vietsoul21

Archive for Tháng Mười, 2012|Monthly archive page

Người Buôn Gió – Nuôi án

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/10/25 at 15:07

Nuôi án thường có trong các vụ án hình sự. Người ta muốn có chiến công, thành tích nên khi phát hiện những đối tượng có manh nha phạm tội thì họ lặng lẽ theo dõi. Không bắt bớ, ngăn chặn ngay. Thậm chí họ còn cài đặc tình vào thúc đẩy việc phạm tội lớn hơn. Nuôi án hay có trong các vụ như mại dâm, buôn ma tuý, cờ bạc, buôn lậu,…đặc điểm của những “án nuôi” là có tổ chức, có sự phát triển theo thời gian.

Nhiều đối tượng bán lẻ ma tuý, chứa cờ bạc, cầm lô đề, cho vay lãi, bảo kê hoành hành được thời gian. Nghĩ mình lo lót hết, nhưng một ngày đẹp trời bỗng nhiên bị thộp cổ. Bọn nhỏ thì nhiều vô kể, còn bọn lớn thì như Khánh Trắng, Năm Cam.

Thật ra về số má giang hồ về đao búa, cái thang tính điểm của anh chị giang hồ thì cả Năm Cam, Khánh Trắng đều không có. Nhưng do được che chở của thế lực nào đó, từ một người đạp xích lô trở thành tay anh chị trùm bến bãi, lúc có vị trí rồi thì lúc đó không muốn thì cũng không thể làm ngơ nếu bị kẻ khác xúc phạm. Có lẽ Khánh Trắng chết một phần là do hắn, còn phần nữa là những kẻ đã dựng hắn lên. Nói thế mới chính xác. Cuộc đời Khánh Trắng nếu không một ngày gặp một vị đỡ đầu, thì giờ đây theo đà cuộc sống từ đạp xích lô, vợ bán hoa quả cứ chăm chỉ làm ăn. Khánh Trắng đã ngồi an nhàn uống bia hơi đầu Ô Quan Chưởng, vất xe tải cho một gã lái thuê nào đó. Chỉ việc điều hành chở hàng. Còn bà vợ thì ngồi một sạp hàng hoa quả chỉ đạo vài cô gái trẻ giúp việc cân đo, bó buộc hàng cho khách. Cuộc sống tương đối khá giả, bình bình. Sự thật thì nhiều anh chị ngang hàng Khánh Trắng thậm chí còn số má hơn lúc mà Khánh Trắng đạp xích lô giờ đây đã có cuộc sống như thế.

Thôi thì cứ gọi cho là số phận. Nhưng hẳn Năm Cam, Khánh Trắng ở suối vàng còn ôm khối hờn cả cục với những kẻ đã một thời bao che cho họ.

Nói gì thì nói, nuôi án không phải là việc chính đáng, thậm chí đó còn là đồng loã, tiếp tay cho tội ác. Người có trách nhiệm khi thấy mầm mống của tội phạm thì phải răn đe, giáo dục, ngăn chặn từ đầu. Nhưng công việc đó tương đối là thầm lặng, hiệu quả thì không rõ ràng. Chẳng ai có thể có chứng cứ để báo cáo thành tích rằng tôi đã ngăn chặn một ổ cờ bạc, ổ chứa mại dâm bằng cách khuyên bảo, giáo dục, ngăn ngừa ngay từ khi tên chủ quán mới định bán bia lắp đèn mờ, có xây phòng kín…Bởi chỉ có một xã hội mà người ta theo tiêu chí khác, con người ở đó khác thì họ mới cầm đồng lương và cố gắng làm những việc ngăn chặn cái xấu khi nó chưa xảy ra.

Còn ở đây, thành tích phải bằng số ma tuý cân được, số tiền cờ bạc thu được, số người bị giết…thành tích được miêu tả đầy hào hứng về con số, con số càng lớn thì thành tích của những người chỉ huy chiến dịch, bắt bớ, điều tra lại càng lớn.

Một đất nước thành tích thể thao năm sau cao hơn năm trước, chỉ số kinh tế năm sau cao hơn năm trước là điều rất đáng mừng. Nói nôm na là nếu anh năm nay mua sắm 10 đồng, năm sau 20 đồng thì là điều rất đáng mừng.

Nhưng thành tích bắt tội phạm thì không tương tự như thế nếu chúng ta biết suy nghĩ. Chả lẽ chúng ta hào hứng vì cảnh sát tháng trước bắt 20 bánh ma tuý, tháng sau chiến công rực rỡ hơn là bắt được 40 bánh. Rồi vài năm sau lại thấy khen thưởng rầm rộ vì phá vụ án có 100 bánh heroin.

Bạn thấy sắp có cuộc đánh nhau, hai người hàng xóm chửi nhau theo tiến độ căng hơn, theo kinh nghiệm bạn thấy họ sắp vác dao đến nơi. Bạn gọi điện lên công an phường báo tin. Một lúc sau họ xuống thì sự đã rồi, họ lập biên bản, lấy nhân chứng, bắt bớ, lấy cung. Có người đã trách công an là lúc đó xuống luôn thì không nên chuyện. Anh công an chân tình nhăn nhó trình bày, khổ lắm nhưng mà việc nó chưa xảy ra thì làm sao mà xuống được!!!

Nói về băng nhóm tội phạm như thời Khánh Trắng, Năm Cam, Dung Hà thì chuyện giết người so với bây giờ còn kém xa. Các băng nhóm thời đó vào cảnh mà họ cho là không thể chấp nhận, cân nhắc kỹ mới quyết định thanh toán đối thủ. Chứ còn bây giờ năm ba cậu thanh niên làm bóng, cho vay lãi, cầm đồ hứng lên là vác súng, dao truy sát. Thậm chí chả phải chuyện làm ăn, mà chỉ ở trong quán bar, quán phở dẫm chân lên nhau, nhìn đểu nhau là có thể vác súng bắn vỡ đầu nhau luôn.

Mấy lần nghe thấy cán bộ lãnh đạo công an nói rằng thiếu nhân lực. Mặc dù năm sau nhiều hơn năm trước. Lập thêm đội dân phòng, đội trật tự tự quản, xung kích, dân quân tự vệ để hỗ trợ công an. Dường như vẫn chưa đủ để lực lượng này đảm bảo số lượng duy trì an ninh, trật tự.

Tội phạm gia tăng dẫn đến tăng cường quân số, trang bị, vũ khí…một cái vòng tương tác cứ như thế kéo dài. Nếu người ta không chú ý đến giáo dục, thậm chí còn có ý đồ nuôi án để lấy thành tích. Thì đương nhiên cái vòng luẩn quẩn đó còn phải nói đến nhiều.

nguyenphuonguyen_nucuoi.jpg

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên

Những chuyện về tội phạm hình sự như thế này không kể thì ai cũng biết. Sở dĩ hôm nay kể vì gặp chuyện bất ngờ. Thường chỉ gặp nuôi án trong các vụ kinh tế, cờ bạc, cưỡng đoạt (bảo kê bến bãi, nhà hàng), mại dâm…chứ ở những vụ như an ninh chính trị thì không bao giờ có.

Thế nhưng mới đây nghe chuyện một cô bé sinh viên bị bắt, đồn rằng người ta phát hiện từ nhiều tháng trước, cài đặc tình vào theo dõi, rồi để đến khi truyền đơn tung ra họ mới bắt.

Không tranh luận chuyện cô bé có tội hay không có tội, vì đó sẽ là cuộc tranh luận còn diễn ra dài dài đến khi nào cô ấy được thả. Về quan điểm của tôi tất nhiên là cô bé không có tội, nói vậy để các bạn khỏi tranh luận về cô bé có tội hay không. Chuyện ấy sẽ tranh luận ở phần khác. Phần ở đây là chuyện nuôi án cơ.

Về phần những người bắt cô gái thì họ sẽ khẳng định cô bé có tội, bởi thế họ theo dõi từ lâu, cài người để nắm bắt, thậm chí có thể là tác động để cô và các bạn tiến hành hoạt động mà họ nghĩ là đủ chứng cứ để bắt. Vậy là nuôi án đấy.

Đến án chính trị, an ninh quốc gia mà còn nuôi án nữa. Thì thực sự một kẻ xuất thân từ dân lưu manh vốn tưởng đã không có gì bất ngờ với chế độ này, một lần nữa phải kinh ngạc vì hiểu biết của mình vẫn còn non kém quá.

Một đất nước ổn định về chính trị, cứ tưởng là không có những người phạm tội chống chế độ, tuyên truyền nói xấu chế độ, âm mưu lật đổ chế độ cơ. Chứ đã đầy rẫy những người ra toà vì tội như thế rồi mà lại còn nuôi án cả những tội đó để lấy thành tích nữa thì quá là đáng ngại.

Mong sao chuyện đó không phải là sự thật.

Theo blog Người Buôn Gió

cực đoan – phản động

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/10/19 at 23:50

minh họa: dân làm báo

Cuối tuần vừa rồi người Việt tỵ nạn cộng sản ở Hoa-kỳ đã tiễn đưa nhà thơ, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện ra đi vĩnh viễn. Dù chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt nhưng có đọc nhiều bài thơ của ông và lấy lòng cảm phục với tấm lòng chân thật và tinh thần bất khuất của con người ấy.

Cái giá mà ông Nguyễn Chí Thiện trả cho việc nói lên sự thật quả rõ đắt và đắng[1]. Dù đó chỉ là sự thật của một sự kiện trong lịch sử:

“Anh chuẩn bị kỹ, giải thích cho học sinh biết rằng phát xít Nhật bị bắt buộc phải đầu hàng vào tháng 8-1945 là do 2 quả bom nguyên tử của Mỹ ném xuống Nagasaki và Hiroshima. Thế là có phụ huynh học sinh cùng một giáo viên ganh tỵ với anh tố cáo với công an quận rằng anh cố tình truyền bá tư tưởng đế quốc, không theo giáo án, nói trái quan điểm của đảng, không giải thích rằng phát xít Nhật thua là do công ơn của Nguyên soái Stalin đã chỉ huy Hồng quân tiêu diệt đạo quân Quan Đông ở Mãn Châu.”

Có lẽ cái giá của sự thật không bao giờ rẻ, nhất là ở những nơi mị dân đầy xảo trá lọc lừa thì phải rất đắt. Đắt bằng 3 lần đi tù, gần nửa đời người cho nhà thơ.

Đắt bằng 34 năm tù còn tiếp tục cho anh Nguyễn Hữu Cầu[2], người cương quyết không ký nhận tội danh của bản án.

Đắt bằng 12 năm tù cho anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, 10 năm cho cô Tạ Phong Tần và 4 năm cho Anhbasaigon Phan Thanh Hải[3].

Đắt bằng với 16 năm tù cho Trần Huỳnh Duy Thức, 5 năm cho LS Lê Công Định.

Đắt bằng 9 năm cho Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, 7 năm cho Đỗ thị Mỹ Hạnh và 7 năm cho Đoàn Huy Chương[4].

Đắt bằng 7 năm tù cho anh Cù Huy Hà Vũ.

Đắt bằng giam cầm vô thời hạn cho Paulus Lê Sơn[5] và các thanh niên công giáo vì công lý và sự thật.

Đắt bằng cái chết lần mòn cả tinh thần và thể xác cho LS Nguyễn Mạnh Tường kẻ bị “mất phép thông công[6], và triết gia Trần Đức Thảo[7] sống trong tăm tối cho đến cuối đời. Cái chết của những con người lương thiện trong một thể chế dị dạng vô lương tri.

Và đắt hơn cả là vô số cái chết và tù đày của trăm vạn ngàn người suốt 67 năm dài …

Cực đoan (Cực kỳ)

Đối với những quyền lực, nhất là những quyền lực gần như tuyệt đối thì bất cứ những ý kiến trái ngược hoặc phản kháng nào – dù phản kháng đó bằng lời hay bằng hành động – nếu không theo “khuôn khổ” được quy định thì sẽ được gán cho từ “cực đoan”.

Nhà Thiên văn học Galileo sau bao nhiêu tháng năm quan sát, tìm tòi và đã khám phá ra rằng “trái đất quay quanh mặt trời”. Thế nhưng sự thật đó không được công nhận bởi Tòa thánh La Mã. Giáo quyền thời đó đã xem ông Galileo là kẻ cực đoan, dị giáo (heretics) muốn phao tin giả (hearsay) trái với giảng giải trong kinh thánh. Ông đã trả giá cho sự thật bằng một bản án giam tại gia cho đến cuối đời.

Triết gia Socrates lúc làm ủy viên của hội đồng thành phố (boule) đã bất chấp đe dọa truất phế và tù tội, kiên quyết không bỏ phiếu cho một cuộc xử án vi hiến – kiểu đấu tố (collective trial)  – ngay cả đối với những tên bạo chúa tiếm quyền. Dù rằng trước đó không lâu ông suýt bị nhóm 30 tên bạo chúa này (Thirty Tyrants) xử tử chỉ vì ông lặng lẽ từ chối không làm đồng lõa cho các cuộc xử tử bất công do họ dựng ra. Socrates phản kháng cái quyền lực bất công quy buộc ông vào tội danh “đầu độc tâm hồn thanh thiếu niên” dù rằng ông chỉ giảng dạy triết lý muốn đi tìm sự thật và công lý. Ông chấp nhận uống thuốc độc chết để bảo tồn danh dự và khế ước xã hội dù có cơ hội trốn thoát khỏi lao tù. Socrates đã bị gán là kẻ “cực đoan” về mặt tư tưởng chỉ vì muốn bảo vệ công lý và sự thật.

Ông Ghandi, người hiện được mọi người ca tụng là vĩ nhân hòa bình vì là người chủ xướng đấu tranh bất bạo động chống thực dân Anh, cũng bị chính quyền thời đó gán tội danh “quấy rối trật tự” chống nhà nước. Rất nhiều quan chức, giới thượng lưu, thành phần ưu tú (elites), và ngay cả trí thức trong giai đoạn ấy đã dán cho ông nhãn hiệu “cực đoan”. Họ muốn ông đàm phán, hòa giải bất công qua các “thủ tục” quy định bởi chính quyền thực dân.

Ông Martin Luther King Jr., mục sư đạo Tin Lành và thủ lãnh phong trào dân quyền ở Hoa-kỳ , đã noi gương Ghandi đấu tranh bất bạo động, đòi hỏi quyền làm người, bình đẳng và công lý cho người Da Đen nên cũng bị ghán cho là thành phần nguy hiểm, khích động . Không ít những mục sư Tin Lành và một số trí thức cùng màu da, cùng lý tưởng đấu tranh dân quyền đã tránh né xa lánh ông vì cho rằng phương thức hành động và tuyên ngôn quá “cực đoan” sẽ đưa tới phản ứng mạnh đàn áp phong trào.

Nguyễn Chí Thiện, Dương Thu Hương, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Thị Minh Hằng đều “được” gán cho cái mác “cực đoan”, “quá khích” v.v…

Những người vì sự thật, công lý, bình đẳng khi cương quyết, nhất quán trong đấu tranh thường (luôn) hay bị giới cầm quyền gán cho cái mác “cực đoan” và “quá khích”. Đặc biệt là nhà nước cộng sản Việt Nam thì họ sẽ được cho thêm cái mũ “phản động” kèm với “cực đoan”.

Anh em Đoàn Văn Vươn sử dụng mìn tự chế chống lại cưỡng chế bất công, tàn bạo của công an, cảnh sát, dân phòng thì được “phong” hàm “manh động”, “cực đoan”, “quá khích”.

Giáo dân cùng tu sĩ xứ Thái Hà[8], Con Cuông, Cồn Dầu tụ tập để cầu nguyện hiệp thông, bảo vệ tài sản, giáo đường cũng bị chụp cái mác “cực đoan”, “quá khích”.

Những người dân oan bị cướp đất đi khiếu kiện, lê la lếch thếch từ xã tới huyện đến thành phố và tận trung ương cũng bị mồm loa, mép giải của báo của đài gọi là “khích động” và “cực đoan”.

Hai mẹ con cởi truồng giữ đất[9] vì không muốn bị cướp đi phần mồ hôi nước mắt bao năm gầy dựng. Họ trần truồng bám trụ giữ phần tài sản nhỏ bé nghèo nàn để “cạp đất mà ăn” cũng bị gán là có hành động “cực đoan”.

Cơ chế và Quyền lực

Các quyền lực độc đoán không bao giờ chấp nhận ý kiến trái ngược với họ để bảo vệ giữ vững cái vị trí độc đoán đó. Những quyền lực này luôn gieo ảnh hưởng lên công chúng bằng cách xử dụng ngôn ngữ để gài khung (framing) hầu tạo cái nhìn phán đoán về dị biệt (deviant) để dễ dàng cách ly (isolate)  người/nhóm phản kháng ra khỏi đám đông. Kế tiếp là họ sẽ tấn công vào thân thế, bôi nhọ cá nhân hay tập thể nhỏ đó. Và sau cùng là dùng cả hai cơ chế luật pháp (các luật lệ khiếm khuyết, hoặc vi hiến) và luật rừng để cưỡng chế và vô hiệu hóa người/nhóm phản kháng.

Phương tiện để gài khung là thuật ngữ. Đó là việc sử dụng những từ ngữ phổ thông và có định kiến xấu để quy chụp vào tình huống cá biệt. Họ dùng những cây cọ thật to – các phương tiện truyền thông đại chúng – để tô hồng (đồng chí) và bôi đen (đồng bọn/đối tượng) tạo phán xét dễ dãi không cần tư duy định hướng dư luận.

Những quan sát trên thuộc cái nhìn về “cực đoan” dưới lăng kính tương quan giữa quyền lực và cá nhân/tập thể thiểu số. Còn cái nhìn về “cực đoan” dưới lăng kính tương quan xã hội thì sao?

Ở các nước Á Đông, nền văn hóa Khổng, Nho, Lão giáo vẫn còn ảnh hưởng đẫm đặc trong tư duy của mọi người, nhất là trong tầng lớp có học vấn. Cái tinh thần “dĩ hòa vi quý”, thuyết “trung dung”, “vô vi” thường được xử dụng làm chỗ dựa để biện minh cho việc an vị, tịnh tâm và để rúc vào đám đông thầm lặng “ôn hòa”.

Dĩ nhiên khi đã tự xưng là thành phần “ôn hòa” thì mối liên hệ với những người cương quyết, nhất quán trở thành mối liên hệ xa lạ – giữa ta và kẻ kia (the other) – cho dù ngay lúc cả hai đều có cùng một mục đích hoặc lý tưởng đi nữa. Không thiếu gì trường hợp người ôn hòa gán cho người khác là “quá khích”, “cực đoan”, là “bất hảo”, “mất gốc rễ”, là “vô liêm sĩ, man rợ”[10], là “ô hợp” thiếu “văn minh” một khi kẻ kia có những ứng xử không theo “tiêu chuẩn” của người chủ quan tự cho mình là thành phần ôn hòa. Vô hình chung cách ứng xử này sẽ cô lập và tách biệt quần thể ra thành hai nhóm—một tập thể bỗng dưng có hai thái cực đối kháng và khắc kỵ nhau. Kết quả cả hai đều rơi vào bẫy phân hóa do diễn luận cài khung thực thi bởi quyền lực hiện hành.

Bên cạnh chỗ dựa “ôn hòa” trong đám đông thầm lặng những kẻ tựa vào quyền lực lại còn có chiếc ô che “khách quan” vô tư tránh nắng (thiếu) khoa học tạo thuận lợi giúp những phán quyết về người khác được xem như là chuẩn mực.

Nơi an toàn nhất đối với họ là vị thế “ôn hòa”, “việc đâu còn có đấy”, “bình chân như vại” không động đến cái lông chân. Chốn khó khăn đầy hiểm nguy là điểm trực diện đương đầu với quyền lực của những ai chọn dấn thân.

Ngược lại, người phản kháng luôn tìm mọi phương cách để trực diện đương đầu, biểu lộ chính kiến của mình nhất là khi họ bị cô lập và giới hạn trong các phương tiện truyền thông đại chúng. Họ dùng mọi phương thức, cả kiểu sáng tạo lẫn lối thông thường từ việc chiếm phố Wall (Occupy Wall Street) đến chuyện ban nhạc Bướm Nổi Loạn (Pussy Riots) hóa trang hát nhạc rock trong nhà thờ diễu cợt Putin, từ nhóm người bảo vệ môi trường “cắm dùi” trên ngọn cây chống đường ống dẫn dầu xuyên đại lục (XL pipeline, tar sands) đến nhóm chống bom nguyên tử dùng thuyền chèo (kayak) và thuyền buồm cản trở hải trình tàu ngầm nguyên tử, từ nhóm bảo vệ quyền thú vật (animal rights) dùng thuyền cao tốc đuổi cản tàu đánh bắt cá voi/ông đến nhóm chống chiến tranh lấy thân mình làm lưới chắn cổng hải quân vận chuyển vũ khí ra ngoại quốc, từ phong trào người Tây Tạng lưu vong tự thiêu chống Trung Quốc đến hiện tượng người Việt Nam tỵ nạn biểu tình chống cộng sản ở phố Bolsa v.v… Bất cứ phản ứng nào dù thật sự ôn hòa cũng có thể bị gán ghép là “cực đoan”.

Họ bị gán cho là những kẻ vô công rỗi nghề, bọn không công ăn việc làm, người nhận tiền nước ngoài (thế lực thù địch), mất gốc rễ, dân đầu đường xó chợ, kẻ ăn bám xã hội, đám ăn trợ cấp (welfare), thứ rác rưởi, bọn trẻ xuẩn ngốc v.v… Hệ thống quyền lực thành công hay không trong việc gài khung cô lập những người này hoàn toàn tùy thuộc vào nhận xét của dân chúng – nhóm/đám này đa phần chịu ảnh hưởng bởi các định kiến tạo ra và đặt để trong xã hội.

Tính Năng Động của Quyền Lực – Ký Sinh – Đồng hóa

Hãy thử thoáng nhìn về các tính năng động phức tạp của quyền lực trong xã hội (complex power dynamics within society).

Nhà nước nắm giữ hệ thống quyền lực là chủ (host) trong chuỗi quyền lực mang tính ký sinh “trao thân gởi phận”. Nhà nước luôn chủ động trong vận hành, đặt ra kế hoạch mà không cần phải trao đổi với những nhân vật hữu quan chủ yếu, và từ đó áp đặt quyền lực lên các thành viên trong xã hội. Và xoay quanh quyền lực hiện hành này là vô số những ký sinh (sát cánh) giúp vận hành cỗ máy đó.

Có rất nhiều móc xích trong chuỗi ký sinh, loại trực tiếp và loại gián tiếp. Có ký sinh trực tiếp “còn đảng, còn mình”. Có ký sinh gián tiếp thoáng ra không ai nhìn thấy vì nó nằm xa mãi ở tận cuối chuỗi móc xích. Ký sinh trực tiếp thì biết (bám) chủ còn ký sinh gián tiếp nằm ở cuối chuỗi móc xích thì lờ mờ (lửng lơ) với chủ gốc.

Điểm đặc biệt ở đây khác với định luật sinh tồn trong quan điểm sự tồn tại thuộc về loại mạnh nhất (survival of the fittest) ở chỗ ký sinh rất dị ứng với việc chủ bị triệt tiêu. Vấn đề này rất hệ trọng vì làm rối loạn mối liên hệ của chủ-ký sinh (host-parasite relationship). Nguyên do bởi lẽ ký sinh và chủ có cùng một chu trình tiến hóa tương tác (co-evolution). Chủ có sống thì ký sinh mới tồn tại. Chính đó mới là cái nhập nhằng, đan chéo trong các mối quan hệ của quyền lực trong xã hội.

Quyền lực chuyên chính không bỏ qua một thủ thuật tinh vi và lắm lúc miễn cần gông cùm mã tấu. Đó là chước tạo đồng hóa/thuần hóa (assimilate/cooptation) về mặt tưởng, lợi ích, và danh vọng nhằm loại trừ và dập tắt những thành phần kháng cự, chống đối, và muốn phản ứng ngược. Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã xử dụng thủ thuật này xuyên suốt chiều dài lịch sử ngay từ khi cướp chính quyền.

Đồng hóa tư tưởng qua nhiều phương tiện tuyên truyền: từ cái loa phường, các bích chương khẩu hiệu, đội thiếu niên quàng khăn đỏ, đoàn thanh niên, đến họp tổ dân phố, họp hội phụ nữ, hội người cao niên, hội cựu chiến binh, nghị quyết, báo, đài v.v…

Đồng hóa lợi ích qua cơ chế tạo hệ thống đồng lõa với các tổ chức ngoại vi và nhà nước. Số cán bộ (gần xa) và nhân viên nhà nước được bổ xung, cồng kềnh cho nên có xã có trên 500 cán bộ[11]. Gần như ai ai cũng có dính phần tí tẹo nào đó vào cơ chế để móm chút lợi. Những ký sinh và các con vắt này liên tục hút máu tài sản nhân dân và tài nguyên quốc gia.

Việc đồng hóa lợi ích đã được thể hiện rõ trong Hội nghị Trung ương 6 vừa qua. Toàn thể BCHTƯ và BCT đã đồng hóa về lợi ích và dĩ nhiên không thể nào có việc phản kháng lại lợi ích chung ăn sâu tận gốc rễ.  Nếu nói theo giới cầm (tu) chai thì đây quả là “nguyên lý mâm thịt chó[12] (Hất đổ thì mất ăn, mà tất cả mọi người đều muốn ăn!)

Đồng hóa lợi ích với hia mão qua phong trào tấn phong “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân”, “anh hùng lao động”, “chiến sĩ thi đua” v.v… “Đại văn hào” Mạc Ngôn chẳng phải đã tự mình làm tròn sứ mệnh Đảng CS Trung Quốc áp đặt, ngay từ bút danh cho đến thực danh, là “mất/tắt lời” đấy ư!? Một câu nói vớt vát “Tôi hy vọng ông ấy [Lưu Hiểu Ba] sẽ được tự do nhanh chóng”[13] hầu chống đỡ các chỉ trích thì chỉ tiêu hao tí tị điểm thi công (political capital) mà ông đã vón vén “xin/cho” được từ cái giải văn học làm giải tỏa “mặc cảm Nobel” của Trung Quốc. Đương nhiên sẽ có tiếng thổi kèn đồng nhịp tương tác vào diễn luận “ôn hòa”[14], “ổn định”, và “phát triển”. Những ai không muốn bị đồng hóa là tất nhiên thuộc thành phần “bất hảo”, “phản động” như nhà thơ Hữu Loan, LS Nguyễn Mạnh Tường, ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện, Khôi Nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba, và nghệ sĩ Ngãi Vị Vị.

Tương Quan Quyền Lực

Tương quan quyền lực trong xã hội rất đa dạng. Nó không chỉ đơn thuần là tương quan giữa nhà nước và cá nhân viết tắt là nhà nước-cá nhân (state-individual) nhưng còn ở nhà nước-tổ chức (state-group) và giữa nhóm-cá nhân (group-individual) hoặc nhóm-nhóm (group-group) v.v…

Trong tương quan quyền lực (đặc biệt là quyền lực chuyên chế) giữa nhà nước và cá nhân hay thiểu số thì chắc chắn cá nhân/thiểu số là bị lép vế hoàn toàn. Những gì được cho là cực đoan của cá nhân/thiểu số không thể nào so bằng cái cực đoan, cực kỳ phản động ngàn vạn lần của tập đoàn quyền lực chuyên chế (nhà nước độc tài).

Thiết nghĩ các sự việc liên hệ đến đấu tranh giữa hai thế lực luôn phải được nhìn qua lăng kính tương quan quyền lực để xem xét. Chúng ta chỉ có thể tạm bỏ qua lăng kính quan trọng này khi hai lực nằm trong lãnh vực cá nhân riêng tư, thí dụ như tranh chấp của người này với người nọ trong các sinh hoạt hàng ngày.

Dù vậy chúng ta vẫn không thể làm ngơ không xét đến các quyền lực ngầm hoặc quyền lực mềm. Thí dụ như mâu thuẫn giữa một thường dân với ông hàng xóm quan quyền (chủ tịch, bí thư, trưởng CA, v.v…) thì ông hàng xóm quan quyền có quyền lực ngầm. Hoặc mâu thuẫn giữa một người lao động chân tay không học vấn với người lao động trí óc thì người trí óc hẳn có quyền lực mềm vì biết các thủ tục pháp lý có mối liên hệ với các bộ máy nhà nước v.v…

Ta cũng không thể quên việc “ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh”. Các áp bức, oan ức, ép uổng thường tạo kích động gây phản ứng “cực đoan” vì chỉ có bằng cách đó những nỗi oan khiên mới được nghe, biết, và hiện hữu (heard, known, and existed).

Khi đối diện với những hiện tượng “cực đoan” nếu chúng ta không vội vàng phán đoán chỉ trên bề mặt của hiện tượng mà cố gắng hàm dung (cởi mở) để lắng nghe mặt chìm đằng sau những cử chỉ hành vi “cực đoan” kèm tiếng kêu gào này thì có thể tìm đến bản chất và nguyên nhân của sự việc. Ít ra thì từ đấy chúng ta có thể đồng cảm hoặc dù gì cũng trút bỏ định kiến và cảm thông được phần nào tại sao kẻ/nhóm thấp cổ bé miệng kia hành xử như thế.

Điều cần tránh nhất là không tự dễ dãi phang ra những phán xét trên quan điểm cá nhân (trong lối mòn nhận thức) vô tình làm cánh tay nối dài của quyền lực chuyên chế và gián tiếp bóp mũi, bịt miệng, thậm chí xiết cổ cái khát vọng cũng như nỗi oan khiên từ kẻ khốn cùng.

© 2012 Vietsoul:21


[14] “Người ta nói rằng, giải thưởng Nobel văn chương năm nay ôn hòa về mặt chính trị.” Phạm Xuân Nguyên – Mạc Ngôn giải tỏa ‘mặc cảm Nobel’ cho Trung Quốc, VTC News

Nguồn: Vành Anh Online (Trích từ city-n.ru)


Các bài liên hệ:

Yueh Nan – 2029

Giờ phẫn nộ!

Con tin lương tâm

Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)

Tôi là người Việt Nam

Những cái nhập nhằng không tên – The Unspoken Ambiguities

Bịt miệng nạn nhân

Huỳnh Thục Vy – Nghĩa hay lợi?

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/10/18 at 15:24

Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa hay vì lợi… Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ qua. Kẻ tiểu nhân thì chỉ nghĩ đến điều lợi, hễ thấy lợi thì dù ác thế nào cũng thực hiện“.

Đó là một câu ghi trên đài tưởng niệm liệt sĩ chống pháp Phước Ninh, Đà Nẵng. Đọc câu nói mang nặng màu sắc Nho giáo này trong một bài viết, tôi đã suy nghĩ rất mông lung về những giá trị cổ xưa mà ông cha ta đã suy tôn trong hành trình “tự Hán hóa” của mình. Đối với nhiều người, có lẽ câu nói rất ấn tượng, mang tầm vóc một phương châm sống đầy giá trị và đậm chất luân lý. Nhưng theo tôi, không thể nhận thức đơn sơ về “nghĩa” hay “lợi” như thế.

1/ Quân tử và nền đức trị

“Quân tử” trong cách hiểu cơ bản nhất của người Trung Hoa xưa, là người cai trị. Do đó, từ này nguyên khởi được dùng để chỉ những người thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội quân chủ Trung Hoa và một số quốc gia du nhập Hán học khác. Với quan điểm đức trị mà Khổng giáo ra sức truyền bá hay thậm chí là áp đặt, những người cai trị là những kẻ tài đức vẹn toàn, là những ông vua anh minh mang tầm vóc thánh nhân, là những ông quan phụ mẫu chi dân. Theo cách dùng ấy, chúng ta hiểu rằng, quân tử là những người tài đức xuất chúng và có khả năng thống soái thiên hạ. Sau này, “quân tử” còn được dùng để chỉ những người có trí tuệ, đức độ, chính trực và hay làm việc nghĩa.

Quả tình, tôi không thích Nho giáo, không thích cả những khái niệm của nó. Các giá trị Khổng Nho xa lạ và không gây ấn tượng tốt với tôi. Bởi trong nền văn hóa ấy, người ta luôn miệng nói về đạo đức nhưng không có bất cứ một định chế khả dĩ nào để bảo vệ những giá trị luân lý ấy. Cũng chính trong nền văn hóa ấy, nơi mà kẻ cai trị được mặc định là những người vừa có tài thao lược, vừa có đức hạnh, chúng ta chỉ thấy đầy dẫy những kẻ bất chấp thủ đoạn để thoán đoạt thiên hạ hoặc ích kỷ hại nhân. Nào là Lưu Bang giết Hàn Tín sau khi đã thâu tóm thiên hạ về một mối, Lý Thế Dân giết anh em để lên ngôi hoàng đế…

Thật vậy, đạo đức xã hội không bao giờ được giữ gìn bằng cách hô hào, mà chỉ bằng thể chế chính trị, bằng luật pháp và phần còn lại được giao phó cho những định chế xã hội khác như: tôn giáo, giáo dục… Ngày hôm nay chúng ta biết rằng, động cơ hành động của con người là tự lợi. Bởi nhận chân ra điều ấy, nhân loại mới tạo lập thể chế dân chủ pháp trị. Kẻ lãnh đạo không thể trở nên tài đức chỉ vì mang cái danh quân tử. Ngược lại, ngay từ đầu họ phải được giả định là kẻ xấu, có khả năng lạm quyền, tư lợi, và phải được kìm chế bởi một cơ chế chính trị nghiêm khắc. Ở đó, họ bị đặt vào tình huống: nếu họ vi phạm những cam kết với người dân, hậu quả mà họ lãnh nhận sẽ lớn hơn nhiều so với mối lợi mà họ có được khi vi phạm. Nhân loại ngày hôm nay không tin tưởng vào những phẩm giá tốt đẹp được gán (một cách hão huyền) cho kẻ cầm quyền theo kiểu đức trị. Với thể chế chính trị tự do, người dân dõng dạc tuyên bố với kẻ cai trị rằng: “Các ông cứ tỏ ra tốt đẹp bề ngoài, còn chúng tôi không biết thâm tâm các ông mưu tính chuyện gì. Nhưng nếu các ông làm bậy, các ông sẽ nhận hậu quả nhãn tiền”.

2/ Nghĩa hay lợi

Trở lại với câu nói đã được đề cập ở đầu bài viết, nó hoàn toàn đặt trên bình diện đức trị của Nho giáo, phản thực tế và phản khoa học. Theo đó, người ta chia con người thành hai loại: một, hành động vì nghĩa; hai, hành động vì lợi. Phân loại con người thô thiển như thế sẽ dẫn tới những ngộ nhận tai hại. Trong mỗi một con người, có cả bản năng vị kỷ và bản năng cộng đồng. Động cơ, hoài bão và hành động của con người là tổng thể những mối tương tác của các bản năng này chứ không thể phân biệt nhị nguyên như trên.

Như đã nói ở trên, trong thực tế, nhân loại có xu hướng hành động vì lợi ích. Bản thân việc hành động vì lợi không phải là việc xấu xa về luân lý. Việc xem lợi ích là một giá trị tiêu cực về đạo đức là đi ngược lại quy luật tự nhiên, và thậm chí là cản trở sự tiến bộ. Đối với nền văn hóa Khổng Nho, chỉ có những kẻ thấp kém về tư cách và tài năng mới hành động vì lợi, còn thánh nhân thì hành động vì nghĩa. Nhưng mặc cho những giáo điều mà họ rêu rao, con người là con người. Mặc cho những truyền giảng đạo đức to lớn của họ, những kẻ đứng đầu thiên hạ, những quân vương được lưu danh sử sách, luôn là những người hành động vì lợi. Ai nói những quân vương độc tài như Tào Tháo, Lưu Bị, Chu Nguyên Chương… hành động vì nghĩa? Thật trớ trêu, trong một nền văn hóa luôn xiển dương đạo đức, chính ở đó, đạo đức bị chà đạp thô bạo nhất, và hơn nữa bị lợi dụng để mang lại lợi ích cho kẻ cầm quyền độc tài.

Người ta quên mất rằng, điều quan trọng là cần phải xác định: “nghĩa” là nghĩa như thế nào, nghĩa đối với ai; còn “lợi” là lợi gì, lợi ích cho ai; chứ không phải chỉ nói “nghĩa” và “lợi” chung chung. Và việc đồng hóa “nghĩa” với “thiện”, “lợi” với “ác” như câu nói trên thật không thỏa đáng. Rất nhiều khi, cái “nghĩa” dành cho thiếu số sẽ là họa cho đa số còn lại (ví như: việc vì ơn mưa móc chúng ta từng có được từ Đảng cộng sản làm cho chúng ta không thể lên tiếng chí trích Đảng hoặc chỉ trích không tới nơi chỉ có thể là “nghĩa” với Đảng thiểu số chứ chẳng thể là nghĩa đối với đa số còn lại); và cũng như thế, “lợi”(dù là tư lợi) cũng không bao giờ là đồng nghĩa với “ác” nếu cái lợi ấy đạt được bằng những phương tiện hợp pháp, hợp luân lý.

Ấy vậy mà, chữ “nghĩa” lòe loẹt ấy trong suốt thời quân chủ ở Trung Hoa và Việt Nam đã là cái gông đeo cổ cho toàn xã hội, đã là giá trị “sáng lòe” để nô lệ hóa cá nhân, để phục vụ cho những cá nhân cai trị mang danh tập thể. Đến thời kỳ Cộng Sản, chữ “nghĩa” lại bị lợi dụng để kéo hàng triệu thanh niên ngây thơ vào “cuộc chiến chống đế quốc” mà thực ra là cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Thế mới biết “nghĩa” không đứng trơ trọi một mình để bắt người ta phải hành động, phải hy sinh; cái “nghĩa” đó phải đi cùng với lợi ích to lớn và lâu dài của cộng đồng thì mới có giá trị, xứng đáng là “nghĩa” thật. “Nghĩa” mà không mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân hay cộng đồng thì việc chạy theo nó là điều vô ích. Cái “nghĩa” mà không đi kèm với sự suy xét chín chắn có khi lại gây họa cho bản thân và nghiêm trọng hơn là cho cộng đồng.

Xét đến chữ “lợi”, mỗi cá nhân là phần tử của xã hội, lợi ích dành cho mỗi cá nhân là góp phần vào lợi ích chung của xã hội. Bởi vậy, sự mưu cầu lợi ích cá nhân, mà không xâm hại đến lợi ích của các cá nhân khác và của xã hội là điều tốt đẹp và cần được phát triển. Còn đối với những trường hợp mang lại lợi ích cho xã hội, thì “lợi” này mới chính là “nghĩa” thật. Cái “lợi” ấy, bây giờ không chỉ mang ý nghĩa luân lý tích cực, mà còn là sự thể hiện của trí tuệ.

3/ Sự cáo chung cần thiết của nền đức trị

Việc cổ xúy đức trị thừa kế từ nền văn hóa Khổng Nho đã mở đường cho sự thâm nhập dễ dàng của nền “đức trị Cộng sản”. Văn hóa “đức trị” ấy đã “trao tặng” cho Việt Nam một Hồ Chí Minh thủ đoạn hơn người nhưng được tôn vinh thành “vị cha già dân tộc đại trí đại tâm”. Nền đức trị không bao giờ ngăn nổi người ta trở thành những kẻ độc tài tàn bạo; mà ngược lại còn “thánh hóa” kẻ độc tài ấy, và đưa đến khả năng chính danh hóa sự cai trị chuyên chế qua nạn sùng bái cá nhân bệnh hoạn.

Trong cuộc đấu tranh hôm nay, chúng ta đấu tranh vì “nghĩa” sao? Điều đó không sai, nhưng chưa đủ, chúng ta đấu tranh vì “lợi” nữa chứ. Nền dân chủ tự do sẽ mang lại cho toàn thể quốc gia này cũng như mỗi một cá nhân trong xã hội những lợi ích to lớn. Chúng ta đấu tranh cho dân chủ không phải vì nó tốt chung chung theo kiểu mị dân, mà vì nó mang lại lợi ích thực tế đã được kiểm chứng trên thế giới cho cá nhân và xã hội, mang lại sự thăng tiến tất cả các mặt của đời sống chính trị xã hội. Chính cái lợi ích to lớn ấy đã mang lại cho cuộc đấu tranh cái danh diện chính nghĩa chứ không phải là những giáo điều xơ cứng, màu mè. Nói cách khác, cái danh “chính nghĩa” là “bộ áo” bên ngoài ,còn lợi ích thật bên trong (hướng về thiểu số hay đa số) mới quyết định bản chất của “nghĩa”. Cộng sản đã khoác bộ áo “chính nghĩa” để tàn phá đất nước này đó thôi. Bởi thế khi đánh giá sự việc, ta không đánh giá qua “bộ áo chính nghĩa” ấy mà xét tận gốc rễ cái lợi ích mà nó mang lại sẽ thuộc về ai. Chúng ta mang lại lợi ích cho ai, điều đó sẽ cho thấy chúng ta là bậc đai phu hay kẻ tiểu nhân, chứ không phải chỉ nhìn nhận phân biệt đơn sơ giữa “nghĩa” và “lợi”.

Ngày hôm nay, chúng ta không hướng đến một xã hội có những cá nhân tỏa hào quang của thánh nhân mà là một xã hội với những định chế vững vàng và có khả năng kiềm tỏa quyền lực chính trị, bảo vệ tự do cá nhân. Sự hô hào đạo đức, nhân văn chẳng thể mang lại nhân văn, đạo đức thật; chỉ khi nào người ta bị buộc phải hành động như thế nếu không họ sẽ bị loại bỏ, trừng phạt thì lúc đó xã hội mới tiến bộ được. Vì vậy, xin hãy để tâm thức Khổng Nho cùng những giá trị mà nó xiển dương lùi vào quá khứ, nhường đường cho những giá trị mới.

Huỳnh Thục Vy
Tam Kỳ ngày 10 tháng 10 năm 2012

Hồ Bất Khuất – “Nguyên lý mâm thịt chó”

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/10/17 at 12:23

(Nguồn: Dân Làm Báo)

Rất nhiều người đã chia sẻ cảm xúc, ý kiến về kết quả của Hội nghị Trung ương 6 của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhiều người tỏ ra hụt hẫng, thất vọng. Tôi cho rằng, những người rơi vào trạng thái như vậy là do không chú ý đến nguyên lý mâm thịt chó”.

Lại một lần nữa “nguyên lý mâm thịt chó” được vận dụng hoàn hảo. Nếu ai chưa biết “nguyên lý mâm thịt chó”, tôi xin được nói cho rõ. Thực tế cuộc sống chỉ ra rằng, giữa những người cùng hội, cùng thuyến vẫn thường xuyên xẩy ra mâu thuẫn vì xung đột quyền lợi và quan điểm. Những mâu thuẫn này nhiều khi rất gay gắt, dẫn đến những cuộc cãi vã nảy lửa. Tuy nhiên, khi họ gắn bó với nhau bằng một cái gì đó rất quan trọng thì người ta đều tìm cách thỏa hiệp với nhau được. Nói một các nôm na thế này. Có một hội bạn bè thân thiết với nhau, nhưng giữa họ vẫn có mâu thuẫn; thậm chí họ có thể khinh ghét nhau, nhưng khi tất cả những người này ngồi vào một mâm thịt chó thì dù họ có cãi nhau gay gắt đến mấy, họ cũng biết tự kiềm chế để không xẩy ra chuyện có người tức khí, hất đổ mâm thịt chó. Hất đổ thì mất ăn, mà tất cả mọi người đều muốn ăn.

Trước tình hình đất nước ngày càng khó khăn, dân chúng rất chờ mong Hội nghị Trung ương 6 đưa ra những quyết định mang tính đột phá để đất nước có sinh khí mới. Ở Hội nghị Trung ương 4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra chiến dịch “phê và tự phê” theo tinh thần mới. Ông còn nói điều này liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Chính vì vậy lần này mọi người hồ hởi chờ đợi, âm thầm hi vọng.

Nhưng Hội nghị 6 đã kết thúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu dài, nhưng chỉ làm mọi người thêm thất vọng. Chỉ cần đọc mấy câu này thì rõ: “Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị… Ban Chấp hành Trung ương đã… đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị…”Có người bình luận đểu: Thành công của Hội nghị chính là đây!

Tại sao Ban chấp hành Trung ương lại quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ chính trị và một đồng chí trong Bộ chính trị? Tại vì “nguyên lý mâm thịt chó” đã được vận dụng, nghĩa là các ủy viên Trung ương Đảng không muốn quyền lợi của mình bị đe dọa.

Ở Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lại độc nhất nắm quyền nên tất cả những người trong Đảng có quyền lợi gắn bó với nhau (thật ra chỉ những người có chức, có quyền mới có quyền lợi, chức càng cao thì quyền lợi càng lớn), vì vậy họ phải bảo vệ lẫn nhau. Ví dụ, một người nào đấy được giữ chức Bộ trưởng, rất có thể con người này phải chịu ơn Thủ tướng hay Phó Thủ tướng nào đó. Tương tự, một người nào đó được giữ chức Bí Thư tỉnh ủy, chắc chắn là con người này gắn bó với một vài Ủy viên Bộ chính trị. Chính vì gắn bó với nhau về quyền lợi, biết rõ cái mạnh, cái yếu (thường thì cái yếu nhiều hơn) của nhau nên họ không thể “mạnh tay” với nhau được. Bởi đơn giản: Nếu anh tố cáo tôi, “chơi” tôi thì tôi cũng có cái để tố cáo anh, “chơi” lại anh. Để bảo vệ chính mình, các ủy viên trung ương Đảng không dám cùng nhau “mạnh tay’ với người khác, nhất là những người đó có chức vụ và thế lực lớn hơn.

Nhìn nhận từ góc độ này, Hội nghị Trung ương 6 kết thúc như vậy là điều tất yếu, hợp logic. Những ai hi vọng vào những điều tốt đẹp hơn thì thật ngây thơ và rõ ràng là không hiểu “nguyên lý mâm thịt chó”. “Nguyên lý mâm thịt chó” đơn giản và dễ hiểu như vậy, tại sao nhiều người vẫn không nhìn ra cái hiển nhiên và thô tục của nó để mà… đừng hi vọng?

P/S: Đêm 16/10/2012 những người còn hậm hực vì kết quả Hội nghị 6 của ĐCS Việt Nam khi xem trận bóng đá giữa Đức – Thụy Điển đều có cảm giác hai sự kiện này có đôi điều giống nhau. Đội tuyển Đức vốn được xem là đội bóng có bản lĩnh nhất thế giới; họ cứng rắn, lì lợm, “chiến đấu” đến cùng, kể cả trong những trường hợp tuyệt vọng nhất. Nhưng đêm 16/10 vừa qua, không có những điều như vậy! Đội tuyền Đức đá trên sân nhà, dẫn trước Thụy Điển 4:0, ấy thế mà để Thụy Điển gỡ hòa. Nếu điều này xẩy ra với các đội bóng Việt Nam, chắc chắn bị nghi là bán độ. Nhưng đây là đội tuyển Đức, không thể có chuyện bán độ được! Vậy điều gì đã xẩy ra? Mọi người không giải thích được, nhưng ngậm ngùi cho rằng: trận cầu này khá giống với Hội nghị 6 ĐCS Việt Nam vừa qua. Một “đội” (được yêu mến và hi vọng) đã dẫn trước rất nhiều điểm, hoàn toàn có thể giành thắng lợi để đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân, nhưng cuối cùng lại để “đội” kia gỡ hòa vào những phút cuối.

Trong bóng đá bị gỡ hòa như đội tuyển Đức cũng là điều vô cùng khó hiểu và đáng tiếc. Còn trong chính trị, điều này không chỉ đáng tiếc mà còn đáng lo! Không biết cảm giác lo lắng có mang lại lợi lộc gì không? Thường thì những ai lo lắng chỉ hao gầy đi mà thôi.

Hồ Bất Khuất

http://blog.yahoo.com/_YPXJLYTBYRQHNDW25MKZEW2OOI/articles/813743/index

Phó thường dân (15): phố vẫy …

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/10/07 at 14:25

 

Mấy ngày trước đây là Trung Thu, trăng tròn, ở quê nhà thì tùng cắc tung lũ trẻ với lồng đèn chú cuội. Ở đây thì người ta gọi là trăng mùa gặt (harvest moon), cũng tròn như ở bên nhà chỉ có khác là không có đám trẻ con lăng xăng hớn hở rước đèn.

Nói đến trăng tròn thì phó thường dân tui chợt nhớ câu thơ “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ nước Mỹ.”[1] trong tập thơ Cửa Mở của nhà thơ Việt Phương.  Riêng hai câu thơ này mới là cay đắng để đời nè nghe: “Tôi đã sống một phần hai thế kỷ. Ðể hôm nay làm đĩ với tâm hồn!

Nhà thơ Việt Phương tự thấy mình “làm đĩ tâm hồn” phục vụ cho cái chế độ cộng sản bịp bợm, thối nát khi đành đã bao năm nằm chung cái chăn đầy rận với các đồng “chí” chuyên nghề hút máu. Nhưng đáng tội hơn nữa nhà thơ ấy đã mở mắt, mở tâm hồn, mở cửa (“Mở đài địch như mở toang cánh cửa.”) nên sự nghiệp ông Thi sĩ kiêm thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chưa bay qua cánh cửa thì đã bị treo bút “lặn không sủi tăm”.

Không riêng chỉ mỗi một nhà thơ này mới mở mắt, mở tâm hồn. Những người dù chỉ có một chút lương tâm rồi cũng không thể tự dối mình được nữa và thậm chí ân hận vì dây dưa với cái hủi cộng sản. Rất nhiều người (Hữu Loan, Hoàng Hữu Quỳnh, Hà Sĩ Phu, Bùi Tín, Tô Hải) ở lúc giữa đời hoặc chậm đến khi gần đất xa trời thì cũng bỏ đảng[2], lánh xa, tẩy rửa mặt nạ vô hình đã làm ô uế tâm hồn. Riêng nhà văn Dương Thu Hương thì tuyên bố thẳng “làm giặc” chống lại cái ác rồi từ chối cả “tự do ảo là khoảng sinh tồn của ngòi bút” và chấp nhận sống lưu vong. Gần đây hơn là TS Đỗ Xuân Thọ, anh Nguyễn Chí Đức, em Tô Hoài Nam bỏ đảng về với Nhân Dân[3]. Vì sao bỏ đảng – bộ phận quyền lực tuyệt đối trong nước?

Vì đảng ta vốn đã xây dựng được (XHCN) kỹ nghệ “đánh đĩ”[4]  nên ai ai phò cái bình vôi (BCT) cộng sản cũng đều phải học cho rành “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. Mà thiệt là tội cho cái nghề làm đĩ, chẳng đặng đừng đành bán trôn nuôi miệng. Còn những tay chuyên gia đánh đĩ thì thiệt tình (và nhiệt tình) hồ hởi “bán miệng nuôi trôn”.

Đánh đĩ nên Giám đốc CA TP Hà-nội Nguyễn Đức Nhanh mới hôm trước phát ngôn “Biểu tình chống TQ là yêu nước” thì hôm sau đã nhất quyết đạp mặt, vặt khủy tay, tống lên xe buýt như lợn chở về trai “phục hồi nhân phẩm”.

Đánh đĩ nên TT Nguyễn Tấn Dũng lúc đăng đàn Quốc hội tuyên bố khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam thì mới đây đi chầu TQ chẳng dám ọ ẹ một lời chủ quyền biển đảo.

Đánh đĩ nên vãi Doan nhà ta chả ngượng mồm “Dân chủ của chúng ta là rân chủ gấp vạn lần dân chủ các nước tư sản.”

Đánh đĩ nên Nguyễn Trần Bạt  mới “Tôi đã có một kết luận rằng nhân quyền không còn là quyền chính trị, nhân quyền là quyền phát triển và chống lại rủi ro của cuộc sống.”

Mà kể sao cho hết cái (nọc) nòi (cộng sản) đánh đĩ này[5].

Thế nên nhà thơ Việt Phương cũng phải thốt lời “Từ kỳ lạ đến bình thường rồi quá bình thường. Thứ chính trị không chính mà chỉ trị”.

Riêng phó thường dân tui thì hổng sao chịu nổi cái đánh đĩ chính sách “đại đoàn kết dân tộc” và “hòa giải” của đám chuyên gia trong “kỹ nghệ đánh đĩ” này.

Hổng biết “đại đoàn kết dân tộc” cái kiểu gì, chứ theo kiểu chính sách lớn đảng ta với búa liềm, cuốc chim trong Cải Cách Ruộng Đât với “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” rồi rần rần tới luôn bác tài trong “cải tạo thương nghiệp” đến mút mùa “học tập cải tạo” và “Đối với bọn Ngụy quân, Ngụy quyền, nhà của chúng: ta ở; vợ của chúng: ta xài; con của chúng: ta bắt làm nô lệ; còn bọn chúng nó: ta giam cho đến chết!” thì có mà đời tàn dân tộc.

Đại đoàn kết dân tộc gì mà sĩ-nông-công-thương thì thí bỏ thành phần sĩ-thương và thổi ống đu đủ giai cấp công-nông.

Đại đoàn kết chi mà đày đọa dân miền Nam (một nửa đất nước) làm phó-thường-dân, diện “lý lịch” có vấn đề.

Đại đoàn kết nào mà lại bóp mũi, khai tử đồng chí (rận) trẻ người non dạ (Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Tranh Đấu) Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tấn tuồng “Hoàn tất sứ mệnh lịch sử” vừa hạ màn thì cho lũ trẻ xuống đường và nằm vùng chầu rìa, “dựa cột” coi bộ gọn ghê!

Còn cái loa “hòa giải” lại to chẳng thua gì “đại đoàn kết dân tộc”.

Chèng đéc ơi ai đời “hòa giải” với trò thủ tiêu Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ và đàn áp Cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo[6]… “hòa giải” bằng cách khai tử Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất rồi bắt giam Tăng thống Thích Huyền Quang và quản chế tại chùa[7] … “hòa giải” dùng cần cẩu giật sập thánh đường Giáo hội Mennonite (dù chỉ là chuồng bò tái tạo) của MS Dương Kim Khải[8] … “hòa giải” cướp nhà chung giáo phận Hà Nội và “thoái vị” Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi nước … “hòa giải” đem đàn áp tín đồ Cao Đài và trù dập giáo dân Con Cuông[9] … “hòa giải” triệt để áp lực chính quyền sở tại phá phá đổ tượng đài kỷ niệm thuyền nhân ở Galang và Bidong[10] hủy bỏ tang chứng trăm ngàn người chết trên biển, trên sông vì chính sách “hòa giải” trước đó v.v…

Mà thôi để chuyện chung, chuyện lớn ra một bên. Phó thường dân xin kể cái đời cá nhân lăn tăn, trầy trụa bà con nghe.

Số là tui được sanh trưởng ở miền Nam tự do, cũng được ăn (nhiều) học (ít) còn chơi thì lơ mơ thằng cù lần. Nghĩ lại đó cũng là cái phước vì chỉ biết ăn-học-chơi trong lúc tuổi thơ.

Không phải học căm thù người dân miền Bắc (như kiểu căm thù Mỹ-Ngụy), không phải học chém giết bộ đội CS trong phép toán cộng trừ (kiểu bắn bao nhiêu thằng Mỹ, thằng Ngụy) hoặc sát máu trong thơ ca (Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ. Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong. Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt).

Phước đức nhất là không phải yêu, thờ ai ngoài thờ cha, kính mẹ và ông bà. Ai đời lại thương, thờ cái ông râu xồm tội phạm nhân loại ở tận đâu đâu (Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! … Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không? Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương Ông thương mười). Vừa mới thoát khỏi nạn học “tổ tiên chúng ta là người Gô-Loa (nos ancêtres étaient des Gaulois )” dưới thực dân Pháp thì lại đội đầu ông Mác-ông Nin hở trời!

Vì không bị tuyên truyền, tẩy não với thù hận chém giết nên phó thường dân tui chẳng có chút thù hận nào với cộng sản dù có thấy những thảm cảnh gây ra bởi cộng sản. Nhưng sợ thì có (thiệt) à nha.

Sợ cúp cua đi coi phim kiếm hiệp, phim chưởng Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long mà bị đặc công đặt mìn plastic chết lòi phèo, phọt óc, máu me đầy rạp hát.

Sợ đi xem đá banh bị ném lựu đạn người tung như bóng.

Sợ đón xe lam đi học từ quê ra thị xã 12 cây số mà lỡ cán phải mìn bị chết hoặc cụt tay, què giò, mù mắt thì chắc phải đi ăn xin hoặc ăn bám cha mẹ suốt đời.

Sợ nửa đêm đang ngủ bị pháo kích lạc đạn cả nhà đi chầu ông bà sớm.

Tuy sợ thì có sợ thiệt nhưng phó thường dân tui không có lòng thù hận gì vì có gì (cá nhân) mà thù ghét họ. Ngay khi lúc lơn lớn dậy thì, bắt đầu biết nghe ca nhạc nên cũng có lúc khuya hôm mở radio gặp nghe chương trình “sinh Bắc tử Nam”. Nghe xướng danh thì cũng ngậm ngùi thương những người đã chết không hương khói giỗ chạp.

Còn dối trá hả. Không có ai bắt tui phải học nằm lòng. Làm gì có bị buộc dối trá, giả hình trong cuộc sống. Có dối thì cũng chỉ là cái dối cha mẹ đi chơi, dối để thuê truyện chưởng trinh thám đọc lén, dối hút thuốc lá lấy le phong độ bạn gái. Còn bạn bè thì xạo sự chơi dzui thôi mà.

Đâu có phải sống trong cái “thời kỳ bao cấp” tem phiếu, phải sống “đăng ký hộ khẩu” đi thưa (xin giấy phép) về trình (báo) với công an phường, hay họp tổ dân phố, không phải nghe phổ biến nghị quyết trên cái loa phường. Mạnh ai nấy sống chẳng nghi kị, dòm ngó. Mười bẩy năm niên thiếu của tui hổng thấy cái ông chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nào xen vào cái đời tư cá nhân của tui hết ráo.

Thế nhưng cuộc đời êm ấm của tui chấm dứt vào cái ngày 30 tháng 4 năm ấy.

Đó là khởi đầu cái học dối trá và thù hận. Học đấu tranh giai cấp, học ai thắng ai, học “xưa cha đào, nay con đắp”[11], học (tham gia) đánh tư bản mại sản, kiểm kê tiểu thương, v.v…

Trời đất quỷ thần ơi! Sống ở dưới chế độ CS mà không dối trá thì đi đoong cái đời. Hổng dám kết bè, kết bạn với ai vì chỉ nói thật điều mình không ưa là có ngày gặp họa. Tui còn nhớ rành rành câu “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói là đi học tập.” Thành ra có gì thật thì giữ kín trong lòng, còn tất cả là giả vờ giả dối tung hô theo khẩu hiệu thì mới sống ngáp ngáp thôi. Họp hành ai nói gì thì nói cứ vỗ tay lớn là chắc ăn. Phải biết nói như con vẹt lập đi lập lại cái “ba giòng cách mạng”, “thời kỳ quá độ”. Phải “phấn khởi”, “hồ hỡi” thuộc long những câu trong nghị quyết làm bùa hộ mạng, làm lưới chống đạn B40.

Mà thôi, đó là chuyện cá nhân, nghe dài cũng oải. Mấy ổng đang vẫy gọi “hòa hợp hòa giải” nè!

Phó thường dân tui hổng biết gặp ai để nói chuyện “hòa giải”. Đi gặp ông Tổng (bí) hay ông Thủ (tiền)? Chắc chắn là tui hổng có thế, có lực để mà ngồi nói chuyện hòa giải với hai ổng.

Còn bà con chòm xóm láng giềng thì tui có gì xích mích mà hòa giải? Ngay cả người dưng ngoài ngõ đầu đường tui cũng hổng xích mích thì hòa giải cái nỗi gì.

Mà mẹ ơi, tui ở bên này (bên kia bờ đại dương) thì có ăn cái giải gì mà hòa hợp với lại hòa giải. Mấy ông vẫy tui lại để móc cái “khúc ruột ngàn dặm” coi còn sót đồng Đô nào chứ gì? Mỗi năm mấy ông ăn hớt cũng được bao nhiêu trên số kiều hối sấp xỉ mười tỷ đô la rồi chớ ít ỏi gì đâu mà còn bòn rút nữa mấy cha.

Khi nói tới “hòa giải” thì cũng có người bàn tới “thỏa hiệp” (compromise)[12]. Nói nghe cũng thủng lỗ nhĩ đó, vì trong đối thoại, từ đòi hỏi các phe nhóm, thì có lúc đi đến thỏa hiệp nhằm tránh sự bế tắc. Nhưng đó chỉ là chuyện của các thế lực (ba bẩy, tám mười) chứ cái cộng đồng và dân đen chung chung thì có thế lực gì. Chuyện “thỏa hiệp” giữa cá nhân với tập đoàn cộng sản thực chất là làm tay sai để đạt lợi ích riêng của họ. Mà thôi, để tôi chống mắt xem “Nhất định trong tương lai gần, người Cộng sản sẽ nhẹ nhàng ngồi vào bàn đàm phán đặt vấn đề ‘thỏa hiệp’ để vì lợi ích Dân tộc, Tổ Quốc.”[13] là tới khi nào.

Phó thường dân tui nghĩ mấy ổng nên hòa giải với dân chúng trong nước cho phải phép (pháp luật). Hòa giải với những người dân oan mất đất, trả đất đền bù thỏa đáng. Hòa giải với tín đồ các tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng và trả lại tài sản giáo hội. Hòa giải với những người bất đồng chính kiến, không giam cầm, bắt bớ, sách nhiễu, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, hội họp và chính trị của họ. Hòa giải bằng cách xóa bỏ độc quyền lãnh đạo, tạo bình đẳng cho mọi người thực thi quyền công dân xác đáng của họ trong việc chọn người tài giỏi xây dựng đất nước.

Mấy ông thực hành hữu hảo 4 tốt và 16 chữ vàng với dân trong nước thay vì với thằng láng giềng hung hăng trước đi.

Phó thường dân mới đọc đâu đây có cái giải thưởng Trần Nhân Tông[14] về hòa giải trao tặng cho hai vị: Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD – bà Aung San Suu Kyi. Tui dám cá độ là mấy ổng mà làm được ba bốn điều hoà giải ở trên thì tui xin tiến cử và đài thọ chi phí đi lãnh giải kỳ tới liền (liền).

Tui nói thiệt nghe, coi bộ cái kỹ nghệ “đánh đĩ” của đoảng có nhiều hàng tồn kho nên cứ năm ba bữa rảnh rang là đem chào hàng món ế ẩm, câu khách tham bèo. Dzậy mà cũng có người dù không dám bỏ tiền túi mua nhưng lại rùm beng khen rẻ.

Phó thường dân tui lúc trước 75 có nghe phong phanh đến các “chị em” mua bán dâm ở ngã ba chú Ía nhưng chưa hề nghe vẫy chào quá cỡ thợ mộc kiểu này. Giờ thì nghe nói các “phố vẫy” nhan nhãn ở (Phan Đăng Lưu-Phạm Văn Đồng ) Hà Nội. Nghe rằng đặc điểm của phố vẫy là mờ mờ, ảo ảo phấn son, xiêm áo, mông má đắp vá, chuyên là đồ mã.

Còn phố vẫy khu Ba Đình thì sao? Thấy thì mát mắt. Sờ thì chắc cũng mát tay. Nhưng đụng trận là tới bến! Mụn cơm, mụn cóc, sùi mào gà, giang mai, hột xoài, HIV, HPV, SIDA vòng trong vòng ngoài khỏi kể. Ai xâm mình thì xin mời một quả “hòa hợp, hòa giải”, “đại đoàn kết dân tộc” dưới rốn.

Phó thường dân tui thì xin hai chữ bình an.

© 2012 Vietsoul:21


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ (17) Nín thở qua cầu (18) Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần (19) Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm]


[1] NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG RA MẮT TẬP THƠ “CỬA ĐÃ MỞ”
http://vanchuong.vnweblogs.com/post/2192…

Cuộc Đời Như Vợ Của Ta Ơi

Năm xưa ta nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa

Người ta dạy tôi
Ðồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Tôi đã sống một phần hai thế kỷ
Ðể hôm nay làm đĩ với tâm hồn!

[2] Hồi ký “Tôi Bỏ Đảng”, Hoàng Hữu Quýnh – Tại sao bỏ Đảng, bỏ Bác mà chạy trốn?

[4] Đánh đĩ chính trị, blog Nguyễn Tường Thụy

[11] Sau 30-4-75, chính quyền CS bắt thanh thiếu niên con em “lính  Ngụy” vào Thanh Niên Xung Phong đi đào thủy lợi, đắp đê.

Bút Gà (chấp bút) Đinh Thế Huynh trực tuyến vờ-tờ-vờ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/10/05 at 20:27

 

Tớ nghe loang loáng rằng anh Huynh đang tọa hổ (độn thổ) tàng long (ngậm tăm) vì đàn anh (trâu bò) đá thúng đụng niêu. Anh sợ nhỡ lời bị trúng miểng thế nào ấy nên dùng chước ngậm miệng ăn tiền. Còn tớ nào có dại gì mà nhọc công cầm bút khuáy hủ cáy cho khắm cả làng. Anh lại buộc tớ mở phủ để bà phán cho an (ăn) dân. Ấy thế nên trực tuyến vờ-tờ-vờ chuyển lời bà cho các cậu đây:

Bà nói đồng bào nghe rõ không?

Ba thằng đệ tử cận kề bà nếu chúng có kèn cựa lẫn nhau, có đá giò lái, hoặc thọc gậy bánh xe tranh giành oản lộc[1] của bà thì mặc chúng thôi. Đừng có đem chúng ra mà báng bổ bà nghe chửa.

Thằng nào gãy chân (ghế) cụt tay (trong) không đứng, hết ngồi thì bà khiến thằng khác chứ chả việc gì mà gởi sớ tới bà.

Bà đã răn đe nhiều lần là không kiến nghị, tâm thư, thư ngỏ (mở), thư kín tơ tưởng đến chuyện dở hơi như “con cặc”[2] trong phủ bà.

Thằng đệ tử nào muốn hầu bà mà lòi cái “con cặc” ra là bà cắt gọn ngay.

Ối giào chả việc gì đến chúng mày. Cái “dương vật buồn thiu” của chúng đã được bà triệt sản bằng hóa chất khi mới vào chầu. Họa hoằn mới nhỡ sót tàn dư thằng nào để nhúng nhẳng “con cặc” với bà.

Tự thuở bà nằm ở gốc cây đa (đất Nga) đến ngày được thằng đệ tử ranh mãnh Hồ Chí Minh (hồ ly tinh) tuân theo thằng Nin đem Mác, vác Bà về. Thằng lõi ấy mở phủ lập đền mê muội nhân dân bao năm nay nên chúng có hưởng lộc bà hết đời con cháu các cụ nó thì có là bao.

Nghe mà nhớ này. Đám đồng nhang, đồng đèn, lính anh, lính chị hầu dưới trướng bà thì lắm như quân Nguyên, quân Hán. Chúng dân khấn ván thỉnh cầu trừ sâu bọ, Việt gian, Hán gian làm gì. Từ ngày cái vàng mã (cộng sản, chủ nghĩa xã hội) đốt cháy (cướp chính quyền) giang sơn thì Hán gian, Việt gian môi hở răng lạnh, chung chăn đầy rận. Đến Bà cũng còn mờ mắt gian (Yuan[3]) thì làm sao cắn chấy, bắt rận được.

Bà chỉ căm thằng đệ tử ba Đê (3D) quái quắt. Nó cứ đợi Bà vừa thăng xong là thoăn thoắt bút sa lời phán thay bà sổ tuyẹt

Mấy thằng đệ tử đồng môn hậm hực chúng mách với bà nhưng khi Bà xuất thì nó đã quẹt mỏ quay chân trốn tiệt. Bà chỉ nắm được vài thằng cắc ké cắp tráp của nó[4].

Cậu Thanh Đồng của bà cũng cáu lên vì c.c.c.c. đệ tử này nọ ngày nào cũng lê lết phủ bà… hết Tuấn nghiện, Nghị lu du, Hương váy hồng, Chung cắt cu, Tuấn vê-tê-vê. Cài-cấy-cơ-cấu-cắt-cu[5] cái củ cải.

Ớ, mấy thằng đệ tử (kỳ đà) cắc ké (kỳ nhông) của bà lúc này sao chúng mày thối mồm thế.

Chắc là chúng bay ăn tạp chẳng ngừng chả chùi mồm, súc miệng nên cái bệnh thối mồm này lây lan trong đám chúng mày.

Hết cậu (cá) Cảnh,“Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc.” tới cậu (vô) Phước,“Chưa cần luật biểu tình vì dân trí ta còn thấp” trong cái quốc hội (quốc lủi) đèn cù.

Nó lây sang cả vãi Doan “Dân chủ của chúng ta là rân chủ gấp vạn lần dân chủ các nước tư sản” qua đến tiến (táo) sĩ Lư viện (tâm thần), “Người dân quá kém hiểu biết về động đất nên gây hoang mang dư luận”.

Rồi nhập vào thống Bình, “Do dân trí tập quán Việt Nam chưa cao như một số nước khác, rất nhiều người dân hiện nay đi gửi tiền nhưng cũng không để ý đó là ngân hàng tốt hay xấu”.

Thối thế!

Đã làm “chú phỉnh” thì phải biết phỉnh nịnh, mị dân chứ chúng mày trắng phớ thì lộ cái mặt mo rồi.

Dân trí thấp là chủ trương và đường lối nhất quán của đền (Đảng) bà. Có ngu dân thì các đệ tử ta mới định hướng chỉ đạo phò cái bình vôi (BCT) của bà. Chúng mày cứ trêu ngươi, không khéo chúng quẳng bình vôi thì cả lũ đi ăn mày à.

Chúng mày phải định hướng, tô hồng “quy hoạch hóa”, “đô thị hóa”, “tái cấu trúc” mỹ miều để thu hồi đất, thuổm tiền đút vào cái ruột tượng bình vôi phủ bà. Đứa nào hô hoán “cướp đất”[6] thì phải nhắc cho chúng nó nhớ là đã theo bà “cướp chính quyền” thì sao lại đần thế.

Giời ạ. Chúng mày chưa nghe thủng lỗ tai với câu vè dân gian về cái “thiên tài”[7] đảng ta hay sao mà có thằng lại thối mồm “Cái gì cũng … nhất”[8].

Tiện thể sao nó không nhắc luôn là một mặt ta chủ trương xuất khẩu (nô lệ) lao động sang Á, Nga, Đông Âu, Trung Đông v.v… Mặt khác ta chỉ đạo xuất khẩu gái làm điếm, phụ nữ vừa làm nô lệ tình dục, vừa làm ô sin cho đàn ông què quặt, tâm thần các nước láng giềng.

Cái “thiên tài” rút ruột, tham ô, hủ hóa, phá hoại của đảng ta thì thiên tai cũng cạch!

Bà phê và tự phê lưng lửng từng trời nhưng làm gì chẳng biết là bọn nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mới làm ra lúa thóc để bà gom thu. Còn chúng bay chỉ có tài ăn cướp cơm chim người dân chứ làm ăn tích sự gì.

Người ta khôn ngoan thì họ tích lũy, dành dụm, bảo tồn tài nguyên không khai thác khánh kiệt để cho con cháu đời sau (và còn để nộp “thóc” cho bà nữa chứ).

Có ai như bọn mày chỉ cắm đầu ăn xổi ăn xổi, bán lúa non, đào quặng mỏ cạp hết sạch thì còn gì để nuôi bà làm lên sự nghiệp “sống mãi mãi trong lòng quần chúng”.

Thế thì bà phải đào cả cái mả bố[9] chúng mày để sống chứ cạp đất mà ăn à!

Chúng mày nhìn xem chung quanh (nước) láng giềng (ngoài cái thằng môi hở răng lạnh chết tiệt) có đứa nào nó mồm thối (hoăng) đâu.

Chúng mày cần noi gương thằng đệ tử ruột 3D thôi. Tuy nó quái quắt, ăn ngập họng nhưng nó khôn lõi, không phát ngôn thì ai biết nó thối nào.

Còn thằng Trọng “lú” đem trống đi đánh xứ người[10] lại mắc chứng lở mồm long móng nên chúng chặn cổng (bục bể phốt) khước từ.

Chúng nó lại đem ra bôi bác cả làng thế còn gì thể diện của bà. Có biết chửa?.

Bà chán chúng mày lắm … nói lắm cũng mỏi mồm … Chả là “làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại” mà bà lại phải làm gia sư cho chúng mày thì quả là vô vọng.

Ô hô, thăng … thăng … thăng …


[2] CHUYỆN CON C. LÀM NÓNG SÔI EM FB, blog Huỳnh Ngọc Chênh

[3] Yuan, Nhân dân tệ, đơn vị tiền TQ

[7]Mất mùa là tại thiên tai, được mùa là bởi thiên tài đảng ta”, câu vè dân gian thời Xuống Hố Cả Nước

[10] Nguyễn Phú Trọng đem ma đi bịp kẻ đào mồ, Nữ Vương Công Lý – Vì sao, vì sao ư? , Đàn Chim Việt


Chuỗi bài:


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ]

Phạm Hồng Sơn – “Hoa địa ngục” và Đảng, Bác, Mác-Lê

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/10/05 at 11:07

Ông Nguyễn Chí Thiện, sinh năm 1939 tại Hà Nội, tác giả của tập thơ nổi tiếng Hoa địa ngục vừa qua đời ngày 02/10/2012 tại nước Mỹ. Những dòng sau đây xin được thay cho lời cầu nguyện tốt đẹp nhất tới linh hồn người quá cố và những bạn hữu, thân nhân và những người yêu quí ông.

Kể cả sau này khi thời thế đã thay đổi và Hoa địa ngục được xuất bản chính thức ở Việt Nam thì có thể vẫn có nhiều độc giả không thiện cảm với những từ ngữ thường quá bộc trực, cay đắng hay mang tính chửi thẳng của tác phẩm này. Nhưng nếu đặt những cảm xúc hoặc những hình thức thể hiện sang một bên thì không thể không thừa nhận Hoa địa ngục đã dám phê phán ba yếu tố – ba vấn đề – mà cho đến tận bây giờ không phải ai cũng nhận ra hoặc dám đụng đến, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường được gọi là “Bác” và chủ nghĩa Marx-Lenin.

Ngay năm 1959, trước khi vào tù lần thứ nhất và khi mới chỉ chớm tuổi 20, Hoa địa ngục[i] đã chĩa sự phê phán không úp mở vào đúng Đảng:

“Tôi thường đi qua phố
Có anh chàng mù, mắt như hai cái lỗ
Kính chẳng đeo, mồm thời xệch méo
Ngậm vào tiêu, cổ nổi gân lên
Dốc tàn hơi thổi đứt đoạn như rên
Mấy bài hát lăng nhăng ca ngợi Đảng
Đã mang lại Ấm no và Ánh sáng!”
(“Tôi thường đi qua”, 1959)

và bản chất gieo rắc cái ác của Đảng:

“Trên mảnh đất, Đảng gieo mầm tội lỗi!
Trong lành cũng phải tanh hôi!
Trẻ con chưa nứt mắt đã tù rồi!
Bạo lực đi về rất vội! “
(“Trên mảnh đất”, 1964)

Càng về sau, qua những lần tù càng dài thêm, sự phê phán và nhận thức về bản chất Đảng lại càng sâu hơn và, dĩ nhiên, gay gắt hơn:

“Không ai kêu nổi một lời
Mồm dân Đảng khóa đã mười mấy năm!”
(“Gửi Bertrand Russel”, 1968)

“Đảng bắt câm, bắt nói, bắt khóc, bắt cười
Bắt đói, bắt làm, hé răng oán thán
Là tù ngục mục xương độc đoán
Phải chăng đó giá công lao huyết hãn
Mấy ngàn ngày đánh Pháp những năm xưa”
(“Đồng lầy”, 1972)

“Đảng thực chất chỉ là Đảng cướp
Dựng triều đình mông muội giữa Văn minh
Sống tạm thời nhờ thủ đoạn yêu tinh,
Nhờ súng đạn Tàu, Nga, bắt bớ.”
(“Đảng”, 1973)

Và đây, Hoa địa ngục phác lên một hình ảnh toàn trị thu nhỏ của Đảng, kiểm soát hết các nhân quyền cơ bản:

“Nhà văn nhà báo
Nhà giáo nhà thơ
Nhà thờ nhà chùa
Đều sợ đều thua
Nhà tù – nhà Vua!
Chớ đùa với Đảng!”
(“Nhà văn”, 1980)

Còn về “Bác”, Hoa địa ngục đã đề cập nhiều lần trong nhiều giai đoạn khác nhau nhưng có thể nói bài “Không có gì quí hơn độc lập tự do” là bài điển hình cho cái nhìn tổng quát nhưng xuyên thấu qua mọi lớp vỏ tuyên truyền về Hồ Chí Minh hay của chính Hồ Chí Minh. Tuy nhiên nếu vẫn thành kiến về những đại từ nhân xưng như “thằng”, “nó”, “con” thì có thể có hơi khó khăn để đồng cảm được với sự bộc trực, tinh ý của Hoa địa ngục lúc mới có 29 tuổi:

“Không có gì quý hơn độc lập tự do
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó đầu tiên đem râu nó bện vào
Hình xác lão Mao lông lá
Bàn tay Nga đầy băng tuyết giá
Cũng nhoài qua lục địa Trung Hoa
Không phải xoa đầu mà túm tóc nó từ xa
Nó đứng không yên, tất bật, điên đầu
Lúc rụi vào Tàu, lúc rúc vào Nga
Nó gọi Tàu Nga là cha anh nó
Và tình nguyện làm con chó nhỏ
Xông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anh
Nó tận thu từ quả trứng, quả chanh
Học lối hung tàn của cha anh nó
Cuộc chiến tranh chết vợi hết thanh niên
đương diễn ra triền miên ghê gớm đó
Cũng là do Nga giật Tàu co
Tiếp nhiên liệu gây mồi cho nó
Súng, Tăng, Tên lửa, Tàu bay
Nếu không, nó đánh bằng tay?
Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!
Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõ
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao
Nó là tên trùm đao phủ năm nào
Hồi cải cách đã đem tù, đem bắn
Độ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn!

Mọi tầng lớp nhân dân bị cầm chân trên đất nó
Tự do, không thời hạn đi tù!
Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thù
Vì ai cũng đói món nhục nhằn cắn răng tạm nuốt
Hiếm có gia đình không có người bị nó cho đi suốt.
Đất nó thầm câm cũng chẳng được tha
Tất cả phải thành loa
Sa sả đêm ngày ngợi ca nó và Đảng nó
Đó là thứ tự do không có gì quý hơn của nó !
Ôi, Độc lập, Tự do !
Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đó
Đất Bắc mắc lừa mất vào tay nó
Nhưng nay mà vẫn có người mơ hồ nghe nó…”
(“Không có gì quí hơn độc lập tự do”, 1968)

Và chỉ bằng hai câu thôi, Hoa địa ngục đã có thể tóm gọn “Bác”:

“Bác Hồ chúng ta
Kịch gia xuất sắc”
(“Tên hề”, 1971)

Về chủ nghĩa Marx-Lenin tức chủ nghĩ cộng sản, điều đáng ngạc nhiên nếu không muốn nói là kinh ngạc, trong một hoàn cảnh ngặt nghèo thông tin, tuổi đời còn rất trẻ và chắc chắn không có nhiều thời gian để đi học hay tự đọc, vì đã phải liên tục đi tù, nhưng Hoa địa ngục ngay lúc chưa đầy 25 tuổi đã nhận ra sai lầm rất chính trị:

“Cuộc đời tôi có nhiều lầm lẫn
Lầm nơi, lầm lúc, lầm người
Nhưng cái lầm to uổng phí cả đời
Là đã ngốc nghe và tin Cộng sản!”
(“Mỗi lầm lỡ”, 1963)

Dường như năm tháng tù đày triền miên lại làm cho Hoa địa ngục nhận thức sâu hơn chủ nghĩa Marx-Lenin về sự bất tương thích và hệ lụy của nó đối với dân tộc:

“Học thuyết Mác, một linh hồn u ám
Không gốc rễ gì trên mảnh đất ông cha
Mấy chục năm phá nước, phá nhà.”
(“Đồng lầy”, 1972)

Và đây Hoa địa ngục đã nói về chủ nghĩa Marx cách đây gần 40 năm mà lại gần giống như những gì ai đó mới lần đầu lên tiếng gần đây:

“Chủ nghĩa Mác chỉ là không tưởng
Trái với bản chất con người, reo rắc tai ương

Nếu cứ ngu si ôm mãi chủ nghĩa này
Nếu cứ thẳng tay bóp mãi dạ dầy
Đất nước nở mặt nở mày làm sao được nữa!
Dân tộc ta phải quăng ngay nó vào bếp lửa
Nồi cơm mới có thể mong đầy
Tự do, no ấm mới sum vầy”
(“Chủ nghĩa Mác”, 1984)

Có thể nói, so với tuổi đời của bản thân, Hoa địa ngục đã nhận thức được rất sớm và cũng dám phê phán bác bỏ rất sớm, mặc dù không hệ thống, về ba trụ cột chính của quyền lực cộng sản tại Việt Nam: Đảng, Bác, Marx-Lenin.

Nếu nhìn lại “Nhân văn-Giai phẩm” và “Xét lại chống Đảng”, những hoạt động và biến cố xảy ra gần trước và sau so với Hoa địa ngục, trong ánh sáng nhận thức về ba trụ cột đó thì lại thấy nhận thức của Hoa địa ngụccòn sớm cả so với thời đại nữa. Trong “Nhân văn-Giai phẩm” đã có những tiếng nói, bài viết và thái độ bất ưng, phê phán sâu sắc về sự chà đạp nhân quyền cơ bản hay vấn đề pháp trị của Đảng và có thể có cả những phê phán ẩn dụ về lãnh tụ nữa nhưng tất cả vẫn còn hoàn toàn trên tinh thần chấp nhận Đảng, tránh xa vấn đề “Bác” và không hề đề cập đến Marx-Lenin. Ở “Xét lại chống Đảng” cũng tương tự, chỉ là không đồng ý với chính sách của Đảng lúc đó, còn về chủ nghĩa Marx-Lenin, Hồ Chí Minh và Đảng đều vẫn được tôn trọng – tinh thần này gần như vẫn được các cựu thành viên của các biến cố đó giữ nguyên cho đến tận gần cuối những năm 1990.

Nhìn lại bối cảnh khắc nghiệt, tăm tối của Hoa địa ngục cách đây gần nửa thế kỷ và thực trạng hôm nay còn rất nhiều bậc trí giả vẫn tự coi Đảng, Bác là những thứ húy kỵ, lại càng thấy cái ghê gớm nhất, đáng kính phục nhất của Hoa địa ngục: không phải là bản lĩnh tù đày, kiên gan trong cô đơn hay trường thơ tố cáo in trong trí nhớ, mà là sự nhìn ra sớm, nhìn thấy triệt để nhưng lại không giấu mọi người về cái Ác rất to lớn – cái Ác ở tầm quốc gia, dân tộc.

Hoa địa ngục đương nhiên phải chia tay trần thế nhưng chắc chắn không bao giờ phải đi về địa ngục.

© 2012 pro&contra


[i] Các bài thơ trích dẫn ở đây đến từ hai nguồn: Hoa địa ngụcThơ Nguyễn Chí Thiện