vietsoul21

Archive for Tháng Hai, 2015|Monthly archive page

Thư gởi RFA về Cuộc phỏng vấn của Việt Hà và vấn đề chuyển ngữ của Vũ Hoàng với tác giả cựu phóng viên chiến trường Uwe Siemon-Netto qua bài “Ký ức về cuộc chiến Việt Nam của một phóng viên Đức”

In Cộng Đồng on 2015/02/15 at 18:11

BBT (3/5/2015): Ban điều hành đài Á Châu Tự Do (RFA) đã sửa chữa các vấn đề, nhất là tựa đề sách và cho đăng tải phần hai của cuộc phỏng vấn, mặc dù không trả lời chúng tôi. Đây là các vấn đề mà chúng tôi nêu ra trong lá thư dưới đây.

BBT (2/16/2015): Hôm qua, sau khi chúng tôi cho đăng lá thư viết cho ban điều hành của đài RFA than phiền về việc phiên dịch sai sót (mang tầm ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc định hướng dư luận tiêu cực) qua cuộc phỏng vấn của Việt Hà với một cựu phóng viên chiến trường người Đức từng có mặt tại Việt Nam trong thập niên 1960 và 1970 trước biến cố tháng 4 1975, có thể sẽ có người sau khi đọc lá thư này sẽ nghĩ là chúng tôi quá cẩn thận.

Chúng tôi thiển nghĩ lá thư này không phải là chuyện phản ứng một cách “cực đoan”, chi li hay “vạch lá tìm sâu”.

Lý do? Chúng tôi đã viết như sau trong đoạn kết của lá thư:

“… dù vô tình hay cố ý, việc chuyển ngữ mang tính chủ đích này đã làm lợi cho nghị quyết 36 của ĐCSVN.

Nói một cách khác, ngôn ngữ thì không tránh khỏi tính chính trị dù ta cố tìm cách bào chữa và cho nó chỉ là “từ vựng” mang tính trung lập. Dịch thuật, do đó, bị giới hạn vì bản sắc và phẩm chất của bản dịch cuối cùng chịu ảnh hưởng của người mang trách nhiệm chuyển dịch–không những chỉ ở mức độ khả năng và trình độ mà còn do thành kiến định chế từ kinh nghiệm sống và bối cảnh văn hóa và không gian chính trị–nơi mà từ đó họ đã sinh trưởng.”

Điều độc hiểm xảo quyệt trong chủ đích lựa chọn hay cắt xén ngôn từ này đã từng được chứng minh.

Ví dụ, mới đây ông Thomas Bass, một phóng viên nghiên cứu đang giảng dạy tiếng Anh và báo chí tại Đại học tiểu bang New York ở Albany và người đã làm một cuộc thí nghiệm để nghiên cứu kiểm duyệt ở Việt Nam, đã từng nhận định như sau trong bài viết mang tựa đề, “Vietnam’s concerted effort to keep control of its past” (Nỗ lực của Việt Nam để giữ quyền kiểm soát về lịch sử quá khứ)

“In fact, the most insidious changes occur at the level of language.” (Trong thực tế, những thay đổi độc hiểm nhất xảy ra ở cấp độ ngôn ngữ.)

(Xin xem toàn bộ bài viết của ông đã được chúng tôi phiên dịch tại https://vietsoul21.net/2015/02/02/no-luc-cua-viet-nam-de-giu-quyen-kiem-soat-ve-lich-su-qua-khu/)

Chuyện nhỏ nhưng không phải nhỏ là vậy.

Nếu chúng ta coi thường tầm ảnh hưởng mang tính chính trị của ngôn ngữ qua hành động các con chữ được gạn lọc và bị cắt xén theo một chủ thuyết mục đích tuyên truyền nào đó, chúng ta vô hình chung đã rơi vào bẫy độc hiểm xảo quyệt nhất trong tiến trình tạo ra và củng cố diễn luận (discourse) của kẻ nhóm/tập đoàn thống trị.

Diễn luận thì đã xảy ra rất nhiều và cả người làm báo/truyền thông cũng không miễn nhiễm. Chúng tôi do đó cũng đã phân tích tầm ảnh hưởng của diễn luận ví dụ như qua loạt bài về “bất bạo động” trên blog của mình, https://vietsoul21.net/2014/06/07/bat-bao-dong-trong-dien-luan-phan-i/

Chuyện gì xảy ra khi đã rơi vào bẫy tròng diễn luận này? Lú lẫn lãng quên!!!

Chuyện gì xảy ra khi trò chơi qua ngón đòn “lú lẫn lãng quên” thành công? Quý bạn đã có thể tự trả lời rồi đấy.

**************************************************
Re: Cuộc phỏng vấn của Việt Hà và vấn đề chuyển ngữ của Vũ Hoàng với tác giả cựu phóng viên chiến trường Uwe Siemon-Netto qua bài “Ký ức về cuộc chiến Việt Nam của một phóng viên Đức
Kính gởi ban điều hành Đài Á Châu Tự Do/chương trình Việt Ngữ [Radio Free Asia(RFA)/Vietnamese program]:

cc: vietweb@rfa.org; siemon-netto@siemon-netto.org; uwesiemon@mac.com; uwesiemon@me.com; quyvanly@aol.com

Chúng tôi rất thất vọng về việc dịch thuật của nhân viên đài phát thanh RFA cho tựa sách xuất bản lần thứ ba của tác giả/cựu phóng viên chiến trường người Đức, ông Uwe Siemon-Netto. Nguyên tựa đề của quyển hồi ký tái xuất bản lần thứ hai và thứ ba này là, “Triumph of the Absurd: A reporter’s love for the abandoned people of Vietnam”.

Cuộc phỏng vấn của Việt Hà/RFA này đã được chia ra thành hai kỳ và cho phát thanh phần một trong Chương trình 9:00 tối 12-02-2015 ở phút thứ 30′:13“, và phần hai trong Chương trình 6:30 sáng 13-02-2015 ở phút 11′:22″.

Chúng tôi nhận định việc sai sót này không thật sự liên quan đến trình độ phiên dịch của Vũ Hoàng và Việt Hà—hai nhân viên gốc gác sinh trưởng và lớn lên tại miền Bắc Việt Nam và đã được quý đài tuyển mộ trong một thời gian tương đối khá dài.

Quyết định cố ý dịch tựa sách thành “Đức: Thâm tình của một phóng viên với thương binh Việt Nam” tuy nhìn trên bề mặt chỉ như một sai sót thật ra là nghiêm trọng và có liên quan đến các vấn đề sau đây:

(1)          Sai sót lớn trong chuyển ngữ:

(1a).       Chúng tôi muốn biết vì lý do gì tựa đề của quyển hồi ký xuất bản lần thứ ba là “Triumph of the Absurd: A reporter’s love for the abandoned people of Vietnam” đã bị chuyển dịch thành “Đức: Thâm tình của một phóng viên với thương binh Việt Nam”?

Nếu dựa vào tựa sách lần xuất bản đầu tiên, “Đức: A Reporter’s Love For a Wounded People” thì ít ra cũng phải được tạm dịch là “Đức: Thâm tình của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương”. Nếu dựa vào tựa sách lần hai và ba thì phải dịch là “Sự Vinh Quang Phi Lý: Thâm tình của một phóng viên dành cho một dân tộc bị bỏ rơi”.

Khi cố ý dịch từ “dân tộc” thành “thương binh Việt Nam” và xóa từ “đau thương” hay “bỏ rơi” cho tựa đề của hồi ký thì việc chuyển ngữ này mà Vũ Hoàng và Việt Hà đã làm với chủ đích gì? Đây không phải là việc sai sót nhỏ. Tại sao giảm thiểu tựa đề của quyển hồi ký xuống chỉ còn nhắm đến thành phần “thương binh” thay vì một “dân tộc”? “Thương binh Việt Nam” nào trong bối cảnh nào được đề cập?

Nếu e có sự ngộ nhận trong từ ngữ “dân tộc” trong quyển hồi ký này thì điều cần thiết là phải có chú thích/giải thích về chữ “dân tộc” mà tác giả đề cập đến và nhấn mạnh trong hồi ký này là dân miền Nam Việt Nam trong thời kỳ trước tháng 4 năm 1975. Thật ra, theo thiển nghĩ của chúng tôi, ông Siemon-Netto đã nghĩ rộng hơn nữa, “dân tộc” là cả một dân tộc Việt Nam đã bị bỏ rơi và chịu đau khổ cho đến ngày hôm nay vì một cuộc chiến oái ăm do những kẻ phi lý được Liên Xô và Trung Cộng hỗ trợ cả tiền và vũ khí.

Như đã đề cập ở trên, hồi ký của ông Siemon-Netto đã xuất bản ba lần. Chúng tôi chú ý đến các hoạt động liên quan đến quyển hồi ký này từ khi khởi đầu, và đã có các bài dịch thuật đăng tải liên quan đến quyển hồi ký này trên trang blog của VietSoul:21. Đây là một sản phẩm văn hóa/giáo dục hiếm hoi quan trọng ra đời trong khoảng thời gian gần đây đồng loạt với một vài tác phẩm (ví dụ như Lan Cao với “Hoa Sen và Bão Tố” hay bộ phim của Rory Kennedy “Những Ngày Cuối Cùng tại Việt Nam”) mang tính khôi phục các góc cạnh lịch sử đã bị bóp méo/bôi xóa, cũng như tôn trọng sự thật từ lăng kính và kinh nghiệm sống của kẻ/nhóm không có tiếng nói và đã/đang bị bịt miệng vì nhiều lý do mang tính chính trị. Tại sao hiếm có? Vì đây là một sản phẩm hoàn toàn đưa ra góc nhìn phản kháng khác hẵn 700 sản phẩm văn hóa thiên tả–từ phim ảnh Hollywood đến sách nghiên cứu hàn lâm–khác tại Hoa Kỳ đã ra đời chất chứa nhiều định kiến và sai lệch về cuộc chiến Việt Nam.

Do đó, việc cố tình dịch thuật méo mó tựa sách sẽ ảnh hưởng tầm nhìn của những cá nhân và thành phần nào? Chắc chắn là không phải là những ai theo dõi xuyên sát về các sản phẩm mang giá trị quan trọng về lịch sử và chính trị, chẳng hạn những bloggers như chúng tôi.

(1b) Sau khi có cuộc phỏng vấn của Việt Hà với chính tác giả, phần I của cuộc phỏng vấn này đã được dịch và đăng tại link của RFA sau đây, http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/40years-april30/memory-vn-war-b-german-reporter-02132015130158.html?searchterm:utf8:ustring=Uwe+Siemon-Netto.

Chúng tôi muốn biết tại sao phần hai (từ phút 11’22” đến 17’44”) không được chuyển ngữ và đăng tải trên blog của đài? Đây là đoạn phỏng vấn không kém phần quan trọng khi Việt Hà đặt các câu hỏi thường được đặt để bởi các ký giả/giáo sư/chính trị gia thuộc thành phần thiên tả.

Thật ra cách phỏng vấn thuộc phần hai này không phải là chuyện không nên làm, nhưng cũng giúp chúng tôi có thể nhận định rõ ràng về các chủ ý phi dân chủ của các tác giả/người làm việc liên quan đến truyền thông báo chí cũng như các giới hạn của ngôn ngữ và dịch thuật. Điều này ông Siemon-Netto cũng đã đề cập tới trong quyển hồi  ký để phê phán các chủ đích và hành động không trung thực của giới truyền thông cánh tả tại Hoa Kỳ trong thập niên 1970.

Tóm lại, đây là việc làm với các quyết định không thiếu tính chính trị. Chúng tôi sẽ đề cập rõ điều này thêm trong phần 3.

(2)          Trách nhiệm dịch thuật và phỏng vấn:

Qua nhận xét mà chúng tôi đã đưa ra trong phần 1(b), câu hỏi cần được đặt ra là làm thế nào để tạo sự cân bằng chính xác trong vấn đề dịch thuật/phỏng vấn? Ai là người đảm nhiệm giám sát cho việc chỉnh sửa/sắp xếp nhân viên cho các công việc phỏng vấn/phỏng vấn/chuyển dịch này? Tại sao việc dịch thuật này lại đi ngược với tôn chỉ hoạt động—nhất là “không bè phái”—mà chương trình phát thanh lặp đi lặp lại hằng ngày trên sóng? Việc giám sát dịch thuật/phỏng vấn thuộc các vị điều hành nào?

Chúng tôi thiết nghĩ các quý vị đã từng có kinh nghiệm sống tại miền Nam Việt Nam và thuộc cấp cao hơn hai nhân viên này chẳng lẽ không có trách nhiệm giám sát kiểm chứng nhằm gắn liền với tôn chỉ “độc lập” và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp hay sao? Hơn thế nữa, tại sao không có sự sắp xếp giúp cho một ký giả miền bắc có thể làm việc với một nhân viên miền nam thuộc thế hệ thứ nhất hay 1.5 đã từng sống hoặc hiểu kinh nghiệm của người miền Nam trước năm 1975 để cùng trao đổi đối thoại và tra dò kiểm chứng trước khi cho ra đời các chuyển dịch và phỏng vấn mang tính lịch sử và chính trị như thế này?

(3)          Tầm ảnh hưởng của viêc chuyển ngữ sai sót lớn này:

Như đã đề cập ở trên, đám đông thính giả mà quý đài nhắm vào là đa số dân chúng trong nước tức là nhữnng ai không biết hoặc không rành Anh ngữ hay/và không hề biết về các sản phẩm văn hóa/lịch sử đề cập đến cũng như kinh nghiệm sống của kẻ bị trị và đàn áp bởi CSVN trong vòng 70 năm nay. Điều đó đồng nghĩa với một tầm ảnh hưởng tiêu cực của truyền thông trong việc định hướng dư luận và mang tính phi dân chủ. Ngoài ra, dù vô tình hay cố ý, việc chuyển ngữ mang tính chủ đích này đã làm lợi cho nghị quyết 36 của ĐCSVN.

Nói một cách khác, ngôn ngữ thì không tránh khỏi tính chính trị dù ta cố tìm cách bào chữa và cho nó chỉ là “từ vựng” mang tính trung lập. Dịch thuật, do đó, bị giới hạn vì bản sắc và phẩm chất của bản dịch cuối cùng chịu ảnh hưởng của người mang trách nhiệm chuyển dịch–không những chỉ ở mức độ khả năng và trình độ mà còn do thành kiến định chế từ kinh nghiệm sống và bối cảnh văn hóa và không gian không gian chính trị–nơi mà từ đó họ đã sinh trưởng. Hơn nữa, người điều hành trong giới truyền thông phải chịu một trách nhiệm lớn một khi việc định hướng dư luận đã trở thành tiêu cực và ở mức độ nghiêm trọng.

Bản Anh ngữ của lá thư này sẽ được chuyển đến đài RFA và các tác giả/dịch giả liên quan đến hồi ký này trong vài ngày tới. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có phúc đáp của ban điều hành chương trình RFA/Việt Ngữ về vấn đề nghiêm trọng này.

Kính thư,

VietSoul:21

Nỗ lực giữ quyền kiểm soát về lịch sử quá khứ của Việt Nam

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Việt Nam on 2015/02/02 at 12:29

By Thomas A. Bass
February 1, 2015, at 7:29 PM

Thomas A. Bass là phóng viên nghiên cứu đang giảng dạy tiếng Anh và báo chí tại Đại học Bang New York ở Albany.

Năm năm trước, tôi đã bắt đầu một cuộc thí nghiệm – không phải riêng tôi đưa ra – để nghiên cứu kiểm duyệt ở Việt Nam. Năm 2009, tôi đã ký một hợp đồng xuất bản một cuốn sách của tôi ở Hà Nội. Cuốn sách với tựa đề “The Spy Who Loved Us” (Người điệp viên yêu mến chúng ta) kể về câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn, nhà báo nổi tiếng nhất của Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam. (Ông kết thúc sự nghiệp của mình với chức vụ trưởng văn phòng tạp chí Time ở Sài Gòn.) Chỉ sau khi chiến tranh thì chúng ta mới biết rằng ông Ẩn là điệp viên cộng sản và phục vụ như là một vũ khí bí mật chết người của Bắc Việt Nam và đã nhận được hàng chục huy chương quân sự.

Người ta có thể nghĩ rằng cuốn sách về một “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” sẽ được xuất bản tại Việt Nam và không gặp khó khăn, nhưng không có gì được xuất bản tại Việt Nam mà không bị kiểm duyệt. Trong suốt 5 năm qua, tôi chứng kiến cuốn sách của tôi bị cắt xén bởi nhiều người. Khi bản dịch cuối cùng được công bố vào năm 2014, tôi bay sang Hà Nội để gặp gỡ những nhà kiểm duyệt – ít nhất là nửa tá người tiếp chuyện với tôi. Đây là những người tốt, những người dũng cảm, những người sẵn sàng thú nhận hiện tình. Đằng sau họ là một cỗ máy không chân diện hoạt động trên toàn cõi Việt Nam.

Những nhà kiểm duyệt của tôi, trong đó có một vài người cũng là biên tập viên và nhà xuất bản cho tác phẩm của tôi, xin lỗi vì những gì họ đã làm. Họ hy vọng mọi việc sẽ được cải thiện trong tương lai, nhưng như hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang bỏ tù càng ngày càng nhiều các nhà báo, blogger và nhà văn khác, cơn thủy triều đang chảy ngược. Đây là lý do tại sao tôi quyết định đưa một bản dịch chính xác của cuốn sách và công bố cả hai phiên bản (kiểm duyệt và không kiểm duyệt) bên cạnh nhau cùng lúc. Hai văn bản này đã được phát hành trực tuyến vào tháng 11 năm qua, với tổ chức quốc tế Index on Censorship (Chỉ số Kiểm duyệt) thông báo nhiều dữ kiện hơn trong tuần này.

Các nhà kiểm duyệt đã cắt bỏ những gì trong cuốn sách của tôi? Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu thích” nước Hoa Kỳ và thời gian ông học báo chí tại California. Ông chỉ được phép “thấu hiểu” Hoa Kỳ. Tên tuổi và ý kiến của những người Việt lưu vong bị loại bỏ. Cũng cùng bị cắt bỏ là bất cứ lời chỉ trích nào đến Trung Quốc hay đề cập đến hối lộ, tham nhũng hoặc hành động phi pháp của một phần các cán bộ cầm quyền. Thậm chí Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại đã đưa Việt Nam chiến thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, cũng bị cắt ra khỏi những câu chuyện, vì ông đã không còn được ưa chuộng (trong đảng csvn) trước khi ông qua đời vào năm 2013.

Những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam đã bị cắt bỏ: Chiến dịch Tuần lễ vàng năm 1946, khi Hồ Chí Minh đã hối lộ một khoản tiền lớn cho Trung Quốc để họ rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam; chiến dịch cải cách ruộng đất thất bại trong những năm 1950; làn sóng vượt biên của “thuyền nhân” sau năm 1975; cuộc chiến tranh năm 1978 tại Campuchia; cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 chống lại Trung Quốc. Các cuộc nam tiến, hành trình viễn chinh về phía nam của tộc Việt dọc Trường Sơn, chiếm cứ lãnh thổ trước đây của người Thượng, dân tộc Chăm, Khmer và các “dân tộc thiểu số” khác cũng bị cắt bỏ. Ý nguyện của ông Ẩn được hỏa táng và tro cốt trải xuống sông Đồng Nai đã bị xóa bỏ. Thay vào đó là chi tiết khung cảnh mô tả tang lễ của nhà nước với lời ca tụng của người đứng đầu tình báo quân sự.

Ngoài ra còn có một danh sách dài các “lỗi” trong bản dịch Hà Nội, mà biên tập viên Việt Nam của tôi hoặc đã thực sự hoặc cố ý hiểu lầm, chẳng hạn như “nhà chấp bút”, “phản bội”, “hối lộ”, “gian hoạt”, “khủng bố”, “tra tấn”, “tổ chức bình phong”, “dân tộc thiểu số” và “trại cải tạo”. Người Pháp không được phép có bất cứ điều gì truyền lại cho người Việt. Mỹ cũng không có gì cả. Việt Nam chưa bao giờ tạo ra làn sóng người tị nạn mà chỉ tạo ra người định cư. Các trích dẫn về cộng sản như “vị thần thất bại” bị cắt bỏ. Lời của ông Ẩn tự nhận mình là một người có bộ não Mỹ trong thân thể Việt đã bị cắt. Thực ra, tất cả các câu khiêu hài biếm của ông đều bị cắt bỏ, chưa kể đến lời phân tích của ông về cách người cộng sản thay thế nhà nước cảnh sát của Ngô Đình Diệm với một nhà nước công an của họ. Đến cuối cuốn sách của tôi, toàn bộ trang ghi chú và các nguồn trích dẫn đã bị biến mất.

“Trong thực tế, những thay đổi hiểm độc nhất xảy ra ở cấp độ ngôn ngữ.” (Thomas Bass)

Trong thực tế, những thay đổi hiểm độc nhất xảy ra ở cấp độ ngôn ngữ. Ông Ẩn sinh ra ở ngay vùng ngoại ô Sài Gòn. Ông là một người dân ở miền Nam. Nhưng ngôn ngữ của miền Nam và các chuyên từ văn hóa khác đã bị gọt tỉa ra khỏi văn bản và thay thế bằng ngôn ngữ của người miền Bắc chiếm cứ Sài Gòn năm 1975. Kiểm duyệt liên quan đến việc kiểm soát chính trị và sự khẳng định quyền lực, nhưng trong trường hợp này nó cũng liên quan đến việc kiểm soát ký ức, lịch sử và ngôn ngữ.

Tôi không trách cứ bất kỳ khó khăn đặc biệt khi viện dẫn những sự kiện này. Các tác giả người Việt bị dồn vào câm lặng và cuộc sống lưu vong đã phải chịu đựng đau đớn hơn nhiều. Tôi chỉ muồn khơi bật về thực tế của một chế độ cố quyết bảo vệ đặc quyền của họ. Ở Việt Nam, cả quá khứ và cách bạn nói chuyện về nó đều là tài sản của nhà nước.

Nguồn: Vietnam’s concerted effort to keep control of its past