vietsoul21

Archive for Tháng Tư, 2013|Monthly archive page

Tháng Tư này, nhớ và quên

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam, Văn Hóa on 2013/04/26 at 15:11

Viết từ “vùng biên” đáp lời “Tháng Tư, và bạn và tôi”[1]

Memory_PoliticalAgendaDường như cứ mỗi tháng Tư đến thì hồn ma ám ảnh lại lãng vãng trở về và xương khô lục đục bước ra. Bên “thắng cuộc” rầm rộ lễ hội ăn mừng. Bên “thua cuộc” mất nước lưu vong ngậm ngùi tưởng niệm. Rồi như một điệp khúc nghịch lý mỗi năm một đậm nỗi băn khoăn nên có người đã hỏi, “Gần 40 năm rồi sao chúng ta vẫn chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến…?[2] và có người không ngần ngại trả lời “chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa[3].

Phải chăng chẳng ai có thể bắt buộc (mỗi cá nhân) ta phải nhớ như thế nào? Phải chăng ta tự cho mình quyền nhớ điều này và quên điều nọ? Phải chăng ta muốn nhớ như thế nào cũng được? Hay là ta tự lựa chọn cái để nhớ và gạn lọc cái cần quên?

Tôi không có một ảo tưởng về cái tự do (ở bên ni hay bên nớ) để nhớ và để quên. Tôi luôn cảnh giác với cái bị quên và điều buộc nhớ. Có lẽ quên thì dễ hơn là nhớ. Quên lãng thường đem lại cho ta cảm giác êm đềm và thăng bằng trong cuộc sống. Dù có thể chỉ trên bề mặt cho qua ngày tháng. Ngược lại, hồi tưởng chiêm niệm quả là khó tránh khỏi chuyện đem lại bao cảm xúc khác màu, lạc âm cho mỗi cá nhân ta.

Hồi tưởng đem lại những cảm xúc khác nhau, thay đổi theo tùy thời gian và theo từng trải nghiệm. Hồi tưởng đem lại cảm giác hân hoan, thỏa mãn, tự hào, đớn đau, ngậm ngùi, xé lòng, hổ thẹn. Hồi tưởng có thể nâng người lên bệ phóng mà cũng có thể đẩy ta đến bờ vực chênh vênh.

Quên lãng và hồi tưởng tựa như hai mảng màu trong một quang phổ lăng kính ký ức đầy phức tạp. Ký ức không chỉ nằm ở góc xó riêng tư và ngăn tủ cá thể nhưng hòa trộn với biển hồ của ký ức tập thể. Hơn nữa ký ức còn tương tác qua lại trong tiến trình định hình bản sắc cá thể (personal identity) và bản sắc tập thể (collective identity) cũng như đan chéo ngang dọc với và trong lịch sử một dân tộc. Ký ức đó có lúc tách màu có lúc hợp quang. Nhưng hai mảng màu ký ức đó không có khả năng tách rời khỏi quang phổ. Nó chỉ có quyền được diễn đạt tự do hơn trong đời thường riêng tư cá lẻ, và có lúc chuyển động ồ ạt trào dâng khi bị chạm mặt bất chợt. Ngược lại, nó thường bị kiềm hãm khi phải phơi bày giữa đám đông hiếu kỳ nhưng cô quạnh tâm hồn—khi đồng hoang không xanh, sông đã ngừng chảy trong tâm tưởng.

Quên và nhớ không ngừng tác động từvới tâm sinh lý cá thể và điều kiện hóa xã hội. Quên lãng và hồi tưởng không ngừng di chuyển đẩy đưa trong tiến trình thành lập và nẩy nở của bản sắc cá thể và bản sắc tập thể—nhất là trong hoàn cảnh di dân hay lưu vong. Quên và nhớ trong tâm thức tị nạn do đó bị buộc sàn lọc từ vô thức và được lọc lừa qua ý thức.

Những động cơ và ước muốn thầm kín (mang tính tâm sinh lý) luôn đứng canh chừng chộp vồ những ký ức lơn tơn kéo vào sau cánh gà hoặc đẩy ký ức trịnh trọng ra trước tấm màn sân khấu. Những động cơ và áp lực từ cuộc sống, bản sắc, và vị thế xã hội lắm lúc chực chờ để thi hành phận sự kiểm duyệt chỉ để trình làng những gì thuận lợi nhất cho riêng cá thể. Ký ức nào lơn tơn bị kéo vào bóng tối sau cánh gà để cho vào quên lãng? Ký ức nào được rọi trước ánh đèn màu để ghi vào bộ nhớ?
Động cơ nào để quên và ước muốn nào để nhớ? Phải chăng truyền thông đại chúng và cỗ máy tuyên truyền thiết tạo các đại tự sự tầm quốc gia đã và đang định hướng rồi điều kiện hóa chúng ta về chuyện gì cần nhớ và điều nào phải quên? Nhất là hướng về những nơi chốn và tình cảm lưu luyến một thời giờ đã xa lìa cách biệt?

Nhớ “Giải phóng miền Nam”, nhớ “ơn đảng, ơn chính phủ”, nhớ “trung với đảng”, nhớ “vì đảng, vì mình”, nhớ “đảng quang vinh muôn năm”, nhớ “đêm qua em mơ gặp bác Hồ”, nhớ “tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhớ “chùm khế ngọt”, nhớ “khúc ruột ngàn dặm”.

Quên “cải cách ruộng đất”, quên “nhân văn giai phẩm”, quên “thảm sát Mậu Thân”, quên “học tập cải tạo”, quên “chôn dầu vượt biển”, quên “Nghĩa Trang Biên Hòa”, quên tượng đài thuyền nhân bị đục khoét ở các trại tị nạn, quên “Bản Giốc, Nam Quan”, quên “Gạc Ma, Trường Sa”, quên “ngàn năm đô hộ giặc Tàu”, quên “chiếm đất Cồn Dầu”, quên “cưỡng chế Văn Giang”, quên “lao động bán thân”, quên thân phận nô đòi chế độ nội-thực-dân cộng sản.

Bạn Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải, chỉ muốn nhớ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” thì ai đã không chấp nhận cho anh nhớ như thế? Ai đã bịt miệng anh bắt anh câm lặng trong lao tù? Và bao người khác cũng chỉ muốn nhớ điều đơn giản ấy nhưng cũng bị giam cầm, sách nhiễu, hành hung, trấn áp. Ai bắt họ phải quên?

Bạn Cù Huy Hà Vũ chỉ lên tiếng chấp nhận (muốn nhớ) những người miền Nam trước đây đã chiến đấu bảo vệ tự do và mong đất nước Việt Nam thuộc về người dân từ hai thể chế miền Nam, miền Bắc đa dạng chứ không phải chỉ rơi vào tay một đảng csvn cầm quyền. Thế thì ai đã thảy hai bao cao su, đem còng số tám xiềng xích hai tay anh? Ai bắt anh phải quên đi những người miền Nam đó?

Bạn từ Bắc chí Nam muốn nhớ một Việt Nam từ thuở vua Hùng dựng nước bao nhiêu triều đại và anh hùng giữ nước–thay vì của đảng csvn với chủ thuyết ngoại lai vong bản áp đặt chế độ toàn trị nội-thực-dân với điều 4 hiến pháp đeo gông cùm vĩnh viễn vào người dân—thì bị hàm hồ thóa mạ gán ghép là “suy thoái”, “phản động”, “thế lực thù địch” và bị trấn áp, đuổi việc, tù đày.

Ký ức cá nhân dễ bị chi phối bởi cả hai yếu tố tâm sinh lý cá thể và điều kiện hóa xã hội trong khi ký ức tập thể thì gần như bị thống trị bởi điều kiện hóa xã hội qua lịch sử.

Thế nên tôi luôn cảnh giác với thói quên của mình cùng sức nhớ của người.

Tháng Tư đó, đã là quá khứ và mốc điểm của bao cá nhân, tập thể. Để rồi …

Tháng Tư này, bạn và tôi quên nhớ những gì?

Memory_GhostHunter

Tôi có thể tạm quên những gì xảy ra trong quá khứ nhưng đừng bắt tôi phải quên cái đang diễn ra trước mắt ở hiện tại. Tôi không thể nhắm mắt mà sống. Tôi không thể câm lặng hiện hữu. Những bất công, bất cập, áp bức, khủng bố hàng ngày trên nẻo đường quê hương cố quận sao không được nhớ?

Tôi không thể quên Văn Giang, Tiên Lãng, Đồng Chiêm, Cồn Dầu. Tôi không thể nào chôn nỗi đau đớn và nhục nhã các ngư phủ ngồi khép nép dưới họng súng quân TQ và những mộ gió trên đảo Lý Sơn. Tôi không thể nào dấu cảm xúc phẫn nộ thấy hai mẹ con trần truồng giữ đất bị nắm tóc nắm chân lôi đi như những con lợn trước khi đưa vào lò mổ. Tôi không thể nào xóa được khỏi trí nhớ mình hình ảnh các cô gái miền Tây trở thành sản phẩm qua hình ảnh bày bán nhan nhãn ở các nước láng giềng. Tôi không thể nào (quên) quen lờn với bao nhiêu bất công để miễn nhiễm lương tâm[4].

Tháng Tư tôi khóc cho những người phải bỏ nước ra đi, lướt sóng vượt đại dương, bao kẻ mất bấy người còn, đi tìm tự do, sống đời hạnh phúc.

Tháng Tư tôi khóc cho anh Vươn, ngọn đầu Tiên Lãng, lập đê đắp kè, chắn sóng đẩy lũ, vượt bao thử thách, con mất thân tàn chống trả quân “ác với dân, hèn với giặc” nội-thực-dân cộng sản.

Tháng Tư tôi cúi đầu tưởng niệm cho những vong linh oan khiên ngày cũ.

Tháng Tư tôi mắt trừng phẫn nộ cho bao mảnh đời đày đọa hôm nay.

Tháng Tư tôi hổ ngươi là con nước Việt cam phận nô đày.[5]

Bạn và tôi thuộc thế hệ “vùng biên”[6] này có thể nào chọn chỗ đứng ngoài lề để nhận định và phán xét. Bạn và tôi có thể cá thể hóa và đơn giản hóa vấn đề để giải quyết những khó chịu bề mặt hay bề sâu cho mình. Thật ra chúng ta những anh em ruột thịt, bên này bên kia, không bao giờ quên nhau, và chẳng bao giờ dửng dưng xa lạ đâu. Nếu quên, nếu dửng dưng xa lạ thì làm gì có bao triệu lượt chuyến bay hàng năm thăm viếng, bao tỷ đô la kiều hối chăm chút trút cạn hầu bao gởi về.

Thiển nghĩ nếu ta đơn giản hóa và chỉ tiếp cận trong liên đới về mặt tình cảm bằng cách cá thể hóa vấn đề thì bạn và ta đã—dù vô tình hay cố ý—đè nén và dập tắt tương tác giữa ký ức với chính trị và quyền lực.

Thế thì mối quan hệ của bạn và tôi với quyền lực là như thế nào?

Liệu lời mời gọi “làm sao để những người Việt Nam từng ở bên này bên kia có thể gặp nhau ở bất cứ đâu một cách thoải mái, chân tình, ấm áp như những người ruột thịt, để cho người bạn vong niên thân quý của chúng ta có thể về lại quê hương, sống bình an vào những năm cuối đời có thể thực hiện nếu chúng ta phải tự bịt miệng, bịt mắt, bịt tai?

Bịt miệng không được (nhắc) nhớ điều này và phải (im) quên điều nọ, bịt tai không phải nghe đảng csvn quang vinh muôn năm, học tập tư tưởng HCM, bịt mắt để không phải thấy cưỡng chế cướp đất áp bức nông dân, phá hủy giáo đường tín đồ Tin Lành/Công Giáo, đập phá thánh thất Cao Đài/Hòa Hảo, đàn áp các buổi cứu trợ thương phế binh VNCH v.v…

Tôi e ngại nhận lãnh một lời hiệu triệu “thế hệ chúng ta có trách nhiệm cần phải mở đầu, thúc đẩy và tiến hành những mối quan hệ nhằm làm lành những vết thương của thế hệ tham chiến, làm cầu nối cho những trái tim thế hệ hậu chiến còn thờ ơ đến được với nhau, bởi chúng ta có sự trải nghiệm chiến tranh có cả sự hiểu biết của thời *toàn cầu hóa* để chia sẻ với thế hệ cha anh và thế hệ con cái chúng ta.”. Bởi vì ngay cả một thái độ trân trọng của thiền sư Nhất Hạnh dù chỉ mong lập đàn giải oan cho các vong linh người chết của hai miền đất nước thì cũng đã bị đáp trả như thế nào. Nói gì chuyện người sống!

Cái quyền lực bên “thắng cuộc” chỉ nhằm nuôi dưỡng, thúc đẩy tiến hành củng cố những mối quan hệ chuyên chính với “chân lý của nòng súng” trong các rao giảng tính “chính danh”. Chưa bao giờ họ lắng nghe hoặc chấp nhận quan điểm nào khác.

Chắc bạn có thiện ý mong bên “thua cuộc” quên đi để lấy lại sự “thăng bằng” tâm lý nhằm tạo cuộc sống an bình cá nhân. Riêng tôi thì không có quyền đánh giá phán xét “mặc cảm thất bại” trong giới cha anh bên “thua cuộc”. Tôi chưa sống trọn ở vị thế của họ để chiêm nghiệm xem có phải sự “thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha” đã gây ra “mặc cảm thất bại” đó hay không.

Bạn và tôi có lẽ không thiếu sự cảm thông và lòng bao dung vì chúng ta thừa mứa xa xỉ sống trong vị trí bình an này. Nhưng chắc bạn và tôi chưa cảm nhận đủ phần nào cái khổ nạn họ gánh gồng, là nhân chứng của đầy đọa gian truân. Chỉ khi nào bạn và ta không chỉ nói mà còn sẵn lòng nhảy xuống đáy vực để cùng họ gào thét, khóc la, rên siết bởi vì không ai khóc than cùng và để tang cho họ thì may ra sự cảm thông và lòng bao dung của bạn và ta có chút thực dụng nào đó.

Bạn và tôi cùng ở trong một vị thế có thể tạm gọi là ưu đãi, vừa đủ tự do với quyền cơ bản để nói để viết, vừa đủ miếng ăn để sống mà không phải lệ thuộc xin-cho, vừa đủ tri thức và tự chủ để không phải vô tình quên và bị nhắc nhớ.

Bạn và tôi hưởng được những lợi ích từ toàn cầu hóa và tự do di dịch gần như tới bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này. Ngược lại, những cửu vạn, ô sin[7] và nô lệ hiện đại phục vụ bạn và tôi từ A tới Z—dù trực tiếp hay gián tiếp. Bạn và tôi là thượng đế của thời thượng.

Bạn và tôi có thể hãnh tin để tuyên ngôn về một “thế giới phẳng”—nơi mọi người, mọi nơi đều có sự bình đẳng trong tương quan cạnh tranh và giao dịch nào đó. Nếu chỗ ấy có thật đi nữa, nghĩa là bạn và tôi sống ở một môi trường tương đối phẳng không lắm hố nhiều đồi, ta cũng không thể tự lừa dối về một thế giới đồng hành có rất nhiều hố sâu không đáy và đỉnh cao không hề vượt nổi.

Bạn và tôi có quyền lực ưu đãi để tự cho mình quyền nói hộ cho họ—những ai đang ngụp lặn dưới hố sâu hay bám víu thành vực thẳm—để dám quả quyết thế nào là “sự thật”, để chọn lựa và khắn khít với dòng tự sự “hòa giải” thêu dệt của quyền lực (bên “thắng cuộc”)

Có lẽ điều cốt lõi nhất là bạn và tôi có quyền lực để hội nhập những mảng màu của cái “cá thể co cụm” hầu phù hợp với dòng tự sự của quyền lực xuyên quốc gia (tân tự do, toàn cầu hóa, thời thượng).

Có những tiếng nói xử dụng ngôn từ phù hợp hoa mỹ được trưng dụng tâng cao. Thì cũng có những tiếng nói tiếng lòng nấc nghẹn không đủ được nghĩa từ bị bưng bít xóa mù. Tiếng nói của bạn ít gì cũng thuộc giới học hàm nên được bay bổng và trích dẫn đó đây. Tiếng nói của vị thế ưu đãi và phía quyền lực thường được chấp cánh. Trong khi đó, tiếng nói của những người bên “thua cuộc” dường như nếu không bị bịt nghẽn thì cũng bị bóp méo. Ký ức của người miền Nam và lịch sử của chính thể Việt Nam Cộng Hòa gần như hoàn toàn bị tẩy xóa và gò nặn phản ánh góc nhìn quyền lợi kinh tế, chính trị nước Hoa Kỳ. Còn ký ức của người miền Nam ở tại Việt Nam thì khỏi phải nói làm gì.

Một khi ký ức mất đi thì dân tộc đó chết theo. Nếu như ký ức được ngụy tạo và bóp méo? Đó là điều tồi tệ nhất. Đó là thảm sát. (“When memories dies, a people dies. What if you create a false memories? That’s worse. That’s murder.”, Silvanadan – “When memory dies”)

Bạn và tôi có muốn chấp cánh cho những tiếng kêu gào dường như vô vọng từ đáy vực và những tiếng hú trơi ma của các oan khiên ngày cũ? Hay bạn và tôi chỉ thích dùng tấm bùa thực dụng của các pháp sư quyền lực để bịt miệng nó?

Phải chăng bạn và tôi là những người đi lách né trong căn phòng đầy pha lê tránh đụng chạm làm đỗ vỡ nhưng lại giả đò, làm ngơ bịt mắt, bịt tai không thấy không nghe con voi to đùng đang tung vòi đạp phá[8].

Truyền thống xã hội Tây phương tạm đủ khoảng không gian tự do để trí thức nói thẳng (sự thật) với quyền lực (speak truth to power) nhưng chưa chắc ai cũng muốn lên tiếng. Vì nói thẳng với quyền lực thì chẳng có lợi mà lắm khi lại bị rắc rối lôi thôi. Tôi vẫn luôn hy vọng rằng bạn và tôi không ngại bước ra, đứng vào vị thế chênh vênh thử thách cổ võ cho công bằng, mạnh dạn lên tiếng trực diện với quyền lực (bên “thắng cuộc”) tương tự như những gì bạn đã đặt câu hỏi cùng lời khuyên/tự nhủ cho tôi và bạn.

© 2013 Vietsoul:21


[1] “Tháng Tư, và bạn và tôi”, Nguyễn Thị Hậu, Viet Studies

[2] Cùng trích dẫn (1)

[5] Tháng Tư oan trái, Vietsoul:21

[6] “vùng biên”, vùng đệm, khoảng giao tiếp (in-between) giữa hai thế hệ, hai văn hóa, hai bản sắc

[7]Thời cửu vạn, ô sin”, Vietsoul:21

[8] “Elephant in the room” is an English metaphorical idiom for an obvious truth that is either being ignored or going unaddressed. “Con voi trong phòng” là một thành ngữ ẩn dụ tiếng Anh cho một sự thật hiển nhiên mà hoặc là bị bỏ qua hay không được nói tới.

Có nhiều điều đáng giá trong quyển “Cuộc chiến của Hà Nội”

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Thế giới, Việt Nam on 2013/04/18 at 22:36

“chiến thắng của Hà Nội không phải vì kiên trì và ngoan cường, không phải vì họ chinh phục được con tim và trí óc người dân miền Nam, không phải do những hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam, và cũng không phải vì nội tình chính trị nước Mỹ trói tay và làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ, nhất là dưới thời Nixon. Chiến thắng của Hà Nội chính là do sức ép không khoan nhượng và không thể cưỡng lại của khối quốc gia hậu thuộc địa, các quốc gia thế giới thứ ba, và nhiều quốc gia phản chiến cũng mong muốn dạy cho Mỹ một bài học và đã bị dẫn dắt bởi tuyên truyền và ngoại giao khôn ngoan của Hà Nội”

Richard Coffman

Phòng Thủ Tốt Nhất – Văn phòng về chiến tranh Việt Nam

Cuộc chiến của Hà Nội là một cuốn sách quan trọng dựa vào các hồ sơ lưu trữ bí mật của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuốn sách này biên niên về cách Hà Nội lên kế hoạch và tiến hành chiến tranh ở Việt Nam sau khi Pháp thua trận và rút khỏi Đông Dương năm 1954.

Hơn thế nữa, cuốn sách làm nổi rõ các bất đồng nghiêm trọng ở cấp cao nhất tại Hà Nội về ưu tiên, chiến lược, và các nguồn lực bên cạnh những thứ khác đã làm hỏng sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 và dẫn đến vụ bắt giữ và thanh trừng. Nếu Washington và Sài Gòn có một bức tranh rõ ràng hơn về điều này lúc đó thì cuộc chiến chắc chắn sẽ được tiến hành khác đi và kết quả cũng có thể là thuận lợi hơn. Có thể công bằng để nói rằng chúng ta chẳng biết nhiều về lãnh đạo của Hà Nội lúc đó như chúng ta biết gì về lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày hôm nay.

Như vậy, cuốn sách này cho thấy chiến dịch ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam và các cuộc hành quân đường bộ vào các chiến khu, cơ sở cộng sản ở Campuchia và Lào đã gây thiệt hại khá nặng vào nỗ lực chiến tranh của Hà Nội. Nó tiếp tục cho thấy sự thất bại hoàn toàn và chi phí khổng lồ của những cuộc tấn công lớn của Hà Nội trong năm 1968, 1969, và năm 1972 đã buộc miền Bắc phụ thuộc nhiều hơn vào Liên Xô và Trung Quốc và cuối cùng là tham gia vào các cuộc đàm phán để cho lực lượng Mỹ rút quân.

Tác giả, Nguyễn T. Liên-Hằng, là người Hoa Kỳ gốc Việt Nam và là giáo sư tại Đại học Kentucky, được tiếp cận với vô số tài liệu lưu trữ chính thức bằng tiếng Việt, nhiều cá nhân, và bản thảo chưa được công bố. Trong số nhiều người, cô phỏng vấn ông Hoàng Minh Chính, lý thuyết gia cộng sản hàng đầu một thời của Bắc Việt Nam và cũng là nhà bất đồng chính kiến ​​bị thanh trừng. Cô đã truy cập cuốn hồi ký chưa được công bố của người vợ cả Bí thư đảng cộng sản Lê Duẩn, người đã hoạt động công tác ở đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm

Cô Liên-Hằng không những chỉ khai phá lối đi mới nhưng sắp xếp tổ chức tốt, lập luận rõ ràng, cũng như xử lý trình tự thời gian các văn bản của cuộc chiến tranh Việt Nam và đường hướng của Hà Nội. Độc giả sẽ biết ơn khả năng viết và tổ chức của tác giả trong rừng các tài liệu cơ bản dày đặc này, và nhất là cô ấy đã tuyên bố rõ ràng rằng các tài liệu lưu trữ cô xem xét đã bị tẩy rửa và chắc chắn là không đầy đủ.

Đối với học sinh nghiên cứu về ý thức hệ cộng sản và chiến thuật, Cuộc chiến của Hà Nội mô tả sự thăng tiến đến đỉnh cao quyền lực của nhà lãnh đạo cộng sản Lê Duẩn và người thân tín là ông Lê Đức Thọ, và sự tụt thoái quyền lực ra bên lề của Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thật vậy, hai anh hùng nổi tiếng thế giới với cuộc cách mạng cộng sản Việt Nam mà ai cũng tưởng rằng có quyền lực vô biên ở Hà Nội lại bị cho ra rìa trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Ông Giáp thì căm tức, cay cú ở Hungary còn ông Hồ thì ngồi chơi xơi nước tại Bắc Kinh.

Chúng ta được biết thêm rằng mặc dù Lê Duẩn liên tục thất bại cả về chiến lược và chiến thuật trong chiến tranh ở miền Nam, thiệt hại nặng nề nhân lực và phá nát gần như hoàn toàn nền kinh tế miền Bắc, ông vẫn nắm giữ quyền lực nhờ đàn áp dã man và không ngừng. Ngay cả trước khi Hà Nội Hilton nổi tiếng vì giam cầm phi công Mỹ,  nhà tù này chứa hàng chục đối thủ chính trị và bất đồng quan điểm ​​với Lê Duẩn, dù là thực sự hay tưởng tượng. Cuộc thanh trừng triệt hạ các sĩ quan quân đội cấp cao thân cận với Giáp và ngay cả một số người giúp kế hoạch cuộc Tổng tấn công.

Những điều trên và một số điểm khác tiếp theo trong cuốn sách này phải làm giới tình báo phương Tây, các quan sát viên ngoại giao, nhà báo, nhà sử học, các viện nghiên cứu, và phe cánh tả quốc tế nhún nhường, khiêm tốn hơn vì những người này có quá nhiều đánh giá sai lầm về Bắc Việt Nam lúc đó và những nhận định và giải thích sai lầm ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Thật rõ ràng đây không phải là lịch sử xét lại. Phụ đề của cuốn sách tiết lộ cho chúng ta thấy chút đầu mối về thiên hướng của tác giả: “Lịch sử quốc tế về chiến tranh vì hòa bình ở Việt Nam.”

Tác giả vẫn kiên định để mô tả cuộc chiến tranh Việt Nam là “không thể thắng được” đối với Hoa Kỳ. Điều này chắc chắn phải là một tin nóng tới tai các sử gia đương đại nổi tiếng như Lewis Sorley và Mark Moyar, mà gần đây các nghiên cứu của họ dù không có tư liệu gốc về các lủng củng của Hà Nội, đã khẳng định rằng kết cuộc ở Việt Nam chưa hẳn đã phải là như vậy. Thêm vào đó, cô ấy có một ác cảm mãnh liệt đối với Richard Nixon và Henry Kissinger, ngay cả khi mô tả rất tinh tường và chi tiết cách họ cùng lúc ảnh hưởng cả Moscow và Bắc Kinh ép Hà Nội – và chống lại bản năng sâu bén của ông Lê Duẩn – để có được những thỏa thuận tốt nhất hầu tách Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam.

Thật vậy, Lê Duẩn chuộng những cuộc tấn công lớn để khích động cuộc tổng nổi dậy quần chúng ở miền Nam nên ông đã gửi Lê Đức Thọ, cánh tay phải của mình, đến Paris nhằm giữ kín các cuộc đàm phán. Điều này rập khuôn mẫu của Lê Duẩn luôn chỉ định các tướng đáng tin cậy để chỉ huy những người cộng sản miền Nam cứng đầu luôn tin rằng cuộc cách mạng của họ đã bị phản bội bởi Hiệp định Genève năm 1954. Thật là mỉa mai – hay ngoan cố – để xem rằng Lê Đức Thọ đã giành giải Nobel Hòa bình vì thành tích của ông ta ở Paris.

Cuối cùng, cô cho rằng chiến thắng của Hà Nội không phải vì kiên trì và ngoan cường, không phải vì chinh phục con tim và lý trí người dân miền Nam, không phải do những hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân miền Bắc Việt Nam, và cũng không phải vì nội tình chính trị nước Mỹ trói tay và làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ, nhất là dưới thời Nixon. Chiến thắng của Hà Nội chính là do sức ép không khoan nhượng và không thể cưỡng lại của khối quốc gia hậu thuộc địa, các quốc gia thế giới thứ ba, và nhiều quốc gia phản chiến cũng mong muốn dạy cho Mỹ một bài học và đã bị dẫn dắt bởi tuyên truyền và ngoại giao khôn ngoan của Hà Nội. Đấy có lẽ là di sản lớn nhất của cuộc chiến của Hà Nội và là khuôn mẫu cho những ai đang dự định các chiến dịch cách mạng trong tương lai chống lại quyền lực phương Tây.

Kết luận bay bổng trên chỉ hơi làm giảm đi những gì có thể được xem như là một đóng góp quan trọng và độc đáo cho sự hiểu biết của chúng ta về những gì chúng ta phải đối mặt tại Việt Nam. Sinh viên ngành lịch sử quân sự, chiến tranh Việt Nam, và chủ nghĩa cộng sản cách mạng có nhiều thứ để trông mong từ những tài liệu lưu trữ được khai thác đầy đủ hơn trong những năm tới.

Richard Coffman từng là sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến tại Chu Lai và Đà Nẵng, thời Việt Nam Cộng Hòa năm 1965-1966. Sau đó ông phục vụ ở cơ quan CIA trong 31 năm, chuyên phân tích về các lãnh đạo Bắc Việt từ năm 1967 đến năm 1972.

Nguồn: Foreign Policy (Tạp chí Chính Sách Ngoại Giao)

Bài liên hệ: Đập tan các huyền thoại về Việt Nam

Chiến thắng không cần đánh ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa)

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Thế giới, Việt Nam on 2013/04/16 at 18:02

By Marvin Ott | April 15, 2013

Cần gì một lực lượng hải quân? Trung Quốc ra mắt tàu du lịch để đánh dấu tuyên bố  chủ quyền Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa)

A Chinese fisherman in front of fishing vessels in the sea town of Tanmen, in China’s southern Hainan Province, on Jan. 21, 2013. With Beijing claiming a huge swath of the strategically crucial South China Sea, Hainan’s fishermen and tour agencies are at the forefront of the dispute. (Wang Zhao/AFP/Getty Images)

 

Cuộc hạ thủy hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc thu hút sự chú ý của thế giới vào năm 2012. Với chiếc tàu cũ của Nga được tân trang lại, Trung Quốc sẽ thực thi các tuyên bố mở rộng của họ trên Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa), các nhà quan sát dự đoán, mặc dù để mẫu hạm Liêu Ninh thực sự vào nhiệm vụ hoạt động vẫn còn vài năm nữa.

Đầu tháng này, Trung Quốc đã giới thiệu một hệ thống vũ khí hiệu quả hơn để khẳng định chủ quyền lãnh thổ bằng cách sử dụng tàu du lịch với hàng ngàn khách du lịch. Triển khai một chiếc thuyền du lịch cùng với vô số tàu khác để thiết lập các yêu sách của mình ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) đã mang lại ý nghĩa mới đối với sự kiện “trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc.”

Từ thập niên 1950, bản đồ Trung Quốc đã dùng chín đường kéo dài dọc theo bờ biển của Trung Quốc và Đông Nam Á để đánh dấu kiểm soát lãnh thổ của mình. Những nỗ lực để làm rõ ý nghĩa của dòng chữ U có vẻ bị lẫn mất trong các báo cáo mâu thuẫn, khó hiểu.

Ngay cả khi dự định như là một ranh giới có chủ quyền, các dòng 9 đoạn không được xem là nghiêm túc. Nhưng trong năm 2009, Trung Quốc đệ trình bản đồ lên Liên Hợp Quốc để đánh dấu “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc. Những động thái của Trung quốc từ đó cho thấy rõ ràng, không chút nghi vấn, là các cấp cao cấp nhất của chính phủ Trung Quốc xem các dòng chữ U như là một ranh giới hàng hải hợp pháp để bảo vệ.

Một loạt các sự cố với các nước láng giềng Đông Nam Á liên quan đến tàu đánh cá Trung Quốc, tàu tuần tra và những tuyên bố công khai gay gắt đã nâng cao nhận thức quần chúng trong tháng 7 năm 2010 khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Trung Quốc phản ứng bằng cách tăng cường khả năng cưỡng chế và điều động một loạt các cơ quan hàng hải của chính phủ: Cục Quản lý an toàn hàng hải, Bộ chỉ huy thực thi Luật Thuỷ sản, Quản lý đại dương Nhà nước, và Giám sát Hàng hải Trung Quốc. Họ cũng điều động Lực lượng Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an và các cơ quan hàng hải cấp tỉnh, đáng chú ý nhất là những người ở đảo Hải Nam – tất cả các tổ chức riêng biệt song hành bên cạnh sự tăng trưởng nhanh chóng của hải quân và không quân Trung Quốc.

Phương pháp mới

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã nhận được nhiều sự chú ý, nhưng trong tương lai gần nó chỉ là một cơ sở huấn luyện và không phải là một nguồn lực cho hoạt động quân sự. Nhưng lực lượng Cảnh sát hàng hải dưới đủ mọi hình thức khác nhau của họ là một vấn đề hoàn toàn khác.

Tăng trưởng của lực lượng đó đã được nêu rõ bởi phóng viên cho tờ Los Angeles Thời báo ở Bắc Kinh: Ví dụ, từ năm 2000 quân đội Trung Quốc đã chuyển giao 11 tàu chiến cũ cho cơ quan giám sát hàng hải, nơi đã đóng 13 tàu của riêng của mình và kế hoạch thêm 36 chiếc nữa. Bộ chỉ huy áp đặt Luật Thuỷ sản gần đây đã nhận một tàu chiến cũ được trang bị với một bệ hạ cánh máy bay trực thăng. Những tàu mới được bận rộn. Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ ước tính rằng số lượng tuần tra tầm xa bởi cảnh sát hàng hải Trung Quốc ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2008.

Theo Hải quân Mỹ thuyền trưởng James Fanell quan sát thấy trong bài viết cho tờ Thời Báo, “Các tàu giám sát hàng hải Trung Quốc không có nhiệm vụ gì khác hơn là để quấy rối các quốc gia khác chịu chấp nhận tuyên bố lãnh hải mở rộng của Trung Quốc.” Họ đã cắt dây cáp quang của Việt Nam, bị bắt giữ và đe dọa các ngư dân Đông Nam Á , quấy rối tàu hải quân Hoa Kỳ, và ngay cả trong một trường hợp đặc biệt là dựng lên một rào cản để thiết lập quyền kiểm soát độc quyền của Trung Quốc. Các tàu hải quân Trung Quốc không được trang bị vũ khí quân dụng, nhưng chứng minh sức mạnh bằng vòi rồng và móc câu, châm ngòi vào cái bực bội và cảm giác bất lực ở các nước láng giềng của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể đã tự cướp cò trong chiến lược, nhưng không phải ở tầng chiến thuật. Các nước Đông Nam Á không có khả năng để đáp trả với Trung Quốc trên mặt biển bằng quân sự hoặc nguồn lực bảo vệ bờ biển, cái khoảng cách khả năng càng ngày càng lớn. Nói thẳng ra, các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của Trung Quốc có thể uy hiếp các nước Đông Nam Á khác bất kể – riêng chỉ có các tiền đồn quân sự Việt Nam may ra là ngoại lệ.

Trong khi đó, Hoa Kỳ từ lâu đã tuyên bố rằng họ không xác quyết quan điểm nào trên các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa), và nhấn mạnh trên hai nguyên tắc: bảo trì các tuyến đường biển quốc tế trong khu vực như là một “thế giới chung” và giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không cần sử dụng lực lượng quân sự . Trung Quốc khai thác lỗ hổng trong lập trường của Mỹ bằng cách sử dụng lực lượng dân sự bảo vệ bờ biển không trang bị vũ khí để thực thi tuyên bố chủ quyền của họ.

Lãnh vực Kinh tế

Đòn bẩy của Trung Quốc trên khu vực Đông Nam Á bao gồm một thành phần kinh tế quan trọng. Vào cuối những năm 1990, Hoa Kỳ và Nhật Bản là đối tác kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á. Hiện tại thì không như vậy – Trung Quốc đã thay thế cả hai quốc gia trên để trở thành đối tác thương mại lớn khu vực trong khi lượng đầu tư vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng. Các mối liên kết vượt xa ngoài tầm đơn giản là xuất khẩu hàng hóa chỉ, dịch vụ, và tài chánh.

Với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc là trung tâm, Trung Quốc đã đàm phán một loạt các thỏa thuận kinh tế với khu vực này bao gồm một loạt các dự án cơ sở hạ tầng kết nối Đông Nam Á với Nam nội địa Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng đường sắt ấn tượng, đường nhựa, và các mạng lưới ven sông cộng với mạng lưới điện và cảng – đan chặt khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cùng nhau trong một đơn vị kinh tế tổng hợp. Không cần sự nhạy bén tuyệt vời người ta cũng hình dung ra các mối liên kết và phụ thuộc có liên quan có thể được sử dụng để thúc đẩy chiến lược và phá vỡ các mối quan hệ khác trong khu vực như thế nào. Vào năm 2012 ở cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao khối ASEAN được đăng đàn bởi Cam-pu-chia, tranh chấp phát sinh khi Phi-luật-tân nhất quyết đòi hỏi bản thông cáo chung kết thúc hội nghị phải có điểm tham chiếu đề cập đến các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa).

Chủ tịch Campuchia từ chối, và hội nghị tan vỡ trong mâu thuẫn. Các quan chức Campuchia đã thú nhận riêng là họ đã hành động như thế để đáp ứng đòi hỏi của Trung Quốc vì một mối đe dọa các hậu quả kinh tế nghiêm trọng nếu Phnom Penh không tuân thủ. Trong thực tế, Bắc Kinh đã chứng minh khả năng phủ quyết bất kỳ vị trí thống nhất trong ASEAN về Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa).

Việc Trung Quốc đưa ra một du thuyền du lịch ở các vùng biển tranh chấp đưa đến một thách thức khác trong khu vực. Không có nước láng giềng Đông Nam Á nào dám bắn vào một tàu ở trong vùng lãnh thổ được coi là của họ nếu tàu chỉ chở khách du lịch dân sự.

Cũng có thể lập luận rằng quyết định kéo bỏ chiếc mạng che mặt của sự mơ hồ về động cơ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) của Trung Quốc là một sai lầm chiến lược. Nó tạo ra báo động ở Đông Nam Á, đặc biệt là các chính phủ có tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực – Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và thậm chí cả Indonesia. Nó cũng quay “trục” Mỹ hướng về châu Á, bao gồm cả các báo cáo của bộ trưởng quốc phòng là các lực lượng Mỹ sẽ được tái triển khai tới châu Á và những việc tái phối trí lực lượng sẽ được bảo vệ trước các cắt giảm ngân sách.

Chính phủ Việt Nam, Philippines, Singapore, và Indonesia đã có động thái công khai tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ. Một khu vực đã từng thoải mái và thiện ý với Trung Quốc hiện nay lại hoàn toàn rất căng thẳng.

Tương lai chiến lược của khu vực Đông Nam Á và khu vực hàng hải của nó không rõ ràng và cũng không dự đoán được. Trung Quốc đã đặt cược một tuyên bố lãnh hải, thậm chí trắng trợn, thiếu hỗ trợ trong luật pháp quốc tế vào lãnh thổ không thuộc kiểm soát lịch sử của họ. Tuy nhiên dù tuyên bố có mập mờ trong giá trị, Trung Quốc đã khai triển các chiến thuật và đòn bẫy để làm tuyên bố chủ quyền thành một thách thức chiến lược đầu tiên đối với khu vực và Hoa Kỳ.

Nguồn: Epoch Times

Minh Văn – Tớ phục tớ quá

In Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/04/13 at 13:44

Phàm đã là thông tin thì phải khách quan trung thực mới đủ sức thuyết phục công luận. Nhìn nhận và đánh giá về một ai đó là công việc của xã hội, chứ không phải là tự mình ca ngợi bản thân. Vì rằng việc làm đó thật là lố bịch và nực cười, giống như các cụ ta vẫn nói: “Mèo khen mèo dài đuôi”. Cổ nhân cũng có câu “Đừng lo người ta không biết đến mình, chỉ sợ mình bất tài”. Vậy thì, những kẻ tự tuyên truyền và ca ngợi về mình là lừa dối mọi người và huyễn hoặc bản thân. Nhưng ẩn đằng sau đó chính là mặc cảm về sự bất tài và sai trái của họ, để rồi từ đó sinh ra hành động dối mình dối người.

Có một xứ mà ở đó người ta “tự biên tự diễn” tất cả mọi vai trò xã hội. Người ta tự dàn dựng kịch bản, tự diễn tấu hài, rồi tự mình xem và vỗ tay tán thưởng.

Ở đó người ta cũng dựng lên một nhà nước rồi tự quản lý và điều hành. Họ lãnh đạo bộ máy nhà nước và các tổ chức xã hội, thiết lập sự ảnh hưởng tuyệt đối đến mọi người dân. Rồi họ cũng làm ra những chiếc huy chương để tự trao tặng cho nhau trong các buổi lễ khen thưởng long trọng. Họ có luật pháp, tòa án, công an, quân đội để diễn một vở hài kịch lớn về sự công bằng và văn minh. Cuối cùng là hệ thống báo chí và truyền thông độc quyền để tự ca ngợi chế độ và huyễn hoặc nhân tâm. Qua hệ thống tuyên truyền đó, người dân biết được rằng: Đó là một chế độ công bằng và hạnh phúc nhất trên đời, và đảng cầm quyền thì vĩ đại quang vinh, thế gian không ai sánh kịp.

Vở kịch tự biên tự diễn và tự vỗ tay nên mọi thứ luôn tốt đẹp và tăng trưởng, chưa thấy thất bại và sai trái bao giờ cả. Nhà nước đưa ra các chủ trương chính trách rồi tuyên truyền rộng rãi. Bao giờ cũng ca ngợi tính đúng đắn và ưu việt, rằng chính sách đó là ích nước lợi dân. Tất cả các chính sách được nuôi dưỡng và bôi trơn bằng tiền của dân, nhưng lợi ích lại rơi vào các quan chức, còn người dân thì bị thiệt hại đủ đường. Nhưng cuối cùng thì các chủ trương chính sách đó bao giờ cũng thành công rực rỡ nhờ bộ máy tuyên truyền độc quyền từ trung ương đến địa phương. Họ đưa ra một số điển hình dàn dựng (chi phí được trích ra từ ngân sách, thậm chí là những thành công đó không liên quan gì đến chủ trương cả), rồi nói rằng thành công đó là kết quả tốt đẹp của chủ trương chính sách mang lại. Người dân nghe các phương tiện truyền thông nhà nước ca ngợi mà cứ phát ớn. Đúng là: Meo meo, họ nhà Mèo ta dài đuôi quá…

Các thành tựu về kinh tế – xã hội của họ bao giờ cũng năm nay cao hơn năm trước, luôn thành công mỹ mãn. Người ta biết được điều này cũng qua hệ thống tuyên truyền của nhà nước, chứ người dân có được biết sự thật bao giờ. Các quốc gia phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…thì thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ tài chính, khiến cho lãnh đạo các nước đó phải mất ăn mất ngủ. Còn ở xứ “Việt Nam tự biên tự diễn” này thì nguy cơ đó không bao giờ xẩy ra, ngược lại luôn ổn định và phát triển. Họ nói rằng, đạt được những thành tựu rực rỡ đó là nhờ sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của đảng Cộng Sản, rằng đảng đã lèo lái con thuyền cách mạng đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hệ quả của huyễn hoặc là sự vinh quang vĩ đại ngất trời, giống như hành động lên đồng của các pháp sư phù thủy vậy.

Khỏi phải nói tại những xứ Cộng Sản tự biên tự diễn này các lãnh tụ của họ được ca ngợi như thế nào. Tất cả đều vượt lên trên thần thánh (mà thực chất là những tội đồ dân tộc và phạm tội ác chống lại loài người), tất cả đều được dựng tượng và xây lăng. Điểm qua mấy gương mặt tiêu biểu: Đồng chí Mao Trạch Đông (được gọi là mặt trời hồng của Phương Đông) giết hại cả chục triệu người qua cách mạng văn hóa và cải cách ruộng đất, đồng chí Joseph Stalin thì giết hại mấy chục triệu người Nga và Châu Âu, đồng chí Pol Pot diệt chủng chỉ có một nửa dân số đất nước Cambodia mà thôi…

Khẩu hiệu mà người Cộng Sản luôn hô vang khi nói về lãnh tụ của họ là: “X Y Z muôn năm”. Còn những thần dân tội nghiệp thì nói diễu với nhau rằng: – Thời phong kiến người ta hô “Hoàng thượng vạn tuế, vạn vạn tuế” cũng đã đủ chết rồi, nay nó hô “Muôn năm” thì chắc chúng ta chết mất, biết bao giờ mới thoát khỏi cái chế độ độc tài này?…

Có một kẻ dốt nát,chuyên sống bằng nghề lừa đảo và cướp bóc của người khác. Nhưng hắn ta lại có cái bệnh tự ca ngợi và huyễn hoặc mình. Bao giờ nói chuyện hắn cũng thao thao bất tuyệt ca ngợi về sự giỏi giang bản thân, làm như không có mình thì nhân loại sẽ thiệt thòi lắm lắm. Người ta vừa sợ vừa ghét nhưng không làm được gì, vì hắn có mọi quyền lực trong tay. Bao giờ kết thúc buổi nói chuyện, hắn cũng vỗ đánh đét một cái vào đùi và nói:

– Tớ phục tớ quá!…

Mọi người thì ngán ngẫm và chán nản, còn hắn lại càng lấy làm dương dương dương tự đắc. Hắn luôn nghĩ rằng mình tài giỏi, và thiên hạ ai cũng phục tùng sợ sệt mình. Nhưng hắn quên mất một điều rằng: Ngày mà người dân nổi lên lật đổ những kẻ khoác lác và lừa đảo sẽ không còn xa.

Nguồn: blog Nhân Sinh Quan

Thượng Dân K’Tien – Làm sao tôi có thể kể cho các em biết rằng người Kinh của chúng tôi đang giết chết dân tộc các em từng ngày từng giờ

In Cộng Đồng, Liên Kết, Việt Nam, Văn Hóa on 2013/04/13 at 11:10

Hơn nửa cuộc đời, tôi sống trong Thung Lũng Điện Tử (Silicon Valley) tại phía Nam của Vịnh San Francisco. Ở một nơi có vài chục giống dân sống cạnh bên nhau – và tiếng Anh được dùng như ngôn ngữ chính – tôi dễ có cảm tưởng mình là một công dân quốc tế, cùng với niềm xác tín rằng những phương tiện giao thông (và truyền thông) hiện đại đã khiến cho quả địa cầu trở thành nhỏ lại tựa như một ngôi làng: a global village.
Niềm xác tín này (vừa) hơi bị lung lay chút đỉnh, sau khi tôi nghe một cô giáo trẻ – nơi một buôn làng heo hút – kể chuyện ở quê nhà:
 Buôn nằm cạnh quốc lộ 25, bên cạnh con đường rách nát y như bản thân mình vậy. Đi ngang qua nhìn vào buôn, sẽ thấy những ngôi nhà sàn nhỏ bé đứng cạnh nhau, rúm ró, buồn bã và nín nhịn. Cả buôn có khoảng 70 nóc nhà. 99% là người Jrai và một gia đình người Kinh đến bán tạp hóa giữa làng…
Giữa buôn có trường làng, chỉ một phòng học. Lớp một học buổi sáng. Lớp hai học buổi chiều. Lên lớp ba thì qua học ké Phùm Ang cách đó chừng hai cây số. Lên lớp sáu thì phải vào Ia R’siơm học. Cả buôn từ trước đến nay chưa có ai tốt nghiệp lớp 12…
Một hôm, tôi hỏi các em có biết các em đang sống ở nước nào không. Cả lớp im phăng phắc nhìn nhau, phải gợi mãi, cuối cùng một em ngập ngừng nói:
– Nước Việt Nam phải không cô?
Tôi hỏi tiếp:
– Ai biết, trên thế giới còn nước nào khác?
Lần này thì cả lớp hào hứng hẳn lên, rồi một em nhanh miệng nói:
– Dạ, nước sông Pa ạ.
Tôi không tài nào nhịn được cười bởi câu trả lời ngây thơ ấy, nhưng ngẫm lại thì thấy chua xót quá. Buôn làng của các em bị những ngọn núi chất ngất kia bủa vây, cuộc sống của các em chỉ có nương rẫy, trâu bò và dòng sông miệt mài chảy. Mọi biến chuyển của thế giới bên ngoài không lọt tới cuộc sống của các em được.(Amai B’lan. Nước Mắt Của Rừng. California: Nhân Ảnh, 2013).
Ô hay! Nếu đúng như thế thì (chả lẽ) trong cái làng địa cầu hiện nay không có cái buôn Phùm Gi sao?  Nhân loại dường như không ai biết đến địa danh này, và vì “bị những ngọn núi chất ngất kia bủa vây, cuộc sống … chỉ có nương rẫy, trâu bò và dòng sông miệt mài chảy” nên các em cũng chả biết đến ai (khác) cả.
Global village: Ảnh: baogialai.com
Vẫn cứ theo lời của cô giáo Amai B’lan:
Cả Phùm Gi không có lấy một cái giếng. Đất nơi đây toàn đá, đào giếng rất cực mà chẳng có nước, nên tất cả mọi sinh hoạt đều dùng nước sông Pa. Sáng sáng, trước khi lên nương, những cô gái trong buôn đeo gùi ra sông lấy nước. Họ vét một hố cát, ngồi chờ nước thấm vào, rồi múc từng gáo nước đổ vào quả bầu khô gùi về nhà. Nước để nguyên trong quả bầu, không nấu nướng gì hết. Khi nào uống cứ việc xách quả bầu lên tu một hơi căng bụng đã đời. Ai chịu khó hơn thì chèo thuyền qua sông, tìm tới những con suối trên núi. Người ta nói nước suối uống ngon nhất, sau đó mới tới nước sông, nước giếng xếp hạng ba.
 Địu con lấy nước: Ảnh Trần Thị Trung Thu
Cứ chiều đến, tôi lại ra sông nhìn người dân từ bờ bên kia chèo thuyền về. Nắng vàng trải xuống lòng sông sóng sánh như lụa. Trời cao xanh. Núi ngút ngàn. Cảnh tượng trông bình yên đến lạ. Con nít giờ đó cũng ra sông tắm rửa, mong ngóng bố mẹ. Phụ nữ tranh thủ lấy nước, giặt giũ quần áo. Bến sông trở nên nhộn nhịp hẳn. Cũng ở đây, tôi nghe người dân kể về sông Pa với giọng điệu tiếc nuối. Họ nói:“Ngày trước sông Pa trong xanh lắm, lại có nhiều cá nữa.
 Gần đây có một cái thác rất đẹp gọi là thác tiên. Bây giờ thì hết rồi. Mấy năm trở lại đây, sông Pa bắt đầu đục ngầu vì ô nhiễm, nhưng người dân đâu còn cách nào khác là cứ phải tiếp tục uống thứ nước đó. Nguồn nước ô nhiễm kéo theo bệnh tật. Viêm khớp, đau thận, đau bao tử là những bệnh ít người thoát được. Theo họ, thà chết từ từ vì bệnh còn hơn là chết ngay tại chỗ vì khát.
 Trong buôn hầu như không có người già bởi lẽ đâu ai sống thọ tới 60. Phân nửa học trò của tôi mồ côi cha hoặc mẹ từ khi còn rất nhỏ…
 Cuộc sống của họ nếu cứ thế trôi qua thì cũng đã bần cùng lắm rồi. Thế mà một ngày kia, cách đây khoảng hai năm, công ty Hoàng Anh Gia Lai lập dự án xây thủy điện. Để có đất xây thủy điện, chính quyền lấy đất của dân lại mà không hề đền bù một xu, rồi bán lại cho Hoàng Anh Gia Lai. Kết quả, dự án đó nuốt hết một nửa buôn Phùm Gi và nuốt luôn cả sự linh thiêng ở đây…
 Con sông Pa dài 374 cây số chảy qua ba tỉnh Kontum, Gia Lai, Phú Yên, nhưng lại phải đeo tới năm cái gông thủy điện vào cổ. Thủy điện Đồng Cam, thủy điện Ba Hạ, thủy điện An Khê, thủy điện Ayun Hạ, thủy điện Ayun Thượng. Bây giờ thêm một cái cạnh Phùm Gi này nữa là sáu. Tính ra, trung bình cứ hơn 60 cây số là bị một đập. Ngày nay, các nước trên thế giới không chơi thủy điện nữa vì nhiều tác hại, đến cả người dân nơi đây cũng biết. Họ thấp thỏm lo sợ tới một ngày mình phải bỏ buôn ra đi vì đập tràn. Và điều đó đã tới trước khi tôi rời nơi đây một tuần.
 Dòng sông mùa khô cạn đến mức trâu bò có thể lội qua, nay dâng nước lênh láng tràn bờ. Người ta đã ngăn đập lại. Con đập cách buôn chừng 200 mét nên Phùm Gi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất và nhanh nhất của việc ngăn dòng. Nước dâng lên tới sau nhà dân, bò vào vườn tược và gieo rắc nỗi kinh hoàng…
 Dòng sông hiền hòa ngày đêm có tiếng thác đổ nay hết rồi.
Những chiều ra sông lấy nước nay cũng hết rồi.
Dòng sông bây giờ là một đường băng nước khổng lồ, dơ bẩn và đục ngầu. Nước đã dâng lên hơn hai mét. Mọi người không còn thấy con sông Pa quen thuộc đâu nữa, mà chỉ thấy một con quái vật lúc nào cũng chực chờ muốn nuốt chửng buôn làng…( S.đ.d trang 103-109).

Thủy Điện Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: Trần Thị Trung Thu

Sự có mặt bất ngờ của Hoàng Anh Gia Lai, trong phần cuối câu truyện của cô giáo ở bản làng xa khiến tôi (thốt nhiên) nghĩ lại. Thôn Phùm Ghi, té ra, đâu có bị thiên hạ lãng quên. Nó đã được chiếu cố bởi một công ty kinh doanh đa ngành rất lớn mà tên tuổi chủ nhân đã “phủ khắp các mặt báo” trong cũng như ngoài nước. Tờ Phụ Nữ gọi ông là “Cường Đôla: Doanh nhân thiếu gia nghìn tỷ” cùng với những chi tiết lý thú:
 “Vào thời điểm đó, giới truyền thông lùng sục các thông tin về chuyện làm ăn cũng như ‘tài năng kinh doanh’ của thiếu gia nhưng thu được kết quả không nhiều. Một lãnh đạo của Công ty chứng khoán Sài Gòn – người có thời gian làm việc với Nguyễn Quốc Cường khi công ty này tư vấn niêm yết cho QCG cho biết:’Cường rất dễ chịu và là một người kinh doanh, chứ không có cách cư xử kiểu dân chơi bạt tử như mọi người đồn đại’.
Trong khi đó, nếu tìm kiếm thông tin về Cường Đôla trên Internet thì người ta sẽ nhận được vô vàn tin tức về thú chơi siêu xe, quá khứ của một dân chơi khét tiếng nơi phố núi, mối tình với các chân dài như …
Cường Đôla đình đám với siêu xe Lamborghini Aventador màu vàng.
Nguồn ảnh và chú thích:http://www.phununet.com
 Dù thỉnh thoảng vẫn lái xe qua lại trên freeway 1015– đoạn Hollywood Freeway, băng ngang qua nơi cư ngụ của những minh tinh màn bạc Hoa Kỳ – tôi vẫn chưa bao giờ có cái “may mắn” được tận mắt nhìn thấy một chiếc “siêu xe Lamborghini Aventador” nào cả. Nó quá hiếm vì quá mắc, giá cả đâu chừng nửa triệu Mỹ Kim!
 Vẫn theo lời của tác giả Nước Mắt Của Rừng (*):
 Người Jrai đã từng là chủ vùng đất này (tên Gia Lai đọc từ chữ “Jrai” mà ra). Tổ tiên họ đã sống và đã chết ở đây. Họ có cách sống và văn hóa của riêng họ. Không ai cảm thấy lạc lõng trong buôn làng của mình. Mọi người gắn kết với nhau bằng truyền thống tâm linh vô cùng sâu sắc. Trên đầu họ là bầu trời tự do. Dưới chân họ là đất rừng linh thiêng. Họ đã sống như thế biết bao thế hệ. Mọi chuyện cứ diễn ra như thuở ban đầu cho tới khi người Kinh tới.
Người Kinh tới, đặt ra những chủ trương ngu ngốc và vơ vét mọi thứ về mình vì họ có quyền lực trong tay. Số liệu thống kê năm 2008 cho thấy ở Gia Lai, người Kinh chiếm 52% dân số, trong khi người Jrai chỉ còn 33,5%. Người Kinh nghiễm nhiên trở thành ông chủ trên mảnh đất của người Jrai, làm giàu trên sự lạc hậu của người bản địa nhưng không lúc nào ngớt lời chê bai. Những người Jrai hiền lành và thật thà nhanh chóng trở nên trắng tay và bị kinh hóa.
 Bi kịch của người Jrai không lạ và cũng không mới. Khắp nơi trên quả địa cầu này đã có rất nhiều giống dân bản địa đã từng trải qua những kinh nghiệm (không may) tương tự. Tuy nhiên, khai thác vơ vét cạn kiệt mọi tài nguyên thiên nhiên để mua sắm cả một dàn xe hơi (mỗi cái trị giá vài trăm ngàn dollars) và dồn nạn nhân đến mức bị diệt vong thì là chuyện (e) chỉ có thể xẩy ra ở nước CHXHCNVN. Nơi mà vị chủ tịch nước đầu tiên (ông Hồ Chí Minh) đã từng long trọng hứa hẹn – trong Thư Gửi Đại Hội Các Dân Tộc Thiểu Số Miền Nam, vào ngày 19 tháng 4 năm 1946 – như sau:
 Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Theo thông tin của Sở Văn Hoá, Thể Thao & Du Lịch Gia Lai:
Nhân kỷ niệm 60 năm Bác Hồ gửi thư cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam, Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam đồng thời đã lập bia thư tạc nội dung thư Bác…

 Toàn bộ nội dung bức thư được thể hiện kiểu chữ hộp, chất liệu đồng, gắn trên phiến đá Thanh Hóa nguyên khối, nặng hơn 60 tấn, phía trên nội dung thư tạc chân dung Bác Hồ trên biểu tượng đài sen. Di tích sẽ cung cấp cho du khách và các nhà nghiên cứu những hiểu biết về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Bác, bổ sung vào kho tàng Việt Nam những trang tư liệu quý giá… Hiện nay di tích đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Gia Lai lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử quốc gia …
 Cái di tích của sự lường gạt trắng trợn này của ông Hồ Chí Minh – tất nhiên – sẽ được ghi nhớ mãi mà không cần phải được tạc bằng đồng hay ghi trên trên bia đá nào ráo trọi. Riêng về tội ác đối với những dân tộc bản địa hiện nay thì tôi e rằng cả đám người Kinh, dù ở trong hay ngoài nước, đều là đồng phạm. Im lặng trước tội ác là đồng loã, chớ còn gì nữa.
K’Tien
(*) Nước Mắt Của Rừng. Bút Ký của Amai B’Lan.Tựa: Phan Ni Tấn.Nhân Ảnh Xuất Bản. Bìa và tranh: Khánh Trường.Trình Bày: Lê Hân & Tạ Quốc Quang. Copyright @ 2013 by Trung Thu. ISBN: 978-0-9811982-9-3. Ấn phí và bưu phí 15 M.K. Sách có thể đặt mua theo địa chỉ sau:
Mr. Lê Hân
375 Destino Circle, San Jose, CA 95133
U.S.A or han.le3359@gmail.com

 

Nguyễn Hưng Quốc – Chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn, Thế giới on 2013/04/07 at 12:04

Nhớ, năm 1978, lúc đang học năm thứ ba ở trường Đại học Sư phạm, tôi và các bạn trong lớp đi thực tập ở trường cấp 3 Tân Lý Tây thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Đó là một xã nhỏ, chưa tới mười ngàn dân, lúc ấy còn khá nghèo, hầu hết các nhà vệ sinh đều nằm chênh vênh trên các hồ cá tra. Thấy sinh viên từ thành phố về, dân chúng có vẻ rất vui. Ủy ban nhân dân xã tổ chức một buổi tiếp đón khá nồng hậu ngay trong buổi tối đầu tiên lúc chúng tôi mới đến. Chủ tịch xã đứng lên phát biểu. Ông là một nông dân, có lẽ, trước 1975, vốn là du kích. Đứng trước hơn 100 đứa sinh viên, ông không giấu được sự lúng túng, nói năng cứ lấp vấp, lập bập, không đầu không đuôi gì cả. Nội dung chính vẫn là ca ngợi tính chất ưu việt của chế độ mới, những điều có lẽ ông nghe được trong các buổi học tập chính trị hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng vui nhất là, để nhấn mạnh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, ông cứ lặp đi lặp lại là “chúng ta không giống bọn Mác-xít độc tài và tàn bạo giết hại cả hàng triệu người”. Bọn chúng tôi biết là ông nhầm giữa Mác-xít và Phát-xít. Nhưng không đứa nào dám cười. Chỉ sau đó, mấy đứa miền Nam mới thì thầm với nhau: “Thì Mác-xít hay Phát-xít cũng vậy thôi!”

Chuyện cũ, cách đây đã hơn 35 năm, tưởng đã quên, bỗng dưng lại sống dậy khi mới đây, tình cờ đọc lại cuốn Intellectuals and Society (Basic Books, 2011) của Thomas Sowell, tôi bắt gặp một đoạn Sowell so sánh chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít (bao gồm cả Nazism) ở Đức. Một bên được xem là cực tả và một bên được xem là cực hữu; hai bên lúc nào cũng kết tội nhau và muốn tiêu diệt nhau (với Cộng sản, chủ nghĩa Phát-xít là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc; với Hitler, Cộng sản và Do Thái là hai kẻ thù chính), nhưng theo Sowell, giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít có rất ít sự khác biệt, trừ trong lãnh vực tu từ. Những người Phát-xít, từ Ý đến Đức, đều công khai tuyên bố theo chủ nghĩa dân tộc; những người Cộng sản, trên lý thuyết, biểu dương chủ nghĩa quốc tế, nhưng trên thực tế, vẫn luôn luôn mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, cũng đều nhắm, trước hết, đến quyền lợi của quốc gia và dân tộc của họ. Và cả hai đều là những chế độ độc tài vô cùng tàn bạo. (tr. 99-101)

Một nhận xét tương tự được Vladimir Tismaneanu phân tích kỹ lưỡng hơn trong cuốn The Devil in History do University of California Press xuất bản năm 2012. Cái được gọi là “quỷ dữ” (devil) ấy được Tismaneanu nêu đích danh: chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít. Cả hai đều gắn liền với những quan điểm không tưởng về tương lai. Cả hai đều muốn chống lại các giá trị của giai cấp trưởng giả và dân chủ tự do. Cả hai đều muốn làm cách mạng triệt để bằng cách xóa bỏ truyền thống để xây dựng một hệ thống chính trị, xã hội và văn hóa hoàn toàn mới; nhưng khi làm như vậy, cả hai đều xóa nhòa ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu. Cả hai đều nhân danh tinh thần nhân đạo nhưng lại biến con người thành những con số để tha hồ giết chết hoặc đày đọa họ mà không hề có chút áy náy nào cả. Cả hai đều đề cao bạo động, một bên là tác giả của Gulags và một bên của Auschwitz, đều chiếm kỷ lục về tội sát nhân và diệt chủng: Trong hơn mười năm (1933-1945), chủ nghĩa Phát-xít giết hại khoảng 25 triệu người và trong vòng hơn 70 năm (1917-1990), chủ nghĩa Cộng sản giết hại khoảng từ 80 đến 100 triệu người.

Nhận xét ấy cũng được hai sử gia, một người Pháp và một người Đức, Francois Furet và Ernst Nolte, phân tích trong cuốn Fascism and Communism (University of Nebraska Press, 2004)Nó cũng lại được mổ xẻ trong cuốn Fascism, Communism and the Consolidation of Democracy: A Comparison of European Dictatorships do Gerhard Besier biên tập (LIT Verlag, 2006), cuốn Lenin, Stalin and Hitler: The Age of Social Catastrophe của Robert Gellately (Vintage, 2008); quan trọng nhất, trong cuốn The Origins of Totalitarianism của Hannah Arendt (được xuất bản lần đầu từ năm 1951), trong đó, ở phần ba, bà tập trung chủ yếu vào hai hiện tượng: chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Phát-xít. Tất cả, từ nhiều góc độ khác nhau, hoặc chính trị hoặc lịch sử hoặc ý thức hệ, đều đi đến kết luận giống nhau: cả chủ nghĩa Phát-xít lẫn chủ nghĩa Cộng sản đều, nói theo Richard Overy, “nhà nước của sự khiếp hãi” hay “nhà nước của khủng bố” (states of terror), theo Eduard Kuznetsov và Dorin Tudoran, một “nền văn minh tội phạm” (criminal civilization), hoặc nói theo Leszek Kolakowski, một triết gia người Ba Lan, là sự đầu thai của quỷ dữ trong lịch sử, “một con quỷ sáng chế ra những nhà nước ý thức hệ (ideological states), nghĩa là, thứ nhà nước tự cho tính chính đáng của nó được đặt trên sự kiện là chủ nhân của nó cũng đồng thời là chủ nhân của chân lý. Nếu bạn chống lại nhà nước hay hệ thống nhà nước ấy, bạn sẽ bị xem là kẻ thù của chân lý.” (Dẫn theo Vladimir Tismaneanu, tr. 2-3, 11 & 26).

Về phương diện luật pháp, năm 2010, Quốc hội Hungary thông qua đạo luật cấm phủ nhận tội ác diệt chủng ở Holocaust của Nazi, sau đó, lại thông qua đạo luật cấm phủ nhận các tội ác của chủ nghĩa Cộng sản: Những người vi phạm, hoặc bằng cách phủ nhận hoặc bằng cách nghi vấn các tội ác ấy, có thể bị phạt từ một đến ba năm tù. Với Quốc Hội Hungary, tội ác của chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản ngang nhau.

Theo Timothy Snyder, việc so sánh chủ nghĩa Nazi (một biến thể của chủ nghĩa Phát-xít tại Đức) và chủ nghĩa Stalin (một hình ảnh tiêu biểu của chủ nghĩa Cộng sản) là điều cần thiết: Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn không những về hai hiện tượng khủng khiếp nhất của thế kỷ 20 mà còn về thời đại của chúng ta và kể cả bản thân chúng ta nữa. (Như trên, tr. 19)

Đó là thời đại, nói theo Nietzsche, “Thượng đế đã chết” và con người muốn thay thế Thượng đế để xây dựng những “thành phố của Thượng đế” (city of Gods) ngay trên trần gian này. Họ muốn thay đổi lịch sử, một bên, với giai cấp, một bên với chủng tộc. Họ sùng bái lãnh tụ, và bằng mọi cách, biến lãnh tụ thành thần linh, qua đó, biến đảng phái thành một thứ tôn giáo mới và xây dựng một chế độ toàn trị, khống chế toàn bộ đời sống tinh thần và vật chất của con người. Họ muốn thay đổi cả bản chất của con người bằng các biện pháp tuyên tuyền, nhồi sọ và khủng bố. Bất kể ngôn ngữ hay ho họ thường sử dụng, những “con người mới” họ muốn sản xuất chỉ là những công cụ mù quáng chỉ biết vâng dạ trước lãnh tụ và vì lãnh tụ, sẵn sàng giết người, kể cả đồng bào và người thân của mình, một cách không gớm tay.

Đó là thời đại của khoa học và kỹ thuật, của văn minh và tiến bộ vượt bậc, của lý trí và của rất nhiều lý tưởng nhưng đồng thời cũng là một thời đại của sự cuồng tín và mê tín, của sự thắng thế của thứ lý trí công cụ (instrumental reason) trên lý trí phê phán (critical reason), của sự độc tôn của sức mạnh và bạo lực. Hậu quả cuối cùng của tất cả những nghịch lý ấy là cả hàng trăm triệu người bị giết chết.

Dĩ nhiên, giữa chủ nghĩa Phát-xít và chủ nghĩa Cộng sản có không ít khác biệt. Chủ nghĩa Phát-xít chỉ xây dựng sức mạnh trên một người, người-được-thần-thánh-hóa (ở Đức là Adolf Hitler; ở Ý là Benito Mussolini); chủ nghĩa Cộng sản xây dựng sức mạnh trên cả việc thần thánh hóa lãnh tụ lẫn việc thiêng liêng hóa đảng phái, như một thứ thiên mệnh. Chủ nghĩa Phát-xít đề cao chủ nghĩa dân tộc trong khi chủ nghĩa Cộng sản lại đề cao chủ nghĩa quốc tế và sử dụng chủ nghĩa quốc tế để phục vụ cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Hệ thống tuyên truyền của Cộng sản tinh vi và khôn khéo hơn Phát-xít: Trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ đề cao thù hận, chủ nghĩa Cộng sản đề cao tình yêu và nhân danh tình yêu, kích động thù hận; trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ nói đến việc trả thù, chủ nghĩa Cộng sản nhấn mạnh việc giải phóng, dù để đạt được mục tiêu giải phóng, họ sử dụng chuyên chính vô sản để trả thù. Cộng sản cũng có nhiều tham vọng hơn Phát-xít: Trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ muốn quản lý hành động của con người, chủ nghĩa Cộng sản muốn quản lý cả tư tưởng và tình cảm thầm kín nhất của con người. Hậu quả là Cộng sản đa nghi hơn Phát-xít: Phát-xít thường chỉ giết những người bị họ xem là kẻ thù chứ hiếm khi thanh trừng trong nội bộ; Cộng sản, đặc biệt Cộng sản ở Nga dưới thời Stalin, vừa tàn sát kẻ thù vừa tàn sát các đồng chí của mình.

Đằng sau chủ nghĩa Phát-xít chỉ có vài tín lý đơn giản như một thứ tín ngưỡng dân gian; đằng sau chủ nghĩa Cộng sản là cả một hệ thống triết học phức tạp đủ để mê hoặc giới trí thức và văn nghệ sĩ: Hệ quả là có một thứ văn học nghệ thuật Cộng sản chứ không có thứ văn học nghệ thuật Phát-xít. Tuy nhiên, sự tồn tại của thứ văn học nghệ thuật Cộng sản không phải là một điều tốt: nó chỉ gieo rắc sự mê tín và cuồng tín, dung dưỡng các ảo tưởng, và cuối cùng, kéo dài thảm họa: Trong khi chủ nghĩa Phát-xít chỉ kéo dài hơn một thập niên, chủ nghĩa Cộng sản kéo đến hơn bảy thập niên; trong khi hầu như mọi người đều nhận ra tội ác của chủ nghĩa Phát-xít, không ít người vẫn còn ảo tưởng về chủ nghĩa Cộng sản; trong khi chủ nghĩa Phát-xít đã trở thành quá khứ, chủ nghĩa Cộng sản vẫn ở trong thì hiện tại, ít nhất là ở năm nước: Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam.

Chữ “Việt Nam”, xuất hiện trong ngữ cảnh ấy, quả là một điều đau đớn.

Lý do chính khiến tôi viết bài này là vì tôi biết, ở Việt Nam hiện nay, có không ít người, kể cả trong giới trí thức, chưa nhận ra chủ nghĩa Cộng sản, tự bản chất, rất gần với chủ nghĩa Phát-xít, điều mà họ luôn luôn nguyền rủa.

Nguồn: Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

BS Hồ Hải – Nhân Quả trong câu chuyện Tiên Lãng

In Chính trị (Politics), Tạp văn, Triết Học, Việt Nam on 2013/04/05 at 15:02

Hầu hết các bài viết của tôi nằm trong tiêu chí của câu nói Đức Dalailama – Share your knowledge. It’s a way to achieve immortality. Viết vì cái chung cho cộng đồng, không viết cho một cá nhân nào, ngoại trừ cá nhân đó quá kiệt xuất hoặc quá quắt về hành vi hoặc mưu đồ làm hại đến cộng đồng. Hôm nay, xin một lần thứ ba viết về một cá nhân, xin cá nhân và cộng đồng thông cảm, vì đây chỉ là một trải lòng phải làm.

Hôm nay tình cờ đọc bài báo Cổ súy cho “tự xử” là triệt tiêu công lý của nhà báo Đức Hiển, tự nhiên tôi thấy chạnh lòng cho một thế hệ làm báo Việt Nam dưới thời Xã hộ chủ nghĩa.

Chạnh lòng vì thế hệ mà tôi hy vọng có sự đổi thay cho đất nước Việt là thế hệ này – 197x – thế hệ mà nhà báo Đức Hiển sinh ra và lớn lên trong hòa bình, nhân ái, vị tha và hiểu biết để làm người tử tế.

Chạnh lòng vì, đọc xong bài báo, tôi mới ngỡ ngàng là, té ra thế hệ này không như tôi nghĩ, mà là, như một Tổng kết về tâm lý đám đông mà, tôi đã làm cách nay hơn 3 năm về trước.

Chạnh lòng vì nhà báo Đức Hiển là một lãnh đạo trẻ của một tờ báo mà, cách đây hơn 2 năm về trước mà tôi đã từng tin tưởng và cộng tác viết bài trong một số lãnh vực và giáo dục, y tế, vì một tấm lòng với thế hệ tương lai.

Chạnh lòng vì, một lãnh đạo trẻ báo chí mà tôi đã từng tin tưởng, nhưng mất căn bản về kiến thức triết học, khi viết về vụ án Đoàn Văn Vươn trong cặp phạm trù nhân quả.

Tôi đã từng viết trên blog này, muốn nắm bắt một vấn đề thấu đáo thì phải luôn nắm chắc khái niệm của vấn đề. Và muốn tư duy thấu đáo một cách phản biện duy lý, khách quan thì phải nắm chắc triết học. Và triết học không có gì cao xa, mà lại rất gần, như ăn, thở, ngủ, nghĩ trong quá trình sống của con người.

Nhà báo Đức Hiển cho rằng, ông Đoàn Văn Vươn và gia đình ông có tội, vì đã chuẩn bị có chủ đích và cố ý gây thương tích với “người thì hành công vụ”, nên phải xử tội, dù chính quyền sai thì phải xử. Thế nhưng, nguyên nhân, động cơ gây ra để ông Đoàn và gia đình ông buộc phải tự trang bị vũ khí thô sơ để tự vệ là từ đâu đến vậy ông nhà báo trẻ?

Nguyên nhân bắt đầu từ ý đồ cố sát của ông Đoàn và gia đình ông Đoàn hay hành động của ông Đoàn và gia đình ông chỉ là hậu quả vậy nhà báo trẻ?

Tôi cho rằng, muốn làm nhà báo để “được” chức như nhà báo Đức Hiển thì ít nhất cũng phải trải qua tấm bằng đại học dưới thời Xã hội chủ nghĩa này. Trong giáo trình để tốt nghiệp đại học dưới thời này, thì môn thi bắt buộc tốt nghiệp đại học là môn “triết học Marx-Lenin”. Trong đó, phải can qua duy vật biện chứng, và chắc chắn phải học cặp phạm trù Nhân – Quả, mà các nhà theo trường phái duy vật đã đúc kết từ Phật học của Tất Đạt Đa đã nói trước Tây lịch những 624 năm!

Đó là chưa bàn đến vấn đề là, công an là để giữ an ninh trật tự quê nhà cho dân yên ổn làm ăn, nhưng công an ở Tiên Lãng lại đi đàn áp nhân dân, đúng hay sai? Và quân đội là để giữ bờ cõi đất nước trước họa ngoại xâm, nhưng quân đội huyện Tiên Lãng lại được điều động để đi đàn áp dân lành, đúng hay sai vậy ông nhà báo trẻ?

Tự do là gì, nếu không là tự do của anh không được vi phạm đến quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của tôi? Trong câu chuyện Tiên Lãng ai đã vi phạm quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của ai hỡi nhà báo trẻ?

Nhà báo không thấy rằng ngay cả những người công an và quân đội được lệnh điều đi đàn áp ông Đoàn và gia đình ông Đoàn, mà họ bị thương tích, thì họ cũng cảm thấy xấu hổ, khi lên tiếng không cần bồi thường đối với hành động mà nhà báo thay tòa để kết tội ông Đoàn đó sao?

Đã hơn 40 năm, nhưng tôi mãi nhớ lời thầy dạy năm nào, người trượng phu quân tử chỉ phù suy, không phù thịnh – tức đỡ đần người yếu thế và đúng, chứ không phò kẻ mạnh và lưu manh – không biết nhà trường Xã hội chủ nghĩa có dạy ông nhà lãnh đạo báo còn trẻ tuổi điều này không?

Tuổi đời và tuổi học của ông nhà báo chắc chắn phải sau tôi ít nhất một vài con giáp. Kiến thức ông nhà báo học chắc chắn còn mới hơn tôi có lẽ phải vài thập niên. Nhưng sao ông nhà báo lại “chóng quên” đến thế, mà lại quên một kiến thức rất cơ bản ngay cả bà bán cá, hay ông nông dân không cần học cũng rất hiểu nó rành rọt để sống có nhân cách của một con người tử tế.

Như một bài viết của tôi gần đây – Tự diễn biến – việc nhà lãnh đạo báo trẻ viết bài báo trên không giúp cho sự việc của Tiên Lãng tốt hơn, mà còn góp phần làm lòng tin của dân càng mất sạch, lòng căm thù của người dân càng tăng thêm đối với đảng cộng sản cầm quyền.

Quả thật đáng để chạnh lòng. Chạnh lòng vì một thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước. Lấy đâu ra nhân lực, trong khi chỉ thấy toàn nhân sự trong đảng cầm quyền để cho tương lai đất nước?

Tư gia, 22h26′ ngày thứ Năm, 04/4/2013

 Blog BS Hồ Hải