vietsoul21

Tình yêu , Sự thật, và Việt Nam

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Việt Nam, Văn Chương on 2014/03/08 at 23:36

Điểm sách của Michael Potemra

National Review Online, 18/7/2013

Bản tiếng Anh: “Love, Truth, and Vietnam” by Michael Potema

Ai mà muốn những vết thương của Việt Nam bị toang mở lần nữa? Nhưng sự thống khổ của đất nước đó vẫn là những bài học cho tất cả chúng ta. Uwe Siemon-Netto là một phóng viên chiến tranh thời đó, và ông vừa xuất bản một cuốn hồi ký về nó, Đức: Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương. Như những hồi ký thực sự xuất sắc, chính những chi tiết nhỏ nhất trong sách đã làm bức tranh lớn trở nên linh động. Siemon-Netto đã chứng minh rằng Bắc Việt là khách hàng quân sự chủ yếu bên ngoài châu Âu của Đông Đức, quốc gia này đã cung cấp mìn gây chết người gọi là PPM-2. Nhiều lần chạy xe dọc quốc lộ 19 ở Việt Nam, ông thấy rằng hầu hết những người bị giết bởi mìn PPM-2 là phụ nữ và trẻ em, bởi vì người dân thường di chuyển bằng xe cộ sơ sài không có khả năng tự vệ so với xe quân sự chuyên chở lính tráng lẽ ra là mục tiêu chính của mìn.

Siemon-Netto không chỉ đơn thuần là một người quan sát từ xa về các tổn thất nhân mạng của thường dân trong cuộc chiến đó. Ông kể lại câu chuyện trong một lần đến bệnh xá của người Đức chữa trị cho thường dân ở Việt Nam, trong khi chiến trận đang diễn ra ở ngoài:

Một bác sĩ trẻ người Đức đang làm việc ráo riết để cứu mạng sống. Trên một bàn mổ dã chiến tôi thấy có một người phụ nữ nằm mê man với lòng ruột phòi ra ngoài một vết thương lớn ở bên trái bụng của cô.

“Bạn có phải là bác sĩ?” Ông BS hỏi.

“Không phải, tôi là phóng viên.”

“Không sao, tôi cần sự giúp đỡ ngay bây giờ. Không còn ai ở lại đây để giúp tôi một tay. Bọn Việt Cộng bắt cóc tất cả. Bạn đi rửa tay ở đằng đó rồi đeo găng tay phẫu thuật vào và hãy tự biến mình thành người hữu dụng.”

Để đặt các bộ phận lòng ruột của người phụ nữ trở lại vị trí cũ, [bác sĩ] đã phải cắt toang bụng cô. Sau đó, ông cần thêm một đôi tay nhét chúng vào bụng qua vết thương hở bên trái của cô. Việc đó thành phận sự của tôi . . . 

Một chủ đề khác mà Siemon-Netto biểu lộ thật mạnh mẽ và rõ ràng là việc chuyện con người ta khoác trên người mình quá dễ dàng một mai rùa kiên cố để phủi lưng (tay) với sự thật. Nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Siemon-Netto đã về lại Đức:

Tôi tham dự cuộc họp buổi sáng của một tờ báo trí thức Đức nơi tôi làm việc dưới tư cách là một tư vấn biên tập. Công việc của tôi là giúp các biên tập viên và nhà xuất bản này hiện đại hóa tờ báo cổ hũ của họ trong hy vọng rằng nó sẽ đạt tầm cỡ hàng đầu của nước Đức thống nhất . . . .

Các cuộc thảo luận chuyển sang chủ đề cho các câu chuyện tiêu biểu từ Đông Đức cũ.

“Xin xem đây như một đề nghị”, tôi nói. “Sao ta không thử làm một báo cáo chuyên sâu về các nhà sản xuất Đông Đức làm mìn PPM-2, những tàn tích liên quan đến các nạn nhân mà tôi chứng kiến trên dọc cả Quốc Lộ 19 tại Việt Nam? Sao không thử tìm kiếm tài liệu lưu trữ của Đông Đức về bộ máy tuyên truyền cáo buộc Tây Đức đồng lõa trong chiến tranh Việt Nam, và có lẽ đã dẫn đến cái chết của một số bác sĩ và y tá của chúng ta tại Việt Nam?”

Ối trời, tôi đã đạp vào ổ kiến lửa bằng lời gợi ý này! …Dù đây không phải là một tờ báo cánh tả nhưng một số biên tập viên trẻ tự mãn đã trở mặt giận dữ làm tôi tự hỏi có quả thực là thể chế Cộng sản Đông Đức đã thực sự biến mất. Cái ý thức hệ của phong trào sinh viên năm 1968 tôn vinh Hồ Chí Minh đã bắt rễ quá nhiều trong thế hệ của sinh viên tốt nghiệp trường đại học Đức nên bất cứ đề cập nào đến những hành vi vô nhân đạo của Việt Cộng sẽ bị coi là một dị giáo.

Nó cũng không làm tôi ngạc nhiên khi các biên tập viên lớn tuổi, những người lẽ ra phải hiểu biết hơn, vẫn nghĩ là thiếu thận trọng nếu hỗ trợ cho tôi. Nhà thần học Lutheran Dietrich Bonhoeffer một lần từng than vãn là sao mà “lòng can đảm từ công dân quá khan hiếm” ở nước ông ta khi bị Đức quốc xã thống trị…Cái thiếu hụt này nhất định vẫn hiện còn kéo dài ở vài nơi chốn.

Tất nhiên đây không chỉ là một điều thuần tính cách của người Đức: Đây là một xu hướng phổ quát của con người luôn ghét vị thần mang hung tin, và khi sự giận dữ chống lại vị thần sứ giả đưa tin này dâng cao thì ngay cả những người lẽ ra phải hiểu biết hơn cũng làm lơ không bảo vệ sứ giả. Nó làm cho người ta nghĩ đi nghĩ lại trước khi lên tiếng, và ngay cả những ai thực sự dũng cảm cũng không có đủ can đảm để nói lên tất cả sự thật trong mọi thời điểm. Nhưng cuốn sách Siemon-Netto là một minh chứng cho việc phải luôn tiếp tục cố gắng là điều cần thiết.

Người dân Việt Nam đã bị phương Tây bỏ rơi trong những năm thập niên 1970, họ vẫn còn bị áp bức cho đến mãi bây giờ, nhưng chuyện của họ vẫn chưa đến hồi kết cuộc. Siemon-Netto kết luận: “Tôi biết rằng [người Việt Nam] sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa độc tài. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó rồi sẽ xẩy ra.”

Về vấn đề cuối vừa đề cập: Hy vọng là một điều có nhiều mãnh lực. Lúc tôi còn là một cậu bé bắt đầu quan tâm đến chính trị, hồi thời những năm 1970, vì tôi chủ yếu nghĩ rằng cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản trong chiến tranh lạnh là một điểm quan trọng mang tính cách sinh tử. Nếu hàng triệu người Mỹ coi việc này thật nghiêm túc và thực sự gắng sức, tôi nghĩ, thế hệ của chúng tôi có thể đặt được nền móng cho vài thế hệ tương lai tạo được chiến thắng cuối cùng và sự thất bại tối hậu của đế chế Xô Viết.

Thế mà khi tôi chưa hết lứa tuổi 20 thì điều đó đã xảy ra.

Trước khi cuốn sách này xuất bản, tôi biết các tác phẩm của Siemon-Netto chỉ qua những văn bản về tôn giáo của ông viết cho UPI, và thông qua sự tham gia của ông ở các cuộc tranh luận trong nội bộ của Lutheran. (Ông là một nhà thần học Lutheran khả kính.) Dù cuốn sách này là một thành tựu quan trọng trong một lĩnh vực hoàn toàn khác, nó đã thấm nhuần các nguyên tắc nhân đạo và tôn giáo trong toàn thể các tác phẩm của ông. Cuốn sách này, như ông cho biết trong phụ đề của mình, là một công trình có gốc rễ từ tình yêu.

Michael Potemra

Bình luận về bài viết này