vietsoul21

Archive for Tháng Tám, 2013|Monthly archive page

Lan man về một câu nói còn sống của một người đã chết

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/29 at 16:48

Khách (đơn giản thế thôi)

Thành viên Dân Luận

 

Số người Việt Nam thương nhớ hoặc kính trọng ông Thiệu, tôi nghĩ không nhiều. Số người tin tưởng ông, có lẽ còn ít hơn nữa. Nhưng, ông cố Tổng thống thuở sinh thời, thuở đương quyền, đã có một câu nói chính xác phải gọi là bất hủ, đáng được coi như là câu nói để đời của một con người. Thể xác, và cả tâm hồn của một con người, buộc phải trở về cát bụi. Tôi còn nhớ có ai đó cho rằng, tuyệt đại đa số con người buộc phải chết hai lần, lần đầu là cái chết sinh lý, tắt thở, tim ngưng, mạch im. Cái chết thứ hai là khi người cuối cùng trên cõi đời này còn nhớ tới người đã chết ấy, chết đi. Ông Nguyễn Văn Thiệu, vô cùng may mắn, nằm trong nhứng người không nhiều lắm trong cái lịch sử liên miên của nhân loại, có lẽ còn sống lâu lắm sau khi chết. Bởi một câu nói đơn giản của ông, sẽ còn được đám hậu thế nhắc đi nhắc lại mãi: Đừng tin những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.

Tuổi của câu nói này chắc cũng gần nửa thế kỷ rồi, mà có vẻ vẫn như còn tươi tắn mãi. Nếu không được tôn vinh như một chân lý, hẳn là nó cũng đã tiếp cận mấp mé cái lằn ranh ấy. Nếu không thế, nó đã không chứng tỏ sự trường sinh đến như vậy. Tôi tin rằng, đã có rất nhiều người thoạt tiên khi được nghe câu này, hẳn sẽ phì cười, chế nhạo, hoặc khinh bỉ, căm ghét người nói. Tôi có thể dẫn chứng ra rất nhiều người đã như vậy, nhưng, hot nhất trong thời điểm này, có lẽ cần phải nhắc tới cái tên một đảng viên (hay cựu đảng viên?) Lê Hiếu Đằng. Lý tưởng Cộng sản của ông Đằng trong thời điểm ông Thiệu phát ngôn, có lẽ rực rỡ trong tâm hồn ông Đằng còn hơn cả sự rực rỡ của quyền bính ông Thiệu có cùng thời điểm.

Tôi không thể võ đoán để đoan chắc rằng trong suốt thời gian trăn trở để có thể nổ bùng ra bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh”, ông Đằng đã nghiền ngẫm không ít câu nói này của ông Thiệu. Nhưng, có lẽ…nếu điều đó đã xảy ra, là một điều vô cùng hợp lẽ, hợp tình. Một cái đầu Cộng sản, còn hơn nữa, một con tim Cộng sản, sẽ rất đau đớn để nhận biết câu nói ấy là…chân lý. Không loại trừ, căn bệnh mà ông Đằng đang đối đầu, có nhiều phần góp từ hệ quả của sự vỡ ra ấy. Nhà văn Duyên Anh Vũ Mộng Long khi viết tiểu thuyết Sa Mạc Tuổi Trẻ đã có chua bốn câu thơ (có lẽ của ông, vì không thấy ghi tên tác giả) ở đầu truyện:

Anh đi làm cách mạng
Với bọn cò mồi hèn
Khi thiên đường đỗ vỡ
Anh còn gì đâu em

Luật gia Đằng có lẽ không vướng phải bọn cò mồi nhãi nhép khi bắt đầu đi làm cách mạng. Bởi lẽ, nếu đã thế, hẳn ông đã sáng mắt sáng lòng sớm hơn rất nhiều. Có lẽ, những người đầu tiên dẫn dắt, rủ rê ông Đằng đi làm cách mạng, cũng chỉ là những nạn nhân như ông cả thôi. Lòng tôi cảm thấy đôi chút bùi ngùi khi liên tưởng tới những nỗi ray rứt, cắn xé trong quá trình ông Đằng (và cả những bạn bè cùng thời cùng chí hướng với ông) nhận ra rằng câu nói của ông Thiệu đúng đắn xiết bao. Thực may mắn cho ông Đằng, và có thể của cả chúng ta, ông Đằng đã đủ dũng cảm để công khai ra với xã hội điều vỡ ra ấy.

Tất nhiên, có thể như thế vẫn là chưa đủ với một số người. Trong những phát ngôn mới nhất, ông Đằng vẫn chưa cho thấy một sự thức tỉnh hoàn toàn về cái lý tưởng mà ông theo đuổi, phục vụ, cống hiến gần suốt một đời người. Có thể đó là một chút mềm yếu, hoặc đó cũng có thể là một kiểu chiến thuật lách của một người từng lăn lóc trong chốn quan trường của chế độ này. Không ai dám chắc được. Nhưng, dù sao, thái độ và nội dung những bài viết của ông Đằng đã nói lên một điều, ông đã chọn cho mình một lập trường trong những ngày cuối đời mình, một kẻ đã kinh qua mấy năm nhân sinh thất thập cổ lai hy.

Câu nói của ông Nguyễn Văn Thiệu, như một đúc kết về cách xử sự của một người, nhất là người Việt Nam, đối với Cộng sản, con người Cộng sản, guồng máy Cộng sản, chế độ Cộng sản. Một đúc kết ngắn gọn và rõ ràng minh bạch. Không tù mù ú ớ, không cao đạo giảng truyền. Nó trong sáng tới mức một kẻ vô học vẫn có thể nắm chắc được nội dung mà không cần dông dài giải thích. Ngắn gọn và rành mạch như câu nói của ông Thiệu lầ một điển hình của rất nhiều chân lý nằm trong các thành ngữ tục ngữ của nền văn hóa dân gian xưa ở Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, câu nói này dần dà sẽ trở thành một thành ngữ, trở thành một trong nhiều câu thành ngữ khác góp nên gia tài thành ngữ Việt Nam. Giá trị của nó đã được chứng thực qua suốt thời gian nó được khai sinh từ một người và lặp đi lặp lại vô số lần trên môi của vô số người khác.

Trước biến cố quốc gia năm 1975, số lượng người Việt tin tưởng vào câu nói của ông Thiệu chắc là không nhiều lắm. Một phần vì rất nhiều người Việt lúc đó chưa chạm mặt CS bao giờ, một phần vì CS lúc đó mang một cái mặt nạ hào nhoáng giải phóng dân tộc, đấu tranh giai cấp. Rồi, khi thực tế phũ phàng hiện ra, bất ngờ ngay cả đối với một bộ phận đông đảo cán bộ, bộ đội và người dân miền Bắc, câu nói bất hủ trên ngày càng trở nên như một chân lý, đanh thép, và bất khả phản bác.

Người Việt, như đại đa số người dân trong các nước hấp thụ nền văn hóa Đông phương, rất quen thuộc với ý tưởng gói gọn trong câu thành ngữ lời nói không đi đôi với việc làm. Khi một cá nhân hay một nhóm người nào đó ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa, họ sẽ đánh giá đó là bon không ra gì. Mức độ văn hoa bay bướm của ngôn từ càng cao thì khi hành động càng tệ hại, xấu xa, mức lừa đảo càng bộc lộ. Người Cộng sản, đảng Cộng sản, chế độ Cộng sản trải qua mấy chục năm làm chủ đất nước này, dẫu vô tình hay cố ý, đã chứng tỏ cho người dân Việt Nam rằng, câu ông Thiệu nói có một giá trị vượt trội cả giá trị của bản thân ông Thiệu.

Người Cộng sản có khả năng chế tác ra những danh từ cao siêu hoa mỹ đáng khâm phục. Nhất là, trong thời gian gọi là đổi mới tư duy của ông Nguyễn Văn Linh. Thời điểm đó, những cải cách, những tháo gỡ trói buộc như một biện pháp cứu nguy cho đảng CS khỏi sự sụp đổ theo sự sụp đổ hàng loạt ở Đông Âu, đã được rao giảng như mục đích tối thượng là sự ấm no hạnh phúc của nhân dân. Nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một cụm từ hoa mỹ khác để lấp liếm đi thực chất khập khiễng và trống rỗng của nó. Rồi thêm một mớ rổn rảng nữa chẳng hạn như diễn biến hòa bình, thế lực thù địch, âm mưu phá hoại, lòng tin chiến lược…xuất hiện như những vệt son nụ phấn trang điểm lên một bộ mặt già nua rách nát. Thậm chí đơn giản như những tàu thuyền tấn công ngư dân Việt Nam cũng được gán cho một danh xưng vô cùng tế nhị là tàu lạ. Những ví dụ cụ thể cho chuyện múa may ngôn từ của người Công sản là vô thiên lủng. Tham những, ăn cắp được mềm hóa bằng từ tiêu cực, nghèo đói chuyển thành thiếu đói, chỉ là những từ bất chợt nhón ra khỏi đầu, số lượng thực sự trên báo chí, văn bản của Việt Nam thì…bao la hơn nhiều.

Khả năng múa may ngôn từ của những người Cộng sản đã thành danh trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Thế nhưng, khả năng này đã được người Cộng sản Trung quốc và Việt Nam nâng lên mức thượng thừa do đặc điểm văn hóa của người Tàu và người Việt. Trình độ quảng cáo của Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung quốc là siêu việt, do đó, câu nói của ông Thiệu lại càng đặc biệt có giá trị ở hai quốc gia núi liền núi sông liền sông này.

Nguồn: Dân Luận

Nguyễn Hưng Quốc – Bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/08/28 at 13:56

Sinh viên chống Trung Quốc Nguyễn Phương Uyên (Nguồn: VOA)

Trong bài phỏng vấn do Trà Mi thực hiện, Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi được nhiều người xem như một “biểu tượng” của lòng can đảm và của tuổi trẻ, nêu lên một ý nguyện, đồng thời cũng là một tham vọng của em: “Tôi không muốn mắc phải căn bệnh rất khó trị ở các thanh niên cùng tuổi tôi. Tôi muốn làm một bài thuốc để thanh niên Việt Nam nhìn thấy mà làm hết mình, ‘cháy’ hết mình, không còn bị vô cảm và sợ hãi vốn đã bị tiêm nhiễm ngay từ bé.”

Tôi không biết hiệu quả của “bài thuốc” ấy thế nào. Nhưng tôi nghĩ Phương Uyên đã bắt đúng căn bệnh kép không phải chỉ của giới trẻ mà còn của người Việt Nam nói chung lâu nay: bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi.

Bệnh sợ hãi, thật ra, là một bệnh lâu đời. Chế độ phong kiến, ở đâu cũng vậy, bao giờ cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng chính: sự sùng bái và sự sợ hãi. Sự sùng bái được xây dựng trên hai nền tảng chính: tư tưởng thần quyền (nòng cốt là tư tưởng thiên mệnh) và các nghi lễ đầy tính đẳng cấp trong xã hội. Sự sợ hãi được tạo thành và được duy trì chủ yếu bằng một biện pháp chính: khủng bố. Trong các tội trạng, tội nặng nhất là tội phản nghịch. Hình phạt dành cho tội này thường là tử hình, có khi không phải tử hình một cá nhân mà còn tử hình nguyên cả một dòng họ (tru di tam tộc). Tử hình không phải chỉ nhắm đến việc giết chết tội nhân. Mà còn nhắm đến việc giết chết mọi ý đồ phản nghịch của những người còn sống bằng cách khiến họ phải sợ hãi. Do đó, người ta bày ra đủ thứ kiểu giết người, từ kiểu chặt đầu, treo cổ đến kiểu cho voi giày, ngựa xé, ném vào vạc dầu sôi, tùng xẻo, v.v.. Bởi vậy, chuyện ngày xưa dân chúng thường xuyên sống trong sợ hãi là điều dễ hiểu.

Sau này, chế độ cộng sản tiếp tục duy trì sự sợ hãi ấy bằng các trại cải tạo và nhà tù, hơn nữa, bằng chế độ lý lịch: Con cháu những người bị xem là phản động trở thành một thứ con ghẻ, thường xuyên bị nghi kị và kỳ thị, có thời gian, lại là thời gian khá dài, còn không được nhận vào đại học. Bây giờ, do sự phát triển của kinh tế thị trường, chế độ lý lịch ấy đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, hệ thống nhà tù thì vẫn dày đặc. Mà không cần nhà tù, chỉ cần sự hiện diện của công an, mọi người đã khiếp sợ.

Tất cả những sự khủng bố và đe dọa ấy khiến mọi người nếu không run sợ thì ít nhất cũng thu mình lại, né tránh mọi đụng chạm đến công an hoặc rộng hơn, đến chính trị, từ đó, làm nảy sinh ra một thứ bệnh khác: bệnh vô cảm.

Nếu sợ hãi là một căn bệnh lâu đời, vô cảm lại là một căn bệnh rất mới. Trước, hầu như không ai nói người Việt vô cảm bao giờ. Thậm chí, ngược lại, hầu như ai cũng cho người Việt sống bằng tình cảm nhiều hơn lý trí. Với tư cách cá nhân, người ta quan tâm đến nhau; láng giềng quan tâm đến nhau; cả làng quan tâm đến nhau. Chuyện một người biến thành chuyện của cả tập thể. Sự quan tâm lớn đến độ lấn át cả sự riêng tư của từng cá nhân một.

Vậy mà, những năm gần đây, hầu như bất cứ người nào để ý đến xã hội Việt Nam một chút, cũng đều nhận thấy ngay một hiện tượng: người ta đối xử với nhau thật vô cảm.

Ngoài đường, nhìn người khác bị cướp giật, hầu như mọi người đều dửng dưng; thấy có ai đó bị tai nạn nằm giãy đành đạch, phần lớn vẫn đứng trố mắt nhìn. Trồng trọt hay buôn bán thực phẩm, biết việc sử dụng nhiều hóa chất có thể gây nhiễm độc hay bệnh hoạn cho xã hội, người ta vẫn mặc kệ. Làm các dịch vụ du lịch, biết việc chụp giật hay lừa đảo có thể gây ấn tượng xấu cho cả đất nước, khiến du khách ngoại quốc khinh bỉ và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, người ta vẫn bất chấp.

Chưa hết.

Hiện tượng con cái đánh đập hoặc đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà càng lúc càng phổ biến. Chỉ giận hờn hay cãi cọ nhau một chút là học sinh, có khi là nữ sinh, đã đánh nhau một cách tàn nhẫn. Để cướp một chiếc nhẫn, thay vì trấn lột, người ta nghĩ ra một biện pháp cực nhanh: chặt đứt nguyên cả cánh tay. Ăn trộm một con chó cũng bị cả làng xúm vào đánh chết.

Dù sao, ở trên cũng là những chuyện… nhỏ.

Lớn hơn là những chuyện liên quan đến số phận của cả đất nước. Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng ư? Người ta nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!” Nạn tham nhũng hoành hành, các công ty quốc doanh thi nhau phá sản để lại những núi nợ nần không những cho thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ sau này nữa ư? Người ta cũng nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!”

Quan trọng nhất là chuyện chủ quyền. Hầu như ai cũng biết Trung Quốc đang toan tính cướp biển và cướp đảo Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống của nhiều ngư dân Việt Nam, chi phối tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam. Ai cũng biết vậy. Nhưng phần lớn đều nhún vai: “Làm gì được?”. Rồi thôi.

Người Việt vẫn thường tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất và anh dũng của mình. Nhưng thời gian gần đây, nhìn đâu cũng thấy những cái nhún vai bất cần, kiểu sống chết mặc bay như thế.

Tại sao?

Lý do, thật ra, khá đơn giản. Một phần vì sợ, như đã nói ở trên. Phần khác, vì đó là chính sách của nhà cầm quyền. Dưới mọi hình thức tuyên truyền, nhà cầm quyền chỉ muốn mọi người vô cảm. Bày tỏ sự quan tâm của mình đối với chủ quyền của đất nước dưới hình thức biểu tình thì bị đạp vào mặt hay bắt thảy vào các nhà tù; dưới hình thức bài viết trên các blog thì bị vu cho tội… trốn thuế.

Trước, mọi nhà độc tài đều duy trì chế độ của mình trên sự sợ hãi của người dân; sau này, ngoài sự sợ hãi, người ta sử dụng một biện pháp nữa: làm cho mọi người trở thành vô cảm.

Tôi không biết hiệu quả của bài thuốc trị sự vô cảm và sự sợ hãi của Phương Uyên như thế nào. Nhưng ít nhất, nhìn ánh mắt, dáng dứng và những câu phát biểu của em trước tòa, cả tòa sơ thẩm lẫn tòa phúc thẩm, và đặc biệt, nhìn cả trăm người từ khắp nơi đến tham dự phiên tòa phúc thẩm của em, tôi nghĩ, ít nhất cũng có nhiều người đã vượt qua được hai căn bệnh hiểm nghèo ấy.

NguồnVOA

Phạm Thị Hoài – Nhân bản

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/27 at 12:17

Trên Quân đội Nhân dân ngày 18-8-2013, trong bài mở đầu đợt phản công lời kêu gọi thành lập một đảng dân chủ xã hội của ông Lê Hiếu Đằng, một tác giả Trọng Đức nào đó lập luận như sau: “Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào”. Hai ngày sau, một thạc sĩ Phạm Văn Thiết cũng phát biểu gần nguyên xi như vậy, cũng trên tờ báo này. Nhưng nguyên vẹn câu này thì đã được một PGS TS Nguyễn Mạnh Hưởng diễn đạt trong bài “Vì sao Việt Nam không cần đa đảng”, đăng trên trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam từ hơn hai năm trước, ngày 18-1-2011. Song đó cũng không phải là hồ sơ gốc của trị số tư tưởng này vì trước đó, ngày 8-8-2010 cũng trên Quân đội Nhân dân, một TS Lê Văn Bảo đã viết hệt như vậy trong bài “Dân chủ phụ thuộc vào bản chất đảng cầm quyền”, còn theo tường thuật của báo Công an Nhân dân ngày 03-6-2013 thì Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp cũng đưa ra kết luận như thế. Tài sản tuyên huấn của bộ máy tư tưởng chính thống ở Việt Nam hẳn là sở hữu trí tuệ tập thể, nhiều người có thể cùng là tác giả của một câu, giống nhau đến từng chữ.

Nhưng báo chí tuyên huấn còn có lệ nhân bản một người thành nhiều người. Bài “Dân chủ phụ thuộc vào lí tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền” được báo Nhân dân ngày 08-3-2013 giới thiệu là của một độc giả Mai Hoàng Kiên. Song Mai Hoàng Kiên cũng chính là độc giả Trung Thành với bài “Không ai có thể phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam!” đăng ngày 25-2-2013, là độc giả Tuyên Trần với bài “Quay đầu lại là bờ” đăng ngày 22-3-2013, là độc giả Tường Anh với bài “Vạch mặt những kẻ mạo danh“ đăng ngày 14-1-2013, là độc giả Trần Mai với bài “Từ hải ngoại nghĩ về các ‘nhà dân chủ’” đăng ngày 30-10-2012, là độc giả Hữu Đức[i] với bài “Vì sao, vì mục đích gì?” đăng ngày 13-11-2013 trên chính tờ báo này…, đồng thời là tác giả Trọng Linh với bài “37 năm bị bịt miệng trên xứ sở tự do” trên báo Công an Nhân dân ngày 27-3-2012 cũng như là Khánh Sơn của một Tạp chí Nhân quyền nào đó, và tất cả lại đều là một người, với bút danh Amari TX, xuất hiện gần đây nhất với bài “Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan” đăng ngày 22-8-2013 trên Nhân dân. Tất cả những thông tin này được Amari TX, tự giới thiệu là một người Việt ở Mỹ, trưng ra như thành tích trên blog cá nhân ít người biết đến của mình.

Bước ngoặt bất ngờ nhất của câu chuyện nhân bản dư luận viên này là mới đây, một blogger bỗng phát hiện ra rằng Amari TX tức Mai Hoàng Kiên tức Trung Thành tức Tuyên Trần tức Tường Anh tức Trần Mai tức Hữu Đức tức Trọng Linh tức Khánh Sơn ad libitum cũng chính là TS Hoàng Văn Lễ, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Xây dựng Đảng. Điều này không có gì là hoang đường tới mức không thể tin nổi, rốt cuộc thì ông trùm tuyên huấn của chế độ, Hồ Chí Minh, đã đặt cả nền móng lẫn kỉ lục khó vượt qua cho chiến thuật phân thân và hóa thân bằng vô số bút hiệu. Nhưng tiếc rằng phát hiện nêu trên hơi quá vội. Phiếu xét nghiệm tư tưởng của ông TS Hoàng Văn Lễ sống ở Việt Nam trên Sài Gòn Giải phóng ngày 26-8-2013 cho thấy một nhóm trị số hoàn toàn khớp với phiếu của ông Việt kiều Amari TX sống ở Houston trên Nhân dân ngày 22-8-2013, song cũng hoàn toàn khớp với phiếu của ông PGS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, trên Tạp chí Cộng sản số 844 từ tháng 2-2013. Bây giờ muốn thanh minh rằng mình không phải Amari TX thì ông Hoàng Văn Lễ chỉ có cách chứng minh rằng mình chính là Trần Đình Huỳnh. Tương tự như vậy, thạc sĩ Phạm Văn Thiết chỉ có thể thanh minh rằng mình không phải Amari TX bằng cách chứng minh rằng mình chính là TS Lê Văn Bảo. Huyết đồ tư tưởng giống hệt nhau của họ được biểu hiện chẳng hạn qua câu này: “Nói chung ở các nước tư bản, về hình thức, đa đảng chính trị đều ‘tự do’, ‘bình đẳng’ trong cuộc đấu tranh nghị trường và đều có khả năng trở thành đảng cầm quyền, nhưng trong thực tế chỉ có các đảng lớn, có thế lực mới có khả năng chiến thắng và bao giờ cũng có một đảng cầm quyền hoặc lãnh đạo, có khi kéo dài nhiều thập kỷ.” Who is Who phiên bản Việt ngữ.

Quả là không có điều quái gở nào mà con người còn chưa nghĩ ra lại xa lạ với guồng máy tuyên huấn Việt Nam. Trong những vụ nhân bản dư luận viên và nhân bản trị số tư tưởng này, tôi không biết điều gì đáng kinh hơn: sự giáo điều hay sự hạ cấp của luộm thuộm, cẩu thả, ngu ngốc, lười biếng, nhếch nhác. Mọi đối thoại không cùng đẳng cấp đều vô nghĩa. Ước gì những người chống giáo điều và thảo phạt tuyên huấn có được một đối thủ uyên bác, độc đáo, chân thực và một guồng máy tuyên huấn nghiêm túc, chuyên nghiệp.

© 2013 pro&contra

 


[i] Lời giới thiệu của báo Nhân dân cho bài viết của Hữu Đức, tức Trần Mai, xứng đáng được đưa vào giáo trình cho sinh viên báo chí, nguyên văn như sau: “Sau khi Báo Nhân Dân đăng bài Từ hải ngoại nhìn về “các nhà dân chủ” của tác giả Trần Mai gửi từ nước Mỹ, trên một số website và blog đã có ý kiến thực hiện theo lối cắt xén, suy diễn, để từ đó phản đối bài viết của Trần Mai và quy kết là “nhận định sai lầm nghiêm trọng… về quyền con người”, và lặp lại luận điệu cho rằng, Nhà nước đã đi ngược lại các tuyên ngôn, công ước quốc tế liên quan tới vấn đề nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết! Bình luận về sự kiện này, cũng từ nước Mỹ, bạn đọc Hữu Ðức mới gửi tới tòa soạn bài Tôi thật sự không hiểu tại sao, vì mục đích gì?, xin giới thiệu cùng bạn đọc.”

Trần Trung Đạo – Niềm vui Phương Uyên, hành trang cho chặng đường tranh đấu mới

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/21 at 12:19

Chưa bao giờ trong suốt 38 năm, bản án  chế độ CS dành cho một cô bé không chỉ làm lương tâm cả dân tộc thức  dậy, đứng lên mà cả nhiều nơi trên thế giới bất bình, phẫn nộ như bản án  Phương Uyên. Ba tháng qua, từ trong nước đến ngoài nước, từ nguyên thủ  quốc gia Mỹ cho đến lãnh đạo các nước Bắc Âu, hai chữ Phương Uyên rất  khó phát âm theo đúng tiếng Việt đã trở thành một điều kiện cho các quan  hệ ngoại giao song phương và quốc tế.

 

Khi đứng trước tòa sơ thẩm giữa tháng Năm, thay vì dùng những câu nặng  tính cách đấu tranh chính trị như “tôi quyết liệt phản đối” hay “tôi  cương quyết không chấp nhận” bản án, em chỉ nói “tôi không cam tâm”: “Tôi  là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những  người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước.  Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì  thật sự tôi không cam tâm”. Bốn chữ “tôi không cam tâm” nhỏ nhẹ như có chút gì trách móc những người ở tuổi ông bà đang ngồi xử  em là tiếng nói chân thành, tha thiết nhưng không thiếu phần cương  quyết.

Những ai ngạc nhiên vì bản án sáu năm tù ở quá khắc nghiệt lần trước  cũng có thể ngạc nhiên vì bản án “ba năm tù treo” lần này. Thật ra, dưới  chế độ CS chẳng có bản án tù chính trị nào dựa trên lý lẽ, bằng chứng,  truy tố, phân tích hay biện hộ, tất cả đều phản ảnh của chính sách và  chính sách lại luôn thay đổi tùy theo nhu cầu chính trị trong từng giai  đoạn.

Điều 88 Bộ Luật Hình Sự của chế độ CSVN hiện nay không phải là một bộ  luật do một cơ quan lập pháp độc lập nào làm ra mà chỉ là một văn bản  của chế độ CSVN tự dựng lên và dùng làm thước đo để trừng trị những ai  đi ngược lại quyền lợi của lãnh đạo đảng CS. Trên thế giới, ngoại trừ  Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba và Việt Nam, không có quốc gia nào mà việc  phê bình chỉ trích nhà nước và các cấp lãnh đạo nhà nước lại có thể bị  phạt tù đến 12 năm như “Bộ Luật Hình Sự” kỳ quái của chế độ CSVN quy  định.

“Bộ Luật Hình Sự” của Liên Xô trước đây là một ví dụ. Tháng Sáu năm  1934, để chuẩn bị cho cuộc thanh trừng đẫm máu sắp bắt đầu, Stalin đã  thêm vào điều 58 bộ Luật Hình Sự Liên Xô được ban hành vào năm 1927  những khoản quy định các bản án dành cho các tướng lãnh quân đội và ngay  sau đó chiếu vào các khoản này để xử bắn bốn trong số năm đô đốc, ba  trong số năm thống chế, mười ba trong số mười lăm tướng lãnh ba sao và  bốn sao, năm mươi trong số năm mươi bảy tư lịnh binh đoàn và toàn bộ  mười sáu chính ủy cao cấp thuộc các binh chủng của Hồng Quân Liên Xô.

Theo tường thuật của các bloggers cũng như của đài RFA, cuộc tranh luận  giữa Phương Uyên và các ông bà ngồi ghế quan tòa “như một cuộc chiến rất  căng giữa một bên là chế độc độc tài, toàn trị, vô cảm với đầy đủ  phương tiện đàn áp người dân với một bên là phe dân chủ “liễu yếu mong  manh” nhưng bất khuất” và cũng tại đó em đã phát biểu câu nói lịch sử “Tôi  không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng  chống đảng CS không phải chống phá đất nước, dân tộc”. Tuy  nhiên, không phải vì Phương Uyên đã chiến thắng trong “cuộc chiến rất  căng” về lý luận và đã khuất phục được bà Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ  chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hôm 16 tháng Tám vừa qua và bà đuối lý đành  kết án Phương Uyên “tù treo” thay vì “tù ở”. Không phải vậy đâu. Quyết  định “tù treo” là quyết định từ trung ương đảng. Giả thiết, trong phiên  tòa phúc thẩm dù Phương Uyên có hô to “Đả đảo Cộng Sản” như Cha Nguyễn  Văn Lý đã hô hay bỗng dưng em đổi tính gọi ba đời nội ngoại của bà  Trương Thị Minh Thơ ra chửi bằng ngôn ngữ hàng tôm hàng cá nhất, bà Thơ  vẫn phải cắn răng tuyên bố Phương Uyên được hưởng “án treo” theo đúng  chỉ thị đã nhận từ trước.

Lý do trực tiếp của việc em được thả đã được nhiều người phân tích trong  đó có áp lực của chính quyền Barack Obama và quốc tế, chiều hướng mới  về chính sách đối ngoại của lãnh đạo CSVN, một cách tỏ thái độ đối với  Trung Quốc v.v… Tất cả đều có thể đúng tùy theo góc độ phân tích của  vấn đề nhưng như kẻ viết bài này đã viết trong bài trước Áp lực nào buộc CSVN phải thả Phương Uyên?, chính tinh thần đấu tranh bền bỉ, đa dạng, tích cực và nhiệt tình  của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thế hệ Việt Nam trong nước và ngoài nước  là nguyên nhân sâu xa và sức đẫy chủ động đã giúp Phương Uyên được trở  về trong vòng tay của mẹ. Tận dụng ưu thế của cộng đồng người Việt tại  Mỹ và các quốc gia dân chủ từ châu Úc đến châu Âu là một bằng chứng  thành công hùng hồn. Sức mạnh tổng hợp của các thành phần dân tộc và xu  hướng phát triển văn minh của thời đại là nền tảng của cuộc đấu vì tự do  dân chủ trước đây, hôm nay và tái thiết đất nước sau này.

Việc vận dụng các điều kiện chính trị thế giới cũng như trong vùng Đông  Nam Á của các tổ chức người Việt không có liên hệ trực tiếp hay gián  tiếp gì với việc “lệ thuộc vào ngoại bang” và cũng chẳng “theo tây theo  Mỹ” nào cả. Phân tích một cách dễ hiểu, không có cuộc vận động liên tục  của nhiều tổ chức đấu tranh người Việt không một Tổng thống Barack Obama  nào, không một dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ  nào, không một Dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân Chủ nào, không  một Dân biểu Chris Smith thuộc đảng Cộng Hòa nào, không một bà Catherine  Ashton, phụ trách đối ngoại của Quốc Hội Châu Âu nào, không một dân  biểu Quốc hội Châu Âu nào trong số 34 vị ký tên trong thư phản đối tình  trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam biết đến Phương Uyên.

Áp lực từ các lãnh đạo quốc tế có thể là những giọt nước làm tràn chiếc  ly nhưng ly nước lớn kia vốn đã chứa đựng bao giọt mồ hôi và nước mắt  trong gian khổ đấu tranh của nhiều lớp người Việt Nam đi trước. Bức  tường chuyên chính không sụp bằng những cơn bão Đông Âu nhưng sẽ sụp từ  những giọt nước nhỏ xuống một cách âm thầm và kiên nhẫn như thế.

Qua đoạn phim ngắn phỏng vấn Phương Uyên  của hệ thống truyền hình Dòng Chúa Cứu Thế chúng ta thấy em rất chững  chạc và trưởng thành về nhận thức dù tuổi còn nhỏ và quá trình giáo dục  bị đóng khung trong hệ thống giáo dục tuyên truyền nhồi sọ khi em phát  biểu đừng đánh đồng giữa đảng CS và tổ quốc Việt Nam vì “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.

Vâng, đúng thế.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên  mảnh đất này vẫn còn ghi lại dấu chân của những người để lưng trần, tóc  cắt ngắn, đóng khố che thân, đầu đội mũ lông chim Hồng, tay ẵm đàn con  Lạc Việt, vượt bao nhiêu núi rừng ghềnh thác trong cuộc Nam tiến đầy  gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ vùng Nam Hoa di dân xuống lưu vực  sông Hồng 48 thế kỷ trước.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trong  lúc bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng  hóa vào những tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân  Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ  thăng trầm, vẫn tồn tại và trưởng thành nên quốc gia Việt Nam độc lập và  tự chủ.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên  mảnh đất này tên của một con sông, một ngọn núi, một thôn làng, khi được  nhắc đến có thể làm người Việt Nam phải rơi nước mắt. Những Phong Hóa,  Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên Trường, Diên Hồng, Chi  Lăng, Lam Sơn, Đống Đa v.v… không phải chỉ đơn giản là những địa danh,  mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí của dân tộc.  Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao,  mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở sông Bạch  Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của  bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương của  tổ tiên đã đổ xuống trước áp lực của các triều đại Bắc phương xâm lấn.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” như  Phương Uyên nói không thể đem so với một đảng chính trị chỉ mới nhập từ  Nga năm 1930 và đã bị đào thải trên phạm vi thế giới. Thế nhưng, không  chỉ trong giới sinh viên học sinh mà ngay cả trong nhiều người lớn,  trong tầng lớp “tiến sĩ”, “thạc sĩ”, “nhà văn”, “nhà thơ”, “trí thức xã  hội chủ nghĩa” không phải ai cũng thấy được sự khác biệt đó như em. Mà  có thấy được cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không đủ can đảm gióng  lên tiếng nói như em.

Dù sao Phương Uyên đã về quê với mẹ. Chuyến xe lửa đã rời nhà ga. Những  ngày nóng bỏng của mùa hè 2013 đang qua và tiếng cười rạng rỡ như tia  nắng cuối ngày vừa tắt. Mai đây em sẽ đối diện với thực tế mới và những  chọn lựa mới trong đời. Những ai hy vọng em sẽ làm những việc vượt quá  khả năng của em có thể sẽ thất vọng. Phương Uyên chỉ mới 21 tuổi. Em có  nhận thức rất sáng so với các bạn cùng thế hệ nhưng để bay cao, để đi xa  cần có thêm nhiều phương tiện. Em có thể sẽ trở lại trường học, có thể  chọn một việc để làm, có thể sẽ tiếp tục cùng các bạn tiếp tục hành  trình phục vụ đất nước, chống tham nhũng, chống độc tài, chống “Tàu  khựa” bằng một hình thức khác. Làm gì đi nữa, một chương lớn trong cuộc  đời em vừa mới lật qua. Phương Uyên không còn là một Phương Uyên mang ít  nhiều huyền bí và hấp lực trong tù mà là cô bé 21 tuổi ngoài xã hội với  cuộc sống bình thường.

Nhưng đất nước thì không. Đất nước như một giòng sông vẫn còn đang trôi  qua những ghềnh đá cheo leo, những núi non ngăn cách suốt ba mươi tám  năm đầy chịu đựng. Trên quê hương Việt Nam, hàng trăm người Việt Nam vẫn  còn đang bị tù đày cũng chỉ vì cùng quan niệm như em “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.

Hôm nay, điều kiện thật sự của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người anh cả của  phong trào tuổi trẻ chống Trung Quốc âm mưu rước đuốc qua Hoàng Sa nhân  dịp Thế Vận Hội mùa hè tại Bắc Kinh, vẫn chưa ai biết rõ một cách chính  xác ra sao. Từ 2008 đến nay, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là tù nhân chính  trị chịu đựng nhiều truy bức và đày ải nhất. Trong lúc sự kính trọng  dành cho hàng trăm nhà dân chủ đang bị tù dày bao giờ cũng sâu đậm, sự  quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước dành cho anh Điếu Cày Nguyễn  Văn Hải đã vượt lên trên. Tình cảm đồng bào dành cho anh giống như tình  cảm của anh dành cho đất nước, đơn sơ, thiêng liêng và trong sáng.

Điếu Cày không phải là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà cách mạng,  nhà lý thuyết, nhà báo, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không phải là nhà  nào cả. Mơ ước của anh là được cầm máy ảnh đi thăm ba miền đất nước để  ghi lại những vẻ đẹp nên thơ và hùng vĩ của quê hương. Anh đã đi nhưng  vết thương Hoàng Sa và Trường Sa buộc anh dừng lại. Quê hương không còn  đủ nghĩa khi hai quần đảo thiêng liêng và chiến lược rơi vào tay Trung  Quốc. Từ đó, anh dấn thân trên con đường gai góc, con đường nhiều triệu  người khác không dám đi: con đường chống Trung Quốc xâm lăng. Và cũng từ  đó, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cái tên một lần nghe rất lạ đã trở thành  quen thuộc, gần gũi, thân thương trong mọi gia đình Việt Nam, đặc biệt  trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không phải là Nelson Mandela của Nam Phi,  Aung San Suu Ky của Miến Điện, Vaclav Havel của Tiệp. Anh là một người  Việt Nam bình thường, đơn giản và hiền hòa như hạt gạo, củ sắn, củ  khoai, con mắm, ngọn rau nhưng anh cũng vô cùng cao quý vì đã nói lên  khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Ngoài Điếu Cày, còn nhiều anh chị em khác nữa, những Đinh Nguyên Kha,  Việt Khang, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân  Diệu, Lê Văn Sơn, Phan Thanh Hải, Mai Thị Dung, Nguyễn Công Chính, Phạm  Thị Phượng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn  Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Phùng Lâm, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy  Chương, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Văn Thông, Nguyễn Ngọc  Cường, Đinh Đăng Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Kim  Nhàn, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thanh Tùng, Phan Ngọc Tuấn, Vi Đức Hồi,  Nguyễn Văn Lía, Võ Minh Trí, Lê Quốc Quân v.v… tất cả vẫn còn ở trong  tù.

Chúng ta nên làm gì cho họ đây. Không có con đường nào khác ngoài việc  tiếp tục cuộc đấu tranh như đã từng tranh đấu cho Phương Uyên. Nếu có  khác chăng, chặng đường mới có nhiều hy vọng và thuận lợi hơn. Cuộc vận  động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng cho những  người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho lý  tưởng tự do dân tộc theo kiểu “gát bút nghiên lên đường tranh đấu” như  cha ông chúng ta đã làm ngày trước mà diễn ra ở mọi người, tại mọi nơi,  mọi chỗ và trong mọi ngành nghề.

Cuộc vận động dân chủ sẽ thành công bởi vì có sự góp sức của hơn hai  triệu người Việt đang sống nhiều nơi trên thế giới. Ngày xưa chúng ta  thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ đóng vai trò chủ  lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc đẩy con tàu dân  chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần thiết nữa. Mọi người  Việt Nam dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm  được phần mình theo điều kiện và hoàn cảnh mỗi người đang có mà không  phải chen lấn nhau hay dẫm lên bước chân người khác.

Việt Nam có thể vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng dưới ách độc tài một  thời gian ngắn nữa nhưng các phong trào dân chủ không còn là các nhóm  nhỏ hoạt động rải rác mà sẽ phối hợp chặt chẽ và thách thức chế độ một  cách công khai bằng nhiều hành động cụ thể. Tranh đấu cho dân chủ là  khẩu hiệu của thời đại, là niềm vui chứ không còn là nỗi sợ.

 

FB Trần Trung Đạo

BS Hồ Hải – Vật thế chấp chính trị

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/17 at 11:10

Lời tuyên bố đầy bản lĩnh chính trị của cô gái trẻ Phương Uyên trong phiên tòa ngày 16/8/2013 là một bản án đanh thép đi vào lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam với chế độ độc quyền của đảng cộng sản ở Việt Nam

Từ ngàn xưa, khi con người bước ra khỏi cuộc sống của thời cộng sản nguyên thủy bầy đàn, để đấu tranh sinh tồn với hiểm họa vây quanh, cũng là lúc con người biết sử dụng vật thế chấp làm tin trong giao dịch.

Để được ngồi ngôi cao, hưởng ân sủng của thiên hạ, lấy uy tín với thần dân, các vua phong kiến sử dụng con mình để gả cho quốc gia lân bang làm vật thế chấp chính trị, để thực hiện phương án ngoại giao, chờ thời cơ xâm chiếm.

Trong làm ăn giao thương, tài sản cố định là vật thế chấp cho đối phương, ngân hàng để vay vốn làm ăn. Chỉ có những đối tác làm ăn lâu bền, uy tín lớn, tín chấp là một kiểu thế chấp cao cấp nhất của con người tới giờ này.

Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển vật thế chấp càng có nhiều hình thức tinh vi hơn. Tinh vi và ác độc nhất vẫn là các chính khách lấy đồng bào mình làm vật thế chấp chính trị trong bang giao. Trong khi họa cũng trút lên đầu dân, mà nguy cũng trút lên đầu dân, còn lộc thì chính khách và dòng họ an hưởng.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngày nay, phương án dùng dân làm vật thế chấp để đi buôn chính trị của chính khách. Thời chiến cũng thế, và thời bình cũng thế.

Hoa Kỳ khi muốn lấy lòng toàn thế giới, vật thế chấp của họ gồm cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Đã thế, ở đâu có bất ổn, họ sẵn sàng đem tuổi trẻ của họ làm lính viễn chinh đến, với cái gọi là vì tự do dân chủ. Nhưng nếu nhìn về bản chất, những người trẻ lính viễn chinh này không ngoài là vật thế chấp.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam 83 năm qua, vừa ra khỏi ách đô hộ thực dân Pháp thì lao vào nội chiến. Hậu quả, hơn 3 triệu sinh linh đã ngả xuống, đến giờ này còn hơn 300 ngàn không tìm được xác, và còn hơn 200 ngàn đã tìm được xác, nhưng chưa rõ họ tên. Những chiến sỹ vô danh ấy, họ sinh ra, và lớn lên, không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ là vật thế chấp cho ngai vàng của các chính trị gia của cả 3 bên – thắng cuộc, bỏ cuộc, và thua cuộc trong nội chiến kéo dài 20 năm.

Hòa bình lập lại, chưa được yên ấm bao nhiêu ngày. Một nửa bên thua và bỏ cuộc trở thành vật thế chấp để các chính khách bên thắng cuộc tiếp tục nồi da nấu thịt, để người dân thà bỏ thây cho cá, cướp biển, để đi tìm đất sống. Và chỉ vì chính khách kém tầm trong ngoại giao, và mê muội trong men say thắng cuộc. Một cuộc chiến kéo dài 12 năm ở cả 2 biên giới Tây Nam và phía Bắc – 1978 đến 1990. Hàng triệu thanh niên nữa lại ngả xuống, không phải vì chén cơm manh áo của mình và gia đình mình, mà vì sai lầm của chính khách.

Vốn xuất thân từ giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhờ không có gì để mất – giai cấp vô sản. Họ đã chọn con đường đã và đang đi theo 83 năm qua là con đường tăm tối. Nó đã sụp đổ ngay tại cái nôi sinh ra nó. Nhưng có một nghịch lý cuộc đời là, chính giai cấp vô sản là giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhưng khi cướp được chính quyền, thì họ lại không có gì để có thể dựng xây đất nước. Thế cuộc buộc họ lại phải quay lại con đường mà họ đã đạp đổ nó – bất công, độc tài và tàn ác còn hơn cả thực dân.

Vì không có gì để dựng xây đất nước, và con đường đã chọn tăm tối ấy, họ lại quay sang lấy biên cương lãnh thổ, tài nguyên và cả đồng bào mình làm vật thế chấp cho việc bang giao.

Khi vào WTO và muốn ra khỏi các nước nằm trong danh sách các nước đặc biệt bị quan tâm – Country of Particular Concerns, gọi tắt là CPC – một số nhân vật bất đồng chính kiến như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Ngô Quang Kiệt, giáo dân Thái Hà, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, v.v… để làm vật thế chấp trong đàm phán bang giao. Họi được thả và giảm án.

Sau khi vào được ra khỏi danh sách CPC, và vào WTO cùng lúc vào tháng 11/2006, thì tình trạng đàn áp tôn giáo và bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến lại diễn ra dày đặt, ngày càng gia tăng từ 2008 đến nay. Cụ thể là tháng 02/2005 Linh mục Nguyễn Văn Lý được giảm án và ân xá, thì đến 18 tháng Hai năm 2007 ông bị bắt và chính thức ngồi tù lại vào ngày 30 tháng Ba năm 2007. Luật sư Lê Quốc Quân cũng trở lại nhà tù vào tháng 12/2012, sau khi bị bắt vào tháng 3/2007, và còn bao nhiêu người khác nằm trong diện sẵn sàng “chờ đợi” làm vật thế chấp cho con buôn chính trị.

Hôm qua, câu chuyện giảm án của Phương Uyên từ 4 năm tù giam còn 3 năm tù treo cộng với 3 năm quản thúc. Với Nguyên Kha giảm án từ 8 năm tù còn 4 năm tù cũng không ngoại lệ là vật thế chấp chính trị trong bang giao. Vì nếu chế độ này đối xử tốt với dân thì cái án của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã không y án sau phiên phúc thẩm! Xem ra chế độ Phong kiến xưa kia tuy vậy mà vua lo cho dân, cho nước hơn nhiều.

Liệu những điều trên các quốc gia bang giao với Việt Nam họ có biết? Chắc chắn và đương nhiên là quá biết, và càng không tin cậy Việt Nam, khi đồng bào Việt Nam bị đối xử tệ thì làm sao họ là ngoại bang được đối xử tốt hơn?

Từ đó cho thấy, chế độ đảng cầm quyền này chưa và sẽ không bao giờ xem dân là gốc, mà luôn là vật thế chấp trong mọi cuộc bán buôn nhơ nhớp của chính trị. Chỉ có ngoại bang có ảnh hưởng đến sinh mệnh sống còn của đảng cầm quyền mới có thể sai khiến được chế độ này làm theo như kiểu con tắc kè đổi nàu để đấu tranh sinh tồn, rồi màu khát máu vẫn là màu của máu.

Một chế độ mà ở đó, xem người dân là vật thế chấp cho con buôn chính trị thì bản chất của chế độ đó như Marx nói – chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại, để chăm chút cho bộ lông của mình. Nhưng xem ra súc vật còn có lòng tin với gia chủ của nó được nuôi nấng, vỗ về. Còn với chế độ Việt nam hiện tại niềm tin dân chúng đã không còn 38 năm qua và mãi mãi.

Sức mạnh của một thể chế nhà nước là ở toàn dân, khi niềm tin dân chúng đã cạn kiệt thì, liệu chế độ đó tồn tại được bao lâu? Sức mạnh mềm của một quốc gia là vô hình và vô hạn. Liệu với cách cư xử với đồng bào đã từng vào sinh ra tử cho chế độ như thế thì sức mạnh mềm của Việt Nam có còn?
Nguồn: blog BS Hồ Hải

Cùng đọc lại “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” của Phan Bội Châu.

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/14 at 15:17

 

Cụ Phan Bội Châu viết “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” cách đây hơn trăm năm nhưng giờ đọc lại những dòng này những ai còn có chút trí tuệ, lương tâm không khỏi chau mày, rơi lệ.

Lưu Cầu huyết lệ tân thư

(Bức thư viết bằng máu và nước mắt từ đảo Lưu Cầu mới gửi về).

Theo học thuyết của Quảng Trọng, nước có bốn “Duy” (bốn mối lớn). Nói ngược lại thì quốc duy tức là duy quốc (giữ nước). Giữ nước trước hết là giữ quốc thể. Nhưng giữ quốc thể ngày nay thật cũng khó giữ lắm. Vì sao? Quyền bính của nước ta là ở quan lại, nhân dân, tài sản. Nước có quan lại, tức là vị đứng đầu nước (nguyên thủ) có tay chân. Quan lại có nhân dân cũng như tay chân có ngón có đốt. Còn tài sản là huyết mạch của nước, huyết  mạch phải lưu thông trong tay chân ngón đốt, không thể một khắc gián đoạn. Thế mà quan lại ngày nay không phải tự ta truất trắc được. Tài sản ngày nay không phải tự ta vận dụng được. Đại thế sụp đổ khó lòng cứu vãn. Mọi việc đều bị xâm lăng lấn át, ngày càng thêm nặng, dầu muốn vớt vát cũng khó khăn muôn phần.

Nhưng nghĩ cho kỹ thì vẫn có cách làm được. Câu Tiễn đã từng mất nước, vẫn lấy việc thờ Ngô mà diệt Ngô. Nhật Bản là nước nhỏ hèn, vẫn lấy việc chịu lún Anh mà chống Anh. Lão tử nói: “Muốn thu lại, cần trương ra, muốn lấy được cần cho trước”. Binh thư Tá thiên nói: “Mình không đương được, mượn tay người khác, chẳng cần tự mình làm mà vẫn được việc”. Hợp hai thuyết ấy không phải không có cách làm.

Từ ngày nước mất đến nay, sự thế đổi khác, thực là tôi tớ mà danh là chủ nhân. Nói về cục thế, thì là một sự kỳ lạ, từ xưa chưa hề xảy ra. Nói về biến đổi, thì là một điều hổ nhục, từ xưa chưa hề mắc phải. Bọn chúng làm con hổ, nhỏ nước bọt thèm thuồng, người mình làm con cá, vẩy đuôi trốn lui. Động có yêu cầu việc gì thì cho là tốn kém hàng vạn. Bớt điều chúng thích, tiêu việc ta cần, chúng có vui đâu. Sở dĩ chúng còn để ta sống là vì chúng không dám giết chết đó thôi. Bên ngoài để che tai mắt nước khác, bên trong để lừa nhân dân nước ta. Chúng tạm cho ta cái danh giả để chúng giành lấy cái lợi thực.

Nay ta may còn được như thế này thì cũng nên lo tính việc giữ nước (duy quốc), dầu mất bò rồi mới sửa chuồng cũng chưa phải là muộn. Chúng ta nên mưu kín nghĩ xa, rán sức nhọc lòng, ngoài thì cố làm cái việc Câu Tiễn thờ Ngô, trong thì nuôi cái mưu Nhật Bản chịu lún Anh. Khi chưa sinh sự thì phải tự nhún mình nén khí để mua chuộc lòng chúng, phải qua lại thân mật để che tai mắt chúng, tìm trăm cách để lừa dối chúng, hễ chưa nuốt được gan chúng là chưa thôi. Khi đã sinh sự thì viện công pháp quốc tế mà yêu cầu, viện luật lệ nước ta mà tranh chấp, cả trăm miệng đều bẻ lại chúng, hễ chưa chặn được mưu chúng là chưa thôi. Lấy trí khôn và giúp khí mạnh thì dầu phải nhẫn nhục đến đâu cũng nấn ná mà làm; lấy khí mạnh mà đỡ trí khôn thì dầu biện biễn lễ có găng cũng mạnh dạn mà nói. Chúng thấy ta rất đỗi quyết lòng thì cũng phải chiều lòng; chúng thấy ta quả quyết giành thế thì chúng cũng phải nhượng thế. Lòng quyết được thì quyền bính mặc nhiên chuyển về ta, chúng không thể ngăn cản, thế giành được thì quyền bính hiển nhiên trả lại ta, chúng không dám lừa dối. Vua tôi đồng lòng, trăm người một bụng, dầu chúng ngoan cố cũng phải thua ta.

Quyền bính thu về dần thì quan lại lại là quan lại của ta, nhân dân là nhân dân của ta. Do đó, tài sản cũng không thể không phải là tài sản của ta. Rồi thì ta giảm bớt những thứ phù phí vô ích để tiêu vào việc cần kíp; bỏ bớt nhưng hư phí vô dụng để làm những việc thực dụng. Học thuật đổi được thì ta đổi dần, nhân dân nuôi được thì ta nuôi dần, dân khí chấn được thì ta chấn dần. Làm được ba điều ấy, tức là giữ được quốc thể đó vậy.

Trong ba điều nói trên thì chấn dân khí là trước hết. Nhân tài từ nhân dân mà ra, dân khí chấn rồi thì mới nuôi nhân tài được. Học thuật cốt nhân dân noi theo, dân khí chấn rồi học thuật mới đổi được. Sao lại nói đổi học thuật tất phải chấn dân khí đã? Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ. Trước kia sống bình thường đã lâu. Khiếp sợ quen thói, nghe và thấy chật hẹp, tai như điếc, mắt dường mù. Người dưới phải làm điều đê tiện mà không biết hổ, phải chịu sự ô nhục mà không biết thẹn. Người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân, dẫu có những người thông minh cũng phải chiều theo tập thượng. Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như sấm sét, thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như thấy tuyết và mặt trời (2). Cái tệ ấy buổi đầu là do tính nhu nhược, theo mãi, hóa ngu hèn đến nỗi có tay chân mà không biết làm lụng, có tài sản mà không biết trao đổi, có miệng lưỡi mà không biết trình bày, có núi bể mà không biết vượt bơi, có khoáng sản àm không biết dò lấy, có máy móc mà không biết cho chạy. Thậm chí thấy nhục vua cha mà không biết căm tức, thấy ngoại nhân mắng nhiếc, lừa đùa mà vẫn bằng chân như vại, ngu thật là ngu!

Gần đây phong hội ngày mở mang, thời cuộc ngày thay đổi, gặp cảnh đau lòng khổ tứ mà vẫn không bổ ích cho nỗi thua kém của mình. Các nước Thái tây đâu có hạng người gỗ đá như thế! U mê gàn dở, không chút căm giận, sao mà hèn nhát sút kém đến thế! Phỏng khiến thoắt chốc thay đổi học thuật lập ra qui chế mới thì không khỏi làm cho họ khiếp thấy ngại nghe, sinh ra nhiên nhiễu. Mở mang trí tuệ, họ cho là hiếu kỳ, sửa đổi cho hợp thời, họ cho là trái cổ. Bọn giàu có tài giỏi đã không muốn làm thì những người nghèo dốt trông cậy sao được. Cho nên nói rằng dân khí chưa chấn thì học thuật khó lòng sử đổi.

Muốn chấn dân khí  phải làm thế nào? Cốt yếu là phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ lòng liêm sỉ, bớt lệnh áp bức để cổ võ khi cương cường. Hiện nay thói tốt đã mất, việc hối lộ công hành. Lúc đầu chỉ mới mon men lén lút, dần dần thần tiền trở nên vững mạnh, muốn thêm một cấp là được một cấp, muốn thăng một bậc là được một bậc, đồng bạc ném vào, luật nào cũng phá. Cho đến khoa mục là việc to lớn như trời mà người ta cũng dùng tiền chạy chọt, không chút kiêng dè. Người ta chỉ chú trọng việc làm quan và thi đậu, nhờ bất liêm mà được thì còn biết xấu hổ là gì nữa! Huống hồ người dầu non nớt đã có tiền làm cho thành giỏi giang, người dầu dốt kém đã có tiền làm cho thành thông thạo, như thế cần gì phải chịu khó học để cố gắng tiến lên! Con đường hối lộ chưa chặn hẳn thì dân khí không sao chấn được.

Các nước Thái tây cho dân có quyền tự do, người trên có lỗi, dân được phép bắt lỗi, người trên chống dân thì dân được chống lại. Các vua thời trước muốn cùng dân tính việc. Sách Chu Lễ nói: “Hỏi khắp muôn dân” là có ý muốn khuyến khích lòng trung dũng của nhân dân, thấu hiểu việc lớn nhỏ trong thôn xóm. Quan dân như nhau thì dân cần gì phải luồn cúi. Ngày nay giữa quan và dân xa cách như trời với đất. Người bình dân thấy bọn lại thuộc hơn thấy hùm sói, người bách tính đến chốn nha môn khiếp sợ hơn cả con rệp ở khe giường, dầu có oan uổng cũng không chỗ kêu van. Nếu có vài người cứng cổ thì khác nào dùng cái “mâu” đâm vào cái “thuẫn”, thu được cái khí một chút thì mất ngay cái liêm, như thế muốn dân không tự ti sao được! Ôi! Núi sông chưa đổi, quỉ thần còn thiêng, nếu biết đồng bào là ruột thịt thì sao nỡ không thu hút họ để họ phải chạy tới kêu xin nơi cửa người ngoài, khác nào tự ta đuổi cá về vực sâu, sao mà khờ dại đến thế! Nay nên thành thực mở lối kêu van, dứt đường cầu cạnh, thắt chặt tình trên dưới, mở rộng đường thẳng ngay, làm cho công luận vững như sắt đá, chính lý sáng từ cổ kim, búa rìu không uy hiếp nổi, uy quyền không đe dọa được. Quan dưới như thế, quan trên tất phải theo. Quan trên như thế, người ngoài tất phải chiều. Lẽ phải rõ rệt, không ai mạnh ai hèn, dân chúng lâu ngày sẽ cho là thường, dẫu muốn bắt họ quì lụy luồn cúi cũng không thể được…

Còn muốn thay đổi đầy đủ hơn nữa thì phải dùng những ký thuật: Thuật thứ nhất là mở mang công dịch. Xét ra dân ta mà trí khéo không nẩy nở ra được, nào có phải bản chất họ không thông minh đâu, chẳng qua chỉ vì cái khí ươn hèn lười biếng. Hiện nay cầu sắt, đường sắt và các sở nhà máy có thể thuê dân làm. Nếu quả muốn mở mang công dịch thì nên trả công thuê khá cao để người nghèo đói được nhờ. Nghiêm mệnh lệnh làm công, rộng điều lệ làm công, bắt bọn nhà giàu cũng phải làm, không được trốn tránh. Lại cần nghiêm sức những người thừa hành phải lấy công tâm mà làm việc, không được ăn bớt tiền thuê nhân công bỏ túi cho đầy, không được viện lệ vu vơ câu nệ mà làm khó dễ. Có thế thì người nghèo tập quen thói cần cù và người giàu cũng sinh lòng phẫn nộ. Tập cần cù thì khí được luyện, sinh phẫn nộ thì khí được trương. Đã luyện và trương tất không chịu lún người khác.

Kỹ thuật thứ hai là nắn sửa cái hại của phép đánh thuế. Thuế nào có hại cho dân nghèo thì giảm và giảm thêm mãi. Như các loại chè, muối, cá, rau, dân nghèo không có đủ thì đánh thuế nhẹ để đỡ sức dân. Thuế nào có hại cho nhà giàu thì tăng lên và tăng thêm mãi. Như các loại nha phiến, lò rượu,  vốn đặt lãi, nhà cho thuê, chỉ nhà giàu mới có, thu thuế nặng tất họ phải oán, mà họ oán thì qui lỗi cho người ngoài (tức thực dân thống trị) và gợi lên lời chê phiền nhiễu độc ác. Đỡ sức dân thì có lợi cho ta và do đó dân quen theo ta. Gợi lời chê (người ngoài) thì có thiện cảm với ta và do đó ta được thêm thuận lợi.

Những kỹ thuật nói trên là nhằm mục đích mượn tay người ngoài làm để ta thu kết quả. Bọn người ngoài chỉ cầu lợi. Dân nghèo muốn thu ít thì bớt thu, nhà giàu ghét thu nhiều thì tăng thu, chúng nghe lấy làm thích mà ta thì đạt được cái trí. Việc gây thù oán của bọn phú hào, việc luyện khả năng cho đám dân nghèo ấy là một cách thừa cơ mà lợi dụng, chắc chắn làm được. Các thày thuốc thường nói: “Khai thông cái muốn thông, ủng tắc cái muốn tắc” ấy là thượng sách.

Như thế là chấn được dân khí, mà dân khí có chấn thì mới tuyển được những người tài giỏi để dạy cho họ cái học hữu dụng và bỏ cái học hư văn, vẫn tôn trọng cái tốt của sách thánh hiền phải phụ thêm việc học học của Thái tây. Việc thi cử lập qui chế mới, chứ không thi văn suông. Việc chọn nhân tài thì nghiêm phòng cái lối chạy ngoài mà không câu nệ lời khen tục sáo. Học thuật đã tiến thì bỏ bớt thường lệ để bạt dụng những người tài năng ở miền thảo dã, phớt qua cấm lệ để thu hút những người kỳ tài ở nơi núi rừng. Cấp học bổng xuất dương du học thật hậu để giúp thành công; tìm tài ngoại giao cho tinh để khuyên cố gắng. Như thế là nhân tài được nuôi dưỡng. Những người nay đang ở thấp là nhân tài tương lai, những người nay đã lên cao là nhân tài hiện tại. Nhờ có họ giúp sức thì mới thực hiện được những điều nói trên.

Trong khoảng trời xanh bát ngát, bể thẳm mênh mông (tức là trong nước), chắc chắn cũng có những người gánh được cái việc tối đại của nghìn muôn đời, lập nên được cái công tối gian khổ của nghìn muôn năm và đương lấy được cái nhục tối hiếm tối lạ của nghìn muôn thuở. Có được những người ấy thì quyền bính sẽ thu về được, quan lại sẽ truất trắc được dân dân sẽ sử linh được, tài sản sẽ vận dụng được. Lúc bấy giờ, muốn chấn dân khí thì dân khí ngày càng cao vọt, muốn nuôi nhân tài thì nhân tài ngày càng thịnh đạt. Cái thành công của Câu Tiễn, Nhật Bản chỉ ngẩng đầu mà đợi. Nhờ vậy có thể nói chắc rằng, huyết mạch sẽ đầy đủ, tay chân ngón đốt sẽ béo mập và vị đứng đầu nước sẽ vững vàng như núi Thái Sơn. Bằng không làm theo lời bàn trên thì chẳng khác đem cho nhà người ngoài cư trú, làm tôi tớ cho người ngoài sai khiến, hiến tài sản cho người ngoài tiêu dùng, hơn thế nữa, đem thê thiếp và con gái cho người ngoài làm vợ, còn trách gì được ai! Còn trách gì được ai!…

(1903)

Lê Thước dịch

Nguồn: blog thôn Sấu

Tương Lai – Nghĩ về hiện tượng Trần Độ

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Tạp văn, Việt Nam on 2013/08/08 at 11:37

Nói như vậy, vì người viết muốn nhìn ra ở đây “một hiện tượng lịch sử” có ‎ nghĩa biểu tượng.

Lịch sử đi tới theo đội hình hình thoi chứ không “dàn hàng ngang mà tiến”. Bao giờ những người đi trước cũng thuộc số ít. Càng ít hơn nữa là những ngươi có tầm mắt vượt lên phía trước, nhìn thấu được những điều mà nhiều người đồng hành chưa nhìn ra, hoặc nhìn nhưng chưa thấy, hoặc thấy nhưng chưa rõ. Và càng sát cái điểm đầu chóp hình thoi ấy thì càng đơn độc! Trần Độ là một hiện tượng, đúng hơn, là một bằng chứng rất sống động về sự “đơn độc của tia chớp” đang dẫn dắt suy tư của người viết nhân ngày mất của ông, 9. 8. 2002.

Nhận thức là một quá trình, điều này chẳng có gì mới đáng nói. Cái đáng nói hơn vào thời điểm này là: với sự kiểm nghiệm của thời gian, có những con người đã trở thành một  hiện tượng lịch sử vì nó là biểu tượng sống động về sự oái oăm của lịch sử trong nhận thức về lịch sử. Mà trớ trêu thay, chính sự oái oăm đó làm nên lịch sử. Làm nên bằng chính cái tầm vươt lên phía trước ấy. Chẳng thế mà Voltaire từng khuyến cáo rằng “Lch s không nên đ cp đến s thăng trm ca các ông vua mà là trào lưu tiến hoá ca dân tc, không nên đ cp đến tng quc gia riêng r mà là toàn th nhân loi, không nên đ cp đến chiến tranh mà là đ cp đến s phát trin ca tư tưởng. Nhng trn đánh, nhng đoàn quân chiến thng hoc chiến bi, nhng thành ph b chiếm đi hoc ly li là nhng s kin quá tm thường, không nói lên điu gì quan trng. Điu quan trng là con người sng và suy nghĩ như thế nào qua các thi đi… qua nhng giai đon nào con người đi t trng thái man r đến trng thái văn minh”.* 

Không hiểu có phải lẩn thẩn không mà người viết bài này những cứ muốn bạo gan đặt ra câu hỏi với nhà Khai sáng Pháp : liệu dưới tác động nào đó, trong một thời đoạn đau thương nào đó, có thể có quá trình ngược lại, một cơ chế phi lý‎ đẩy con người đi từ trạng thái văn minh trở lại với trạng thái man rợ ? Trần Độ có bốn câu thơ dưới dạng “tự bạch” :

Nhng mơ xoá ác trên đi

                                            Ta phó thân ta vi đt tri

                                         Ng ác xóa ri thay cc thin

                                           Ai hay, biến đi, ác luân hi.

Liệu nỗi niềm “ ai hay, biến đi, ác luân hi” có chút bóng dáng nào của cái cơ chế phi lý kia không? Vì rằng, nếu cứ nhìn về nhân thân và sự nghiệp theo một nếp hằn rất chi là “lập trường quan điểm” từng chi phối đời sống tinh thần xã hội gần hai phần ba thế kỷ nay, thì con người này là một mẫu mực sáng giá, một điểm son chói lọi trong những trang sử hiện đại : Đi làm cách mạng từ năm 16 tuổi, vào đảng năm 17 tuổi, vào tù, cắn răng chịu tra tấn trong các nhà tù đế quốc , vượt ngục về hoạt động bí mật vào những ngày “tiền khởi nghĩa”, góp phần vào Cách Mạng tháng 8.1945, đảm nhiệm vai trò chính ủy Mặt trận Hà Nội “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” những ngày Thủ đô rực lửa năm 1946, tiếp đó là chính ủy trung đoàn, chính ủy đại đoàn, chính ủy quân khu, rồi phó chính ủy và phó bí thư quân ủy, được phong hàm thiếu tướng rồi trung tướng, được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội, ủy viên BCHTƯĐCSVN, Trưởng ban văn hóa văn nghệ TƯ.

Dù được quy chiếu theo những hệ thống giá trị nào thì cuộc đời dấn thân hết mình cho tổ quốc, nằm gai nếm mật, vào tù ra tội, luôn đứng ở mũi nhọn của cuộc chiến tranh cứu nước, con người này có một cuộc sống thật đẹp! Càng đẹp theo kiểu “ta phó thân ta vi đt tri” chứ không chỉ vì những chức vụ, danh vọng mà ông có được bằng sự dấn thân kia !

Ấy thế mà khi con người ấy nằm xuống, người ta quyết không cho cuộc đời “thương tiếc” ông. Dùng một con rôbốt vô hồn để thực hiện một công vụ táng tận lương tâm là kể tội ông trong điếu văn đọc trước linh cữu người quá cố, người ta đã chà đạp lên truyền thống “nghĩa t là nghĩa tn” trong đời sống dân tộc. Cái đáng sợ nhất, khủng khiếp nhất chính ở chỗ này đây.

Một giải pháp vô văn hóa, phản tâm linh được thực thi một cách triệt để theo lối “đào tn gc, trc tn r” khi người ta “trả nghĩa” cho ông “Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương” của đảng bằng hành động vô văn hóa đó. Một hành động được hoạch định kỹ càng và đóng dấu ở nơi cao cấp nhất! Từ cách công bố tin ông mất sát kề ngày tang lễ để đồng chí, đồng đội của ông không đến kịp nhằm giảm tối đa số người “thương tiếc” ông tại nhà tang lễ đến chuyện xé bỏ những băng tang đính trên vòng hoa nếu có chữ “vô cùng thương tiếc” và rồi bài điếu văn phản nhân văn, ráo cạn nhân tình không tiền khoáng hậu đi vào lịch sử như một vết nhơ không sao xóa mờ đi được!

Xin chen vào đây một mẩu chuyện : vòng hoa của người viết bài này nhờ một người bạn vốn là lính của tướng Độ mang đến nhà tang lễ. Hai vị CA chặn lại, yêu cầu gỡ bỏ mấy chữ “Vô cùng thương tiếc” .Vị cựu chiến binh là thương binh chiến đấu ở chiến trường Miền Tây cố làm nhẹ sự căng thẳng bằng một đề nghị hóm hỉnh :” thế tôi sa li là “thương tiếc va va đng chí Trn Đ nhé“. CA trừng mắt, quát. Xô xát có cơ xảy ra vì anh thương binh “quân của tướng Độ” đã xắn tay áo. Ánh mắt đang đổ dồn về đây. Một vị đeo lon trung tá vừa lịch lãm vừa xử sự rất “có nghề” đã nhanh chóng xin lỗi người cựu chiến binh, vừa gạt tay thuộc cấp định gỡ vòng hoa, rồi mời người cựu chiến binh mang nó cùng đi. Nhưng khi đến gần bậc thềm nhà tang lễ thì anh ta nói ” theo quy đnh, chúng tôi phi trc tiếp chuyn vòng hoa, đng chí c đng đây“. Thế rồi y nhấc bổng vòng hoa đi vòng ra phía sau, mất hút!

Gọi điện kể lại, người cựu chiến binh tự hào là “quân ca tướng Đ” đó an ủi : “thôi chú , thế là mình cũng đã th hin được tm lòng và ý chí trn nghĩa vn tình vi ông y, người s đi vào lch s. Đến vòng hoa ca Đi tướng Võ Nguyên Giáp mà chúng nó cũng đòi bóc, đi tá Huyên quyết lit đu tranh, cui cùng cũng đành ch còn hai chthương tiếc“, phi b hai chvô cùng” trên vòng hoa tang ca bc công thn, người anh c ca quân đi c H gi viếng mt v tướng tng ch huy Mt trn quyết t ca Hà Ni m đu cuc chiến tranh gi nước đ ri có mt trên tt c các mt trn nóng bng nht cho đến khi kết thúc chiến tranh, mà chú!

Có thể ai đó khi hạ lệnh gỡ bỏ những dòng chữ “vô cùng thương tiếc” trên vòng hoa tang đã cạn nghĩ, hoặc mê muội trong nguyên lý khủng khiếp từng thuộc nằm lòng về sự chuyên chính đối với kẻ thù giai cấp, đã không lường trước được hệ lụy cũng khủng khiếp không kém của quyết định dại dột bất cận nhân tình ấy. Trong tâm thức của dân tộc, vết nhơ kia sẽ không có cách gì rửa sạch được. Và nếu như ông cha ta dạy “gươm dơ ly nước làm sch, nước dơ ly máu làm sch” thì rồi đây lấy gì để rửa vết nhơ lịch sử kia đây? Xét cho cùng, vết nhơ lịch sử này chính là ni đau văn hóa.

Đây là điều mà M.Gorki, một thời được mệnh danh là “nhà văn vô sản vĩ đại” từng chiếm lĩnh trọn vẹn các giáo trình lý luận văn học của các trường đại học và sách dạy phổ thông ở nước ta đã từng quyết liệt cảnh báo ngay từ những năm 1917-1918 [đương nhiên là người ta dấu nhẹm sự cảnh báo này] : “Cách mng đã đánh đ nn quân ch, điu đó đúng! Nhưng điu đó có l cũng có nghĩa rng cuc cách mng đã mang chng bnh ngoài da vào bên trong ni tng. Người ta không được phép tin rng cách mng đã cha tr và làm phong phú cho nước Nga v mt tinh thn. Chính vì vậy, M.Gorki viết : “Đi vi tôi, li kêu gi T quc lâm nguy cũng không đáng s hơn li kêu gi Hi các công dân! Văn hóa b lâm nguy”!**

Sư suy thoái đạo đức đích thực, chứ không phải sự gán ghép tùy tiện do sự lú lẫn đầy ác ý, là biểu hiện dễ thấy của “s lâm nguy” này. Sự lâm nguy bắt đầu từ khi người ta “đã mang chng bnh ngoài da vào bên trong ni tng” của cả dân tộc. Càng nguy hiểm hơn khi, thay vì “phi được trui rèn trong ngn la cháy không bao gi dt ca văn hóa, tinh thn nô l đã hn sâu trong nó phi b ty sch đi“, thì người ta làm ngược lại, tàn phá văn hóa.

Sẽ quá dài nếu phải liệt kê ra đây sự tàn phá đó khi mà chỉ lẩy riêng ra “mt hin tượng Trn Đ“, nói chính xác hơn, cách ứng xử với ông Trưởng Ban Văn hóa Văn Nghệ Trung Ương Trần Độ khi ông nằm xuống, cũng đã quá đủ để minh họa một cách sống động về điều này.

Trong một bài gần đây trên tạp chí “Văn Hóa Ngh An” ngày 31.7.2013, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lưu ý‎ rằng : “quan sát trong xã hi, đo đc suy thoái, đúng là chưa bao gi đt nước vào tình trng như hin nay. Nói cách khác, trong lch s ch thi mt mi xut hin nhng chuyn như thế…”. Ông dẫn trong “Hoàng Lê Nht thng chí” lời học trò của L‎ý‎ Trần Quán trả lời thầy khi bị ông mắng về tội bắt Chúa Trịnh Tông nộp cho Tây Sơn : “S thy không bng s gic, yêu chúa không bng yêu thân” để đưa ra nhận định : “Có th nói đó là câu nói đin hình cho s suy thoái…. Còn v các nước, có th nói, nếu so sánh, phi thy là nhng xã hi có hin tượng như thế này là xã hi kém phát trin. Xã hi văn minh cũng có nhng hin tượng này nhưng nó không b rc, không ph biến như thế“….Quả đúng vậy. Nhưng để cho trọn vẹn hơn thì xin mạo muội đề nghị giáo sư Thuyết trích thêm một dòng nữa ở trang 106 trong sách nói trên, con người “la thy phn chúa” ấy rồi “được phong làm Tráng Nghĩa hu thêm chc Trn th Sơn Tây“! Chính cái “được” này mới là động cơ mãnh liệt thôi thúc những chuyện lừa thầy, phản chủ mà giáo sư gọi là “suy thoái” kia.

Những con “rô bốt” vô hồn, dù là cao sang quyền quý, danh gia vọng tộc hay lưu manh chính trị mạt hạng đang nhan nhản khắp nơi, hoặc tác oai tác quái với dân, hoặc lên mặt đạo đức giả đi rao giảng đạo đức lấy đó làm cái lá nho để che đi những xấu xa thối nát quá lộ liễu, hoặc nói một đằng làm một nẻo mất hết liêm sỉ mà dân gian gọi là đã đứt giây thần kinh xấu hổ …xét đến cùng chính là vì cái được ấy! Ngay cả những người đang theo lý thuyết “mắc-kê-nô”, tạm bằng lòng với ngôi nhà vừa tậu, chiếc ô tô đời mới hay cái công ty của con đang làm ăn yên ổn đang xua tay “không muốn động đến chuyện chính trị” thì trong sâu thẳm tâm hồn họ, cái động cơ mãnh liệt kia vẫn đang khởi động.

Xét đến cùng, vâng, xét đến cùng, cái “được” kia, nói chữ nghĩa ra là li ích nhận được từ cái cơ chế sản sinh ra những “rôbốt” vô hồn kia chính là chất xi măng gắn kết chúng với nhau vì lợi ích, và cái đem lại lợi ích nhanh chóng nhất chính là quyn lc. Trong bài viết cách đây chưa lâu, người viết này đã nói về quy luật này : Quyn lc thúc đy vic m rng vô hn đ quyn lc, và hu như không có đim dng. Nhưng “quyn lc li có xu hướng tha hóa và quyn lc tuyt đi thì tha hóa cũng tuyt đi(Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely, có người dịch từ “corrupt” là “tham nhũng” trong những văn cảnh nhất định nào đó).Chế độ toàn trị phản dân chủ là nguyên nhân sâu xa cho cái chuyện “quyn lc tuyt đi thì tha hóa cũng tuyt đi ” ấyLiệu lịch sử loài người đã biết có bao nhiêu thứ “quyền lực tuyệt đối” như chê độ toàn trị hiện hành?

Thật ra thì vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, Milovan Dijlas, tác giả của “Giai cp mi“, một tác phẩm viết trong tù  được bí mật gửi ra nước ngoài và được in ở New York năm 1957 từng phân tích rất rành mạch về chyện này :

Đng sinh ra giai cp. Sau đó giai cp t phát trin bng chính ngun lc ca mình và s dng đng như là cơ s đây, mun tr thành ch s hu hay đng s hu thì cn phi len được vào hàng ngũ ca b máy quan liêu chính tr“.

Ông chỉ ra rằng : “Giai cp mi ging như mt hình kim t tháp : đáy to, càng lên trên càng hp dn. Đ đi lên, ch ý chí không chưa đ, còn cn phi hiu và “vn dng lý lun na”, cn phi quyết lit trong cuc đu tranh vi k thù, phi cc k khôn khéo khi xy ra các cuc tranh chp trong ni b đng, phi nm được ngh thut, thm chí tài năng trong vic cng c v trí cho giai cp na“.

Vì thế, “cùng vi vic cng c giai cp mi, khi b mt ca nó càng th hin rõ, thì vai trò ca đng cũng ngày càng gim đi. Ht nhân và cơ s ca giai cp mi đã hình thành bên trong cũng như trên đnh quyn lc ca đng cũng như ca b máy nhà nước. Cái đng tng có lúc là mt t chc sinh đng đy sáng kiến, thì nay, đi vi nhng người cm đu ca giai cp mi, đng đã biến thành mt vt trang trí, càng ngày ch càng kéo vào hàng ngũ ca mình nhng k hãnh tiến, nhng k mun nhp vào hàng ngũ ca giai cp mi và đy nhng người vn còn tin vào lý tưởng ra“.***

“Hiện tượng Trần Độ” liệu có phải là minh chứng sống động về“nhng người vn còn tin vào lý tưởng” bị đẩy ra một cách quyết liệt, quá sức phũ phàng, cạn tàu ráo máng? Mà phải đẩy ra bằng được, vì lý tưởng cao đẹp của con người ấy đang là vật cản cho quá trình “cng c giai cp mi bên trong cũng như trên đnh quyn lc ca đng, cũng như ca b máy nhà nước“.

Chẳng có gì khó hiểu và ví ( bí?) ẩn trong chuyện phũ phàng, cạn tàu ráo máng với Trần Độ. Đây là diễn biến logic về sự tha hóa của quyền lực. Nó đồng thời cảnh báo một nguyên lý sẽ được đẩy tới ngày càng hung dữ và bất chấp đạo lý cũng như luật pháp : quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối! Chuyện chà đạp lên đời sống tâm linh trong đạo lý nghĩa tình dân tộc chẳng là gì so với chuyện củng cố bộ máy quyền lực khi “cn phi quyết lit trong cuc đu tranh vi k thù, phi cc k khôn khéo khi xy ra các cuc tranh chp trong ni b đng, phi nm được ngh thut, thm chí tài năng trong vic cng c v trí cho giai cp mi đang nm quyn”!***

Thế thì làm sao chấp nhận được một ủy viên trung ương đảng, một phó chủ tịch Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, lại đòi hỏi :” Đng Cng sn phi t mình t b chế đ đc đng, toàn tr, khôi phc vai trò, v trí vn có ca Quc hi, Chính ph. Phi thc hin đúng Hiến pháp, tc là sa cha các đo lut chưa đúng tinh thn Hiến pháp. Đó là phi có nhng đo lut ban b quyn t do lp hi, lp đng, t do ngôn lun, lut báo chí, xut bn. Sa cha các lut bu c ng c t do, t b quyn quyết đnh ca cơ quan t chc Đng…”.

 

Càng không thể nào dung nạp được một cách tư duy quyết liệt khi vạch ra rằng :” Không nên lm dng ch cách mng. Ta bây gi không phi là cách mng chng ai c, không phi đánh đ ai c. Xây dng hoà bình thì phi đoàn kết, có gì tr ngi thì hoá gii nó đ tiến lên…không th lúc nào cũng phi có chương trình hot đng cách mng, lúc nào cũng phi hành đng cách mng…

 

Chính quyn bây gi không phi là chính quyn cách mng. Điu đó ch có ý nghĩa khi cách mng va mi thành côngNgày nay chính quyn phi là chính quyn xây dng. Chính quyn xây dng thì phi có nhng ch trương, chính sách làm cho mi người dân đu được t do làm ăn. Và t đó người dân phi có t do nói, t do tìm thông tin và trao đi thông tin. Như thế t do làm ăn mi thc hin được…  rt nhiu nơi, nhiu lúc, không cn đến cách mngNhưng tt c các nơi đu cn có t do, và ln nht là t do làm ăn phi có t do hưởng li ích ca kết qu s làm ăn đó.

Nhân dân ch mun tiến hoá, ch không mun cách mng bo lc! Đt nước ta đã tri qua mt thi k lch s kéo dài gm nhng cuc chiến đu chng xâm lược giành đc lp, hoà bình xây dng, ri li b xâm lược. Và li chiến tranh chng xâm lược. Qua quá trình đó mà đt nước ta trưởng thành và phát trin. Cho đến nay, đt nước đã được hoà bình đc lp, thng nht.

Không biết tương lai loài người s phát trin, tiến b thế nào và do đó đt nước ta s gp nhng tình hung thế nào ? Nhưng chc chn là nhng bước đi sp ti ca ta cũng không có th lp li y nguyên nhng tình hình trước đây

“Động trời” hơn nữa khi Trần Độ tuyên bố không úp mở : ” Chiến tranh ln và các hot đng bo lc, lt đ càng ngày càng tr nên lc hu li thi…Đ có t do và hnh phúc, không nht thiết phi có bo lc, không nht thiết phi đánh đ ai. Thm chí ngày nay có nhng nn đc lp giành được cũng không cn có bo lc và chiến tranh“!

Và rồi, người đứng đầu cơ quan lãnh đạo văn hóa văn nghệ mà lại công khai nói thẳng cái sự thật nghiệt ngã mà hơn nửa thế kỷ qua người ta cố né tránh, bưng bít : “Văn hóa mà không có t do là văn hóa chết. Văn hóa mà ch còn có văn hóa tuyên truyn cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa by nhiêu, càng hiếm có nhng giá tr văn hóa và nhng nhà văn hóa cao đp”.

 

Cách chức, khai trừ đảng là chuyện quá dễ hiểu, không thế mới lạ! Thì chẳng phải đã có một ví dụ quá rõ nét khi Đảng và nhà nước Nam Tư đã bỏ tù tác giả của “Giai cp mi“, người đã từng được bầu làm Phỏ Tổng thống Liên bang Nam Tư, “cây lý luận hàng đầu” của Đảng Cộng sản Nam Tư đó sao?

Milovan Dijlas từng tuyên bố : “Tôi, mt trí thc đã đi trn con đường mà mt đng viên cng sn có th đi. T nhng chc v thp nht, t các t chc cơ s cho đến quc gia và quc tế, t vic thành lp mt đng cng sn chân chính, chun b cách mng, đến vic tham gia xây dng cái gi là chế đ xã hi ch nghĩa. Không ai buc tôi phi tham gia hay t b ch nghĩa cng sn c. Tôi đã t quyết, theo nim tin ca mình, mt cách t do…Càng ri xa ch nghĩa cng sn, tôi càng tiến gn đến lý tưởng ca ch nghĩa xã hi dân ch“…

Tư tưởng bình đng và bác ái tn ti cũng lâu như chính loài người, được ch nghĩa cng sn ng h trên li nói, vn mang trong mình nó sc hp dn vĩnh hng đi vi nhng chiến sĩ tranh đu cho t do và tiến b. Sc hp dn mang tính nhân bn ca nhng lý tưởng đó đã làm cho vic phê phán chúng tr thành không ch phn đng mà còn trng rng và vô nghĩa na”.

Chính vì thế, người trí thức “đã đi trn con đường mà mt đng viên cng sn có th đi” ấy đã “tp trung mô t đc trưng ca ch nghĩa cng sn hiến đi…Tt c ch là sn phm ca thế gii mà tôi đang sng và đang phê phán. Tôi đã thy và đã trình bày tt c mà không ngượng ngùng khi thú nhn rng mình đã là sn phm ca nó, có lúc đã là người tham gia xây dng nó và bây gi là người phê phán nó“. ***

Phải chăng đây là sự” phê phán nó” khi “” đã tự tha hóa, tự biến mình thành công cụ trong tay “giai cp mi” với lợi ích của chính nó, củng cố chế độ toàn trị phản dân chủ, quay lưng lại với nhân dân? Trong những bức thư Trần Độ gửi lãnh đạo của, đặc biệt là bức thư viết vào cuối năm 1974 dưới bút danh Chín Vinh, đã có bóng dáng của sự phê phán nói trên :” nhiu hin tượng tiêu cc trong xã hi và trong tt c các t chc Đng, trong b máy chính quyn…Điu đó ai cũng thy. Thế nhưng vn đ là ti sao nó li chuyn biến chm chp. S biến chuyn chm chp này đã to ra mt tình trng gim sút lòng tin trong cán b, đng viên, trong nhân dân và đáng ngi nht là trong thanh niên…Nhng hin tượng tiêu cc ca xã hi ( và trong Đng, trong chính quyên) làm vn đc s trong sáng và đp đ ca nhng lý tưởng, đu đc nhng lòng say mê hăng hái có tính cht lãng mn cách mng, “sng tiêu cc”, to nên “mt thế lc xã hi” bao vây và xua đui nhng tâm hn trung thc”…mi người trung thc đu nóng lòng mong đó mt cái gì đi mi, chuyn biến gì mnh m…”.****

Phải chuyển nhanh, phải đổi mới nhanh để khỏi phải chứng kiến những điều đau lòng mà ông nghe được từ người bạn cũ cùng xóm lần ông từ chiến trường về quê sau mười năm xa cách :”cuc sng nhà tht khn kh, khn kh nhưng không ai dám kêu. Đói đy phi bo là no. Có ai hi đu nói ” cám ơn bác cũng đ ăn. Nếu kêu đói tc là thành phn xu. Ông hỏi người bạn cũ : Được my cháu ri?– Nh ơn cách mng được ba đa- Sao li nh ơn cách mng?-  chiến trường không biết ch nhà cái gì ch nh ơn cách mng. Nuôi được con ln to, cưới được v cho con, nht nht là ơn ca cách mng c“!

Là người lăn lộn ở chiến trường cùng với chiến sĩ, lặng lẽ ghi những hiện thực thất đáng buồn ở hậu phương, câu chữ ngọn bút ghi lại chạy trên trang giây mỏng hoàn toàn là sự thật, tướng Trần Độ day dứt : “Nếu s tht này tin tuyến người lính biết được hoàn cnh sng ca cha m v con thì cp trên biết nói thế nào vi h“? **** Trung thực với chính mình, trung thực với cuộc sống, trung thực với lịch sử, chính cái đó tạo ra “hiện tượng Trần Độ”, ở đây “sc hp dn vĩnh hng đi vi nhng chiến sĩ tranh đu cho t do và tiến b. Sc hp dn mang tính nhân bn ca nhng lý tưởng đó” bị chính sự dối trá lọc lừa của “quyn lc b tha hóa” làm cho băng hoại. Bằng sự trải nghiệm của cả cuộc đời dấn thân trọn vẹn cho lý‎ tưởng nhân văn cao đẹp, Trần Độ tỉnh táo nhận ra sự băng hoại khủng khiếp đó.

Trong Nhật ký viết vào những năm cuối đời mà ông gọi “đây là mt tc lòng “đ tng người đi và cuc đi. Đây là nhng ý nghĩ nung nu trong nhng tháng cui năm Rng và đu năm Rn, và cũng là nhng ý nghĩ nung nu trước đó hàng chc năm và s còn nung nu tiếp đến c khi sang thế gii bên kia. Đây là ni nim cay đng ca mt cuc cách mng, và ca mt kiếp người“.

Vấn đề Trần Độ đặt ra đâu chỉ là ý nghĩ của riêng ông. Mt xã hi mà công dân không được quyn sng tht, nói tht, nhà văn cũng không được quyn bc bch tâm s riêng tư ca mình trên trang giy là mt xã hi không có chân móng. Câu này Nguyễn Khải viết trong “Đi tìm cái tôi đã mât“. Thật đau đớn khi “mt dân tc đã làm nên chiến thng Đin Biên Ph mà mt người dân nám đen, mt nhìn ngơ ngác, đi đng long rom như mt k bi trn. Qu tht dân tc Vit Nam đã thng ln trong phong trào chiến tranh gii phóng nhưng li thua đm trong công cuc xây dng mt xã hi t do và dân ch. Thoát ách nô l ca thc dân li t nguyn tròng vào c cái ách ca mt hc thuyết đã mt hết sc sng. Dân mình sao li phi chu mt s phn nghit ngã đến vy! Vẫn là Nguyễn Khải dăn vặt trong “Đi tìm cái tôi đã mt“.

Mà đâu chỉ nhà văn Nguyễn Khải có nỗi dắn văt đó, nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Trừ Đi” cũng từng nói lên nỗi đau dằng xé tâm can :

Sau này anh đc thơ tôi nên nh

Có  phi tôi viết đâu! Mt na

Cái cn đưa vào thơ, tôi đã giết ri

Giết mt tiếng đau – giết mt tiếng cười

Giết mt k nim – giết mt ước mơ – tôi giết

Cái cánh sp bay – trước khi tôi viết

Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên n trên b

Và giết luôn mt tri lên trên bin – Giết mưa

Và giết c c trong mưa luôn th

Cho nên câu thơ tôi gy còm như thế

Tôi viết bng xương thôi, không có tht ca mình

Và thơ này rơi đến tay anh

Anh bo đy là tôi.

                             Không phi!

Nhưng cũng chính là tôi – Người có li

Đã phi giết đi bao nhiêu cái

Có khi không có ti như mình 

                                             

Chính vì thế, Trần Độ thẳng thắn chỉ rõ :

T do là chìa khoá ca phát trin.

Tôi nghĩ thế này: nước Vit Nam ta hin nay, sau bao nhiêu năm đu tranh và chiến tranh gian kh, cn phi hoà bình phát trin và cn phi phát trin nhanh, đ bù li nhng thi gian đã mt, và đ theo kp các nước chung quanh. Đó là mc đích và yêu cu quan trng nht ca đt nước. Nhng cái khác là ph. Do đó, đ phát trin đt nước thì rõ ràng ta phi tìm đường li nào, hc thuyết nào phc v được yêu cu đó. Nếu tht s coi phát trin đt nước là quan trng nht thì Đi đoàn kết dân tc là quan trng hơn đu tranh giai cp; trí thc quan trng hơn công nhân và nông dân; phát trin sc sn xut là quan trng hơn mi th; đ dân làm ch mi lĩnh vc quan trng hơn các trò chuyên chính đàn áp; nghe và thu thp được nhiu ý kiến khác nhau và trái ngược nhau k c v đường li chính sách, quan trng hơn là bt mi người phi tuân theo mt quan đim, mt ý kiến“.

Cho nên, đúng là không có gì khó hiểu khi người ta phải khai trừ Trần Độ ra khỏi đảng, rốt raó đến độ khi ông mất lại cạn tào ráo máng cấm không được “thương tiếc ông“. Đây là kế tục thực hiện một nguyên lý‎ cai trị. Thì chẳng thế sao ? Từ những năm 1955, ngay sau giải phóng Thủ đô, thay vì “Khi đoàn quân tiến v là đêm tan dn” như Văn Cao mơ ước, người ta đã “…đem bc công anh đt gia tim người/ Bt tình cm ngược xuôi/ theo lut đi đường nhà nước“. [Thơ Lê Đạt] Chẳng những thế, “phi to ra mt tình hình chính tr luôn căng thng (mt cuc chiến tranh có th xy ra, mt cuc bo lon có th xy ra) đ buc các công dân phi sng trong nhng quy chế nghiêm ngt ca thi chiến, các chế đ toàn tr ch có hai cơ quan mà quyn uy bao trùm c xã hi. Đó là cơ quan tư tưởng, tuyên truyn và cơ quan công an. Mt đ chn, mt đ chng. 

Còn khi đã có chuyn bt thường xy ra thì ch có mt bin pháp: đàn áp, bt gi, lp toà án xét x nhng k cm đu. Cách gii quyết va nhanh gn li mau n đnh, không dây dưa, phin toái vì có quá nhiu lut l, qua nhiu lý l như các nước tư bn. Nhng ri lon vt vãnh tht ra là nước là không khí ca các nhà cm quyn đc tài. 

H đâu có s lon. H còn bày ra nhng cuc chiến cung đình như Liên Xô và các nước Đông Âu, hay mt cuc chiến gia nhân dân vi nhau như đã làm Trung Quc. Không có mùi v ca thuc súng, ca máu người và nhng tiếng la hét cung n ca đám đông thì người cm quyn biết th bng gì“…Những câu này là của tác giả “Đi tìm cái tôi đã mất”.

Chính vì thế mà phải ” Nói di lem lém, nói di lì lm, nói không biết xu h, không biết run s vì người nghe không có thói quen hi li, không có thói quen lưu gi các li gii thích và li ha đ kim tra. Hoc gi hi li và kim tra là không được phép, là ti k, d gp tai ho nên không hi gì cũng là mt phép gi mình. Người nói nói trong cái trng không, người nghe tuy có mt đy nhưng cũng ch nghe có nhng tiếng vang ca cái trng không. Nói đ giao tiếp đã tr thành nói đ không giao tiếp gì hết, nói đ mà nói, ch l làm người li không nói .

 Tht ra nói thế mà vn hiu nhau c. Người cm quyn thì biết là nhân dân đang rt bt bình v nhiu chuyn, nhân dân thì biết người cm quyn đang nói di, nhìn vào thc tin là biết ngay h đang nói di. Nhưng hãy mc h vi nhng li l di trá ca h, còn mình là dân ch nên hi li nói thế là tht hay không tht

Mi cái khác vi chính thng đu b lên án, mi cái ging nhau đu được tuyên dương. Vì nhng cái khác nhau rt khó to ra s nht trí, còn nhng cái ging nhau s d nghe theo, làm theo mi mnh lnh.

Nhà văn Nguyễn Khải đau đớn đặt ra một câu hỏi : “mt môi trường xã hi ngt ngt vì cái bóng quyn lc ph lên tt c, quyết đnh tt c thì s phn nhng cá nhân s ra sao? Vị tướng Trần Độ trả lời câu hỏi đó trong những trang Nhật ký viết ở chặng sắp kết thúc một cuộc đời dấn thân trọn vẹn cho lý tưởng cao cả từ thuở đầu xanh cho đến lúc tóc bạc để đúc kết vào chỉ mỗi một câu thôi :

 Đây là ni nim cay đng ca mt cuc cách mng, và ca mt kiếp người“.

Tôi mượn câu này làm một nén hương lòng thắp trước di ảnh của ông nhân ngày Giỗ của người mà tôi kính mến. Tôi là kẻ hậu sinh, quen biết ông quá muộn, được ông xem là bạn vong niên đã là một niềm cảm kích lớn, xin chỉ gợi lại một kỷ niệm nhỏ với ông. Hôm ông đến chơi, ông trách tôi : “anh tệ thật, không thèm gửi sách cho tôi”, vừa nói ông vừa đến bên giá sách và chỉ vào cuốn “Kho sát xã hi hc v phân tng xã hi” đã in cách đó 5 năm. Tôi choáng người, vội xin lỗi và thanh mình : “Chết tôi ri, tôi đã gi biếu anh ngay sau khi nhn được t nhà xut bn v. Tôi còn nh rõ, cun đánh s 4“. “Sao? Đánh s? li s 4″, ông ngạc nhiên hỏi.

“Vâng, chính vì thế mà tôi nhớ rõ mà. Duyên do là cuốn sách ấy chỉ là toàn bộ bản báo cáo về cuộc khảo sát xã hội học ở Thái Bình mà Anh đã hỏi chuyện tôi khi gặp anh tại nhà khách tỉnh ủy sau đó một năm nay hoàn chỉnh lại về văn phong, câu chữ để đưa in. Tuy đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước chấp thuận, nhưng khi đưa in thì Nhà xuất bản đòi bỏ một số đoạn. Tôi từ chối. Giằng co mãi, cuối cùng anh Nguyễn Duy Quý xử lý một cách rất cao tay : in và lưu hành nội bộ. Tôi đồng ý ngay. Chỉ cần in, còn lưu hành nội bộ thì càng tốt, đó là một cách quảng cáo cho sách. NXB chơi chua : chỉ in 100 cuốn và đánh số từ 1 đến 100, gửi cho ai thì phải ghi tên người đó và số của cuốn sách (!). Cuốn này, tôi gửi cho anh HTK, sau khi anh ấy mất, tình cờ đến chơi nhà, thấy cuốn sách nằm lăn lóc trong đống sách cũ, tôi xin lại đem về đặt vào đây, cuốn sách mà anh đang cầm trong tay đó, vì còn cuốn cuối cùng trên giá sách này thì một người bạn thân cầm về rồi “quên” chưa trả”.

Ông trầm ngâm đưa trả cuốn sách không nói gì. Một lần khác, cùng ông lên chơi nhà Thu Bồn ở “Suối Lồ Ồ”, đến nơi thì đã tối tròi, khi bước xuống xe thấy ánh đèn flash lóe sáng. Ông cầm tay tôi nói to với các bạn cùng xuống xe : “đng li đ người ta chp nh đã, chp xong ri hãy vào nhà“, mọi người cười ồ. Lúc ăn cơm, tôi nhắc với ông để in lỗi vì chưa đi photo cuốn sách để gửi đến ông nhưng nói thêm là sách lạc hậu rồi, anh đứng mất thì giờ đọc làm gì. Ông cười và yêu cầu gửi gấp, câu này ông nói hơi to. Thế là, sáng hôm sau, một người học trò cũ của tôi, nay là “nhà báo”, người ngồi cạnh tôi tối qua ở nhà Thu Bồn và bả lả vui vẻ : “em tình c thy thy và theo vào đây, vui quá, thy cho phép em ngi ch“, bỗng bất ngờ đến chơi. Thầy trò gặp nhau vui vẻ, anh ấy xuống bếp mươn mấy cái đĩa, lôi từ trong túi giấy ra mấy thứ bánh lá “em biết thy vn thích loi bánh này nên mang đến thy dùng ba sáng“. Vừa ăn bánh, vừa hàn huyên bao chuyện cũ, anh học trò hạ giọng, “thầy ơi, cuốn sách thầy đinh photo biếu bác Độ, thấy có thể cho em xem được không ạ”.Biết việc anh ấy phải làm và mục đích của bữa ăn sáng, tôi kéo anh ta đến giá sách, lôi cuốn sách ra đưa cho anh và nói : “Mình nh cu đi photo giúp mình, qu tht mình cũng đang đnh làm chuyn này nhưng bn quá. Cu photo cho mình 2 cun, mt mình gi li, mt đưa biếu ông Đ, còn li cu mun photo y bn đ cho công vic ca cu thì tùy“! Người ta “chăm sóc” ông Độ thật chu đáo.

Nhưng rồi bộ sách”Trần Độ. Tác Phẩm tập 1, 2,3″ do NXB Hội Nhà Văn in rất đẹp cũng đã ra mắt bạn đọc. Dành thì giờ đọc lướt qua mấy nghìn trang sách, nhưng những lời, những đoạn tôi trích ra trong bài viết này thì không có ở trong đó.Thôi thì chăc là ai đó đang sực nghĩ đến những bước đi của lịch sử và sự sòng phẳng của lịch sử. Ngạn ngữ phương tây có câu : “Không có vĩ nhân dưới con mt ca k hu phòng“. Người hầu phòng mẫn cán và thông thạo nghiệp vụ chỉ cần đánh giá khách hàng của anh ta thông qua đẳng cấp căn phòng mà khách thuê và số tiến bo anh ta sẽ nhận được từ hầu bao của vị khách.

Sực nhớ đến “Li” trong “Bơ vơ Đông đo” của Việt Phương :

Nhng người lính tr ngã xung Lng Sơn

                   không liên quan gì đến ngày hôm nay na

Ch còn lo toan nhng ghế nh lên ghế to

                    xe cúp lên ô tô chung cư lên bit th

                              trong cuc đòi bơ sa mà thôi. 

Vậy thì người lính Trần Độ, tướng Trần Độ, nhà văn hóa Trần Độ liệu có “bơ vơ” giữa cuộc đời “đông đo” này không nhỉ?

Tôi tìm thấy trong tâp thơ “Nng” của Việt Phương với đề từ “đi đang đón đi đ đong đy” vừa nhận được hôm qua hai câu :

Mong sao được là người mê mui

Ln xung sâu đm đui gp chân tri

Sài Gòn 8.8.2013

_______________________

Roger Pearson, (2005), Voltaire Almighty, London: Bloombury Publishing. Tr. 66 – 67.

** Maxim Gorky Nhng ý tưởng không hp thi đăng trên nhật báoNovaja Žizn (Đời Mới) trong những năm 1917-1918.  NXB Surkamp               taschenbuch của Đức ấn hành năm 1974.

***Những đoạn có *** đều trích trong “Giai Cấp Mới” của Milovan Dijlas

**** Những đoạn có **** đều trích trong “Chuyện Tướng Độ” của Vũ Bá Cường. NXB Quân Đội Nhâ dân

 

Nguồn: blog Quê Choa