vietsoul21

Archive for Tháng Ba, 2012|Monthly archive page

Bác Sĩ Hồ Hải – Nhân Trị hay Vi Hiến Pháp Trị

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/03/31 at 07:34


Là một người dân, nên tôi chỉ biết lập pháp – Quốc Hội – là cơ quan quyền lực nhất của một xã hội. Nơi đây quyết định mọi thông điệp từ hành pháp đến tư pháp ban ra để áp dụng cho một xã hội.

Nhưng gần đây các cơ quan hành pháp lại có những quy định, những ý định sẽ thực hiện mà không hoặc chưa thông qua quốc hội. Trong khi đó thì, quốc hội lại đi kiến nghị cơ quan hành pháp, hoặc cơ quan hành pháp không đủ năng lực quản lý thì ra quy định o ép dân, mà không cần thông qua quốc hội.

Hơn tháng trước, một ông bí thư đảng kiêm chủ tịch thành phố Đà nẵng ra hàng loạt quy định tạm dừng nhập cư mới vào nội đô Đà Nẵng và bảo rằng không vi hiến.

Cụ thể là, bên bộ giao thông vận tải là một bộ phận của cơ quan hành pháp lại đi kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất là thủ tướng chính phủ nâng giá thu phí giao thông lên 5% mỗi năm, mà không hoặc chưa thông qua quốc hội, và các đại điểuquốc hội lại đi kiến nghị lại bộ giao thông vận tải nên thông qua biểu quyết của quốc hội và khảo sát ý kiến người dân.

Thật tình tôi không hiểu bộ giao thông vận tải muốn gì, khi trong mỗi lít xăng sử dụng dân đã đóng đến 1/3 chi phí cho nhiều thứ phí rồi.

Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tôi tới nay, tôi chưa nghe có chuyện Quốc hội kiến nghị với chính phủ, mà chỉ nghe chính phủ kiến nghị Quốc hội, và Quốc hội hoặc đồng thuận hoặc phủ quyết, chỉ mới nghe dưới thời Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có chuyện ngược đời này.

Cách đây vài hôm, trả lời trước quốc hội, bộ trưởng y tế rất thẳng thắn rằng, để giải quyết tình trạng quá tải các bệnh viện, bộ sẽ ra quy định để cấm người dân điều trị bệnh vượt tuyến, đồng thời bộ y tế sẽ xử phạt những bệnh viện tuyến trung ương nào điều trị bệnh nhân bị bệnh nhẹ.

Thật tình tôi không hiểu bà bộ trưởng muốn gì? bệnh lý thì có rất nhiều, nhưng một nguyên tắc cơ bản là có bệnh điều trị ngoại trú và bệnh phải điều trị nội trú – phải nhập viện. Khi người bệnh cần nhập viện thì luật hành nghề y quốc tế, và cả về y đức, người thầy thuốc phải cho bệnh nhân nhập viện, không được phân biệt giai cấp, chủng tộc, thù hay bạn, nói chung là nguyên tắc đầu tiên của lời thề Hippocrates – Không được làm hại đến người bệnh. Cấm là cấm làm sao? có vi phạm y đức và lời thề Hippocrates không?

Ngoài ra, chuyện phân tuyến và cấm đoán của bộ y tế, cũng như việc thu phí giao thông, mà không thông qua ý dân và quốc hội. Việc này có vi phạm hiến pháp của một nhà nước mà, lâu nay đảng cầm quyền vẫn cứ hô hào là, nhà nước do dân, vì dân và dân làm chủ không?

Làm lãnh đạo là ăn lương của dân để giải quyết vấn đề quốc kế dân sinh theo lòng dân và theo sự đồng ý của cơ quan đại diện cao nhất của dân – Quốc Hội – chứ đâu phải làm lãnh đạo là, khi khả năng điều hành yếu kém do tầm nhìn thấp là ra nghị quyết, nghị định, quy định vi hiến để đưa xã hội trở thành những nhà tù. Không biết tôi nói thế có đúng không?

Người dân cần lãnh đạo biết tôn trọng pháp luật, biết minh bạch những thông tin về quốc kế dân sinh, mà đặc biệt là lý do tiêu tiền của dân, để làm gương cho bá tánh, chứ dân không cần lãnh đạo vi phạm hiến pháp và pháp luật để dẫn đến một xã hội hỗn loạn.Xem ra xã hội Việt khó trở thành một xã hội pháp trị?

Nguồn: Blog BS Hồ Hải

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

In Chính trị (Politics), Kinh Tế, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam, Văn Chương on 2012/03/29 at 16:23

 

Nước Vệ triều nhà Sản

Năm thứ 67, đời Vệ Kính Vương thứ hai.

Nứt đập chắn nước ở nam trung bộ, tính mạng hàng trăm ngàn bá tính bị đe dọa.

Dân oan bốn phương kéo về kinh đô đánh trống kêu oan ngày một đông.

Ngoài biên cương nước Tề kéo thủy quân nhòm ngó lãnh hải, bắt đi cơ man nào là ngư dân đòi tiền chuộc.

Ngân khố cạn kiệt, giá cả vẫn leo thang chóng mặt.

Nhà nhà phá sản, khánh kiệt.

Kẻ có bạc vẫn hoang phí, xa hoa,quan chức thì xây cung điện, dinh cơ tráng lệ. Phường trọc phú tậu xe tứ mã nhập ngoại, tổ chức hôn lễ đình đám tốn hàng ngàn lượng vàng.

Bấy giờ nhà Sản thấy ngân khố trống rỗng, lo lắng họp triều định nghị sự, đại thần nghị chính Tôn Dưa mở đầu nói rằng.

Nay thiên hạ rối ren, đập nứt, vỡ nợ, nông dân thì kiện triều đình mất đất, ngư dân thì bị Tề bắt giam đòi chuộc, giá cả lạm phát hàng ngày….nhưng thứ đó đều quan trọng. Nhưng cái quan trọng nhất cần bàn phải là ngân khố triều đình. Đập vỡ chết dân thì dân lại sinh đẻ. Nông dân, ngư dân không có ruộng, biển hành nghề  tức khắc đói đầu gói phải bò kiếm nghề khác. Giá cả cao thì không ăn thịt nữa chọn rau , củ mà ăn…chưa hẳn là cấp bách. Ngân khố là sức mạnh đoàn kết của triều đình, không có ngân khố không duy trì được ba quân. Không giữ được ba quân thì không giữ nổi triều đình. Nước Vệ ta từ khi thành lập đến nay dân tình trải qua bao lần đào sắn, khoai trừ bữa nhưng chưa bao giờ sinh biến, ấy bởi vì ngân khố cho ba quân còn mạnh. Ba quân mạnh thì dẫu biến thế nào cũng trị được. Bởi vậy lần này nghị triều, việc khẩn cấp là tìm nguồn tài lực cho ngân khố. 

Vệ Kính Vương trầm tư gật đầu, xưa Dưa với Vệ Kính Vương cùng trường, người khóa trước kẻ khóa sau. Nên nói là hợp ý. Vệ Kinh Vương trăn trở luận rằng.

Biết là vậy, nhưng tài nguyên đã bán hết từ lâu, ruộng đồng của dân thu hồi về bán cũng gần hết. Vay nợ bên ngoài khắp nơi giờ cũng hết chỗ mà vay. Biết chỗ nào trông cậy.

Bạo e hèm một tiếng, triều thần đổ dồn ánh mắt về phía Bạo. Làm tể tướng nhiều năm, Bạo có tiếng là liêm khiết. Gia sản thanh bạch, nhà cửa mồ mả cha ông ở quê nhà vẫn đơn sơ, giản dị. Con cái, họ hàng không được nhờ cậy toàn phải tự lực cánh sinh. Lúc Bạo làm tể tướng tính yêu sự thật, ghét giả dối cho nên không có bè cánh gì cả, chỉ dựa vào tài năng, đức độ của mình mà điều hành việc nước. Không những dân chúng trong nước yêu mến, mà ngay cả người nước ngoài đều đánh giá Bạo tài năng lỗi lạc, xuất chúng. Bởi vậy Bạo hắng giọng là được sự chú ý của cả triều đình.

Bạo đưa cằm lên cao, ngước mắt nhìn xung quanh, mắt nheo nheo, miệng cười khẩy nói.

Triều nhà Sản ta xưa nay lắm lý luận, chả lẽ không có kế gì sao.?

Một phần ba đại thần nghị chính là nho sĩ, triết gia, lý luận hàng đầu của nước Vệ. Nghe Bạo hỏi ai cũng tảng lờ. Việc tiền bạc và chữ nghĩa xưa nay không mấy khi chung đường. Bạo đợi mãi không thấy ai trả lời, mới hỏi.

– Thế nào là phát huy nội lực.?

Vẫn không ai trả lời, Bạo quay lại đằng sau gọi quân bản bộ của mình là tùy tướng Đương Leo Thang.

–  Này Thang, ngươi có trả lời được câu này cho triều đình nghe không ?

Đương Leo Thang tuổi trẻ, tài cao, chí lớn. Người trấn Sơn Nam Hạ. mắt phượng, mày ngài đi đứng ăn nói dõng dạc. Nghe chủ tướng gọi tên mình, Thang bước ra giữa triều tâu.

Phát huy nội lực chính là lúc này đây, không lấy được tiền từ tài nguyên, đất đai, vay mượn thì lấy từ trong dân. Kế này gọi là hết nạc ta vạc đến xương. Dân ta bây lâu nay nhờ ơn nhà Sản mở mang luật pháp cho làm ăn, của nả cũng dư dả. Xe cộ nườm nượp đi tắc cả đường. Nay nhân cớ dẹp tắc đường mà thu phí. Đó chả phải là kế hay sao.?

Bạo hỏi.

Thế ngươi đã có chủ trương gì chưa ?

Thang tâu.

Thưa tể tướng, thần từ khi nhậm chức đã biết lo xa. Nên đã học Thương Ưởng.

Triều đình có tiếng thì thầm, học gì , Thưởng Ưởng là ai nhỉ ?

Thang rành rẽ kể.

– Được vua Tần giao quyền trị nước, Thương Ưởng liền soạn thảo một chính sách Pháp trị cứng rắn để đem ra áp dụng. Bảy điều luật ông chuẩn bị ban hành đều rất hà khắc, trong đó điều thứ 7 là hà khắc nhất: trong 10 nhà nếu có một nhà phạm pháp mà không ai báo thì cả 10 nhà đều bị giết.

Vì chính quyền nước Tần lâu nay vẫn chuyên “nói một đường làm một nẻo”, giờ cần lấy lại lòng tin của dân chúng để thi hành 7 điều luật Pháp trị mới này thật khó. Thương Ưởng đã nghĩ ra một cách phương cách khá ngoạn mục và cũng khá hao tốn: Ông cho dựng nhiều cây gỗ nhẹ dài khoảng ba trượng ở cửa Nam thành kinh thành rồi thông báo: “Ai vác nổi một cây gỗ này từ đây sang cửa Bắc sẽ được thưởng 5 lượng vàng”.

Suốt ngày hôm đó không có ai vác.

Hôm sau ông lại cho thông báo: “Ai vác được một cây gỗ này sang cửa Bắc sẽ được thưởng 10 lượng vàng”.

Hôm ấy cũng chẳng có ai vác.

Hôm sau nữa Thương Ưởng lại cho thông báo như cũ nhưng thay vì thưởng 10 lượng thì giờ lại tăng thành 50 lượng. Dân chúng thấy kỳ lạ chưa biết ý của quan Tả thứ trưởng muốn gì. 

Một người ăn mày nói:
-Cây gỗ nhẹ tưng thế này, vả từ cửa Nam sang cửa Bắc cũng chẳng bao xa. Để tôi vác thử sang xem quan Tả thứ trưởng xử sự ra sao?

Và người này đã vác thật! Khi vừa để thanh gỗ xuống cửa Bắc ông ta liền được người của quan Tả thứ trưởng mời vào trong trao tặng 50 lượng vàng thật! Những người khác thấy vậy cũng kéo sang cửa Nam vác gỗ sang cửa Bắc và cũng đều được lãnh thưởng 50 lượng.

Thực hiện xong việc lấy lại lòng tin của quốc dân, Thương Ưởng liền ban hành pháp lệnh mới để chính quyền cùng dân chúng thi hành.

Sau khi pháp lệnh được ban ra, chính quyền bắt đầu triệt để thực hiện. Từ các bậc công hầu cho tới hàng thứ dân hễ ai phạm lỗi đều bị trừng phạt đúng mức. Thái tử Doanh Tứ vì chê tân lệnh không đúng cũng bị trừng phạt. Vì Thái tử là vị vua tương lai không thể phạt trực tiếp, hai vị thầy dạy của Thái tử là Công Tử Kiền đã phải chịu cắt mũi và Công Tôn Giả đã phải chạm vào mặt.

Thế là từ đó dân nước Tần tin hễ nhà nước nói sao thì làm vậy

Thang ngừng lại một lát để câu chuyện được thấm vào tai người nghe, đoạn tiếp.

Thần khi mới nhậm chức, đã học chuyện đó mà cách chức mấy mống quan dưới quyền. Ra lệnh khắt khe với bọn dưới trướng. Dân tình giờ ai cũng hân hoan, khen ngợi quan lại triều ta chí công vô tư. Lời nói bây giờ thần đã có trọng lượng với dân rồi ạ.

Bạo khoát tay.

Thôi không rườm rà, thế đã đến lúc phát huy nội lực chưa ?

Thang tâu.

Giờ đã là lúc chín muồi, thần đã có bản tấu xin triều đình phê chuẩn thu phí xe cộ trong dân gian.

Bản tấu của Đương Leo Thang chuyền tay cho triều đình đọc, ai cũng tấm tắc khen kế sách chu toàn, nghĩ trước sau chặt chẽ. Các quan lại đứng đầu các bộ như tìm ra được hướng đi, hân hoan bàn tán râm ran, người tính tăng giá thuốc, người lượng tăng giá than, người áng thu phí thuế đất ở phi nông nghiệp….

Vệ Kính Vương nâng ly mừng tể tướng Bạo.

Quả là rừng xanh còn lo chi thiếu củi đốt, công lao này thuộc cả về tể tướng.

Bạo nhận chén rượu, khiêm tốn đáp lễ rằng.

Ấy là nhờ Vương cả, giữ vững được niềm tin cho dân chúng đến chùa, giữ được chùa tất nhiên có oản mà thôi.

Triều đình nhà Sản nghị xong, tình đoàn kết lại tràn trề. Mọi mối tị hiềm đều được xua tan. Đúng là một nước cường thịnh, vua sáng tôi hiền. Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng như lời tiên đế ban khi xưa.

Lúc lệnh ban ra, dân chúng đa số đồng thuận. Duy có lác đác vài kẻ cự nự. Đại thần nghị chính kiêm tổng trấn kinh thành là Cả Sáng phán.

Chúng mày nhiều tiền mua xe đi, kêu ca cái nỗi gì.

Dân chúng từ đó không còn ai dị nghị nữa.

Nguồn: Người Buôn Gió

Cùng tác giả:

Người Buôn Gió – Đồng “chác”

Người Buôn Gió – Ngôn từ

Người Buôn Gió – Thời của âm binh

Người Buôn Gió – Tái cơ cấu thần chưởng

Người Buôn Gió – Đêm dài biên ải

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

Người Buôn Gió – Hóa ra đều ăn cắp hết

Người Buôn Gió – Đi tù và đi cải tạo

Người Buôn Gió – Con trâu của ai?

Người Buôn Gió – Hà Nội trong mắt ai

Loạt bài Đại Vệ Chí Dị:

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị – Mọi sự quái đản đều là do… thế lực thù địch

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị: Cứ đổ cho thế lực thù địch xúi dục là OK!

Đinh Vũ Hoàng Nguyên – Chuyện Cao Như Đảng

In Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/03/27 at 15:12

Nguon: Dân Làm Báo

Đinh Vũ Hoàng Nguyên – Tên của gã là Cao Như Đảng. Tên cúng cơm của gã là Cao Như Đảng. Trong lý lịch gã đề tên Cao Như Đảng. Tức là đích thị trên đời có thật một gã Cao Như Đảng.

Cao Như Đảng biệt tài làm thịt chó, thịt nhanh, nấu khéo, cả làng cả xóm biết tiếng. Ngay cả chó dại, chó chết ốm, chó bị trẹt xe…, gã mà đã nhúng tay pha thịt, ướp hấp, lúc dọn lên mâm vẫn ngon nhức.

Trong xóm nhà ai thịt chó cũng nhờ gã. Ủy ban xã khi nào tiếp khách hay liên hoan, cần thịt chó, lại gọi gã. Bản lĩnh ấy khiến gã với mấy vị trên Ủy ban thành thân tình. Dần dần người ta lấy luôn cái nghề của gã gắn vào tên, gọi gã là Đảng Chó. Gã nghe vậy cũng chẳng lấy gì làm phiền.

Một ngày, Cao Như Đảng mở quán thịt chó.

Hôm khai trương, gã mời cán bộ trong xã đến đánh chén. Rất vui. Nhưng đang dở bữa, thì bí thư xã phát hiện ra cái biển trước quán đề THỊT CHÓ ĐẢNG. Ông bí thư gọi Cao Như Đảng đến, quắc mắt: “Ông ghi thế này là chửi ai?”. Cao Như Đảng nói: “Thì dân vẫn gọi em là Đảng Chó, các bác trên xã cũng gọi em là Đảng Chó, thì giờ mở quán em làm biển thế cho tiện!”. Bí thư bảo: “Lời nói gió bay, nói mồm với nhau không có gì làm bằng, chứ ghi lên thế này thì mặt mũi đảng còn cái chó gì nữa?”. Gã đành “dạ dạ…”.

Cái biển sau, rút kinh nghiệm, Cao Như Đảng đề: ĐẢNG THỊT CHÓ.

Bí thư xã đến ăn, nhìn biển mới, gật gật gù gù bảo: “Sửa thế này được, để cái giống ấy sau chữ đảng, cho đỡ bị hiểu lầm!”.

Đang bữa, bí thư sực nghĩ, giật mình, mới quát: “Dỡ biển xuống ngay, khẩn trương, phản động, muốn đi tù à?”. Cao Như Đảng méo mặt hỏi: “Cả nhà nhà em toàn người ngoan và ngu, có biết gì mà phản động?”. Ông bí thư hạ giọng, thầm thì: “Nước mình là một đảng lãnh đạo, cấm có cái chuyện hai ba đảng, ông ghi thế này nhỡ ai hiểu là ông lập đảng đối lập, thì toi!”. Cao Như Đảng bảo: “Chả nhẽ thằng bán thịt chó và mấy thằng ăn thịt chó mà cũng bị thành đảng à?!”. Bí thư bảo: “Ai chả biết thế! Nhưng cái nước mình nó thế! Mà thôi, tốt nhất thời này cái gì đã đảng thì đừng chó, mà đã chó thì đừng đảng!”. Gã đành “dạ dạ…”.

Sau bữa đấy, Cao Như Đảng lại thay biển mới, còn đề mỗi THỊT CHÓ.

Nhưng lắm lúc gã tấm tức: đến cái giống chó còn đi không đổi họ, ngồi không đổi tên, lúc biến thành thịt vẫn gọi là chó, chẳng nhẽ chỉ do nước này có độc cái đảng mà thành mình phải kị húy, phải kiêng cả tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho, thì hóa chẳng bằng chó!

Đinh Vũ Hoàng Nguyên

http://laothayboigia.multiply.com/journal/item/120/120

* Blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên một họa sĩ, nổi tiếng với nhiều truyện ngắn. Anh qua đời lúc 2h30 sáng ngày 23/3/2012 (2/3 âm lịch) vào đúng ngày sinh nhật tuổi 37. Lễ viếng và đưa anh đi sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ bệnh viện 354, vào 7h-9h sáng ngày 27/3/2012, tức ngày 6/3 âm lịch, và an táng anh tại Công viên Vĩnh Hằng.

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

In Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/03/18 at 09:11

 

Đi cùng Bùi Nhân đến thăm Bùi Minh Hằng hôm nay không nhiều người lắm, có bé Cải , anh Tường Thụy, Dũng Aduka, chị  Phương Bích, chị Hiền Giang, Lê Dũng và bác Lê Hiền Đức.

Hà Nội mịt mù sương, đi mãi đến đoạn rẽ vào Tây Thiên thì trời quang, nắng ấm. Con đường vào trại Thanh Hà mới được đổ bê tông, người dân nói vừa mới làm xong. Con đường này còn chạy xa nữa vào thôn xóm bên trong, nhưng đoạn đổ bê tông thì chỉ đổ từ đường nhựa vào đến cổng trại là dừng hẳn.

Dễ nhận ra trại Thanh Hà vì những tấm biển nền đỏ chữ vàng ghi dòng chữ

– khu vực cấm tụ tập
– khu vực cấm quay phim, chụp ảnh

Liên tiếp những biển cấm như thế dọc hàng rào, những tấm biển cấm này thậm chí khiến cái biển tên trại lọt thỏm, khiêm tốn vì nhỏ bé và cũ mờ. Sau dãy hàng rào sắt, người ta giăng lưới đen che kín không cho người bên ngoài nhìn vào bên trong. Sao thiết kế mà chả nghĩ gì cả, không xây luôn tường cao, có rào thép gai như nhà tù cho đỡ mất công, giờ lại phải rào lưới che mắt thiên hạ như vậy.

Mình và Bùi Nhân đến cửa phòng trực, hỏi về chuyện giấy ủy quyền của Nhân cho mình thăm nuôi chị Hằng trại giải quyết sao,trực ban trại tên Hiệu nói quy định của cục quản lý trại giam là mình không phải thân nhân ruột thịt nên không ủy quyền được. Mình hỏi xin lại cái giấy ủy quyền thì anh ta kêu nộp ban giám đốc. Mình nói theo nguyên tắc không chấp nhận đơn thì trả lại đơn và phê lý do. Anh Hiệu nói là công an phải thu thập tài liệu. Mình nói chả lẽ giờ tôi nộp sổ đỏ cho ông thì ông cũng bảo đó là tài liệu để ông thu à. Ông không chấp nhận đơn thì giả lại đơn cho tôi và ghi lý do vì sao vào đó, thế mới đúng luật. Sao lại tính chuyện thu luôn là thế nào. Hiệu bảo cái này giám đốc trại giữ, hôm nay chủ nhật nên không giải quyết được.

Mình Bùi Nhân xách đồ vào thăm mẹ, mọi người đang đứng bên ngoài thì một người mặc áo cảnh sát đứng bên trong hàng rào đứng sau cái biển cấm quay phim, chụp ảnh dùng máy quay phim chĩa vào mọi người, cũng trong hàng rào góc khác một người mặc đồ an ninh cũng dùng máy quay để ghi lại hình những người đến trại. Mặc dù không hề tụ tập, mấy người đi đã ít lại chia thành mấy tốp hai hoặc ba người đứng các điểm khác nhau nhưng vẫn bị quay phim. Lát sau công an xã đến rầm rập bằng xe máy và ô tô. Tổng cộng khoảng 17 người, trong đó có một nữ số này đứng hết bên ngoài, họ tự giới thiệu họ là công an xã. Một công an xã hỏi mọi người đứng đây làm gì, trả lời đường thì đứng chứ sao, anh ta nói anh ta đến đây để bảo vệ đất và chìa thẻ công an xã ra. Mọi người nói ông cứ đứng đấy bảo vệ đất, chúng tôi bê đi miếng nào hẵng hay. Một người trung niên dáng cấp trên nói đây là chủ quyền của chúng tôi. Mình mới hỏi chủ quyền là gì, là ông sở hữu đất này của ông à. Ông ý bảo ông ý là quản lý, mình hỏi thế ông tên gì, cấp gì quản lý đất gì, ranh giới đến đâu. Ông nói chức vụ và giới hạn đất chủ quyền của ông đến đâu thì tôi xin đứng ra ngay vạch đó. Mình lấy giấy bút ra thì ông ý đi thẳng.

Mình quay qua nhìn qua trong trại lớp lưới, nhìn đoạn hở dưới chân lưới đếm được 16 cái gầu quần màu xanh tức là 8 đôi giày, 8 đôi tất xanh. Có tốp nữa đi xe máy đến vào trại, họ mang theo máy quay phim, nâng tổng số máy quay lên 3 chiếc, tương đương với đúng 3 tấm biển cấm quay phim chụp ảnh treo ở hàng rào.

Một tốp người gồm em chị Hằng, con gái, con rể đi ta xi, họ trình chứng minh thư và được vào ngay. Tốp này gần trưa mới đến, lúc đi có vẻ vội vàng nên chỉ có đúng một túi quà nhỏ. Họ là những người mà trại gọi là thân nhân của chị Hằng được phép gặp. Tốp này ở Sơn Tây đến vào thăm chị Hằng một lúc thì ra ngay.

Cánh cổng trại khóa kín, ai vào trực ban mới ra mở cửa cho người lách vào rồi đóng lại. Lúc này bên trong khoảng gần 20 cảnh sát, bên ngoài cũng tầm 20 người gồm công an xã, một nhóm mặc thường phục chỉ đạo, một nhóm thì riêng rẽ mặc quần an ninh nhưng áo thường dân.

Bà Lê Hiền Đức xin vào trại tham quan trường giáo dục, nhưng người trực ban bảo đây là khu vực an ninh quốc phòng không có phận sự không vào được. Bà thở dài và than, tám mươi tuổi đầu rồi giờ mới biết trường giáo dục là cơ sở an ninh quốc phòng. Bà Hiền Đức rời cổng trại đến chỗ nhà dân, nơi có tốp người đang ngồi trong. Bà hỏi mượn cái ghế, họ bảo chủ nhà đi vắng không lấy ghế cho bà được. Bà bảo sao chúng mày ác thế, tao già thế này mà chúng mày để tao đứng khi chúng mày con trẻ, nhà người ta đi vắng sao mày lại lấy ghế của nhà người ta ra cửa ngồi. Bọn kia bảo nếu là bà thì bà cũng thế thôi. Trong bọn đó có tay trung niên ban nãy kêu chủ quyền, quản lý đất cát gì đó. Em bé Cải chạy ra quán mượn ghế cho bà ngồi. Bà Hiền Đức ngồi yên vị thì trong tốp đó có một tay mặc quần công an, áo sơ mi ra hỏi bà làm gì. Bà bảo tao chống tham nhũng, tay đó nói, bà chống tham nhũng mà bà không sợ pháp luật sao. Mọi người ồ lên cười vì câu nói quá hay của hắn. Mọi người chất vấn sao hắn lại hỏi thế, làm hắn bối rối bỏ đi. Mình ngồi cách đó một đoạn chợt nghĩ, biết đâu hắn là cao nhân. Đúng là thời nay chống tham nhũng là phải biết sợ pháp luật. Tại vì sao thì cứ nhìn công cuộc chống tham nhũng là rõ.

Đến trưa Bùi Nhân ra, hình như việc đơn từ gì đó của chị Hằng chưa xong. Mang máng nghe thấy là trại không chấp nhận đơn đánh máy, mà phải viết bằng tay thì mới được. Mà viết tới tận 5 trang nên chắc chiều mới xong. Mọi người kéo ra quán ăn mỳ tôm, vừa ngồi xuống thì quán mất điện. Chạy đi các nhà hàng xóm xung quanh nhà nào cũng có điện.

Đến 2 giờ Nhân gọi điện hỏi cán bộ trại mẹ viết xong chưa, cán bộ bảo chưa biết bao giờ mới xong. Mọi người ra cổng trại chờ, nói với nhau là nếu khó dễ thời gian chuyện làm đơn thì chúng ta trong lúc chờ đợi vào hỏi chuyện hoa hôm 8-3. Chị Phương Bích hỏi trực ban anh Trần Thái Hòa đâu, vì hôm mùng 8-3 chị gửi hoa cho Bùi Hằng nhờ anh Hòa đưa mà chị Hằng không nhận được. Trực ban nói là anh Hòa có lòng tốt muốn đưa hoa giúp cho chị Hằng, nhưng lãnh đạo trại không cho phép anh thực hiện điều đó. Trực ban còn chạy đi vào trong lấy xấp ảnh ngày 8-3 ở trại có tổ chức cho chị em phụ nữ, và ảnh anh Hòa cầm bó hoa đứng cạnh chị Hằng dưới sân khấu có chữ 8-3. Ý trực ban nói là anh Hòa cũng đã tặng hoa của trại cho chị Hằng, thôi thì ngày 8-3 có hoa là được rồi. Có người nói là các anh làm thế cũng tốt, nhưng không phải các anh mang tình cảm của các anh ra thay thế tình cảm của người khác được.

Đang lằng nhằng chuyện hoa thì cán bộ cầm đơn chị Hằng viết ra đưa cho Nhân Bùi, kèm với mẩu giấy gửi cho Nhân Bùi mà chị Hằng phải hai lần lặp lại nội dung nhấn mạnh là mẹ viết đến 3 giờ chiều mới xong. Chị Phương Bích lên xe thắc mắc, quái sao mình đưa chứng minh thư tên mình là Bích Phượng, cái tên Phương Bích là tên trên blog, thế mà công an trại cầm chứng minh thư xem mà cứ gọi mình là Phương Bích. Xe đang đi trên đường be tông thì em bé Cải cất máy ảnh vào túi. Mình bảo em cất vội thế, biết đâu tí nữa ra kia có xe cảnh sát giao thông chặn xe mình thì sao. Lấy máy ảnh ra đi được ra đến đoạn đường nhựa chừng 10 phút y rằng có tốp cảnh sát giao thông chặn lại, mấy xe sau đi, đến xe nữa của đoàn thì lại bị chặn lại nốt để kiểm tra giấy tờ. Bà Hiền Đức xuống xe hỏi tại sao bao nhiêu xe đi qua không chặn, lại chặn riêng hai xe này. Tốp công an nói kiểm tra không có gì thì đi, giấy tờ đầy đủ thì được phép đi. Tất nhiên hai xe giấy tờ đều đầy đủ, họ cho đi chóng vánh, thậm chí hối thúc đi, nhưng bà Hiền Đức bực chuyện bao nhiêu xe nườm nượp đi qua họ không kiểm tra cái nào mà chỉ kiểm tra hai xe này. Sau thì bà cũng lên xe đi, mình lại nói cái trạm cảnh sát giao thông cơ động ấy mình đi qua rồi thì họ cũng giải tán, vì đây là đường liên xã chứ đường huyện hay tỉnh gì đâu mà đến 5 cảnh sát giao thông lập trạm. Mình nói xong quay sang cửa kính nhìn thấy mấy xe máy người điều khiển không đội mũ bảo hiểm phi dưới qua vèo vèo, thế chắc là trạm giao thông ấy giải tán ngay sau đó thật rồi.

Về đến nhà đã 5 giờ chiều, mất trọn 12 tiếng từ lúc đi đến lúc về.

Nguồn: Người Buôn Gió

Cùng tác giả:

Người Buôn Gió – Tái cơ cấu thần chưởng

Người Buôn Gió – Đêm dài biên ải

Người Buôn Gió: 18-3 trại Thanh Hà

Người Buôn Gió – Người Nông Dân Nổi Dậy

Người Buôn Gió – Hóa ra đều ăn cắp hết

Người Buôn Gió – Đi tù và đi cải tạo

Người Buôn Gió – Con trâu của ai?

Người Buôn Gió – Hà Nội trong mắt ai

Loạt bài Đại Vệ Chí Dị:

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị – Mọi sự quái đản đều là do… thế lực thù địch

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị: Cứ đổ cho thế lực thù địch xúi dục là OK!

Phong Trần – Trí thức luận

In Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/03/11 at 09:57

Nhà báo Tam Dương sau một thời gian vắng mặt khá dài đã trở lại Việt Nam để làm phóng (không đại) sự. Trước hết xin nhắc lại vài hàng về “nhân thân” của tay phóng viên Lề Trái này. Tại sao anh ta lại có tên là Tam Dương. Thực ra tên tiếng Nôm của anh là Ba Dê vì anh ta học đòi thói phong lưu của các bậc tiền bối mà mê “ba cái lăng nhăng một trà, một rượu, một đàn bà”. Vì nghèo mà ham nên Tam Dương ăn chơi tòan đồ dởm: trà thì uống ở quán cơm lao động, rượu thì rượu dởm do Trung Quốc nó đổ tháo vào nước ta như đồ phế thải, còn tình thì trong cái xã hội Tiền mệnh lệnh của thời đại kiếm đâu ra người đàn bà nào dám nâng khăn sửa túi cho một anh nhà báo nghèo như Tarzan. Tuy nhiên lâu lâu cũng có một vài em ca sĩ Ka-Rao Ô-Kià về chiều đột xuất nổi hứng, trước là mua vui sau là làm nghĩa ban cho anh một chút “tình vặt”.

Tam Dương về nước đúng lúc phong trào “Trí Thức Luận” nổi lên như Sóng Thần Tiên Lãng, bèn tìm nhà phản biện Ba Đê (tức cụ Ba Đéo: Đéo theo Đảng, Đéo Tin Đảng và Đéo Sợ Đảng) để tìm hiểu sự việc trong lúc đó thì Tể Tướng Ba Dũng đi thực thi luật pháp Xã Nghĩa cho vụ án Tiên Lãng. Một già một xồn xồn gặp nhau trong một quán cóc bên Hồ Hoàn Kiếm, tay bắt mặt mừng, chẳng khác gì cảnh “Bác Hồ” gặp “Cụ Mao”.

Ba Đê: Chú mày kiếm tao gấp gáp hẳn có chuyện gì ghê gớm lắm phải không?

Tam Dương: Ghê thì chả ghê nhưng gớm lắm cụ ạ. Số là nhà cháu đi chỗ nào cũng thấy thiên hạ bàn ra tán vào về trí thức, làm như nước ta mới nẩy sinh ra trí thức vậy. Thế nhà cháu hỏi cụ trí thức là gì mà thiên hạ làm toáng lên vậy?

Ba Đê: Chú mày phải phân biệt giai cấp trí thức với người trí thức thì mới rốt ráo được. Ai có kiến thức thì thuộc giai cấp trí thức như bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, chuyên viên… Nhưng tách riêng ra khỏi tập thể này thì người ta chỉ gọi người trí thức là người có học thức và có tâm huyết với nhân quần xã hội. Sự khác nhau giữa người trong giai cấp trí thức với người trí thức nói riêng giống như sự khác nhau giữa xã hội tư bản với người tư bản vậy. Chú mày thuộc xã hội tư bản nhưng có dám vỗ ngực mình là người tư bản không.

Tam Dương: Nhưng có ông tiến sĩ lại nói rằng ai kiếm cơm bằng trí óc là người trí thức.

Ba Đê: À, cái ông Lưỡng Quốc Trạng Nguyên phải không. Người ta ăn lương đế quốc tư bản, hưởng lộc XHCN nên phải nói nước đôi chứ. Câu nịnh phải kèm câu chê. Nói rằng cứ làm việc trí óc mà thành người trí thức thì nước ta ra ngõ gặp trí thức đấy. Thế thằng xã ũy Tiên Lãng nó có làm việc bằng trí óc không? Tần Thủy Hòang, Xít-ta-lin, Mubarack, Gadhafi, có cai trị dân bằng trí óc không? Ăn trộm, ăn cắp , tham nhũng, cướp đất, cướp ruộng… mà trí óc không làm việc thì đói rã họng ra.

Tam Dương: Thế nhà phản biện có phải là người trí thức không?

Ba Đê: Có người phản biện nào vỗ ngực tự nhận mình là người trí thức đâu. Có ai phản biện để được gọi là trí thức đâu.

Tam Dương: Thế tại sao có người chê người phản biện là phản biện để được phong hàm trí thức?

Ba Đê: Thế Mao Trạch Đông nói “Trí thức không bằng cục phân” thì trí thức là cục phân hay sao. Ta hỏi chú mày nhé, có ai muốn vào tù, muốn bị công an đạp vào mặt để được cái tiếng hão trí thức không. Nếu nhận định rằng không có phản biện thì xã hội chết ngay khi lâm sàng thì tại sao lại biếm nhẽ phản biện. Ta hỏi chú mày chứ duy vật biện chứng pháp dựa vào cái gì? Có phải dựa vào hai mặt đối lập của mọi sự vật không? Chỉ có dốt như anh Tô Huy Rứa mới đòi xã hội chỉ có lề phải.

Tam Dương: Thế cụ có phải là người trí thức không?

Ba Đê: Tao đã làm được đéo gì mà nhận mình là trí thức.

Tam Dương: Thế theo cụ trong những người phản biện ai là người trí thức?

Ba Đê: Coi ai là trí thức thì tùy theo cách nhìn của mỗi người, chả ai phong hàm trí thức cho ai được. Chỉ có triều đình XHCN mới có cái trò phong hàm trí thức cho cán bộ tuyên giáo của nó thôi.

Tam Dương: Thế bác Hồ có phải là người trí thức không?

Ba Đê: Có, ông ấy là nhà trí thức XHCN đấy. Con cháu của ông ta như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng, kể cả bí thư huyện Tiên Lãng …đều là những trí thức XHCN cả.

Hai người nâng ly rượu Mao Tải (phế thải) nhìn trời nhìn đất, rồi thở dài sườn sượt:

Trí thức đâu rồi?

Phong Trần
Quán chủ phong trần quán

Nguồn: Thông Luận

BS Hồ Hải – Sự Chuyển Hướng Của Miến Điện

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Thế giới on 2012/03/09 at 09:15

Bài viết gc: Burma’sTurn

Joseph E. Stiglitz là giáo sư tại Đại học Columbia University, một người đoạt giải Nobel kinh tế, và là tác giả của cuốn Rơi tự do: Thị trường tự do sự sa lầy của nền kinh tế toàn cầu (Freefall: Free Markets and the Sinking of the Global Economy).

YANGON – Myanmar (Miến Điện), nơi mà sự thay đổi chính trị đã bị trầm buồn lặng lẽ trong nửa thế kỷ qua, một nhà lãnh đạo mới đang cố gắng nắm lấy quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ bên trong. Chính phủ đã giải phóng tù nhân chính trị, đã tổ chức các cuộc bầu cử (bằng đa nguyên trong cách thực hiện), đã bắt đầu cải cách kinh tế, và mạnh mẽ tán tỉnh đầu tư nước ngoài.

Dễ hiểu thôi, cộng đồng quốc tế, từ lâu đã trừng phạt chế độ độc đoán của Myanmar, nên vẫn còn thận trọng. Cải cách đang được đưa đến quá nhanh mà ngay cả các chuyên gia nổi tiếng trên cả đất nước Miến Điện cũng không chắc chắn về những gì họ đang làm.

Nhưng nó quá rõ ràng với tôi rằng thời điểm này trong lịch sử Miến Điện là một cơ hội thực sự cho sự thay đổi vĩnh viễn – một cơ hội mà cộng đồng quốc tế không được bỏ lỡ. Đó là thời khắc cho thế giới chuyển động các chương trình nghị sự cho Miến Điện tiến về phía trước, không chỉ bằng cách cung cấp hỗ trợ, mà còn phải loại bỏ các hình thức xử phạt đã trở thành một trở ngại cho sự chuyển đổi của Miến Điện.

Cho đến nay, chuyển đổi đó, đã bắt đầu sau cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Mười Một năm 2010, rất ngoạn mục. Với quân đội, họ đã độc nắm quyền lực từ năm 1962, hiện còn giữ lại khoảng 25% số ghế, có lo ngại rằng cuộc bầu cử sẽ là trò diễn tuồng. Nhưng chính phủ mới lên đã cố gắng hết sức mình để đáp lại những mối quan tâm cơ bản của công dân Miến Điện tốt hơn nhiều lần so với những gì đã được tiên liệu.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống mới, Thein Sein, các cơ quan chức năng đã đáp ứng những lời kêu gọi cho một cỡi mở chính trị và kinh tế. Tiến bộ đã được thực hiện trên thỏa thuận hòa bình với quân nổi dậy của dân tộc thiểu số – những cuộc xung đột bắt nguồn từ trong chiến lược chia đề trị và nắm quyền lực của chủ nghĩa thực dân, cái mà những nhà cầm quyền sau khi được trả độc lập vẫn duy trì trong hơn sáu thập kỷ qua. Người đoạt giải Nobel Bà Aung San Suu Kyi đã không chỉ được trả tự do từ việc bị quản thúc tại gia, mà hiện đang còn ráo riết vận động cho một ghế quốc hội trong cuộc bầu cử tháng tư.

Trên mặt trận kinh tế, minh bạch chưa từng thấy đã được trình bày trong tiến trình chi tiêu ngân sách. Chi phí chăm sóc y tế và giáo dục đã được tăng gấp đôi, mặc dù trên một mặt bằng thấp. Sự hạn chế cấp phép trong một số lĩnh vực quan trọng đã được nới lỏng. Chính phủ đã cam kết chuyển động theo hướng thống nhất hệ thống tỷ giá hối đoái phức tạp.

Tinh thần của hy vọng trong nước có thể sờ thấy được, mặc dù một số người lớn tuổi vẫn còn thận trọng, vì họ đã từng nhìn thấy những khoảnh khắc nới lỏng rõ ràng đến và đi trước đó của chế độ độc tài. Có lẽ đó là lý do tại sao một số cộng đồng quốc tế còn do dự về việc giảm bớt sự cô lập đối với Miến Điện. Tuy nhiên, hầu hết nhận thức rằng, Miến Điện nếu những thay đổi được kiểm soát tốt, đất nước này sẽ hội nhập vào một tiến trình không thể đảo ngược.

Trong tháng Hai, tôi tham gia một hội thảo tại Yangon (Rangoon) và ở thủ đô mới được xây dựng gần đây – Naypyidaw(1) – được tổ chức bởi một trong những nhà kinh tế hàng đầu của Miến Điện – U Myint(2). Các sự kiện là trọng yếu, do nhờ vào ở cả hai yếu tố số lượng cử tọa lớn và tích cực tham gia (hơn một ngàn ở Yangon), với các bài thuyết trình đầy chu đáo và cảm động bỡi 2 nhà kinh tế nổi tiếng thế giới của Miến Điện, những người đã rời bỏ đất nước trong những năm 1960s và đã trở lại đầu tiên sau hơn bốn thập kỷ tha hương.

Đồng nghiệp của tôi ở Đại học Columbia – Ronald Findlay – đã giới thiệu cho tôi lưu ý đến một trong hai người này, Hla Myint 91 tuổi(3), người đã giữ vị trí một giáo sư tại Trường Kinh tế London, là cha đẻ của phát minh ra chiến lược phát triển thành công nhất của một nền kinh tế mở và tăng trưởng xuất khẩu. Một chiến lược mà đã được thực hiện chi tiết trên toàn châu Á trong những thập kỷ gần đây, đáng chú ý nhất là ở Trung Quốc. Có lẽ bây giờ, cuối cùng nó cũng đã trở lại quê nhà.

Tôi đã có một bài thuyết trình tại Miến Điện vào tháng Mười Hai năm 2009. Vào thời điểm đó, họ phải cẩn thận, vì những nhạy cảm của chính phủ, ngay cả về phương cách để điều chỉnh những vấn đề của quốc gia nghèo đói, kém năng suất ở nông thôn, và lực lượng lao động không có tay nghề. Bây giờ thận trọng đã được thay thế bởi một nhận thức cấp bách trong việc đối phó với những thách thức khác, và những ý thức về sự cần thiết cho các dạng hỗ trợ khác và kỹ thuật. (So với dân số và thu nhập của mình, Miến Điện là một trong những nước nhận hỗ trợ quốc tế nhỏ nhất thế giới.)

Có nhiều cuộc tranh luận về cái mà giải thích được tốc độ thay đổi nhanh chóng hiện nay của Miến Điện. Có lẽ các nhà lãnh đạo nhận ra rằng đất nước này, đã có một thời là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và đã và đang tụt hậu xa so với các nước láng giềng. Có lẽ họ đã nghe thông điệp của mùa xuân Ả Rập, hoặc chỉ đơn giản hiểu rằng, với hơn ba triệu người Miến Điện sống ở nước ngoài, là cái mà không thể cô lập được quốc gia với phần còn lại của thế giới hoặc ngăn chặn những ý tưởng đang rò rỉ sang từ các nước láng giềng. Dù là lý do gì thì, thay đổi đang xảy ra, và cơ hội mà Miến Điện thể hiện là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, nhiều lệnh trừng phạt quốc tế, bất cứ vai trò gì của những lệnh trừng phạt này trong quá khứ, bây giờ dường như phản tác dụng. Ví dụ, biện pháp trừng phạt tài chính đối với Miến Điện, nó ngăn cản sự phát triển một hệ thống tài chính hiện đại và minh bạch, để hòa nhập với phần còn lại của thế giới. Nền kinh tế dựa trên sử dụng tiền mặt sẽ đem đến hậu quả như là một lời mời mọc đối với tham nhũng.

Tương tự như vậy, những hạn chế mà nó ngăn chặn các công ty có trách nhiệm xã hội ở các nước công nghiệp tiên tiến đến kinh doanh tại Miến Điện, khiến những công ty thận trọng đã rời bỏ thị trường mở cửa. Chúng ta nên hoan nghênh mong muốn Miến Điện để họ được hướng dẫn và tư vấn từ các tổ chức đa phương và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc; thay vì, chúng ta cứ tiếp tục hạn chế vai trò của các tổ chức này có thể tham gia trong quá trình chuyển đổi của đất nước này.

Bất cứ khi nào chúng ta từ chối hỗ trợ hoặc trừng phạt, chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn thận về những người mang gánh nặng trong việc mang lại những thay đổi mà chúng ta tìm kiếm ở Miến Điện. Mở cửa thương mại trong nông nghiệp và dệt may – và thậm chí cung cấp các loại ưu đãi đã từng giúp đỡ cho các nước nghèo khác – có khả năng sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 70% dân số Miến Điện là nông dân nghèo, cũng như tạo công ăn việc làm mới cho họ. Giàu có và hùng cường có thể phá vỡ các biện pháp trừng phạt tài chính, mặc dù phải trả giá; thường dân không thể dễ dàng thoát khỏi sự ảnh hưởng của tình trạng hạ đẳng của quốc tế(international-pariah status).

Chúng ta đã nhìn thấy mùa xuân Ả Rập trổ hoa ngập ngừng ở một vài quốc gia; ở những quốc gia khác, Mùa Xuân Ả Rập vẫn còn chưa chắc chắn liệu nó có sẽ mang lại quả ngọt. Quá trình chuyển đổi của Miến Điện là trong một số cách bình yên hơn, mà không có sự phô trương của Twitter và Facebook, nhưng nó rất hiện thực – và không kém phần xứng đáng để hỗ trợ.

Bản quyền: Project Syndicate, 2012.
http://www.project-syndicate.org

Ghi chú của người dịch:

1. Naypyidaw: còn được viết là Nay Pyi Taw. Là thủ đô mới được xây dựng của Miến Điện được chính quyền quân sự Miến Điện công nhận từ ngày 06 tháng Một năm 2006, và đưa vào sử dụng từ ngày 26 tháng ba năm 2006. Theo tiếng Miến Điện nó có nghĩa là “Thành phố Hoàng gia”. Trước đây thủ đô Miến Điện ở thành phố cảng Yangon, là thành phố đông dân và lớn nhất ở Miến Điện.

2. U Myint: là một nhà kinh tế nổi tiếng ở trong nước của Miến Điện. Ông được xem là kiến trúc sư cho sự nghiệp đổi mới hiện nay của Miến Điện. Ông hiện là cố vấn kinh tế cao cấp cho tổng thống Thein Sein, người chủ trương cải cách. Trong khi Ông U Myint là cầu nối cho trí thức Miến Điện trong nước và toàn cầu chung tay xây dựng lại đất nước Miến Điện, thì tổng thống Thein Sein là con người làm công việc hòa giải dân tộc sau bao nhiêu năm bị chế độ độc tài quân sự làm dân tộc Miến Điện bị chia rẻ.

 

3. Hla Myint: như bài viết đã giới thiệu, Ông Hla Myint và bà Aung San Suu Kyi là 2 trong những niềm tự hào của Miến Điện trên trường thế giới mà ở khối Asean chưa nước nào có được. Ông Hla Myint bảo vệ đề tài tiến sĩ về lý thuyết kinh tế thịnh vượng (Theories of Welfare Economics) năm 1948. Năm 1971 Ông đưa ra Lý thuyết kinh tế và các nước kém phát triển (Economic Theory and the Underdeveloped Countries). Và cũng trong năm sau đó ông cho ra đời lý thuyết Kinh tế của khu vực Đông Nam Á: Chính sách phát triển trong những năm 1970s (Southeast Asia’s Economy: Development Policies in the 1970s). Lý thuyết này trở thành giáo khoa kinh điển trong giảng dạy đại học với cuốn: Penguin Modern Economics Texts do Penguin Books xuất bản năm 1972. Ông đã từng là giáo sự của University of Rangoon và là cố vấn kinh tế cho chính phủ sau khi được trao trả độc lập 1948 cho đến năm 1962 chính phủ dân sự bị quân đội lật đổ. Ông Hla Myint bỏ đất nước ra đi và làm giáo sự tại London School of Economics, nơi mà ông Lý Quang Diệu đã từng học nửa chừng thì chuyển sang học luật. Dù bỏ đất nước ra đi, nhưng Ông Hla Myint luôn giữ quốc tịch của mình là quốc tịch Miến Điện mà không nhập quốc tịch Anh. Điều này thể hiện tấm lòng yêu nước của một trí thức chân chính hiếm có.

Cũng cần nhắc lại thời kỳ hoàng kim của Miến Điện là từ sau trao trả độc lập từ tay thực dân Anh vào ngày 04/01/1948, với tên gọi là Liên Bang Myanmar, và trở thành thành viên của Liên Hiệp Anh. Thời kỳ này Miến Điện có tổng thống là Sao Shwe Thaik và thủ tướng U Nu. Ông cựu thư ký thủ tướng U Nu là U Thant trở thành là Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Ông U Thant là người đầu tiên không phải là người phương Tây nắm một tổ chức quốc tế. Ông làm chức vụ này trong 10 năm cũng là những năm tháng dân chủ và cường thịnh của Miến Điện.

Năm 1962 chế độ dân chủ bị quân đội lật đổ và áp đặt Miến Điện đi theo con đường quân phiệt. Sau Thông Cáo Thượng Hải giữa Mỹ và Trung Hoa, Mỹ bán lại Đông Dương cho Trung Hoa, chính quyền quân phiệt Miến Điện bẻ lái theo Trung Hoa, nên đến năm 1974 cái tên Cộng hòa Xã hộ Chủ nghĩa Liên bang Myamar được đặt cho Miến Điện suốt 26 năm. Sau khi dời đô năm 2006, với Mùa Xuân Ả Rập và cách mạng Hoa Nhài, nên đến năm 2010 thì hội đồng quân đội Miến Điện quyết định đổi mới dưới áp lực thời đại, họ đổi tên nước thành Cộng hòa Liên bang Myanmar (Republic of the Union of Myanmar). Và với cuộc bầu cử ngày 04/02/2011 ông đương kim thủ tướng Thein Sein thắng cử. Và đến ngày 03/3/2011 ông Thein Sein nắm cả 2 chức vụ tổng thống kiêm thủ tướng Miến Điện. Ông đã mang lại những thay đổi thần kỳ về chính trị cho Miến Điện.

Có một điều khác biệt giữa nước XHCN Miến Điện với các nước theo XHCN khác là, dù Miến Điện trải qua 26 năm theo Trung Hoa với cái gọi là XHCN độc tài, nhưng họ vẫn giữ hình thái chính trị đa nguyên. Nên sự thay đổi theo đúng quy luật chỉ trong 1 năm qua của Miến Điện đã đi nhanh làm ngỡ ngàng các nước Phương Tây. Song đối với các doanh gia gốc Do Thái thì chiếc mũi rất thính. Nên mấy tháng nay các doanh nhân Do Thái từ Israel là những nhà đầu tư lớn nhất đến Miến Điện, vì họ tin rằng với một nền chính trị đa nguyên đáng để tin cậy hơn các nền chính trị đơn nguyên.

 

Nguồn: Blog BS Hồ Hải

Phương Bích – Những người đàn bà chờ chồng trong ngày 8/3

In Cộng Đồng on 2012/03/09 at 09:07

Khuôn mặt chị Lân, vợ bác Nguyễn Tương Thụy vẫn bừng bừng tức giận:

–  Họ đến đưa giấy mời, bảo đi ngay. Anh ấy (bác Thụy) bảo các anh mời cũng phải để cho tôi có thời gian chuẩn bị chứ. Nó không nghe, cứ bắt anh ấy phải đi ngay. Anh ấy không chịu, vì còn đang mặc quần áo ngủ, lại chưa rửa mặt. Nó bảo bác không đi là chúng tôi bế bác đi đấy. Thế là họ bế thật. Mấy người bọn họ xúm vào bế anh ấy lên nhét vào ô tô. Tôi chạy theo ô tô gào lên:

Ối làng nước ơi, công an bắt chồng tôi, nào tôi có biết bắt chồng tôi vì cái gì đâu, ối làng nước ơi….

Không chạy bộ theo xe được, tôi về lấy xe đạp, phóng ra trụ sở công an huyện Thanh Trì đòi chồng tôi. Họ không những không cho tôi vào gặp chỉ huy, lại còn trỏ mặt tôi bảo:

–  Tôi nói cho chị biết, chị vào cửa quan mà có thái độ như thế chỉ thiệt cho chị thôi.

–  Á à, anh lại bảo đây là cửa quan à?

Tôi điên tiết làm ầm lên cho một chặp, chúng nó lảng đi hết. Bực mình tôi quay về đây thì biết anh Nguyễn Kim cũng bị công an bắt đi rồi. Thực tôi chả hiểu ra làm sao cả. Sao lại có cái thói cứ thích bắt là bắt mà chẳng nói là tại sao thế?

Nhìn cơn phẫn nộ của người đàn bà, tôi chợt nhớ đến hình ảnh chị Dậu trong ‘Tắt đèn” đang xắn tay áo lên: Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem.

Trang Thanh Hiền tới, dẫn theo hai con nhỏ. Trông cô ấy bình thản, vẫn cười khi gặp mọi người. Xuân Diện thường bảo: vợ em bản lĩnh hơn em nhiều.

Trái với chị Lân, bà chủ quán trẻ phốp pháp, vợ anh Nguyễn Kim xinh đẹp trong bộ áo dài đỏ thướt tha, cứ tủm tỉm cười khi kể lại chuyện chồng mình bị công an đưa đi thế nào.

–  Em bảo thằng công an: Chú trông chị hôm nay ăn mặc có đẹp không? Trông chị có xinh không? Ừ! Mà ngày hôm nay là mồng tám tháng ba đấy, chồng chị đang chuẩn bị chúc mừng chị, thế mà các chú lại đến đưa chồng chị đi đâu? Thế bây giờ ai là người chúc chị đây hả?

Tuy cười là thế, nhưng lát sau tôi đã thấy cô ấy thay bộ áo dài bằng bộ đồ đen, đứng buồn xo sau quầy. Gượng mỉm cười chào đón khi có thêm người đến. Trong khi những người phụ nữ chúng tôi đang quây quần bên nhau tíu tít hỏi chuyện nhau, người phụ nữ trẻ đứng đó với gương mặt thật buồn, cái nhìn xa vắng sao trông đơn côi làm vậy.

Mặc dầu hôm nay những người phụ nữ được mời đến đây, để cho những người đàn ông tri ân… Nhưng tôi nghĩ trong lòng bất cứ ai vẫn có một người đàn ông của riêng họ, và hơn ai hết, họ muốn nhận được lời chúc mừng từ người đó.

Hôm nay, có ba người phụ nữ đang ngóng chờ người đàn ông của họ, từ một nơi ít người mong đợi nhất, đó là đồn công an!

Mỗi người đàn bà một tâm trạng, dẫu  họ có rất kiên cường vì tin vào sự ngay thẳng và trung thực của chồng mình, nhưng làm sao có thể không bất nhẫn khi chồng mình bị bắt đi không một lời giải thích, ngay trong ngày cả thế giới chúc tụng chính họ – một nửa của thế giới? Làm sao họ có thể yên tâm về mọi sự bất trắc có thể xảy ra ở trong đồn công an trong thời buổi này…?

Trên thực tế, nhiều người chúc mừng phụ nữ nhân ngày 8/3 có thể sớm hơn một hai ngày nếu như ngày 8/3 trùng vào ngày nghỉ, hoặc vì những lý do riêng tư khác. Mồng 8 tháng 3 này, thoạt đầu có người chợt nảy ra ý tưởng lên Thanh Hà, gửi hoa chúc mừng đến Bùi Hằng. Sau cánh đàn ông lại nhao nhao lên bảo, sao không chúc mừng tất cả các chị em đã xuống đường trong 11 cuộc biểu tình vừa qua?

Thế là cánh đàn ông lập thành một nhóm “bí mật” không cho đám phụ nữ tham gia, nhằm muốn dành cho họ nhưng bất ngờ thú vị. Suốt cả tuần cánh nữ hồi hộp chờ đợi, tưởng tương ra đủ thứ nhưng “bọn” đàn ông kín lắm.

Trước giờ xuất phát, tôi còn đang chuẩn bị áo dài với nón lá thì nhận được điện thoại của một người, nói công an đã đến nhà hàng của anh Nguyễn Kim, nơi tổ chức bữa tiệc yêu cầu không được “tổ chức tụ tập” đông người, nếu cứ cố tình sẽ phá…Người này nói vắn tắt và vội vàng, khuyên tôi không nên đến và tránh xa chỗ đó ra.

Tôi ngạc nhiên lắm, vội vào facebook xem thông tin. Thấy nói bác Tường Thụy đã bị bắt, Xuân Diện thì không thể liên lạc được suốt từ chiều, rồi đến lượt anh Môn (tức Nguyễn Kim) cũng bị công an vào tận cửa hàng đưa đi. A! xem ra tin tức tôi vừa nhận được là đúng.

Dù không nên ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn không thể đừng được, họ định đẩy mọi việc đi đến đâu đây? Vẫn sẽ lại không vì một lý do gì, hay phát sinh ra sự vụ gì mới? Nhưng gì thì gì, không lẽ chỉ vì muốn phá buổi tiệc này mà họ làm vậy?

Tôi không tin là chỉ có 3 người bị bắt mà mọi người sẽ hoảng sợ. Đúng giờ hẹn, xe bác Phan Trong Khang qua đón tôi. Trên xe đã có giáo sư Ngô Đức Thọ, chị Hương và em Hạnh. Dọc đường, nghe thông tin liên tục về chuyện, quanh nơi tổ chức tiệc có rất nhiều người lạ đứng lảng vảng quanh đó. Thực sự không ai trong chúng tôi run sợ điều gì. Bởi một cái việc danh chính ngôn thuận đến thế này mà còn phải run sợ, thì há còn dám ngẩng mặt lên giữa đời mà sống nữa hay thôi?

Lâu không gặp nhau, ai nấy đều hoan hỉ, nên phút chốc xao nhãng chuyện về những người bị bắt. Mọi người rất vui mừng khi thấy cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, cụ Ngô Đức Thọ, cụ Lê Hiền Đức, chị Trần Thanh Vân, chị Võ Thị Hảo và nhiều gương mặt thân quen khác đến dự tiệc.

Có thể chúng tôi hơi vô tâm khi hàn huyên với nhau, nhưng không lẽ bỏ cuộc chỉ vì sự dọa dẫm vớ vẩn kiểu hạ sách đó. Mọi người đọc thơ là chính. Thiếu mất MC trụ cột là Nguyễn Xuân Diện, đã có JB Vinh, họa sĩ Dung Mai, Chí Tuyến thay nhau làm MC thay thế. Chí Tuyến trông dữ tợn thế mà vừa đọc thơ vừa nghẹn ngào khiến chị Hương bên cạnh tôi phút đầu rơm rớm lệ, sau thì ko kìm được bật khóc thành tiếng, mếu máo bảo mọi người xum vầy thế này, vậy mà chỉ có mình Bùi Hằng bị giam hãm ở chốn cùng cốc. Hu hu! Thương Bùi Hằng quá.

Dự kiến chương trình sẽ kéo dài đến 10 giờ tối, nhưng cũng chẳng ai có lòng dạ nào ngồi lâu hơn. Hơn 8 giờ tối, mọi người chụp ảnh kỷ niệm, nhận quà tặng là một cái cốc sứ Bát Tràng No-U rồi ra về. Một người nào đó nói, taxi bị chặn từ ở ngoài đường rồi, không vào đón khách được. Bẩn thỉu đến thế là cùng. Lại chia nhau đưa đón.

Số người đi xe máy bắt đầu chia làm 2 hướng, hướng công an huyện Thanh Trì, nơi đang câu lưu blogger Nguyễn Tường Thụy suốt từ đầu giờ chiều đến giờ và công an quận Hà Đông, nơi câu lưu Nguyễn Xuân Diện.

Vì tôi mặc áo dài nên hơi cách rách, lại đi ô tô nên đành phải theo xe về trước. Về đến nhà là nhảy bổ vào mạng, gọi điện cho Chí Tuyến, liên tục cập nhật thông tin từ nhóm Thanh Trì lên facebook. Thời gian trôi đi trong sự mong ngóng đến cháy ruột của mọi người. Bọn họ chả đưa ra được lý do gì nên cứ loanh quanh né tránh. Lúc đầu thì cảnh sát dàn hàng ngang ra rất khí thế. Sau thấy mọi người không tỏ vẻ nao núng thì lại rút hết vào bên trong và đóng cổng lại. Ngay tức thì các quần chúng tự phát đầu trọc, xăm trổ đầy mình xuất hiện, lên giọng dọa nạt bảo không được làm mất trật tự. Anh chị em bèn hô: một hai ba “ Thả người”. Cứ thế hô liên tục. Cảnh cáo công an mà không can thiệp là anh em sẽ “tự vệ chính đáng”. Thấy anh em oách thế, các quần chúng tự phát bèn rút quân. Lực lượng này rút thì lực lượng cũ lại được triển khai, cổng lại mở và cảnh sát lại kéo ra án ngữ trước cửa.

Việc đến lúc phải đến thì đến thôi. Chí Tuyến thông báo: bác Tường Thụy đã ra!

Mọi người reo ầm ầm. Xem chừng có tuổi như bác Tường Thụy mà bị giữ gần mười tiếng đồng hồ cũng phờ phạc cả người. Trông nét mặt bần thần của bác ấy thì có vẻ oải, nhưng nhìn con mắt, tôi đoán nhiều điều đang chực bùng nổ lắm, đoán rằng về bác ấy có khối chuyện để mà xả trên blog. Còn lâu mới bẻ được ý chí của một người như bác ấy.

Rốt cuộc bắt và thả là tùy hứng, chả có lệnh, chả có lý do gì. Sao giống cái việc án ngữ trước cửa, không cho bác Khánh ra khỏi nhà thế, lại còn xưng xưng bảo đời còn nhiều cái vô lý hơn thế. Ới bà Nguyễn Thi Doan là bà Nguyễn Thị Doan ơiiiii.

Nói thực là chỗ Xuân Diện mọi người lại không lo lắm, vì Xuân Diện là khách “quen” rồi, lại là công an thành phố nên chắc ít “mông muội” hơn.

Mà quả có thế, bác Tường Thụy được “thả” rồi, Xuân Diện cũng vừa được thông báo là “đã ra”! Tôi cứ tưởng theo gương ở thành phố và huyện, thì công an thị trấn Văn Điển phải lén đưa anh Nguyễn Kim về nhà trước rồi mới phải. Lại phải muối mặt tiếp anh chị em đến đòi người. Một quần chúng tự phát kiếm cớ gây sự, đánh cùi trỏ vào cằm Chí Tuyến rồi bỏ chạy. Chạy là chạy thế nào. Lập tức anh em ta đuổi theo tóm được, lôi vào đồn công an yêu cầu xử lý. Công an lại loanh quanh, yêu cầu làm bản tường trình khiến Chí Tuyến nổi xung:

– Chúng tôi chỉ làm bản tường trình khi không có mặt các anh. Đằng này sự việc xảy ra ngay trước mắt các anh mà còn yêu cầu làm bản tường trình, thế chẳng hóa ra các anh không có mắt à? Các anh có xử không thì bảo, hay là để quần chúng chúng tôi tự xử (như kiểu quần chúng bức xúc phá nhà ông Vươn ấy).

Thấy căng, kẻ gây sự đành phải xin lỗi. Rồi thì đến lượt anh Nguyễn Kim cũng phải “thả”. Nghe cháu Tố Uyên từ Sài Gòn gọi ra cho bố thì công an bắt anh Nguyễn Kim phải làm bản cam kết, không được bán cho khách hàng “nhạy cảm”. Dù là tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đặt hàng cũng không được bán. Ô hô hô!

Thôi anh em được “thả “ hết là yên tâm rồi. Tôi phải đi ngủ sớm để mai còn cùng với mấy anh em lên Thanh Hà gửi hoa cho Bùi Hằng, nhân ngày mồng tám tháng ba. Ôi, sao ngày mồng tám tháng ba năm nay đối với tôi vất vả làm vậy.

Suốt những năm tháng đi làm, năm nào cũng đều như vắt chanh là cứ đến ngày 8/3 và 20/10 là chị em ở cơ quan lại tổ chức mít tinh. Xong rồi kéo nhau ra nhà hàng đánh chén một bữa hoành tráng, lại còn thêm cái phòng bì bỏ túi. Có bữa còn tổ chức thuê hẳn một cái xe to chở tất cả chị em đi chơi xa, lên cả V resort ở Hòa Bình để tắm nước khoáng nóng…tất cả những cái đó nó như một điều đương nhiên, nên thực sự nói về sâu xa là tôi không có xúc động mấy.

Hóa ra cả đời mình ru rú trong một xó, có mấy bạn bè đâu. Từ ngày đi biểu tình, quen được thêm bao nhiêu là bạn. Già có trẻ có, nam có nữ có. Trải qua mấy đận vì nhau mà lặn lội ngược xuôi, hết từ đồn công an này đến đồn công an khác để tương trợ bạn bè, lại trở nên thân thiết hơn cả tình bằng hữu hàng chục năm. Có lần tôi than vãn: cứ phải đi “cứu” nhau suốt thế này thì còn làm ăn được gì nữa. Mọi người bảo: nặng về nghiệp lắm! Cái nghiệp cứu người.

Nguồn: blogger Phương Bích