vietsoul21

Archive for Tháng Một, 2016|Monthly archive page

Bọn Côn Đồ Điều Hành Việt Nam Còn Khuya Mới Thử Nghiệm Dân Chủ

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Thế giới on 2016/01/25 at 22:28

LTS:

Thomas Bass là tác giả quyển “Người Điệp viên Yêu mến Chúng Ta” (Public Affairs, 2009), “Người dự báo” (Holt / Viking Penguin, 1999); “Vietnamerica: Cuộc chiến trở về nhà” (Soho, 1996, 1997); “Tái kiến tương lai” (Addison-Wesley, 1994, 1995); “Cắm trại với các hoàng tử và những truyện khoa học khác ở châu Phi” (Houghton Mifflin, 1990; Penguin 1991; Moyer Bell, 1998); và “The Eudaemonic Pie” (Houghton Mifflin, 1985; Vintage, 1986; Penguin 1991; Authors Guild eBook, 2014).

Quyển “Người Điệp viên Yêu mến Chúng ta” viết về thời gian chiến tranh của bối cảnh Việt Nam, kể lại câu chuyện Phạm Xuân Ẩn–nhân vật vừa là phóng viên báo Times vừa là điệp viên cộng sản. Cuốn sách đã đăng trên tạp chí “The New Yorker” và được phê bình là một “mạc khải” theo lời ông Morley Safer, “lạnh gáy” đối với ông Seymour Hersh, và “rực rỡ” theo Daniel Ellsberg. Ted Koppel thì gọi nó là “một câu chuyện hấp dẫn,” và tiểu thuyết gia trinh thám John le Carré đã viết, “Tôi có nhiều ấn tượng sâu sắc về cuốn sách này. Nó xác đáng, đầy hướng dẫn, và hài hước. Cú sốc của nhị trùng không bao giờ tan biến. Sự cả tin của những kẻ quấy rầy kiêu ngạo cũng không phai mờ.”

Bản quyền phim của sách ấy đã được bán cho Columbia Pictures, Focus Features, BBC, Channel 4, và các công ty khác. Sách của ông Thomas Bass đã đạt danh hiệu “Sách đáng chú ý trong năm” của báo The New York Times và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ. Ông đã xuất hiện trên Good Morning America, CNN, NPR, BBC, và các chương trình khác với vai trò bình luận gia. Được ghi danh bởi Trung tâm Báo chí Hải ngoại cho các phóng sự ngoài nước, ông đóng góp thường xuyên cho tờ The New Yorker, Wired, The New York Times, Smithsonian, Discover, và các ấn phẩm khác.

Ông lấy bằng Cử nhân (Danh dự) từ Đại học Chicago và Tiến sĩ về Lịch sử của Ý thức ở  Đại học California tại Santa Cruz. Ông đã nhận được học bổng từ New York Foundation for the Arts, Trung tâm Blue Mountain, và Ford Foundation.

Ông từng giảng dạy văn học và lịch sử tại Hamilton College và Đại học California tại Santa Cruz, và là cựu giám đốc của Hamilton trong Chương trình Thành phố New York về “Truyền thông trong thời đại kỹ thuật số.” Gần đây ông là giáo sư thỉnh giảng tại L’Instituts d ‘Études Politiques (Sciences Po) tại Paris, và hiện là giáo sư tiếng Anh và Báo chí tại Đại học Bang New York, tại Albany, Nữu Ước. Ông Bass sống ở New York cùng vợ và ba con.

_______________________________

Bọn Côn Đồ Điều Hành Việt Nam Còn Khuya Mới Thử Nghiệm Dân Chủ

Việt Nam có thể trông giống như một tiền đồn của chủ nghĩa tư bản, nhưng thật ra bản chất đất nước này là một nhà nước công an trị.

Thomas A. Bass, Tạp chí Foreign Policy, ngày 22/1/2016

Việt Nam là một mô hình gợn sóng trùng chập (“moiré”): Nheo mắt nhìn đất nước này từ một góc nào đó thì bạn thấy một xã hội đầy khát vọng phóng tới tương lai. Nếu nheo mắt từ một góc khác, bạn sẽ thấy một viên cai ngục cổ lổ hủ giam cầm bất cứ ai không chịu phục tùng đường lối của đảng. Ở một góc nhìn thì thấy có nhóm vận động hành lang thiên chính sách ánh dương (sunshine policy) đang chỉa vào các bãi biển đáng yêu, ẩm thực đa dạng, và sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến du lịch. Còn tại góc nhìn khác thì lại là các ký giả phóng viên nhân quyền nhắm vào sự lạm quyền và ngược đãi.

Thế đấy! Việt Nam là cái đất nước đang mở rộng đón Tây phương và phát triển rất chóng. Nhưng dẫu Việt Nam có tất cả sự quyến rũ rạng rỡ của nó thì nền văn hóa của đất nước này đang điêu tàn đổ nát. Các tay kiểm duyệt đã bịt miệng và đẩy những nghệ sĩ tài hoa của đất nước này sống lưu vong. Những nhà văn và nhà thơ xuất chúng của Việt Nam không còn sáng tác nữa ngoại trừ những ai đang phát hành tác phẩm của mình dưới dạng tạp chí chui. Báo chí thì là loại doanh nghiệp đồi bại nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. Ngành xuất bản cũng chẳng khác gì. Nghiên cứu lịch sử thì quá nguy hiểm. Các ban bộ ngành tuyên truyền hạn chế tất cả loại tự do—tôn giáo, tư tưởng, ngôn luận.

Hiện nay từ ngày 20 đến 28 tháng 1, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang tổ chức lễ hội ngũ niên (heo quay) lần thứ 12 mà họ gọi là Đại hội Đảng. Khoảng 1.500 đảng viên sẽ tập trung tại Hà Nội để thông qua kế hoạch kinh tế năm năm và phê duyệt một loạt đề nghị các ứng cử viên cho Ủy ban Trung ương Đảng, 16 thành viên Bộ Chính trị, và tổng bí thư của đảng (tay ngồi đầu bàn). ĐCSVN—tham nhũng từ trên xuống dưới, ngày càng lan tràn bởi lũ bảo kê, và trung thành với các nhóm Tư bản Thân hữu/bè phái thao túng môi trường kinh tế và pháp lý—duy trì chính phủ Việt Nam, quân sự, phương tiện truyền thông, và 93 triệu người dân bằng gọng kìm. Nhà văn lưu vong Nga Vladimir Nabokov đã từng thốt lên “Mác-xít cần có nhà độc tài, và nhà độc tài thì cần công an mật vụ, và đó là tận thế.”

Các nhà quan sát quốc tế nghiên cứu đại hội Đảng soi tìm các tín hiệu xem phe này hay phe kia sẽ ra mặt. Trong vài tuần tới, các bài viết về phe thân Tây phương chế phục nhóm thân Trung Quốc, hoặc ngược lại, sẽ ra đời. Hiện tượng ái kỷ cho các khác biệt bé nhỏ này đã trượt hụt vấn đề chính. Gần 4 triệu rưỡi Đảng viên chỉ muốn nhặt tiền lẻ “ăn xâu” từ cái chiếu bạc đang cá cược đất nước này. “Xem cứ như là người ta đang đấu đá nhau dưới một tấm thảm,” nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh đã nói thế về các cuộc họp kín để bầu ra những nhà cai trị Việt Nam.

Đúng là ĐCSVN đã chuyển đổi kể từ khi thống nhất đất nước sau chiến tranh Việt Nam vào năm 1975. Đối mặt với nạn đói ở nông thôn, Đại hội Đảng lần thứ sáu năm 1986 đã từ bỏ một nền kinh tế chủ đạo theo kiểu Liên Xô để chuyển sang trọng dụng chủ nghĩa xã hội thị trường. ĐCSVN cho phép thị trường tự do phát triển mạnh ở dưới đáy xã hội và khuyến khích “tư bản đỏ” nổi lên ở giữa, trong khi đảng viên dành cho mình phần công nghiệp đóng tàu, ngân hàng, khai thác quặng mỏ, và các loại doanh nghiệp nhà nước thuộc thượng từng xã hội.

Cùng với những cải cách kinh tế là một giai đoạn cải cách văn hóa ngắn. Mạng lưới giám sát nhà nước Việt Nam đã được vén lên đủ chỗ cho bốn tác giả lớn của đất nước xuất bản những tác phẩm hậu chiến nổi tiếng nhất của họ: nhà văn chuyên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (“Tướng về hưu”) và các nhà văn tiểu thuyết Bảo Ninh (The Sorrow of War/Nỗi buồn chiến tranh), Dương Thu Hương (Novel Without a Name/Tiểu thuyết vô đề), và Phạm Thị Hoài (The Crystal Messenger/Thiên Sứ). Nhưng mạng lưới kiểm soát xám xịt ấy lại trùm chụp vào năm 1991, khi công an văn hóa khám xét nhà Thiệp và hủy bản thảo của ông. Kể từ đó, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh đã sống lưu đày trên chính quê hương mình vì xuất bản truyện sau khi đã bị kiểm duyệt và chỉnh sửa lại bởi các tay viết mướn của đảng. Sau tám tháng tù giam năm 1991, Dương Thu Hương hiện đang sống ở Paris, còn Phạm Thị Hoài lưu vong ở Berlin.

Những cú bẻ lái của ĐCSVN khác xảy ra sau khi quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vào năm 1995 được khôi phục, và khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007. Sự kiện thứ hai đã mở vòi nước đầu tư nước ngoài và một năm sau đó đã hoàn toàn bốc hơi hết khi có cuộc Đại suy thoái. Bất chấp những gì đang xảy ra vào lúc ấy, ĐCSVN tiếp tục bơm tiền vào các doanh nghiệp nhà nước. Việc này làm cho lạm phát tăng vọt lên tới 60 phần trăm tỷ lệ hàng năm, khiến bong bóng thị trường địa ốc vỡ toang một cách nhanh chóng, làm cho các doanh nghiệp nhà nước và luôn cả công ty đóng tàu quốc gia Vinashin phá sản vì đắm chìm tận đáy theo cái khoản nợ $4,5 tỷ USD.

Vụ bê bối này gần như đủ lớn để lật đổ Nguyễn Tấn Dũng–thủ tướng của Việt Nam. Dũng đã được cứu bởi tay chân của ông trong Bộ Chính trị và bắt đầu vận động cho chức vụ hàng đầu là Tổng bí thư Đảng, nhưng dường như hiện nay Dũng đã thất bại trong nỗ lực này. Trong thực tế, Việt Nam dường như đang trải qua một kiểu đảo chính chậm trong đó Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đã 71 tuổi hiện nay của ĐCSVN — mặc dù pháp lý yêu cầu phải về hưu — đang chạy đua để duy trì quyền lực, ít nhất là ở lại một vài năm.

Bên cạnh ĐCSVN, một hằng số khác ở Việt Nam là ảnh hưởng của Trung Quốc. Vào năm 2008, Tổng công ty Nhôm đầy túi vốn của Trung Quốc mua bản quyền khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên Việt Nam. Bắc Kinh trong năm kế tiếp đã khôi phục bá quyền hầu hết các vùng trên Biển Đông. Đến năm 2014, Bắc Kinh đã di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng biển xa bờ của Việt Nam và xây dựng sân bay phản lực trên các đảo nhân tạo được thiết kế từ san hô nghiền nhỏ. (Hà Nội vừa cáo buộc rằng Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu trở lại vào vùng biển Việt Nam chỉ một vài ngày trước khi bắt đầu nhóm họp Quốc hội). Tinh thần bài Trung Quốc đã trở nên sôi sục và lan tràn vì lực lượng công an, cảnh sát của Việt Nam không ngăn chặn được nữa. Vào tháng 5 năm 2014, hàng trăm nhà máy được cho là do Trung Quốc làm chủ đều bị cướp phá hoặc bị đốt, và 21 người chết. Nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phe Việt Nam thân Trung Quốc đang nằm ẩn che mình.

Tuy nhiên tinh thần bài Trung Quốc không đủ mạnh để làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục xây dựng các hòn đảo, khai thác mỏ vùng cao nguyên, và làm bất cứ điều gì khi cần để giữ cho đàn em Việt Nam an toàn trong quỹ đạo của anh cả Trung Quốc. Cái liên minh ấy chặt chẽ đến độ làm cho một số lượng lớn đáng kinh ngạc của dân Việt–những người trích dẫn một thỏa ước được gọi là Hiệp định Thành Đô–tin rằng đất nước của họ giờ thực sự đã thuộc về Trung Quốc. (Dư luận lan rộng này cho rằng tại một cuộc họp bí mật năm 1990 tại tỉnh Thành Đô tại Trung Quốc, ĐCSVN đã bán thân cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, để ăn tiền hối lộ kếch xù đổi chác cho việc Trung Quốc toàn quyền hút dầu ngoài khơi, khai thác bauxite, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.)

Hà Nội lèo lái mối quan hệ với Hoa Kỳ khá hơn mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ của mình nơi phương Bắc. ĐCSVN chắc sẽ thi hành Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP)–một Hiệp định thương mại mà 12 nước đã ký tắt vào tháng 11 vừa rồi. TPP được thiết kế bởi Washington như là một bức tường xanh thương mại ngăn chặn làn sóng đỏ của Trung Quốc. TPP đang cung ứng một cơ may bất ngờ đầy tiềm năng cho Việt Nam. Thỏa thuận này có một số quy định liên quan phiền hà đến các quyền lao động, nhưng Hà Nội có thể sẽ lờ bỏ các quy định đó giống như các giao kết quốc tế khác mà họ đã ký và vứt đi. Việt Nam đứng áp chót trong chỉ số về quyền con người. Họ có nhiều tù nhân chính trị theo tỷ lệ bình quân đầu người nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á, nhưng họ vẫn như con công vênh váo an tọa trên ghế tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Có mấy ai quan tâm đến một vài tổ chức lao động đang bị giam giữ cùng với 300 tù nhân chính trị khác của Việt Nam?

Sau khi triển khai TPP, Việt Nam sẽ nhắm tới Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu để xóa bỏ cái mác bị định danh là một nền kinh tế “phi thị trường”. (Quốc gia với mác định danh “Nền kinh tế thị trường” được bảo vệ hữu hiệu hầu chống lại các vụ kiện chống bán phá giá). Đây là một vấn đề lớn đối với Việt Nam mà họ hy vọng rằng TPP sẽ mở ra thị trường Mỹ với các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có một mục mà hai nước đã tranh chấp trong vài năm qua — cá basa. Trong tháng Bảy, khi tìm cách giúp phê chuẩn các hiệp định thương mại được bôi trơn trót lọt, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng nơi mà ông Trọng đã gọi là một “cuộc họp lịch sử.” Và tại sao chuyến thăm đầu tiên này của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng được coi là “lịch sử”? Bởi vì “Nhà Trắng thừa nhận cấu trúc chính trị của Việt Nam và lãnh đạo của đảng” — do đó, theo Trọng, cuộc họp này đã hợp pháp hóa vai trò cầm quyền của ĐCSVN.

Nhưng hãy nhìn việc cầm quyền này hoạt động như thế nào: Vòi bạch tuộc của Ban Tuyên giáo Trung ương nắm chặt Bộ Thông tin và Truyền thông qua “cục an ninh” PA 25 — và từ đó ghì chặt mọi bộ phận của ĐCSVN nào đang nắm quyền điều khiển phương tiện truyền thông tại Việt Nam. Trong vai trò nhà kiểm duyệt tối cao của Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng chịu trách nhiệm cho lối điều hành mà các giám sát viên của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới, trong một báo cáo tháng 9 năm 2013, đã gọi là cuộc điều hành một “nhà nước xã hội đen” đầy “những loạt bắt bớ, truy tố, đánh đập và hành hung.” “Riêng năm 2012, tổ chức này cho biết qua một bài báo tháng bảy 2015 của họ rằng tay chân của Nguyễn Phú Trọng trong ngành Tư pháp đã truy tố ít nhất 48 blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, kết án họ tổng cộng 166 năm tù giam và 63 năm quản chế.”

Nhóm vận động hành lang (của chính sách ánh dương) thì miệt thị cách nói của các phóng viên ấy là gieo hoang mang. Thật vậy, lối nói ấy có vẻ lỗi thời, bẻ ngoặc thời gian giống như chuyện từ thập niên 1950. Nhưng những tin tức loan từ Việt Nam quả là đáng báo động. Thực là nguy kịch khi Việt Nam phải đối phó với nền văn hóa đổ nát này. Nó cũng báo động cả chúng ta–những người đang phải đối mặt các áp lực của kiểm duyệt, sự gia tăng giám sát toàn bộ, và sự thống trị của lợi ích thương mại bất kể tất cả các giá trị khác trong xã hội (Hoa Kỳ của) mình. Thế thì từ quan điểm này, Việt Nam không phải là một cú bẻ ngoặc thời gian từ quá khứ nhưng là cánh cửa sổ phản chiếu tương lai của chúng ta. Liệu cái ngoại lệ bất thường này có thể sớm trở thành chuyện bình thường?

Một điều chúng ta biết về đại hội đảng lần thứ 12 của Việt Nam là họ sẽ không làm công an ngừng tàn bạo. Đầu tháng 12, công an thường phục đã dùng cùi sắt đánh đập nhà vận động nhân quyền/luật sư Nguyễn Văn Đài. Mười ngày sau đó, LS Đài đã bị bắt trên đường đến gặp đại biểu Liên minh châu Âu đang tham quan Hà Nội chuẩn bị cho các cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ năm. Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (aka Anh Ba Sàm)–một blogger nổi tiếng trong nước–hiện đang ở trong tù với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Trước đây phiên tòa xét xử Nguyễn Hữu Vinh đã dự kiến ​​vào ngày 20 tháng 1 — cùng ngày với Đại hội Quốc hội — giờ đã hoãn lại vô thời hạn.

Việt Nam–một tâm điểm hủy diệt văn hóa thuộc một nhà nước công an trị chuyên hành hung đánh đập những người vận động dân chủ bằng cùi sắt–được thoát khỏi tai tiếng là thành phần bất hảo vì nhiều người muốn làm ăn với giới doanh nhân Việt, hay mê tận hưởng những thú vui của đất nước này. Việt Nam sẽ chào đón khách du lịch, và không trục trặc khi mặc cả về tài chính toàn cầu với giới tư bản xuyên quốc gia. Còn nếu bạn muốn dự lễ hội ngũ niên (heo quay) đó thì hãy quên phắt đi. Chỉ dành cho Đảng viên thôi.

© 2016 Vietsoul:21

Nguồn: Foreign Policy

Bài liên quan:
Nỗ lực giữ quyền kiểm soát về lịch sử quá khứ của Việt Nam
Trí trá loài nhai lại

Ai? Đảng nào? – Phạm Hồng Sơn

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Triết Học on 2016/01/18 at 16:43

Trong tác phẩm Chính trị học (Πολιτικά) viết cách đây hơn 2300 năm, Aristotle đã có những nhận xét thẳng thắn nhưng không mấy sáng sủa về con người:  “con người muốn cầm quyền mãi mãi”, “luyến ái thường gây chao đảo lòng người”,  “con thú dục vọng và tham vọng luôn gây hủ bại trí não và tâm hồn kẻ cầm quyền, ngay cả khi họ là những người tốt nhất”, “con người dễ hư hỏng”.[i]

Cũng trên tinh thần cảnh giác đó, năm 1788, trong Luận về chính quyền (Federalist)số 51, tác giả Publius[ii] đã nêu ra nhận định:

Nếu con người là thiên thần, chính quyền sẽ thừa. Nếu thiên thần quản trị con người, các phương tiện kiểm soát chính quyền, cả trong lẫn ngoài, đều không cần.” Vì tất cả chúng ta không phải là thiên thần, hay thánh thần, Publius viết tiếp một cách sáng suốt và công bằng thế này:

Nhưng khi phải thiết kế một chính quyền để con người quản trị con người thì nan giải lớn nhất nằm ở đây: Đầu tiên phải tạo điều kiện để chính quyền kiểm soát được người bị trị. Tiếp theo là phải buộc được chính quyền tự kiểm soát được chính nó. Và, chắc chắn, kiểm soát cơ bản đối với chính quyền là bắt nó phải lệ thuộc vào nhân dân.

Nhìn vào các chính quyền, với nhiều tên gọi và nhiều “đổi mới” khác nhau, do người cộng sản thiết kế và dựng lên ở Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta phải công tâm thừa nhận rằng: Lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã xuất sắc tạo ra các phương tiện và điều kiện để kiểm soát chặt chẽ dân chúng – người bị họ cai trị. Song, vế bên kia, như đề xuất của Publius, hầu như không có một cơ chế nào để Đảng Cộng sản Việt Nam biết tự tiết chế, kìm hãm những hành vi đục khoét, sách nhiễu, trấn áp hoặc kiểm soát quá đà nhân dân. Còn, “kiểm soát cơ bản” – bắt chính quyền phải lệ thuộc vào nhân dân, như Publius nhấn mạnh – thì hoàn toàn không.

Đến như báo chí tư nhân hợp pháp, đã có nhiều ở thời thuộc Pháp và có rất nhiều trong thời Việt Nam Cộng Hòa, người cầm quyền cộng sản cũng không để cho tồn tại, thì nói gì tới những công cụ “kiểm soát cơ bản” khác như hội đoàn tư nhânbiểu tình,đảng đối lậptư pháp độc lập hay bầu cử tự do và công bằng, v.v.

Có lẽ trong sự quẫn bách âu lo cho vận mệnh dân tộc, nhiều người vẫn đang cố kiên trì đánh tiếng cổ xúy, vận động cho ông này, ông kia, thuộc phe (giả định) này, phe (giả tưởng) kia lên nắm chức tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII. Ngoại trừ các cổ xúy có ngòi bút đã bị xoắn theo chiều bổng lộc, đã để ngọn lửa ân oán riêng tư bốc quá cao hoặc là một hỗn hợp của cả hai, những tiếng nói đó, quả thực, không phải không gây cảm kích lòng người.

Nhưng lấy gì để đảm bảo cho những kẻ, là con người chứ không phải thiên thần, đoạt được quyền trong một chính thể hoàn toàn vắng “kiểm soát cơ bản”, gạt được các dục vọng của bản thân và vượt lên được những hiểm nguy của cá nhân để phụng sự nhân dân, đất nước?

Lấy gì để chắc chắn những kẻ thâm như Tàu đã tỏ rõ quyết tâm xâm lược, quen trấn áp, tàn sát chính đồng bào của chúng sẽ không rắp tâm hăm dọa, mua chuộc, trừ khử mọi mầm độc lập, tiến bộ (nếu có) trong một chính thể đã thề nguyền “răng môi”, “16 vàng, 4 tốt”?

Ai, đảng cầm quyền nào có thể dựa vào lòng dân khi chính quyền của họ chuyên chĩa mũi súng “chống khủng bố” vào nhân dân; và luôn gọi đổng nhân dân tiến bộ là “thù địch”?

Ai? Đảng nào?

 

[i] Aristotle, Politics, Books III-V, The Great Books Foundation, Chicago, 1955, trang 13, 33, 37, 100. Quí vị có thể đọc bản dịch Anh ngữ tại đây  Hoặc mua bản dịch tiếng Việt tại đây.

[ii] Publius là bút danh chung của ba chính trị gia người Mỹ, Alexander Hamilton (1755-1804), James Madison (1751-1836) và John Jay (1745-1829). Tác giả của bài luận số 51 này đến nay vẫn chưa xác định được chính xác là ai giữa hai người, Madison và Hamilton. Các trích dẫn ở đây thuộc bản dịch (chưa xuất bản) của Phạm Hồng Sơn. Quí vị có thể xem nguyên bản Anh ngữ tại đây.

“Mỹ Ngụy” hồi đó hay “Hán Ngụy” bây giờ? – Stephen B. Young

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết on 2016/01/14 at 13:20

“..Trước đây, cái gọi là đảng Cộng Sản chụp mũ những người Việt nam không Cộng Sản mà hợp tác với Mỹ Quốc để giữ độc lập cho miền Nam Việt Nam là ‘Mỹ Ngụy’ .
Bây giờ, nhìn về quá khứ thì chúng ta có thể đánh giá ai có công lớn hơn cho Dân Tộc Việt nam: ‘Mỹ Ngụy’ hồi đó hay ‘Hán Ngụy’ bây giờ?..”

Ai thống trị Việt Nam ngày nay ?

Có một tổ chức hiện nay cai trị Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau như là vua chúa Phong kiến ở Tàu hay ở Âu châu thời Trung cổ. Một bộ máy võ trang tập trung các quyền hành lớn trong tay; không được dân bầu lên, và dân tuyệt đối không có quyền kiểm soát hay phê bình. Tổ chức này mang tên là “Đảng Cộng Sản Việt Nam”.Nhưng, thực sự, tổ chức nầy có phải là một Đảng đúng nghĩa của một đảng hay không?

Đáng lẽ ra một Đảng chánh trị phải có một chánh nghĩa, một sức mạnh do một lý tưởng, một nền tảng triết lý hay lý thuyết, một khuynh hướng thể hiện nguyện vọng của đảng viên để hành động nhằm phục vụ đất nước và dân tộc của mình. Vì vậy, nếu cái gọi là Đảng Cộng Sản mà không phải là một Đảng đúng nghĩa, thì bộ máy đó là cái gi?

Một tập thể những người có chung một chí hướng tôn thờ người ngoài, một công ty làm ăn, một tổ chức mafia khai thác thị trường đất nước của họ chăng? Như vậy chúng ta có vài tiêu chuẩn để đánh giá cái gọi là Đảng Cộng Sản bây giờ, đó là một đảng phái hay chỉ là một bọn làm ăn thiếu lương thiện?

Tôi đồng ý đã có thời gian cái goi là đảng Cộng Sản ngày nay có những hoạt động như là đảng phái đúng nghĩa. Nhưng những hoạt động ấy tốt xấu, hay dở, có lợi hay có hại cho đất nước Việt nam là chuyện khác. Tôi nói đó là một “thứ đảng phái” vì lúc ấy đảng Cộng Sản theo ý thức hệ Mác-Lê, vận dụng chủ thuyết mác-lê làm cách mạng võ trang cướp chánh quyền thực dân. Tiếp theo, đảng cộng sản phát động cuộc cách mạng xã hội, tiến hành giai cấp đấu tranh, đấu tố địa điền chủ, ám sát công chức, trí thức, lãnh đạo tôn giáo, tịch thâu tài sản của người giàu có để sau cùng đưa giới lao động, những tên du thủ du thực, lên cầm quyền và khi vào Bộ chánh trị, lại lãnh đạo đất nước, dân tộc. Hành động của đảng cộng sản lúc đó có mục đích thi hành “chính nghĩa xã hội chủ nghĩa ” theo ý hệ Mác-Lê.

Nhưng từ lâu lắm rồi, cái gọi là đảng Cộng Sản không còn giống như trước đó nữa. Nó đã hoàn toàn biến chất để trở thành một cái gì khác hẳn. Tức nó không phải cộng sản, không mang nội dung mác-lê, không chủ trương giai cấp đấu tranh để tiến lên xã hội công bằng, người không bốc lột người, như kinh điển mác-lê dạy người cộng sản.

Cách đây vài năm, ông Đặng Quốc Bảo, Khoa giáo trung ương, trong một báo cáo phổ biến hạn chế cho đảng viên cao cấp, nói rằng “hiện tại đảng Cộng Sản không còn chính nghĩa chút nào vì thuyết Mác-Lê lỗi thời và cũng không đúng, không khoa học”. Theo ông Bảo, thì đảng cộng sản không nên áp dụng thuyết ấy nữa. Hai ông Mác và Lê đã nghĩ sai về vũ trụ, về trời đất, về đời sống nhân loại. Vậy người thông minh phải vứt bỏ chủ thuyết Mác-Lê.

Nếu ông Bảo đánh giá lý thuyết Mác-Lê đúng, thì đảng Cộng Sản không có một chính nghĩa nào để vẫn khẳng định tiếp tục đưa Việt nam đi theo con đường của mác-lê.

Vậy đảng cộng sản là cái gì? Chỉ là một tập hợp những người đầy tham vọng và quyền lực. Họ không khác gì một thứ giặc cướp đối với nhân dân. Ông Bảo nói thêm rằng “ tổ chức anh chị em cán bộ phải giữ quyền cai trị Việt Nam vài năm nữa, vì nếu không có một lực lượng mạnh giữ ổn định chính trị xã hội, thì nước sẽ loạn và dân sẽ khổ ”.

Lấy sự ổn định làm chính nghĩa của mình không có ý nghĩa tốt đẹp vì hoàn toàn thiếu thuyết phục. Chính nghĩa ổn định, nhiều người bình thường có thể nói và thi hành. Cần gì phải có cái gọi là đảng Cộng Sản với 3 triệu đảng viên, với vai trò lãnh đạo toàn diện đất nước và xã hội ? Quân Đội làm được. Phật Giáo làm được. Việt Quốc làm được. Ai cũng hy vọng làm được. Cái gọi là đảng Cộng Sản không thể tự cho là chỉ có họ mới làm được.

Theo tuyên truyền của đảng cộng sản, trong quá khứ, họ có công đức lớn để đứng trên và trước mọi người khác. Tức họ cho rằng họ có vai trò lịch sử Có đúng như vậy không?

Để trả lời, giờ đây, Bộ Chính Trị hãy tổ chức gọi hồn các đồng chí của họ đã chết, chết vì hi sinh hay chết oan vì đảng cũng được, để hỏi công việc đảng làm. Rồi, có lẽ họ nên gọi hồn để hỏi cái gọi là đảng cộng sản thật sự có công đức với dân tộc Việt Nam hay không? Rồi, họ có thể gọi hồn để hỏi đảng cộng sản tại sao ngày nay vẫn nói đi theo mác-lê, mà trên thực tế không thấy xã hội việt nam chuyển biến theo mô hình” chính nghĩa Mác-Lê.” một chút nào nữa. Vậy thì cái đảng này nên tự giải tán, và có mang tội với đất nưóc, với dân tộc không?

Chúng tôi cũng có thể gọi hồn như Bộ Chính Trị. Chúng tôi có thể gọi hồn các vị cũng nằm xuống, vì nhiều lý do khác nhau, hỏi họ về công đức của cái gọi là đảng Cộng Sản.

Thí dụ, hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hòa Hảo, hỏi ông Trương Tử Anh, Đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng , ông Lý Đông A, Thư ký trưởng Đảng Duy Dân, các nhân sĩ yêu nước Ngô Đình Khôi, Nguyễn văn Bông, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ văn Ngà, Phan văn Hùm, Nguyễn văn Sâm, … và những người dân Huế chết hồi Tết Mậu Thân, vân, vân, … cho đến 1 ,2 triệu người Việt nam bình thường khác, chết trên biển cả, trong rừng sâu, trong các trại tù rải rác khắp cả nước.

Gọi hồn tất cả những người này về và lắng tai nghe họ nói số phận của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng Sản vận dụng “chính nghĩa Mác-Lê” để cướp lấy quyền lãnh đạo đất nước và giử độc tôn cho đảng .

Xin trả lời: Công đức ở đâu?

Bằng chứng thứ hai cho thấy cái gọi là đảng Cộng Sản là một đảng thì đảng ấy có hành động cụ thể như thế nào? Ngoài sự hiểu biết, sự suy nghĩ, sự tính toán của con người, các hành động của người đó phải cho chúng ta thấy rõ, một cách minh bạch, để kết luận người đó tốt hay xấu, giỏi hay dở, đạo đức hay gian ác, cần tồn tại hay nên vứt đi thôi ?

Cái gọi là đảng Cộng Sản đó, cách đây 8 năm, đã tự động hiến dâng đất đai của tổ tiên để lại cho Bắc Triều mới . Và cả biển nữa! Tại sao?
Để đáp ứng sự đòi hỏi của Bắc Triều mới? Phải.

Ở điểm này, chúng ta hãy nhìn rõ. Cái gọi là đảng Cộng Sản đó vì nhu cầu tồn tại đã dâng đất, dâng biển cho Bắc kinh. Đây là nhu cầu sanh tử. Đảng cộng sản phải làm một việc tội lỗi như vậy chỉ vì đảng lo sợ nhân dân Việt nam hỏi tội của họ đối với tổ quốc và nhân dân từ trước đến giờ. Mà nhân dân hỏi tội có nghĩa là đảng sẽ bị mất quyền cai trị. Hoặc một vụ Thiên An Môn Việt Nam sẽ xảy ra . Trước nỗi ám ảnh mất quyền lực, đảng cộng sản cần sự ủng hộ, sự tiếp tay của Bắc Triều mới, mặc dầu có tổn hại đến quyền lợi tối thượng của Quốc gia.

Như vậy đảng cộng sản ở Hà nội không thể tự cho là một đảng có chính nghĩa yêu nước được, mà phải bị kết án là một đảng bán nước mới đúng.
Nếu đảng Cộng Sản Hà nội chuyên tâm phục vụ cho đòi hỏi, tham vọng của Bắc Triều mới, thì Việt nam tất nhiên phải lâm nguy làm thân nô lệ cho Hán Tộc. Nếu chỉ có riêng cái đảng cộng sản làm nô lệ Hán tộc thì chúng ta hà tất phải tốn lời.

Thực tế ở Việt Nam cho ta thấy công an, tình báo của Việt Nam đều do công an, tình báo Trung Quốc đào tạo và cố vấn. Nhờ đó mà công an, tình báo Hà Nội mới có đủ bản lãnh đàn áp những người dân chủ ở Việt Nam, đàn áp dân oan nạn nhân của những vụ đất đai bị đảng cộng sản tước đoạt, đàn áp những vụ biểu tình chống Trung quốc xâm chiếm đất đai bằng vũ lực và thô bạo.

Nhìn lại lịch sử Việt nam thì từ thời Ngô Quyền đến nay, chỉ có vài nhà vua Việt nam theo Bắc Triều một cách xấu hổ như vậy. Có Nhà Mạc phải xin sự ủng hộ của Hoàng đế phương Bắc để đối phó với Nhà Lê. Có vua Lê Chiêu Thống xin Trung Quôc gởi binh qua Hà nội để đánh anh em Nhà Tây Sơn. Có vua Gia Long và Minh Mạng lấy y thức hệ Tống Nho của Nhà Thanh bên Tàu để làm nền tảng đạo lý xây dựng uy quyền cho Nhà Nguyễn . Nhưng các ông vua này không làm mất đất, mất biển vào tay ngoại bang chỉ vì quyền lợi riêng tư như đảng cộng sản ngày nay.
Cầu viện thường hay lệ thuộc tư tưởng của kẻ khác, khó tránh khỏi bị dẩn đến mất chánh nghĩa quốc gia. Phải chăng vì thế mà Nhà Mạc đã không thắng Nhà Lê, vua Lê Chiêu Thống thua Quang Trung Nguyễn Huệ. Riêng Nhà Nguyễn vì chọn lựa sai lầm học thuyết lỗi thời mà cứ khăng khăng ôm giữ nên thua người Pháp. Tức một thứ lệ thuộc tư tưởng. Khi có được chỗ dựa mạnh là Bắc kinh, cái gọi là đảng Cộng Sản sẽ đánh bại được toàn dân Việt Nam chăng? Tức đảng cộng sản vĩnh viễn đàn áp, bốc lột nhân dân chăng?

Mới đây khi nghe tin Bắc Kinh tổ chức Hoàng Sa và Trường Sa trở thành môt đơn vị hành chánh mới trực thuôc Tỉnh Hải Nam, lập tức xảy ra nhiều cuộc biểu tình của dân chúng thanh niên, sinh viên ở TP Hồ Chí Minh, ở Hà nội, chống chánh sách xâm lược của Trung Quốc. Cái gọi là Đảng Cộng Sản không dám lên tiếng phản đối kẻ cướp đất, trái lại thô bạo đàn áp dân chúng công khai bày tỏ lòng yêu nước. Khí thế của nhân dân Việt Nam bây giờ làm cho đảng cộng sản Hà Nội bắt đầu lo sợ. Nếu đảng cộng sản khôn ngoan thì hãy thấy ở đây, tức ở nhân dân, mới là chỗ dựa vững chắc hơn thế của Trung Quốc.

Nhưng cái gọi là Đảng Cộng Sản nghe theo ai?

Buồn mà nói. Vì nói cho đúng thì phải nói lớn và nói rõ phe nhóm cai trị Việt Nam hiện nay là một bọn Hán Ngụy. Tiếc vì chúng tôi biết chắc chắn có nhiều đảng viên của cái gọi là Đảng Cộng Sản không muốn như vậy. Họ thương dân, yêu nước thật lòng. Nhưng họ lo sợ, có thể vì bất lực, cho sự an nguy của bản thân và gia đình trước những thủ đoạn khéo léo, gian ác, đê hèn của lực lượng Công An, Tình Báo đang có mặt khắp nơi rình rập.

Bọn Hán Ngụy thật sự không có nhiều người, nhưng họ có thế mạnh và nhiều tiền bạc. Họ quyết tâm giữ quyền lực cai trị đất nước mãi mãi. Họ sẽ làm cái gì phải làm để không mất địa vị cầm quyền, tức quyền làm ăn, làm giàu của họ.

Lệ thuộc Bắc Kinh, đối với họ, là một giá phải trả, họ chấp nhận trả, để có phương tiện ổn định xã hội chính trị Việt nam, tức duy trì chế độ độc tài toàn trị. Ổn định là cho quyền lợi của họ. Đất nước đối với họ chỉ là phương tiện trao đổi. Trung Quốc có một triết lý bình định thiên hạ từ đời Tần Thủy Hoàng. Ông ấy lấy ý kiến của phái Pháp Gia gồm lý thuyết âm dương, ngũ hành để kiến tạo thái hòa. Làm chính trị như vậy không theo sự giảng dạy của Khổng Mạnh, trái lại, đưa ra chính sách đại đoàn kết, giữ phép nước dưới sự lãnh đạo đọc tôn theo một vị hoàng đế. Đó là thuyết của Mặc Địch.

Cái đạo chính trị này – “ hoàng đế chính thuyết ”– là lý thuyết xây dựng xã hội không cần nghe ý dân. Đi từ trên xuống, không phải từ dân lên. Ngày nay là tập trung dân chủ, tức dân chủ xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ chí minh. Hoàng Đế nghe trời, ra lịnh và thiên hạ phải tuân theo. Dân không nghe theo thì sẽ bị phạt, nặng nhẹ tùy theo mức độ của sự phản bội, bất hiếu đối với chế độ.

Một ông Hoàng Đế không cần đức, không cần uy tín mà vẫn giữ được ổn định xã hội. Hiếu nghĩa thay thế nhân nghĩa. Cấp trên nói cái gì thì cấp dưới vâng dạ theo răm rắp. Nói vô phép, mất dạy, thì bị phạt, không được phần thưởng.

Đạo làm hoàng đế có mục đích lấy ý trời và qua cơ cấu hành chánh, ép thiên hạ vâng lệnh làm theo ý đó, mặc cho họ muốn hay không.
Trong lịch sử Việt Nam, các Nhà Lý, Trần và Lê không lấy đạo Hoàng Đế của Bắc Triều để trị dân. Nhà Lý và Nhà Trần theo đạo Phật. Nhà Lê cho đến Vua Lê Thánh Tôn theo quan điểm nhân nghĩa do Nguyễn Trãi viết ra.

Vua Lê Thánh Tôn bắt đầu theo chủ nghĩa Bắc Triều , tức lấy Tống Nho bênh vực ngôi vị Hoàng Đế một cách mù quáng với đạo hiếu nghĩa cha mẹ, vua chúa. Đến Nhà Mạc, Chúa Trịnh, thì ảnh hưởng Tống Nho ở cấp quan văn và các đại gia đình quan chức mở rộng. Nhà Nguyễn áp dụng Tống Nho và quan điểm hoàng đế, đưa triều đình Huế đi theo gương Nhà Thanh bên Tàu.

Trước đây, cái gọi là đảng Cộng Sản chụp mũ những người Việt nam không Cộng Sản mà hợp tác với Mỹ Quốc để giữ độc lập cho miền Nam Việt Nam là “Mỹ Ngụy” .

Bây giờ, nhìn về quá khứ thì chúng ta có thể đánh giá ai có công lớn hơn cho Dân Tộc Việt nam: “Mỹ Ngụy” hồi đó hay “Hán Ngụy” bây giờ?

Người Mỹ khi họ giúp các Chính Phủ Việt nam Cộng Hòa, khi họ làm cố vấn cho Chính phủ và quân đội quốc gia, họ thật sự muốn gì? Họ khuyến khích người Quốc Gia làm gì? Họ đòi hỏi Chính Phủ Sài gòn có chính sách nào?

Nói chung, người Mỹ từ Tổng Thống Eisenhower cho đến Tổng Thống Nixon, từ Đại Sứ Elbridge Durbrow cho đến Đại Sứ Ellsworth Bunker, tất cả đều yêu cầu Chính Phủ Sài gòn lo cho dân, áp dụng chế độ hiến trị, tổ chức các cuộc bầu cử từ xã ấp đến trung ương, trong sạch, dân chủ, cải cách ruộng đất, phát triển kinh tế, mở rộng giáo dục theo tôn chỉ “nhân bản, khoa học, khai phóng ” …Đối với Mỹ thì ý dân là hơn ý trời. Mỹ không bao giờ theo “ hoàng đế chính thuyết ”.

Như vậy làm “Mỹ Ngụy” là chọn phương pháp lo cho dân, cho quê hương Việt Nam, cho văn hóa, đạo đức dân tộc. Người Mỹ đến Việt Nam, không ở lại Việt Nam. Và “dân ngụy.” không hiến dâng đất dai, biển cả cho ngoại bang. Hơn nữa, trong lịch sử, người Mỹ không làm thuộc địa, không làm Thái thú, chỉ làm bạn đồng minh giai đoạn.

Còn người Việt nào bây giờ làm Hán Ngụy thì phục vụ ai? Họ có lo sợ số phận Tổ quốc của họ không? Hay chỉ có chung một thứ tập hợp những người cùng chí hướng tôn thờ quyền lợi bản thân mà thôi?

Stephen B. YOUNG