vietsoul21

Archive for Tháng Tám, 2014|Monthly archive page

Hai dòng họ Lý vượt biển tới Đại Hàn Thế kỉ 12-13

In Cộng Đồng on 2014/08/28 at 09:11

Nghiên Cứu Lịch Sử

Trần Vinh

background- apocalypto-piramide

 Lễ trao tộc phả Hoàng thân Lý Long Tường

Biến cố Bắc Hàn thử nghiệm vũ khí nguyên tử lần thứ nhất ngày 09 tháng 10 năm 2006 gợi cho chúng tôi nhớ tới những người yêu chuộng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có những người Đại Hàn ở cả hai miền Nam Bắc vốn là đồng bào Việt Nam như chúng ta, tổ tiên họ thuộc dòng họ triều nhà Lí Đại Việt đã vượt biên tị nạn chính trị mãi hồi thế kỉ 12, 13).

Vị trí nước ta khá xa nước Cao Li (Triều Tiên và Đại Hàn ngày nay), nhưng cùng chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa rất sâu sắc, nhất là về văn tự và nền đạo đức Khổng Mạnh. Cũng vì ‘thiên triều’ Trung Hoa là trung tâm các phiên quốc phải quy về, cho nên sứ…

Xem bài viết gốc 5 989 từ nữa

Phạm Thị Hoài – Người Việt và người Đức

In Cộng Đồng on 2014/08/19 at 21:44

Quê hương thứ hai của tôi khác hẳn quê hương thứ nhất. Khí hậu, thể chế chính trị, tổ chức xã hội, ngôn ngữ và văn hóa, đời sống hàng ngày, phong tục tập quán và tính cách con người, cây, nước, không khí và bầu trời… Cả chó, mèo, vịt, chim bồ câu và vi khuẩn cũng khác. Chỉ có dân số, diện tích [1] và vài chục năm trong lịch sử cận hiện đại là tương đối gần nhau. Tôi thuộc phe không tin rằng bộ gene sinh học góp phần quyết định số phận của một dân tộc [2], vậy mà nhiều khi phải phân vân: Người Việt và người Đức dường như được hai tạo hóa nhào nặn bằng hai chất liệu không thể khác nhau hơn.

Chẳng hạn: tạo hóa của người Việt cho họ năng khiếu hạnh phúc ở kích thước khiêm tốn. Tạo hóa của người Đức cho họ biệt tài than vãn ở tầm cao. Ta hãy lấy một ví dụ.

Trong báo cáo về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm ngoái của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đạt 31 điểm, dưới trung bình gần 20 điểm, xếp thứ 116/177; Đức đạt 78 điểm, trên trung bình gần 30 điểm, xếp thứ 12 [3].

Lẽ ra có thể nhìn sang Nhật (xếp thứ 18), Mỹ (xếp thứ 19), Pháp (xếp thứ 22) hay Ý (xếp thứ 69) để tự an ủi thì người Đức lại bất mãn khủng khiếp về vị trí chỉ đứng thứ 12 của mình. Và nguyên nhân khiến họ không lọt Top Ten những nước trong sạch nhất đã được chỉ ra rành rọt: cho đến nay Công ước Phòng chống Tham nhũng của Liên Hiệp Quốc mà Đức kí từ năm 2003 chưa được phê chuẩn. Lí do chính nằm ở thủ tục điều chỉnh Bộ Luật Hình sự để phù hợp với Công ước này, trong đó điểm kẹt lại nằm trớ trêu ở điều 108e về tội hối lộ dân biểu. Nhưng ở đất nước làm cái gì cũng phải lên lịch từ thế kỉ trước này, điều chỉnh Luật Hình sự cần không dưới 5 năm [4]. Vậy là người Đức có thêm 5 năm để than vãn. Cách đây không lâu Tổng thống của họ phải từ chức, xuất phát từ vụ vay tiền – vâng, vay chứ không phải cướp, vay trả dần, cộng cả lãi suất – của vợ một doanh nhân để mua nhà. Một vị từng là ứng cử viên cho chức Thủ tướng thì đi diễn thuyết cho các doanh nghiệp, với tổng thù lao lên đến gần một triệu Euro một năm [5]. Cả hai đều không chính thức phạm luật, song vẫn bốc mùi. Cứ thế này, dân Đức than thở,  họ sẽ thành một nước “cộng hòa chuối”.

Người Việt dĩ nhiên cũng than thở và hơn cả than thở, họ bức xúc. Họ phẫn nộ và cương quyết. Họ có một điều luật cho phép xử tử hình kẻ nào tham ô từ 500 triệu tiền Cụ Hồ – tức 25.000 dollar – trở lên. Ở Đức, hối lộ cộng tham ô cộng trốn thuế 44 triệu dollar nặng nhất cũng chỉ xứng đáng 8 năm 6 tháng tù, như trường hợp ông xếp ngân hàng Gribkowsky trong vụ bê bối mua bán bản quyền truyền hình giải đua xe F1. Song hành trình với tham nhũng của người Việt không phải là đường một chiều. Nó giống một bùng binh hơn. Ở đó mọi người cùng chen lấn, giành giật và chửi rủa để nhích lên từng centimet, cùng hành hạ nhau và mang ơn nhau, cùng thay phiên trong các vai nạn nhân, ân nhân và thủ phạm. Cảnh tượng dĩ nhiên là đáng ngao ngán, tốc độ thảm hại, diện mạo con người méo mó, chân dung môi trường tàn khốc, nhưng một lúc nào đó, với xe để ở cần số 1 và lí trí để ở cần số 0, tất cả cũng ra khỏi bùng binh, cùng tràn đầy sung sướng, trước khi dấn thân vào bùng binh kế tiếp.

*

Một ví dụ khác:

Ngày 5/8/2014, một chiếc xe bus chở 48 người bị mất thắng ở Lâm Đồng, đâm vào vách núi, khiến 3 người thiệt mạng. Song 45 người bị thương còn lại, từ chấn thương phần mềm đến chấn thương cột sống, từ gãy xương chân tay đến vỡ xương chậu, nhưng thoát chết, vẫn đầy lòng biết ơn số phận và cảm ơn người tài xế đã dũng cảm hi sinh, bằng cách thà lao xe vào vách đá để chết ít còn hơn lao xe xuống vực mà chết tuốt. Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia lập tức viết thư chia buồn với gia đình người tài xế và biểu dương hành động anh hùng của ông. Hàng trăm độc giả bày tỏ lòng xúc động, cảm phục, ngưỡng mộ, coi đó là tấm gương đạo đức cao cả và lương tâm nghề nghiệp sáng chói, nhiều người đề nghị nhà nước truy tặng ông huân chương dũng cảm và danh hiệu liệt sĩ, nhiều người lấy đó để tự hào rằng Việt Nam luôn sinh ra những anh hùng.

Mùa Đông 2010, tại Sölden, một chiếc xe bus trên đường chở khách đi trượt tuyết từ Áo về Đức cũng mất thắng, tài xế cũng tìm mọi cách tránh lao xe xuống vực, cuối cùng cũng chấp nhận đâm vào một cọc bê tông và rơi xuống một đường trượt băng, khiến một người chết và 36 người còn lại bị thương. Tài xế bị thương nặng. Ông được coi là một người dày dạn kinh nghiệm, đã đào tạo 150 tài xế xe bus và theo các nhân chứng, đã phản ứng rất nhanh và chuyên nghiệp khi sự việc xảy ra, nếu không có thể chẳng ai sống sót. Song thay vì được cảm ơn chứ chưa nói đến chuyện anh hùng, ông bị truy tố với tội danh sơ ý làm chết người và sơ ý gây thương tích cơ thể. Ngoài Viện Công tố, gia đình của người bị thiệt mạng và những người bị thương hôm đó đồng tham gia tố tụng. Ông bị tòa kết án. Lí do: là tài xế, ông phải biết rằng chạy đường trơn, lại ở đồi núi, hệ thống phanh thường bị sử dụng quá giới hạn, cần cho xe nghỉ đủ để phanh hạ nhiệt và hoạt động hiệu quả trở lại. Tai nạn lẽ ra có thể tránh được và ông phải chịu trách nhiệm vì đã để nó xảy ra.

Cùng một hành vi, người Việt coi là anh hùng cao cả, đáng tuyên dương; người Đức kết án. Người Việt biết ơn vì chết ít thay vì chết cả nút. Người Đức phẫn nộ, vì cái chết nào không đáng cũng là quá nhiều. Nếu không phải là con người lấy chính mình làm khuôn mẫu tạo ra Thượng đế mà ngược lại, thì Thượng đế của người Việt thật dễ tính, Thượng đế của người Đức khó khăn trăm bề.

Tôi thích ông khó tính hơn. Ngồi trên một chiếc xe bus ở Đức, tôi yên tâm rằng phanh xe không phải là một thế lực siêu nhiên, còn thì phúc, mất thì ráng chịu; hơn nữa tôi không trả tiền mua vé để được sống sót, chỉ vì bác tài xế dũng cảm sẽ hi sinh.

© 2014 pro&contra


[1] Việt Nam: 91 triệu người, 331.000 km2; Đức: 81 triệu, 357.000 km2

[2] Đề tài này gần đây lại bùng nổ, xung quanh cuốn A Troublesome Inheritance (Một di sản phiền hà) mới xuất bản của nhà báo Nicholas Wade.

[3] Khoảng cách này lặp lại ở một số chỉ số quan trọng khác. Thu nhập bình quân đầu người (theo Ngân hàng Thế giới): Việt Nam xếp hạng 130, Đức: 18. Chỉ số Dân chủ (Theo tạp chí The Economist): Việt Nam xếp hạng 143, Đức: 14. Tự do Báo chí (Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới): Việt Nam 172, Đức: 16.

[4] Để tham khảo: Người Tầu cần 46 tuần để hoàn thành sân bay Bạch Vân ở Quảng Châu cho 41 triệu lượt khách mỗi năm. Người Đức xây từ 8 năm qua chưa xong sân bay mới, mang tên Willy Brandt ở Berlin cho 27 triệu lượt khách.

[5] So với cựu Ngoại trưởng và ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ sắp tới, bà Hillary Clinton, thì mức thù lao đó còn quá khiêm tốn. Tháng 10/2013 bà diễn thuyết 45 phút tại Đại học Buffalo New York với giá 275.000 dollar, 90 phút tháng 3/2014 tại Đại học California Los Angeles (UCLA) với giá 300.000 dollar. Buổi diễn thuyết dự định vào tháng 10 năm nay của bà ở Đại học Nevada Las Vegas sẽ được trả 225.000 dollar. Theo Washington Post thì chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, thu 104,9 triệu dollar cho tổng cộng 542 bài diễn thuyết từ khi hết nhiệm kì 2001 đến 2013, trung bình mỗi bài xấp xỉ 200.000 dollar.

Tưởng Năng Tiến – Hát Xẩm

In Cộng Đồng, Việt Nam on 2014/08/14 at 18:08

Lấy cớ rằm tháng Tám – Tết Trung Thu – tôi hú cả đống bạn bè tụ lại, uống sương sương vài chai, cho nó đỡ buồn chút đỉnh. Sau khi cạn vài ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, dù tất cả đã bước vào tuổi năm muơi, chúng tôi đều “ngỡ như còn thơ.”

Cả đám đồng ca bài “Thằng Cuội,” bản nhạc mà có lẽ đứa bé nào sinh trưởng ở miền Nam – vào thập niên 1950 – cũng thuộc. Bài đồng dao này được nhạc sĩ Lê Thương viết bằng những lời lẽ rất tân kỳ, dù nền tân nhạc Việt Nam – vào thời điểm đó – còn ở giai đoạn phôi thai.

 

Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ… Nguồn: ttvnol.com

Hát Bộ, hát Chèo, hát Cô Đầu, hát Cải Lương, hát Hồ Quảng… để kiếm sống ra sao thì tôi không biết. Chớ còn hát xẩm thì dù có được (cho) tiền, vẫn nghèo xơ xác.“Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ …”

“Lặng nghe trăng gió hỏi nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…”
“Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…”

Thuở bé, thỉnh thoảng, tôi cũng nhìn thấy những người hát xẩm. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ Đà Lạt, vào lúc chợ đông, gẩy những tiếng đàn buồn bã, và hát những bài ca u uất, giữa sự hờ hững của “ông đi qua bà đi lại.”

Đó là chuyện hát xẩm ở miền Nam, trong trí nhớ non nớt của tôi, khi đất nước đã hoàn toàn chia cắt. Ở miền Bắc, sinh hoạt của một số những người hát xẩm – có lúc – hoàn toàn khác hẳn:

“…khi hoà bình mới lập lại 1954, ông (nhà văn Thanh Tịnh) được giao phụ trách một đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về hướng Bùi Chu – Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát dân gian để động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ di cư của kẻ địch mà hãy ở lại với quê hương. Không biết ai đã có sáng kiến đặt Thanh Tịnh vào việc ấy? Song quả thực, đấy là một trong những lần, tài năng của Thanh Tịnh được sử dụng một cách đắc địa (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người — Saigon: Phuong Nam Corp, 2002 — 174).

Tác giả đoạn văn vừa dẫn (tiếc thay) không viết thêm một chữ nào về chuyện “quả thực” này, để người đọc có dịp biết thêm, xem “tài năng” của Thanh Tịnh đã được “sử dụng một cách đắc địa” ra sao – trong việc “động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ địch di cư” vào Nam. Nhưng vẫn cứ theo như lời của Vương Trí Nhàn thì cuộc sống của những kẻ ở lại – như Thanh Tịnh – cũng (vô cùng) buồn bã:

“Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu muơi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, duới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn (sđd , 181).

Cỡ như Thanh Tịnh (một nhà văn tăm tiếng, biên tập viên của tạp chí Văn Nghệ, sĩ quan cao cấp của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Anh Hùng) mà còn “đăm chiêu” và “đờ đẫn” như thế thì toàn dân đã sống (dở, chết dở) ra sao – bên kia vĩ tuyến – là chuyện mà ai cũng có thể thấy được, trừ những người đui.

Còn hàng triệu người bỏ đi thì hậu vận cũng không sang sủa gì hơn. Họ bị bắt lại, trọn đám, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng! Từ đây, “Nam / Bắc hoà lời ca.” Một bản trường ca hơi khó hát nên rất nhiều triệu người đã liều mạng đâm xầm ra biển, hay ù té bỏ chạy thục mạng qua biên giới xứ người.

Họ là những kẻ thuộc thành phần “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” – theo như nguyên văn lời giải thích của Chính Quyền Cách Mạng, với dư luận thế giới bên ngoài, và với lũ cột đèn (còn) ở lại.

Không hiểu những người ra đi như thế đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao – nơi đất lạ quê người – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ gửi về cố hương đã cứu sống toàn dân, cũng như toàn Đảng, khi cả nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn và đói kém.

Từ đó, Nhà Nước đổi mới tư duy, và (cùng lúc) bắt đầu… đổi giọng. Theo như ngôn ngữ đương đại thì những kẻ phản bội tổ quốc đều đã trở thành “khúc ruột xa ngàn dặm”, và là “một thành phần không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc.” Nghị Quyết số 36-NQ/TƯ, về “Công Tác Ðối Với Người VN Ở Nuớc Ngoài”, đã ra đời (hơi muộn) vào ngày 26 tháng 3 năm 2004 – dựa trên cơ sở đó.

Đây là công tác quan trọng, được đảm trách bởi Bộ Ngoại Giao, do một vị Thứ Trưởng đứng đầu. Ngoài những ban ngành phụ thuộc, mỗi thành phố lớn đều có (thêm) một vị Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài- chuyên trách về khu vực của mình.

Nếu bỏ những chức danh như Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài… qua một bên – cho nó đỡ rườm rà – và nói trắng phớ ra thì đây chỉ là một đoàn hát xẩm tân thời, chấm hết. Vấn đề chỉ khác ở chỗ là bây giờ (ta) không động viên đồng bào ở lại với Đảng và Nhà Nước nữa (vì chúng đã đi hết rồi) mà chỉ kêu gọi họ đừng đi luôn, tiếc lắm, thế thôi!

Sau đây là báo cáo của Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài Tại Thành Phố H.C.M:

Nguyễn Chơn Trung – Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM (Nguồn: nguoivienxu. vietnamnet. vn)

Không biết cái viện (thổ tả) nào đã sản xuất ra cái loại viện sĩ, như Nguyễn Chơn Trung. Ông ấy thường hay nói chữ, và nói (rất) ngu. Mấy tỉ Mỹ Kim tiền tươi (đổ về ồ ạt hàng năm) mà thằng chả kêu bằng “tiềm năng” và “tiềm lực,” Giời Đất ạ!“Năm 2004 cả nước có khoảng 3,3 tỷ USD kiều hối, riêng TP.HCM đạt 1,8 USD… đó chỉ mới thống kê theo đường “chính ngạch” qua ngân hàng, chưa kể kiều hối về nước bằng những con đường khác nữa. Tiềm năng của Việt kiều rất lớn. Nếu tính xuất khẩu dầu lửa, xuất khẩu gạo của Việt Nam, cả năm phải dùng nguồn lực của toàn dân mới đạt gần 2 tỷ dolar. Trong khi đó, với số lượng kiều hối đổ về quê hương, chúng ta có được 3,3 tỷ dollar. Tiềm lực này nếu bị bỏ quên là điều đáng tiếc”

Thứ Trưởng Nguyễn Phú Bình, Chủ Nhiệm Ủy Ban Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài – có vẻ – đỡ dốt hơn thuộc cấp, khi bàn về “tiềm năng và tiềm lực”của cộng đồng nguời Việt tị nạn:

“Trong số gần 3 triệu người Việt Nam sinh sống định cư ở nước ngoài, uớc tính có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về văn hóa, khoa học và công nghệ, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế… Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”

Ông Nguyễn Phú Bình vốn bị mang tiếng là chỉ biết ăn, chứ không biết nói. Đoạn văn vừa dẫn có thể dùng để biện minh rằng (lâu nay) ông ấy chỉ bị tiếng oan. Nói tình ngay, cả ăn lẫn nói ông Bình đều khá. Chỉ có làm việc là… như cứt!

Không hiểu sau 1954, những đoàn hát xẩm ở miền Bắc đã lôi kéo được bao nhiêu người ở lại với Đảng và Nhà Nước? Chớ còn bây giờ thì con số Việt Kiều mà Thứ Trưởng Nguyễn Phú Bình “chiêu hồi” được – rõ ràng – hơi bị ít.

Năm 2004, có 19 Việt Kiều (1) được mời tham dự “Ðêm Vinh Danh Của Những Người Con Nước Việt Xa Xứ ” – tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 2005 – ở Hà Nội. “Tại sao ban tổ chức lại quyết định lựa chọn con số lẻ 19 người được nhận danh hiệu mà không phải là một con số nào khác?”

Ðây là câu hỏi đã được phóng viên Tạp Chí Người Viễn Xứ nêu ra, và ông Lê Truyền – Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam – trả lời (rất thành thật) như sau:

“Đó chỉ là một con số ngẫu nhiên vì khả năng phát hiện, thông tin của chúng ta mới chỉ được đến thế. Có thể nói rằng công lao đóng góp của bà con Việt kiều ta trên khắp thế giới đối với quê hương đất nước là rất phong phú đa dạng, dưới nhiều hình thức. Việc vinh danh họ sẽ vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong các lần khác. Tất nhiên, có cả những người chưa muốn xuất hiện trong đợt vinh danh này” .

Qua đợt sau, Đêm Vinh Danh Nước Việt 2005 – cũng tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 5 tháng 2 năm 2006 – con số “những người chưa muốn xuất hiện” lại tăng thêm chút đỉnh, làm giảm số người “muốn xuất hiện” xuống chỉ còn 15 mạng (2).

Sự sút giảm này, được nhà báo Trần Khải bàn (ra) như sau:“Trở ngại lớn nhất chính là tự thân chính phủ. Người dân, trong và ngoài nứơc, đa số vẫn không có cảm giác đang được mời xây dựng đất nứơc, mà chỉ có cảm giác đó là lời mời gọi xây dựng chế độ độc đảng tòan trị. Nơi đây, dân không có quyền chọn lựa chế độ, không có quyền chọn lựa chính phủ, không có quyền chọn lựa dân cử. Không tự do báo chí, không tự do tôn giáo, không tự do đi lại hay các quyền căn bản khác. Với người đã từng sống ở Mỹ-Âu mà về là thấy dị ứng rồi”.

Ông nhà báo (tị nạn) này ở tận California, và cái tâm hơi (bị) lớn nên cách nhìn vấn đề có vẻ quá… vĩ mô. Ở bình diện vi mô, những trở ngại (xem ra)… nhỏ nhặt và giản dị hơn nhiều. Câu chuyện sau đây, đã được nêu lên ở tạp chí Nguời Viễn Xứ (vào ngày 22 tháng 9 năm 2006) sẽ minh chứng điều này:

GS Đặng Lương Mô và vợ, bà Trần Thị Ánh Xuân trong căn nhà A1A2, Khu Quy hoạch nhà ở Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp (Nguồn: nguoivienxu. vietnamnet. vn)


“Để “lạc nghiệp”, ông và vợ, bà Ánh Xuân, quyết định phải “an cư”, nghĩa là tìm mua cho mình một mảnh đất, tự tay xây cất căn nhà theo ý muốn. Với số tiền không nhiều, được tích lũy sau 40 năm làm khoa học ở xứ người, ông bà quyết định mua đất của một công ty nhà nước để tránh những rủi ro đáng tiếc…”
“Trường hợp cụ thể mà chúng tôi muốn đề cập là căn nhà của GS.TS Đặng Lương Mô, Việt kiều Nhật, hồi hương từ năm 2002. Do những công hiến của ông cho đất nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo điện tử Vietnamnet đã bình chọn ông là một trong những gương mặt Việt kiều tiêu biểu được trao giải thưởng Vinh danh nước Việt năm 2005…

Vậy mà chuyện “rủi ro” và “đáng tiếc” vẫn (cứ) xẩy ra! Sau đây là đoạn cuối của bức tâm thư mà giáo sư Đặng Lương Mô gửi đến “các cơ quan chức năng” của Thành Phố Hồ Chí Minh:

“Tôi xa quê hương đã lâu. Ở nơi đất khách quê người, lòng tôi lúc nào cũng hướng về quê hương. Khi được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho trí thức Việt kiều về quê hương sinh sống để đóng góp, tôi rất lấy làm vui mừng và phấn khởi. Khi làm thủ tục hồi hương, tôi cũng gặp không ít khó khăn rắc rối, nhưng rồi mọi việc đều qua đi. Nhưng bây giờ vào lúc cuối cuộc đời, sau bao nhiêu năm cặm cụi lao động dành dụm để xây được một căn nhà thì giấy tờ lại không có, lúc nào cũng thấp thỏm lo âu, nhất là tâm trạng bực bội vì bị công ty Vật liệu và Xây dựng lừa gạt”.

Giáo sư Đặng Lương Mô, có lẽ, vì quá tiếc tiền nên hoá… quẩn! Ở thành phố Hồ Chí Minh (quang vinh) có biết bao nhiêu ngàn “cơ quan chức năng” mà đếm. Tâm thư của ông biết gửi về đâu, ai là người sẽ nhận, và phải đọc? Lẽ ra, ông chỉ nên gửi một bức duy nhất đến viện sĩ Nguyễn Chơn Trung (Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài Tại Thành Phố H.C.M) là đủ.

Và loại thư này của đám Việt Kiều thì ông viện sĩ vẫn nhận được đều đều, và cũng đã lên tiếng giải thích nhiều lần – trước đó. Theo ông Nguyễn Chơn Trung thì vấn đề (chả qua) là vì “trên thông nhưng dưới chưa thoáng,” thế thôi!

Thế thôi, kể như, là huề vốn. Nghe thiệt đã đời. Nhưng (lại) nói năng bóng bẩy và ẩn dụ như thế thì e những Việt Kiều, như giáo sư Đặng Lương Mô, không hiểu thấu. Phải nói rõ hơn rằng đây là tình trạng “trên bảo dưới không nghe.” Nghĩa là sự bất lực của một cơ chế đã hoàn toàn rệu rã vì tham nhũng và thối nát. Thượng bất chính, hạ tất loạn. Trên ăn thì không thể bắt dưới nhịn được. Bây giờ toàn Đảng cứ “nghe cái chủm là táp”, chợ chiều mà.

Số tiền dành dụm cả một đời người – của gia đình ông Đặng Lương Mô – phen này chắc mất, mất chắc!

Nghe (lời) hát xẩm, vào lúc chợ chiều, rõ ràng là dại.

Tôi không đồng tình với việc làm vì tham danh và hám lợi của ông Đặng Lương Mô, và những ông tiến sĩ cùng loại; tuy nhiên, tôi vẫn lên tiếng phản đối đến cùng chuyện tài sản của quý vị bị những đảng viên cộng sản VN cuỡng đoạt. Tôi cho hạn ông Nguyễn Phú Bình, ông Nguyễn Chơn Trung 4 tháng – kể từ hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2006 – để giải quyết dứt điểm chuyện lừa gạt này. Nếu không xong, quý vị sẽ có dịp đọc một bài viết khác – có tựa là “Già Đô, Tiến Sĩ Đặng Lương Mô Và Chuyện Kể Năm 2007 – cũng trên diễn đàn này, với một văn phong (hoàn toàn) không lấy gì làm nhã nhặn.

(Bà) sẽ chửi cho tắt bếp, để chúng mày chừa cái thói đạo tặc đi!

Copyright by DCVOnline 2006

Ghi chú:

(1) Ông Vũ Giản, Thụy Sĩ; tiến sĩ Ông Nguyễn Đăng, Vương quốc Bỉ; tiến sĩ Lương Văn Hy, Canada; tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Việt Nam; viện sĩ Trần Văn Khê, Paris; tiến sĩ Đặng Lương Mô, Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Nam; tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, Hoa Kỳ; ông Lê Phi Phi, Việt Nam; tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Hoa Kỳ; tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Pháp; tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, Pháp; nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, Canada; ông Bùi Kiến Thành, Hoa Kỳ; tiến sĩ Trần Văn Thọ, Nhật; tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận, Hoa Kỳ; tiến sĩ Võ Văn Tới, Hoa Kỳ; kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Pháp; tiến sĩ Trần Thanh Vân, Pháp

(2) TS. Nguyễn Quốc Bình (VK Canada); TS. Nguyễn Trọng Bình (VK Mỹ); PGS, TS. Nguyễn Lương Dũng (VK Đức); TS. Nguyễn Trí Dũng (VK Nhật); Họa sĩ Lê Bá Đảng (VK Pháp); GS,TS. Nguyễn Quý Đạo (VK Pháp); Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (VK Pháp); Bác sĩ Bùi Minh Đức (VK Mỹ); TS. Lê Phước Hùng (VK Mỹ); ThS. Phạm Đức Trung Kiên (VK Mỹ); GS,TS. Đoàn Kim Sơn (VK Pháp); GS Toán học Lê Tự Quốc Thắng (VK Mỹ); Ông Phan Thành – Chủ tịch HĐQT HHNVNONN TPHCM (VK Canada); GS,TS Nguyễn Văn Tuấn (VK Úc) và GS,TS Nguyễn Lân Tuất, VK Nga

VĂN NGHỆ SĨ NÊN HỌC HỮU LOAN ĐỂ GIỮ CHÍNH KHÍ TRƯỚC BẠO QUYỀN

In Cộng Đồng, Lịch Sử, Việt Nam, Văn Chương on 2014/08/14 at 17:58

Hạnh Trần: Tặng các bạn câu chuyện về một tình yêu và bản năng tồn tại vô song trong bối cảnh lịch sử ngặt nghèo của Việt Nam. Một truyện hư cấu có giàu tưởng tượng đến đâu cũng không thể hay hơn

Chân dung nhà thơ (wikipedia)

Lời tự thuật của HỮU LOAN, tác giả “MÀU TÍM HOA SIM”

MÀU TÍM HOA SIM
(Nguyên văn của tác giả)

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…


Nhưng không chết

người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa

Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệrớm

Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Hữu Loan

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan.

Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.

Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …..
Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:- Thầy có thích ăn sim không ?- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ …

Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.- Thầy ăn đi.Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:-Ngọt quá.Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …

Chín năm sau, tôi trở lại nhà…Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp….Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”.

Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ.

Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống. Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn …

Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng…Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh.

Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”

Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!

Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng….Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông …

Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi …

Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!

Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa.

Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông .

Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.

Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó , bữa đói bữa no…. Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì.

Năm 1988, tôi ” tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán.

© Hữu Loan