụ cho giáo hội Việt Nam. ĐC từng đi nhiều nơi trên thế giới như Thuỵ Sĩ , Liên Xô để học hỏi nghiên cứu về triết học.Sau nhiều khó khăn, cuối cùng ĐC cũng được về nước cho đến ngày nhận mũ, gậy làm Giám Mục tai quê hương ngài là giáo phận Vinh.

ĐC là người uyên thâm, viết nhiều sách. ĐC có cái nhìn xéo rất nhanh nhẹn mà hiếm có Linh Mục nào có, đừng nói là Giám Mục.

Giuse Lê Quốc Quân, người con của giáo dân của giáo phận Vinh, sinh sống tại Hà Nội. Giuse Lê Quốc Quân là thành viên trong Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình mà ĐC Nguyễn Thái Hợp làm chủ tịch. Một người như Quân thì không ai lạ gì quan điểm của anh ta, và cũng không ai lạ gì quan điểm của nhà cầm quyền đối với anh ta. Thế nhưng ĐC Nguyễn Thái Hợp vẫn nhận anh ta vào làm thành viên  UBCLHB của Giáo Hội. Lạ lùng, nhiều người cho rằng ĐC Nguyễn Thái Hợp có những quan điểm đổi mới, là ” ẩn số ”, là Đấng có những bước đi ” rất riêng ”….

Uỷ ban Công Lý Hoà Bình và Uỷ Ban Đoàn Kết Công Giáo đều là những tổ chức tôn giáo hoạt động được Đảng và Nhà Nước, Chính Phủ CHXHCN VN đồng ý.

Một thời gian sau, ĐC Nguyễn Thái Hợp gợi ý cho Quân nên ra khỏi UBCLHB. Có lẽ ĐC thấy Quân không thể gò mình đi theo con đường của UBCLHB mà ngài đang hướng tới. Giuse Lê Quốc Quân âm thầm từ giã UBCLHB không hề có một lời phân bua, tính nó là vậy ( sở dĩ tôi gọi Quân là ”nó” bởi tình cảm thân thiết giữa chúng tôi với nhau ) Quân có thể chết chứ không bao giờ nói một lời không hay về Giáo Hội hay các Đấng Bậc.

Một Đạo mà có tín đồ như thế, thật đáng kính trọng nền tảng luân lý của Đạo ấy.

Trong khoảng thời gian đó, Giuse Lê Quốc Quân cũng thôi làm thành viên ban liên lạc nhóm Doanh Trí Công Giáo tại Hà Nội, cũng bởi một lý do rất riêng.

Mình nói với Quân về sự vô hiệu hoá, cô lập, phân hoá, biện pháp ngăn chặn, cơ sở, đặc tình, đấu tranh đối tượng..về LLBM, về MLBM, về những nhân tố tích cực trong giáo hội, những linh mục tu sĩ tiến bộ..diễn giải từng thứ theo cách mà mình hiểu, nêu ví dụ điển hình cho Quân nghe. Tất cả để muốn nói với nó rằng –  Mày chuẩn bị tinh thần đi.

Có lẽ Quân cũng có chuẩn bị tinh thần cho ngày bị bắt, nhưng tính nó mình biết, ít nhiều vẫn có chút hồn nhiên, ngây thơ và hy vọng vào điều gì đó, nên chắc còn nhiều thứ không kỹ, không làm xong, chẳng hạn như vấn đề về con cái học hành, người trông nom uỷ thác công việc dở dang…

Quân nói.

– Tôi không sợ tù, tôi biết nếu tôi có tù vì bất cứ lý do gì, đó đều là sự trả giá cho lý tưởng mà tôi theo đuổi.

Đó là câu chuyện của tuần trước, còn của tháng trước là Quân hỏi mình về làm với nó để có ít tiền tiêu Tết, mình nói.

– Đm tôi làm thế nào được cho ông, tính tôi hay văng tục chửi bậy, nhìn như thằng xe ôm. Ông thì kính trắng thư sinh. Làm cho ông, lúc nào ngứa mắt tôi chửi ông thì ra đ gì, nhân viên lại chửi sếp.

Lúc đó Quân lái xe ô tô, mình quần đùi, đầu trọc ngồi khoanh chân trên ghế. Đến đoạn tắc đường, người đi đường cứ nhìn vào xe với ánh mắt ngạc nhiên. Chắc họ không hiểu một thằng thư sinh, kính trắng, hiền lành sơ mi, cà vạt cầm vô lăng và thằng đen đúa, mặt mùi sần sùi, quần đùi ngồi khệnh khạng bên cạnh sao lại đi với nhau.?

Biết đâu tới đây, chúng tôi lại đi cùng nhau trong đoạn đường phía trước. Chuyện thường mà, như tôi đã nói rồi – tất cả chúng ta đều trong rọ.

Thôi có bài hát yêu thích này, tặng bạn Lê Quốc Quân, tôi biết ông có thể khác tôi nhiều điều, nhưng chúng ta đều là những đứa con luôn nghĩ về Mẹ mình và nhiều người thân khác nữa.

http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=EYGn-NJy5D

Người Buôn Gió

Phó thường dân (16): Mít tờ Đàm và “Bác Hồ”

In Chính trị (Politics), Lịch Sử on 2012/12/07 at 17:21

Hổm rày phó thường dân tui nghe rất nhiều chuyện nổi tiếng, lừng danh. Từ chuyện “nhà giáo ưu tú” Nguyễn Thiện Nhân[1] sang chuyện Mít tờ Đàm khóa môi[2] thầy tu đến cái danh xưng “Bác Hồ”. Hổng biết bà con cô bác nghĩ sao chứ tui thấy nó cũng hao hao một rặc với nhau. Toàn là danh với tiếng! Hổng biết là cái giống gì?

Danh tiếng – Danh dự (Fame – Honor)

Danh (tiếng) có thể mua được. Mà lại rất dễ mua trong thời đại a còng à nhen. Một ý tưởng trên facebook, một câu twitter, một đoạn phim trên youtube đều có thể làm một người được nổi danh. Mít tờ Đàm khóa môi, Ngọc Trinh lộ hàng, mợ Doan “dân chủ Việt Nam … cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản”, cậu (vô) Phước “đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII” vì “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh”, chàng Thăng xe “chính chủ”. Tất cả đều nổi tiếng.

Mít tờ Đàm hôn môi nhà sư (ảnh: internet)

Danh (dự) thì ngược lại rất dễ mất mà không mua được. Có dzậy nên ông bà mình mới nói “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Muốn bảo tồn danh dự thì nhiều lúc phải trả giá bằng mạng sống hoặc tù đày lưu vong.

Danh dự của nhà thơ Hữu Loan tự bỏ bút về quê thồ đá không sống chung với các đồng chí vô nhân.

Danh dự của nhà thơ Lê Đạt không muốn “đem bục công an đặt giữa trái tim người” bị lên án tù đày.

Danh dự của luật gia Nguyễn Mạnh Tường không chấp nhận luật lệ rừng rú “thà chết 10 người oan còn hơn để sót một địch” giết người vô tội vạ trong cải cách ruộng đất nên trở thành “kẻ mất phép thông công[3].

Danh dự của triết gia Trần Đức Thảo nói lên sự thật qua bài “Nội dung xã hội và hình thức tự do” và “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ” với kết cuộc bi thảm là bị đưa đi lao động cải tạo chăn bò làm lữ hành đơn độc đến cuối đời.

Danh dự của nhà văn Dương Thu Hương tự nhận “răng đen, váy đúp”, “làm giặc” sổ toẹt vào mặt cái dối trá của đảng csvn cũng đã bị hăm dọa “Chị sẽ được nghiền ra tương ớt!” qua những tháng tù đày năm 1991[4].

Danh dự của những công dân Nguyễn Văn Hải, Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, Phạm Thanh Nghiên muốn được tự do yêu nước, tự do ngôn luận phải chịu tù đày.

Còn những người bán danh dự đổi lấy danh tiếng là ai?

Có lẽ gần gũi, dễ thấy nhứt là Mít tờ Đàm và “Bác Hồ”. Mít tờ Đàm thì mới sương sương văn nghệ văn gừng mà thôi. Còn “Bác Hồ” là cao thủ võ lâm thượng thừa hơn cả Nhạc Bất Quần[5].

Một người dân thuộc địa xin vào học và làm việc cho thực dân Pháp không được nên phải ra đi tìm đường cứu đói. Sang tới Phú Lang Sa ông lân cận với các nhà đấu tranh giải thực để học đòi nhưng rủi thay ăn phải bả cộng sản. Thế là ông tự nguyện nhắm mắt làm tay sai cho chủ thuyết đại đồng, trên “đỉnh cao muôn trượng” đẩy trăm vạn thanh niên nam nữ làm mồi chiến tranh bảo vệ thành trì cách mạng vô sản, “lấy thân chèn pháo” che chắn phên dậu cho thằng láng giềng môi hở răng lạnh.

Giờ thì tài liệu lịch sử được giải mã ngoài ý muốn và ông bị lộ hàng.

Nào là tự vơ “Bản án chế độ thực dân Pháp[6] của các nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, rồi đạo chích “Ngục trung nhật ký[7] của bạn tù quá vãng, và luôn cả thổi ống đu đủ trong tự truyện “Vừa đi đường vừa kể chuyện” đánh bóng thân thế cá nhân.

Phó thường dân tui nói thiệt nghe. Tui thấy ông bây giờ nổi tiếng hơn xưa vì cũng có số má không thua gì giang hồ phố cảng hay anh chị bến bãi. Thời đó mà ông máu me quá mạng.

Ông sẵn sàng bán thí đồng bạn đồng hương tranh giành ảnh hưởng, sẵn sàng ám sát thanh trừng các lãnh đạo, chí sĩ, nhân hào[8] để độc tôn lãnh đạo, sẵn sàng ngoảnh mặt làm ngơ như người dưng kẻ lạ khi người cưu mang bị hoạn nạn do chính mình gây ra, sẵn sàng làm ngơ trước cái chết không nhắm mắt của bà Nông Thị Xuân người đã từng cận kề chăn gối, sẵn sàng để con ruột làm đứa mồ côi, sẵn sàng để thuộc hạ ký công hàm bán nước[9] để nhận viện trợ vũ khí làm con tốt đỡ đạn cho mẫu quốc Tàu phù.

Hồ Chí Minh và “vợ” Bà Nông Thị Xuân (nguồn: Bút Sử, “Những người đàn bà của HCM và mẹ của Nông Đức Mạnh là ai?”, 30/4/2009)

Hồ Chí Minh là một người từng trải, lăn lộn xứ người, chung đụng nhiều tầng lớp và học đủ mánh khóe để trở thành nổi danh. Ông ta không bao giờ trực tiếp nhúng tay và luôn phủi tay với tất cả mọi trách nhiệm, đổ lỗi cho thuộc hạ và cả thằng cơ chế. Ông là người dối mình thượng thừa, một tổ sư lừa lọc. Tất cả dối trá, lừa bịp đều được dùng để bảo vệ thương hiệu vị thánh tu “Bác Hồ”.

Nhưng kẻ giả hình có thể nào dấu mãi cái chân tướng thật của họ đến ngàn đời hông? Có những lúc nào đó bất chợt không kiểm soát được cái ngã (ngạo) mạn thật một trăm phần trăm sẽ vượt mặt và đánh rớt cái mặt nạ nho nhã tinh tường.

Nhà văn Phạm Thị Hoài vừa mới phân tích rất thuyết phục về danh xưng “Bác Hồ”[10] cho Hồ Chí Minh trên góc nhìn ngôn ngữ học, xã hội học và dân tộc học. Nhưng dù các luận điểm có tính khoa học chuẩn xác đến đâu chăng nữa nó vẫn trở thành sai hoàn toàn một khi tiền đề đã sai (hay đúng hơn là giả dối).

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt lừa dối vô tâm vì vận háo danh khiến một người nổi danh (tiếng) Hồ Chí Minh đã đánh mất danh (dự) chính ông.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt cái bệnh dịch lan nhiễm từ cá nhân ông Hồ Chí Minh cho đến đảng và các đồng chí tín đồ của ông.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của đảng csvn toàn là những dối trá và lừa đảo, bạo lực và áp bức, độc tài và (nội) thực dân[11]. Lừa đảo đổi cách mạng dân tộc thành cách mạng vô sản. Tráo trở biến chính phủ liên hiệp (các đảng phái) thành chú phỉnh cộng sản búa liềm Mác-Lê. Cướp đất với cái mửng “cải cách ruộng đất”, cướp tài sản bằng chiêu “cải tạo thương nghiệp” hay “đánh tư bản mại sản”, và vẫn tiếp tục lập lại trò cướp đất, cướp của bằng quy hoạch và trưng thu đất đai cho cái gọi là “phát triển” với cú lừa khủng “sở hữu toàn dân”.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của đảng csvn đã xỏ mũi, xách tai những “con” người làm phận nô đòi, làm văn nô tuyên truyền nghị quyết. Có cái chi để ai lại ngạc nhiên khi (phèng la) Đông La và Quý Thanh lại tiếp tục chiến sĩ thi đua vẩy mực, vấy máu vào Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Quang A và Nguyễn Thị Từ Huy.

Mèng đéc ơi bầy đàn văn nô quá xấu hổ sượng mặt nên quay đầu thóa mạ người khác là “trí thức bầy đàn”[12] cho đỡ nhục. Với phó thường dân tui thì chỉ mỗi thái độ lên tiếng bảo vệ con trẻ khỏi “tan đàn xẻ nghé” dưới nanh vuốt của sài lang hổ báo thì tui thấy họ có cái danh dự con người rồi.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của đảng csvn vẫn tiếp tục cho ra lò những con vẹt biết nói và những con cáo con hồ.

Nguyễn Tấn Dũng nổi tiếng với câu nói “Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay” nhưng lại đăng đàn “Tôi cũng không từ chối bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước quyết định phân công, giao phó cho tôi. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như tôi đã làm trong suốt 51 năm qua”.

Trương Tấn Sang cũng không kém quyết liệt với “cả đàn sâu”, “tập đoàn sâu” nhưng rồi quá phê và tự phê thành ra ầu ơ ví dầu cho ngẫu hứng qua cầu con sâu chúa “đồng chí X”.

“Bác Hồ” đã từng khóa môi với bà Nông Thị Xuân nhưng đảng ta kín hũ mắm thành ra đến mấy chục năm sau tới thời điểm nét này mới lộ hàng chớ còn “Mít tờ Đàm” thì trong tíc tắc đã hiển hiện trên gúc gồ chấm tiên lãng.

Cái anh chàng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng này vừa mới nổi danh lên lại bày đặt thương hiệu “Mít tờ Đàm” rình rang tiếp thị! Có biết chước “Bác Hồ”[13] (à la Française) đã được HCM và đảng csvn sử dụng cho nó nốp (noble) từ khuya rồi chú em ơi!

 

© 2012 Vietsoul:21


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (15) Phố Vẫy (17) Nín thở qua cầu (18) Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần (19) Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm]


[5] Nhạc Bất Quần, chưởng môn Hoa Sơn kiếm phái của Ngũ Nhạc kiếm phái trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, đã dẫn đao tự cung (tự thiến) để luyện Tịch Tà kiếm phổ. Lão đã lấy trộm Tịch Tà kiếm phổ rồi đổ mọi tội lỗi lên đầu đại đệ tử của mình là Lệnh Hồ Xung – nhân vật chính của Tiếu ngạo giang hồ – âm thầm luyện tập với âm mưu hợp nhất Ngũ Nhạc kiếm phái và lên làm chưởng môn. Nhạc Bất Quần được gọi là Quân tử kiếm nhưng thực sự lại là một kẻ ngụy quân tử, nhiều mưu mô. wikipedia

[11] (nội) thực dân, Vietsoul:21

[13] Người Tây phương theo nghi thức thì gọi người khác bằng họ thay vì gọi bằng tên: Monsieur Hồ, Mister Đàm. Bác Hồ thay vì Bác Minh.

Thuyết Vị Vị (Weiwei-isms)

In Thế giới, Văn Chương on 2012/12/03 at 16:23

BBT: Nhà xuất bản Đại học Princeton (Princeton University Press) sắp tới sẽ ấn hành quyển sách bỏ túi Thuyết Vị Vị (Weiwei-isms) tập hợp các phát ngôn, suy gẫm của Ngãi Vị Vị về các  vấn đề đương thời.

Xin giới thiệu mười câu trích dẫn:

Về Tự do Ngôn luận:

“Một hành động nhỏ đáng giá hơn cả triệu ý nghĩ.”

Về nhà hoạt động xã hội, Khôi nguyên Hòa bình Lưu Hiểu Ba:

Đấy không phải là một vì sao rơi. Đó là sự phát hiện một vì sao mới.”

Về Nghệ Thuật và Chính Trị:

“Tất cả đều là nghệ thuật. Tất cả đều là chính trị.”

“Tôi nghĩ rằng quan điểm và cách sống của tôi chính là nghệ thuật quan trọng nhất của tôi.”

Về Chính quyền, Quyền lực và Sự lựa chọn đạo đức:

“Một khi bạn đã nếm được mùi vị tự do, nó nằm trong trái tim bạn và không ai có thể tước đoạt được. Và khi đó bạn có thể mạnh hơn cả một quốc gia.”

Về Thế giới số:

“Mạng internet không thể bị thống trị được. Nếu mạng không thể bị thống trị được, tự do sẽ chiến thắng. Đơn giản như vậy thôi.”

“Máy tính của nhà cầm quyền TQ chỉ có một từ: xóa.”

Về Lịch sử, Giây phút lịch sử và Tương lai:

“Trái đất hình tròn, không có Đông mà cũng chẳng có Tây.”

Về Suy ngẫm:

“Tự thể hiện bản thân mình cũng giống như một loại thuốc. Tôi nghiện nó.”

Về Thế vận hội 2008:

“Đo lường uy danh của một nước bằng số huy chương vàng cũng giống như dùng thuốc cường dương Viagra để đánh giá khí lực của người đàn ông.”

Song Chi – Chủ quyền mất dần, nhục cũng thành quen

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Thế giới on 2012/12/02 at 11:45
Song Chi (NV) – Việc in chìm tấm bản đồ hình “lưỡi bò” trên hộ chiếu mới của nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ là một diễn biến tiếp theo sau hàng loạt hành động trước đó của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa bản đồ phi pháp này.
 
Và khi các nước có liên quan hoặc đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Ðông còn đang tức giận và tìm cách đối phó với những tấm hộ chiếu “lưỡi bò”, thì Trung Quốc đã lại có thêm một bước đi khiêu khích nữa:
 
Báo chí trong và ngoài nước dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng bắt đầu từ năm 2013, các quy định mới sẽ cho phép cảnh sát tỉnh Hải Nam lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài bị xem là xâm nhập trái phép trong vùng biển mà Trung Quốc tự cho là lãnh hải của mình ở biển Ðông.
 
Trên thực tế từ nhiều năm qua, tàu Trung Quốc đã từng nhiều lần bắt giữ các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Nhẹ nhất thì cũng là tịch thu ngư cụ, hải sản… rồi thả cho về, nặng hơn thì đánh đập, bắt giam, đòi tiền chuộc, cũng có khi tông chìm tàu…
 
Nhưng tất cả những hành động này chỉ là “không chính thức”.
 
Còn nay thì cảnh sát biển của Trung Quốc sẽ chính thức được quyền lục soát, tịch thu và trục xuất tàu nước ngoài xâm nhập khu vực đường “lưỡi bò”!
 
Ðiều này cho thấy Bắc Kinh ngày càng tự tin không cần giấu diếm mưu đồ độc chiếm biển Ðông, bất chấp sự lo ngại và phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế.
 
Các nhà bình luận chính trị đã nói nhiều về chiến lược của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển Ðông: Ðó là cứ lấn dần, từng bước thiết lập quyền kiểm soát khu vực biển Ðông cho đến khi Trung Quốc có thể thâu tóm toàn bộ khu vực theo đúng như tham vọng của họ.
 
Với các nước khác như thế nào không biết, nhưng trước bước đi mới này của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ ngư dân và khẳng định chủ quyền của mình?
 
Liệu Việt Nam có dám cho tàu cảnh sát đi bảo vệ ngư dân mà nếu có, thì liệu có thể đối phó với lực lượng tàu hải giám, tàu ngư chính, cảnh sát biển… đồ sộ, đông đảo các loại của Trung Quốc?
 
Hay là cứ mặc cho tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc công khai chặn bắt, lục soát, tịch thu và trục xuất ngay trên chính vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam? Ðể rồi cùng lắm, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao lại xuất hiện, “phát lại” cuộn băng với những lời phản đối cũ mèm?
 
Và nếu tình hình cứ tiếp diễn một thời gian thì ngư dân Việt Nam dù có muốn cũng không thể tiếp tục ra khơi để rồi lại mất trắng tài sản, chưa kể có thể còn bị cảnh sát Trung Quốc đánh đập, lăng nhục, bắt giam.
 
Trong khi đó, tàu cá của ngư dân Trung Quốc, như thực tế đã xảy ra, ngang nhiên vào ra trên khu vực biển Ðông, đánh bắt cá dưới sự yểm trợ của những tàu hải giám.
 
Thế là dần dần người Việt đành bỏ trống biển khơi cho Trung Quốc. Nói cách khác, biển Ðông, hay ít nhất là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xưa đến nay, trở thành của Trung Quốc mà họ không cần phải gây chiến tranh. Vừa tốn kém vừa tạo điều kiện cho các nước khác có dịp “tọa sơn quan hổ đấu”, một điều mà nhà cầm quyền Trung Quốc tối kỵ.
 
Chưa hết, trên bản tin Thứ Sáu 30 tháng 11, 2012 của trang Nhật báo Ba Sàm lại có thêm “hung tin” từ một số blogger và một nguồn tin từ báo giới cho hay: Vào lúc gần 8 giờ ngày 30 tháng 1 năm 2012, tàu Trung Quốc lại vừa xâm nhập lãnh hải Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 nằm sâu trong lãnh hải Việt Nam!
 
Còn nhớ, khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 vào tháng 5 năm 2011, Việt Nam đã phản đối khá mạnh, tổ chức họp báo đưa tin, báo chí được phép lên án mạnh mẽ. Liệu bây giờ Việt nam sẽ có phản ứng gì mạnh hơn nữa không?
 
Một ví dụ khác trước đó nữa, khi lần đầu tiên Bắc Kinh tuyên bố lập thành phố đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa nhằm quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa vào cuối năm 2007, người dân Việt Nam đã giận dữ xuống đường tại Sài Gòn, Hà Nội.
 
Những cuộc biểu tình hiếm hoi đầu tiên phản đối Trung Quốc trong một chế độ mà biểu tình là chuyện cấm kỵ quả thật đã gây tiếng vang lớn, thế giới cũng phải lưu ý.
 
Tiếp theo là hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tại các thành phố thuộc các quốc gia khác nhau.
 
Sức ép của lòng dân buộc nhà nước Việt Nam cũng phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Kết quả là Trung Quốc buộc phải tuyên bố tạm dừng kế hoạch này.
 
Thế nhưng sau một thời gian, cái “thành phố Tam Sa”, trung tâm hành chính Tam Sa lại được đường hoàng thành lập, phát triển.
 
Trung Quốc đã lập cục cấp điện, đã bắt đầu xây dựng các cơ sở xử lý rác thải và nhà máy xử lý nước thải ở đây (“TQ lập cục cấp điện trái phép tại Hoàng Sa”, báo VNExpress).
 
Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, bầu thị trưởng, thành lập bộ chỉ huy quân đồn trú (”Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, báo Thanh Niên), phát hành bản đồ “thành phố Tam Sa,” v.v… và v.v…
 
Việt Nam đã làm gì? Một bên cứ phản đối, một bên cứ việc ta ta làm, đường ta ta cứ đi. Còn người dân? Chán ngán và không buồn phản đối nữa.
 
Thế là Trung Quốc thắng.
 
Vụ cắt dây cáp tàu, cấp hộ chiếu, cho cảnh sát biển được phép lục soát, trục xuất tàu cá của ngư dân Việt Nam… tất cả đều theo một lộ trình như vậy.
 
Trước đây khá lâu người viết bài này đã từng viết về tình trạng biển Ðông ngày càng trở nên chật hẹp với Việt Nam, nay thực tế đã quá rõ ràng, nghiêm trọng.
 
Mà nhà cầm quyền Việt Nam thì vẫn không cho thấy sẽ có một phương sách đối phó nào theo hướng mạnh mẽ tăng dần cho xứng tầm với mức độ ngang ngược ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh, nếu không muốn nói là ngược lại.
 
Nhưng điều chua xót hơn là chính người dân Việt Nam chúng ta dường như cũng chẳng có cách gì khác ngoài việc giận dữ, tuyên bố phản đối.
 
Kinh nghiệm cay đắng của những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trước đây bị chính nhà nước Việt Nam gây khó dễ, ngăn chặn đủ kiểu, thậm chí thẳng tay đàn áp khiến cho những cuộc biểu tình khó có thể nổ ra nữa.
 
Mà nếu có nổ ra thì vài trăm người, thậm chí vài ngàn người cũng chưa đủ gây sức ép lên nhà cầm quyền Trung Quốc nếu chúng ta thử làm vài so sánh:
 
Cuộc biểu tình của khoảng 400 nghìn người Hong Kong chống lại bàn tay xâm lấn của chính phủ trung ương Trung Quốc đối với các vấn đề nội bộ của Hong Kong, nhân ngày kỷ niệm thứ 15 Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc -ngày 1 tháng 7 năm 2012.
 
Cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người Hồng Kông đòi chính quyền Trung Quốc hủy bỏ việc áp đặt môn học “yêu nước Trung Quốc” đối với học sinh phổ thông ngày 1 tháng 9 năm 2912.
 
Hay những cuộc biểu tình của chính người Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Ðiếu Ngư/Sensaku. Xảy ra vào ngày 15, 16 tháng 9 năm 2012 tại nhiều thành phố khác nhau, lên đến hơn 60,000 người, một số cuộc biểu tình còn biến thành bạo lực, v.v…
 
Chỉ riêng Việt Nam, nhà cầm quyền đã thành công khi ra sức dập tắt mọi cuộc biểu tình, mọi hành động phản đối Trung Quốc, làm nguội lạnh lòng yêu nước và sự quan tâm đến tình hình chính trị, vận mệnh đất nước trong đa số người dân.
 
Trong khi chính họ ngày càng tự quen dần với nỗi nhục bị Trung Quốc lấn lướt, coi không ra gì, thì đến lượt họ cũng tập cho người dân quen với điều này.
 
Cũng như chuyện tham nhũng, càng ngày số vụ tham nhũng càng nhiều, mức độ tham nhũng càng lớn, nhưng người dân đã bị quen dần đến mức không còn thấy kinh ngạc. Thì chuyện Việt Nam bị Trung Quốc lấn dần trên biển Ðông đến lúc không còn chỗ mà lùi, cũng không làm ai hoảng hốt nữa.
 
Câu hỏi bây giờ không còn là liệu có mất nước hay không mà bao giờ thì mất?
 
Và thời gian không còn tính theo đơn vị năm nữa mà là tháng, ngày.
 
Song Chi