vietsoul21

Bọn Côn Đồ Điều Hành Việt Nam Còn Khuya Mới Thử Nghiệm Dân Chủ

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Thế giới on 2016/01/25 at 22:28

LTS:

Thomas Bass là tác giả quyển “Người Điệp viên Yêu mến Chúng Ta” (Public Affairs, 2009), “Người dự báo” (Holt / Viking Penguin, 1999); “Vietnamerica: Cuộc chiến trở về nhà” (Soho, 1996, 1997); “Tái kiến tương lai” (Addison-Wesley, 1994, 1995); “Cắm trại với các hoàng tử và những truyện khoa học khác ở châu Phi” (Houghton Mifflin, 1990; Penguin 1991; Moyer Bell, 1998); và “The Eudaemonic Pie” (Houghton Mifflin, 1985; Vintage, 1986; Penguin 1991; Authors Guild eBook, 2014).

Quyển “Người Điệp viên Yêu mến Chúng ta” viết về thời gian chiến tranh của bối cảnh Việt Nam, kể lại câu chuyện Phạm Xuân Ẩn–nhân vật vừa là phóng viên báo Times vừa là điệp viên cộng sản. Cuốn sách đã đăng trên tạp chí “The New Yorker” và được phê bình là một “mạc khải” theo lời ông Morley Safer, “lạnh gáy” đối với ông Seymour Hersh, và “rực rỡ” theo Daniel Ellsberg. Ted Koppel thì gọi nó là “một câu chuyện hấp dẫn,” và tiểu thuyết gia trinh thám John le Carré đã viết, “Tôi có nhiều ấn tượng sâu sắc về cuốn sách này. Nó xác đáng, đầy hướng dẫn, và hài hước. Cú sốc của nhị trùng không bao giờ tan biến. Sự cả tin của những kẻ quấy rầy kiêu ngạo cũng không phai mờ.”

Bản quyền phim của sách ấy đã được bán cho Columbia Pictures, Focus Features, BBC, Channel 4, và các công ty khác. Sách của ông Thomas Bass đã đạt danh hiệu “Sách đáng chú ý trong năm” của báo The New York Times và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ. Ông đã xuất hiện trên Good Morning America, CNN, NPR, BBC, và các chương trình khác với vai trò bình luận gia. Được ghi danh bởi Trung tâm Báo chí Hải ngoại cho các phóng sự ngoài nước, ông đóng góp thường xuyên cho tờ The New Yorker, Wired, The New York Times, Smithsonian, Discover, và các ấn phẩm khác.

Ông lấy bằng Cử nhân (Danh dự) từ Đại học Chicago và Tiến sĩ về Lịch sử của Ý thức ở  Đại học California tại Santa Cruz. Ông đã nhận được học bổng từ New York Foundation for the Arts, Trung tâm Blue Mountain, và Ford Foundation.

Ông từng giảng dạy văn học và lịch sử tại Hamilton College và Đại học California tại Santa Cruz, và là cựu giám đốc của Hamilton trong Chương trình Thành phố New York về “Truyền thông trong thời đại kỹ thuật số.” Gần đây ông là giáo sư thỉnh giảng tại L’Instituts d ‘Études Politiques (Sciences Po) tại Paris, và hiện là giáo sư tiếng Anh và Báo chí tại Đại học Bang New York, tại Albany, Nữu Ước. Ông Bass sống ở New York cùng vợ và ba con.

_______________________________

Bọn Côn Đồ Điều Hành Việt Nam Còn Khuya Mới Thử Nghiệm Dân Chủ

Việt Nam có thể trông giống như một tiền đồn của chủ nghĩa tư bản, nhưng thật ra bản chất đất nước này là một nhà nước công an trị.

Thomas A. Bass, Tạp chí Foreign Policy, ngày 22/1/2016

Việt Nam là một mô hình gợn sóng trùng chập (“moiré”): Nheo mắt nhìn đất nước này từ một góc nào đó thì bạn thấy một xã hội đầy khát vọng phóng tới tương lai. Nếu nheo mắt từ một góc khác, bạn sẽ thấy một viên cai ngục cổ lổ hủ giam cầm bất cứ ai không chịu phục tùng đường lối của đảng. Ở một góc nhìn thì thấy có nhóm vận động hành lang thiên chính sách ánh dương (sunshine policy) đang chỉa vào các bãi biển đáng yêu, ẩm thực đa dạng, và sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến du lịch. Còn tại góc nhìn khác thì lại là các ký giả phóng viên nhân quyền nhắm vào sự lạm quyền và ngược đãi.

Thế đấy! Việt Nam là cái đất nước đang mở rộng đón Tây phương và phát triển rất chóng. Nhưng dẫu Việt Nam có tất cả sự quyến rũ rạng rỡ của nó thì nền văn hóa của đất nước này đang điêu tàn đổ nát. Các tay kiểm duyệt đã bịt miệng và đẩy những nghệ sĩ tài hoa của đất nước này sống lưu vong. Những nhà văn và nhà thơ xuất chúng của Việt Nam không còn sáng tác nữa ngoại trừ những ai đang phát hành tác phẩm của mình dưới dạng tạp chí chui. Báo chí thì là loại doanh nghiệp đồi bại nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. Ngành xuất bản cũng chẳng khác gì. Nghiên cứu lịch sử thì quá nguy hiểm. Các ban bộ ngành tuyên truyền hạn chế tất cả loại tự do—tôn giáo, tư tưởng, ngôn luận.

Hiện nay từ ngày 20 đến 28 tháng 1, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang tổ chức lễ hội ngũ niên (heo quay) lần thứ 12 mà họ gọi là Đại hội Đảng. Khoảng 1.500 đảng viên sẽ tập trung tại Hà Nội để thông qua kế hoạch kinh tế năm năm và phê duyệt một loạt đề nghị các ứng cử viên cho Ủy ban Trung ương Đảng, 16 thành viên Bộ Chính trị, và tổng bí thư của đảng (tay ngồi đầu bàn). ĐCSVN—tham nhũng từ trên xuống dưới, ngày càng lan tràn bởi lũ bảo kê, và trung thành với các nhóm Tư bản Thân hữu/bè phái thao túng môi trường kinh tế và pháp lý—duy trì chính phủ Việt Nam, quân sự, phương tiện truyền thông, và 93 triệu người dân bằng gọng kìm. Nhà văn lưu vong Nga Vladimir Nabokov đã từng thốt lên “Mác-xít cần có nhà độc tài, và nhà độc tài thì cần công an mật vụ, và đó là tận thế.”

Các nhà quan sát quốc tế nghiên cứu đại hội Đảng soi tìm các tín hiệu xem phe này hay phe kia sẽ ra mặt. Trong vài tuần tới, các bài viết về phe thân Tây phương chế phục nhóm thân Trung Quốc, hoặc ngược lại, sẽ ra đời. Hiện tượng ái kỷ cho các khác biệt bé nhỏ này đã trượt hụt vấn đề chính. Gần 4 triệu rưỡi Đảng viên chỉ muốn nhặt tiền lẻ “ăn xâu” từ cái chiếu bạc đang cá cược đất nước này. “Xem cứ như là người ta đang đấu đá nhau dưới một tấm thảm,” nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh đã nói thế về các cuộc họp kín để bầu ra những nhà cai trị Việt Nam.

Đúng là ĐCSVN đã chuyển đổi kể từ khi thống nhất đất nước sau chiến tranh Việt Nam vào năm 1975. Đối mặt với nạn đói ở nông thôn, Đại hội Đảng lần thứ sáu năm 1986 đã từ bỏ một nền kinh tế chủ đạo theo kiểu Liên Xô để chuyển sang trọng dụng chủ nghĩa xã hội thị trường. ĐCSVN cho phép thị trường tự do phát triển mạnh ở dưới đáy xã hội và khuyến khích “tư bản đỏ” nổi lên ở giữa, trong khi đảng viên dành cho mình phần công nghiệp đóng tàu, ngân hàng, khai thác quặng mỏ, và các loại doanh nghiệp nhà nước thuộc thượng từng xã hội.

Cùng với những cải cách kinh tế là một giai đoạn cải cách văn hóa ngắn. Mạng lưới giám sát nhà nước Việt Nam đã được vén lên đủ chỗ cho bốn tác giả lớn của đất nước xuất bản những tác phẩm hậu chiến nổi tiếng nhất của họ: nhà văn chuyên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (“Tướng về hưu”) và các nhà văn tiểu thuyết Bảo Ninh (The Sorrow of War/Nỗi buồn chiến tranh), Dương Thu Hương (Novel Without a Name/Tiểu thuyết vô đề), và Phạm Thị Hoài (The Crystal Messenger/Thiên Sứ). Nhưng mạng lưới kiểm soát xám xịt ấy lại trùm chụp vào năm 1991, khi công an văn hóa khám xét nhà Thiệp và hủy bản thảo của ông. Kể từ đó, Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh đã sống lưu đày trên chính quê hương mình vì xuất bản truyện sau khi đã bị kiểm duyệt và chỉnh sửa lại bởi các tay viết mướn của đảng. Sau tám tháng tù giam năm 1991, Dương Thu Hương hiện đang sống ở Paris, còn Phạm Thị Hoài lưu vong ở Berlin.

Những cú bẻ lái của ĐCSVN khác xảy ra sau khi quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vào năm 1995 được khôi phục, và khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007. Sự kiện thứ hai đã mở vòi nước đầu tư nước ngoài và một năm sau đó đã hoàn toàn bốc hơi hết khi có cuộc Đại suy thoái. Bất chấp những gì đang xảy ra vào lúc ấy, ĐCSVN tiếp tục bơm tiền vào các doanh nghiệp nhà nước. Việc này làm cho lạm phát tăng vọt lên tới 60 phần trăm tỷ lệ hàng năm, khiến bong bóng thị trường địa ốc vỡ toang một cách nhanh chóng, làm cho các doanh nghiệp nhà nước và luôn cả công ty đóng tàu quốc gia Vinashin phá sản vì đắm chìm tận đáy theo cái khoản nợ $4,5 tỷ USD.

Vụ bê bối này gần như đủ lớn để lật đổ Nguyễn Tấn Dũng–thủ tướng của Việt Nam. Dũng đã được cứu bởi tay chân của ông trong Bộ Chính trị và bắt đầu vận động cho chức vụ hàng đầu là Tổng bí thư Đảng, nhưng dường như hiện nay Dũng đã thất bại trong nỗ lực này. Trong thực tế, Việt Nam dường như đang trải qua một kiểu đảo chính chậm trong đó Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đã 71 tuổi hiện nay của ĐCSVN — mặc dù pháp lý yêu cầu phải về hưu — đang chạy đua để duy trì quyền lực, ít nhất là ở lại một vài năm.

Bên cạnh ĐCSVN, một hằng số khác ở Việt Nam là ảnh hưởng của Trung Quốc. Vào năm 2008, Tổng công ty Nhôm đầy túi vốn của Trung Quốc mua bản quyền khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên Việt Nam. Bắc Kinh trong năm kế tiếp đã khôi phục bá quyền hầu hết các vùng trên Biển Đông. Đến năm 2014, Bắc Kinh đã di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng biển xa bờ của Việt Nam và xây dựng sân bay phản lực trên các đảo nhân tạo được thiết kế từ san hô nghiền nhỏ. (Hà Nội vừa cáo buộc rằng Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu trở lại vào vùng biển Việt Nam chỉ một vài ngày trước khi bắt đầu nhóm họp Quốc hội). Tinh thần bài Trung Quốc đã trở nên sôi sục và lan tràn vì lực lượng công an, cảnh sát của Việt Nam không ngăn chặn được nữa. Vào tháng 5 năm 2014, hàng trăm nhà máy được cho là do Trung Quốc làm chủ đều bị cướp phá hoặc bị đốt, và 21 người chết. Nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phe Việt Nam thân Trung Quốc đang nằm ẩn che mình.

Tuy nhiên tinh thần bài Trung Quốc không đủ mạnh để làm suy giảm ảnh hưởng của Trung Quốc với Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục xây dựng các hòn đảo, khai thác mỏ vùng cao nguyên, và làm bất cứ điều gì khi cần để giữ cho đàn em Việt Nam an toàn trong quỹ đạo của anh cả Trung Quốc. Cái liên minh ấy chặt chẽ đến độ làm cho một số lượng lớn đáng kinh ngạc của dân Việt–những người trích dẫn một thỏa ước được gọi là Hiệp định Thành Đô–tin rằng đất nước của họ giờ thực sự đã thuộc về Trung Quốc. (Dư luận lan rộng này cho rằng tại một cuộc họp bí mật năm 1990 tại tỉnh Thành Đô tại Trung Quốc, ĐCSVN đã bán thân cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, để ăn tiền hối lộ kếch xù đổi chác cho việc Trung Quốc toàn quyền hút dầu ngoài khơi, khai thác bauxite, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.)

Hà Nội lèo lái mối quan hệ với Hoa Kỳ khá hơn mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ của mình nơi phương Bắc. ĐCSVN chắc sẽ thi hành Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP)–một Hiệp định thương mại mà 12 nước đã ký tắt vào tháng 11 vừa rồi. TPP được thiết kế bởi Washington như là một bức tường xanh thương mại ngăn chặn làn sóng đỏ của Trung Quốc. TPP đang cung ứng một cơ may bất ngờ đầy tiềm năng cho Việt Nam. Thỏa thuận này có một số quy định liên quan phiền hà đến các quyền lao động, nhưng Hà Nội có thể sẽ lờ bỏ các quy định đó giống như các giao kết quốc tế khác mà họ đã ký và vứt đi. Việt Nam đứng áp chót trong chỉ số về quyền con người. Họ có nhiều tù nhân chính trị theo tỷ lệ bình quân đầu người nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á, nhưng họ vẫn như con công vênh váo an tọa trên ghế tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Có mấy ai quan tâm đến một vài tổ chức lao động đang bị giam giữ cùng với 300 tù nhân chính trị khác của Việt Nam?

Sau khi triển khai TPP, Việt Nam sẽ nhắm tới Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu để xóa bỏ cái mác bị định danh là một nền kinh tế “phi thị trường”. (Quốc gia với mác định danh “Nền kinh tế thị trường” được bảo vệ hữu hiệu hầu chống lại các vụ kiện chống bán phá giá). Đây là một vấn đề lớn đối với Việt Nam mà họ hy vọng rằng TPP sẽ mở ra thị trường Mỹ với các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có một mục mà hai nước đã tranh chấp trong vài năm qua — cá basa. Trong tháng Bảy, khi tìm cách giúp phê chuẩn các hiệp định thương mại được bôi trơn trót lọt, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng nơi mà ông Trọng đã gọi là một “cuộc họp lịch sử.” Và tại sao chuyến thăm đầu tiên này của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nhà Trắng được coi là “lịch sử”? Bởi vì “Nhà Trắng thừa nhận cấu trúc chính trị của Việt Nam và lãnh đạo của đảng” — do đó, theo Trọng, cuộc họp này đã hợp pháp hóa vai trò cầm quyền của ĐCSVN.

Nhưng hãy nhìn việc cầm quyền này hoạt động như thế nào: Vòi bạch tuộc của Ban Tuyên giáo Trung ương nắm chặt Bộ Thông tin và Truyền thông qua “cục an ninh” PA 25 — và từ đó ghì chặt mọi bộ phận của ĐCSVN nào đang nắm quyền điều khiển phương tiện truyền thông tại Việt Nam. Trong vai trò nhà kiểm duyệt tối cao của Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng chịu trách nhiệm cho lối điều hành mà các giám sát viên của Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới, trong một báo cáo tháng 9 năm 2013, đã gọi là cuộc điều hành một “nhà nước xã hội đen” đầy “những loạt bắt bớ, truy tố, đánh đập và hành hung.” “Riêng năm 2012, tổ chức này cho biết qua một bài báo tháng bảy 2015 của họ rằng tay chân của Nguyễn Phú Trọng trong ngành Tư pháp đã truy tố ít nhất 48 blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền, kết án họ tổng cộng 166 năm tù giam và 63 năm quản chế.”

Nhóm vận động hành lang (của chính sách ánh dương) thì miệt thị cách nói của các phóng viên ấy là gieo hoang mang. Thật vậy, lối nói ấy có vẻ lỗi thời, bẻ ngoặc thời gian giống như chuyện từ thập niên 1950. Nhưng những tin tức loan từ Việt Nam quả là đáng báo động. Thực là nguy kịch khi Việt Nam phải đối phó với nền văn hóa đổ nát này. Nó cũng báo động cả chúng ta–những người đang phải đối mặt các áp lực của kiểm duyệt, sự gia tăng giám sát toàn bộ, và sự thống trị của lợi ích thương mại bất kể tất cả các giá trị khác trong xã hội (Hoa Kỳ của) mình. Thế thì từ quan điểm này, Việt Nam không phải là một cú bẻ ngoặc thời gian từ quá khứ nhưng là cánh cửa sổ phản chiếu tương lai của chúng ta. Liệu cái ngoại lệ bất thường này có thể sớm trở thành chuyện bình thường?

Một điều chúng ta biết về đại hội đảng lần thứ 12 của Việt Nam là họ sẽ không làm công an ngừng tàn bạo. Đầu tháng 12, công an thường phục đã dùng cùi sắt đánh đập nhà vận động nhân quyền/luật sư Nguyễn Văn Đài. Mười ngày sau đó, LS Đài đã bị bắt trên đường đến gặp đại biểu Liên minh châu Âu đang tham quan Hà Nội chuẩn bị cho các cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ năm. Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (aka Anh Ba Sàm)–một blogger nổi tiếng trong nước–hiện đang ở trong tù với tội danh “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.” Trước đây phiên tòa xét xử Nguyễn Hữu Vinh đã dự kiến ​​vào ngày 20 tháng 1 — cùng ngày với Đại hội Quốc hội — giờ đã hoãn lại vô thời hạn.

Việt Nam–một tâm điểm hủy diệt văn hóa thuộc một nhà nước công an trị chuyên hành hung đánh đập những người vận động dân chủ bằng cùi sắt–được thoát khỏi tai tiếng là thành phần bất hảo vì nhiều người muốn làm ăn với giới doanh nhân Việt, hay mê tận hưởng những thú vui của đất nước này. Việt Nam sẽ chào đón khách du lịch, và không trục trặc khi mặc cả về tài chính toàn cầu với giới tư bản xuyên quốc gia. Còn nếu bạn muốn dự lễ hội ngũ niên (heo quay) đó thì hãy quên phắt đi. Chỉ dành cho Đảng viên thôi.

© 2016 Vietsoul:21

Nguồn: Foreign Policy

Bài liên quan:
Nỗ lực giữ quyền kiểm soát về lịch sử quá khứ của Việt Nam
Trí trá loài nhai lại

Bình luận về bài viết này