vietsoul21

Archive for Tháng Ba, 2013|Monthly archive page

Nguyễn Thông – Điểm chạm

In Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/03/30 at 09:12

 

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bao nhiêu năm nay, dù hình thức là hữu nghị, 4 tốt 16 chữ vàng nhưng thực chất luôn căng thẳng, thậm chí đối địch, tiềm ẩn quá nhiều bất ổn. Nguyên do thì nhiều, nhưng có thể thấy rõ trước hết là bởi những mưu đồ, dã tâm của giới cầm quyền Trung Quốc, ngoài ra là do cách ứng xử “khôn khéo” của những người đang lãnh đạo Việt Nam. Phải nhìn cho rõ để xác nhận bản chất của vấn đề, chứ không phải cái gì cũng đổ tại “thùng rác” Trung Quốc.

Xét về bản chất, từ bao lâu nay, ý đồ mở rộng lãnh thổ, bành trướng trên biển, thực hiện mộng bá quyền (thực chất là đế quốc) của giới cai trị Trung Quốc không hề thay đổi. Càng về sau càng lộ rõ. Và rõ nhất là khi những kẻ đóng mác cộng sản nắm quyền thống trị xứ ấy. Chỉ có điều chúng có sách lược tinh vi, biết che đậy đánh lừa dư luận, cương nhu đầy đủ, bài bản rõ ràng. Mức độ ngày càng tăng, bản chất ngày càng nghiêm trọng, hành động ngày càng dồn dập, ý đồ ngày càng lộ rõ. Những hành vi, vụ việc xâm chiếm lãnh thổ, chủ quyền Việt Nam là chứng minh hùng hồn nhất, không thể chối cãi về thủ đoạn “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm” của bè lũ cầm quyền Bắc Kinh.

Quan hệ “anh em” giữa hai nước được xác lập từ năm 1950 nhưng ngay sau đó Trung Quốc đã công khai bộc lộ ý đồ thôn tính Hoàng Sa, qua bản tuyên bố về hải phận (năm 1958). Thì cứ cho lúc bấy giờ do hoàn cảnh nên chúng ta đã không thể phản ứng (chứ điều này thì lịch sử đã phán xét rồi), tạm thời không trách những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam khi ấy. Tiến thêm bước mới, năm 1974, thấy miền Bắc không tỏ thái độ rõ ràng, Trung Quốc hoàn tất việc chiếm trọn Hoàng Sa. Năm 1975, Trung Quốc chiếm tiếp một số đảo trong quần đảo Trường Sa khi ấy hoàn toàn thuộc chủ quyền nước Việt Nam anh em, tức là Bắc Kinh xác định hướng nam tiến rất rõ ràng. Đỉnh điểm năm 1988 Trung Quốc xua quân chiếm đảo Gạc Ma, đảo quan trọng chiến lược nhất trong một cụm đảo của quần đảo Trường Sa. Điều rất khó hiểu là khi đó Gạc Ma hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam trên cả thực tế lẫn pháp lý, nhưng người anh em Trung Quốc chiếm mà Việt Nam chỉ phản ứng rất yếu ớt. Từng hãnh diện có lực lượng hải quân hùng mạnh sau chiến thắng 75, vậy mà các nhà lãnh đạo thời ấy không dám ra lệnh phản công chiếm lại đảo, để đảo bị mất đến tận bây giờ. Một ông em tôi, thượng tá công an (trên blog Kha Trà Phương) đã đặt lại vấn đề mà tôi thấy rất có lý: Ai phải chịu trách nhiệm về việc mất đảo Gạc Ma, lịch sử cần nêu rõ, biên lại cụ thể khách quan, không thể lờ tít tìn tịt, ù xọe mãi. Sau khi đã hoàn chỉnh chiến lược chiếm biển Đông, nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục khiêu khích Việt Nam, xua tàu dân sự ra vi phạm chủ quyền, bắt ngư dân, bắt tàu đánh cá, cắt cáp dầu khí, tuyên bố lập thành phố Tam Sa, tổ chức tuyến tua du lịch, khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa giàn khoan ra biển Đông, tăng cường lực lượng hải giám, hải quân… Trước kia, những tranh chấp giữa hai nước phần lớn chỉ xoay quanh vấn đề Hoàng Sa (bởi Trường Sa đương nhiên thuộc chủ quyền Việt Nam) thì càng về sau càng chuyển hướng đậm về Trường Sa. Trung Quốc đã cố ý coi Hoàng Sa là của họ, không có gì bàn cãi nữa, giờ chỉ cần “giao thiệp” với nhau về Trường Sa thôi. Rõ ràng trong sự lấn lướt của Trung Quốc có phần trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam. Mềm nắn rắn buông. Cứ mềm mãi nên phải chịu lùi.

Lạ là, khi thực tế sờ sờ như vậy, vẫn có những vị tỏ vẻ có “đầu óc chiến lược” khôn ngoan hơn người, lên giọng mắng mỏ người khác, đại loại “thế các ông muốn gì, muốn chiến tranh chắc?”. Hỏi chi hỏi lạ. Ai chả muốn hòa bình, ai chẳng ghét chiến tranh. Chả nhẽ chỉ có mấy vị là muốn hòa bình thôi ư? Thời nhà Trần thế kỷ 14, thế giặc mạnh, không ít vị vương công tột đỉnh, bộ mặt triều đình, như Trần Kiện, Trần Ích Tắc đã chả khuyên thế thủ, cầu hòa, đầu hàng đó sao. Lúc ấy thiên hạ có mấy ai dám chê các ả Trần. May mà cấp cao hơn của vương triều Trần đã nhận ra chân tướng họ. Còn nhiều vị lãnh đạo ngày nay bám lấy chủ trương khôn khéo, mềm dẻo, cố gắng duy trì hòa bình, ổn định. Vì đại cục, không sử dụng vũ lực. Ta cao đạo thế nhưng Tàu nó không thế. Nó cứ muốn đẩy ta mãi đến cùng đường. Chúng không cho ta yên ổn. Vậy thì cái sự ổn định chông chênh, bị tấn công liên tục đó ai dám bảo đảm là nó sẽ ổn định.

Trung Quốc đã không thèm đếm xỉa đến sự khôn khéo của Việt Nam. Việc dùng tàu hải quân bắn cháy tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ngày 20.3 là liều thuốc thử của họ. Có lẽ nhà cầm quyền Trung Quốc đã mừng khi thấy sự phản ứng chậm chạp, yếu ớt của Việt Nam. Thay vì phải lên tiếng phản đối ngay sau khi nắm được vụ việc, mãi 2 ngày sau người phát ngôn của Việt Nam mới lên tiếng, thậm chí báo Tiền Phong phải lột bài đã đăng. Điều cần làm ngay thì không làm, nhưng Việt Nam lại rất nhanh chóng trao tiền giúp ngư dân bị nạn, tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm, tuyên truyền ca ngợi việc bảo vệ lá cờ khi tàu bị cháy cabin… Tất cả những điều đó đều cần, nhưng chỉ có giá trị với chính chúng ta, chứ không mảy may tác động đến Trung Quốc để làm thay đổi hành vi của họ. Chúng ta chỉ nhanh thứ không cần nhanh, và rất chậm điều đừng để chậm. Khi sử dụng hải quân, Trung Quốc đã quyết định đụng đến điểm chạm nguy hiểm có thể nổ bùng phá tan mối quan hệ mà họ không cần giữ nữa. Sự phản ứng yếu ớt của Việt Nam cũng sát sạt vào điểm chạm không có lợi cho chính Việt Nam: thế giới xem thường, dân chúng mất lòng tin, Trung Quốc được đà lấn tới.

Chả ai muốn chiến tranh, nhưng phải giữ được tư thế của một dân tộc, một quốc gia. Dư luận thế giới sẽ không ủng hộ ta khi ta nổ súng trước, nhưng sẽ đồng tình, đứng về phía ta khi ta cứng cỏi không chịu cúi đầu khuất phục trước Trung Quốc. Nó bắn cháy tàu ta, trên vùng biển chủ quyền ta, ta có quyền tự vệ, bắn trả, phản công. Cứ sợ nó khiêu khích, lấy cớ để làm càn thì kéo dài sự sợ hãi khiếp nhược đến bao giờ. Hùm sói có khi nào chê thịt. Hay là đợi đến khi mạnh, đủ lực để chống chọi. Mình mạnh, nó không mạnh chắc? Mình đi tắt đón đầu, nó chấp nhận đi đường vòng ôm đuôi chắc?  Sao chẳng nhớ lời dạy của cụ Hồ “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới… Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến– 1946). Và xin các vị “yêu hòa bình” trước khi dậm dọa người khác “muốn chiến tranh chắc?” hãy ngẫm câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá
Những nhiệt tình xuống quá độ âm
Có nghe tiếng ngư lôi và cao xạ
Giặc đến đánh ta thì ta đánh trả
Giữ hòa bình phải đâu bằng mọi giá
Giá hòa bình là quật ngã bọn xâm lăng” (Sao chiến thắng)

Quật ngã bọn xâm lăng. Đó là sự khôn khéo nhất để giữ hòa bình, một nền hòa bình đích thực. Đừng tự ru ngủ mình và nhân dân mình nữa.

30.3.2013
Nguyễn Thông

(Ghi thêm: Bài này lẽ ra được đăng ngay sau khi tàu hải quân Trung Quốc bắn cháy tàu ngư dân Việt Nam nhưng không may mấy bữa qua nhà cháu có chút việc, đành để dang dở. Tự an ủi, sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, chủ quyền còn lâu dài, còn nhiều gian nan vất vả, chả ai nỡ trách mình).

Nguồn: blog Nguyễn Thông

Trần Trung Đạo – Giữ nước bằng thơ và “Cờ tổ quốc” !

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/03/30 at 08:46

Trong khi hầu hết các quốc gia vùng Đông Nam Á, từ Philippines dân số gần 95 triệu cho đến Brunei dân số chỉ vỏn vẹn 400 ngàn, đang tìm mọi cách để liên minh với các cường quốc, tăng cường quân sự, trang bị tối đa khả năng phòng thủ vùng trời, vùng biển, vùng đảo mà họ tin rằng thuộc chủ quyền nước họ, Việt Nam tăng cường phòng thủ bằng thơ và cờ.

Hôm qua, theo báo Thanh Niên, “huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức trao một ngàn lá cờ đỏ sao vàng và một trăm áo Đoàn cho các chủ tàu cá là ngư dân trẻ đang bám biển Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc.”

Trước đó một ngày, ông Phạm Bá Khoa, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam đến trụ sở báo Tiền Phong, nhờ báo này chuyển những món quà “hết sức có ý nghĩa” cho hai ngư dân Bùi Văn Phải và Phạm Quang Thạnh – nhân vật trong bài viết trên báo Tiền Phong. “Món quà ý nghĩa” đó là một “cờ tổ quốc” và chính tay ông đã viết trên đó bài Nam Quốc Sơn Hà.

Ngoài cái tư duy lạc hậu, ngược dòng thời đại, làm những chuyện buồn cười, việc nhận những lá “cờ tổ quốc” của các quan chức CS cũng chẳng khác gì nhận những viên đạn từ nòng súng của hải quân Trung Quốc.

Thật vậy, sự kiện tặng cờ này làm tôi nhớ chuyện tàu hải quân Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Thanh Hóa tám năm trước. Cũng báo Thanh Niên ngày 15 tháng 1 năm 2005 ghi lại lời anh Nguyễn Văn Hoàn, chủ nhân tàu đánh cá ở Thanh Hóa, may mắn còn sống sót và kể lại: “Bất kể ngày đêm, lúc nào tàu của anh cũng treo cờ Tổ quốc và luôn tuân thủ mọi quy định của pháp luật khi hoạt động ngoài khơi”, thế nhưng, “các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục truy sát, vừa đuổi, vừa bắn tàu của anh gần 3 giờ đồng hồ mới chịu quay trở ra”.

taudanhcabiban

Anh Hoàn tội nghiệp kia, tưởng rằng khi treo “cờ Tổ quốc”, biểu tượng của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và “tuân thủ pháp luật khi hoạt động ngoài khơi” thì hải quân Trung Quốc ắt phải è dè và kính trọng. Đáng thương thật ! Anh ngư dân chất phát không biết rằng cũng chính vì “treo cờ Tổ quốc” nên chiếc ghe máy thô sơ của ông mới bị đuổi bắn suốt 3 giờ. Nói thẳng thì bảo là phản động nhưng phải chi anh đừng treo “lá cờ tổ quốc” đó hay treo đại lá cờ Phi, cờ Thái, thậm chí cờ trắng thì biết đâu bà con ngư dân Hòa Lộc còn có cơ may sống sót.

Việc “tặng thơ và cờ” trong thế kỷ 21 này cho thấy tai họa lớn nhất mà dân tộc Việt Nam đang phải đương đầu không chỉ phát xuất từ hiểm họa thực dân đỏ Trung Quốc mà còn từ tư duy vô cùng lạc hậu của giới lãnh đạo các cấp tại Việt Nam. Những đầu óc khô đặc đó không khác gì nhiều so với đầu óc bảo thủ trong bốn bức tường phong kiến của vua chúa nhà Nguyễn trước họa thực dân, chứng tỏ sự lạc hậu, lỗi thời, tự cô lập với dòng phát triển đa phương của nhân loại và không mở ra một lối thoát nào cho tương lai dân tộc.

Trần Trung Đạo

Chuyện sửa đổi hiến pháp ở Trại súc vật

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam, Văn Hóa on 2013/03/23 at 17:09

Phạm Vũ Lửa Hạ

Trong Animal Farm của George Orwell, chương 2 có nhắc tới BẢY ĐIỀU RĂN (THE SEVEN COMMANDMENTS) dành cho các trại viên như sau:

  1. Tất cả các loài hai chân đều là kẻ thù. (Whatever goes upon two legs is an enemy.)
  2. Tất cả các loài bốn chân hoặc có cánh đều là bạn. (Whatever goes upon four legs, or has wings, is a friend.)
  3. Không con vật nào được mặc quần áo. (No animal shall wear clothes.)
  4. Không con vật nào được ngủ trên giường. (No animal shall sleep in a bed.)
  5. Không con vật nào được uống rượu. (No animal shall drink alcohol.)
  6. Loài vật không được giết hại lẫn nhau. (No animal shall kill any other animal.)
  7. Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng. (All animals are equal.)

Bảy điều răn này, hay còn được giới phê bình gán cho cái tên mỹ miều “Hiến pháp”, dần dà thay đổi cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nhiều lần sửa đổi nhưng tựu chung cũng chỉ phục vụ ý đồ và sở nguyện của đám lợn chóp bu. Cần có những phương châm súc tích, mạnh mẽ và dễ nhớ để đáp ứng nhu cầu của cách mạng, bởi vậy điều 1 và điều 2 gộp thành “Bốn chân tốt, hai chân xấu!” (Four legs good, two legs bad). Theo đề xuất của Tuyết Tròn (Snowball), nhân vật về sau bị lãnh tụ Nã Phá Luân (Napoleon) thanh trừng, cách ngôn mới này được viết to hơn, chồng lên bảy điều ban đầu. Và khẩu hiệu hừng hực hào khí đấu tranh giai cấp này được hô vang liên tu bất tận trong những lần hội họp. (Chương 3)

Tuyên bố bình đẳng phải hiểu một cách tương đối, và ứng dụng linh hoạt tùy theo diễn biến của cách mạng. Khi Nã Phá Luân chuyển từ chuồng heo vào nhà chính và ngủ trên giường cho xứng với vai trò lãnh tụ, có điều tiếng là đồng chí ấy vi phạm điều 4. Tức thì có chỉnh huấn rằng điều ấy đúng ra là “Không con vật nào được ngủ trên giường có trải dra” (No animal shall sleep in a bed with sheets, Chương 6). Khi Tuyết Tròn cùng đồng bọn bị chụp mũ phản bội và bị xử tử, để dập tắt nghi ngờ lãnh tụ vi phạm điều 6, lập tức có huấn thị rằng điều này nguyên thủy là “Loài vật không được giết hại lẫn nhau nếu không có lí do” (No animal shall kill any other animal without cause), chỉ tại đám súc vật ít chữ đọc thiếu mấy từ cuối (Chương 8). Cũng trong Chương 8 có chuyện tay sai của lãnh tụ vi phạm điều 5, cả trại được nhắc rằng điều đó thực ra là: “Không con vật nào được uống rượu đến say xỉn” (No animal shall drink alcohol to excess).

Hiến Pháp của Trại Súc Vật

Nhưng rốt cuộc, lần sửa đổi cuối cùng (Chương 10), chỉ còn vỏn vẹn một câu trên bức tường: “MỌI CON VẬT SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG, NHƯNG CÓ MỘT SỐ CON BÌNH ĐẲNG HƠN NHỮNG CON KHÁC” (ALL ANIMALS ARE EQUAL, BUT SOME ANIMALS ARE MORE EQUAL THAN OTHERS).

Khi quyền bính đã thâu tóm trong tay, kẻ súc sinh cần chi tới hiến pháp với hiến chương. Từ 7 điều răn ban đầu chỉ còn lại 1 điều, dư sức chi phối đời sống cả Trại súc vật. Và luôn tâm niệm rằng bỏ điều duy nhất thực sự có ý nghĩa đó là “tự sát”.

(Ghi chú: Những câu trích tiếng Việt lấy từ bản dịch Trại súc vật của Phạm Minh Ngọc, còn phần tiếng Anh ở đây.)

NguồnBlog Phạm Vũ Lửa Hạ, 3-3-2013

Tưởng Năng Tiến – Chuyện Hà Thị Cầu & Trần Đức Thảo

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Văn Hóa on 2013/03/22 at 14:36

Cộng sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”

 

Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói vừa ghi. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hoè ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, cha nội?

Mà chả chỉ riêng hoa, ở nước ta, cái (mẹ) gì mà không thiếu nên mọi thứ vẫn thường phải phân phối theo tiêu chuẩn – ngoại trừ huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy thưởng… thì mới thừa thôi. Bởi vậy, tôi xin được có ý kiến (hơi) khác với T.T. Thích Trí Quang chút xíu: “Cộng sản nó chôn sống mình hôm nay, mai nó mang huân chương hay giải thưởng đến để… làm lễ truy tặng!”

Ông Trần Đức Thảo là một nạn nhân điển hình cho cái cách chôn sống (rất) bất nhân như thế – theo như lời của một bà cụ bán nước tràở đầu khu tập thể Kim Liên, nơi mà triết gia của chúng ta cư ngụ cho đến gần lúc cuối đời:

Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp ‘Pơ-giô con vịt’ mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…”

Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế.. ế.. ế. Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái ‘pooc ba ga’, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… (Phùng Quán – “Chuyện vui về triết gia Trần Đức Thảo”. Ba phút sự thực, Văn Nghệ, Sài Gòn: 2007, bản in lần thứ hai)

Nếu bạn thấy những lời lẽ (thượng dẫn) của một bà cụ bán nước trà vô danh chưa đủ trọng lượng thì xin nghe thêm đôi câu nữa, của một chứng nhân thế giá hơn – luật sư Trương Như Tảng:

Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc… Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra.

Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man.

Ngó bộ ông Trương Như Tảng có vẻ hơi quá lời chút xíu, chứ nếu Trần Đức Thảo bị “tra tấn dã man” thì làm sao triết gia của chúng ta sống sót cho mãi đến năm 1991 –  năm mà ông được nhà nước tha (tào) và cho trở lại Paris, theo như tường thuật của tác giả Minh Diện:

Bảy mươi tuổi Trần Đức Thảo mới quay về chốn xưa. Tiếc thay thời huy hoàng của ông đã qua lâu rồi. Rất ít người còn nhớ tới ông. Suốt 40 năm ông cô đơn bên trời Nam,giờ lại cô đơn bên trời Tây. Khi người ta đã bỏ lỡ cơ hội thì khó mà tìm lại được.

Quay lại Pari, Trần Đức Thảo sống tạm bợ trong căn phòng xép trên tầng 5, nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Hiền tả lại cảnh sống của ông như sau: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy, khoác chiếc áo cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh mọi thứ xoong chảo, chai lọ leo lên, leo xuống hàng trăm bậc thang tự lo lấy bữa ăn cho mình. Ông già ấy cứ hành trình chừng mười bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt, há miệng thở như thổi bễ.”

Một chiều mùa Hè năm 1993, ông già ấy gục xuống tại bậc cầu thang, không bao giờ gượng đứng dậy được nữa… Năm 2000, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Xã hội.

Thiệt là… có hậu!

Ít nhất thì những ngày tháng cuối đời “của ông già ấy” cũng (có vẻ) đỡ đoản hậu hơn cuộc sống lê lết của… một bà già khác, cùng thời, bà Hà Thị Cầu. Nhân vật này tuy có kém danh giá hơn ông Thảo (chút đỉnh) nhưng cũng nổi tiếng như cồn, ít ra là ở phạm vi quốc nội. Trên báo Bắc Giang, phát hành vào ngày 1 tháng 4 năm 2009, một nhà văn Việt Nam đã viết những dòng chữ chí tình như sau về người nghệ sĩ này:

Với bà, tên tuổi, sự nghiệp tôi đã đọc quá nhiều trên báo chí, một nghệ nhân lớn, một người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, một tài sản dân gian quý báu, một nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ trong nước mà ở thế giới…

Và tôi choáng váng vì không thể ngờ, một nghệ sĩ tên tuổi như vậy, báo chí ngợi ca như vậy, các cấp quản lý thay nhau tôn vinh như vậy lại đang có cuộc sống khó khăn đến không tin được. Ngôi nhà bà Hà Thị Cầu bé tí nằm cận kề trụ sở UBND xã Yên Phong. Ngôi nhà bé thế lại còn chia làm hai, một nửa cho bà Cầu ở, nửa còn lại là nhà thờ họ. Phần ở của bà lại chia đôi, phía ngoài đủ đặt cái giường đôi, bộ bàn ghế uống nước, phía trong là nơi bà ngủ, diện tích cũng chỉ nhỉnh hơn cái giường một chút xíu.

BBC, nghe được vào hôm 3 tháng 3 năm 2013, lặng lẽ và buồn bã đi tin: “Nghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình…” Hung tin này đã khiến cho Nguyễn Quang Vinh đùng đùng nổi giận:

Một nghệ nhân tài hoa như thế, cống hiến cho đất nước như thế, được coi là “báu vật nhân văn” của quốc gia như thế, đã từng đào tạo, truyền nghề cho biết bao nghệ sĩ, đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn với nước ngoài…

Nhưng suốt đời nghèo đói, suốt đời khổ sở, túng thiếu như kẻ ăn mày. Báo chí lên tiếng, dư luận lên tiếng, những nghệ sĩ tâm huyết thay bà gõ cửa khắp nơi nhưng mặc nhiên không ai đoái hoài, và bà – nghệ nhân Hà Thị Cầu, cho tới lúc nhắm mắt, vẫn trong nghèo đói…

Leo lẻo ca ngợi, leo lẻo thuyết giảng, leo lẻo leo lẻo… ở mọi cấp để rồi bỏ rơi một nghệ nhân lớn, cay đắng hơn, còn lợi dụng tài năng, tên tuổi của bà để trục lợi cả tiền, danh tiếng, uy tín của cá nhân mình.

Thôi nhé, bà mất rồi, im cả đi, đừng lại ngoạc mồm “bà mất đi là địa phương mất đi một tài năng, đất nước mất đi một nghệ nhân lớn… vô cùng đau xót”. Câm đi…

Tôi e rằng nhà văn của chúng ta không hiểu biết về đường lối, cũng như chính sách, của Đảng và Nhà nước (rõ ràng và rành mạch) như nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải. Trong bản tin củaBBC (thượng dẫn) ông Hải khẳng định:

Cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị ‘mất đi’ trong 50 năm vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian… hát xẩm bị coi là “hạ cấp” và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường.

Nói cách khác là bà Hà Thị Cầu đã bị chính quyền chôn sống từ lâu nhưng mãi đến tháng Ba năm nay mới (chịu) trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, báo Thể thao Văn hoá (số ra ngày 06 tháng 3 năm 2013) đã có… tin vui:

Tới dự đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu, ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – chia sẻ tâm nguyện cần đề nghị truy tặng cho bà danh hiệu NSND… Thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ xúc tiến thực hiện việc này.

Thiệt là tử tế hết sức!

Theo Wikipedia: Năm 1977 bà Hà Thị Cầu là tác giả của bài Theo Đảng trọn đời. Tôi sợ rằng vì mù chữ, không đọc được Đề cương văn hoá Việt Nam, nên (có lẽ) mãi cho đến khi nhắm mắt người được coi là “báu vật nhân văn sống của Việt Nam” vẫn không biết rằng toàn Đảng không ai thiết tha hay mặn mà gì lắm với tình cảm (thắm thiết) mà bà đã dành cho nó.

Những người “hát xẩm bị coi là hạ cấp,” đã đành, thế còn triết gia thì sao? Giới người này ở bên nước bạn, cũng như ở nước ta, cả hai Đảng đều coi họ không bằng … cục cứt!

Và nói nào ngay, đối với Đảng thì giới người nào cũng vậy – bất kể là nông dân, công nhân, thương nhân, hay trí thức. Tất cả đều chỉ là phương tiện, được sử dụng tùy theo lúc mà thôi.

Sau đó đều bị mang chôn sống ráo. Nhà nước đợi cho đến khi họ tắt thở sẽ mang bằng khen hay giải thưởng đến làm lễ truy tặng. Những cái lễ này, cũng tựa như những tấm giẻ lau, dùng để lau sạch máu hay nước mắt (hoặc cả hai) cho nạn nhân của chế độ hiện hành.

_________________

Ảnh 1: Hình chụp từ tạp chí Nghiên cứu Đông Dương. Nguồn: vnu.edu

Ảnh 2: Báu vật nhân văn sống của Việt Nam, hình chụp trước tư gia. Nguồn: vnexpress.net

Ảnh 3: Bà Hà Thị Cầu. Nguồn: wikipedia

© Tưởng Năng Tiến &pro&contra

 

BS Ngọc – Trí nô ký sinh

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam, Văn Hóa on 2013/03/16 at 13:54

BS Ngọc

Nhờ có chuyện góp ý cho Hiến pháp 1992 chúng ta mới nhìn rõ hơn trình độ của các giáo sư, tiến sĩ như thế nào. Nói thẳng cho dễ hiểu: dốt. Dốt đến mức khó tưởng tượng nổi. Nhưng tại sao họ dốt như thế? Tôi cho rằng vì nền giáo dục tồi. Chỉ có một nền giáo dục tồi mới sản xuất ra những con người vừa dốt vừa trơ tráo như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua.

Chúng ta đã thấy qua “Bên thắng cuộc” của Huy Đức các chính khách Việt Nam dốt như thế nào. Nhưng phải đợi đến vụ góp ý cho Hiến pháp chúng ta mới thưởng lãm được sự dốt nát của thành phần giáo sư, tiến sĩ, tướng tá. Cái dốt của họ được bộc lộ qua những lập luận ấu trĩ, những lý giải nguỵ biện, và những quan điểm mang tính xu nịnh. Xu nịnh rất trắng trợn. Tôi gọi họ là những “trí nô ký sinh”. Tức là những kẻ có chút học thức nhưng là thứ học thức nô lệ. Họ là ký sinh vì phải sống bám vào một thứ chủ nghĩa đã bị cả thế giới ruồng bỏ và lên án.

Nhưng để biết loại trí nô ký sinh này ra sao, chúng ta cũng cần phải biết họ nói những gì. Bối cảnh của câu chuyện là bản dự thảo Hiến Pháp. Hai điểm mấu chốt trong bản dự thảo và vai trò của Đảng CSVN và quân đội. Điều 4 Hiến Pháp ghi là Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước. Bản dự thảo Hiến Pháp còn ghi thêm rằng quân đội phải trung thành với Đảng CSVN.

Một nhóm nhân sĩ trí thức đưa ra một bản dự thảo khác, mang tính phản biện. Bản dự thảo của nhóm nhân sĩ được hàng ngàn người đủ thành phần xã hội ký tên ủng hộ. Sự ủng hộ của người dân làm cho những người cầm quyền thấy lo ngại. Những lãnh đạo cao cấp nhất lên tivi tố cáo những người góp ý là “cơ hội”, là “thế lực thù địch”. Thật ra, đó là những phát biểu được sao chép từ sách của Trung Quốc mà Việt Nam đã chuyển ngữ. Đó là những luận điệu Trung Quốc đã dùng 20 năm trước đây. Có thể nói rằng các lãnh đạo ta chẳng có sáng kiến gì mà chỉ lập lại những gì Trung Quốc sáng chế ra. Có thể xem đó là một sự rập khuôn tư tưởng.

Nhà nước lo ngại còn vì lý do khác. Bởi vì khi so sánh hai bản dự thảo, bất cứ ai có chút lương tri cũng có thể nhận ra sự kém cỏi của nhóm soạn thảo ăn lương Nhà nước. Thật ra, phải nói là quá kém cỏi. Kém cỏi từ cách sử dụng từ đến tính hợp lý. Thế là Nhà nước huy động một lực lượng giáo sư, tiến sĩ, tướng tá ra quân phản biện lại những phản biện.

Thế là chúng ta chứng kiến một cảnh phản phản biện.

Khởi đầu là một nhà văn, trung tá, phó giáo sư, tiến sĩ tên là Nguyễn Thanh Tú đăng đàn phát biểu. Ông lý giải rằng “việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh” và ông hồn nhiên kết luận rằng bỏ điều 4 Hiến Pháp là đồng nghĩa với “đe dọa sự tồn vong của cả dân tộc!

Chỉ tiếc một điều là ông nhà văn – trung tá – phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú không thuộc sử. Dân tộc Việt đã tồn tại trên 2000 năm nay mà có cần đến Đảng CSVN đâu. Dân tộc Nga và các dân tộc Đông Âu có bị diệt vong khi đảng cộng sản ở những nước đó bị truất phế?

Phải nói ngay rằng chính sự thống trị của Đảng CSVN đã dẫn đất nước này và dân tộc này đến bờ nguy cơ mất căn cước tính. Đảng CSVN đã du nhập một chủ nghĩa ngoại lai và dựng nên một chế độ công an trị để phá nát nền văn hoá dân tộc. Chính Đảng CSVN đã ký công hàm dâng đảo cho Trung Cộng. Chính Đảng CSVN đã để mất đất trên vùng biên giới phía Bắc. Chính Đảng CSVN đã cho bọn Tàu cộng vào quậy phá đất nước này. Đến đây thì chúng ta đã thấy ông nhà văn – trung tá – phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú dốt như thế nào.

Tiếp theo lập luận của Nguyễn Thanh Tú là “GSTS” Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Tôi phải để GSTS trong ngoặc kép vì tôi nghĩ trình độ lý luận của ông này chưa qua khỏi tú tài. Ông Hoàng Chí Bảo nói: “Tuy nhiên, Đảng với nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phương hại đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Vì bảo vệ dân mà phải hiến định nó”. Tôi phải thốt lên: wow! Ông lập luận theo kiểu tam đoạn luận:

  • A với B là một,
  • A với C là một,
  • Bỏ A tức là bỏ B và C,
  • Bảo vệ B và C thì phải bảo vệ A.

Vấn đề ở đây là ông đã sai be bét ngay từ định đề đầu tiên. Đảng CSVN với người dân Việt Nam không phải là một, không thống nhất được. Đảng CSVN chỉ có 3 triệu người, nhưng Việt Nam có đến 91 triệu dân. Đảng CSVN cướp chính quyền, chứ người dân đâu có bầu cho Đảng. Nếu ông thành thật tin rằng Đảng CSVN thật sự được sự ủng hộ của người dân, thì tại sao không cho người dân tự do lập đảng và tranh cử nghiêm minh?

Đến lượt ông Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu thì chúng ta mới thấy sự thảm hại của tư duy. Ông vẫn khẳng định điều 4 trong Hiến pháp là “yêu cầu tất yếu của lịch sử đương đại Việt Nam”, nhưng đề nghị viết lại cho … hay hơn. Hay như thế nào? Ông muốn sửa thành: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong đồng thời là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động, lãnh đạo đất nước dựa trên nền tảng liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức”. Nếu các bạn hiểu được ý của ông này tôi nghĩ các bạn không thành thật. Đây là kiểu nói của một con vẹt. Con vẹt nói chỉ nói chứ nó không hiểu nó nói gì.

Thật ra, đây là một sự đạo văn. Câu “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam hành động” là lấy từ trong tài liệu của Đại hội Đảng lần thứ 7.

Nhưng đó là một kiểu nói nhập nhằng. Đã đại diện mà còn đội tiên phong? Lãnh đạo dựa trên “nền tảng liên minh công nhân, nông dân, và đội ngũ trí thức” là cái gì? Cái chủ nghĩa Mác-Lênin đó đã bị cả thế giới ghê tởm và phỉ nhổ. Chính đất nước khai sinh ra cái chủ nghĩa đó cũng đã vứt nó vào thùng rác. Thật ra, cái chủ nghĩa gọi là Mác-Lê đó không có thật, nó chỉ là sản phẩm tưởng tượng của tên đồ tể Stalin để triệt hạ những ai chống đối hay tranh giành quyền lực với hắn. Nay các đồ đệ của Stalin ở Việt Nam lại làm sống cái chủ nghĩa đó để trấn áp người dân Việt. Thật là trớ trêu!

Ông Hồ Chí Minh không hề có tư tưởng gì cả. Chính ông nói như thế. Xin trích một đoạn trong hồi ký của ông Nguyễn Văn Trấn như sau:

“Trong tư cách Tổ trưởng Đại biểu Đảng CSVN năm 1951, lúc ấy vừa tái công khai dưới cái tên Đảng Lao động VN, ông đã gặp ông HCM. Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trcạh Đông làm kim chỉ đạo cho Đảng ta. Nhưng anh em giao là nói trong tổ cho nhau nghe thôi chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng nói ở đây một điều như vậy, trong quan hệ quốc tế này thì ngậm miệng đừng nói là hơn.

HCM nhắm hí mặt như Stalin khi gặp vấn đề khó nghĩ, vì tìm chữ. Tôi thưa tiếp: ‘Có đồng chí nói hay là ta viết ‘tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh’ có phải hay không!’

Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp cấp kỳ: ‘Không, tôi không có tư tưởng gì khác ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin. […] Chớ còn tư tuởng là quan niệm về vũ trụ, về thế giới xã hội con người thì tôi là học trò của Mác, Anghen, Lê-nin, chớ làm gì tôi có tư tưởng ngoài triết học Mác”.

Đấy, chính ông cụ Hồ nói ông không có tư tưởng gì cả. Ông chỉ là học trò của mấy ông râu xồm kia mà thôi. Mà chưa chắc là học trò giỏi vì tiếng Pháp của ông còn khá hạn chế, như có lần được biểu hiện qua một bài phỏng vấn (www.youtube.com/watch?v=LsNJ28qM0vU). Những bài viết và phát biểu của ông có thể nói là nhỏ nhặt, linh tinh, có khi chẳng đâu vào đâu. Cách ông trả lời cũng có khi khá buồn cười. Ví dụ như khi được hỏi thế nào là dân chủ tập trung, ông nói một cách hồn nhiên: “Như các cô, các chú có đồ đạc tài sản gì đó thì các cô chú là chủ, đó là dân chủ. Các cô chú không biết giữ, tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khóa lại, bỏ chìa khoá vào túi tôi đây. Đó là dân chủ tập trung”! Một tư tưởng gia mà lý luận ngô nghê như thế hay sao? Ấy thế mà các đàn em của ông lại gán ghép và nâng tầm những câu nói của ông thành “tư tưởng”! Tất cả chỉ là một sự giả tạo.

Nếu xem những giáo huấn của ông là tư tưởng và đáng học tập thì tại sao không làm theo câu sau đây:“Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”. Chính phủ hiện nay đã làm cho người dân hết đau khổ này đến đau khổ khác. Cải cách ruộng đất. Nhân văn giai phẩm. Mậu thân 68. Cải tạo. Vượt biên. Buôn bán người qua biên giới. Cướp nhà, cướp đất. Đó là vài “sản phẩm” tiêu biểu của Đảng CSVN. Chính phủ do Đảng CSVN điều khiển đã làm cho Việt Nam nghèo nàn và tụt hậu cả trăm năm so với Tân Gia Ba và Đại Hàn, đi sau 50 năm so với Thái Lan và Mã Lai Á. Đó là một nỗi nhục. Ấy thế mà Đảng lại không biết nhục mà còn đòi quyền lãnh đạo!

Nếu làm theo lời dạy của cụ Hồ thì tại sao không nhớ câu này của ông cụ: Quân đội ta trung với Nước, hiếu với dân”. Ấy thế mà có ông tiến sĩ nọ dám sửa lời ông cụ rằng “Quân đội ta trung với Nước, hiếu với dân”! Ngoài miệng họ nói làm theo lời ông cụ, nhưng khi viết xuống thì họ chỉ lợi dụng ông cụ cho những toan tính cá nhân.

Tôi nghĩ nếu họ là trí thức thật sự và có tự trọng, họ không thể nào ăn nói trơ tráo như thế. Chỉ có thể kết luận đây là một đám xu nịnh và sống vì cái “chủ nghĩa sổ hưu” của Trần Đăng Thanh, chứ chẳng trí thức gì cả. Đúng là ăn cơm chúa, múa tối ngày. Quả là một loại trí nô ký sinh.

Nhưng tất cả những trò gọi là góp ý Hiến pháp chỉ là một màn kịch. Đó là một màn kịch vụng về. Cái gọi là Hiến pháp chỉ là một cách hiến định hoạt động của Đảng CSVN mà thôi. Chính vì thế mà những trí nô ký sinh phải gân cổ lên biện minh cho điều 4. Tôi thấy thiếu tướng tiến sĩ Nguyễn Xuân Mười thành nhận nhất khi ông nói “Hiến pháp và pháp luật nước ta chính là sự thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng; thực chất của việc tuân thủ nghiêm minh Hiến pháp, pháp luật chính là sự thực hiện Cương lĩnh, đường lối của Đảng trong mọi hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội và như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng”. Thế là đã quá rõ: vì sự tồn vong của Đảng chứ đâu phải tồn vong của dân tộc. Nhưng sự tồn vong của Đảng lại là một đe doạ đến sự tồn vong của dân tộc. Đó mới chính là bi kịch.

Tôi tự hỏi tại sao có những con người trí nô ký sinh như thế? Tại sao có những người mang danh giáo sư, tiến sĩ mà phát biểu chẳng có một chút hàm lượng tri thức nào cả. Tôi nghĩ có thể tìm câu trả lời trong cái hệ thống giáo dục hiện nay. Trong một nền giáo dục mà văn bằng tiến sĩ là một thứ đồ trang sức (xem Vietnamnet) thì chúng ta biết hệ quả như thế nào. Yếu tố làm nên những đồ trang sức đó là những luận án mà đọc lên chúng ta chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Luận án về tắm giặt cho quân nhân. Lấy nghị quyết của Đảng làm luận án tiến sĩ. Hay thử đọc vài tựa đề luận án tiến sĩ:

  • Quan điểm của C. Mác về phát triển con người và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay.
  • Hoàn thiện chính sách tài chính đối với ngành công an Việt Nam.
  • Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.
  • Giải pháp xóa đói giảm nghèo nhằm phát triển kinh tế – xã hội ở các tỉnh Tây Bắc Việt Nam.
  • Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
  • Vai trò của Nhà nước đối với hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
  • Vân vân.

Với những “nghiên cứu” như thế thì hẳn nhiên chúng ta không thể nào đòi hỏi tri thức từ những “tiến sĩ”. Nhưng những con người đó, những tiến sĩ đó sẽ trở thành giáo sư, phó giáo sư. Họ sẽ đóng vai thầy để đào tạo thêm một thế hệ “tiến sĩ” khác. Thế hệ “tiến sĩ” mới sẽ trở thành “giáo sư”, thành tướng, thành tá. Và cứ thế, đất nước này sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ giấy và giáo sư dỏm. Chính họ vừa là sản phẩm vừa là tác nhân làm cho nền giáo dục nước nhà suy thoái. Một đất nước có truyền thống giáo dục cả ngàn năm mà bây giờ phải bị ô nhiễm bởi những kẻ dỏm như thế thì quả là một nỗi nhục với tiền nhân.

Nếu những kẻ dỏm này ngồi yên một góc xó nào đó thì sẽ không có gì để nói. Nhưng ở đây, họ lại cất tiếng nói về những chuyện quốc gia đại sự và đó là điều đáng quan ngại. Quan ngại vì với danh xưng hoa mỹ họ có thể thuyết phục vài người nghe theo. Và đó là một điều nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi những kẻ dỏm đó dùng quyền lực trong hệ thống quân đội và công an để trấn áp những tiếng nói của những nhà trí thức chân chính. Nhưng trên hết, sự có mặt của họ là một nỗi nhục cho nền học thuật của nước ta.

Trong một xã hội hưng thịnh, giới trí thức là những tinh hoa của xã hội. Xin hiểu ở đây “trí thức” không có nghĩa là những người có bằng cấp cao mà là những người có khả năng sáng tạo tri thức mới và dấn thân vì xã hội. Nói như GS Cao Huy Thuần, trí thức là những người không để cho xã hội ngủ. Hiểu như thế mới thấy những người chủ trương trang bauxitevn là trí thức. Và nếu hiểu trí thức như vừa nói thì có lẽ những người mang danh giáo sư, tiến sĩ của Chính Phủ đang ra rả trên đài, trên báo không phải là trí thức mà chỉ là những trí nô ký sinh.
Theo blog BS Ngọc

Bài liên hệ:  Nô dịch đỏ

Han Times – Tuyên ngôn Blogger

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/03/13 at 18:06

Ba Sàm vừa có bài đăng “Phản phản biện“. Có thể nói đây là bài viết mà Ba Sàm đã dành khá nhiều tâm huyết và nó liên quan trực tiếp tới cái gọi là “đặc khu thông tin” do blogger này đề xuất. Tuy nhiên nội dung bài viết có một số điểm không thỏa đáng như việc chủ trang này đã áp đặt một số tiêu chí để phân loại blogger, hay việc hình thành cái gọi là “đội quân thứ 4” phản phản biện một cách có văn hóa và khoa học hơn.

1. Phải – Trái hai lề

Một bên Lề Phải với đầy đủ ban nọ bệ kia, với tiền của Nhà nước (xin nói thẳng là cả tiền công dân đóng thuế), với quá nhiều nhà báo, quá nhiều những kẻ mang danh là nhà lý luận. Bản thân TBT Nguyễn Phú Trọng cũng phải thốt lên đại ý rằng: Chưa bao giờ chúng ta có được bộ máy tuyên truyền đồ sộ với trang thiết bị hiện đại như thế này.

Phía bên này Lề Trái, phần đa là dân blogger. Họ (chúng ta, tôi) biên blog theo đúng cái kiểu tay trái: không mấy người sống được nhờ biên blog phản biện (công kích) Nhà nước – càng không có mấy người mạo hiểm kiếm sống từ “nghề” này.

Không phải ai cũng làm nghề viết rồi trở thành blogger phản biện.

Blogger chỉ có tay không, không tiền đài thọ, không thế lực, không che chắn và phải đối mặt với một tương lai bị hăm dọa. Thứ duy nhất mà chúng ta có được đó là cái đầu và trái tim của mình.

Nhưng tao ngộ chiến Lề Phải – Lề Trái nhiều lần rồi, Lề Phải tỏ ra không phải là đối thủ xứng tầm của Lề Trái. Bài cùn cuối cùng mà Lề Phải bung ra sẽ là ca ngợi Đảng Quang Vinh, nhân dân chọn lựa, còn bên kia là thù địch, kích động lôi kéo.

Cả một bộ máy tuyên truyền đồ sộ, tốn tiền tốn của nhưng lại thường xuyên phải chịu thất bại thảm hại trước blogger (những kẻ tay không biên blog). Đó là tại sao? Là tại công cụ tuyên truyền của Nhà nước đã trở nên quá thiểu năng, phiến diện và cạn đáy về tư duy.

Nhìn ở chiều sâu hơn, điều này chỉ biểu thị tư duy đã cạn kiệt của chính những người cầm quyền.

Thời gian gần đây xuất hiện cái gọi là “Dư luận viên” nhưng cá nhân tôi tin rằng chẳng mấy chốc họ sẽ bị đào thải. Lào xào có đấy, cũng sẽ xôm tụ chút ít nhưng cuối cùng họ với sự non yếu về lý luận của mình cũng sẽ chỉ tụ lại với nhau thành từng nhóm và không làm việc gì hoàn hảo hơn là tự diễu cợt chính mình, qua đó diễu cợt ngay cả người đài thọ cho họ

Cơ chế không cho phép có được người tài trong “bộ máy Dư luận viên”. Một thực tế rất hiển nhiên, nhiều người vốn dĩ từ Lề Phải (báo chính thống) đã chuyển sang thành Lề Trái hoặc không lề. Đơn giản khi ham đọc, ham hiểu, ham khám phá thì sẽ tìm ra chân lý và khát khao được nói tiếng nói của mình.

2. Tuyên ngôn blogger

Blog hay không blog?

Blog hay không blog?

Chúng ta là blogger, những kẻ tay không viết log và đầu óc mơ về một thứ tưởng như điên rồ cho cả xứ sở này: Dân Chủ – Thịnh vượng. Chúng ta không có gì ngoài cái đầu và trái tim của mình, chúng ta không có gì ngoài sự trải nghiệm những buồn vui và cả nước mắt của mình.

Chúng ta có quyền phát ngôn theo ý riêng của mình, chúng ta có cái đầu để tư duy, có con tim để yêu cái phải, cái đúng, ghét cái ác, cái giả dối.

Chúng ta là blogger chúng ta trịnh trọng tuyên bố về quyền bình đẳng, quyền dân chủ, quyền được nói của chính mình. Bằng tiếng nói của mình, chúng ta chiến đấu để bảo vệ quyền đó cho không chỉ riêng chúng ta.

Thứ quyền mà không một thế lực nào, một quyền lực nào có thể cướp đoạt được.

Và chúng ta bình đẳng như nhau.

Và do vậy mọi áp đặt phân vai đều là không thể chấp nhận được. Tôi – blogger do vậy tôi nói tiếng nói của tôi. Đó là quyền của blogger, quyền của cá nhân blogger. Đừng tự đẻ ra luật và áp đặt những tiêu chí dị hợm của bất cứ một vị nào lên tôi.

Chỉ có bình đẳng, đa chiều ngôn luận và mở rộng tranh luận thì mới có dân chủ, và blogger sống trên cộng đồng Internet này là vì điều đó.

3. Đội quân thứ 4: Phản phản biện.

Ba Sàm đề xuất việc ra đời của “đội quân thứ 4” phản phản biện một cách khoa học và có văn hóa. Tôi nói thẳng với tôi đó là điều quái thai và dị hợm, nó không khác gì đội quân “Dư luận viên” cả – có chăng cũng chỉ là ở tầm cao hơn, chuyên nghiệp hơn.

Hình thành đội quân này có nghĩa là phải có tiền, có công sức để đầu tư cho đội quân ấy. Tiền ấy ở đâu ra? Xin thưa rằng từ thuế của tôi – Của công dân. Với tư cách người đóng thuế, tư cách công dân tôi thì một xu tôi cũng không cho đội quân phản phản biện, dù cho nó có văn hóa và khoa học như thế nào đi chăng nữa.

Gần bẩy trăm tờ báo, sáu bẩy chục nhà đài hàng chục vạn người sống nương theo đó chưa đủ à? Qua những gì mà chúng ta đã được trải nghiệm qua các lần tao ngộ chiến giữa Lề Phải với Lề Trái thì việc hình thành được đội quân thứ 4 như BS nói (hay việc báo chí chính thống có thể làm được điều này) là viễn mơ, không thực tế.

Cá nhân tôi không cần “đội quân thứ tư”, tôi không có nhu cầu đóng thêm thuế.

Thay vì hình thành ra đội quân phản phản biện thì Nhà nước hãy đối thoại với công dân. Hơn lúc nào hết nhà nước cần có một tư duy đối thoại với công dân. Còn khi nhà nước từ chối đối thoại thì có nghĩa công dân còn tiếp tục công kích, tiếp tục xa rời nhà nước, rời xa những người cầm quyền.

Con gà và quả trứng, con gà có trước, hay quả trứng có trước?

Mong cầu đối thoại dân chủ, cởi mở trên không gian hiện đại, bắt đầu từ việc Nhà nước và Công Dân đối thoại, bắt đầu từ việc dẹp bỏ luôn và ngay những quy chụp vớ vẩn, lố bịch từ không ít báo chính thống. Chứ không phải từ đặc khu thông tin, hay “từ đội quân thứ 4” phản phản biện văn hóa và khoa học.

Nguồn: blog Han Times

BS Hồ Hải – Tự Đào Hố Chôn Mình

In Chính trị (Politics), Kinh Tế, Lịch Sử, Liên Kết on 2013/03/13 at 17:57

Image

Lâu nay các gói nợ xấu các ngân hàng ém thông tin không báo cáo thực cho Ngân Hàng Nhà Nước, vì sợ bị bắt phải nộp quỹ dự phòng, làm thiếu vốn kinh doanh. Đến hôm nay tình hình các ngân hàng thì dư tiền gửi tiết kiệm của dân, nhưng lại không dám cho vay các dự án, vì hầu hết các dự án tốt thì không cần vay, còn dự án không tốt lại không đủ điều kiện cho vay.

Các khoảng vay cũ dính vào bất động sản và sản xuất kinh doanh bị vướng vào “nợ xấu” do tình hình đóng băng bất động sản và giảm sức mua của dân chúng làm tăng tỷ lệ ứ đọng hàng hóa. Dòng tiền đình trệ, huyết mạch kinh tế bị thuyên tắc, nền kinh tế bị kiệt sức.

Từ đó, sức chịu đựng của các ngân hàng lâu nay còn gánh gồng được, nhưng đến hôm nay thì không thể ém nợ xấu và giúp các đại gia bằng cách đảo nợ tránh nợ xấu nữa rồi. Vì làm như thế sẽ tự ngân hàng giết mình.

Cho nên, hôm nay bắt đầu rộ lên thông tin hàng chục ngàn tỷ đồng ở các ngân hàng bốc hơi, là vì các ngân hàng phải tự cứu mình bằng cách đóng quỹ dự phòng cho NHNN và trung thực khai báo nợ xấu.

Vài tuần tới mọi người sẽ bắt đầu nghe thấy thông tin thực của con số nợ xấu này của toàn hệ thống ngân hàng. Và vài tháng tới bà con sẽ nghe thấy nhiều đại gia tự thông báo phá sản và thanh lý tài sản.

Sau cơn bĩ cực này, doanh nghiệp nào sống sẽ sống khỏe, doanh nghiệp nào sống giả dối lâu nay sẽ đột tử và biến mất trên chốn giang hồ.

Đó là với doanh nghiệp, còn với dân thì, chuyện dân nghèo cùng đường tự vận từ đầu năm 2013 đến nay không hiếm.

Nông dân chờ khiếu kiện mất đất do cường hào ác bá đỏ đang hoành hành dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” của đảng cầm quyền.

Nhưng bên cạnh đó hình ảnh ngân hàng muốn hạ lãi suất để có thể cho vay mà sống thì không thể, vì những món vay cũ của ngân hàng từ dân có lãi suất quá cao. Ngân hàng muốn hạ lãi suất những món vay cũ của khách hàng cũng không được. Tiến thoái lưỡng nan. Ngân hàng đang như con rắn tự ăn cái đuôi của mình. Nền kinh tế nước nhà cũng như thế, đang tự ăn thịt của mình.

Liệu với tình hình như thế này, thì các chính khách có còn ngoan cố giữ nguyên hiến pháp độc quyền lãnh đạo, bất phi chính trị hóa quân đội, không tam quyền phân lập và “nhà nước” đại diện toàn dân để sở hữu đất đai kiếm ăn nữa không? Vì kinh tế quyết định chính trị, mà chính trị chỉ có thể làm ảnh hưởng xấu hoặc tốt lên đối với kinh tế. nhưng với mô hình chính trị như các chính khách đã, đang và sẽ tiếp tục bảo thủ đã là động lực đẩy kinh tế tồi tệ như hôm nay.

Không ai khác, chính đảng cầm quyền sẽ tự đào hố chôn mình, nếu vẫn còn tư duy bảo thủ và chậm tiến mà, không cần quan tâm đến bất kỳ “thế lực thù địch” nào trong dân chúng và nước ngoài. Hãy tự nhìn lại mình, đừng tự dối mình bằng việc đổ lỗi cho nhân dân.