Hàng trăm người sáng nay, 24/7/2011, đã rầm rộ tuần hành xung quanh Hồ Gươm và khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ. Đây là số lượng lớn gấp vài lần cuộc biểu tình Chủ Nhật tuần trước. Mặc dù Chủ Nhật trước đoàn biểu tình đã gặp phải sự đàn áp dữ dằn hơn bao giờ hết với hàng chục người bị bắt trong đó nhiều người bị đánh đập. Cũng có những thông tin nói rằng số người tham dự hôm nay tới 1000.
Thay đổi chiến thuật
Lần này, thay vì tập trung tại khu vựa vườn Hoa Lê- nin, gần Đại sứ quán Trung Quốc như các Chủ Nhật trước, nhóm trí thức chủ trương kêu gọi biểu tình xung quanh bờ Hồ. Khu vực gần Đại sứ quán Trung Quốc trong mấy Chủ Nhật gần đây trở thành khu vực cấm, công an, an ninh từ sớm đã chăng dây, đặt rào chắn và canh phòng nghiêm ngặt cùng một loạt phương tiện sẵn sàng trấn áp.
Bờ hồ Hoàn Kiếm cách khá xa Đại sứ quán Trung Quốc và là một không gian “mở” với nhiều lối qua lại nên rất khó để công an ‘khoanh vùng’.
Công an chùn tay?
Vẫn các gương mặt đã trở nên quen thuộc với cộng đồng mạng và các tham dự viên biểu tình như các ông Phạm Duy Hiển, Ngô Đức Thọ, Phạm Xuân Nguyên, Trần Nhương, Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Thạch…
Chiều qua, tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị an ninh tới tận nhà yêu cầu không đi biểu tình lần này nhưng ông Nguyễn Quang A vẫn có mặt ngay từ sáng sớm.
Những hình ảnh công an đàn áp biểu tình tuần trước, đặc biệt đoạn video clip đại úy công an tên Minh đạp thẳng vào mặt một thanh niên khi anh đang bị giữ chặt tay chân đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nhiều trí thức, nhà văn đã cùng ký tên vào một bức thư gửi giám đốc Công Tp. Hà Nội đề nghị xử lý viên công an này. Nhà văn Nguyên Ngọc gọi đó là “ác ôn”. Các trang mạng lề trái cùng các hãng thông tấn lớn, trong đó có BBC, RFA, VOA, AF đã truyền đi khắp thế giới hình ảnh đàn áp này. Cũng có thể, vì vậy, biểu tình lần này diễn ra suôn sẻ hơn.
Giới trí thức và luật sư đang đưa ra đề nghị đặt vấn đề với Quốc hội luật hóa việc biểu tình vốn đã được quy định từ nhiều năm nay trong Hiến pháp.
Các tình tiết mới
Lần này, xuất hiện một số tình tiết mới so với các cuộc biểu tình trước kia. Đó là một phút mặc niệm dành cho các chiến sỹ- không phân biệt từ phía ‘bên này’ hay ‘bên kia’ đã ngã xuống trong các trận chiến bảo vệ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tên các chiến sỹ hi sinh từ cả 2 phía đều được ghi trang trọng và mặc niệm
Đặc biệt, những người bểu tình đã đem theo nhiều băng rôn, hay đơn giản là những tờ gấy A-4 in từ máy vi tính tên của các anh hùng liệt sỹ, 74 người hy sinh tại Hoàng Sa vào tháng 1/1974 và 64 người hy sinh tại Trường Sa năm 1988. Tên tuổi của họ cho tới nay chưa mấy ai biết tới, thậm chí chỉ đôi năm trở lại đây những sự kiện này mới được báo chí phần nào đề cập tới.
Một hình ảnh rất đẹp khác là sự góp mặt ngày càng nhiều hơn của các bạn trẻ, các em nhỏ. Đặc biệt, ống kính của những người tham dự lần này đã ghi lại hình cô Trịnh Kim Tiến trong tà áo dài trắng tha thướt với băng rôn vắt chéo người như thường thấy trong các cuộc thi hoa hậu nhưng với hàng chữ “Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam“.
Hình ảnh làm xiêu lòng cả các phóng viên nước ngoài có mặt trong buổi sáng nay tại Hà Nội.
Trịnh Kim Tiến là con gái ông Trịnh Xuân Tùng người bị trung tá công an quận Hoàng Mai đánh gẫy cổ và mất hôm 8/3/2011. Đây là lần thứ 5 cô đi biểu tình chống Trung Quốc.

Phóng viên nước ngoài ngây ngất nhìn theo Trịnh Kim Tiến. Ảnh Lê Anh Tuấn/ Blog NXD
Ảnh sử dụng trong bài của Blog Nguyễn Xuân Diện và Anhbasam.
© Đàn Chim Việt