vietsoul21

Archive for Tháng Hai, 2012|Monthly archive page

Nguyễn Thị Từ Huy – Muốn hay không muốn

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/02/09 at 22:50

Nguyễn Thị Từ Huy

Theo Văn Hóa Nghệ An

Ở Việt Nam hiện nay, ta thấy không chỉ có nông dân bị bần cùng hóa bởi chính sách ruộng đất bất hợp lý và bởi chế độ cưỡng chế đất đai bất công mà vụ Đoàn Văn Vươn là một ví dụ nổi bật, đang là mối quan tâm chung của dư luận ở thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới này. Cũng không chỉ có công nhân bị bần cùng hóa. Mà cả giới lao động trí óc cũng bị bần cùng hóa.

Trong khi mà trong xã hội hiện thời có những nghề cho phép một số người lao động hưởng lương lên đến cả trăm triệu đồng một tháng, thì lương khởi điểm của giáo viên nói chung chưa đến hai triệu, lương khởi điểm của giảng viên đại học trên hai triệu một chút. Lương của các nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu còn thấp hơn, vì dù sao ngạch giảng dạy còn được cộng thêm một số phần trăm đứng lớp. Với giá cả hiện tại, mức lương đó không thể đảm bảo cho các sinh hoạt tối thiểu hàng ngày của những người lao động trí óc, nhất là ở các thành phố lớn. Một chế độ lương như vậy là một chế độ lương mang tính chất bần cùng hóa. Người lao động trí óc bị bần cùng hóa và bị đẩy đến chỗ không còn có thể nghĩ gì khác ngoài việc làm sao kiếm cho đủ tiền để sống. Nghịch lý ở đại học (và các trường học nói chung) là sau khi mất nhiều năm học hành, cố gắng để đạt kết quả xuất sắc, người giảng viên được giữ lại trường giảng dạy, thì nỗi lo lắng bận tâm của họ không phải là trau dồi kiến thức, phát triển năng lực chuyên môn, mà là làm gì để sống. Vậy đấy, đi làm rồi, có được một nghề rồi, một nghề được xem là cao quý hẳn hoi, nhưng lại phải khốn khổ loay hoay tìm cách trả lời câu hỏi: « làm gì để sống ? »[1]

Điều nguy hại đáng nói ở đây là: người lao động trí óc bị bần cùng hóa bởi chế độ lương phải lao vào các hoạt động kiếm sống, và sau một thời gian thì họ khó có thể giữ được các hoạt động trí óc, mặc dù lao động của họ vẫn được xếp vào loại lao động trí óc, ví dụ như nghề nghiên cứu hay đi dạy. Thực tế cho thấy là có một số giảng viên ở bậc đại học đi dạy rất nhiều nhưng để nói là họ có hoạt động trí óc thì rất khó, bằng chứng là họ không có công bố hoặc nếu có thì đó là những bài viết mà chất lượng khoa học thấp, ít hàm lượng tri thức và phát kiến, ít hàm lượng tư duy. Bài giảng của họ chỉ là tổng hợp lại kiến thức của người khác, đã thế nhưng kiến thức cũng không được thường xuyên cập nhật, bài giảng của họ có thể được soạn một lần để giảng trong nhiều năm và giảng ở nhiều nơi.

Một nghịch lý khác mà giới trí thức ở các nước phát triển rất khó có thể hình dung, nhưng đang là thực tế của xã hội chúng ta: giới lao động trí óc ở Việt Nam không những bị bần cùng hóa về đời sống vật chất, mà còn bị / tự bần cùng hóa cả về đời sống tinh thần. Hiện tượng này đang thành ra phổ biến: những người, về nguyên tắc, phải làm việc với sách vở lại rất ít đọc sách, không quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ tự phủ nhận vai trò và trách nhiệm xã hội của họ. Không hiếm những lời phàn nàn kiểu như: giới văn chương gặp nhau không nói chuyện văn chương, mà nói chuyện bất động sản, đất đai, nhà cửa, ô tô.

Mặt khác đa số tự nguyện tuân theo những quy định thành văn và bất thành văn về cách thức tư duy, đường hướng tư duy, hệ quả tất yếu là sự nghèo nàn trong nội dung tư duy, và hệ lụy thê thảm nhất là không ít người có nguy cơ đánh mất khả năng tư duy và thói quen tư duy, dẫn đến việc mất khả năng phân tích, mất khả năng tự quyết định, chỉ còn biết chấp nhận và chờ đợi những quyết định từ trên xuống, dù những quyết định đó sai hay đúng, dù chúng có tác hại như thế nào chăng nữa. Thậm chí có những người còn rất trẻ cũng đã tỏ ra không biết làm gì nếu không được định hướng. Trong khi đó, hoạt động trí óc, về thực chất, là một hoạt động mang tính tự do; và không có gì có thể tước đoạt được thứ tự do đó. Đối với tư duy tất cả đều được phép. Người ta có thể bị tước đoạt tự do công bố, tự do phát ngôn và trình bày công khai; nhưng tự do tư duy thì không gì có thể động đến được. Do đó có thể nói rằng đa số thuộc giới lao động trí óc ở ta tự nguyện tuân theo các định hướng suy nghĩ từ bên ngoài, hoặc khép mình vào những giới hạn do tự mình đặt ra, và hình dung rằng giới hạn đó trùng với những gì được phép, không lấn sang khu vực của những gì không được phép. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sự tự giới hạn này phản ánh một nỗi lo sợ nhiều khi thiếu căn cứ, bởi vì những gì « không được phép » đối với người này lại là « được phép » (đúng hơn là « tự cho phép ») đối với người kia. Cái vòng kim cô, do vậy, không phải chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài, mà nó còn có tính nội sinh. Giới lao động trí óc tự tạo ra cái vòng đó và để nó xiết chặt từ bên trong vỏ não. Sự tự nguyện này, xét kỹ, không gì khác hơn là hệ quả của sự bần cùng hóa tinh thần. Nếu như một bộ phận lớn thuộc giới lao động trí óc Việt Nam được gọi là « trí thức trùm chăn » thì đó chính là hậu quả của sự (tự) bần cùng hóa về phương diện tinh thần này. Bởi lẽ giờ đây, khi các thói quen và quán tính đã được thiết lập một cách vững chắc, nếu họ có hất cái chăn đi, thì việc trình bày ý kiến cũng hoàn toàn không đơn giản và không dễ dàng. Thử giả định rằng họ được chuyển sang sống ở các nước dân chủ và họ có toàn quyền phát ngôn về mọi chuyện mà không có bất kỳ một đe dọa nào hay một áp lực nào, thì liệu họ có thể tham gia phản biện như các trí thức ở các nước sở tại không?

Sự bần cùng hóa tinh thần là một trong những nguyên nhân khiến giới lao động trí óc ở đây đánh mất sức mạnh, đánh mất khả năng phân biệt đúng sai, phải trái, và khiến họ có thể vi phạm các chuẩn mực đạo đức mà vẫn cảm thấy yên ổn lương tâm. Họ tìm sự yên ổn bằng cách sử dụng các lý lẽ mang tính ngụy biện để bào chữa hoặc hợp pháp hóa cho sự vi phạm đạo đức hay sự vi phạm pháp luật. Chẳng hạn giới giáo viên có thể tự cho là chính đáng khi nhận phong bì của học sinh và phụ huynh. Họ lập luận rằng đấy là để bù lại sự bất công trong chế độ thù lao của nhà nước. Họ đã dùng cái sai này để sửa cái sai khác, trong khi những giải pháp đúng đắn đã không được lựa chọn. (Chúng tôi sẽ còn trở lại bàn sâu hơn về điều này). Họ thấy hay không thấy rằng, giữa cái phong bì và sự suy đồi đạo đức, sự suy thoái trầm trọng của nền giáo dục, có mối quan hệ khăng khít? Họ thấy hay không thấy mối liên hệ nhân quả giữa cái phong bì và tệ nạn bằng cấp dởm, chức danh dởm, những thứ đã và đang đẩy chất lượng giáo dục xuống bờ vực thẳm? Đơn giản là một khi đã nhận tiền của sinh viên thì họ không thể đánh trượt hay dành điểm kém cho luận văn hay luận án của sinh viên, dù cái luận văn hay luận án ấy có kém cỏi đến mức độ nào chăng nữa. Họ thấy hay không thấy rằng khi quyết định trao bằng thạc sĩ hay tiến sĩ cho một người không có năng lực tương xứng với học vị đó, thì họ đã gián tiếp đẩy bao nhiêu thế hệ học sinh vào nguy cơ bị ngu hóa, bị bần cùng hóa về mặt trí tuệ ? Vấn đề không chỉ là việc cho ra đời một tiến sĩ dỏm, mà cùng với tiến sĩ dỏm đó là hàng loạt thế hệ thanh thiếu niên phải gánh chịu hậu quả. Rồi những người thầy kém sẽ tạo ra các thế hệ những người thầy kém tiếp theo, cứ như vậy mà kéo dài tình trạng suy thoái.[2] Vậy những người làm giáo dục muốn đẩy trách nhiệm ấy cho ai?

Vấn đề đối với giới lao động trí óc không hẳn chỉ là hợp tác hay bất hợp tác. Voltaire từng bị triều đình bỏ tù vài lần, nhưng rồi sau đó cũng có lúc ông hợp tác với triều đình Versailles và triều đình của Friedrich II, rồi lại bất hợp tác. Goethe từng giữ nhiều chức vụ trong các triều đình của Đức thời bấy giờ. Hugo từng thực sự mong muốn tham gia triều chính, muốn có ảnh hưởng để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông trở thành người tin cẩn của Louis-Philippe năm 1844, và sau đó làm Nguyên lão nghị viên. Rồi tự lưu đày, từ chối trở về nước Pháp khi mà ông chưa thấy đất nước này có tự do. Dù ở thời kỳ nào trong đời họ, dù họ lựa chọn thái độ nào, hợp tác hay bất hợp tác, thì đó cũng là những nhân cách lớn, những trí tuệ lớn và những bản lĩnh văn hóa đáng nể trọng. Họ biết rõ họ làm việc vì ai, vì cái gì. Nhân loại đã được hưởng lợi rất nhiều từ sản phẩm của lao động trí óc của họ.

Sự (tự) bần cùng hóa về tinh thần, về đời sống trí tuệ đã khiến cho đa phần giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay mất dần các phẩm chất tư duy, mất cả năng lực làm việc trong lĩnh vực chuyên môn hẹp của mình, mất luôn cả bản lĩnh văn hóa, cả ý thức về sự đúng sai, cả phẩm chất đạo đức công dân. Tự giữ cho mình trong sạch, chuẩn mực còn khó, nói chi đến chuyện dám đứng lên bảo vệ công lý, bảo vệ nhân tính! Do vậy mà thuật ngữ « trí thức trùm chăn » cũng chưa hẳn đã xác đáng. Bởi lẽ trí thức trùm chăn dù thơ ơ với thế sự thì ít ra cũng còn giữ được căn cốt của người trí thức.

Vấn đề quan trọng đặt ra cho giới lao động trí óc Việt Nam hiện nay là làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng bần cùng hóa cả về vật chất lẫn tinh thần. (Nếu nhìn vào các dấu hiệu của tài sản thì có vẻ như một số người thuộc giới lao động trí óc đã thoát khỏi sự bần cùng hóa về vật chất, nhưng nghịch lý là ở chỗ: phương thức mà phần lớn trong số đó sử dụng để thoát nghèo lại góp phần thúc đẩy quá trình bần cùng hóa về tinh thần ở họ. Điều này sẽ được đề cập vào một dịp khác.)

Nhưng có lẽ vấn đề còn quan trọng hơn là làm thế nào để, nếu không phải toàn bộ thì cũng là phần lớn, giới lao động trí óc của chúng ta mong muốn thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa ấy, nhất là thoát khỏi sự bần cùng hóa về tinh thần. Để tránh sa vào duy ý chí, cần nói rõ hơn rằng, dù « Muốn » chưa phải là điều kiện đủ, thì đó cũng là điều kiện cần. Hiện nay còn quá ít những người có mong muốn này. Một khi còn chưa có sự mong muốn, khi mà tình trạng chung là chấp nhận, chịu đựng và thỏa hiệp, thì việc đặt câu hỏi « làm thế nào » chỉ là một thứ xa xỉ phẩm mà thôi. Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta nhận ra rằng thực ra trong mỗi người đều có một nguồn năng lượng rất lớn. Cần phải để cho nguồn năng lượng đó được giải phóng để biến thành sức mạnh; giải phóng khỏi nỗi sợ hãi, khỏi những định kiến, khỏi sự ràng buộc và hạn hẹp trong nhận thức. Mong muốn là điểm khởi đầu giúp ta có thể đi tới chỗ đồng ý với John Stuart Mill rằng: « …nguồn gốc của mọi thứ đáng trọng trong con người như một thực thể có trí tuệ cũng như một thực thể có đạo đức, đó là phẩm chất sửa lại sai lầm của mình »[3], và càng đồng ý với ông hơn về nhận định: « Con người có khả năng sửa chữa sai lầm của mình bằng thảo luận và trải nghiệm. Không phải chỉ có bằng trải nghiệm không thôi. Phải có thảo luận để biết trải nghiệm cần được suy đoán ra sao. »[4]

Chỉ khi nào giới lao động trí óc có mong muốn thoát khỏi tình trạng bần cùng hóa này thì lúc đó họ mới nghĩ đến việc tìm giải pháp, tìm cách làm thế nào, khi đó họ mới có cơ may tìm lại được các giá trị của lao động trí óc. Bởi vì sự mong muốn sẽ kích hoạt trí não, sẽ khiến cho trí óc hoạt động, và sự hoạt động của trí óc là cách duy nhất giúp người ta tìm ra giải pháp tích cực nhất trong hoàn cảnh của mình. Như câu ngạn ngữ của người Pháp: « vouloir c’est pouvoir »[5], hoặc như Đam San của Tây Nguyên: « Ta sẽ đi tới nơi ta muốn ».

Vinh, ngày 24/1/2012

________________

[1] Vì muốn tập trung vào chủ đề chính của bài viết, chúng tôi sẽ không đề cập đến một hiện tượng, đó là một số người thuộc giới lao động trí óc ở Việt Nam, bất chấp sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, đã không ngừng nỗ lực làm việc. Đến mức mà, có lẽ các đồng nghiệp nước ngoài của họ cũng khó có thể hiểu được họ lấy đâu ra sức lực để có thể làm việc như thế trong một điều kiện tồi tệ như thế.

[2] Xin kể ra đây một câu chuyện nhỏ mà người viết bài này từng chứng kiến khi còn ở Pháp : một sinh viên bậc master (tương đương với thạc sĩ ở Việt Nam) có cơ hội nhận học bổng làm tiến sĩ, nhưng cô ấy không nhận, và giải thích rằng, cô ấy tự thấy không có thiên hướng và không đủ khả năng làm nghiên cứu, vì thế cô ấy nghĩ rằng nên để suất học bổng đó cho người nào thực sự có năng lực và say mê nghiên cứu. Cô ấy sẽ tìm một việc phù hợp với trình độ và sở thích của mình. Trong ví dụ này ta thấy rõ những gì mà nền giáo dục Pháp đã đạt tới trong việc giáo dục con người. Những gì được Rousseau nói tới từ thế kỷ XVIII : « Con người thực sự tự do chỉ muốn điều gì anh ta có thể, và làm điều gì anh ta thích » (Emille hay là về giáo dục, bản dịch tiếng Việt của Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, NXB Tri Thức, 2008, tr. 95)

[3] John Stuart Mill, Bàn về tự do, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức, 2005, tr. 56 .

[4] Như trên, tr. 56

[5] Muốn là có thể thực hiện được.

Bút Gà (chấp bút) Đinh Thế Huynh gởi ban tuyên giáo Tiên Lãng_HP

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/02/09 at 18:31

Tớ, Bút Gà, chấp bút cho (thủ) anh Đinh Thế Huynh của bộ hầu đồng (BCT) bình vôi[1] đảng CSVN, gởi lời phán của bà đến ban tuyên giáo Huyện ủy Tiên Lãng và TP Hải Phòng. Những tưởng lời bà phán trước Tết đã đủ cho các cậu hiểu nhưng sao các cậu đần thế. Các cậu chắc hẳn là lũ đần ông nên bà lại phải cho uống nước “thánh” (vật) vậy.

Trước nhất bà hỏi có phải thằng Đại (tá) Ca này ăn phải ka ka hay vui vẻ úp mặt vào cái lá đa nên phát ngôn ô uế thối um cả đền bà. Bà nói là phải để cái thằng này thánh vật mới chừa tật. Vừa chưa hết cái họa mồm[2] hôm nọ nay lại văng miệng (miểng). Thế này thì đến chết thôi.

Ối giời ơi, cái thằng thánh vật mà không chết này thì bà phải vời cô hồn các đảng làm thịt mày mới được! Mày hại bà rồi! Làm sao mày lại nói nhà của Vươn là chòi. Thế thì chết bà rồi! Bao nhiêu năm qua các anh mày thu hồi đất đai, lấy đất, lấy ruộng, đào mồ xới mả nhân dân bị kiện cáo đầy trước cửa phủ bà. Giờ nếu nhỡ bọn mất đất, mất ruộng, mồ mả ông bà ấy chúng chỉ xin bồi thường theo tiêu chuẩn lượng giá “cái chòi anh Vươn” thì các anh mày phải chết giở thôi!


Bà đã cảnh báo anh Huynh nhà mình chớ khinh suất để mất chủ động. Cần phải biến hóa mọi việc từ thủ sang công, đổi công thành tội, bóc tách đổ lên đầu anh em nhà Lê văn Hiền, Lê văn Liêm. Đứa nào dại đỡ đòn bao che thì ta đem làm dê tế thần luôn thể. Tuyệt đối cô lập ranh đe “thuần hóa” anh em nhà họ Đoàn với con ngáo ộp “thế lực thù địch” là chúng tịt ngòi ngay thôi nhé.

Bà nói thế đấy. Nghe thấu chửa? Đã qua Tết, xong chuyện khánh tiết đón tiếp lính anh, lính chị địa phương về thăm viếng gởi phong bì chúc Tết anh Huynh, nên Bút Gà tớ đây mới có tí thì giờ ngoáy hũ cáy chấm bút (mút) chút đỉnh. Các cậu biết là anh Huynh đã giao ban báo chí đầu năm[3] vào cuộc định hướng đỡ đòn. Anh giao cho 6 nhiệm vụ, tất cả tập trung vào “tuyên truyền” cho cái bình vôi (BCT) của bà. Anh gởi lời của bà trước nhất là tập trung tuyên truyền kỷ niệm ngày mở phủ (3/2), học tập và làm theo gương đạo đức/đ. (tên đệ tử con cầu tự) Hồ Chí Minh.

Đồng thời anh Huynh đã gài khung “Hành vi chống người thi hành công vụ” rồi đấy. Anh Ba Dũng (a hèm, đại biểu quốc hội của tỉnh cảng Hải Phòng) cũng đồng điệu góp lời trong công điện số 57 yêu cầu “Xử lý nghiêm trường hợp chống đối người thi hành công vụ”. Cứ quán triệt, nhất trí như thế mà làm. “Việc báo chí đưa tin, phân tích đa chiều vụ cưỡng chế” cũng chỉ là đánh bùn sang ao trong hệ thống luật lệ (lệnh)[4] nhà nước đảng ta.

Anh Huynh nhà mình cũng đã điện về cậu Vũ Hồng Chuân, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy, triệu cuộc mít tinh quán triệt thời sự tại Đảng bộ thị trấn Tiên Lãng. Toàn thể đảng viên Huyện Tiên Lãng “thống nhất về mặt tư tưởng”, “giữ vững lập trường” là “ông Vươn … đã chọn giải pháp chống người thi hành công vụ là vi phạm cực kỳ nghiêm trọng về luật pháp”. Việc cưỡng chế, thu hồi đất về cho bà là chuyện thường ngày ở huyện, như chuyện cái đêm hôm ấy đêm gì[5]. Bà khoán đất cho chúng thì bà đòi lại thế thôi. Không thể để vụ tay Vươn này trở thành một tiền lệ trong “nhà nước pháp quyền” chuyên chính đảng ta.

Anh Huynh cũng từng nhắc đi nhắc lời phán của bà để các cậu thấu triệt thế này. Cái câm lặng cần thiết cho việc trị dân. Đừng để cho “cây tỏi nổi giận”[6] và chước sách hữu hiệu là bịt miệng nạn nhân. Thế chứ lị. Ta đã bịt miệng nạn nhân tập thể rồi đấy. Bằng cách cho chúng tự do tha hồ gởi khiếu kiện tới đủ cơ quan ban ngành và địa phương, cho báo chí lề phải tha hồ báo cáo tường thuật, cho cụ Lê Đức Anh ngay lập tức ra mặt la làng la xóm là các cậu Tiên Lãng làm quấy. Từ Huyện tới Tỉnh, từ Thành phố đến Trung ương, từ Mặt Trận đến Quốc hội theo kiểu đèn cù hội chứng Lục Vân Tiên[7]. Cụ Hiền Đức với núi hồ sơ dân oan khiếu kiện cầm đèn chạy trước nhưng ô tô Thanh tra nhà nước cứ phanh trước nhà hàng Long Đình nhận tí trà nước thì đã sao nào. Ta đã bịt (miệng) nòng súng hoa cải trao (tráo) anh Vươn cái loe đài “Em sẽ khai thành khẩn, em nhận thức việc đó là sai” và “Đảng và nhà nước khoan hồng cho em và người thân của em.” thế là xong.

Bà cảnh cáo rằng thì là dù tiếng súng hoa cải lẹt đẹt nhưng âm vang và đồng hưởng rất to vì số dân oan vô vàn khắp nơi trên toàn cõi đất nước[8]. Khi ấy ta phải cần những phèng la, trống ếch, chuông mõ ồn ào nhiễu động để át tai và đánh lạc hướng.

Phương pháp đánh lạc hướng một cách chủ động là tổ chức “tuyên truyền về các lễ hội” nhất một. Đây là một trong 6 nhiệm vụ hàng đầu của báo chí. Đấy là việc có lợi vô vàn. Tất cả những gì về truyền thống, dân tộc sẽ được gán ép, gắn liền với đảng và nhà nước ta. Cùng lúc ta tạo dựng được cái bình phong xã hội hạnh phúc, vui chơi trong chốc lát để chẳng ma nào để ý đến những khổ đau, xấu xa, bất cập diễn ra trước mắt ngày ngày. Và hơn hết ta lôi kéo, mê hoặc, mị dân hao mòn năng lực vào cái đình đám, vô hình (ăn mày dĩ vãng theo Bà) và quên nhãng đấu tranh cho công bằng xã hội trong hiện thực.

Phương pháp đánh lạc hướng khác cũng không kém phần rôm rả, có vẻ như “ngẫu hứng qua cầu” là (phản) phản biện[9] của giới trí thức/trí ngu/trí ngủ, trùm chăn/bó chiếu/giăng mùng. Ta kích cho chúng thỏa thê gây sóng gió với cơn bão trong tách trà[10] (he he he, cái này phải cần Bổ đề toán mới giải ra hết) cho đến khi chén nước nguội dần thì ta nốc cạn.

Ta mặc cho chúng trăn (chăn) trở để lương tâm lâu lâu được giũ bụi, phơi nắng khỏi bị mốc meo mắc bệnh hắc lào. Đám “nói và làm” như Điếu Cày, Phạm Thanh Nghiên, anh Ba SG, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Huy Thức, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng, Đoàn Văn Vươn dám thách thức bà thì đã được giải quyết nhanh chóng rồi. Còn các cụ/cựu, nguyên/ngơ, nghị/nghễnh xôi oản một (nhất) thời, phát ngôn (ngông) nhiễu động cũng rất cần thiết cho cái “dân chủ đầu mưng mủ” đảng ta.

Ta để cho các cậu (chậu) kiểng Mặt Trận vờ vịt (mờ mịt) hoắng lên “Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại.[11] Những đảng viên la toáng “xấu hổ” vẫn ôm bình bát (bình vôi) khất thực cửa đền. Bà đẻ đứa con hoang Mặt Trận để ôm tráp cho bà thì đố (bố) nó bảo vệ cho ai đấy! Các cậu ấy biết tỏng tòng tong rằng-thì-là các anh nhà mình đã be bờ thì ngọn đầu sóng vũ bão lẻ loi cũng là chuyện nhỏ như con thỏ. Có mà cả ngàn con sóng nhỏ cùng dồn dập không ngừng thì các anh mày mới kệch. Ối dào, anh Ba phù phép “quả đấm thép” Vinashin tái cấu trúc thành “bột bánh bao” tha hồ rút/đút ống mà có thấy thằng nào ló mặt “hành động để phản ứng lại” đâu.

Bà sai tớ phải luôn nhắc nhở nhân dân quán triệt “chân lý” bà là chủ đất (nước) từ cái thời cướp chính quyền. Đó là một “khách quan lịch sử” và “ơn đảng, ơn chính phủ” đời đời phải tạc ghi chứ lị. Sở hữu toàn dân có nghĩa là dân chỉ toàn có tiếng còn bà thì được trọn nguyên miếng. Đứa nào nói bà cướp đất[12] là mắc tội phỉ báng và đáng đi nằm nhà đá. “Sở hữu toàn dân” là đỉnh cao trí tuệ của đảng (cướp) ta nằm ở đuôi của cái gọi là kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chừng nào mà nông dân vẫn tự nguyện làm “nhân dân” khoán hộ đất bà và khối công nhân, người dân thành thị luôn xin xỏ cầm sổ đỏ thì vận của bà vẫn thông hanh.

Năm nay là năm con rồng. Rồng đất/nước cỡi đầu ngọn sóng (Tiên Lãng) khó mà thuần hóa được. Bà thuộc cõi âm, lại khắc tinh con rồng nên mệnh yểu và cần lính anh, lính chị các cậu hết lòng bảo vệ. Các cậu sểnh vụ này bể bình vôi thì mất lộc, hết thóc đi ăn mày đấy.

Bút Gà


[6] Cây Tỏi Nổi Giận, tiểu thuyết của Mạc Ngôn

[7]Vân Tiên cõng mẹ chạy vô, đụng phải Thanh tra cõng mẹ chạy ra.
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra, gặp ma Ba Đình cõng mẹ chạy vô.”


Chuỗi bài:


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ]

 

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/02/09 at 16:15

 

Người Buôn Gió

Theo blog Người Buôn Gió

Năm Tân Mão. Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 66, đời Vệ Kính Vương thứ nhất.

Năm đó loạn khắp nơi. Mùa hè đến suốt mùa thu năm Tân Mão dân sĩ kinh thành tụ họp phản đối chuyện Tề chiếm lãnh hải, việc đó kéo dài đến mấy tháng. Sau này triều đình mới tóm người nổi bật trong đám ấy là một nữ nhi, tống vào trại giáo dục như trại tù. Chuyện đó mới tạm yên.

Từ khi con cháu của khai quốc công thần là Cù tiến sĩ bị đưa ra xét xử vì tội mưu phản triều đình. Nước Vệ càng rối ren hơn. Ngay sau khi xử, triều đình tầm nã ráo riết, bủa lưới khắp nơi bắt thêm vài chục mống thanh niên với tội mưu phản, đến đầu năm sau lại bắt thêm nhóm khác ở phía Nam thuộc phái Công Luận Công Án đến cả chục người cũng tội mưu phản.

Bấy giờ ở đất Lãng ven biển, có người họ Đoàn thi đỗ cử nhân không làm quan bỏ về quê ra công lấn biển, đắp đê, quai đập ròng ra mười mấy năm trời. Cơ nghiệp cha ông để lại cùng mưu sức dồn cả vào đó. Lập nên một trang trại mênh mông, dân trong vùng nương nhờ con đập mà ổn định sự sống. Tưởng đâu đời sống thái bình, chí thú làm ăn đến lúc tuổi già.

Ngày nọ quan anh đất Lãng là Lê Liêm Khiết cùng quan em là Lê Hiền Lành đi tuần thú, thấy đất đai của Đoàn màu mỡ, thẳng cánh cò bay. Quan anh mới hỏi quan em rằng.

Ơ! đất đâu ra mà ngon thế nhỉ?

Quan em thưa.

Đất này do Đoàn cử nhân, lấn biển mà có. Nay họ Đoàn đang sử dụng.

Quan anh.

Thế tên Đoàn cử nhân ấy sống có biết lẽ trời không?

Quan em.

Tên họ Đoàn ấy ỷ công sức lấn biển, coi thường quan sở tại, hàng năm không có cống nạp gì. Gặp quan lại trong quán chỉ dương mắt mà nhìn. Thật vô lễ. Lẽ đời còn chưa biết, nói chi là lẽ trời.

Quan anh nói.

Nhà Sản chúng ta thay trời hành đạo, cai trị đất nước này đã mấy chục năm. Bốn cõi phẳng lặng, yên bình, ấy là do chúng ta hành đạo sâu sát, khiến dân chúng ý thức được bổn phận con đen. Anh em chúng ta là quan nhà Sản tức là vâng mệnh trời mà hành đạo. Sao để có đứa vô lễ như vậy. Nếu không làm cho ra nhẽ, đứa khác a dua theo, chúng ta còn mặt mũi nào mà cầm thẻ ngà nhà Sản mà hành đạo nữa. Mau ra lệnh thu hồi gấp để giao đứa nào biết lễ nghi sử dụng.

Thế rồi kẻ nách thước, người tay đao, súng ống tề tựu dưới sự chỉ huy của anh em nhà quan sở tại họ Lê, ngày nọ dẫn cả đám kéo đến trang trại nhà họ Đoàn thu hồi đất. Họ Đoàn thấy đám nọ xâm phạm đất nhà mình,từ xa bèn lấy súng đạn ghém bắn dọa chơi một cái. Khiến quan quân sợ vỡ mật, ôm đầu mà chạy. La đến tận hàng tổng, khiến quan tổng binh thành Hoa Cải là Đậu Ka phải vận dụng hết binh pháp, sáng tạo thêm lối đánh tài tình. Trên bến, dười thuyền, thủy bộ toàn dùng quân đặc nhiệm nhịp nhàng tác chiến do Ka trực tiếp chỉ huy. Đến nơi khai hỏa, khói súng mịt mù trời đất, rồi xông vào thì chả còn ai. Quan sở tại họ Lê nhân lúc đó bèn cho người bắt chó, bắt cá, đập phá nhà cửa khiến cơ ngơi mấy mươi năm họ Đoàn thành bình địa, vườn không nhà trống. Triệt luôn tang tích, dấu ấn của họ Đoàn.

Họ Đoàn ra đầu thú, quan tổng binh trấn Hoa Cải là Đậu Ka bắt cả họ vào ngục, sau thả vài mống đàn bà về. Anh em nhà họ Đoàn bị giam vào ngục vì tội có ý giết quân triều đình. Tiếng tăm vụ án này bay khắp nước, nhân sĩ, quan văn, lão thành, cựu chiến binh nghe thấy đều bất bình với hành động của quan sở tại đất Lãng làm đơn khiếu nại, rồi bàn tán bất bình.

Vua tôi nhà Sản họp cả tháng trời không biết quyết sao. Lúc đang phân vân, dằng co tính định thì lão khai quốc công thần mới sốt ruột gửi tờ hối thúc. Tờ đó ý rằng cả năm nay nhà Sản bắt bao người dân thường, trí sĩ với tội mưu phản, khiến lòng dân đã hồ nghi sao lắm người làm phản thế. Nay lại chính quan lại nhà Sản cũng gây phức tạp thêm, nếu không quyết xử thì người ta lại đổ tại là vì quan lại ác bá mà dân làm phản.

Triều đình nhà Sản nghe thấy cao kiến, bèn quyết định bãi chức anh em nhà họ Lê đất Tiên Lãng. Việc rành rành cả tháng trời mới quyết xong, bàn đi tính lại mãi. Ấy cũng bởi cách làm phân vân giữa luật và lệ. Phàm khi dân phạm luật thì có án ngay, quan lại phạm luật dùng dằng để cả năm chưa xong. Vụ xứ Lãng nhờ dư luận gay gắt thế mà cũng phải mất tháng trời.

Thế mới biết, nhà Sản hành đạo thì hay, nhưng hành pháp vẫn còn lúng túng lắm.

 

Cùng tác giả:

Người Buôn Gió – Tái cơ cấu thần chưởng

Người Buôn Gió – Đêm dài biên ải

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

Người Buôn Gió – Hóa ra đều ăn cắp hết

Người Buôn Gió – Đi tù và đi cải tạo

Người Buôn Gió – Con trâu của ai?

Người Buôn Gió – Hà Nội trong mắt ai

Loạt bài Đại Vệ Chí Dị:

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị – Mọi sự quái đản đều là do… thế lực thù địch

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị: Cứ đổ cho thế lực thù địch xúi dục là OK!