vietsoul21

Archive for Tháng Mười Hai, 2013|Monthly archive page

Khuất Đẩu – Thiến!

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Văn Chương on 2013/12/21 at 23:39

Khi tôi còn bé, những buổi trưa ở thôn quê thật buồn. Chỉ có nắng ngùn ngụt như bốc khói. Và gió, những cơn gió hừng hực đuổi lũ rơm rạ cuống quít chạy trốn trên đường làng. Cái tiếng gà trưa lúc này nghe ra đúng là thật não nùng. Mà cái tiếng của một ông thợ hoạn lại càng não nùng bi thiết hơn!

He…o thiến hôn?

Âm “he…o” kéo dài tưởng chừng lê lết bỗng đột ngột vút lên cái âm thiến sắc nhọn như lưỡi dao của ông. Lũ heo trong chuồng mà nghe và hiểu được như người chắc là sợ chết khiếp.

Thế rồi đâu đó có tiếng chủ nhà: Ông thiến ơi, vào đây!

Những con bị thiến là heo cái chừng hơn một tháng tuổi. Cô ả bị người thợ hoạn treo ngược lên, rạch một đường bên hông, đưa mấy ngón tay mò mẫm rồi lôi ra một chút thịt sống đẫm máu gọi là hoa sung. Sau đó là may với kim thiến heo thật to, không bôi thuốc đỏ mà bôi lọ nghẹ trộn với lá dâm bụt. Cô ả được thả vào chuồng, được chăm chút, chỉ ăn rồi ngủ, để rồi sáu tháng sau hoặc hơn, lại được treo ngược lên một lần nữa, lần này không phải ông thợ hoạn mà là anh đồ tể.

Cái tiếng ụt ịt nũng nịu thầm thì bấy lâu bỗng đổi thành cái tiếng ét chói tai như con tàu kéo hồi còi vĩnh biệt.

Gà, chỉ có gà trống mới thiến. Một khi hai hòn dái giấu kín trong bụng được lấy ra, anh không thèm gáy, không thèm đá lộn, đương nhiên không thèm túc túc cù rủ và nhường con trùn hay con dế cho các chị gà mái nữa, chỉ ăn toàn bắp ngâm nước cho mềm ra để tạo mỡ. Cuối tháng chạp, anh được nhốt trong một chiếc lồng hình con vịt, được các chàng trai khúm núm đem đi tết bố mẹ vợ sắp cưới. Để rồi sau đó anh nằm bảnh chọe trên một chiếc đĩa to kềnh mỡ vàng tươm ai thấy cũng thèm!

Chó bị thiến cũng là chó đực. Thiến để anh không đi tơ, để đêm ngày nằm gác mõm trên thềm nhà canh giữ sự an nguy cho chủ. Vì sợ hai hàm răng trắng nhởn có thể ngoạm vào bất cứ ai trong cơn hốt hoảng, nên người ta vuốt ve cho anh ngúc ngoắc đuôi ngoan ngoãn rồi bất ngờ úp một cái cối giã gạo lên đầu anh. Thế là hai hòn dái quý báu của anh cứ việc phơi ra cho người ta xẻo một nhát đi đứt. Khi được thả ra, anh chạy biến, trốn vào một bụi rậm, nằm liếm mãi cái vết thương cho đến khi khô máu mới dám thập thò trở về nhà. Anh được chủ yêu hơn, cưng chiều hơn, trở thành một thành viên tận tụy của gia đình, đến lúc già chết được đeo mấy đồng tiền vào cổ để đi đò qua sông Mịch La.

*

Với con người, ba tiếng “đau như hoạn” nhất định là thống thiết hơn cái tiếng ét hay tiếng ẳng. Đó là nỗi đau không được làm đàn ông, không được truyền giống, đau vì những người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ.

Còn hơn đau, đó là nỗi nhục.

Trong cổ kim, chỉ có một người biến nỗi nhục đó thành vinh, là Tư Mã Thiên. Bị kết tội chết vì bênh vực Lý Lăng, không có tiền chuộc mạng, ông đành nghiến răng chịu thiến. Không đẻ được con bằng xương bằng thịt, ông dành cả đời để đẻ ra đứa con tinh thần bất tử là bộ sử ký vĩ đại của nước Trung Hoa cổ đại.

Nhưng cũng có nhiều kẻ chịu đau chịu nhục chỉ để để trở thành hoạn quan.

Carter Stent miêu tả về việc cát thể (hoạn) ở Trung Hoa cuối đời Mãn Thanh như sau:

Trước khi cát thể, người có ý định trở thành thái giám được đặt nằm nghiêng trên một cái giường thấp và được hỏi lần cuối cùng có hối hận gì khi bị thiến hay không. Nếu người đó trả lời không thì một người sẽ giữ chặt bụng người đó, hai người khác banh hai chân ra giữ cho khỏi cục cựa. Băng vải được quấn chặt ở bụng dưới và hai đùi, và bệnh nhân được cho uống một thang thuốc mê (ma phế thang), bộ phận sinh dục của y được chà xát bằng nước ngâm ớt. Cả dương vật lẫn dịch hoàn được cắt xoẹt bằng một nhát dao sát tận đáy, một nút bằng kim loại cắm ngay vào lỗ sinh thực khí và vết thương được băng chặt bằng giấy bản, bên ngoài quấn vải thật chặt.

Người thái giám lập tức được những “đao tử tượng” dìu đi quanh phòng trong hai ba giờ liền trước khi được quyền nằm nghỉ. Người đó vừa đau đớn, vừa khát nước nhưng không được ăn uống và tiểu tiện trong ba ngày. Sau ba ngày, vải băng được cởi ra và cái nút được rút ra và nếu bệnh nhân có thể đi tiểu được ngay thì vụ giải phẫu thành công và qua được thời kỳ nguy hiểm. Nếu người thái giám không tiểu tiện được có nghĩa là đường sinh thực khí đã bị thu hẹp hay bịt kín và chỉ còn đường chờ chết.

Có gia đình chuẩn bị việc cho con mình tương lai sẽ làm thái giám tử khi còn nhỏ. Một bà vú (bảo mẫu) thuê để đặc biệt chăm sóc cho đứa trẻ ngay từ khi còn nằm trong nôi. Bà vú này có một thủ thuật riêng, mỗi ngày ba lần nắn bóp dịch hoàn đứa trẻ khiến đứa bé đau đến khóc thét lên. Lực bóp cũng tăng thêm và cơ quan sinh dục của đứa bé dần dần bị hủy hoại. Khi lớn lên không những mất khả năng sinh dục mà dương vật còn teo dần khiến đứa trẻ có nhiều nữ tính, không có yết hầu, hai vú nhô cao, mông nở, giọng nói lanh lảnh, dáng điệu ẻo lả và trở thành “ái nam, ái nữ”.

Kinh hoàng như thế nhưng nhiều người vẫn xâm mình chịu trận, đủ biết cái bả vinh hoa nó có một hấp lực còn mạnh hơn cái bản năng gốc đã được tạo hóa cài đặt từ trong bụng mẹ.

Từ khi có chế độ cộng sản thì cái nước Tàu mênh mông không còn tiếp diễn cái cảnh man rợ đó nữa. Nhưng để được đứng dưới ngọn cờ của Đảng, có biết bao người đã tự hoạn. Hai tiếng “đồng chí” hết sức trung thành đã thay cho hai tiếng “hoạn quan”. Họ không chỉ phục dịch mỗi hoàng đế Mao Trạch Đông mà cả trăm cả ngàn ông hoàng bà chúa bé hơn ở Trung Nam Hải.

Nước Nga đâu khác gì.

Bắc Triều Tiên cũng vậy.

Thì thôi, đành một nhẽ. Dẫu sao họ cũng tự thiến chứ không phải bị đè ra thiến.

Ở xứ ta, từ khi có người gọi đích danh tự do là cái con cặc, thì cả nước bỗng ngớ ra bởi vì, sao trông nó buồn thiu ỉu xìu đến như vậy. Hóa ra nó đã bị thiến tự bao giờ! Cho dù không bị treo ngược lên như heo hay úp một cái cối giã gạo lên đầu, nhưng hơn nửa thế kỷ nay, từ khi vào mẫu giáo, nó đã bị bóp cho nát bét ra cái tư tưởng tự do như hai cái dịch hoàn, thì còn đâu khí thế mà vùng lên được.

Cho nên dẫu có muốn ngồi nhìn hòn dái đâm đinh như nghệ sĩ Pyotr Pavlensky trình diễn Fixation bằng cách đóng đinh bìu dái mình trên Quảng trường Đỏ cũng không còn dái đâu mà đóng.

Ô hô, cả nước bị thiến! Đúng là đau như hoạn!

17/11/2013

© 2013 Khuất Đẩu & pro&contra

Nguồn: pro&contra

Nguyễn Hoàng Văn – Chính trị… hôi của

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/12/20 at 23:33

Từ một tai nạn giao thông, đề tài “hôi của” vụt biến thành một câu chuyện thời sự, chuyện này nhắc lại chuyện kia, kéo dài, và, cuối cùng, là những tiếng thở dài ngao ngán về sự xuống cấp của đạo đức, sự biến mất của lòng tử tế, như câu hỏi nhức nhối trên một tờ báo: Phải chăng, “lòng tốt đã bị đánh cắp”. [1]

Ngày 4 tháng 12 một xe vận tải bị lật tại Biên Hoà, hàng ngàn thùng bia đổ ra và, sau đó, là cảnh nhốn nháo của đoàn quân hôi của. Ào ào, rần rần, không chỉ “hôi” bằng tay bằng túi, họ “hôi” cả bằng xe ba gác, “hôi” một cách thoải mái, hả hê: “hôi “ ngay trước mặt người tài xế đang khóc lóc van xin, “hôi” ngay trước mặt đứa con gái chớm lớn đang hổ thẹn thay cho người lẽ ra phải đáng yêu và khả kính của mình. Vân vân, rất nhiều hình ảnh tương tự và, không chỉ đê tiện với người sống, đoàn quân hôi của nhan nhản từ Nam ra Bắc còn giở trò vô lại với cả người chết. Ngày 18 tháng 9, phát hiện thi thể một người đàn ông dưới một gầm cầu ở Lào Cai, nhiều dân cư địa phương đã đến đây khấn vái thả tiền và, sau đó, cũng là cảnh hôi của nhốn nháo dưới gầm cầu, “hôi” cả những đồng tiền cúng cho người chết [2]. Những cảnh tượng như thế đã dồn dập tiếp nối nhau khiến có người thảng thốt bật lên câu hỏi, sau cái vụ cướp bia trước mặt người tài xế: Thực ra, đây là “hôi của” hay “cướp của”?

Như thế thì phải xem lại sự khác nhau giữa “hôi” và “cướp của”. Ngoài ý nghĩa “mót nhặt những gì còn sót lại” như là cách mưu sinh tội nghiệp của những người cùng đường thì “hôi của”, ở phần nghĩa xấu hơn, trong đa số từ điển tiếng Việt xưa cũ, đều được diễn đạt như là “lợi dụng sự lộn xộn” để “nhúng tay” vào nhằm “kiếm chác và chia phần”. Nhưng đến Từ điển tiếng Việt tường giải, liên tưởng của Nguyên Văn Đạm, xuất bản lần đầu vào năm 1993, thì “hôi của” đã trở thành “cướp của”: “thừa cơ cướp của trong một lúc lộn xộn.” [3]

Từ “thừa cơ kiếm chác” như một kiểu trộm cắp thiếu bản lĩnh đến “thừa cơ cướp của” là cả một chặng đường. Nếu “thừa cơ kiếm chác” là trò ruột của hạng lưu manh vặt thì cái gì đã đẩy đám đá cá lăn dưa ấy tiến gần đến mức độ táo tợn của giới đạo tặc chuyên ăn cướp như thế?

Nếu hạng đá cá lăn dưa chỉ dám xâm phạm quyền sở hữu người khác trong cảnh nhá nhem sáng tối của một tình thế lộn xộn thì kẻ cướp lại công khai xâm phạm dựa vào sức mạnh, sức mạnh “cứng” hoặc sức mạnh “mềm”. Cứng, sức mạnh đó có thể là nắm đấm hay họng súng trên tay một tên võ biền đơn độc, một đám lục lâm ô hợp hay một đội quân kỷ luật, của một băng mafia, một đảng v.v… Và mềm, nó có thể là uy lực giang hồ của một đàn anh tỉnh lẻ, một bố già cái thế hay “lịch sử vẻ vang” dày đặc thành tích trấn áp của một tổ chức, một đảng; thứ “uy lực – lịch sử” tự mình kiến tạo hay chỉ đơn giản là thừa kế, như một hình thức “tập ấm”, hoặc lập lờ nấp bóng, như là khỉ mượn hơi hùm.

Chăm chăm ăn cướp nhưng thiếu bản lĩnh, thiếu sự tự tin về “uy lực” hay “lịch sử” mà mình đang nắm hay chỉ đang kế thừa thì phải tạo ra những tình trạng lộn xộn, rối ren và thế, cũng có nghĩa là… chính trị. Chính trị là nghệ thuật của quyền lực. Nhưng chính trị còn là nghệ thuật gây ra sự lộn xộn bởi, chính những tình huống rối ren diễn ra theo kịch bản sẽ cho phép tay chơi vận dụng quyền lực một cách tốt nhất và dồn ép con mồi vào những tình thế lúng túng, bị động nhất. Như vậy thì lời đáp cho cái cái câu hỏi nhức nhối về sự “đánh cắp” lòng tốt nói trên không chỉ đơn giản là “bần cùng sinh đạo tặc” mà là cái lịch sử đau đớn của chúng ta. Cái lịch sử ở đó những biến động bi thiết nhất lại là những “kịch bản rối ren” hoành tráng nhất, thăng trầm theo nhu cầu cộng sinh giữa hạng đạo tặc thiếu bản lĩnh và đám đá cá lăn dưa sống bám vào sự rối ren lộn xộn.

Không muốn nhai lại chính mình nhưng tôi thấy khó mà tìm được điểm tựa nào đắt hơn để làm bật lại cái lịch sử đau đớn ấy bằng những chuyện đã nêu trong bài viết cách đây chín năm trên talawas về cái mẫu số chung giữa miếng ăn người lính chân đất ở chiến trường Việt Bắc năm 1950, ở chiến trường Tây Nguyên năm 1965 và những chiếc Mercedes bóng lộn của những quan chức bệ vệ của hệ thống toàn trị năm 2005. [4]

Đó là miếng thức ăn Mỹ trong miệng bộ đội giữa trận đụng độ Ia-Ðrăng khiến Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Ðặng Vũ Hiệp phải ra lệnh kiểm điểm. [5] Đó là những bánh kẹo Pháp mà bộ đội nhóp nhép trong miệng sau Chiến dịch Biên giới khiến Chính ủy Trung đoàn Trần Độ bị Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trần Đăng Ninh, trong vai trò “Trưởng ban thu dọn chiến lợi phẩm”, yêu cầu Quân ủy Trung ương kỷ luật.

Nhưng tôi phải nói ngay rằng tôi không hề có ý miệt thị đó là hành động “hôi của” bởi, sau những trận đánh kéo dài, kiệt sức và đói lả người, người lính nào cũng có quyền tự tưởng thưởng cho mình bằng những chiến lợi phẩm thu được. Công bằng mà nói thì, trên phương diện chiến thuật, Chủ nhiệm Chính trị Đặng Vũ Hiệp đã có lý khi ra lệnh kiểm điểm bộ đội của mình bởi, ngay giữa một trận đánh, họ không thể để miếng ăn làm hao hụt xung lực của trận đánh. Nhưng khi bảo vệ cho lính mình cái quyền nhâm nhi chiến lợi phẩm sau trận đánh, Chính uỷ Trần Độ đã hoàn toàn chính đáng khi cãi lại cấp trên, như đã kể lại trong Hồi ký của ông:

“Hôm tôi đi qua Ðông Khê vừa giải phóng, thấy một nhóm chiến sỹ đang ngồi nhai bánh, ăn kẹo. Cán bộ thu dọn chiến trường đến quát tháo đòi kỷ luật, bắt anh em đưa nộp hết bất cứ thứ gì đã thu nhặt được với cái lẽ: chiến lợi phẩm lớn nhỏ đều là tài sản quốc gia, là chiến quả đổi bằng xương máu. Với máu thanh niên vốn sôi nổi, tôi rất ghét cái thói lên lớp dạy đời, nên đứng lên cãi lại. Tôi cũng nói ngang ngược không kém: Các anh có biết chiến thắng này do ai không? Và ai đổ xương máu ở chiến trường này. Có phải là những người lính không? Trước khi đi vào trận đánh họ vui vẻ ăn bưởi rừng, ổi ma thay cơm, măng rừng thay thịt cá. Bây giờ chiến thắng rồi, có tí chút chất tươi vui vẻ với nhau. Các anh phải lên lớp làm gì nặng nề thế! Thôi các anh đi đi. Ðây là đơn vị chúng tôi. Chúng tôi chịu trách nhiệm ở đây không cho ai lấy.” [6]

Miếng ăn “chiến lợi phẩm”, như thế, đã bị giật ngay từ trong miệng của người lính. Nó bị giật ngay trên trận địa mà họ đã đổ máu và bị giật bằng “quyền lực mềm” của hệ thống toàn trị, thứ quyền hách dịch “lên lớp” và quyền phán định đâu là “tài sản quốc gia”. Mà không chỉ có chiến lợi phẩm tại Đông Khê, một mặt trận đơn lẻ trong “chiến dịch lịch sử” mang tên “Biên giới” để nối liền chiến khu Việt Bắc với lãnh thổ Trung Quốc như một “hậu phương lớn”. Và không phải bậc chỉ huy nào cũng gắn bó chan hoà vói lính như chính ủy Trần Độ. Những “tài sản” thu dọn trong một cái cảnh lộn xộn sau “chiến dịch lịch sử” ấy đi đâu, về đâu, đã mang lại lợi ích chung nào cho “quốc gia”? Câu trả lời, ắt hẳn, chắng khác gì mấy lời đáp đã có về “tài sản quốc gia” lớn hơn rất nhiều là 16 tấn vàng dự trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hoà sau đó 25 năm, trong cảnh rối ren lộn xộn sau “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.

Sau một “chiến thắng lịch sử” là một vụ “hôi của lịch sử”. Thu dọn chiến lợi phẩm là quyền tự nhiên của kẻ thắng trận nhưng “tài sản quốc gia” là “tài sản quốc gia” và vấn đề ở đây là cung cách kiếm chác của những thành phần đặc quyền như một trò “hôi của” có tích có tuồng giữa những xáo trộn lịch sử.

Trong chiều hướng đó thì lịch sử của hệ thống toàn trị cũng chính là lịch sử của những vụ “hôi của” mang tầm… lịch sử. Những diễn biến mệnh danh “bước ngoặc lịch sử”, “thắng lợi vĩ đại” hay “thành công tốt đẹp”, hết thảy, đều là “thắng lợi” của những mưu toan gây lộn xộn mang tầm cỡ quốc gia” để mở ra những chiến dịch hôi mang tầm cỡ quốc gia. “Thắng lợi” của cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn theo khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” vào thập niên 50 cũng là “thắng lợi” của sự cộng hưởng ở đó những thành phần đặc quyền đã xúi giục đám “cốt cán” đá cá lăn dưa, trong những cuộc đấu tố đầy tính đá cá lăn dưa và sự “thực phần” cũng không kém phần đá cá lăn dưa, ở đó quyền “hôi của” của được ban cấp một cách tương ứng theo nhiệt tình đóng góp công việc “đào gốc trốc rễ” những kẻ thù giai cấp. “Thắng” lợi của cuộc đấu tranh giai cấp mệnh danh “cải tạo công thương” ở thành thị vào thập niên 50 ở miền Bắc và thập niên 70-80 ở miền Nam cũng là “thắng lợi” những kẻ hôi của đầy quyền lực. Những “thành công” lớn kéo theo những chiến dịch hôi của lớn và những “thành công” nhỏ nhỏ vừa vừa của các chính sách kinh tế – xã hội như các đợt đổi tiền, chiến dịch san bằng sở hữu “Z-30” hay hợp doanh thương nghiệp v.v… chính là tiền đề của các vụ hôi của nhỏ nhỏ, vừa vừa. [7]

Cứ cho đó là những “sai lầm ấu trĩ” của “một thời bao cấp”, thế nhưng không chỉ có cái thời đã qua quýt thú nhận là “sai lầm” cho xong chuyện ấy. “Thành công tốt đẹp” của Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) 2005 tại Hà Nội là một dấu mốc cho thời kỳ “mở cửa – tiến ra biển lớn” nhưng cũng là “thành công tốt đẹp” của tầng lớp đặc quyền khi “hôi” được những 80 chiếc Mercedes miễn thuế. [8] “Thành công” của muôn vàn “dự án quy hoạch” nhân danh phát triển cũng là “thành công” của đám hôi của bằng chính sách, “hôi” từ những cánh rừng- thuỷ điện mênh mông đến những”bờ xôi ruộng mật” đã nuôi sống không biết mấy thế hệ nông dân.

Và khi “thành công” như vậy, nó đã “thành công” như một đạo tặc thiếu bản lĩnh, phải nép mình vào bóng tối để kiếm ăn. Bản lĩnh” của đạo tặc không chỉ thể hiện ở cái gan giết người hay cướp của mà còn là “khí phách đạo tặc”, cái tinh thần dám chơi dám chịu, dám thẳng thắn thừa nhận mình là kẻ cướp hay kẻ sát nhân. Còn những thành phần đặc quyền đặc lợi của hệ thống toàn trị thì hôi của bằng cái quyền “nhân danh”, và để thoải mái “nhân danh”, họ phải làm mọi cách để duy trì tình trạng rối ren và nhập nhằng về quyền sở hữu. [9]

Chính trị của hôi của, như đã nói, là chính trị của sự rối ren. Để bảo vệ độc quyền làm ông chủ của tình trạng rối ren, hệ thống toàn trị phải duy trì tình trạng bưng bít và nhập nhằng.

Bưng bít và nhập nhằng là bản chất cố hữu của chế độ toàn trị. Hệ thống toàn trị Đức Quốc xã đã bưng bít chân dung thật của Hitler, kẻ đã một thời chiếm ngự trái tim và khối óc người Đức bằng cách sách động sự thù hận với người Do Thái nhưng, mỉa may thay, lại có máu Do Thái trong người. Hệ thống toàn trị tại Việt Nam thì bưng bít từ ngày khai sinh thật đến ngày khai tử thật của Hồ Chí Minh, khoan nói những chuyện thâm cung hệ trọng khác. Bằng những tiểu sử nhập nhằng, hệ thống toàn trị đã tạo ra những hào quang thánh nhân cho những nhà độc tài phàm tục. Bằng những khái niệm nhập nhằng về dân chủ, như “dân chủ tập trung”, nó cướp đoạt gần hết quyền làm… dân của chính người dân. Và bằng sự nhập nhằng của khái niệm “sở hữu tập trung” đối với đất đai, nó thoải mái hôi của theo cung cách mà nhà từ điển học Nguyên Văn Đạm đã tổng kết trong bộ từ điển nói trên: “thừa cơ cướp của trong một lúc lộn xộn.”

“Thừa cơ cướp của” là hành động của hạng vô lại và, như những kẻ vô lại hoàn toàn không có chút tự trọng, hệ thống toàn trị cũng không chừa cả người chết.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy xấu hổ, chung cho người Việt, là lần chứng kiến cảnh mặc cả giữa một người Việt và một viên chức lãnh sự Mỹ, trong một trại tỵ nạn ở Hồng Công. Với tấm thẻ bài của lính Mỹ mang theo trong hành trình vượt biển, người Việt nằng nặc đòi hỏi chính phủ Mỹ phải bảo đảm cho anh ta, và cả gia đình của anh ta còn ở tại Việt Nam, một tấm visa Mỹ hay, ít ra, là cái giá tính bằng đô la: phải bảo đảm điều đó thì mới cung cấp thông tin về bộ hài cốt mà gia đình đang giữ tại Việt Nam. Viên chức Mỹ thì lặp đi lặp lại rằng vấn đề là nhân đạo, nhân đạo và nhân đạo: việc thưởng tiền là tùy thuộc vào thân nhân người lính, chính phủ Mỹ tuyệt đối không chấp nhận việc mua bán hài cốt người chết.

Không ai chịu ai, và cuối cùng, chủ nghĩa nhân đạo đã đầu hàng, viên chức Mỹ ra về trắng tay, để lại tôi và những nhân chứng khác đăng đắng một cảm giác bẽ bàng, hổ thẹn. Nhưng xét cho cùng thì kẻ mặc cả ấy cũng không đáng trách nhiều lắm: ra đi, mang theo cái tấm thẻ mà gia đình đã rót vào đó bao nhiêu tiền bạc, gởi gắm vào đó như là vật bảo chứng cho cả một kỳ vọng đổi đời, làm sao anh ta có thể tự ý quyết định? Như thế thì vấn đề ở đây là “xác tín” của cả gia đình anh ta, không chỉ về cái giá mà một bộ hài cốt lính Mỹ có thể mang lại mà, quan trọng hơn, là “lẽ tự nhiên” trong việc đầu tư để kiếm lợi từ một bộ xương như thế.

Đó là thứ “xác tín” hình thành trong một chế độ mà việc mặc cả trên xương người chết đã trở thành một chủ trương chính trị, một chiến lược ngoại giao. Đầu tiên, chỉ một thời gian ngắn sau “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, là mưu toan làm tiền trên hài cốt Mỹ với cái giá lịch sử là 3.2 tỷ Mỹ kim. Người Mỹ muốn tính sổ với 58.000 binh sinh tử trận và mất tích ư? Thì phải bình thường hoá quan hệ. Họ muốn bình thường hoá quan hệ ư? Thì phải bồi thường chiến tranh. Cũng như cuộc mặc cả mà tôi chứng kiến, một bên là chủ nghĩa nhân đạo”, một bên là chủ nghĩa “tiền trao cháo múc”, hai bên nhùng nhằng, chẳng ai hiểu ai và chấp nhận lý lẽ của ai. Chỉ có mặc cả và mặc cả, mặc cả cho đến lúc chưng hửng vì bỏ lỡ cơ hội để rồi phải chấp nhận giảm giá, giảm dần và giảm dần, mãi cho đến năm 1994, lúc được xoá lệnh cấm vận. [10]

Không chỉ thiếu tự trọng, nó còn man rợ nữa. Không nói đếu tiêu chí hiện đại thể hiện ở Geneva Convention 1949, nó thậm chí còn man rợ cả với tiêu chí của văn minh cổ đại đi trước mình đến mấy chục thế kỷ. Homer, cách đây trên 3.000 năm, khi diễn tả lại cuộc chiến thành Troy trong Illiad, đã cho thấy thần Zeus “kinh động” như thế nào trước cảnh những tử thi bị kên kên rỉa xác và “lời nguyền” mà những kẻ man rợ sau cái trò này phải nhận lãnh như thế nào. Và Homer đã cho thấy, rốt cuộc, sau 12 ngày hành hạ tử thi của Hector, Achilles đã thực sự ân hận như thế nào, không chỉ ân hận đến mức trả lại thi hài của Hector mà còn độ đồng ý thời hạn hưu chiến đến 12 ngày để thành Troy có thể tống táng binh sĩ của mình một cách tử tế trước trận tử chiến cuối cùng. Nếu Illiad là một truyền thuyết xa xưa nhuốm màu thần thoại thì gần hơn, và xác thực hơn, là những sử liệu rành rành về mệnh lệnh của Abu Bakr vào thế kỷ thứ 7, giáo lĩnh đầu tiên của đạo Hồi, khi nghiêm ngặt yêu cầu binh sĩ mình phải đối xử tử tế, không được xúc phạm đến thi thể đối phương.

Hơn hẳn bất cứ vận động nào khác, chiến tranh là một cuộc vận động với xác suất cao nhất về những yếu tố bất ngờ và bất toàn nên sự phát sinh của những hành động man rợ mang tính cá nhân trong tình thế nóng bỏng của chiến trường ở phía này hay phía kia là điều khó mà tránh khỏi. Cái đáng nói ở đây là thời bình, một chính sách của thời bình, mà là một chính sách kéo dài. Khi cái trò kinh doanh hài cốt thiếu tự trọng ấy được nâng lên như một chính sách quốc gia thì vấn đề không chỉ đơn thuần là hai bên, đơn thuần là Washington và Hà Nội, là những nhà ngoại giao thay mặt và những nhà quyết định chính sách đứng sau. Theo những cuộc đàm phán kéo dài thì, càng ngày, những thân nhân chờ đợi sẽ càng đau đớn khi chồng hay con em chưa thể yên nghỉ một cách tử tế. Và càng ngày, theo những cuộc mặc cả giá xương cốt kéo dài, công dân của các nhà cầm quyền tự xưng “đỉnh cao trí tuệ” sẽ càng quen dần và tin dần vào “lẽ tự nhiên” hay sự “chính đáng” của cái trò hôi của từ xương người chết hay kinh doanh trên nỗi đau đớn của thân nhân người chết.

Lòng tốt đã bị “đánh cắp” từ những chính sách như thế. Ít hay nhiều, con người chúng ta ai cũng có chút “máu tham” trong người nhưng vấn đề là cái máu tham tiềm ẩn ấy đã bị đè nén hay triệt tiêu bởi những chuẩn mực đạo đức hình thành từ một nền tảng giáo dục phân minh, từ những thí dụ sống phân minh và đầy cảm hứng để bất cứ ai cũng khát khao học hỏi và noi gương. Nhưng những thành trì của sự tử tế trong lòng của từng người Việt đã bị tấn công liên miên, tấn công một cách lớp lang bài bản, tấn công một cách không thương tiếc. Đầu tiên là các chiến dịch chỉnh huấn, giảm tô rồi cải cách ruộng đất vào thập niên 50 với chú trương kích động mâu thuẫn, xúi giục hận thù và khêu gợi sự tham sân si. Để yên thân và để tiến thân, đồng đội hay đồng chí phải tố cáo và vu cáo đồng đội hay đồng chí. Và cũng để yên thân hay để được “thực phần” từ gia sản của những kẻ bị đấu tố, như một cách hôi của, những nông dân lại phải học cách tố cáo và vu cáo láng giềng.

Xây dựng quyền lực một cách thiếu phân minh như thế, hệ thống toàn trị chỉ có thể tồn tại dựa trên một nền tảng của những giá trị nhập nhằng.

Nhập nhằng giữa “chế độ” và “đất nước”, nó đặt mối đe doạ của với chế độ lên trên mối đe doạ của đất nước, xem kẻ thù của đất nước là “bạn hữu nghị” trong khi đối xử với những công dân yêu nước như là kẻ thù. Nhập nhằng giữa khái niệm tư hữu và công hữu đối với đất đai, nó đặt quyền “sống còn và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân lên trên quyền hôi của của thành phần đặc lợi, và để bảo vệ cái đặc quyền “hôi của” ấy, nó lại nhập nhằng giữa “quần chúng nhân dân” với đám côn đồ đá cá lăn dưa. Và, vậy là, như có thể thấy giữa những gì đang diễn ra ngày ngày, bất cứ chiến dịch cướp đất, chiến dịch dàn áp nông dân đòi đất hay đấu tố và đàn áp người bất đồng nào cũng có bóng dáng của đám côn đồ đá cá lăn dưa nhân danh “quần chúng”.

Đằng sau những chiến dịch lịch sử là những vụ hôi của lịch sử. Đằng sau những nhà cầm quyền già-đá-cá-lăn-dưa non-đạo-tặc là những “quần chúng” cực kỳ đá cá lăn dưa. Khi chính quyền chỉ là một giống ký sinh trùng bám vào tình trạng mập mờ để “Ăn của dân không từ thứ gì”, nó cũng không từ chối bất cứ phương tiện gì để bảo về cái quyền ăn bám đó, từ cứt cho đến mắm tôm. [11]

Từ chủ trương ngoại giao hài cốt đến biện pháp đàn áp mắm tôm chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Và là một khoảng cách rất ngắn so với cái cảnh nhặt tiền phúng điếu dưới gầm cầu ở Lào Cai hay hôi bia tại Biên Hoà. Khi những nhà toàn trị cho rằng những hài cốt lính Mỹ đang nằm ở trong tầm tay, không dại gì vuột mất khoản lợi thì đám hôi của ở Lào Cai hay Biên Hoà cũng thế, đồng tiền hay thùng bia đang ở trong tầm tay, không ngu gì để vuột.

Lịch sử hết thăng thì lại trầm nhưng, luôn luôn, con người, như một tập thể cộng đồng, phải luôn luôn đứng vững với những phẩm cách cần có. Con người phải giữ vững bởi, ngày nào họ còn đứng vững, đất nước sẽ tiếp tục đứng vững và chính vì thế mà lịch sử của chúng ta trở nên đau đớn. Nó đau đớn vì, theo sự trượt dốc của đạo đức và sự biến mất của lòng tử tế như có thể thấy qua những thí dụ tràn lan trên mặt báo, người Việt ngày càng ác với nhau hơn, đê tiện với nhau hơn và nhưng ngờ nghệch và hèn hạ với kẻ thù truyền kiếp của mình hơn. Lịch sử hết trầm thì lại thăng và, sau cùng, lịch sử sẽ dành một chỗ đứng như thế nào cho cái hệ thống cầm quyền đã liên tiếp hạ thấp nhân phẩm và ngu muội hoá dân tộc mình như thế?

Tôi chợt nghĩ tới những bô cứt và những lọ mắm tôm thối đã ném vào những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ, những nhà tranh đấu nhân quyền… [12]

18.12.2013

Tham khảo:

[1] Lê Thanh Phong, “Từ chuyện lòng tốt bị đánh cắp theo xe bia Tiger bị nạn”, Lao Động, 5.12.2013.

[2] “Hàng loạt vụ hôi của trắng trợn giữa ban ngày”, Vietnamnet 6.12.2013

[3] Nguyễn Văn Đạm. (1993), Từ điển tiếng Việt tường giải, liên tưởng, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

[4] Nguyễn Hoàng Văn, “Thịt hộp và Mercedes”, talawas 27.12.2004

[5] ÐặngVũ Hiệp (2002), Ký ức Tây Nguyên, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, tr. 82.

“Khuyết điểm thứ ba, công tác giáo dục và tổ chức cho bộ đội ý thức thu hồi chiến lợi phẩm, nhất là vũ khí trang bị chưa đầy đủ. Chưa tận dụng lấy vũ khí địch để diệt địch, còn nặng về lấy thức ăn. Có đồng chí đang đánh nhau vẫn ngồi ăn. Lại có anh em diệt địch xong, lấy thuốc lá vừa hút vừa xông lên đánh tiếp”.

[6] Hồi ký Trần Ðộ

[7] Có rất nhiều tài liệu về các vụ “hôi của” này, từ 16 tấn vàng vào năm 1975 đến các chiến dịch cải tạo công thương sau đó. Tài liệu mang tính “tổng kết” nhất là cuốn Bên thắng cuộc II: Quyền bính, của Huy Đức.

[8] Vì đưa việc này lên diễn đàn thảo luận của VnExpess và thu hút ý nhiều kiến phản đối vào cuối năm 2004, Tổng Biên tập Trương Ðình Anh đã bị cách chức. Có tin cho biết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải muốn đóng cửa tờ báo ngay nhưng các viên chức văn hóa can thiệp, cho rằng mỗi tháng VnExpress có hàng chục triệu người đọc nên quyết định đóng cửa này ngay trước hội nghị ASEM là một điều không hay, chỉ nên dừng lại ở mức độ khiển trách.

[9] Tháng 1 năm 2013, 72 nhân vật nổi tiếng đã gởi “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992”, trong đó đề nghị “ áp dụng quyền sở hữu cá nhân về đất đai” nhưng “Hiến pháp” đã được thông qua với khái niệm sở hữu toàn dân trong vấn đề đất đai.

[10] Xem Hồi ký Trần Quang Cơ, Chương 1: “Việt Nam trong thập niên của thế kỷ 20”

[11] Lê Kiên, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan:”Ăn của dân không từ một cái gì

[12] Nguyễn Duy Vinh, “Cách dùng mắm tôm trong văn hóa đàn áp ở Việt Nam”, “Bùi Hằng bị ném mắm tôm, rác rưởi vào nhà” và “Ai là nhân dân của cộng sản?

© 2013 Nguyễn Hoàng Văn & pro&contra

Nguồn: pro&contra

Stephen B. Young – Ai Thống Trị Việt Nam Ngày Nay? Đảng Cộng Sản Hay Là Hán Ngụy?

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Việt Nam on 2013/12/20 at 04:35

Có một tổ chức hiện nay cai trị Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau như là vua chúa Phong kiến ở Tàu hay ở Âu châu thời Trung cổ. Một bộ máy võ trang tập trung các quyền hành lớn trong tay; không được dân bầu lên, và dân tuyệt đối không có quyền kiểm soát hay phê bình. Tổ chức này mang tên là “Đảng Cộng Sản Việt Nam”.

Nhưng, thực sự, tổ chức nầy có phải là một Đảng đúng nghĩa của một đảng hay không?

Đáng lẽ ra một Đảng chánh trị phải có một chánh nghĩa, một sức mạnh do một lý tưởng, một nền tảng triết lý hay lý thuyết, một khuynh hướng thể hiện nguyện vọng của đảng viên để hành dộng nhằm phục vụ đất nước và dân tộc của mình.

Vì vậy, nếu cái gọi là Đảng Cộng Sản mà không phải là một Đảng đúng nghĩa, thì bộ máy đó là cái gi?

Một tập thể những người có chung một chí hướng tôn thờ người ngoài, một công ty làm ăn, một tổ chức mafia khai thác thị trường đất nước của họ chăng?

Như vậy chúng ta có vài tiêu chuẩn để đánh giá cái gọi là Đảng Cộng Sản bây giờ, đó là một đảng phái hay chỉ là một bọn làm ăn thiếu lương thiện?

Tôi đồng ý đã có thời gian cái goi là đảng Cộng Sản ngày nay có những hoạt động như là đảng phái đúng nghĩa. Nhưng những hoạt động ấy tốt xấu, hay dở, có lợi hay có hại cho đất nước Việt nam là chuyện khác .Tôi nói đó là một “thứ đảng phái” vì lúc ấy đảng Cộng Sản theo ý thức hệ Mác-Lê, vận dụng chủ thuyết mác-lê làm cách mạng võ trang cướp chánh quyền thực dân. Tiếp theo, đảng cộng sản phát động cuộc cách mạng xã hội, tiến hành giai cấp đấu tranh, đấu tố địa điền chủ, ám sát công chức, trí thức, lãnh đạo tôn giáo, tịch thâu tài sản của người giàu có để sau cùng đưa giới lao động, những tên du thủ du thực, lên cầm quyền và khi vào Bộ chánh trị, lại lãnh đạo đất nước, dân tộc. Hành động của đảng cộng sản lúc đó có mục đích thi hành ”chính nghĩa xã hội chủ nghĩa ” theo ý hệ Mác-Lê.

Nhưng từ lâu lắm rồi, cái gọi là đảng Cộng Sản không còn giống như trước đó nữa. Nó đã hoàn toàn biến chất để trở thành một cái gì khác hẳn. Tức nó không phải cộng sản, không mang nội dung mác-lê, không chủ trương giai cấp đấu tranh để tiến lên xã hội công bằng, người không bốc lột người, như kinh điển mác-lê dạy người cộng sản .

Cách đây vài năm, ông Đặng Quốc Bảo, Khoa giáo trung ương, trong một báo cáo phổ biến hạn chế cho đảng viên cao cấp, nói rằng “hiện tại đảng Cộng Sản không còn chính nghĩa chút nào vì thuyết Mác-Lê lỗi thời và cũng không đúng, không khoa học”. Theo ông Bảo, thì đảng cộng sản không nên áp dụng thuyết ấy nữa. Hai ông Mác và Lê đã nghĩ sai về vũ trụ, về trời đất, về đời sống nhân loại. Vậy người thông minh phải vứt bỏ chủ thuyết Mác-Lê.

Nếu ông Bảo đánh giá lý thuyết Mác-Lê đúng, thì đảng Cộng Sản không có một chính nghĩa nào để vẫn khẳng định tiếp tục đưa Việt nam đi theo con đường của mác-lê.

Vậy đảng cộng sản là cái gì? Chỉ là một tập hợp những người đầy tham vọng và quyền lực. Họ không khác gì một thứ giặc cướp đối với nhân dân.

Ông Bảo nói thêm rằng “tổ chức anh chị em cán bộ phải giử quyền cai trị Việt nam vài năm nữa, vì nếu không có một lực lượng mạnh giử ổn định chính trị xã hội, thì nước sẽ loạn và dân sẽ khổ”.

Lấy sự ổn định làm chính nghĩa của mình không có ý nghĩa tốt đẹp vì hoàn toàn thiếu thuyết phục. Chính nghĩa ổn định, nhiều người bình thường có thể nói và thi hành. Cần gì phải có cái gọi là đảng Cộng Sản với 3 triệu đảng viên, với vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước và xã hội ? Quân Đội làm được. Phật Giáo làm được. Việt Quốc làm được. Ai cũng hy vọng làm được. Cái gọi là đảng Cộng Sản không thể tự cho là chỉ có họ mới làm được.

Theo tuyên truyền của đảng cộng sản, trong quá khứ, họ có công đức lớn để đứng trên và trước mọi người khác. Tức họ cho rằng họ có vai trò lịch sử.
Có đúng như vậy không?

Để trả lời, giờ đây, Bộ Chính Trị hãy tổ chức gọi hồn các đồng chí của họ đã chết, chết vì hi sinh hay chết oan vì đảng cũng được, để hỏi công việc đảng làm. Rồi, có lẽ họ nên gọi hồn để hỏi cái gọi là đảng cộng sản thật sự có công đức với dân tộc Việt Nam hay không? Rồi, họ có thể gọi hồn để hỏi đảng cộng sản tại sao ngày nay vẫn nói đi theo mác-lê, mà trên thực tế không thấy xã hội việt nam chuyển biến theo mô hình” chính nghĩa Mác-Lê.” một chút nào nữa Vậy thì cái đảng này nên tự giải tán, và có mang tội với đất nưóc, với dân tộc không?

Chúng tôi cũng có thể gọi hồn như Bộ Chính Trị. Chúng tôi có thể gọi hồn các vị cũng nằm xuống, vì nhiều lý do khác nhau, hỏi họ về công đức của cái gọi là đảng Cộng Sản.

Thí dụ, hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, hỏi ôngTrương Tử Anh, Đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng , ông Lý Đông A, Thư ký trưởng Đảng Duy Dân, các nhân sĩ yêu nước Ngô Đình Khôi, Nguyễn văn Bông, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ văn Ngà, Phan văn Hùm, Nguyễn văn Sâm, … và những người dân Huế chết hồi Tết Mậu Thân, vân, vân, … cho đến 1 ,2 triệu người Việt nam bình thường khác, chết trên biển cả, trong rừng sâu, trong các trại tù rải rác khắp cả nước.

Gọi hồn tất cả những người này về và lắng tai nghe họ nói số phận của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng Sản vận dụng “ chính nghĩa Mác-Lê ” để cướp lấy quyền lãnh đạo đất nước và giử độc tôn cho đảng .

Xin trả lời: Công đức ở đâu?

Bằng chứng thứ hai cho thấy cái gọi là đảng Cộng Sản là một đảng thì đảng ấy có hành động cụ thể như thế nào?

Ngoài sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự tính toán của con người, các hành động của người đó phải cho chúng ta thấy rõ, một cách minh bạch, để kết luận người đó tốt hay xấu, giỏi hay dở, đạo đức hay gian ác, cần tồn tại hay nên vứt đi thôi ?

Cái gọi là đảng Cộng Sản đó, cách đây 8 năm, đã tự động hiến dâng đất đai của tổ tiên để lại cho Bắc Triều mới . Và cả biển nữa! Tại sao?

Để đáp ứng sự đòi hỏi của Bắc Triều mới ? Phải.

Ở điểm này, chúng ta hảy nhìn rõ. Cái gọi là đảng Cộng Sản đó vì nhu cầu tồn tại đã dâng đất, dâng biển cho Bắc kinh. Đây là nhu cầu sanh tử. Đảng cộng sản phải làm một việc tội lỗi như vậy chỉ vì đảng lo sợ nhân dân Việt nam hỏi tội của họ đối với tổ quốc và nhân dân từ trước đến giờ. Mà nhân dân hỏi tội có nghĩa là đảng sẽ bị mất quyền cai trị. Hoặc một vụ Thiên An Môn Việt Nam sẽ xảy ra .Trước nỗi ám ảnh mất quyền lực, đảng cộng sản cần sự ủng hộ, sự tiếp tay của Bắc Triều mới, mặc dầu có tổn hại đến quyền lợi tối thượng của Quốc gia.

Như vậy đảng cộng sản ở Hà nội không thể tự cho là một đảng có chính nghĩa yêu nước được, mà phải bị kết án là một đảng bán nước mới đúng.

Nếu đảng Cộng Sản Hà nội chuyên tâm phục vụ cho đòi hỏi, tham vọng của Bắc Triều mới, thì Việt nam tất nhiên phải lâm nguy làm thân nô lệ cho Hán Tộc. Nếu chỉ có riêng cái đảng cộng sản làm nô lệ hán tộc thì chúng ta hà tất phải tốn lời.

Thực tế ở Việt nam cho ta thấy công an, tình báo của Việt Nam đều do công an, tình báo Trung Quốc đào tạo và cố vấn. Nhờ đó mà công an, tình báo Hà nội mới có đủ bản lãnh đàn áp những người dân chủ ở Việt nam, đàn áp dân oan nạn nhân của những vụ đất đai bị đảng cộng sản tước đoạt, đàn áp những vụ biểu tìng chống Trung quốc xăm chiếm đất đai bằng vũ lực và thô bạo.

Nhìn lại lịch sử Việt nam thì từ thời Ngô Quyền đến nay, chỉ có vài nhà vua Việt nam theo Bắc Triều một cách xấu hổ như vậy. Có Nhà Mạc phải xin sự ủng hộ của Hoàng đế phương Bắc để đối phó với Nhà Lê. Có vua Lê Chiêu Thống xin Trung Quôc gởi binh qua Hà nội để đánh anh em Nhà Tây Sơn. Có vua Gia Long và Minh Mạng lấy y thức hệ Tống Nho của Nhà Thanh bên Tàu để làm nền tảng đạo lý xây dựng uy quyền cho Nhà Nguyễn . Nhưng các ông vua này không làm mất đất, mất biển vào tay ngoại bang chỉ vì quyền lợi riêng tư như đảng cộng sản ngày nay.

Cầu viện thường hay lệ thuộc tư tưởng của kẻ khác, khó tránh khỏi bị dẩn đến mất chánh nghĩa quốc gia. Phải chăng vì thế mà Nhà Mạc đã không thắng Nhà Lê, vua Lê Chiêu Thống thua Quang Trung Nguyẽn Huệ. Riêng Nhà Nguyễn vì chọn lựa sai lầm học thuyết lỗi thời mà cứ khăng khăng ôm giữ nên thua người Pháp. Tức một thứ lệ thuộc tư tưởng.

Khi có được chỗ dựa mạnh là Bắc kinh, cái gọi là đảng Cộng Sản sẽ đánh bại được toàn dân Việt nam chăng? Tức đảng cộng sản vỉnh viễn đàn áp, bốc lột nhân dân chăng?

Mới đây khi nghe tin Bắc Kinh tổ chức Hoàng Sa và Trường Sa trở thành môt đơn vị hành chánh mới trực thuôc Tỉnh Hải nam, lập tức xảy ra nhiều cuộc biểu tình của dân chúng thanh niên, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, ở Hà nội, chống chánh sách xăm lược của Trung Quốc. Cái gọi là Đảng Cộng Sản không dám lên tiếng phản đối kẻ cướp đất, trái lại thô bạo đàn áp dân chúng công khai bày tỏ lòng yêu nước. Khí thế của nhân dân Việt nam bây giờ làm cho đảng cộng sản Hà nội bắt đầu lo sợ. Nếu đảng cộng sản khôn ngoan thì hảy thấy ở đây, tức ở nhân dân, mới là chổ dựa vửng chắc hơn thế của Trung Quốc.

Nhưng cái gọi là Đảng Cộng Sản nghe theo ai?

Buồn mà nói. Vì nói cho đúng thì phải nói lớn và nói rỏ phe nhóm cai trị Việt Nam hiện nay là một bọn Hán Ngụy.

Tiếc vì chúng tôi biết chắc chắn có nhiều đảng viên của cái gọi là Đảng Cộng Sản không muốn như vậy. Họ thương dân, yêu nước thật lòng. Nhưng họ lo sợ, có thể vì bất lực, cho sự an nguy của bản thân và gia đình trước những thủ đoạn khéo léo, gian ác, đê hèn của lực lượng Công An, Tình Báo đang có mặt kắp nơi rình rặp.

Bọn Hán Ngụy thật sự không có nhiều người, nhưng họ có thế mạnh và nhiều tiền bạc. Họ quyết tâm giữ quyền lực cai trị đất nước mãi mãi Họ sẽ làm cái gì phải làm để không mất địa vị cầm quyền, tức quyền làm ăn, làm giàu của họ.

Lệ thuộc Bắc Kinh, đối với họ, là một giá phải trả, họ chấp nhận trả, để có phương tiện ổn định xã hội chính trị Việt nam, tức duy trì chế độ độc tài toàn trị. Ổn định là cho quyền lợi của họ . Đất nước đối với họ chỉ là phương tiện trao đổi.

Trung Quốc có một triết lý bình định thiên hạ từ đời Tần Thủy Hoàng. Ông ấy lấy ý kiến của phái Pháp Gia gồm lý thuyết âm dương, ngũ hành để kiến tạo thái hòa. Làm chính trị như vậy không theo sự giảng dạy của Khổng Mạnh, trái lại, đưa ra chính sách đại đoàn kết, giữ phép nước dưới sự lãnh đạo đọc tôn theo một vị hoàng đế . Đó là thuyết của Mặc Địch.

Cái đạo chính trị này – “ hoàng đế chính thuyết ”– là lý thuyết xây dựng xã hội không cần nghe ý dân. Đi từ trên xuống, không phải từ dân lên. Ngày nay là tập trung dân chủ, tức dân chủ xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ chí minh. Hoàng Đế nghe trời, ra lịnh và thiên hạ phải tuân theo. Dân không nghe theo thì sẽ bị phạt, nặng nhẹ tùy theo mức độ của sự phản bội, bất hiếu đối với chế độ.

Một ông Hoàng Đế không cần đức, không cần uy tín mà vẫn giữ được ổn định xã hội. Hiếu nghĩa thay thế nhân nghĩa. Cấp trên nói cái gì thì cấp dưới vâng dạ theo răm rắp. Nói vô phép, mất dạy, thì bị phạt, không được phần thưởng.

Đạo làm hoàng đế có mục đích lấy ý trời và qua cơ cấu hành chánh, ép thiên hạ vâng lịnh làm theo ý đó, mặc cho họ muốn hay không.

Trong lịch sử Việtnam, các Nhà Lý, Trần và Lê không lấy đạo Hoàng Đế của Bắc Triều để trị dân. Nhà Lý và Nhà Trần theo đạo Phật. Nhà Lê cho đến Vua Lê Thánh Tôn theo quan điểm nhân nghĩa do Nguyễn Trãi viết ra.

Vua Lê Thánh Tôn bắt đầu theo chủ nghĩa Bắc Triều , tức lấy Tống Nho bênh vực ngôi vị Hoàng Đế một cách mù quáng với đạo hiếu nghĩa cha mẹ, vua chúa. Đến Nhà Mạc, Chúa Trịnh, thì ảnh hưởng Tống Nho ở cấp quan văn và các đại gia đình quan chức mở rộng. Nhà Nguyễn áp dụng Tống Nho và quan điểm hoàng đế, đưa triều đình Huế đi theo gương Nhà Thanh bên Tàu.

Trước đây, cái gọi là đảng Cộng Sản chụp mũ những người Việt nam không Cộng Sản mà hợp tác với Mỹ Quốc để giữ độc lập cho miền Nam Việt Nam là “Mỹ Ngụy” .

Bây giờ, nhìn về quá khứ thì chúng ta có thể đánh giá ai có công lớn hơn cho Dân Tộc Việt nam: Mỹ Ngụy hồi đó hay Hán Ngụy bây giờ ?

Người Mỹ khi họ giúp các Chính Phủ Việt nam Cộng Hòa, khi họ làm cố vấn cho Chính phủ và quân đội quốc gia, họ thật sự muốn gì? Họ khuyến khích người Quốc Gia làm gì? Họ đòi hỏi Chính Phủ Sài gòn có chính sách nào?

Nói chung, người Mỹ từ Tổng Thống Eisenhower cho đến Tổng Thống Nixon, từ Đại Sứ Elbridge Durbrow cho đến Đại Sứ Ellsworth Bunker, tất cả đều yêu cầu Chính Phủ Sài gòn lo cho dân, áp dụng chế độ hiến trị, tổ chức các cuộc bầu cử từ xã ấp đến trung ương, trong sạch, dân chủ, cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế, mở rộng giáo dục theo tôn chỉ “nhân bản, khoa học, khai phóng ” …

Đối với Mỹ thì ý dân là hơn ý trời. Mỹ không bao giờ theo “ hoàng đế chính thuyết ”.

Như vậy làm Mỹ Ngụy là chọn phương pháp lo cho dân, cho quê hương Việt nam, cho văn hóa, đạo đức dân tộc. Người Mỹ đến Việt nam, không ở lại Việt nam. Và “dân ngụy.” không hiến dâng đất dai, biển cả cho ngoại bang. Hơn nữa, trong lịch sử, người Mỹ không làm thuộc địa, không làm Thái thú, chỉ làm bạn đồng minh giai đoạn.

Còn người Việt nào bây giờ làm Hán Ngụy thì phục vụ ai ? Họ có lo sợ số phận Tổ quốc của họ không ? Hay chỉ có chung một thứ Tập hợp những người cùng chí hướng tôn thờ quyền lợi bản thân mà thôi?

Stephen B. Young

GS Stephen B. Young, người Hoa Kỳ, Luật sư, nói tiếng Việt, có vợ là người Việt, đã sang VN nhiều lần. Đọc kỹ bài viết, mọi người sẽ thấy cách hành văn của một người ngoại quốc viết tiếng Việt, nhưng rất kinh điển, rành lịch sử Việt Nam

Stephen B. Young, Global Executive Director of the Caux Round Table, is a lawyer and writer. He has served as Dean of the Hamline University School of Law and as an Assistant Dean at Harvard Law School

Nguồn: Việt Thức

BS Hồ Hải – VÌ SAO PHẢI THOÁT LỪA?

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/12/05 at 21:02

Thuyền Nhân tị nạn cộng sản

Hai hôm nay đã có 2 người công khai từ bỏ đảng. Người thứ nhất là ông bệnh nhân Lê Hiếu Đằng đã sắp đến lúc lìa trần. Người thứ hai là ông tiến sĩ kinh tế, kiêm nhà báo Phạm Chí Dũng đang tuổi sung sức. Nhưng theo mình thì, quan trọng là ra khỏi đảng rồi có thành lập đảng khác để hoạt động làm đối trọng với đảng cầm quyền hay không? Điều này bị đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam bịt đường trong hiến pháp vừa mới sửa đổi chưa ráo mực.

Nhớ thời 1986 cũng có hàng chục ngàn đảng viên cộng sản âm thầm bỏ đảng, bằng cách không đi sinh hoạt đảng, mà không dám làm đơn xin ra.

Nhưng rồi, năm 1990, sau khi mất viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu, đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam xoay sang hữu hảo với Trung Hoa bằng hội nghị Thành Đô 1990. Sau hội nghị này, Việt Nam đã sao y con đường cải cách của Đặng Tiểu Bình tại Trung Hoa. Cuối cùng đảng lại mạnh hơn nhờ vào cải tổ kinh tế, và sau đó bằng cách chia phần ăn cho đảng viên thông qua qui định 15/QĐ-TW ngày 28/8/2006 – cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, mà đảng viên lại được phép đảng cho nắm quyền lãnh đạo trong hiến pháp và điều lệ đảng – để giữ sự đoàn kết trong đảng cầm quyền.

Song cũng từ vấn đề hiến pháp, điều lệ đảng cộng sản và quy định 15/QĐ-TW này mà chỉ trong vòng 7 năm qua, tình trạng tha hóa, biến chất và các nhóm lợi ích đã mọc lên như nấm sau mưa, nhờ vào đảng đã tạo điều kiệm thâu tóm mọi quyền hành về cho đảng viên của mình. Hôm nay những sai lầm trong hiến pháp, điều lệ đảng và quy định 15QĐ-TW này đã và đang tạo ra một cái gọi là giặc nội xâm – tham nhũng và tha hóa. Nó đã và đang làm mất toàn bộ uy tín và quyền lực của đảng cầm quyền ngay trong những thành viên của đảng, và cả trong nhân dân.

Nhưng giờ thì phần ăn về của để dành của tổ tiên – tài nguyên – đã cạn.

Rừng vàng đã cạn kiệt vì các nhóm lợi ích. Global Witness đã và đang kiện Tập đoàn công nghệ cao su Việt Nam và Hoàng Anh Gia Lai đi phá rừng ở Lào và Cambodia.

Biển bạc thì thăm dò dầu khí cũng đang cạn dần. Trong khi đó thì việc ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên biển cũng bị Trung Hoa vây khốn.

Ngay cả phần còn sót cuối cùng là cái mỏ đất hiếm ở ngoài Bắc cũng đã thế chấp cho Nhật để mời gọi đầu tư.

Giờ chỉ còn bóc lột sức dân để ăn, thông qua việc tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu mà đảng cầm quyền đang độc quyền kinh doanh như xăng, dầu, gas, điện nước, và các loại phí, thuế vô tội vạ. Trong khi tấm thân gầy còm của người dân đã kiệt quệ rõ từ tháng 6/2013 trở về nay và tương lai của nhiều năm sau do suy thoái kinh tế trong nước đang diễn ra, mà không thấy đáy.

Điểm lại hơn 68 năm đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam về mặt kinh tế chỉ vỏn vẹn trong 3 chữ: ăn xin, ăn cướp và làm chết dân qua nhiều kiểu khác nhau.

Năm 1945, sau khi cướp chính quyền, đảng cộng sản đã đi ăn xin các nhà tư sản và địa chủ trong nước để có kinh tài hoạt động.

Sau chiến thắng Điện Biên 1954 chưa yên ấm thì, đảng cộng sản đã làm cuộc cải cách ruộng đất để cướp của cải, đất đai giết người của tư sản, địa chủ, kể cả nông dân bị chết oan do chỉ tiêu đưa ra của đảng cầm quyền lúc ấy, những người mà trước đó đã từng giúp đảng cộng sản tiền của để sống còn từ 1945 đến 1954.

Từ 1954 đến 1975, đảng cộng sản đã đi ăn xin khắp các quốc gia cộng sản trên thế giới mà, đứng đầu là Liên Xô và Trung Hoa, để thực hiện nhiệm vụ quốc tế cộng sản giao cho. Kết quả là 3,5 triệu thanh niên miền Bắc đã ngả xuống đến nay còn hơn 500 ngàn chưa tìm ra xác hoặc chưa được đặt tên.

Từ 1975 đến 1986, với chính sách ăn cướp kiểu 1957 ở miến Bắc, đảng cộng sản đã vào cướp của dân miền Nam bằng chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, và đổi tiền năm 1976. Dân cả nước đã không chịu nổi phải bỏ mình trên biển cả để tìm đường sống ở xứ lạ quê người, hàng triệu người phải làm mồi cho cá biển và cướp biển.

Lịch sử hơn 2.600 năm nước Việt chưa có triều đại nào người Việt bỏ nước ra đi. Nhưng khi đảng cộng sản lên nắm quyền thì có 2 lần dân tộc Việt phải bỏ quê cha đất tổ ra đi. 1954 còn có miền Nam để dân di cư từ Bắc vào Nam. 1975 chỉ có con đường bỏ tổ quốc ra đi, mà ai cũng biết trước là đánh đổi sinh mạng với biển, cá biển và cướp biển, nhưng họ vẫn ra đi.

Sau hội nghị Thành Đô 1990 đến nay cũng vẫn trò đi xin khắp thế giới, ăn cướp của dân thông qua nghị định đất đai và chính sách tiền tệ làm lạm phát từng đợt phi mã. Bán tài nguyên, khoáng sản ông cha để lại để trong nội bộ đảng ăn chia cho các nhóm quyền lợi.

Không những thế, về văn hóa ngày nay dân Việt đã mất đi cái ôn nhu của đạo Phật – quốc giáo của từ nhiều triều đại trước – thay vào đó văn hóa thù hằn, hiếu chiến diễn ra mỗi ngày. Đây sẽ là cái đáng ngại nhất cho nước Việt trong tương lai gần.

Một cuộc cách mạng hoặc chuyển đổi thể chế chính trị đòi hỏi không chỉ những điều kiện về chính trị và kinh tế, mà cốt yếu để cuộc chuyển đổi hay cách mạng ấy diễn ra êm thắm và được lòng dân thì nền tảng văn hóa dân tộc phải hiền hòa, vị tha và bao dung. Nhưng Phật giáo ngày nay đã mất đi bản chất của trường phái triết học Đông phương ở Việt Nam, thay vào đó, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo phục vụ cho chính trị và kinh doanh.

Khi đã cạn kiệt tài nguyên để bán hoặc thế chấp ngoại bang để ăn chia; Khi sức dân đã cạn kiệt do kinh tế suy thoái; Khi lòng tin của dân và ngay cả các thành viên của đảng cầm quyền cũng đã mất; Khi văn hóa chém đinh chặt sắt đang trổi dậy, Và khi sự đoàn kết giả tạo trong đảng độc quyền cầm quyền ở Việt Nam chỉ sống nhờ vào của ăn cướp và của hồi môn dân tộc ngày cạn kiệt, thì hậu quả dễ nhìn thấy trong tương lai gần của tình hình chính trị xã hội Việt Nam.

Sẽ không có một sự chuyển đổi nhẹ nhàng như Miến Điện, hay Nam Phi của Nelson Mendela vừa mới qua đới hôm nay. Càng không thể có cuộc chuyển đổi cách mạng nhung ở Đông Âu, vì đã có Trung Hoa đè đầu cưỡi cổ. Đó là điều mà bất kỳ ai có hiểu biết cũng dễ nhìn thấy được. Và nó cũng là cái mà những ai có lương tâm và hiểu biết cần phải chọn lựa cho mình một tương lai. Vì không ai quyết định được nơi mình sinh ra, nhưng mỗi người đều có thể quyết định được nơi mình sống, bằng chính năng lực vô tận của mỗi cá nhân mà tạo hóa đã ban cho.

Gần đây người Việt lại làm sống lại đợt sóng thứ ba bỏ nước ra đi, để thoát khỏi đất nước đang trong cơn ngột ngạt chính trị, suy sụp về kinh tế, và văn hóa bị hủy diệt do đảng cầm quyền gây ra. Đó là cách tốt nhất và khả dĩ nhất dành cho người dân Việt trong quá khứ và hiện tại, khi đối mặt với đảng cộng sản.

Hay nói cách khác, gia tài của Mẹ Việt Nam có còn gì để dân Việt sống? Nói như nhà văn, nhà thơ Nga – Boris Pasternak – Con người ta sinh ra đời để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống. Dân tộc Việt chuẩn bị sống đã dài hơn lịch sử hình thành và trở thành siêu cường Hoa Kỳ đến hơn chục lần về thời gian rồi. Nên nhớ rằng, không ai yêu ta bằng chính ta yêu bản thân ta. Hãy tự cứu lấy mình khi chưa muộn.

Nguồn: blog BS Hồ Hải

Võ Thị Hảo – Ngày tang khốc cho dân tộc Việt Nam

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/12/02 at 18:16

28/11/2013, ngày mà Quốc hội khóa VI thông qua bản Hiến pháp sửa đổi (HP), với tỉ lệ tán thành gần tuyệt đối 95,9% đã tiếp nối bữa tiệc mừng kéo dài của một nhóm quyền lợi gần như vô giới hạn, nhưng lại là một ngày tang khốc cho tự do và nhân quyền của người dân Việt Nam.

 

Hiến pháp mới sửa đổi gạt ra ngoài những quyền lợi quan trọng của dân, theo tác giả

Tại điều 4 của HP này quy định đặc quyền cho đảng cộng sản VN là lực lượng lãnh đạo xã hội, với chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế thì đó là một sự thụt lùi hoàn toàn về dân chủ so với HP 1946 cách đây đã gần một thế kỷ bởi chính điều này sẽ biến tất cả những quy định khác về tự do và nhân quyền của người dân VN ghi trong HP và các bộ luật khác trở thành giả hiệu.

Trong lời nói đầu của HP ghi rằng”nhân dân Việt Nam (VN) xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Điều đó có đáng tin?

Ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch QH đã trả lời PV báo Tuổi trẻ(ngày (29/11/2013): “… quá trình tham gia, quá trình chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp thì có thể nói rằng đây là một quá trình thể chế hóa cương lĩnh, cụ thể hóa những điểm lớn, những mục tiêu lớn mà Đảng đã đề ra”.

Thực tế là người dân có góp ý về dự thảo HP, nhưng đây là HP của QH, dưới chỉ thị trực tiếp của đảng, và HP đã gạt ra ngoài những điều cơ bản nhất để bảo vệ cho quyền lợi nhân dân, chẳng hạn như quyền sở hữu về đất đai, và quy định Đảng Cộng sản (Đảng CS) là lực lượng lãnh đạo xã hội VN như trên. Trong các chương quy định về quyền tự do và quyền con người, nghe có vẻ kêu, nhưng lại chốt đuôi một “thòng lọng” khiến tiếp nối tình trạng lạm dụng và vô hiệu hóa các quyền đó như đã xảy ra lâu nay: “ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Người dân VN đã quá cay đắng khổ ải với câu “Theo quy định của pháp luật” này. Nghĩa là, sẽ tiếp tục thảm trạng muôn thuở tạo điều kiện cho nhà cầm quyền ban hành vô số luật và văn bản dưới luật trái HP để hạn chế quyền của người dân, tạo lợi ích cục bộ và kẽ hở cho tham nhũng, tiếp tục ưu tiên những tập đoàn, doanh nghiệp độc quyền thụt két nhà nước hàng tỷ USD, đẩy VN tới bên bờ vực của sự vỡ nợ khốn đốn khi nợ công đến nay đã vượt 95% GDP, có người cho rằng là 105%, (ngưỡng an toàn là dưới 60%) nếu tính cả phần nhà nước bảo lãnh cho Vinashin như thực tế đã diễn ra ngày một trầm trọng nhưng trong HP vẫn quy định “doanh nghiệp nhà nước là lực lượng chủ đạo…”.

Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhận định, việc ban hành các văn bản hướng dẫn không đảm bảo nhiều yếu tố về thời hạn, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, quy trình, thủ tục ban hành văn bản cũng bị vi phạm. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật. Không chỉ ban hành chậm, trong số 1.761 văn bản của Bộ trường, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đã có 223 văn bản có dấu hiệu vi phạm…, không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật…Trong một số trường hợp là do lợi ích cục bộ của bộ, ngành (theo Đầu tư và chứng khoán, 22/10/2013).

Tình trạng vi hiến của các Bộ ngành và vô số tổ chức, cá nhân nắm quyền lực khác đã diễn ra kể từ khi có mặt thể chế độc tài, ngày càng nghiêm trọng và không thể khắc phục được, dù ở các bộ ngành đều có những bộ phận phụ trách pháp chế. Vi hiến là một tội rất nặng, mang tính bất tuân luật pháp và phá hoại đất nước, nhưng những người soạn và ban hành những văn bản vi hiến, phạm luật lại không hề hấn gì, vẫn ngang nhiên tồn tại, vi hiến và thăng tiến tiếp. Biết tình trạng đó, nhưng HP này vẫn bỏ ra ngoài đề xuất về cơ chế bảo hiến, chẳng hạn như Tòa án HP, nghĩa là các tổ chức và cá nhân có quyền lực cứ tiếp tục vi phạm khi họ muốn.

‘Dung dưỡng tham nhũng’

 

Hiến pháp tiếp tục mở đường cho tham nhũng nhà nước lộng hành, theo tác giả

Thực tế đã chứng minh, môi trường thể chế ấy đã sinh ra và dung dưỡng vô số những kẻ lạm dụng – tham nhũng. Đó là loài “đỉa – người” đang hút kiệt xương máu của nhân dân.

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, việc xử lý hành vi tham nhũng cẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án. Tham nhũng trong các cơ quan tư pháp cũng diễn ra nghiêm trọng, chiếm 10% các vụ án tham nhũng đã phát hiện trong toàn quốc (kể từ 1/10/2010 đến 30/4/2013).

Theo một khảo sát quốc tế trong năm 2011, người lao động thu nhập thấp (dưới 2 đôla/ngày) chiếm 18,2% dân số VN (16,1 triệu người), người lao động thu nhập 5 đôla/ngày chiếm đến 70,4% dân số (63,1 triệu người). Tổng số khoảng 79,2 triệu người so với khoảng 89,2 triệu dân tại Việt Nam, theo TBKTSG Online.

Số dân nghèo ấy cho đến năm 2013 thì càng kiệt quệ thêm do khủng hoảng kinh tế, do bất ổn kinh tế với hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, ngừng kinh doanh mỗi năm và do thất nghiệp, đặc biệt do lũ lụt gây ra bởi thiên tai và thủy điện xả lũ “hủy diệt” nhiều mạng người và tài sản, môi trường sống của người dân. Trong khi đó, giá của các mặt hàng độc quyền như điện, xăng dầu, giáo dục, y tế, dịch vụ, các loại phí, lệ phí đều tăng phi mã.

Đã thế trên đầu mỗi người dân, tỉ lệ nợ công cũng tăng vụt. Tính đến ngày 24/11/2013, mỗi người dân VN, kể cả đứa trẻ mới sinh ra, cũng phải gánh trên vai mình hơn 18.000.000đ nợ cho một chính phủ hoạt động kém hiệu quả và để tham nhũng tràn lan, ở mức một trong những nước đứng đầu thế giới về chỉ số tham nhũng.

Theo TS Vũ Quang Việt- nguyên Vụ trưởng vụ Tài khoản Quốc gia của cơ quan thống kê Liên hiệp quốc, thì nợ công VN lên tới 105% GDP, vượt xa so với con số báo cáo của CP và vượt xa ngưỡng an toàn(65%) cho một nền kinh tế, vẫn theo TBKTSG Online.

Cứ 3 tháng, người dân VN, thông qua ngân sách quốc gia, lại oằn lưng trả khoảng 1 tỉ USD tiền nợ công thay cho những kẻ “hút máu” của đất nước. Trong đó, khối doanh nghiệp nhà nước, được ưu đãi mọi cơ hội từ cơ chế, sự độc quyền, vốn…đã đem lại những khoản nợ khổng lồ.

Báo cáo của nhóm chuyên gia trong Ủy ban kinh tế của QH kết luật rằng khu vực DNNN “có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả đã góp phần kéo dài giai đoạn suy thoái kinh tế của Việt Nam hiện nay”.

Thế nhưng những con nợ kếch xù ấy vẫn được QH ưu đãi tiếp trong HP “DN nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.

‘Không đáng ngạc nhiên’

Tỷ lệ tán thành cao vì Quốc hội là của Đảng, theo tác giả

Tỉ lệ tán thành thông qua HP gần như tuyệt đối ấy không đáng ngạc nhiên. Nó đã được “cài đặt” từ trong thành phần của QH, khi hơn 90% Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là đảng viên cộng sản, và hầu hết đều đang nằm trong hoặc dính dáng tới hệ thống quyền lợi của bộ máy thể chế hiện tại. Họ chọn bỏ phiếu ưu tiên cho quyền lợi mình và nhóm mình.

Có thể thấy rõ, HP độc đảng là bấu víu sống còn của hệ thống tham nhũng VN. Để tha hồ tham lam, cấu kết cướp bóc và hành ác với dân bằng mọi giá để thu lợi riêng, để không phải chịu trách nhiệm về bất cứ việc gì, họ phải bằng mọi giá có được một HP hỗ trợ cho thể chế khiếm khuyết bằng mọi giá. Những tiếng nói trung chính trong QH cực kỳ hiếm hoi và bị át đi bởi dàn đồng ca rầm rộ cho quyền lợi riêng, quyền lợi nhóm mà đi ngược lại quyền lợi của nhân dân và đất nước.

Khi HP ấy được thông qua, đó là lúc tiếng kèn xung trận của lũ tham nhũng, dối trá, vô trách nhiệm, bán nước, tàn hại đất nước cũng vang lên chói tai, cố tình át tiếng khóc và tiếng kêu của hàng chục triệu dân lương thiện.

Khi đó sẽ tiếp tục là tháng năm dằng dặc của những người nông dân bị cướp đất, là những đêm đen tham nhũng, những lãnh đạo thụt két công quỹ, tiếp tục những doanh nghiệp nhà nước độc quyền bóp chết những doanh nhiệp tư nhân, tiếp tục sự tăng giá vô tội vạ nhằm vét máu mỡ của dân để chi tiêu vô độ, những dự án ma, những kẻ rút ruột hàng ngàn hàng ngàn tỉ, của nạn nhà chức trách kết hợp côn đồ ăn hiếp dân lành, là nạn suy đồi đạo đức và văn hóa, là nạn bằng giả tràn lan, vô số người hành nghề y tế đợi dân ốm đau để xâu vào moi móc tiền bạc như giống diều quạ ăn trên xác chết…

Đó sẽ là bản trường ca như nhiều người đã nhận định: cả VN chỉ có một Tổng biên tập là Ban tuyên giáo trung ương” nên sự thật lại tiếp tục bị bưng bít, tiếp tục vô số vụ oan án vì bức cung ép cung, chạy án và án bỏ túi. Và những “trái bom nước” sẽ tiếp tục nổ trên đầu người dân, mà những kẻ vận hành điềm nhiên một tay tận diệt rừng quốc gia, một tay bỏ tiền vào túi riêng, một tay “bấm nút bom nước nổ” giết hàng loạt dân và tận diệt tài sản, môi trường sống của họ mà không thèm báo trước để họ chạy tìm đường sống nhưng vẫn được nhà chức trách bảo kê bằng câu “xả lũ đúng quy trình”.

Không phải không tiên liệu trước điều này, nhưng những ai còn chưa vô cảm, còn quan tâm đến tương lai đất nước vẫn không thể không thêm một lần chít chiếc khăn tang khốc cho tự do và nhân quyền của người VN.

‘Đỉa – người, thể chế’

Làm sao có thể không buồn đau khi chính HP này đã khước từ thời cơ tránh cho VN họa ngoại xâm, nguy cơ nội loạn, diệt trừ được loài đỉa – người tham nhũng đang đeo bám hút máu trên cổ người dân VN để làm lành mạnh thể chế?!

Làm sao không là tang khốc cho đất nước, trước việc kéo dài những “lỗi hệ thống, lỗi thể chế” dẫn tới hàng trăm hàng ngàn con đỉa – người kếch xù đeo bám vĩnh viễn hút máu trên cổ người dân?!

Hơn 90% dân số Việt Nam ‘đang chưa chọn’ là Đảng viên CS

Loài đỉa thật chỉ hút máu no thì tự rơi xuống, chúng chỉ kiếm máu đủ nuôi bản thân chúng mà thôi. Nguy hại hơn, những con đỉa – người đó hút máu không biết thế nào là no chán, chúng không ngơi tích trữ hàng kho máu, hồ máu, sông máu cho lũ con cháu nhiều đời sau.

Chúng hút máu no kễnh mà không rụng xuống, vì chúng đã biến thành “ma cà rồng” và được nâng đỡ bảo vệ bởi những khiếm khuyết thể chế.

Và ngay cả so sánh những kẻ đó với ma cà rồng cũng là xúc phạm cả ma cà rồng, vì ma cà rồng dù ác nhưng cũng chỉ hút máu đủ no nuôi thân chúng trong vài ngày rồi đến lúc đói lại mới lại đi hút máu tiếp.

Điều gây phẫn nộ đối với người VN là có cơ sở từ công lý đương nhiên. HP không có quyền loại trừ sự tồn tại của Đảng Cộng sản hoặc ép buộc một nhóm người nào đó từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, nhưng tuyệt đối không được phép quy định quyền lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản hay bất kỳ đảng phái khác, vì ngoài đảng này, HP không được tước đoạt quyền bình đẳng của hơn 90% người VN khác.

Hơn 90% người VN này hiện đang chưa chọn là đảng viên Cộng sản, không lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nền tảng, vì thế, không có lý do gì lại chấp nhận sự lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản. Nhiều người trong số họ có thể không biết đến HP, nhưng họ biết thực tế nhỡn tiền rằng, ngay cả những nước vốn là cái nôi kếch xù của cộng sản như Đông Đức, Liên Xô và khối Đông Âu, sau khi theo đuổi chủ nghĩa này trong hơn nửa thế kỷ, cũng đã phải ghê sợ từ bỏ ngay từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

‘Chờ Quốc hội thật’

Bởi vậy mới càng đau xót rằng, người VN dù đã đổ bao xương máu để dựng lên và nuôi dưỡng thể chế này, nhưng chưa bao giờ có được một thành phần QH đủ khách quan và công bằng. Muốn có một QH “sạch” như vậy, ngoài việc được ứng cử và bầu cử một cách tự do và dân chủ không giả hiệu, họ phải khước từ mọi chức vụ trong các cơ quan công quyền…. Đây là điều tối thiểu phải có đối với một QH – nghị viện đúng nghĩa, mà HP Mỹ và nhiều nước phát triển trên thế giới đã quy định và bảo vệ như con ngươi của mắt mình:

“Không một Thượng nghị sĩ nào hoặc một Hạ nghị sĩ nào trong suốt nhiệm kì của mình, có quyền được bổ nhiệm giữ một chức vụ hành chính nào thuộc thẩm quyền Hiệp Chúng Quốc sẽ được thành lập sau này, và có một số lương bổng sẽ được tăng gia trong nhiệm kì đó; và không một người nào đã giữ bất cứ một chức vụ nào trong chính phủ Hiệp Chúng Quốc có quyền được là một nhân viên của bất cứ viện nào trong hai viện, trong khi hãy còn giữ chức vụ trong chính phủ, theo Phụ bản 1: Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa kỳ ngày 4/3/1789.

Tu chính án Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng quy định: “Nghị viện sẽ không thảo một đạo luật nào để thiết lập một tôn giáo hoặc để cấm đoán tự do tôn giáo; để hạn chế tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí; hoặc để hạn chế quyền của dân chúng được hội họp ôn hòa và đưa lên chính phủ các điều thỉnh cầu bày tỏ những nỗi bất bình của họ”.

Từ ngày lập quốc đến nay, VN đã luôn bỏ qua điều kiện tối thiểu này nên dẫn tới một QH mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia là sau khi thông qua HP 2013 đã “có tội với người dân và đất nước VN”.

Những quy định được nhiều người bất bình cho là “cưỡng đoạt” quyền lợi của nhân dân” trong HP mới đã ngay lập tức gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên mạng truyền thông xã hội trong và ngoài nước, dù còn nằm trong đe dọa của Nghị định 72 và Nghị định 174/2013/NĐ-CP – hai Nghị định được ban hành dồn dập gần đây mà nhiều luật gia và Tổ chức nhân quyền, Hội Văn bút quốc tế …và nhiều nước cho là vi hiến, ngược lại những cam kết quốc tế về tự do ngôn luận và quyền con người.

Bên cạnh đó, một “Hội những người phản đối HP mới” đã được thành lập và ngay lập tức có tới hơn 1.000 thành viên được công bố công khai trên mạng Internet.

‘Dân mạnh hơn súng’


Tác giả cho rằng không thể sử dụng bạo lực để đối lại những đòi hỏi chính đáng về dân chủ, tự do của nhân dân

Nhiều nhân sĩ trí thức và những người ủng hộ cũng đã đưa ra “Bản tuyên bố phản đối HP mới”:

“… Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình…”.

Bản tuyên bố này yêu cầu Đảng, CP và QH tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, không để cho những quy định dưới HP vô hiệu hóa những quyền này và làm mọi việc để sắp tới có một cuộc bầu cử QH trung thực, đồng thời kêu gọi những người có lương tri trong giới cầm quyền cùng nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài”tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước kiên cường, đoàn kết và hợp sức đấu tranh bằng các phương thức ôn hòa để thực hiện các quyền con người và quyền công dân của mình, để thúc đẩy tiến trình cải cách chính trị nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và lạc hậu, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia”.

Người VN biết 28/11/2013 là ngày tang khốc cho tự do và nhân quyền VN, nhưng là để lương tri người người tiếp tục tỉnh thức, để không ngã lòng và tiếp tục kiên trì cho lẽ sống cùng chung tay phấn đấu cho công lý và bình đẳng cho mọi người VN.

Đương nhiên lịch sử sẽ ghi nhớ và phán xét về trách nhiệm của họ trước Tổ quốc, trước nhân dân vì đã chối bỏ mệnh lệnh của thời đại, tiếp tục tước đoạt thời cơ cho nhân dân VN có được một thể chế lành mạnh hợp tự nhiên, đã được quy định ngay trong Tuyên ngôn độc lập và HP 1946.

Bằng việc tiếp tục đặt cho mình vị trí độc tôn, qua HP và lần ‘sửa mà không đổi’ này, đảng cộng sản VN cũng đã tự triệt tiêu mọi cơ hội cho chính đảng này tự cắt bỏ những khối ung thư trong cơ thể mình để thoát khỏi tình trạng nguy ngập toàn diện hiện nay và để có năng lực cạnh tranh.

Nên nhớ, gươm súng là một sức mạnh, nhưng lịch sử loài người đã chứng tỏ lòng dân cuối cùng cũng mạnh hơn gươm súng.

Võ Thị Hảo

Nguồn: BBC

BS Hồ Hải – Khi Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm mất

In Chính trị (Politics), Kinh Tế, Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/12/01 at 01:16

Ai đã từng sống ở miền Nam trước 1975 đủ để biết đọc thì cũng biết khẩu hiệu này ở các nơi công sở: Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm, vì nó nằm ngay cả trên Quốc hiệu quân đội của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Thế nhưng, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã không đủ khả năng để thực hiện khẩu hiệu này, sau khi cố tổng thống Ngô Đình Diệm và gia quyến ông bị tận diệt bỡi nhiều lý do, mà ngày nay vẫn còn nằm trong bí mật của lịch sử, để rồi miền Nam Việt Nam là “bên thua cuộc và bỏ cuộc”.

Ngày nay “bên thắng cuộc” đang giẫm lên con đường của “bên thua cuộc và bỏ cuộc”, không thực hiện được khẩu hiệu tối thượng này, khi danh lợi đang làm mờ mắt các nhóm lợi ích.

Hầu như hôm nay – cái thời đại mà người ta bảo rằng vinh quang và chói lọi nhất – bất cứ cái gì cũng bị các nhóm lợi ích thâu tóm, ngay cả hạt lúa giống ngay trên quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này cũng bị các nhóm lợi ích nhảy vào để kiếm ăn, mà quên đi Tổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm của một công dân. Khi ông giáo sư Võ Tòng Xuân phát biểu: “Một lý do quan trọng hơn là nhiều quan chức lại đứng đằng sau lưng những công ty nhập khẩu lúa giống Trung Quốc để kiếm lợi ích cá nhân, khuyến cáo nông dân nên trồng lúa Trung Quốc, không nên trồng giống lúa Việt Nam”.

Ngay cả làm văn hóa như việc trùng tu ngôi mộ của Thần Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng chỉ vì tiền, nên tốn kém đến 19 tỷ đồng để phá nát di tích lịch sử một thời của người mở cõi. Ngay cả xe điện chạy quanh phố cổ Hà Nội mà, quận Hoàn Kiếm cũng có 71% cổ phần như lời ông chủ tịch quận này xác nhận. Quận là ai? Nhà nước là ai? Đảng là ai? Tất cả đều mơ hồ trong những ngôn từ để các nhóm quyền lợi tận hưởng, lời thì chả thấy nói năng, nhưng lỗ thì dân còng lưng trả thuế, phí bất hợp lý.

Lại nhớ câu chuyện, hôm trước có anh bạn Việt kiều chuyên nhập khẩu rác cao cấp về Việt Nam thua lỗ chổng gọng vì không bán được, đành bỏ cuộc. Số là anh làm hồ sơ mở một công ty chuyên xuất nhập khẩu, trong đó có lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu rác. Món hàng rác mà anh chọn là nhựa phế thải ở các bãi rác Hoa Kỳ mà có thể tái chế trở lại thành hạt nhựa PE – Polyethylene. Nhưng khi nhập khẩu về thì bán không ai dám mua, vì nó đã là của để dành cho các công ty khác, mà ngay cả nhà sản xuất tái chế cũng không dám tự nhập khẩu về để sản xuất, dù có được phép nhập để giảm giá thành sản phẩm.

Gần đây trong dân chúng, thông tin đại chúng, quốc hội, và cả những người lãnh đạo cao cấp trong đảng cầm quyền nói công khai về các nhóm lợi ích. Ai cũng phát biểu “đầy quyết tâm” xóa các nhóm lợi ích. Nhưng qua cuộc họp quốc hội thông qua “hiến pháp sửa đổi 2013” hôm 28/11/2013 cho thấy, các nhóm lợi ích đã trở thành tập thể đồng thuận lợi ích nhóm cầm quyền, ngay cả rác cũng không chừa. Cho nên, Tổ quốc, Danh dự và Trách nhiệm không còn giá trị trong hiện tại của tập thể nhóm lợi ích.

Khi Tổ Quốc, Danh Dự và Trách nhiệm bị bỏ rơi vì lợi ích, tha hóa thì ắt sẽ vong thân hơn là dấn thân và thăng hoa ắt sẽ trở thành sự sụp đổ theo như chủ nghĩa hiện sinh đã được thế giới công nhận và trao giải Nobel văn chương cho Jean Paul Sartre năm 1964.

Nguồn: blog BS Hồ Hải