vietsoul21

Archive for Tháng Một, 2013|Monthly archive page

Huỳnh Thục Vy – Tản mạn về trí thức và thời cuộc

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2013/01/27 at 09:48

Trước nay, trước mỗi kỳ đại hội đảng CS, thiên hạ hay bàn chuyện ông này, ông kia có tư tưởng cải cách, có khả năng thay đổi thể chế để dân chủ hóa đất nước. Thế rồi hết kỳ này đến kỳ khác đất nước vẫn chìm trong độc tài – đàn áp. Giờ nghĩ lại mới thấy thời cuộc đã làm cho những ưu tư, hy vọng về vận mệnh đất nước vỡ tan.

Cộng đồng yếu đuối mới cần cá nhân anh hùng
Có một thời, giới trí thức trong nước đã hy vọng và hết lời ca ngợi Võ Văn Kiệt như là một chính khách có tư tưởng tiến bộ và gần đây nhất, một số người đặt hy vọng vào Nguyễn Bá Thanh. Chưa nói đến thiện chí thực sự của họ, một cá nhân và một số ít người trong vây cánh của ông ta quả thật quá yếu để tin cậy, bởi không một cá nhân nào trong các chế độ độc tài có khả năng thoát ra khỏi guồng máy cai trị để tiến hành thay đổi thể chế nếu nó đi ngược lại ý chí của tập đoàn (chưa kể đến việc tập đoàn này đang bị khống chế bởi một đàn anh ngoại bang), dù đó là một cựu lãnh đạo hay là một lãnh tụ đương quyền; và càng quá phiêu lưu để giao phó vận mệnh đất nước trong tay một vài người. Bởi con người vốn dĩ không thể tuyệt đối tin cậy, đặc biệt khi họ có quyền lực mà ít chịu trói buộc.

Một “cứu tinh” rồi sẽ trở thành một tên tội đồ nếu xã hội dân sự rã rời. Cái tâm lý sai lầm cố hữu về xã hội và chính trị khiến chúng ta luôn ngộ nhận. Người ta cứ nghĩ mọi thứ có thể giải quyết bằng một đề án chính trị áp đặt từ trên xuống, và mọi đề án chính trị quốc gia có thể được giải quyết với một cá nhân.

Nói đến đây chắc nhiều độc giả liên tưởng đến Gorbachov. Thật ra, trường hợp này không mâu thuẫn với quan điểm của người viết. Tình thế Nga Sô lúc đó buộc đảng CS phải đi đến chỗ sụp đổ. Ông Gorbachov chỉ là người tuyên bố một sự kiện không thể đảo ngược. Cuộc cách mạng Nhung, với sự nổi lên của những người hùng như Gorbachov và Yelsin, đã xảy đến với một nước Nga kiệt quệ sau chiến tranh Lạnh và hầu như không có xã hội dân sự sau thời kỳ CS. Điều đó chỉ mang lại danh tiếng cho các cá nhân này nhưng không đem đến một tương lai đáng mơ ước cho nước Nga. Bởi khi các lực lượng dân sự yếu đuối thì một người hùng có thể mang đất nước ra khỏi, dĩ nhiên có khả năng đưa đất nước trở lại chế độ độc tài. Như chúng ta có thể thấy, một ý chí đầy cảm tính đã khiến Yelsin chọn Putin – một kẻ cực đoan, chống phương Tây – làm người kế tục ông, đã đẩy nước Nga vào một chế độ dân chủ giả hiệu như hôm nay. Người dân Nga chẳng có đóng góp nào cho những cuộc chuyển mình lớn lao của nước họ. Và hậu quả là họ tiếp tục không có tiếng nói đáng kể nào trong các vấn đề đất nước.

Đồng ý, cá nhân vượt trội luôn có vai trò không thể chối cãi trong phong trào xã hội vì khả năng gắn kết những sức mạnh sẵn có và phát huy hiệu quả vận động xã hội, như trong bài viết gần đây nhất của tôi về người lãnh đạo. Nhưng đặt tất cả mọi hy vọng và toàn toàn dựa giẫm vào một cá nhân không phải là tâm lý của một dân tộc trưởng thành. Bởi một dân tộc trưởng thành cần một lãnh đạo chứ không cần lãnh tụ.

Chính trị là tất cả?
Không thể phủ nhận chính trị là quan trọng, bởi nếu nó không quan trọng thì nó đã không tồn tại từ khi con người được tổ chức thành xã hội cho tới bây giờ. Nó quan trọng đến nỗi mọi nỗ lực gạt bỏ quyền lực chính trị (nhà nước) ra khỏi xã hội dù chỉ trên lý thuyết (chủ nghĩa Marx) cuối cùng đã đưa đến một “siêu nhà nước” trong thực tế. Thế nhưng, từ khi nhà nước xuất hiện, chúng ta nhận thấy toàn khối xã hội cơ bản được chia thành hai phía: người được/bị cai trị và người cai trị, xã hội và nhà nước, dân sự và chính trị. Hệ thống chính trị giúp xã hội được điều hành một cách văn minh, quy củ và giữ chức năng trọng tài cho mọi tranh chấp xã hội. Nhưng để giữ cho xã hội hài hòa, cân bằng, đảm bảo tự do cá nhân, tất yếu không thể để nhà nước lấn át xã hội.

Thế nhưng, từ lịch sử bị cai trị chuyên quyền, người Việt Nam coi chính trị là cái gì đó vượt lên trên xã hội, tách khỏi xã hội và độc tôn. Nhưng, chính trị chỉ là một trong nhiều mảng hoạt động trong xã hội con người và tương tác trực tiếp với những cái còn lại. Nhà nước là một hệ thống nên/phải bị kiểm soát bởi sức mạnh dân sự. Khi nhận thức được rằng, ngoài quyền lực chính trị còn có quyền lực kinh tế và quyền lực dân sự, chúng ta sẽ không quá đề cao chính trị và coi nó là đáp án cho mọi vấn đề.

Gần đây, tôi được hỏi rằng: khi tôi lên tiếng đấu tranh, tôi có mong cầu một vị trí chính trị trong tương lai? Dù vô tình hay hữu ý, cách suy nghĩ này xuất phát từ tâm lý coi quyền lực chính trị là độc tôn. Vấn đề không phải ở chỗ người ta cho rằng: những người dấn thân và lên tiếng nên có vị trí xứng đáng; mà vì người ta quá đề cao quyền lực chính trị. Tất nhiên những người can đảm và có thực tài nên được trọng dụng, nhưng tại sao không phải ở chỗ nào khác mà là trong hệ thống chính trị? Chỉ có nắm quyền lực chính trị mới là chỗ đứng thích đáng cho người tài đức? Không nơi đâu khác ngoài chính trị, nơi mà một cá nhân có thể trở nên hữu ích và tỏa sáng?

Đến đây tôi nhớ đến một nhân vật rất nổi bật trong phong trào Otpor ở Serbia – Srdja Popovic. Sau khi chế độ Slobodan Milosevic sụp đổ, anh ta được bầu vào Quốc hội Serbia. Nhưng sau đó ít lâu, anh ta rời khỏi chính trường và thành lập một tổ chức phi chính phủ ở Belgrade. Sự ra đi ấy có thể được suy đoán với nhiều lý do nhưng không thể bỏ qua một lý do quan trọng – đó là sự trưởng thành trong tâm lý và nhận thức của giới trẻ Serbia: chính trị không là tất cả!

Vì coi chính trị là tối cao và là cứu cánh, người Việt Nam vẫn chưa thể tìm thấy sức mạnh thực sự ở chính mình và ở cộng đồng quanh mình khi giải quyết các vấn đề quốc gia, mà luôn trông ngóng vào một chính khách “vĩ đại” làm thay tất cả cho mình. Nhưng làm sao cá nhân nào đó lại thực hiện tốt khát vọng của chúng ta hơn là chính chúng ta? Thực ra, tình trạng chính trị chỉ là biểu hiện của năng lực dân sự. Không thể có chính trị tốt nếu quần chúng chỉ là những con người bạc nhược.

Quả thật, không phải ngoài chính trị ra, không còn “đất dụng võ” cho những người tài năng mà vì chúng ta chưa mở rộng tâm trí và cả tâm lý để nhìn thấy một nơi như thế. Hình như đối với chúng ta, tất cả những gì đáng vinh danh và mong ước đều nằm ở chính trị bởi từ trước đến nay, chúng ta chưa hề được sống trong một không gian khác, một không gian đối trọng với quyền lực chính trị. Chính nơi ấy, một cá nhân không chỉ tỏa sáng mà còn tỏa sáng độc lập, không bị không chế và cũng không cần dựa giẫm vào hào quang chính trị.

Sức mạnh dân sự yếu kém, trí thức bị khinh miệt
Tâm lý dựa giẫm và giao phó đưa đến hai hệ lụy nghiêm trọng. Thứ nhất, sự tuân phục và phụ thuộc vào quyền lực chính trị khiến cho cả xã hội, đặc biệt là giới trí thức, không nhận thức được vị trí quan trọng của mình trong việc giải quyết các vấn nạn xã hội. Điều này tạo điều kiện cho chế độ độc tài cai trị tùy tiện và vô thời hạn. Thứ hai, nếu một nguyên nhân nào đó khiến chế độ độc tài sụp đổ, thì sự yếu kém của các thế lực dân sự sẽ khiến đất nước gặp rất nhiều trở ngại trong việc xây dựng dân chủ, mà trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là, sự xuất hiện một chế độ độc tài mới.

Người dân ít học lơ là chuyện xã hội thì đã rõ; giới trung lưu trí thức thì làm ngơ, hoặc có quan tâm nhưng im tiếng, hoặc dựa vào quyền lực chính trị để tiến thân. Sự dựa giẫm vào chính trị tỏ ra đặc biệt nguy hiểm, khi địa vị và sự vinh quang của giới trí thức trong xã hội được ban phát bởi Nhà nước thì không thể nào có suy nghĩ và hành động độc lập hay đối kháng. Cuộc cách mạng Pháp đẫm máu đã không mang lại tự do thực sự cho người Pháp cũng bởi trước đó, giới trung lưu và quý tộc Pháp chỉ là một tập đoàn người tập trung quanh vương miện vua Pháp, ca ngợi và hưởng lợi từ đó. Hiện nay, Việt Nam không có giới trung lưu theo đúng tinh thần: mãnh mẽ, độc lập và có năng lực đối kháng với nhà nước.

Không ngẫu nhiên và vô lý khi cả Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và những người CS nói chung khinh miệt trí thức. Bởi vì đối với họ, trí thức vừa có quá nhiều chữ để có thể bị lừa gạt lâu dài, nhưng cũng quá nhu nhược để là những đối thủ xứng tầm với họ.Tại sao trung lưu trí thức trong các xã hội tự do là lực lượng tiên phong cho các giá trị dân chủ tiến bộ, còn thân phận trí thức Việt Nam lại rẻ rúng như thế?

Phải chăng khi còn mang tâm lý xem chính trị là tất cả, các công dân chưa thể thoát khỏi thân phận thần dân? Phải chăng khi trí thức chưa nhận thấy vai trò to lớn của mình là đảm đương và lãnh đạo khối dân sự, kiềm chế khối chính trị; mà chỉ bám vào chính trị để “vinh thân phì gia” thì chính trị sẽ còn kiêu ngạo và mặc sức tung hoành? Phải chăng khi khối hoạt động dân sự vẫn yếu đuối, và trí thức chỉ là người đi bên lề mọi quyết định quan trọng của quốc gia; thì trí thức – trung lưu vẫn bị coi thường và con đường đi đến Tự do của dân tộc sẽ vô vàn khó khăn?

Thay lời kết
Đất nước đang đối mặt với những bế tắc và khủng hoảng. Kinh tế đang kiệt quệ. Đảng CSVN đang mạnh tay đàn áp đối kháng để giành ưu thế thời gian cho một cuộc đào thoát lớn của họ. Vận mệnh nước nhà sẽ giao vào tay ai nếu không đặt lên vai mọi tầng lớp dân chúng, đặc biệt là tầng lớp trung lưu trí thức? Đây chính là cơ hội để giới trí thức dành lại trọng trách, khẳng định vai trò và mở rộng tầm vóc của mình. Vị trí cao quý nhất cho những người trí thức không nhất thiết phải là trong một thế lực chính trị mà là trong xã hội dân sự đang nhen nhóm hình thành. Người trí thức phải nhận lấy vai trò và vinh quang của một thế lực dân sự có khả năng kìm chế quyền lực chính trị. Còn gì quan trọng và vinh dự hơn vai trò kiểm soát nhà nước? Còn gì nổi bật hơn vị thế “lương đống” cho toàn khối dân sự? Còn gì đáng mong ước hơn tư cách độc lập và không bị ràng buộc bởi bất cứ thế lực chính trị nào để chỉ hành động vì quyền lợi quốc gia?

Để rồi từ đó, bắt đầu một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới cho Việt Nam, trí thức giờ đây không còn chịu thân phận bề tôi mà mạnh mẽ sánh ngang với quyền lực chính trị, để thực hiện những nhiệm vụ mà lịch sử và quốc gia giao phó. Trút bỏ được sự ràng buộc với chính trị và tâm lý e dè đối với quyền lực chính trị, tầng lớp trí thức Việt Nam sẽ là Hercules, có sức mạnh nâng đỡ cả dân tộc.

Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ ngày 23 tháng 1 năm 2013

Nguồn: blog Jane Hoang

BS Hồ Hải – Hiến Pháp, Tên Nước và Chiếc Mặt Nạ của Thể Chế Chính Trị

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2013/01/26 at 21:15

Ngồi điểm lại, hầu hết những cái tên nước mỹ miều đều là tấm mặt nạ che đậy cái thú tính của chính khách hòng mỵ dân để kiếm ăn, và kiếm danh.

Sau khi hoàn thành các cuộc cách mạng vô sản tắm máu, hầu hết các chính khách theo con đường của Lenin vạch ra đều đặt cái tên nước rất mỹ miều, để che đậy tham vọng thú tính của mình.

Đứng đầu là anh cả đỏ Trung Hoa, Mao đã đặt cái tên có chữ nhân dân, để thể hiện con đường đi của mình là theo con đường tam dân của Tôn Dật Tiên sao chép từ nước Mỹ. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nghe rất đẹp, rất vì dân, của dân, và do dân, nhưng trải qua hơn 60 năm qua, Trung Hoa chưa bao giờ là một chế độ vì nhân dân, của dân và do dân.

Một số nước còn sót lại có cái tên nước gắn với chữ nhân dân, cũng bắt đầu bằng con đường cách mạng vô sản, tắm máu dân, rồi sau đó đàn áp nhân dân và bóc lột nhân dân cũng không kém Trung Hoa là, Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng Hòa Nhân dân Banglades, và sau 1945 thì Việt Nam cũng có cái tên, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!

Sau sụp đổ Đông Âu và Liên Xô, đầu thập niên 1990s hàng loạt khoảng gần 30 quốc gia đổi tên và bỏ chữ Nhân dân mỹ miều, mỵ dân của nước để trở thành các nước Cộng hòa hoặc Liên bang. Và hầu hết các nước này sau khi đổi tên đều hướng nền chính trị đi theo con đường mà người dân có chút cái gì gọi là của dân, vì dân và do dân.

Sau khi Myanmar rút cái tên dài dằng dặt gắn với mỹ từ Xã hội chủ nghĩa là, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên Bang Myanmar để đổi thành Cộng hòa Liên bang Miến Điện thì có một điều đặt biệt là, cái tên nước còn gắn với cái ngữ “Xã hội chủ nghĩa” thì trên thế giới này chỉ còn có 2 quốc gia. Đó là, đứng đầu có nước Việt Nam – Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – cái tên này chính thức ra mắt cái mặt nạ thú tính vào ngày 02/7/1976, sau cuộc trường kỳ tắm máu 20 năm, mà cả 2 miền các chính khách đều làm tay sai của ngoại bang, để dân tộc và tổ quốc làm tấm bia đỡ đạn cho các cường quốc 2 phe hắc bạch chạy đua vũ trang và thử vũ khí. Một nước thứ hai, đến giờ này vẫn còn nội chiến, nhưng tên nước gắn với “mỹ từ” Xã hội chủa nghĩa là, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka. Hiến pháp của 2 nước Xã hội chủ nghĩa này viết theo Chủ nghĩa xã hội, nhưng cho tới giờ này cả thế giới loài người chưa có đủ khả năng trí tuệ hiểu chủ nghĩa xã hội là gì ngoài cái chủ nghĩa xã hội Phát Xít Đức, nên bèn copy cái điều 6 hiến pháp của Hitler và của Liên Xô cũ để làm điều tiên quyết trong hiến pháp của mình, hòng độc quyền ăn chia và cai trị dân.

Nhân dân, nhưng chưa bao giờ là của nhân dân, mà là của các ông chủ chính khách độc tài, thú tính và bẩn kiệt. Dân chủ mà không dân chủ vì hầu hết các nước này có hiến pháp và luật pháp chỉ để làm kiểng, còn việc hoạt động cả hành pháp, tư pháp lại xem lập pháp là cái bồn cầu để ngồi lên xả chất thải. Xã hội chủ nghĩa lại càng là khoa học viễn tưởng giữa thế giới loài người. Đó là thực tế khách quan của lịch sử nhân loại đã minh chứng trên hầu hết các nước có các “mỹ từ” và “mỵ từ” này.

Tên nước càng mỹ miều thì ẩn sau nó là một mưu đồ xấu xa và bẩn kiệt nhất của chính khách cầm quyền. Thà cái tên đơn giản như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà lại rất nhân bản, rất dân chủ và rất tự do, luôn thực hiện đúng với tuyên ngôn độc lập mà ngay cả hầu hết các nước có cái tên mỹ miều kia đều phải mượn làm chiếc mặt nạ để mỵ dân.

Gần đây các lãnh đạo và think tanks của đất nước mình bắt đầu bạch hóa chuyện lừa dối và thảm kịch suy đồi văn hóa có thể làm sụp đổ chế độ. Chiếc mặt nạ đã được mang vác hơn nửa thế kỷ đã đến lúc ai cũng không thể mang để lừa dối nhau. Thôi thì đã đến lúc cần thay đổi tên nước, và hiến pháp để có một sự thay đổi chính trị toàn diện cho con người ta sống với nhau tử tế hơn.

Nguồn: Blog BS Hồ Hải

Trần Trung Đạo: “Hãy tôn trọng lịch sử” nhưng lịch sử nào?

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết on 2013/01/22 at 17:59

Tôi chưa đọc Bên Thắng Cuộc đầy đủ để viết về tác phẩm này. Sách do một người em gởi từ California vẫn chưa đến. Có thể khi đọc xong cả hai cuốn, sẽ nhận xét Bên Thắng Cuộc với tư cách một người miền Nam đã sống những năm khắc nghiệt ở Sài Gòn, “sinh viên chế độ cũ”, đi kinh tế mới, vượt biển và trăn trở cùng đất nước. Bài viết này chỉ bàn đến luận điểm mà các báo lề đảng dùng khi viết về tác phẩm Bên Thắng Cuộc

Hầu hết báo lề đảng đều đòi hỏi “Hãy tôn trọng lịch sử”, vâng, nhưng lịch sử nào?

Một trong những đề án lớn của các quốc gia thuộc khối CS Liên Xô cũ không chỉ phục hồi kinh tế, ổn định xã hội sau gần 80 năm sống trong chế độ toàn trị kinh hoàng nhưng là viết lại lịch sử. Các nhà sử học Nga dành nhiều năm để đánh giá các sự kiện diễn ra từ thời Vladimir Lenin đến Mikhail Gorbachev và cho đến nay vẫn còn đang đánh giá. Nhiều chi tiết như các điều khoản bí mật trong hiệp ước Molotov-Ribbentrop, việc chiếm đóng các quốc gia vùng Baltic, sự giúp đỡ của đồng minh trong thế chiến thứ hai v.v… đã bị xóa trong sử CS. Một số sự kiện có nhắc đến nhưng lại cố tình viết sai thủ phạm như vụ tàn sát 22 ngàn sĩ quan Ba Lan tại Katyn vào tháng 3 năm 1940 được viết là Đức Quốc Xã chứ không phải do mật vụ Sô Viết hành hình. Không chỉ sử Nga mà cả lịch sử thế giới, sự sụp đổ của đế quốc La Mã, các hình thái kinh tế cũng được giải thích theo quan điểm CS. 

Các nhà sử học Việt Nam trong tương lai cũng sẽ nhức đầu như thế. Lịch sử không có một dòng chảy chính thống và trong suốt qua các thời kỳ đất nước. Lịch sử Việt Nam từ năm 1954 ở miền Bắc và từ năm 1975 trên phạm vi cả nước là lịch sử của kẻ thắng trận, được giải thích theo quan điểm của kẻ thắng trận và để phục vụ cho mục đích của kẻ thắng trận. Lịch sử Việt Nam mà sinh viên học sinh đang học là lịch sử được phát ra từ cái loa, biểu tượng cho bộ máy tuyên truyền của chế độ, giống như cái loa mà Huy Đức có thể đã ám chỉ trong bìa sách Bên Thắng Cuộc

Rất nhiều tranh luận về lý do tồn tại của chế độ CS tại Việt Nam. Trong cái nhìn của riêng tôi, chế độ CS tại Việt Nam chưa sụp đổ, không phải nhờ đổi mới kinh tế, ổn định xã hội nhưng chính là nhờ tác dụng của cái “loa lịch sử” đó. Đảng CS ít nhiều đã thành công trong việc che giấu được tội ác và khoát cho mình chiếc áo chính danh, chính nghĩa hay ít nhất không một thành phần dân tộc nào chính danh, chính nghĩa hơn đảng CS. 

Đảng Cộng sản tại năm quốc gia sót lại từ phong trào CS quốc tế, đặc biệt Trung Quốc và Việt Nam đã pha chế chủ nghĩa Dân tộc vào chủ nghĩa Cộng sản thành một loại hợp chất gây mê man nhãn hiệu Dân tộc Xã hội chủ nghĩa. Đảng CS lý luận rằng họ ra đời để đáp ứng một nhu cầu lịch sử và, như một tác giả viết trong báo Pháp Luật, “những người cộng sản chỉ nối tiếp sứ mệnh mà lịch sử giao phó”. Lịch sử nào giao phó? 

Chủ trương nhuộm đỏ Việt Nam của đảng CS rõ như ban ngày khi đẩy hàng triệu thanh niên miền Bắc mang súng đạn Nga Tàu vào cưỡng chiếm miền Nam. Pháp rút sớm hay rút muộn, Mỹ đến hay không đến cũng chẳng ảnh hưởng gì đến mục tiêu thiết lập một nhà nước CS trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhất quán từ ngày thành lập đảng CS vào năm 1930. “Độc lập dân tộc”, “Thống nhất đất nước” chỉ là những chiêu bài. Nếu không dùng khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” bộ máy tuyên truyền tinh vi của đảng cũng thừa khả năng để nặn ra hàng trăm chiêu bài, khẩu hiệu hấp dẫn khác để kích thích và vận dụng lòng yêu nước. Bộ máy tuyên truyền của đảng nhồi nhét vào nhận thức của các thế hệ Việt Nam, nhất là thế hệ sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến, rằng cuộc chiến tranh gọi là “Chống Mỹ cứu nước” trước 1975 là cuộc chiến chính nghĩa, “đánh Mỹ” là bước kế tục của chiến tranh chống Thực Dân Pháp. Đó là lý luận của kẻ cướp. Đảng CS không chỉ cướp đất nước mà cướp cả niềm tin và khát vọng của những người đã chết. 

Như tôi đã viết trước đây, miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính. Xây dựng một xã hội dân chủ vừa bước ra khỏi phong kiến và thực dân là một tiến trình vinh quang nhưng cũng đầy trắc trở. Dân chủ ở miền Nam như một chiếc cây non lớn lên trong mưa chiều nắng sớm. Nhưng dù có khó khăn, tham nhũng thối nát bao nhiêu đi nữa, đó cũng là vấn đề riêng của Việt Nam Cộng Hòa không dính dáng gì đến đảng CS ở miền Bắc. Những ông như Trịnh Đình Thảo, Lâm Văn Tết có đủ không gian và phương tiện để đấu tranh một cách hợp pháp tại miền Nam cho một xã hội tốt đẹp hơn như hàng trăm chính khách quốc gia khác. Dĩ nhiên, họ có thể thất bại, bị tù đày và ngay cả bị giết nhưng vẫn là những người quốc gia chân chính. Tuy nhiên, khi tham gia Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, chấp nhận làm công cụ cho đảng CS, họ đã tự chắt chiếc cầu biên giới giữa họ và nhân dân miền Nam. 

Tác giả viết trong Sài Gòn Giải Phóng nhắc đến “10 cô gái Đồng Lộc” mà không biết rằng nếu có thể hiện hồn về, công việc đầu tiên của các cô chết trong hố bom Đồng Lộc là đi tìm lãnh đạo đảng CS để thanh toán cả vốn lẫn lời vì cái chết oan uổng của các cô chỉ để đổi lấy một đất nước nghèo nạn, lạc hậu, một chế độ độc tài, tham nhũng, phản văn minh tiến bộ như ngày nay. 

Tác giả trên báo Sài Gòn Giải Phóng cũng nhắc đến đến “nhà tù Côn Đảo”, “nghĩa trang Hàng Dương” làm tôi nhớ đến nơi này. Tôi cũng đã từng đến đó, không phải vì phải ở tù mà chỉ vì muốn biết một di tích lịch sử của dân tộc. Đảng xem nhà tù Côn Đảo như một “trường đại học CS”, tài sản riêng của đảng CS nhưng đừng quên nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp lập ra năm 1862 tức 68 năm trước khi đảng CS ra đời. Năm 1945, đảng CS ước lượng có khoảng 5 ngàn đảng viên. Cho dù thực dân Pháp bắt và đày nguyên cả đảng ra Côn Đảo cũng không thể so với số tù nhân thuộc các phong trào yêu nước khác. Với tôi, cuộc chiến chống thực dân Pháp là cuộc chiến chính nghĩa. Trong suốt gần một thế kỷ trong bóng tối thực dân, hàng vạn đồng bào thuộc nhiều thế hệ Việt Nam đã bị bắt, tra tấn và đã hy sinh trên Côn Đảo. Những đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến chống Thực Dân và bỏ xác trên đảo đều xứng đáng được tôn vinh. 

Nếu họ đã từng là đảng viên Cộng sản thì sao? Không sao cả. Như tôi đã có dịp viết trong tiểu luận Từ buổi chiều trên nghĩa địa Hàng Dương, việc tham gia vào đảng Cộng sản của một số người Việt Nam, chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn chứ không phải vì tin vào chủ nghĩa Cộng Sản. Ngày đó, vì điều kiện giao thông khó khăn, núi non cách trở, sự phát triển của các đảng phái chống thực dân ít nhiều bị giới hạn bởi các đặc tính địa phương, bà con giòng họ, hoàn cảnh trưởng thành. Nếu họ sinh ra ở Quảng Nam họ sẽ gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh ra ở Quảng Trị họ sẽ gia nhập Đại Việt, sinh ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang họ sẽ gia nhập Dân xã Đảng. Đó là trọng điểm của các đảng phái chống Pháp trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Những người Việt yêu nước thời đó chọn lựa đảng phái như chọn một chiếc phao để đưa dân tộc sang bờ độc lập. Những nông dân hiền hòa chất phác, những công nhân đầu tắt mặt tối làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt chẳng những cuộc đời họ mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc đến ngày nay. Đảng Cộng sản như một tổ chức thì khác. Mục đích của đảng CS không chỉ nhuộm đỏ miền Nam, nhuộm đỏ Việt Nam mà còn nhuộm đỏ cả dòng lịch sử. 

Tác giả viết trên báo Pháp Luật so sánh việc chính quyền miền Nam tra tấn các đảng viên CS và tù “cải tạo” sau 1975 khi kết án tác giả Bên Thắng Cuộc đã “Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước.” 

Những kẻ ném lựu đạn vào nhà hàng, ám sát, đặt mìn trên quốc lộ 1, quốc lộ 4, đặt bom trong sân vận động, đốt chợ, đốt làng, giết người vô tội không phải tù chính trị hay tù binh chiến tranh mà chỉ là những tên khủng bố. Chúng là những kẻ yêu đảng chứ không phải là “những người yêu nước”. Bấm vào đây (http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/1718882116/in/set-72157627481846037)  để xem các “chiến công hiển hách” của Biệt động thành Sài Gòn Gia Định khi ám sát hàng loạt “Mỹ ngụy” còn mặc tã ở nhà hàng Mỹ Cảnh. Tội ác giết phụ nữ trẻ em của chúng phải được xét xử theo đúng luật pháp. Điều đó đã và đang được áp dụng tại mọi quốc gia trên thế giới không riêng gì Việt Nam Cộng Hòa. 

So sánh tù CS ở Côn Đảo và tù “cải tạo” là một cách so sánh vụng về và không cân xứng. Tổng số tù tại Côn Đảo khác nhau tùy theo bên nào tống kết, 5 ngàn theo con số của VNCH công bố và 17 ngàn theo con số của Hà Nội. Dù chọn con số 17 ngàn của đảng thổi phồng vẫn không thể so với hơn 200 ngàn công nhân viên chức và sĩ quan quân đội VNCH bị giam giữ trong 150 trại tù, đa số tận rừng sâu nước độc kéo dài từ 1975 đến 1992 mà chính Thủ tướng CS Phạm Văn Đồng thừa nhận. Các tổ chức quốc tế ước lượng cho đến 1982 số viên chức và sĩ quan VNCH bị giam giữ vẫn còn lên đến 300 ngàn người. Theo tổng kết của báo chí Mỹ, khoảng 165 ngàn người đã chết trong các trại tù CS. Ngoài ra, hàng triệu thân nhân, gia đình, con cái họ bị đày ra các vùng kinh tế mới, bị bạc đãi như nô lệ thời CS chỉ vì lý lịch VNCH. 

Một điều quan trọng mà người dân miền Nam sẽ không bao giờ quên, không giống tù Côn Đảo xảy ra trong thời chiến, tội ác “tù cải tạo” vô cùng phi nhân đã được đảng thực thi sau khi đất nước đã hòa bình, sau khi Lê Duẩn ngọt ngào tuyên bố “chiến thắng này thuộc về nhân dân Việt Nam” và sau khi Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn Gia Định vuốt ve các viên chức VNCH còn trong Dinh Độc Lập “Nhân dân Việt Nam chính là người chiến thắng và chỉ đế quốc Mỹ mới thật sự là kẻ bại trận mà thôi.” 

Phân tích như vậy để thấy lý luận trong bài viết trên báo Pháp Luật cho rằng cuộc chiến chấm dứt sáng 30-4-1975 “không phải là chiến thắng của một “bên thắng cuộc” hạn hẹp mà là chiến thắng của mọi người Việt Nam, trong đó cả những người từng ở phía bên kia” đúng là sản phẩm của chính sách tẩy não. Miền Nam sau 30-4-1975 là một nhà tù và nhân dân miền Nam là tù nhân dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Từ 1983, để tồn tại, đảng CS phải tự diễn biến hòa bình bằng cách mở thêm một vài ô cửa sổ cho gió vào nhưng thực chất đất nước vẫn còn bị bao bọc bằng bức tường dày bưng bít thông tin và một chế độ trấn áp không thua tiêu chuẩn một nhà tù khắt khe quốc tế nào. Lý thuyết Mác Lê có thể chỉ còn trong đầu môi chót lưỡi, trong các diễn văn, trong các bài ai điếu của các lãnh đạo đảng nhưng các phương tiện chuyên chính, toàn trị CS vẫn không khác gì nhiều so với thời triệt để cách mạng trước đây. Một nhạc sĩ trẻ Việt Khang chỉ viết hai bài hát chống Tàu bị kết án bốn năm tù. Một cô gái Đỗ Thị Minh Hạnh mới ngoài hai mươi tuổi, đấu tranh cho quyền lợi công nhân phù hợp với luật pháp của đảng CS quy định bị kết án bảy năm tù, một thanh niên trẻ Lê Sơn chỉ đưa tin tức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và chống khai thác Bauxite tại Tây Nguyên bị kết mười ba năm tù. Và hàng trăm, hàng ngàn người khác đã sống và đã chết, nhiều trường hợp rất âm thầm, trong nhà tù CS chỉ vì dám nói lên khát vọng dân chủ tự do. 

Tác giả trên báo Sài Gòn Giải Phóng viết “Có thể lúc này lúc khác, Đảng có sai lầm. Cuộc sống khó khăn, đôi khi tôi cũng mất lòng tin vào đường lối của Nhà nước.” Hãy chỉ dùm tôi, không phải một năm, một tháng mà chỉ một ngày thôi đảng CS đã “lúc này lúc khác”. Bản chất của chế độ chưa hề thay đổi dù chỉ một giờ. 

Lãnh đạo đảng có 38 năm để chọn một hướng đi phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại, có hàng trăm cơ hội để sửa sai nhưng họ không làm. Tất cả chính sách của đảng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là củng cố quyền cai trị mặc cho dân tộc bị bỏ lại phía sau một đoạn đường quá xa so với đà tiến của nhân loại sau cách mạng tin học và toàn cầu hóa kinh tế cuối thập niên 1980. Tội ác của đảng với “tù cải tạo”, “kinh tế mới”, “đổi tiền”, “đánh tư sản”, có viết hàng tủ sách cũng không hết. Nỗi đau và sự chịu đựng vô bờ bến của nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung, không thể nào diễn tả cạn dòng. Hàng ngàn câu chuyện thật đau lòng đã xảy ra trên con đường máu nhuộm Việt Nam sau 1975 và chỉ được phơi bày khi bức tường chuyên chính CS bị đạp đổ. 

Có hai cách để đạp đổ bức tường chuyên chính. Thứ nhất, đi mượn một cái búa lớn của các cường quốc đem về đập phá bức tường và thứ hai xoi mòn bằng những bàn tay nhỏ Việt Nam kiên nhẫn. Sau 38 năm, những người đi tìm búa hoặc chết trên đường hoặc trở về không. Còn lại hôm nay là những bàn tay Việt Nam nhỏ nhoi. Bàn tay Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Quốc Quân, Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước khác. Dù đang ngồi trong bốn bức tường đen, họ mới chính là những người đang viết sử và thấy đâu là sự thật. 

FB Trần Trung Đạo

Người Buôn Gió – Xuyên tạc chế độ

In Liên Kết, Tạp văn on 2013/01/21 at 10:19

Mình có ông cậu ở quê, mù tịt thông tin. Mấy hôm nay nghe đài báo nói ở đâu về xét xử bọn xuyên tác chế độ. Ông cậu lẩm bẩm bảo không biết chế độ nó là cái gì mà người ta xuyên tạc. Hôm rồi mình về quê. Ong cậu hỏi.

– Này, thế nào là chế độ, thế nào xuyên tạc, mày ở ngoài đó chắc biết nhiều nói cậu nghe với.

Thật khó nghĩ, ông cậu mình về chữ nghĩa mà giảng cho cậu hiểu thì mình không đủ vốn liếng để dạy. Cậu là dân bộ đội đi cầm súng đánh nhau tít mít rồi về quê cầy ruộng. Xưa thì trong quân đội được tuyên truyền về đế quốc, sau này về làm ruộng chỉ nghe loa xã hát hò bài cách mạng, chả biết gì hơn. Nói làm sao cậu hiểu được thế là là xuyên tạc chế độ. Bỗng mình nghĩ ra ý hay bèn hỏi.

– Cậu ngày xưa đi bộ đội, có nghe bài 5 anh em trên một chiếc tăng không.?

Ông cậu hào hứng, mắt sáng ngời như quá khứ hào hùng năm xưa trở về, gật đầu lia lịa.

– Có , có chứ, bài đó thằng nào đi lính chả thuộc.

Thế là mình mở điện thoại, tìm kiếm trên mạng ra bài này bào cậu nghe xem đúng nhạc bào 5 anh em trên một chiếc xe tăng không.

http://hn.nhac.vui.vn/5-anh-em-tren-mot-chiec-xe-tang-nhac-che-m163431c37p3562.html

Cậu nghe xong há hốc mồm, chửi toán loạn. Mình giải thích, cái này người ta gọi là nhạc chế. Có nghĩa là chế từ cái này sang cái khác. Ông cậu gắt.

– Mẹ thì ra bọn chế là bọn làm vậy.

Mình bảo cậu từ từ đợi tí, mình chạy đi ra ngoài thị trấn, mượn cái xe máy của thằng sửa xe. Nói sùi bọn mép nó mới cho mượn, sau khi đặt lại cái xe của mình. Với lý do ở trong làng có người kết muốn mua, mượn về cho nó xem có gì được giá bán luôn.

Đi xe vào sân , mình vít ga, xe nổ như đại bác,rồi mình bấm còi, còi hu như cứu thương. Cậu chạy từ nhà ra mặt tái mét, lắp bắp hỏi có chuyện gfi, chuyện gì. Mình lại ga, lại còi cậu rúm ró lại. Mình cười khành khạch nói.

– Xe này gọi là xe độ đấy, giờ cậu hiểu thế nào là Chế và Độ chưa.? Chế và Độ có nghĩa làm làm khác đi sự thật, khác đi cái bình thường người ta vẫn làm. Xuyên và tạc thì cậu đi lính biết rồi, xuyên là bắn xuyên, tạc là tạc đạn. Xuyên tạc chế độ có nghĩa là phải dứt khoát với xử lý triệt để những bọn làm Chế Độ.

Cậu thần người lẩm bẩm.

– Tao vẫn nghe loáng thoáng nhạc chế, xe độ. Hôm nọ ông Cư bên kia mua cái xe ngoài chợ xe , tưởng xe mới, về đi dăm hôm mới biết xe cũ. Có người bảo là xe độ rồi. Giờ mày nói tao mới biết đúng là bọn chế, bọn độ chả ra gì. Sao người ta không xuyên, không tạc bỏ mẹ chúng nó đi chứ. Thế cái bọn xuyên tạc chế độ kia chúng nó làm đúng, phải khen chứ sao lại xử tù chúng thế nhỉ.?

Mình lắc đầu.

– Cái này cháu không rõ lắm, nhưng mà giờ cậu cứ ra thị trấn, chỗ ngã tư có hàng sửa xe, cậu xử cái thằng có xe này được không. Cậu già, nó trẻ lại có tiền, nó có mà xử cậu đằng khác. Còn bọn nhạc chế nó đi hát rong đầy đường, cậu cản nó cũng chả tha. Chế, độ là cái cách chúng nó kiếm cơm. cậu mà xuyên hay tạc nó thì nó chả tha cho cậu đâu. Cậu nên nhớ là bọn độ xe, bọn hát nhạc chế nó có cả băng đấy nhé. Chúng nó liên kết với nhau, thằng tiện phay, thằng doa, zen, thằng phớt bóng rồi lắp ráp, bọn chế có thằng sáng tác, thằng đi hát, thằng thu tiền…cả ê kíp , ê kíp là cả nhóm, cả hội cùng mục đích làm gì đó người ta gọi là e kip. Cậu đừng dại mà dây vào chúng, bọn nó xơi không kiêng nể già trẻ gì đâu.

Cậu nghe xong, lắc đầu.

– Đúng là giờ chả biết sống thế nào là phải trái nữa.

Nguồn: Người Buôn Gió

Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Thế giới on 2013/01/21 at 09:39

Lưu Hiểu Ba

Phạm Thị Hoài dịch

Tiểu luận sau đây của Lưu Hiểu Ba được in trên tờ Central Daily News ở Đài Loan ngày 5-6-1993, nhân 4 năm Sự kiện Thiên An Môn. Lời phê bình các khuyết điểm của giới trí thức phản kháng Trung Quốc và phong trào sinh viên năm 1989 xuất phát từ trải nghiệm trực tiếp của ông. Khi phong trào nổ ra, ông đã bỏ dở chương trình nghiên cứu và giảng dạy của mình tại một số trường đại học Hoa Kỳ, mua một tấm vé không khứ hồi bay về Bắc Kinh ngày 27-4-1989 để hỗ trợ các sinh viên của mình trên Quảng trường. Tại đây, ông hướng dẫn và tranh luận với các sinh viên về phương pháp và mục đích đấu tranh, tham gia những cuộc đàm phán giữa sinh viên và chính quyền, và tham gia tuyệt thực ở giai đoạn cuối từ ngày 2-6. Ông bị coi là một trong những kẻ “giật dây” của phong trào và bị kết án tù lần thứ nhất, đến đầu năm 1991. Song ngay cả với tiểu sử ấy, các ý kiến phê phán của ông vẫn gây sóng gió trong phong trào dân chủ Trung Quốc, nhất là với những gia đình nạn nhân của vụ thảm sát 4-6.

Giới thiệu tiểu luận này trong bản dịch tiếng Việt, tôi tin rằng nó sẽ là một tham khảo bổ ích cho phong trào dân chủ Việt Nam.

Người dịch

_______________

Giới trí thức phản kháng và các lãnh tụ sinh viên Trung Quốc, những người tự thấy mình là anh hùng và chiến sĩ dân chủ, đều chỉ biết đến dân chủ từ sách vở. Họ không có khái niệm gì về việc thực hành nền dân chủ đó. Họ không hề biết phải xây dựng nền dân chủ như một hệ thống chính trị và một tòa nhà pháp lí như thế nào và phải đưa những nội dung gì vào đó. Trước khi phong trào dân chủ năm 1989 nổ ra, nhà vật lí thiên văn, giáo sư Phương Lệ Chi, được coi là một Sakharov của Trung Quốc, đã bỏ qua cơ hội bảo vệ quyền con người theo đúng luật pháp. Ông được Tổng thống Bush mời gặp nhưng bị chính quyền cản trở. Và ông đã lặng lẽ chấp nhận, không một lời phản đối. Cả đến khi phong trào dân chủ bùng nổ, ông Lưu Tân Nhạn, nhà bất đồng chính kiến được coi là “lương tâm xã hội của Trung Hoa”, vẫn đề cao chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội. Vẫn giữ nguyên lòng trung thành từng mất rồi lại được khôi phục của mình. Còn phong trào hiện tại thì được lãnh đạo bởi những người thậm chí không hiểu cả những nguyên lí cơ bản của dân chủ. Như thế, làm sao mà thành công được? Tình trạng đó chỉ có thể sinh ra những than vãn hời hợt về hệ tư tưởng.

Khi cảm giác về nghĩa vụ gánh vác một sứ mệnh lịch sử bị đẩy lên thái quá, các sinh viên đã đánh mất khả năng tỉnh táo để tự nhận định và khả năng tự kiềm chế để đạt hiệu quả cao. Họ không biết rằng những đôi vai mảnh khảnh của họ không gánh nổi một định mệnh nặng trĩu như vậy. Họ không cưỡng được sự cám dỗ rằng mình có thể đem lại công lí và tưởng rằng cứ lấy sinh mạng ra trả giá thì chính quyền sẽ buộc phải nhượng bộ hơn – mà không hề nhận ra rằng điều đó rốt cuộc là vô nghĩa. Mạng người có gây nổi một ấn tượng nào với chính quyền không? Có đánh thức nổi đám đông đang ngủ vùi không? Cái chết có đem đổi lấy công lí được không? Chẳng lẽ chỉ những ai sẵn sàng hi sinh tính mạng mới có quyền bàn về công lí chăng? Người ta trách các sinh viên là chỉ đầy lòng dũng cảm và nhiệt huyết mà không đủ lí trí. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi cô Sài Linh, lãnh tụ đứng đầu phong trào sinh viên, sau này thoát được ra nước ngoài tị nạn, phát biếu: “Trên Quảng trường Thiên An Môn khi đó, quan trọng nhất là đức hi sinh và lòng dũng cảm chứ không phải đầu óc và lí trí. Chúng tôi là những anh hùng của phong trào dân chủ 1989.”

Từ trên bốn thập kỉ nay Trung Quốc không hề có kinh nghiệm gì với dân chủ. Hàng ngày chúng ta chỉ trải qua và chứng kiến những tranh giành và thủ đoạn tàn bạo của hệ thống chuyên chế. Khi tham gia một cuộc cách mạng, chẳng hạn như Cách mạng Văn hóa, chúng ta lập tức thấy mình là những nhà cách mạng vĩ đại nhất. Khi gia nhập phong trào dân chủ, chúng ta thấy mình dân chủ hơn người. Chúng ta tuyệt thực cho dân chủ. Chúng ta hi sinh cho dân chủ. Vì thế chúng ta đinh ninh rằng mọi hành động của mình đều bắt nguồn từ công lí cao nhất, rằng tiếng nói của mình là chân lí duy nhất, rằng mình sở hữu quyền lực tuyệt đối. Như thế, chân lí trở nên tuyệt đối, công lí trở nên tùy tiện và dẫn đến cưỡng bức, còn dân chủ thì trở thành một đặc quyền. Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành một phòng thí nghiệm thử chân lí, thử độ cứng của bản lĩnh và độ sâu của ý thức về phẩm giá. Nó cũng đã biến thành nơi mà người ta vừa dấn thân cho công lí, vừa thực thi quyền lực. Không có mặt ở đó, không đến đó để bày tỏ con người mình, là chống lại dân chủ và chống lại công lí, là hèn nhát. Quảng trường Thiên An Môn đã biến thành hòn đá thử lửa. “Tôi đã có mặt ở đó”, “Tôi cũng từng đến đó”, những câu nói ấy đã được coi là chứng chỉ của ý thức dân chủ và lương tri xã hội.

Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta không cần hợp tác, chúng ta tùy ý kết bè kéo cánh, chúng ta lập ra các tổ chức, chúng ta cử người lãnh đạo, chúng ta lập các hội công nhân và sinh viên tự quản, chúng ta tuyệt thực, chúng ta tổ chức các nhóm tranh luận, các nhóm trí thức, phóng viên, cảm tử quân, chí nguyện quân và hướng đạo sinh. Không ai chịu nghe ai, chẳng người nào chịu dưới trướng người nào.

Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta căm thù Đảng Cộng sản tột độ và lên án Đảng bằng những bộ quần áo đẫm máu trên thân thể chúng ta. Chúng ta nghiến răng chửi kẻ khác, chúng ta thỏa sức bôi nhọ, chúng ta cho phép mình nói những điều như: chúng tao sẽ bắn vỡ sọ mày, chúng tao sẽ bỏ mày vào vạc chiên, chúng tao sẽ chôn sống mày. Chúng ta cho phép mình chửi rủa và thậm chí hành hung những kẻ không đi cùng chúng ta. Chúng ta cho phép mình thanh toán ân oán giang hồ cá nhân, nhân danh công lí.

Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta ngang nhiên truyền bá những điều bịa đặt, chúng ta phao tin vịt giữa thanh thiên bạch nhật. Ai phản bác thì chúng ta khăng khăng rằng mình có quyền làm như thế hoặc tìm cách đánh lận rẻ tiền. Chúng ta cho phép mình phao lên rằng Đặng Tiểu Bình đã chết, Lý Bằng đã bỏ trốn, Dương Thượng Côn đã bị đánh đổ, Triệu Tử Dương đã được khôi phục danh dự, Vạn Lý đã thành lập một nội các mới ở Canada. Quảng trường Thiên An Môn, biểu tượng của phong trào dân chủ, biến thành một lò chế tin đồn, càng ngày càng tung ra nhiều điều dối trá. Một số người tham gia sự kiện ngày 4 tháng Sáu sau này thoát được ra nước ngoài thì đảo lộn tình tiết, thêu dệt tin đồn và dùng miệng mà phun ngập máu ra Quảng trường. Để có lợi cho bản thân, họ cố ý phóng đại tội ác và sự tàn bạo của Đảng Cộng sản. Báo chí quốc tế vì thế mà bị xỏ mũi.

Chúng ta làm cách mạng, chúng ta thực hành dân chủ, chúng ta chỉ cho riêng mình quyền tự do ngôn luận và cấm người khác được hưởng quyền ấy. Chúng ta cũng hành xử hệt như Mao Trạch Đông và không dung thứ một chính kiến nào khác. Hệt như đám tay sai của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chúng ta cũng kiểm duyệt những hình ảnh không hợp ý ta do phóng viên chụp được, chúng ta cũng tịch thu phim và đập nát máy ảnh. Để chính quyền hết cớ đàn áp, chúng ta đã nộp cho công an ba thanh niên Hồ Nam, là những người đã phun mầu lên chân dung Mao, để rồi họ bị kết án 15, 18 và 20 năm đọa đày trong ngục tối.

“Công lí của phong trào dân chủ” đã trở thành một hăm dọa, hễ ai có chính kiến khác là bị gây áp lực và đành câm miệng. Cuộc tuyệt thực đã phong các sinh viên lên hàng những vị thánh bất khả xâm phạm của cách mạng. Vì họ sẵn sàng hi sinh mạng sống, nên chẳng ai dám hé răng phê bình họ nữa. Vậy là các “anh hùng” thì tắt công tắc lí trí, những người còn lại thì lặng im.

Những điều vừa trình bày có thể giải thích, vì sao một công lí trên giấy thì được săn lùng cuồng nhiệt, còn công lí tỉnh táo của hiện thực thì bị gạt ra ngoài.

Nguồn: Dịch theo bản tiếng Đức trong Bei Ling, Der Freiheit geopfert, Riva, München 2011

Bản tiếng Việt © 2012 pro&contra

Hồ Hải – Khi Cái Thiện Không Còn Đất Sống

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/01/18 at 10:26
Văn hoá duy tình, bần nông có cái hay khi cộng đồng biết “lá lành đùm lá rách” hay “bà con xa không bằng láng xóm giềng gần”, v.v… Nhưng cái văn hoá bần nông cũng có những cái xấu, khi nó bị lợi dụng cho mục đích định hướng cộng đồng. Vì đặc trưng của văn hoá duy tình, bần nông là ngồi lê đối mách, chuyện trong nhà bằng cái mõ, nhưng ra ngoài ngõ bằng cái nia, soi mói chuyện riêng tư, đem chuyện riêng tư, quyền riêng tư của người khác đến chốn công đường, dù 2 vấn đề riêng tư và công đường cần tách bạch.
Trước đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, để thực hiện đấu nhau, chuyện riêng tư của ông chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô ở tỉnh Hà Giang đã đem vào chốn công đường để xử và hạ bệ ông. Mặc dù, không có cái gì minh chứng ông ta sai ở chốn công đường. Đó là chuyện nước nhà, chuyện lớn. Nó khẳng định 2 cái phàm là của Mao rất thành công trong việc buộc cán bộ tuyệt đối trung thành với đảng cầm quyền mà tôi đã viết trong bài: Ngây thơ và không tưởng.
Cuối tháng 9/2012, có bài báo của tờ An Ninh Thủ Đô viết bài, Sự thật về bà già 83 tuổi “cơ khổ” bên Hồ Thiền Quang, mà trước đó, ai cũng thương cảm. Hôm nay trên báo Tiền Phong lại có bài dẫn nguồn từ báo Nhịp cầu Đầu tư về câu chuyện, Thêm sự thật ông già bán me bên đường Sài Gòn. Hai bài báo phản ánh cái ác của truyền thông với những con người dưới đáy xã hội, trong khi những kẻ ăn trên ngồi trốc thì không thấy báo chí ra tay.
Tục ngữ Việt Nam có câu, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Nó nói lên rằng con nít như tờ giấy trắng không biết nói láo. Người già trải bao thăng trầm cuộc sống, họ cũng không nói láo làm gì, vì họ đã từng chứng kiến quá nhiều cái láo trơ trẽn trên cõi đời này, kể cả bản thân cũng từng, rồi cũng chẳng được gì, và trước khi từ giã cõi đời nói thật như một lời sám hối, để về bản tính thiện của con Người.
Hai bài báo cũng kiểu phóng sự điều tra viết tả chân, nhưng thêm vào chuyện đời tư của 2 ông bà già để thâm phần mắm muối câu khách đọc rẻ tiền, và vi phạm vào đời tư của những con người thấp cổ bé miệng nhất của xã hội.
Cứ cho là 2 bài phóng sự này đúng 100% thì liệu người viết bài có làm được điều thiện? Hay là những nhà báo này, ngoài việc phạm vào luật xâm phạm đời tư của những công dân, thì còn đẩy thêm 2 con người cùng khổ vào chỗ không còn đất sống. Ông cụ từng ấy tuổi phải trèo cành me mỗi sáng để kiếm sống, liệu sau bài báo gia đình ông sống bằng gì? Việc ông cụ hái me có làm hại đến xã hội không? hay là ông còn làm sạch xanh thêm đô thị vì không có những trái me thối rửa rơi vãi trên đường? cũng vậy, bà cụ 83 có làm cho xã hội tệ hơn các quan tham nhũng, những thầy giáo dâm ô với học trò, các quan chạy chức chạy quyền, mua bằng giả đã và đang làm sụp đổ không chỉ kinh tế, chính trị mà còn cả văn hoá dân tộc suy đồi không? Giữa 2 sự việc làm phóng sự điều tra báo chí thì nên làm việc nào để xã hội tốt đẹp hơn?
Còn nếu vì mục tiêu định hướng dân chúng quên đi những sai lầm của nhà nước hoặc vì, câu khách mà các nhà báo thêm mắm muối để cho bài báo tăng lượng người đọc thì, lại càng ác đức hơn vạn lần. Cái nào ác, cái nào thiện đã quá rõ.
Khi quyền lực thứ 4 – truyền thông báo chí – ngoài lập pháp, hành pháp và tư pháp đã bị thâu tóm và độc quyền ở một xã hội như xã hội Việt Nam hiện nay thì, hầu như cái thiện không còn đất sống, và cái ác lên ngôi. Liệu một xã hội như thế thì có trường tồn hay sẽ chết iểu trong tương lai gần?

Nguồn: Blog BS Hồ Hải

Người Buôn Gió – Giữa bao làn đạn?

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2013/01/14 at 06:07

Từ khi công an tỉnh Nghệ An chuyển giao tôi cho phía Hà Nội, cuộc hỏi cung diễn ra gay gắt hơn nhiều lần trước đây. Bỗng nhiên sau khi cặm cụi miệt mài đối phó với từng câu hỏi, một hơi thuốc lá làm tôi chợt nhận ra trọng tâm của các câu hỏi dẫn để xoáy vào vấn đề gì.

Tôi có phải là đảng viên đảng Việt Tân không?

Câu hỏi này không phải hôm nay, khi nhà chức trách thấy tôi đi vào Vinh, nơi đang diễn ra phiên toà của mười mấy thanh niên mà nhà cầm quyền kêu tội của họ là tham gia Canh Tân Cách Mạng Đảng gọi tắt là Việt Tân. Câu hỏi này được đặt ra từ lâu lắm rồi.

Với các bạn đọc, những người tôi tôn trọng nhất, tôi xin trả lời trước sau như một. Tôi không phải là đảng viên của bất kỳ đảng phái nào. Với phía nhà chức trách thì cứ để họ tìm hiểu, phía những người được gọi là “nhà đấu tranh dân chủ xịn” khác thì cứ để họ tung tin lờ mờ.

Tôi chơi với những người bạn tốt, họ có thể là đảng viên đảng Cộng Sản hoặc có thể là đảng viên đảng Việt Tân (mà thực sự tôi cũng không rõ họ có đúng là đảng viên Việt Tân hay không, vì họ chưa bao giờ nói với tôi, chỉ thấy khi nhà cầm quyền bắt họ đem ra xét xử thì trong cáo trạng nói thế). Tôi chả ác cảm với bất kỳ đảng phái nào hết. Cũng như không ác cảm với tôn giáo nào hết.

Nhưng khi tôi phải đối phó những câu hỏi nghi vấn tôi có phải là đảng viên đảng Việt Tân hay không.? Thì dư luận từ một số nhà “đấu tranh dân chủ” đưa nghi vấn tôi là đặc tình của an ninh Việt Nam. Điều đáng nói chính những nhà “dân chủ” này tạo ra dư luận tôi là Việt Tân để an ninh Việt Nam điều tra. Trong khi tôi chật vật với cơ quan an ninh điều tra về chuyện đó, thì bên ngoài họ đưa tiếp tin tôi là đặc tình của nhà cầm quyền.

Cánh cửa nhà tù bỗng rộng mở, tôi nhìn thấy nó đã hé ra. Không phải vì tôi có tội, mà vì dư luận để tạo rằng tôi có tội, đã được tạo ra từ cả hai bên là nhà cầm quyền và những nhà “đấu tranh dân chủ quốc nội”. Chỉ cần dư luận dấy lên nghi ngờ, số phận tôi sẽ được định đoạt.

Những nhà “đấu tranh dân chủ” không muốn thiên hạ nhìn họ ngồi ở salon trong khi tôi lặn lội khắp những điểm nóng bỏng. Như thế chả mấy chốc tôi được dành nhiều thiện cảm của đám đông hơn họ. Bởi thế họ phải làm gì đó để tôi không thể ngược xuôi đến nơi như thế. Và điều tốt nhất để giải thích cho dư luận việc tôi có mặt mọi nơi mà vẫn vẹn toàn (không bị bắt tù) thì chỉ là người của phía an ninh.

Những nhà chức trách thì cũng quá mệt mỏi với việc chỗ nào tôi cũng có mặt từ Tôn Giáo, biểu tình NoU, dân oan, dân chủ, dân quyền.. Và.chuyên án nào cũng phải kết thúc, chả thể cứ kéo dài năm này qua năm khác mãi được. Chưa kể ai tôi cũng quen, từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây, ai thì thằng Hiếu Gió cũng quen, cũng chuyện, cũng đi cùng.

Tình cảnh của tôi chỉ có một con đường.

Không giao du, không gặp ai, không đến chỗ nào có sự kiện.

Chỉ có thế tôi mới chứng minh tôi không phải là đặc tình, không phải là đảng viên của đảng phái nào. Và hơn hết chỉ có thế tôi mới an toàn về thân thể cũng như danh dự.

Rất buồn là nhiều người anh em của tôi đã phải trong chốn lao tù, còn tôi thì giã từ như vậy. Nhưng tôi tin rằng Pau Lê Sơn, Nguyễn Văn Cương, Tạ Phong Tần, Điếu Cày,Cù Huy Hà Vũ… không hề trách cứ tôi, bởi tôi sống trọn vẹn nghĩa tình trong khả năng mà tôi có thể có.

Tôi cũng không oán trách gì những nhà “đấu tranh dân chủ” đang ngồi trong bóng tối tìm cách khoét mâu thuẫn giữa tôi và những người bạn của mình. Hoặc tìm cách tạo dư luận xấu cho tôi để thiên hạ nghi ngờ, xa lánh. Chính trị là cuộc chơi cần nhiều thủ đoạn, mọi mưu toan đều phải có. Ngàn xưa đến nay thiên hạ đều làm thế, chả có gì là lạ.

Từ một con ngõ bụi bặm, trong một kiếp đời lưu manh, giang hồ. Tôi chơi một cuộc chơi đấu tranh với điều bất công trên đất nước này, đầy nguy hiểm và thiệt thòi. Đến nay không bị xử án tù đã là một điều thành công. Thành công nhất là sự vẹn toàn của mình không phải trả giá bằng khai báo về một người nào khác. Không phản trắc, không trở cờ, không bán anh em, bằng hữu… để được tiền tài, danh vọng hay sự an toàn của mình.

Giờ tôi chỉ có ước mơ, thanh thản viết những mẩu chuyện, tản văn về cuộc sống. Hàng chiều đi đón con, đi chợ, nấu cơm.

Thật buồn là tôi có bản lĩnh chấp nhận tù đày, đối mặt với hiểm nguy. Nhưng tôi không đủ độ trì để đối diện với những lời xuyên tạc của những người mà họ vẫn rêu rao rằng họ đấu tranh cho chính nghĩa. Ai cũng khó vẹn toàn, tôi chỉ là một cá nhân nhỏ bé. Chẳng mơ ước công hầu, khanh tước, chả mơ đến giấc mộng quan trường hay những điều lớn lao mình sẽ làm nên trong cuộc đời này.

Nhưng đừng ai nghĩ rằng tôi đang suy sụp, sợ hãi để dồn những đòn tấn công cuối cùng để toan tính rằng tôi có thể thoả hiệp, đầu hàng mong đổi lấy sự an toàn. Điều đó sẽ không bao giờ có, dù tôi có bị thế nào đi chăng nữa.

Nguồn: Người Buôn Gió