vietsoul21

Archive for the ‘Việt Nam’ Category

Nô lệ – Chủ nô

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Triết Học, Việt Nam on 2016/07/05 at 10:05

Slavesdreamof

“Người nô lệ không mơ tới tự do nhưng mộng thành người chủ nô” – “Slaves dream not of freedom but of becoming master.” (Cóp từ fb Quynh-Tram H. Nguyen)

Câu nói này có vẻ cay đắng trái sự thật nhưng đó lại là một thực tế khó chối cãi.

Tại sao?

Chẳng phải khi người nô lệ bị hành hạ thể xác và nhục mạ tinh thần họ không nghĩ đến tự do chăng. Họ chắc hẳn mơ đến cuộc sống tự do trước khi bị làm nô lệ và mong ước cho tương lai có được tự do. Họ phản kháng lại mối tương quan “chủ nô – nô lệ” và muốn phá vỡ nó để được tự do.

Thế nhưng tại sao họ lại không mơ đến tự do?.

Khi người nô lệ bị thuần hóa và không còn nghĩ đến tự do nữa đó là lúc nguời nô lệ chuyển từ nô lệ thể xác đến nô lệ tinh thần. Họ chấp nhận mối quan hệ “chủ – nô” và xem đó là điều hiển nhiên. Điều họ mộng mị là trở thành chủ nô.

Ai là kẻ nô lệ, ai là người tự do? Kẻ thống trị như thế nào?

Thế nào là nô lệ và tự do ra sao?

Những cái chuồng rộng lớn sơn son, treo đèn, sưởi ấm và máng luôn đầy thức ăn vỗ béo có phải là tự do? Khi con vật luôn chúi đầu vào máng thì nó đã chấp nhận là gia súc. Khi con vật tìm cách nhảy ra khỏi chuồng, không màng thức ăn thì nó là thú thiên nhiên mơ được tự do tìm nguồn sống. Khi con vật mong được ổn định trong chuồng thì nó sống “hạnh phúc” cho đến ngày vào lò mổ. Khi con vật nhảy ra khỏi chuồng thì chắc chắn nó phải tranh đấu từng ngày để sinh tồn và đó là sự lựa chọn của tự do.

Người tự do là người phản kháng lại áp bức của kẻ thống trị. Dù ở trong tù hoặc trong mọi tình cảnh nào họ vẫn luôn phản kháng để phá vỡ mối quan hệ “chủ – nô”.

Người ta đã đúc kết được 7 đặc tính chung về kẻ thống trị[1]. Nhà cầm quyền csvn có đầy đủ các đặc tính đó.

  1. Kẻ thống trị cung cấp và tận dụng các nguồn lực bạn tưởng rằng bạn cần để họ điều khiển được bạn. ( chế xin-cho. Chế độ hộ khẩu. Chế độ sở hữu nhà nước.)
  2. Kẻ thống trị tuyên truyền về cái vĩ đại, ưu việt, và luôn độc quyền. Không ai có thể toàn bích như kẻ thống trị. (Thiên đàng XHCN. CNXH siêu việt. Đảng csvn đỉnh cao trí tuệ loài người. Việt Nam anh hùng. Bác Hồ vĩ đại. Đại Bồ Tát HCM. Ông tiên Bác Hồ. Lương tri nhân loi.)
  3. Kẻ thống trị buộc bạn tuân thủ như con lừa và không chấp nhận bị thẩm tra hoặc đặt câu hỏi. (Luật là tao, tao là luật. Xã hội pháp trị. Tự do cái con c.)
  4. Kẻ thống trị dựa vào đường lối sinh hoạt bí mật, dối chối, và che đậy. Kẻ thống trị không bao giờ chịu nhận những sai phạm trước công chúng và không hề giảm các hành vi gây tổn thương. (Văn hóa không từ chức. Cơ cấu nhân sự. Đảng cử dân bầu.)
  5. Kẻ thống trị áp bức khiến bạn ngờ nghĩ rằng bạn sai trái. Bạn là người sai trái và kẻ áp bức không bao giờ nhận phần sai. (Thế lực thù địch.)
  6. Kẻ thống trị luôn phân tâm, chia trí bạn để không còn nghĩ gì về họ làm. (Truyền thông và báo chí chuyên đề hót gơ, chân dài, sao l hàng.)
  7. Kẻ thống trị bẫy mọi người chống đối với nhau. Chúng đánh lệch cái nhìn của bạn để bạn nghĩ chúng ta đang sống trong một thế giới thiếu thốn. Chúng làm cho bạn nghĩ những ai không giống bạn là một mối đe dọa đến sự an toàn và an sinh của bạn. (thượng đội hạ đạp, cơ cấu nhân sự, bình bầu tân tiến, đội ngũ dư luận viên, bồi bút bưng bô)

Nhìn lại Việt Nam dưới sự cai trị của nhà cầm quyền csvn nội-thực-dân thì chúng ta có thể thấy ngay được hiện tượng này một cách quá rõ ràng. Người dân làm nô lệ cho bọn vua quan dòng họ những tên chóp bu bct và trung ương đảng. Đứng đầu các bộ ngành và quốc hội là bọn cai thầu nô lệ thay mặt đảng để áp đặt (cơ chế và hệ thống) áp bức với người dân.

Qua việc ô nhiễm hủy hoại môi trường sống ở Vũng Áng và các tỉnh miền Trung gây ra bởi Formosa chúng ta thấy gì. Đảng và nhà nước csvn hành xử như một tập đoàn băng đảng. Chúng coi người dân như kẻ nô lệ không phải là chủ nhân của đất nước. Chúng bảo người dân tụi bay đừng có mà léng xéng bàn chuyện nội bộ băng đảng chúng tao vì mọi việc phải là chúng tao dàn xếp với đối tác làm ăn. Chúng bảo người dân đi ra chỗ khác chơi không được bàn chuyện rùm beng trong khi chúng chưa quyết định phương án giải quyết có lợi cho chúng (sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi). Chúng hành hung, trấn áp người dân biểu tình lên tiếng và khủng bố đe dọa họ.

Ai cũng đã biết tỏng thủ phạm là Formosa ngay khi tên giám đốc đối ngoại tuyên bố thẳng là “Phải lựa chọn, muốn bắt tôm cá hay là xây nhà máy thép hiện đại?” thế nhưng băng đảng csvn đã giở trò “cứt trâu để lâu hóa bùn” cho phép Formosa thời gian để phi tang và chuyển từ tội phạm cố tình thành lỗi sơ xuất qua “sự cố mất điện”.

Formosa chỉ là một hiện tượng ngay bây giờ trong mối tương quan “chủ – nô” giữa đảng csvn và người dân. Bô-xit Tây Nguyên, nhà máy giấy ở Hậu Giang, đập thủy điện, nhà máy hạt nhân v.v. là các hiện tượng hôm nay và ngày sau.

Những tay cai thầu nô lệ bắt đầu ong ỏng dàn đồng ca cho rằng nhà nước csvn đã truy tìm nguyên nhân và giải quyết được vấn đề cùng lúc đe dọa người dân lên tiếng như những “thế lực thù địch”.

Mũi dùi chỉa thẳng vào Formosa, thủ phạm trực tiếp tàn phá sinh thái Vũng Áng và biển miền Trung và họ đã cúi đầu nhận tội, dù đã cố tình lấp liếm bằng sơ suất “mất điện”. Nếu thực ra có sơ xuất mà họ thông báo và có biện pháp khắc phục thì chắc chắn ảnh hưởng và tác động đến môi trường chắc phải giảm nhẹ hơn nhiều. Nhưng khả năng họ xả thải vô tội vạ

Mũi dùi lại không trực diện với đảng và nhà cầm quyền csvn: (1) Cho phép xả thải hủy hoại môi trường (2) Không kiểm tra, thanh tra (3) Bao che làm đồng lõa với thủ phạm Formosa từ đầu tới đuôi đưa nguyên nhân cá chết “vì thủy triều đỏ”, “vì tảo nở hoa”, “vì biến đổi khí hậu”, “có thể là do sức ép của âm thanh, sóng, động đất…” và cuối cùng là vì sự cố “mất điện” (4) Lừa bịp người dân bằng những loạt phát ngôn “asen ko độc”, “cá nhiễm phenol vẫn ăn được”, “Hải sản tươi sống ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đều an toàn”, “người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở khu vực Vũng Áng” qua tuyên truyền tổ chức tắm biển, ăn hải sản che đậy mối nguy ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe và đời sống (5) Khuất tất trong định đoạt bồi thường thiệt hại.

Sau hơn 67 năm thuần hóa bằng độc tài chuyên chính cùng với tuyên truyền tẩy não dường như đa số người dân không còn phản kháng lại mối tương quan “chủ – nô” (nô dịch đỏ) giữa đảng csvn và người dân nữa.

Cũng còn một số người với lương tâm và trách nhiệm công dân không chấp nhận mối quan hệ “chủ – nô” và phản kháng lại guồng máy thống trị đó.

“Nước Việt yêu quý của chúng ta rơi vào tình trạng ngày nay, tan hoang, mất độc lập như thế này, bởi vì đảng cầm quyền yếu kém và đầy tội lỗi nhưng lại không bị đào thải, bởi vì người dân vẫn chấp nhận nó, và bởi vì, đa số trí thức vẫn chấp nhận cái đảng ấy. Vì thế, chúng ta đã không thể hòa nhập vào dòng chảy lành mạnh của nhân loại. Và chúng ta đang mất hết mọi thứ, mất đến cả khả năng sinh tồn. Thật đau đớn cho dân tộc Việt. Và nếu nhìn nhận thẳng thắn, thì lỗi lớn thuộc về những người được gọi là trí thức, những người biết cái gì tốt, cái gì xấu, nhưng vẫn chấp nhận cái xấu, không bảo vệ và không ủng hộ và không xây dựng cái tốt.”[2] Nguyễn Thị Từ Huy.

Và còn bao nhiêu người Việt Nam vẫn mơ ước tự do?

© 2016 Vietsoul:21

[1] Letting Go The Language Of Your Oppressor, Angela Savitri

[2] Thư gửi Phạm Đình Trọng, Nguyễn Thị Từ Huy, RFAVietnam.

Bài liên h:

  1. Nô dịch đỏ
  2. Trí nô ký sinh
  3. Nội thực dân

Sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân – Dương Thu Hương

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2016/03/12 at 18:33

Vốn thích nhạc không lời nhưng đôi khi tôi vẫn nhớ về một câu hát cũ, “Anh ở đầu sông, em cuối sông. Chung nhau dòng nước Vàm Cỏ Đông…” Lãng mạn sao, những cặp tình nhân cùng uống chung một dòng nước. Và hạnh phúc thay những kẻ có thể sống cả đời bên một con sông êm đềm, qua những mùa lúa chín không tiếng súng, những trưa hè có thể nép mình dưới bóng các rặng cây. Nhưng đó là chuyện cổ tích.

Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, cự bất khả tri không chỉ xẩy ra giữa hai nền văn hoá Đông-Tây mà còn xẩy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một dòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới… Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu.

Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.”

Đây là kinh nghiệm của chính tôi.

Năm 1994, tôi sang Pháp lần đầu, được một nhóm “Việt kiều yêu nước” đón tiếp. Có lẽ tên ấy được đặt ra khi nhóm này tham gia vào phong trào chống chiến tranh và người cầm đầu nhóm ấy đã từng là phiên dịch cho ông Lê Đức Thọ trong các hội nghị đàm phán hưu chiến ở Paris. Khoảng năm 1990, cũng nhóm này đứng lên lấy chữ ký của Việt kiều trí thức ở Mỹ, Đức, Úc và Pháp trong bản kiến nghị yêu cầu nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ. Sau bản kiến nghị ấy, họ bị cấm về nước một thời gian khá dài, thậm chí còn bị gọi là “các phần tử phản động”.

Như thế, phải hiểu là giữa nhóm Việt kiều này với tôi có chung mục đích tranh đấu cho quyền sống của người dân Việt Nam. Có lẽ cũng vì lý do ấy, họ đón tôi, ít nhất đấy là điều tôi nghĩ. Cuộc đón tiếp diễn ra nồng nhiệt, dường như mang mầu sắc bạn hữu. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tôi nhận thấy giữa họ với tôi có rất nhiều điểm bất đồng, đặc biệt là sự nhìn nhận về cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Tôi tự nhủ,
“Người ta sống trên đời, thường tụ thành bè, còn bạn là thứ quý hiếm, nó còn quý hiếm hơn tình yêu vì không có bệ đỡ tình dục. Tình bạn đòi hỏi một sự cảm thông sâu sắc, những phẩm chất tương đồng, và cơ duyên để có thể cùng nhìn về một hướng, cùng đi theo một ngả. Vì lẽ đó, tình bạn không thể có được một cách dễ dãi. Không có thứ tình cảm nào không cần thử thách, cho dù là tình yêu, tình bạn hay tình đồng đội, tất thảy đều cần phải nung qua lửa mới biết vàng thau”.

Nghĩ thế, tôi chọn thái độ im lặng, lảng tránh các cuộc tranh cãi, vì nếu không là bạn, hà tất phí nước bọt để đôi co?

Tôi biết rõ rằng, đối với nhóm Việt kiều này cuộc chiến tranh chống Mỹ là cần thiết, là niềm kiêu hãnh, là đài vinh quang của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, đó là sự nhầm lẫn lớn nhất trong lịch sử, là cuộc chiến tranh ngu xuẩn nhất, tàn khốc nhất đã xảy ra trong một tình thế đen trắng lẫn lộn, các khái niệm bị đánh tráo, kẻ tham gia cuộc chiến ở phía Bắc nhầm lẫn do trói buộc bởi ngôn từ, kẻ tham chiến ở phương Nam bị cuốn vào dòng chảy của cuộc Chiến tranh Lạnh, và cả hai bên đều bị đặt vào thế đã rồi.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ là bài học đau đớn nhất, nhục nhã nhất cho dân tộc Việt Nam, mà kẻ chịu trách nhiệm không chỉ là người Mỹ mà còn là chính những người lãnh đạo cộng sản phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh ấy, dân tộc Việt tự biến mình thành vật đệm giữa hai toa tầu, là đám lính đánh thuê cho hai hệ thống tư tưởng trái chiều đang tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh. Trong suốt một thập kỷ, nước Việt Nam đã thực sự biến thành cái cối xay thịt khổng lồ nhất trong lịch sử của toàn thể loài người.
Năm 2005, tôi trở lại Pháp.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” chủ động mời tôi đến ăn cơm tối với họ để trao đổi tình hình. Tôi nhận lời. Bữa cơm ấy diễn ra ở một quán ăn thuộc quận 13. Trước khi đến Paris, tôi đã ở Turin (Ý) một tuần. Trong tuần lễ đó, khá nhiều báo Ý đã phỏng vấn tôi và đã đăng bài tức khắc. Một trong số các bài báo ấy, có đề tựa “Mười triệu người chết trong cuộc chiến Việt Nam”.

Trong các cuộc phỏng vấn tại Turin, tôi đã kể lại hai điều:

– Thứ nhất, khi làm người viết thuê cho các ông tướng, tôi được nghe họ nói với nhau: Chúng ta chỉ công bố con số thật sự khi người Mỹ bồi thường chiến tranh. Như thế, con số phía Mỹ đưa ra (khoảng 5 triệu tử vong) lẫn con số chính quyền Việt Nam đưa ra (hai triệu rưỡi) đều là số sai sự thật.

– Thứ hai, chỉ khi đến Turin tôi mới biết lính các nước chết ra sao và nhờ có sự so sánh ấy, tôi mới biết thân phận người lính và người dân Việt Nam đau khổ đến mức nào. Năm 2005, cuộc chiến tranh đang xảy ra ở Iraq. Báo mỗi ngày đều đăng tin bao nhiêu lính Mỹ, bao nhiêu lính Iraq tử vong. Nếu con số đó chạm tới năm chục đã khiến các nhà báo làm rộn lên, chất vấn tổng thống. Khi số tử vong chạm đến số 100 thì sự căng thẳng trong chính trường đã khiến Nhà Trắng điên đầu. Trong chiến tranh Việt-Mỹ, mỗi lần B52 bay qua, chỉ hai ba phút, dân thường, thanh niên xung phong chết hai trăm, ba bốn trăm, thậm chí nơi đông hơn sáu trăm người nhưng không có một dòng trên báo, không một câu trên đài phát thanh. Không ai hay biết, kể cả người Việt lẫn người nước ngoài.

Tôi nói với các nhà báo Ý:

“Tới tận năm nay, gần sáu mươi tuổi tôi mới thấm thía sự khác biệt giữa kiếp người. Nhờ đọc báo phương Tây, tôi mới biết là người Mỹ và người Iraq chết như người, chết theo kiểu người. Chúng tôi, những người Việt Nam, chúng tôi chết như kiến, chúng tôi chết như ruồi, chúng tôi chết như lá khô rụng, cái chết của chúng tôi hoà lẫn bùn đen, và tan trong câm lặng.”

Vì ở Turin có những Việt kiều liên hệ chặt chẽ với nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris và gửi báo cho họ nên trong bữa cơm tối hôm ấy, tôi bắt buộc phải bàn cãi với họ về chủ đề chiến tranh Việt-Mỹ. Tôi đã thuật lại cho họ nghe sự tổn thất to lớn của dân tộc khi những người lãnh đạo mắc chứng vĩ cuồng. Rất nhiều trận xảy ra khi lực lượng trinh sát thăm dò địa hình địa vật không kỹ, bộ phận hậu cần chuẩn bị khí tài chưa đủ nhưng cấp chỉ huy ham lập thành tích nên cứ đẩy lính ra chiến trường, kết quả là đại bại. Trong khi ở chiến trường xác lính chết ngập suối, nước không chảy được, chim cắt chim kền kền ăn thịt no đến mức không bay lên nổi, lệnh ở Hà Nội vẫn tiếp tục giục tấn công. May mắn là còn có những vị tướng biết thương dân, thương lính, khóc đỏ mắt, quyết định rút quân và làm báo cáo giả để gỡ tội.

Hồi ấy, tổng tư lệnh của cuộc chiến là Lê Duẩn, đã đưa ra khẩu hiệu:
“Dân tộc chúng ta là dân tộc anh hùng, chỉ có thắng không có thua.
Quân đội chúng ta là quân đội anh hùng, chỉ có tiến không có lùi.”
Điều đó có nghĩa: Chỉ tiến công, không phòng thủ!

Xưa nay, trong lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của dân tộc, bao giờ chúng ta cũng lùi về rừng núi để chờ thời gian mài mòn lòng kiêu ngạo lẫn ý chí quân địch, cũng là để khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt quật ngã chúng, cũng là để củng cố quân đội rồi chờ thời cơ thuận lợi mới huy động binh lính và dân chúng tổng tấn công. Khẩu hiệu của ông Lê Duẩn đưa ra là một sự sáng tạo thuần tuý, một ý thơ bay bổng, xuất phát từ tham vọng và lòng kiêu mạn cộng sản. Nhưng thơ phú là thứ chỉ để ngâm ngợi khi gió mát trăng thanh, thơ mà trà trộn với chiến tranh nó biến thành núi xương sông máu.

Đám tướng lĩnh không dám tuyên bố thẳng thừng, nhưng đều hiểu ngầm rằng lãnh tụ của họ là một kẻ vĩ cuồng.

Nhóm “Việt kiều yêu nước” ở Paris nghe tôi nói xong thì hai nhân vật chủ chốt phản ứng dữ dội. Ông X bảo:

– Mục tiêu biện minh cho phương pháp. Muốn thắng cuộc trong chiến tranh thì phải chấp nhận tất cả.

Ông Y phản ứng với con số Mười triệu:
– Con số đó không thật. Ở nước Pháp chúng tôi có các biện pháp khoa học về dân số để chứng mình là con số ấy sai. Làm sao chị có thể nghe theo mấy thằng tướng ngu ấy được?

Tôi im lặng không đáp. Nhưng hôm sau, tôi có nhờ ông Phan Huy Đường, lúc đó còn dịch sách của tôi, nói lại với ông Y:

– Nhờ Đường nói với ông bạn của Đường là về Việt Nam chớ mở mồm mà bảo mấy ông tướng là ngu. Bởi vì, rất nhiều hạ sĩ quan thời đó (trung uý, đại uý, thiếu tá…) biết rõ rằng sinh mạng họ được bảo tồn là nhờ những ông tướng thực sự thương lính và không ham thành tích như tướng Vũ Lăng. Bây giờ, nếu không giải ngũ họ cũng đã leo lên đại tá hoặc thiếu tướng. Nếu ông Y mở mồm bảo tướng của họ là thằng ngu hẳn họ sẽ cho một báng súng vào đầu, hiền hoà nhất họ cũng khạc vào mặt.

Đấy là phản ứng duy nhất của tôi. Trong thâm tâm, tôi quyết định chia tay.

Tôi nghĩ, đám người này cần cuộc chiến tranh chống Mỹ như người đàn bà cần son phấn. Giữa họ với ta chẳng còn điều gì đáng nói. Một cuộc chia tay vĩnh viễn là điều hợp lý hơn cả. Không cần kiệt xuất thông minh, chỉ cần chịu khó quan sát sẽ thấy ngay rằng cộng đồng người Việt ở nước Pháp là một cộng đồng không bản sắc, sống co cụm, một bầy thỏ ngoan ngoãn đối với chính quyền. Họ không gây ra các vụ lộn xộn như người da đen và người Arab theo đạo Hồi, nhưng họ cũng chẳng có tiếng nói, chẳng có một gương mặt nào trên các diễn đàn quyền lực. Vì bản chất nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó nên họ thành công ở mức trung bình, trở thành kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, giáo viên đã là giấc mơ tột đỉnh. Hội nhập vào xã hội Pháp chưa lâu, sự tự tin vào bản thân chưa đủ, họ lại bị ám ảnh bởi thân phận lớp người Việt Nam nhập cư trước họ, những người lính thợ bị thực dân cưỡng bức rời quê hương sang Pháp phục vụ tại một số nhà máy làm thuốc súng để thay thế cho các công nhân Pháp ra chiến trường.

Năm 1937, để dự phòng chiến tranh, bộ trưởng Bộ Thuộc Địa và Quân Đội (ministre de la Colonie et de la Défense) Georges Mandel dự tính tuyển 80.000 người Đông Dương. Tháng 6 năm 1940 đám thanh niên Việt Nam được dẫn đến hải cảng Pháp gồm: 10.750 người trung kỳ, 7.000 người miền Bắc, 2.000 người miền nam. Đám lính thợ này đã bị đối xử như những con vật, bị dồn vào sống trong những khu nhà tồi tàn, không điện và thiếu nước, không nơi vệ sinh, không lò sưởi và thức ăn không đủ nửa khẩu phần. Mùa đông, những kẻ khốn khổ ngủ trên sàn, đại tiểu tiện ngay bên ngoài cửa, người nọ dẫm vào phân người kia. Đói khát, họ phải đào rễ củ và hái rau dại về ăn. Cái sự thật tàn nhẫn này bị vùi trong câm lặng. Cho đến đầu thế kỷ XXI, mới có vài nhà báo Pháp lên tiếng. Sau đó, Bernard Kouchner, vốn là một ngôi sao cánh tả nhưng sau thất bại của Ségolen Royal trong cuộc tranh cử 2007, đã nhận lời làm bộ trưởng bộ ngoại giao cho chính phủ Sarkozy mới chính thức lên tiếng xin lỗi vì: “Nước Pháp đã đối xử với những người lính thợ Việt Nam như đối với súc vật.”

Trong thực tiễn, nước Pháp đã đối xử với đám lính thợ Việt Nam còn tệ hơn súc vật bởi khi cưỡng chế thanh niên Việt Nam sang Pháp, họ dồn đám người này xuống hầm tầu còn tầng trên, thoáng mát hơn thì để dành cho… những con bò. Cái kinh nghiệm tồi tệ ấy được cấy trong tim như một quá khứ sầu thảm, cộng đồng người Việt không thể tránh khỏi mặc cảm của những kẻ vừa là dân nhập cư, vừa mang nhãn hiệu “Được lôi ra từ vùng đất thuộc địa”. Thế nên, cuộc sống tinh thần của họ dường như đột ngột khởi sắc, bừng bừng ánh sáng khi cuộc chiến tranh Việt-Mỹ xẩy ra. Tại sao?

Dễ hiểu thôi, tinh thần “Bài Mỹ” là chất xi-măng gắn kết một số đông quốc gia trên thế giới, không chỉ các nước thuộc phe Xã hội chủ nghĩa nhưng ngay cả các nước phương Tây. Hành vi của nước Mỹ không chỉ gợi lên lòng căm thù nhưng kèm theo đó cả sự sợ hãi. Nếu có tiền lệ một nước nhược tiểu bị Mỹ chà nát thì sẽ đến lượt các nước khác theo thành ngữ, “Không bao giờ có lần thứ nhất, lần thứ hai mà lại không có lần thứ ba”.

Vả chăng, về mặt lý, cuộc chiến này không thể biện minh, “Không một người Việt Nam nào mang bom sang giết người Mỹ.”

Dù cộng sản hay không cộng sản thì sự thực là không có một người Việt Nam nào cầm dao hoặc cầm súng sang tận nước Mỹ để giết một người Mỹ, hoặc ngay đến một con bò trong trang trại Mỹ cũng không.

Vì thế, lương tâm nước Mỹ phải thức tỉnh. Các vụ biểu tình phản đối chiến tranh trước toà Nhà Trắng của Mỹ điệp với các cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ tại các nước khác. Tiếng hát và ngọn lửa tự thiêu của trí thức Mỹ đốt nóng cả châu Mỹ La-tinh và châu Âu.

Vào thời điểm ấy, người Việt Nam nhập cư chống chiến tranh được hưởng một sự ưu đãi vô tiền khoáng hậu. Đi đến đâu họ cũng được thăm hỏi, giúp đỡ, được coi là người của “một dân tộc anh hùng”. Và, trên các diễn đàn chống chiến tranh, đại diện của “tổ chức Việt kiều yêu nước” được xuất hiện bên cạnh những nhân vật quan trọng bản xứ mà nếu không nhờ ân sủng của cuộc chiến này, không bao giờ họ có cơ hội và có tư thế tiếp xúc. Để ví von, có thể nói rằng: Những con chim vốn nép mình trong bóng tối nhờ ánh đạn lửa mà được nhô đầu ra và há mỏ cất tiếng kêu.

Thế nên, họ cần cuộc chiến tranh Việt-Mỹ.

Lòng ích kỷ, cái kiêu ngã của con người quả là vô giới hạn. Những kẻ sống ở một phương trời, cần máu đồng bào phải đổ ở một phương trời khác để tô điểm cho cuộc sống tinh thần của chính mình.

Chiến tranh thật đẹp khi nó được tạo bằng máu xương kẻ khác!

Từ đây, tôi nghi ngờ hai từ “yêu nước”. Phía sau danh từ này có vô vàn tâm trạng, có vô số động cơ, hoặc xác thực, hoặc ngầm ẩn, hoặc có ý thức, hoặc vô thức.

Danh từ nào cũng lập lờ và cũng có khả năng phản lại nghĩa chính thống.

Như thế, giữa người Việt với người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông vô hình. Chắc chắn cũng còn khá lâu mới bắc được cầu qua những con sông ấy.

Chiến tranh Việt-Mỹ đã qua, nhưng sau đó không lâu cái tên Việt Nam lại dội lên trên các kênh thông tin quốc tế. Lần này, là một thứ ồn ào dơ dáy. Chẳng còn là người anh hùng bé nhỏ dám đương đầu với đế quốc Mỹ mà là tác giả của Khổ nạn Thuyền nhân. Ở châu Âu, phái đoàn Việt Nam không còn được chào đón bằng cờ và hoa mà bằng cà chua và trứng thối. Tôi nhớ rằng lần đi châu Âu, ông Võ Văn Kiệt đã hứng trọn một quả trứng thối vào giữa mặt còn đến lượt ông Phan Văn Khải thì thoát nạn nhờ sự bố trí, dàn cảnh công phu của cảnh sát Pháp. Sự đời vốn đổi thay như các lớp tuồng. Điều khốn khổ cho người Việt Nam là dường như họ chỉ được biết đến trong các tình huống đau khổ. Kể từ khi làn sóng “Thuyền nhân” dịu đi, Việt Nam gần như chẳng còn gì để nhớ. Cứ nghe đài phương Tây thì biết, người ta chỉ nhắc tới hai từ Việt Nam khi nhắc tới cuộc chiến tranh Việt-Mỹ, bởi rất nhiều trí thức phương Tây, đặc biệt là các văn nghệ sĩ đã tham gia vào phong trào chống chiến tranh và tuổi trẻ của họ gắn bó với những kỷ niệm của một thời sôi động. Tuy nhiên, ngay cả những người kiên nhẫn nhất và hiểu biết Việt Nam nhiều nhất cũng chưa dám quả quyết rằng họ nắm được sự thực về cuộc chiến tranh này. Điều đó, quá khó khăn.

Một lần, một nhà văn Pháp hỏi tôi:
– Cái gì tạo nên sức mạnh của chúng mày trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ?
Tôi đáp:
– Một nửa là thói quen của hàng ngàn năm chống xâm lược. Nửa kia là sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân.
Anh bạn chưng hửng:
– Mày không đùa đấy chứ? Ai có thể tin nổi một thứ lý thuyết quái gở như thế.
Tôi cười:
– Rất nhiều thứ quái gở ở phương Tây lại là sự thực đơn giản ở phương Đông. Và ngược lại.
Bây giờ, tôi xin giải thích “thứ lý thuyết quái gở” này.

Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ được đảng cộng sản phát động với lời tuyên bố: Đánh đuổi quân xâm lược Mỹ.

Năm 1964, tôi mười bẩy tuổi. Vào tuổi ấy, tất thảy thanh niên ở miền Bắc không có quyền nghe đài nước ngoài, không có ti-vi, không có máy quay đĩa, không có bất cứ nguồn thông tin nào ngoài báo chí cộng sản và đài phát thanh trung ương. Lần đầu tiên, tôi được nghe những bài hát nước ngoài là năm tôi mười sáu tuổi. Mùa hè năm 1963, anh họ tôi là phiên dịch tiếng Nga dẫn tôi cùng đứa em trai đến nhà ông chuyên gia mỏ thiếc Tĩnh Túc ở Hà Nội. Ông bà ấy đón tiếp rất tử tế, ngoài việc chiêu đãi bánh ngọt và nước trà chanh, còn mở máy quay đĩa cho chúng tôi nghe. Cảm giác của tôi lúc đó là choáng váng, như muốn chết. Đó là cảm giác thật sự khi con người lạc vào một thế giới mà họ vừa cảm thấy ngây ngất vừa cảm thấy như ngạt thở. Đĩa nhạc đó là của Roberto… (không nhớ họ), một giọng ca Ý tuyệt diệu nhưng chết trẻ. Những bài hát tôi nghe là các bài nổi tiếng cổ truyền: Ave Maria, Santa Lucia, Paloma, Sérénade, Histoire d’amour, Besame Mucho…

Ra khỏi cửa nhà ông chuyên gia Nga nọ, tôi bước đi loạng choạng. Lần đầu tiên, tôi hiểu rằng cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống của những kẻ bị nhốt dưới hầm. Những bài hát kia là một thứ ánh sáng mà lần đầu tiên tôi được thấy. Ánh sáng đó rọi từ một thế giới khác, hoàn toàn ở bên ngoài chúng tôi. Kể lại chuyện này, để hậu thế nhớ rằng, thời đại của chúng tôi là thời đại của một thứ chủ nghĩa ngu dân triệt để. Một thứ chủ nghĩa ngu dân tàn bạo, nó buộc con người sống như bầy súc vật trong một hàng rào được xây nên bằng đói khát, hà hiếp và tối tăm.

Khi con người bị điều khiển cùng một lần bằng tiếng gào réo của dạ dầy và cái bỏng rát của roi vọt thì họ không thể là người theo nghĩa thực sự. Chủ nghĩa ngu dân là thứ lá chắn mắt ngựa, để con vật chỉ được quyền chạy theo chiều mà ông chủ ra lệnh. Khi tất cả những con ngựa đều chạy theo một hướng, ắt chúng tạo ra sức mạnh của “bầy chiến mã”, nhất là khi, trong máu chúng đã cấy sẵn chất kích thích cổ truyền “chống xâm lăng”.

Với lũ trẻ là chúng tôi thời ấy, danh từ Xâm lăng dùng để chỉ: quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh, và bây giờ là quân Mỹ. Danh từ ấy đồng nghĩa với Tô Định, Mã Viện, Thoát Hoan… Tóm lại, Mỹ là lũ giặc phương Bắc nhưng mũi lõ, mắt xanh, tóc vàng.

Ngôn ngữ vốn là một nhà tù, mà chúng tôi không có điều kiện để tiếp cận với các nguồn thông tin khác, các ngôn ngữ khác, nên hiển nhiên chúng tôi là đám tù binh ngoan ngoãn sống trong nhà tù ấy, đinh ninh rằng mình ra đi là để bảo vệ non sông.

Bởi vì, tổ tiên chúng tôi đã quen chết hàng ngàn năm để chống lại những kẻ thù mạnh hơn họ bội phần, chúng tôi cũng sẵn sàng ra chiến trường chống quân xâm lược Mỹ theo đúng cách thức ấy.

Đó là lý do tôi nói, “sức mạnh của chủ nghĩa ngu dân”.

© Dương Thu Hương

Sách: “Voices from the Second Republic of Vietnam” (Tiếng nói từ nền đệ nhị VNCH)

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Việt Nam on 2015/03/08 at 14:39

Cộng đồng thuộc giới trí thức, nhất là sử gia hàn lâm tại Hoa Kỳ và các nước đã phát triển từ tây sang đông đang dần dần chuyển mình trong các hoạt động có lợi cho lý tưởng của cộng đồng Việt hải ngoại dù rất chậm.

Sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm gần bốn mươi năm, một số nhà nghiên cứu dần tìm cách trườn thoát khỏi vị trí thiên tả đầy định kiến với xã hội miền Nam trước 1975.

Cái định kiến thiên tả (ảnh hưởng và tạo ảnh hưởng dư luận qua phong trào chống chiến tranh, nhất là tại Hoa Kỳ) này đã không ít thì nhiều tạo tác động tiêu cực đến sự phát triển cộng đồng người Việt tỵ nạn CSVN khắp nơi trên thế giới. Những nhà nghiên cứu này hiện phần nào đang tiếp tay chúng ta xây dựng một công trình phục hồi lịch sử và văn hóa miền Nam Việt Nam.

Trong đó có một sản phẩm mới rất giá trị mà chúng tôi muốn giới thiệu ở đây.

Mời quý bạn và quý vị xem sách mà chủ bút là học giả Keith Taylor–tác giả nổi tiếng của quyển “The Birth of Vietnam” (Việt Nam Khai Quốc”)–vừa cho xuất bản:

Voices from the Second Republic of Vietnam” (Những tiếng nói từ nền đệ nhị VNCH),

Xin được nhắc lại, học giả Keith Taylor là “hiện là giáo sư Khoa Khảo Cứu Á Châu (Asian Studies) ở đại học Cornell, New York. Ông thông thạo tiếng Việt và là cựu chiến binh đã sang đánh trận ở Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Quyển “The Birth of Việt Nam” (Việt Nam Khai Quốc) được thành hình từ luận án tiến sĩ của ông (hoàn tất năm 1976 tại đại học Michigan), dựa trên những khảo cứu của rất nhiều tài liệu Trung Hoa, Nhật Bản, và Việt Nam, cùng những bằng chứng từ những địa thế được khai quật vào giữa thế kỷ 20. Ông ra mắt quyển A Concise History of Vietnam (Lịch Sử Việt Nam Tóm Lược (Cambridge University Press). Gần đây, ông đã xuất bản tuyển tập biên khảo/nhận định Monde du Viet Nam (với Frédéric Mantienne) để tỏ lòng thành đối với Giáo sư Nguyễn Thế Anh (Paris: Les Indes Savantes, 2008).” (http://damau.org/archives/5400) [Toàn bộ bản tiếng Việt của quyển “The Birth of Vietnam” (Việt Nam Khai Quốc) đã được đăng tải trên tạp chí Da Màu]

Đại ý của sách “Những tiếng nói từ nền đệ nhị VNCH” qua lời giới thiệu của nhà xuất bản:

“Các bài tiểu luận trong cuốn sách này bắt đầu từ một hội nghị chuyên đề được tổ chức tại Đại học Cornell vào tháng Sáu năm 2012. Nhiều kinh nghiệm và quan điểm trình bày đa dạng trong quyển này được viết bởi những người, trong khi đối mặt với một cuộc chiến vô vọng, vẫn đã nỗ lực cùng chính phủ đại diện xây dựng một hệ thống hiến pháp trong khuôn khổ của nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa (1967-1975).

Chế độ Việt Nam Cộng Hòa thường được cho là một thực thể tồn tại thống nhất trong suốt hai thập kỷ (1955-1975). Tuy nhiên, chính trị Việt Nam lúc đó thật ra đã xuyên qua một quỹ đạo thời chiến rất năng động chuyển mình từ độc tài (Đệ Nhất Cộng Hòa, 1955-1963) qua thời hỗn loạn (giai đoạn trung, 1963-1967) để thành một thử nghiệm tương đối ổn định có bầu cử dân chủ dưới nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Các thành kiến xưa nay về hai giai đoạn đầu tiên này tại miền Nam Việt Nam thường xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm, kể cả hai loại hàn lâm và phổ thông, và đa số thường là những khắc họa cho một bức tranh châm biếm về một chế độ độc tài tham nhũng và không ổn định. Chưa có mấy ai tìm cách đánh giá những thành tựu trong suốt tám năm đó của nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa. Các dữ kiện trong tập sách này phản ảnh nhiều kinh nghiệm, quan điểm, và phong cách thể hiện khác nhau. Các hồ sơ này đã cho thấy các mục tiêu và ý kiến của những người trí thức miền Nam trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 thật đa dạng. Sự đa dạng này là lý do căn bản nhất cho việc tham chiến khi so sánh với xã hội toàn trị của miền Bắc Việt Nam.

Các thành kiến rập khuôn giữa người Hoa Kỳ lúc đó và sau này, thậm chí cho đến ngày nay, khi nhận định rằng nền đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa là một chế độ độc tài nên xứng đáng để đánh bại, dù là một sự vu khống thời cơ nhưng vẫn là một sự vu khống.

Những nỗ lực của miền nam Việt Nam để tạo ra một chính phủ dân chủ dù trong nghịch cảnh là một câu chuyện vẫn chưa cách gì vượt ra khỏi những huyền thoại tư lợi của Hoa Kỳ, những huyền thoại đã liệm chôn đồng minh bị nguyền rủa sỉ vả nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Mục đích biên soạn cho cuốn sách này không phải chỉ để vực dậy tiếng nói của người Việt Nam Cộng Hòa trước khi quá trễ, mà còn cho người Mỹ một lựa chọn cuối, sau gần nửa thế kỷ, hiểu rõ hơn đồng minh của mình—người đồng minh mà hàng ngàn thanh niên Hoa Kỳ đã vì họ mà hy sinh.”

Một vài tác tác giả tiêu biểu trong quyển sách này là cựu đại sứ Bùi Diễm, thẩm phán Phan Quang Tuệ, Đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Phan Công Tâm–cựu nhân viên của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Ông Hoàng Đức Nhã–cựu Tổng-trưởng Dân-vận Chiêu hồi và bí thư cho tổng thống Nguyễn văn Thiệu, cũng đã tham gia hội nghị này và chia xẻ nội dung hội nghị (phần I & phần II) với ông Võ Thành Nhân/đài SBTN-Washington DC.

Đề tài hội thảo “Tiếng nói của Miền Nam: Nhận Xét Quan Điểm của những Vị Lãnh Đạo của Miền Nam” (Symposium Voices from the South: Testimonies from the Last Leaders of the Republic of Vietnam) vào tháng 6/2012 (cũng là đề tài trong quyển sách này) bao gồm các vấn đề như sau:

  • Mỹ Hóa Chiến Tranh Việt Nam (Americanization).
  • Giảm thiểu sự Mỹ Hóa (De-Americanization).
  • Tình báo và phản tình báo (Intelligence and Counter- intelligence).
  • Hải Chiến Hoàng Sa -Trường Sa năm 1974 (1974 Battle of the Paracel Islands against the People’s Republic of China).
  • Chiến dịch an ninh và cảnh sát tại Saigon (security and police operations in Saigon).
  • Dân chủ và sự năng động của hệ thống đa đảng  trong Lập Pháp (democracy and multi-party dynamics in the legislature).
  • Cac nỗ lực cố gắng giữ các tự do như báo chí và hội họp (attempts to guarantee civil freedoms such as freedom of the press and freedom of assembly).
  • Cải cách ruộng đất như đạo luật “người cày có ruộng” (agricultural and rural land reforms).
  • Chiến lược kinh tế (economic strategy).

Quý vị có thể xem hình ảnh của các tác giả trong quyển sách này cũng như của ban tổ chức và ông chủ bút Keith Taylor trong thời gian hội nghị tại Đại học Cornell vào tháng 6 năm 2012 tại Việt Báo. Một số hình ảnh khác và dữ kiện về cuộc hội thảo này sẽ được tìm thấy trong bản tường thuật tiếng Anh, “Voices from South Vietnam at Cornell University” (6/15/2012), của giáo sư François Guillemot, người đại diện cho Viện Khảo Cứu Á Châu tại Lyon, Pháp [Lyon Institute of East Asian Studies (IAO)], đã có mặt tham gia trong hội thảo này.

Nỗ lực giữ quyền kiểm soát về lịch sử quá khứ của Việt Nam

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Việt Nam on 2015/02/02 at 12:29

By Thomas A. Bass
February 1, 2015, at 7:29 PM

Thomas A. Bass là phóng viên nghiên cứu đang giảng dạy tiếng Anh và báo chí tại Đại học Bang New York ở Albany.

Năm năm trước, tôi đã bắt đầu một cuộc thí nghiệm – không phải riêng tôi đưa ra – để nghiên cứu kiểm duyệt ở Việt Nam. Năm 2009, tôi đã ký một hợp đồng xuất bản một cuốn sách của tôi ở Hà Nội. Cuốn sách với tựa đề “The Spy Who Loved Us” (Người điệp viên yêu mến chúng ta) kể về câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn, nhà báo nổi tiếng nhất của Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam. (Ông kết thúc sự nghiệp của mình với chức vụ trưởng văn phòng tạp chí Time ở Sài Gòn.) Chỉ sau khi chiến tranh thì chúng ta mới biết rằng ông Ẩn là điệp viên cộng sản và phục vụ như là một vũ khí bí mật chết người của Bắc Việt Nam và đã nhận được hàng chục huy chương quân sự.

Người ta có thể nghĩ rằng cuốn sách về một “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” sẽ được xuất bản tại Việt Nam và không gặp khó khăn, nhưng không có gì được xuất bản tại Việt Nam mà không bị kiểm duyệt. Trong suốt 5 năm qua, tôi chứng kiến cuốn sách của tôi bị cắt xén bởi nhiều người. Khi bản dịch cuối cùng được công bố vào năm 2014, tôi bay sang Hà Nội để gặp gỡ những nhà kiểm duyệt – ít nhất là nửa tá người tiếp chuyện với tôi. Đây là những người tốt, những người dũng cảm, những người sẵn sàng thú nhận hiện tình. Đằng sau họ là một cỗ máy không chân diện hoạt động trên toàn cõi Việt Nam.

Những nhà kiểm duyệt của tôi, trong đó có một vài người cũng là biên tập viên và nhà xuất bản cho tác phẩm của tôi, xin lỗi vì những gì họ đã làm. Họ hy vọng mọi việc sẽ được cải thiện trong tương lai, nhưng như hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang bỏ tù càng ngày càng nhiều các nhà báo, blogger và nhà văn khác, cơn thủy triều đang chảy ngược. Đây là lý do tại sao tôi quyết định đưa một bản dịch chính xác của cuốn sách và công bố cả hai phiên bản (kiểm duyệt và không kiểm duyệt) bên cạnh nhau cùng lúc. Hai văn bản này đã được phát hành trực tuyến vào tháng 11 năm qua, với tổ chức quốc tế Index on Censorship (Chỉ số Kiểm duyệt) thông báo nhiều dữ kiện hơn trong tuần này.

Các nhà kiểm duyệt đã cắt bỏ những gì trong cuốn sách của tôi? Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu thích” nước Hoa Kỳ và thời gian ông học báo chí tại California. Ông chỉ được phép “thấu hiểu” Hoa Kỳ. Tên tuổi và ý kiến của những người Việt lưu vong bị loại bỏ. Cũng cùng bị cắt bỏ là bất cứ lời chỉ trích nào đến Trung Quốc hay đề cập đến hối lộ, tham nhũng hoặc hành động phi pháp của một phần các cán bộ cầm quyền. Thậm chí Võ Nguyên Giáp, vị tướng vĩ đại đã đưa Việt Nam chiến thắng quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954, cũng bị cắt ra khỏi những câu chuyện, vì ông đã không còn được ưa chuộng (trong đảng csvn) trước khi ông qua đời vào năm 2013.

Những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam đã bị cắt bỏ: Chiến dịch Tuần lễ vàng năm 1946, khi Hồ Chí Minh đã hối lộ một khoản tiền lớn cho Trung Quốc để họ rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam; chiến dịch cải cách ruộng đất thất bại trong những năm 1950; làn sóng vượt biên của “thuyền nhân” sau năm 1975; cuộc chiến tranh năm 1978 tại Campuchia; cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 chống lại Trung Quốc. Các cuộc nam tiến, hành trình viễn chinh về phía nam của tộc Việt dọc Trường Sơn, chiếm cứ lãnh thổ trước đây của người Thượng, dân tộc Chăm, Khmer và các “dân tộc thiểu số” khác cũng bị cắt bỏ. Ý nguyện của ông Ẩn được hỏa táng và tro cốt trải xuống sông Đồng Nai đã bị xóa bỏ. Thay vào đó là chi tiết khung cảnh mô tả tang lễ của nhà nước với lời ca tụng của người đứng đầu tình báo quân sự.

Ngoài ra còn có một danh sách dài các “lỗi” trong bản dịch Hà Nội, mà biên tập viên Việt Nam của tôi hoặc đã thực sự hoặc cố ý hiểu lầm, chẳng hạn như “nhà chấp bút”, “phản bội”, “hối lộ”, “gian hoạt”, “khủng bố”, “tra tấn”, “tổ chức bình phong”, “dân tộc thiểu số” và “trại cải tạo”. Người Pháp không được phép có bất cứ điều gì truyền lại cho người Việt. Mỹ cũng không có gì cả. Việt Nam chưa bao giờ tạo ra làn sóng người tị nạn mà chỉ tạo ra người định cư. Các trích dẫn về cộng sản như “vị thần thất bại” bị cắt bỏ. Lời của ông Ẩn tự nhận mình là một người có bộ não Mỹ trong thân thể Việt đã bị cắt. Thực ra, tất cả các câu khiêu hài biếm của ông đều bị cắt bỏ, chưa kể đến lời phân tích của ông về cách người cộng sản thay thế nhà nước cảnh sát của Ngô Đình Diệm với một nhà nước công an của họ. Đến cuối cuốn sách của tôi, toàn bộ trang ghi chú và các nguồn trích dẫn đã bị biến mất.

“Trong thực tế, những thay đổi hiểm độc nhất xảy ra ở cấp độ ngôn ngữ.” (Thomas Bass)

Trong thực tế, những thay đổi hiểm độc nhất xảy ra ở cấp độ ngôn ngữ. Ông Ẩn sinh ra ở ngay vùng ngoại ô Sài Gòn. Ông là một người dân ở miền Nam. Nhưng ngôn ngữ của miền Nam và các chuyên từ văn hóa khác đã bị gọt tỉa ra khỏi văn bản và thay thế bằng ngôn ngữ của người miền Bắc chiếm cứ Sài Gòn năm 1975. Kiểm duyệt liên quan đến việc kiểm soát chính trị và sự khẳng định quyền lực, nhưng trong trường hợp này nó cũng liên quan đến việc kiểm soát ký ức, lịch sử và ngôn ngữ.

Tôi không trách cứ bất kỳ khó khăn đặc biệt khi viện dẫn những sự kiện này. Các tác giả người Việt bị dồn vào câm lặng và cuộc sống lưu vong đã phải chịu đựng đau đớn hơn nhiều. Tôi chỉ muồn khơi bật về thực tế của một chế độ cố quyết bảo vệ đặc quyền của họ. Ở Việt Nam, cả quá khứ và cách bạn nói chuyện về nó đều là tài sản của nhà nước.

Nguồn: Vietnam’s concerted effort to keep control of its past

Tưởng Năng Tiến – Hát Xẩm

In Cộng Đồng, Việt Nam on 2014/08/14 at 18:08

Lấy cớ rằm tháng Tám – Tết Trung Thu – tôi hú cả đống bạn bè tụ lại, uống sương sương vài chai, cho nó đỡ buồn chút đỉnh. Sau khi cạn vài ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, dù tất cả đã bước vào tuổi năm muơi, chúng tôi đều “ngỡ như còn thơ.”

Cả đám đồng ca bài “Thằng Cuội,” bản nhạc mà có lẽ đứa bé nào sinh trưởng ở miền Nam – vào thập niên 1950 – cũng thuộc. Bài đồng dao này được nhạc sĩ Lê Thương viết bằng những lời lẽ rất tân kỳ, dù nền tân nhạc Việt Nam – vào thời điểm đó – còn ở giai đoạn phôi thai.

 

Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ… Nguồn: ttvnol.com

Hát Bộ, hát Chèo, hát Cô Đầu, hát Cải Lương, hát Hồ Quảng… để kiếm sống ra sao thì tôi không biết. Chớ còn hát xẩm thì dù có được (cho) tiền, vẫn nghèo xơ xác.“Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ …”

“Lặng nghe trăng gió hỏi nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…”
“Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…”

Thuở bé, thỉnh thoảng, tôi cũng nhìn thấy những người hát xẩm. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ Đà Lạt, vào lúc chợ đông, gẩy những tiếng đàn buồn bã, và hát những bài ca u uất, giữa sự hờ hững của “ông đi qua bà đi lại.”

Đó là chuyện hát xẩm ở miền Nam, trong trí nhớ non nớt của tôi, khi đất nước đã hoàn toàn chia cắt. Ở miền Bắc, sinh hoạt của một số những người hát xẩm – có lúc – hoàn toàn khác hẳn:

“…khi hoà bình mới lập lại 1954, ông (nhà văn Thanh Tịnh) được giao phụ trách một đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về hướng Bùi Chu – Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát dân gian để động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ di cư của kẻ địch mà hãy ở lại với quê hương. Không biết ai đã có sáng kiến đặt Thanh Tịnh vào việc ấy? Song quả thực, đấy là một trong những lần, tài năng của Thanh Tịnh được sử dụng một cách đắc địa (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người — Saigon: Phuong Nam Corp, 2002 — 174).

Tác giả đoạn văn vừa dẫn (tiếc thay) không viết thêm một chữ nào về chuyện “quả thực” này, để người đọc có dịp biết thêm, xem “tài năng” của Thanh Tịnh đã được “sử dụng một cách đắc địa” ra sao – trong việc “động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ địch di cư” vào Nam. Nhưng vẫn cứ theo như lời của Vương Trí Nhàn thì cuộc sống của những kẻ ở lại – như Thanh Tịnh – cũng (vô cùng) buồn bã:

“Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu muơi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, duới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn (sđd , 181).

Cỡ như Thanh Tịnh (một nhà văn tăm tiếng, biên tập viên của tạp chí Văn Nghệ, sĩ quan cao cấp của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Anh Hùng) mà còn “đăm chiêu” và “đờ đẫn” như thế thì toàn dân đã sống (dở, chết dở) ra sao – bên kia vĩ tuyến – là chuyện mà ai cũng có thể thấy được, trừ những người đui.

Còn hàng triệu người bỏ đi thì hậu vận cũng không sang sủa gì hơn. Họ bị bắt lại, trọn đám, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng! Từ đây, “Nam / Bắc hoà lời ca.” Một bản trường ca hơi khó hát nên rất nhiều triệu người đã liều mạng đâm xầm ra biển, hay ù té bỏ chạy thục mạng qua biên giới xứ người.

Họ là những kẻ thuộc thành phần “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” – theo như nguyên văn lời giải thích của Chính Quyền Cách Mạng, với dư luận thế giới bên ngoài, và với lũ cột đèn (còn) ở lại.

Không hiểu những người ra đi như thế đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao – nơi đất lạ quê người – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ gửi về cố hương đã cứu sống toàn dân, cũng như toàn Đảng, khi cả nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn và đói kém.

Từ đó, Nhà Nước đổi mới tư duy, và (cùng lúc) bắt đầu… đổi giọng. Theo như ngôn ngữ đương đại thì những kẻ phản bội tổ quốc đều đã trở thành “khúc ruột xa ngàn dặm”, và là “một thành phần không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc.” Nghị Quyết số 36-NQ/TƯ, về “Công Tác Ðối Với Người VN Ở Nuớc Ngoài”, đã ra đời (hơi muộn) vào ngày 26 tháng 3 năm 2004 – dựa trên cơ sở đó.

Đây là công tác quan trọng, được đảm trách bởi Bộ Ngoại Giao, do một vị Thứ Trưởng đứng đầu. Ngoài những ban ngành phụ thuộc, mỗi thành phố lớn đều có (thêm) một vị Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài- chuyên trách về khu vực của mình.

Nếu bỏ những chức danh như Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài… qua một bên – cho nó đỡ rườm rà – và nói trắng phớ ra thì đây chỉ là một đoàn hát xẩm tân thời, chấm hết. Vấn đề chỉ khác ở chỗ là bây giờ (ta) không động viên đồng bào ở lại với Đảng và Nhà Nước nữa (vì chúng đã đi hết rồi) mà chỉ kêu gọi họ đừng đi luôn, tiếc lắm, thế thôi!

Sau đây là báo cáo của Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài Tại Thành Phố H.C.M:

Nguyễn Chơn Trung – Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM (Nguồn: nguoivienxu. vietnamnet. vn)

Không biết cái viện (thổ tả) nào đã sản xuất ra cái loại viện sĩ, như Nguyễn Chơn Trung. Ông ấy thường hay nói chữ, và nói (rất) ngu. Mấy tỉ Mỹ Kim tiền tươi (đổ về ồ ạt hàng năm) mà thằng chả kêu bằng “tiềm năng” và “tiềm lực,” Giời Đất ạ!“Năm 2004 cả nước có khoảng 3,3 tỷ USD kiều hối, riêng TP.HCM đạt 1,8 USD… đó chỉ mới thống kê theo đường “chính ngạch” qua ngân hàng, chưa kể kiều hối về nước bằng những con đường khác nữa. Tiềm năng của Việt kiều rất lớn. Nếu tính xuất khẩu dầu lửa, xuất khẩu gạo của Việt Nam, cả năm phải dùng nguồn lực của toàn dân mới đạt gần 2 tỷ dolar. Trong khi đó, với số lượng kiều hối đổ về quê hương, chúng ta có được 3,3 tỷ dollar. Tiềm lực này nếu bị bỏ quên là điều đáng tiếc”

Thứ Trưởng Nguyễn Phú Bình, Chủ Nhiệm Ủy Ban Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài – có vẻ – đỡ dốt hơn thuộc cấp, khi bàn về “tiềm năng và tiềm lực”của cộng đồng nguời Việt tị nạn:

“Trong số gần 3 triệu người Việt Nam sinh sống định cư ở nước ngoài, uớc tính có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về văn hóa, khoa học và công nghệ, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế… Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”

Ông Nguyễn Phú Bình vốn bị mang tiếng là chỉ biết ăn, chứ không biết nói. Đoạn văn vừa dẫn có thể dùng để biện minh rằng (lâu nay) ông ấy chỉ bị tiếng oan. Nói tình ngay, cả ăn lẫn nói ông Bình đều khá. Chỉ có làm việc là… như cứt!

Không hiểu sau 1954, những đoàn hát xẩm ở miền Bắc đã lôi kéo được bao nhiêu người ở lại với Đảng và Nhà Nước? Chớ còn bây giờ thì con số Việt Kiều mà Thứ Trưởng Nguyễn Phú Bình “chiêu hồi” được – rõ ràng – hơi bị ít.

Năm 2004, có 19 Việt Kiều (1) được mời tham dự “Ðêm Vinh Danh Của Những Người Con Nước Việt Xa Xứ ” – tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 2005 – ở Hà Nội. “Tại sao ban tổ chức lại quyết định lựa chọn con số lẻ 19 người được nhận danh hiệu mà không phải là một con số nào khác?”

Ðây là câu hỏi đã được phóng viên Tạp Chí Người Viễn Xứ nêu ra, và ông Lê Truyền – Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam – trả lời (rất thành thật) như sau:

“Đó chỉ là một con số ngẫu nhiên vì khả năng phát hiện, thông tin của chúng ta mới chỉ được đến thế. Có thể nói rằng công lao đóng góp của bà con Việt kiều ta trên khắp thế giới đối với quê hương đất nước là rất phong phú đa dạng, dưới nhiều hình thức. Việc vinh danh họ sẽ vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong các lần khác. Tất nhiên, có cả những người chưa muốn xuất hiện trong đợt vinh danh này” .

Qua đợt sau, Đêm Vinh Danh Nước Việt 2005 – cũng tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 5 tháng 2 năm 2006 – con số “những người chưa muốn xuất hiện” lại tăng thêm chút đỉnh, làm giảm số người “muốn xuất hiện” xuống chỉ còn 15 mạng (2).

Sự sút giảm này, được nhà báo Trần Khải bàn (ra) như sau:“Trở ngại lớn nhất chính là tự thân chính phủ. Người dân, trong và ngoài nứơc, đa số vẫn không có cảm giác đang được mời xây dựng đất nứơc, mà chỉ có cảm giác đó là lời mời gọi xây dựng chế độ độc đảng tòan trị. Nơi đây, dân không có quyền chọn lựa chế độ, không có quyền chọn lựa chính phủ, không có quyền chọn lựa dân cử. Không tự do báo chí, không tự do tôn giáo, không tự do đi lại hay các quyền căn bản khác. Với người đã từng sống ở Mỹ-Âu mà về là thấy dị ứng rồi”.

Ông nhà báo (tị nạn) này ở tận California, và cái tâm hơi (bị) lớn nên cách nhìn vấn đề có vẻ quá… vĩ mô. Ở bình diện vi mô, những trở ngại (xem ra)… nhỏ nhặt và giản dị hơn nhiều. Câu chuyện sau đây, đã được nêu lên ở tạp chí Nguời Viễn Xứ (vào ngày 22 tháng 9 năm 2006) sẽ minh chứng điều này:

GS Đặng Lương Mô và vợ, bà Trần Thị Ánh Xuân trong căn nhà A1A2, Khu Quy hoạch nhà ở Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp (Nguồn: nguoivienxu. vietnamnet. vn)


“Để “lạc nghiệp”, ông và vợ, bà Ánh Xuân, quyết định phải “an cư”, nghĩa là tìm mua cho mình một mảnh đất, tự tay xây cất căn nhà theo ý muốn. Với số tiền không nhiều, được tích lũy sau 40 năm làm khoa học ở xứ người, ông bà quyết định mua đất của một công ty nhà nước để tránh những rủi ro đáng tiếc…”
“Trường hợp cụ thể mà chúng tôi muốn đề cập là căn nhà của GS.TS Đặng Lương Mô, Việt kiều Nhật, hồi hương từ năm 2002. Do những công hiến của ông cho đất nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo điện tử Vietnamnet đã bình chọn ông là một trong những gương mặt Việt kiều tiêu biểu được trao giải thưởng Vinh danh nước Việt năm 2005…

Vậy mà chuyện “rủi ro” và “đáng tiếc” vẫn (cứ) xẩy ra! Sau đây là đoạn cuối của bức tâm thư mà giáo sư Đặng Lương Mô gửi đến “các cơ quan chức năng” của Thành Phố Hồ Chí Minh:

“Tôi xa quê hương đã lâu. Ở nơi đất khách quê người, lòng tôi lúc nào cũng hướng về quê hương. Khi được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho trí thức Việt kiều về quê hương sinh sống để đóng góp, tôi rất lấy làm vui mừng và phấn khởi. Khi làm thủ tục hồi hương, tôi cũng gặp không ít khó khăn rắc rối, nhưng rồi mọi việc đều qua đi. Nhưng bây giờ vào lúc cuối cuộc đời, sau bao nhiêu năm cặm cụi lao động dành dụm để xây được một căn nhà thì giấy tờ lại không có, lúc nào cũng thấp thỏm lo âu, nhất là tâm trạng bực bội vì bị công ty Vật liệu và Xây dựng lừa gạt”.

Giáo sư Đặng Lương Mô, có lẽ, vì quá tiếc tiền nên hoá… quẩn! Ở thành phố Hồ Chí Minh (quang vinh) có biết bao nhiêu ngàn “cơ quan chức năng” mà đếm. Tâm thư của ông biết gửi về đâu, ai là người sẽ nhận, và phải đọc? Lẽ ra, ông chỉ nên gửi một bức duy nhất đến viện sĩ Nguyễn Chơn Trung (Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài Tại Thành Phố H.C.M) là đủ.

Và loại thư này của đám Việt Kiều thì ông viện sĩ vẫn nhận được đều đều, và cũng đã lên tiếng giải thích nhiều lần – trước đó. Theo ông Nguyễn Chơn Trung thì vấn đề (chả qua) là vì “trên thông nhưng dưới chưa thoáng,” thế thôi!

Thế thôi, kể như, là huề vốn. Nghe thiệt đã đời. Nhưng (lại) nói năng bóng bẩy và ẩn dụ như thế thì e những Việt Kiều, như giáo sư Đặng Lương Mô, không hiểu thấu. Phải nói rõ hơn rằng đây là tình trạng “trên bảo dưới không nghe.” Nghĩa là sự bất lực của một cơ chế đã hoàn toàn rệu rã vì tham nhũng và thối nát. Thượng bất chính, hạ tất loạn. Trên ăn thì không thể bắt dưới nhịn được. Bây giờ toàn Đảng cứ “nghe cái chủm là táp”, chợ chiều mà.

Số tiền dành dụm cả một đời người – của gia đình ông Đặng Lương Mô – phen này chắc mất, mất chắc!

Nghe (lời) hát xẩm, vào lúc chợ chiều, rõ ràng là dại.

Tôi không đồng tình với việc làm vì tham danh và hám lợi của ông Đặng Lương Mô, và những ông tiến sĩ cùng loại; tuy nhiên, tôi vẫn lên tiếng phản đối đến cùng chuyện tài sản của quý vị bị những đảng viên cộng sản VN cuỡng đoạt. Tôi cho hạn ông Nguyễn Phú Bình, ông Nguyễn Chơn Trung 4 tháng – kể từ hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2006 – để giải quyết dứt điểm chuyện lừa gạt này. Nếu không xong, quý vị sẽ có dịp đọc một bài viết khác – có tựa là “Già Đô, Tiến Sĩ Đặng Lương Mô Và Chuyện Kể Năm 2007 – cũng trên diễn đàn này, với một văn phong (hoàn toàn) không lấy gì làm nhã nhặn.

(Bà) sẽ chửi cho tắt bếp, để chúng mày chừa cái thói đạo tặc đi!

Copyright by DCVOnline 2006

Ghi chú:

(1) Ông Vũ Giản, Thụy Sĩ; tiến sĩ Ông Nguyễn Đăng, Vương quốc Bỉ; tiến sĩ Lương Văn Hy, Canada; tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Việt Nam; viện sĩ Trần Văn Khê, Paris; tiến sĩ Đặng Lương Mô, Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Nam; tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, Hoa Kỳ; ông Lê Phi Phi, Việt Nam; tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Hoa Kỳ; tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Pháp; tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, Pháp; nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, Canada; ông Bùi Kiến Thành, Hoa Kỳ; tiến sĩ Trần Văn Thọ, Nhật; tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận, Hoa Kỳ; tiến sĩ Võ Văn Tới, Hoa Kỳ; kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Pháp; tiến sĩ Trần Thanh Vân, Pháp

(2) TS. Nguyễn Quốc Bình (VK Canada); TS. Nguyễn Trọng Bình (VK Mỹ); PGS, TS. Nguyễn Lương Dũng (VK Đức); TS. Nguyễn Trí Dũng (VK Nhật); Họa sĩ Lê Bá Đảng (VK Pháp); GS,TS. Nguyễn Quý Đạo (VK Pháp); Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (VK Pháp); Bác sĩ Bùi Minh Đức (VK Mỹ); TS. Lê Phước Hùng (VK Mỹ); ThS. Phạm Đức Trung Kiên (VK Mỹ); GS,TS. Đoàn Kim Sơn (VK Pháp); GS Toán học Lê Tự Quốc Thắng (VK Mỹ); Ông Phan Thành – Chủ tịch HĐQT HHNVNONN TPHCM (VK Canada); GS,TS Nguyễn Văn Tuấn (VK Úc) và GS,TS Nguyễn Lân Tuất, VK Nga

VĂN NGHỆ SĨ NÊN HỌC HỮU LOAN ĐỂ GIỮ CHÍNH KHÍ TRƯỚC BẠO QUYỀN

In Cộng Đồng, Lịch Sử, Việt Nam, Văn Chương on 2014/08/14 at 17:58

Hạnh Trần: Tặng các bạn câu chuyện về một tình yêu và bản năng tồn tại vô song trong bối cảnh lịch sử ngặt nghèo của Việt Nam. Một truyện hư cấu có giàu tưởng tượng đến đâu cũng không thể hay hơn

Chân dung nhà thơ (wikipedia)

Lời tự thuật của HỮU LOAN, tác giả “MÀU TÍM HOA SIM”

MÀU TÍM HOA SIM
(Nguyên văn của tác giả)

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…


Nhưng không chết

người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…

Một chiều rừng mưa

Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

Màu tím hoa sim, tím tình trang lệrớm

Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…

(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)

Hữu Loan

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi – Nguyễn Hữu Loan.

Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.

Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chổ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …..
Có lần tôi kể chuyện ” bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ… Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:- Thầy có thích ăn sim không ?- Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ …

Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.- Thầy ăn đi.Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:-Ngọt quá.Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì….tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó … Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …

Chín năm sau, tôi trở lại nhà…Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp….Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ” soạn kịch bản”.

Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: ” yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ.

Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống. Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn …

Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng…Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh.

Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”

Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá! Với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!

Đó là thời năm 1955 – 1956, khi phong trào văn nghệ sĩ bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn. Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì! Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng….Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông …

Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi …

Nhưng lúc nào cũng có người cứu tôi! Có một cái lạ là thơ của tôi đã có lần cứu sống tôi! Lần đó tên công an mật nói thật với tôi là nó được giao lệnh giết tôi, nhưng nó sinh ở Yên Mô, thường đem bài Yên Mô của tôi nói về tỉnh Yên Bình quê nó ra đọc cho đỡ nhớ, vì vậy nó không nỡ giết tôi. Ngoài Yên Mô, tôi cũng có một vài bài thơ khác được mến chuộng. Sau năm 1956 , khi tôi về rồi thấy cán bộ khổ quá, tôi đã làm bài Chiếc Chiếu, kể chuyện cán bộ khổ đến độ không có chiếc chiếu để nằm!

Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học , lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa.

Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chổ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông .

Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đội Phóng tay phát động quần chúng đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại hai cái đầu đó cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đội Phóng tay phát động đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng. Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.

Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó , bữa đói bữa no…. Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên. Tới hồi mới mở cửa, tôi được ve vãn, mời gia nhập Hội Nhà Văn, tôi chẳng thèm gia nhập làm gì.

Năm 1988, tôi ” tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí – xuất bản và đổi mới thực sự. Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu Tím Hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán.

© Hữu Loan

Bất Bạo Động: Tròng Diễn Luận? (phần I)

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Triết Học, Việt Nam on 2014/06/07 at 05:20

Phần I:

PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM

DIỆN

ĐIỂM

 _____________________________

Có một câu tục ngữ tuyệt vời–đó là cho đến khi những con sư tử có sử sách riêng, lịch sử săn bắn sẽ luôn luôn tôn vinh các thợ săn. Điều đó chẳng đến với tôi mãi cho đến sau này. Một khi tôi ngộ ra thì tôi muốn là một nhà văn. Tôi phải là người viết sử đó. Nó không phải là công việc của riêng một ai. Nó không phải là công việc của một cá nhân nào. Nhưng nó là việc mà chúng ta phải làm, vì thế câu chuyện cuộc săn bắn lúc nào cũng phản ảnh sự thống khổ, nỗi cực nhọc, thậm chí cả sự dũng cảm của những con sư tử. ~ Chinua Achebe (Tiểu thuyết gia, nhà thơ, giáo sư, và nhà phê bình người Nigeria)

Oppression_Silence_1

LỜI MỞ ĐẦU

Gần đây các phong trào đấu tranh tại VN thể hiện qua phương cách xuống đường biểu tình chống đối nhà cầm quyền CSVN, nhất là phản đối hành động xâm lược mới nhất của Trung Quốc qua vụ giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981), dường như đang dâng cao.

Ngoài phong trào tự phát kêu gọi tẩy chay hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, những lời “hiệu triệu” (từ các cá nhân sinh hoạt “chém gió” trên mạng—thuộc đảng phái chính trị hải ngoại hay không—cho đến các tuyên bố với ý đồ tốt của những nhóm xã hội dân sự trong nước) liên tục “khuyên” đám đông dân đen nên xuống đường “ôn hòa”. Bất bạo động như thế có làm bạo quyền không ra tay đàn áp bằng bạo lực? Chuyện giờ đã rõ.

Những lời kêu gọi này đã và đang làm mọi người hoang mang trong khi bất bình và phẫn nộ—nhất là sau khi chứng kiến các trấn áp bạo hành tàn nhẫn người biểu tình vào ngày 18/5/2014.  Đây không phải là lần đầu cho các trấn áp bạo hành. Nhưng tình hình đất nước đang đến hồi nguy cập so với năm 2011 khi các cuộc biểu tình bị trù dập trắng trợn bắt đầu xảy ra nơi công cộng trên đường phố.

Trong tình hình như thế, thiết nghĩ là các chất vấn sau đây khá quan trọng nhưng có thể bị xem thường:

  • Xử dụng phương thức bất bạo động để làm gì, trong bối cảnh nào và mang đến kết quả như thế nào, và có lợi/hại cho ai và vì ai?
  • Cuộc đấu tranh bất bạo động với quần chúng có nhất thiết phải là cuộc đấu tranh phi võ trang không?
  • Cuộc đấu tranh bất bạo động với quần chúng này có khi nào chỉ mang lại một “nền hòa bình tiêu cực”[i] vì chỉ là sự vắng mặt của những căng thẳng, bạo động, và nỗi lo sợ bị đàn áp bằng bạo lực chứ không phải “nền hòa bình tích cực” có công lý, hợp tác vì lợi ích chung, và có sự hài hòa giữa cá nhân và xã hội?

Việc gỡ rối trong các nhận xét và phân tích liên quan đến bối cảnh và điều kiện cụ thể dẫn đến phong trào bất bạo động có khả năng thành công hay thất bại do đó là điều cần thiết.

Chúng ta có lẽ cần am hiểu (1) các hành vi cư xử nào đã thành khuôn mẫu nhưng không hề bị chất vấn vì đã được cung cấp sẵn và rồi thành thói quen trong suy nghĩ của các phong trào bất bạo động, (2) quá trình năng động mà trong đó có cả sự phát triển của chiến thuật lâu đời và sự sáng tạo cho các chiến thuật mới, và (3) mối tương quan giữa các phương pháp cụ thể của bất bạo động và mục tiêu ngắn hạn và dài hạn và tầm nhìn của phong trào.

Đây là một vấn đề đáng quan ngại từ lâu nay. Không ai chối cãi phương thức bất bạo động—đặc biệt loại thực tiễn—có những ưu điểm của nó như đã từng được trình bày qua các báo điện tử như một loạt bài trên Dân Luận, Dân Làm Báo, của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và hai thông cáo của đảng Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (hay Việt Tân)—một đăng cùng vào ngày biểu tình 18/5 tại VN, và một mới nhất sau những cáo buộc của CSVN về bạo loạn tại Bình Dương, cũng như trong cuộc phỏng vấn của RFA với đảng Việt Tân gần đây vào tháng 3 năm 2014[ii].

Điều rõ ràng là có một vài hậu quả nghiêm trọng trước mắt một khi phương thức “bất bạo động” dần tạo ra khuôn mẫu do thói quen và trở thành diễn luận (vì được rao giảng cổ võ nhan nhãn rất “hoành tráng” trong và ngoài nước qua nhiều hình thức khác nhau).

Các hậu quả đó là (1) diễn luận bất bạo động vô tình đã loại trừ hành động tự vệ phản kháng một khi đã được định hướng và chỉ đạo (trực tiếp bởi quyền lực thống trị, hỗ trợ bởi nhóm công sai/cánh tay nối dài, và gián tiếp bởi các lực lương xem là độc lập), (2) diễn luận bất bạo động giúp che chở bảo bọc cường quyền độc tài (thông qua cảnh sát, mật vụ, tình báo, và quân sự) trong việc giữ độc quyền về bạo lực (trong một số trường hợp trên thế giới, điển hình là hiện trạng ở Việt Nam), và (3) nuôi dưỡng các ẩn ức tâm lý bạo lực trong diễn luận và phương thức bất bạo động.

Bài viết này sẽ được chia và sẽ đăng thành ba phần: (1) phần phân tích “diện” và “điểm” (hay “hiện tượng” và “bản chất”) liên quan đến các đối kháng/phản kháng của quần chúng tại Việt Nam; (2) phần phân tích hiện tượng tự vệ do nhập nhằng mà tạo ra sự lên án chỉ trích gán là bạo động, và phần phân tích về các ảnh hưởng lợi hại của diễn luận bất bạo động; và (3) phần kết thúc bàn về hạn chế của diễn luận bất bạo động.

PHẦN I

PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM

Thiết nghĩ việc phân tích các tương đồng và khác biệt giữa “diện” và “điểm” (hay “hiện tượng” và “bản chất”) trong hiện tại và các khả dĩ liên quan đến phương thức đối kháng/phản kháng của quần chúng tại Việt Nam là điều không thể thiếu và cần thiết.

Hiểu biết thấu đáo vấn đề phức tạp mang tính sống chết này không hẳn là dễ dàng. Tuy nhiên, hy vọng bài viết này là một đóng góp để chúng ta có thể giúp nhau thông hiểu hơn nguyên tắc, sách lược và tính thực tiễn của bất bạo động và các giới hạn của nó. Hẳn nhiên bài viết lạm bàn này không có ý độc tôn tư tưởng, độc đoán chân lý, hay độc quyền khuyên bảo quần chúng.

Trước khi bàn vào vấn đề này, xin mạn phép định nghĩa diễn luận và các ảnh hưởng tiêu cực của diễn luận trước.

Diễn luận (discourse) là một khái niệm trừu tượng nhưng có thể được nhìn thấy qua “diện”.

Diễn luận bao gồm tất cả những diễn đạt (trong cả ngôn ngữ viết và nói) chung cho một ý nghĩa. Các diễn đạt này được xử dụng qua các dấu hiệu thường nằm trong tri thức biểu hiện của một nền văn hóa. Những ai có khả năng và quyền lực một khi sử dụng những diễn đạt đó sẽ tạo ra tác động và ảnh hưởng dù có chủ tâm hay không.

Tất cả dấu hiệu của diễn đạt khi gộp vào và được lặp đi lặp lại—qua các phương tiện tuyên truyền như truyền thông báo chí và văn học đại chúng (quốc doanh)—sẽ tạo thói quen trong ý tưởng và đi vào tâm lý trở thành vô thức thì gọi là diễn luận.

Ví dụ như diễn luận liên quan đến bất bạo động thì có các dấu hiệu như (1) các điệu bộ cử chỉ (ví dụ bực dọc hay khinh bỉ hành động hay bản thân nhóm công nhân hôi của), (2) cấu trúc (ví dụ như ranh giới giữa Sài Gòn và Bình Dương hay khu Vũng Áng), (3) vật liệu (ví dụ như cờ hay băng rôn khẩu hiệu xuống đường tôn vinh đảng), (4) sự im lặng (ví dụ như sự im lặng của cường quyền và báo chí về dữ kiện giàn khoan Trung Cộng vào lãnh hải VN đã hơn một tháng), VÀ cả dấu hiệu dốt nát (ví dụ như không biết về dữ kiện Trung Cộng xâm lăng hay các cuộc xuống đường). Xin nhớ dấu hiệu dốt nát là một dấu hiệu không thể xem thường hoặc cho là loại rất nhỏ so với các dấu hiệu kia vì tất cả đều nằm trong diễn luận này.

Khi có một tuyên bố về một chủ đề (thuộc về một diễn luận cụ thể) được chọn thực hiện, diễn luận này giúp cho chủ đề xây dựng theo một kiểu nhất định nào đó. Diễn luận này cũng hạn chế trường hợp có thể xẩy ra một khi chủ đề được xây dựng theo những kiểu cách khác.

Tất cả các dấu hiệu này sẽ tạo ra biểu tượng và tín hiệu, và truyền đi bằng thông điệp hầu tạo ra một hiện thực có khả năng “sàng tới sàng lui không cần cảnh báo”. Điểm tối quan trọng là một diễn luận hoàn toàn chủ chốt trong việc quyết định ai là người sẽ nói và nói về cái gì, khi nào, ở đâu, và nói với ai.

Tóm lại, diễn luận khi thực hành thì vừa là một hình thức thông tin và vừa là hành vi tạo ra được ý nghĩa. Diễn luận (qua phương tiện của các dấu hiệu nói trên) được sản sinh bằng cách cài khung (framing) trong quá trình tạo ra ý nghĩa để kiến thức được sản sinh và nuôi dưỡng. Khi kiến thức cưu mang nhiều biểu tượng/thông điệp mang tính tiêu biểu và đồng nhất được tiêu thụ và hệ thống hóa thì sẽ trở thành một ý thức hệ (ideology)—một ‘hệ tư tưởng’ hay là hệ thống những ý tưởng và quan điểm triết học, tôn giáo, hay chính trị.

Diễn luận dẫn đến ý thức hệ và hành động thì dẫn đến cả hai. Louis Althusser và một số học giả cho rằng khi xã hội vận hành quen dần theo một thể cách cụ thể nào đó thì tạo ra ý thức hệ mà xã hội đó đi theo, và diễn luận tạo ra trong lúc xã hội vận hành. Nói một cách khác, diễn luận là một công cụ để chuyển tiếp các hệ tư tưởng. Diễn luận giúp ta hiểu hơn về một xã hội (dù lớn hay nhỏ) và những hệ tư tưởng mà xã hội đó vận hành và chịu ảnh hưởng. Vì vậy, chúng ta từ đó nói và hành động mà không còn suy nghĩ nhiều về diễn luận, và điều này cuối cùng dẫn đến sự tập hợp các ý tưởng hay ý thức hệ.

Diễn luận không chỉ quan trọng cho tư tưởng chính trị, mà quan trọng cho tất cả các loại tư tưởng. Bất kể loại ý tưởng nào mà con người muốn thể hiện hoặc khuyến khích, họ cũng cần phải sử dụng ngôn ngữ đễ diễn đạt biểu tượng và tín hiệu một cách hiệu quả hầu thuyết phục “khán giả” (hay quần chúng).

Vì vậy, quá trình tạo nên diễn luận này nếu không đặt trên nền tảng giá trị mang tính đạo đức (ví dụ các đức tính trong ngũ thường: nhân, trí, tín, lễ, nghĩa) nhưng chỉ khiến “khán giả” phục tùng một cách tự nguyện thì các diễn luận ra đời trở thành loại diễn luận thống trị nhằm phổ biến, tuyên truyền, và kiểm soát việc áp dụng ý thức hệ làm cho con người trong một tổ chức hay xã hội đồng thuận không hề thắc mắc. Ví dụ, đảng CSVN vun trồng ý thức hệ “xã hội chủ nghĩa” qua một số diễn luận cụ thể—như diễn luận “yêu nước”—để thống trị đất nước qua các thông điệp “Yêu nước là yêu chủ nghĩa Xã hội”, “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội”, “Vì Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa” v.v…

DIỆN

Phương cách bạo lực của bạo quyền được thi hành mang tính hệ thống máy móc đã xảy ra đồng loạt toàn quốc trong nhiều năm qua nhưng chưa bao giờ được thấy rõ ràng như trong thời điểm này. Một nhà văn/cựu chiến binh người Bắc—một thời “trung với đảng” tham gia các trận chiến tấn công và cưỡng chiếm miền Nam—sau khi bị bắt chủ nhật 18/5 đã trần tình như sau:

Những con người công cụ này chỉ được giáo dục và rèn luyện về bạo lực. Bạo lực được tuyệt đối hóa. Lòng trung thành cũng được thể hiện bằng bạo lực. Với họ, chỉ có một giá trị là đảng cộng sản của họ.

Đọc tên các bạn trẻ bị bắt, bị đánh tôi lại nhớ đến những lời mạt sát tôi của người bắt tôi. Với những người có tuổi như tôi, họ đánh vào danh dự, vào nhân cách, họ sử dụng bạo lực tinh thần. Với những người trẻ, họ đánh vào thân xác, họ sử dụng bạo lực cơ bắp.  (Nhà văn Phạm Trọng)

Bạo lực tinh thần và bạo lực cơ bắp đã đặc biệt chiếu cố người Sài Gòn, nhất là các em sinh viên thanh niên trẻ tại Hà Nội và Sài Gòn. Hơn thế nữa, không thể chối cãi được là hiện tượng người yêu nước biểu tình bị bắt cóc và mất tích đang bắt đầu nhân cấp. Đây là tội ác rất nghiêm trọng mà CSVN đã và đang vi phạm theo Công Ước Quốc Tế về Bảo Vệ cho Người bị Cưỡng Bắt Mất Tích (The International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance) vào năm 2006 tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Nhưng có mấy ai để ý hoặc biết nêu ra là gia đình người mất tích có quyền được bồi thường và được biết sự thật của việc bắt cóc/thủ tiêu. Trong khi đó thì CSVN xem chừng được miễn nhiễm vì nhiều lổ hổng trong luật lệ quốc tế trong khi cố tình không đưa vào hệ thống luật pháp hình sự.

Hiện nay không khí trong và ngoài nước vẫn bị bế tắc nặng nề bởi lời kêu gọi cho việc sử dụng ôn hòa và “kềm chế” nếu có xuống đường tự phát. Phương thức bất bạo động mang tính thực tiễn này thường bị cài khung (framing) bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan, và từ đó trở thành một diễn luận nhiều hơi hướng nghiêng về cái gọi là “hùng biện lý tưởng” (rhetorics of the ideal). Trong khi đó, ít ai dám lạm bàn về những sự thật và hạn chế của các phong trào đối kháng thường được xem như thành công trên thế giới, và từ đó, có thể xét đến bối cảnh riêng tại VN.

Diễn luận “bất bạo động”—dù chỉ là một trong các phương thức đối kháng/phản kháng nhưng dần dần được xem là cứu cánh—vì thế đang loãng dần ảnh hưởng vì không có tính thuyết phục, một khi vượt lên trên các lý do liên quan đến thiếu cơ hội/phương tiện.

Hãy bàn một chút về hiện tượng và bản chất của phong trào này.

Tất cả hình thức bất bạo động được rút ra từ các phong trào đối kháng của quần chúng xem có vẻ như chiếm ưu thế và xem là thành công trên thế giới.

Chẳng hạn chúng ta ngưỡng mộ thần tượng đấu tranh bất bạo động Mahatma Ghandi và Martin Luther King, Jr. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng chúng ta cũng không thể quên những người đấu tranh với phương cách hình thức tự vệ đối kháng khác hoặc cùng hoặc sau thời của hai nhà đấu tranh này.

Bhimrao Ambedkar (1891 – 1956)

Bhimrao Ambedkar (1891 – 1956)

Ví dụ như học giả/luật sư/chính khách Bhimrao Ramji Ambedkar—một người cùng thời với Gandhi—là một nhà hoạt động chính trị-xã hội nổi tiếng đã không ngừng nghỉ ủng hộ các quyền chính trị và tự do xã hội cho người dân bần cùng thuộc cấp thấp nhất (untouchables) của Ấn Độ. Một trong những bộ sách xuất bản của ông là “Hủy Bỏ Đẳng Cấp” (Annihilation of Caste) mạnh mẽ chỉ trích các nhà lãnh đạo tôn giáo chính thống Ấn Độ giáo, hệ thống giai cấp nói chung, và bao gồm “một lời phê bình khiển trách Gandhi” về chủ đề này. Những người ông phê phán nhiều nhất không phải là trào lưu chính thống hay cực đoan của Ấn Độ mà là thành phần người Ấn tự cho mình là “ôn hòa”—thành phần mà Ambedkar cho là tự mâu thuẫn vì vừa cho mình là ôn hòa mà vừa vin vào các bộ luật của Ấn Độ Giáo. Cho đến nay chúng ta không hề biết đến những hoạt động đóng góp của ông.

ArundhatiRoy-Gandhi-Ambedkar

Laura Flanders phỏng vấn nhà văn/nhà đấu tranh Arundhati Roy về quyển sách “Annihilation of Caste” (“Hủy Bỏ Đẳng Cấp”) của tác giả B.R. Ambedkar và huyền thoại m à phương Tây dựng lên về Mahatma Gandhi (ngày 21/10/2014, https://youtu.be/4-yMiBGBOe0)

Ví dụ như Malcolm X, một mục sư Hồi giáo người Mỹ gốc Phi và một nhà hoạt động nhân quyền cùng thời với Mục sư Martin Luther King. Ông là một nhà hoạt động can đảm ủng hộ một mực cho quyền lợi của người da đen, người truy tố các điều khoản khắc nghiệt nhất về tội ác người Mỹ trắng đối với người Mỹ da đen. Ông khẳng định chưa bao giờ ông là người khuyến khích bạo động[iii]. Tuy nhiên, Malcolm X đã bị gièm pha bằng nhiều cáo buộc rằng ông rao giảng phân biệt chủng tộc và “bạo lực” nên ít ai biết đến.

Malcolm X (1925 - 1965)

Malcolm X (1925 – 1965)

Còn vô số những người xả thân vô danh khác cùng thời cùng lúc đã đóng góp vào sự thành công chung của đất nước và phong trào đấu tranh của thế kỷ 20. Nhưng không phải ai cũng được tôn vinh? Tại sao? Tại sao có người được đề cao là ôn hòa và có kẻ bị lên án là bạo động? Tại sao khi hành động bạo lực của CSVN khi tấn công cưỡng chiếm miền Nam thì được ca ngợi—không những trong sự tự mãn của chính tập đoàn kẻ cướp mà còn từ phương tây, nhất là phe khuynh tả trước đây (dù rằng chân tướng của thằng độc tài gian ác cuối cùng đã lộ ra và bị lên án hiện nay)?

Lịch sử thường được viết bởi kẻ liên kết với quyền lực thống trị—nhất là sau khi thắng cuộc, và trở thành bộ nhớ thuộc lòng cho quần chúng qua cơ chế định hướng dư luận.

Như đã nói trên, tính chất hùng biện của diễn luận bất bạo động sẽ không còn mấy thuyết phục một khi không còn sát thực với tình hình và bối cảnh của một quốc gia. Và chính nó vô hình chung mang tính bạo lực vì đã áp đặt lên dân trí rằng đây là con đường duy nhất, và do đó, vùi lấp một thực tế phủ phàng.

Có ai đã quên rằng một số phong trào bất bạo động chống lại chế độ độc tài đã bị đàn áp thậm tệ và không đi đến thành công trong các quốc gia như El Salvador (1979-1981), Miến Điện (1988) và Trung Quốc (1989)?

Đó là chưa nói đến các thành công giả tạo của phong trào đối kháng bất bạo động.

Ví dụ, trong chiến dịch “Ấn Độ Ly Khai” (Quit India) mà Gandhi tiên phong tại Ấn Độ, ông Gandhi được báo chí Anh tung hô và tạo cho ông có danh tiếng. Báo chí Anh đã chọn tập trung tường thuật vào hành vi bất hợp tác của ông Gandhi thay vì vào hiện tượng hàng trăm cảm tử đã chiến đấu cho độc lập tự do của Ấn Độ bằng cách chế bom và ám sát các quan chức Anh, công chức bản địa.

Một quá trình cũng đã xảy ra như thế song song trong chiến dịch bất bạo động dành dân quyền của ông mục sư/ tiến sĩ Martin Luther King. Các giới truyền thông Hoa Kỳ không báo cáo về cuộc tuần hành đòi quyền dân sự tại Birmingham đã biến thành “bạo loạn”, và trong nhiều trường hợp tương tự, đã thực sự kích thích cho việc luật pháp địa phương và liên bang phải thay đổi dựa trên căn bản cấm không được kỳ thị người Mỹ da đen.[iv]

Khi nào dân chúng tự nguyện nhớ những gì kẻ thống trị muốn nhớ và quên những gì kẻ thống trị muốn quên, và qua đó, tự nguyện đưa cổ vào thòng lọng (qua bộ nhớ lịch sử chính thống) và cảm thấy tự sướng khi được kéo dây, giật, và xiết thì cơ chế đó đạt được việc“ổn định và phát triển đất nước”.

Đây là một trong những biểu hiện vô cùng hiệu quả của bạo lực vô hình (vì không cần sử dụng bạo lực cơ bắp) bằng các phương tiện của diễn luận và ý thức hệ để tạo ngu dân—một xã hội mà ngay cả trí thức cũng câm trong miệng và câm trong óc. Còn phó thường dân trong xã hội này thì sao?  Blogger Tung Do đã viết:

Tỉnh nào cũng có vé số, hằng ngày đưa dân tộc vào những con số (số đề) để đầu óc họ mụ mị đi, để họ cứ đi tìm cách làm giàu hư ảo, để họ quên đi thực tại thối nát, quên đi họ còn có những quyền cơ bản của con người mà Liên Hiệp Quốc công nhận!

Đó là chưa nói đến việc kẻ thống trị bắt chước các mô thức kỹ xảo (nhập từ phương Tây) mang tính tâm lý thụ hưởng ăn chơi và dục vọng của chủ nghĩa cá nhân. Đó là chưa nói đến các phương tiện kỹ thuật và thiết bị hùng biện khác để thống trị và kiểm soát làm đám đông quên lãng. Chẳng hạn như việc sử dụng bộ máy truyền thông làm công cụ. Malcolm X đã từng nhận xét rằng[v]:

Truyền thông là cơ quan quyền lực nhất trên trái đất. Họ có sức mạnh để làm cho những người vô tội có tội, và làm cho những người tội thành vô tội, và đó là quyền lực. Bởi vì truyền thông kiểm soát tâm trí của quần chúng. Nếu bạn không cẩn thận, các tờ báo sẽ khiến bạn ghét những người đang bị áp bức, và yêu những người áp bức.

Câu nói nổi tiếng nhưng không nhiều người biết đến này của Malcolm X có thể giúp chúng ta không còn ngạc nhiên để hiểu được tại sao Malcolm X bị thế giới truyền thông tạo ra một hình ảnh tiêu cực biến ông thành kẻ cần bị bôi nhọ là “bạo động”[vi]. Đây là một đề tài cần một bài tiểu luận riêng về bản chất và hiện tượng cũng như chức năng để bàn về các ảnh hưởng tiêu cực của thế giới và văn hóa truyền thông.

Tóm lại, việc ai chọn cho nói và việc gì được cho thấy qua phương tiện truyền thông chính thống hay các mạng thông tin chiếm ưu thế là một trong những mạch nhập nhằng quan trọng thuộc guồng diễn luận hầu tạo ra hình ảnh/biểu hiện và thông điệp sau cùng. Như vậy thì tín hiệu và bộ nhớ mà quần chúng nhận biết và ghi khắc chưa hẵn là sự thật.
Neutral_Einstein_V version

ĐIỂM

Đấu tranh bất bạo động thường được hiểu đơn giản theo định nghĩa ahimsa của Gandhi tức là không gây hại—không dùng hay trang bị vũ khí và phương tiện bạo động để tấn công cường quyền.

Gene Sharp, một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị (cùng một số học giả khuynh tả khác như Peter Ackerman, Jack DuVall, Jonathan Schell) là người cũng thường được ca ngợi là nhà chủ xướng ra các phương thức bất bạo động mang tính sách lược thực tiễn dựa trên nền tảng này. Phương cách đấu tranh bất bạo động thường phủ nhận sự thụ động, và do đó cho là hành động, nhưng là hành động không dùng bạo lực. Số đông quần chúng và chính nghĩa được sử dụng như là hai nhân tố chính giúp phong trào lớn mạnh và thành công. Neutral_Einstein

Tóm lại, theo Viện Albert Einstein, “phương pháp đấu tranh sử dụng hình thức phản đối tượng trưng, bất hợp tác và thách thức, nhưng không dùng bạo lực, để tạo ra sức mạnh trong các cuộc xung đột”. Các hình thức của bất bạo động được đề cao là tuyệt thực, kiến nghị, phát tán tờ rơi, các cuộc biểu tình mang tính quần chúng, các cuộc đình công bãi thị/bãi khóa, và việc ngăn chặn luân lưu nguồn tiền đóng nộp.

Thật ra, Gene Sharp có đề cập đến các yếu tố của hình thức cưỡng chế (coercion) như là một trong các hình thức của phương pháp bất bạo động[vii]. Ông còn nhấn mạnh rằng chất lượng của các lựa chọn mang tính chiến lược được thực hiện bởi các nhà hoạt động trong phong trào bất bạo động có thể đóng một vai trò lớn trong việc xác định kết quả của cuộc đấu tranh bất bạo động.

Gene Sharp đã cảnh cáo rằng nếu không có hoạch định chiến lược cẩn thận thì năng lượng có thể bị chệch hướng sang các vấn đề nhỏ hoặc áp dụng không hiệu quả; cơ hội để thúc đẩy một chủ đích không sử dụng được; đối phương sẽ thiết lập cách đối phó qua nghị sự; những điểm yếu riêng của phong trào sẽ bành trướng; và nỗ lực để đạt được mục tiêu sẽ ít có cơ hội thành công. Ngoài ra, cách làm suy yếu sức mạnh của một tầng lớp áp bức là tổ chức đối kháng của tầng lớp mà nó thực sự phụ thuộc vào chứ không nhất thiết phải là từ tầng lớp bị áp bức trực tiếp trừ khi sức đối kháng này nhằm giúp thúc đẩy sức mạnh kháng cự của nhóm thứ ba đó.

Các trình bày lý luận này do đó nằm trong phạm trù bất bạo động mang tính thực tiễn[viii]. Việc tự vệ, kháng cự lại bạo lực, can thiệp trực tiếp khi kết hợp với vũ trang thường bị cho ra rìa, không được xem là phù hợp. Do đó phương thức bất bạo động thực tiễn này—dù vô tình hay cố ý—đã tạo ra một trong những cách kiểm soát, bao che, và bảo vệ cơ chế bạo quyền độc tài xảy ra khắp nơi trên thế giới.

Trong thực tế người đấu tranh luôn phản kháng/đối kháng bằng mọi phương thức, mọi nơi và hằng ngày. Hành động họ không hẵn phát sinh nhờ vào sự cổ võ và hướng dẫn của phong trào bất bạo động. Các đối kháng/phản kháng thực tiễn của người đấu tranh cũng có nhiều cấp—từ làm suy yếu tính hợp pháp của bạo quyền cai trị cho đến bất hợp tác cho đến can thiệp trực tiếp[ix].

Trong quốc gia pháp trị thì họ kháng cự bằng cách “làm theo định hướng” chẳng hạn như dùng tòa án để đấu tranh, vạch trần sai trái. Ngay cả dưới chế độ thực dân người ta vẫn thực hiện phần nào điều này. Ở chế độ độc tài toàn trị, độc tài cộng sản thì tòa án là cánh tay nối dài của cường quyền và nguời đấu tranh bị tước bỏ trắng trợn cái phương tiện đó.

Ngoài ra, trong trường hợp tại VN thì dù trong tư cách cá nhân hay nhóm đoàn, người đấu tranh còn sử dụng mọi phương thức, phương tiện bất hợp tác (hay bất tuân dân sự) để phản kháng lại cường quyền. Chẳng hạn như các nhà đấu tranh Dân Chủ không hợp tác khi có giấy mời triệu gọi tới phường để tra vấn. Chẳng hạn như luật sư Nguyễn Mạnh Tường thời Cải Cách Ruộng Đất/Nhân Văn Giai Phẩm đã từ chối tham gia vào guồng máy bạo lực và viết như sau trong quyển hồi ký “Un excommunié (Kẻ bị khai trừ)” xuất bản tại Paris năm 1992:

Tôi không hề tham gia Mặt trận Việt Minh. Bao giờ tôi cũng là một người yêu nước, luôn luôn ưu tư đến việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên tôi tự xác định cho mình một vị trí là làm một người trí thức. Mà người trí thức, muốn độc lập, thì không nên tham chính. Người trí thức phải đứng về phía dân chứ không đứng về phía chính quyền.

Hay như nhà thơ Hữu Loan sau tù đày và tù treo vì tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã chịu đựng nghèo khó mà “không hề cúi đầu” khi quyết định trở thành người “đi bộ ngược chiều”—“chiều của dòng chảy thuần tính xã hội chủ nghĩa, chiều của a dua hay im lặng”, “chiều của dòng chảy tiêu diệt niềm tin, tính tự trọng và …vô cảm trước các nỗi đau của xã hội”.

Và cũng có kẻ/nhóm/làng đã chọn phải tự vệ vì tức nước vỡ bờ, vì mưu sinh sống còn. Malcolm X_Self-Defense

Không có cuộc Nổi Dậy tại Quỳnh Lưu (Nghệ An) mùa đông năm 1956, Văn Giang, Dương Nội, hay Đoàn Văn Vươn, Đoàn Ngọc Viết, Liệt nữ Anh Hào Lê thị Tuyết Mai, không có dân bắt cán bộ xã, không có nông dân quyết tử giữ đất thì liệu người dân có học được bài học nhận thức rồi đi đến hành động quyết liệt làm gương “vượt qua nỗi sợ” để từng bước lớn mạnh đương đầu với cường quyền?

Khi không có sức thì họ sử dụng thế. Đây là thời điểm họ nghĩ đến kế có sách lược chứ không còn tự phát thực tiễn nữa.

Trên hết, họ luôn luôn đề cao cảnh giác không để thông điệp của họ bị chiếm làm của riêng [hay tước hữu (appropriated)]. Vì họ biết rất rõ thông điệp và yêu sách của mình sau giai đoạn chiếm hữu thì đã bị xoa bóp nhào nặn qua nhiều năm tháng hầu định hướng lại cho phù hợp với đường lối chính sách và tuyên truyền của đảng, trong khi không còn mối lợi nào dành cho họ—những phó thường dân—cả.

Trong phạm trù và tầng độ văn hóa này thì người phản kháng cũng vận dụng tri thức quyết từ chối sử dụng những biểu tượng đã bị tước hữu bởi cường quyền.

Ví dụ điển hình về một hình tượng thuộc “tổ quốc” mà đã bị ĐCSVN bắt làm con tin. Cờ đỏ sao vàng dù là quốc kỳ (nguồn cờ xuất xứ từ tỉnh Phúc Kiến của đảng cộng sản Trung Cộng) của CHXHCNVN nhưng đã bị tước hữu bắt làm con tin phục vụ cho chế độ đảng trị CSVN. Khi người tự do hay người đấu tranh sử dụng lá cờ đỏ thì vô hình chung tự đặt để mình thuộc vào với chế độ CSVN, nghĩ rằng mình làm vì tổ quốc mà quên rằng biểu tượng lá cờ đã bị bắt làm con tin từ lâu lắm rồi.

Cũng như thế. Hình HCM, Võ Nguyên Giáp là biểu tượng của ĐCSVN. Giương hình đó lên thì dù muốn hay không cũng là thể hiện một lòng với chế độ của cường quyền. Như đã định nghĩa, lá cờ và hình lãnh tụ là các dấu hiệu mang tính vật liệu phục vụ trực tiếp liên quan đến tròng diễn luận “yêu nước” và phần nào có liên quan đến tròng diễn luận “bất bạo động”.

Trong cuộc đối đầu bất tương xứng giữa cường quyền (dùi cui, gậy điện, còng/cùm, súng, xe phóng thanh, ban tuyên huấn, tv, báo chí, truyền thanh) và người dân muốn tự do dân chủ (trên facebook, blog, twitter, cho thân thế cá nhân) thì tiếng nói và thông điệp là phương tiện mà người đấu tranh có thể sử dụng để tạo ưu thế.

Thông điệp “ổn định” đã bị tước hữu vì nó không còn ý nghĩa trung tính nữa mà bị thuần hóa cho đồng nghĩa với không khiếu kiện, không biểu tình, không phản kháng. Cũng thế, “đồng thuận” đã định hướng trở thành đồng lõa, đồng tình với áp bức trấn lột và bất công. Như vậy “đồng thuận” thành một trong những dấu hiệu “im lặng” trực tiếp liên quan đến tròng diễn luận “yêu nước” và phần nào nằm trong mắc xích của tròng diễn luận “bất bạo động”.

Tóm lại, người đấu tranh không thể để thông điệp đối kháng của mình bị chiếm đoạt làm của riêng [hay gọi ngắn gọn là “tước hữu” (appropriation)], và nhất là không để thông điệp đối kháng của mình rơi vào bẫy bị xào nặn đồng hoá hòa lẫn vào thông điệp của cường quyền chẳng hạn như nhà cầm quyền Việt Nam—kẻ vừa ăn cướp vừa đành trống la làng.

Ngoài ra, thông điệp về bất bạo động là từ nơi ai?

Đám đông phó thường dân hay người/nhóm không vị thế có khi nào được mời ngồi bàn cãi với các nhóm xã hội dân sự, với trí thức và những nhà bất đồng chính kiến, và cả với Đảng CSVN? Đám đông phó thường dân hay người/nhóm không vị thế có khi nào được dự phần xem lời kêu gọi “ôn hòa” mang tầm ý nghĩa chính trị lớn nhỏ và có lợi hại như thế nào trong phong trào đối kháng hay giữ nước? Lý do vì nội gián điệp viên trong các phong trào đối kháng có đủ thuyết phục? Khi nào và trong hoàn cảnh nào phương thức bất bạo động đã tự nó bảo vệ chế độ bạo quyền?

Thêm vào đó, tại sao hành động hôi của cướp phá của công nhân Bình Dương (cho dù có bị giật dây bởi một lực ma mảnh nào đó) bị miệt thị và liệt kê là “bạo loạn”? Giáo sư chuyên gia về VN Thomas Jandl, thuộc trường American University ở Washington DC, đã chỉ ra hố rãnh giữa công nhân bị bóc lột hằng bao năm trời và thành phần người Trung Cộng trấn lột là một trong những nguyên nhân chính hơn là vấn đề địa chính trị (geopolitics):

Bạo loạn có thể dễ dàng bắt đầu từ những vấn đề nhỏ, sau đó cộng hưởng với các yếu tố khác. Họ chỉ là những người công nhân, không phải là học giả khoa học chính trị hay sử gia. Họ có những đốc công “Trung Quốc”, họ cảm thấy rằng những người này không tử tế gì với họ cả, và bây giờ thì những người đốc công Trung Quốc, hoặc ai đó giống họ, lại đang xâm lược đất nước.

Ký giả Bill Hayton/BBC tường thuật tiếp như sau: “Công nhân phàn nàn về lương thấp, điều kiện làm việc kém (như chất lượng đồ ăn trong nhà máy tồi, bị hạn chế đi vệ sinh trong giờ làm việc), và bị giới quản l‎ý trù dập.” Rồi ông Bill Hayton cũng đã xác nhận thêm rằng: “một vài nhà máy [tại Hà Tĩnh], đặc biệt là các nhà máy Đài Loan sở hữu đã ưa tuyển dụng công nhân Trung Quốc hơn công nhân người Việt.”

Trong bài viết cho BBC này, ông Hayton sau đó đã nhận định rằng đây là một “thực trạng tức giận chưa đủ chín: một phần là chống Trung Quốc, nhưng phần có vẻ khẩn cấp hơn là chống lại giới chủ tồi.” Vậy tại sao thành phần công nhân lại trở thành mũi dùi và bị miệt thị?

Khi có miệt thị hành động cưu mang nỗi tức giận chưa chín muồi này của thành phần công nhân là “bạo động” hay “bạo loạn”  thì việc gì xảy ra kế tiếp và có lợi cho ai? Ai tạo ra hố rãnh giai cấp để trị?

Đó là chưa luận bàn đến việc bỗng dưng hành động cướp bóc hôi của bị đánh đồng thành hành động đại diện cho một quốc gia. Đây là một trong những sách lược hùng biện của kẻ chủ mưu: sử dụng thiết bị hùng biện (rhetorical devices) qua “tấn tuồng” nhằm thuyết phục “khán giả” trong và ngoài nước là hành động “bạo loạn” này của công nhân Bình Dương là điều không thể chấp nhận được.

Một khi đã thuyết phục được thì sẽ có các phản ứng ảnh hưởng nào lọt bẫy kẻ mưu chước?

Chắc hẳn không ai lại cổ võ hoặc bỏ qua cho việc cướp bóc hay hôi của. Thế nhưng hành động này được gán ghép cho tập thể mấy ngàn người biểu tình và là mũi nhọn của diễn luận “ổn định xã hội”. Thật ra, “[l]ý do‎ [chính phủ Việt Nam (một tổ chức mà ông Hayton gọi là một “tổ chức sáng dạ”) châm chước cho biểu tình với bạo loạn] là bởi Đảng Cộng sản cầm quyền muốn gây ấn tượng với hai nhóm khán giả: chính nhân dân của họ và các đối thủ nước ngoài.”

Từ cử chỉ “bực dọc và khinh bỉ” (thuộc dấu hiệu “điệu bộ cử chỉ”—một mắc xích của tròng diễn luận “yêu nước” mà chúng tôi đã trình bày ở đầu bài) đưa tới việc nẩy sinh ra một tâm lý ô nhục tầm quốc gia, và đồng thời, vừa tạo áp lực vừa là cơ hội cho các nhóm “khán giả” khác nhau (trong nước và hải ngoại) càng có dịp lên án mạnh mẽ những hành động “thiếu văn minh” này.

Ngoài ra, tiểu thuyết gia người Pháp Anatole France đã từng mỉa mai rằng: “Luật pháp (với bình đẳng là trọng tâm đồ sộ) cấm những người giàu cũng như người nghèo ngủ dưới gầm cầu, ăn xin trên đường phố và ăn cắp bánh mì.” Đương nhiên là người giàu không bao giờ ngủ dưới gầm cầu, ăn xin, và cắp vặt thế nên luật đưa ra chỉ để áp dụng trừng phạt và áp đặt lên người nghèo. (Chuyện đại gia, quan lớn đánh cắp của công và tài nguyên thì là một vấn đề “nhỏ” khác).

Thật khó thấy có một sự rối loạn nào, tự nhiên hoặc nhân tạo, trong xã hội đang có “trật tự” mà không dẫn đến cướp bóc hay hôi của ở đâu đó. Huống gì dưới một chế độ độc tài như Việt Nam khi khoảng cách giai cấp giữa giàu và nghèo quá lớn.

Như vậy, vấn đề có giàn dựng này (khi đã được các báo nước ngoài điểm chỉ) cho ta thấy điều gì? Nó phát xuất từ nguồn bạo lực tạo ra từ hệ thống cơ chế và giai cấp. Vậy thì ai chịu trách nhiệm đây? Hành động của người hôi của chăng? Chưa hẳn đúng. Hành động của họ chỉ là “diện” (hiện tượng) mà không phải “điểm” (bản chất) của vấn đề!

Vấn đề xây dựng một tri thức tận tường về bạo lực cơ chế và bạo lực văn hóa là một hành động không thể thiếu và cần thiết trong lúc sử dụng các phương cách đối kháng. Nên ta không thể đơn thuần kêu gọi quần chúng xuống đường tự phát nên “ôn hòa”, “kiềm chế”, hay bất bạo động.

Các thiết bị hùng biện (rhetorical devices) đã được dùng cho giàn dựng “tấn tuồng” và các thông điệp hoa mỹ—như “ôn hòa”, “kiềm chế”—với ý nghĩa chung chung mơ hồ như thế đều nằm trong mắc xích của tròng diễn luận “bất bạo động”.

Đây là cái bẫy tiếp tục được giàn dựng không phải chỉ từ bạo quyền CSVN mà còn do các lực đồng lõa khác.

Neutral_Tutu_2

Xem tiếp: Phần II & Phần III

________________________

CHÚ THÍCH

[i]  Martin Luther King đã đề cập đến hai loại nền hòa bình này trong một lá thư khi đang ngồi trong tù tại Birmingham. Ông chỉ trích mạnh mẽ không phải nhóm kỳ thị chủng tộc KKK hay các Hội Đồng Cố Vấn cho người Mỹ da trắng mà là những người Mỹ “ôn hòa” thiên”trật tự” thay vì công lý”; đây là những ai thiên về một nền hòa bình tiêu cực—với sự vắng mặt của các căng thẳng—thay vì một nền hòa bình tích cực mà công lý phải hiện diện; đây là những người [“ôn hòa”] thường  nói: “Tôi đồng ý với anh trong các mục tiêu mà anh đang theo đuổi, nhưng tôi không thể đồng ý với phương pháp hành động trực tiếp của anh.”

[ii]  “Đấu tranh bất bạo động, con đường khó khăn và cực nhọc”, RFA phỏng vấn người đại diện đảng Việt Tân, 16/3/2014.

[iii]  Malcolm X. 1992. February 2965: The Final Speeches. New York, NY: Pathfinder (trang 47). Trong một bài phát biểu vào ngày 11/2/1965, tại Trường London School of Economics, Malcolm X giải thích rõ vấn đề mô tả (mang tính đặc thù và có tính cách tách chia) sự khác nhau giữa bạo động và bất bạo động trong phong trào Dân quyền tại Hoa Kỳ đã được sử dụng như thế nào:

 

Tôi chưa bao giờ nói rằng người [Mỹ] da đen nên tấn công chống lại người da trắng, nhưng mà khi chính phủ không bảo vệ họ, người da đen có quyền làm [chuyện tự bảo vệ mình]. Đó là quyền lợi đã vạch sẵn cho họ. Tôi thấy có những người da trắng không ủng hộ lời khuyên dành cho loại người da đen không biết phòng thủ này lại là những người da trắng thuộc loại ‘chính trị tự do’ phân biệt chủng tộc. Họ sử dụng báo chí để tạo hình ảnh chúng tôi là kẻ bạo động.

 [Nguyên văn: “I have never said that Negroes should initiate acts of aggression against whites, but where the government fails to protect the Negro he is entitled to do it himself. He is within his rights. I have found the only white elements who do not want this advice given to undefensive Blacks are the racist liberals. They use the press to project us in the image of violence.”]

[iv]  Colaiaco, J.A. (1984). The American Dream Unfulfilled: Martin Luther King, Jr. and the ‘Letter from Birmingham Jail’”, Phylon, 45(1), 1-18.

[v]  Scardino, F. (2005). The Complete Idiot’s Guide to US Government and Politics. New York, NY: Penguin (trang 47).

[vi]  Powell, K., & Amundson, S. (2002). Malcolm X and the Mass Media: Creation of a Rhetorical Exigence. North Dakota Journal of Speech & Theatre, 15, 35-45.

[vii]  Sharp, G. (1970). Exploring Nonviolent Alternatives. Boston, MA: Porter Sargent (trang 31).

[viii]  “198 phương thức bất bạo động” (198 Methods of Nonviolent Action), The Albert Einstein Institution.

[ix]  Can thiệp trực tiếp là một loại đối kháng để làm gián đoạn các hoạt động bình thường có hỗ trợ giúp cho hiện trạng của nhà cầm quyền tiếp tục đứng vững, hoặc tạo ra những hành vi hoặc tổ chức có các mô hình mới được chuộng. Loại can thiệp gây rối bao gồm phong tỏa, tuyệt thực, tự xung phong vào tù. Loại can thiệp sáng tạo có thể bao gồm sự hình thành các cơ chế khác như trường học, các tổ chức kinh tế, và phương tiện truyền thông song song với cơ chế độc tài hiện hữu.

___________

BẤT BẠO ĐỘNG: TRÒNG DIỄN LUẬN?

Phần I: PHẢN KHÁNG CHỐNG BẠO LỰC: DIỆN VÀ ĐIỂM
Phần II: “TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?” & “BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?”
Phần III: HẠN CHẾ CỦA DIỄN LUẬN BẤT BẠO ĐỘNG & TẠM KẾT