vietsoul21

Archive for Tháng Chín, 2013|Monthly archive page

Trần Trung Đạo – Số phận một loài chim

In Tạp văn on 2013/09/28 at 10:09

(Ảnh của Nguyễn Cao Nam Trân)

Cách đây không lâu. Anh chủ nhiệm của một tờ báo địa phương đến thăm và nghe các con tôi nói chúng thích nuôi thú vật kiểng (pet). Lần sau anh trở lại với một chiếc lồng và hai con chim nhỏ để tặng các cháu. Anh dặn kỹ: “Chim này chỉ nuôi trong nhà, đem ra ngoài gió chúng sẽ chết.” Tôi không tin. Chim là phải bay nhảy chứ làm gì ngay cả gió cũng sợ. Tôi đến một tiệm bán chim hỏi lại. Bà chủ tiệm cũng đồng ý với anh chủ nhiệm: “Đây là loại chim được sản xuất theo lối công nghiệp chứ không phải chim sinh nở tự nhiên. Nếu đem ra ngoài trời, chúng sẽ chết vì không thích hợp với môi trường.” Tôi đành giữ kỹ chim trong nhà.

Vài hôm sau, một người bạn cùng quê của tôi tới thăm. Anh nghiêm chỉnh khiển trách:”Mày là Phật tử mà bỏ tù sinh vật. Người ta chẳng ví cảnh tù đày như cá chậu chim lồng đó sao. Phải thả chúng bay đi.” Tôi thật khó xử, vừa cảm thấy việc “bỏ tù sinh vật” là không nên làm nhưng thả bay đi chúng sẽ chết. Tôi phân trần với anh: “Đây là chim công nghiệp, đem ra ngoài chúng sẽ chết, và thả bay đi chúng càng chết nhanh hơn.” Anh bạn Quảng Nam đáp: “Nếu chúng chết thì chúng sẽ trọn nghiệp vì biết đâu kiếp sau chúng sẽ là những con chim tự do.”

Tôi chưa hẳn đồng ý với cách cãi của anh ta nhưng phải công nhận việc tôn trọng tự do của mọi sinh vật là đúng, nên hỏi ý một vị Đại Đức. Thầy trả lời theo lối “vạn sự do tâm”:”Chim công nghiệp vẫn là chim. Nếu môi trường xấu làm cho chúng xấu đi thì môi trường tốt sẽ làm cho chúng tốt trở lại. Hãy tập cho chúng quen dần, từng bước và khi chúng hoàn toàn quen thuộc với môi trường bên ngoài thì phóng sinh chúng đi.” Tôi cho đó là giải pháp hợp lý. Rất tiếc tôi lại quá bận để tập cho chim quen với thiên nhiên, bèn tặng chúng cho người em và dặn chú ấy tập cho chúng quen dần với đời sống bên ngoài, định bụng khi chúng hoàn toàn làm quen sẽ bàn với chú em làm lễ phóng sinh.

Tháng sau tôi trở lại nhà người em nhưng không thấy chim. Chưa kịp hỏi, chú em trả lời:”Chẳng giấu gì anh, ngày nào em cũng đem chim ra vườn tập. Chúng tiến bộ lắm. Chúng rất thích cảnh thiên nhiên. Vừa thấy cảnh cây lá sum sê là chúng kêu ríu rít lên ngay. Tuần trước, trong lúc em để chúng trên sân sau, chạy vào nhà trả lời điện thoại, khi trở ra thì chỉ còn mấy cái lông rơi rớt bên cạnh chiếc lồng vỡ nát và con mèo của hàng xóm đang nhảy sang bên kia hàng rào.” Tôi an ủi chú em theo lý luận của anh bạn Quảng Nam: “Hai con chim đó đã trọn nghiệp trong kiếp này, hy vọng đời sống sau, chúng sẽ làm chim của núi rừng tự do thay vì làm kiếp chim công nghiệp.”

Mỗi khi nhớ đến câu chuyện hai con chim, tôi lại ngậm ngùi nghĩ đến số phận của các em bé Bắc Hàn. Cuộc đời của các em không khác gì những con chim công nghiệp kia. Ngay khi các em ra đời, các cơ chế chính trị và xã hội đã được chuẩn bị sẵn để các em sống, suy nghĩ và hành động một cách thích nghi.

Tương tự như môi trường dành cho loại chim công nghiệp, cơ chế chính trị Bắc Hàn được xây dựng và tồn tại bằng niềm tin tuyệt đối nơi lãnh tụ của họ. Trong cơ chế đó sự nhầm lẫn, hoài nghi dù hợp lý đều không được cho phép tồn tại.

Trong buổi phỏng vấn dành cho tuần báo Time, người cận vệ của Kim Chính Nhật đào thoát nhắc lại câu chuyện của một người lái xe vô tình chạy lạc vào khu vực dinh thự của Kim Chính Nhật. Sau khi thẩm vấn anh tài xế, đám cận vệ của Kim Chính Nhật đều đồng ý rằng anh ta thật sự đi lạc. Tuy nhiên cách giải quyết họ chọn trong trường hợp đó là bắn chết anh ta ngay tại chỗ. Gia đình anh tài xế được thông báo rằng anh đã “đền nợ nước” và thưởng công cho gia đình anh một cái tủ lạnh.

Nhiều câu chuyện, đối với người sống bên ngoài bán đảo Bắc Hàn, có thể là chuyện hoang đường đến độ buồn cười, nhưng với người dân Bắc Hàn lại là chân lý, đúng như một nhà thơ Việt Nam có lần đã định nghĩa: “Chân lý là đường Đảng đã vạch ra và sự thật là gì Đảng đã dạy ta.” Giờ sinh của Kim Chính Nhật, con trai Kim Nhật Thành và là đương kim lãnh tụ Bắc Hàn, được mô tả trong giáo trình tiểu học: “Lãnh Tụ Kính Yêu sinh ra trong một căn cứ quân sự bí mật bên rặng núi thánh Paektu-san (Bạch Đầu Sơn), lúc Người ra đời một có hai cầu vồng rực rỡ và một ngôi sao sáng hiện ra trên nền trời” (Người dân Bắc Hàn gọi Kim cha là Lãnh Tụ Vĩ Đại hay Lãnh Tụ Vĩnh Cửu và Kim con là Lãnh Tụ Kính Yêu). Thật ra làm gì có căn cứ quân sự nào, chẳng trên núi thánh nào và lại càng không có chuyện thần thoại như hai vòng cầu vồng ngũ sắc hiện ra trong giờ Kim Chính Nhật giáng trần.

Theo sử liệu của Sô-Viết cũ, anh chàng Kim Chính Nhật sinh ra trong một đồn lính nhỏ hẻo lánh ở Siberia vì cha anh ta làm lính cho Stalin sau khi trốn khỏi Mãn Châu. Một mẩu chuyện khác về Kim Chính Nhật: “Mặc dù trước kia chưa bao giờ chơi gôn (golf), khi cầm cây gôn lần đầu Lãnh Tụ Kính Yêu đã đánh trúng ngay 5 lỗ một lần.” Và nữa, “Một lần nọ, Lãnh Tụ Kính Yêu đến kiểm tra súng của một đơn vi quân đội và trước mặt binh sĩ Người đã rút súng bắn trúng ngay mắt trái của mười con bò rừng.”

Kim Chính Nhật không phải là người thường, trong ý thức của người dân Bắc Hàn, anh chàng là hiện thân của một thiên thần. Chàng ta tuy chưa bao giờ đi lính một ngày nhưng được gọi trong sách là “Tướng Trời”. Tại Bắc Hàn, ngay cả chiếc khăn để lau tấm ảnh của hai cha con họ Kim cũng không được phép dùng để lau các đồ vật khác trong nhà.

Giống như những con chim công nghiệp, các em bé Bắc Hàn cũng líu lo mỗi sáng, nhưng nếu ai lắng tai nghe, bài hát các em hát trong giờ vào lớp luôn bắt đầu bằng câu: “Hoa nở nhờ có không khí và các em cười nhờ ơn của Kim Lãnh Tụ Vĩ Đại.”

Học sinh Bắc Hàn được dạy phải “yêu tổ quốc và yêu đồng bào” nhưng tổ quốc của em được mô tả trong sách vở không phải là một quốc gia nghèo đói, cô lập với thế giới bên ngoài mà một thiên đường trên trái đất dưới sự lãnh đạo anh minh của Kim Lãnh Tụ. Trong các ví dụ được dùng ở trường học, từ văn chương đến toán học, cuộc đời và sự nghiệp của hai cha con họ Kim luôn được dùng để ví những điều tốt đẹp và “đế quốc Mỹ xâm lược” luôn được dùng để ám chỉ những điều xấu xa tội lỗi nhất trên đời.

Sinh viên học sinh Bắc Hàn rất kiêu căng khi nói về lịch sử và dân tộc Triều Tiên vì một lý do đơn giản, ngoài những câu chuyện tuyên truyền được dạy ở trường, họ không biết gì về lịch sử loài người và cũng không biết đúng về lịch sử của tổ tiên họ. Và với một môi trường như thế, nhiều thế hệ người dân Bắc Hàn, hơn nửa thế kỷ qua đã tiếp tục sinh ra, lớn lên trong số phận một loài chim công nghiệp.

Mặc dù những mẩu chuyện trên có thể gợi lại trong ký ức của những người Việt lớn tuổi những hình ảnh, những tiếng thì thầm nghe rất quen quen, tuổi thơ Việt Nam ngày nay dù sao cũng may mắn hơn những người cùng tuổi với họ ở Bắc Hàn. Trong lúc nhiều nơi vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, đa số tuổi thơ Việt Nam đang có một đời sống tinh thần dễ chịu hơn tuổi thơ Bắc Hàn. Bài học của thiếu nhi Việt Nam học hôm nay không đến nỗi hoang đường như của thiếu nhi Bắc Hàn và bài hát của các em bé Việt Nam hát không trơ trẽn khó nghe như những câu mà thiếu nhi Bắc Hàn dùng để ca tụng cha con họ Kim.

Hai mươi năm qua, ánh sáng bên ngoài đã theo những khe hở của “chính sách đổi mới” rọi vào căn nhà Việt Nam mang theo kiến thức mới lạ từ những phương trời khác. Qua những khe hở đó, chúng ta cũng được nghe nhiều tiếng nói chân thành vọng ra từ trong nước tương tự như chúng ta đang nghe những ưu tư trăn trở của những người Việt đang sống ở ngoài nước dù họ đã một thời lớn lên bên này hay bên kia sông Bến Hải.

Như vậy có gì giống nhau trong hoàn cảnh của hai em thiếu nhi Bắc Hàn và Việt Nam không?

Có chứ. Hai cơ chế chính trị ảnh hưởng đến đời sống của các em bé Bắc Hàn và Việt Nam về căn bản vẫn giống nhau. Hai con nước đều bắt nguồn từ thượng lưu sông Volga trong những thập niên đầu của thế kỷ 20 và vẫn còn đang chảy xiết. Cả hai cơ chế chính trị đều nhằm ngặn chặn mọi suy nghĩ độc lập và hủy diệt mọi khả năng phản kháng của con người. Quyền căn bản đầu tiên trong nghiên cứu khoa học là quyền đặt vấn đề, thế nhưng quyền đó không đươc tôn trọng trong hai xã hội Bắc Hàn và Việt Nam.

Hiện nay, nhiều quốc gia và hàng trăm tổ chức thiện nguyện, tôn giáo, nhân đạo khắp thế giới đang tìm mọi cách để cứu giúp thiếu nhi Bắc Hàn, nhưng đồng thời, mọi người cũng đồng ý rằng, tất cả những gì họ đang làm chỉ là những biện pháp vá víu trong lúc chờ đợi một sự thay đổi toàn diện và căn bản.

Đúng vậy, sinh mệnh của một quốc gia không thể thay đổi bằng vài bao bột mì, hướng đi của một đất nước không thể được lót bằng dăm ba lon sữa và hạnh phúc của một dân tộc không bao giờ đến bằng sự vuốt ve an ủi từ những bàn tay thương xót bên ngoài.

Số phận của một dân tộc phải được quyết định bằng mồ hôi nước mắt, bằng những tấm lòng tận tụy với tương lai dân tộc, bằng đức tính kiên nhẫn làm việc vì đất nước của chính người dân nước đó. Và dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào, nhẹ nhàng hay cứng rắn, xói mòn hay cường tập, thay đổi cơ chế chính trị vẫn là mục tiêu quyết định của mọi cuộc cách mạng xã hội.

Nguồn: FB Trần Trung Đạo

Phạm Hồng Sơn – Tại sao lại nổ súng?

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/09/12 at 15:48

Di ảnh Đặng Ngọc Viết

Cách đây hai hôm, ngày 11/09/2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, người Thái Bình đã tự sát sau khi xông vào trụ sở chính quyền thành phố, nã đạn vào đầu 5 viên chức, làm 3 người bị thương và một người đã tử thương. Theo các thông tin do báo chí nhà nước công bố, ông Viết đã làm sẵn tấm di ảnh kèm cả tờ lịch ngày chết cho mình trước khi cầm súng đi bắn các viên chức nhà nước liên quan đến vấn đề đất của gia đình ông. Báo chí thuật, ông Viết, trước đó là một người lương thiện, từng đi làm ở Nga, đã bắn vào ngực mình và chết ngay dưới chân bức tượng Phật bà Quan Âm trong một ngôi chùa gần nhà vào chập tối ngày 11/09. Như vậy, việc tự sát của ông Đặng Ngọc Viết đã được chuẩn bị rất kỹ và quyết liệt.

Tự sát là một hiện tượng không mới của xã hội loài người và là một chủ đề được chú ý từ hơn 100 năm qua trong giới khoa học. Năm 1897, Émile Durkheim (1818-1917), một trong những ông tổ của ngành xã hội học, đã cho ra mắt công trình nghiên cứu mang tên Tự sát (Le Suicide). Qua thu thập và khảo sát gần 26.000 ca tự sát, Durkheim đã phân tự sát ra làm bốn loại khác nhau. Loại thứ nhất, Durkheim đặt tên là Tự sát vị kỷ (suicide égoïste), đây là những trường hợp tự sát ở những người có ít liên kết với xã hội như những người già bị bỏ rơi, người độc thân. Loại thứ hai, Tự sát vị tha (suicide altruiste), ở những người có rất nhiều liên kết và rất sâu sắc với xã hội như những chỉ huy quân sự tự bắn vào đầu mình khi bị thua trận, những chính trị gia tự sát khi bị mất tín nhiệm. Loại thứ ba, Tự sát tan rã (suicide anomique), ở những người thấy thiếu hoặc mất phương hướng do những biến đổi quá nhanh về các chuẩn mực, qui ước, đạo đức của xã hội như các thanh niên tự sát trong giai đoạn xã hội có những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa cho dù điều kiện gia đình thuộc loại đầy đủ. Loại thứ tư, Tự sát định mệnh (suicide fataliste), ở những người cảm thấy các ràng buộc, áp chế của xã hội đè lên mình quá nặng, sự tự do cá nhân bị ép quá chặt như tự sát ở những người nô lệ, công nhân bị vắt sức lao động, những người bị ngược đãi, bất công.

Ngày nay ngành khoa học xã hội đã có những bước phát triển xa hơn tác phẩm Le Suicide của Émile Durkheim trong việc lý giải hiện tượng tự sát. Ví dụ, dưới nhãn quan của lý thuyết xung đột (conflict perspectives), mà ông tổ của Chủ nghĩa Cộng sản Karl Marx luôn được viện dẫn hàng đầu, thì tự sát là kết quả của những xung đột quan hệ xã hội gay gắt nhưng không được giải quyết. Hoặc theo lý thuyết biểu tượng tương tác (symbolic interactionist perspectives) tự sát là biểu hiện của một tiếng kêu cứu hay một sự đánh động cho một vấn đề cá nhân/xã hội.

Việc tìm hiểu sâu hơn và lý giải vụ tự sát, kèm theo vụ sát hại, của ông Viết xin được dành cho quí vị độc giả và giới chuyên môn như các nhà xã hội học, tâm lý học hay tội phạm học,… Nhưng chỉ nhìn vào những cơ sở lý thuyết sơ lược kể trên, chúng ta có thể thấy sẽ có nhiều cách lý giải và giả thuyết khác nhau về nguyên nhân, động cơ căn bản dẫn đến hành động quyết liệt bi thương của ông Đặng Ngọc Viết.

Cái chết nào cũng gây cho người ta đau buồn, ngậm ngùi, dù là cái chết do tự sát hay do bị sát hại, dù là cái chết của thủ phạm hay nạn nhân.

Nhưng trong cái chết của ông Viết có ít nhất một sự an ủi. Vì nếu ông Viết không tự sát (hoặc tự sát không thành) chắc chắn ông sẽ phải hầu tòa vì tội “cố ý giết người”, giống như anh em ông Đoàn Văn Vươn mới đây phải ra tòa. Và một người như ông Viết, tôi tin, sẽ rất đau đớn nếu bị những ông bà thẩm phán là đảng viên cộng sản ngồi trên ghế quan tòa giật giọng hỏi: “Tại sao lại nổ súng bắn cán bộ mà không đi kêu oan?”

Cái đau đó chắc sẽ không thua cái đau do viên đạn ông đã tự bắn thẳng vào ngực mình trong cái tối định mệnh ngày 11 tháng Chín vừa qua.

© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra

Trần Trung Đạo – Nhìn lại chiến tranh

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/09/05 at 15:21

Thỉnh thoảng tôi đọc trong Internet một vài lá thư có nội dung bày tỏ thái độ không đồng ý của người viết đối với số chính sách của đảng và nhà nước, được gởi ra từ trong nước. Các tác giả của những lá thư đó tuy khác nhau ở tên họ, địa chỉ, nhưng chung dưới một tên gọi là “các cựu chiến binh lão thành”.

 Những lá thư như thế chắc không phải được viết bằng máy vi tính hiện đại như tôi đang sử dụng mà có lẽ bằng những cây viết có ruột cao su mềm, bơm mực bằng tay được cất giữ kỹ lưỡng từ lâu lắm. Nhìn vào tên tuổi và chức vụ, tôi biết các cụ thuộc thế hệ Điện Biên và không ít là người của thời mùa thu 1945 còn lại. Địa chỉ của các cụ tuy khác nhau nhưng giống như lá thư tập thể, phần đông sống trong các khu nhà cũng có tên chung là Khu Tập Thể.

Trong suốt bảy, tám mươi năm của đời mình, các cụ sống, làm việc và được rèn luyện để thừa hành chỉ thị của cấp trên chứ không quen đặt vấn đề, các cụ tập chịu đựng đau đớn chứ không được phép rên la. Và vì thế, viết một lá thư đã là một việc khó khăn, gởi lá thư đó đến các cấp đảng và nhà nước trung ương là một can đảm chưa từng nghĩ đến và phổ biến lá thư rộng rãi ngoài quần chúng quả thật là một hành động phi thường. So với việc ôm ngọn tầm vông vót nhọn lao vào phòng tuyến thực dân trong những ngày còn trai trẻ, hành động viết lá thư gởi lên trung ương đảng ngày nay có thể còn nguy hiểm hơn nhiều. Những kẻ mà các cụ lo sợ sẽ trả thù, dèm pha, nghi kỵ không phải bọn thực dân mắt xanh, mũi lõ dễ phân biệt mà là những người cùng tổ chức, cùng đảng, cùng gọi nhau là đồng chí và ngay cả những kẻ còn thuộc hàng con cháu các cụ.

Tôi hình dung cái đêm các cụ tập trung nhau ở nhà một người nào đó trong nhóm để thảo lá thư, chắc phải bí mật, hồi hộp hơn cả giờ ra trận và xúc động hơn cả đêm cuối cùng bên cạnh vợ con trước ngày lên đường đi Lai Châu, Hà Nam, Hà Bắc không biết có ngày trở lại, của mấy chục năm về trước. Các cụ lo sợ là phải. Những kẻ mà các cụ chống đối ngày nay, không những biết rõ nơi ăn chốn ở mà còn là người quyết định các chỉ tiêu lương thực, thực phẩm, tiền hưu trí, phụ cấp nhà ở của các cụ. Những kẻ đó không những nắm quyền sinh sát cho đoạn đời ngắn ngủi còn lại của các cụ mà cũng có luôn cả quyền xóa bỏ quá khứ mà các cụ vô cùng trân quý.

Tôi nghĩ đến các cụ và thương các cụ rất nhiều. Không phải sau khi đọc những lá thư được gởi từ các khu nhà tập thể, không phải sau khi đã ra được nước ngoài mà ngay cả từ thời mới lớn tại miền Nam trước 1975, hình ảnh các cụ vẫn rất đẹp trong lòng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tất cả những người Việt Nam sống bên kia sông Bến Hải là cộng sản, trái lại tin rằng ẩn khuất sau đám mây đen độc tài đảng trị đó vẫn có những tấm gương sáng của lòng yêu nước chân thành. Dân tộc nào trên thế giới cũng yêu thương và gắn bó với đất nước của họ, nhưng tôi vẫn có một niềm tin chủ quan rằng con người Việt Nam nặng lòng với quê hương đất nước nhiều hơn các giống dân khác. Bởi vì không có một đất nước nào, ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi con đường đã được gìn giữ bằng một giá đắt như ông bà chúng ta đã phải hy sinh trong suốt dòng lịch sử.

Những ngày còn ở trung học, tôi thuộc lòng bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao và “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Cả hai bài thơ được đăng trong tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn, trong đó có những câu làm tôi rơi nước mắt:

Đêm buông xuống dòng sông Đuống

– Con là ai? Con ở đâu về?

Hé một cánh liếp

– Con vào đây bốn phía tường che

Lửa đèn leo lét soi tình mẹ

Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng

Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể

Những chuyện muôn đời không nói năng.

 (“Bên kia sông Đuống”, Hoàng Cầm)

hay là:

Đêm nay tôi trở về lành lạnh

Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa

Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ

Chắp tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ

Làng tôi đấy bên trại thù quạnh quẽ

Nằm im lìm như một nắm mồ ma

Có còn không! Em hỡi một mẹ già?

Những người thân yêu khóc buổi tôi xa.

 (“Nhà tôi”, Yên Thao)

Tôi thường tự nhủ, nếu được sinh ra cùng thời với các cụ và có đủ can đảm, con đường đẹp nhất mà tôi chọn có lẽ cũng là con đường mà các cụ đã đi:

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

 (“Đất nước”, Nguyễn Đình Thi)

Sau 1975, nghe bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết trong thời chống Pháp, tôi cũng vô cùng cảm động:“Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo, người mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương, áo rách nên thương, các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ.”  Trong hình ảnh nghèo nàn, đau xót đó đã toát lên một vẻ đẹp thiêng liêng của tình mẹ và tình đất nước.

Năm ngoái, trong một buổi thảo luận với các bạn trẻ, tình cờ trùng hợp với thời gian Việt Nam đang kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ, một bạn đã hỏi cảm tưởng của tôi đối với những người ngã xuống trên phòng tuyến Điện Biên Phủ trên đường tấn công vào sào huyệt của tướng De Castries. Tôi đã trả lời người bạn trẻ rằng tôi rất có cảm tình và kính trọng những người chết trên đường đánh vào bộ chỉ huy của tướng De Catries.

Trả lời như vậy không phải vì tôi chưa suy nghĩ kỹ. Thật ra, từ khi biết nghĩ về đất nước, tôi đã suy nghĩ về cái chết của những người Việt Nam đó rất nhiều.

Khi nói cảm tình với những người chết khi tấn công vào Điện Biên Phủ không phải tôi không biết rằng trong thời điểm đó đã có mặt một chính phủ khác, hình thành như kết quả của hiệp ước Hạ Long 1948 và sau đó trong hiệp ước ký kết tại điện Élysée giữa Bảo Đại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol năm 1949. Theo nội dung chính của cả hai hiệp ước, Pháp công nhận “nền độc lập” của Việt Nam. Thật ra, đó chỉ là chiếc bánh vẽ mà dân Việt Nam chẳng thể nào ăn được. Sử gia Phạm Văn Sơn ở miền Nam đã viết trong Việt sử toàn thư: “Nhưng sau 80 năm sống dưới quyền Pháp, nhân dân Việt Nam đã hiểu rõ người Pháp quá nhiều, lại nhìn vào Bảo Đại và thành phần chính của chính phủ Bảo Đại, nhân dân cũng hết tin tưởng, vì vậy mà cây bài quốc gia tức cây bài Bảo Đại không có hiệu quả.”

Là một sĩ quan cấp đại tá, phụ trách phòng quân sử thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, lẽ ra ông phải viết khác đi cho thích hợp với bối cảnh chính trị Việt Nam sau hiệp định Geneva, nhưng không, sử gia Phạm Văn Sơn đã có một cái nhìn sáng suốt. Ông viết từ trái tim yêu nước và viết cho hàng trăm năm sau chứ không phải để thoả mãn các nhu cầu chính trị nhất thời.

Đại tá Phạm Văn Sơn, người đã chết trong trại tù Vĩnh Phú năm 1980, đã ví các nỗ lực của thực dân nhằm tiêu diệt lòng yêu nước bền bỉ của nhân dân Việt Nam chẳng khác gì là việc “cầm dao chém nước”, chẳng thể nào chẻ được lòng yêu nước của người Việt Nam.

Khi nói cảm tình với những người lính chết trên đường tấn công vào Điện Biên Phủ không có nghĩa tôi không biết rằng ông Hồ Chí Minh là một cán bộ của Đệ tam Quốc tế Cộng sản và những người lãnh đạo phong trào Việt Minh phần lớn là đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Lenin đã khẳng định cuộc cách mạng chống thực dân là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới và cũng chính Lenin cho rằng các nước thuộc địa lạc hậu có khả năng nhảy vọt lên chủ nghĩa xã hội mà không cần thông qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Ngay từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tư tưởng đó luôn luôn là tư tưởng chỉ đạo cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.

Tôi kính trọng và quý mến những người đã ngã xuống, đơn giản bởi vì họ là những người yêu nước. Tình yêu họ dành cho nơi chôn nhau cắt rốn là một tình yêu thuần khiết và vô cùng trong sáng. Lòng yêu nước của họ không nhập từ đâu cả nhưng được hun đúc bằng xương máu từ nhiều ngàn năm lịch sử, lớn lên trong lời dạy bảo của cha và lời ru của mẹ.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 2 năm 2005 của đài BBC, nhà thơ Hoàng Cầm cũng đã xác nhận: “Lúc ấy tôi còn trẻ (đỗ tú tài năm 1940), tham gia cách mạng là vì tinh thần yêu nước chứ cũng không biết gì về các chủ nghĩa. Tôi viết các vở kịch mang chất lịch sử, xuất phát từ lòng yêu nước.

Một người như nhà thơ Hoàng Cầm, có bằng tú tài, một trình độ giáo dục được xem là cấp cao của thời bấy giờ, vẫn không biết gì về chủ nghĩa Mác-Lê thì hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu tâm hồn nông dân chơn chất Việt Nam khác làm sao hiểu được thế nào là duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, giá trị thặng dư, thời kỳ quá độ và họ chắc cũng chẳng quan tâm đến các ông Các Mác râu xồm hay ông Lê-nin trán hói là ai.

Tôi tin tuyệt đại đa số những người đã chết trong cuộc chiến chống thực dân là những người hy sinh cho độc lập, tự do đúng nghĩa. Họ ngã xuống cho thanh bình sớm được vãn hồi trên quê hương khổ đau và bất hạnh Việt Nam. Họ ngã xuống trong nụ cười, bởi vì ngay cả khi nhắm mắt lìa đời họ vẫn tin rằng họ đang chết cho tổ quốc, đang chết cho tương lai dân tộc như tổ tiên họ đã chết trên sông Bạch Đằng, trên bến Chương Dương, trong đầm Dạ Trạch, giữa núi rừng Yên Thế. Họ chết đi trong giấc mơ tuyệt đẹp về một đất nước tương lai, một đất nước của Hùng Vương thương yêu và giàu mạnh. Tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói rằng tất cả, đều tin như thế.

Tôi không tin một người Việt Nam nào có thể lấy thân mạng mình lấp vào ổ súng thực dân hay lấy thân mình làm đòn kê để khẩu pháo khỏi rơi xuống hố sâu chỉ để mong một ngày đất nước Việt Nam sẽ biến thành một thiên đường, ở đó con người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, muốn gì có nấy như đã khẳng định trong kinh điển Mác-Lê. Không! Những nông dân Việt Nam yêu nước từ bỏ ruộng vườn ra đi theo tiếng gọi của non sông như một thời vang vọng từ Chí Linh, Lam Sơn, Bạch Đằng, từ bốn ngàn năm lịch sử. Họ đã từng ôm lấy nhau mà hát “Vì nước, ruộng nương anh để vợ anh cày, gian nhà tranh mặc kệ gió lung lay… Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá, miệng còn cười buốt giá chân không giày, thương nhau, ta nắm lấy bàn tay”.

Không ai gần gũi với đất nước hơn là nông dân và cũng không ai yêu đất nước hơn người nông dân. Cả đời họ gắn liền với bờ ao, ruộng lúa. Họ đánh Tây chỉ vì một lý do đơn giản, để được sống thanh bình, tự do trong căn nhà tranh, bên bờ ao thửa ruộng của họ. Ý nghĩa của quê hương trong lòng người nông dân trong sáng như thế đó.Và cho dù những người nông dân áo vải thô đó có tham gia vào đảng cộng sản đi nữa, việc tham gia của họ cũng chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn mà thôi. Nếu họ sinh ra ở Quảng Nam họ sẽ gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh ra ở Quảng Trị họ sẽ gia nhập Đại Việt, sinh ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long họ sẽ gia nhập Dân xã Đảng. Đó là trọng điểm của các đảng phái chống Pháp trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Trong ý thức đơn sơ của người dân Việt, các tổ chức chống thực dân là những chiếc phao họ bám để sang bờ độc lập. Người dân hiền lành ngày đó làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt cuộc đời họ cho đến ngày nay.

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng tôi nhìn lịch sử từ hướng con tim và bằng lý trí chứ không nhìn từ điện Kremlin, White House, khu Trung Nam Hải Bắc Kinh hay bằng những kiến thức và lý luận một chiều. Tôi học để hiểu rằng cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Đó là cuộc chiến giữa dân tộc Việt Nam bị trị chống lại thực dân Pháp bóc lột và nô lệ đất nước chúng ta. Cuộc chiến đó bắt đầu khi tiếng đại bác của tướng thực dân Rigault de Genouilly bắn vào Đà Nẵng năm 1859 chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược cho đến khi chúng rút ra khỏi Việt Nam vào năm 1954.

Trong gần một trăm năm đó, máu của hàng triệu người Việt Nam đã đổ xuống khắp ba miền, từ ruộng lúa Tiền Giang đến châu thổ sông Hồng, từ Côn Đảo đến Réunion, từ dải Trường Sơn trùng điệp đến núi rừng âm u Việt Bắc. Bên tai tôi như vẫn còn nghe tiếng hô “Việt Nam vạn tuế” của Nguyễn Thái Học, lời dặn dò của Phan Chu Trinh, tiếng gào thống thiết của Nguyễn An Ninh, lá thư viết bằng máu của Phan Bội Châu, giọng thơ hùng tráng của Lý Đông A, tiếng sóng Châu Giang vỗ vào thân xác của Phạm Hồng Thái. Người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên.

Khoảng cách giữa thương nước và hại nước không phải là một chiếc cầu dài mà trái lại rất ngắn và mỏng như sợi tóc. Chiếc cầu nhận thức đó ngắn đến nỗi nếu chỉ bước thêm một bước nữa, một người yêu nước sẽ tức khắc trở thành kẻ bán nước.

Đó là thực chất của cuộc chiến gọi là “Chống Mỹ cứu nước” sau 1954 đến 30 tháng 4 năm 1975. Nhiều người nhìn cuộc chiến Việt Nam như nhìn vào màu nước biển. Tùy theo thời gian và chỗ đứng của mỗi người, nước biển có một màu sắc khác nhau. Nhưng màu thật sự của giọt nuớc không thay đổi dù sáng, trưa, chiều, tối, trong bờ hay ngoài khơi. Tương tự, cuộc chiến Việt Nam đã được gọi bằng nhiều tên gọi: nội chiến, chống đế quốc, ủy nhiệm, đánh thuê v.v…, nhưng bản chất của cuộc chiến vẫn chỉ là một mà thôi. Như vậy, bản chất của cuộc chiến từ 1954 đến 1975 là gì?

Trong các định nghĩa về chiến tranh, tôi vẫn đồng ý với định nghĩa của Karl von Clausewitz nhất, “chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác” (War is the continuation of politics by other means). Và từ định nghĩa đó, nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, thay vì đi tìm nhãn hiệu quốc gia nào trên từng vỏ đạn, trên mỗi chiến xa hay thử nghiệm DNA, màu da, chủng tộc của từng xác chết, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và mục đích của cuộc chiến đã xảy ra trên đất nước mình, không phải trong thời chiến mà ngay cả trước và sau cuộc chiến.

Nói về mục đích chiến tranh, khoảng năm 1970, tôi có đọc một cuốn sách của giáo sư Nguyễn Văn Trung. Tôi không nhớ chính xác tên của tác phẩm nhưng nhớ rất rõ giáo sư đã dành nguyên trang đầu để viết mỗi một câu: “Nói cho cùng, cuộc chiến Việt Nam vẫn là cuộc chiến tranh ý thức hệ”. Câu nói đó kích thích sự tìm hiểu của tôi rất nhiều về bản chất và mục đích của cuộc chiến Việt Nam mà các bên tham dự đang nhắm đến.

Ở miền Nam, chúng tôi lớn lên với nhiều câu hỏi và rất ít câu trả lời, trong khi đó, thế hệ trẻ miền Bắc lớn lên có tất cả câu trả lời chờ sẳn mà không cần đợi hỏi. Nếu ai hỏi một trăm em, hay thậm chí một ngàn em học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông về lý do của cuộc chiến tranh được mệnh danh là “giải phóng miền Nam”, tôi tin người hỏi sẽ nhận về những câu trả lời giống hệt nhau, đó là “chống giặc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước”.

Giặc Mỹ xâm lược?

Phải chăng vì “giặc Mỹ xâm lược” Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Đức nên ngày nay các quốc gia này mới trở nên những nước giàu có nhất nhì trên thế giới. Thống nhất đất nước? Vâng, không một người Việt Nam nào muốn cắt đi phần da thịt của mình hay muốn đất nước mình phải chia đôi, chia ba, nhưng nếu để đổi sự thống nhất bằng sinh mạng nhiều triệu người dân vô tội, nhiều trăm ngàn người Việt Nam vẫn còn đang mất tích, hàng vạn cô gái Trường Sơn đã đánh mất tuổi xuân trong rừng sâu núi thẳm, một nền kinh tế đi sau nhân loại hàng thế kỷ, phải chăng là một giá nên đổi? Độc ác như Kim Nhật Thành nhưng sau cuộc thử lửa 1950 đã không còn nuôi giấc mộng xâm chiếm Nam Hàn lần nữa. Bạo chúa cỡ Erich Honecker cũng chưa bao giờ dám nghĩ chuyện phiêu lưu thống nhất nước Đức bằng con đường võ lực.

Trước 1975, tôi nghe rất nhiều về quốc gia, cộng sản nhưng ai cũng bận đánh nhau, chẳng bao nhiêu người dành thời gian nghiên cứu kỹ càng và phổ biến rộng rãi về thế nào là quốc gia và thế nào là cộng sản. Một số không ít các nhà lãnh đạo miền Nam từng là sĩ quan trong quân đội Pháp hay đã phục vụ trong chính quyền thuộc địa Pháp nên cũng không thích nghe quá nhiều những mẩu chuyện khơi dậy lòng yêu nước chống thực dân và họ cũng không đặt nặng việc xây dựng một hệ ý thức quốc gia dân tộc nào hoàn chỉnh. Một số người được gọi là trí thức trong xã hội miền Nam thì xem việc chống chính phủ, chống Mỹ là một thời trang, mặc dù nhiều trong số họ ăn lương Mỹ.

Xã hội miền Nam trước 1975 hẳn nhiên không phải là một xã hội lý tưởng. Miền Nam có tham nhũng, có cậy quyền, có lũng đoạn, có độc tài, có tham ô, có lãng phí, nói chung có đủ các biến chứng tiêu cực của một đất nước vừa thoát ra khỏi ách phong kiến và thực dân. Nhưng đồng thời miền Nam cũng có các điều kiện và nhân tố cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị. Giống như việc trồng cây ăn trái, những hạt mầm dân chủ cũng phải được gieo, phân bón, tưới nước, chịu đựng nắng mưa, gió bão, truớc khi đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa và kết trái.

Mặc dù đang chập chững trên hành trình dân chủ hóa như thế, không có nghĩa là hàng triệu người lính miền Nam chiến đấu không lý tưởng. Một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng vĩ đại bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.

Trong suốt 20 năm từ sau 1954, nhân dân miền Nam, không có một con đường nào khác hơn là phải chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong một xã hội họ đã chọn lựa. Phát xuất từ chính sách chia để trị của thực dân và hoàn cảnh trưởng thành, không ít nhà lãnh đạo miền Nam đã bắt đầu cuộc đời chính trị hay binh nghiệp trong hàng ngũ Pháp, nhưng giống như hàng triệu người dân miền Nam khác, họ đã chung lưng nhau chiến đấu để bảo vệ quyền được nói những điều họ nghĩ, quyền được sống nơi họ muốn sống, quyền đi nhà thờ, đi chùa họ chọn, quyền được hát bài hát họ thích.

Dù quá khứ khác nhau nhưng họ đều ngã xuống như những người yêu nước. Đừng quên, những người bị gọi là “Ngụy”, là “theo Tây”, “theo Mỹ” kia không chỉ phải bảo vệ miền Nam mà còn phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn để giữ từng cù lao, từng khoảng không gian của vùng trời, từng hải lý của vùng biển Việt Nam. Hạt cát Hoàng Sa vẫn còn đỏ màu máu của họ.

Thế nhưng, số phận các quốc gia nhược tiểu thì ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu tương hợp với quyền lợi của đế quốc thì sống và ngược lại thì chết. Bởi vì mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam rất tương hợp với quyền lợi của Liên-Xô và Trung Quốc nên “vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam” như Lê Duẩn nói, trong lúc nhiều cấp lãnh đạo miền Nam phải tự sát hay sắp hàng đi vào tù bởi vì quyền lợi của nhân dân miền Nam (chiến đấu để bảo vệ và xây dựng các nền móng tự do dân chủ riêng ở miền Nam) không còn tương hợp với sách lược thế giới của tổng thống Richard Nixon.

Thật ra, không phải đợi đến khi tổng thống Nixon thay đổi đường lối chiến tranh mới dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam, chính sách của Mỹ tại Việt Nam đã thất bại ngay từ trong trứng. Đánh nhau với ba nước tiên phong và hùng hổ nhất trong khối cộng sản quốc tế (Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô) mà chỉ nhằm bảo vệ miền Nam Việt Nam thì sự thất bại là vấn đề thời gian mà thôi. Danh tướng Đức Erwin Rommel chẳng từng viết “Phòng thủ là tự sát” đó sao. Trong chiến tranh Đại Hàn, nếu quân đội đồng minh không đổ bộ Ichon, giải phóng Seoul, vượt vĩ tuyến 38, chiếm cả thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn, mà chỉ lo phòng thủ miền Nam thì số phận Nam Hàn chưa biết sẽ ra sao. Sau 1975, chính ông bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã xác định cuộc chiến từ sau 1954 đến 1975 là chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản và tự do.

Trong diễn văn chào mừng chiến thắng vào đầu tháng 5 năm 1975, ông Lê Duẩn không còn che giấu tham vọng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam khi tuyên bố: “Vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam quang vinh, người lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tiền phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Câu nói “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc…” đã trở thành một trong những câu khẩu hiệu phổ biến nhất trong thời kỳ đó. Câu khẩu hiệu dài lòng thòng này đã làm tốn nhiều vải và mực nhất trong những năm mà người dân không có áo mặc sau 1975. Ngoài ra, trong tác phẩm được xem như là kinh điển, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, ông Lê Duẩn cũng nhiều lần khẳng định mục đích cuối cùng của cách mạng tại Việt Nam là đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội hiện đại (công nghiệp, nông nghiệp và khoa học kỹ thuật), tạo điều kiện vững chắc cho chủ nghĩa cộng sản khoa học trong tương lai. Nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập vào năm 1930 cho đến nay, tuy khác nhau về chiến lược của mỗi thời kỳ và hoạt động dưới nhiều tên gọi (Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam) nhưng hoàn toàn nhất quán về tư tưởng và mục đích chính trị.

Người đọc sẽ thắc mắc, thế thì công sức của Đảng Cộng sản trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đầy gian khổ nhưng cũng rất vinh quang đó là gì? Xin thưa, từ nhỏ tôi được dạy rằng khi giúp đỡ ai thì đừng cầu ơn phước, vì giúp người chỉ để mưu cầu lợi lộc riêng tư thì không phải giúp người mà chỉ là một hành động đầu tư trên sự khổ đau của kẻ khác mà thôi.

Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương cho đến 1954, giới lãnh đạo cộng sản đã chiến đấu trong hàng ngũ người Việt yêu nước, vâng, nhưng mục đích cuối cùng của họ không phải là độc lập dân tộc hay thống nhất đất nước. Ba mươi năm, kể từ 1975, một khoảng thời gian đủ dài và một vết chém đủ đau để nhân dân Việt Nam ý thức ra rằng thống nhất đất nước chỉ là điều kiện tiền đề cho mục đích cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam.

Hành động đốt sách vở một cách không phân biệt, xóa bỏ mọi tàn tích văn hóa cũ, đổi tiền năm bảy lượt, bỏ tù hàng trăm ngàn người, đày đi kinh tế mới hàng triệu đồng bào là những bằng chứng hiển nhiên đến mức không ai còn có thể chối cãi được. Nếu chỉ đánh Mỹ để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, tại sao họ đã thi hành các biện pháp đầy đọa, trừng phạt, tẩy não vô cùng thất nhân tâm như đã làm sau 1975 đối với chính đồng bào máu mủ của mình?

Trong quan điểm đó, Đảng Cộng sản không có công trạng hay ơn nghĩa gì với dân tộc Việt Nam cả. Họ chỉ là những người cho vay lấy lãi nặng bằng máu xương của bao nhiêu thế hệ Việt Nam. Hãy so sánh cách sống của những ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương đảng và cuộc đời của những người được gọi là chủ nhân đất nước đang lay lắt dưới gầm cầu Long Biên để thấy cái mức lãi mà dân tộc ta phải trả cho Đảng Cộng sản Việt Nam cao đến bao nhiêu.

Bất cứ người Việt Nam có một chút kiến thức kinh tế, chính trị và nhìn lịch sử một cách khách quan phải công nhận rằng, nếu không có ý thức hệ cộng sản, Việt Nam không những vẫn là một dân tộc thống nhất mà còn có đời sống tự do, dân chủ, nhân bản và giàu mạnh gấp trăm lần hơn hôm nay.

Trần Trung Đạo

Lê Diễn Đức – Từ độc lập đến chế độ thực dân cộng sản

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/09/01 at 23:59

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Từ năm 1954 trên miền Bắc và từ năm 1975 trên cả nước, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), nắm quyền cai trị đất nước, đã và đang áp dụng một chế độ thực dân kiểu mới, đó là chế độ thực dân cộng sản.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, ông Hồ Chí Minh nói:

Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Ông Hồ cũng nhấn mạnh rằng, “hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa“.

Thế nhưng, tình từ năm 1954, đến nay là 59 năm. Thực dân cộng sản đã lợi dụng lá cờ yêu nước, giải phóng dân tộc, đặt ách thống trị, áp bức đồng bào ta ra sao?

Tất cả các câu in chữ nghiêng dưới đây được ghi nguyên văn từ bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minhdành cho thực dân Pháp. Chúng gần như chính xác hoàn toàn với chế độ thực dân cộng sản.

* “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.

Đây là vấn đề nhất quán. “Bỏ điều 4 là tự sát”, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói như thế, khẳng định sự lãnh đạo toàn diện và thống nhất của ĐCSVN đối với nhà nước và xã hội. Hệ thống chính trị áp đặt chế độ độc quyền, đặc quyền, đặc lợi; cấm thành lập hội hay các tổ chức chính trị độc lập, không thực thi bầu cử tự do, mọi sắp xếp nhân sự trong bộ máy nhà nước đều được cơ cấu theo phương thức “đảng cử, dân bầu”; kiểm duyệt gắt gao báo chí truyền thông, xuất bản; cấm tụ tập đông người…

Tóm lại chế độ thực dân cộng sản bóp nghẹt mọi quyền tự do, dân chủ, chà đạp thô bạo lên những quyền công dân cơ bản nhất. Dân chủ trong chế độ thực dân cộng sản là một khái niệm xa vời, xa xỉ.

* “Chúng thi hành những luật pháp dã man…”

Hiến pháp được tạo ra chỉ là hình thức biểu diễn. Chế độ thực dân cộng sản tạo ra rất nhiều luật và các văn bản dưới luật như Thông tư, Nghị định vi hiến. Ví dụ, quyền được tự do ngôn luận, báo chí được hiến pháp bảo hộ bị Bộ Luật Hình Sự giết chết bằng điều 258 với những luận chứng mơ hồ, để có thể bỏ tù bất cứ ai có chính kiến trái ngược với chủ trương chính sách của nhà nước, dù chỉ là ý kiến phê phán ôn hoà. Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, là hình thức bị miệng xã hội, cấm các trang cá nhân trên mạng xã hội không được chia sẻ, tổng hợp tin tức lấy nguồn từ báo chí chính thống. Nghị định Nghị định 38/2005 của Chính phủ về cấm tụ tập đông người đã hoàn toàn chà đạp lên quyền được biểu tình ghi trong hiến pháp, v.v…

Tất cả những luật pháp dã man này chỉ nhằm mục đích bắt giam, bỏ tù những công dân yêu nước, có ý thức phản biện xã hội và tinh thần phê phán xây dựng.

* “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

Nhà tù được xây dựng, tu bổ và mở rộng khắp các tỉnh. Các trung tâm phục hồi nhân phẩm cũng được tận dụng để hốt và bắt giữ những người tham gia biểu tình chống quân Trung Quốc xâm lược. Công an và công an bận quần áo dân sự giả danh côn đồ cùng với côn đồ thật trong vai dân phòng đã đánh đập dã man những người yêu nước. Các cuộc biểu tình yêu nước dù chưa bị tắm trong bể máu nhưng đã bị đàn áp thô bạo và dẹp tan bằng bạo lực.

* “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”.

Trong cuốn “A History of Reading”, Alberto Manguel, nhà văn Argentina, viết:

”Các chế độ độc tài không muốn chúng ta suy nghĩ, nên ngăn cấm, đe dọa và kiểm duyệt. Trước và sau đều nhằm mục đích làm chúng ta ngu ngốc và cam phận với sự xuống cấp về sự hiểu biết của mình. Vì vậy các chế độ này khuyến khích tiêu thụ những thứ rác rưởi. Trong bối cảnh này, đọc sách báo ngoài luồng kiểm duyệt trở thành hoạt động phá hoại”.

Một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành, 17.000 nhà báo và hàng chục ngàn dư luận viên truyền miệng và “bút chiến” trên Internet, cùng với bộ máy kiểm duyệt, thực sự là công cụ hữu hiệu phổ cập thông tin tuyên truyền, ngăn chặn thông tin ngoài luồng, thực thi chính sách ngu dân để trị. Con số hơn 31,3 triệu người sử dụng internet, chiếm 35,58% dân số (tính đến 11/2012) chỉ đúng ở thông kê thuần tuý. Số người truy cập thông tin ngoài luồng vẫn chỉ là số ít, trong khi hơn 70% dân số sống ở nông thôn không có điều kiện tiếp cận. Thông tin là tri thức, chế độ thực dân cộng sản biết rất rõ.

* “Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.

Mặc dù thuốc phiện, ma tuý trên phương diện chính thức bị cấm, nhưng mạng lưới cung cấp lẻ ma tuý của Việt Nam rất phát triển, mà chợ Thanh Nhàn ở Hà Nội, bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, Sài gòn), là những ví dụ. “Thuốc lắc”, từ thường gọi của giới nghiện dùng để chỉ Ecstasy, một loại ma túy tổng hợp dạng viên nén, viên nang, bột trắng hay màu, cũng được sử dụng nhiều tại một sô bar- nhà hàng ở Hà Nội và Sài Gòn.

Ăn nhậu thì khỏi nói. Ở đâu cũng có quán nhậu, người người nhậu, giờ nào cũng nhậu, từ các phố chính đến các hẻm nhỏ. Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức tiêu thụ bia với gần 2,6 tỷ lít bia trong năm 2011, vượt xa hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines.

Chưa kể nhiều nguồn bia, rượu làm giả, gây độc hại lâu dài cho sức khoẻ con người được bán tràn lan, dường như không có kiểm tra của cơ quan chức năng.

* “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chế độ thực dân cộng sản đã tạo nên một giai tầng giàu có mới, ước tính chiếm khoảng 2-3% dân số, phần còn lại, nghèo đói được chia đều. Giới giàu có này bao gồm chủ yếu các quan chức cộng sản có chức quyền, giàu có từ tham nhũng, ăn lại quả hợp đồng hoặc rút ruột công trình, các doanh nhân thừa cơ “đục nước beo cò”, đầu cơ trục lợi…

Ngày 27/06/2013, tại hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, người nông dân Viêt Nam hiện nay sở hữu nhiều cái “nhất”: Đông nhất, nghèo khổ nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất, bất lực nhất, dễ bị tổn thương nhất, đời sống bấp bênh nhất…

Ruộng vườn bị tước đoạt bất công, từ hai thập niên nay dân oan đi khiếu nại liên tục, ăn nằm vật vã nơi vỉa hè, công viên, bị khám xét, hạch sách, xua đuổi, đánh đập và bắt giữ. Đất đai không những bị thu hồi cho các công trình công cộng và còn cho cả doanh nghiệp tư nhân (như ở Văn Giang cho dự án Ecopark).

Chỉ trong vòng 4 năm 2008-2011 đã có hơn 1,57 triệu lượt người đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại tố cáo, với gần 673 nghìn đơn thư, trong đó, trên 70% là khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Trong bài “Thâu tóm đất đai“, nhà văn Phạm Đình Trọng viết:

”Thâu tóm đất đai đã tạo ra dòng người dân oan khiếu kiện đất đai kéo dài vô tận trên cả nước và kéo dài vô tận trong thời gian, đã làm hư hỏng nhiều quan chức trong bộ máy nhà nước. Thâu tóm đất đai, một người đơn độc không thể làm được mà phải là cả một hệ thống quyền lực nhà nước. Thâu tóm đất đai đã làm cho cả một hệ thống quyền lực nhà nước đối lập với dân, làm tha hóa bộ máy nhà nước, gây mất ổn định xã hội, thủ tiêu thế mạnh của những vùng đất đặc thù, làm mất mát, hao hụt, hoang phí rất lớn đất vàng, đất bạc của nông nghiệp, đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh khốn cùng, không còn đường sống.

Thâu tóm đất đai đã tàn phá cả cơ cấu, nền tảng xã hội, phá nát cả qui hoạch tổng thể, hợp lí của đất nước, gây nguy hại lớn lao và lâu dài gấp nhiều lần thâu tóm ngân hàng lại chưa được coi là tội phạm nên thâu tóm đất đai đã ngang nhiên diễn ra từ hàng chục năm nay và đang diễn ra quyết liệt, rộng khắp trên cả nước”.

Dự án, quy hoạch vẫn cứ đẻ ra để có ăn! Từ các khoản vay của nước ngoài. Nợ nước ngoài năm 2006 là 18,3 tỷ USD, đến ngày 31/12/2011 đã ở mức khoảng 1.042 nghìn tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD), bằng 41,5% GDP. Như vậy trong khoảng thời gian Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, nợ nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi.

Vay nước ngoài để đầu tư phát triển là cần thiết, nhưng hiệu quả đầu tư đã giảm sút mạnh mẽ. Nếu giai đoạn 2000-2005 bỏ ra gần 5 đồng có thể tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP, đến giai đoạn 2006-2010 phải bỏ ra 7,4 đồng, sang năm 2012 ước tính là 7,56 đồng.

Tài nguyên bị khai thác ồ ạt bất chấp môi sinh, nhưng xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô, một dịch vụ bạc cắc. Đất nước ngày mỗi nợ nần, kiệt quệ về nguồn tài lực.

* “Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng”.

Điều này thì qua rõ. Ngân hàng nhà nước buôn vàng và nhập khẩu vàng không bị hải quan kiểm tra, là cái quyền của mafia trong hệ thống hiện nay. Xuất cảng và nhập cảng nằm chính sách thâu tóm của các nhóm lợi ích nhà nước nhằm ăn chặn, hưởng lợi.

* “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng”.

Thôi thì đủ các loại phí, chỉ cần lên Facebook nghe dân chúng kêu ca phàn nàn là thấy. Bộ máy hành chính công kềnh, vừa cơ quan đảng, vừa cơ quan của chính phủ tồn tại song song trong một nhà nước và ăn vào ngân sách, khiến dân chúng phải chịu đủ loại phí hay đúng hơn là thuế để nuôi cán bộ. Chuyện trong một xã mà có hàng trăm cán bộ ở huyện Quảng Xương, Thanh Hoá là một bi kịch.

Bài “Dân nghèo “gánh” các khoản thu vô lý” trên tời Dân Trí hôm 13/09/12, viết: “Người nông dân xã Hoằng Lương “một nắng hai sương” chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để trang trải cuộc sống, nhưng sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại phải è cổ đóng góp hàng chục khoản thu vô lý mà họ không thể từ chối”.

Bài “Nhiều khoản thuế vô lý“, tờ Ngừơi Lao Động ngày 15/09/2012, viết “đang kiệt sức và phải tả xung hữu đột để tìm đường sống, doanh nghiệp còn bị thu thuế 2 lần hoặc phải chịu những khoản thuế oan ức”.

Người lao động đã nghèo càng nghèo thêm vì kinh tế khốn khó, vật giá gia tăng, cộng thêm đủ các loại lệ phí, thuế, đấy là chưa nói đên loại phí “bôi trơn” khi phải giải quyết một việc gì đó ở cơ quan công quyền.

* “Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Kinh tế quôc doanh với nhiều ưu đãi là xương sống của nền kinh tế thị truờng định hướng xã hội chủ nghĩa và nắm vai trò chỉ đạo, điều nay ai cũng biết. Doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển rất chật vật vì khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Trong thời gian qua đã có tới cả trăm ngàn doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc phá sản.

Công nhân lao động bị bóc lột thậm tệ dưới thời thực dân cộng sản, lương quá ít, ăn uống không đủ chất, thường xuyên bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt trong các khu công nghiệp. Tư bản thực dân đỏ, mafia kết hợp chặt chẽ với tư bản xanh, ra sức bóc lột tận cùng nguồn lực của giai cấp bần cùng này.

Hội nghị tổng kết của Bộ Lao Ðộng, Thương Binh và Xã Hội tổ chức hồi đầu năm 2012 cho thấy, từ năm 1995 đến nay, cả nước đã xảy ra 4.142 cuộc đình công. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Ðài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… chiếm 75.4% với 3.122 cuộc. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng dần qua các năm. Năm 2011, số vụ đình công đạt mức kỷ lục với 978 vụ so với năm 2010 là 422 vụ, năm 2009 là 218 vụ, năm 2008 là 720 vụ…

Tổng Liên đoàn Lao động hoạt động lỏng lẻo, là công đoàn lao động quốc doanh và duy nhất, các cuộc đình công được tổ chức tự phát thường phải đối mặt với lệnh bắt giữ hoặc các biện pháp trừng phạt khác.

Kết luận

Đổ bao nhiêu xương máu để giành độc lập, nhưng nhân dân Việt Nam hoàn toàn không được hưởng tự do. Cả nước là một nhà tù vĩ đại mà mọi người đều có thể là một người tù dự khuyết.

Chế độ thực dân cộng sản thực chất là chế độ của một tập đoàn thiểu số “ăn trên ngồi trốc”, chỉ thu vén lợi ích riêng, vinh thân phì gia, phản bội lại tất cả những gì mà họ hô hào, kéo cả dân tộc vào những cuộc chiến tương tàn vô nghĩa.

© Lê Diễn Đức – RFA Blog