vietsoul21

Archive for Tháng Năm, 2014|Monthly archive page

Nguyễn Hoàng Văn – Khi hệ thống toàn trị tự-cho-mình là giặc

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2014/05/29 at 10:41

Kỷ lục ngàn năm đã bị phá và không phải đợi đến năm này, khi một nhóm cầm-tri-thức[*] hải ngoại ký “thư ngỏ” gởi lên nhà cầm quyền trong nước như một hình thức sớ dâng.[1] Kỷ lục bị phá từ lâu bởi hệ thống toàn trị hiện tại đã qua mặt bất cứ triều đại nào trong lịch sử với những “sớ can” tiếp nối nhau, như sóng, chẳng tài nào nhớ xuể.

Kỷ lục còn được mở ra theo sự dấn thân của giới võ biền. Người xưa có dâng sớ can vua thì, chủ yếu, chỉ là giới quan văn với nhau, từ một Chu Văn An nổi tiếng cho đến những nhân vật chìm hơn như Nguyễn Cảnh Chân, Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ v.v… Bây giờ thì cả những võ quan. Cả Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống đang được gấp rút vỗ béo để bồi vào cái hình hài tàn tạ hom hem của “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” trước sức chèn ép của chủ nghĩa Đại Hán. Khi huyền thoại này cũng chen vai vào đội ngũ can vua thì kỷ lục đã được mở ra trên khía cạnh chủng loại và phẩm lượng.[2]

Nhưng kỷ lục còn được mở khi những sóng “sớ” ấy tiếp nối nhau vỗ vào cái bờ không lặng ngắt, im lìm, không một tiếng vọng. Hậu thế có thể dễ dàng trách cứ vua Tự Đức vì cái lỗi đã thủ cựu, đã không chịu canh tân để rồi mất nước nhưng, dẫu sao, so với hệ thống toàn trị, ông vua hay chữ nhất trong lịch sử này cũng đã ưu tư, đã mang những đề nghị của Nguyễn Trường Tộ ra bàn bạc với triều thần.[3] Hậu thế có thể dễ dàng trách vua Lê Thái Tông chuyện tửu sắc để dẫn đến bi kịch Lệ Chi Viên, bi kịch giữa cá nhân ông cùng bà Nguyễn Thị Lộ rồi một bi kịch còn thê thảm hơn cho của tam tộc nhà Nguyễn Trãi. Thế nhưng, trên khía cạnh này, ít ra vua cũng là người biết chấp nhận lời can, cả những lời xóc óc, chói tai.[4] Còn hệ thống toàn trị hiện tại thì, không kể gì mấy tờ sớ hạng xoàng, cả bầu tâm huyết bộc lộ như hấp hối của “huyền thoại sống” cũng bị vứt vào sọt rác: lời của đại tướng “khai quốc công thần”, xem ra, cũng chẳng khá gì hơn gì lời những trí thức bẽm mép trói gà không chặt, cũng “không đáng một cục phân”.[5]

Và kỷ lục còn được mở ở tính “lão suy” khi, chủ yếu, đội ngũ can vua chỉ quanh quẩn giữa những quan chức hồi hưu, những “lão thành cách mạng” gần đất xa trời. Người xưa có bỏ về hưu như Chu Văn An, là về như một cách trả miếng khi canh bạc giữa “quyền lực tri thức” và “quyền lực chính trị” bị nhà cầm quyền chà đạp, vứt gọn những lời tâm huyết của mình vào sọt rác. Khi lên tiếng can gián những người như thế đã gan góc đem tương lai chính trị, thậm chí cả sinh mạng của mình ra để đặt cược, hoặc là được tất, nhưng là được cho tất cả, cho thế cuộc, cho lợi ích chung, không cho riêng mình; hoặc là mất tất, và chỉ mất những gì thuộc về mình. Hẳn nhiên, trên phương diện cá nhân, những quan chức hồi hưu, những lão thành cách mạng dũng cảm lên tiếng hiện tại vẫn là những nhân cách cao trọng, những con người khả kính thế nhưng, như một hiện tượng xã hội, sự thay đổi trong tư thế đặt cược ở ván bài tri thức – quyền lực này lại thể hiện một sự thoái hoá của lịch sử.[6]

Lịch sử đã thoái hoá khi con người “khôn ngoan” hơn, “chính trị” hơn, ẩn nhẫn đợi đến lúc chẳng còn gì để mất hay, có mất, chỉ mất rất ít. Và khi hành động như thế họ đã chứng tỏ sự thành công của quyền lực toàn trị bởi, không chỉ kiểm soát cái bao tử của từng con người, hệ thống còn kiểm soát việc ấn định những giá trị “bình thường” để biến những hành động “phi thường” như Chu Văn An ngày xưa trở thành “bất bình thường” mà hệ quả là sự hình thành của những thế hệ “tầm thường”.[7] Hệ thống đã thành công rực rỡ khi nhào nặn những lớp lang cán bộ – công chức “tầm thường”, dễ sai khiến và được việc nhưng, như một cơ chế tự vận hành, với tuyệt đại đa số thành viên như thế, hệ thống đã tụt sâu trong sự thoái hoá bởi đã hoàn toàn đánh mất khả năng tự điều chỉnh.

Kể ra, trong lịch sử tồn tại của mình hệ thống cũng đã liên miên “tự điều chỉnh”. Điều chỉnh bằng thủ tục “phê bình và tự phê bình”, chẳng hạn. Điều chỉnh bằng những cuộc thanh trừng khốc liệt gọi là “đấu tranh nội bộ” chẳng hạn. Nhưng thực chất “phê và tự phê”, hay “đấu tranh nội bộ”, chỉ là một thứ chính trị phe phái ở đó một tội phạm tày trời có thể trở nên “trong sạch” và một tâm huyết, một dự án ích nước lợi dân có thể trở thành một âm mưu hay tội ác tày trời. Như thế, càng “tự điều chỉnh” kiểu này bao nhiêu, hệ thống càng tích tụ thương tật và cặn thải bấy nhiêu, tích tụ và dồn nén để thỉnh thoảng bục ra như một nội dung dai dẳng và đau đớn trên vô sớ bài sớ. Một cơ thể lành lặn và mạnh khoẻ mà cố nín nhịn, cố xoá bỏ và nhấn chìm những đau đớn nảy sinh từ nhu cầu loại bỏ chất thải, dù chỉ trong một khoảng khắc ngắn thôi, sẽ phải đối mặt những suy thoái nào đó trong nhận thức.[8] Khi hệ thống dai dẳng cái chủ trương nín nhịn, dai dẳng cái chủ trương trên che đậy thương tật và nhấn chìm cơn đau, từ thập niên này sang thập niên khác, hậu quả sẽ như thế nào?

Tưởng tượng đó như một cơ thể sống thì cơ thể đó đã thực sự “hết thuốc chữa”. Nếu liệt kháng (AIDS) là căn bệnh “hết thuốc” đáng sợ nhất thì, dẫu gì, những cơ thể đánh mất sức đề kháng ấy vẫn có thể tiếp tục đường sống khi duy trì được khả năng trao đổi chất với môi trường bên ngoài. Còn hệ thống thì cũng cố đề kháng để tồn tại. Nhưng càng cố bao nhiêu, nó càng tê liệt hoá khả năng trao đổi chất bấy nhiêu.

Sinh học hay phi sinh học, một “cơ thể” chỉ được xem là “sống” khi duy trì được khả năng trao đổi ấy. Khi chúng ta hô hấp, ấy là chúng ta “trao đổi chất” với khí quyển bên ngoài. Khi chúng ta tiêu hoá và bài tiết, ấy là chúng ta trao đổi những dưỡng chất và tạp chất với môi trường sống bên ngoài. Ngày nào còn duy trì được cơ chế trao đổi ấy, ngày đó sự sống vẫn còn tiếp tục. Và khi khẳng định rằng tương lai dân tộc phải là “xã hội chủ nghĩa” thì, trên phương diện tư tưởng, hệ thống toàn trị đang cố níu kéo sự tồn tại của nó bằng cách “trao đổi chất” với những môi trường đã… chết.[9] Trao đổi với thế giới Marx – Lenin, đã chết. Trao đổi với quá khứ “chủ nghĩa anh hùng cách mạng” đang chết, đang ngoắc ngoải hấp hối trước sự bành trướng của chủ nghĩa… bành trướng.

Hệ thống, như thế, đang bắt cóc, đang ép buộc tương lai phải trở thành… lịch sử. Nhưng lịch sử chỉ là những gì đã và đang thực sự xảy ra. Và “xã hội chủ nghĩa”, sau những thất bại đau đớn của nhân loại, đã thực sự là quá khứ, là lịch sử. Nó đã là lịch sử sau tám thập niên quằn quại của nhân loại trong thế kỷ 20. Nó, trong những hình thức thô sơ hơn, đã là lịch sử sau những thí nghiệm cay đắng với “Tân pháp” của Vương An Thạch vào thế kỷ mười một, với “Biến pháp” của Vương Mãn vào thế kỷ thứ nhất tại Trung Quốc. Và khi trơ trẽn sử dụng mấy kết hợp từ như “một thời ấu trĩ”, “một thời bao cấp” hay “sai lầm của lịch sử” để phủi tay quá khứ ngu muội của mình thì hệ thống toàn trị đã, trên thực tế, xếp cái “chủ nghĩa” sai lầm ấy vào quá khứ, vào lịch sử. Vừa phủi tay dìm vào quá khứ, xem đó là “sai lầm của lịch sử”; vừa dùng quyền lực công an trị để ấn nó vào tương lai, buộc phải chấp nhận như một dự án “viễn mơ” cho dân tộc, hệ thống hành động có khác nào một con bệnh thần kinh? Nếu những người điên cầm hơi qua ngày bằng cách bươi móc những mẩu bánh thừa từ thùng rác thì, trên phương diện tư tưởng, hệ thống toàn trị chính là kẻ “móc bọc” của lịch sử, đang cố sống bám vào những thứ đang phân hủy trong hố chôn lịch sử.

Chính sự ngột ngạt và bưng bít từ tình trạng chui rúc hố chôn này đã dẫn đến tình trạng “thực dân hoá” và “chảy máu”.

“Thực dân” là bản chất của hệ thống toàn trị.[10] Hình bất thướng trượng phu, lễ bất hạ thứ dân, chính tư thế “trượng phu” độc tài kiêm ăn cướp là đặc điểm của những kẻ thực dân khi áp dụng một thứ luật pháp bề trên cho mình: hình luật chỉ để áp dụng cho dân đen, không thể áp dụng cho kẻ ngồi trên. Dĩ độc trị độc, để sống còn, để ngoi lên trong một hệ thống như thế thì, nếu không thể đập vỡ nó đi, phải xoay xở thành một thứ “thực dân” để có thể hưởng thụ một thứ pháp luật không phải Việt Nam trên đất Việt Nam, giành giật những cơ hội không cho người Việt ngay trên nước Việt. Cho đến nay vẫn chưa có ai thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện nhưng, qua những hiện tượng xã hội đang ồ ạt xảy ra thì, cơ hồ, giấc mơ lớn nhất của đại đa số người Việt hiện tại là thôi… làm người Việt, ít ra là thôi trên phương diện pháp lý. Người khốn khó, muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, đã đành. Kẻ thành công nhất và mãn nguyện nhất cũng tìm mọi cách để, sau khi mang tiền bạc ra ngoài, thủ đắc một visa nước ngoài, sẽ quay lại sống và làm ăn một thứ “đồng bào” bề trên. Hậu quả là tình trạng chảy máu. Chảy máu chất xám. Chảy máu vốn liếng, tiền bạc. Và, thậm chí, chảy máu cả gái đẹp, như một xã hội hoang mang, không tin tưởng vào ngày mai của mình. Nghĩa là một xã hội đang khủng hoảng.

Khủng hoảng như một cơ thể lâm bệnh và hệ thống toàn trị đang ngoắc ngoải bởi căn bệnh không tên với đủ loại triệu chứng có tên. Điếc, thì đang điếc đặc trước những lời kêu gào, những lời cảnh tỉnh hay báo động, như những sớ can chẳng hạn. Đui, thì cũng đang đui, đang loạn thị hay đang “tách rời thực tại” như một con bệnh tâm thần phân liệt khi chỉ thấy “tương lai” trong cái “chủ nghĩa xã hội” chẳng hạn. Và mất trí nhớ thì cũng đang mất để những thực tế nóng hổi cũng trở thành xa xăm, những sai lầm rời rợi của 10 năm, 20 năm trước cũng biến thành “sai lầm của lịch sử”, cứ như là sai lầm của 18 đời vua Hùng hay của An Dương Vương. Điếc, đui, mất trí nhớ v.v.. , nếu cơ thể đã khật khùng nghễnh ngãng đến thế thì phải có gì đó không ổn với nội tạng bên trong. Và nếu “bản chất” của hệ thống là “giai cấp” thì, phải chăng, căn bệnh ấy đã phát sinh ngay trong cái “tính giai cấp” này?

Hệ thống, như một “nhà nước chuyên chính vô sản”, là “vũ khí” mà “giai cấp thống trị” sử dụng để “bảo vệ quyền lợi của mình”.[11] Và hệ thống, như một đảng chính trị, lại là “đội tiền phong của giai cấp công nhân”.[12] Giáo điều đã nói thế. Hiến pháp đã xác định như thế. Thế nhưng, nói theo nhà văn Phạm Thị Hoài, cuộc cách mạng giai cấp mà hệ thống thực hiện là một cuộc cách mạng kỳ lạ, lộn tùng phèo tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã; cuộc cách mạng với tầng lớp có học lãnh đạo bên trên, với đám nông dân đui mù hy sinh ở dưới để đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp hoàn toàn xa lạ là… công nhân.[13] Mà công nhân thì, theo ông Trần Văn Giàu trong bộ sử Giai cấp công nhân Việt Nam – Sự hình thành và sự phát triển của nó từ giai cấp cho “Tự mình” đến giai cấp “Cho mình”, dày đến 1,800 trang, lại là thứ giai cấp không ở yên một chỗ, thứ giai cấp đã thăng tiến từ nấc “tự mình” đến nấc “cho mình”.[14]

Nhưng đó là một bộ sử thất bại, đã cũ đến nửa thế kỷ và còn lại chăng chỉ là mấy chữ “tự cho mình”. Hệ thống toàn trị nhân danh quyền lợi giai cấp ấy chính là một hệ thống “tự-cho-mình”: tự cho mình tất cả, tự cho mình cái quyền ngồi xổm lên đầu dân tộc, như một thứ thực dân ngồi trên đầu nhân dân thuộc địa. Bộ sử cố tái hiện lại sự hình thành và phát triển của “giai cấp tiền phong” từ lúc hình thành cho đến lúc nắm chính quyền vào năm 1945 và, trong lời đóng lại khi hoàn tất vào năm 1958, tác giả ước ao rằng sẽ có điều kiện để hoàn bị hơn với những tài liệu mà lúc đó chỉ có ở Paris hay Sài Gòn. Thế nhưng thực tế “thống trị” lại cho thấy một bức tranh khác hẳn nên dù có thể sống, dù có đủ điều kiện đòi hỏi, sử gia công huân của giai cấp vẫn bế tắc, không thể nào bổ sung thêm như đã ước, dù chỉ một trang, một khổ. Sau gần nửa thế kỷ, từ 1958 đến 2003, khi tái bản bộ sử, lời ước 45 năm tuổi vẫn được giữ y nguyên và, do đó, bộ “giai cấp sử” vẫn đứng yên một chỗ sau nửa thế kỷ, đứng yên với tình trạng thiếu tài liệu của thời kỳ bị chia cắt, cô lập và, quan trọng hơn, đứng yên với thời kỳ còn bị chi phối bởi cái tư duy đang bị phủi tay là “một thời ấu trĩ”.

Thất bại của bộ “giai cấp sử” ấy buộc chúng ta phải hướng đến một góc nhìn khác và ở đây, có lẽ, phải là góc nhìn của… phòng the.

Nếu “giai cấp” được nhà xã hội học Đức Max Weber xác định qua những yếu tố như nghề nghiệp, địa vị, quyền lực chính trị; được Karl Marx phẩm định qua những khái niệm như “quan hệ sản xuất”, quyền sở hữu đối với các “tư liệu sản xuất” thì nhà tâm lý – xã hội học Mỹ G. William Domhoff – trong Who Rules America? Power, Politics, & Social Change – lại vận dụng đến ràng buộc hôn nhân.[15]

“Giai cấp”, theo Domhoff, là một thành phần, một nhóm xã hội mà những thành viên có thể thoải mái kết hôn với nhau.

Giai tầng đặc quyền nào cũng nơm nớp bảo vệ cái status quo hiện hữu của mình. Mà để làm như thế thì phải bảo vệ cho bằng được cấu trúc nội bộ của mình qua tính chọn lọc trong công việc truyền giống, kế thừa. Cùng một thành phần xã hội sẽ cùng san sẻ những lợi lộc như nhau, những tiêu chí giá tri như nhau, những mối đe doạ và nỗi sợ như nhau và, như thế, theo bản năng sinh tồn, những cái “như nhau” này sẽ gắn kết các thành viên lại trong quan hệ truyền giống . Đó, thực chất, là một hành động mang tính tự vệ và do đó những hành động xé lẻ với giai tầng cạnh tranh hay thấp hơn sẽ bị lên án như một hành động dị giáo và biện pháp tự vệ này sẽ trở thành … phong tục. Phong tục “môn đăng hộ đối” tại Việt Nam là gì nếu không phải là trò tự vệ của tầng lớp xã hội bên trên? Phong tục tổ chức vũ hội hằng năm của giai tầng quý tộc Âu châu là gì nếu không phải là một hình thức tự vệ khi tạo những cơ hội mối mai tốt nhất cho công việc truyền giống ngay trong giai tầng của mình?

Việc truyền giống cũng ngụ ý nhu cầu sinh lý và, để bảo vệ quyền lợi của mình, ngay từ đầu hệ thống toàn trị đã lém lỉnh khai thác yếu tố này như một vũ khí mà hệ quả đầu tiên là chính sách đa thê “theo yêu cầu của chiến tranh”.[16] Những kẻ thề thốt “sống chiến đấu học tập lao động theo gương chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” đã không đủ bản lĩnh để sống theo “tấm gương” của vị chủ tịch mà, theo sách vở tuyên truyền, cả đời không biết thế nào là… nhu cầu sinh lý. Cả một “học trò xuất sắc” là Bí thư xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn lúc ấy, cũng vậy.[17] Như ông vua một vùng, “học trò” này không chỉ tự thưởng cho mình trên khía cạnh chuyện sinh lý mà còn quan tâm đến nhu cầu của từng thuộc cấp, như chuyện ông ta trói chân Nguyễn Bính chẳng hạn. Khi chính quyền thân Pháp sử dụng các phương tiện tâm lý chiến kêu gọi nhà thơ về thành, ông bí thư lo sợ cho viễn cảnh mất đi một công cụ tuyên truyền nên lo lắng vận dụng đến sợi dây trói sinh lý – hôn nhân.[18] Nguồn “cung” là Hội Phụ nữ và, cứ theo hàng loạt hồi ký của các tướng lĩnh cộng sản, hay tài liệu viết về các tướng ấy, từ Tô Ký đến Nguyễn Thế Lâm, Trần Qúy Hai v.v.. tướng nào cũng như tướng nào, cũng được “tổ chức” quan tâm và, qua đó, được “xây dựng” cho một “đồng chí – bạn đời” thích hợp.[19] Như vậy, bên cạnh các nhiệm vụ khác, cái hội này còn đảm nhiệm một vai trò ít biết, ít được thừa nhận nhưng cực kỳ quan trọng là “bảo vệ quyền lợi giai cấp” bằng chuyện sinh lý và truyền giống.

Hôn nhân là chuyện riêng tư và chưa có chế độ chính trị nào trong lịch sử can thiệp sâu rộng vào những việc riêng như thế cả. Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí (Tố Hữu) và hệ thống, thông qua các “cơ quan / đoàn thể’ của mình, sẽ bảo đảm tính “đồng chí” trong quan hệ hôn nhân giữa các thành viên. Để ý đến nhau chăng? Hãy “đăng ký” với “đoàn thể/ cơ quan” và, đến lượt, “đoàn thể/ cơ quan” sẽ vận dụng sức mạnh chính trị để “xây dựng”, một cách cực kỳ nghiêm túc. Xé lẻ để truyền giống với thành phần “phi đồng chí” mà, nói theo ngôn ngữ của hệ thống, là “không đúng đối tượng” chăng? Cũng sẽ là “cơ quan / đoàn thể”. Cũng những nỗ lực đặt ra, cũng cực kỳ nghiêm túc nhưng không phải xây dựng mà hủy hoại: Phi giai cấp bất thành phu phụ, hoặc bảo đảm tính “đồng chí” trong hôn nhân; hoặc sẽ trắc trở, sẽ rắc rối khi bị đào thải như một phản đồ, một thành phần dị giáo.

Nhưng rắc rối không chỉ diễn ra trong mối quan hệ “đồng chí – phi đồng chí” khập khiểng mà còn từ bên trong, giữa đồng chí với đồng chí, như quan niệm hôn nhân của huyền thoại sống Võ Nguyên Giáp chẳng hạn. Quả là một điều tế nhị khi phải viện dẫn những chuyện riêng tư, nhất là khi chuyện riêng ấy lại liên quan đến một người đã khuất nhưng, dẫu sao, đây chính là điều mà người trong cuộc đã giải bày trên mặt báo. Sinh thời, trong một cuộc phỏng vấn, bà Võ Hồng Anh, con gái đầu lòng của Võ Nguyên Giáp, kể lại ngày đưa bạn trai cùng du học tại Nga về ra mắt bố. Và ông bố bộ trưởng lúc ấy đã tỏ vẻ “không đồng ý” bởi chàng trai mà con gái ông gởi gắm tương lai không thuộc về một gia đình “tham gia cách mạng ngay từ đầu”.[20]

Như thế thì, trong tư tưởng ông Giáp lúc đó, như một trong những đại biểu xuất sắc nhất của “đội tiền phong giai cấp”, cái thành phần tinh tuyển của giai cấp tưởng là thuần nhất kia cũng tiềm tàng sự phân hoá “giai cấp” khác, ít ra là “giai cấp tham gia cách mạng từ đầu” và “giai cấp tham gia cách mạng về sau”. Mà đây không phải là trường hợp duy nhất. Ngày 8.9.2011, ngay ngày một “đại biểu xuất sắc” của “đội ngũ tiền phong” khác là Võ Chí Công qua đời, bà Đoàn Võ Kim Ánh, con gái nuôi của ông, đã tỉ tê tâm sự trên mặt báo về mâu thuẫn giữa cha nuôi và mẹ nuôi trong việc “đời người” của cô. Mẹ nuôi thì nhắm đến “con cái những gia đình cách mạng có uy tín” bởi có thế con gái nuôi của bà mới có một “tương lai vững chắc”. Cha nuôi thì nhắm anh lính tín cẩn đã được ông chọn làm người chăm sóc sức khoẻ riêng, kẻ vừa xuất thân trong trong một gia đình “rất cách mạng”, lại vừa có “thần thái” của người sẽ làm việc lớn. Mẹ mâu thuẫn, chiến tranh lạnh với cha chỉ vì sợ con gái sẽ khổ và như thế thì, ở đây, lại có một sự phân hoá giai cấp khác: “giai cấp rất cách mạng” và “giai cấp cách mạng có uy tín”.[21]

Cũng là “đội ngũ tiền phong của giai cấp” với nhau, cũng kề vai nhau chiến đấu cho một xã hội phi giai cấp thế nhưng lại cực kỳ phân chia … giai cấp. “Tham gia cách mạng sớm” và “tham gia cách mạng muộn”. “Cách mạng có uy tín” kèm theo “tương lai vững chắc” và “rất cách mạng” nhưng tương lai mơ hồ. Mức độ thành đạt trong “sự nghiệp cách mạng” đã trở thành một thứ “môn đăng hộ đối” kiểu phong kiến nên những tín lý về một thế giới đại đồng chỉ là một ảo tưởng xa vời. Nói theo George Orwell trong Animal Farm thì “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật thì bình đẳng hơn” và những ẩn dụ của Orwell đã tỏ ra khá đắc địa trong câu chuyện hôn nhân của tầng lớp “tiền phong hơn” này. Trong Animal Farm, bầy heo làm cách mạng xã hội chủ nghĩa chống lại loài người bóc lột đã ngay ngáy ấn định quy chế “bạn – thù” trong hai điều đầu tiên của bảy điều răn. “Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù”, “Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè” trước khi đi đến cái lý tưởng đại đồng giai cấp ở điều thứ bảy: “Mọi con vật đều bình đẳng”.[22] Thế nhưng điều răn là điều răn, bao giờ cũng có những thành phần “bình đẳng hơn” để mở ra những đặc quyền “hơn” như một sự phân hoá giai cấp. Tương lai nhân dân sẽ vững chắc và huy hoàng trong ngày mai xã hội chủ nghĩa nhưng tương lai của những gia đình cách mạng có uy tín hơn sẽ vững chắc hơn và huy hoàng hơn.

Đây chỉ là một thí dụ rất nhỏ về một ý thức hệ hay hệ thống cai trị huênh hoang là có thể giải quyết mọi mâu thuẫn nhưng tạo ra một xã hội đầy mâu thuẫn. Một “giai cấp đại đồng” mà không đạt được thì nói gì là những ý tưởng về một “thế giới đại đồng” trong “tương lai cộng sản chủ nghĩa”? Chuyện trong hai gia đình họ Võ trên xảy ra vào thập niên 60 và 70, là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản quốc tế theo sự hùng mạnh của Liên Sô và khối Đông Âu. Trong thời hoàng kim mà lý tưởng đã xa vời đến thế, nói gì là hôm nay khi, nói theo ngôn ngữ chính thức của hệ thống toàn trị, là lúc “phong trào cộng sản” đang bị “thoái trào”?

“Phong trào” đang bị thoái trào và, cơ hồ, tính chọn lọc trong việc truyền giống của những thành phần “tiền phong nhất” cũng bị thoái hoá theo. Như quan hệ hôn nhân gây bàn tán trong gia đình nhà toàn trị Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn. Nhân vật này được xem là nhiều quyền lực nhất nên, theo ngôn ngữ chính thống, phải là một “ngưòi tiền phong nhất”. Thế nhưng, trong hôn nhân, ông ta đã điềm nhiên xé lẻ để từ từ vị trí của giai cấp “bốn chân” bắt tay truyền giống với giai cấp “hai chân”, một cách cực kỳ phi nguyên tắc.[23] Phi nguyên tắc trên khía cạnh thành phần nhưng nguyên tắc mấu chốt là “bảo vệ quyền lợi” vẫn không hề thay đổi. Khi những thành phần “tiền phong nhất” đang say sưa “tích luỹ tư bản” thì quyền lợi phải là những trương mục ở nước ngoài, là những hợp đồng tài chính đa quốc gia chứ không nhất thiết phải là những “tiêu chuẩn” gắn liền với mức độ “cách mạng sớm” hay “cách mạng có uy tín”. Như thế, khi phong trào cộng sản đã bị “thoái trào” thì giai tầng “lãnh đạo” của phong trào ấy cũng đã lùi lại với cái thời mà Karl Marx từng miệt thị là “trong từng lỗ chân lông” của họ, lỗ nào cũng “thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của người lao động”.[24]

Marx gọi đó là sự “tích luỹ nguyên thuỷ”, primitive accumulation. Adam Smith thì gọi đó là sự “tích luỹ tiền khởi”, previous accumulation;nhưng gọi sao cũng vậy, cũng là giai đoạn tích vốn để mô thức kinh tế phong kiến chuyển mình sang tư bản. Khi thành phần cộng sản “tiền phong nhất” say sưa trong giai đoạn tích luỹ “nguyên thủy” hay “tiền khởi”, phải chăng họ đã thể hiên vai trò của những lãnh chúa phong kiến đang tập tành làm tài phiệt đỏ?

“Phong kiến”, theo cách dùng phổ cập của chúng ta, chỉ đơn thuần là dính dáng đến… vua. Sông Hương nước chảy lờ đờ / Dưới sông có đĩ trên bờ có vua: không cần biết thế nào, chỉ cần có một ông vua cai trị trên bờ thì đó là “phong kiến” và, đâu tám mươi năm trước, cách sử dụng này đã bị Phan Khôi bắt bẻ dữ dội bởi hình thái chính trị “phân phong” chưa bao giờ hình thành trên đất Việt.[25] Tuy nhiên nếu bây giờ sống lại ắt hẳn con người của lý tính ấy sẽ phải tặc lưỡi thừa nhận rằng lịch sử đã bước giật lùi, rằng chế độ phong kiến đang hình thành, rằng dưới sông không chỉ có đĩ và trên bờ không chỉ có vua: hệ thống toàn trị hiện tại đang hội đủ toàn bộ những yếu tố cần thiết như phong tước, kiến địa, tập ấm v.v.. để có thể gọi là “chế độ phong kiến”.

Trước hết là những dấu hiệu bên ngoài, những cảm quan thẩm mỹ như một “cách phát biểu”. Nếu mỗi thời đại có một “cách phát biểu” riêng qua các hình thức kiến trúc, y phục, trang trí thì, với cái gu thẩm mỹ dày đặc hình rồng hiện tại, chế độ chính trị tại Việt Nam cũng đang “phát biểu” một cách rườm rà và loè loẹt y như những vua chúa phong kiến.

Chỉ cần google hình ảnh của những nhà toàn trị đương chức hay hồi hưu lúc họp báo, trả lời phỏng vấn hay bất cứ lúc nào, sẽ thấy rằng rồng đã ngự trị trong thị hiếu thẩm mỹ của họ như thế nào. Từ Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng cho đến Đỗ Mười và thậm chí Nguyễn Trường Tô, vị lãnh chuá Bắc Giang từng bị lên báo ầm ĩ một dạo vì chuyện dâm ô với học trò. Người nào cũng như người nào, cũng thấp thoáng sau lưng những thân rồng bay lượn trên khung ghế, thứ mà, xét trên tiêu chí công năng hay thẩm mỹ đương đại, không bao giờ xứng đáng là một chọn lựa tối ưu. Những chi tiết chạm khắc kiểu “lưỡng long chầu nguyệt” phụ hoạ thêm cái đầu dơi không chỉ là hang ổ của bụi bặm trong một xứ sở bị ô nhiễm trầm trọng, chúng không thể nào tạo nên cảm giác sảng khoái để nâng cao hiệu suất thư giản hay làm việc. Nhưng “cái ghế”, như một danh từ, không đơn thuần là sự biểu đạt cho một dụng cụ dùng để “ngồi”. “Ghế” còn biểu đạt cho một vị trí quyền lực và hình tượng cái ghế đường bệ như cái ngai này đã thể hiện một thứ mỹ học về quyền lực sặc mùi phong kiến. Thứ “mỹ học” này đã trở thành một cái mốt và, hệ quả là, từ giới lãnh đạo bên trên đến hạng thường dân khá giả bên dưới, đâu đâu cũng đua đòi nhau những cái ghế uốn lượn hình rồng. Xưa Tố Hữu “dựa Trường Sơn kéo pháo lên đồi”. Nay họ dựa vào cái lưng ghế chạm rồng để thao thao “dội pháo” về đường lối, chính sách; và dội với những từ ngữ sặc mùi phong kiến, nào là “nội lực”, nào là “nguyên khí”, “hiền tài” hay “hữu hảo”, như một thứ ngôn ngữ thời thượng.

Nếu “phong kiến” ngụ ý “phong tước – kiến địa” thì hệ thống toàn trị hiện tại cũng đang cai trị với biện pháp “tước hiệu trị” và “đất đai trị”. Nếu vua phong tước rồi ban đất cho giới qúy tộc này theo từng đẳng cấp để tự trị trong lãnh địa riêng của mình thì hệ thống toàn trị cũng thực hiện chính sách tương tự. Xã hội phong kiến có Công, Hầu, Bá, Tử, Nam với các đất phong rộng hẹp và tính đắc địa hay hiểm yếu khác nhau. Xã hội toàn trị thì có các “ủy viên” với đẳng cấp “tiêu chuẩn” khác nhau, chẳng hạn uỷ viên đi xe công vụ trên 1 tỷ đồng, ủy viên đi xe dưới 1 tỷ đồng v.v…[26] Xã hội phong kiếu có các vương hầu lập thân bằng chính thành tích của mình hay đơn thuần chỉ là tập ấm. Xã hội toàn trị cũng có “ủy viên” vươn lên bằng công trạng của mình, có ủy viên chỉ đơn giản được “cơ cấu” như là hình thức tập ấm của những lớp lang “tham gia cách mạng sớm” hay “cách mạng có uy tín”. Một chế độ cai trị như thế thì có khác gì chế độ phong kiến?[27]

Nhưng phong kiến còn là thời mà ý niệm “quốc gia” chưa hình thành và đất nước bị xem là tài sản riêng của các bậc quân vương. Thích cắt, bán hay cho thì thoải mái cắt, bán và cho, miễn là không động chạm đến đặc quyền của họ. Và đó là những gì đang xảy ra, từ nhôm ở Tây Nguyên đến rừng ở Việt Bắc, Trường Sơn và như thế đất đai cha ông để lại đâu còn là tài sản chung của trên 80 triệu người? Nó đã là tài sản riêng, trong những vùng “đất phong” riêng và có như vậy thì những việc tày trời như cắt những vùng rừng mang tính chiến lược để bán cho đối thủ chiến lược của mình trong theo những hợp đồng 50 năm hay 70 năm mới có thể diễn ra dễ dàng như thể cắt một cái bánh. Công sản quốc gia đã trở thành tài sản riêng trong túi của những kẻ ngồi dựa ngửa trên cái ghế có lưng dựa chạm rồng thao thao bất tuyệt về cái gọi là “con đuờng tất yếu” của dân tộc trong những từ ngữ sặc mùi phong kiến.

Phong kiến là thời mà quyền lợi giới quý tộc gắn chặt với quyền sở hữu đất đai và, do đó, cái cách mà họ giải toả những áp lực chính trị – xã hội cũng… sặc mùi đất qua “thú điền viên”, như một hình thức thời thượng. Nếu, trên phương diện mỹ học của quyền lực, giai tầng cầm quyền Việt Nam đã trở lại với thời kỳ phong kiến qua hình ảnh những cái lưng ghế hình rồng thì cảm quan này còn thể hiện qua cả cách giải toả áp lực tương tự với thú chơi gọi là “trang trại”, cái thú vui xa xỉ mà chỉ những qúy tộc kiểu mới của chế độ mới có đủ điều kiện đóng vai tay chơi. Đã có tay chơi thì phải có hạng tôi tớ phục vụ tay chơi. Nếu những vua chúa phong kiến thản nhiên bắt bề tôi hy sinh cả đời để phục vụ những nhu cầu nhỏ nhặt nhất của mình thì những “vua chúa” của hệ thống toàn trị cũng vậy, cũng không thua gì, ngay trong thời kỳ chiến tranh. Không ai có thể tưởng tượng một người tham gia cách mạng, bỏ gia đình, bỏ quê hương, tập kết từ Trung ra Bắc để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thế nhưng công việc “cách mạng” họ tham gia chỉ là săm soi từng cọng rau chỉ vì những qúy tộc của giai tầng cai trị không thích ăn thứ rau đã bị phun thuốc trừ sâu.[28]

Trong bài báo viết năm 1934 Phan Khôi lập luận rằng chế độ phong kiến đã cáo chung tại Trung Hoa khi Tần Thủy Hoàng tóm thu thiên hạ về một mối và áp dụng chế độ quận huyện. Thế nhưng, trên thực tế, mô thức phong kiến vẫn tiếp tục tồn tại sau đó khi Lưu Bang lên ngôi lập ra nhà Hán. Rút kinh nghiệm của nhà Chu, vì phân phong triệt để nên chư hầu khinh dễ và mất hết đế nghiệp. Và rút kinh nghiệm của nhà Tần, vì quận huyện triệt để nên trên không đủ sức quản lý, họ Lưu đã cai trị nước Trung Hoa với hình thức nửa nạc, nửa mỡ. Đất thường thì xem là quận huyện. Những vùng đất hiểm yếu, mang tính chiến lược thì giao cho những người tâm phúc, như một hình thức phân phong. Và đó chính là hình thức hành chánh của hệ thống toàn trị hiện tại ở Việt Nam, với những tỉnh – thành phố “bình thường là tỉnh-thành phố”, những “đất hiểm yếu” trong cái tên “thành phố trực thuộc trung ương”, cũng là nửa nạc, nửa mỡ. Lưu Bang “nửa nạc, nửa mỡ” thế vì sợ “giặc”. “Giặc” có thể là từ bên ngoài nhưng, luôn luôn, với các vua chúa phong kiến, cái quan trọng là “giặc” hay “phản nghịch” ở bên trong khi nông dân ùn ùn nổi dậy bởi quyền lợi chính đáng gắn liền với đất của họ bị tước đoạt. Quyền lực của hệ thống toàn trị hiện tại cũng bị ám ảnh với mối nguy tương tự, mối nguy từ những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi từ đất đai, dẫn đến vô số vụ khiếu kiện chính đáng, vụ biểu tình phản đối hoàn toàn chính đáng nhưng cách giải quyết duy nhất là lựu đạn cay, là còng số tám, là những bản án “phản động”, y như là cách đối xử với “giặc”.

Hầu như cuộc nổi dậy nào trong xã hội phong kiến cũng khởi đầu với màu sắc thần quyền bởi, nếu vua đã xưng là “con trời” thì, để tạo sức thu hút nhằm gầy dựng binh lực, những kẻ bẻ nạn chống trời phải tạo ra một thứ huyền thoại nào đó về mình, và về lực lượng của mình.[29] Hậu quả là, song song với nỗ lực thu tóm quyền bính, ông vua nào cũng lo lắng việc thu tóm thần linh để từng vị thần, từng vị thành hoàng, ai cũng có sắc phong của triều đình như một cách thể chế hoá thần linh. Chính sách quản trị thần linh này đang được lập lại với chính sách quản lý tôn giáo của hệ thống toàn trị hiện tại và, có vậy, mới có sự xung đột trong giới tu sĩ, những người cho mình là nhà tu hành chân chính, những kẻ được ca ngợi là “gắn liền với dân tộc” nhưng bị xem rẻ là “tu sĩ quốc doanh”.

Quản lý chặt thần linh, hệ thống toàn trị còn quản lý chặt việc phân phối và kiểm nhận tri thức. Nếu chế độ phong kiến kiểm soát công việc này qua các kỳ thi và nghi thức ban cấp danh hiệu thì hệ thống toàn trị cũng áp dụng một chiến lược tương tự. Ngày xưa nếu chỉ có vua Lê đích thân ban cho Nguyễn Trãi danh hiêu “Hàn Lâm viện Học sĩ”, chỉ có vua Mạc đích thân ban cho Nguyễn Bĩnh Khiêm danh hiệu “Tả Thị lang Đông các Học sĩ” thì hiện tại hệ thống toàn trị cũng làm trò độc quyền tương tự với cái gọi là “Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước”.[30] Đây là một tổ chức độc nhất vô nhị, không một quốc gia hiện đại nào trên thế giới có được. Không có được nhưng rất dễ hiểu được bởi đó chính là sự tiếp nối của truyền thống tôi đòi hoá kẻ sĩ của các triều đình ngày xưa. Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ, lời vui vui tưởng là vô hại này chính là kết tinh cô động nhất và cao nhất của khuynh hướng phản trí thức trong xã hội truyền thống khi bắt kẻ sĩ phải phụ thuộc vào miếng ăn của mình và đã hả hê cười cợt trước cảnh chạy rông vì túng quẫn thiếu ăn của họ.

Kẻ sĩ, như thế, thường chỉ là những ông quan văn ngoan ngoãn và đó chính là điều mà hệ thống toàn trị mong muốn. Làm quan thì phải quỳ, phải lạy cũng như bây giờ, dẫn “văn minh” hơn thì cũng phải “xin” để được “cho”, y như là kiếp ăn mày.

Chính cái quy chế xin cho này đã góp phần tôi đòi hoá hoá trí thức, không cho họ làm những trí thức độc lập mà phải những “quan văn”.[31] Xưa quan cong đầu gối xuống dâng sớ. Nay quan dằn ngòi bút đè nén những phẫn uất lại trong lời dẫn “kính gởi” để mở ra những ý tứ lẽ cân nhắc trước sau, cơ hồ chỉ mở miệng sau khi đã uốn lưỡi bảy mươi lần. Thế nhưng cũng có những cái rất khác. Ngày xưa, khi dâng sớ, những kẻ sĩ như Chu Văn An chỉ nhắm đến việc thay đổi ý kiến của cá nhân ông vua và, cùng lắm, họ phải vượt qua chướng ngại từ sự “sàm tấu” của một số ít ỏi cận thần hay hoạn quan mà ông vua đó tin dùng. Việc đó đã khó. Với hệ thống toàn trị thì càng không chỉ là ý chí của dăm ba nhà lãnh đạo. Cái mà họ phải vượt qua là quyền lợi cộng sinh của cả một hệ thống mà, hiện tại, cứ theo lời dẫn của Marx, lỗ chân lông nào cũng “thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt” của người dân.

Nhưng không chỉ là bóc lột lợi nhuận, bóc lột “giá trị thặng dư” như những ông chủ tự bản, hệ thống toàn trị đã thể hiện mình là “giặc” với những thủ đoạn đê tiện, vừa lặt vặt nhỏ mọn, vừa tởm lợm khi dính đầy “máu và bùn dơ”.

Năm ngoái, song song với nỗ lực tranh giành quyền lực nội bộ, nhà toàn trị dễ dãi trong quan hệ truyền giống “hai chân và bốn chân” nêu trên đã cho tay chân rình rập và mang hai cái “condom đã qua sử dụng” để dở trò đánh lén một trí thức như Cù Huy Hà Vũ, chỉ vì bị nhân vật trí thức này thách đấu bằng một loạt đơn kiện trước toà, hoàn toàn hợp pháp trong khuôn khổ của hệ thống. Và không chỉ có thế, không chỉ cá nhân nhà lãnh đạo và một nhân vật trí thức. Tháng 10 năm 2009, để có cớ bắt nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thủy, hệ thống chính trị đã sắp xếp để cho côn đồ dàn dựng cảnh ẩu đả trước cửa nhà rồi trưng ra bức ảnh người đàn ông máu me dầm dề như là bằng chứng buộc tội. Ngay sau đó, các bằng cớ bộc lộ trên Internet đã chứng minh rằng đó chỉ là ảnh ghép dựa trên một bức ảnh đã được chụp hơn bốn năm về trước thế nhưng, cả khi đã bị vạch trần, hệ thống toàn trị ấy vẫn bình thản tiếp tục các thủ tục pháp lý với một án tù thật nặng. Và trước đó nữa, chế độ ấy đã hèn hạ nấp kín một chỗ để đạo diễn cho đám đông dốt nát, mê tín và cuồng tín tại địa phương đấu tố nhà tranh đấu Hoàng Minh Chính, thậm chí còn đạo diễn cái màn vứt cứt vào ông. Mà không chỉ là những trò lưu manh trên phương diện “công an trị”. Chỉ có những kẻ thật sự đuối lý mới hạ mình để cù nhầy, cãi chày cãi cối theo kiểu cù lần và phá thối. Trên phương diện lý luận, hệ thống đã không đủ khả năng để bảo vệ chọn lựa hiện tại của mình một cách đường đường, chính chính. Tất cả những gì làm được chỉ là phá thối, là cù lần, là cãi chày cãi chối, là cù nhầy bằng một đội ngũ âm binh kỹ thuật lẫn âm binh chửi bới và nói leo mang tính Chí Phèo, như hiện tượng Nhô trên blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc chẳng hạn.[32]

Nhưng để tồn tại vững vàng và lâu dài thì một chế độ mệnh danh “độc lập – tự do – hạnh phúc” phải tồn tại bằng những lý do “vĩ đại” bao hàm trong ý nghĩa “độc lập – tự do – hạnh phúc” cho người dân của mình chứ không phải bằng cái trò đá cá lăn dưa. Một hệ thống quyền lực “vĩ đại” mà phải vật vã giữ gìn chỗ đứng bằng những trò lưu manh vặt thì có nghĩa là nó đã rệu rã từ nền móng và sự kết thúc chỉ là vấn đề thời gian.

Làm sao có thể tin cậy một chế độ chính trị đang níu kéo sự tồn tại của mình bằng cái bô chứa cứt, bằng cái condom sắp vứt, bằng mấy tên lưu manh dàn cảnh hay những lập luận cù nhầy, cãi chày cãi cối? Nếu hệ thống chính trị đã sa đoạ đến thế thì tại sao phải lựa lời “kính thưa”, “kính gởi”? Cả một đại tướng khai quốc công thần cũng chẳng là gì. Mà cả vị đại tướng công thần cũng chỉ thỉnh cầu cho một cái hội trường cụ thể, một cái mỏ nhôm cụ thể, nói gì là những yêu sách thật lớn, có thể lay chuyển đặc quyền của cả hệ thống? “Thánh đế” có thể “hồi tâm”. Đạo tặc có thể hồi tâm, có thể “buông dao thành Phật”. Nhưng một hệ thống cai trị đạo tặc, ràng buộc nhau với những quan hệ tương liên về quyền lợi , đã chai mặt áp dụng bất cử thủ đoạn nào để bảo vệ những quyền lợi đó của mình thì khó mà thay đổi, khó mà lùi bước để tương nhượng trước lẽ phải hay đạo nghĩa.

Khi hệ thống đã hiện nguyên hình là “giặc” thì chọn lựa tối ưu phải là cách nói thích đáng với “giặc”. Thích đáng như là “Thất Trảm Sớ” ở đó Chu Văn An đòi chém đầu bảy nịnh thần. Thích đáng như là “Thư Thất Điều” mà ở đó một trí thức như Phan Chu Trinh vạch ra bảy tội của Khải Định. Hay thích đáng như khi Nguyễn Trãi khi viết thư đánh vào ý chí của tên tướng xâm lược đến từ phương Bắc: bốn lần, bốn lá thư, là bốn lần mở đầu: “Bảo cho phường giặc dữ Phương Chính rõ”.

Đã là “giặc” thì không cần kể là trong hay ngoài, huống hồ đó là thứ “giặc” rất mơ hồ với cái ranh giới “bên trong” hay “bên ngoài”, ranh giới giữa phương Bắc hay phương Nam. Đã nói với thứ “giặc dữ” ấy thì cần nói thẳng như là Nguyễn Trãi từng nói với Phương Chính: “Bảo cho phường giặc dữ rõ: Đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành”; “Bảo cho phường giặc dữ rõ: Ta nghe bậc danh tướng, quà nhân nghĩa mà dễ quyền mưu”; “ Bảo phường giặc dữ: Phàm đồ việc lớn, lấy nhân nghĩa làm gốc; nên công lớn, lấy nhân nghĩa làm đầu. Chỉ có nhân nghĩa vẹn toàn thì công việc mới trôi chảy được…” Không nói thẳng vào mặt giặc như thế thì ít ra cũng phải thẳng thắn với một nhân cách trí thức như nhà văn Pháp Émile Zola trong vụ án Alfred Dreyfus, khi lên tiếng kết tội chính phủ Félix Faure bài Do Thái bằng bài báo đanh thép như một lời buộc tội: J’accuse.

J’accuse hay Tôi buộc tội. Không phải những lời như thế không từng vang lên, chẳng hạn như lời buộc tội trong những đơn kiện của Cù Huy Hà Vũ trong hình thức hợp pháp của hệ thống toàn trị. Trước mắt, hành động đó sẽ không trực tiếp mang lại một thay đổi trước mắt nào nhưng chắc chắn là, về lâu về dài, nói theo nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt, sẽ “làm cho con đường của chúng ta ngắn thêm một đoạn”, cái con đường giành lại quyền lên tiếng nói khi kẻ cầm quyền tự-cho-mình đang thực sự làm giặc.[33]

 

12.11.2011

_____________

Chú thích:

[*]Về khái niệm “cầm tri thức” thay vì “trí thức”, tôi đã trình bày trong tiểu luận “Cầm quyền và cầm tri thức”, đã phổ biến trên talawas và Tiền Vệ.

[1]Lá thư này mang tên “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Việt Nam về hiểm hoạ ngoại bang và sức mạnh dân tộc” ký ngày 21.8.2011, đã phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Xem:

[2]Theo dõi hoạt động của ngành báo chi và tuyên huấn Việt Nam trong vài năm trở lại đây sẽ thấy rộ lên phong trào ca tụng Võ Nguyên Giáp một cách khá bất thường.

[3]Xem: Truơng Bá Cần (2002) Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo. Nhà xuất bản TPHCM. Tr. 529, 533-536.

[4]Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển XI, Kỷ nhà Lê, chương Thái Tông Văn Hoàng Đế, Duệ Tông Hoàng Đế và Thuận Tông Hoàng Đế. Bản tiếng Việt (NXB KHXH – 1998) của Hoàng Văn Lâu, Hà Văn Tấn hiệu đính. Tập III, trang 325- 326, thuật việc ba ngôn quan là Phan Thiên Tước, Lương Thiên Phúc và Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ vạch ra “năm điều không nên” khiến Lê Thái Tông tức giận tuy nhiên sau đó vẫn không trả thù.

[5]Tướng Võ Nguyên Giáp đã hai lần ký tên vào kiến nghị để “can gián” việc phá bỏ Hội trường Ba Đình và khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Mới đây, sau khi gởi “Thư ngỏ của một công dân yêu nước” (5.9.2011) ông Lê Hiếu Đằng tâm sự trên đài RFA, trong cuộc phỏng vấn của phái viên Thanh Trúc:“Thật lòng mà nói tôi cũng không mong có sự trả lời sòng phẳng và công khai về vấn đề này. Bởi vì kinh nghiệm của người dân trong một đất nước mà ngay cả bản thân đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gởi cho các vị lãnh đạo trong vấn đề bô xít Tây Nguyên, vấn đề phá bỏ hội trường Ba Đình, mà vẫn không được trả lời. Như vậy đối với tôi, một người tuy có quá trình đầu tranh nhưng so với đại tướng Giáp là một trời một vực, thì tôi cũng không hy vọng gì.”

[6]Việc chỉ những người về hưu mới lên tiếng ai cũng rõ nhưng còn giới đương chức thì sao? Trong hồi ký của mình, Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tả lại thời kỳ làm đại biểu quốc hội, trong có đoạn:

“Dần dà tôi nhận ra rằng những người hay phát biểu trong các kỳ họp thường là những đại biểu không nắm chức vụ gì quan trọng trong bộ máy nhà nước và bộ máy đảng. Đa số họ là giáo viên, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các cựu chiến binh… Tôi nhớ những ngày đầu nhiệm kỳ có một nữ đại biểu còn trẻ, giám đốc Sở ở một tỉnh phía nNam phát biểu rất hăng hái. Những phát biểu của chị rất sốc, rất táo bạo làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng đến giữa nhiệm kỳ bỗng nhiên không thấy nữ đại biểu đó pát biểu gì nữa. Thì ra chị mới đề bạt làm Thứ trưởng một bộ trong chính phủ.” [Xem: Đặng Nhật Minh, (2005) Hồi ký điện ảnh, Nhà xuất bản Văn Nghệ. tr. 121]

[7]Thời gian báo chí Việt Nam diễn tả các vụ kiện tụng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ như là những hành động “bất bình thường”, nhiều ý kiến ở các diễn đàn tự do trên Internet cũng diễn tả ông Cù Huy Hà Vũ như vậy. Thế nhưng, khi làm như vậy, họ đã ít nhiều thể hiện rằng mình chỉ là một sản phẩm của chế độ ngu dân. Thực chất, việc ấn định tiêu chí “bình thường / bất bình thường” (normal vs abnormal) còn là công cụ để cai trị của nhà cầm quyền. Các hồi ức về thời kỳ Nhân Văn – Giai Phẩm cũng cho thấy không khí tương tự: khi một người bị nêu là “có vấn đề”, họ sẽ bị hàng xóm, đồng nghiệp xầm xì và nhìn với ánh mắt nghi kỵ như là người bất bình thường. Hoặc trong thời kỳ “xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa” những người làm ăn chân chính bằng nghề buôn bán sẽ bị diễn tả là “bất bình thường” như “con phe”, những nông dân chỉ muốn tự tay mình làm ăn trên mảnh ruộng của mình cũng bị diễn tả tương tự như là một nông dân “chậm tiến”. Khái niệm “normal vs abnormal” là ý tưởng xuyên suốt trong các công trình của Foucault khi bàn về quan hệ giữa tri thức và quyền lực. Foucault cho rằng trong từng giai đoạn khác nhau nhân loại có những cách nhìn không thống nhất về các hiên tượng như chứng điên,bênh hoạn, tội phạm.v.v. Đặc biệt về hiên tượng điên khùng với tư cách là măt đối lâp của lý trí theo nhận thức thông thường ngày nay. Khảo sát lịch sử Foucault nhận thấy thật ra thời cổ đai người ta cho rằng người điên là những đầu bộ óc thâm thúy,đến thời trung cổ họ được xem là những thành viên bình thường trong xã hôi, đến thòi cận đai lai xem họ là loại người nguy hiểm gân như tội phạm, và hiện tại thì được cho là những con bệnh cần được nhập viện để chữa trị. Theo Foucault thì trên bình diện tâm lý, nếu điên khùng là cái gì phi lý tinh,thì chưa chắc nó đã đôi lập với lý tính mà là tấm gương phản chiếu hay sự kéo dài của lý tính, lấy thí dụ những nghệ sĩ ưu tú thường bị xem là những người “không bình thường”. Có thể tham khảo:

Foucault M. (1988) “Technologies of the Self” in L.H. Martin, H. Gutmanm TR.H. Hutton (ed) Technologies of the Self: A Seminar With Michel Foucault. Amherst MA: Universty of Massachuset Press. tr. 146

 

Foucault M. (1977) Discipline and Punish: The Birth of the Prison, London: Penguine Books. Part Three:. Panopticism, tr. 195–228. Tại đây Foucault phân tích biện pháp mà một thị trấn đối phó vào thế kỷ 17, những biện pháp đã hình thành nên sự phân chia như mad/sane; dangerous/harmless; normal/abnormal (tr.199).

 

Foucault M. (2006, 7th edition) Madness and Civilization, London and New York: Routledge Classics. Xem chương 2: The Great Confinment, tr. 35–60.

[8]Đây là công trình khảo cứu được giải IgNobel 2011 với thí nghiệm được thực hiện trên tám thanh niên khoẻ mạnh, cứ 15 phút uống 250 ml nước và phải nín tiểu tiện, nín và uống cho đến khi không thể nín được nữa. Công bố trong bài “The Effect of Acute Increase in Urge to Void on Cognitive Function in Healthy Adults” của Matthew S. Lewis, Peter J. Snyder, Robert H. Pietrzak, David Darby, Robert A. Feldman, Paul T. Maruff, đăng trên tập san Neurology and Urodynamics, vol. 30, no. 1, January 2011, pp. 183-7.

[9]Xem “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trình Đại hội XI”, mục I. “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, có đoạn viết: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. […] Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.” Hay “Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng”, ở mục 2. “Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ theo con đường xã hội chủ nghĩa” có đoạn viết: “Chúng ta một lần nữa khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.”

[10]Tôi đã đề cập đến bản chất thực dân của hệ thống toàn trị trong bài “Thực dân, nô lệ, ăn mày”, đã đăng trên Tiền Vệ.

[11]Thử đọc tài liệu “Nhà nước và cách mạng xã hội” của Khoa Mác-Lênin & Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại học Mỏ Địa chất:

“Theo Ph. Ăngghen, về bản chất thì “Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác.” Không có nhà nước đứng trên các giai cấp hoặc nhà nước chung cho mọi giai cấp. Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế thiết lập ra nhằm hợp pháp hoá và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, cưỡng bức các giai cấp khác trong khuôn khổ lợi ích của giai cấp thống trị.”

[12]Điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992:

“Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

[13]Phạm Thị Hoài, “Về tư cách của trí thức Việt Nam”Hợp Lưu, số 61.

[14]Bộ sử này viết từ khi giai cấp công nhân hình thành cho đến năm 1945, hoàn tất năm 1958, được in lại trong Trần Văn Giàu (2003), Tác phẩm được tẳng Giải thưởng Hồ chí Minh, quyển 1, Nhà xuất bản khoa học xã hội. Khi hoàn tất cuốn này vào năm 1958, Trần Văn Giàu ao ước trong “Lời nói sau cùng” là được “các bạn ở miền Nam và ở bên Pháp” góp sức đẻ “bổ sung, chỉnh lý” vì “chắc ở Sài Gòn, ở Paris, còn nhiều tài liệu rất cơ bản” mà ông ta đã không thể tìm được sau 6 năm tìm tòi ở Hà Nội. (tr. 1778) Từ năm 1975 cho đến lần xuất bản vào năm 2003 đã là 28 năm, thế nhưng “Lời nói sau cùng” này vẫn giữ nguyên. Tác giả đã “chán” việc “nghiên cứu” hay “bổ sung, chỉnh lý” cho bộ giai cấp sử này rồi chăng?

[15]Domhoff, G. William (1983). Who Rules America: Power, Politics, & Social Change, Touchstone Books, tr. 28–37.

[16]Trong kháng chiến Lê Đức Thọ từng ra nghị quyết cho phép những cán bộ công tác xa nhà trên 300 cây số được phép lấy thêm vợ. Xem: Nguyễn văn Trấn (1995) Viết cho mẹ & Quốc hội, California: Văn Nghệ, tr. 143. Tác giả từng là phó bí thư xứ ủy Nam kỳ trong thời kỳ tiền cách mạng. Điều này cũng được nhắc đến trong một cuốn sách khác xuất bản tại Việt Nam: Nguyễn Thế Lâm (2003), Ngược bắc xuôi nam, Nhà xuất bản Trẻ, tr 142. Tác giả là thiếu tướng, tư lệnh pháo binh, và là con rể của cụ Lê Đình Thám.

[17]Lê Duẩn có hai vợ. Vợ cả là Lê Thị Sương, có bốn người con. Vợ hai là Nguyễn Thụy Nga, kết hôn năm 1948 tại miền Tây Nam Bộ, do Lê Đức Thọ làm mối, Phạm Hùng làm chủ hôn, khi Lê Duẩn vẫn còn là chồng chính thức với người vợ đầu. Sau 1975, bà là Phó Tổng biên tập phụ trách hành chánh trị sự của báo Sài Gòn Giải phóng, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có ba người con. Báo Tiền Phong đã đăng loạt bài 5 kỳ của Xuân Ba “Người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn”, còn lưu lại trên nhiều website. Có thể tham khảo theo các đường link tạihttp://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Du%E1%BA%A9n

[18]Xem: Việt Trần, “Người vợ miền Nam của thi sĩ Nguyễn Bính”, 06/12/2005

[19]Xem: Nguyễn Thế Lâm (2003), sđd, tr. 105 và tr142 –143; và Nhiều tác giả (2003) Tô Ký, vị tướng trung kiên nghĩa hiệp, Nhà xuất bản Trẻ.

[20]Lương Thị Bích Ngọc, “Trò chuyện với con gái tướng Giáp”, VietnamNet (4.9.2007). Bài phỏng vấn này còn lưu lại trên trang web Văn Nghệ Quân Đội.

[21]Xem: “Chuyện về ông Võ Chí Công qua lời của con gái nuôi”

[22]Animal Farm, của George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1945

Bảy điều tâm niệm:

1. Bất kỳ cái gì đi bằng hai chân đều là kẻ thù

2. Bất kỳ cái gì đi bằng bốn chân, hay có cánh, đều là bạn bè.

3. Không con vật nào được mặc quần áo.

4. Không con vật nào được ngủ trên giường.

5. Không con vật nào được uống rượu.

6. Không con vật nào được giết bất kỳ con vật nào khác.

7. Tất cả các loài vật là bình đẳng.

[23]Con gái TT Nguyễn Tấn Dũng lấy chồng là một người Việt quốc tịch Mỹ, nghĩa là hoàn toàn không “môn đăng hộ đối” trên phương diện “tham gia cách mạng”. Đây lại là một câu chuyện khá vui, tiền hậu bất nhất.

Cuối năm 2006 nguyên Tổng thống Mỹ George Bush đến Việt Nam và đã ca ngợi quan hệ Việt- Mỹ qua việc con gái Nguyễn Tấn Dũng du học tại Mỹ và lấy chồng là công dân Mỹ. Đầu năm 2007 ông Dũng lên tiếng phủ nhận việc này: con gái ông không du học và không lấy Việt kiều Mỹ.

 

Đến cuối năm đó thì cô con gái tên Nguyễn Thị Thanh Phượng tổ chức hôn lễ với một công dân Mỹ tên Nguyễn Bảo Hoàng.

 

Theo một nguồn tin trong nước chưa được kiểm chứng thì Nguyễn Bảo Hoàng — hay rể của Nguyễn Tấn Dũng — là con trai của Nguyễn Bang, nguyên là một thứ trưởng của chính quyền VNCH trước 1975.

 

Và theo báo chí Việt Nam thì con gái thủ tướng cô này đã tốt nghiệp “thạc sĩ quản trị tài chính tại Thuỵ Sĩ”, nghĩa là có đi du học. Còn rể thủ tướng là đại diện của quỹ đầu tư IDG Ventures của Mỹ tại Việt Nam.

 

Đưa tin này, báo chí Việt Nam luôn nhấn mạnh hai điều: 1/ con rể thủ tướng là một nhân tài; 2/ “dù lớn lên ở Mỹ và từng mang quốc tịch Mỹ” hay “chưa nói sỏi tiếng mẹ đẻ”, anh con rể này rất muốn “mọi người gọi mình là người Việt Nam” và “hiện là công dân Việt Nam.”

 

Tuy nhiên có rất nhiều điều khó hiểu.

 

Thứ nhất, Luật song tịch của Việt Nam chỉ mới đuợc Quốc hội thông qua ngày 13.11.2008. Thế nhưng khi cử hành hôn lễ vào ngày 16.11.2008 thì ông Hoàng đã là “công dân Việt Nam”. Như vậy thì ông phải được cứu xét và công nhận quốc tịch vào ngày 14 hay ngày 15 tháng 11.

 

Thứ hai, theo thông tin trên báo chí Việt Nam thì lúc đó (2008) Nguyễn Bảo Hoàng 36 tuổi. Báo chí còn cho biết Hoàng “đã đến Mỹ lúc mới 22 tháng tuổi”, tức đã đến Mỹ từ năm 1972. Điều này ngụ ý là ông Hoàng đến Mỹ từ miền Nam, do đó khi sinh ra ông chỉ có thể mang quốc tịch Việt Nam Cộng Hoà, đến Mỹ mang quốc tịch Mỹ. Ông Hoàng không thể mang lưỡng tịch Mỹ và CHXCNVN như người rời Việt Nam sau 1975 bằng con đường “hợp pháp” hay “bất hợp pháp”.

 

Thứ ba, theo thể lệ Việt Nam thì sau khi lập pháp thông qua luật, bên hành pháp cần phải có thời gian để chu toàn các vấn đề mang tính kỹ thuật thí dụ phân công ai là người có phần hành cứu xét đơn xin hồi tịch hay nhập tịch, quy định các bước thủ tục.

 

Sau khi quốc hội thông qua nghị quyết nào đó thì Văn phòng chính phủ hay Hội đồng nhà nước thường ban hành những công văn “Hướng dẫn thi hành”.

 

Như vậy thì con rể của thủ tướng Việt Nam đã được nhập tịch với tốc độ vũ trụ, bỏ qua các giai đoạn nói trên.

 

Xem: http://blog.360.yahoo.com/blog3nSnXHoyc6MG6rBbPObhArrRuSj7PxNtyxUSwMmDRQ–?cq=1&p=694

Hay: http://blog.360.yahoo.com/blog-3nSnXHoyc6MG6rBbPObhArrRuSj7PxNtyxUSwMmDRQ–?cq=1&p=5

Và: http://blog.360.yahoo.com/blog-3nSnXHoyc6MG6rBbPObhArrRuSj7PxNtyxUSwMmDRQ–?cq=1&p=694

[24]Câu “thời ký tích luỹ nguyên thủy tư bản chủ nghĩa thấm đẫm máu và bùn dơ của người lao động” được trích dẫn khá nhiều trong sách vở và giáo tại Việt Nam với nhiều “dị bản” khác nhau. Tôi thử tra và tìm thấy trong Bài nói chuyện của Lê Duẩn “Hăng hái tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” trong “Hội nghị phổ biến Nghị quyết lần thứ tám của Trung ương Đảng vào ngày 18.5.1963. Sau được in lại trong Lê Duẩn (1976) Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, t.I, tr. 293–340. Bài này có đoạn nói:

“Cho nên Mác đã nói là, lịch sử của tích luỹ tư bản chủ nghĩa là lịch sử viết bằng chữ máu và lửa, tư bản ra đời, tất cả lỗ chân lông của nó đều đầy máu và bùn. Còn ở nước ta, chúng ta chẳng những không đi con đường tư bản chủ nghĩa, con đường đầy đau khổ và chết chóc đối với nhân dân lao động, mà chúng ta cũng không thể áp dụng những phương pháp tích luỹ tư bản chủ nghĩa.”

Tôi đã tra và trên thực tế Karl Marx đã viết trong Capital: A Critique of Political Economy. Volume I: The Process of Capitalist Production [1867], chương XXX mang tên Reaction of the agricultural revolution on industry creation of the home market for industrial capital: “If money, according to Augier, ‘comes into the world wide a congenital blood-stain on one cheek,’ capital comes dripping from head to foot, from every pore, with blood and dirt.”

[25]Vế ý niệm “tiêu chuẩn”, xin đọc thêm: Nguyễn Hoàng Văn, “Chính trị tiêu chuẩn và tiêu chuẩn… chính trị”, Talawas, 09/04/2010.

[26]Phan Khôi. “Trên lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến”. Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 268 (29 Novembre 1934). Lại Nguyên Ân sưu tầm, hiệu đính, giới thiệu trên http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=9651&rb=0302

[27]Xem “Từ hạt giống đỏ đến gia đình trị?”

Hồng Quân, Nông Quốc Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Xuân Anh, nhân sự, Trần Bình Minh, Đảng, đại hội

Trần Sỹ Thanh, Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk là cháu Nguyễn Sinh Hùng.

Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Nông Đức Mạnh.

Nguyễn Thanh Nghị, con trai Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Xuân Anh, con trai Nguyễn Văn Chi.

Nguyễn Chí Vịnh, con trai Nguyễn Chí Thanh.

Phạm Bình Minh Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao là con trai Nguyễn Cơ Thạch.

Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y Tế là cháu ngoại của Hà Huy Tập.

[28]“Một thời cây các cụ, con các cụ”, Dương Đình Tường (06/02/2011), báo Nông Nghiệp Việt Nam. Nhưng bài báo nguyên thuỷ đã bị xoá, chỉ còn bản đăng lại trên trang Quảng Ngãi Nghĩa Thục: “Một thời cây các cụ, con các cụ”.

Bài báo kể chuyện ông Nguyễn Đình Phi năm nay đã 84 tuổi vốn là cán bộ ở Quảng Ngãi tập kết ra Bắc năm 1955., làm viên trong Nông trường chăn nuôi Thống Nhất.

Đây là heo nuôi cho “lãnh đạo” ăn:

“Giống lợn nuôi ở Tập đoàn vẫn là giống phổ biến trong dân nhưng cung cách chăm sóc đã khác hẳn với chế độ ăn cao cấp hơn, toàn bằng cám nhà máy xay chứ không phải thứ cám nghiền bằng cối đá, lắm trấu, nhiều sạn. … Một loại men đặc biệt được Viện Thú y cung ứng về chưng cất, cấp cho các tổ chăn nuôi dùng ủ cám ngô, cám gạo. Dưới sự xúc tác của men trong vòng một ngày một đêm thức ăn sẽ thơm như rượu. Lợn ăn men đó chỉ có trơn lông, đỏ da, ngủ ngon, tiêu hoá kỹ. … Trại đã có những ô chuồng kiên cố, ngày ngày được quét dọn 2-3 lần bằng máy bơm điện công suất lớn. Nền chuồng luôn khô ráo, mát mẻ. Thường trực chăm sóc sức khỏe cho lợn có đội quân 2-3 bác sĩ thú y thay nhau thăm khám.”

Sau đây là rau, theo hồi tưởng của ông Đào Đức Dược:

“Yêu cầu chung khi trồng trọt không được sử dụng phân tươi và tưới bằng nguồn nước sạch…. Thuốc trừ sâu phải dùng loại ít độc hại nhất, cách ly đầy đủ. Khác hẳn cái thời cả nước quen phun thuốc hôm nay, ngày mai hái ra chợ. “Dưa lê vốn nhiều sâu nhưng không phun thuốc hoá học mà trại có cách BVTV vô cùng độc đáo. Các công nhân của tôi đem bột nếp ra quấy thành hồ nước rồi đổ ra đĩa. Ra đến ruộng, mỗi người tay cầm một đĩa hồ, tay cầm que tre, nhúng que xuống hồ rồi lăn vào mặt lá. Bao sâu bọ bị dính tất vào que được gạt xuống, bắt giết sạch. Cách bắt sâu thủ công và tỷ mẩn này đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người ăn quả. Chuối tiêu, đu đủ, cà chua trại sản xuất không dùng hoá chất để dấm mà cứ để chín tự nhiên. Su hào Hà Giang, củ thu hoạch lúc non, chỉ to bằng cái chén tống, vỏ mỏng tang, chưa kịp có một sợi xơ. Khi thu hoạch, công nhân túm lấy ngọn, lấy dao cắt gốc mà tuyệt nhiên không được sờ tay vào vỏ kẻo… mất đi lớp phấn mịn” .

Ngày nay hàng hoá ê hề, không còn những nông trại chuyên phục vụ vua, tuy nhiên vẫn có những “tiêu chuẩn” rất đế vương khác. Thí dụ:“Thang máy phó thủ tướng” – Phó Thủ tướng chứ có phải vua đâu mà vào ngủ khách sạn cũng phải chặn một thang máy làm “chuyên khoang”, không dám đi chung với khách thường? Hay “Sự quan liêu của quan chức cao cấp”.

[29]Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần và người đất Việt, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin; và Hue-Tam Ho Tai (1983), Millenarianism and peasant politics in Vietnam, Harvard University press.

[30]“Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước Việt Nam” là cơ quan có nhiệm vụ đề cử, xem xét, và phong chức danh giáo sư tại Việt Nam. Chủ tịch hiện tại là Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng.

[31]Nhà văn Phạm Thị Hoà là người đưa ra khái niệm “tư cách quan văn”, khai triển từ phát hiện của nhà văn Nguyễn Kiến Giang về bản tính “phò chính thống” của giới có học Việt Nam. Xem bài “Về tư cách của trí thức Việt Nam”, chú thích số [13]

[32]Thí dụ các trò đánh phá các blog, đưa “đại biểu nhân dân” ra đấu tố những người biểu tình chống Trung Quốc trên truyền hình, sử dụng những “chuyên viên cù lần” để tranh luận trên các diễn đàn như “Nhô” trên blog của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc v.v…

[33]Bài thơ “Tôi biết ơn những người vấp ngã” của Nguyễn Tôn Hiệt

Nguồn: Tiền Vệ

Phó Thường Dân (19): Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2014/05/23 at 22:50

 

Tuần vừa qua Phó Thường Dân tui đứng ngồi không yên, trong lòng lo lắng hồi hộp chờ đợi cuộc tổng biểu tình toàn quốc Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược.

Thiệt hết chỗ nói. Tui phải nói toạc móng heo, nói trắng phớ, nói toẹt ra thì-mà-là bọn Trung Quốc đã xâm lược nước ta chứ không có “vi phạm chủ quyền” gì nữa. Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước Việt Nam liên tục bao năm nay chứ mới mẻ gì. Việc đặt giàn khoan HD 981 cùng lúc với việc điều phối trên cả trăm tàu chiến có cả tên lửa, tàu hải giám, tàu kiểm ngư rồi dùng súng nước vòi rồng, đâm thủng tàu và gây thương tích cho thủy thủ và ngư dân thì phải gọi là hành động xâm lược chứ không thể nói ngược nói ngạo được .

Đến tối thứ Bảy và rạng sáng chủ Nhật bữa đó thì chúng tôi có thấy trên Phây và Bờ Lốc một tấm hình của một nhóm người dân Sài Gòn làm tui thiệt là xúc động. Một chị và một anh giương cao mảnh giấy viết gọn “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm”. Nó thật ngắn gọn và đầy đủ ý nghĩa.

Phó thường dân tui đây thuộc loại sanh sau đẻ muộn (ý nói là năm 1975 chưa đủ tuổi nhập ngũ), giờ thì mới trọm trẹm trên năm lăm. Vì thế nên tui chưa được vinh dự hòa mình vào khẩu hiệu và châm ngôn mà các công nhân viên chức, quân đội Việt Nam Cộng Hòa nằm lòng.

Tất cả vì tổ quốc với danh dự trong trách nhiệm.

Khẩu hiệu đó không phải chỉ là áp dụng cho công nhân viên, quân đội lãnh lương nhà nước từ tiền thuế của dân và từ tài nguyên của đất nước. Mọi công dân (hiện thời hay một thời) với bổn phận quốc gia đều phải thuộc lòng châm ngôn để biết phục vụ cho ai và như thế nào.

Khi dàn khoan dầu HD 981 của Trung Cộng nằm chình ình trong bờ biển hải phận Việt Nam thì tui thấy ai cũng lên tiếng là họa mất nước cận kề, rồi thì là họa mất nước ngay trước mắt.

Ai nói sao thì nói chứ tui thì cảm nhận cái mất nước bao lâu rồi, từ 30-4-1975 lận. Mà hổng phải chỉ là vì Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử mà tui nói là mất nước. Nhiều người yêu cái quê hương đất tổ Việt Nam này lắm. Cho nên dù biết là sẽ bị khó khăn khi ở lại quê nhà nhưng không muốn xa lìa. Dzậy mà ở lại mới có vài năm thì thấy là đâu còn là đất nước nữa.

Chèn ơi, mất tự do, mất quyền sống, mất tất cả những điều căn bản trên đời, mất quyền làm chủ ngay cả cái thân thể riêng mình thì là hết nước sống. Mảnh đất còn ở đó nhưng cái nước (sống) đã bị cướp đoạt.

Đảng csvn họ đã bắt cóc “tổ quốc” nhốt vào chuồng “Đảng” và buộc người dân làm con tin.

Chúng kiểm soát miếng ăn và nơi ở bằng “hộ khẩu”. Chúng muốn vào ra nhà dân bất cứ lúc nào để “kiểm soát” và “thăm viếng”. Chúng nắm quyền chứng nhận ban cho phép được đi học, đi làm hay không.

Tui nói thiệt à. Ai muốn dùng phép tu từ, mỹ học, luận lý học, triết học hay gì gì đi nữa để nói là không thì cứ việc. Phó thường dân tui chữ nghĩa chưa đầy chiếc lá mít nên cảm thấy rõ ràng là mất nước, không còn nước (sống) nữa.

Có phải là đảng csvn đã bắt cóc “tổ quốc” làm con tin không để rồi bắt người dân phải cung phụng nộp tiền và đổ xương máu cho chúng thống trị đất nước Việt Nam? Hôm qua chúng chặt ngón tay (ải Nam Quan, thác Bản Giốc), hôm kia nó xẻo lỗ tai (công hàm Phạm Văn Đồng), và tiếp tục hôm nay đe dọa cắt lỗ mũi (Biển Đông) bắt phải đòi thế chuộc. Chúng bảo phải đồng lòng với đảng, phục tùng với đường lối độc tài đảng trị, bán nước hại dân, 16 chữ vàng 4 tốt với thằng đại ca đồng đảng. Chúng xin thề hứa hẹn “không có hai lòng”[1] với thằng trùm đại ca và thẳng tay không chợn lòng bóp cổ, bịt miệng, đánh đập, giam cầm những người tỏ lòng yêu nước[2].

Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm.

Nhìn thấy tấm biểu ngữ với khẩu hiệu xuống đường hôm đó thì phó thường dân tui thiệt tình là tủi hổ trong lòng. Bởi vì xét lại cái lương tâm thì mình đã làm trọn trách nhiệm với danh dự vì tổ quốc gì chưa.

Đã có biết bao nhiêu anh linh tử sĩ vị quốc vong thân cho dân tộc và đất nước trải qua bao triều đại, bao chế độ. Đã có biết bao nhiêu người đã vị quốc chịu tù đày, khổ nhục. Và có những con người (Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Việt Khang, Đinh Nguyên Kha, Tạ Phong Tần, Lê Quốc Quân, Bùi Thị Minh Hằng …) vì vận nước lên tiếng chống Trung Cộng vẫn còn bị giam cầm trong lao tù cộng sản.

Ngay giữa trung tâm Sài Gòn, bà Đồng Xuân Lê Thị Tuyết Mai, một phật tử GHPGVNTN trong mùa pháp nạn, một công dân trong thời quốc nạn, đã châm ngọn lửa sống để đốt đuốc làm gương thắp sáng cho “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm”[3].

 

Mất nước rồi hay là hiểm họa mất nước trước mắt thì cũng đều là chuyện của người công dân. Mỗi người dân vì quốc gia dân tộc chắc không thể nào không thấy rằng “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” cũng phải là châm ngôn nằm lòng của mình. Muốn không còn mất nước nữa thì mọi công dân cần tranh đấu giành lại “tổ quốc” bị bắt làm con tin từ tay kẻ bắt cóc để phục hồi lại tổ quốc trọn đầy danh dự trong hòa bình, công lý, dân chủ, tự do. Đó là trách nhiệm công dân.

© 2014 Vietsoul:21

 


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (15) Phố Vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ  (17) Nín thở qua cầu (18) Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần]


 

[1] “Phải chăng Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền.? Và ngoại giao Câu Tiễn.?”, blog Người Buôn Gió

[2] “Tuyên bố của 20 tổ chức xã hội dân sự độc lập về việc đàn áp và bắt giam người biểu tình yêu nước”, Dân Làm Báo

[3] “Suốt mười ngày qua tôi sống thầm lặng và sôi sục lòng yêu nước, hôm nay tôi quyết chí đốt thân mình hòa ánh đuốc soi đường do những người xâm lược và ngoan cố chiếm đóng lãnh hải chúng tôi… Nguyện hồn thiêng đất nước cho con làm một việc yêu nước không gặp trở ngại, không có gì ngăn cản và đừng tìm cách cứu sống… Xưa kia hai bà Trưng hy sinh Thy Sách để nung nấu ý chí quân sỹ và nhân dân để chiếm đánh thành Ngọc Hồi, hôm nay tôi nguyện làm ngọn đuốc để hậu thuẫn, thêm sức mạnh cho cảnh sát biển cùng ngư dân”– Bà Lê Thị Tuyết Mai. Phật tử GHPGVNTN tự thiêu để bảo vệ Đạo pháp, chống Trung Quốc xâm lược”,Dân Làm Báo

Trần Trung Đạo – Để thắng được Trung Cộng

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2014/05/19 at 12:10

Câu nói “Không có đế quốc nào tồn tại mãi mãi” thoạt nghe rất bình thường và hiển nhiên vì lẽ đơn giản trên đời này không có gì tồn tại mãi mãi, tuy nhiên quy luật đó đã được chứng minh rất nhiều lần trong lịch sử bằng bao máu xương của nhân loại. Một đế quốc vừa hình thành ở Á Châu và đang đe dọa cho hòa bình thế giới: Đế quốc Trung Cộng. Đế quốc này sẽ tồn tại thêm được bao lâu và sẽ sụp đổ bằng cách nào vẫn còn là chủ đề được các nhà phân tích chính trị, các sử gia bàn cãi không chỉ trên bên ngoài Trung Cộng mà ngay tại đầu não của cơ chế độc tài.

Trung Cộng tồn tại được bao lâu? 

Trên cả nước Trung Cộng có một nơi duy nhất được quyền phê bình đảng CS và một nhóm người rất nhỏ trong số hơn một tỉ dân được trao đặc quyền tự do tranh luận về ngày tàn của đảng CS mà không sợ trả thù, nơi đó là Trường Đảng Trung Ương trực thuộc Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSTQ và nhóm người đó là những cán bộ lý luận cao cấp của trường. Trong một biệt điện hoàng gia cũ ở phía tây Bắc Kinh được đổi thành Trường Đảng, một số nhỏ chuyên gia ưu tú nhất của trường dành trọn thời gian chỉ để làm một việc là phân tích mọi sai lầm của lãnh đạo đảng, mọi chiến lược ngắn hạn cũng như dài hạn của đảng, mọi kế hoạch kinh tế, các chính sách đối nội và đối ngoại của đảng. Và câu hỏi chính được đặt ra cho nhóm người có đặc quyền này “Đảng CS sẽ tồn tại bao lâu và những khả năng nào xảy ra sau khi đảng sụp đổ”. Dĩ nhiên mục đích tranh luận không phải để lật đổ chế độ mà nhằm tìm các biện pháp thích nghi ngăn chận kịp thời mọi sai lầm, sơ sót để cỗ máy độc tài khỏi rơi xuống hố như trường hợp Liên Xô.

Hiện nay tồn tại hai quan điểm đối lập nhau về tương lai Trung Cộng. Một quan điểm của đảng CSTQ cho rằng Trung Cộng là một nước có biệt lệ về văn hóa chính trị nên làn sóng cách mạng dân chủ tại châu Âu trước đây cũng như Bắc Phi vừa qua không đập vào bờ Trung Cộng. Một quan điểm khác gồm những học giả chuyên về Trung Cộng, trí thức Trung Quốc có ảnh hưởng và ngay cả một số viên chức CS cao cấp có khuynh hướng tự do cho rằng đảng CS phải chết nhưng vấn đề là chết bằng cách nào mà thôi. Điều đó cũng cho thấy, nỗi lo sợ một ngày cơ chế độc tài CSTQ sẽ sụp đổ ám ảnh thường xuyên trong suy nghĩ của lãnh đạo CSTQ và hai yếu tố lớn nhất dẫn đến sự sụp đổ của Trung Cộng vẫn là chính trị và kinh tế.

Về chính trị. Bài học Thiên An Môn cho lãnh đạo Trung Cộng biết nguy cơ hàng đầu vẫn là khát vọng tự do của con người. Dân chủ là hướng đi của thời đại. Năm 1900 mở đầu cho thế kỷ 20 trên thế giới chỉ có 12 phần trăm nhân loại sống trong các cơ chế chính trị được gọi là dân chủ. Đầu thế kỷ 21, 120 trong số 192 quốc gia được quốc tế công nhận là những nước được lãnh đạo bởi các chính phủ do dân bầu. Nhiều lãnh đạo CSTQ đổ lỗi sự sụp đổ của Liên Xô lên đầu Mikhail Gorbachev như Giáo sư Shen Zhihua, chuyên viên về Liên Xô của đại học Đông Hoa và cả cựu Chủ Tịch Trung Cộng Giang Trạch Dân từng phát biểu “Gorbachev phản bội cách mạng”. Tuy nhiên họ cố tình không quan sát đến tiến trình chuyển hóa không ngừng của xã hội con người.

Giáo sư Archie Brown thuộc đại học Oxford, Anh quốc, trong tác phẩm Sự vươn lên và sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản (The Rise And Fall Of Communism) nêu ra 8 lý do khiến chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ, trong đó lý do hàng đầu không phải là kinh tế hay quân sự mà là sự thay đổi xã hội. Sự chuyển hóa tri thức nhanh hay chậm tùy theo điều kiện mỗi nước nhưng là một tiến trình không thể bị ngăn chận bởi bất cứ một cơ chế độc tài nào. Những nguồn đối kháng từ bên trong các nước CS đã âm thầm lớn mạnh chỉ chờ cơ hội là bùng vở như được chứng minh qua việc 300 ngàn thanh niên Đông Đức tham dự buổi nhạc hội của Bruce Springsteen vào ngày 19 tháng Bảy 1988 và hàng ngàn thanh niên Đông Đức hô to khẩu hiệu tự do muôn năm trên bờ tường Bá Linh tối ngày 9 tháng 11 năm 1989. Sức sống của đất nước cũng như của xã hội là một dòng chảy không bao giờ ngừng nghỉ, các thế lực cầm quyền độc tài chỉ là những khe đá, có thể làm chậm dòng thác văn minh nhưng không thể ngào ngăn chận được. Tóm lai, yếu tố chính tác động vào sự sụp đổ của Liên Xô, hệ thống CS tại châu Âu và sẽ diễn ra tại Trung Cộng cũng như Việt Nam chính là nội lực phát xuất từ xã hội, kết quả của các phong trào xã hội và sự chuyển hóa không ngừng của xã hội.

Về mặt kinh tế xã hội. Như lịch sử đã chứng minh sự phát triển của giai cấp trung lưu là nguồn thúc đẩy của cách mạnh dân chủ vì đó là giai cấp có học thức, có phương tiện và có nhiều nhu cầu vật chất cũng như tinh thần cần được thỏa mãn. Cách đây 20 năm, giai cấp trung lưu này không tồn tại nhưng nay là một lực lượng đông đảo và phát triển theo lũy thừa. Thành phần trung lưu chiếm 14 phần trăm dân số thành thị tại Trung Cộng và có lợi tức bình quân từ 17 ngàn đô la đến 37 ngàn đô la. Với hướng phát triển xã hội có tính quy luật đó, theo giáo sư David Shambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc thuộc đại học George Washington sự suy thoái của đảng CSTQ đang diễn ra sẽ giống như các triều đại Trung Hoa trước đây, chiếm đoạt, hưng thịnh và sụp đổ.

Trong một tổng kết mới đây The World Bank’s International Comparison Program cho rằng Trung Cộng với GDP 2011 là 13.5 ngàn tỉ đô la, sẽ qua mặt Mỹ nhanh hơn dự đoán. Thống kê này dựa trên việc so sánh sức mua tương đương (purchasing power parity) của hàng hóa giữa hai quốc gia. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế không đồng ý vì không thể dùng giá cả của những ổ bánh mì, bao thuốc lá để làm thước đo cho mức độ giàu nghèo giữa hai nước trong lúc những món hàng quan trọng nhất lại không thể mua tại Trung Cộng. Tom Wright của Wall Street Journal ví dụ một cách chính xác và cụ thể, Trung Cộng không thể mua một chiếc tàu, một giàn hỏa tiển hay một chiếc xe Đức đắt tiền mà phải trả bằng một giá hối suất cao gấp nhiều lần. Nếu tính trên phạm vi cả nước, theo phân tích của Global Public Square staff, Trung Cộng không đứng nhất, nhì hay thậm chí 30 mà đứng sau cả Peru. Nhưng dù phát triển kinh tế nhanh, sự phát triển đó vẫn phải đồng hành với các phát triển chính trị, văn hóa để tạo nên một xã hội thịnh vượng hài hòa. Điều đó không tồn tại tại Trung Cộng. Các thành tựu kinh tế của Trung Cộng được đổi bằng sự chịu đựng, hy sinh, mồ hôi, xương máu của nhiều dân tộc khác và ngay tại Trung Cộng hàng trăm triệu dân thiểu số vẫn phải tiếp tục sống trong xã hội tham nhũng, độc tài, nghèo đói, bất công, bạc đãi. Hai nhà lý luận CS Lin Zhe và Chen Shu, thành viên trong nhóm nhỏ của trường đảng có đặc quyền phê phán, mặc dù tin rằng đảng CSTQ sẽ tồn tại lâu cũng thừa nhận tham nhũng kinh tế có thể làm sụp đổ đảng. Bà Lin Zhe dành 20 năm để nghiên cứu phương pháp diệt tham nhũng tại các cấp đảng vì theo bà “Tham nhũng là mối đe dọa nguy hiểm có thể dẫn đến sự sụp đổ của đảng và nhà nước”.

Ngọn núi lửa Trung Cộng

Tuyệt đại đa số con người không ai muốn chiến tranh và là người Việt Nam lại càng không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, chiến tranh và hòa bình không phải là chuyện muốn hay không muốn mà đó là hai mặt biện chứng nhân quả của một quá trình mang tính lập lại của phát triển xã hội loài người. Sau khi hiệp ước Versailles được ký kết, Thống chế Pháp Ferdinand Foch nhận xét “Đây không phải là hòa bình mà chỉ là cuộc đình chiến hai mươi năm”. Thế chiến thứ hai bùng nổ 20 năm và 65 ngày sau đó. Nhận xét của danh tướng Ferdinand Foch không phải là lời tiên đoán của các ông thầy bói nhưng vì các nguyên nhân kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dẫn đến thế chiến thứ nhất chẳng những không giải quyết mà còn tác động vào nhau để tạo thành nguyên nhân cho thế chiến thứ hai đẫm máu hơn. Tương tự, Trung Cộng với chính sách cực đoan về cả đối nội lẫn đối ngoại đang là mầm mống cho một chiến tranh khốc liệt tại Á Châu.

Đảng Cách Mạng Thể Chế Mexico (Mexico’s Institutional Revolutionary Party) cầm quyền được 71 năm và chế độ độc tài CS Liên Xô tồn tại được 74 năm nhưng cả hai đều đã mất quyền lãnh đạo. Trung Cộng tồn tại đến nay được 65 năm nhưng liệu sẽ thoát ra ngoài sự chi phối của quy luật “không có đế quốc nào tồn tại mãi” hay không. Câu trả lời dĩ nhiên là không. Một khi ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán như giòng nham thạch đang cuồng cuộn sôi trong lòng núi, khả năng chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ một cách hòa bình tại Trung Cộng là một chuyện khó xảy ra. Với các mâu thuẫn bên trong và thù địch bên ngoài vô cùng sâu sắc, không có cách mạng nhung, cách mạng da cam nào mà chỉ có máu chảy ngập đường phố Bắc Kinh, Thượng Hải và các vùng Tân Cương, Ninh Hạ, Nội Mông, Tây Tạng. Việt Nam với quan hệ hữu cơ về chính trị tư tưởng và với vị trí chiến lược trong vùng biển Đông cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng đầy tai họa của cách mạng máu.

Giáo sư Yuan-kang Wang thuộc đại học Western Michigan viết trong tạp chí Foreign Policy “Nếu quyền lực tiếp tục gia tăng, Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng đến vùng Đông Á. Chính sách này sẽ không tránh khỏi tạo nên sự cạnh tranh an ninh với Mỹ trong khu vực và các vùng chung quanh. Washington đang bước ra khỏi mối bận tâm Iraq và Afghanistan và đang là ‘mấu chốt’ hướng tới Á Châu. Như người Trung Quốc thường nói “Một núi không thể có hai cọp”, nhớ ráng hết sức mình, trò chơi còn tiếp tục”. Ngọn núi lửa Trung Cộng sẽ phun tuy chưa biết chính xác ngày nào.

Bài học cho Việt Nam

Lịch sử để lại nhiều bài học về chính sách đối ngoại khôn ngoan, nhưng đáng học nhất vẫn là bài học về cách giải quyết xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô.

Từ khi thành lập nền cộng hòa Thổ năm 1923, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước cô đơn. Chiến tranh với Anh vừa chấm dứt bằng chiến thắng nhưng bị các quốc gia dân chủ Tây Phương cô lập. Quân đội không nhỏ nhưng chỉ được trang bị võ khí còn lại từ thời đế quốc Ottoman và thế chiến thứ nhất. Để được an toàn, chính phủ Thổ kết thân với một anh láng giềng bên kia Hắc Hải cũng đang bị cô lập, đó là Liên Xô. Cuối thập niên 1930, khi Đức Quốc Xã trở thành mối đe dọa, Stalin quyết định phải kiểm soát Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chận các chiến hạm các quốc gia không thuộc vùng Hắc Hải di chuyển qua đó và đề nghị Thổ cùng phối hợp để làm việc này. Thổ từ chối sang nhượng chủ quyền Eo Biển. Stalin khó chịu nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì quan hệ hữu nghị với Thổ. Khi Thổ nhích gần tới Anh và Pháp qua việc tham gia Balkan Pact 1934 và Saadabad Pact 1937 do khối Tây Phương chủ trương, Liên Xô công khai bày tỏ quan điểm gọi là “khó hiểu khi Thổ lại thương thảo với những kẻ cựu thù”. 

Trước tham vọng xâm lược ngày càng lộ liễu của Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn một con đường duy nhất là đứng hẳn về phía Tây Phương. Tuy nhiên, muốn thân các quốc gia dân chủ Tây Phương, trước hết giới lãnh đạo Thổ phải tiến hành các cải tổ chính trị. Tổng thống Mustafa İsmet Inonu, người tiếp tục chính sách của cố tổng thống Mustafa Kemal Ataturk mở rộng chính phủ theo hình thức đa đảng. Mỹ đánh giá thiện chí của Thổ qua các cải cách chính trị và cũng thấy cần phải tích cực ngăn chận ảnh hưởng Liên Xô trên vùng Hắc Hải, đã gởi chiến hạm lừng danh USS Missouri đến Istanbul vào tháng Tư 1946. Thiết giáp hạm USS Missouri là niềm kiêu hãnh của hải quân Mỹ, từng tham dự hai trận Iwo Jima và Okinawa, và cũng là nơi Mỹ nhận sự đầu hàng của Nhật. Anh theo bước Mỹ, cùng tham gia cuộc diễn tập quân sự trong vùng biển Aegean tháng Chín 1946. Báo chí Liên Xô lên án Mỹ, Anh và cho rằng hai nước này đang thiết lập căn cứ quân sự trong vùng Eo Biển Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ không thừa nhận nhưng cả thế giới lúc đó đều biết Mỹ quyết tâm bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ một nước tách ra khỏi một đế quốc tan rã, giành độc lập bằng xương máu chống lại khối dân chủ Tây Phương, bị cô lập, trung lập trong thế chiến thứ hai nhưng đã khôn khéo từng bước xích lại gần với những kẻ cựu thù và cuối cùng được trở thành hội viên của NATO. Để biết ơn và xiển dương các giá trị dân chủ, mỗi năm chính phủ Thổ dành một ngân sách lớn để viện trợ cho các đề án nhằm cải cách dân chủ khắp thế giới. Năm 2012, Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ 3.4 tỉ đô la cho 121 quốc gia. Thổ cũng dành riêng 1 tỉ đô la trong ngân sách để viện trợ nhân đạo và được xếp vào hàng thứ tư trên thế giới chỉ sau Mỹ, Cộng đồng Châu Âu và Anh Quốc.

Để thắng được Trung Cộng 

Qua xung đột giữa Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ chúng ta có thể rút ra bốn điều kiện để thoát ra khỏi sự khống chế và sẽ thắng được Trung Cộng trong trận cuối cùng:

Việt Nam phải có dân chủ trước Trung Cộng. Phần đông các nhà phân tích chính trị Việt Nam đồng ý rằng Việt Nam phải có dân chủ mới bảo vệ được đất nước. Điều đó đúng nhưng cần phải nói thêm, dân chủ không chỉ giúp bảo vệ đất nước mà còn để thắng được Trung Cộng. Ngoài ra, dân chủ phải đến sớm, đừng đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây phơi mới đến. Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài. Trung Cộng không sợ USS George Washington hay bom nguyên tử mà sợ dân chủ và rất lo “sân sau” CSVN trở thành một nước dân chủ. Vũ khí dân chủ sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ chế CS. Một Trung Cộng mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều mảnh, chủ quyền ngay tại lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi.

Đoàn kết dân tộc. Dân chủ là điều kiện tiền đề trong chính sách đối ngoại nhằm tạo sự tin cậy nơi các nước dân chủ Tây Phương nhưng quan trọng nhất là nền tảng của đoàn kết dân tộc. Một dân tộc chia rẽ không thắng được ai. Đây là thời điểm để xác định lại lòng yêu nước. Yêu nước ngày nay không phải là phó sản của chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay bùa mê CS mà gắn liền với với quyền lợi sống còn của đất nước và hướng đi dân chủ nhân bản của thời đại. Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq, nhiều người nghĩ kẻ có lợi nhiều nhất sẽ là dân tộc Kurds. Nhưng không, họ là những người chịu đựng thiệt thòi nhiều nhất. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, Saddam Hussein tàn sát không thương tiếc các cuộc nổi dậy của nhân dân Kurds ly khai trước sự làm ngơ của Mỹ. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ phản bội lý tưởng độc lập của nhân dân Kurds. Điều đó chỉ đúng một nửa. Nửa còn lại là sự phân liệt vô cùng trầm trọng trong tập thể 35 triệu Kurds sống trong nhiều quốc gia vùng Tây Á. Một dân tộc chia rẽ, cấu xé nhau, không có một hướng đi chung, không thể vận dụng được sự ủng hộ từ quốc tế và cũng không xứng đáng để được quốc tế ủng hộ. Tương tự, Mỹ bỏ 900 tỉ đô la hay 3 ngàn tỉ đô la tùy theo cách tính và 4486 nhân mạng để lật đổ Sadam Hussein, không phải chỉ nhằm đem lại hòa bình dân chủ cho nhân dân Iraq. Tuy nhiên, nếu là một dân tộc khôn ngoan, đây là cơ hội giúp Iraq vượt qua những khó khăn trong vài năm nữa trở thành một cường quốc trong thế giới Ả Rập và nếu họ không làm được thì cũng đừng đỗ thừa cho Mỹ, đổi tội cho Saddam Hussein mà phải trách ở chính mình.

3. Chủ động chiến lược hóa vị trí quốc gia. Việt Nam chỉ trở thành một vị trí chiến lược sau khi Trung Cộng thôn tính toàn lục địa Trung Hoa 1949 nhưng trước đó thì không. Tương tự, Ai Cập trước 1976 không quan trọng hơn Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran nhưng sau khi Tổng thống Anwar Sadat bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do, Ai Cập trở nên một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông và được viện trợ ít nhất 1.5 tỉ đô la hàng năm từ đó đến nay. Vì lợi ích kinh tế cũng như về các giá trị nhân quyền, Mỹ mong muốn được thấy Trung Cộng trở thành một quốc gia dân chủ trong một châu Á và Thái Bình Dương ổn định. Trung Cộng là nhà băng của nhiều quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ, nhưng không giống như các công ty tài chánh Lehman Brothers hay Merrill Lynch, khủng hoảng chính trị tại Trung Cộng sẽ gây tác hại vô cùng trầm trọng đối với nên kinh tế thế giới không thể đo lường được. Biết chủ động chiến lược hóa, quốc tế hóa, quan trọng hóa vị trí của quốc gia cũng như biết khai thác mối lo của cường quốc sẽ làm cho vị trí của quốc gia quan trọng hơn trong tranh chấp quốc tế. Trái lại, chủ trương của lãnh đạo CSVN “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia” là chủ trương tự cô lập, không đúng về lý thuyết lẫn thực tế chính trị và sẽ chết tức tưởi trong cô đơn mà không được ai ngó ngàng.

4. Đoàn kết với láng giềng cùng hoàn cảnh và tham gia các liên minh tin cậy: Việt Nam đang đứng trước những ngã ba, ngã năm trong bang giao quốc tế nhưng dù bao nhiêu ngã cũng chỉ có thể đi trên một con đường trong một thời điểm nhất định. Sự liên minh khôn khéo trong nhiều trường hợp giúp quốc gia tránh được chiến tranh hay có thêm thời gian để chuẩn bị chiến tranh. Giáo sư Alastair Smith thuộc đại học Washington University đã công thức hóa toán học nhiều mô thức liên minh trong lịch sử bang giao quốc tế và kết luận các quốc gia có những liên minh không đáng tin cậy sẽ dễ bị tấn công hơn là các quốc gia có sự liên minh tin cậy. Hiện nay tại Á Châu có bốn liên minh quân sự gồm ba liên minh tin cậy Mỹ-Nhật, Mỹ-Phi, Mỹ-Nam Hàn và liên minh SCO về biên giới gồm Trung Cộng, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Russia, Tajikistan và Uzbekistan. Khi chảo dầu Á châu được đun nóng hơn, nhiều liên minh quân sự mới tương tự như Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) trong thời chiến tranh Việt Nam sẽ ra đời. Đối với Mỹ, vùng biển Đông Á là huyết mạch kinh tế lẫn an ninh của các nước đồng minh với Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines, Indonesia, liên minh được với Mỹ vừa có thể thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa đất nước vừa bảo đảm an ninh.

Bốn điều kiện để thắng được Trung Cộng chỉ có thể thực hiện nếu lãnh đạo là những người thực tâm vì đất nước. Điều đó không có tại Việt Nam. Rồi mai đây, sau trận đánh ghen HD-981 này, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy. Dân tộc Việt Nam lại bị đảng dắt đi vòng vòng trong ngõ cụt tối tăm như đã và đang đi suốt 39 năm qua. Do đó, chọn lựa một lối thoát, một hướng đi cho đất nước không phải là chọn lựa của lãnh đạo CSVN nhưng 90 triệu người dân Việt Nam phải can đảm đứng lên quyết định vận mạng chính mình.

FB Trần Trung Đạo

Màn chiếu tướng nguy hiểm đang diễn ra trên Biển Đông

In Chính trị (Politics), Kinh Tế, Liên Kết, Thế giới on 2014/05/17 at 00:28

ARLINGTON, Virginia , May 14 ( UPI ) – Việc Trung Quốc triển khai hạ đặt giàn khoan dầu 981 ngoài khơi trong vùng bờ biển của Việt Nam vào đầu tháng cho thấy đã có một sự leo thang nghiêm trọng trong vùng Biển Đông vốn đã căng thẳng. Khả năng có một cuộc giao tranh hải quân giữa Trung Quốc và Việt Nam coi như là cao nhất kể từ khi cuộc đụng độ lần cuối của họ trên đảo Gạc Ma (rặng đá ngầm Johnson) vào năm 1988 gây tử vong cho khoảng 70 thủy thủ Việt Nam . Nhiều viên chức ở Washington đánh giá là Bắc Kinh thiếu thận trọng, nhưng trong tâm trí của Trung Quốc thì hành động khiêu khích này bắt nguồn từ lôgic chiến lược.

Điều gì đã xảy ra?

Bắc Kinh khẳng định rằng, dựa trên nghiên cứu lịch sử, phía Nam Biển Đông và tất cả các nguồn tài nguyên của nó thuộc về Trung Quốc. Đường chín đoạn mới được thổi phồng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ, và Trung Quốc đã triển khai tàu thuyền đánh cá, tàu cảnh sát biển, và các tàu hải quân để biểu dương xác định quan điểm của họ.

Việt Nam coi vùng biển này, những gì mà họ gọi là Biển Đông, nằm trong vòng 200 dặm của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), là nhà của họ. Cả Việt Nam và Philippines phản ứng mạnh mẽ đối với động thái của Trung Quốc. Indonesia , Brunei, và Malaysia cũng đã phản ứng tương tự, mặc dù lặng lẽ hơn .

Trung Quốc biết triển khai giàn khoan dầu 981 sẽ làm Việt Nam nổi giận do đó họ đã điều phối hơn 80 tàu để bảo vệ. Việt Nam đáp lại bằng cách triển khai 29 tàu hải giám, cảnh sát biển và các tàu hải quân, và nhiều chiếc trong số đó đã bị hạm đội Trung Quốc phun nước vòi rồng và đâm thủng.

Những việc đó mang ý nghĩa gì?

Đầu tiên, từ một quan điểm chiến lược toàn cầu, Bắc Kinh đang hành động nhịp nhàng với đồng minh mới nhất của mình là Nga. Hai nước này đã thành lập một liên minh chiến lược trong ba năm qua, tuy rằng nó có thể là mong manh, để chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ. Khi Nga xâm chiếm Crimea và tung hoành trên mặt trận miền Tây (Âu) với máy bay ném bom Bear, thì Trung Quốc đang hành động tương tự ở phía Đông. Đó là một gọng kìm toàn cầu sử dụng chiến tranh phi đối xứng (asymetric warefare), trong trường hợp này là sử dụng tối thiểu lực lượng với tính toán cực cao và mưu kế triệt thoái. Đây là món đòn khôn ngoan cực kỳ, nó không quá mức để kích hoạt một phản ứng quân sự từ Mỹ, nhưng nó vừa đủ để tăng tiến mục tiêu của Nga và Trung Quốc. Điều này một phần thúc đẩy bởi chính quyền Obama loại bỏ khả năng chiến đấu một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận. Trung Quốc và Nga đang phân tâm và phân tán lực lượng Hoa Kỳ. Trong “36 chiến lược” (tam thập lục kế) kinh điển của người Trung Quốc thì đây là “Nước đục thả câu”

Thứ hai, Trung Quốc thấy Mỹ trong tiến trình triệt thoái chiến lược như một quyền lực toàn cầu . Trung Quốc nhận thức được một số điểm thất bại an ninh quốc gia của Mỹ như Iraq (rời quá sớm) Afghanistan ( COIN là quá khó ) , Libya (một nhà nước bất thành hậu chiến thuật “lãnh đạo sau lưng”) , và Yemen (thành lập căn cứ mới của al-Qaeda bất chấp nhiều cuộc oanh tạc bằng máy bay gọn điều khiển từ xa.) Bắc kinh cho rằng Washington không thể giải mã Pakistan, kẻ làm “tà hữu” (frienemy) với Mỹ và là á-đồng-minh của Bắc Kinh. Nó (BK) cũng cho rằng chính sách can thiệp vào Trung Đông của TT Obama vốn đã được quảng bá ầm ĩ trong bài diễn văn Cairo năm 2009 đã bị thất bại bởi vì khủng bố thánh chiến Hồi giáo gia tăng và toàn bộ những mùa Xuân Ả rập đã đưa đến kết quả cay đắng. Biển Đông bị buông bỏ mặc cho ai chiếm lấy. Người TQ gọi chiến thuật này là “Mục hỏa băng giang” (ngồi nhìn lửa cháy bên kia sông), để cho đối phương cạn kiệt lực lượng quân sự và đó sẽ là lúc để ra tay.

Thứ ba, nói về chiến lược khu vực, trong khi TQ chứng kiến thấy Mỹ đang dần suy yếu họ vẫn rất cảnh giác về chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Hagel, chuyến đi đã “đắp thịt trên xương” vào chiến lược quay trục Châu Á với các hiệp ước quốc phòng và hỗ trợ an ninh. Điều này bao gồm cả việc tăng cường diễn tập quân sự hàng năm với các đồng minh Đông Nam Á như Philippines mà cuộc diễn tập Balikatan (Vai sánh Vai) đã bắt đầu từ ngày 05/05. Theo đó thì sự khiêu khích của TQ nói chung coi như là thọc một “cú đấm trực diện” với “chiến tranh phi đối xứng” vào “vòng đấm chắc nịch”(haymaker) “tham gia khu vực” truyền thống của Mỹ. TQ tin rằng nếu ra tay thật nhanh thì càng khó cho Mỹ giúp đỡ các đồng minh Á Châu về sau.

Thứ tư, TQ đang lo sợ về một VN đang càng ngày càng mạnh. Kinh tế nước này đang phát triển. Hà Nội đang gầy dựng quân đội và hải quân để bảo vệ huyết mạch chính của mình là Biển Đông – trọng điểm của ngành hàng hải, ngư nghiệp và năng lượng. Hà Nội cũng biết rằng nước của họ rất dễ bị xâm nhập và tấn công từ ngoài biển vào.

TQ muốn VN phải ngoan ngoãn thuần phục theo lý tưởng về an ninh quốc gia theo kiểu truyền thống Khổng giáo và vương triều trung tâm của họ. Họ vẫn còn nhớ cuộc chiến tranh trừng phạt năm 1979 vào Bắc VN lúc Hà Nội đang có đội quân lớn thứ tư trên thế giới. VN bị đẩy lùi rất ít và mỗi bên bị thiệt hại khoảng 30 ngàn người trong vòng một tháng giao tranh. Theo cái nhìn của Bắc Kinh thì làm suy yếu ngay cái sức mạnh mới chớm nở của VN là một đòn khôn ngoan.

Rồi đây sự việc nơi Biển Đông sẽ tiến về đâu? Có vẻ là tình hình đang tồi tệ hơn. Không có phe nào chịu lùi bước. TQ thậm chí còn có thêm những động thái tương tự trong những tuyên bố chủ quyền vùng biển với Nhật. Trừ khi những cái đầu tỉnh táo ở Bắc Kinh thắng thế còn không thì những rắc rối này có thể dẫn tới một tính toán sai lầm khủng khiếp.

Một nước VN bị dồn vào chân tường có thể vùng ra đánh trả bằng sức mạnh nhiều hơn mức mà Bắc Kinh có thể tưởng tượng được. Một khối đồng minh ASEAN vốn lỏng lẻo sẽ bị buộc phải đoàn kết cùng nhau để chống lại đối thủ chung. Nhật Bản đang chống lại và tái vũ trang. Mỹ chưa hẳn là đang cạn kiệt và thương tổn tới mức mà Tư lệnh Thái Bình Dương và Hải quân Hoa Kỳ phải bị loại khỏi vòng chiến.

Có vẻ như TQ đang bị lóa mắt bởi ý tưởng “Trung Quốc trỗi dậy”, niềm tự hào quốc gia sáng ngời, và vì thành tựu kinh tế vang dội. Như thế thì TQ đang phải đương đầu với mối hiểm nguy vì chính họ đã vi phạm cái châm ngôn chiến lược của mình, “Rút thang đi sau khi kẻ thù đã leo lên nóc nhà” – nghĩa là nó đang đi trên con đường tự cô lập mình trên lãnh vực quân sự do các hành động gây hấn bất cẩn trọng. Các chiến lược gia TQ khôn ngoan hơn sẽ giúp làm giảm nhiệt tình hình vô kể.

Nguồn: UPI

Nguyễn Đình Cống – Chó Sủa Ngoài Đường

In Cộng Đồng, Liên Kết, Tạp văn on 2014/05/04 at 14:00

Giáo sư NG là bạn và đồng nghiệp của tôi. Sau khi xem ý kiến của tôi về đề nghị từ bỏ chủ nghĩa Mác, GS nói với một số thầy giáo trẻ rằng ông Cống bây giờ đã như con chó ra ngõ để sủa. Tôi đã bắt tay và cám ơn sự đánh giá rất hay, rất đúng của GS trước sự ngỡ ngàng, đầy thắc mắc của các thầy giáo trẻ. GS NG nhận thấy điều ấy mới bảo: Các cậu hỏi ông Cống, ông ấy giải thích cho mà nghe. Mọi người đồng thanh: Giải thích đi thầy.

Tôi nói, đây là xuất phát từ một sự tích (giống như tích Kết cỏ ngậm vành, sự tích Lá thắm chỉ hồng…trong Truyện Kiều ). Có lần thầy và GS NG cùng một số bạn bè đàm luận về trí thức VN, nhận thấy ngoài những ưu điểm căn bản, trí thức VN có một nhược điểm là HÈN. Trừ một số rất ít có thể đếm trên đầu ngón tay các vị trí thức có một chút dũng cảm vừa phải nào đó, dám nói một cách trung thực ý kiến của mình không đồng ý với lãnh đạo tại các cuộc họp công khai của Quốc hội, của Chính phủ, còn lại phần lớn là hèn. Mọi người đồng ý và xếp thành 3 mức.

A- Hèn nhất là loại xu nịnh, luôn tìm cách ca ngợi, chứng minh đã là lãnh đạo, là có quyền thì luôn luôn sáng suốt, bao giờ, cái gì cũng đúng.

B- Hèn vừa vừa là loại mũ ni che tai, có biết có thấy sự thật sai trái nhưng sợ quá, không dám nói, chỉ lo làm tròn bổn phận.

C- Hèn ít , nhưng vẫn cơ bản là hèn, đó là loại hơi có một chút trung thực, dám nói nhưng chỉ nói ở trong nhà, nói giữa vài ba người bạn, nói mà không muốn cho nhiều người nghe được, càng không dám nói cho cấp trên nghe, sợ bị liên lụy.

Tôi tham gia thảo luận và nói 1 câu được ghi nhớ là “Trí thức loại C là MỘT LŨ CHÓ SỦA VƯỜN HOANG. Một bạn chỉ vào tôi, hỏi: Thế ông thuộc loại nào. Trả lời: Tôi là một trong những con chó đó. Đấy, sự tích chó sủa là như vậy. (ông Cống tự nhận mình là một con chó sủa vườn hoang).

Sau khi tôi có ý kiến nên từ bỏ chủ nghĩa Mác thì GS NG đã nâng tôi lên cao hơn những con chó chỉ sủa trong vườn hoang thành con chó đã vượt hàng rào của vườn để ra đứng sủa ngoài ngõ. Thế là vinh dự cho tôi quá còn gì. Sau khi viết và công bố bài ” Một số nhầm lẫn của Mác”, tôi còn được GS NG nhận xét là ” bây giờ chó đã ra sủa ở đường cái” . Ừ, chó sủa ở đường cái thì nhiều người nghe hơn nhưng tựu chung vẫn là đồ hèn, vẫn là đồ chó chỉ biết sủa mà không biết, không dám làm gì, vẫn sợ bị đưa lên Nhật Tân.

(Nhật Tân là nơi giết chó làm thịt ở Hà Nội).

N.Đ.C.

Nguồn: https://www.facebook.com/ngdinhcong?fref=ts

Phó thường dân (18): Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2014/05/01 at 19:59

Hổm rày trời ấm lên hẳn vì mùa xuân đã đến. Cái ẩm ướt và lành lạnh của miền Tây Bắc Hoa-kỳ này đã dần dần bớt đi. Người ta bắt đầu lục đục dọn dẹp từ trong nhà ra đến gian chái, từ bếp ra đến nhà kho, nhà để xe. Rồi họ lỉnh kỉnh lôi ra những thứ không cần dùng đem đi cho hoặc bày ra cho/bán lại trước cửa nhà.

Ở bên Hoa-kỳ này, đi cho là đem ra các trung tâm nhận hàng đã dùng qua rồi như Goodwill, Salvation Army, Value Village. Nhiều khi cũng có thứ bị từ chối vì họ không muốn phải tống vào phế thải lại tốn thêm tiền đổ rác. Còn bày ra cho/bán lại thì phải tới cuối tuần mới hưỡn cho người đi lượm/mua.

Câu thành ngữ “rác của người này là của báu người kia” (one man’s trash is another man’s treasure) cũng thiệt là có lý. Phó thường dân tui bắt chước lâu lâu đem của báu ra cho/bán. Chứ để chật nhà lại bị quở.

Đó là chiện lượm bạc cắc chứ muốn có tiền ông tơn thì phải đi ra tiệm cầm đồ để cược hoặc bán luôn. Sau khi cái bong bóng địa ốc bị vỡ, xì hết hơi và cùng một lúc ngành tín dụng tan hoang thì thiên hạ nầm nập đến tiệm cầm đồ. Bán đủ thứ. Xe đạp, máy tính, xe máy, đồng hồ, vòng vàng, lắc bạc hầm bà lằng.

Phó thường dân tui tò mò hổng biết bà con bên bển mình làm sao khi bị kẹt tiền. Chèn đét, quỷ thần thiên địa ơi ngó xuống (dòm inh tờ nét) mà coi! gúc gồ, phây búc nó hiện lên bán thân, bán thận, bán thần, bán bằng, bán nước, bán dân hầm bà lằng hổng thiếu thứ chi.

Bán thân thì tui cũng đã nghe từ xửa, từ xưa từ truyện cô Kiều bán thân chuộc mạng cho cha, trôi nổi đời hoa, hồng nhan bạc mệnh. Chuyện ngày xưa thì việc bán thân cũng hy hữu, hơi “bị” hiếm chứ bi giờ là chuyện hằng hà sa số à nghe. Bán thân giờ là là chuyện cứu đói, giảm nghèo, đóng tiền học, kiến chút cháo rần rần như mua vé số, đánh đề. Đây còn là quốc sách chứ có phải giỡn chơi đâu. Chủ tịch nước đã từng trịnh trọng tiếp thị cò cưa “Việt Nam ngày nay có nhiều con gái đẹp lắm” [1] cho thương hiệu chị em phụ nữ Việt Nam nước nhà.

Bán thân thời cô Kiều thì kín đáo vì tổn hại gia phong còn bây giờ thời mở cửa thành ra mở toang hết hổng còn mảnh vải che thân[2]. Bán thân mà lại sắp hàng trần truồng này thì coi bộ giống như nô lệ da đen đưa ra đấu giá như mấy trăm năm về trước thời tư hữu nô lệ thịnh hành. Theo cái ngữ này thì nhà nước ta tiến nhanh tiến mạnh đến thời kỳ cộng sản nguyên thủy chứ hổng giỡn chơi đâu.

Mà thiệt dzậy chứ giỡn chơi cái nỗi gì. Cái này theo kinh tế thị trường khuyến mãi thì nó gọi là trọn gói, mua một tặng hai, 3 trong 1. Được vợ, được con, được luôn người ở!

Bán thân là từ mỹ miều cho cái bán trinh tiết và bán dâm còn bán thận[3] thì chính thị đó là bán thân thể con người. Một phần của thân thể bị cắt đứt trao cho người khác.

Trời sanh hai con mắt, hai lỗ tai, hai buồng phổi, hai trái thận là để sơ cua, phòng hờ tai nạn hư mất một cái thì còn cái khác để xài. Mù một mắt, điếc một tai, cụt một tay, què một chân thì chỉ mới bị khiếm tật còn gỡ gạc được chút đỉnh. Mất cả hai thì coi như vĩnh viễn mất chức năng.

Thời buổi này hàng độc hại coi như là tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Một cái gan và hai trái thận còn lọc hổng hết độc tố trong máu muốn quải luôn thì nói chi là mất đi một trái thận. Lỡ có chuyện gì bị mất thêm một trái nữa thì rồi đời. Trời ơi, người ta nói sức khỏe là vàng. Ai mà đổi vàng lấy tiền (tệ) trừ khi hết đường (muốn) sống.

Mà chuyện bán thân, bán thận này trong bước đường cùng thời nhà sản cũng dễ hiểu. Vì nào còn nước sống cho dân.

Đi đánh cá thì loanh quanh ven biển chứ lạng chạng là bị bọn tàu nó dớt gãy càng, nó lấy thân bắt chuộc mạng. Đi làm xuởng thì nó ép nhịn đái, nhịn ỉa rối loạn chức năng tiêu hóa thân thể. Còn đi làm thợ thì bọn tàu đã thầu hết và đem lao động lậu vào đóng dinh trại, kín cổng đâu còn việc gì để làm. Sĩ tử học ra xong cử nhân, thạc sĩ mà không có nhân thân, không có “phong bì”, không bằng “tiến sĩ (mua bằng) tại chức” thì phải làm nghề “tự do” lang thang chết đói.[4] Làm nông thì nó cướp đất, “giải phóng” cho “tự do” khỏi đi cày. Dân phố chợ thành thị thì nó “giải phóng mặt bằng” hết chỗ làm ăn. Cũng rập khuôn “giải phóng” 30 tháng 4 năm 75 đuổi bao dân miền Nam ra vùng kinh tế mới[5]. Bà con ta tha hồ thất nghiệp làm dân vô sản.

Bán thân và bán thận là chuyện sở hữu thân thể. Đảng và nhà nước khó mà kiểm soát được chiện bán thân bán thận dù rằng chế độ hộ khẩu cưỡng bách, áp đặt hạn chế tự do.

Còn bán thần là độc quyền nhà nước đảng ta.

Đảng độc quyền buôn thần bán thánh. Độc quyền lễ hội, lễ kỷ niệm túa xua tha hồ móc quỹ công và móc tiền công chúng. Các nghi thức thiêng liêng được thương mại hóa và đảng ta đều bao trọn gói. Lễ hội đền Trần, lễ tịch điền, lễ chọi trâu, lễ chém lợn, lễ khai bút, lễ chùa Hương và hơn 8.000 lễ hội khác.

Lễ hội tạo phương tiện để giật, chém, chặt, cò, cướp. Tất cả được “phát huy” ráp gắn vào “truyền thống” hầu làm vỏ bọc hào nhoáng cho chế độ và xã hội ruỗng mục văn hóa và đạo đức. Và nó cũng được “phát huy” để giải tỏa áp lực cho các bế tắc của cuộc sống hàng ngày trong xã hội mà như là chỉ có thần thánh mới giúp được. Nghèo đói, bệnh hoạn, thất nghiệp thì phải đi cầu xin thần thánh chứ đừng có mà mong chờ nhà nước có chính sách giải quyết. Chính sách “đầu tiên” (tiền đâu?) của cơ quan công quyền nhiều lúc đụng vào lại bị tiền mất, tật mang từ chết tới bị thương.

Di tích lịch sử thì bị “trùng tu” bằng bê tông và sơn phét lòe loẹt vô tội vạ. Rồi lại còn “rút ruột” cưa kèo, xẻ cột gỗ trăm năm đi bán. Lễ tế trời Nam Giao thời xưa trịnh trọng, thanh khiết chỉ có vua mới được dâng lễ thì nay cũng thành trò hề bát nháo trong tay của quan quân đảng bộ.[6]

Tột đỉnh của buôn thần, bán thánh bởi đảng csvn là tôn giáo hóa chủ thuyết Mác-Lê và thần thánh hóa lãnh tụ, cho dù lãnh tụ có bị cho ra rìa, ngồi chơi xơi nước. Ông thánh “Bác Hồ” ở “đỉnh cao chói lọi”[7] và Đại tướng “cầm quần” Võ Nguyên Giáp[8] là thương hiệu “ăn mày dĩ vãng” vẫn tiếp tục được tiếp thị, nhồi nhét qua cái loa phường, sách giáo khoa học đường, và băng rôn màu (máu) đỏ trên các phố phường.

Mà bán riết rồi cũng hết sạch sành sanh, còn gì nữa mà bán. Con nghiện thèm thuốc, đến cơn mà hổng có gì bán thì đi giựt đồ, chôm chỉa, ăn cướp để thỏa mãn cái cơn ghiền. Đảng csvn với “thanh kiếm và lá chắn”[9] trong tay thì chôm chỉa, giựt đồ lắt nhắt làm chi cho má nó khi. Đại ca sát thủ đầu mưng mủ có hiến (hiếp) pháp bảo kê “sở hữu toàn dân” ra tay cướp trắng của dân ngon ơ. Viện kiểm soát đại ca mày lập, ủy ban nhân dân đại ca mày lập, tòa án đại ca mày lập, quốc hội cũng đại ca mày lập cho đám dân đen khiếu kiện đến hẹn lại lên, mút mùa Lệ Thủy.

Dân oan Dương Nội, dân oan Văn Giang, dân oan Cồn Dầu, dân oan Thái Nguyên[10], dân oan Đoàn Văn Vươn, dân oan Đặng Ngọc Viết, dân oan Cần Thơ[11], dân oan Tiền Giang, dân oan Long An, dân oan Dak Nông, dân oan Hà Nam, dân oan Phú Yên đâu đâu cũng có dân oan …

Dân oan cải cách ruộng đất.

Dân oan 30/4/75.

Tất cả những oan trái, uất hận này đã chồng chất bao (muôn) năm và vẫn còn diễn tiến hàng ngày trên giải đất quê hương Việt Nam dưới chế độ độc tài đảng trị nhà cầm quyền csvn.

Phó thường dân tui thấy ai đó dùng câu “Đảng Cộng Sản Việt Nam Vinh Quang Muôn Năm!” như một câu chửi thề thì quả là rất hợp lý, đầy tính đương đại. Bởi vì cái tính “muôn năm” độc đảng, độc quyền, độc tài đó nó xuyên suốt như sợi chỉ đỏ, sợi dây thòng lọng thắt cổ dân tộc này. Những câu thơ và tuyên ngôn bất hủ “muôn năm” qua bao thập niên vẫn còn tính thời đại phản ánh chế độ “siêu việt” nhà cầm quyền hiện nay.

Cướp, còn cái lai quần cũng cướp.[12]

Cướp, cướp nữa, bàn tay không phút nghỉ.
Cho túi tiền, xe khủng, nhà cơ ngơi.[13]

Hổng biết ai thì sao chứ như theo phó thường dân này thì cái “muôn năm” này chắc sẽ yểu mệnh. Nhìn qua nhìn lại thì mấy đại ca đã lo chuyện hậu sự tẩu tán tài sản sang các nước tư bản giãy chết. Mấy đại ca đang chuẩn bị chẩu vi thượng sách để không phải chết trong ống cống.

Oan án, oan khiên, oan trái thì phải trả[14].

© 2014 Vietsoul:21


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (15) Phố Vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ  (17) Nín thở qua cầu (19) Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm]


[1]“Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn về chuyến đi Mỹ”, talawas

[2] “Bàng hoàng với clip tuyển vợ trần truồng của trai Hàn”, Tiếng Chim Việt

[3] “Bán thận đổi đời hay nỗi bi ai của kiếp người?”, Baodatviet.vn

[4] Hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, vnexpress.net

[5] “Dân oan biểu tình, tưởng niệm Quốc Hận 30-4”, Dân Làm Báo

[6] “Một trò hề! Bí thư Tỉnh ủy mà nhảy lên tế đàn Nam Giao là rất bố láo”, blog Nguyễn Xuân Diện

[7] Tiểu thuyết “Đỉnh Cao Chói Lọi” (Au Zénith) của nhà văn Dương Thu Hương

[8] “Ngày xưa đại tướng cầm quân,
ngày nay đại tướng cầm quần chị em.

Ngày xưa đại tướng công đồn,
ngày nay đại tướng công l.. chị em.”

Vè truyền miệng về Võ Nguyên Giáp khi ông bị gạt ra khỏi bộ chính trị về làm trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch.

[9] “Thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ!”, Dân Làm Báo

[10] Mẹ con trần truồng giữ đất

[11] Hai mẹ con khỏa thân để giữ đất, Diễn Đàn CTM

[12] “Đánh, còn cái lai quần cũng đánh.”, Nguyễn Thị Út

[13] “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ.
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong.
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.” Thơ Tố Hữu khích động đấu tố trong phong trào cải cách ruộng đất

[14] “Bản chất của vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc Việt”, Blog BS Hồ Hải

Đại Vệ Chí Dị – Hoà giải.

In Cộng Đồng on 2014/05/01 at 08:26

Ngân khố trống rỗng, nợ nước ngoài đầm đìa. Tài nguyên cạn kiệt. Dân tình tứ xứ nổi dậy kéo đi kêu oan khuất khắp nơi. Dịc bệnh hoành hành. Quan lại nhũng nhiễu, kiêu binh mặc sức tác yêu tác quái, bọn trộm cướp nhân đà ấy cũng gia tăng cướp bóc trắng trơn.

Nhà Sản thấy cảnh đất nước gay go, mới họp lại bàn xem nguyên nhân.

Các đại thần lý luận, học vấn uyên thâm như Cả Sáng, Tôn Dưa, Đường Hoang và Vệ Kính Vương mở đầu cuộc họp đều khẳng định về đường lối nhà Sản không có gì sai. Chẳng qua thời thế khó khăn khách quan đưa lại mà vậy. Nhìn chung thì đời sống nhân dân từ khi Sản lãnh đạo đến giờ cũng khá hơn.  Triều thần thống nhất nguyên nhân không phải tại đường lối, cho nên không bàn. Tất cả tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt.

Vệ Kính Vương trước có lập ra Ban Kim Tiền trực thuộc vương phủ do đại thần Đền Lan cai quản.

Đền Lan trước là phó tướng cho Chúa Bạo, rành chuyện làm ăn nhà Chúa. Lĩnh mệnh Vương cầm thẻ bài sang phủ Chúa tra xét sổ sách, tạm thu hồi một số công việc để xử lý. Lúc đầu việc cũng khá trôi chảy, tưởng là cứ thế êm xuôi. Chẳng mấy chốc sẽ thu hồi quyền cai quản kinh tế bên phủ Chúa về cho Vương Phủ.

Sở dĩ phủ Chúa nhường nhịn như thế, cũng tại bởi Vệ Kính Vương học mưu bên Tề, lâp ra Ban Kiểm Chính nhằm truy xét những quan lại phủ Chúa tham ô, nhận hối lộ. lũng đoạn thị trường để vơ vét. Ban này do dũng tướng Trăm Xanh điều khiển.

Phủ Chúa bị hai mũi giáp công, gặp thời khó khăn không thu được ngân sách. Uy thế đã giảm, nay bị giáp công chỉ còn nước nhịn lùi dần từng bước.

Đầu năm Canh Ngọ, Đình Lan tra xét đến ngân khố mới giật nảy mình khi biết quốc khố trống rỗng, nợ nước ngoài cao như núi, mỗi năm phải trả cả thảy là 6 tỷ Mỹ Kim. Lan toát mồ hôi ướt đẫm mang bản sao chép nợ công ra về.

Chúa bấy giờ mới cười nhạt nói với cận thần.

– Chúng nó cứ ngỡ mỡ đấy mà húp, làm kinh tế khó lắm. Đấy, thích thì đây nhường cả, xưa nay mọi việc đều là nhà Sản chủ trương, nhà Chúa chỉ thi hành phận sự thôi.

Đình Lan mang bản thống kế nợ về cho Vương Phủ. Vệ Kính Vương xem xong mặt tái mét than.

– Nếu biết thế chẳng đòi cho xong, tiếp quản thế này thì chúng ta phải xử lý nợ à.? Giờ biết tính sao?

Vương gọi một số đại thần trung tín vào luận việc. Bọn này xưa nay phàm là mọt sách trung kiên, quen người khác mang bổng lộc đến cho mình. Nghe đến chuyện nợ nần quốc khố phải giải quyết, đứa nào cũng thoái thác không phải chuyên môn. Bàn cả ngày chả đâu vào đâu, hẹn tháng sau bàn tiếp.

Vương nghĩ không ra kế, mấy tháng liền không xuất hiện trước thần dân. Ngồi trong phủ toan tính mãi, các đại thần thân cận cũng tảng lờ không ai nhắc chuyện xử lý nợ nần ra sao.

Lại nói về Bạo Vương biết Vương Phủ đang ngồi trên đống lửa. Bạo thỉnh thoảng lại lớn tiếng nói rằng nhà Sản chủ trương hết. Ý đánh tiếng cho bọn bên Vương Phủ giỏi thì đứng ra mà nhận nợ, đây không có trách nhiệm gì nữa.  Bạo ung dung xoa tay thư thái nhàn tản hoà mình vào dân chúng, đi bộ quanh hồ với người dân tật nguyền. Lúc cao hứng lại đứng ra xin lỗi nhân dân và bóng gió nói chuyện nhân quyền, tự do , cởi mở cơ chế cho người dân làm ăn.

Vương thấy làm căng không xuôi, bèn chỉ thị cho Trăm Xanh tạm ngừng tấn công. Mặt khác sai Đền Lan đến nói khó bên phủ Chúa. Nhắc lại lời tiên đế dạy năm xưa,  dẫu có thế nào thì cũng phải đoàn kết giữ nhà Sản, người xưa có câu ” giữ chùa thì được ăn oản ”. Nay Chúa cũng là người nhà Sản, lẽ nào để cảnh nhà Sản tiêu vong vì nợ nần.

Vì lời ấy, mà vua chúa nhà Sản mới có cuộc họp nói trên.

Chúa ngồi trên ghế cao, gõ tay đập nhịp, miệng cười nhẹ, nói rất rành rẽ khoản nào ra khoản đó. Thu bao nhiêu, chi mất bao nhiêu. Bộ Binh,bộ Hình là lực lượng bảo vệ nhà Sản một năm tiêu bao nhiêu ngân lượng trả lương và các hoạt động bảo vệ triều đình. Bọn tuyên truyền ngốn hết bao nhiêu vào việc lễ lạt,kỷ niệm, hội hè, sách báo, ấn phẩm…rồi trả tiền hưu cho quan lại, binh sĩ về hưu hết bao nhiêu để họ giữ lòng trung thành. Kể môt lượt ra rồi Chúa hỏi triều đình.

– Những khoản chi này có mang lại lợi nhuận không.?

Triều đình im lặng, không ai trả lời. Chúa lại hỏi.

– Không mang lợi nhuận, thì có thể cắt giảm được không.?

Triều thần im lặng, không ai trả lời. Chúa từ tốn hỏi.

– Tài nguyên khoáng sản còn không.?

Cũng chẳng ai trả lời. Chúa hỏi tiếp.

– Các doanh nghiệp nhà Sản, đều do Sản Viên lãnh đạo, làm ăn có lỗ không.?

Cũng vẫn không có ai trả lời. Chúa đứng dậy, thong thả đi giữa triều, tay chắp sau lưng. Qua mặt đại thần Bốn Sướng hỏi.

– Ông lãnh mệnh triều đình, đi sứ các nước, thế có nước nào hứa giúp được cái gì.?

Bốn Sướng cúi gằm mặt không nói năng. Bốn qua xứ Cờ Hoa, lúc về đến giờ xứ ấy không cho mượn tiền, ngừng việc ký hiệp định kinh tế. Từ lúc Sướng về đến nay, Vua xứ đó không một lời nhắc đến nước Vệ. Bốn qua xứ Phù Tang, về đến nước mình, xứ Phù Tang bỗng nhiên tố cáo người Vệ bên đó trộm cắp, buôn lậu , rửa tiền, lao động trái phép. Lại còn tố quan lại bên Vệ nhũng nhiễu ăn hối lộ, đưa ra cả danh sách đích danh. Bốn qua Hung Gia Lợi, Nã Uy Di được đón tiếp nhạt nhẽo, cờ không mở, trống không dong.

Bầy tôi của chúa phụ trách ngoại giao là Mặt Trời đỡ lời.

– Phàm ra sông biển lớn, chỉ có Chúa là người họ quen mặt mà thôi. Đại thần Bốn Sướng mới đi chuyến đầu nên họ chưa hiểu được lòng. Cái khó đấy cũng là khách quan.

Bầy tôi nữa của Chúa là Văn Ruồi quản ngân khố nói.

– Việc lấy nguồn cho ngân khố, xưa nay Chúa vốn tinh thông, chắc câu ngài hỏi chỉ có ngài trả lời được, chúng thấn trẻ người non dạ, kinh nghiệm không có. Dám mong lời anh minh.

Phó tướng của Chúa là Đàm Cận, vốn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, tính ôn hoà được lòng cả Chúa lẫn Vương thấy triều thần không ai còn vẻ ý kiến, bèn nói.

– Xin Chúa vì cơ nghiệp nhà Sản gần 70 năm qua mà ra tay cứu vớt.

Chúa gật gù, nhìn một lượt triều thần, thấy các đại thần bên Vương phủ nín thinh. Chúa nói.

– Tiên đế có nói chuyện đoàn kết, người ta không làm thì không có sai, phàm khi đã đụng việc trăm cái không thể đúng cả trăm. Nhà Chúa bao năm lao tâm khổ tứ, giữ cơ đồ vững như bàn thạch. Năm nào cũng phát hiện bắt giữ bọn phản tăc, cung cấp binh lương cho các bộ Binh, Hình đầy đủ. Ấy thế mà chỉ có chút sơ hở là đã thập chín điều không được làm, là đã thanh tra kinh tế, thanh tra nội tình….hỏi thế lòng người sao mà yên được.

Tôn Dưa đứng dậy vòng tay đáp.

‘- Thần trộm nghĩ, có buổi họp hôm nay là triều thần đã đoàn kết, chuyện cũ xin xóa bỏ rồi. Mong Chúa nghĩ đến đại sự.

Chúa gật đầu hài lòng, bây giờ Chúa mới lấy vẻ uy nghiêm mọi khi, dõng dạc nói.

– Thế sự ngày nay chỉ lấy chữ Hoà làm chủ. Trong triều thì quan lại hoà thuân với nhau. Ngoài triều cũng phải hoà thuận với những kẻ có tiền. Nay nước ta ngân khố trống rỗng, tài nguyên cạn kiệt, làm ăn thì thua lỗ. Những việc này muốn vực dậy không phải ngày một ngày hai đem lại ngân khố.  Giờ có bọn Vệ Kiều ở nước ngoài đến mấy triệu đứa, mỗi năm gửi quà chơi chơi cho người nhà cũng hơn 10 tỷ Mỹ Kim. Nếu cái bọn đó mà tha thiết hơn với nước Vệ, chúng về đây mua nhà, đầu tư làm ăn, ăn chơi cờ bạc đĩ điễm, hút xách ở Vệ. Thử hỏi hơn bao nhiêu lần 10 tỷ Mỹ Kim kia. Hiện giờ đất đai là nguồn tài nguyên duy nhất mà nhà Sản ta nắm được, nhà cửa xây cất đã nhiều mà không có người mua, có người mua là có tiền. Mà người mua giờ chỉ có bọn Vệ Kiều là thiét thực vì dù sao dây mơ, rễ má quê hương chúng cũng ở đây.

Triều thần oà lên, vỗ tay ào ào. Khen Chúa cao kiến. Nhất trí cứ vậy mà làm. Chúa xin triều chuẩn cho Mặt Trời phụ trách việc lôi kéo hoà giải với bọn Vệ Kiều. Triều đình quyết luôn.

Vệ Kính Vương về phủ, đã có mật thư từ Tề gửi đến, Vương gọi các đại thần trung tín đến hop bàn. Vương bảo.

– Làm gì thì làm, không thể buông lỏng kiếm soát , hoà giải cũng phải thế nào, chứ không được thái quá mà coi thường công lao của quân đội ta, coi trọng bọn phản bội tổ quốc. Các khanh phụ trách truyền thông phải nắm vững điều này, không được xa rời lý tưởng nhất quán là uy tín nhà Sản, không được để mất lập trường đấu tranh giai cấp, phòng ngừa thế lực thù địch len lỏi trỗi dậy.
Ngày hoà giải chưa đến, nhưng nước Vệ loạn cào cào, châu chấu. Người thì nói hoà giải, kẻ thì chửi bới bọn bỏ nước ra đi là phản bội. Lúc có người nói hiền hoà, lúc có người lại gay gắt. Cuối cùng thì đâu lại vào đấy, chỉ có mấy mống Vệ Kiều chim mồi nhẵn mặt mấy năm nay là đến dịp tranh thủ về nước miễn phí, được đón rước đánh chén ca ngợi. Mọi thứ vẫn thế.

Duy chỉ có bọn dân đen là tiến bộ, chúng tiến gần nhau hơn. Bởi giữa chúng thì có thù hằn gì đâu mà hoà giải. Chẳng qua chúng sống ở triều đại nào, triều đại đó nói triều đại kia là kẻ thù thì chúng nghe vây. Chứ hỏi kẻ thù là nhân dân ở triều đại kia hại gì đến chúng thì chúng cũng chả biết kể thế nào. Vì có đâu mà kể.

Nguồn: FB Người Buôn Gió