vietsoul21

Archive for the ‘Tạp văn’ Category

“CỜ TỔ QUỐC” & NGỤY BIỆN

In Cộng Đồng, Tạp văn on 2017/07/12 at 17:47

Hổm rày, mấy bữa nay bà con xôn xao bàn tán về một câu nói của Bùi Thị Minh Hằng “Cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc”. Câu nói này làm dân tình bá tánh – nhất là bà con tị nạn cộng sản ở hải ngoại – rất là bất bình.

Rất nhiều người đã phân tích, phê phán, định giá, giải mã về câu nói này thật rõ ràng và hữu lý nên phó thường dân tui không muốn lặp lại.

Đặng chí Hùng, Thái Vi Lan, Nhất Nguyên, Nguyễn Văn Hoàng và một số bạn đã nói về đề tài này.

Tui thì không rảnh rang hay rảnh háng gì để mà thêm thắt cho tròn, hay chọt vào cho lọt lỗ tai.

Từ tuần trước tới hôm nay tui hổng rảnh ngày nào. Người ta nghỉ lễ Quốc khánh Hoa-kỳ đi chơi tá lả, ăn nhậu ì xèo. Còn tui thì cầm nhầm ngày lao động làm thúi móng tay sơn sửa nhà cửa cho ở được bền vì tui đâu có phương tiện “nuôi heo”, “chăn vịt”, hay “bán chổi” để sở hữu biệt thự, vi-la như mấy quan nhà ta.

Kịch bản “cờ tổ quốc” đã đến đỉnh điểm cao trào, và vượt lằn ranh khi cá nhân vẫn bất chấp mọi điều và dùng ngụy biện để biện hộ. Những ngụy biện vô cùng nguy hiểm dễ gài lừa cho những kẻ yếu lòng và chưa vững về lý luận.

Tui chờ mãi mà không thấy BTMH có một lập luận chính xác và thuyết phục để bảo vệ quan điểm cho “Cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc”. Thay vì đó lại là một loạt những ngụy biện và thóa mạ cộng đồng những người không đồng ý, đồng tình với BTMH.

Tui là một fan của BTMH từ trước cho đến giờ.  Tôi đã từng viết bài để bênh vực cô khi ngay những kẻ trong cùng nhóm, cùng phường đã kích phê bình những lời bỗ bã của cô đối với cường quyền cs. Tôi thích cá tính bộc trực thẳng thừng và ý chí kiên quyết quật cường của cô. Tuy nhiên khi thấy sai, nhất là cái sai cơ bản, thì tui phải góp ý.

BTMH không có lập luận thuyết phục cho nên đã (1) đánh lạc hướng dư luận qua những vấn đề khác không ăn nhập; (2) tiểu tiết hóa và tầm thường hóa biểu tượng dân tộc/lá cờ; (3) diễn trích cầu chứng kiểu “có uy tín thì là đúng”; (4) “hệ quả tốt thì là đúng”. Dưới đây là ví dụ cụ thể về những ngụy biện đó:

  1. Đánh lạc hướng dư luận qua những vấn đề khác không ăn nhập: BTMH đã đưa vấn đề sang chuyện những người lạm dụng cờ vàng trục lợi cá nhân hoặc những kẻ sử dụng cờ nhưng không tôn trọng cờ, cũng như “đấu tranh theo màu cờ sắc áo”.
  2. Tiểu tiết hóa và tầm thường hóa biểu tượng dân tộc/lá cờ: Cờ lá chuối hay cờ bông lau gì cũng được. Cái quần què cũng không chứ nói gì cờ.
  3. Diễn trích cầu chứng kiểu “có uy tín thì là đúng”: Bùi Hằng nói “BTMH đã trực diện đấu tranh với tà quyền cs”, “đấu tranh bằng sự bất khuất trong lao tù cộng sản khiến cho nhiều kẻ từ tàn độc phải KIÊNG NỂ và quay đầu”, “đấu tranh bằng ĐỐI MẶT chỉ tay vào lũ tà quyền và tất cả những sai phạm của bọn chúng – Khiến chúng phải CÚI ĐẦU” v.v…
  4. Hệ quả tốt thì là đúng”: Bùi Hằng nói “TÔI CHIẾN ĐẤU CHO DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN và khi có dân chủ người dân sẽ có tất cả.”

Những câu phát biểu nói trên tự bản thân nó không có gì sai nhưng nó là công cụ cho ngụy biện vì nó không chứng minh được mảy may nào cho câu nói “cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc”.

Tui viết sì-tá-tớt này không thuần chỉ để cho BTMH, nhưng cho những người có thể còn yếu lòng vì quan hệ cá nhân hoặc lạng quạng bởi những ngụy biện.

Những người hiểu biết, ngay cả thanh thiếu niên sanh sau năm 75, cũng biết công lý là một diễn viên hài và quốc hội là một gánh hát bội. Tất cả đều được đảng csvn dựng lên. Nhà nước cũng chỉ là bộ máy công cụ hành chính (là) để cai trị và áp bức người dân.

CÁI QUẦN QUÈ GÌ CŨNG TỪ ĐẢNG MÀ RA. Mặt trận tổ quốc, công đoàn, hội phụ nữ vân vân và v.v… là những cánh tay nối dài để thọc sâu vào đũng quần của dân hầu phục vụ cho lợi ích của đảng, hay nói chính xác hơn là bộ sậu Ba Đình.

Nhiều người viện cớ là nhà nước Việt Nam được công nhận pháp lý nên lá cờ đó là biểu tượng cho tổ quốc. Mới nghe có vẻ hợp lý vô cùng nhưng họ không nghĩ đến tận gốc rễ của vấn đề.

Cái giẻ rách màu đỏ sao vàng được rước về trong quá trình chuyên chính vô sản phò tàu thành cờ tổ quốc?

Có chăng tổ quốc ở trong chuồng đảng. Không phải là tổ quốc của toàn dân Việt Nam. Không hề có một nhà nước Việt Nam độc lập nằm ngoài bàn tay búa liềm của đảng.

Ngay cả cái “hợp pháp” cũng chưa hẳn là chính danh hoặc là “phải” (Just Because It’s Legal Doesn’t Make It Right!).

Cái cờ đỏ sao vàng là quốc kỳ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được áp đặt lên miền Nam Việt Nam sau khi cưỡng chiếm nước Việt Nam Cộng Hòa. Cả triệu người dân miền Nam không chịu sống trong chế độ độc tài vô nhân dưới lá cờ đó đã vượt biên đi tìm tự do. Họ ra đi vì biết rõ tổ quốc nằm trong chuồng đảng là tổ quốc của bọn buôn dân, bán linh hồn cho quỷ đỏ, bọn nội-thực-dân, và họ phải sống như những người nô lệ dưới ngọn cờ đỏ khát máu đồng bào.

BTMH lại tách bạch cờ búa liềm là cờ đảng, còn cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc. Nghe như là thiệt. Nói thiệt mắc cười.

Cái thằng đảng nó muốn nặn, đẻ ra cái gì thì nó làm. Chứ làm gì có một nhà nước Việt Nam độc lập với đảng của nó đâu? Nó muốn vẽ rồng, vẽ rắn thì chỉ chó nó được sủa, chứ ai được lên tiếng cái gì.

Tui đã thoát ra khỏi cái chuồng nhưng vẫn băn khoăn nghĩ đến tương lai Việt Nam của đảng csvn cầm quyền dưới ngọn cờ đỏ sao vàng.

Yueh Nan 2020 – Chủ tịch Tập Cận Bình đi khảo sát vùng tự trị người Kinh. Người khen ngợi đồng chí Hoàng Hoa Hải, bí thư đặc khu đã làm tròn công tác trong giai đoạn chuyển tiếp đưa Việt Nam về với mẫu quốc Trung Hoa. Trong chuyến thị tra này chủ tịch Tập chính thức thu hồi cờ đỏ sao vàng và chỉ thị toàn quốc treo cờ Trung Quốc mới với năm cánh sao nhỏ. Người không quên nhắc lại quá trình gian khổ mà đồng chí Hồ Quang đã tiên phong đem ngọn cờ Phúc Kiến bản địa xác định chủ quyền và hy sinh cả cuộc đời với sứ mệnh đưa dân tộc Kinh về đoàn tụ cùng gia đình Đại Hán.

Chúng ta đã học thuộc lòng bài học Trọng Thủy – Mị Châu với hơn ngàn năm Bắc thuộc thì lẽ nào lại lú lẫn với phiên bản cờ cs Phúc Kiến – “cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc”.

 © 2017 Vietsoul:21

Nô lệ – Chủ nô

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Triết Học, Việt Nam on 2016/07/05 at 10:05

Slavesdreamof

“Người nô lệ không mơ tới tự do nhưng mộng thành người chủ nô” – “Slaves dream not of freedom but of becoming master.” (Cóp từ fb Quynh-Tram H. Nguyen)

Câu nói này có vẻ cay đắng trái sự thật nhưng đó lại là một thực tế khó chối cãi.

Tại sao?

Chẳng phải khi người nô lệ bị hành hạ thể xác và nhục mạ tinh thần họ không nghĩ đến tự do chăng. Họ chắc hẳn mơ đến cuộc sống tự do trước khi bị làm nô lệ và mong ước cho tương lai có được tự do. Họ phản kháng lại mối tương quan “chủ nô – nô lệ” và muốn phá vỡ nó để được tự do.

Thế nhưng tại sao họ lại không mơ đến tự do?.

Khi người nô lệ bị thuần hóa và không còn nghĩ đến tự do nữa đó là lúc nguời nô lệ chuyển từ nô lệ thể xác đến nô lệ tinh thần. Họ chấp nhận mối quan hệ “chủ – nô” và xem đó là điều hiển nhiên. Điều họ mộng mị là trở thành chủ nô.

Ai là kẻ nô lệ, ai là người tự do? Kẻ thống trị như thế nào?

Thế nào là nô lệ và tự do ra sao?

Những cái chuồng rộng lớn sơn son, treo đèn, sưởi ấm và máng luôn đầy thức ăn vỗ béo có phải là tự do? Khi con vật luôn chúi đầu vào máng thì nó đã chấp nhận là gia súc. Khi con vật tìm cách nhảy ra khỏi chuồng, không màng thức ăn thì nó là thú thiên nhiên mơ được tự do tìm nguồn sống. Khi con vật mong được ổn định trong chuồng thì nó sống “hạnh phúc” cho đến ngày vào lò mổ. Khi con vật nhảy ra khỏi chuồng thì chắc chắn nó phải tranh đấu từng ngày để sinh tồn và đó là sự lựa chọn của tự do.

Người tự do là người phản kháng lại áp bức của kẻ thống trị. Dù ở trong tù hoặc trong mọi tình cảnh nào họ vẫn luôn phản kháng để phá vỡ mối quan hệ “chủ – nô”.

Người ta đã đúc kết được 7 đặc tính chung về kẻ thống trị[1]. Nhà cầm quyền csvn có đầy đủ các đặc tính đó.

  1. Kẻ thống trị cung cấp và tận dụng các nguồn lực bạn tưởng rằng bạn cần để họ điều khiển được bạn. ( chế xin-cho. Chế độ hộ khẩu. Chế độ sở hữu nhà nước.)
  2. Kẻ thống trị tuyên truyền về cái vĩ đại, ưu việt, và luôn độc quyền. Không ai có thể toàn bích như kẻ thống trị. (Thiên đàng XHCN. CNXH siêu việt. Đảng csvn đỉnh cao trí tuệ loài người. Việt Nam anh hùng. Bác Hồ vĩ đại. Đại Bồ Tát HCM. Ông tiên Bác Hồ. Lương tri nhân loi.)
  3. Kẻ thống trị buộc bạn tuân thủ như con lừa và không chấp nhận bị thẩm tra hoặc đặt câu hỏi. (Luật là tao, tao là luật. Xã hội pháp trị. Tự do cái con c.)
  4. Kẻ thống trị dựa vào đường lối sinh hoạt bí mật, dối chối, và che đậy. Kẻ thống trị không bao giờ chịu nhận những sai phạm trước công chúng và không hề giảm các hành vi gây tổn thương. (Văn hóa không từ chức. Cơ cấu nhân sự. Đảng cử dân bầu.)
  5. Kẻ thống trị áp bức khiến bạn ngờ nghĩ rằng bạn sai trái. Bạn là người sai trái và kẻ áp bức không bao giờ nhận phần sai. (Thế lực thù địch.)
  6. Kẻ thống trị luôn phân tâm, chia trí bạn để không còn nghĩ gì về họ làm. (Truyền thông và báo chí chuyên đề hót gơ, chân dài, sao l hàng.)
  7. Kẻ thống trị bẫy mọi người chống đối với nhau. Chúng đánh lệch cái nhìn của bạn để bạn nghĩ chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu thốn. Chúng làm cho bạn nghĩ những ai không giống bạn là một mối đe dọa đến sự an toàn và an sinh của bạn. (thượng đội hạ đạp, cơ cấu nhân sự, bình bầu tân tiến, đội ngũ dư luận viên, bồi bút bưng bô)

Nhìn lại Việt Nam dưới sự cai trị của nhà cầm quyền csvn nội-thực-dân thì chúng ta có thể thấy ngay được hiện tượng này một cách quá rõ ràng. Người dân làm nô lệ cho bọn vua quan dòng họ những tên chóp bu bct và trung ương đảng. Đứng đầu các bộ ngành và quốc hội là bọn cai thầu nô lệ thay mặt đảng để áp đặt (cơ chế và hệ thống) áp bức với người dân.

Qua việc ô nhiễm hủy hoại môi trường sống ở Vũng Áng và các tỉnh miền Trung gây ra bởi Formosa chúng ta thấy gì. Đảng và nhà nước csvn hành xử như một tập đoàn băng đảng. Chúng coi người dân như kẻ nô lệ không phải là chủ nhân của đất nước. Chúng bảo người dân tụi bay đừng có mà léng xéng bàn chuyện nội bộ băng đảng chúng tao vì mọi việc phải là chúng tao dàn xếp với đối tác làm ăn. Chúng bảo người dân đi ra chỗ khác chơi không được bàn chuyện rùm beng trong khi chúng chưa quyết định phương án giải quyết có lợi cho chúng (sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi). Chúng hành hung, trấn áp người dân biểu tình lên tiếng và khủng bố đe dọa họ.

Ai cũng đã biết tỏng thủ phạm là Formosa ngay khi tên giám đốc đối ngoại tuyên bố thẳng là “Phải lựa chọn, muốn bắt tôm cá hay là xây nhà máy thép hiện đại?” thế nhưng băng đảng csvn đã giở trò “cứt trâu để lâu hóa bùn” cho phép Formosa thời gian để phi tang và chuyển từ tội phạm cố tình thành lỗi sơ xuất qua “sự cố mất điện”.

Formosa chỉ là một hiện tượng ngay bây giờ trong mối tương quan “chủ – nô” giữa đảng csvn và người dân. Bô-xit Tây Nguyên, nhà máy giấy ở Hậu Giang, đập thủy điện, nhà máy hạt nhân v.v. là các hiện tượng hôm nay và ngày sau.

Những tay cai thầu nô lệ bắt đầu ong ỏng dàn đồng ca cho rằng nhà nước csvn đã truy tìm nguyên nhân và giải quyết được vấn đề cùng lúc đe dọa người dân lên tiếng như những “thế lực thù địch”.

Mũi dùi chỉa thẳng vào Formosa, thủ phạm trực tiếp tàn phá sinh thái Vũng Áng và biển miền Trung và họ đã cúi đầu nhận tội, dù đã cố tình lấp liếm bằng sơ suất “mất điện”. Nếu thực ra có sơ xuất mà họ thông báo và có biện pháp khắc phục thì chắc chắn ảnh hưởng và tác động đến môi trường chắc phải giảm nhẹ hơn nhiều. Nhưng khả năng họ xả thải vô tội vạ

Mũi dùi lại không trực diện với đảng và nhà cầm quyền csvn: (1) Cho phép xả thải hủy hoại môi trường (2) Không kiểm tra, thanh tra (3) Bao che làm đồng lõa với thủ phạm Formosa từ đầu tới đuôi đưa nguyên nhân cá chết “vì thủy triều đỏ”, “vì tảo nở hoa”, “vì biến đổi khí hậu”, “có thể là do sức ép của âm thanh, sóng, động đất…” và cuối cùng là vì sự cố “mất điện” (4) Lừa bịp người dân bằng những loạt phát ngôn “asen ko độc”, “cá nhiễm phenol vẫn ăn được”, “Hải sản tươi sống ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đều an toàn”, “người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở khu vực Vũng Áng” qua tuyên truyền tổ chức tắm biển, ăn hải sản che đậy mối nguy ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe và đời sống (5) Khuất tất trong định đoạt bồi thường thiệt hại.

Sau hơn 67 năm thuần hóa bằng độc tài chuyên chính cùng với tuyên truyền tẩy não dường như đa số người dân không còn phản kháng lại mối tương quan “chủ – nô” (nô dịch đỏ) giữa đảng csvn và người dân nữa.

Cũng còn một số người với lương tâm và trách nhiệm công dân không chấp nhận mối quan hệ “chủ – nô” và phản kháng lại guồng máy thống trị đó.

“Nước Việt yêu quý của chúng ta rơi vào tình trạng ngày nay, tan hoang, mất độc lập như thế này, bởi vì đảng cầm quyền yếu kém và đầy tội lỗi nhưng lại không bị đào thải, bởi vì người dân vẫn chấp nhận nó, và bởi vì, đa số trí thức vẫn chấp nhận cái đảng ấy. Vì thế, chúng ta đã không thể hòa nhập vào dòng chảy lành mạnh của nhân loại. Và chúng ta đang mất hết mọi thứ, mất đến cả khả năng sinh tồn. Thật đau đớn cho dân tộc Việt. Và nếu nhìn nhận thẳng thắn, thì lỗi lớn thuộc về những người được gọi là trí thức, những người biết cái gì tốt, cái gì xấu, nhưng vẫn chấp nhận cái xấu, không bảo vệ và không ủng hộ và không xây dựng cái tốt.”[2] Nguyễn Thị Từ Huy.

Và còn bao nhiêu người Việt Nam vẫn mơ ước tự do?

© 2016 Vietsoul:21

[1] Letting Go The Language Of Your Oppressor, Angela Savitri

[2] Thư gửi Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thị Từ Huy, RFAVietnam.

Bài liên h:

  1. Nô dịch đỏ
  2. Trí nô ký sinh
  3. Nội thực dân

Sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân – Dương Thu Hương

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2016/03/12 at 18:33

Vốn thích nhạc không lời nhưng đôi khi tôi vẫn nhớ về một câu hát cũ, “Anh ở đầu sông, em cuối sông. Chung nhau dòng nước Vàm Cỏ Đông…” Lãng mạn sao, những cặp tình nhân cùng uống chung một dòng nước. Và hạnh phúc thay những kẻ có thể sống cả đời bên một con sông êm đềm, qua những mùa lúa chín không tiếng súng, những trưa hè có thể nép mình dưới bóng các rặng cây. Nhưng đó là chuyện cổ tích.

Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, cự bất khả tri không chỉ xẩy ra giữa hai nền văn hoá Đông-Tây mà còn xẩy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một dòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới… Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu.

Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.”

Đây là kinh nghiệm của chính tôi.

Năm 1994, tôi sang Pháp lần đầu, được một nhóm “Việt kiều yêu nước” đón tiếp. Có lẽ tên ấy được đặt ra khi nhóm này tham gia vào phong trào chống chiến tranh và người cầm đầu nhóm ấy đã từng là phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ trong các hội nghị đàm phán hưu chiến ở Paris. Khoảng năm 1990, cũng nhóm này đứng lên lấy chữ ký của Việt kiều trí thức ở Mỹ, Đức, Úc và Pháp trong bản kiến nghị yêu cầu nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ. Sau bản kiến nghị ấy, họ bị cấm về nước một thời gian khá dài, thậm chí còn bị gọi là “các phần tử phản động”.

Như thế, phải hiểu là giữa nhóm Việt kiều này với tôi có chung mục đích tranh đấu cho quyền sống của người dân Việt Nam. Có lẽ cũng vì lý do ấy, họ đón tôi, ít nhất đấy là điều tôi nghĩ. Cuộc đón tiếp diễn ra nồng nhiệt, dường như mang mầu sắc bạn hữu. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tôi nhận thấy giữa họ với tôi có rất nhiều điểm bất đồng, đặc biệt là sự nhìn nhận về cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Tôi tự nhủ,
“Người ta sống trên đời, thường tụ thành bè, còn bạn là thứ quý hiếm, nó còn quý hiếm hơn tình yêu vì không có bệ đỡ tình dục. Tình bạn đòi hỏi một sự cảm thông sâu sắc, những phẩm chất tương đồng, và cơ duyên để có thể cùng nhìn về một hướng, cùng đi theo một ngả. Vì lẽ đó, tình bạn không thể có được một cách dễ dãi. Không có thứ tình cảm nào không cần thử thách, cho dù là tình yêu, tình bạn hay tình đồng đội, tất thảy đều cần phải nung qua lửa mới biết vàng thau”.

Nghĩ thế, tôi chọn thái độ im lặng, lảng tránh các cuộc tranh cãi, vì nếu không là bạn, hà tất phí nước bọt để đôi co?

Tôi biết rõ rằng, đối với nhóm Việt kiều này cuộc chiến tranh chống Mỹ là cần thiết, là niềm kiêu hãnh, là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, đó là sự nhầm lẫn lớn nhất trong lịch sử, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất, tàn khốc nhất đã xảy ra trong một tình thế đen trắng lẫn lộn, các khái niệm bị đánh tráo, kẻ tham gia cuộc chiến ở phía Bắc nhầm lẫn do trói buộc bởi ngôn từ, kẻ tham chiến ở phương Nam bị cuốn vào dòng chảy của cuộc Chiến tranh Lạnh, và cả hai bên đều bị đặt vào thế đã rồi.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là bài học đau đớn nhất, nhục nhã nhất cho dân tộc Việt Nam, mà kẻ chịu trách nhiệm không chỉ là người Mỹ mà còn là chính những người lãnh đạo cộng sản phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh ấy, dân tộc Việt tự biến mình thành vật đệm giữa hai toa tầu, là đám lính đánh thuê cho hai hệ thống tư tưởng trái chiều đang tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh. Trong suốt một thập kỷ, nước Việt Nam đã thực sự biến thành cái cối xay thịt khổng lồ nhất trong lịch sử của toàn thể loài người.
Năm 2005, tôi trở lại Pháp.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” chủ động mời tôi đến ăn cơm tối với họ để trao đổi tình hình. Tôi nhận lời. Bữa cơm ấy diễn ra ở một quán ăn thuộc quận 13. Trước khi đến Paris, tôi đã ở Turin (Ý) một tuần. Trong tuần lễ đó, khá nhiều báo Ý đã phỏng vấn tôi và đã đăng bài tức khắc. Một trong số các bài báo ấy, có đề tựa “Mười triệu người chết trong cuộc chiến Việt Nam”.

Trong các cuộc phỏng vấn tại Turin, tôi đã kể lại hai điều:

– Thứ nhất, khi làm người viết thuê cho các ông tướng, tôi được nghe họ nói với nhau: Chúng ta chỉ công bố con số thật sự khi người Mỹ bồi thường chiến tranh. Như thế, con số phía Mỹ đưa ra (khoảng 5 triệu tử vong) lẫn con số chính quyền Việt Nam đưa ra (hai triệu rưỡi) đều là số sai sự thật.

– Thứ hai, chỉ khi đến Turin tôi mới biết lính các nước chết ra sao và nhờ có sự so sánh ấy, tôi mới biết thân phận người lính và người dân Việt Nam đau khổ đến mức nào. Năm 2005, cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Iraq. Báo mỗi ngày đều đăng tin bao nhiêu lính Mỹ, bao nhiêu lính Iraq tử vong. Nếu con số đó chạm tới năm chục đã khiến các nhà báo làm rộn lên, chất vấn tổng thống. Khi số tử vong chạm đến số 100 thì sự căng thẳng trong chính trường đã khiến Nhà Trắng điên đầu. Trong chiến tranh Việt-Mỹ, mỗi lần B52 bay qua, chỉ hai ba phút, dân thường, thanh niên xung phong chết hai trăm, ba bốn trăm, thậm chí nơi đông hơn sáu trăm người nhưng không có một dòng trên báo, không một câu trên đài phát thanh. Không ai hay biết, kể cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Tôi nói với các nhà báo Ý:

“Tới tận năm nay, gần sáu mươi tuổi tôi mới thấm thía sự khác biệt giữa kiếp người. Nhờ đọc báo phương Tây, tôi mới biết là người Mỹ và người Iraq chết như người, chết theo kiểu người. Chúng tôi, những người Việt Nam, chúng tôi chết như kiến, chúng tôi chết như ruồi, chúng tôi chết như lá khô rụng, cái chết của chúng tôi hoà lẫn bùn đen, và tan trong câm lặng.”

Vì ở Turin có những Việt kiều liên hệ chặt chẽ với nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris và gửi báo cho họ nên trong bữa cơm tối hôm ấy, tôi bắt buộc phải bàn cãi với họ về chủ đề chiến tranh Việt-Mỹ. Tôi đã thuật lại cho họ nghe sự tổn thất to lớn của dân tộc khi những người lãnh đạo mắc chứng vĩ cuồng. Rất nhiều trận xảy ra khi lực lượng trinh sát thăm dò địa hình địa vật không kỹ, bộ phận hậu cần chuẩn bị khí tài chưa đủ nhưng cấp chỉ huy ham lập thành tích nên cứ đẩy lính ra chiến trường, kết quả là đại bại. Trong khi ở chiến trường xác lính chết ngập suối, nước không chảy được, chim cắt chim kền kền ăn thịt no đến mức không bay lên nổi, lệnh ở Hà Nội vẫn tiếp tục giục tấn công. May mắn là còn có những vị tướng biết thương dân, thương lính, khóc đỏ mắt, quyết định rút quân và làm báo cáo giả để gỡ tội.

Hồi ấy, tổng tư lệnh của cuộc chiến là Lê Duẩn, đã đưa ra khẩu hiệu:
“Dân tộc chúng ta là dân tộc anh hùng, chỉ có thắng không có thua.
Quân đội chúng ta là quân đội anh hùng, chỉ có tiến không có lùi.”
Điều đó có nghĩa: Chỉ tiến công, không phòng thủ!

Xưa nay, trong lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc, bao giờ chúng ta cũng lùi về rừng núi để chờ thời gian mài mòn lòng kiêu ngạo lẫn ý chí quân địch, cũng là để khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt quật ngã chúng, cũng là để củng cố quân đội rồi chờ thời cơ thuận lợi mới huy động binh lính và dân chúng tổng tấn công. Khẩu hiệu của ông Lê Duẩn đưa ra là một sự sáng tạo thuần tuý, một ý thơ bay bổng, xuất phát từ tham vọng và lòng kiêu mạn cộng sản. Nhưng thơ phú là thứ chỉ để ngâm ngợi khi gió mát trăng thanh, thơ mà trà trộn với chiến tranh nó biến thành núi xương sông máu.

Đám tướng lĩnh không dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng đều hiểu ngầm rằng lãnh tụ của họ là một kẻ vĩ cuồng.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris nghe tôi nói xong thì hai nhân vật chủ chốt phản ứng dữ dội. Ông X bảo:

– Mục tiêu biện minh cho phương pháp. Muốn thắng cuộc trong chiến tranh thì phải chấp nhận tất cả.

Ông Y phản ứng với con số Mười triệu:
– Con số đó không thật. Ở nước Pháp chúng tôi có các biện pháp khoa học về dân số để chứng mình là con số ấy sai. Làm sao chị có thể nghe theo mấy thằng tướng ngu ấy được?

Tôi im lặng không đáp. Nhưng hôm sau, tôi có nhờ ông Phan Huy Đường, lúc đó còn dịch sách của tôi, nói lại với ông Y:

– Nhờ Đường nói với ông bạn của Đường là về Việt Nam chớ mở mồm mà bảo mấy ông tướng là ngu. Bởi vì, rất nhiều hạ sĩ quan thời đó (trung uý, đại uý, thiếu tá…) biết rõ rằng sinh mạng họ được bảo tồn là nhờ những ông tướng thực sự thương lính và không ham thành tích như tướng Vũ Lăng. Bây giờ, nếu không giải ngũ họ cũng đã leo lên đại tá hoặc thiếu tướng. Nếu ông Y mở mồm bảo tướng của họ là thằng ngu hẳn họ sẽ cho một báng súng vào đầu, hiền hoà nhất họ cũng khạc vào mặt.

Đấy là phản ứng duy nhất của tôi. Trong thâm tâm, tôi quyết định chia tay.

Tôi nghĩ, đám người này cần cuộc chiến tranh chống Mỹ như người đàn bà cần son phấn. Giữa họ với ta chẳng còn điều gì đáng nói. Một cuộc chia tay vĩnh viễn là điều hợp lý hơn cả. Không cần kiệt xuất thông minh, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ thấy ngay rằng cộng đồng người Việt ở nước Pháp là một cộng đồng không bản sắc, sống co cụm, một bầy thỏ ngoan ngoãn đối với chính quyền. Họ không gây ra các vụ lộn xộn như người da đen và người Arab theo đạo Hồi, nhưng họ cũng chẳng có tiếng nói, chẳng có một gương mặt nào trên các diễn đàn quyền lực. Vì bản chất nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó nên họ thành công ở mức trung bình, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, giáo viên đã là giấc mơ tột đỉnh. Hội nhập vào xã hội Pháp chưa lâu, sự tự tin vào bản thân chưa đủ, họ lại bị ám ảnh bởi thân phận lớp người Việt Nam nhập cư trước họ, những người lính thợ bị thực dân cưỡng bức rời quê hương sang Pháp phục vụ tại một số nhà máy làm thuốc súng để thay thế cho các công nhân Pháp ra chiến trường.

Năm 1937, để dự phòng chiến tranh, bộ trưởng Bộ Thuộc Địa và Quân Đội (ministre de la Colonie et de la Défense) Georges Mandel dự tính tuyển 80.000 người Đông Dương. Tháng 6 năm 1940 đám thanh niên Việt Nam được dẫn đến hải cảng Pháp gồm: 10.750 người trung kỳ, 7.000 người miền Bắc, 2.000 người miền nam. Đám lính thợ này đã bị đối xử như những con vật, bị dồn vào sống trong những khu nhà tồi tàn, không điện và thiếu nước, không nơi vệ sinh, không lò sưởi và thức ăn không đủ nửa khẩu phần. Mùa đông, những kẻ khốn khổ ngủ trên sàn, đại tiểu tiện ngay bên ngoài cửa, người nọ dẫm vào phân người kia. Đói khát, họ phải đào rễ củ và hái rau dại về ăn. Cái sự thật tàn nhẫn này bị vùi trong câm lặng. Cho đến đầu thế kỷ XXI, mới có vài nhà báo Pháp lên tiếng. Sau đó, Bernard Kouchner, vốn là một ngôi sao cánh tả nhưng sau thất bại của Ségolen Royal trong cuộc tranh cử 2007, đã nhận lời làm bộ trưởng bộ ngoại giao cho chính phủ Sarkozy mới chính thức lên tiếng xin lỗi vì: “Nước Pháp đã đối xử với những người lính thợ Việt Nam như đối với súc vật.”

Trong thực tiễn, nước Pháp đã đối xử với đám lính thợ Việt Nam còn tệ hơn súc vật bởi khi cưỡng chế thanh niên Việt Nam sang Pháp, họ dồn đám người này xuống hầm tầu còn tầng trên, thoáng mát hơn thì để dành cho… những con bò. Cái kinh nghiệm tồi tệ ấy được cấy trong tim như một quá khứ sầu thảm, cộng đồng người Việt không thể tránh khỏi mặc cảm của những kẻ vừa là dân nhập cư, vừa mang nhãn hiệu “Được lôi ra từ vùng đất thuộc địa”. Thế nên, cuộc sống tinh thần của họ dường như đột ngột khởi sắc, bừng bừng ánh sáng khi cuộc chiến tranh Việt-Mỹ xẩy ra. Tại sao?

Dễ hiểu thôi, tinh thần “Bài Mỹ” là chất xi-măng gắn kết một số đông quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa nhưng ngay cả các nước phương Tây. Hành vi của nước Mỹ không chỉ gợi lên lòng căm thù nhưng kèm theo đó cả sự sợ hãi. Nếu có tiền lệ một nước nhược tiểu bị Mỹ chà nát thì sẽ đến lượt các nước khác theo thành ngữ, “Không bao giờ có lần thứ nhất, lần thứ hai mà lại không có lần thứ ba”.

Vả chăng, về mặt lý, cuộc chiến này không thể biện minh, “Không một người Việt Nam nào mang bom sang giết người Mỹ.”

Dù cộng sản hay không cộng sản thì sự thực là không có một người Việt Nam nào cầm dao hoặc cầm súng sang tận nước Mỹ để giết một người Mỹ, hoặc ngay đến một con bò trong trang trại Mỹ cũng không.

Vì thế, lương tâm nước Mỹ phải thức tỉnh. Các vụ biểu tình phản đối chiến tranh trước toà Nhà Trắng của Mỹ điệp với các cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ tại các nước khác. Tiếng hát và ngọn lửa tự thiêu của trí thức Mỹ đốt nóng cả châu Mỹ La-tinh và châu Âu.

Vào thời điểm ấy, người Việt Nam nhập cư chống chiến tranh được hưởng một sự ưu đãi vô tiền khoáng hậu. Đi đến đâu họ cũng được thăm hỏi, giúp đỡ, được coi là người của “một dân tộc anh hùng”. Và, trên các diễn đàn chống chiến tranh, đại diện của “tổ chức Việt kiều yêu nước” được xuất hiện bên cạnh những nhân vật quan trọng bản xứ mà nếu không nhờ ân sủng của cuộc chiến này, không bao giờ họ có cơ hội và có tư thế tiếp xúc. Để ví von, có thể nói rằng: Những con chim vốn nép mình trong bóng tối nhờ ánh đạn lửa mà được nhô đầu ra và há mỏ cất tiếng kêu.

Thế nên, họ cần cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Lòng ích kỷ, cái kiêu ngã của con người quả là vô giới hạn. Những kẻ sống ở một phương trời, cần máu đồng bào phải đổ ở một phương trời khác để tô điểm cho cuộc sống tinh thần của chính mình.

Chiến tranh thật đẹp khi nó được tạo bằng máu xương kẻ khác!

Từ đây, tôi nghi ngờ hai từ “yêu nước”. Phía sau danh từ này có vô vàn tâm trạng, có vô số động cơ, hoặc xác thực, hoặc ngầm ẩn, hoặc có ý thức, hoặc vô thức.

Danh từ nào cũng lập lờ và cũng có khả năng phản lại nghĩa chính thống.

Như thế, giữa người Việt với người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông vô hình. Chắc chắn cũng còn khá lâu mới bắc được cầu qua những con sông ấy.

Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Khổ nạn Thuyền nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối. Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp. Sự đời vốn đổi thay như các lớp tuồng. Điều khốn khổ cho người Việt Nam là dường như họ chỉ được biết đến trong các tình huống đau khổ. Kể từ khi làn sóng “Thuyền nhân” dịu đi, Việt Nam gần như chẳng còn gì để nhớ. Cứ nghe đài phương Tây thì biết, người ta chỉ nhắc tới hai từ Việt Nam khi nhắc tới cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, bởi rất nhiều trí thức phương Tây, đặc biệt là các văn nghệ sĩ đã tham gia vào phong trào chống chiến tranh và tuổi trẻ của họ gắn bó với những kỷ niệm của một thời sôi động. Tuy nhiên, ngay cả những người kiên nhẫn nhất và hiểu biết Việt Nam nhiều nhất cũng chưa dám quả quyết rằng họ nắm được sự thực về cuộc chiến tranh này. Điều đó, quá khó khăn.

Một lần, một nhà văn Pháp hỏi tôi:
– Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?
Tôi đáp:
– Một nửa là thói quen của hàng ngàn năm chống xâm lược. Nửa kia là sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân.
Anh bạn chưng hửng:
– Mày không đùa đấy chứ? Ai có thể tin nổi một thứ lý thuyết quái gở như thế.
Tôi cười:
– Rất nhiều thứ quái gở ở phương Tây lại là sự thực đơn giản ở phương Đông. Và ngược lại.
Bây giờ, tôi xin giải thích “thứ lý thuyết quái gở” này.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ được đảng cộng sản phát động với lời tuyên bố: Đánh đuổi quân xâm lược Mỹ.

Năm 1964, tôi mười bẩy tuổi. Vào tuổi ấy, tất thảy thanh niên ở miền Bắc không có quyền nghe đài nước ngoài, không có ti-vi, không có máy quay đĩa, không có bất cứ nguồn thông tin nào ngoài báo chí cộng sản và đài phát thanh trung ương. Lần đầu tiên, tôi được nghe những bài hát nước ngoài là năm tôi mười sáu tuổi. Mùa hè năm 1963, anh họ tôi là phiên dịch tiếng Nga dẫn tôi cùng đứa em trai đến nhà ông chuyên gia mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Hà Nội. Ông bà ấy đón tiếp rất tử tế, ngoài việc chiêu đãi bánh ngọt và nước trà chanh, còn mở máy quay đĩa cho chúng tôi nghe. Cảm giác của tôi lúc đó là choáng váng, như muốn chết. Đó là cảm giác thật sự khi con người lạc vào một thế giới mà họ vừa cảm thấy ngây ngất vừa cảm thấy như ngạt thở. Đĩa nhạc đó là của Roberto… (không nhớ họ), một giọng ca Ý tuyệt diệu nhưng chết trẻ. Những bài hát tôi nghe là các bài nổi tiếng cổ truyền: Ave Maria, Santa Lucia, Paloma, Sérénade, Histoire d’amour, Besame Mucho…

Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng, thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm.

Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.

Với lũ trẻ là chúng tôi thời ấy, danh từ Xâm lăng dùng để chỉ: quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và bây giờ là quân Mỹ. Danh từ ấy đồng nghĩa với Tô Định, Mã Viện, Thoát Hoan… Tóm lại, Mỹ là lũ giặc phương Bắc nhưng mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng.

Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông.

Bởi vì, tổ tiên chúng tôi đã quen chết hàng ngàn năm để chống lại những kẻ thù mạnh hơn họ bội phần, chúng tôi cũng sẵn sàng ra chiến trường chống quân xâm lược Mỹ theo đúng cách thức ấy.

Đó là lý do tôi nói, “sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân”.

© Dương Thu Hương

Bốn mươi năm: Chưa hết tháng Tư

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2015/04/26 at 21:34

Cái rìu thì quên nhưng thân cây luôn nhớ[1]

Ngạn ngữ Phi Châu

 

… những ý nghĩ vụn về bài viết “Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư” [2]

image

Cách đây hai năm tụi tui có đọc bài “Tháng Tư, và bạn và tôi” của bà Nguyễn Thị Hậu viết cho “chúng tôi”, những người thuộc thế hệ “vùng biên” này. Chúng tôi đã viết bài “Tháng tư, nhớ và quên[3] để đáp lời.

Năm nay, 40 năm hậu chiến, lại một cột mốc thời gian để đánh dấu. Cột mốc càng ngày càng dài hơn thì lòng người càng ngày càng quằn quại hơn nữa. Và bốn mươi năm sau chưa hết tháng Tư cho người bên ni và người bên nớ.

Tác giả bài “Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư” đã cá nhân hóa sự việc để giảm tầm quan trọng và đưa ra một so sánh khiên cưỡng trật đường rầy.

Nghe thì lọt tai nhưng hoàn toàn sai. Hãy đọc xem:

“Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vẫn không chịu chấp nhận rằng, mình đã “thua” trong một cuộc tình. Vì vậy cứ trách móc, cứ hận thù, cứ giữ mãi trong lòng những đau đớn và rồi nuôi dạy con cái bằng chính những căm hận đớn đau.[4]

Ngày “Thống Nhất” thì lẽ nào lại so sánh khiên cưỡng như một cuộc tình tan vỡ?

Ngày kết hợp hai miền Nam Bắc có thể so sánh như là một cuộc hôn nhân. Nhưng theo cung cách và phương tiện sử dụng để kết hợp hai miền thì có lẽ phải so sánh như là một cuộc cưỡng dâm rồi ép hôn.

Chẳng phải “Bên thắng cuộc” đã từng huyên hoang tuyên bố “Nhà Ngụy ta ở, vợ Ngụy ta lấy, con Ngụy ta sai[5] như thế sao?

Sau một cuộc cưỡng dâm thì thủ phạm có thể quên, nhưng nạn nhân thì bao giờ cũng nhớ. Nó đã ghi vào người trên từng thớ thịt và tế bào. Rồi mỗi khi có một hành vi hoặc ngoại cảnh nào đó tác động thì ký ức lại tràn ngập, chèn ngạt cuộc sống.

Ai thì sao chúng tôi không biết. Chứ riêng chúng tôi thì không có lòng thù hận cá nhân người lính bộ đội hoặc cá nhân những người miền Bắc vào miền Nam công tác. Chỉ đến khi những tên công an phường, công an khu vực, cán bộ phường xách nhiễu, áp đặt chính sách độc tài, áp bức, thù hằn, o ép, nhồi sọ thì họ tạo ra lòng oán hận. Những người này là bộ mặt đại diện cho đảng csvn. Và lòng thù hận đảng csvn được thể hiện trực tiếp qua những khuôn mặt này.

Chúng tôi không phải là nhà chuyên gia tâm lý để có một lời tư vấn cho nạn nhân rằng hãy quên đi, quên đi cái quá khứ chết tiệt ấy. Chắc chắn lời khuyên “quên đi” là câu nói mà nạn nhân không hề mong đợi để nghe.

“Một ông bác sĩ tâm thần người Do Thái nói với bà đồng nghiệp người Việt là ‘chiến tranh đã qua 35 năm rồi mà sao tụi bay vẫn còn nói tới nói lui hoài.’ Chị bạn tôi trả lời ‘chừng nào người Do Thái các ông không còn nhắc nhở đến Holocaust thì chúng tôi sẽ ngừng nói về cuộc chiến Việt Nam’ (when the Jews no longer talk about the Holocaust then we’ll stop talking about the Vietnam War). Một người Mễ đồng nghiệp khác cũng nói tương tự với chị và chị đã trả lời ‘khi nào ông nói với một thân chủ nạn nhân lạm dụng tình dục là hãy câm miệng và lo sống thì lúc đó chúng tôi sẽ không nói đến cộng sản đã đối xử với đồng bào chúng tôi như thế nào’ (until you tell your patient, a victim of sexual abuse, shut up, move on, then we will not talk about what they have done to our people.)”[6]

Khi nào thủ phạm vẫn thoái thác, lắc léo, và chối phăng thì nạn nhân vẫn ghi nhớ và đòi hỏi công lý nêu danh tội phạm. Người Armenia bị tàn sát bởi Đế chế Ottoman nước Thổ Nhĩ Kỳ một trăm năm sau vẫn nhớ và đòi hỏi đích danh.[7] Người Armenia không nề hà gánh nặng cả 100 năm để nêu tên tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm cưỡng dâm vẫn nhởn nhơ khoe khoang thành tích và cùng lúc lại chối phăng tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm vẫn sỉ nhục họ bằng cả lời nói và hành động.

Họ nói “Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, Việt Nam không có ngược đãi đối với mọi người. Bởi vì chính sách lúc ấy của nhà nước Việt Nam là chính sách hòa hợp dân tộc” , “Thế còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi nghĩ đấy là để học cho nó rõ chính sách của nhà nước Việt Nam thời bấy giờ. Chứ không có nghĩa là một chế độ tù đầy.[8]

Còn nữa, chưa hết.

Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?[9]

Riêng lời khuyên “Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này.” thì cũng đúng phần nào.

Lẽ thường thì không ai muốn ôm chặt một quá khứ, nhất là một quá khứ đen tối, đau thương để đắm chìm và chết ngộp vì phải chạm mặt phải sống lại nỗi niềm mất mát đau khổ cả. Tuy nhiên, quá khứ luôn được nhắc nhở tưởng niệm vì người Việt tị nạn hiểu thấm thía rằng nhớ, hận hay giận, tự nó, không phải là tâm lý bất thường bịnh hoạn cho dù xã hội và các luồng lực nỗ lực tuyên truyền, đặc biệt hướng về hòa hợp hòa giải kiểu bỏ rọ, muốn họ tự nghi ngờ và thấy kém kỏi để rồi tin vào như thế.

Hơn thế nữa, gần như đa số người Việt tị nạn lúc nào cũng hướng mắt về nước nhà để “nhìn thấy hiện tại”. Càng nhìn vào hiện tại thì họ lại thấy rõ hơn “tương lai chung của đất nước này”.

Ngoài cái vỏ bọc hào nhoáng, rỗng tuếch của công viên vui chơi, tượng đài hoành tráng, công thự nguy nga xây dựng từ tiền viện trợ, mượn nợ, kiều hối, tài nguyên thì bên trong mục rửa nền giáo dục, văn hóa, môi trường. Thời kỳ đồ đểu lên ngôi[10], thời kỳ con ông cháu cha, con cháu các cụ[11], công tử đảng sắp đặt độc quyền, độc đoán, độc hại làm chủ nhân đất nước.

Càng nhìn thì họ càng thấy không có một tương lai (sáng sủa) nào cho một đất nước trước họa tiêu vong.

Nạn nhân chỉ có thể quên đi và lo sống khi đã giải tỏa được tâm lý, tìm được niềm tin, và nhìn thấy tương lai. Nhưng người Việt luôn cảm thấy thế nào?

  • Không giải tỏa được tâm lý do một mặt nhà cầm quyền csvn tung hê những từ rụng rún “khúc ruột ngàn dặm” trong kiều vận, nhưng mặt khác đảng và nhà cầm quyền csvn vẫn ra rả “ngụy quân”, “ngụy quyền” trên báo chí, trong sách giáo khoa, trong bảo tàng lịch sử “tội ác Mỹ – Ngụy”.
  • Không tìm được niềm tin do những đối xử phân biệt theo chính sách lý lịch[12], hành hung, giam giữ tùy tiện những người hoạt động xã hội dân sự về dân quyền và nhân quyền[13], tiếp tục trù dập các tổ chức tôn giáo từ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo[14] Nguyên thủy cho đến Hội Tin Lành Mennonite[15].
  • Không thấy được tương lai vì dân oan[16] mất đất mất nhà không phương tiện mưu sinh, công nhân bị o ép bóc lột[17], sinh viên học sinh thất nghiệp phải đi làm ô sin, cửu vạn nước ngoài, làm gái mại dâm[18], người dân hết đường sống vì chủ trương chính sách sai trái tùy tiện[19], đất đai tài nguyên khắp nơi đất nước bị thế chấp, cho thuê nhượng vô tội vạ[20].

Bà Nguyễn thị Hậu hỏi: “Còn việc hoà giải giữa những người cùng một nước sao lại không bắt đầu từ mỗi người chúng ta? Không lẽ chống lại người ngoài hay hoà giải với người ngoài dễ dàng hơn làm lành với đồng bào mình?

Câu hỏi này nó lại na ná với một câu phát biểu của ông Nguyễn Thanh Sơn, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?

Phải nói đến bao nhiêu lần để nhà cầm quyền csvn hiểu rằng giữa người dân ba miền và người Việt hải ngoại không cần ai hô hào hòa giải với nhau.

Đã có hàng chục ngàn chuyến bay chở người Việt hải ngoại về Việt Nam hàng năm. Đã có hơn 12 tỷ đô la kiều hối chuyển về bà con quê nhà để giúp đỡ xây dựng cuộc sống của thân nhân. Đã có bao nhiêu tổ chức thiện nguyện vô vị lợi, tổ chức tôn giáo bỏ công bỏ của để xây trường học, thư viện, bệnh xá, cầu đường, chùa chiền, nhà thờ giúp đỡ đồng hương hoạn nạn.

Dù cho đảng csvn có bắt thân nhân của họ và đất nước Việt Nam làm con tin trong cái rọ “Tổ quốc Chủ nghĩa Xã hội” thì người Việt tị nạn hải ngoại vẫn thăm nuôi với tình tự đồng hương và họ hòa hợp với nhau trong tình cảm thiêng liêng đó.

Nhiều gia đình, dòng họ có ông bà, chú bác, con cháu bên hai chiến tuyến đã chia sẻ những mất mát trong cuộc chiến. Thằng Tí thằng Tèo, anh Tám anh Tư, bà Bốn bà Bẩy, chị Hai chị Ba nếu có xích mích thì hàng xóm họ đã tự giải hòa hoặc nhờ người thông giải. Cá nhân họ có xích mích nhau không hòa giải được thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai ngoại trừ đương sự. Chuyện có lớn hơn thì nhờ pháp luật (cái này thì chưa chắc ở VN có sự xét xử công bằng vì luật ngầm phân biệt người “thân nhân tốt”, gia đình cách mạng, quan chức với đám phó thường dân hoặc “Ngụy”).

Nếu muốn nói tới hòa giải dân tộc thì phải nói là hòa giải giữa nhà cầm quyền và khối người dân Việt Nam qua những đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội thông qua những cơ chế và chính sách.

Nhưng Việt Nam là một nước độc tài toàn trị do đảng cộng sản nắm giữ hết quyền lực, và mọi tổ chức hội đoàn đều nằm dưới cái ô dù Mặt Trận Tổ Quốc hoặc là một cơ cấu ngoại vi của đảng. Ngay cả các tổ chức đúng ra là phi chính phủ (Non-Government Organization) cũng do chính phủ thành lập (GONGO – Government organized Non-Government Organizations) [21].

Thế thì nói hòa giải dân tộc trong một chế độ độc tài cộng sản là nói chuyện với đầu gối.

Chỉ có những quyền lực tương xứng thì mới đủ sức đàm phán, thương lượng, để hòa giải với nhau. Chứ như đám dân quèn chúng tôi thì làm gì nói chuyện hòa giải với đảng, nhà nước csvn. Cá nhân chúng tôi có yêu sách thì cũng chỉ làm dân oan “con kiến mà kiện củ khoai” hay lại phải “xin-cho”, “ơn đảng ơn chính phủ”.

Hòa giải qua nghị quyết 36, qua chỉ thị, qua tuyên truyền làm sao bưng bít được bụng dạ một bồ dao găm.

Hòa giải bằng kiểu cả vú lấp miệng em, miệng quan gang thép, sỉ nhục đối tượng!

Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phán: “Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”[22]

Không ai hận thù với đất nước cả ông ơi! Ông đừng đánh đồng “yêu tổ quốc (đất nước) là yêu chủ nghĩa xã hội (đảng cộng sản)” để ngụy biện và mạ lị người Việt hải ngoại.

Làm gì có ai mặc cảm hả ông? Ông chớ tự hào “đỉnh cao trí tuệ” với mặc cảm ếch ao làng để nói lời khinh thường một khối người dân Việt Nam lớn mạnh thành công ở hải ngoại.

Khi nào nhà cầm quyền csvn vẫn tiếp tục chính sách hòa giải hòa hợp kiểu con lợn bỏ vào rọ thì ngay cả những con heo ngu đần cũng phải eng éc bỏ chạy xa và “Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng chạy”.

Muốn hòa giải với toàn dân trong và ngoài nước thì dễ ợt à. Vậy mà đảng ta “đỉnh cao trí tuệ” vẫn một kèn một trống hát khúc “tiến quân ca” trên con đường tới thiên đàng “xã hội chủ nghĩa”.

Thôi thì trên diễn đàn này tui mạo muội đề nghị các bước cụ thể và tích cực để hòa giải các khuynh hướng, nguyện vọng của toàn dân.

  1. Loại bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cho đảng csvn trong chính trường.
  2. Bãi bỏ chế độ đảng cử dân bầu. Tiến hành phổ thông bầu phiếu ở các cấp chính quyền. Bảo đảm cho người dân với mọi xu hướng chính trị thành lập đảng phái tham gia chính quyền.
  3. Chấm dứt chế độ hộ khẩu với kiểm tra hộ khẩu sách nhiễu người dân vi phạm quyền hiến định của công dân.
  4. Chấm dứt chính sách lý lịch đối xử phân biệt.
  5. Chấm dứt việc dùng ngôn từ xúc xiểm đến quân dân cán chính VNCH như “Ngụy”, “Ngụy Quân”, “Ngụy Quyền”.
  6. Phê chuẩn chính sách đối đãi thương phế binh VNCH tương tự thương binh QĐNDVN.
  7. Trùng tu các nghĩa trang quân đội VNCH, nghĩa trang QĐNDVN. Yêu cầu Trung Quốc cải táng tất cả mộ phần binh lính của họ về nước và tái quy hoạch Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Quốc tại Việt Nam thành những công trình phục vụ lợi ích công cộng cho người dân địa phương.
  8. Loại bỏ hết những bài học giáo khoa các cấp từ phổ thông đến đại học xuyên tạc phỉ báng chế độ VNCH.
  9. Loại bỏ môn học chính trị Mác-Lê, Tư Tưởng HCM.
  10. Bảo đảm quân đội và các lực lượng vũ trang độc lập không đảng phái, không chính trị, không làm kinh tế.
  11. Giải thể tổ dân phố, công an khu vực, dân phòng, các hội đoàn phường. Những thành phần chuyên xách nhiễu cư dân.
  12. Giải tán các hội đoàn chuyên môn tổ chức bởi chính quyền, các Tổ chức phi chính phủ do chính quyền thành lập (Government organized Non-government Organization). Bảo đảm cho các hiệp hội thợ thuyền, chuyên môn, tương tế, tôn giáo, sở thích được thành lập và điều hành hoàn toàn độc lập và tự do.

Tụi tui ăn học ít nên chỉ biết vậy thôi. Mời bà con cô bác đề nghị những việc làm cụ thể để có được hòa giải hòa hợp dân tộc.

image

Vì sao đã bốn mươi năm vẫn một tháng Tư?

Chắc chắn không ai muốn vác trên vai một gánh nặng suốt cả trăm năm. Nhưng tại sao người Armenia vẫn sẵn lòng gánh nặng một sự kiện lịch sử 100 năm trước đây? Vì không ai gánh cho họ. Vì họ không muốn quên dù họ có thể quên.

Một khi ký ức mất đi thì dân tộc đó chết theo. Nếu như ký ức được ngụy tạo và bóp méo? Đó là điều tồi tệ nhất. Đó là thảm sát. (Silvanadan, “When memory dies”)

Riêng tụi tui không thể quẳng gánh (nặng) đi và lo sống (cho cá nhân) vì đây là một gánh nặng của dân tộc.

Nên bây giờ bốn mươi năm chưa hết tháng Tư.

© 2015 Vietsoul:21


[1] ‘The axe forgets; the tree remembers.’ – African Proverb

[2]Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư”, Viet-Studies

[3]Tháng tư này, nhớ và quên”, Vietsoul:21

[4] Bài đã dẫn (2)

[5] Phát biểu của Nguyễn Hộ, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM.

[6] Bịt miệng nạn nhân, talawas

[7] Armenian genocide survivors’ stories: ‘My dreams cannot mourn’, the Guardian

[8]Không có ngược đãi sau 30/4”, BBC

[9]Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Tư tưởng hận thù sẽ làm đất nước yếu kém”, Pháp Luật

[10]…ngai vàng cựu TBT Nông Đức Mạnh”, Nhật Báo Văn Hóa. Thăm nhà cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, BBC

[11]Con Cháu Các Cụ Cả’, Người-Việt

[12] 40 năm hỗn danh “ngụy” và những trận đòn thù của ác quỷ!, Dân Làm Báo

[13] CA nện đá vỡ đầu anh Trịnh Anh Tuấn – admin nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, Dân Làm Báo

[14] Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo liên tiếp bị đàn áp, RFA
[15] Tín đồ Tin Lành tại Bình Dương tiếp tục bị sách nhiễu, RFA. Công an, côn đồ, du dãng khủng bố Hội Thánh Tin Lành Mennonite Bến Cát, Youtube
[16] FB Dân Oan Việt Nam

[17] Tại sao công nhân Pou Yuen đình công?, RFA.

Sài Gòn công nhân nhà máy PouYuen đình công ngày 1/4 /2015, Youtube

[18]Mỗi năm, gần 5000 phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Malaysia, Singapore bán dâm”, Thanh Niên. 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm mỗi năm, Đất Việt

[19] Bình Thuận: Dân chặn xe trên quốc lộ 1 và đụng độ với cảnh sát cơ động, Dân Luận. Người dân chặn đường phản đối ô nhiễm, RFA. Dân đổ cá chết phản đối xáng cạp, gây tắc quốc lộ, Tuổi trẻ. Tiểu thương Nha Trang biểu tình, Dân Làm Báo

[20] Vì sao lao động TQ ngang nhiên khai thác quặng trái phép? Vietnamnet. Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép.

[21] Government Organized Non-government Organization (GONGO), wikipedia

[22] Bài đã dẫn (9)

“Tổ quốc trên hết”

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Tạp văn on 2015/04/16 at 23:42

Những ngày tháng Tư cận kề ngày Quốc Hận, Quốc Nạn này sống ở trên đất người làm tôi nhớ về một đất nước chưa từng ngày ấy.

Một đất nước chưa từng vì chia đôi và nửa kia gây chinh chiến tóc tang. Một đất nước chưa từng vì tinh hoa chưa bừng phát đã thắt trắng khăn tang. Một đất nước chưa từng bởi siêu cường phản bội. Một đất nước chưa từng vì nhuộm đỏ độc tài.

Cũng đã khá lâu tôi rồi không còn muốn về quê hương đất tổ dù trong lòng luôn luôn thương nhớ. Nghịch lý nào gieo rắc trong tôi? Số phận nào giáng họa cho tôi?

Mảnh đất khổ chết yểu. Nụ hoa tự do chưa nở hoa kết trái thì giang sơn nhuộm đỏ một màu. Thời kỳ độc tài, thời kỳ nô lệ và bắt đầu kỷ nguyên Bắc thuộc lần thứ Năm?

Mọi sự khởi đầu từ ngày tham gia cách mạng vô sản của cộng sản quốc tế đến nhận nhiệm vụ tiền đồn xã hội chủ nghĩa “Đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô – Trung Quốc”. Để rồi kết cuộc “đổi đời” đầy tớ lên ngôi.

Chế độ nội-thực-dân nô dịch đỏ[1] áp đặt trên toàn cõi Việt Nam, không còn hai miền hai chế độ. Những thái thú lộ dạng nguyên hình thế chấp bán đất, bán biển, bán người, trao thân làm nô lệ.

Ở thời kỳ Bắc thuộc lần thứ Tư “Những người hợp tác với quân Minh được đưa sang Trung Quốc để học hành một thời gian rồi đưa về phục vụ trong bộ máy cai trị tại Giao Chỉ. Điều đó nằm trong chính sách dùng người Việt trị người Việt của nhà Minh.”

Ở kỷ nguyên Bắc thuộc thế kỷ 21 này thì ngoài việc thành viên ban chấp hành trung ương đảng đi chầu[2] thì cán bộ đảng, sĩ quan quân đội, công an, thành đoàn[3] được đưa sang Tàu học hành để trở về cai trị nước Việt.

Cai trị bằng chính sách hộ khẩu rập khuôn của Trung Quốc để “quản lý” người dân. Đó là sợi dây thòng lọng thắt cổ người dân. Nó vi phạm mọi quyền con người và quyền công dân và biến người dân thành người nô lệ mới[4].

Chế độ sở hữu toàn dân đểu cáng lên ngôi, so sánh nào thua thời Bắc thuộc nhà Minh bên Tàu “Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy tham quan cường bạo. Tài nguyên cả nước thành một đống tro tàn.[5] Vũng Áng đã là vũng bán. Bô-xít Tây Nguyên trái bom tấn bùn đỏ[6] lấp chìm cơ nghiệp mưu sinh của nông dân[7] và ô nhiễm môi trường sống của người dân.

“Tổ Quốc Trên Hết” luôn là câu nằm lòng trên chót lưỡi đầu môi của miệng quan trôn trẻ đảng csvn và dư luận viên.

“Tổ Quốc Trên Hết” là khẩu hiệu rỗng tuếch để lấp liếm cho mọi chính sách độc tài, áp bức, nội-thực-dân nô dịch đỏ. “Tổ Quốc Trên Hết” bị đảng bắt cóc làm con tin buộc người dân phải hứng chịu mọi thiệt hại[8], lầm than, và tang tóc bởi chủ trương, chính sách, và luật lệ(nh) lợi đảng, hại dân.

“Tổ Quốc Trên Hết” là cả vú lấp miệng những bất đồng chính kiến đòi hỏi dân chủ tự do.

“Tổ Quốc Trên Hết” thì cớ gì “Còn đảng còn mình”, “Trung với đảng, hiếu với dân”, “Mừng đảng mừng xuân”, “Đảng csvn quang vinh muôn năm”.

Sau 30-4-75 thì nhiều người miền Nam như tôi đã trực giác rờn rợn cái đổi đời của một đất nước “thống nhất” thâu về một cõi. Tổ quốc của tôi đã một cõi (âm) đi về.

Bốn năm trời (1975-1979) đời tôi có đảng (đì) thì hết họp nhóm, họp tổ, học chính trị, học nghị quyết và thấm nhuyền đạo đức cách mạng để trở thành “con người mới”. Đảng thiết kế và rèn luyện con người mới bằng cách cấy bộ óc con lừa. Ban tuyên huấn, tuyên truyền và loa phường ra rả.

Để sống sót tôi học đòi con vẹt.

Tôi học thuộc và lập lại nguyên văn tất cả những lời tuyên giáo, tuyên truyền trả bài tất tần tật như một con vẹt. Họ (muốn) nắm[9] cái đầu nhưng không nắn được bộ não, tư tưởng.

Tôi không biến thành con lừa. Dù họ dạy “đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng”, họ bảo “từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”, và ra rả “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”.

Tôi yêu tự do, không chấp nhận thân phận con lừa nên tìm đường vượt thoát.

Hơn 35 năm sống ở quê người tôi chưa hề phải nghe “Tổ Quốc Trên Hết” ở cái xứ sở này. Chính quyền đương nhiệm và các ứng cử viên dù đảng phái nào cũng chỉ quảng cáo “vì dân” để kiếm phiếu bầu cho họ. Họ dẫn chứng tạo công ăn việc làm, giảm giá cả hàng hóa, nhu yếu phẩm, tiền lời thấp để tăng khả năng tiêu thụ, nâng cao dân sinh và coi “người dân trên hết”. Họ đưa ra chính sách giảm thuế, điều tiết kinh tế, giữ lạm phát thấp để khoan sức dân[10].

Ở xứ tư bản “bóc lột” này thì họ tìm cách cho công nhân có năng suất cao, tạo lợi nhuận thặng dư để kiếm lời. Họ để cho công nhân có tiền xài, mua máy móc, mua xe, mua nhà kích thích tăng trưởng kinh tế vì dân giàu thì nước mạnh. Họ tạo điều kiện sở hữu tư nhân để tích lũy tài sản và đầu tư phát triển.

Ở xứ sở “Tổ Quốc Trên Hết” của xã hội chủ nghĩa Việt Nam siêu việt thì sở hữu toàn dân nên tất cả thâu về một túi. Túi của trung ương đảng csvn và nhà nước (ăn cướp). Họ dùng sở hữu toàn dân để thâu tóm và tẩu tán cái chung để tích lũy tài sản cho riêng tư và nhóm lợi ích. Quan chức lớn nhỏ vùng miền vơ vét. Hết thế chấp đất đai rồi bán rừng, bán đất, bán biển, bán cảng. Hết chặt cây trên rừng thì chặt cây thành phố[11]. Hết đào xới tài nguyên vùng sâu vùng xa thì cưỡng chế[12] ngay thành phố cho gần. Cướp đất cướp nhà “Độc lập tự do nằm co vệ đường”[13] dân lang thang thành người vô sản dân oan[14].

“Tổ Quốc Trên Hết” ắt phải nằm trong Nghị quyết 36 đầy “tình tự dân tộc” cho “khúc ruột ngàn dặm”. Khúc ruột tượng của người Việt hải ngoại trên toàn thế giới mà nhà nước csvn hàng năm đã rút về xấp xỉ 12 tỷ đô la gần bằng 1/10 tổng sản phẩm quốc nội. Thế cho nên “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân được phổ qua nhạc phẩm “Quê Hương” và “cải biến” thêm “nếu không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người[15]. Không nhớ, không (đem tiền) về thì sẽ không lớn nổi thành người!?

Tôi không còn muốn về quê hương đất tổ dù trong lòng luôn luôn thương nhớ. Đó không phải là một nghịch lý. Nào còn một tổ quốc cho người dân Việt trong kỷ nguyên Bắc thuộc mới.

Tổ quốc lê lết. Tổ quốc bê bết. Tổ quốc tế thần.

Tổ quốc trên hết?

© 2015 Vietsoul:21

[1] nội-thực-dânnô dịch đỏ, Vietsoul:21

[2] Vừa đến Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng đã vội vàng ký kết 7 thỏa ước với Tập Cận Bình, blog Dân Làm Báo. Từ không nhân nhượng đến hợp tác bình đẳng, blog Người Buôn Gió. Tuyên bố chung hai nước Việt Nam và Trung Quốc, VNExpress.

[3] Thanh niên là sứ giả thúc đẩy tình hữu nghị Việt – Trung, doanthanhnien.vn

[4] Hộ Khẩu: Một thứ khôi hài, vô lý và ngu ngốc, blog Triết Học Đường Phố

[5] “Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cường bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn.”, Ngô Sĩ Liên

[6] Thủ tướng: ‘Lo ngại về bùn đỏ bô xít đã được giải tỏa’, VNExpress

[7] Lâm Đồng: Nông dân “khóc ròng” vì bùn đỏ đổ về, VTV Cần Thơ

[8] 

Nhân dân Bình Thuận dùng bom xăng “giao lưu” với cảnh sát cơ động tối 15/4/2015

[9] “Nắm, nắm cái con cặc”, Trần Dần

[10] “Khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước.”, Trần Hưng Đạo

[11] Hà Nội không vội… mà sao chặt cây thì nhanh thế? –  Tiếp tục biểu tình chống chặt phá cây xanh tại Hà Nội, blog Dân Làm Báo

[12] CA Hà Nội cướp đất, đàn áp khốc liệt nông dân Dương NộiCA cướp đất, đánh người tàn bạo ở Dương Nội 25/04/2014

[13] “Người Việt gốc me”, RFA

[14] Dân oan Long An nổ bình hàn gió đá, tạt axit làm bị thương lực lượng cưỡng chế thu hồi đất, Dân Luận.
Long An: Dân oan liều chết ném bom xăng, tạt axit chống trả CA cướp đất, Dân Làm Báo

[15] Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Câu cuối của bài Quê Hương không có trong nguyên bản, RFA

Trí trá loài nhai lại

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Tạp văn on 2015/04/11 at 11:57

Hổng biết cắc cớ làm sao mà đầu mùa nạn tháng Tư này tui lại lò mò đọc được quyển sách “tuyển” dành riêng cho giới học thuật với tựa đề “Bốn thập niên qua – Việt Nam, Hoa-kỳ và Di Sản Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai[1].

Khi tui mới đọc chương đầu “Di Sản Biết Trước – Khai quật gốc rễ Việt Nam thời hậu chiến[2] của giáo sư, tiến sĩ Ngô Vĩnh Long thì tui ngã ngửa. Mèn đéc ơi tui tưởng là tui đang đọc tài liệu thuộc ban tuyên huấn của đảng csvn. Tỉnh hồn dậy thì mới biết là tui không phải đang sống ở đầu thập niên 70 trước ngày mất nước mà là bốn thập niên đã qua.

Tui vốn dĩ sinh sau đẻ muộn. Vào ngày 30-4-75 thì tôi chỉ vừa mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi để đi quân dịch và không tham gia vào cuộc chiến. Nghĩa là tui hổng có gì dính dáng đến chính quyền VNCH ngoại trừ được lơn tơn đi học, đi chơi khỏe re trong cuộc sống tự do cho đến ngày mất nước.

Tui thuộc vào diện loi choi, cỡ em út chàng sinh viên VNCH du học Ngô Vĩnh Long. “Giải phóng” vào tui bon chen cũng chui vào đại học được mấy năm hà. Nhưng “tự do là cái con c..”[3], chịu đời hổng thấu nên tui thối lui bỏ chạy. Mà phận đời tỵ nạn cộng sản lo lắng tứ bề thì hổng có ăn học đến nơi đến chốn. So với chàng sinh viên VNCH du học được học bổng tiến thân có bằng tiến sĩ, giáo sư với chữ tài chắc nhỉnh nhỉnh hơn một bồ thì chữ nghĩa của tui chỉ vừa đầy cái lá mít. Trầy vi tróc vẩy lắm thì tôi mới đọc xong hết bài tiểu luận hàn (hàng) lâm (lầm).

Toàn thể bài tập trung vào những năm sau cuối của nền Đệ Nhị Cộng Hòa và là một bản cáo trạng về chính quyền “Thiệu”, Sài Gòn đàn áp thành phần thứ Ba.  Kết luận của bài viết là vì lý do đó mà di sản hậu chiến đồng nghĩa với việc không có một chính quyền hòa hợp dân tộc cho Việt Nam.

Cái kết luận này coi bộ nó hươm hướm vừa đánh vừa xoa theo lời phát biểu của ông Nguyễn Thanh Sơn ca bài con cá hòa giải, hòa hợp. Lũ “đĩ điếm, trộm cướp, ngụy quân, ngụy quyền phản quốc bỏ nước ra đi” giờ đã thành “khúc ruột ngàn dặm” trong “tình tự dân tộc” dưới chiêu bài hòa giải, hòa hợp rồi mà anh Long. Sao anh Long lại lên dây cót trật nhịp dzậy.

Đọc xong tui có cảm tưởng là ông Long này hoặc có mối tư thù với ông Thiệu hoặc có mối thù truyền kiếp với chính quyền VNCH. Toàn bài ông kết tội chính quyền VNCH vi phạm ngừng bắn, đàn áp thành phần thứ Ba, và dồn đẩy Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) ở thế phản công. Ông hăng say “gài khung” định hướng người đọc về “chế độ Thiệu (Kỳ)”, “chính quyền Sài Gòn” tồi tệ, ác ôn và tung hê thành phần thứ ba, MTGPMN tiến bộ vì “hòa bình” và “độc lập”.

Ông Long kết luận như thế này: “Chế độ đã thể hiện bản thân độc tài không chỉ trong các biện pháp đàn áp của chính quyền trung ương mà còn bởi sự lạm quyền sâu rộng trong tất cả các lãnh vực xã hội. Một phần nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bại hoại này là do trật khớp, phân cực, và đàn áp các phong trào xã hội và chính trị nêu trong chương này. Nếu việc đàn áp lực lượng Thành phần thứ Ba không xảy ra vào năm 1973-1975, di sản chính trị của chiến tranh có thể đã khác cho Việt Nam thời hậu chiến.”[4]

Tui không thích màu mè, hoa lá cành, mà cũng không cần phải tế nhị hay lịch sự để nói thẳng rằng bài viết chứa đầy những dối trá trắng trợn vô liêm sĩ. Ông GS, TS này chắc hẳn tin tưởng chắc nịch rằng chẳng có thằng thường dân VNCH nào rờ được vào quyển sách hàn lâm này, hoặc giả rằng có thì cũng không đủ ngôn ngữ, kiến thức, và tài liệu để phản bác những dối trá đầy rẫy trong bài tiểu luận.

Kinh nghiệm bản thân sống 17 năm thanh xuân dưới thời VNCH và (mới sương sương) bốn năm đời tui có đảng (đì) sau 1975 đã cho tui trải nghiệm những sự thật hoàn toàn trái ngược với những gì trong chương.

Ông viện dẫn, “Lực lượng quân đội địa phương bao gồm Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, và Nhân Dân Tự Vệ. Hai nhóm đầu là lính toàn thời gian được tổ chức thành tiểu đội, trung đội dưới sự kiểm soát của Quận và Tỉnh. Nhóm thứ ba là lính bán thời gian, đúng ra nằm trong lứa tuổi 15 đến 18 hoặc lớn hơn 43 tuổi, hoạt động trong làng xã. Trong thực tế bất cứ ai có thể cầm súng đều được bắt vào Nhân Dân Tự Vệ.”[5]

Trong làng xã của tui và mấy lũ bạn từ vùng quê đến tỉnh tui chưa thấy đứa nào dưới tuổi vị thành niên bị bắt vào Nhân Dân Tự Vệ như ông nói. Ông nói cho dân Mỹ ở xứ Huê-kỳ này hổng biết gì thì nó mới tin. Chứ lũ nhỏ miền Nam tụi tui sống tự do, ăn chơi học hành cho đến ngày mất nước. Làm gì có ai buộc phải cầm súng như bọn MTGPMN bắt trẻ em vị thành niên cầm súng giết dân. Hình ảnh, tên tuổi tui trưng cho ông coi nè[6]. Ông suy bụng ta ra bụng người.

1973 – Two teenage Viet Cong soldiers at camp near Cai Lay, one carrying a captured U.S. automatic weapon (Hai lính trẻ em VC tại vùng đóng quân gần Cai Lậy, một em mang súng tự động HK tịch thu.

Hai trẻ em đặc công khủng bố cs bị bắt tại Đà Nẵng năm 1972

Ông lại còn đổi trắng thành đen buộc tội ông Thiệu (VNCH) bắt người dân tản cư ra khỏi vùng cộng sản tấn công và không cho người dân trở lại nơi cộng sản chiếm đóng (vùng “giải phóng” theo từ ngữ tả cảnh hoa lá cành của cánh tả).

Besides generating new refugees, the Thieu regime forcibly relocated refugees from one province to another. On 22 March 1973, the New York Times reported a disclosure by the RVN regime that it had begun moving 100,000 of a planned 600,000 persons from the central provinces into areas directly north of Saigon.

Má ơi, má sống dậy nói chuyện với thằng ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản này cho con. Dưng không mà người ta chạy ra khỏi vùng Việt Cộng và VNCH phải tái định cư họ ở nơi an lành hở. Sau mùa hè đỏ lửa 1972, cộng quân đánh phá miền Trung làm bao nhiêu người dân tan hoang cửa nhà trong cơn loạn lạc. Chạy giặc. Giặc cộng.

Nhà tui ở dọc đường Quốc Lộ số 1 ở miền Trung nên hể cứ có chiến trận là bà con lục tục, gồng gánh chạy nạn cộng sản đi qua hà rầm. Mà luôn luôn là vì quân cộng sản hết “tổng tấn công” rồi “tổng nổi dậy” làm dân sợ phải chạy về vùng tự do, vùng có quân VNCH bảo vệ. Dù còn nhỏ nhưng Má tui cũng dẫn tui đi cứu trợ nạn nhân cộng sản rồi cưu mang cho những người bỏ ruộng, bỏ nhà dưới quê về thị xã ở cho an toàn. Tui chưa thấy có ai đi về vùng “giải phóng” tránh quân VNCH. Ngay cả bản thân tui cũng chạy nạn cộng sản hai lần, mùa hè đỏ lửa 1972 và mùa xuân quốc hận 1975.

danangchaygiac

Dân chúng thành phố Đà nẳng chạy nạn Cộng Sản khi miền Trung thất thủ đầu năm 1975.

Người dân trốn chạy CS từ Huế vào Đà Nẵng trên tàu Trường Thanh

Chạy bộ rồi cũng hết đường chạy vì cộng sản đặt mìn giật sập cầu thì đành mướn thuyền chạy dọc biển vào Nam.

Chạy nạn cộng sản miết hết đường sống ở VN thì vượt biển chạy đi nước ngoài.

Ông làm ơn kiếm được người nào chạy từ miền Nam ra Bắc (ngoại trừ kiểu “con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”) tỵ nạn thì kể cho tui nghe chơi nghe ông Long.

Ông Uwe Simon-Netto, người phóng viên chiến trường người Đức lâu năm tại Việt Nam chứng kiến thực tiễn và viết:

Họ không chạy qua sông Bến Hải về miền Bắc và họ cũng không chạy vào vùng được gọi là giải phóng – ‘giải phóng’ bởi việt cộng. Cho đến giờ phút chót, những người tị nạn chạy vào vùng đất đang bị thâu hẹp dần còn lại của chính quyền Sài Gòn; 2 triệu người chạy vào Đà Nẵng. Đường quốc lộ hướng về Sài Gòn chật kín người chạy nạn làm cản trở cả cuộc tiến công của quân Bắc Việt, và đến hồi kết cuộc thì ‘thuyền nhân’ một số lớn không những bỏ chạy từ miền Nam nhưng từ các cảng miền Bắc nữa. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại có cuộc lưu đày khổng lồ như thế – thời Tàu thời Pháp đô hộ và thời Mỹ. Thế mà họ gọi là giải phóng? Lúc đó tôi ngờ ngợ nhưng bây giờ thì tin chắc rằng lý lẽ đã tử nạn trong cuộc chiến. Và ngay cả trung thực trí tuệ cũng bị sát hại.”[7].

Ông có bao giờ phải chạy giặc không và có chút trung thực trí tuệ[8] nào hay chỉ nhởn nhơ ở Hoa Kỳ đọc tin làm báo cáo láo? Vì ông vẫn chưa tiêu hóa hết cái cặn bã dối trá thời 70 nên đến giờ này đem ra nhai lại?

Rồi ông còn đổ thừa là Mỹ tăng viện trợ kinh tế để biện minh cho vi phạm ngừng bắn bởi quân chính quy miền Bắc và quân MTGPMN. Thì là mà họ bị “buộc” phải tấn công.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CMLT) xem hành động của Quốc hội Hoa Kỳ (gia tăng viện trợ kinh tế cho miền Nam Việt Nam, 450 triệu USD cho ngân sách 1975, 100 triệu hơn năm 1974) như là một cam kết mới cho chính quyền VNCH. Để đáp trả, quân đội CMLT gia tăng phản công chống lại lập trường quân sự hiếu chiến của Thiệu, và đến đầu tháng Hai năm 1975, tám quận và một tỉnh (Phước Long) rơi vào tay CMLT.”[9]

Ai cũng rõ cái chiến thuật “vừa đánh, vừa đàm”[10] của cs miền Bắc. Đàm cho có, đánh cho được.

Ông còn chạy tội cho quân xâm lược CS Bắc Việt cùng quân MTGPMN “phản công” và buộc tội quân đội VNCH “tấn công”? Ai vi phạm lệnh ngừng bắn tết Mậu Thân, ai vi phạm hiệp định Paris gia tăng vận chuyển chiến cụ vào miền Nam? Ai đem tăng T54, tàu tên lửa[11], pháo 122, 130 li, B40, AK47 vào Nam?

Kinh nghiệm bản thân tôi thì tôi rõ ràng. Nhưng nói chuyện với giới hàn lâm mà không trích dẫn thì má nó khi (dễ), và bị gạt bỏ là không có bằng chứng. Thời đại in-tờ-nét bây giờ thì những thường dân i-tờ như tui cũng không khó nhọc gì tìm ra nguồn trích dẫn. Chắc là trời cao run rủi hay sao mà tui lại tìm được bài báo phân tích nguồn trích dẫn (hay nói đúng hơn là lời thú tội) từ ngay miệng kẻ sát nhân[12].

Ông hoài niệm ngây thơ cụ “mãi mãi tuổi 20” với cái thành phần thứ Ba với cái ảo tưởng rằng nó tựa như một thực thể chính trị có quyền lực và khả năng làm cái kiềng ba chân cho miền Nam Việt Nam. Hang ổ rắn cộng sản miền Bắc đã mưu mô đẻ ra cái bình phong MTGPMN và thâm nhập, giật dây thành phần thứ Ba cho giấc mộng cưỡng chiếm miền Nam rõ ràng trong các tài liệu lịch sử của đảng csvn. Thực tế đã tạt gáo nước lạnh vào mặt và tát vào má của cả miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà ông vẫn còn giả ngơ, làm lơ, phớt lờ sự thật.

Chỉ có những người thiếu trung thực trí tuệ tối thiểu mới sử sự như vậy. Họ là những kẻ trí trá tri thức[13], dùng hào quang “trí thức” để bao biện, bịp bợm cho khuyết điểm sai lầm của họ.

Không ít những thành phần cánh tả Tây phương bừng tỉnh từ cái tát vào mặt sau ngày 30 tháng 4 khi họ hiểu được bản chất của bọn cầm quyền csvn. Joan Baez, người nghệ sĩ cánh tả nhận sai khi biết mình sai và quay lại 180 độ với csvn. Baez đã ra tối hậu thư cho Đại Sứ LHQ của Việt Nam trước khi đăng thư ngỏ lên án chính quyền csvn bất nhân giam cầm, hành hạ cựu quân nhân VNCH và các nhà bất đồng chính kiến[14]. Baez cũng vận động với Tổng thống Carter đương thời cho hạm đội 6 cứu vớt thuyền nhân lênh đênh trên biển cả[15]. Còn kẻ trí trá tri thức như ông thì không nghe, không nhìn, không nói.

Ông phát biểu về thành phần thứ ba thời hậu chiến “Khi Mặt trận giải phóng đánh chiếm miền Nam, thì thành phần thứ ba này cũng bị dẹp luôn.[16]

Coi bộ cái trí trá tri thức, não trạng phẳng của ông không bao giờ đi trật đường rầy nên ông tỉnh queo, làm ngơ, phớt lờ rằng cột trụ cho cuộc chiến tranh đánh chiếm miền Nam là chính quyền Hà Nội, là quân chính quy cs miền Bắc. Sau hiệp định Paris họ đã chuẩn bị sửa sang đường mòn HCM, xây cất khu hậu cần, đường dẫn xăng dầu, tích trữ vũ khí để tấn công cưỡng chiếm miền Nam.[17] Ai dẹp thành phần thứ ba, ai cho MTGPMN về vườn?

Tui xin được gọi ông giáo sư, tiến sĩ Ngô Vĩnh Long là “ông thần” bởi vì ông đã phán những diễn giải mà ngòi bút phù thủy của ông trở thành câu quá ư chắc nịch đầy dữ kiện làm sự thật dường như không thể chối cãi. Vì chỉ có những người từ “trên trời rơi xuống”, không cần nhìn gương chiếu hậu, không mảy may ngó trước ngó lui mới coi người cõi trần này là những thằng dốt. Và đương nhiên chỉ có “ông thần” mới dám phán những kết luận trời ơi đất hỡi đó.

Nếu tôi nhớ không lầm thì ai đó có nói “lịch sử được viết bởi người chiến thắng”. Lịch sử cũng đã chứng minh rằng lịch sử được viết bởi sử nô phục vụ cho quyền lực đương thời để trở thành chính sử. Và không thiếu những “sự thật” lịch sử được tô hồng bởi người bưng bô.

Theo giới hàn lâm thì bây giờ lịch sử được chia theo ba phương hướng: lịch sử truyền thống, lịch sử xét lại, và dã sử[18]. Bốn thập niên đã qua, một khoảng thời gian đủ để các thành phần cánh tả, các sử gia có thời gian để nhìn lại và nhận xét sự việc một cách khách quan và công bằng hơn cho phe thua cuộc. Keith Taylor, Edward Miller, Nguyễn thị Liên Hằng, Pierre Assalin, v.v… là một số sử gia bắt đầu quan tâm vào lịch sử xét lại để đưa cái nhìn của họ trung thực hơn về Miền Nam Việt Nam.

Cá nhân những người dân miền Nam Việt Nam vượt biên, vượt biển, nạn nhân cộng sản như chúng tôi đã buộc phải viết lên những trang dã sử[19], lịch sử thuyền nhân vì không ai (muốn) viết cho bên thua cuộc.

Riêng ông Long thì “mãi mãi tuổi hai mươi” trong chân lý “từ đó trong tôi bừng nắng hạ”[20] chẳng cần phải nghĩ lại, hay xét lại làm gì cho nó lăn tăn cái lương tâm.

Lúc tui học tiểu học thì được dạy rằng con bò thuộc về loại nhai lại với bao tử 4 phòng. Nó nhai lại bởi vì nó không có nhiều răng (hàm trên không có răng cửa và răng nanh), nhưng lại ăn nhanh nên không thể tiêu hóa cỏ vốn dĩ nhiều chất xơ. Khi được nhiều lần tiếp xúc với các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ qua những buổi tham luận tại trường đại học Washington với sự tham dự của các gs, ts Hoa-kỳ, Việt Nam, và quốc gia khác thì tôi mới khám phá ra có một loài nhai lại khác.

Đó là những con bò trong giới hàn lâm.

Tuy nhiên con bò thì nó chỉ nhai lại những gì nó ăn vào. Còn loại bò hàn lâm thì khác hẳn ở chỗ là họ nhai đi, nhai lại những gì họ thu thập sau khi được mớm bởi thầy cô trong quá trình làm luận án, cũng như nhai đi nhai lại các “tinh hoa cặn bã” trong công trình của đồng nghiệp, đồng sàng đồng mộng cùng phe (tả) và các trích dẫn nguồn không kiểm chứng.

Ông Long tuyên bố “Tôi là nhà phân tích chính trị độc lập, không bao giờ nói dối, luôn nói thẳng suy nghĩ của mình.” Quả thật là ông không nói dối vì ông chuyên trích dẫn có nguồn (đúng hay sai không cần kiểm chứng). Nhưng ông là tên trí trá tri thức bằng cách giả ngơ, làm lơ, phớt lờ sự thật. Ông không hề nhắc đến ổ rắn độc Hà Nội, làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế, làm nghĩa vụ quốc tế  tiền đồn phe Xã Hội Chủ Nghĩa gây bao xương máu cho nhân dân hai miền Nam Bắc.

Ai đi xâm lược, ai gây chiến ông đà biết rõ.

MTGPMN, CPCMLT, thành phần thứ ba đều là những bình phong và con rối cho cơn sát máu của nhà cầm quyền Hà Nội mà ông tung hê như là những lực lượng độc lập. Ông không chấp nhận việc “TT Hoa Kỳ Nixon tuyên bố tiếp tục công nhận chính quyền VNCH là chính quyền hợp pháp duy nhất của miền Nam Việt Nam và lời phát biểu của ông Nixon công nhận VNCH là ‘chính quyền hợp pháp duy nhất’ gieo hạt mầm cho một cuộc chiến mới[21].

Ông lên án những phát ngôn của chính quyền VNCH thời bấy giờ “Thành phần thứ ba bị giật dây bởi cộng sản”, “Chính sách 4 không: không công nhận kẻ thù, không chính phủ liên hiệp dưới bất cứ ngụy trang nào, không trung lập hóa thiên cộng ở miền Nam Việt Nam, không nhượng bộ đất đai cho cộng sản”.

Tuy nhiên, khi nhìn lại lịch sử thì nó quả thật hoàn toàn đúng không sai một li. Sau khi đồng minh phản bội bán đứng VNCH cho Trung Cộng thì số phận mất nước bắt đầu trang sử nô lệ nội-thực-dân cs trên toàn đất nước Việt Nam.

Ông Long với nhà báo, điệp viên Phạm Xuân Ẩn là “bạn lâu năm”. Ông Thomas Bass, cũng là bạn ông Ẩn, một lần có hỏi là khi chết ông Ẩn sẽ đi về đâu.

Ông Ẩn cười cười nói rằng ông không lên thiên đàng vì khi sống đã nói láo quá nhiều. Mà chắc ông Ẩn cũng không bị đày xuống địa ngục vì nơi đó đã chật đầy các đồng chí cộng sản rồi. Ngay cả khi chết ông Ẩn cũng yêu cầu “đừng chôn tôi gần cộng sản”.

Về chuyện ông Thomas Bass phàn nàn việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam thì ông Long lại biện hộ: “Trước hết, Thomas Bass là người nước ngoài đến phỏng vấn ông Ẩn, thì ông Ẩn đã kiểm duyệt tới 90% những gì ông đã nói với Thomas Bass rồi, thế thì những gì ông đã nói cho Thomas Bass có thể bị thêm người khác kiểm duyệt, ví dụ trong nước không thích thì cắt thêm 2% nội dung cuốn sách nữa, theo tôi, cũng chả có vấn đề gì. Vấn đề tự kiểm duyệt rất quan trọng. Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy thôi, đều có chuyện tự kiểm duyệt.[22]

Ông Ẩn đã chết rồi nên không ai biết là ông ta có tự kiểm duyệt tới 90% hay không, nhưng có lẽ con số đó hoàn toàn ăn khớp với kinh nghiệm bản thân theo lối sống của ông Long. Thế thì “luôn nói thẳng suy nghĩ của mình” chắc không phải là một lời nói thật.

Ông Phạm Xuân Ẩn dù sống đằng sau bức màn tre chế độ độc tài cs (vì đi vượt biên đôi ba lần không được) nhưng cũng dám nói thật dù chỉ qua câu truyện diễu cợt. Còn ông Ngô Vĩnh Long sống ở xứ tự do nhưng lại trí trá tri thức.

Tuổi của ông cũng chỉ còn mười mươi năm nữa. Ông Ngô Vĩnh Long có bao giờ thử tự trả lời câu hỏi của ông Thomas Bass không?

© 2015 Vietsoul:21

[1] “Four Decades On – Vietnam, the United States and the Legacies of the Second Indochina War”, 2013, Duke University Press

[2] Ngô Vĩnh Long, “Legacy Foretold – Excavating the roots of postwar Viet Nam” in “Four Decades On” (Durham: Duke University Press, 2013). Sách đã dẫn, tr. 16-43.

Ngô Vĩnh Long, Member, Board of Science, Tran Nhan Tong Academy. He is a professor of History at Maine College, Orono, Maine, US. Ngô Vĩnh Long thành viên Hội đồng Khoa học Học Viện Trần Nhân Tông. Giáo sư sử học tại Trường Đại Học Maine, thành phố Orono, tiểu bang Maine, Hoa-kỳ.

[3] Từ đũng quần vươn lên…, gocomay’s blog

[4] Sách đã dẫn, tr. 39. “Authoritarianism has manifested itself not only in repressive measures by the central government but also by widespread abuses of power at all levels of society. Some of the roots of this sorry state of affairs go back to the dislocation, the polarization, and the repression of social and political movements outlines in this chapter. Had the repression of the Third Force not occurred from 1973 to 1975, the politcal legacies of the war might have been quite different for postwar Viet Nam.”

[5] Sách đã dẫn, tr. 20-21. “These local military forces, called by American military men ‘Oriental Minutemen,’ were the Regional Forces, Popular Forces, and the Popular Self-Defense Forces (PSDF). The first two groups were full-time soldiers organized into companies and platoons under provincial and district control, respectively. The third group consisted of part-time militia, supposedly boys and men age fifteen to eighteen or older than fourty-three, operating at the sub-district or village level. In reality, anybody who could carry a gun was good enough for the PSDF.”

[6] “Cách mạng” đưa trẻ em vào chỗ chết làm bia đỡ đạn.

[7]The wrong side won”, Uwe Siemon-Netto

[8] Intellectual honesty, “Intellectual honesty is honesty in the acquisition, analysis, and transmission of ideas. A person is being intellectually honest when he or she, knowing the truth, states that truth.

There are disincentives to intellectual honesty. Academics may find themselves pressured to argue for the stances of their benefactors, including governments and private entities that fund grants (in fact, this is trained into them in education, as the same pressures are exerted by teachers and professors upon their students).”

“Trung thực tri thức là trung thực trong việc thâu thập, phân tích, và truyền đạt ý tưởng. Một người được coi là trung thực tri thức khi họ biết sự thật và nói lên sự thật.

Có nhiều bất lợi, phản khích lệ trong trung thực trí tuệ. Giới hàn lâm có thể thấy chính mình bị áp lực để tranh luận cho quan điểm của các nhà bảo trợ họ, bao gồm cả các các tổ chức chính phủ và tư nhân cung cấp ngân khoản tài trợ (trong thực tế, điều này được huấn luyện trong giáo dục với những áp lực tương tự do các giảng viên và giáo sư tạo ảnh hưởng đến học sinh của mình).”

[9] Sách đã dẫn, tr. 36-37. “The PRG evidently interpreted Congress’s action as a renewed commitment to the RVN regime. In answer, the PRG forces increased their counterattacks against Thieu’s aggressive military stance, and by early January 1975, eight districts and a province (Phuoc Long) had fallen into the PRG’s hands.”

[10] “Vừa đánh, vừa đàm”, Tạp chí Cộng sản

[11]3 tàu tên lửa VN trong chiến dịch mùa xuân 1975”, kienthuc.net

[12]40 năm chân tướng xâm lược bị lật ngửa”, Dân Làm Báo

[13] Intellectual dishonesty, “Some intellectual dishonesty can be subtle. For example, relevant facts and information may be purposefully omitted when such things contradict one’s hypothesis, or facts may be presented in a biased manner or twisted to give misleading impressions.”

Trí trá tri thức, “Một số trí trá tri thức rất tinh tế. Ví dụ, những dữ kiện và thông tin đáng kể (liên quan, phù hợp) có thể bị cố tình loại bỏ khi các dữ kiện đó mâu thuẫn, trái nghịch với giả thuyết đưa ra, hoặc sự kiện có thể được trình bày một cách thiên vị hoặc bóp méo để tạo ra ấn tượng sai lệch.”

[14] Joan Baez’s Open Letter to The Socialist Republic of Vietnam

[15] “Chỉ cần có vài ngày để tổ chức buổi hòa nhạc tại Đài tưởng niệm Lincoln vào ngày 19 tháng 7 năm 1979 và xin giấy phép cho cuộc tuần hành. Tôi viết một lá thư cho TT Carter, trao tận tay cho ông, giải thích rằng cuộc tuần hành không phải là biểu tình phản đối, nhưng đúng hơn là biểu dương hậu thuẫn của người dân Hoa Kỳ cho bất cứ nỗ lực nhân đạo của TT để giúp đỡ thuyền nhân. Tôi đề nghị gởi hạm đội 6 giải cứu thuyền nhân và mời ông tham dự buổi hòa nhạc.

Ông không đến nhưng hơn 10,000 người đến tham dự buổi hòa nhạc. Khi buổi hòa nhạc chấm dứt chúng tôi thắp nến đi tuần hành đến nhà Trắng. Chúng tôi cầu nguyện ngay trước cổng nhà Trắng và sau đó tôi trở lại khách sạn. Tôi trở về phòng khách sạn kịp lúc mở máy truyền hình thấy Jimmy Carter bước qua sân cỏ nhà Trắng và nâng người lên ngay giữa phía sau cổng sắt lớn tuyên bố là ông sẽ gởi Hạm đội 6 đến Biển Đông. Tôi gọi điện thoại hỏi ông Tư lệnh Hải Quân rằng có thật vậy không, và ông nói đúng như vậy, tổng thống sẽ gọi cho tôi vào khoảng 9 giờ sáng ngày mai. Tổng thống gọi và chúng tôi chúc mừng nhau cho mọi việc suông sẻ.”

“It took only a few days to plan the concert at the Lincoln Memorial July 19, 1979, and arrange for permits for a march. I wrote a letter to President Carter, which was delivered to him by hand, explaining that the march was not in any way a protest, but rather a show of support from the American people who would back him in any humanitarian effort he made on behalf of the boat people. I suggested sending the Sixth Fleet out on a rescue mission, and then invited him to the concert.

He didn’t come, but the concert was attended by ten thousand people. When it ended, we marched to the White House carrying lit candles. We prayed at the gates, then I went back to the hotel. I got to my room just in time to turn on the television and see Jimmy Carter come out on the White House lawn, hoist himself up on the inside of the great iron fence, and announce that he would send the Sixth Fleet into the South China Sea. I called the navy undersecretary to see if it was true, and he said it was, and that the President would call me the next morning at around nine o’clock. He did and we exchanged mutual congratulations.”, Hồi ký Joan Baez

[16] RFA

[17]Bảo đảm kỹ thuật trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975”, qdnd.vn

[18] Traditional history, revisionist history, and wild history.

[19] Dã sử (một từ ngữ truyền thống Việt Nam và Trung Quốc dành cho lịch sử ngoại biên, không chính thống) là một phương thức tiếp cận lịch sử không dễ dàng trong chu kỳ xét lại-phản xét lại. Theo nguồn gốc và động cơ thì nó đối nghịch với lịch sử chính thống mà quan điểm dân dã (từ dưới lên trên), không chính thức, không được thừa nhận và đạp đổ hoặc (có lẽ quan trọng hơn nữa) không đếm xỉa đến phiên bản chính thức của sự kiện được diễn giải bởi chính quyền.

[20] “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chói qua tim”, hai câu đầu bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu

[21] Sách đã dẫn, tr. 18. “Nixon … announced that the United States would ‘continue to recognize the government of the Republic of Vietnam as the sole legitimate government of South Vietnam.’ … The statement that Nixon recognized the RVN as the ‘sole legitimate government’ in South Vietnam bore the seeds of a new war.”

[22]Muốn hiểu lịch sử, cần phải hiểu những vấn đề kinh tế“, Báo Lao Động online

Nguyễn Hoàng Văn – Khi hệ thống toàn trị tự-cho-mình là giặc

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2014/05/29 at 10:41

Kỷ lục ngàn năm đã bị phá và không phải đợi đến năm này, khi một nhóm cầm-tri-thức[*] hải ngoại ký “thư ngỏ” gởi lên nhà cầm quyền trong nước như một hình thức sớ dâng.[1] Kỷ lục bị phá từ lâu bởi hệ thống toàn trị hiện tại đã qua mặt bất cứ triều đại nào trong lịch sử với những “sớ can” tiếp nối nhau, như sóng, chẳng tài nào nhớ xuể.

Kỷ lục còn được mở ra theo sự dấn thân của giới võ biền. Người xưa có dâng sớ can vua thì, chủ yếu, chỉ là giới quan văn với nhau, từ một Chu Văn An nổi tiếng cho đến những nhân vật chìm hơn như Nguyễn Cảnh Chân, Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ v.v… Bây giờ thì cả những võ quan. Cả Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống đang được gấp rút vỗ béo để bồi vào cái hình hài tàn tạ hom hem của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” trước sức chèn ép của chủ nghĩa Đại Hán. Khi huyền thoại này cũng chen vai vào đội ngũ can vua thì kỷ lục đã được mở ra trên khía cạnh chủng loại và phẩm lượng.[2]

Nhưng kỷ lục còn được mở khi những sóng “sớ” ấy tiếp nối nhau vỗ vào cái bờ không lặng ngắt, im lìm, không một tiếng vọng. Hậu thế có thể dễ dàng trách cứ vua Tự Đức vì cái lỗi đã thủ cựu, đã không chịu canh tân để rồi mất nước nhưng, dẫu sao, so với hệ thống toàn trị, ông vua hay chữ nhất trong lịch sử này cũng đã ưu tư, đã mang những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ ra bàn bạc với triều thần.[3] Hậu thế có thể dễ dàng trách vua Lê Thái Tông chuyện tửu sắc để dẫn đến bi kịch Lệ Chi Viên, bi kịch giữa cá nhân ông cùng bà Nguyễn Thị Lộ rồi một bi kịch còn thê thảm hơn cho của tam tộc nhà Nguyễn Trãi. Thế nhưng, trên khía cạnh này, ít ra vua cũng là người biết chấp nhận lời can, cả những lời xóc óc, chói tai.[4] Còn hệ thống toàn trị hiện tại thì, không kể gì mấy tờ sớ hạng xoàng, cả bầu tâm huyết bộc lộ như hấp hối của “huyền thoại sống” cũng bị vứt vào sọt rác: lời của đại tướng “khai quốc công thần”, xem ra, cũng chẳng khá gì hơn gì lời những trí thức bẽm mép trói gà không chặt, cũng “không đáng một cục phân”.[5]

Và kỷ lục còn được mở ở tính “lão suy” khi, chủ yếu, đội ngũ can vua chỉ quanh quẩn giữa những quan chức hồi hưu, những “lão thành cách mạng” gần đất xa trời. Người xưa có bỏ về hưu như Chu Văn An, là về như một cách trả miếng khi canh bạc giữa “quyền lực tri thức” và “quyền lực chính trị” bị nhà cầm quyền chà đạp, vứt gọn những lời tâm huyết của mình vào sọt rác. Khi lên tiếng can gián những người như thế đã gan góc đem tương lai chính trị, thậm chí cả sinh mạng của mình ra để đặt cược, hoặc là được tất, nhưng là được cho tất cả, cho thế cuộc, cho lợi ích chung, không cho riêng mình; hoặc là mất tất, và chỉ mất những gì thuộc về mình. Hẳn nhiên, trên phương diện cá nhân, những quan chức hồi hưu, những lão thành cách mạng dũng cảm lên tiếng hiện tại vẫn là những nhân cách cao trọng, những con người khả kính thế nhưng, như một hiện tượng xã hội, sự thay đổi trong tư thế đặt cược ở ván bài tri thức – quyền lực này lại thể hiện một sự thoái hoá của lịch sử.[6]

Lịch sử đã thoái hoá khi con người “khôn ngoan” hơn, “chính trị” hơn, ẩn nhẫn đợi đến lúc chẳng còn gì để mất hay, có mất, chỉ mất rất ít. Và khi hành động như thế họ đã chứng tỏ sự thành công của quyền lực toàn trị bởi, không chỉ kiểm soát cái bao tử của từng con người, hệ thống còn kiểm soát việc ấn định những giá trị “bình thường” để biến những hành động “phi thường” như Chu Văn An ngày xưa trở thành “bất bình thường” mà hệ quả là sự hình thành của những thế hệ “tầm thường”.[7] Hệ thống đã thành công rực rỡ khi nhào nặn những lớp lang cán bộ – công chức “tầm thường”, dễ sai khiến và được việc nhưng, như một cơ chế tự vận hành, với tuyệt đại đa số thành viên như thế, hệ thống đã tụt sâu trong sự thoái hoá bởi đã hoàn toàn đánh mất khả năng tự điều chỉnh.

Kể ra, trong lịch sử tồn tại của mình hệ thống cũng đã liên miên “tự điều chỉnh”. Điều chỉnh bằng thủ tục “phê bình và tự phê bình”, chẳng hạn. Điều chỉnh bằng những cuộc thanh trừng khốc liệt gọi là “đấu tranh nội bộ” chẳng hạn. Nhưng thực chất “phê và tự phê”, hay “đấu tranh nội bộ”, chỉ là một thứ chính trị phe phái ở đó một tội phạm tày trời có thể trở nên “trong sạch” và một tâm huyết, một dự án ích nước lợi dân có thể trở thành một âm mưu hay tội ác tày trời. Như thế, càng “tự điều chỉnh” kiểu này bao nhiêu, hệ thống càng tích tụ thương tật và cặn thải bấy nhiêu, tích tụ và dồn nén để thỉnh thoảng bục ra như một nội dung dai dẳng và đau đớn trên vô sớ bài sớ. Một cơ thể lành lặn và mạnh khoẻ mà cố nín nhịn, cố xoá bỏ và nhấn chìm những đau đớn nảy sinh từ nhu cầu loại bỏ chất thải, dù chỉ trong một khoảng khắc ngắn thôi, sẽ phải đối mặt những suy thoái nào đó trong nhận thức.[8] Khi hệ thống dai dẳng cái chủ trương nín nhịn, dai dẳng cái chủ trương trên che đậy thương tật và nhấn chìm cơn đau, từ thập niên này sang thập niên khác, hậu quả sẽ như thế nào?

Tưởng tượng đó như một cơ thể sống thì cơ thể đó đã thực sự “hết thuốc chữa”. Nếu liệt kháng (AIDS) là căn bệnh “hết thuốc” đáng sợ nhất thì, dẫu gì, những cơ thể đánh mất sức đề kháng ấy vẫn có thể tiếp tục đường sống khi duy trì được khả năng trao đổi chất với môi trường bên ngoài. Còn hệ thống thì cũng cố đề kháng để tồn tại. Nhưng càng cố bao nhiêu, nó càng tê liệt hoá khả năng trao đổi chất bấy nhiêu.

Sinh học hay phi sinh học, một “cơ thể” chỉ được xem là “sống” khi duy trì được khả năng trao đổi ấy. Khi chúng ta hô hấp, ấy là chúng ta “trao đổi chất” với khí quyển bên ngoài. Khi chúng ta tiêu hoá và bài tiết, ấy là chúng ta trao đổi những dưỡng chất và tạp chất với môi trường sống bên ngoài. Ngày nào còn duy trì được cơ chế trao đổi ấy, ngày đó sự sống vẫn còn tiếp tục. Và khi khẳng định rằng tương lai dân tộc phải là “xã hội chủ nghĩa” thì, trên phương diện tư tưởng, hệ thống toàn trị đang cố níu kéo sự tồn tại của nó bằng cách “trao đổi chất” với những môi trường đã… chết.[9] Trao đổi với thế giới Marx – Lenin, đã chết. Trao đổi với quá khứ “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” đang chết, đang ngoắc ngoải hấp hối trước sự bành trướng của chủ nghĩa… bành trướng.

Hệ thống, như thế, đang bắt cóc, đang ép buộc tương lai phải trở thành… lịch sử. Nhưng lịch sử chỉ là những gì đã và đang thực sự xảy ra. Và “xã hội chủ nghĩa”, sau những thất bại đau đớn của nhân loại, đã thực sự là quá khứ, là lịch sử. Nó đã là lịch sử sau tám thập niên quằn quại của nhân loại trong thế kỷ 20. Nó, trong những hình thức thô sơ hơn, đã là lịch sử sau những thí nghiệm cay đắng với “Tân pháp” của Vương An Thạch vào thế kỷ mười một, với “Biến pháp” của Vương Mãn vào thế kỷ thứ nhất tại Trung Quốc. Và khi trơ trẽn sử dụng mấy kết hợp từ như “một thời ấu trĩ”, “một thời bao cấp” hay “sai lầm của lịch sử” để phủi tay quá khứ ngu muội của mình thì hệ thống toàn trị đã, trên thực tế, xếp cái “chủ nghĩa” sai lầm ấy vào quá khứ, vào lịch sử. Vừa phủi tay dìm vào quá khứ, xem đó là “sai lầm của lịch sử”; vừa dùng quyền lực công an trị để ấn nó vào tương lai, buộc phải chấp nhận như một dự án “viễn mơ” cho dân tộc, hệ thống hành động có khác nào một con bệnh thần kinh? Nếu những người điên cầm hơi qua ngày bằng cách bươi móc những mẩu bánh thừa từ thùng rác thì, trên phương diện tư tưởng, hệ thống toàn trị chính là kẻ “móc bọc” của lịch sử, đang cố sống bám vào những thứ đang phân hủy trong hố chôn lịch sử.

Chính sự ngột ngạt và bưng bít từ tình trạng chui rúc hố chôn này đã dẫn đến tình trạng “thực dân hoá” và “chảy máu”.

“Thực dân” là bản chất của hệ thống toàn trị.[10] Hình bất thướng trượng phu, lễ bất hạ thứ dân, chính tư thế “trượng phu” độc tài kiêm ăn cướp là đặc điểm của những kẻ thực dân khi áp dụng một thứ luật pháp bề trên cho mình: hình luật chỉ để áp dụng cho dân đen, không thể áp dụng cho kẻ ngồi trên. Dĩ độc trị độc, để sống còn, để ngoi lên trong một hệ thống như thế thì, nếu không thể đập vỡ nó đi, phải xoay xở thành một thứ “thực dân” để có thể hưởng thụ một thứ pháp luật không phải Việt Nam trên đất Việt Nam, giành giật những cơ hội không cho người Việt ngay trên nước Việt. Cho đến nay vẫn chưa có ai thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện nhưng, qua những hiện tượng xã hội đang ồ ạt xảy ra thì, cơ hồ, giấc mơ lớn nhất của đại đa số người Việt hiện tại là thôi… làm người Việt, ít ra là thôi trên phương diện pháp lý. Người khốn khó, muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, đã đành. Kẻ thành công nhất và mãn nguyện nhất cũng tìm mọi cách để, sau khi mang tiền bạc ra ngoài, thủ đắc một visa nước ngoài, sẽ quay lại sống và làm ăn một thứ “đồng bào” bề trên. Hậu quả là tình trạng chảy máu. Chảy máu chất xám. Chảy máu vốn liếng, tiền bạc. Và, thậm chí, chảy máu cả gái đẹp, như một xã hội hoang mang, không tin tưởng vào ngày mai của mình. Nghĩa là một xã hội đang khủng hoảng.

Khủng hoảng như một cơ thể lâm bệnh và hệ thống toàn trị đang ngoắc ngoải bởi căn bệnh không tên với đủ loại triệu chứng có tên. Điếc, thì đang điếc đặc trước những lời kêu gào, những lời cảnh tỉnh hay báo động, như những sớ can chẳng hạn. Đui, thì cũng đang đui, đang loạn thị hay đang “tách rời thực tại” như một con bệnh tâm thần phân liệt khi chỉ thấy “tương lai” trong cái “chủ nghĩa xã hội” chẳng hạn. Và mất trí nhớ thì cũng đang mất để những thực tế nóng hổi cũng trở thành xa xăm, những sai lầm rời rợi của 10 năm, 20 năm trước cũng biến thành “sai lầm của lịch sử”, cứ như là sai lầm của 18 đời vua Hùng hay của An Dương Vương. Điếc, đui, mất trí nhớ v.v.. , nếu cơ thể đã khật khùng nghễnh ngãng đến thế thì phải có gì đó không ổn với nội tạng bên trong. Và nếu “bản chất” của hệ thống là “giai cấp” thì, phải chăng, căn bệnh ấy đã phát sinh ngay trong cái “tính giai cấp” này?

Hệ thống, như một “nhà nước chuyên chính vô sản”, là “vũ khí” mà “giai cấp thống trị” sử dụng để “bảo vệ quyền lợi của mình”.[11] Và hệ thống, như một đảng chính trị, lại là “đội tiền phong của giai cấp công nhân”.[12] Giáo điều đã nói thế. Hiến pháp đã xác định như thế. Thế nhưng, nói theo nhà văn Phạm Thị Hoài, cuộc cách mạng giai cấp mà hệ thống thực hiện là một cuộc cách mạng kỳ lạ, lộn tùng phèo tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã; cuộc cách mạng với tầng lớp có học lãnh đạo bên trên, với đám nông dân đui mù hy sinh ở dưới để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp hoàn toàn xa lạ là… công nhân.[13] Mà công nhân thì, theo ông Trần Văn Giàu trong bộ sử Giai cấp công nhân Việt Nam – Sự hình thành và sự phát triển của nó từ giai cấp cho “Tự mình” đến giai cấp “Cho mình”, dày đến 1,800 trang, lại là thứ giai cấp không ở yên một chỗ, thứ giai cấp đã thăng tiến từ nấc “tự mình” đến nấc “cho mình”.[14]

Nhưng đó là một bộ sử thất bại, đã cũ đến nửa thế kỷ và còn lại chăng chỉ là mấy chữ “tự cho mình”. Hệ thống toàn trị nhân danh quyền lợi giai cấp ấy chính là một hệ thống “tự-cho-mình”: tự cho mình tất cả, tự cho mình cái quyền ngồi xổm lên đầu dân tộc, như một thứ thực dân ngồi trên đầu nhân dân thuộc địa. Bộ sử cố tái hiện lại sự hình thành và phát triển của “giai cấp tiền phong” từ lúc hình thành cho đến lúc nắm chính quyền vào năm 1945 và, trong lời đóng lại khi hoàn tất vào năm 1958, tác giả ước ao rằng sẽ có điều kiện để hoàn bị hơn với những tài liệu mà lúc đó chỉ có ở Paris hay Sài Gòn. Thế nhưng thực tế “thống trị” lại cho thấy một bức tranh khác hẳn nên dù có thể sống, dù có đủ điều kiện đòi hỏi, sử gia công huân của giai cấp vẫn bế tắc, không thể nào bổ sung thêm như đã ước, dù chỉ một trang, một khổ. Sau gần nửa thế kỷ, từ 1958 đến 2003, khi tái bản bộ sử, lời ước 45 năm tuổi vẫn được giữ y nguyên và, do đó, bộ “giai cấp sử” vẫn đứng yên một chỗ sau nửa thế kỷ, đứng yên với tình trạng thiếu tài liệu của thời kỳ bị chia cắt, cô lập và, quan trọng hơn, đứng yên với thời kỳ còn bị chi phối bởi cái tư duy đang bị phủi tay là “một thời ấu trĩ”.

Thất bại của bộ “giai cấp sử” ấy buộc chúng ta phải hướng đến một góc nhìn khác và ở đây, có lẽ, phải là góc nhìn của… phòng the.

Nếu “giai cấp” được nhà xã hội học Đức Max Weber xác định qua những yếu tố như nghề nghiệp, địa vị, quyền lực chính trị; được Karl Marx phẩm định qua những khái niệm như “quan hệ sản xuất”, quyền sở hữu đối với các “tư liệu sản xuất” thì nhà tâm lý – xã hội học Mỹ G. William Domhoff – trong Who Rules America? Power, Politics, & Social Change – lại vận dụng đến ràng buộc hôn nhân.[15]

“Giai cấp”, theo Domhoff, là một thành phần, một nhóm xã hội mà những thành viên có thể thoải mái kết hôn với nhau.

Giai tầng đặc quyền nào cũng nơm nớp bảo vệ cái status quo hiện hữu của mình. Mà để làm như thế thì phải bảo vệ cho bằng được cấu trúc nội bộ của mình qua tính chọn lọc trong công việc truyền giống, kế thừa. Cùng một thành phần xã hội sẽ cùng san sẻ những lợi lộc như nhau, những tiêu chí giá tri như nhau, những mối đe doạ và nỗi sợ như nhau và, như thế, theo bản năng sinh tồn, những cái “như nhau” này sẽ gắn kết các thành viên lại trong quan hệ truyền giống . Đó, thực chất, là một hành động mang tính tự vệ và do đó những hành động xé lẻ với giai tầng cạnh tranh hay thấp hơn sẽ bị lên án như một hành động dị giáo và biện pháp tự vệ này sẽ trở thành … phong tục. Phong tục “môn đăng hộ đối” tại Việt Nam là gì nếu không phải là trò tự vệ của tầng lớp xã hội bên trên? Phong tục tổ chức vũ hội hằng năm của giai tầng quý tộc Âu châu là gì nếu không phải là một hình thức tự vệ khi tạo những cơ hội mối mai tốt nhất cho công việc truyền giống ngay trong giai tầng của mình?

Việc truyền giống cũng ngụ ý nhu cầu sinh lý và, để bảo vệ quyền lợi của mình, ngay từ đầu hệ thống toàn trị đã lém lỉnh khai thác yếu tố này như một vũ khí mà hệ quả đầu tiên là chính sách đa thê “theo yêu cầu của chiến tranh”.[16] Những kẻ thề thốt “sống chiến đấu học tập lao động theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” đã không đủ bản lĩnh để sống theo “tấm gương” của vị chủ tịch mà, theo sách vở tuyên truyền, cả đời không biết thế nào là… nhu cầu sinh lý. Cả một “học trò xuất sắc” là Bí thư xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn lúc ấy, cũng vậy.[17] Như ông vua một vùng, “học trò” này không chỉ tự thưởng cho mình trên khía cạnh chuyện sinh lý mà còn quan tâm đến nhu cầu của từng thuộc cấp, như chuyện ông ta trói chân Nguyễn Bính chẳng hạn. Khi chính quyền thân Pháp sử dụng các phương tiện tâm lý chiến kêu gọi nhà thơ về thành, ông bí thư lo sợ cho viễn cảnh mất đi một công cụ tuyên truyền nên lo lắng vận dụng đến sợi dây trói sinh lý – hôn nhân.[18] Nguồn “cung” là Hội Phụ nữ và, cứ theo hàng loạt hồi ký của các tướng lĩnh cộng sản, hay tài liệu viết về các tướng ấy, từ Tô Ký đến Nguyễn Thế Lâm, Trần Qúy Hai v.v.. tướng nào cũng như tướng nào, cũng được “tổ chức” quan tâm và, qua đó, được “xây dựng” cho một “đồng chí – bạn đời” thích hợp.[19] Như vậy, bên cạnh các nhiệm vụ khác, cái hội này còn đảm nhiệm một vai trò ít biết, ít được thừa nhận nhưng cực kỳ quan trọng là “bảo vệ quyền lợi giai cấp” bằng chuyện sinh lý và truyền giống.

Hôn nhân là chuyện riêng tư và chưa có chế độ chính trị nào trong lịch sử can thiệp sâu rộng vào những việc riêng như thế cả. Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí (Tố Hữu) và hệ thống, thông qua các “cơ quan / đoàn thể’ của mình, sẽ bảo đảm tính “đồng chí” trong quan hệ hôn nhân giữa các thành viên. Để ý đến nhau chăng? Hãy “đăng ký” với “đoàn thể/ cơ quan” và, đến lượt, “đoàn thể/ cơ quan” sẽ vận dụng sức mạnh chính trị để “xây dựng”, một cách cực kỳ nghiêm túc. Xé lẻ để truyền giống với thành phần “phi đồng chí” mà, nói theo ngôn ngữ của hệ thống, là “không đúng đối tượng” chăng? Cũng sẽ là “cơ quan / đoàn thể”. Cũng những nỗ lực đặt ra, cũng cực kỳ nghiêm túc nhưng không phải xây dựng mà hủy hoại: Phi giai cấp bất thành phu phụ, hoặc bảo đảm tính “đồng chí” trong hôn nhân; hoặc sẽ trắc trở, sẽ rắc rối khi bị đào thải như một phản đồ, một thành phần dị giáo.

Nhưng rắc rối không chỉ diễn ra trong mối quan hệ “đồng chí – phi đồng chí” khập khiểng mà còn từ bên trong, giữa đồng chí với đồng chí, như quan niệm hôn nhân của huyền thoại sống Võ Nguyên Giáp chẳng hạn. Quả là một điều tế nhị khi phải viện dẫn những chuyện riêng tư, nhất là khi chuyện riêng ấy lại liên quan đến một người đã khuất nhưng, dẫu sao, đây chính là điều mà người trong cuộc đã giải bày trên mặt báo. Sinh thời, trong một cuộc phỏng vấn, bà Võ Hồng Anh, con gái đầu lòng của Võ Nguyên Giáp, kể lại ngày đưa bạn trai cùng du học tại Nga về ra mắt bố. Và ông bố bộ trưởng lúc ấy đã tỏ vẻ “không đồng ý” bởi chàng trai mà con gái ông gởi gắm tương lai không thuộc về một gia đình “tham gia cách mạng ngay từ đầu”.[20]

Như thế thì, trong tư tưởng ông Giáp lúc đó, như một trong những đại biểu xuất sắc nhất của “đội tiền phong giai cấp”, cái thành phần tinh tuyển của giai cấp tưởng là thuần nhất kia cũng tiềm tàng sự phân hoá “giai cấp” khác, ít ra là “giai cấp tham gia cách mạng từ đầu” và “giai cấp tham gia cách mạng về sau”. Mà đây không phải là trường hợp duy nhất. Ngày 8.9.2011, ngay ngày một “đại biểu xuất sắc” của “đội ngũ tiền phong” khác là Võ Chí Công qua đời, bà Đoàn Võ Kim Ánh, con gái nuôi của ông, đã tỉ tê tâm sự trên mặt báo về mâu thuẫn giữa cha nuôi và mẹ nuôi trong việc “đời người” của cô. Mẹ nuôi thì nhắm đến “con cái những gia đình cách mạng có uy tín” bởi có thế con gái nuôi của bà mới có một “tương lai vững chắc”. Cha nuôi thì nhắm anh lính tín cẩn đã được ông chọn làm người chăm sóc sức khoẻ riêng, kẻ vừa xuất thân trong trong một gia đình “rất cách mạng”, lại vừa có “thần thái” của người sẽ làm việc lớn. Mẹ mâu thuẫn, chiến tranh lạnh với cha chỉ vì sợ con gái sẽ khổ và như thế thì, ở đây, lại có một sự phân hoá giai cấp khác: “giai cấp rất cách mạng” và “giai cấp cách mạng có uy tín”.[21]

Cũng là “đội ngũ tiền phong của giai cấp” với nhau, cũng kề vai nhau chiến đấu cho một xã hội phi giai cấp thế nhưng lại cực kỳ phân chia … giai cấp. “Tham gia cách mạng sớm” và “tham gia cách mạng muộn”. “Cách mạng có uy tín” kèm theo “tương lai vững chắc” và “rất cách mạng” nhưng tương lai mơ hồ. Mức độ thành đạt trong “sự nghiệp cách mạng” đã trở thành một thứ “môn đăng hộ đối” kiểu phong kiến nên những tín lý về một thế giới đại đồng chỉ là một ảo tưởng xa vời. Nói theo George Orwell trong Animal Farm thì “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật thì bình đẳng hơn” và những ẩn dụ của Orwell đã tỏ ra khá đắc địa trong câu chuyện hôn nhân của tầng lớp “tiền phong hơn” này. Trong Animal Farm, bầy heo làm cách mạng xã hội chủ nghĩa chống lại loài người bóc lột đã ngay ngáy ấn định quy chế “bạn – thù” trong hai điều đầu tiên của bảy điều răn. “Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù”, “Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè” trước khi đi đến cái lý tưởng đại đồng giai cấp ở điều thứ bảy: “Mọi con vật đều bình đẳng”.[22] Thế nhưng điều răn là điều răn, bao giờ cũng có những thành phần “bình đẳng hơn” để mở ra những đặc quyền “hơn” như một sự phân hoá giai cấp. Tương lai nhân dân sẽ vững chắc và huy hoàng trong ngày mai xã hội chủ nghĩa nhưng tương lai của những gia đình cách mạng có uy tín hơn sẽ vững chắc hơn và huy hoàng hơn.

Đây chỉ là một thí dụ rất nhỏ về một ý thức hệ hay hệ thống cai trị huênh hoang là có thể giải quyết mọi mâu thuẫn nhưng tạo ra một xã hội đầy mâu thuẫn. Một “giai cấp đại đồng” mà không đạt được thì nói gì là những ý tưởng về một “thế giới đại đồng” trong “tương lai cộng sản chủ nghĩa”? Chuyện trong hai gia đình họ Võ trên xảy ra vào thập niên 60 và 70, là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản quốc tế theo sự hùng mạnh của Liên Sô và khối Đông Âu. Trong thời hoàng kim mà lý tưởng đã xa vời đến thế, nói gì là hôm nay khi, nói theo ngôn ngữ chính thức của hệ thống toàn trị, là lúc “phong trào cộng sản” đang bị “thoái trào”?

“Phong trào” đang bị thoái trào và, cơ hồ, tính chọn lọc trong việc truyền giống của những thành phần “tiền phong nhất” cũng bị thoái hoá theo. Như quan hệ hôn nhân gây bàn tán trong gia đình nhà toàn trị Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn. Nhân vật này được xem là nhiều quyền lực nhất nên, theo ngôn ngữ chính thống, phải là một “ngưòi tiền phong nhất”. Thế nhưng, trong hôn nhân, ông ta đã điềm nhiên xé lẻ để từ từ vị trí của giai cấp “bốn chân” bắt tay truyền giống với giai cấp “hai chân”, một cách cực kỳ phi nguyên tắc.[23] Phi nguyên tắc trên khía cạnh thành phần nhưng nguyên tắc mấu chốt là “bảo vệ quyền lợi” vẫn không hề thay đổi. Khi những thành phần “tiền phong nhất” đang say sưa “tích luỹ tư bản” thì quyền lợi phải là những trương mục ở nước ngoài, là những hợp đồng tài chính đa quốc gia chứ không nhất thiết phải là những “tiêu chuẩn” gắn liền với mức độ “cách mạng sớm” hay “cách mạng có uy tín”. Như thế, khi phong trào cộng sản đã bị “thoái trào” thì giai tầng “lãnh đạo” của phong trào ấy cũng đã lùi lại với cái thời mà Karl Marx từng miệt thị là “trong từng lỗ chân lông” của họ, lỗ nào cũng “thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của người lao động”.[24]

Marx gọi đó là sự “tích luỹ nguyên thuỷ”, primitive accumulation. Adam Smith thì gọi đó là sự “tích luỹ tiền khởi”, previous accumulation;nhưng gọi sao cũng vậy, cũng là giai đoạn tích vốn để mô thức kinh tế phong kiến chuyển mình sang tư bản. Khi thành phần cộng sản “tiền phong nhất” say sưa trong giai đoạn tích luỹ “nguyên thủy” hay “tiền khởi”, phải chăng họ đã thể hiên vai trò của những lãnh chúa phong kiến đang tập tành làm tài phiệt đỏ?

“Phong kiến”, theo cách dùng phổ cập của chúng ta, chỉ đơn thuần là dính dáng đến… vua. Sông Hương nước chảy lờ đờ / Dưới sông có đĩ trên bờ có vua: không cần biết thế nào, chỉ cần có một ông vua cai trị trên bờ thì đó là “phong kiến” và, đâu tám mươi năm trước, cách sử dụng này đã bị Phan Khôi bắt bẻ dữ dội bởi hình thái chính trị “phân phong” chưa bao giờ hình thành trên đất Việt.[25] Tuy nhiên nếu bây giờ sống lại ắt hẳn con người của lý tính ấy sẽ phải tặc lưỡi thừa nhận rằng lịch sử đã bước giật lùi, rằng chế độ phong kiến đang hình thành, rằng dưới sông không chỉ có đĩ và trên bờ không chỉ có vua: hệ thống toàn trị hiện tại đang hội đủ toàn bộ những yếu tố cần thiết như phong tước, kiến địa, tập ấm v.v.. để có thể gọi là “chế độ phong kiến”.

Trước hết là những dấu hiệu bên ngoài, những cảm quan thẩm mỹ như một “cách phát biểu”. Nếu mỗi thời đại có một “cách phát biểu” riêng qua các hình thức kiến trúc, y phục, trang trí thì, với cái gu thẩm mỹ dày đặc hình rồng hiện tại, chế độ chính trị tại Việt Nam cũng đang “phát biểu” một cách rườm rà và loè loẹt y như những vua chúa phong kiến.

Chỉ cần google hình ảnh của những nhà toàn trị đương chức hay hồi hưu lúc họp báo, trả lời phỏng vấn hay bất cứ lúc nào, sẽ thấy rằng rồng đã ngự trị trong thị hiếu thẩm mỹ của họ như thế nào. Từ Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng cho đến Đỗ Mười và thậm chí Nguyễn Trường Tô, vị lãnh chuá Bắc Giang từng bị lên báo ầm ĩ một dạo vì chuyện dâm ô với học trò. Người nào cũng như người nào, cũng thấp thoáng sau lưng những thân rồng bay lượn trên khung ghế, thứ mà, xét trên tiêu chí công năng hay thẩm mỹ đương đại, không bao giờ xứng đáng là một chọn lựa tối ưu. Những chi tiết chạm khắc kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” phụ hoạ thêm cái đầu dơi không chỉ là hang ổ của bụi bặm trong một xứ sở bị ô nhiễm trầm trọng, chúng không thể nào tạo nên cảm giác sảng khoái để nâng cao hiệu suất thư giản hay làm việc. Nhưng “cái ghế”, như một danh từ, không đơn thuần là sự biểu đạt cho một dụng cụ dùng để “ngồi”. “Ghế” còn biểu đạt cho một vị trí quyền lực và hình tượng cái ghế đường bệ như cái ngai này đã thể hiện một thứ mỹ học về quyền lực sặc mùi phong kiến. Thứ “mỹ học” này đã trở thành một cái mốt và, hệ quả là, từ giới lãnh đạo bên trên đến hạng thường dân khá giả bên dưới, đâu đâu cũng đua đòi nhau những cái ghế uốn lượn hình rồng. Xưa Tố Hữu “dựa Trường Sơn kéo pháo lên đồi”. Nay họ dựa vào cái lưng ghế chạm rồng để thao thao “dội pháo” về đường lối, chính sách; và dội với những từ ngữ sặc mùi phong kiến, nào là “nội lực”, nào là “nguyên khí”, “hiền tài” hay “hữu hảo”, như một thứ ngôn ngữ thời thượng.

Nếu “phong kiến” ngụ ý “phong tước – kiến địa” thì hệ thống toàn trị hiện tại cũng đang cai trị với biện pháp “tước hiệu trị” và “đất đai trị”. Nếu vua phong tước rồi ban đất cho giới qúy tộc này theo từng đẳng cấp để tự trị trong lãnh địa riêng của mình thì hệ thống toàn trị cũng thực hiện chính sách tương tự. Xã hội phong kiến có Công, Hầu, Bá, Tử, Nam với các đất phong rộng hẹp và tính đắc địa hay hiểm yếu khác nhau. Xã hội toàn trị thì có các “ủy viên” với đẳng cấp “tiêu chuẩn” khác nhau, chẳng hạn uỷ viên đi xe công vụ trên 1 tỷ đồng, ủy viên đi xe dưới 1 tỷ đồng v.v…[26] Xã hội phong kiếu có các vương hầu lập thân bằng chính thành tích của mình hay đơn thuần chỉ là tập ấm. Xã hội toàn trị cũng có “ủy viên” vươn lên bằng công trạng của mình, có ủy viên chỉ đơn giản được “cơ cấu” như là hình thức tập ấm của những lớp lang “tham gia cách mạng sớm” hay “cách mạng có uy tín”. Một chế độ cai trị như thế thì có khác gì chế độ phong kiến?[27]

Nhưng phong kiến còn là thời mà ý niệm “quốc gia” chưa hình thành và đất nước bị xem là tài sản riêng của các bậc quân vương. Thích cắt, bán hay cho thì thoải mái cắt, bán và cho, miễn là không động chạm đến đặc quyền của họ. Và đó là những gì đang xảy ra, từ nhôm ở Tây Nguyên đến rừng ở Việt Bắc, Trường Sơn và như thế đất đai cha ông để lại đâu còn là tài sản chung của trên 80 triệu người? Nó đã là tài sản riêng, trong những vùng “đất phong” riêng và có như vậy thì những việc tày trời như cắt những vùng rừng mang tính chiến lược để bán cho đối thủ chiến lược của mình trong theo những hợp đồng 50 năm hay 70 năm mới có thể diễn ra dễ dàng như thể cắt một cái bánh. Công sản quốc gia đã trở thành tài sản riêng trong túi của những kẻ ngồi dựa ngửa trên cái ghế có lưng dựa chạm rồng thao thao bất tuyệt về cái gọi là “con đuờng tất yếu” của dân tộc trong những từ ngữ sặc mùi phong kiến.

Phong kiến là thời mà quyền lợi giới quý tộc gắn chặt với quyền sở hữu đất đai và, do đó, cái cách mà họ giải toả những áp lực chính trị – xã hội cũng… sặc mùi đất qua “thú điền viên”, như một hình thức thời thượng. Nếu, trên phương diện mỹ học của quyền lực, giai tầng cầm quyền Việt Nam đã trở lại với thời kỳ phong kiến qua hình ảnh những cái lưng ghế hình rồng thì cảm quan này còn thể hiện qua cả cách giải toả áp lực tương tự với thú chơi gọi là “trang trại”, cái thú vui xa xỉ mà chỉ những qúy tộc kiểu mới của chế độ mới có đủ điều kiện đóng vai tay chơi. Đã có tay chơi thì phải có hạng tôi tớ phục vụ tay chơi. Nếu những vua chúa phong kiến thản nhiên bắt bề tôi hy sinh cả đời để phục vụ những nhu cầu nhỏ nhặt nhất của mình thì những “vua chúa” của hệ thống toàn trị cũng vậy, cũng không thua gì, ngay trong thời kỳ chiến tranh. Không ai có thể tưởng tượng một người tham gia cách mạng, bỏ gia đình, bỏ quê hương, tập kết từ Trung ra Bắc để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thế nhưng công việc “cách mạng” họ tham gia chỉ là săm soi từng cọng rau chỉ vì những qúy tộc của giai tầng cai trị không thích ăn thứ rau đã bị phun thuốc trừ sâu.[28]

Trong bài báo viết năm 1934 Phan Khôi lập luận rằng chế độ phong kiến đã cáo chung tại Trung Hoa khi Tần Thủy Hoàng tóm thu thiên hạ về một mối và áp dụng chế độ quận huyện. Thế nhưng, trên thực tế, mô thức phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại sau đó khi Lưu Bang lên ngôi lập ra nhà Hán. Rút kinh nghiệm của nhà Chu, vì phân phong triệt để nên chư hầu khinh dễ và mất hết đế nghiệp. Và rút kinh nghiệm của nhà Tần, vì quận huyện triệt để nên trên không đủ sức quản lý, họ Lưu đã cai trị nước Trung Hoa với hình thức nửa nạc, nửa mỡ. Đất thường thì xem là quận huyện. Những vùng đất hiểm yếu, mang tính chiến lược thì giao cho những người tâm phúc, như một hình thức phân phong. Và đó chính là hình thức hành chánh của hệ thống toàn trị hiện tại ở Việt Nam, với những tỉnh – thành phố “bình thường là tỉnh-thành phố”, những “đất hiểm yếu” trong cái tên “thành phố trực thuộc trung ương”, cũng là nửa nạc, nửa mỡ. Lưu Bang “nửa nạc, nửa mỡ” thế vì sợ “giặc”. “Giặc” có thể là từ bên ngoài nhưng, luôn luôn, với các vua chúa phong kiến, cái quan trọng là “giặc” hay “phản nghịch” ở bên trong khi nông dân ùn ùn nổi dậy bởi quyền lợi chính đáng gắn liền với đất của họ bị tước đoạt. Quyền lực của hệ thống toàn trị hiện tại cũng bị ám ảnh với mối nguy tương tự, mối nguy từ những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi từ đất đai, dẫn đến vô số vụ khiếu kiện chính đáng, vụ biểu tình phản đối hoàn toàn chính đáng nhưng cách giải quyết duy nhất là lựu đạn cay, là còng số tám, là những bản án “phản động”, y như là cách đối xử với “giặc”.

Hầu như cuộc nổi dậy nào trong xã hội phong kiến cũng khởi đầu với màu sắc thần quyền bởi, nếu vua đã xưng là “con trời” thì, để tạo sức thu hút nhằm gầy dựng binh lực, những kẻ bẻ nạn chống trời phải tạo ra một thứ huyền thoại nào đó về mình, và về lực lượng của mình.[29] Hậu quả là, song song với nỗ lực thu tóm quyền bính, ông vua nào cũng lo lắng việc thu tóm thần linh để từng vị thần, từng vị thành hoàng, ai cũng có sắc phong của triều đình như một cách thể chế hoá thần linh. Chính sách quản trị thần linh này đang được lập lại với chính sách quản lý tôn giáo của hệ thống toàn trị hiện tại và, có vậy, mới có sự xung đột trong giới tu sĩ, những người cho mình là nhà tu hành chân chính, những kẻ được ca ngợi là “gắn liền với dân tộc” nhưng bị xem rẻ là “tu sĩ quốc doanh”.

Quản lý chặt thần linh, hệ thống toàn trị còn quản lý chặt việc phân phối và kiểm nhận tri thức. Nếu chế độ phong kiến kiểm soát công việc này qua các kỳ thi và nghi thức ban cấp danh hiệu thì hệ thống toàn trị cũng áp dụng một chiến lược tương tự. Ngày xưa nếu chỉ có vua Lê đích thân ban cho Nguyễn Trãi danh hiêu “Hàn Lâm viện Học sĩ”, chỉ có vua Mạc đích thân ban cho Nguyễn Bĩnh Khiêm danh hiệu “Tả Thị lang Đông các Học sĩ” thì hiện tại hệ thống toàn trị cũng làm trò độc quyền tương tự với cái gọi là “Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước”.[30] Đây là một tổ chức độc nhất vô nhị, không một quốc gia hiện đại nào trên thế giới có được. Không có được nhưng rất dễ hiểu được bởi đó chính là sự tiếp nối của truyền thống tôi đòi hoá kẻ sĩ của các triều đình ngày xưa. Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ, lời vui vui tưởng là vô hại này chính là kết tinh cô động nhất và cao nhất của khuynh hướng phản trí thức trong xã hội truyền thống khi bắt kẻ sĩ phải phụ thuộc vào miếng ăn của mình và đã hả hê cười cợt trước cảnh chạy rông vì túng quẫn thiếu ăn của họ.

Kẻ sĩ, như thế, thường chỉ là những ông quan văn ngoan ngoãn và đó chính là điều mà hệ thống toàn trị mong muốn. Làm quan thì phải quỳ, phải lạy cũng như bây giờ, dẫn “văn minh” hơn thì cũng phải “xin” để được “cho”, y như là kiếp ăn mày.

Chính cái quy chế xin cho này đã góp phần tôi đòi hoá hoá trí thức, không cho họ làm những trí thức độc lập mà phải những “quan văn”.[31] Xưa quan cong đầu gối xuống dâng sớ. Nay quan dằn ngòi bút đè nén những phẫn uất lại trong lời dẫn “kính gởi” để mở ra những ý tứ lẽ cân nhắc trước sau, cơ hồ chỉ mở miệng sau khi đã uốn lưỡi bảy mươi lần. Thế nhưng cũng có những cái rất khác. Ngày xưa, khi dâng sớ, những kẻ sĩ như Chu Văn An chỉ nhắm đến việc thay đổi ý kiến của cá nhân ông vua và, cùng lắm, họ phải vượt qua chướng ngại từ sự “sàm tấu” của một số ít ỏi cận thần hay hoạn quan mà ông vua đó tin dùng. Việc đó đã khó. Với hệ thống toàn trị thì càng không chỉ là ý chí của dăm ba nhà lãnh đạo. Cái mà họ phải vượt qua là quyền lợi cộng sinh của cả một hệ thống mà, hiện tại, cứ theo lời dẫn của Marx, lỗ chân lông nào cũng “thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt” của người dân.

Nhưng không chỉ là bóc lột lợi nhuận, bóc lột “giá trị thặng dư” như những ông chủ tự bản, hệ thống toàn trị đã thể hiện mình là “giặc” với những thủ đoạn đê tiện, vừa lặt vặt nhỏ mọn, vừa tởm lợm khi dính đầy “máu và bùn dơ”.

Năm ngoái, song song với nỗ lực tranh giành quyền lực nội bộ, nhà toàn trị dễ dãi trong quan hệ truyền giống “hai chân và bốn chân” nêu trên đã cho tay chân rình rập và mang hai cái “condom đã qua sử dụng” để dở trò đánh lén một trí thức như Cù Huy Hà Vũ, chỉ vì bị nhân vật trí thức này thách đấu bằng một loạt đơn kiện trước toà, hoàn toàn hợp pháp trong khuôn khổ của hệ thống. Và không chỉ có thế, không chỉ cá nhân nhà lãnh đạo và một nhân vật trí thức. Tháng 10 năm 2009, để có cớ bắt nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy, hệ thống chính trị đã sắp xếp để cho côn đồ dàn dựng cảnh ẩu đả trước cửa nhà rồi trưng ra bức ảnh người đàn ông máu me dầm dề như là bằng chứng buộc tội. Ngay sau đó, các bằng cớ bộc lộ trên Internet đã chứng minh rằng đó chỉ là ảnh ghép dựa trên một bức ảnh đã được chụp hơn bốn năm về trước thế nhưng, cả khi đã bị vạch trần, hệ thống toàn trị ấy vẫn bình thản tiếp tục các thủ tục pháp lý với một án tù thật nặng. Và trước đó nữa, chế độ ấy đã hèn hạ nấp kín một chỗ để đạo diễn cho đám đông dốt nát, mê tín và cuồng tín tại địa phương đấu tố nhà tranh đấu Hoàng Minh Chính, thậm chí còn đạo diễn cái màn vứt cứt vào ông. Mà không chỉ là những trò lưu manh trên phương diện “công an trị”. Chỉ có những kẻ thật sự đuối lý mới hạ mình để cù nhầy, cãi chày cãi cối theo kiểu cù lần và phá thối. Trên phương diện lý luận, hệ thống đã không đủ khả năng để bảo vệ chọn lựa hiện tại của mình một cách đường đường, chính chính. Tất cả những gì làm được chỉ là phá thối, là cù lần, là cãi chày cãi chối, là cù nhầy bằng một đội ngũ âm binh kỹ thuật lẫn âm binh chửi bới và nói leo mang tính Chí Phèo, như hiện tượng Nhô trên blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc chẳng hạn.[32]

Nhưng để tồn tại vững vàng và lâu dài thì một chế độ mệnh danh “độc lập – tự do – hạnh phúc” phải tồn tại bằng những lý do “vĩ đại” bao hàm trong ý nghĩa “độc lập – tự do – hạnh phúc” cho người dân của mình chứ không phải bằng cái trò đá cá lăn dưa. Một hệ thống quyền lực “vĩ đại” mà phải vật vã giữ gìn chỗ đứng bằng những trò lưu manh vặt thì có nghĩa là nó đã rệu rã từ nền móng và sự kết thúc chỉ là vấn đề thời gian.

Làm sao có thể tin cậy một chế độ chính trị đang níu kéo sự tồn tại của mình bằng cái bô chứa cứt, bằng cái condom sắp vứt, bằng mấy tên lưu manh dàn cảnh hay những lập luận cù nhầy, cãi chày cãi cối? Nếu hệ thống chính trị đã sa đoạ đến thế thì tại sao phải lựa lời “kính thưa”, “kính gởi”? Cả một đại tướng khai quốc công thần cũng chẳng là gì. Mà cả vị đại tướng công thần cũng chỉ thỉnh cầu cho một cái hội trường cụ thể, một cái mỏ nhôm cụ thể, nói gì là những yêu sách thật lớn, có thể lay chuyển đặc quyền của cả hệ thống? “Thánh đế” có thể “hồi tâm”. Đạo tặc có thể hồi tâm, có thể “buông dao thành Phật”. Nhưng một hệ thống cai trị đạo tặc, ràng buộc nhau với những quan hệ tương liên về quyền lợi , đã chai mặt áp dụng bất cử thủ đoạn nào để bảo vệ những quyền lợi đó của mình thì khó mà thay đổi, khó mà lùi bước để tương nhượng trước lẽ phải hay đạo nghĩa.

Khi hệ thống đã hiện nguyên hình là “giặc” thì chọn lựa tối ưu phải là cách nói thích đáng với “giặc”. Thích đáng như là “Thất Trảm Sớ” ở đó Chu Văn An đòi chém đầu bảy nịnh thần. Thích đáng như là “Thư Thất Điều” mà ở đó một trí thức như Phan Chu Trinh vạch ra bảy tội của Khải Định. Hay thích đáng như khi Nguyễn Trãi khi viết thư đánh vào ý chí của tên tướng xâm lược đến từ phương Bắc: bốn lần, bốn lá thư, là bốn lần mở đầu: “Bảo cho phường giặc dữ Phương Chính rõ”.

Đã là “giặc” thì không cần kể là trong hay ngoài, huống hồ đó là thứ “giặc” rất mơ hồ với cái ranh giới “bên trong” hay “bên ngoài”, ranh giới giữa phương Bắc hay phương Nam. Đã nói với thứ “giặc dữ” ấy thì cần nói thẳng như là Nguyễn Trãi từng nói với Phương Chính: “Bảo cho phường giặc dữ rõ: Đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành”; “Bảo cho phường giặc dữ rõ: Ta nghe bậc danh tướng, quà nhân nghĩa mà dễ quyền mưu”; “ Bảo phường giặc dữ: Phàm đồ việc lớn, lấy nhân nghĩa làm gốc; nên công lớn, lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ có nhân nghĩa vẹn toàn thì công việc mới trôi chảy được…” Không nói thẳng vào mặt giặc như thế thì ít ra cũng phải thẳng thắn với một nhân cách trí thức như nhà văn Pháp Émile Zola trong vụ án Alfred Dreyfus, khi lên tiếng kết tội chính phủ Félix Faure bài Do Thái bằng bài báo đanh thép như một lời buộc tội: J’accuse.

J’accuse hay Tôi buộc tội. Không phải những lời như thế không từng vang lên, chẳng hạn như lời buộc tội trong những đơn kiện của Cù Huy Hà Vũ trong hình thức hợp pháp của hệ thống toàn trị. Trước mắt, hành động đó sẽ không trực tiếp mang lại một thay đổi trước mắt nào nhưng chắc chắn là, về lâu về dài, nói theo nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt, sẽ “làm cho con đường của chúng ta ngắn thêm một đoạn”, cái con đường giành lại quyền lên tiếng nói khi kẻ cầm quyền tự-cho-mình đang thực sự làm giặc.[33]

 

12.11.2011

_____________

Chú thích:

[*]Về khái niệm “cầm tri thức” thay vì “trí thức”, tôi đã trình bày trong tiểu luận “Cầm quyền và cầm tri thức”, đã phổ biến trên talawas và Tiền Vệ.

[1]Lá thư này mang tên “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm hoạ ngoại bang và sức mạnh dân tộc” ký ngày 21.8.2011, đã phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Xem:

[2]Theo dõi hoạt động của ngành báo chi và tuyên huấn Việt Nam trong vài năm trở lại đây sẽ thấy rộ lên phong trào ca tụng Võ Nguyên Giáp một cách khá bất thường.

[3]Xem: Truơng Bá Cần (2002) Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo. Nhà xuất bản TPHCM. Tr. 529, 533-536.

[4]Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển XI, Kỷ nhà Lê, chương Thái Tông Văn Hoàng Đế, Duệ Tông Hoàng Đế và Thuận Tông Hoàng Đế. Bản tiếng Việt (NXB KHXH – 1998) của Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn hiệu đính. Tập III, trang 325- 326, thuật việc ba ngôn quan là Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ vạch ra “năm điều không nên” khiến Lê Thái Tông tức giận tuy nhiên sau đó vẫn không trả thù.

[5]Tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần ký tên vào kiến nghị để “can gián” việc phá bỏ Hội trường Ba Đình và khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Mới đây, sau khi gởi “Thư ngỏ của một công dân yêu nước” (5.9.2011) ông Lê Hiếu Đằng tâm sự trên đài RFA, trong cuộc phỏng vấn của phái viên Thanh Trúc:“Thật lòng mà nói tôi cũng không mong có sự trả lời sòng phẳng và công khai về vấn đề này. Bởi vì kinh nghiệm của người dân trong một đất nước mà ngay cả bản thân đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gởi cho các vị lãnh đạo trong vấn đề bô xít Tây Nguyên, vấn đề phá bỏ hội trường Ba Đình, mà vẫn không được trả lời. Như vậy đối với tôi, một người tuy có quá trình đầu tranh nhưng so với đại tướng Giáp là một trời một vực, thì tôi cũng không hy vọng gì.”

[6]Việc chỉ những người về hưu mới lên tiếng ai cũng rõ nhưng còn giới đương chức thì sao? Trong hồi ký của mình, Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tả lại thời kỳ làm đại biểu quốc hội, trong có đoạn:

“Dần dà tôi nhận ra rằng những người hay phát biểu trong các kỳ họp thường là những đại biểu không nắm chức vụ gì quan trọng trong bộ máy nhà nước và bộ máy đảng. Đa số họ là giáo viên, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các cựu chiến binh… Tôi nhớ những ngày đầu nhiệm kỳ có một nữ đại biểu còn trẻ, giám đốc Sở ở một tỉnh phía nNam phát biểu rất hăng hái. Những phát biểu của chị rất sốc, rất táo bạo làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng đến giữa nhiệm kỳ bỗng nhiên không thấy nữ đại biểu đó pát biểu gì nữa. Thì ra chị mới đề bạt làm Thứ trưởng một bộ trong chính phủ.” [Xem: Đặng Nhật Minh, (2005) Hồi ký điện ảnh, Nhà xuất bản Văn Nghệ. tr. 121]

[7]Thời gian báo chí Việt Nam diễn tả các vụ kiện tụng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ như là những hành động “bất bình thường”, nhiều ý kiến ở các diễn đàn tự do trên Internet cũng diễn tả ông Cù Huy Hà Vũ như vậy. Thế nhưng, khi làm như vậy, họ đã ít nhiều thể hiện rằng mình chỉ là một sản phẩm của chế độ ngu dân. Thực chất, việc ấn định tiêu chí “bình thường / bất bình thường” (normal vs abnormal) còn là công cụ để cai trị của nhà cầm quyền. Các hồi ức về thời kỳ Nhân Văn – Giai Phẩm cũng cho thấy không khí tương tự: khi một người bị nêu là “có vấn đề”, họ sẽ bị hàng xóm, đồng nghiệp xầm xì và nhìn với ánh mắt nghi kỵ như là người bất bình thường. Hoặc trong thời kỳ “xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa” những người làm ăn chân chính bằng nghề buôn bán sẽ bị diễn tả là “bất bình thường” như “con phe”, những nông dân chỉ muốn tự tay mình làm ăn trên mảnh ruộng của mình cũng bị diễn tả tương tự như là một nông dân “chậm tiến”. Khái niệm “normal vs abnormal” là ý tưởng xuyên suốt trong các công trình của Foucault khi bàn về quan hệ giữa tri thức và quyền lực. Foucault cho rằng trong từng giai đoạn khác nhau nhân loại có những cách nhìn không thống nhất về các hiên tượng như chứng điên,bênh hoạn, tội phạm.v.v. Đặc biệt về hiên tượng điên khùng với tư cách là măt đối lâp của lý trí theo nhận thức thông thường ngày nay. Khảo sát lịch sử Foucault nhận thấy thật ra thời cổ đai người ta cho rằng người điên là những đầu bộ óc thâm thúy,đến thời trung cổ họ được xem là những thành viên bình thường trong xã hôi, đến thòi cận đai lai xem họ là loại người nguy hiểm gân như tội phạm, và hiện tại thì được cho là những con bệnh cần được nhập viện để chữa trị. Theo Foucault thì trên bình diện tâm lý, nếu điên khùng là cái gì phi lý tinh,thì chưa chắc nó đã đôi lập với lý tính mà là tấm gương phản chiếu hay sự kéo dài của lý tính, lấy thí dụ những nghệ sĩ ưu tú thường bị xem là những người “không bình thường”. Có thể tham khảo:

Foucault M. (1988) “Technologies of the Self” in L.H. Martin, H. Gutmanm TR.H. Hutton (ed) Technologies of the Self: A Seminar With Michel Foucault. Amherst MA: Universty of Massachuset Press. tr. 146

 

Foucault M. (1977) Discipline and Punish: The Birth of the Prison, London: Penguine Books. Part Three:. Panopticism, tr. 195–228. Tại đây Foucault phân tích biện pháp mà một thị trấn đối phó vào thế kỷ 17, những biện pháp đã hình thành nên sự phân chia như mad/sane; dangerous/harmless; normal/abnormal (tr.199).

 

Foucault M. (2006, 7th edition) Madness and Civilization, London and New York: Routledge Classics. Xem chương 2: The Great Confinment, tr. 35–60.

[8]Đây là công trình khảo cứu được giải IgNobel 2011 với thí nghiệm được thực hiện trên tám thanh niên khoẻ mạnh, cứ 15 phút uống 250 ml nước và phải nín tiểu tiện, nín và uống cho đến khi không thể nín được nữa. Công bố trong bài “The Effect of Acute Increase in Urge to Void on Cognitive Function in Healthy Adults” của Matthew S. Lewis, Peter J. Snyder, Robert H. Pietrzak, David Darby, Robert A. Feldman, Paul T. Maruff, đăng trên tập san Neurology and Urodynamics, vol. 30, no. 1, January 2011, pp. 183-7.

[9]Xem “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trình Đại hội XI”, mục I. “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, có đoạn viết: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. […] Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.” Hay “Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng”, ở mục 2. “Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa” có đoạn viết: “Chúng ta một lần nữa khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”

[10]Tôi đã đề cập đến bản chất thực dân của hệ thống toàn trị trong bài “Thực dân, nô lệ, ăn mày”, đã đăng trên Tiền Vệ.

[11]Thử đọc tài liệu “Nhà nước và cách mạng xã hội” của Khoa Mác-Lênin & Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại học Mỏ Địa chất:

“Theo Ph. Ăngghen, về bản chất thì “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác.” Không có nhà nước đứng trên các giai cấp hoặc nhà nước chung cho mọi giai cấp. Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế thiết lập ra nhằm hợp pháp hoá và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, cưỡng bức các giai cấp khác trong khuôn khổ lợi ích của giai cấp thống trị.”

[12]Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992:

“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

[13]Phạm Thị Hoài, “Về tư cách của trí thức Việt Nam”Hợp Lưu, số 61.

[14]Bộ sử này viết từ khi giai cấp công nhân hình thành cho đến năm 1945, hoàn tất năm 1958, được in lại trong Trần Văn Giàu (2003), Tác phẩm được tẳng Giải thưởng Hồ chí Minh, quyển 1, Nhà xuất bản khoa học xã hội. Khi hoàn tất cuốn này vào năm 1958, Trần Văn Giàu ao ước trong “Lời nói sau cùng” là được “các bạn ở miền Nam và ở bên Pháp” góp sức đẻ “bổ sung, chỉnh lý” vì “chắc ở Sài Gòn, ở Paris, còn nhiều tài liệu rất cơ bản” mà ông ta đã không thể tìm được sau 6 năm tìm tòi ở Hà Nội. (tr. 1778) Từ năm 1975 cho đến lần xuất bản vào năm 2003 đã là 28 năm, thế nhưng “Lời nói sau cùng” này vẫn giữ nguyên. Tác giả đã “chán” việc “nghiên cứu” hay “bổ sung, chỉnh lý” cho bộ giai cấp sử này rồi chăng?

[15]Domhoff, G. William (1983). Who Rules America: Power, Politics, & Social Change, Touchstone Books, tr. 28–37.

[16]Trong kháng chiến Lê Đức Thọ từng ra nghị quyết cho phép những cán bộ công tác xa nhà trên 300 cây số được phép lấy thêm vợ. Xem: Nguyễn văn Trấn (1995) Viết cho mẹ & Quốc hội, California: Văn Nghệ, tr. 143. Tác giả từng là phó bí thư xứ ủy Nam kỳ trong thời kỳ tiền cách mạng. Điều này cũng được nhắc đến trong một cuốn sách khác xuất bản tại Việt Nam: Nguyễn Thế Lâm (2003), Ngược bắc xuôi nam, Nhà xuất bản Trẻ, tr 142. Tác giả là thiếu tướng, tư lệnh pháo binh, và là con rể của cụ Lê Đình Thám.

[17]Lê Duẩn có hai vợ. Vợ cả là Lê Thị Sương, có bốn người con. Vợ hai là Nguyễn Thụy Nga, kết hôn năm 1948 tại miền Tây Nam Bộ, do Lê Đức Thọ làm mối, Phạm Hùng làm chủ hôn, khi Lê Duẩn vẫn còn là chồng chính thức với người vợ đầu. Sau 1975, bà là Phó Tổng biên tập phụ trách hành chánh trị sự của báo Sài Gòn Giải phóng, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có ba người con. Báo Tiền Phong đã đăng loạt bài 5 kỳ của Xuân Ba “Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn”, còn lưu lại trên nhiều website. Có thể tham khảo theo các đường link tạihttp://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Du%E1%BA%A9n

[18]Xem: Việt Trần, “Người vợ miền Nam của thi sĩ Nguyễn Bính”, 06/12/2005

[19]Xem: Nguyễn Thế Lâm (2003), sđd, tr. 105 và tr142 –143; và Nhiều tác giả (2003) Tô Ký, vị tướng trung kiên nghĩa hiệp, Nhà xuất bản Trẻ.

[20]Lương Thị Bích Ngọc, “Trò chuyện với con gái tướng Giáp”, VietnamNet (4.9.2007). Bài phỏng vấn này còn lưu lại trên trang web Văn Nghệ Quân Đội.

[21]Xem: “Chuyện về ông Võ Chí Công qua lời của con gái nuôi”

[22]Animal Farm, của George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1945

Bảy điều tâm niệm:

1. Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù

2. Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè.

3. Không con vật nào được mặc quần áo.

4. Không con vật nào được ngủ trên giường.

5. Không con vật nào được uống rượu.

6. Không con vật nào được giết bất kỳ con vật nào khác.

7. Tất cả các loài vật là bình đẳng.

[23]Con gái TT Nguyễn Tấn Dũng lấy chồng là một người Việt quốc tịch Mỹ, nghĩa là hoàn toàn không “môn đăng hộ đối” trên phương diện “tham gia cách mạng”. Đây lại là một câu chuyện khá vui, tiền hậu bất nhất.

Cuối năm 2006 nguyên Tổng thống Mỹ George Bush đến Việt Nam và đã ca ngợi quan hệ Việt- Mỹ qua việc con gái Nguyễn Tấn Dũng du học tại Mỹ và lấy chồng là công dân Mỹ. Đầu năm 2007 ông Dũng lên tiếng phủ nhận việc này: con gái ông không du học và không lấy Việt kiều Mỹ.

 

Đến cuối năm đó thì cô con gái tên Nguyễn Thị Thanh Phượng tổ chức hôn lễ với một công dân Mỹ tên Nguyễn Bảo Hoàng.

 

Theo một nguồn tin trong nước chưa được kiểm chứng thì Nguyễn Bảo Hoàng — hay rể của Nguyễn Tấn Dũng — là con trai của Nguyễn Bang, nguyên là một thứ trưởng của chính quyền VNCH trước 1975.

 

Và theo báo chí Việt Nam thì con gái thủ tướng cô này đã tốt nghiệp “thạc sĩ quản trị tài chính tại Thuỵ Sĩ”, nghĩa là có đi du học. Còn rể thủ tướng là đại diện của quỹ đầu tư IDG Ventures của Mỹ tại Việt Nam.

 

Đưa tin này, báo chí Việt Nam luôn nhấn mạnh hai điều: 1/ con rể thủ tướng là một nhân tài; 2/ “dù lớn lên ở Mỹ và từng mang quốc tịch Mỹ” hay “chưa nói sỏi tiếng mẹ đẻ”, anh con rể này rất muốn “mọi người gọi mình là người Việt Nam” và “hiện là công dân Việt Nam.”

 

Tuy nhiên có rất nhiều điều khó hiểu.

 

Thứ nhất, Luật song tịch của Việt Nam chỉ mới đuợc Quốc hội thông qua ngày 13.11.2008. Thế nhưng khi cử hành hôn lễ vào ngày 16.11.2008 thì ông Hoàng đã là “công dân Việt Nam”. Như vậy thì ông phải được cứu xét và công nhận quốc tịch vào ngày 14 hay ngày 15 tháng 11.

 

Thứ hai, theo thông tin trên báo chí Việt Nam thì lúc đó (2008) Nguyễn Bảo Hoàng 36 tuổi. Báo chí còn cho biết Hoàng “đã đến Mỹ lúc mới 22 tháng tuổi”, tức đã đến Mỹ từ năm 1972. Điều này ngụ ý là ông Hoàng đến Mỹ từ miền Nam, do đó khi sinh ra ông chỉ có thể mang quốc tịch Việt Nam Cộng Hoà, đến Mỹ mang quốc tịch Mỹ. Ông Hoàng không thể mang lưỡng tịch Mỹ và CHXCNVN như người rời Việt Nam sau 1975 bằng con đường “hợp pháp” hay “bất hợp pháp”.

 

Thứ ba, theo thể lệ Việt Nam thì sau khi lập pháp thông qua luật, bên hành pháp cần phải có thời gian để chu toàn các vấn đề mang tính kỹ thuật thí dụ phân công ai là người có phần hành cứu xét đơn xin hồi tịch hay nhập tịch, quy định các bước thủ tục.

 

Sau khi quốc hội thông qua nghị quyết nào đó thì Văn phòng chính phủ hay Hội đồng nhà nước thường ban hành những công văn “Hướng dẫn thi hành”.

 

Như vậy thì con rể của thủ tướng Việt Nam đã được nhập tịch với tốc độ vũ trụ, bỏ qua các giai đoạn nói trên.

 

Xem: http://blog.360.yahoo.com/blog3nSnXHoyc6MG6rBbPObhArrRuSj7PxNtyxUSwMmDRQ–?cq=1&p=694

Hay: http://blog.360.yahoo.com/blog-3nSnXHoyc6MG6rBbPObhArrRuSj7PxNtyxUSwMmDRQ–?cq=1&p=5

Và: http://blog.360.yahoo.com/blog-3nSnXHoyc6MG6rBbPObhArrRuSj7PxNtyxUSwMmDRQ–?cq=1&p=694

[24]Câu “thời ký tích luỹ nguyên thủy tư bản chủ nghĩa thấm đẫm máu và bùn dơ của người lao động” được trích dẫn khá nhiều trong sách vở và giáo tại Việt Nam với nhiều “dị bản” khác nhau. Tôi thử tra và tìm thấy trong Bài nói chuyện của Lê Duẩn “Hăng hái tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” trong “Hội nghị phổ biến Nghị quyết lần thứ tám của Trung ương Đảng vào ngày 18.5.1963. Sau được in lại trong Lê Duẩn (1976) Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t.I, tr. 293–340. Bài này có đoạn nói:

“Cho nên Mác đã nói là, lịch sử của tích luỹ tư bản chủ nghĩa là lịch sử viết bằng chữ máu và lửa, tư bản ra đời, tất cả lỗ chân lông của nó đều đầy máu và bùn. Còn ở nước ta, chúng ta chẳng những không đi con đường tư bản chủ nghĩa, con đường đầy đau khổ và chết chóc đối với nhân dân lao động, mà chúng ta cũng không thể áp dụng những phương pháp tích luỹ tư bản chủ nghĩa.”

Tôi đã tra và trên thực tế Karl Marx đã viết trong Capital: A Critique of Political Economy. Volume I: The Process of Capitalist Production [1867], chương XXX mang tên Reaction of the agricultural revolution on industry creation of the home market for industrial capital: “If money, according to Augier, ‘comes into the world wide a congenital blood-stain on one cheek,’ capital comes dripping from head to foot, from every pore, with blood and dirt.”

[25]Vế ý niệm “tiêu chuẩn”, xin đọc thêm: Nguyễn Hoàng Văn, “Chính trị tiêu chuẩn và tiêu chuẩn… chính trị”, Talawas, 09/04/2010.

[26]Phan Khôi. “Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến”. Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29 Novembre 1934). Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu trên http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9651&rb=0302

[27]Xem “Từ hạt giống đỏ đến gia đình trị?”

Hồng Quân, Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Anh, nhân sự, Trần Bình Minh, Đảng, đại hội

Trần Sỹ Thanh, Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk là cháu Nguyễn Sinh Hùng.

Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Nông Đức Mạnh.

Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Xuân Anh, con trai Nguyễn Văn Chi.

Nguyễn Chí Vịnh, con trai Nguyễn Chí Thanh.

Phạm Bình Minh Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao là con trai Nguyễn Cơ Thạch.

Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y Tế là cháu ngoại của Hà Huy Tập.

[28]“Một thời cây các cụ, con các cụ”, Dương Đình Tường (06/02/2011), báo Nông Nghiệp Việt Nam. Nhưng bài báo nguyên thuỷ đã bị xoá, chỉ còn bản đăng lại trên trang Quảng Ngãi Nghĩa Thục: “Một thời cây các cụ, con các cụ”.

Bài báo kể chuyện ông Nguyễn Đình Phi năm nay đã 84 tuổi vốn là cán bộ ở Quảng Ngãi tập kết ra Bắc năm 1955., làm viên trong Nông trường chăn nuôi Thống Nhất.

Đây là heo nuôi cho “lãnh đạo” ăn:

“Giống lợn nuôi ở Tập đoàn vẫn là giống phổ biến trong dân nhưng cung cách chăm sóc đã khác hẳn với chế độ ăn cao cấp hơn, toàn bằng cám nhà máy xay chứ không phải thứ cám nghiền bằng cối đá, lắm trấu, nhiều sạn. … Một loại men đặc biệt được Viện Thú y cung ứng về chưng cất, cấp cho các tổ chăn nuôi dùng ủ cám ngô, cám gạo. Dưới sự xúc tác của men trong vòng một ngày một đêm thức ăn sẽ thơm như rượu. Lợn ăn men đó chỉ có trơn lông, đỏ da, ngủ ngon, tiêu hoá kỹ. … Trại đã có những ô chuồng kiên cố, ngày ngày được quét dọn 2-3 lần bằng máy bơm điện công suất lớn. Nền chuồng luôn khô ráo, mát mẻ. Thường trực chăm sóc sức khỏe cho lợn có đội quân 2-3 bác sĩ thú y thay nhau thăm khám.”

Sau đây là rau, theo hồi tưởng của ông Đào Đức Dược:

“Yêu cầu chung khi trồng trọt không được sử dụng phân tươi và tưới bằng nguồn nước sạch…. Thuốc trừ sâu phải dùng loại ít độc hại nhất, cách ly đầy đủ. Khác hẳn cái thời cả nước quen phun thuốc hôm nay, ngày mai hái ra chợ. “Dưa lê vốn nhiều sâu nhưng không phun thuốc hoá học mà trại có cách BVTV vô cùng độc đáo. Các công nhân của tôi đem bột nếp ra quấy thành hồ nước rồi đổ ra đĩa. Ra đến ruộng, mỗi người tay cầm một đĩa hồ, tay cầm que tre, nhúng que xuống hồ rồi lăn vào mặt lá. Bao sâu bọ bị dính tất vào que được gạt xuống, bắt giết sạch. Cách bắt sâu thủ công và tỷ mẩn này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người ăn quả. Chuối tiêu, đu đủ, cà chua trại sản xuất không dùng hoá chất để dấm mà cứ để chín tự nhiên. Su hào Hà Giang, củ thu hoạch lúc non, chỉ to bằng cái chén tống, vỏ mỏng tang, chưa kịp có một sợi xơ. Khi thu hoạch, công nhân túm lấy ngọn, lấy dao cắt gốc mà tuyệt nhiên không được sờ tay vào vỏ kẻo… mất đi lớp phấn mịn” .

Ngày nay hàng hoá ê hề, không còn những nông trại chuyên phục vụ vua, tuy nhiên vẫn có những “tiêu chuẩn” rất đế vương khác. Thí dụ:“Thang máy phó thủ tướng” – Phó Thủ tướng chứ có phải vua đâu mà vào ngủ khách sạn cũng phải chặn một thang máy làm “chuyên khoang”, không dám đi chung với khách thường? Hay “Sự quan liêu của quan chức cao cấp”.

[29]Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần và người đất Việt, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin; và Hue-Tam Ho Tai (1983), Millenarianism and peasant politics in Vietnam, Harvard University press.

[30]“Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam” là cơ quan có nhiệm vụ đề cử, xem xét, và phong chức danh giáo sư tại Việt Nam. Chủ tịch hiện tại là Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng.

[31]Nhà văn Phạm Thị Hoà là người đưa ra khái niệm “tư cách quan văn”, khai triển từ phát hiện của nhà văn Nguyễn Kiến Giang về bản tính “phò chính thống” của giới có học Việt Nam. Xem bài “Về tư cách của trí thức Việt Nam”, chú thích số [13]

[32]Thí dụ các trò đánh phá các blog, đưa “đại biểu nhân dân” ra đấu tố những người biểu tình chống Trung Quốc trên truyền hình, sử dụng những “chuyên viên cù lần” để tranh luận trên các diễn đàn như “Nhô” trên blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc v.v…

[33]Bài thơ “Tôi biết ơn những người vấp ngã” của Nguyễn Tôn Hiệt

Nguồn: Tiền Vệ