vietsoul21

Archive for Tháng Một, 2012|Monthly archive page

Cung Chúc Tân Xuân – Nhâm Thìn

In Cộng Đồng, Việt Nam on 2012/01/22 at 16:58

Cung Chúc Tân Xuân - Nhâm Thìn

 

Đầu năm Nhâm Thìn chúng tôi xin chúc các bạn đọc một năm mới tràn đầy sức khỏe, an lành, và hạnh phúc.

Chúc đất nước Việt Nam sớm được tự do, dân chủ, phú cường.

 

Phó thường dân (14): Mèo – thỏ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Thế giới, Việt Nam on 2012/01/20 at 11:36

 
Còn hai ngày nữa là tới Tết nhưng chẳng thấy hơi hướng mùa Xuân đâu ở cao nguyên tình xanh vùng Tây bắc Hoa-kỳ này. Dự báo thời tiết cho mùa đông lạnh cóng (hiệu ứng niña) năm nay làm ai cũng phải cười khỉnh vì qua lễ Tạ ơn và Noel nhưng chẳng thấy tuyết đâu. Đùng một cái. Trời đổ tuyết liên tục không dứt vào mấy ngày cận Tết. Trường học, công sở thì đóng cửa. Chẳng ma nào dám lái xe trên đường phố đang đóng băng dầy trơn trợt. Phó thường dân cũng đành ru rú ở trong nhà. Muốn phát sốt (cabin fever)!

Thấy tuyết đổ nhiều chẳng ưa gì nhưng trong lòng phó thường dân tui cũng một phát thở phào mừng thầm. Chỉ gần hai tháng trước phó thường dân đã thay cái mái nhà lợp gỗ tuyết tùng (cedar shake) đã cũ kỷ, cong chênh và chớm mục bằng lớp mái loại tổng hợp (composite shake). Bây giờ thì yên tâm ăn Tết chẳng phải âu lo thấp thỏm nơm nớp sợ nhà bị dột.

“Vô tư” nên phó thường dân tui ngô nghê ngoảnh lại năm mèo đang đỏng đảnh bước qua trước mặt. Chợt nhận ra con mèo (Việt Nam) thì khác xa với con thỏ (Trung Quốc) trong số 12 con giáp à nha.

Theo sinh vật học và chủng loại thì mèo, cọp (tiger, cougar), beo, báo, sơn miêu (lynx) và cả sư tử cũng đều nằm trong họ nhà mèo (cat). Hóa ra chú mèo ta tuy nhỏ nhưng được lấy tên làm cả họ mèo. Tuy ở ta thì mèo được gọi là tiểu hổ (theo TQ?) nhưng ở Tây thì cọp, beo, và ngay cả sư tử lại được ví chung/gọn là mèo lớn (big cat).

Thỏ thì chắc ai cũng biết rồi, nhát như thỏ. Thỏ được mỗi biệt tài là chạy nhanh nhưng vốn ỷ y, nhởn nhơ nên tới đích còn sau cả con rùa. Còn mèo thì có tính độc lập, tự chủ, không dễ bị sai khiến, không theo bầy đàn. Nói theo người Mỹ, trong thành ngữ “việc khó như chăn mèo” (It’s like herding cats) là đủ phô trương trích dụng bản tính độc lập của loài mèo.

Những ngày cuối năm Mão này khi phó thường dân ngó lại cũng thấy y chang nhiều sự kiện biến chuyển dạng theo tính khí của con mèo hơn là con thỏ.

Trước hết phải kể đến những biến động lịch sử trên thế giới vào đầu năm như Cách mạng hoa nhài, mùa Xuân Ả-rập ở Tunisia, Ai-cập, Libya, và láng giềng Miến Điện. Các diễn biến này hiện lộ mồn một đầy tính “mèo”: độc lập, tự chủ. Người dân ở các nước độc tài kể trên không còn chịu sống trong áp bức, thiếu tự do mãi. Họ quyết định vùng lên để giành sống đời tự chủ bất chấp hiểm nguy chưa đo lường trước được.

Riêng tại Việt Nam ta thì người dân dù biết mình thấp cổ bé miệng chỉ là con giun, cái kiến trong một thể chế độc tài nhưng cũng đã mức mực thể hiện lòng dạ can đảm. Họ quá bức xúc trước các hành vi bá quyền Trung Quốc xâm lấm biển Đông, bách hại ngư dân đã xuống đường hàng loạt vào mùa hè để biểu tình phản đối chính quyền TQ. Khẩu hiệu Hoàng Sa-Trường Sa-Việt Nam đã được trương cao và tung hô công khai trên đường phố Sài Gòn và Hà Nội. Người biểu tình kiên quyết lên tiếng hơn 11 lần bất chấp đàn áp, cưỡng chế, hành hung, giam cầm của nhà cầm quyền đảng CSVN. Họ phản kháng dù biết mối đe dọa tù đày[1]. Vì chỉ có những con bò thì mới chịu bị “chăn dắt” chứ mèo cũng không chịu, nói chi là con người[2].

Đảo mắt dần tới cái tháng cuối năm con mèo này thì có ai không biết tới biến cố sôi sục Đoàn văn Vươn[3] chống trả lực lượng cưỡng chế của quan/quân huyện Tiến Lãng. Những người dân lành chỉ biết cặm cụi lo làm lụng kiếm ăn một khi bị dồn vào chốn đường cùng cũng không thể làm gì khác hơn là vùng dậy dù rằng họ đã bị “tuyên huấn”, “định hướng”, “chỉ đạo” khá thuần (Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng trong khẩu khí khinh bôi “Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế[4]). Họ vươn lên như “những con giun xéo mãi cũng quằn” kháng cự lại một thể chế với guồng máy và hệ thống đầy tính bạo động. Làm sao mà buông xuôi, không chống trả cái tập đoàn tội phạm cơ “cấu” trong đảng CSVN nối kết, giật dây xã hội đen cướp của, cướp đất mà họ đã gầy dựng bằng mồ hôi và máu thịt cho được?  Những chuyện động trời ở Tiên Lãng[5] bị lộ hàng này phải chăng chỉ là mảng băng nổi của bao chuyện thường ngày ở huyện.

À mà chút xíu nữa là quên vì bực giận. Phó thường dân nãy giờ chỉ nói về mèo mà hổng nhắc gì tới thỏ thì thiệt là không công bằng. Các chuyển động rần rần hàng ngày ở bộ sậu (BCT) đảng CSVN có khác gì hiện tượng “thỏ” với hành xử nhút nhát, luồn cúi, khiếp nhược với Trung Quốc. Những thỏ thò thụt, thin thít với “tàu lạ” mà người dân nhận rõ bản chất của họ là “Hèn với giặc ác với dân”[6]. Những kẻ mà Hoàng Sa-Trường Sa, bô-xít Tây nguyên, khoán hộ trăm năm rừng đầu nguồn, tham nhũng PMU, Vinashin, chứng khoán đứt phanh[7], doanh nghiệp phá sản cùng với lạm phát[8] và giá cả tăng phi mã tất tật đều là “chuyện nhỏ như con thỏ”.

Phó thường dân nói đến đây chợt nhớ một chuyện nhỏ như con thỏ khác ở nước Mẽo này xin kể bà con nghe chơi nha. Đó là chuyện triệu hồi chức vụ (recall election) các viên chức nhà nước dù được dân cử trước đó nhưng nay cử tri không còn tín nhiệm mặc dù nhiệm kỳ chưa quá đát. Điều kiện thực hiện tiến trình triệu hồi này khác nhau tùy theo địa phương nhưng thể thức chung tương đối đơn giản. Chỉ cần thu thập đủ mức số chữ ký của cử tri trong địa hạt bầu cử (Thống đốc và dân biểu tiểu bang, Thị trưởng và Nghị viên thành phố, v.v…) là có được sự thay đổi. Nghĩa là chuyện nhỏ như con thỏ.

Một ví dụ điển hình nhất là vụ triệu hồi chức vụ Thống đốc Tiểu bang Wisconsin, ông Scott Walker. Nguyên nhân chỉ vì ông ta thông qua đạo luật hủy bỏ quyền thương lượng tập thể (collective bargaining rights) của nhân viên nhà nước (public employees). Các hiệp hội lao động cùng với dân chúng, cử tri ở Wisconsin kết hợp tổ chức cuộc triệu hồi. Họ vận động qua truyền thanh, truyền hình, các trang mạng và facebook[9] với kết quả là đã thu thập trên 1 triệu chữ ký, gần gấp đôi con số đòi hỏi cần thiết. (Nghĩ tới đây lại nhớ và thương ba em Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng tranh đấu cho người lao động mà phải bị tù đày khổ sai đang bị hành hạ từng ngày.)

Riêng trong năm 2011 đã có 150 cuộc triệu hồi chức vụ ở Hoa-kỳ, kết quả là một nửa số 75 dân cử bị truất chức và 9 vị khác từ chức (cho đỡ mất mặt) trước mối đe dọa bị triệu hồi[10]. Cơ chế bầu cử dân chủ và pháp luật ở xứ tự do thì như thế chứ còn ở đất nước độc tài, độc đảng của Đảng CSVN thì dù dân chúng có chán ngán, bất tín nhiệm muốn truất phế thì cũng đành bótay.com. Chỉ có những quả bom Đoàn Văn Vươn[11] đầu ngọn sóng nổ tung mới đổ sập được bức tường nhà tù nô lệ.

Hồn thiêng ngàn năm Thăng Long vẫn còn trên đất Việt. Lòng dân Việt Nam đang trong vận hội mới muốn khai phóng vươn dậy tháo gỡ gông cùm độc tài chuyên chế.
 
© 2012 Vietsoul:21
 
[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi (2) Nôị-thực-dân (3) Sợ (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông (5) Con dân – con cá – cò mồi (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng (7) (Vô) Hậu  (8) Gió mưa là chuyện của trời …  (9) Vô liêm sỉ – man rợ (10) Phế-anh-hùng (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta …  (15) phố vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ (17) Nín thở qua cầu (18) Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần (19) Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm]


[10] Recall Election, wikipedia

Bút Gà (chấp bút) Đinh Thế Huynh gởi các Huyện ủy

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/01/15 at 20:16

Tớ, Bút Gà, chấp bút cho (thủ) anh Đinh Thế Huynh của bộ hầu đồng (BCT) bình vôi[1] đảng CSVN, gởi lời phán của bà đến các cô/cậu Bí thư, Chủ tịch Huyện. Chuyện thường ngày ở huyện mà các cậu làm ăn bát nháo thế nào lại đến tai bà.

Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng

Bà hỏi rằng các cô/cậu Bí thư, Chủ tịch Huyện múa may gì mà chúng lại bơi móc, lôi cả tên của bà ra mà xỉa xói như vậy.  Bà bảo là bà chỉ có ba đầu sáu tay chứ đâu phải như Quan Âm nghìn tay nghìn mắt để độ hết thủ nhang, đồng đèn, lính anh, lính chị khắp chốn địa phương. Vụ cưỡng chế Đoàn văn Vươn đất Tiên Lãng[2] này thì bà đã trước sau như một quy trách nhiệm “dân của mày thì mày về mà giải quyết”[3] đấy nhá. Bà đã khiển/khiến anh Huynh nhà mình từng huy động lực lượng “chức năng” 4T “bảo vệ đảng” thì cớ sao chúng bây lại bôi bác lấy thúng úp voi để lộ hàng tuồn tuột.

Ví như phải là đám ăn đóm theo tàn thì các cậu không cần kiêng nể, e dè vì bà nắm cái hầu bao chúng, bà khiển được qua việc lên xe xuống ngựa. Còn cái tên Vươn, kẻ khốn trong bước đường cùng thì các cậu vây vào để mắc họa thì đừng than. Giờ thì cái loa định hướng thằng đệ tử Huynh, thằng anh chúng mày đấy, phải cô lập và bóc tách anh em nhà Lê văn Hiền, Lê văn Liêm ngay. Phải vu ngay cho chúng là mất lập trường (cường hào), hủ hóa (ác bá) địa phương. Định khung chúng là thành phần (gian dối) lý lịch bất hảo từ thời Pháp thuộc chứ chả phải vì quán triệt “đạo đức Hồ Chí Minh” mà áp bức, bần cùng hóa nông dân.

Bà đã phán từ xưa đến nay rằng thì là xây khối đền đài, mở phủ (lễ hội) soèn soẹt thì phải tốn thóc, tốn cơm. Bà lại còn phải nuôi lắm đám từ thủ nhang, đồng đèn, lính anh, lính chị đến cả dàn chầu văn chuyên lo hầu bà chứ. Tốn hao nhất thì nào khỏi ngoài khoản chi cho cái dàn chầu văn mà thằng đệ tử Huynh anh mày đảm đương đấy. Chúng đờn ca, hát hỏng tất tật mới chèo kéo, mê hoặc, mị dân để nhất bộ, nhất bái phủ phục bà.

Bán đất (nước), đào mỏ (mả) mà ăn thì cũng hao hụt nên giờ ta phải lấy đất từ đám bần cố nông thôi[4]. Đứa nào nói bà cướp đất[5] là nói ngoa đấy, bà là chủ đất (nước) từ cái thời cướp chính quyền chứ lị. Công lao (quần) chúng tham gia khởi nghĩa, cách mạng được đền bù thế là đủ rồi. Giờ thì phải giả lại cho bà chứ. Bà đã giải phóng chúng, cởi trói khỏi phải làm hợp tác xã lao động nay thả rông cho làm lao động tự do cửu vạn, ô sin[6] thoải mái thế mà còn trách móc gì.

Bà biết. Ngay cả Hitler, Stalin, Pol Pot, Mao Trạch Đông (Bác Hồ ta đó chính là bác Mao[7]) cũng đâu thể một mình tàn sát, giết người trong tội phạm diệt chủng. Họ phải có sai nha cần mẫn, tận tụy, và trung thành thực thi cái sát lệnh. Hendrich, Himmler, Beri, Duch (Kaing Guek Eav) là những cánh tay đắc lực thực hành chính sách bạo tàn. Bà nuôi bao đứa ròng rã suốt hơn sáu mươi nhăm năm rồi chứ ít ỏi gì. Bà cưng nhất là cái thằng đấu tố (Hữu), “giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ”[8] để gom hết đất (nước) vào tay bà. Thằng đệ tử anh Huynh nhà mày chỉ đáng xách dép cho đệ tử ruột Tố Hữu của bà thôi con ạ. Nó chỉ có nói được mỗi một câu “Việt Nam không có nhu cầu đa đảng”[9] là mát lòng bà, ngoài ra thì có được tích sự gì.

Bà nhắc các cô (cậu) phải hiểu là cái câm lặng cần thiết cho việc trị dân. Đừng để cho “cây tỏi nỗi giận”[10]. Câm lặng là điều chúng ta cần vì khi những tiếng nói cùng nhau trỗi dậy thì cái loa phường của anh Huynh nhà mày chắc không át nổi. Nếu chúng không cảm thấy bị cô thế thì ắt chúng vùng lên chống trả và không khuất phục trước bạo lực. Câm lặng là điều chúng rất sợ: “vì rốt ráo thì chúng ta không sợ lời thâm độc của kẻ thù, nhưng cái câm lặng của bạn bè, hàng xóm láng giềng.”[11]

Bà nhắn các cô (cậu) Bí thư, chủ tịch Huyện phải ngừng ngay các hoạt động cưỡng chế trong thời gian này. Cuối năm là lúc để những đứa đi cầu lộc, cầu tài được ơn mưa móc về dâng thóc đền ơn đáp nghĩa cho Bà. Chớ mà phiền đến bà nhé! (Anh Huynh nhà mình cũng căn dặn chớ phiền đến anh y hệt như Bà vậy, he he he). Các cậu thì khỏi nói cũng biết. Các cậu tham (ác) quá làm hỏng bát vàng của Bà.

Đấy. Bà bảo thế đấy. Cận Tết, tớ chả thêm bớt mắm muối hũ cáy gì vì phải lo khánh tiết đón tiếp lính anh, lính chị địa phương về thăm viếng gởi thiệp (phong bì) chúc Tết anh Huynh.

Bút Gà


[2] Quả bom Đoàn Văn Vươn hay là quyền sở hữu đất đai của công dân? Osin HuyDuc

[7] “Bác Mao không ở đâu xa, Bác Hồ ta đó chính là bác Mao”, thơ Chế Lan Viên

[8]Xin Đảng hãy ngừng tay giết!”, Tự Do Ngôn Luận

[10] Cây Tỏi Nổi Giận, tiểu thuyết của Mạc Ngôn

[11] “In the end, we will remember not the words of our enemies, but the silence of our friends.”

Martin Luther King Jr.


Chuỗi bài:


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu – (8) Gió mưa là chuyện của trời … – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ]

Huy Đức – Quả bom Đoàn Văn Vươn

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/01/11 at 09:43

Ảnh blog Anhbasam

Khi lực lượng cưỡng chế huyện Tiên Lãng đến khu đầm, anh Vươn cho nổ trái mìn tự tạo cài dưới một bình gas. Bình gas không nổ. Nhưng, trái mìn tự tạo vẫn gây tiếng vang như một quả bom, “quả bom Đoàn Văn Vươn”. Vụ nổ không chỉ gây rúng động nhân tâm mà còn giúp nhìn thấy căn nguyên các xung đột về đất đai. Quyền sở hữu nói là của “toàn dân”, trên thực tế, rất dễ rơi vào tay đám “cường hào mới”.

Sự tùy tiện của nhà nước Huyện

Quyết định giao bổ sung 19,5 ha đất nuôi trồng thủy sản cho ông Đoàn Văn Vươn, ký ngày 9-4-1997, ghi thời hạn sử dụng là 14 năm tính từ ngày 14-10-1993. Theo báo Thanh Niên, ở thời điểm ấy, chính quyền huyện Tiên Lãng đã quy định thời hạn giao đất cho nhiều cá nhân, hộ gia đình rất tùy tiện: có người được giao 4 năm; có người 10 năm… Tuy thời điểm này chưa có các nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành, nhưng Luật Đất đai năm 1993 đã nói rõ thời hạn giao đất nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình và cá nhân là 20 năm.

Theo Nghị định ngày 28-08-1999, nếu chính quyền Tiên Lãng không tùy tiện thì gia đình ông Vươn có quyền sử dụng phần đất này cho đến ngày 9-4-2017, tính từ ngày ông được huyện ký giao; tối thiểu cũng phải đến ngày 15-10-2013, nếu huyện “ăn gian” tính theo ngày Luật Đất đai có hiệu lực. Vấn đề là, cho dù đất được giao của gia đình ông Vươn hết hạn thì có phải là đương nhiên bị thu hồi để giao cho người khác như cách mà Tiên Lãng đã làm. Luật Đất đai 2003 quy định hạn điền cho loại đất nuôi trồng thủy sản là 3 hecta và với phần đất vượt hạn mức của ông Vươn có thể áp dụng Điều 35 để cho ông tiếp tục thuê như quy định đối với đất đai nông nghiệp.

Sở hữu toàn dân

Tuy dịch từ Hiến pháp 1936 của Liên xô, Hiến pháp 1959 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chưa “quốc hữu hóa đất đai”. Cho dù, từ thập niên 1960s ở miền Bắc và từ cuối thập niên 1970s ở miền Nam, ruộng đất của nông dân đã bị buộc phải đưa vào tập đoàn, hợp tác xã, đất đai chỉ chính thức bị coi là thuộc “sở hữu toàn dân” kể từ Hiến pháp 1980.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: “Trong bản dự thảo Hiến pháp 1980 do Chủ tịch Trường Chinh trình Bộ Chính trị vẫn đề nghị duy trì đa hình thức sở hữu, trên cơ sở khuyến khích 5 thành phần kinh tế. Theo tôi biết thì Bộ Nông nghiệp và Ban Nông nghiệp Trung ương cũng không đồng ý quốc hữu hóa”. Nhưng, ngày 10-9-1980, trong một bài nói chuyện trước Ban chấp hành Trung ương có tựa đề, “Hiến pháp mới, Hiến pháp của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa”, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Nhân đây, tôi nhấn mạnh một điểm rất quan trọng trong Dự thảo Hiến pháp mới là chuyển toàn bộ đất đai thành sở hữu toàn dân. Đề ra như vậy hoàn toàn đúng với quy luật tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Ông Nguyễn Đình Lộc, thành viên Ban thư ký của Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp 1980, thừa nhận: “Khi đó, uy tín Lê Duẩn bao trùm. Mặt khác, nhiều người cũng không hình dung được bản chất của sở hữu toàn dân là quốc hữu hóa”.

Tuy chấp nhận quốc hữu hóa đất đai nhưng theo ông Tôn Gia Huyên, lúc bấy giờ là Vụ phó vụ Quản lý Đất đai, ông Trường Chinh chủ trương giữ nguyên hiện trạng chứ không tịch thu ruộng đất như điều mà Lenin đã làm với kulax ở Nga sau năm 1917. Ông Trường Chinh yêu cầu ghi vào Điều 20 của Hiến pháp 1980:“Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật”.

Khi Hiến pháp 1992 bắt đầu được soạn thảo, theo ông Phan Văn Khải: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tôi muốn sửa Hiến pháp theo hướng, trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân nhưng không thành công, chúng tôi đành phải tìm ra khái niệm, trao 5 quyền cho người sử dụng đất”. Trong Đại hội Đảng lần thứ VII, vòng I, nhiều nhà lãnh đạo địa phương đã lên tiếng ủng hộ “đa sở hữu hóa đất đai”. Nhưng, ở cấp cao, theo Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Đình Lộc: “Không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội. Khi chuẩn bị bài phát biểu về Hiến pháp cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi có trình bày, nhưng ông Đỗ Mười nghiêng về sở hữu toàn dân. Ông tin vào điều ông Lê Duẩn nói, sở hữu toàn dân là quan hệ sản xuất tiên tiến. Ông Đỗ Mười tin, trước sau gì ta cũng tới đó nên cứ để vậy”.

Các nhà làm luật

Luật Đất đai 1993 đã trao cho người dân 5 quyền: sử dụng, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp và cho thuê quyền sử dụng đất. Nhưng, so với Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 1993 có một điểm lùi. Hiến pháp ghi: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài”. Trong khi Luật chỉ giao đất cho cá nhân và chỉ giao có thời hạn. Ông Tôn Gia Huyên giải thích: “Thời hạn giao đất thực chất chỉ là ý chí chính trị, là sợi chỉ cuối cùng để phân biệt giữa sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước”. Là ranh giới để trấn an những người vẫn còn tin, Việt Nam tiếp tục đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhưng, cái ranh giới tưởng có giá trị trấn an ấy đã lại rất mù mờ, mù mờ ngay trong đầu chính các nhà lập pháp. Tháng 7-1993, sau bốn buổi thảo luận trên Hội trường về Luật Đất đai, các đại biểu miền Nam đề nghị “giao đất lâu dài” như Hiến pháp 1992, trong khi các đại biểu miền Bắc và miền Trung lại tán thành giao đất có thời hạn; thậm chí có đại biểu còn đòi rút ngắn thời hạn giao đất xuống còn từ 10-15 năm. Trong tính toán của nhiều người, giao đất có thời hạn nghĩa là sau đó Nhà nước có thể lấy lại để giao cho người khác. Đại biểu Đặng Quốc Tiến, Bắc Thái, nói: “Đất ít, người đông, giao có thời hạn thì sẽ bảo đảm cho công tác điều chỉnh đất đai khi có biến động nhân khẩu”. Ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy là Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng, đã rất hăng: “Đi nghĩa vụ quân sự 2 năm thì kêu dài, giao đất 20 năm thì bảo ngắn”.

Khi Luật Đất đại 1993 được đưa ra sửa đổi, Chính phủ đề nghị nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50.

Trong hai ngày 14 và 16-11-1998, nhiều đại biểu cũng đã phản ứng, thậm chí còn có phần gay gắt. Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thắng, Đại Lộc (Quảng Nam) ông Trần Văn Mai nói: “Số nông dân chưa có đất đang trông chờ cho hết thời điểm 20 năm, bây giờ đã được 5 năm, còn 15 năm nữa họ sẽ được chia đất. Nếu bây giờ ta tăng thời hạn lên 50 năm sẽ là một sự hụt hẫng lớn của nhân dân với Đảng”. Theo cách hiểu của ông Trần Văn Mai: “Hoặc hết hạn 20 năm, hoặc người sử dụng đất chết, chúng ta sẽ thu hồi cấp lại cho những nhân khẩu phát sinh”. Nhưng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Hoan đã phát biểu: “Đừng lo cho 20 năm sau không có đất để phân phối lại. Bây giờ ở ta 80% dân số làm nông nghiệp. Không lẽ 20 năm sau cũng 80%?”. Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đồng Tháp ông Trương Minh Thái cho rằng: “Đừng nghĩ chúng ta chỉ có thể điều phối ruộng đất ở nông thôn bằng cách thu hồi rồi chia lại. Chúng ta đã giao cho người dân năm quyền, họ có thể để thừa kế, hoặc sang nhượng cho người chưa có đất”.

Đất dân quyền quan

Năm quyền của người sử dụng đất sau đó được “pháp điển hóa” trong Bộ Luật Dân sự 1995 như các quyền dân sự. Quyền sở hữu, tuy “trá hình” này, vẫn là cơ sở pháp lý để hình thành thị trường địa ốc. Và trong giai đoạn đầu, nhờ tư vấn của World Bank, thị trường đã được điều hành bằng công cụ thuế. Cho dù do thuế suất quá cao, Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất, ngay lúc ấy, đã khiến nhà đất đóng băng nhưng sử dụng công cụ thuế chính là thừa nhận giá trị các giao dịch dân sự liên quan tới đất đai. Tuy nhiên, chính quyền các cấp có vẻ như không mấy mặn mà với vai trò đứng ngoài. Các giao dịch, đặc biệt là mua bán đất đai đã bị hành chánh hóa: Nhà nước thu hồi đất của người bán rồi giao đất cho người mua. Thay vì thu thuế chuyển quyền, người mua phải đóng tiền sử dụng đất, đặt người có đất trong tình thế phải trả tiền hai lần.

Đỉnh cao của sai lầm về chính sách là Pháp lệnh 14-10-1994 và Nghị định 18, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đó. Theo Nghị định 18, các tổ chức không còn được giao đất có đủ các quyền như Hiến pháp 1992. Những doanh nhân tiên phong như Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Trần Quang Vinh… đã vay hàng ngàn tỷ đồng để mua đất, sau Nghị định 18 phải chuyển những lô đất ấy thành đất thuê và chỉ được thế chấp ngân hàng theo giá trị số tiền thuê đã trả cho nhà nước. Khi bị bắt, cũng nhân danh “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, Hội đồng thẩm định do Nhà nước lập ra đã tính, có những mét vuông đất, giá không bằng que kem. Đất biệt thự đường Trần Phú, Vũng Tàu, mà chỉ được Tòa công nhận giá ba-trăm-đồng/m2. Khoản chênh lệch giữa giá thực mua và giá của Tòa được coi là thất thoát để buộc tội các doanh nhân này lừa đảo.

Trong tù, có lúc Minh Phụng nói với Luật sư Nguyễn Minh Tâm: “Xin luật sư hãy nhìn vào mắt em để xem em có phải là người lừa đảo?”. Ngày 12-7-1999, khi nghe Luật sư Tâm nhắc lại câu này Minh Phụng đã bật khóc trước Tòa. Cũng đầu tư vào đất đai cùng một phương thức tuy khác quy mô, nhưng, thái độ của Nhà nước với giá đất đã biến ông Lê Văn Kiểm, Huy Hoàng, thành anh hùng và tử hình ông Tăng Minh Phụng.

Danh chính ngôn thuận

Đầu tháng 12-2011, Chính quyền Đà Nẵng nơi ông Nguyễn Bá Thanh là Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân đã đề nghị cho tư nhân sở hữu đất đai. Sau 20 năm lãnh đạo một địa phương, có lẽ ông Nguyễn Bá Thanh nhìn thấy, quyền sở hữu trá hình đã đặt đất đai của người dân vào tay chính quyền cấp huyện với quá nhiều rủi ro. Điều 38, Luật Đất đai 2003, nói: Nhà nước chỉ thu hồi đất khi “cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế” (khoản 7). Nhưng, tại khoản 10 cũng của Điều 38, Luật lại mở ra khả năng: Nhà nước thu hồi những phần đất “không được gia hạn khi hết thời hạn”. Chính quyền cấp huyện được Luật giao quyền giao đất và thu hồi đất của cá nhân và hộ gia đình. Nếu chính quyền Tiên Lãng áp dụng điều 67, tiếp tục giao đất cho ông Vươn, thì đã không có gì xảy ra, nhưng họ đã đẩy ông vào khoản 10, Điều 38: Thu hồi đất vì “không được gia hạn” khi thời hạn giao đất của ông đã hết.

Sau “trái bom Đoàn Văn Vươn”, chúng ta biết, khu đất đầm mà anh có không phải là đất được nhà nước giao mà là đất do gia đình anh phải lấn biển, khai hoang. Suốt 5 năm “trầm mình dưới nước từ mờ sáng tới tận tối khuya”, biết bao lần bị bão biển cuốn phăng để đắp được một bờ kè dài hai cây số, tạo nên bãi bồi màu mỡ và một khu đầm nuôi tôm cá rộng gần 40 hecta. Cũng nơi đây, anh Vươn mất một đứa con gái 8 tuổi vì khi cha mẹ mải làm con gái của anh đã rơi xuống cống. Đừng nói chuyện thu hồi, lẽ ra chính quyền Tiên Lãng phải xấu hổ khi ký quyết định giao cho anh Vươn phần đất của chính anh, phần đất mà anh Vươn đã phải gắn bó suốt 20 năm, đã đổ cả mồ hôi và máu.

Nếu như, quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, thì cách khai hoang, lấn biển của gia đình anh Vươn phải được coi như một hình thức thụ đắc ruộng đất mà từ xa xưa cha ông ta đã áp dụng cho người dân để ngày nay Việt Nam liền một dải từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. Nếu như quyền sở hữu về đất đai của người dân được công nhận, chính quyền không thể hành chính hóa các giao dịch dân sự liên quan đến đất đai. Các đại gia không thể thậm thụt với đám cường hào thu hồi những mảnh đất của dân mà họ mua không được.

Nhưng đó là câu chuyện có thể được thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp. Người dân đang dõi theo thái độ của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước trường hợp Đoàn Văn Vươn.

Theo cách giải thích của Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thì đất ông Vươn nằm trong vùng quy hoạch xây dựng một sân bay quốc tế. Nếu thu hồi bây giờ hoặc chuyển thành thuê thì mai này nhà nước không phải bồi thường cho ông Vươn. Đỗ Hữu Ca nói: “Với công trình đặc biệt quan trọng như thế thì đền bù sẽ rất lớn. Ông Vươn cố giữ lại như thế để lấy đền bù khi dự án được triển khai”. Có thể Đỗ Hữu Ca là một công chức mẫn cán chứ không phải là “cụ Bá”. Nhưng, lo quyền lợi của nhà nước sao không tính quyền lợi của dân, không tính máu và mồ hôi 20 năm của gia đình anh Vươn. Chắc Đỗ Hữu Ca không nghĩ, anh em, bà con ông và chỉ vài năm nữa chính ông cũng là dân.

Đỗ Hữu Ca có lẽ không nhớ chuyện anh rể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sáng 17-4-2009, bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 185 hecta cao su của ông để làm khu công nghiệp. Ông đã không đồng ý cho giải tỏa, mặc dù, 185 hecta cao su này ông có được nhàn hạ hơn so với công sức khai hoang, lấn sóng của anh Vươn và mức đền bù thì cao hơn gấp 20 lần giá vốn. Nhắc lại câu chuyện này để thấy, bất luận là ai, khi phải đối diện với tài sản của mình thì mới thấy của đau, con xót.

Dù sao thì hành động chống người thi hành công vụ của anh Đoàn Văn Vươn cũng phải được đưa ra xét xử. Nhưng, thông điệp mà các địa phương chờ đợi không phải là những năm tù cho anh mà là thái độ của nhà nước với chính quyền Tiên Lãng. Từ năm 2013, ruộng đất của nông dân bắt đầu lần lượt hết hạn giao đất. Nếu như quyết định của Chủ tịch Tiên Lãng Lê Văn Hiền không bị coi là sai, hơn 500 chủ tịch huyện trên cả nước có thể noi gương thu hồi đất đáo hạn của nông dân để… giao, thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Đừng chậm trễ và đừng để “quả bom Đoàn Văn Vươn” lại nổ.

Nguồn: Facebook Huy Đức

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

In Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/01/09 at 10:24

Người nông dân nổi dậy – bộ phim đậm chất nhân văn của điện ảnh Pháp

Ngày bé xem bộ phim có tên Người Nông Dân Nổi Dậy, nhân vật là một chàng nông dân tên là Giắc Cu. Đêm bỗng dưng chả ngủ được, chuyện xưa, chuyện nay cứ lẫn lộn trong đầu. Ngày trước tivi hay chiếu nhiều bộ phim, vở kịch tả lại những cuộc nông dân khởi nghĩa nhiều lắm. Giờ chỉ thấy toàn phim Trung Quốc có vua chúa đẹp trai, hào hoa, anh minh, tốt bụng… mà thôi.

Xưa thời nhà Nguyễn, quan Nguyễn Công Trứ đi khai khẩn đất đồng chua nước mặn. Công việc ấy được kể lại thành câu chuyện hay như huyền thoại. Đó là mỗi vị đậu trạng nguyên được vua mời vào vườn thượng uyển cho chọn một bông hoa sau đó vua cho đúc một bông hoa bằng vàng thật tặng cho tân trạng nguyên. Công Trứ đỗ trạng nguyên vào vườn thượng uyển ngắm nghía bao lâu rồi mới chọn bông hoa chuối. Vua căm lắm nhưng lệ đã thế rồi, nghiến răng mà sai người đúc bông hoa chuối bằng vàng ban cho Trứ.

Trứ xin vua cho làm quan mạn Thái Bình, nơi đồng chua nước mặn, thuở ấy còn hoang hóa, chỉ có dân đi biển cầm cự nơi đất ấy. Thoắt đã mấy năm. Vua Nguyễn vẫn nhớ cái vụ hoa của tên tham quan Công Trứ hồi nọ, bèn sai khâm sai đại thần mang thanh gươm tiền trảm hậu tấu với ý rằng là cứ thấy lỗi thì chặt phăng đầu mang về đây.

May cho Trứ và cũng may cả cho triều đình. Tuy sai người đi với định kiến không lành, nhưng vị khâm sai mà vua sai đi là người trung tín, nhân nghĩa, có kiến thức. Khâm sai đi quan sát đồng ruộng, nhìn đê điều ngăn mặn, mương tưới tiêu, lúa con gái xanh rì bát ngát, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Đêm đó khâm sai ngồi uống rượu với Trứ bên thư phòng giản dị, nghe Trứ tâm sự chuyện chặt từng bông hoa chuối vàng để mộ dân khai điền, lập ruộng, đắp đê ngăn mặn, dẫn nước mương tưới ruộng đồng, thau chua, rửa mặn, đóng kè… hàng núi công việc để có được nơi đủ điều kiện để dân chúng an cư. lập nghiệp tạo nên một vựa lúa trù phú ở nơi hoang hóa ngày xưa. Khâm sai đại thần chạnh lòng thấy thanh gươm vưa đưa theo bọc trong vải nặng trĩu. Sau đó khâm sai đại thần về tâu vua rõ sự việc. Vua Nguyễn vì thế mà hiểu lòng Trứ hơn.

Trở lại với kịch bản của Giắc Cu nông dân thời lơ tơ mơ nào đó. Chàng nông dân đi khai khẩn vùng nước lợ hoang vu từ hồi còn trai trẻ. Cả cuộc đời chàng gắn bó với vùng khai khẩn, lấy vợ, sinh con. Mồ hôi nước mắt đổ ròng rã năm này qua năm khác ròng rã 30 năm gần hết cuộc đời, nhìn lại cái trang trại cũng tàm tạm. Mọi vốn liếng và trăm nghìn lo toan tính toán lấy ngắn, nuôi dài vượt quá bão tố, thiên tai nay cũng đơm hoa, kết trái. Chàng nông dân tóc đã hoa tiêu cũng cảm ơn trời đất, triều đình đã cho chàng được bỏ công sức và nhận lấy thành quả của mình làm ra.

Các đời quan lại ai cũng cảm thông cho chàng nghị lực. Chàng là một công dân tốt, lo toan chí thú làm ăn bằng mồ hôi, sức lực và kiến thức của mình. Người dân nào cũng như thế thì quan chả mừng.

Thế nhưng quan thì vài năm đổi một lần. Quan trẻ sau này lên nhậm chức, chỉ nhìn thấy thằng nông dân nào đó tóc pha sương bỗng nhiên sở hữu cả khu trang trại đẹp như tranh, nào ao cá, cây ăn quả. Quan nghĩ cả đất trời này thuộc về triều đình, mà quan lại là đại diện cho triêu đình, không thể để một thằng nông dân sung túc hưởng lợi trên mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ của triều đình được. Quan tư chất thông minh, được đào tạo bài bản ngón nghề cải tạo và đấu tranh giai cấp, lại được trang bị bằng một mớ nghị định, luật…lằng nhằng chồng chéo mà quan muốn dùng cái nào vào việc nào cũng có, thế là quan bảo Giắc Cu nông dân là nộp lại đất ấy để quan dùng vào việc khác theo quyết định, thông tư, nghị định số Lã Mã lệnh đại khái nói rằng:

– Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do triều đình thống nhất quản lý, nay để tiện việc quản lý căn cứ theo nghị định ngày lơ mơ, tháng lờ mờ, năm ấm ớ thu hồi khoảnh nọ để giao cho người khác.

Nông dân cự lại, kêu rằng đất tôi khai hoang, cả đời người vợ chồng con cái bỏ công sức vào đây. Cuộc sống máu thịt gắn liền, sao lại bảo thu hồi là thế nào.

Quan đập bàn quát:

– Tao thu là thu cho triều đình, đất đai nào của mày, không có triều đình đánh ngoại xâm thì mày có đất được không. Liệu mày có sống được không mà đòi đất với đai. Đồ vô ơn!

Nông dân cãi:

– Nói thế nghe không được, triều nào thì triều cũng phải để đất cho dân làm ăn. Cũng phải để cho dân có đường sống. Những người làm ăn lương thiện, đổ mồ hồi, sôi nước mắt, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để nuôi thân tự thân mình nuôi mình. Triều đại nào mà dân chả phải tự nuôi dân.

Quan nạt nộ:

– Mày định đi ngược đường lối, chinh sách đã đề ra à. Không nói nhiều, mai tao cho quân xuống tịch thu.

Nông dân về nhà, nhìn lúa đang nên, cây ăn quả giờ bắt đầu bén đất trổ hoa, cá giờ cũng quen nước nhởn nhơ thả tăm trong ao… mấy chục năm trước chàng đến đây chỉ có nước mặn xâm xấp rặt loài cây sú vẹt cho cò đậu. Tưởng không bao giờ sống được trên đất này, thế mà qua mấy chục năm cần cù, mẫn cán chàng cũng thắng được thiên nhiên để tạo nên cơ ngơi này. Chàng thức trắng đêm nhìn cái tờ lệnh của quan có triện đỏ. Than ôi, chỉ cái giấy này thôi, quan viết một nhoáng là xong mà đổi được cả cuộc đời, cả cơ nghiệp mồ hồi, máu, nước mắt của chàng. Nông dân thấy chua xót về phận của mình không được sống trong thời phong kiến hà khắc ở nước nào đó xa xôi như Trứ, may ra Vua có cố chấp thì cũng biết nhận ra sự thật, còn có tôi hiền như quan khâm sai trình lại cho vua rõ.

Chàng tính mai chấp hành lệnh quan, vợ chồng con cái dắt nhau ra đường kiếm sống, làm lại từ đầu khi mà mái tóc đã pha sương. Bệnh tật do những năm tháng dãi dầu mưa nắng trên đồng cộng với tuổi già, chàng dắt díu gia đình phiêu bạt, rồi hôm nao qua đây nhìn thấy một khu sinh thái, biệt thự ven biển của đại gia nào đó…

Chàng cứ nghĩ lan man chả mấy chốc gà đã gáy báo sáng…

Nguồn: Người Buôn Gió

Cùng tác giả:

Người Buôn Gió – Tái cơ cấu thần chưởng

Người Buôn Gió – Đêm dài biên ải

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

Người Buôn Gió – Hóa ra đều ăn cắp hết

Người Buôn Gió – Đi tù và đi cải tạo

Người Buôn Gió – Con trâu của ai?

Người Buôn Gió – Hà Nội trong mắt ai

Loạt bài Đại Vệ Chí Dị:

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị – Mọi sự quái đản đều là do… thế lực thù địch

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị: Cứ đổ cho thế lực thù địch xúi dục là OK!

Đinh Tấn Lực – Đọc Như Két, Nghe Như Kẹt

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/01/06 at 10:22

(ảnh gốc từ cổng thông tin chính phủ)

Thông điệp đầu năm 2012 của TT Nguyễn Tấn Dũng rõ là có gây một số hiệu ứng nhất định.

Kẻ hồ hởi cho rằng đây là phút cựa quậy lột xác của TT, sau đận vặn mình lột áo về lời tuyên bố biển đảo trước Quốc Hội sáng ngày 25-11-2011 vừa qua.

Người hồ nghi thì dù chẳng tin bánh đúc có xương, nhưng cũng rán gửi gắm niềm hy vọng to bằng hạt cải là biết đâu tay TT (vốn ghét giả dối) lần này nói thật.

Đứa hồ đồ thì vội vội vàng vàng cắt dán ngay vào email chuyển tiếp cùng khắp, không kịp vỗ tay, cứ như người đánh số đề nằm chiêm bao thấy cứt.

Còn tay hồ thỉ tang bồng (từng sưu lục một tủ hồ sơ toàn tập về căn bệnh bất lực mãn tính có tên là Nhà Nước) lại nhếch môi cười nhạt rồi phán câu ngắn gọn: Đọc như két (mà) Nghe như kẹt.

Bảo rằng “đọc”, là vì hắn khó lòng mường tượng ra được tay TT này có khả năng viết nổi một bản văn rộn ràng/rổn rảng cỡ đó, rồi cũng không chắc là hiểu đứa nào chấp bút cho đó nó nói gì, và chỉ gật đầu ký duyệt.

Còn vì sao bảo “kẹt”? Đừng vội vu khống là hắn đang văng tục bằng thổ âm địa phương. Ý hắn là tay TT này kẹt thiệt, tợ như một chiến sĩ tuyến đầu run tay kéo cơ bẩm mà đạn đếch chịu lên nòng ấy.

Cũng chẳng phải hắn nhận định bâng quơ bằng giọng điệu văn kiện hội nghị như TT. Có cơ sở đậm đà màu sắc dân dã cả đấy.

Trong toàn bài 4.451 từ của TT, độc nhất chỉ có 1 từ “nông dân” là nói về dân, trong đoạn văn mơ mộng/mượt mà và rất đỗi nên thơ là “gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống nông dân”. Còn tuyệt đại bộ phận nhân dân, là đối tượng nhận thông điệp và đồng thời là chủ thể của nền kinh tế, thì hoàn toàn không có một vị trí/vai trò nào trong bản văn nói trên.

Ngược lại, nó chất chứa 32 từ “PHẢI”, nghĩa là dẫy đầy 32 thứ “kẹt” cần giải quyết cấp bách, mà không ai thấy đâu cách giải quyết, chưa nói tới cách giải quyết khả thi, trong khung cảnh chính trị độc đảng bất lực và trong tình hình khủng hoảng kinh tế toàn diện hiện nay.

*

Ứng vào tình hình thời sự, nghe chừng cái thông điệp đầu năm này khen khét mùi Russian Rambo tẩm Vodka của Thủ tướng Vladimir Putin bên Nga.

Từ đầu thế kỷ, Putin đã từng hứa hẹn với dân Nga 3 điều:

1) Ổn định xã hội;

2) Tăng trưởng kinh tế;

3) Vẹn toàn lãnh thổ.

Sau 8 năm làm tổng thống và gần 4 năm làm thủ tướng (để hội đủ điều kiện tranh chức tổng thống nhiệm kỳ tới), Putin không ngờ là dân Nga đã nhận chân ra 3 điểm:

1) Putin ổn định xã hội bằng kỹ năng KGB và một guồng máy thư lại sống bằng tham nhũng;

2) Putin tăng trưởng kinh tế chủ yếu bằng bán tháo tài nguyên sẵn có và trên đà cạn kiệt của Nga;

3) Putin bị Tây phương phong cho tước hiệu là “tay đồ tể của Chechnya” (Vladimir Putin is the butcher of Chechnya).

Đó là lý do mà dân Nga, nhân cớ gian lận bầu cử quốc hội (Duma) vừa qua, đã xuống đường phản đối/la hét/ngắt lời/mắng nhiếc Putin. Đến mức Putin phải cử người thay mặt cho những lần xuất hiện mới đây. Và ngay cả những tay đại diện đó cũng bị dân Nga mắng nhiếc thậm tệ không kém. Rõ là dân Nga muốn chấm dứt triều đại Putin. Rõ là “Đã đủ rồi!”. Bởi, ngay cả giới doanh nhân, và đặc biệt, giáo hội Cơ Đốc Chính Thống cũng chính thức lên tiếng, là lần đầu tiên trong lịch sử một thế kỷ cận đại của Nga.

Đài truyền hình nhà nước cắt ráp đoạn la ó ngắt lời Putin bằng tiếng vỗ tay. Tuy nhiên giới blogger Nga đã chiếu clip nguyên thủy lên mạng Youtube và đạt con số hơn nửa triệu lượt người xem trong vòng 24 tiếng. Blogger Alexei Navalny cho rằng đó là “điểm kết thúc một thời đại”.

Cũng không phải vô cớ mà người ta bảo hương hoa lài tỏa đi 2 ngả, về phía Á Đông, và về phía Nga.

Quay nhìn lại xứ mình, cả 3 điểm nói trên đều có phần tương thích.

Ổn định xã hội ư? Cứ đọc từng giuộc tin “nóng” hằng hà mỗi ngày trên dàn báo chính quy, hay nghe cụm từ “vãi luyện” đã thành tiếng lóng thời thượng, tất rõ. Nhà nước này đang đặt cược sinh tử vào hệ thống sai nha (chính quy lẫn giả dạng xã hội đen) cùng một băng đảng thư lại (còn đảng còn tiền) để vét cú chót trong những ngày mạt vận của một nhà nước xưng xưng là pháp quyền mà phải sử dụng các biện pháp lén lút bắt cóc, triệu tập thường xuyên, vu khống bằng truyền hình thủ đô, trả thù cá nhân, tùy tiện áp án rồi tự ý chồng án lên án vừa mãn, buộc dân làm giấy cam kết, vu nạn nhân tự tử, đe nẹt giới cầm bút dưới nick Tom Cat, bắt giam ký giả chống tham nhũng…

Nhà nước này sợ hãi ngọn đuốc sống Mohamed Bouazizi và hương hoa lài đến mức bưng bít/úp chụp dư luận về những vụ tự thiêu ở Đà Nẵng gần đây và ở Hà Nội mới đây, bằng những lý cớ vu vơ rất mực trẻ con, dù biết rằng chẳng ai tin nạn nhân chỉ vì thiếu nợ mà chọn lấy cách chết đau đớn tột cùng trước công chúng để gióng lời phẫn uất như thế.

Tăng trưởng kinh tế ư? “Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”… mà cả nước vẫn chưa chế tạo được 100% chiếc xe đạp. Nợ công đã vượt ngưỡng phân nửa tổng sản lượng nội địa. Lạm phát lên quá 23%. Giá sinh hoạt tăng vọt như hỏa tiễn Bắc Triều Tiên…

Từ thời Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức, toàn bộ các tập đoàn kinh tế/tổng công ty đồng loạt biến thành sân sau của phủ thủ tướng, trong đó, “quả đấm thép” Vinashin vỡ nợ và bị kiện ở nước ngoài, theo sau nó là một dãy các đại công ty than, điện, xăng dầu, điện thoại v.v… Và đó là cốt lõi của lời trần tình trong thông điệp đầu năm: “Thể chế kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, các yếu tố của kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ. Thị trường đất đai còn nhiều vướng mắc. Thị trường tài chính phát triển không cân đối, thị trường trái phiếu còn sơ khai, thị trường chứng khoán thiếu chiều sâu, chưa trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, đang dồn gánh nặng lên thị trường tín dụng, làm cho thị trường này rất dễ bị tổn thương. Thị trường khoa học công nghệ chậm phát triển. Thị trường lao động tuy đã khá hoàn chỉnh nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp cùng với sự bất hợp lý về tiền lương giữa các khu vực đang là rào cản lớn cho việc chuyển dịch lao động đến những lĩnh vực thiết yếu trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Giá cả một số hàng hóa và dịch vụ chưa bù đắp được chi phí, chưa theo cơ chế thị trường, làm cản trở việc thu hút nguồn lực và công nghệ cao cho phát triển”.

Vẹn toàn lãnh thổ ư? Riêng điểm thứ ba này thì Nguyễn Tấn Dũng còn phải học từ Putin rất nhiều. Cho dù mang tiếng đồ tể, nhưng ít ra, Putin không quỳ lạy trong ống tay áo của một ai. Nghĩa là không chỉ đặc dụng bàn tay sắt với mỗi dân Nga. Và không chỉ nói suông cho qua truông, trong lúc dồn sức dập nát lòng yêu nước của dân mình.

Ngoài ba điểm vừa kể thì, không tính kỹ năng mị dân và gian xảo, cả hai thủ tướng còn thêm một điểm tương thích thứ tư: Tự đánh bóng.

Putin mông má mặt mũi đột nhiên trơn tru, căng phồng như xóm tài tử Hollywood, hóa ra chàng cũng thích chích thẳng botox vào mặt. Chàng còn làm nhiều phim tư liệu quay cảnh ở trần cưỡi ngựa, mặc áo da đi môtô khủng… và thuê nhiều ban nhạc rock “tự phát” viết các bản như “Em yêu Putin”. (30 năm trước thì chắc tựa đề đã là “Ai yêu bác Putin hơn các em nhi đồng” ?).

Trong lúc đó, TT Nguyễn Tấn Dũng của ta được tới những 2 công ty xử lý rác viết báo ca tụng, một ở Đức và một ở Hàn. Chuyện thật mà nghe cứ như điển tích thời đại… bới rác ra thủ tướng. Rồi sau ngày Steve Job của hãng Apple qua đời, TT nước ta lại đột nhiên chỉ mặc kiểu áo cổ rùa. Quả là khoảng trống vĩ nhân cần được gấp rút lấp đầy. Có kẻ thân cận với TT còn cho biết cặn kẽ lý do: “Steve sản xuất được mấy thế hệ ‘iMac’ rồi chết. Trong khi TT từng đối phó trước biết bao chiến dịch ‘ai mách?’, với đủ loại tố cáo tham nhũng và bất tài, mà vẫn vững vàng nắm ghế thủ tướng và bắn một thông điệp rần rật những 32 cái PHẢI”. Ai hơn ai?

*

Kết luận 1: Xem ra, 32 cái “PHẢI” của thông điệp này còn thiếu cái “PHẢI” thứ 33 mà cả nước Việt Nam đang mong mỏi, đó là PHẢI có đủ tự trọng để bước xuống khi biết mình vô năng.

Kết luận 2: Entry này không phân tích sâu vào nội dung văn kiện “thông điệp”, vì một lý do duy nhất: Tác giả để dành đó cho một lời thách thức công khai:

Blogger Đinh Tấn Lực thách thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối chất về cách giải quyết khả thi 32 cái “PHẢI” trong bản “thông điệp”, trên bất cứ diễn đàn công luận nào, kể cả các hệ thống Paltalk tiếng Việt hoặc các đài truyền hình Việt ngữ, bất luận ở đâu, vào bất kỳ ngày giờ nào mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn lựa, trong mùa Tết Nhâm Thìn đang thập thò chạm ngõ.

Hãy thử làm người (tử tế) một phen xem sao, Dũng này!

06-01-2012
Blogger Đinh Tấn Lực