vietsoul21

Archive for Tháng Một, 2011|Monthly archive page

Chúc Mừng Năm Mới – Tết Con Mèo

In Cộng Đồng, Việt Nam on 2011/01/30 at 22:57

Đầu xuân Tân Mão thân/kính chúc ông bà, cô bác, bạn hữu xa gần một năm mới tràn đầy hy vọng, an khang, thịnh vượng, và hạnh phúc. Chúc dân tộc Việt Nam sớm thoát xiềng xích độc tài, khỏi lầm than cơ cực, được tự do dân chủ, có mọi quyền làm người, sánh vai cùng nhân loại.

Mừng xuân mới xin đừng quên tinh thần dũng cảm của nhân dân Ai Cập. Họ đang kiên trì lên tiếng và tiếp tục cam chịu nhiều đau đớn vì bạo lực của chính quyền trên đường phố. Họ chỉ đòi hỏi cải cách dân chủ và những quyền làm người căn bản sau 30 năm sống với bạo quyền.

Quý vị và các bạn có thể theo dõi tin tức và hình ảnh cập nhật tại “Chống Chế Độ Độc Tài – Giải Nội-Thực-Dân

 

____________________________________________________

BBT: 2/17/2011

Vui hưởng xuân mới cũng không quên tinh thần đấu tranh xốc vác can đảm của nhóm Thanh Niên Hành Động Vì Đất Nước.  Xin cảm ơn nhóm Talamot vì được xem những video clips minh họa rất đẹp của các bạn.

Trường Sa – Hoàng Sa – Ta Là Một

Talamot: HS.TS.VN – Hoàng Sa & Trường Sa CỦA Việt Nam

Tuổi Trẻ Ai Cập – Tuổi Trẻ Việt Nam

Sau 18 ngày biểu dương lòng yêu nước, Tuổi Trẻ và Nhân Dân Ai Cập đã dành được quyền làm chủ vận mệnh và tương lai của chính mình. Tổng Thống Hosni Mubarak đã phải ra đi.

2011 – Tuổi Trẻ Ai Cập đã như thế.

2011 – Tuổi Trẻ Việt Nam ĐANG NGHĨ GÌ? – ĐẾN KHI NÀO?

Nguồn: Talamot

Chống Chế Độ Độc Tài – Giải Nội-Thực-Dân

In Chính trị (Politics), Thế giới on 2011/01/29 at 12:06

BBT (Cập Nhật): 7/2/2011 – 11 giờ sáng

Hí Họa của Barry Blitt - NY Times

Nếu quý vị muốn theo dõi trực tiếp các diễn biến mới tại Trung Đông xin bấm vào mạng nối http://english.aljazeera.net/watch_now/

hoặc

http://www.youtube.com/aljazeeraenglish

Video: Biểu tình ủng hộ phong trào đòi tự do dân chủ ở Ai Cập đã diễn ra khắp thế giới kể cả các tiểu bang của Hoa Kỳ, tiêu biểu nhất là sự tham gia của 60,000 người ở Nữu Ước.

BBT (Cập Nhật): 2/2/2011 – 3 giờ chiều

Mời mọi người xem một đoạn phim của Reuters tổng kết các diễn biến tại Ai Cập trong ngày hôm nay:

Một đoạn phim của Al Jazeera cho ngày hôm nay:

Hình chụp đêm qua, 1/2/2011, sau lời tuyên bố của Mubarak kết thúc (Al Jazeera)

2/2/2011 – “Obama, don’t fear of Egypt" - Gregg Easterbrook (Reuters)

BBT (Cập Nhật): 1/2/2011 – 8 giờ sáng

Quý vị và các bạn có thể xem các phim ảnh trực tuyến về diễn tiến của cuộc cách mạng không lệ thuộc một đảng phái nào và đòi dân chủ đang diễn ra khắp nước Ai Cập.  Đài rfa cũng vừa thừa nhận, “Đây là cuộc nổi dậy quy mô nhất của người dân Ai Cập kể từ 3 thập niên nay.”  Đặc biệt đã có gần hai triệu người đang có mặt tại Tahrir Square, và gần một trăm ngàn người nữa tại Alexandria-thành phố lớn thứ nhì và là hải cảng của Ai Cập vào giờ phút này, đựoc ghi nhận trực tiếp tại hai link nối sau đây

http://english.aljazeera.net/watch_now/

hoặc

http://www.youtube.com/aljazeeraenglish

Một biểu ngữ trong cuộc nổi dậy ở Ai Cập được đánh giá là tiêu biểu nhất trên thế giới

 

Tahrir Square, Egypt. February 1, 2011. Photo by Avaaz--A global web movement to bring people-powered politics to decision-making everywhere.

Mời mọi người xem một đoạn phim tổng kết các diễn biến trong tuần vừa qua:

Xin nhắn gởi đến những ai với bi quan và hốt hoảng–những nỗi niềm đang hộ tống sự biến đổi–rằng đa phần các quốc gia sau khi trải qua các kinh nghiệm nổi dậy đều trở nên tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta có thể nghĩ đến các ngoại lệ, chẳng hạn như trường hợp Iran, nhưng chúng ta nên đón nhận những cuộc nổi dậy này trong thiết tha và hy vọng.” — Cuộc mưu cầu cho nhân phẩm, David Brooks, NY Times, 31/1/2011

“[F]or all the pessimism and nervousness that accompanies change, most countries that have experienced uprisings end up better off. We can all think of exceptions, like Iran, but we should greet these events with eagerness and hope.”–The quest for dignity by David Brooks, NY Times, 1/31/2011.

Một vài hình ảnh đáng ghi nhớ trong tuần vừa qua:

BBT: 29/1/2011

Phong trào giải thực, phá vỡ hệ thống thực dân-thuộc địa, trên toàn cầu đã đem lại độc lập cho các nước thuộc địa. Cũng như các nước thuộc địa cũ, Việt Nam đã giành được độc lập. Tuy nhiên rất nhiều nước hậu-thuộc-địa này lại rơi vào các thế lực độc tài, và không có độc tài nào tàn ác, qủy quyệt, vô nhân hơn là độc tài Cộng Sản. Người dân các nước hậu-thuộc-địa này đã chịu đựng áp bức bởi chính người cùng chủng tộc dưới các chế độ độc tài nội-thực-dân.

“Con giun xéo mãi cũng quằn” và bây giờ một cao trào mới của người dân đứng lên đòi quyền tự do, dân chủ để được làm người. Họ muốn làm người Công Dân có được nhân quyền phổ quát với đủ mọi quyền bình đẳng trong xã hội.Quân đội Nhân dân đứng về phía dân chúng, bảo vệ tổ quốc, giữ gìn đất nước. Quân đội không lệ thuộc vào một đảng phái nào, bảo vệ quyền lợi của công dân, của tổ quốc.

Nhân dân Tunisia, Egypt, Yemen, Jordan … đã vùng dậy. <strong>Việt Nam, đồng bào ơi hãy vùng dậy đi.



Phó thường dân (5): Con dân – con cá – cò mồi

In Cộng Đồng, Tạp văn, Việt Nam on 2011/01/21 at 10:17

Vietsoul:21

Phó thường dân (5): Con dân – con cá – cò mồi

[tiếp theo kỳ trước: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông]

Thời gian trôi qua hơn 35 năm tôi mới dám nghĩ lại đến phận đời phó thường dân của mình. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện bên ni, bên nớ.

Con Cá

Năm mới sắp đến bà con cô bác hải ngoại bắt đầu rục rịch chuyện đi về Việt Nam ăn/chơi Tết.  Ai nấy cũng rần rần chạy đầu trước, lục ngõ sau, hơ hớt hốt hụi cho chuyến về cố hương.

Việt kiều chính hiệu con nai vàng hay người rơm, người rừng nếu không về cuối năm thì cũng ráng gởi chút đỉnh cho anh em, họ hàng hưởng Tết. Dễ thường số lượng kiều hối chính thức cộng với kiểu gởi chui cũng đạt gần 10 phần trăm tổng sản lượng quốc gia chứ không phải chơi. Y chang đàn cá hồi Đại tây dương (Atlantic salmon) mà ông Tưởng Năng Tiến đã ví von về người Việt hải ngoại.[1]

Người ta nói con cá nó sống vì nước.  Vậy mà đám phó thường dân sau 1975 thì hết nước sống. Lớp bị bắt đi cải tạo lao động, lớp bị đánh tư bản mại sản bắt đi kinh tế mới. Lớp bắt đi thủy lợi, phải gia nhập thanh niên “xung phong” (không chịu xung phong thì gia đình bị tổ trưởng dân phố công an phường đến thăm hỏi dài dài). Thế nên mạnh ai nấy chạy tìm đường sống.

Ngay cả hiện giờ—trong thời kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”—cả đạo quân thời cửu vạn, ô sin lay lắt tìm nước sống. Không thiếu gì người phải bỏ nước ra đi làm người rơm, người rừng, theo dạng xuất khẩu lao động, thông hành du lịch mại dâm, v.v… cá cược đời tàn cho số mệnh nổi trôi, kiểu Vinashin ra biển lớn!

À mà ta đâu còn chủ quyền biển lớn nào nữa để mà ra? Anh cả nước lớn đã thè cái lưỡi bò dài thòng đớp hết. Tàu thuyền đánh cá nào xớ rớ anh ủi thẳng cho mà chìm xuồng. Ngay cả cỡ “sói biển” Mai Phụng Lưu cũng chào thua, đành chấp nhận bỏ biển, bỏ nghề sinh nhai.[2]

Đám cá hồi này ra biển lớn, trầy vi tróc vẩy, chịu làm mồi hà bá.  Nên có gì đáng ngạc nhiên đâu khi mỗi lần về nguồn là hết xíu quách. Vậy chứ mà xem VTV4 quảng cáo thì khác à nhen.

Việt kiều người nào người nấy cũng bộ kẻng súng sính, phốp pháp, nhởn nhơ, phơi phới. Những hình ảnh bóng mướt này được lồng trong những lời “ân tình” của bài ca con cá (“dù bất cứ ở đâu cũng chung dòng máu lạc hồng luôn luôn hướng về tổ quốc”).  Nghe cái bổn cũ soạn đi soạn lại kêu gọi thống thiết Việt kiều về đóng góp xây dựng quê hương hằng năm một này mà não lòng, rụng rún.

Cò mồi

Năm Mão gần đến cửa rồi nên phó thường dân tôi nhìn lại năm Dần sau lưng để học kinh nghiệm. Lục lọi các tài liệu, và xem lại vài đoạn video trong lưu trữ thì gặp ngay cái cảnh đoạn Youtube tưng bừng “Tết Việt Kiều”[3] kiêm/kèm phóng sự “Đại hội Việt kiều” ở Hà Nội.

Hổng biết họ đào ra đâu được mấy người Vẹt kiều rất là “ấn tượng” để phỏng vấn. Tiêu biểu những khuôn mặt thì đủ mọi thành phần ca sĩ, văn sĩ, giáo sư, thương gia, cựu chính trị gia. Đủ xị. Những mặt sàng lọc này ca tụng hết cỡ cái tâm tình quê hương nghe thấy rơi ống điếu.

Dùng thủ thuật khêu gợi lòng luyến tiếc quá khứ thì chưa đủ thấm lòng những “người con xa xứ”—“Việt kiều là máu của máu, thịt của thịt, một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”. Quá phải rồi, bán máu thịt xứ người đem về tiếp máu quê hương. Máu mủ gì. Đẩy người ta ra biển thâu tiền, đuổi người ta lên rừng khai hoang, đày người ta vào trại cải tạo lao tù.

Thêm một nhà văn(g) bên Đức hư cấu “con người không có hộ chiếu là con người vô gia cư”, “dù có tỷ đô cũng không thể mua đươc tiếng bánh chưng sôi lịt sịt bay qua lũy tre làng … có tiếng ríu rít của đám trẻ thơ đang chạy ở cái vườn nhà … hoặc là cái tiếng giết lợn eng éc… hoặc là cái tiếng bò kêu, cái tiếng gà gáy, ở Đức không có”. Mèn đét ơi, anh này văn(g) vẻ mùi còn hơn sáu câu vọng cổ hoài lang.

Ai đời có gã phát biểu, “Đảng ta đâu chỉ có một người nên không phải độc tài, đảng ta có nhiều người nên rất là dân chủ”. Dân chủ kiểu gì?  Kiểu “Đảng lãnh đạo (độc quyền, độc đoán, độc tài), nhà nước quản lý (theo chủ trương-đường lối-nghị quyết của Đảng), dân làm chủ (nhưng để Đảng “no” dùm bằng cách đứng tên sổ đỏ)” thì chính thị kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông rồi!

Rồi lại thêm một anh chàng GS mào đầu, “Chính phủ đã làm nhiều cho cởi mở, cũng như thể chế chính trị bắt đầu có cái hướng chấp nhận sự khác biệt”. Hổng biết chàng này ở bụi nào ra mà nói nghe quải thiệt. Cởi mở cỡ (hồi) nào đây cha?

Mẹ Nấm, cô Quỳnh, chỉ viết vài hàng tổng kết thành tích công an cuối năm, trích dẫn báo lề phải 100%, mà đã được mời lên phường (“uống trà”) nghe lên lớp. Cô Tạ Phong Tần, nhà báo tự do “liên quan” đến Điếu Cày và HS-TS-VN, thì được mời đi “uống trà” đến té đái! Chuyện công dân lên phường này mà không vượt kỷ lục trên toàn thế giới[4] như “chuyện thường ngày ở huyện” thì thôi.

Còn những ai được ưu ái hơn thì xin mời dùng “trà (nhà) đá”. Gần đây nhất là bà Hồ Thị Bích Khương, mục sư Nguyễn Trung Tôn, anh ba Sài Gòn đi nhà đá theo chân Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và cùng chung số phận với nhiều người đã phản biện với nhà nước trước đây. Đảng CSVN, chính phủ cởi (khóa) mở (nhà tù) tống giam những người đấu tranh dân chủ, nhân quyền, công đoàn, nông đoàn độc lập, tự do tôn giáo thì có. Cởi mở kiểu anh chàng GS này tiếp thị thì vái (dzái) dài thôi.

Trong đám Vẹt kiều này thì đặc biệt nhất là cặp đào/kép Tuyết Mai/Cao Kỳ thiệt là nhập vai. Ngày xưa phó thường dân coi cải lương trên truyền hình mê nhứt là đào Thanh Nga và kép Thanh Sang. Cũng ưa không kém là kép Văn Chung chuyên đóng vai nịnh thần, gian thần, và dâm quan. Các đào kép đóng vai chánh tà rõ ràng nên cảm xúc thương ghét cũng rạch ròi.

Bây giờ xem cặp tài tử Tuyết Mai/Cao Kỳ thì hổng biết họ đóng cái tuồng chi. Văn Chung giờ đã về hưu. Còn Cao Kỳ về vườn từ lâu nhưng ráng đóng vai nịnh thần để lãnh “huy chương vàng” bỏ túi. Chắc chắn trăm phần trăm đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú chứ không phải giỡn đâu.

Cặp đào/kép Tuyết Mai/Cao Kỳ kể lể đóng góp xây dựng đất nước cái kiểu kiếm cơm à la “thời thượng” không mất li ti sợi tóc nào. Đêm thì hát phòng trà “đem tiếng ca cho đời”, ngày thì hót món phở Mai “quốc hồn quốc tuý” để gầy dựng túi tiền. Hoặc ung dung ngồi sa lông tha thiết gởi lời ủy lạo chiến sĩ ngoài Hoàng Sa/Trường Sa. Thiệt tình hết thuốc chữa.

Mà tưởng kiểu gì! Chứ lối hành trình về với quê hương đem những năm tháng ngày thừa còn sót lại của đời mình để đóng góp như kiểu gánh hát Tuyết Mai/Cao Kỳ thì hết chỗ chê.

Phó thường dân tui thấy đảng và nhà nước nên làm mạnh đi—phải thực thi nghị quyết 36 cho thêm phần hiệu quả hơn. Đảng và nhà nước phải suy tính lập kế hoạch làm sao góp hết đám dân vô sản, phá sản, người rơm, người rừng cho về đóng bộ, nhận vai cò mồi (hay “cai thầu văn hóa nô dịch”) để diễn tuồng cho đỡ đời cơ cực.

Phó thường dân tôi chợt nhớ lại lúc thời đi học xa nhà phải đón xe lam. Ở bến xe nào bao giờ cũng có mấy tay bịp bài ba lá. Mấy tay này luôn có đám cò mồi bảnh bao đứng chung quanh đặt tiền và nhà cái chung tiền cho cò mồi tá lả. Thấy tưởng như thiệt! Đám cò cười hể hả quơ tiền vào túi trong khi luôn miệng thúc người khác cá tiền vào. Nhiều người thấy quá dễ, đặt tiền độ, được cho nhử ăn ván đầu, rồi được đám cò hùa thêm vào, tưởng bở nên hăng máu chơi xả láng. Thế là sạch túi.

Còn nữa. Ngoài đám cò mồi thì lại có thêm giới Vit kiều thời thượng: sáng (cà) phê, phở; trưa sushi, bulgogi, martini; chiều pasta, vodka; tối phòng trà, ta cứ tà tà.

Không phải Việt kiều hồi hương, cũng chẳng là cựu lưu vong (expat). Phải gọi cho đúng tên đúng mặt để chẳng hổ ngươi.

Đây là những nhân vật đã nhập vai đô thị toàn cầu (cosmopolitan) nhuần nhuyễn chỉ dừng chân lãng tử (sojourner) nơi này. Họ tự gắn víu vào thời trang đương đại, va vịn trong văn hoá đa chủng, và sành điệu siêu kỹ nghệ. Họ khoác áo “tân thực dụng” (neo-pragmatism), đóng vai trùm tác nhân cung phụng cho hệ thống tư bản tài chánh xuyên quốc gia, và dĩ nhiên không cần ngâm nga hay gồng mình trong hoạt cảnh khi chọn vai đóng làm nhịp cầu tạo lợi nhuận cho giới thống trị (cả tư bản xanh lẫn tư bản đỏ).

Những đào kép ni chỉ nghĩ cho riêng mình (me, me, me, and me), và mong vơ được tất cả (having a cake and eat it too). “Thu tiền đô, chi tiền đồng”.  Thế nhưng lúc nào cũng sướt mướt đầu môi, rung rung xúc động trước ống kính thu hình để tuyên bố “làm một cái gì cho đất nước”.

Thôi đi má!  Kỹ nghệ phở (bên) Tây thì cạnh tranh không nổi nên đành về vùng đất (thị trường) sơ nguyên ( “Vietnam is still a virgin land!”) để mở Ph Ta hồi 9 giây, 9 phút, 9 giờ ngày 9 tháng 9 năm 2009—mơ “làm thời trang cho sợi bánh phở Việt nam” trở thành “một nét văn hóa thưởng thức thức ăn truyền thống Việt cao cấp”. Thời mở cửa ít xe đạp mà lắm xe máy, nhưng ta về ta đi ô tô (Tadioto) ngao du Ba Vì (Đình) cho bảnh bao nghệ sĩ.[5]

Quanh đi quẩn lại thì vẫn mòn gương mặt cũ, vài phát ngôn(g) viên đại diện (ai cho / cho ai) Việt kiều để mại dô hàng độc.

Con dân

Qua đại hội XI, Đảng CSVN lại “vũ như cẩn”—qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Người dân nghe xong mà không tán thán “bótay.com” hay bị tâm thần phân liệt (schizophrenic) thì cũng là chuyện lạ. Cứ như là tay phải tát má trái, và chân trái đá mông phải, nói một đằng làm một nẻo, nửa gà nửa vịt nửa đười ươi. Ai hiểu nổi cái “quá độ chủ nghĩa xã hội” là cái quái gì.

Thiên hạ chỉ thấy công an quá quắt, cán bộ quá quắt, và bộ chính trị trung ương đảng quá quắt.  Đám “đầy tớ nhân dân” tác ai tác quái quá độ này tùy tiện coi trời bằng vung, coi dân là thằng.

Gần đây nhất Đảng đã đánh tiếng là sẽ chủ trương thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân. A hèm, vậy chứ khẩu hiệu “công nông” giờ bỏ đi đâu đây? Hay là đổi thành “thương công nông”? Chắc dzậy rồi. Chỉ đáng thương cho người nông dân bị mất đất khiếu kiện từ năm này qua năm nọ không ai giải quyết. Thật đáng tội cho người công nhân lao động bị bóc lột, lương chết đói chẳng một công đoàn nào trợ giúp.

Thiệt ra chủ trương “đảng hóa” doanh thương này là một hình thức hợp thức hoá cho băng đảng CSVN tạo chuỗi rễ trong thương nghiệp tự do để nắm trọn hai đầu doanh nghiệp nhà nước (DNNH) và doanh nghiệp tư nhân. Đảng CSVN trở thành chủ xị lãnh tiền bảo kê và nhà cái ăn tiền xâu. Những doanh nghiệp tư nhân vào Đảng sẽ được bảo vệ. Doanh nghiệp tự do sẽ là đám con ghẻ. Hơn chuyện Tấm Cám là chắc.

Kết quả? Dân ta bị đặt đâu ngồi đó như là con dân. Bộ chính trị, trung ương đảng còn hơn bố của dân.

Ngày xửa, ngày xưa (ít gì cũng xưa hơn thời cha sanh, mẹ đẻ của phó thường dân này) ở thời vua chúa, con trời (thiên tử) trị vì thiên hạ thì ông vua coi dân như con. Còn bây giờ ra rả, oang oang trên loa phường là Việt Nam đang phăng phăng sang “thời kỳ quá độ” mà sao quay lại thời phong kiến hồi nào vậy cà?

Tưởng qua rồi tháng ngày “con vua thì lại làm vua, con sải ở chùa phải quét lá đa”. Sao bây giờ có chuyện sắp xếp sắp xếp trắng trợn cậu ấm Nông Đức Tuấn (con cựu TBT Nông Đức Mạnh), Nguyễn Thanh Nghị (con TT Nguyễn Tấn Dũng) thành ủy viên “ưu tú tài đức”?  Đám thường dân, phó thường dân vậy rồi thì là mà…sẽ khó (khổ) ba (vạn) đời[6]. Làm sao sống với lũ này được!

Người dân đâu phải là con giun, cái kiến để cứ bị dày xéo mãi. Người dân không phải là con dân. Phải trả quyền công dân, quyền làm người cho nhân dân Việt Nam.

Người dân không là con cá, chẳng phải con cò. Họ là những Công Dân.

© 2010 Vietsoul:21

[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu – (8) Gió mưa là chuyện của trời … – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … – (12) Nhà em có nuôi một con két … – (13) Cái nhà là nhà của ta … – (14) Mèo – thỏ  – (15) phố vẫy …]


CHÚ THÍCH:

[1] Tưởng Năng Tiến – Năm Cọp Nói Chuyện Cá, talawas

[2] Làm gì khi ngư dân bỏ biển?, Bauxite Việt Nam

[3] Tết Việt kiều (1, 2, 3)

[4] Chuyện Hà Sĩ Phu & mấy con đinh vít – Tưởng Năng Tiến, Đàn Chim Việt (danchimviet.info)

[5] “Viet Kieu”, overseas Vietnamese, are moving home

[6] Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, Dân Làm Báo (danlambaovn.wordpress.com)


Các bài liên h:

Chứng quên tập thểCollective Amnesia and Rhetoric of Mobilized Participation

Tôi là người Việt Nam

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

Những cái nhập nhằng không tênThe Unspoken Ambiguities

Thời cửu vạn, ôsinThe Age of Day Laborer and Housemaid

Lết tới “thiên đường”

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

Bịt miệng nạn nhân

Tháng Tư Câm

Phản bội hay trung thành với lý tưởng?

Tư Liệu: Tuyên Cáo Của Chính Phủ Và Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa

In Lịch Sử, Việt Nam on 2011/01/18 at 12:54
BBT (1/6/2011): Trước tình hình bá quyền Trung Quốc đang có thái độ ngang tàng và hành động côn đồ trên Biển Đông Việt Nam chúng tôi đăng lại Tuyên Cáo của Chính Phủ và Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hoà để phản đối chính quyền Trung Quốc.
BBT (18/1/2011): Để tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa, 19-1-1974, chúng tôi xin đăng lại tư liệu Tuyên cáo của chính phủ và bộ ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa.

TUYÊN CÁO CỦA BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO VIỆT NAM CỘNG HÒA VỀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG GÂY HẤN CỦA TRUNG CỘNG TRONG KHU VỰC ĐẢO HOÀNG SA

(NGÀY 19.1.1974)

Nguyên văn:

Sau khi mạo nhận ngày 11.1.1974 chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng – Sa và Trường-Sa của Việt Nam Cộng-Hòa, Trung cộng đã đưa Hải-quân tới khu vực Hoàng- Sa, và đổ bộ quân lính lên các đảo Cam -Tuyền, Quang -Hòa và Duy -Mộng.

Lực lượng Hải -quân Trung -Cộng gồm 11 chiến đỉnh thuộc nhiều loại và trọng lượng khác nhau, kể cả một tàu loại Komar có trang bị hỏa tiễn.

Để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền an ninh quốc gia trước cuộc xâm lăng quân sự này, các lực lượng Hải quân Việt-Nam Cộng-Hòa trấn đóng trong khu vực này đã ra lệnh cho bọn xâm nhập phải rời khỏi khu vực.

Thay vì tuân lệnh, các tàu Trung-Cộng, kể từ 18.1.1974, lại có những hành động khiêu khích như đâm thẳng vào các chiến đỉnh Việt-Nam.

Sáng ngày nay, 19.1.1974 hồi 10h20, một hộ-tống hạm Trung-Cộng thuộc loại Kronstadt đã khai hỏa bắn vào khu vực hạm “Trần Khánh Dư” mang số HQ-04 của Việt-Nam Cộng-Hòa. Để tự vệ, các chiến hạm Việt-Nam đã phản pháo và gây hư hại cho hộ tống hạm Trung Cộng. Cuộc giao tranh hiện còn tiếp diễn và đang gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho cả đôi bên.

Các hành động quân sự của Trung Cộng là hành vi xâm phạm trắng trợn vào lãnh thổ Việt-Nam Cộng-Hòa, và một lần nữa vạch trần chánh sách bành trướng đế quốc mà Trung Cộng liên tục theo đuổi, đã được biểu lộ qua cuộc thôn tính Tây Tạng, cuộc xâm lăng Đại Hàn và Ấn Độ trước kia.

Việc Trung Cộng ngày nay xâm phạm lãnh thổ Việt Nam Cộng-Hòa không những chỉ đe dọa chủ quyền an ninh của Việt Nam Cộng Hòa mà còn là một hiểm họa đối với nền hòa bình và ổn cố của Đông Nam Á và toàn thế giới.

Với tư cách một nước nhỏ bị một cường quốc vô cớ tấn công. Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi toàn thể các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình trên thế giới hãy cương quyết lên án các hành vi chiến tranh thô bạo củaTrung Cộng nhằm vào một quốc gia độc lập và có chủ quyền để buộc Trung Cộng phải tức khắc chấm dứt các hành động nguy hiểm đó.

Làm ngơ để cho Trung Cộng tự do tiến hành cuộc xâm lấn trắng trợn này là khuyến khích kẻ gây hấn tiếp tục theo đuổi chánh sách bành trướng của chúng và sự kiện này đe dọa sự sống còn của những nước nhỏ đặc biệt là những nước ở Á Châu.

Trong suốt lịch sử, dân tộc Việt Nam đã đánh bại nhiều cuộc ngoại xâm. Ngày nay, Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cũng nhất định bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ quốc gia.

(Tài liệu ronéo của Bộ Ngoại Giao, Sài Gòn,
Số 015/BNG/ TTBC/ TT)

TUYÊN CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA TRÊN NHỮNG ĐẢO Ở NGOÀI KHƠI BỜ BIỂN

VIỆT NAM CỘNG HÒA

Nguyên văn:

Nghĩa vụ cao cả và cấp thiết của một chánh phủ là bảo vệ chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia. Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết làm tròn nghĩa vụ này, bất luận những khó khăn trở ngại có thể gặp phải và bất chấp những sự phản đối không căn cứ dầu phát xuất từ đâu.

Trước việc Trung Cộng trắng trợn xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa thấy cần phải tuyên cáo long trọng trước công luận thế giới cho bạn cũng như thù biết rõ rằng:

Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực mà từ bỏ tất cả hay một phần chủ quyền của mình trên những quần đảo ấy.

Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng Hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chánh phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình.

Kẻ xâm chiếm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi tình trạng căng thẳng có thể do đó mà có.

Trong dịp này, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cũng long trọng tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những hải đảonằm ở ngoài khơi bờ biển Trung Phần và bờ biển Nam Phần Việt Nam, từ trước tới nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử, pháp lý và thực tại không chối cãi được.

Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên những đảo ấy bằng mọi cách.

Trung thành với chánh sách hòa bình cố hữu của mình, Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa sẵn sàng giải quyết bằng đường lối thương lượng những vụ tranh chấp quốc tế có thể xảy ra về những hải đảo ấy, nhưng nhất định không vì thế mà từ bỏ chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên những phần đất này.

Làm tại Saigon, ngày 14 tháng 2 năm 1974.

Nguồn: Tập san Sử Địa, tập 29

Nguồn: Nguyễn Xuân Diện Blog


Những bài cùng chủ đề:

Tưởng niệm trận hải chiến Hoàng Sa, 19-1-1974

37 năm trước-ngày 19.1.1974! (RFA)

Hải chiến Hoàng Sa 1974 trong ký ức một người lính biển (RFI)

Ngày tưởng niệm trận hải chiến Việt Nam -Trung Quốc năm 1974 (RFA)

Phó thường dân (4): Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/01/14 at 20:09

Vietsoul:21

Thời gian trôi qua hơn 35 năm tôi mới dám nghĩ lại đến phận đời phó thường dân của mình. Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ngắn, chuyện dài, chuyện bên ni, bên nớ.

(tiếp theo kỳ trước: (1) Anh tám hồ hởi(2) Nôị-thực-dân(3) Sợ)

Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông

Kỳ đà là cha cắc ké
Cắc ké là mẹ kỳ nhông
Kỳ nhông là ông kỳ đà…

Lúc còn nhỏ phó thường dân tôi hay cặp kè lũ con nít trong xóm hát ba câu trên, lập đi lập lại cho đến khi mỏi miệng thì … nghỉ. Chẳng biết ai đặt ra mà đám con nít chúng tôi cũng không thắc mắc bài này mang ý nghĩa gì. Nghe dzui dzui mắc cười dzậy thôi khi tưởng tượng cái vòng vo rối rắm giữa thằng cha kỳ đà cản mũi, lũ cắc ké xạo ke, và con mẹ kỳ nhông lật lọng đổi màu. Dzậy chứ ba câu này khi chợt nghĩ lại hổm rày thấy mua vui cũng được vạn ngàn trống canh.

Thiên hạ đang lao nhao bàn tán chuyện Đại hội đảng CSVN XI. Phó thường dân tôi mới lướt qua vài bài báo, dăm phát biểu mở đường thì thấy sao mà nó giống y chang như hiện tượng nhập nhằng kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông mà lũ con nít trong xóm hát chơi vui ngày xưa.

Lẽ ra thì chuyện đại hội đảng CSVN có mắc mớ gì đến người dân—những mặt thầm lặng quanh năm chẳng ai thèm để ý tới, nhất là những phó thường dân như tui. Đúng vậy, đại hội một đảng phái thì chỉ dành riêng cho đảng viên của họ. Bầu bán ai ai, cương lĩnh gì gì cũng mặc kệ người ta. Chẳng có gì thay đổi hay ảnh hưởng tích cực cho ai từ bao năm nay rồi.

Trên nguyên tắc quân bằng và đối trọng trong quyền lực và tác nhiệm, ba ngành tư pháp, lập pháp, hành pháp của một quốc gia phải độc lập không lệ thuộc nhau. Điều quan trọng nhất là không bị một đảng phái nào ảnh hưởng trụ trì cả. Các đảng phái có thể nắm quyền chấp chính sau khi được người dân tín nhiệm bầu vào thành phần đa số. Tuy nhiên, họ vẫn phải luôn đối tác, thương lượng, liên hiệp với các đảng phái thiểu số khác để đề xướng, thông qua, và thi hành các chính sách của quốc gia.

Thế nhưng cái Đảng CSVN chơi trò lắc léo! Chúng ôm trọn quyền, tự biên tự diễn, tự bầu bán cho nhau vào những chức vụ trong cả ba ngành của nhà nước. Đó là hiện tượng khác biệt cơ bản nhất của một chế độ độc tài, khác hẳn với tinh thần của những đảng phái chính trị thuộc các nước tự do dân chủ trên thế giới. Vì dzậy nên bàn dân thiên hạ, và ngay cả những phó thường dân như tui, mới phải chộn rộn bàn tán xôn xao.

Phó thường dân tui chữ nghĩa không đầy cái lá mít, nên tui chỉ hiểu đơn giản theo kinh nghiệm sống của mình mà thôi. Do đó tui thấy cái đảng CSVN này xem ra chính thị là lũ kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông. Còn cái Đại hội đảng XI đang diễn ra thì không khác gì hơn là đại hội đèn cù.[1]

Để phó thường dân tôi giải thích cái nhận xét của tui là tại sao đảng CSVN là kỳ đà cản mũi nghe. Chủ nghĩa cộng sản thì đã bị diệt vong, và rơi vào thùng rác của lịch sử từ hơn ba thập niên. Thế mà tập đoàn bộ chính trị cực đoan đáng là tội phạm vì lạm dụng quyền lực tối đa để khăng khăng kiên định lập trường chủ nghĩa Mác-Lê, và để tiếp tục chuyên chính độc quyền cai trị. Trong khi các quốc gia trên thế giới tiến bộ chọn lựa chiều hướng chính quyền dân chủ tự do thì CSVN cố khư khư ôm bám định chế “xã hội chủ nghĩa” (theo nghĩa hẹp của độc tài chuyên chính và thời kỳ quá độ).

Đảng CSVN ngày càng đi ngược lại cao trào tiến bộ của nhân loại, tiêu diệt hủy hoại tiềm năng dân tộc, và nhận chìm ước vọng mòn mỏi của toàn dân: muốn có những quyền làm người cá nhân căn bản và được tự do dân chủ trong xã hội. Như vậy thì không thể biện hộ hay chối cãi gì được nữa. Đảng CSVN là một đảng cực kỳ phản động[2], là kỳ đà cản mũi cản trở tiến trình phát triển xã hội của đất nước VN, và tự tách biệt mình ra khỏi cộng đồng thế giới.

Thứ hai, tui thấy Đảng CSVN là đám cắc ké xạo ke. Tập đoàn quyền lợi thiểu số đảng CSVN đã dùng hình thức lừa đảo kiểu “sở hữu toàn dân” để bán đất, bán rừng, bỏ biển thu lợi cho riêng mình, và bành trướng của cải quyền lực cho gia tộc đàn em của mình (nhưng vênh vang tuyên bố tài sản là “cộng”, là của chung!). Bộ phận giàu có nhất trong xã hội là các phần tử liên kết với quân đội, công an phục vụ cho đảng cho bè lũ chức quyền ma-phi-a.

Đây là bè lũ bất nhân. Chúng bất kể tai hại, hiểm nguy đến đời sống người dân, đến an ninh quốc gia. Chúng tẩu tán tài sản quốc gia qua “cổ phần hoá” (chia chác riêng), tẩu tán những tài sản công cộng, và biển thủ vốn đầu tư doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hằng loạt y như kiểu Vinashin—chỉ khác mức độ cường độ mà thôi.

Chúng nói là đầy tớ nhân dân nhưng hành hạ nhân dân vô kể như “chuyện dài ở huyện”. Chúng hứa lèo bằng cách nói nho nhỏ là nhận trách nhiệm sai trái đã xảy ra, nhưng rồi lại chẳng khi nào chịu trách nhiệm bằng bất cứ một hành động cụ thể nào. Chúng báo cáo công việc theo kiểu “báo cáo vị báo cáo”[3]. Nói suông, nói cho có cho được, nói xạo.

Hãy nghe cắc ké Đinh Thế Huynh—Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam—vừa mới tuyên bố (xạo ke):

“Ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Bởi một lẽ đơn giản, chúng tôi đã từng thử nghiệm đa nguyên đa đảng thông qua cuộc tổng tuyển cử năm 46, với nhiều đảng tham gia Quốc hội[4]. Nhưng đến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước tôi thì chỉ có Đảng Cộng sản cùng với nhân dân Việt Nam chiến đấu chống lại và giành thắng lợi trước thực dân Pháp. Và nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Sự thật ra sao? Việt Minh đã kêu gọi các đảng phái và thành phần không đảng phái đứng vào liên hiệp cứu quốc chống thực dân. Sau khi đánh bóng được nội các chính phủ trước toàn dân và thế giới thì họ đã mưu chước để lập tức loại bỏ, thủ tiêu, ám sát các thành viên Việt Cách, Quốc Dân Đảng, Đại Việt, v.v…[5]

Những ai may mắn “bỏ chạy lấy thân” thì còn sống sót. Ngay cả các người trí thức không đảng phái tham gia kháng chiến rồi cũng phải trốn hàng ngũ về thành vì nhiều nguyên nhân: bị chính ủy áp đặt chủ thuyết cộng sản ép buộc tham gia, bị đấu tranh tư tưởng, bị cưỡng bức làm chuyện trái đạo lý, tình người. Một số người trí thức sẵn sàng quên quyền lợi cá nhân và cố hy sinh chịu đựng trong thời chiến tranh để rồi bị trù dập, đày đọa, đấu tố sau khi cách mạng thành công chỉ vì đòi hỏi tí quyền tự do và nhân phẩm không chỉ cho bản thân mình.

Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm là một thí dụ điển hình nổi bật. Còn biết bao người không tên tuổi khác đành âm thầm cam chịu trong bóng tối. Ngoài việc đảng CSVN chủ trương “cải cách ruộng đất” tiêu diệt “trí, phú, địa, hào”, họ còn dùng “chấn chỉnh tổ chức” để loại trừ tất cả thành phần không cộng sản đang nằm trong các tổ chức chính quyền, bất kể những người đó đã hy sinh và có công lao hy sinh vì chuyện chung đất nước.

Dzậy thì mấy anh cắc kè văn nô này nói giỡn hay nói chơi dzậy cha nội! Các anh nói “dân chủ”, “tự do” theo kiểu “các bạn được quyền thích và tự do lựa chọn bất cứ màu gì, đây là màu đỏ duy nhất, mời các bạn tự do chọn (nhận).”

Kiểu tự do lựa chọn này làm phó thường dân tôi liên tưởng lại thời thơ ấu. Xã của tôi rất nhỏ nằm dọc quốc lộ chỉ có vài trăm gia đình. Trong xóm có một tiệm cắt tóc duy nhất. Cả đám con nít tui ai cũng được dẫn đi hớt tóc ở tiệm đó. Nhìn qua nhìn lại cái đầu đứa nào cũng giống nhau như ở trong cô nhi viện. Đầu đứa nào đứa nấy y chang một kiểu, kiểu nồi đất. Anh thợ hớt tóc cắt sao thì chịu vậy. Hên thì anh cắt đều tay, xui gặp bữa anh xỉn hoặc mới gây cấn với vợ thì cái đầu lởm chởm. Có phàn nàn thì anh sửa, sửa hổng xong thì anh xởn trọc đầu là xong chuyện. Khi tui bắt đầu lên trung học, đi học ở thị xã, nơi có nhiều tiệm hớt tóc thì mới thoát khỏi kiểu đầu nồi đất ấy. Đảng CSVN muốn vĩnh viễn đè đầu, cưỡi cổ, bịt miệng, trói tay nhân dân hoài vậy sao?

Chưa hết. Đảng CSVN là con kỳ nhông. Chúng thay da, đổi màu tùy lúc, tùy thời. Chúng mị dân để đạt được âm mưu sâu độc cai trị độc tài, áp bức nhân dân. Chúng treo đầu dê, bán thị chó. Chúng trưng bảng chủ nghĩa dân tộc để kêu gọi toàn dân đồng lòng chống thực dân, trong khi che dấu kỹ lưỡng cái nghĩa vụ quốc tế cộng sản.

Việc thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với hiến pháp dân chủ để chiêu dụ các đảng phái tham gia hầu được công luận quốc tế công nhận. Nhưng ngay sau đó, đảng CSVN cho cán bộ và đặc công ám sát, thủ tiêu, hay chỉ điểm cho mật thám Pháp bắt họ hòng bẻ gãy sức mạnh tập hợp và loại trừ các nhân sĩ yêu nước không cộng sản này. Đảng CSVN có thời lấy tên đảng Lao Động để che dấu cái đuôi chồn cộng sản, để lừa đảo và mị dân nhưng bản chất nó là một đảng độc tài. Bây giờ thì CSVN lại trương bảng “kinh tế thị trường” và thòng thêm cái đuôi (kỳ nhông) “định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đảng CSVN rêu rao dân chủ qua chủ trương “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ”. Mèn đét ơi sao mà giống y chang mấy câu ca cẩm “kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông” nghe nực cười ngứa lỗ tai phó thường dân tui quá. Đảng lãnh đạo (độc quyền, độc đoán, độc tài), nhà nước quản lý (theo chủ trương-đường lối-nghị quyết của Đảng), dân làm chủ (nhưng để Đảng “no” dùm bằng cách đứng tên sổ đỏ) thì không phải kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông là gì?

Lúc còn nhỏ thì nghe thấy dzui dzui nhưng tui nói thiệt nè. Dân ta, ngay cả phó thường dân tui, đâu phải là con nít mà Đảng và nhà nước cứ xài cái điệp khúc “kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông” đó mãi. Thôi bỏ đi tám. Đừng chơi kiểu “tao là tớ, tớ là mình, mình là tao” độc tài, độc diễn mãi như dzậy.

© 2011 VietSoul:21

[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu – (8) Gió mưa là chuyện của trời … – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … – (12) Nhà em có nuôi một con két … – (13) Cái nhà là nhà của ta … – (14) Mèo – thỏ  – (15) phố vẫy …]


Chú Thích:

[1] Đại hội đèn cù lần thứ XI, danchimviet.info

Đại hội đèn cù lần thứ XI © Đàn Chim Việt

[2] Bàn về phản động, Nguyễn Bặc

[3] Báo cáo vị báo cáo

[4] Cách đây 65 năm, chính tớ đã đi bầu! blog Tô Hải

[5] Đại hội ù lì trâng tráo, Ngô Nhân Dụng

Các bài liên hệ:

Chứng quên tập thểCollective Amnesia and Rhetoric of Mobilized Participation

Tôi là người Việt Nam

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

Những cái nhập nhằng không tênThe Unspoken Ambiguities

Thời cửu vạn, ôsinThe Age of Day Laborer and Housemaid

Lết tới “thiên đường”

Bịt miệng nạn nhân

Tháng Tư Câm

Phản bội hay trung thành với lý tưởng?

Giáp Văn Dương – Báo cáo vị báo cáo

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2011/01/14 at 01:26

Những báo cáo và chiến lược quan trọng nhất của đất nước, thay vì đi thẳng vào giải quyết những vấn đề nóng bỏng của đời sống, lại chỉ tập trung tô vẽ cho chính mình để đạt đến độ “hoàn hảo giả tạo”, trở thành những Báo cáo vị báo cáo, Chiến lược vị chiến lược nên khô cứng sáo mòn và xa lạ với cuộc sống. Tính bất khả thi của những báo cáo và chiến lược này vì thế là tất yếu.

Đọc lại những văn bản quan trọng nhất của đất nước trong thời gian gần đây, dù đã được trình hoặc đang ở dạng bản thảo lấy ý kiến của nhân dân, thì cảm tưởng sáo mòn, xa rời cuộc sống dội lên đến tận cùng. Cụ thể là những lập luận, nhận định, định hướng… thường không có cơ sở và logic chặt chẽ, quá đỗi chung chung và sáo mòn đến mức nhàm chán.

Từng câu từng đoạn khi để tách rời thì rất đúng, rất khó bắt bẻ nhưng khi kết hợp lại thành một tổng thể thì như một cái xác không hồn và lộn xộn đến mức khó chấp nhận. Đơn cử như trích đoạn trong “Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020”, một văn bản đang được trình lấy ý kiến của nhân dân như sau:

Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đạt được những thành tựu nêu trên là nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn hạn chế. Tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng. Thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ. Vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị – xã hội và đe dọa chủ quyền quốc gia.

Người đọc có lý trí bình thường, khi đọc đoạn văn bản này không khỏi có ý nghĩ về logic của văn bản và trình độ của những người soạn thảo:

• Nếu “Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của đất nước vững mạnh thêm nhiều…” thì vì sao “Các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng”? Thay đổi ở đây, như vậy, là thay đổi gì?

• Nếu đã “phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và của cả hệ thống chính trị” thì vì sao “kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc”? Sức mạnh toàn dân tộc, năng động sáng tạo của toàn quân toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị có lẽ nào chỉ mang lại những kết quả yếu kém như trên? Nếu đúng thì dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và hệ thống chính trị đó cần xem lại mình. Còn nếu sai thì nội dung của đoạn trích dẫn trên là hoàn toàn vô nghĩa.

• Nếu đất nước được vận hành “dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành có hiệu quả của Nhà nước” thì vì sao “những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng”, “sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc”, “các lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều bất cập, một số mặt còn bức xúc”, “môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng”? Sự lãnh đạo như vậy có được gọi là đúng đắn, sự quản lý như vậy có được gọi là hiệu quả?

• V.v…

Chỉ một đoạn văn bản ngắn như vậy mà đã chứa vô số những lập luận và nhận định lủng củng thì cả một văn bản dài, chưa kể hàng trăm văn bản mang tính chỉ đạo khác sẽ ra đời từ văn bản này, sẽ chứa đựng biết bao nhiêu củng lủng lầm sai?

Giật mình: Đây là một đoạn trong một văn bản quan trọng bậc nhất của đất nước hiện nay: Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020. Nếu văn bản này được thông qua, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động quản lý và điều hành đất nước trong 10 năm tới thì hậu quả sẽ như thế nào?

• Sẽ đẻ ra một đất nước lủng củng và phi logic như đoạn văn bản đã trích dẫn ở trên?

• Và để đối phó với những lủng củng phi logic đó, sẽ lại ra đời hàng trăm văn bản lủng củng phi logic khác để hợp thức hóa, logic hóa những lủng củng và phi logic đã có?

• Và một hệ thống phương tiện đủ loại đủ kiểu sẽ đi vào hoạt động hết công suất để đảm bảo cho việc hợp thức hóa, logic hóa được thành công?

• Và để chấp nhận chúng, con người phải được huấn luyện để trở thành lủng củng và phi logic một cách tương ứng?

• Nếu không, họ sẽ phải làm gì? Tự cắt bỏ khả năng tư duy và cảm nhận để trở nên vô cảm hay sẽ lao vào bài bạc, vũ trường, thuốc phiện… để quên đi cái lủng củng và phi logic của thực tế?

• Một xã hội suy đồi và một đất nước suy vong khi đó có còn xa?

Nhức nhối:

1. Chúng ta sẽ đi về đâu dưới sự chỉ dẫn của những chiến lược này?

2. Chúng ta phải làm gì với mớ bòng bong này?

Giáp Văn Dương
10-2010

Nguồn: Bauxite Việt Nam



Thơ Trang Y Hạ Gởi Trạch Gầm

In Liên Kết, Văn Chương on 2011/01/11 at 08:46

Mày biết không,

Tao tìm đường về quê nhìn không thấy ánh bình minh.

Tiền lính… tính liền! Làm sao có tiền mua đất.

Nhà-Ruộng-Vườn của ông bà, cha mẹ ư?

“Tập Đoàn – Tập Thể” nó lấy mất…!

“Kinh-Tế-Mới” là chốn nương thân.

Thời buổi đổi đời-khỉ nó xuống đồng bằng.

Ao cá tao nuôi là… hố bom: Muỗi-Mòng-Đỉa-Vắt…

Nhìn đêm trăng núi rừng vằng vặc,

Tao với mày từng nằm “Chiến trường xưa”

Cả Miền nam lũ và mưa…

Máu, nước mắt chảy theo hồn sông núi.

Cụt hai chân nhưng tao là thương binh của “Ngụy”!

Đâu phải là: Cùi, hủi.

Tao không ăn xin là để giữ thể diện lính Quốc gia.

Bắp tao trồng đã trổ hoa,

Trên chiến địa – tao với mày một thời chiến đấu.

Sự “Hoán đổi” chỉ có trời mới thấu.

Còn tao với máy tay trắng có còn chi mà dấu?

Tao không trách hay giận hờn gì mày đâu

Đêm nằm mơ nghe pháo kích nện trên đầu…

Mồ hôi vã-giật mình… ra vườn dạo:

Thương cho mày đi cải tạo ở rừng

Xót cho tao ở núi. Nghĩ mà đau!

Đất tao cày nhưng không phải của tao

Của “Toàn dân…”! Mày có biết?

Bị “Giải tỏa”! Tao lại vô rừng có cần chi đâu mà tiếc.

Như con tằm,cái kén,nghĩ tương lai.

Cuộc đời tao với mày dù có ngắn,

Nhưng đời con, cháu còn dài…

Mày không về, những lúc ngồi sau hè tao… nhớ:

Khí phách hiên ngang

Của ngưới lính Việt Nam Cộng Hòa muôn thuở;

Giữ mãi trong tim.

Tao với mày là những cánh chim

“Bị thương” trên chiến trường ngày ấy…

Buông súng trên đồi!

Vết thương dù còn sưng tấy,

Vẫn giữ nét oai phong.

Đời chiến binh – tao và mày không làm điều gì thẹn với lòng.

Với non sông Tổ quốc.

Tình đồng đội năm xưa rất thực:

Bi đông nước còn vài ngụm cũng xẻ chia.

Dưới giao thông hào khát khô, cay đắng.

Đạn thù trên đầu đang bắn…

Đời chiến binh mạng sống có nghĩa gì đâu.

Mày tha hương ôm nặng nỗi sầu;

Tao ở lại mang niềm đau thân tàn nhưng không phế!

Cảnh đời dâu bể…

Mong một ngày được thấy ánh bình minh.

Cảm ơn mày “Thiên thần” tao vẫn… xinh!

Hoa bắp nở… trắng trời xanh thẳm.

Tao biết mày thèm lắm…

Rượu đế tao nấu-cá chốt chưng tương,

Không có mày, tao uống một mình… đắng nghét;

Hàng cây so đũa trước nhà rớt mấy giọt sương!

Trang Y Hạ