vietsoul21

Archive for Tháng Hai, 2013|Monthly archive page

Người Buôn Gió – Thế nào là suy thoái đạo đức xã hội.?

In Liên Kết, Tạp văn on 2013/02/28 at 13:17

Sáng nay ra quán nước đầu ngõ, thấy mọi người nói chuyện về xã hội đang suy thoái về đạo đức. Người bảo là suy thoái trầm trọng, người bảo chưa. Cãi nhau điếc cả tai, Ông bán nước tức quát.

– Ai cho chúng mày nhận định xã hội suy thoái đạo đức hay không, việc đó là của người quản lý, họ trên cao, họ nhìn toàn diện mới nhận định. Bọn mày ếch ngồi đáy giếng nhìn trời băng vung.

Anh xe ôm nói.

– Ông không xem tin không biết, giờ cướp giết hiếp tràn lan. Cướp trắng trợn người ta đang đi xe máy, nó vác dạo chặt đứt tay cướp xe. Đang nhắn tin điện thoại đắt tiền, ipad trong quán cà fe. Nó vào tận quán nó cướp.

Anh ghi số đề.

– Nó còn nhờ bạn bè hiếp dâm vợ để ly dị, rồi có đứa hạ thủ chồng đi với trai, có đứa mang con nhỏ vài tuổi ra đập chết vì tức chuyện vợ chồng.

Ông bán nước xua tay.

– Những chuyện đó là suy thoái về lối sống, nó chỉ chiếm một số ít trong nhân dân, vài trường hợp thôi. Không thể đem mấy cái chuyện đó mà nói là suy thoái đạo đức trong xã hội.

Mấy người hỏi.

– Giết, cướp, hiếp tràn lan, lọc lừa nhau từng ngày, từng giờ. Không phải suy thoái đạo đức thì đến bao giờ chết hết mới là suy thoái à ông già.

Ông bán nước nói.

– Tao đã bảo chúng mày, đó chỉ là phần nhỏ, xã hội nào, đất nước nào mà không có chuyện giết người, cướp của , hiếp dâm. Mỹ  cũng thế, Anh , Pháp, Đức cũng thế. Người ta có bảo xã hội họ suy thoái đạo đức đâu, sao chúng mày cứ nhục mạ dân tộc thế. Khi mà suy thoái đạo đức nó cũng phải có tiêu chuẩn người ta mới nhận xét được thế. Phải là người có trách nhiệm phát ngôn, không bừa bãi như mấy thằng mày.

Bọn trẻ xúm lại hỏi.

– Vậy tiêu chuẩn nào thì gọi là suy thoái đạo đức xã hội.? Bố nói con nghe.

Ông già nói.

– Đầu tiên phải là người có trách nhiệm, lãnh cương vị cao.

Bọn trẻ thắc mắc.

– Cao cỡ nào.?

Ông già.

– Cao như tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chỉ tịch quốc hội. Những người nắm giữ chức vụ cao như thế, họ quan sát  có thông tin toàn diện, đầy đủ từ mọi địa phương,họ mới nhận xét được.

Cả bọn gật gù.

– Đúng, người ta có chức vụ cao, người ta nói mới đúng, vì họ chịu trách nhiệm.

Ông già bán nước nói.

– Thì đúng thế mà, suy thoái xã hội là một việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quốc gia đại sự, chứ mấy thằng ăn cướp, giết người đâu gọi là suy thoái xã hội được. Suy thoái đạo đức xã hội như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, là đã có trường hợp lợi dụng việc đóng góp ý kiến sửa đổi hiến pháp để chống phá Đảng ta, đòi đa nguyên, đòi phi chính trị hoá quân đội, đòi bỏ điều 4 hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo. Phải vi phạm những điều lớn lao như thế mới đúng là suy thoái đạo đức xã hội, vì Đảng ta là đạo đức, là văn minh, kết tinh mọi trí tuệ dân tộc. Đòi truất vài trò lãnh đạo của Đảng mới đúng là suy thoái đạo đức xã hội.

Cả bọn ồ lên tán thưởng, chí lý, chí lý. Rồi chúng hể hả bảo nhau.

– MK, thế mới là suy thoái đạo đức chứ, còn như anh em ta cờ bạc, gái mú một tí gọi là vui chơi, tệ nạn. Bọn cướp, giết , hiếp kia chỉ là phần nhỏ phạm tội nước văn minh đến đâu mà chả có. Chơi vô tư đê.

Lúc đó có một người bán hàng rong tạp hoá đỗ cạnh, nghe hết chuyện. Ông ta lẩm bẩm.

– Đm hài thật, giờ tiêu chí đánh giá đạo đức xã hội lại là nhìn vào việc góp ý kiến có vừa tai các ông ấy hay không, chả vừa tai là thành suy thoái đạo đức.

Nguồn: FB Người Buôn Gió

Nguyễn Hưng Quốc – Viết và viết lại lịch sử

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Việt Nam on 2013/02/18 at 15:16

Cho đến nay, nói đến biến cố 30/4/1975, phần lớn chỉ đề cập đến chuyện miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam, sau đó, tước đoạt tài sản không những của chính quyền cũ mà còn cả nhà cửa và tài sản của dân chúng, đặc biệt của những người đã bỏ nước ra đi và những người bị liệt vào danh sách “tư sản”. Còn một khía cạnh khác, quan trọng không kém, nhưng rất hiếm khi được đề cập: họ còn tước đoạt cả lịch sử nữa.

Suốt bao nhiêu năm, từ năm 1975 đến giữa thập niên 1980, lúc chính sách đổi mới ra đời, đảng Cộng sản độc quyền trên mọi phương diện, từ kinh tế đến chính trị, tư tưởng và thông tin. Sau phong trào đổi mới, họ nới lỏng việc độc quyền trong lãnh vực kinh tế, nhưng vẫn duy trì sự độc quyền trong các lãnh vực khác của đời sống, trong đó, hôm nay chúng ta chỉ tập trung vào một lãnh vực: lịch sử.

Toàn bộ lịch sử, cũng như toàn bộ những bài viết liên quan đến lịch sử hiện đại Việt Nam được xuất bản trong nước từ năm 1975 đến nay đều được viết bởi những người, nói theo Huy Đức, “thắng cuộc”. Nhưng không phải người thắng cuộc nào cũng được quyền tham gia vào việc viết lịch sử. Bộ hồi ký Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm của Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Trung ương Đảng, cũng bị thu hồi với lý do: Nó không hoàn toàn đúng theo cách nhìn “chính thống” của đảng. Tháng 9 năm 2012, Quốc hội Việt Nam thảo luận để sửa lại Bộ luật xuất bản, trong đó, có một thay đổi rất đáng chú ý: Các nhà xuất bản được quyền liên kết với tư nhân, hay “đầu nậu” để xuất bản nhiều thứ sách, trừ các cuốn sách có “nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký”.

Quản lý gắt gao những cuốn sách về lý luận chính trị hay về chủ quyền quốc gia là điều có thể hiểu được. Thêm vào danh sách ấy những cuốn sách về tôn giáo cũng có thể hiểu được: đảng Cộng sản vốn chủ trương vô thần và thường nghi kỵ các tôn giáo. Nhưng còn lịch sử? Nói đến lịch sử, người ta thường nghĩ ngay đến những chuyện đã qua. Trong quá khứ. Chúng có liên quan gì đến chuyện chính trị? Có. Chủ trương của đảng Cộng sản rất nhất quán: Đó là lãnh vực họ muốn giành độc quyền. Đến cả các cuốn “hồi ký” của cán bộ và đảng viên của họ, họ cũng không tin: Chúng cần phải được kiểm duyệt kỹ lưỡng. Từng câu. Từng chữ.

Có thể nói, nhà cầm quyền không phải chỉ muốn giữ độc quyền trong việc quản lý hiện tại mà còn cả trong việc quản lý quá khứ. Họ muốn thực dân hóa cả ký ức của dân tộc. Chửi nhà Nguyễn, rồi sau đó, công nhận một số đóng góp của nhà Nguyễn là quyết định của họ. Phủ nhận Tự Lực văn đoàn, rồi sau đó, ca ngợi Tự Lực văn đoàn cũng là quyết định của họ. Cả việc viết và viết lại lịch sử đều nằm trong tay họ.

Hoàn toàn.

Với lịch sử xa, còn thế; với lịch sử gần, lại càng hơn thế nữa. Tất cả những gì liên quan đến chiến tranh Việt Nam và sau đó, đều do họ viết. Theo quan điểm của họ. Tuyệt đối không thể có một tiếng nói nào khác. Họ giành sự độc quyền ấy một cách dứt khoát, kiên quyết, không hề nhân nhượng. Và, cho đến nay, không hề mất cảnh giác.

Không thể nói là họ không thành công. Họ thành công ít nhất ở ba khía cạnh: Một, họ khống chế toàn bộ nội dung lịch sử được giảng dạy trong hệ thống giáo dục từ tiểu học đến trung học và đại học. Không có một tiếng nói khác nào lọt vào được để làm nhiễu những tiếng nói của họ. Hai, họ cũng kiểm soát được toàn bộ các xuất bản phẩm chính thức ở trong nước. Một vài cách nhìn khác với quan điểm chính thống của họ đều hoặc bị cấm đoán hoặc bị thu hồi hầu như ngay tức khắc. Ba, cái lịch sử được họ viết hoặc viết lại ấy có khá nhiều ảnh hưởng đến giới học giả Tây phương, những người, một phần, có khuynh hướng chỉ tin cậy vào các văn bản viết; phần khác, do cả tin hay do tính toán, thường sử dụng các văn bản viết được xuất bản trong nước để làm tài liệu tham khảo, có khi là nguồn tài liệu duy nhất. Khi ảnh hưởng lên được giới học giả Tây phương, họ cũng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau trên thế giới.

Có điều, sự thành công của họ không trọn vẹn và càng lúc càng không trọn vẹn. Càng ngày càng có nhiều tiếng nói phi chính thống xuất hiện và để lại những dấu ấn lớn và sâu trong quần chúng, đặc biệt, giới trí thức. Lý do đầu tiên là nhiều người, ngay trong nội bộ đảng, không chấp nhận tham vọng độc quyền viết hoặc viết lại lịch sử của nhà cầm quyền. Họ muốn nói lên những sự thật mà họ từng nghe, thấy hoặc tham gia vào việc thực hiện. Ngày trước, có khi muốn nhưng người ta không dám bắt tay vào việc viết. Vì sợ. Sau ngày chủ nghĩa Cộng sản ở Nga và Đông Âu bị sụp đổ, người ta biết chắc những tiếng nói chính trực của mình, một lúc nào đó, sẽ được lắng nghe, bởi vậy, đâm ra tự tin và hứng khởi để làm việc hơn. Lý do thứ hai là nhờ internet. Ở Việt Nam, nhà nước có thể kiểm soát dễ dàng hệ thống báo chí và xuất bản. Bất cứ cuốn sách hay bài báo nào đi ngược lại quan điểm của họ, họ đều có thể tịch thu. Nhưng việc kiểm soát trên internet không phải dễ. Càng không dễ khi có thêm lý do thứ ba này nữa: sự liên thông giữa trong và ngoài nước. Trước, trong là trong và ngoài là ngoài. Năm 1979, để chuyển được tập thơ của mình ra với thế giới, Nguyễn Chí Thiện đã phải chấp nhận 12 năm tù (1979-1991). Năm 1982, chỉ vì cầm tập thơ chép tay Về Kinh Bắc từ Hà Nội vào Sài Gòn, nhà thơ Hoàng Hưng đã bị bắt và ở tù 39 tháng, còn Hoàng Cầm, tác giả, thì bị 16 tháng tù.

Bây giờ thì khác. Bất cứ bài viết hay cuốn sách nào bị ngăn chận ở trong nước cũng đều được tung lên mạng và truyền bá rộng rãi khắp nơi, trước hết, bởi cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, sau đó, bởi chính những người hiện đang sống trong nước.

Chính nhờ ba lý do kể trên, trong những năm vừa qua, chúng ta được đọc khá nhiều cuốn sách hay về lịch sử đương đại Việt Nam được nhìn từ nhiều góc độ và qua kinh nghiệm của nhiều người khác nhau. Trong số đó, nổi bật nhất là các cuốn Hồi ký 1940-1945 của Trần Văn Giàu, Hồi ký của một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải, Hồi ký của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, Hồi ký không tên của Lý Quý Chung, Ký ức và suy nghĩ của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ, hồi ký Tôi bị bắt của nhà thơ Trần Vàng Sao, và gần đây nhất, cuốn Bên thắng cuộc, gồm hai tập, của nhà báo Huy Đức.

Người ta thường nói: Lịch sử luôn luôn được viết bởi những người chiến thắng. Điều đó nhất định là đúng. Nhưng có lẽ chỉ đúng với hai điều kiện: Một, những kẻ chiến thắng ấy nắm quyền cai trị một quãng thời gian dài, thật dài, đủ để rửa sạch mọi ký ức của cả cộng đồng (như các triều đại phong kiến ngày xưa); và hai, dân chúng hoàn toàn cam chịu im lặng, hoặc nếu không, cũng không có bất cứ phương tiện hay cơ hội nào để lên tiếng. Với cả hai điều kiện ấy, nhà cầm quyền Việt Nam đều không có. Họ có thể đốt sạch sách vở ở miền Nam nhưng lại không thể đốt chúng ở ngoại quốc, trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như trong các thư viện lớn của thế giới. Họ có thể kiểm soát hệ thống báo chí và xuất bản trong nước nhưng lại hoàn toàn bất lực trước sinh hoạt báo chí và xuất bản ở hải ngoại, đặc biệt các sinh hoạt truyền thông trên mạng.

Từ năm 1975, thậm chí, từ năm 1945 đến nay, đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn giành quyền viết lịch sử. Có những thời kỳ, họ là người duy nhất viết lịch sử. Bây giờ dường như đang bắt đầu xuất hiện một phong trào viết lại cái lịch sử ấy. Phong trào ấy càng phát triển bao nhiêu, sự xuyên tạc và dối trá càng sớm bị lột trần bấy nhiêu. Khi sự xuyên tạc và dối trá bị lột trần, các huyền thoại chung quanh đảng cũng như các lãnh tụ càng rơi rụng nhanh chóng bấy nhiêu. Khi các huyền thoại vốn là một trong những nền tảng xây dựng chế độ bị rơi rụng, không chừng chính chế độ cũng sẽ lung lay theo.

Nguồn: blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)

Dương Thu Hương – Quân Đội, Những người lính của Nhân Dân, các anh còn ngủ đến bao giờ?

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết on 2013/02/15 at 07:54

Đối với thế giới, uy tín của chính quyền cộng sản Việt Nam đã mất từ lâu, mất một phần khi xảy ra cuộc chiếm đóng Cambodia, mất toàn phần khi làn sóng thuyền nhân tràn lên các đại dương và xác chết của họ trôi khắp bãi bờ các quốc gia khác.

Với dân chúng trong nước, giờ đây họ thôi là nhà cầm quyền vĩ đại. Bởi sự thoát đồng đã xảy ra từ rất lâu, họ thôi là thượng đế và dân chúng thôi là những con nộm bị điều khiển bằng thứ tôn giáo do kẻ cầm quyền sáng tác.

Dân chúng đã nhìn rõ bản mặt của họ: những con vật đi bằng hai chân, những con vật tham tàn, những con vật đang run sợ vì sự tham tàn của chúng không còn được bóng tối che đậy.

Nhà cầm quyền Hà Nội lúc này chỉ còn tin vào nòng súng. Nhưng bất kì kẻ cầm súng nào cũng có lúc chết vì chính thứ vũ khí mà họ sử dụng. Bởi vì, chẳng có thứ vũ khí nào tự động nhả đạn. Vũ khí nào cũng cần bàn tay của con người, dù là bàn tay bấm nút chiến tranh hạt nhân hay bàn tay cầm dao găm, súng lục. Khi con người đã nhìn rõ sự thật, khi họ không còn bị huyễn hoặc bởi các trò mị dân, khi họ hiểu họ là ai và họ có thể làm chủ số phận của họ bằng cách nào, lúc ấy, các nòng súng sẽ đổi hướng.

Tiếng nhạc ầm ĩ trong ngày hội “Ngàn năm Thăng Long” hẳn đã át đi tiếng nức nở của trên năm mươi gia đình nạn nhân chết vì bão lụt ở miền Trung. Các quan chức Hà Nội không bỏ ra một nửa giây để tưởng niệm những kẻ xấu số. Họ quên. Cũng như họ đã từng quên những người dân đánh cá tỉnh Thanh bị giặc Tầu giết ngoài khơi, như họ quên các chiến sĩ đã bỏ mình trên biên giới vào cuộc chiến tranh năm 1979. . .

Họ quên và họ quên. Vậy họ nhớ điều gì?

Khi con gái họ có nhu cầu mua một chiếc váy cưới xấp xỉ 200. 000 euros tại đại lộ Champs Elysées thì họ phải nghĩ cách làm đầy thêm các ngân khoản ở ngân hàng ngoại quốc. Khi nhân tình của họ cần chiếc xe hơi sang trọng như xe của cô Hồ Thu Hồng thì họ phải nghĩ cách để kiếm cho bằng được chiếc xe ấy, để nàng khỏi tủi thân vì kém chị kém em. Khi ngôi lầu của họ chỉ đáng giá hai triệu đô la mà của kẻ khác giá gấp đôi thì họ phải tìm cách đuổi kịp và vượt hắn. Đó là mối quan tâm cốt lõi của giai cấp tư sản đỏ Việt Nam giờ đây, cái guồng quay cũ kĩ của đám mới giầu.

Ai đó từng nói câu này: “Trong giai đoạn tích luỹ tư bản, giai cấp tư sản có thể giết chết cha đẻ của họ để có tiền”.

Giai cấp tư sản đỏ Việt Nam cũng có chung một trạng thái tâm lý đó: khát tiền, làm mọi thứ để có tiền, bất kể phương tiện nào, dù đó là tội ác. Nhưng tư sản đỏ Việt Nam không cần giết bố, bởi họ có một đối tượng khác dễ giết hơn nhiều: dân đen. Họ không cần đốn ngã kẻ sinh thành bởi có thể hút máu dân đen một cách thoả thuê, vừa thoả mãn cơn khát tiền lại vừa yên ổn lương tâm vì không mắc tội giết cha.

Lấy ví dụ về tập đoàn Vinashin. Mua một vỏ tầu cũ nát, đáy nứt, không thể vận hành, lấy sơn quét lên rồi rút hàng triệu đô la trong công quỹ. Hàng triệu đô la ấy quan lớn bỏ túi, còn con tầu “bãi rác” sơn bóng loáng kia được đặt trên đất liền để làm “hiện vật bảo tàng”.

Nghe tưởng như chuyện đùa. Nghe như tiếu lâm. Thứ tiếu lâm cười ra nước mắt. Chỉ có ở Việt Nam , nơi kẻ cầm quyền coi dân là lũ trâu bò, mới dám làm điều ngang ngược đó. Chỉ có ở xứ Việt Nam , khi tất cả các cuộc kí kết, thương thuyết của chính phủ đều diễn ra trong bóng đêm và dân chúng không được quyền biết đến mới có thể xảy ra hiện tượng này.

Lấy ví dụ thứ hai: các vụ buôn người. Dưới chế độ độc đảng, độc tài, ai có thể làm được điều này nếu không là chính các thành viên trong chế độ ấy. Tại sao lại buôn người? Vì buôn người thu lời nhanh nhất, mà vốn đầu tư coi như zero nếu có quyền hành. Cho nên, buôn người là nghề mới của đảng cộng sản Việt Nam , đảng thừa thãi quyền hành vì không có đối trọng.

Đã là lái buôn, ắt phải tham. Lòng tham mà không bị điều tiết bởi các điều luật thì nó sẽ phát triển vô cùng tận. Do đó, món hàng hoá có tên gọi là “dân đen”của các quan chức Việt Nam sẽ được khai thác tối đa để làm đầy túi các bậc trị vì dân. Khi đã coi dân chúng là hàng hoá, ắt người cộng sản phải tìm mọi cách để đám dân đen trở thành vật vô tri, tức là các công cụ, thứ công cụ này có chức năng sản xuất nhưng phải câm và phải điếc. Khi mà các công cụ dân đen không chịu nổi đàn áp, buộc mở mồm thì lập tức họ có cách để bắt nó phải câm. Vũ khí đó có tên gọi “chuyên chính”, bộ máy đàn áp trứ danh lâu nay.

Hãy đọc báo Công an nhân dân đưa tin về vụ xử ba thanh niên sáng lập công đoàn Tự do ngày 27 tháng 10 năm nay:

“Được Trần Ngọc Thành, kẻ cầm đầu Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam đưa Hùng, Hạnh sang Malaysia đào tạo, huấn luyện, rồi từ ngày 28/1 đến ngày 9/2/10, Trần Ngọc Thành đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương thực hiện các vụ kích động biểu tình, rải truyền đơn ở Trà Vinh, Đồng Nai, Tp HCM, nội dung kêu gọi người dân chống lại Đảng, Nhà nước, kêu gọi đấu tranh để đòi dân chủ; lợi dụng các vấn đề còn thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân ở một số khu công nghiệp để tổ chức tuyên truyền, kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp. . .”

Thứ nhất, tác giả bài báo này quên rằng “Kích động công nhân đình công, biểu tình, phá hoại máy móc, nhà xưởng, tài sản của doanh nghiệp” là đích xác các hành động của người cộng sản Việt Nam những năm trước cách mạng. Các hành động này cũng đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, khi giai cấp lao động không chịu nổi sự áp bức và bóc lột của đám chủ nhân. Các phản ứng tiêu cực này chỉ xảy ra khi sự thoả thuận giữa người làm công với kẻ trả công bị vi phạm và cuộc sống của người lao động bị đe doạ.

Phải chăng tác giả bài báo này cho rằng chỉ riêng đảng cộng sản vĩ đại của ông ta là được quyền sử dụng chiêu thức ấy còn những người khác thì bị cấm vì họ không được là người mà chỉ là thứ phẩm của người, tức “dưới người”, nói cách khác: “người vượn Néandertal”?

Thứ hai, câu “lợi dụng các vấn đề thiếu sót trong chế độ lao động, tiền lương của công nhân. . . ” chỉ là lối mỹ từ hoá sự vật. Nói một cách xác thực và dân giã, hiện nay các quan lớn cộng sản Việt Nam đang thực thi chính sách “bòn nơi khố quạnh, đãi nơi quần hồng”.

Tại sao lại “bòn nơi khố quạnh”? Vì ngu, vì tham, vì trước ngoại nhân thì dốt nát và khiếp nhược nên các quan lớn chỉ có lối kiếm tiền dễ nhất là bóc lột đồng bào mình, những người không có phương tiện để tự bảo vệ, những kẻ bị hà hiếp, bị tê liệt cùng một lần vì đói nghèo và sợhãi.

Tại sao lại “đãi nơi quần hồng”? Vì người cộng sản lúc này thôi còn là cộng sản, họ đã trở thành đám tư sản dù vẫn giữ vẻ mặt ngô nghê và bộ điệu lố bịch của kẻ cách đây chưa lâu còn lo le sợi dây giong lợn giống hoặc lúc lắc cái ống bơ đựng xu lẻ ăn mày. Khi đã đổi vai thì họ phải bám vào cái giai cấp tương lai của họ, giai cấp mới này chính là đám quần hồng, thế nên họ phải đãi đám quần hồng để còn kiếm chác phần đường mật trong đũng cái quần hồng ấy.

Sự thật đơn giản, nếu người ta nhìn thẳng vào nó.

Đám cầm quyền hôm nay đã rơi từ đỉnh cao của sự “kiêu ngạo cộng sản” xuống vũng bùn của“các con lợn truỵ lạc phương Tây” mà trước đây họ thường sa sả chửi rủa, họ đang sống xả láng trong cảnh phồn vinh mà trước đây họ mỏi mồm lên án. Nói tóm lại, họ đang là thứ “khỉ khoác quần áo”, thứ “nhặt cái đuôi của bọn tiểu tư sản cắm vào lỗ mồm” như ông tổ hói đầu Lenin của họ từng cảnh báo trước đây.

Trong cuộc sống tối tăm, nhục nhằn của người nô lệ, các anh hùng đánh đuổi ngoại xâm chính là các bậc thánh sống, được tôn trọng, thần phục, ngưỡng mộ, và có toàn quyền trở thành các nhà sáng lập triều đình.

Nhìn lại lịch sử, ta dễ dàng chiêm nghiệm điều đó. Phải chăng triều Lý, triều Trần, triều Lê, triều Tây Sơn Nguyễn Huệ đều được khởi dựng sau các chiến thắng lẫy lừng chống kẻ xâm lăng? Ngoại trừ Đinh Bộ Lĩnh là viên tướng phất cờ khởi nghĩa dẹp loạn sứ quân, thống nhất đất nước, nói một cách dễ hiểu là viên tướng duy nhất xây dựng triều đình khi chiến thắng các cuộc nội chiến phân quyền, còn lại, những gương mặt sáng chói trong lịch sử đất Việt đều là những anhhùng chống Tầu và chống Nguyên – Mông. Các triều vua này từng tuyên bố “Sông núi nước Nam vua Nam ở”.

Và cuộc sống mái của họ là giành mục đích người Việt Nam là người Việt Nam, dẫu áo vải quần thâm nhưng đàn ông nhất quyết không cạo trọc, tết sam như gã A. Q, đàn bà không bó chân như các mợ Tầu.

Tuân theo logic ấy, triều cộng sản được hình thành là nhờ nó có công trong cuộc cách mạng chống giặc Tây. Và người ta còn khoan dung cho nó là vì tính đến cái công ấy, cái công “dành độc lập dân tộc”, cái khả năng nối tiếp truyền thống của các Vua nước Nam nhất thiết phải ở đất nước Nam, coi sự tồn tại của non sông quý hơn tròng mắt của chính họ.

Cái tinh thần bất khuất ấy, còn hay chăng?

Còn hay chăng, tinh thần dân tộc của những người đã đổ máu để cắm ngọn cờ hồng lên thành Hà Nội sáu mươi lăm năm trước, những cảm tử quân đã ôm bom ba càng vào mùa đông năm 1946 với lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”?

Nếu những anh hùng vô danh ấy có linh hồn, hẳn các linh hồn ấy giờ đây đang nức nở.

Nếu những hiển linh của các vua xưa có thể cất lời, thì lời đầu tiên họ nói sẽ là “Lũ người này đã phản bội lại dân tộc, bọn sâu bọ này đã bôi nhọ mặt chúng ta!”

Ngày Hội Ngàn năm Thăng Long diễn ra vào đúng ngày 1 tháng 10, thằng mù cũng biết đó chính là ngày Quốc khánh Trung Quốc. Tại sao lại là con số này? Tại sao có sự lựa chọn này? Vô ý chăng? Nhầm nhỡ chăng? Mất trí nhớ chăng?

Cứ coi như Bộ trưởng Bộ Văn hoá dốt nát thì trên đầu ông ta còn mười một người trong bộchính trị. Không lẽ cả mười một người này mắc chứng mất trí nhớ? Không lẽ cả mười một người này mắc bệnh thiểu năng?

Nếu để cho mười một kẻ thiểu năng đứng trên đầu trên cổ mình thì dân Việt xứng đáng là các bệnh nhân của trại tâm thần, một trại tâm thần khổng lồ chưa từng thấy mà trong đó các con bệnh bị tiêm thuốc ngủ liều cao liên miên nên đờ đẫn, không còn khả năng nhận thức sự vật xung quanh. Nếu không, họ đã bị bán đứng cho Tầu, và tương lai của họ, một tương lai không tránh được sẽ là bản sao lại sầu thảm của những người dân Tây Tạng hoặc Tân Cương một khi họ bó tay trước lũ bán nước.

Chọn ngày Quốc Khánh Trung Quốc để mở hội Ngàn năm Thăng Long là một biểu tượng hai mặt.

1. Với triều đình Bắc Kinh chính phủ Hà Nội đã làm bản tuyên bố: Thành Thăng Long cũng chỉ là một bộ phận trong lịch sử mẫu quốc, nó phải được treo đèn kết hoa cùng một lần với đèn hoa của thủ phủ đại triều. Một khi thủ đô của một quốc gia đã định vị nhưvậy, có nghĩa quốc gia ấy tự xác nhận danh tính chư hầu một cách công khai. Sự kiện này là bản giao kèo bộc lộ lòng trung thành vô hạn và vô điều kiện của đám hàng thần Hà Nội.

2. Với dân chúng, đây cũng là lời tuyên bố thẳng thừng: Chúng tao bất chấp lịch sử, chúng tao có toàn quyền định đoạt vận mệnh đất nước. Kẻ nào chống lại, kẻ đó sẽ bị tiêu diệt.

Chọn ngày quốc khánh Trung Hoa để mở hội Ngàn năm Thăng Long là bằng chứng hiển nhiên để mảnh vải rách cuối cùng che thân chế độ cộng sản rơi xuống. Họ đã trở thành kẻ bán nước, công khai hoá hành vi bán nước của mình.

Nếu như năm 1945, cha anh họ là các anh hùng giải phóng dân tộc thì giờ đây, trái lại, họ là những tên phản tặc, sỉ nhục của tổ tiên, chẳng những cắt đất, cắt biển dâng cho giặc mà còn đương nhiên ném bùn lên lịch sử. Người Việt Nam ta có câu “hổ phụ sinh cẩu tử”. Mà bọn người này, không những là những con “cẩu tử” mà còn là “cẩu ghẻ”, “cẩu sida”.

Những người cầm quyền Hà Nội thừa thông minh để hiểu rằng họ là những con cẩu ghẻ. Rằng trong dòng máu của bất cứ người Việt nào cũng lưu cữu một thành tố có tên gọi “chống ngoại xâm”, mà thứ ngoại xâm thống trị lâu dài nhất, tàn độc nhất, để lại các kinh nghiệm đau thương sâu đậm nhất trong kí ức là “giặc phương Bắc”.

Cuộc thực dân hoá của Pháp 100 năm chỉ là cơn bão chóng qua so với thời kì bắc thuộc của giặc Tầu. Họ biết rằng bất cứ kẻ nào phản lại truyền thống đấu tranh dân tộc, kẻ đó mất chỗ đứng trong lòng dân chúng. Ngày hôm trước còn được tung hô hoàng đế, hôm sau đã biến thành “Thằng chó săn, thằng phản tặc, phường bán nước”.

Đó là trường hợp vua Lê Chiêu Thống đã phải chịu do hành vi bán nước của ông ta. Còn câu ca “Nguyễn Ánh cõng rắn về cắn gà nhà” mãi mãi là bài học lịch sử tố cáo tội ác của kẻ đặt lợi ích dòng họ trên quyền lợi dân tộc. Giờ đây, nhà cầm quyền Hà Nội biết rằng họ đã bị đẩy sang bên kia đường biên, họ rơi vào cùng một bè lũ với Lê Chiêu Thống và Nguyễn Ánh.

Để đặt tên cho họ một cách rõ ràng và chính xác, tôi xin nhại lại câu “cõng rắn về cắn gà nhà” của các cụ xưa mà rằng nhà cầm quyền Hà Nội giờ đây là bọn “dẫn hổ về thịt dê nha“

DẪN HỔ VỀ THỊT DÊ NHÀ.

Tại sao lại là hổ và dê?

Hổ, vì vương triều phương Bắc bây giờ mạnh hơn thực dân Pháp năm xưa nhiều lần, để so sánh một cách chính xác thì phải dùng hình ảnh con hổ chứ không thể là con rắn.

Dê, vì nhìn lại bản đồ, bạn đọc sẽthấy rằng toàn bộ bán đảo Đông Dương có thể ví như một con dê mà Tây nguyên chính là phần sống lưng con dê đó. Một khi con hổ Trung Hoa cắm được móng vuốt lên chính giữa lưng con dê này, coi như số mạng con dê đã nằm trong hai hàm răng của nó.

Đế quốc Trung Hoa sẽ trải rộng khắp châu Á. Việt, Miên, Lào sẽ trở thành các tỉnh thành khác nhau của Trung Hoa, “công đầu” này thuộc về ai nếu không là nhà cầm quyền Hà Nội, kẻ dựng lên công trình bauxite Tây nguyên?

Bauxite ư? Trò lừa đảo!

Thiếu gì các quặng bauxite rải rác khắp miền Bắc Việt Nam , tại sao không là Lào Cai, Yên Bái hay Cao Bằng mà lại là Tây Nguyên? Vả chăng, khai thác bauxite để làm gì? Kiếm tiền chăng? Dối trá! Biết bao bài báo đã phân tích chán chê lợi hại về khai thác bauxite, kể cả các tài liệu trên thế giới cũng công bố rộng rãi tác hại của nó, mà vụ gần đây nhất là Vùng bùn đỏ Hungaria. Còn có thể nói thêm được điều gì khi mà sự bán nước hiển nhiên đã bầy ra trước mặt dân chúng, giữa thanh thiên bạch nhật?

Nhà cầm quyền Hà Nội hoàn toàn có ý thức về hành vi bán nước của họ, bởi con tính của họ là trở thành một thứ “Thái thú Tô Định hiện đại”, được hưởng đủ phần xôi thịt của Bắc triều.

Còn Việt Nam biến thành một tỉnh nào đó của Trung Quốc, mang tên Quảng Việt, Quảng Nam, Quảng Lạc. . . họ không cần quan tâm. Họ biết rõ rằng hành động của họ là đi ngược lại lợi ích của nhân dân, biết rằng không người Việt nào cam tâm làm nô lệ cho Tầu, rằng kinh nghiệm đau đớn của tổ tiên luôn luôn sống trong ý thức lẫn vô thức dân tộc, thế nên họ chủ trương đàn áp dân chúng, họ chủ trương dùng bàn tay sắt để bóp nghẹt cổ những ai muốn nói lời phản kháng. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2009, thứ trưởng bộ nội vụ Nguyễn Văn Hưởng tức Trần đã công khai dọa nạt những người trí thức Việt Nam vào dịp viện IDS của tiến sĩ Nguyễn Quang A tuyên bố giải tán.

Ông nghị Trần nói rằng “Ở Việt Nam đảng độc quyền lãnh đạo nên không thể có phản biện. Phản biện tức là phản động. Các anh muốn phản biện hả? Nhà tù đang còn nhiều chỗ lắm. Nhưng chúng tôi cũng không cần đến nhà tù, chúng tôi có các phương tiện hữu hiệu hơn. Tai nạn xe cộ bây giờ tổ chức rất dễ dàng. Còn một biện pháp rẻ hơn và nhàn nhã hơn: đầu độc. Các anh uống cà phê rồi khi về đến nhà thì cứng đơ ra mà chết. Những bài bản này thế giới sử dụng đã lâu, chúng tôi cũng không thua kém họ. . . ”

Những lời lẽ này nói lên điều gì nếu chẳng phải sự công khai triệt để của tính tội phạm và tư cách chó? Một chính thể không còn lý do chính đáng để tồn tại thì chỉ có thể duy trì bằng bạo lực, chỉ có thể sử dụng bọn tội phạm, bọn sát nhân, bọn cặn bã xã hội, tóm lại, bọn chó giữ nhà.

Không còn lý tưởng, không còn đạo đức, ngập chìm trong tham lam, truỵ lạc, con người trượt từ chữ NGƯỜI sang chữ CON.

Bác chúng em

Vào những năm 1989, 1990, tôi có vinh hạnh làm quen và gặp gỡ ông Lê Giản, người công an đầu tiên của Việt Nam, người lãnh đạo bộ máy cảnh sát từ những năm đầu cách mạng. Ông Lê Giản đích thực là “Người công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, do dân và vì dân”.

Tôi hiểu vì sao cuộc kháng chiến thành công. Kháng chiến thành công vì có những người như ông Lê Giản.

Nhưng ông Lê Giản đã chết và“Người công an nhân dân”cũng đã chết theo. Cái chết này xảy ra từ từ với thời gian, một cái chết âm thầm, nhưng không phải là vô hình vô ảnh.

Tôi chứng minh:

Cách đây ngót ba thập kỉ, khi những lượt hoa quả đầu tiên từ phương bắc tràn vào nước ta, các phòng phân tích thuộc Bộ Nội vụ đã báo cáo lên bộ chính trị rằng các thứ hoa quả này đều tẩm formaldéhyde (thuốc ướp xác chết) vô cùng độc hại cho người tiêu dùng vì nó phá huỷ mô liên kết của các tế bào và là tác nhân gây ra bệnh ung thư.

Bộ chính trị ra lệnh cấm phổ biến sự thực trên vì “sợ mất lòng nước bạn”.

Các sĩ quan công an chỉ có thể ngăn cấm chính vợ con họ và rỉ tai những người thân cận nhất (anh em ruột, cha mẹ vợ chẳng hạn), đối với người ngoài, họ tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh cấp trên. Tuyệt đối im lặng. Tuyệt đối thản nhiên nhìn đồng bào mình ăn thứ đồ ăn nhiễm độc, biết chắc chắn rằng ngày một ngày hai họ sẽ ung thư và sẽ chết vì bệnh đó.

Tính kỉ luật của đám sĩ quan này mới cao thượng làm sao(!) Và cao thượng làm sao, những kẻ ngồi quanh bàn họp bộ chính trị, những bậc lương đống của triều đình, chịu trách nhiệm chăn dắt dân đen, đàng hoàng ra lệnh cấm rò rỉ sự thật vào tai dân chúng, bỏ mặc mấy chục triệu người bị đầu độc và chết dần chết mòn!

Đối với tôi, con đường bán mình cho giặc của chế độ Hà Nội đã khởi sự từ ngày ấy. Và ngày ấy cũng là cái mốc đánh dấu sự chuyển biến chất lượng này: từ người công an nhân dân, công an đã trở thành kẻ quay lưng lại với nhân dân.

Ba thập kỉ đã qua, những kẻ quay lưng lại với nhân dân đã trượt không ngừng trên con dốc, để trở thành kẻ thù của nhân dân.

Bây giờ, gương mặt nào là gương mặt đích thực của công an? Người hùng bảo vệ dân hay đám chó giữ nhà cắn cổ dân để bảo vệ ông chủ của nó?

Hãy xem lại các hình ảnh đưa lên internet năm 2008 về vụ nông dân bị cướp đất biểu tình ở Sài Gòn. Những người dân cầy gầy gò xơ xác, đa phần là người già và phụ nữ, từ các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Long An, Bình Thuận đổ đến trước văn phòng Quốc hội 2 với các khẩu hiệu “Trả đất cho dân”, “Chống cửa quyền, tham nhũng”. Những người dân ấy đã bị đám công an và dân phòng béo múp vì bia rượu, mặt hằm hằm sát khí đối xử ra sao? Mấy thế kỉ đã qua nhưng hình ảnh bọn người này vẫn là bản sao chính xác bọn nha lại mà Nguyễn Du đã mô tả trong Truyện Kiều:“Đầy nhà một lũ ruồi xanh” và“Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”.

Gần đây nhất, hãy nhìn hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Quang, một giáo dân ở Định Quán, tỉnh Đồng Nai vì tham gia đấu tranh cho dân chủ mà bị công an Đà Lạt ba lần tổ chức tai nạn xe cộ để kẹp suýt chết.

Tôi tự hỏi, có lúc nào những người công an này tự vấn lương tâm? Tại sao họ không dùng sức lực, dùng khả năng hung bạo mà họ sẵn có để giết những tên giặc Tầu, lũ dã nhân tàn sát những người dân đánh cá Thanh Hoá?

Nếu là những người mà nghề nghiệp đặt trên bạo lực, bản năng hiếu chiến mạnh mẽ, tại sao họkhông dùng khả năng đó để tiêu diệt ngoại xâm mà lại đi đàn áp những sinh viên yêu nước biểu tình đòi Trường Sa, Hoàng Sa trước sứ quán Tầu? Tại sao? Vì họ thiếu trí khôn hay vì họ là những kẻ mù loà, óc não bị khô cứng trong một cuộc sống mà ngoài việc tuân theo mệnh lệnh cấp trên không còn khả năng nghĩ đến điều gì khác ?

Vì chưa từng là công an, nên tôi dành những câu hỏi ấy cho họ trả lời. Tôi chỉ nêu lên nhận xét thứ hai, nhận xét khi tôi nhìn tấm ảnh đoàn biểu tình đòi mạng người xảy ra tại thị xã Bắc Giang ngày 25 tháng 7 năm nay.

Nhiều người biết rằng, ngày 23 tháng 7, hai công an huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang đã đánh chết anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, quê quán tại huyện Việt Yên vì tội danh không đội mũ bảo hiểm. Ngày 25 tháng 7, gia đình anh Khương đã chở xác chàng trai này lên thị xã Bắc Giang đòi đền mạng. Dân chúng xông lên ủng hộ gia đình nạn nhân, con số lên đến hàng ngàn người, làm thành một cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng có trong lịch sử tỉnh Bắc Giang, mà theo bài phỏng vấn, các cụ già đã nói rằng còn đông hơn ngày theo Việt Minh cướp chính quyền năm Ất dậu.

Trong sự kiện này, tôi chú ý đến một chi tiết: công an đưa xe cứu hoả mang vòi rồng đến trấn áp dân chúng, nhưng trước khí thế căm hờn của đám đông, công an bỏ chạy, hàng chục người dân trèo lên xe đứng. Hiện tượng đó chứng tỏ không phải lúc nào công an cũng tê liệt vì mù loà, luôn hành động như đám robot hoặc lũ chó berger. Trong lúc nguy khốn, họ đã tính toán và đã chọn con đường bỏ chạy để thoát thân.

Có lẽ, con tính của họ cũng đơn giản thôi. Không phải công an nào cũng phú quý vinh hoa như ông nghị Nguyễn Văn Hưởng. Đa phần những người lính quèn chỉ đủ sức nuôi một vợ thôi mà để nuôi cô vợ này với hai, ba đứa con kèm theo cuộc sống của họ cũng không phải là “thiên đường nơi hạ giới”. Nếu máu đổ ra mà chỉ để bảo đảm cuộc sống ấy thì đó là một cuộc đổi chác ngu xuẩn. Thêm nữa, lớp lính bây giờ tương đối trẻ, họ biết chữ nên không hoàn toàn bị bưng bít thông tin, họ hiểu được số phận của đám công an ra sao khi các cuộc cách mạng dân chủ xảy ra ở Nga, ở Tiệp, ở Hung, ở Đức, và ở Ukraina mới rồi.

Thêm nữa, dù hổ thẹn hay cố tình bưng bít lương tâm, nơi thầm kín nhất của con tim, họ cũng hiểu rằng chết vì một lý tưởng cao cả thì đó là cái chết xứng đáng không làm hổ thẹn cho con cháu, chết chỉ vì miếng cơm thì đó là cái chết của con chó gác sân mà khi dân chúng nổi lên, họ sẽ lấy bắp cầy phang vỡ sọ hoặc dùng câu liêm cắt cổ.

Khi lòng dũng cảm và tinh thần hào hiệp không còn nữa, cái còn lại là sự tính toán vị kỉ của mỗi con người. Sự vị kỉ này cũng có mặt tốt của nó, nó là rào cản để chủ nghĩa cuồng tín không thể đặt chân vào mảnh sân của mỗi căn nhà.

Một người công an, nếu chưa mất toàn bộ sự sáng suốt, ắt phải biết tính toán họ được bao nhiêu và mất bao nhiêu, liệu số lương bổng họ được có trang trải nổi phần tiêu phí cho đám tang của họ và nuôi nổi cô vợ với lũ con còn lại, hay sự hy sinh của họ chỉ để làm nặng thêm túi tiền các quan lớn, khiến các quan thêm rửng mỡ để đi hiếp trẻ con (như ông chủ tịch kiêm phó bí thư tỉnh Hà Giang tên Nguyễn Trường Tộ và các ông khác chưa bị lộ mặt), hay máu họ đổ xuống chỉ để đổi lấy các hộp kem đắt tiền nhằm bổ dưỡng làn da mịn màng cho các mỹ nhân của quan lớn (như đám mèo cái đang vờn quanh rốn ông nghị Nguyễn Văn Hưởng)? Vân vân và vân vân. . .

Sự tính toán luôn có lợi cho con người. Bởi thánh nhân thường hiếm mà kẻ trục lợi thường nhiều nên không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều xả thân vì đất nước. Tuy nhiên, nếu không là thánh nhân thì họ cũng là dân Việt.

Là dân Việt, họ phải hiểu rằng truyền thống chống Tầu là dòng máu sôi sục liên tục chảy trong tim dân tộc này. Bất cứ kẻ bán nước nào, sớm hay muộn, trước hay sau cũng sẽ nằm trước mũi súng của nhân dân.

Dân Việt :

Ai là dân Việt?

Phải chăng đó là tộc người duy nhất trong hàng trăm tộc Việt (Bách Việt) xưa kia sống ở phía nam sông Dương Tử còn giữ lại được bản sắc mà chưa bị đồng hoá như chín mươi chín tộc Việt kia?

Phải chăng vì sự cứng đầu này mà đất Việt luôn luôn là con mồi trong tâm thức Bắc triều?

Ngoài các lý do về nhu cầu bờ biển với các hải cảng, nhu cầu khoáng sản, còn một nhu cầu thầm kín nữa mà quan lại phương Bắc không nói ra, đó là nhu cầu đồng hoá nốt cái phần còn lại của Bách Việt.

Niềm kiêu hãnh Đại quốc là ở đó. Mối bực mình của Đại quốc cũng là ở đó. Một khi họ đã thâu tóm, đã chiếm lĩnh, đã áp đặt nền văn hoá và chữ Hán lên chín mươi chín tộc Việt kia, lẽ nào còn cái tộc cuối cùng họ phải chịu thua?Ở thế thượng phong mà mấy ngàn năm nay chưa nuốt trọn hòn xôi Việt Nam, mảnh đất cỏn con, dường như là một “vết thương lòng, một sự tự ái” mà vua chúa Trung Hoa không chịu được.

Cách đây vài năm, ai đó từng nói với tôi rằng “Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch là địch thủ, nhưng về chính sách đối với Việt Nam thì bọn họ sẽ ngồi cùng một bàn”.

Đó là một nhận định sáng suốt.

Năm trước, ông bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra dư luận xem bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ xâm chiếm Việt Nam . Theo công bố của ông ta thì con số này lên đến trên 90%. Cứ cho rằng Trung Quốc là một nước cộng sản nên dân chúng còn sợ hãi, họ phải tuân theo thượng cấp nên có thể trừ đi 20 phần trăm, phần còn lại vẫn là trên 70 phần trăm. Và điều này là sự thật không ai có thể chối bỏ.

Năm nay đã là năm 2010, thế kỉ 21, Trung Quốc không còn sống dưới vương triều họ Mao, không còn phải đổi xác người thân cho nhau để chén thịt. Kinh tế phát triển, các phương tiện kĩ thuật phát triển, trình độ văn hoá được nâng cấp, sách báo lan tràn trong các đô thị, không thể cho rằng dân Trung Quốc hoàn toàn bị dắt mũi bởi họ ngu dốt, bởi thiếu thông tin, bởi sợ hãi nhà cầm quyền, ngược lại, họ đang dương dương tự đắc vì là dân của Cường quốc số 2 trên thế giới. Vậy thì, cái “hòn xôi Việt Nam chưa nuốt được” kia không chỉ làm ngáng họng đám cầm quyền mà cũng còn làm ngứa ngáy cổ họng vô số dân đen phương Bắc, một mặc cảm có mẫu số chung.

Vì lý do nào mà bộ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc làm cuộc điều tra này? Đó là một trò chơi ngẫu nhiên hay là sự thăm dò có chủ định?

Vì lý do nào mà trên các site internet Trung Quốc tung ra hàng loạt bài chửi bởi, nhục mạ “lũ chó Việt Nam , phải đánh bọn chúng. Lũ chó Việt Nam, lần này chúng ta sẽ thanh toán lịch sử”, và công bố một cách chi tiết chương trình thôn tính Việt Nam trong ba mươi mốt ngày, phần còn lại của bán đảo được quy định là một tuần, tóm lại là chương trình con hổ Trung Quốc nuốt trọn con dê Đông Dương?

Liệu nhà cầm quyền phương Bắc có thể ngang ngược làm những điều ấy chăng nếu như chính quyền Hà Nội còn là một chính quyền độc lập mà không tự nguyện biến mình thành đám gia nô cho vương triều Đại Hán?

Tôi dành những câu hỏi ấy cho bạn đọc trả lời.

Tôi chỉ xin nhắc họ rằng, chúng ta là tộc người cuối cùng sống sót mà không bị đồng hoá thành người Hán. Tổ tiên chúng ta đã đấu tranh không mệt mỏi để chống lại sự áp đặt của Bắc triều, bởi họ đã nhìn thấy sự đánh mất bản diện, sự lụi tàn của 99 tộc Việt kia.

Để tồn tại và được là chính mình, tổ tiên ta vừa chống chọi vừa lùi xuống phương Nam . Lịch sử của dân tộc Việt tóm gọn trong câu này: “ Nam tiến”!

Nam tiến, nam tiến và nam tiến!

Cuộc Nam tiến thứ nhất khởi sự dưới triều Lê, từ năm 1428 đến năm 1527. Kể từ đây, cuộc khai khẩn và chinh phạt tiếp tục không ngưng nghỉ. Từ Thăng Long các đoàn quân xưa vượt qua đèo Ngang, sau lưng họ là những đoàn nông dân và thợ thủ công vào phá rừng, bạt núi, kiến tạo ruộng đồng và lập làng xây ấp. Rồi tiến đến châu Ô, châu Rí. Rồi, từ đèo Ngang vượt qua đèo Hải Vân là chặng đường thứ hai. Cứ thế mà hành trình này tiếp tục cho đến mũi Cà Mau.

Nam tiến, đó là sự nghiệp dựng nước của tổ tiên ta.

Bây giờ, chúng ta không còn cơ hội để tiếp tục sự nghiệp của họ. Chúng ta không thể Nam tiến. Trước mặt chúng ta đã là biển. Chúng ta tiến đi đâu?

Người Việt chỉ còn cách tồn tại cuối cùng là giữ lấy đất đai, đất đai ấy là xương máu của cha ông ngàn đời tích tụ lại, đất đai ấy là nơi cắt rốn chôn rau nhưng cũng là thành luỹ mà họ có thể nương tựa vào để duy trì cuộc sống cho mình và cho các thế hệ mai sau.

Để giữ được non sông, để có thể là người Việt mà không trở thành đám thiểu số khiếp nhược của một vương quốc khác, chúng ta không thể tiếp tục dung dưỡng một chính quyền bán nước, một chính quyền đã ngang nhiên cắt đất, cắt biển cống cho phương Bắc, đã nhục nhã biến ngọn cờThăng Long ngàn năm thành một mảnh vải vụn xén ra từ cái váy hồng Bắc Kinh. Chúng ta không thể bảo vệ được Tổ quốc nếu tiếp tục nuôi giữa lòng dân tộc mình một con rắn độc, cũng như Vua An Dương Vương xưa đánh mất non sông vì trót đẻ ra và trót yêu thương đứa con gái phản tặc có tên là Mỵ Châu. Với tất cả các hành vi nhục nhã mà họ đã làm, chế độ Hà Nội giờ đây đã chính thức trở thành một thứ Mỵ Châu.

 

Tuy nhiên, Mỵ Châu xưa là một người đàn bà xinh đẹp nhưng ngu dốt, kẻ luỵ tình nông nổi nên tội bán nước của cô ta còn được người đời khoan dung. Tại đền thờ Cổ Loa có hai tượng đá, tượng đá ngoài sân là biểu tượng Mỵ Châu nằm gục mặt xuống đất mà bất cứ ai đi qua cũng phải đạp một cái lên lưng và nhổ một bãi nước bọt để trừng phạt “con Mỵ Châu bán nước”. Còn tượng đá trong đền, tựa như một người đàn bà cụt cổ phủ vải đỏ thì lại được hương khói do lòng đồng cảm với “Mỵ Châu khờ dại và lụy tình”.

Dân Việt vốn không cuồng tín, họ phân biệt rõ ràng mọi sự, bên kia chữ lý còn đọng chữ tình.

Nhưng nàng Mỵ Châu ngây thơ, khờ dại đã chết từ mấy ngàn năm trước, còn chính quyền Mỵ Châu bây giờ không một chút khờ dại mà cũng chẳng luỵ tình ai, nó chỉ luỵ cái túi tiền của chính nó. Mọi tính toán của nó chỉ nhằm tu tạo, xây đắp quyền lợi bản thân, cũng như con thú chỉ có một đam mê duy nhất là liếm cho mượt bộ lông của chính nó mà thôi.

Mỵ Châu ngày nay là một con đĩ già trơ trẽn, trần truồng nằm dạng háng sẵn cho phương Bắc.

Người dân Việt phải chém cụt đầu con đĩ ấy, trước khi nó kịp trao hết nỏ thần vào tay giặc nếu chúng ta không muốn lặp lại số phận bi thảm của An Dương Vương.

Dân tộc Việt không thể làm được điều ấy, nếu quân đội không đứng lên cùng với họ.

Quân đội, những người lính của nhân dân, các anh còn ngủ đến bao giờ?

DƯƠNG THU HƯƠNG

http://bahaidao.wordpress.com/2013/02/13/quan-doi-nhung-nguoi-linh-cua-nhan-dan-cac-anh-con-ngu-den-bao-gio/

Tưởng Năng Tiến – Sử Gia Và Dân Biểu Dương Trung Quốc

In Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/02/12 at 13:26

Lúc bé, tôi vẫn thường xem phim cọp. Lý do, giản dị, chỉ vì tôi rất ít khi có tiền mua vé. Lỡ có, tôi lại muốn dùng tiền để mua những thứ khác: bắp nuớng, đậu phụng rang, cà rem, bánh kẹo … để nhai lai rai trong lúc coi phim.

Nhưng làm thế nào để vào cửa cọp mới được chứ? Ít nhất cũng có hai cách. Thứ nhất là đứng xớ rớ truớc cửa rạp, thấy một ông hay một bà trông có vẻ bảnh bao và dễ tính là mình xà ngay đến:

– Thưa chú, thưa dì, thưa cô, thưa bác… con muốn coi cái phim này hết sức nhưng không có tiền, làm ơn dắt con vô luôn nha?

Nếu họ gật đầu là kể như… khỏe. Theo lệ, mỗi nguời lớn đi xem phim có quyền dắt theo một trẻ em – miễn phí.

Lối thứ hai rắc rối hơn một chút, kém đàng hoàng hơn một tí, và cần một ít vốn đầu tư. Mấy đứa phải hùn hạp đủ tiền cho một thằng hay một con nào đó mua vé (hạng nhi đồng) vào cửa. Rồi nó sẽ len lén mở cửa bên hông rạp, cho cả lũ vào luôn!

Có lần vì giông bão, nên dù là ngày chủ nhật, rạp chiếu bóng cũng chỉ có mấy ngoe mua vé vào xem. Lũ nhi đồng chúng tôi quên chi tiết đó, vẫn tiếp tục rủ nhau vào cửa cọp. Không những thế, nhiều đứa còn “mời” cả anh chị và bố mẹ “đi” luôn. Dân trong xóm tôi đều nghèo, đều rất ham… vui; do đó, gặp ngày mưa buồn bã và rảnh rỗi – rạp hát lại gần nhà – nên mọi nguời đều vui vẻ… vô luôn!

Chủ rạp kinh ngạc khi thấy vé không bán đuợc bao nhiêu mà bên trong rộn rã tiếng cười đùa vỗ tay của trẻ con, rôm rả tiếng bàn tán nói cười của nguời lớn. Không cần phải thông minh lắm nguời ta cũng tìm được lý do, không lâu, sau đó.

Thế là bất ngờ, sau một lời xin lỗi ngắn ngủi qua hệ thống phát thanh, đèn bật sáng lên, chủ nhân cùng nhân viên ào vào xoát vé. Lần lượt từng mạng một, không phân biệt già trẻ lớn bé, không xót một mạng nào, cả xóm bị “mời” ra khỏi rạp bằng những lời lẽ – tất nhiên – hoàn toàn không nhã nhặn.

Ðã có lúc vui miệng, tôi kể cho mấy đứa con bé nhỏ của mình nghe về cái kỷ niệm ấu thơ (không mấy êm đềm) này. Chúng đều tỏ vẻ ái ngại và vô cùng thất vọng về thái độ hơi thiếu đàng hoàng của tôi:

It’s not fun. Như vậy đâu có vui bố.

And it’s not fair, either! Cũng không công bằng mấy bố à.

– Ờ thì bố cũng thấy là không vui gì cho lắm và có hơi kỳ kỳ một chút.

– Kỳ một chút sao được. It’s cheating, như vậy là ăn gian, đó bố!

Tôi miễn cưỡng đồng ý với tụi nó mà bụng dạ (nói thiệt) có hơi buồn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã gian lận gì nhiều trong chuyện xem phim mà vào bằng cửa cọp. Cũng như tất cả những nguời dân lớn nhỏ khác của cả xóm mình, tôi chỉ có tội nghèo mà ham… vui, và hơi láu cá chút đỉnh, thế thôi.

Láu cá (rõ ràng) không phải là một đức tính, dù nhìn theo quan niệm đạo đức của bất cứ ai. Bởi vậy, càng già tôi càng đàng hoàng thấy … rõ! Những nguời tử tế, biết phục thiện, và đàng hoàng tử tế như tôi – tiếc thay – hơi ít.

Tạp chí Khởi Hành số 34, phát hành tháng 8 năm 99, từ California, có bài viết “Khi Chính Trị Chi Phối Văn Hoá”, của Trần Anh Tuấn, về những nguời… rất không đàng hoàng như thế. Những kẻ mà đến lúc chết vẫn còn (vô cùng) láu cá!

Một phần của bài viết, ông Trần Anh Tuấn dùng để điểm cuốn Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam, Những Gương Mặt Trí Thức, tập Một, do Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân và Tạ Ngọc Liễn sưu tầm và biên tập, nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998. Nội dung cuốn sách được ông Trần Anh Tuấn ghi nhận như sau:

“Với hơn 700 trang, các tác giả đã chọn ra 71 nhân vật mà họ vinh danh là những trí thức Việt Nam tiêu biểu trải qua 770 năm lịch sử, với 9 thời đại và thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa V.N.)”.

“Nhưng nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách: trong suốt 720 năm (1225 – 1945) họ chỉ chấm có 38 nhân vật tức 53%. Ðó là Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Triệu Thái, Lê Thánh Tông, Lê Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Lê Qúi Ðôn, Lê Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Võ Trường Toản, Phan Huy Chú, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Ðình Chiểu, Phạm Thuật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Truờng Tộ, Nguyễn Quang Bích, Lương Văn Can, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh, và Phạm Tuấn Tài.”

“Trong 50 năm sau cùng (1945 – 1995), họ đưa ra một số lượng khổng lồ là 33 nguời, tức 47%. Trong số 33 tên, chỉ trừ giáo sư Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp, còn lại 32 tên không ai khác hơn là những đảng viên cao cấp của Ðảng Cộng Sản Việt Nam và những nguời phục vụ chế độ cộng sản. Ðó là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Truờng Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Khánh Toàn, Ðặng Thái Mai, Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Tôn Thất Tùng, Hồ Ðắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Trần Ðại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giáp, Tôn Quang Phiệt, Hải Triều, Ngụy Như Kon Tum, Dương Ðức Hiền, Ðặng Văn Ngữ, Hoài Thanh, Nam Trân, Nguyễn Khắc Viện, Lê Văn Thiêm, Từ Chi, Nguyễn Ðổng Chi, Cao Xuân Hy, Trần Ðức Thảo, Hoàng Thúc Trâm, Ðào Duy Anh, và Hoàng Xuân Hãn.”

Cứ theo như lời của ông Trần Anh Tuấn thì “nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách”. Là kẻ hậu sinh, tôi không hề dám có nghĩ tranh luận hay bút chiến với một nguời cầm bút vào hàng truởng thượng – và nặng ký – như ông Trần Anh Tuấn; tuy nhiên, vì đã lỡ biện minh cho chuyện vào cửa cọp của chính mình, tôi tự thấy có bổn phận phải lên tiếng để bênh vực cho một số những nguời vừa được vinh danh là “trí thức Việt Nam tiêu biểu” – trong nửa thế kỷ qua.

Theo tôi thì qúi ông Ðào Duy Anh, Trần Ðức Thảo, Hoàng Xuân Hãn… đều dư sức dắt theo ba trự lóc nhóc cỡ như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… đi vào lịch sử mà khỏi cần mua vé. Như đã thưa, tuy không bằng luật nhưng theo lệ (ít nhất cũng là lệ ở những thành phố thân miền Nam, khi tôi còn bé) mỗi nguời đi xem phim có quyền dắt theo một nhi đồng – miễn phí. Hồi nhỏ tụi tôi vẫn đi xem phim ké theo kiểu đó mà. Ðiều này đâu có gì là gian lận mà ông Tuấn phải phàn nàn và nặng lời dữ vậy?

Giữa chuyện ham vui (của lũ bé con chúng tôi, ngày truớc) và chuyện ham danh (của những ông lãnh tụ cộng sản Việt Nam, bây giờ) có một điểm này chung: túng làm liều. Ðiểm chung đó, với ít nhiều chủ quan, tôi tin tưởng là thông cảm và chia sẻ được.

Nếu không, nghĩa là nếu ông Trần Anh Tuấn không đồng ý, tôi xin đề nghị chúng ta nên nhìn vấn đề theo cách khác – dựa vào hình ảnh, kinh nghiệm phổ cập hơn với phần lớn mọi người, và cũng vẫn với phong thái nhẹ nhàng tương tự. Hãy tưởng tượng đến cảnh quá giang.

Chiếc bè chở những “gương mặt trí thức Việt Nam tiêu biểu” của nửa thế kỷ qua đi vào lịch sử mà chỉ có vài ba ông cỡ như Ðào Duy Anh, Trần Ðức Thảo và Hoàng Xuân Hãn … thì ngó bộ hơi neo đơn và cũng (có phần) phí phạm. Nó còn rộng chỗ nên qúi ông Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh… xin được quá giang – vậy thôi.

Nguời ta mượn lời để diễn ý. Ðặng ý thì bỏ lời. Thiên hạ mượn bè để qua sông. Miễn sao họ qua lọt thì thôi. Câu nệ quá tôi sợ… mất lòng và, chắc chắn, cũng sẽ mất vui!

Tôi chỉ tận tình chia sẻ nỗi bất bất bình của ông Trần Anh Tuấn về việc những vị sử quan đương đại – Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, và Tạ Ngọc Liễn – theo chỉ thị, đã mở cửa hông cho thêm cả đống ông nữa (tổng cộng lên đến 33 mạng) ào ạt nhào luôn vào lịch sử.

HCM-TranDanTien

Cũng như đi coi phim cọp, đi quá giang – dù là bằng thúng, bằng mủng, bằng bè, bằng ghe tam bản, bằng thuyền ba lá, bằng ca nô, bằng tầu, hay bằng thủy phi cơ… chăng nữa – nên tránh chuyện đàn đúm, kéo bè, kết đảng đông đảo quá. Xô đẩy, giành dật, chen lấn là cảnh (luôn luôn) rất khó coi và dễ gây hiểu lầm là một vụ thủy tặc hay không tặc. Ðó là chưa kể chuyện quá tải, rất không an toàn. Chìm xuồng, cả lũ, như chơi.

Nửa thế kỷ qua dân việt dở sống dở chết. Giữa lúc muôn họ lầm than, nhân tâm ly tán, nhân tài như lá mùa thu, tuấn kiệt như sao buổi sớm; danh nhân, trí thức, kẻ sĩ …ở đâu mà hăm hở chen lấn đi vào lịch sử đông dữ vậy – hả Trời? Chợ chưa họp mà kẻ cắp đã đến đủ mặt như thế (kể) cũng kỳ.

Mới đây ông Nguyễn Chính còn khám phá ra vụ này, ngó bộ, còn kỳ dữ nữa về chuyện khai thác bauxite ở Việt Nam: “Quốc hội chưa họp, nghĩa là chưa ai có ý kiến gì, ông dân biểu Dương Trung Quốc đã phát ngôn trên báo Tuổi Trẻ rằng “Nhưng Bộ Chính trị đã quyết rồi thì bây giờ ta chỉ bàn làm sao cho tốt, cho an toàn thôi” khiến nhiều cử tri rất ngỡ ngàng.”

Tôi thì không ngỡ ngàng gì cho lắm vì đã được họp tập trước về việc “Đảng chỉ tay, Quốc Hội vỗ tay, dân trắng tay” tự lâu rồi. Chỉ hơi ngờ ngợ vì cái tên của ông Dương Trung Quốc nghe (có vẻ) quen quen. Té ra, ông chính là một trong ba nhân vật đã sưu tầm và biên tập cuốn Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam, Những Gương Mặt Trí Thức (tập I) do nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998.

Tưởng sao chớ “đi ra, đi vô cũng cái thằng cha khi nẫy” chớ ai! Muời năm trước ông Dương Trung Quốc tô vẽ cho nhiều kẻ bất hảo trở thành “Những Guơng Mặt Trí Thức” của lịch sử và văn hoá Việt Nam. Bây giờ thì ông mở đường để con cháu chúng nó mang đất nước ra băm xẻ, cho bằng thích.

Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!

Mừng Xuân Quý Tỵ

In Cộng Đồng on 2013/02/09 at 12:42


Snakes

Người Buôn Gió – Đại vệ chí dị

In Liên Kết, Tạp văn on 2013/02/04 at 16:06

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Bấy giờ nước Vệ nhìn bên ngoài tưởng bình yên, thực ra bên trong nhiều mối lo lắm. Nợ quốc khố đầm đìa, năm ấy tiêu chí chọn quan nhà Sản chỉ có hai tiêu chí. Một là người nghĩ cách thu nhiều tiền từ dân, hai là thu nhiều tiền từ quan lại tham nhũng.

Vệ Kính Vương cho người vào xứ Quảng, lệnh cho trấn thủ Quảng Đà là Trăm Xanh gấp phục mệnh về triều.

Xanh nhận mật chỉ, dẫn vài tuỳ tùng thân tín ở quê nhà, ngày đêm vượt đường gấp về kinh thành lãnh ấn tín mới. Khi đến kinh thành, Xanh đứng giữa sân triều, đi một bài quyền múa võ thể hiện uy lực. Các quan ai cũng nể phục, một số còn có vẻ e dè sợ hãi.

Tể tướng Bạo nhìn Xanh múa võ, chỉ nheo cái mắt bên tả, cười khẩy một cái. Rồi rũ tay áo đi về phủ. Đám bộ hạ Bạo lo lắng, hỏi Bạo rằng chuyện Xanh có đáng lo không. Bạo ung dung nói:

– Xứ Bắc không có đất dung những kẻ to mồm, xưa kia ta từ trong Nam ra đây nhậm chức, phải âm thầm suốt mười mấy năm, thu thập thân tín, tìm điểm yếu những kẻ có thể là đối thủ. Tích lương để nuôi môn khách, gia nhân, chiêu đãi kẻ tâm phúc, thâu tóm binh quyền, ra sức nắm chặt mọi nguồn lương thảo. Nhẫn nhịn đợi lúc có thời cơ, mới xưng là Chúa. Kẻ kia chân ướt, chân ráo, làm trấn thủ một xứ, sao mà phải lo.

Tuỳ tướng tâu:

– Thưa Chúa Công, Xanh tướng mạo hùng dũng, tiếng nói sang sảng, võ nghệ phi thường, một mình trấn một xứ Quảng Đà có tiếng là cứng cổ, thế mà khuất phục dân chúng đâu ra đấy. Dân chúng Quảng Đà ra đường nghe tên Xanh cúi đầu mà thì thào khen ngợi, đến khen mà còn vậy thì rõ cái uy của Xanh lớn từng nào. Xin Chúa Công chớ coi thường.

Bạo cười lại nhếch mép cười khẩy, nheo con mắt bên hữu, phất tay áo gọi bộ tướng là Phó Tra đến gần lệnh thế này, thế này.

Ngày nọ, Vệ Kính Vương đi giao hảo bên ngoài nước.Phó Tra cầm lệnh bài phủ Chúa, điểm binh mã, nhằm hướng Quảng Đà tiến quân không kể ngày đêm. Vào đến xư Quảng Đà đột ngột cho quân vây phủ Quảng Đà, rà soát sổ sách, tìm nhân chứng, vật chứng. Được ba hôm thì thông báo về triều rằng – Quan lại phủ Quảng Đà làm thất thoát của triều đình hàng ngàn lượng bạc, xin chuyển sang cho bộ Hình điều tra xét tội.

Tin dữ từ phủ Quảng Đà bay về triều, lúc Xanh đang chờ nhận ấn tín Đại thần ban Nội, ban Nội quyền to hơn cả Bộ, cho lên phải đích thân đợi Vệ Kính Vương ban mới được. Lúc này Vệ Kính Vương chưa về. Xanh vò đầu sợ hãi, im thin thít không dám bước chân ra khỏi thư phòng. May sao Vệ Kính Vương về kịp trấn an, Xanh mới bớt lo phần nào. Ngay sau đó đám tay chân của Xanh ở xứ Quảng Đà làm sớ tâu về triều là xứ Quảng Đà không có chuyện thất thu, thất thoát ngân sách.

Vương thấy chuyện đã êm, bèn gọi Xanh lại bàn ngày nhận ấn tín. Xanh thưa:

– Chuyện này không cần làm lớn, xin cho thần cứ đơn giản mà làm lễ nhận ấn là được.

Vương biết Xanh còn e ngại, mới độ lượng nói:

– Xưa kia nhà Lê suy, phải dựa vào Trịnh, nào ngờ Trịnh xưng Chúa rồi, tiếm quyền át cả nhà Lê. Lúc ấy may mà có Nguyễn Kim vượt Bắc vào Nam xưng Chúa, tạo thế cân bằng. Phủ Trịnh vì thế phải giữ nhà Lê, không cũng thoán nghịch rồi. Nay khanh vượt dãy Hoành Sơn ngược ra đây, không thể không làm Chúa để giữ thế cuộc ấy. Ta ban cho con trai người làm thế tử, cho tập sự bây giờ là vừa.

Xanh được lời ấy của Vương, biết là Vương có bụng tin dùng mình thật. Bèn vui vẻ nhận ấn tín, con trai Xanh là Kiểng lập tức được phong nắm trọn quân thanh thiếu niên ở xứ Quảng. Xanh yên lòng, hôm sau bèn lớn tiếng đe doạ sẽ thanh trừng tất cả những quan lại tham nhũng, bất kể quyền chức nghiêng thành, khuynh đảo đến đâu.

Lời bàn

Phàm các triều đại khi hết vận số, thường sinh lắm chuyện. Trộm cướp như rươi, cướp bóc hoành hành, quan lại nhũng nhiễu, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh triền miên. Lại có lắm chuyện lạ như đất chảy máu, núi nứt, đập lở, rắn trắng, lợn gà quái thai…

Lúc ấy, để gian thần hoành hành có khi lại tốt hơn trung thần. Bởi gian thần làm cho khí số triều đại ấy mau tận hơn. Trung thần chỉ là kẻ níu kéo mù quáng một triều đại đã tận khí số mà thôi. Nếu trung thần là loại gian hùng trá hình mưu sự cho mình, thì chả khác nào nhà Hán lúc tam phân, nhà Lê lúc mạt để Trịnh, Nguyễn phân tranh. Nhân dân lại lầm than vì nội chiến liên miên.

Hay Vệ Kính Vương thấu hiểu cơ trời, nên cứ để con Chúa là thế tử. Còn ngôi thái tử vẫn để trống không, phải chăng Vương không muốn con mình vào chính sự lúc vận khí nhà Sản đã tàn.

Theo blog Người Buôn Gió

Tưởng Năng Tiến – Một Người Hiểu Chậm

In Liên Kết, Văn Hóa on 2013/02/02 at 10:27

Hệ thống chính trị thế nào thì hệ thống giáo dục tương ứng như vậy.”

DSX

Chắc rảnh – và rảnh lắm – nên nhà văn Phạm thị Hoài xoay ra kiếm chuyện (cà khịa) với đồng nghiệp chơi, cho nó qua ngày:

“… tác giả văn chương, chung quy có ba loại. Loại dành cho đồng nghiệp, tác giả của tác giả. Loại dành cho công chúng, tác giả của độc giả. Và loại dành riêng cho sự tự mê hoặc của những tác giả tự phong.”

 Loại thứ nhất hiếm hoi, là những người không thể thay thế, mất một ai trong số họ là cơ thể văn chương nhân loại tàn phế một bộ phận trọng yếu… 

Loại thứ hai đông hơn và là đối tượng chính của các nhà điểm sách, phê bình và nghiên cứu văn học. Đánh giá về tài năng và tầm cỡ của họ là việc phụ thuộc chủ yếu vào khí hậu và môi trường văn hóa…

Loại thứ ba đông hơn cả, nhưng chỉ đáng quan tâm ở khía cạnh họ là những kẻ làm ngôn ngữ xói mòn nhanh nhất, ngốn nhiều giấy mực và byte nhất, và là thủ phạm chính khiến văn chương bị xóa thành công khỏi danh sách nhu yếu phẩm tinh thần của con người…”

Tôi cũng đã có lúc học đòi theo chuyện “văn chương” nên đọc xong đoạn văn thượng dẫn mà không khỏi … bần thần (chút đỉnh) khi tự xét rằng chắc (chắn) mình thuộc loại … thứ ba. Cái loại viết “với phương châm thà bị tống vào thùng rác còn hơn không tồn tại.”  Nói cho nó gọn: cái thứ người cầm bút như tôi thiên hạ gọi là lều văn, túp văn, hay chòi văn, hoặc chuồng văn … gì đó!

Cùng với đám chuồng văn này, nước Việt còn có một hiện tượng độc đáo khác nữa gọi là chuồng học – theo như cách mô tả của phóng viên báo Dân Trí , đọc được vào hôm 5/ 9/2012:

Huổi Chát là một bản Mông chừng vài chục nóc nhà ở huyện nghèo Mường Tè. Hôm chúng tôi có mặt, chỉ còn 7 ngày nữa là đến ngày hội khai giảng, nhưng những gì bày ra trước mắt thật đắng lòng: Một căn lều tranh tre nứa lá gió thổi tứ bề, xiêu vẹo, ghế gãy bàn long, ủn ỉn trong đó một cặp lợn mán, được cô giáo cắm bản giới thiệu là trường học…

Cô giáo Đinh Thị Vin nói bằng tiếng Mông, vẫy chúng xuống lớp. Lớp học là một căn chòi lá rộng độ bằng 4 chiếc chiếu đôi xiêu vẹo, vách tre vọc vạch, hở hoác. Bên trong bàn ghế gãy nát, đầy mạng nhện, ngổn ngang phân heo. Không biết đã từ bao giờ, trường học của lũ trẻ đã trở thành nơi trú ngụ cho một cặp heo mán với 4 heo con. Có người trong số chúng tôi gọi đùa, giọng không ít cay đắng: “Đây là chuồng học chứ đâu phải trường học...”

Ảnh: Dân Trí

7 năm trước, cô giáo Đinh Thị Vin từ Phú Thọ rừng cọ đồi chè lên Mường Tè theo tiếng gọi tình nguyện…Và giờ, cô giáo người Kinh đã trở thành đứa con của Huổi Chát, của Nậm Manh, nói tiếng Mông để dạy tiếng phổ thông, ăn mèn mén, sắn khô, măng rừng, với ước mơ giản dị là một ngày nào đó sẽ có một đứa trò nhỏ người Mông thi đậu vào đại học.”

Vạn sự khởi đầu nan mà. Qua khỏi bậc tiểu học (nghĩa là sau giai đoạn thụ giáo ở những chuồng học) học sinh sẽ được nghe giảng bài bằng tiếng của người Kinh, và bước chân vào những trường trung học bề thế hơn nhiều – như cái trường này đây: Trường THCS Nậm Kè.

Ảnh: Dongsongxanh

Phải đợi cho đến khi lên đến bậc đại học thì những mầm non Việt Nam – xuất thân từ chuồng học – sẽ mới có cơ hội bước vào những cơ sở giáo dục hoành tráng, ở tầm mức quốc tế, được giảng dậy bằng Anh ngữ, theo như … dự án (Bắt Tay Xây Dựng Trường Đại Học Trí Việt) đã được thông báo, từ nhiều năm trước:

Sáng 7.11.2007, tại trụ sở Ủy ban về người VN ở nước ngoài (NVNƠNN) TP.HCM, Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật NVNƠNN (OVSCLUB) và Hội đồng sáng lập Dự án trường Đại học tư thục Trí Việt đã ký kết Thỏa thuận hợp tác: xây dựng một trường đại học chính quy hiện đại, trên tinh thần thực học để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước.

Đại diện cho Hội đồng sáng lập Dự án Đại học tư thục Trí Việt là bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Hội đồng và đại diện của OVSCLUB là TSKH Trần Hà Anh, Trưởng Ban điều hành. Buổi lễ ký kết diễn ra với sự chứng kiến của Ban Chủ nhiệm Ủy ban NVNƠNN, Ban Liên lạc NVNƠNN TP.HCM…

Theo kế hoạnh, khoảng năm 2010 trường sẽ bắt đầu tuyển sinh cho một số khoa và dự kiến đến năm 2020 sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ cho Nam Bộ mà còn vươn rộng ra phạm vi toàn quốc.”

Nguồn ảnh: talawas

Nói vậy (ngó bộ) vẫn chưa đã miệng nên trong những cuộc phỏng vấn sau đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh – người được mô tả là “một nữ ngoại giao lừng lẫy một thời” – còn cho “nổ” thêm vài lần nữa, khiến rất nhiều người bị ù tai:

– Luật chơi của Trí Việt là: nói không với thiếu trung thực.

– Hiện dự án còn trong giai đoạn cấp phép, trước dự tính đặt ở Vũng Tàu nay thì đặt ở TP. HCM. Gọi là trường quốc tế bởi vì sẽ dạy bằng tiếng Anh kể từ năm thứ 2, với lập luận rằng thanh niên Việt Nam thời hội nhập phải có tiếng Anh như là một ngôn ngữ làm việc của mình, ngoài tiếng mẹ đẻ…

Coi: sống trong một chế độ mà lường gạt, dối trá và nghi ngờ là chủ trương xuyên suốt mà bà Tôn Nữ Thị Ninh lại đặt ra “luật chơi là nói không với thiếu trung thực” và còn nói bằng ngoại ngữ nữa (cơ) thì “giai đoạn cấp phép” e sẽ  còn “bùng nhùng” cho đến Tết hoặc (không chừng) cho tới khi … bà ấy chết!

Theo nhà báo Huy Đức: “Chủ nghĩa xã hội là một thực thể chỉ có thể hiểu được bằng sự trải nghiệm” (*).  Tuổi đời của bà TNTN (ngó bộ) hơi nhiều, thời gian “trải nghiệm” với xã hội chủ nghĩa (xem ra) cũng không phải ít. Rõ ràng, bà là một người hiểu chậm.

Bữa nay –  nhằm ngày cuối tuần – tôi cũng đang (rất) rảnh nên xin được phép góp ý cùng bà Tôn Nữ Thị Ninh, với hy vọng giúp cho chuyện xây dựng viện đại học Trí Việt được nhanh chóng  và toàn hơn chút xíu.

Về địa điểm, tôi đề nghị bà Ninh nên lắng nghe qua lời khuyên của một nhân vật có thẩm quyền – giáo sư  Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT: ” Không ‘bôi trơn’ không có đất đâu!”

Kế tiếp, xin nghe lời phát biểu của một nhân vật đã có kinh nghiệm (và thành công) trong việc thành lập một đại học tư ở Việt Nam – qua lời tường thuật của giáo sư Đào Trung Đạo, đọc được trên RFA vào hôm 9 tháng 9 năm 2012:

Mới đây tôi có một người bạn ở Việt Nam du lịch sang Mỹ – anh ta khá thành công trong những dự án kinh doanh kể cả việc đầu tư thành lập đại học tư thục…

Dựa vào sự hiểu biết chung chung của tôi (cũng như của hầu hết mọi người  về chế độ cọng sản hiện nay) nên tôi hỏi anh (giả bộ ngớ ngẩn): nói chung anh chốt cho tôi hiểu một điểm quan trọng nhất về lý do của sự hiện hữu và tồn tại của toàn bộ những cơ sở sinh hoạt kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, báo chí, tòa án… (dĩ nhiên không thể kể vào danh sách này  những cơ sở do chính quyền lập ra) ở Việt Nam hiện nay, thì câu trả lời khá ‘hài’ của anh ta là:ở tất cả những cơ sở đó luôn luôn có một cái ‘bàn thờ vô hình’ trên đó ‘ngự’ một cán bộ cọng sản đã được bố trí ngồi vào đó bất kể khả năng và tư cách của anh ta. Và ở phía dưới cái bàn thờ đó các anh có thể bỏ công sức làm bất cứ điều gì các anh cho là đúng đắn hữu ích trong một giới hạn có thể chấp nhận được (giới hạn này khá rộng rãi kể cả những hành vi tham nhũng, vô đạo đức) nhưng tuyệt đối không được đụng đến cái bàn thờ này, nhất là đừng có ý định ngồi vào đó thì mọi chuyện sẽ ‘cũng được thôi’.

Ngẫm nghĩ về nhận định khá ấn tượng của anh bạn tôi thấy mình vẫn thuộc vào loại ‘thiếu đào sâu tư tưởng’ vì sờ sờ trước mắt toàn bộ con dân Việt đều bị đặt dưới cái bàn thờ khổng lồ là cái Lăng Bác ở Hà Nội! Vì chủ nghĩa cộng sản chính thức đã trở thành  một tôn giáo và đúng như di huấn của Marx ‘tôn giáo là thuốc phiện’ cho nên Đảng đã biến dân chúng thành những người nghiện kinh niên.

 Nhưng nghĩ xa hơn thêm chút nữa, căn cứ vào những gì đã và đang xảy ra thì tôi thấy: Thứ nhất, bàn thờ cũng có nhiều thứ bậc cao thấp. Thứ nhì,  giữa những anh ngồi trên những bàn thờ khác nhau đó không phải là lúc nào họ cũng ‘nhất trí’ nhưng nhiều khi lại còn âm thầm tìm cách ‘đàn áp’, hất cẳng nhau vì ngồi trên những bàn thờ này vốn là những ma quỉ. Đấy là cảnh tượng của một thứ tôn giáo thờ ma quỉ. Tình hình chính trị hiện nay dường như đang diễn ra sự cạnh tranh thứ bậc của ba bàn thờ ma quỉ: ‘Tổng Bí thư’, ‘Chủ tịch Nước’, và ‘Thủ tướng’ dưới sự chứng kiến câm nín của ‘Bàn thờ Bác.”

Có lẽ vì chưa chọn được một cái “bàn thờ” thích hợp nên nhiều năm đã trôi qua mà Đại Học Trí Việt vẫn còn đang phải … chờ cấp phép. Sự cân nhắc và thận trọng của bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong hoàn cảnh hiện tại, nên được đánh giá cao. Nếu không, mai hậu, Đại Học Trí Việt sẽ gặp “rắc rối” (y như Đại học Dân lập Hùng Vương bây giờ) chỉ vì chọn nhầm … cái bàn thờ  nên gặp “rắc rối” và lôi thôi lớn – theo như tường thuật của BBC, nghe được vào hôm 19 tháng 9 năm 2012:

Thời gian gần đây, hai chị em ông Đặng Thành Tâm đã gặp một số rắc rối. Ngoài việc bà Yến bị tố cáo không trung thực, ông Tâm cũng bị đình chỉ chức Chủ tịch và Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hùng Vương, cơ sở mà ông hỗ trợ tài chính, hồi tháng Ba vì “vi phạm nguyên tắc quản lý.”

Trong khi chờ đợi thực hiện Dự Án Đại Học Quốc Tế Trí Việt (Tri Viet International University Project) giảng dậy bằng Anh Ngữ, hàng ngày vẫn có những cô giáo ở miền xuôi như cô “Đinh Thị Vin từ Phú Thọ rừng cọ đồi chè lên Mường Tè theo tiếng gọi tình nguyện… nói tiếng Mông để dạy tiếng phổ thông, ăn mèn mén, sắn khô, măng rừng, với ước mơ giản dị là một ngày nào đó sẽ có một đứa trò nhỏ người Mông thi đậu vào đại học.”

Cùng lúc, nhiều bậc thức giả cũng đang chăm lo những dự án “giản dị” không kém – như Dự Án Bữa Cơm Có Thịt của của tiến sĩ Trần Đăng Tuấn và nhà văn Phạm Ngọc Tiến (cùng với nhóm bằng hữu của hai ông) cho những học sinh ở vùng cao. Trước những sự kiện này, nhà báo Trương Duy Nhất đã thốt lên đôi lời vô cùng cảm khái:

“Có một lúc nào đó, chúng ta góp tiền không phải để mua thịt cho các bé học sinh nghèo Tây Bắc, mà để dựng tượng đài những thầy cô giáo trẻ từ xuôi lên sống và dạy học ở Tây Bắc? Sẽ không phải là tượng đài hoành tráng. Hãy là tượng đài mà người ta nhìn thấy ở đó cái rét tê buốt trong lớp học và ánh lửa nhẫn nại trong bếp độc thân.”

Rồi ra, không chừng, dám cũng sẽ có tượng đài của bà Tôn Nữ Thị Ninh – người (trước khi chuyển qua từ trần) đã có ý hướng độc đáo là sẽ xây dựng một trường đại học quốc tế, với sứ mệnh Trí Cao – Tâm Rộng –  Tầm Xa trong một chế độ mà những kẻ cầm quyền tầm nhìn thì chỉ thấp bằng con kiến, và lòng dạ thì bé xíu như một cái cây tăm.

T.N.T

(*) Huy Đức. Bên Thắng Cuộc. Westminster: OsinBooK, 2012. Vol.2.