vietsoul21

Archive for Tháng Sáu, 2013|Monthly archive page

Trần Trung Đạo – Một tuyên bố chung Việt-Trung có 29 lần “nhất trí”

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/06/22 at 09:11

Nguồn: voanews.com

Đọc tuyên bố chung giữa Tập Cận Bình và Trương Tấn Sang ký ngày 21 tháng Sáu vừa qua mới thấy số phận chùm gởi CSVN phụ thuộc sâu xa vào cây cổ thụ già Cộng Sản Trung Quốc đến mức độ nào. Sự khiếp nhược và ươn hèn thể hiện rõ đến mức chỉ trong một văn bản gồm 8 điểm nhưng có tổng cộng 29 lần “nhất trí”.

Hai bên “nhất trí” không chỉ các chính sách đối nội nhằm duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng CS mà còn “có lập trường tương tự và gần nhau trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm” trong đó có cả vấn đề Đài Loan, một vấn đề thuộc nội bộ Trung Quốc không dính líu gì đến Việt Nam.

Tưởng cũng nên nhắc lại. Năm 1958, vì quá nhiệt tình nịnh bợ đàn anh CSTQ trong tranh chấp với Mỹ về vấn đề Đài Loan,  Bộ Chính Trị đại hội II của đảng CSVN đã chỉ thị Phạm Văn Đồng viết công hàm “ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.” So sánh nội dung của tuyên bố chung lần này với các văn bản  theo đuôi Trung Quốc của các thập niên 1950, 1960 không khác nhau nhiều. Thời gian cách nhau hơn nửa thế kỷ nhưng mức độ khiếp nhược của CSVN đối với đàn anh CSTQ vẫn không thay đổi.

Vấn đề tranh chấp biển Đông là vấn đề nóng bỏng nhất, Trương Tấn Sang thay vì khẳng định việc quốc tế hóa, mở rộng vấn đề biển Đông sang các diễn đàn quốc tế như Philippines đang làm, lại cũng “nhất trí” thu hẹp vấn đề trong phạm vi hai nước “nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông.”

“Hòa bình” và “ổn định” là hai thuật ngữ ngoại giao bắt đầu từ chủ trương Đặng Tiểu Bình “giấu mình để bước tới” đã được lập đi lập lại trong hầu hết các văn bản về chính sách đối ngoại của CSTQ.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc một mặt kêu gọi “hòa bình” và “ổn định” nhưng mặt khác đã cho dời từng cây cọc trên vùng biên giới, lấn chiếm từng thước đất, từng bãi san hô, từng hòn đảo nhỏ trên biển Đông. Cái hèn hạ và tin tiện của đám lãnh đạo CSTQ là chúng chỉ biết ăn hiếp những đám lãnh đạo cũng hèn hạ và ti tiện tương tự, trong trường hợp này là CSVN  và chỉ biết ăn cắp vặt để các cường quốc không đủ lý do đặt vấn đề và các biến cố do chúng gây ra không đủ tầm vóc để được quốc tế quan tâm.

Bài học chính trị, kinh tế, quân sự từ thời thượng cổ đến nay đều cho thấy, đương đầu với kẻ thù lớn mạnh, chọn lựa cần thiết của các quốc gia nhỏ yếu là liên kết chặt chẽ với nhau và đồng minh với các nước lớn khác có quyền lợi mâu thuẫn với kẻ thù.

Dĩ nhiên giới lãnh đạo CSVN biết chiến lược quen thuộc đó nhưng tham vọng quyền lực của đảng CS và túi tham cá nhân, băng đảng không đáy đã làm mờ mắt họ, che mất tầm nhìn của họ vào các thế hệ tương lai con cháu giòng giống Việt.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Đảng Cộng sản Trung Quốc là chỗ dựa duy nhất và cũng là cuối cùng của đảng CSVN. Từ đó đến nay, các chính sách của đảng, từ các đổi mới kinh tế, xã hội cho đến các quan điểm chính trị, tư tưởng gần như rập khuôn Trung Quốc.

Giới lãnh đạo CSVN quá lo cho nồi cơm riêng của họ đến nỗi quên rằng Trung Quốc cũng có nhiều thách thức kinh tế xã hội và hạn chế chính trị nội bộ cần phải vượt qua để có thể duy trì tốc độ phát triển kinh tế hiện nay và tiếp tục cạnh tranh với Mỹ, Nhật, Đức.

Kỹ thuật quân sự của Trung Quốc  tiến xa so với thời kỳ chiến tranh với Việt Nam tháng Giêng 1979 nhưng điều kiện kinh tế toàn cầu ngày nay cũng đã làm cho các cường quốc phụ thuộc vào nhau nhiều hơn so với 30 năm trước. Ngoài ra, các vấn đề môi sinh, ô nhiễm, khan hiếm năng lượng đang là những mối đe dọa trầm trọng tại Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến cán cân thương mại quốc gia trong tương lai gần.

Quốc gia nào cũng cần ổn định để phát triển nhưng Trung Quốc cần ổn định hơn bất cứ quốc gia nào khác trong vùng.

Mặc dù viện trợ 2 tỉ đô la hàng năm để nuôi dưỡng chế độ độc tài man rợ của gia đình họ Kim nhưng chính Trung Quốc lại là một trong những nước lo lắng nhất khi họ Kim ra lệnh thử đầu đạn hạt nhân bất chấp lời can gián của Bắc Kinh. Bởi vì, nếu chiến tranh Nam Bắc Hàn lần nữa xảy ra, ngoài làn sóng tỵ nạn khổng lồ sẽ tràn ngập biên giới phía đông bắc Trung Quốc, hạ tầng kinh tế gầy dựng bấy lâu nay của Trung Quốc sẽ sụp đổ và có thể cả toàn bộ thượng tầng kiến trúc chính trị cũng sẽ tiêu vong theo. Giới lãnh đạo Trung Quốc còn ôm mối lo canh cánh khác bên lòng rằngTrung Quốc tuy là một nước lớn nhưng thường bị các nước nhỏ xâm lăng và cai trị nhiều chục năm, thậm chí hàng trăm năm như dưới các triều đại Mãn Thanh. Sự tan rã của đế quốc CSTQ chỉ là vấn đề thời gian.

Tuyên bố Việt-Trung mang nội dung ươn hèn và khiếp nhược của lãnh đạo đảng CSVN trước thiên triều CSTQ là lời cảnh tỉnh cuối cùng đối với những người đang còn ngóng cổ trông chờ, còn đang van xin thỉnh nguyện đảng CS sớm hồi tâm, hướng thiện mà còn là tiếng chuông gõ nhịp vào lương tri của cả dân tộc.

Như kẻ viết bài này kết luận trong bài “Ai giết 9 ngư dân Thanh Hóa ?” trước đây, chỉ có một Việt Nam văn minh dân chủ với một nền kinh tế cường thịnh, một hệ thống khoa học kỹ thuật hiện đại là phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn chận không những Trung Quốc mà bất cứ một thế lực xâm lăng nào muốn thách thức đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, thay vì van xin, thỉnh nguyện đảng CS, những ai quan tâm đến đến tiền đồ đất nước nên dứt khoát tập trung toàn lực vào việc thay đổi cơ chế chính trị độc tài CSVN hiện nay.

Nếu không làm được thế, rồi không chỉ 9 ngư dân Thanh Hóa, không chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, mà cả dân tộc lại sẽ chìm đắm trong họa đồng hóa của thời đại mới. Và khi đó, đừng đổ thừa cho Trung Quốc mà chính sự nhu nhược, yếu hèn, mê muội trong mỗi chúng ta đã giết chết 9 ngư dân Thanh Hóa, giết chết chính chúng ta và dân tộc Việt Nam.

Nguồn: FB Trần Trung Đạo

BS Hồ Hải – Chuyện ngược đời trong giáo dục

In Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/06/18 at 15:50

Theo blog BS Hồ Hải

Về mặt triết học, như tôi đã viết, tư hữu và quyền lực là bản chất của muôn loài, từ thực vật đến động vật, trong đó có con người. Cái cây, ngọn cỏ muốn sinh tồn rễ và táng cây cũng phải chiếm lĩnh một không gian bên dưới và bên trên mặt đất để kiếm ăn mà sống, huống hồ con người. Một thực thể sống nửa thánh thiện, người, và nửa ác quỷ, con. Ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng cho ta thấy rõ điều này.

Chính vì thế mà, không ở đâu trên thế giới này chấm dứt được tình trạng tha hóa và tham nhũng, chỉ có ít hoặc nhiều do thể chế chính trị góp sức nó tăng hoặc giảm mà thôi.

Nên chuyện tha hóa có nguồn gốc từ bản chất của con người. Ở người dân không có quyền lực, tha hóa sẽ làm cho họ phá vỡ lớp vỏ đạo đức mà bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội đã dày công hun đúc tạo nên nhân cách của họ. Khi tha hóa đủ sức bào mòn lớp vỏ đạo đức nhân cách này, một người bình thường sẽ không còn là người nữa, mà là con.

Khi là con, một người bình thường sống theo bản năng động vật. Bốn bản năng sinh tồn của động vật có cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó – ăn, ngủ, quan hệ tình dục và giải quyết những gì gọi là chất thải có độc hại với cơ thể, còn tồn đọng sau khi đã ăn vào, tiêu hóa và chuyển hóa.

Bình thường, việc ăn uống của con người là thuốc để dinh dưỡng và nuôi sống một cơ thể cường tráng chứa đựng một tinh thần minh mẫn. Khi tha hóa, một con người bình thường ăn bất cứ cái gì có thể ăn được, kể cả thịt đồng loại – mồ hôi, nước mắt và kể cả máu của người khác.

Lúc tha hóa, ăn uống được xem là thuốc độc và cũng là chất thải cho bản thân và cho gia đình họ.

Hai hoạt động bản năng còn lại cũng vậy, tồi tệ hơn cả việc ăn uống và thải ra. Họ không chỉ ngủ và quan hệ tình dục với người trăm năm mà ngủ lang chạ với bất kỳ ai, kể cả hãm hiếp con ruột của mình.

Nhưng khi là một con người có chức quyền trong xã hội, tha hóa được mô tả thăng hoa lên một cấp cao hơn – gọi là tham nhũng. Không có quyền lực thì không được gọi là tham nhũng, mà chỉ gọi là tha hóa đạo dức và nhân cách sống.

Về mặt xã hội học, chỉ có những tầng lớp tinh hoa – elite – thì mới được dùng từ tham nhũng. Hay nói cách khác, tham nhũng chỉ có ở những con người ưu tú. Họ có quyền lực, có mưu sâu, kế hiểm để nắm vận mệnh quốc gia dân tộc. Nhưng khi lớp vỏ đạo đức nhân cách của họ mỏng, không đủ sức chịu đựng với những cám dỗ của quyền lực ở đời, để bản năng động vật trổi dậy phá vở, và họ trở thành kẻ tham nhũng.

Lúc tham nhũng, mọi hành động không chỉ vượt qua vỏ dày đạo đức và nhân cách, mà còn lách qua kẻ hở hoặc ngồi trên luật pháp để thực hiện bốn bản năng động vật, nhờ vào tầng lớp ưu tú sở hữu được quyền lực, mà không ai chạm tới được.

Ăn và thải của tham nhũng được nâng lên một bậc cao ngang tầm với tầng lớp ưu tú. Chất độc lúc họ ăn và thải ra không chỉ độc với bản thân và gia đình họ như một người bình thường, mà còn độc cho cả môi trường giáo dục và xã hội.

Hai hoạt động bản năng còn lại của tham nhũng còn ghê gớm hơn nhiều. Lang chạ với kẻ thù của những con người ưu tú được xem là họa mất nước. Nên tham nhũng mới được xem là giặc nội xâm.

Do vậy mà, vấn đề phòng và chống tham nhũng là vấn đề không chỉ tạo ra một con người có lớp vỏ đạo đức nhân cách cao, mà còn đòi hỏi một nền chính trị tốt có cấu trúc vững vàng. Một nền chính trị tốt có cấu trúc vững vàng là một nền chính trị có chế độ tản quyền cao, chứ không phải một nền chính trị có chế độ tập quyền cao như ở Việt Nam hiện nay.

Vì mọi quyền hành hiện nay trong chế độ ở Việt Nam đều tập trung vào trong tay của tầng lớp ưu tú của đảng cầm quyền. Nên tham nhũng ngày càng nặng nề, nhưng với cái cách phê và tự phê, cùng nhau bỏ phiếu tín nhiệm trong đảng như vừa qua, thì xem như một hành động bất lực với tham nhũng. Ai đâu dại gì phải tự chặt đi cánh tay của mình? Đó là lý do tại sao việc phòng chống tham nhũng thất bại.

Song, tất cả những điều trên là đối với người trưởng thành, do điều kiện khách quan của nhà trường, gia đình và xã hội tác động vào để điều kiện chủ thể bị tha hóa hoặc tham nhũng tùy theo tầng lớp thấp cao trong xã hội.

Đối với trẻ con thì khác, nhân tri sơ tính bổn thiện, đó là nguyên lý và là xuất phát điểm của tâm lý con người. Nếu trẻ sống trong một môi trường gia đình tốt. Nhà trường không dạy cho học sinh tha hóa. Xã hội không có những tấm gương tha hóa và tham nhũng, thì chắc chắn trẻ sẽ không hoặc ít tha hóa.

Vì trẻ con và ngay cả người bình thường không phải là người có chức quyền, cũng không là thành phần ưu tú của xã hội, nên trẻ con và người bình thường không thể tham nhũng, mà chỉ có thể tha hóa. Khi người lớn tha hóa, để trẻ con bắt chước.

Nhưng trẻ con có thể là thành phần ưu tú của tương lai nắm vận nước, nên trẻ con cần những tấm gương tốt hiện thực ngay trong đời sống của chúng. Cha mẹ, anh chị, ông bà chiếm 80% thời gian sống gần gủi và lớn lên của một đứa trẻ. Nhà trường, xã hội và bạn bè chiếm 20% sống và gần gủi với trẻ trước khi vào đời. Nhưng tỷ lệ này đảo ngược lại khi trưởng thành.

Một đứa trẻ có đạo đức và nhân cách tốt khi vào đời làm việc trong một môi trường toàn tha hóa và tham nhũng, nó sẽ bị xem là một kẻ tâm thần, nếu nó không biết thoát ra khỏi môi trường ấy để tạo dựng một môi trường riêng thực sự trong sạch, ắt nó phải phá vỡ đạo đức và nhân cách của mình để hòa tan với tha hóa và tham nhũng.

Trẻ con không cần dạy phòng và chống tham nhũng như cái đề án 137 thí điểm giáo dục, mới vừa được ký quyết định để đưa vào chương trình học phổ thông trung học, và lồng ghép vào chương trình các cấp học từ năm học 2013 – 2014.

Trẻ con chỉ cần dạy khái niệm, định nghĩa thế nào là thoa hóa, thế nào là tham nhũng. Không cần dạy cả một chương trình đồ sộ vì người lớn có chức quyền làm bậy. Sau khi có khái niệm đúng, tự cuộc sống sinh động quanh trẻ sẽ giúp trẻ hiểu và thực hành đúng những gì nó học. Tự cuộc sống quanh trẻ sau khi bước vào đời, đời sẽ minh chứng cho trẻ cái nào nên giữ, cái nào nên từ bỏ. Đó là quy luật bàn tay vô hình trong cuộc sống.

Cái cần để tha hóa và tham nhũng giảm thiểu là chế độ chính trị minh bạch và tản quyền cao, để kiểm soát tốt mọi hành vi của quan lại triều đình sai trái. Không thể đánh tráo khái niệm từ chuyện tham nhũng của người lớn có chức có quyền, thành trò đem trẻ ra làm cái sọt rác, để thí nghiệm hết thế hệ này đến thế hệ khác như 70 năm qua.

Người cần dạy phòng chống tham nhũng là thành phần ưu tú trong xã hội đang nắm lấy vận mệnh quốc gia và dân tộc. Vì tham nhũng chỉ có ở tầng lớp này. Như vậy, cái đề án 137 có phải là sự ngược đời của nền giáo dục Việt Nam hiện nay không?

Tôi đã từng viết, đất nước mình hòa bình và thống nhất rồi, dân không ai muốn giành quyền lãnh đạo, mà dân chỉ muốn có cơm ăn áo mặc, đêm ngủ không gặp ác mộng vì cơm áo gạo tiền. Nên ngành giáo dục Việt Nam hiện nay không cần sáng kiến hay tối kiến làm gì nữa để tốn tiền của dân, chỉ cần đem nền giáo dục khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa áp dụng thì nước Việt sẽ hùng cường, văn hóa Việt sẽ phục hồi. Nều không, tình trạng không chỉ văn hóa giáo dục mãi suy đồi, mà còn mãi tình trạng tiến thoái lưỡng nan trong kinh tế chính trị như ông phó thủ tướng bảo rằng, khó khăn khi tái cơ cấu vì không có nhân lực.

Asia Clinic, 10h28′ Chúa nhựt, 16/6/2013

Tưởng Năng Tiến – Chỉ một góc nhìn Duy Nhất

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/06/15 at 10:36

“Trước một thông tin, trước một tác phẩm, một bài viết, một cây bút, một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng chính phương cách truyền thông “tham chiến”, chứ không được phép dùng đến cái còng số 8, nòng súng và nhà giam.”, Trương Duy Nhất

Sau quyết định (“Nghỉ Báo Viết Blog”) của Trương Duy Nhất, có độc giả “bình” rằng đây là một “cáo phó” cho báo bổ thời bao cấp. Ông Mặc Lâm thì mô tả hành động này như là một phương cách “thoát khỏi vòng kim cô” của nhà báo nổi tiếng này.

Trương Duy Nhất, nói nào ngay, không phải là người đầu tiên có quyết định ngon lành như thế. Hơn nửa thế kỷ trước, Nguyên Hồng còn tuyên bố một câu (ngon) hơn thế:

“Đủ, đủ lắm rồi. Ông đéo chơi với chúng mày nữa.”

Ấy thế nhưng chả bao lâu sau, vẫn theo lời kể của Tô Hoài:

“Hội Nhà văn Đức tặng Hội Nhà văn Việt Nam 200 cái xe đạp Diamant mới cứng. Nguyên Hồng được điện khẩn mời xuống công tác. Ấy là việc dắt chiếc xe đạp đứng vườn hoa Cửa Nam trò chuyện với người qua đường. Vô tuyến truyền hình của Việt, của Đức quay giới thiệu nhà văn với tặng phẩm hữu nghị quốc tế.

Nguyên Hồng hồi ấy mới để râu, rõ ra phong thái học giả phương Đông. Tuyên truyền thế thôi, cả hội chẳng được sờ vào vành bánh chiếc xe nào. Hai trăm cái xe lăn cả vào kho Bộ Thương nghiệp”. (Tô Hoài. Cát Bụi Chân Ai. Wesminster, CA: Hồng Lĩnh, 1993.)

Tôi nghe nói, Bộ Thương Nghiệp, vào thời điểm vàng son của nó, quản luôn cả đến cây kim và sợi chỉ nữa cơ. Nhờ thế, nhà nước cột chặt được tất cả mọi người, không xót một ai. Muốn “đéo chơi” (với chúng nó) nữa cũng chả phải là chuyện dễ dàng gì.

Cái thời hoàng kim (thổ tả) đó, của chúng nó, may quá, đã qua. Bây giờ, cả ông hai ông Hữu Thỉnh và Đinh Thế Huynh dù có tam cố thảo lư, và khiêng đủ “200 chiếc xe đạp Diamont mới cứng” đến tận nhà (chắc) cũng không cách chi thuyết phục được Trương Duy Nhất trở lại cái “Hợp Tác Xã Tư Tưởng” của nhà nước nữa.

Nhất đã đi rồi.

“Hợp Tác Xã Tư Tưởng” là chữ dùng (riêng) của Trương Duy Nhất để mô tả những sinh hoạt có liên quan đến sách báo thời bao cấp. Cái thời mà blogger Đào Tuấn đặt tên, một cách (vô cùng) lãng mạn, là “Thời Đại Buông Rèm.” Tôi vốn sính Tây nên gọi cái thứ của nợ này là một loại ghetto, dành cho những người cầm viết, ở Việt Nam.

Trong Thế Chiến Thứ II, ghettos được Đức Quốc Xã tạo nên (ở nhiều thành phố Đông Âu) để làm nơi tập trung người Do Thái. Với thời gian, hạn từ ghetto được phổ biến theo một nghĩa rộng rãi hơn – để chỉ những nơi biệt cư, thường là nghèo nàn và chật hẹp, của một nhóm người (nào đó) trong lòng phố thị:Black Ghetto, Mexican Ghetto, Chinese Ghetto, Student Ghetto, Gay Ghetto…

 

Nguồn ảnh: http://www.whutupdoe.

Từ hơn nửa thế kỷ qua, nhà đương cuộc Hà Nội cũng thiết lập một loại ghetto bẩn chật (tương tự) để làm nơi quần tụ cho những người cầm viết. Kẻ nào lỡ bước qua (hay bị đẩy ra) khỏi lằn ranh của cái ghetto văn hoá này là sẽ bị rơi ngay vào “bước đường cùng” – theo như (nguyên văn) lời của Bùi Ngọc Tấn:

“Có một ý kiến (hay chỉ thị) không thành văn nhưng mạnh hơn văn bản mà tất cả các báo, các nhà xuất bản đều thực hiện rất triệt để và nghiêm chỉnh là không in bài của Mặc Lân, Lê Bầu. Nếu hạn hữu có in cũng không được ký tên hai người… không được in đã hẳn, nhuận bút cũng không có nốt.

Túng thiếu. Mà phải có tiền. Phải sống. Đang loay hoay với kế mưu sinh thì Dương Tường đến. Nào ai ngờ được chính anh chàng lơ ngơ này lại là người giải quyết cho Mặc Lân vấn đề cực kì khó khăn ấy: Đi bán máu…

Lân mừng như người chết đuối vớ được cọc… Tiền tính theo cc còn tem phiếu thì đồng loạt. Mỗi người được lĩnh tem 2 cân đường, 4 cân đậu phụ, 2 kí thịt, 2 hộp sữa. Thế là mất đi một ít màu nhưng túi nằng nặng tiền và tem phiếu. Cho nên những ngày đi bán máu rất vui…

Bán máu êm ả là thế mà nhiều lúc vẫn giật mình. Ví như đang ngồi nhìn cả vào người y tá chờ gọi tên mình thì người ấy bỗng bật ra những cái tên bất ngờ nhất:

Chính Yên!

Phan Kế Bảo!

…..

Phương Nam!

Toàn những người quen. Toàn những trí thức. Ngượng nghịu nhìn nhau. Rồi cũng quen dần. Lương thiện thì rõ ràng là lương thiện rồi. Nhưng nó tố cáo bước đường cùng.” (Bùi Ngọc Tấn. “Thời gian gấp ruổi“. Viết về bè bạn. Virginia: Tiếng Quê Hương, 2006. 65 – 67)

Và đến “bước đường cùng” thì mới thấm thía hương vị của một tô phở, cho dù là phở quốc doanh. Nó có thể làm cho khách qua đường phải ứa nước miếng, và (đôi khi)… nước mắt:

“Ngày ấy từ quê ra đèo nhau qua hiệu phở, ngửi mùi thơm ngào ngạt, quyến rũ, hai vợ chồng cùng thấy đói, thấy thèm và bảo nhau vào ăn phở. Nhưng khi lục túi chỉ còn ba trăm. Đúng một bát phở chín. Không hơn. Ai ăn? Bà bảo ông ăn vì trông ông gầy quá. Ông bảo bà ăn. Bà bảo thế thì không ai ăn cả. Cùng về. Nhưng ông biết bà đã nhịn thèm nhịn nhạt, nhường chồng con bao nhiêu năm rồi. Ông quát lên khe khẽ, bắt bà phải ăn. Bà vâng lời ông. Ông còn dặn bà: Nửa bát đầu cứ thế ăn, nửa bát sau hãy cho chanh ớt. Như vậy em được ăn hai thứ phở.” (Bùi Ngọc Tấn. Vũ trụ không cùng. Fall Church,Virginia: Tiếng Quê Hương, 2007).

 

Tranh: Babui

Ở trong vòng ghetto, tuy bẩn chật nhưng được cái an toàn. Nó an toàn đến độ khiến không ít kẻ sinh tật múa gậy vườn hoang – theo như lời than phiền của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, về một cây viết và một tờ báo tăm tiếng (và tai tiếng) nhất hiện nay:

“Vì sao Nguyễn Như Phong và báo An Ninh Thế Giới dám tự tung tự tác, ngang nhiên hoành hành, đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người như vậy? “

An Ninh Thế Giới không phải là tờ báo duy nhất chuyên ngậm máu (hay ngậm cứt) phun người như thế. Ngày 31 tháng 10 năm 2009, qua một bài báo (“Bán dâu – Hủ tục man rợ vẫn hoành hành”) tờ Tiền Phong cũng đã ngang hiên xỉ nhục người dân ở huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, về điều mà họ mô tả là “tập tục vô luân” nơi địa phương này: ”Thích thì bỏ tiền cưới vợ, khi ‘bực mình’ thì rao bán cả vợ cả con, bố mẹ chồng cũng có quyền bán con dâu và cháu nội…”

Một tuần sau, cũng báo Tiền Phong, số ra ngày 8 tháng 11, đăng lời “xin lỗi nhân dân và chính quyền xã Phong Dụ cùng bạn đọc…” vì “tác giả bài báo đã xào xáo và không hiểu biết gì về tập tục và đời sống bà con đồng bào dân tộc, thêm thắt, thổi phồng sự việc…” 

Xin lỗi quấy quá, cho có lệ vậy thôi, chứ “đổi trắng thay đen” hay “thêm thắt, thổi phồng sự việc” để phỉ báng thiên hạ – đối với những người cầm viết trong ghetto Việt Nam – chỉ là chuyện nhỏ, không đáng để họ phải bận tâm. Họ còn được dung túng để thay mặt cho cả ngành tư pháp của xứ sở này kết án hết người này, đến người nọ về tội danh này hay tội danh khác nữa cơ.

Qua một cuộc phỏng vấn, do Lê Thị Thái Hoà thực hiện, đọc được ở Thanh Niên Online vào ngày 30 tháng 4 năm 2008, nhà văn Trần Đăng Khoa cho biết:

“Tôi nói thật, chưa bao giờ tôi viết có xúc cảm hết. Thời trẻ con cũng thế và sau này cũng vậy. Thấy cần viết là tôi viết. Họ đặt ký tôi viết về người này người kia thì tôi viết. Thế là có tập Chân dung và Đối thoại đấy”.

Thế … đấy” nhưng tập Chân Dung Và Đối Thoại vẫn được tái bản đều đều. Lý do: ghetto chữ nghĩa ở VN là một loại công ty độc quyền, không có đối thủ, miễn có cạnh tranh, và thường kín như bưng. Bởi vậy, khi Trần Đăng Khoa hé mở cho chút xíu ánh sáng (sự thật) soi rọi vào một vài mảng tối thui ở đất nước này là tác phẩm của ông liền được đón chào nhiệt liệt.

Dù thế, chỉ hơn một năm sau, qua một cuộc phỏng vấn khác – đọc được vào hôm 13 tháng 7 năm 2009, do Hồng Thanh Quang thực hiện – Trần Đăng Khoa đã nói khác ngay. Ông không đề cập đến chuyện “viết không cần cảm xúc” hay “viết theo đơn đặt” nữa. Thay vào đó, ông nêu lên“thiên chức của nhà văn” bằng những lời lẽ hết sức trang trọng và cảm động:

“Bởi vì ở Phương Đông cũng như ở Việt Nam, văn chương đích thực, phải tải Đạo, như cụ Đồ Chiểu nói: Chở bao nhiêu Đạo, thuyền không khẳm. Vì thế, trong con mắt của xã hội, nhà văn là cao quí, là đại diện cho giá trị đạo đức và văn hoá xã hội.”

Cảm ơn Trần Đăng Khoa, và cảm ơn Trời. Thế thời, rõ ràng, đã đổi. Và đổi nhanh ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người. Mới bữa nào người dân Việt còn thi thoảng uống cà phê chui, nay thì họ ngồi đầy những tiệm cà phê internet.

Cái phương tiện truyền thông (tân kỳ) này đã làm cho quả địa cầu nhỏ lại. Nhân loại nhích lại gần nhau hơn. Việt Nam không còn là một nơi biệt cư, dành riêng cho một dân tộc hoàn toàn mù thông tin, như trước nữa. Bây giờ mà vẫn cứ “viết theo đơn đặt hàng” thì rách việc như không. Và điều này thì Trương Duy Nhất biết rõ hơn rất nhiều người.

Cuối bài “Viện Sĩ Tự Sướng” (viết ngày 4 tháng 2 năm 2011) ông cho biết: “Tôi post bài này lên lúc 14 giờ 57, xong đi một vòng chúc Tết. Chưa đầy 2 tiếng sau về mở lại thì thấy báo Nhân Dân đã tháo bài này xuống khỏi trang Nhân Dân điện tử.”

Trước đó không lâu, báo Pháp Luật cũng bị một tai nạn tương tự vì bài báo “Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng Xuất Sắc Nhất Châu Á” của ông hay bà Phượng Lê nào đó. Nó cũng được “tháo xuống” tức thì.

Hệ thống truyền thông quốc doanh, rõ ràng, không còn là nơi để có thể múa gậy vườn hoang (như xưa) nữa. Dù nấp dưới bút danh nào, và trong ngõ ngách nào chăng nữa, hễ cứ nói bậy hay nói láo là bị chúng “vả” vào mồm – khiến mặt mũi sưng vù – ngay tức khắc.

Cái ghetto chữ nghĩa Việt Nam bây giờ, ví von mà nói, là một con thuyền lủng. Nó sắp đắm đến nơi. Bởi thế, khi Trương Duy Nhất tuyên bố “bỏ thuyền” thì ai cũng lấy làm mừng. Đây là một tin vui. Một người ngay thoát nạn!

Nhất đã đi rồi!

Tưởng là đi đâu, ai dè ổng đi… vô hộp, theo như tin loan của Thanh Niên On Line, đọc được vào hôm 26 tháng 5 năm 2013:

“Bộ Công an vừa tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (49 tuổi, ngụ tại TP.Đà Nẵng) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.”

Nguyên Hồng, rõ ràng, vẫn may mắn hơn Trương Duy Nhất. Thời của ông nhà văn ở miền Bắc Việt Nam ngày trước – nói nào ngay – cửa tù không mở rộng (hết cỡ) như thời của ông nhà báo hôm nay, trên toàn lãnh thổ. Bởi vậy, nhiều người cầm bút ở Việt Nam đã chọn cuộc sống trong ghetto (được lúc nào hay lúc đó) thay vì ở trong tù. Cái trước, khách quan mà xét, vẫn rộng rãi thoải mái hơn cái sau nhiều lắm. Thiệt đúng là một xứ sở chỉ có một góc nhìn duy nhất.!

Nguồn: blog Tưởng Năng Tiến

Nguyễn Hưng Quốc – Lòng tin và sự xấu hổ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/06/14 at 09:37

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đọc diễn văn trong phiên họp khai mạc cuộc họp Shangri-La bàn về an ninh khu vực Đông Nam Á, ngày 31/5/2013.

 

Nhân nhắc đến khái niệm lòng tin chiến lược trong bài nói chuyện của ông Nguyễn Tấn Dũng, chúng ta thử bàn về chuyện lòng tin trong chính trị nói chung. Nói đến lòng tin, ở đây tôi chỉ muốn tập trung vào sự tin cậy (trust, chứ không phải faith hay belief) và chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị đối nội, trong nội bộ một quốc gia.

Trước hết, hầu như ai cũng biết sự tin cậy là một trong những yếu tố quan trọng nhất để mọi người có thể sinh hoạt chung với nhau trong xã hội, từ phạm vi nhỏ và riêng tư nhất là gia đình và bạn bè đến những phạm vi lớn hơn như các cơ sở làm ăn buôn bán hoặc các đoàn thể và cuối cùng, sinh hoạt chính trị trong cả nước. Nền tảng của cái gọi là đạo đức công dân, thật ra, là vấn đề tin cậy: mình tin người khác và làm cho người khác tin mình bằng cách, trước hết, tự mình làm cho mình đáng tin cậy. Nền tảng của dân chủ, nghĩ cho cùng, cũng là sự tin cậy: tin cậy vào thiện chí của người khác và vào quyết định của đa số (biểu hiện cụ thể nhất là qua các lá phiếu).

Trong chính trị đối nội, lòng tin có ba loại: tin vào các nhà lãnh đạo, tin vào các tổ chức công quyền và tin vào cơ chế.

Trong các tổ chức công quyền, nổi bật nhất là lập pháp (tập trung vào Quốc hội – ở một số nước, có hai hình thức chính Thượng viện và Hạ viện), hành pháp (tập trung vào phủ Tổng thống và/hoặc văn phòng Thủ tướng) và tư pháp (qua hình ảnh của toà án cũng như công an). Ranh giới giữa lòng tin vào các nhà lãnh đạo và các tổ chức công quyền không hoàn toàn rạch ròi: Ở các cơ quan hành pháp, người ta có khuynh hướng nhìn vào người lãnh đạo cao nhất (tổng thống hoặc/và thủ tướng); còn ở các cơ quan khác, từ lập pháp đến tư pháp, vai trò tập thể nổi bật hơn vai trò của cá nhân, do đó, người ta có thói quen nhìn vào cả cơ quan hơn hơn là từng người cụ thể, ngay cả là người lãnh đạo cao nhất.

Đối với các nhà lãnh đạo, lòng tin cũng có nhiều loại: Một, tin vào cá tính và đạo đức của họ; và hai, tin vào lý tưởng cũng như các chính sách mà họ theo đuổi. Trong hai loại lòng tin ấy, cá tính của người lãnh đạo là yếu tố quan trọng đầu tiên, có vai trò thu hút quần chúng nhất. Không có cá tính mạnh và không có sức cuốn hút quần chúng, không ai có thể trở thành lãnh tụ được, nhất là ở các quốc gia dân chủ, nơi để trở thành lãnh tụ, người ta phải trải qua những cuộc tranh cử và bầu cử gay gắt, trước hết, trong nội bộ đảng, và sau đó, trong phạm vi quốc gia. Nhưng yếu tố đầu tiên này tức khắc trở thành thứ yếu khi người ta trở thành lãnh tụ thực sự. Khi trở thành lãnh tụ, yếu tố được quần chúng quan tâm nhất lại là lý tưởng và từ đó, chính sách của họ. Lý tưởng, vốn thường lớn và chung chung, là yếu tố đầu tiên để gây chú ý và sự đồng cảm. Tuy nhiên, yếu tố chính để quần chúng đánh giá giới lãnh đạo chính là đường lối và chính sách, tức những khía cạnh nhằm hiện thực hoá lý tưởng mà họ tuyên truyền. Đối với đường lối và chính sách, ba điều kiện căn bản nhất là: một, rõ ràng; hai, nhất quán; và ba, hiệu quả. Xuyên suốt từ đầu đến cuối, vấn đề đạo đức của nhà lãnh đạo luôn luôn là một vấn đề quan trọng. Có điều, ở đây là đạo đức công dân chứ không phải là đạo đức cá nhân. Những cái gọi là hiền lành, khiêm tốn, hòa nhã, dễ thương, mau nước mắt, v.v. đều thuộc loại đạo đức cá nhân. Là đạo đức cá nhân, chúng chỉ có ý nghĩa trong phạm vi liên-cá nhân, giữa người này và người khác, trong một không gian có giới hạn. Điều người ta quan tâm nhất ở nhà lãnh đạo là thứ đạo đức công dân, trong đó, nổi bật nhất là sự trong sạch, tinh thần trách nhiệm và tôn trọng pháp luật, bởi vậy, ba cái xấu thường dễ bị theo dõi và lên án nhất chính là tham nhũng, vô trách nhiệm và lạm dụng quyền hành.

Đối với các tổ chức, nội dung của cái gọi là lòng tin chỉ tập trung chủ yếu vào khía cạnh thực hành với hai nội dung chính: năng lực và tính hiệu quả. Tiêu chí để đánh giá việc thực hành là hiến pháp và luật pháp. Nói đến năng lực và tính hiệu quả của các cơ quan, người ta phải đối chiếu việc thực hành của các cơ quan ấy so với các quy định ghi trong hiến pháp và luật pháp. Nếu nhiệm vụ chính của công an, chẳng hạn, là bảo đảm an ninh và an toàn trong xã hội thì năng lực và tính hiệu quả của công an cần phải được đo lường và đánh giá trên mức độ tội phạm các loại trong xã hội.

Đối với cơ chế, lòng tin chủ yếu tập trung vào tính lý tưởng, tính hiệu quả và sự bền vững của nó.

Qua ba loại lòng tin ở trên, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa các xã hội dân chủ và các xã hội phi dân chủ.

Ở các xã hội dân chủ, từ Mỹ đến Úc và toàn bộ các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu, dân chúng có thể mất lòng tin vào giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền, nhưng họ luôn luôn tin tưởng vào cơ chế. Cơ chế dân chủ mà họ thiết lập và hoàn thiện suốt cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa không những có tính lý tưởng cao, phù hợp với những bảng giá trị phổ quát của nhân lại (tôn trọng tự do cá nhân và sự bình đẳng giữa mọi người cũng như tinh thần thượng tôn pháp luật) mà còn có tính hiệu quả trong việc vận hành kinh tế, an sinh xã hội và đặc biệt, quản trị đất nước. Hơn nữa, mọi người còn tin tưởng vào sự bền vững của nó: Một mặt, giới lãnh đạo hay các cơ quan công quyền có thể thay đổi, nhưng cơ chế dân chủ thì không; mặt khác, chính cơ chế ấy bảo đảm mọi sự thay đổi quyền lực đều diễn ra một cách êm thắm, không gây nên bất cứ một xáo trộn nào trong xã hội. Chính vì vậy, ở hầu hết các nước dân chủ, tâm lý quần chúng thường khá an tâm sau các cuộc bầu cử. Trong bầu cử, người ta có thể tranh đấu với nhau một cách dữ dội nhưng bầu cử xong, tuy có kẻ thắng người thua và tuy sẽ có những chính sách khác nhau, mọi người vẫn biết rõ một điều: tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp chế vẫn được tôn trọng và duy trì. Dưới chính phủ mới, một số người có thể bị cắt bớt một phần trong các trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp xã hội, chẳng hạn, nhưng chắc chắn, sẽ không có ai bị bỏ đói, bị tước đoạt đất đai hay bị bắt bỏ tù một cách vô lý vì một số phát ngôn hay vì tham gia một cuộc biểu tình nào đó.

Cũng chính vì tin cậy vào cơ chế nên ở các quốc gia Tây phương, hầu như không ai nghĩ đến chuyện gây bạo loạn để lật đổ chính quyền. Mọi sự thay đổi, nếu có, đều diễn ra bên trong cơ chế, với các luật chơi gắn liền với cơ chế.

Ở các nước phi dân chủ, ngược lại, điều người ta ít tin nhất, lại là cơ chế. Thoạt đầu, chế độ phi dân chủ nào cũng khuếch đại tính lý tưởng của nó để thu phục nhân tâm. Nhiều người sẵn sàng tin và có người sẵn sàng hy sinh tính mạng để thực hiện các lý tưởng ấy. Nhưng cái thiếu nhất của các chế độ độc tài là tính hiệu quả. Khái niệm hiệu quả ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế mà còn trải rộng ra mọi phạm vi khác, từ luật pháp đến xã hội, văn hóa, chính trị và nhân quyền. Cứ nói mãi đến tự do nhưng đi đâu cũng đối đầu với công an, lúc nào cũng có nguy cơ bị công an còng tay hay đạp vào mặt; cứ nói mãi đến dân chủ, nhưng tranh cử thì hạn chế, bầu cử thì gian lận, bộ máy công quyền đều được giao phó cho những kẻ bất tài nhưng có nhiều “quan hệ”… dần dần người ta sẽ mất hết niềm tin. Chính vì có sự trái ngược giữa tính lý tưởng và tính hiệu quả như vậy, mọi chế độ độc tài đều thiếu hẳn tính ổn định và bền vững. Kiểu tuyên truyền ưu tiên cho ổn định ở các nước độc tài, trong đó có Việt Nam, là một lối ngụy biện đầy nghịch lý, bởi, tự bản chất, đã độc tài thì không thể ổn định, và vì không ổn định, nó cũng không thể bền vững.

Đó chính là tình trạng ở Việt Nam hiện nay.

Lần lượt, nhiều người, ngay cả những kẻ từng cúc cung phục vụ chế độ gần như cả đời, đều nhận ra một điểm: tất cả các khuyết điểm ở Việt Nam đều bắt rễ từ một cái lỗi chính, có người gọi là “lỗi hệ thống”. Lỗi hệ thống tức là lỗi ở cơ chế. Lỗi ở cơ chế chủ yếu là lỗi ở ba khía cạnh: một, phương thức lên cầm quyền (thường, một cách chính đáng, phải gắn liền với các cuộc bầu cử tự do); hai, ở phương thức phân quyền (yêu cầu tối thiểu là tính chất độc lập của tư pháp, và đằng sau nó, lực lượng công an); và ba, phương thức kiểm soát quyền lực (chỉ đáng tin cậy khi, thứ nhất, người kiểm soát độc lập với người bị/được kiểm soát; và thứ hai, từ nhiều nguồn khác nhau. Ở Tây phương, cơ cấu kiểm soát quyền lực thường chằng chịt nhiều tầng và từ nhiều góc độ khác nhau, từ tư pháp đến truyền thông, các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức phi chính phủ và, bàng bạc khắp nơi, dân chúng).

Lâu nay, dường như chính quyền Việt Nam cảm thấy tuyệt vọng trong việc củng cố lòng tin của dân chúng vào cơ chế nên bộ máy tuyên truyền của họ thường hiếm khi đề cập đến cơ chế, vốn gắn liền với chế độ. Họ chỉ sử dụng biện pháp tiêu cực là cấm đoán việc phê phán cơ chế hoặc lâu lâu vẽ vời vài chuyện nhăng nhít (trong đó, mới nhất là việc bỏ phiếu tín nhiệm giới lãnh đạo) để mị dân hoặc lừa dân với ảo tưởng là cơ chế ấy đang trong tiến trình tự hoàn thiện. Nhưng cố gắng xây dựng lòng tin dựa trên lời hứa hẹn là nó đang tự thay đổi và hoàn thiện chỉ là một trò chơi nửa vời của những kẻ đang biết là mình thua cuộc. Nó thiếu hẳn tự tin. Và cũng thiếu lòng tin ở cơ chế.

Trước đây, bộ máy đảng và chính quyền tập trung thật nhiều công sức vào việc gây dựng lòng tin vào các nhà lãnh đạo bằng cách thần thánh hóa, hoặc ít nhất, thần tượng hóa một người nào đó, trước là Hồ Chí Minh, sau là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Nhưng với giới lãnh đạo thuộc các thế hệ sau, các nỗ lức ấy bị biến thành tuyệt vọng ngay cả trước khi họ bắt đầu thực hiện. Lý do chính, tôi nghĩ, là do sự phát triển của truyền thông. Với thế hệ lãnh đạo đầu tiên, việc thần thánh hóa tương đối dễ: dưới mắt dân chúng, ông Hồ Chí Minh, chẳng hạn, lâu lâu mới thoáng qua một lần. Toàn bộ hình ảnh của ông là do các cán bộ tuyên truyền hoặc chính ông vẽ ra. Không ai có thể kiểm tra được cả. Giới lãnh đạo gần đây, đi đâu cũng có các ống kính chĩa vào ghi hình và ghi âm, rất dễ bộc lộ những sự hớ hênh trong cả trí tuệ lẫn nhân cách. Huống gì hầu hết các nhà lãnh đạo gần đây đều thuộc loại kém cỏi. Họ khó đủ sức để giữ được lòng tin của quần chúng.

Dĩ nhiên, nói đến lòng tin của dân chúng đối với lãnh đạo Việt Nam, chúng ta khó tìm ra một bằng chứng cụ thể nào để phân tích. Bầu cử thì gian lận; các cuộc điều tra dư luận thì bị cấm đoán, mọi cố gắng tìm kiếm số liệu đều trở thành vô vọng. Nhưng ít nhất cũng có một số người biết chắc chắn là dân chúng không tin giới lãnh đạo: Đó chính là giới lãnh đạo hiện nay. Biết, nên họ sợ và tìm mọi cách để tránh né việc đối đầu với việc bày tỏ cách đánh giá của dân chúng. Họ biết chắc chắn một điều: nếu để dân chúng tự do bộc lộ lòng tin, họ sẽ chỉ đạt được số âm.

Như vậy, ở đây, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác: Ở Việt Nam, không phải chỉ có việc dân chúng mất lòng tin vào cơ chế, cơ quan công quyền và giới lãnh đạo mà còn có hiện tượng bản thân giới lãnh đạo cũng không tin vào cơ chế và đặc biệt, vào quần chúng. Họ không bao giờ dám để dân chúng phát biểu một cách tự do và trung thực. Họ cũng không dám để dân chúng được tự do lựa chọn. Đây đó, họ giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể đa đảng: đa đảng sẽ gây nên hỗn loạn. Tại sao đa đảng, ở các nơi khác không gây nên hỗn loạn mà ở Việt Nam thì có? Họ trả lời: Tại dân trí Việt Nam còn thấp! Nói thế tức là không tin vào trí tuệ, vào phán đoán, và cuối cùng, sự lựa chọn của dân chúng.

Trên diễn đàn quốc tế, giới lãnh đạo Việt Nam nói đến lòng tin, nhưng một trong những bi kịch lớn nhất ở Việt Nam là không ai tin ai cả. Trong quan hệ xã hội, người ta không tin nhau. Trong quan hệ chính trị, dân chúng không tin nhà cầm quyền và nhà cầm quyền, ngược lại, cũng không tin dân chúng. Khi lòng tin bị đánh mất, yếu tố thống trị mọi quan hệ xã hội và chính trị chỉ còn là sự giả dối.

Giả dối thì ở đâu cũng có, nhưng ở Việt Nam, sự giả dối có hai điểm đặc biệt: Thứ nhất, nó không phải chỉ hiện diện, thậm chí, không phải chỉ phổ biến mà còn thống trị mọi sinh hoạt và mọi loại quan hệ; và thứ hai, chính vì tính chất thống trị ấy, nó trở thành một điều bình thường, không còn làm cho ai xấu hổ cả.

Không có một xã hội nào có thể lành mạnh nếu thiếu sự tin cậy và không có một nền đạo đức nào có thể đứng vững nếu thiếu sự xấu hổ.

Tiếc, Việt Nam thiếu cả hai.

Nguồn: VoA Blog

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị 12/6/2013

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/06/12 at 12:25

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 68.

Khi trước Vệ Cường Vương ngồi trên ngôi, tài trí có hạn, việc nước không đảm trách được. Vương để mặc cho Bạo tể tướng lo chính sự. Còn Vương ngày đêm lo ăn chơi, hưởng lạc tìm gái đẹp trong thiên hạ để thỏa mãn thú tính. Việc chính sự duy nhất của Vương là răm rắp một lòng theo ý của Tề Bá Vương.

Nước Vệ thời Cường Vương lý mà nói, chỉ đáng xưng là Vệ Hầu hay Vệ Công. Nhưng kẻ chép sử vì kiêu hãnh thái quá tính dân tộc, cứ chép thành Vệ Vương cho thỏa lòng người Vệ.

Vệ Kính Vương lên ngôi, thấy quyền lực nhà Sản trong tay tể tướng. Bụng lấy làm uất lắm. Kính Vương xuất thân là nho sĩ, bụng chứa nhiều chữ nghĩa. Mới quyết lấy sở trường của mình để đoạt lại quyền lực trong tay tể tướng. Bởi thế Vương quy định những điều Sản Viên không được làm, Vương cho mở rộng phê bình kiểm điểm từ người lính đến đại thần nghị sự. Mũi tên chính nhắm vào Bạo tể tướng.

Bạo nắm triều chính bấy lâu,tiền bạc và thủ hạ đông vô kể. Qua mấy đợt kiểm chính của nhà Sản, Bạo vẫn vững như bàn thạch.

Vương quyết mạnh tay hơn, lập những ban chuyên ngành trực thuộc quyền phủ Sản. Vương kỳ công chọn dũng tướng ở miền Trung về đứng đầu ban. Tướng ấy tướng mạo khôi vĩ, oai hùng, tiếng nói sang sảng. Một mình trấn ải miền Trung dựng cơ đồ khiến bốn cõi phải khâm phục. Tướng ấy ra triều nhận ấn, múa đủ 8 thứ binh khí giữa sân triều, rồi giương giương tự đắc giữa tiếng tán thưởng của quần thần. Triều thần vỗ tay không ngớt rằng:

– Võ giỏi quá, múa đao giỏi quá, tài quá!

Tướng ấy hứng khởi dộng đại đao xuống đất hét lớn đầy khí thế:

– Vâng mệnh vương, chém sạch bọn lũng đoạn triều đình.

Cả triều đình lại ồ lên tán thưởng, tiếng vỗ tay như pháo nổ giữa trời quang. Vang ra tận ngoài thành. Khiến dân chúng cũng nức lòng theo.

Bạo tể tướng thấy vậy chỉ nhếch mép cười phất tay áo về phủ. Đám lâu la rón rén đi theo, trong bụng còn thấp thỏm sợ hãi màn ra oai của tướng miền Trung. Có đứa nén sợ lấy hơi hỏi thăm ý chủ. Bạo cười nói:

– Các người quên ta chính chiến từ thưở mới còn để chỏm, sở trường là du kích quân, chuyên đánh lén dưới thắt lưng địch sao?

Nhờ câu nói ấy, thủ hạ tin tưởng mà không tẩu tán tài sản nữa, lúc đó giá vàng cũng chững lại một phần.

Lại nói về tướng miền Trung, đương vểnh râu ngồi quán dịch ở kinh thành chờ nhận quân, nhận ấn tín thì nghe phong phanh quê nhà có biến. Bèn lên ngựa vào thành tìm Vệ Kính Vương tâu chuyện, nào ngờ lúc đêm tối đi qua cửa phía Nam bị một bọn đạo tặc giăng dây, móc câu liêm giật cho ngã lộn cổ. Chúng xúm lại đập nhầu cho tướng ấy môt trận thừa sống thiếu chết rồi bỏ đi, tổn thất quy thành tiền đến ba nghìn tỷ Vệ kim. Tướng ấy lê vào thành, mình còn thương tích, Vệ Kính Vương thấy vậy lắc đầu biết là không thể trì hoãn được lâu. Hôm sau Vương gấp rút cho họp đại hội Sản Ủy để đưa gấp tướng ấy vào hàng đại thần nghị sự để nắm thế chủ động tấn công.

Thông báo Vương đưa ra chưa ráo mực, Vương đương soạn kế sách trong ngày đại hội, bỗng đâu có tiếng xôn xao ngoài phủ. Vừa ngó đầu ra xem thì bị một mũi tên bắn thấu xương sườn, rút tên ra thấy trên mũi tên khắc chữ Tra. Bầy tôi vực Vương vào trong, canh phòng cẩn mật, mời thấy thuốc đến chữa trị tổn hại đến bốn nghìn tỷ Vệ kim.

Đến lúc đại hội Sản Ủy, Vương cùng bầy tôi yêu ra trận, thương tích chưa lành. Đành phải huơ vài đường đao lấy lệ rồi thúc thủ nhìn trận bên kia, Tể tướng uy vũ điều quân tung hoành đánh phá thắng lợi giòn giã. Trận đại chiến quan trọng sinh tử ấy tể tướng toàn thắng chiếm được hai vị trí đại thần nghị sự. Vương trắng tay lủi thủi dắt binh mã ra về, ốm luôn một trận dài cả tháng. Tướng miền Trung thành bơ vơ ngoài quán dịch, đi không được, ở không xong.

Vương gượng dậy, gọi mấy kẻ tâm phúc là đại thần nghị sự, vốn toàn quan văn đến mật nghị. Các đại thần thưa:

– Tên ấy (ám chỉ Bạo) là kẻ vũ phu, không dùng trận mà đánh hắn được. Phải dùng binh thư mà đánh. Trước đánh hắn về uy tín để hắn bị cô lập dần, sau đó dùng pháp luật mà trị mới xong. Giờ trước hết hay sửa pháp trị nước Vệ để khẳng định quyền lực trong nước tất cả thuộc về nhà Sản, duy nhất nhà Sản có quyền quyết định tất thảy mọi việc mà thôi. Phải chặn trước lỡ sau này tên Bạo lập nhà X tiếm ngôi.

Vương nói:

– Nếu vậy thì ban hành sửa pháp trị, nhưng trước tiên cứ cho dân chúng góp ý thoải mái, để đánh lừa tên ấy. Sau cuối cùng chốt lại cho người mình giả dạng góp ý nhất quyết khẳng định quyền lực thuộc nhà Sản là điều tất yếu của nhà Phật, của đạo lý dân tộc uống nước nhớ nguồn, chú trọng khoét sâu vào tâm lý vị tình của nhân dân, tiếp tới bước nữa là mạnh mẽ khẳng định duy nhất nhà Sản có quyền ấy mà thôi. Chú ý phải giữ từ duy nhất.

Lệnh lấy ý kiến sửa đổi pháp trị đưa ra. Nhà Sản mị dân phao giữa chợ rằng dân tình đóng góp thoải mái. Nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo tôn giáo khắp nước đưa ý kiến tới tấp, có ý kiến cho rẳng cần bỏ luôn cả cái điều nhà Sản giữ quyền lãnh đạo. Vương hoảng quá bèn trở mặt lệnh rằng những ai mà nói bỏ điều nhà Sản lãnh đạo là phản nghịch. Đồng thời dư luận viên giả dạng thay mặt nhân dân đi khắp nước ôm mặt khóc thảm thiết rống lên rằng – ôi cha mẹ làng nước ơi, nhà Sản mang cho dân tộc ta sự sống, mang lại ấm no, mang lại hòa bình, Sản là cha mẹ, là tổ tiên, ông bà. Bỏ Sản khác nào bỏ tổ tiên ông bà huuuu…

Có kẻ khóc chán chê xong thấy chưa đủ,quay ra giả bộ phẫn uất nằm lăn ra đất vật vã, đập chân đập tay liên hồi đòi phải xử lý những ai đòi không chịu ghi trong pháp trị là Sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo. Quân của nhà Sản đi khắp nơi diễn màn kịch ấy, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Không rõ là ngân sách làm chuyện đó lấy ở đâu ra, trong khi mọi nguồn ngân khố tể tướng nắm cả. Có tin đồn chuyện sửa pháp trị ngân sách do bên ngoài trợ cấp. Điều này đến nay vẫn chưa ai rõ.

Thấy việc lấy ý kiến sửa đổi pháp trị chưa đâu vào đâu. Vương liên kết với các nghị để lấy xét tư cách uy tín của các quan bên phủ Bạo. Bầy tôi của tướng miền Trung là một văn sĩ, e sợ Bạo khống chế các nghị viên, mới lập ra bảng trưng cầu tín nhiệm cho nhân dân đóng góp. Thủ hạ của Bạo bắt ngay về kinh, tống vào ngục thất tức thời. Đó cũng là câu cảnh báo chung cho Vệ Kính Vương, chưa chắc có cái gì là Duy Nhất với nhà Sản.

Cuộc xét uy tín các quan lại, Bạo và thuộc hạ thân cận bị xếp hạng bét. Cũng như trước đó ở đại hội các đại thần nghị chính Bạo cũng bị đánh giá cần phải kỷ luật. Thế nhưng Bạo còn mạnh lắm, chỉ bị ảnh hưởng uy tín chứ vây cánh và bản thân chưa hề bị sứt mẻ.

Nhưng nhà Sản xưa nay triệt ai nếu không mạnh để thẳng tay thì đều chọn cách trước là giảm danh dự, uy tín để cô lập với nhân dân. Rồi mới ra tay hành động. Trước kia Bạo dùng chiêu này với Cù Tiên Sinh, nay nhà Sản lại dùng chiêu đó để hại Bạo. Chung quy cũng toàn một lò sinh ra duộc mới giống nhau vậy.

Bạo may mắn thoát trận mấy lần, thậm chí còn dành thắng lợi. Nhưng lẽ nào người kiêu dũng như Bạo cứ thủ thế đợi đối thủ hết mở đợt công kích này đến đợt công kích khác. Đối thủ của Bạo chẳng phải là Vệ Kính Vương, bởi không có Vệ Vương này thì lại có Vệ Vương khác.

Kẻ kiêu dũng như Bạo, nắm được quyền như Bạo mấy mươi năm mới có một người. Chắc hẳn Bạo hiểu được cỗ máy nhà Sản vận hành xử kẻ thất thế ra sao hơn ai hết.

Xét theo tướng mạo thì Bạo có bề ngoài giống Câu Tiễn hơn là giống Phù Sai.

Nguon: Người Buôn Gió

Nguyễn Hưng Quốc – Ai có thể đánh bại được Cộng sản?

In Cộng Đồng on 2013/06/11 at 12:30

Nhìn lại lịch sử tranh chấp giữa hai khối tư bản và Cộng sản trong gần suốt thế kỷ 20, nhận xét đầu tiên người ta có thể rút ra là: Không ai có thể đánh bại được Cộng sản.

Nhận xét ấy được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:

Thứ nhất, trên phạm vi toàn cầu, trong 70 năm đầu tiên, chủ nghĩa Cộng sản phát triển cực nhanh, nhanh đến độ dường như không có ai và không có cái gì có thể ngăn cản được. Ra đời tại Nga năm 1917, năm năm sau, 1922, Liên bang Xô Viết được thành lập với vai trò nòng cốt của Nga, châu tuần bởi các nước láng giềng nhỏ của Nga, như Ukraine, Belarus, Georgia, Armenia và Azerbaijan. Sau đó, một số nước khác bị sáp nhập vào Liên bang Xô Viết, như Estonia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Đến giữa thập niên 1980, Liên bang Xô Viết, với diện tích trên 22 triệu cây số vuông và đường biên giới trên 60.000 km, chiếm đến một phần sáu diện tích trái đất, rộng bằng cả Bắc Mỹ. Năm 1945, sau Đệ nhị thế chiến, một số nước thuộc Trung Âu và Đông Âu lần lượt rơi vào tay Cộng sản: Albania, Ba Lan, Bosnia, Bulgaria, Croatia, Đông Đức, Hungary, Macedonia, Montenegro, Romania, Serbia, Slovakia, Slovenia, Tiệp Khắc, Nam Tư. Sau đó nữa là các nước thuộc châu Á và châu Phi, như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Afghanistan, Campuchia, Congo, Mông Cổ, Yemen, Angola, Benin, Congo, Ethiopia, Somalia, Eritrea và Mozambique. Vào giữa thập niên 1980, khối Cộng sản rất mạnh, chiếm một phần ba dân số thế giới. Cho đến lúc ấy, câu khẩu hiệu chủ nghĩa Marx-Lenin hoặc chủ nghĩa Cộng sản bách chiến bách thắng vang lên khắp nơi. Dân chúng ở các nước Cộng sản, vốn bị nhồi sọ, tin điều đó, đã đành. Ngay phần lớn dân chúng ở Tây phương, tuy biết tất cả những mặt trái đầy tiêu cực của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn không tin là Tây phương có thể đánh bại được Cộng sản.

Thứ hai, dù cả hai bên, tư bản và Cộng sản, lúc nào cũng cố gắng tự kiềm chế, nhưng ít nhất cũng có hai nơi cuộc chiến tranh lạnh đã biến thành chiến tranh nóng: Ở Triều Tiên trong ba năm, 1950-1953, và ở Việt Nam, từ 1954 đến 1975. Ở trận chiến đầu, hai bên hòa nhau, Triều Tiên bị chia đôi, Nam và Bắc. Điểm phân cách vẫn là vĩ tuyến 38, đúng với quyết định của phe Đồng Minh trong hội nghị Potsdam vào tháng 8 năm 1945. Ở trận chiến sau, Mỹ tự nhận là thua sau khi rút khỏi Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. (Về điểm này, tôi có phân tích khá kỹ trong bài “1975: Việt Nam có thắng Mỹ?”. Ở đây, tôi tạm thời chấp nhận cách nhìn quen thuộc và phổ biến để khỏi bị gián đoạn mạch lý luận trong bài viết này.)

Có điều, từ nhận xét nêu ở đầu bài viết, không ai có thể đánh bại được Cộng sản, người ta lại chứng kiến một sự kiện oái oăm vào thời điểm bản lề giữa hai thập niên 1980 và 1990: chủ nghĩa Cộng sản đã bị sụp đổ trên phạm vi toàn cầu. Cái gọi là “sụp đổ” ấy có hai mức độ: sụp đổ hoàn toàn và sụp đổ một phần, hơn nữa, phần lớn. Nhưng dù sụp đổ hoàn toàn hay sụp đổ một phần thì cũng vẫn là sụp đổ. Một sự sụp đổ lớn lao, nhanh chóng, và đặc biệt, hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của mọi người ở mọi phía.

Sự sụp đổ hoàn toàn diễn ra ở Nga, Đông Âu, Trung Âu, Trung Đông, Trung Mỹ và châu Phi.

Trước hết, ở châu Âu, chỉ trong vòng chưa tới ba năm, toàn bộ các đảng Cộng sản đang nắm quyền sinh sát gần như tuyệt đối ở Đông Âu và Trung Âu đều mất sạch quyền hành; chế độ độc đảng trở thành đa đảng; bầu cử tự do được tổ chức khắp nơi, các thành phần đối lập hoặc lên cầm quyền hoặc được chia quyền (ở Ba Lan, ngày 4/6/1989; Turkmenistan 7/1/1990; Uzbekistan 18/2/1990; Lithuania 24/2/1990; Moldova 25/2/1990; Kyrgyzstan 25/2/1990; Belarus 3/3/1990; Nga 4/3/1990; Ukraine 4/3/1990; Đông Đức 18/3/1990; Estonia 18/3/1990; Latvia 18/3/1990; Hungary 25/3/1990; Kazakhstan 25/3/1990; Slovenia 8/4/1990; Croatia 24/4/1990; Romania 20/5/1990; Armenia 20/5/1990; Tiệp Khắc 8/6/1990; Bulgaria 10/6/1990; Azerbaijan 30/9/1990; Georgia 28/10/1990; Macedonia 11/11/1990; Bosnia & Herzegovina 18/11/1990; Serbia 8/12/1990; Montenegro 9/12/1990; và Albania 7/4/1991). Liên bang Xô Viết tan rã. Hầu hết các quốc gia trước đây bị sáp nhập vào Liên bang đều tuyên bố độc lập hoặc tự trị. Ngay cả ở Nga, đảng Cộng sản không những bị mất quyền mà còn bị khinh bỉ và tẩy chay, không còn đóng vai trò gì trên bàn cờ chính trị quốc nội.

Xin lưu ý; sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở các nước trên đều diễn ra rất gọn gàng, không gây xáo trộn và đặc biệt, không đổ máu, trừ Romania, nơi Ceaușescu bị lật đổ và giết chết, kéo theo cái chết của khoảng 1.100 người khác.

Sự sụp đổ ấy nhanh chóng lan sang các vùng khác, đặc biệt các vùng Trung Mỹ, Trung Đông và châu Phi. Năm 1990, ở Nicaragua, sau một cuộc bầu cử tự do, đảng Cộng sản mất quyền; ở Angola, cuộc chiến giữa Cộng sản và phe chống Cộng chấm dứt; năm 1991, ở Ethiopia, Trung tá Mengistu Meriam, nhà độc tài Cộng sản từng thống trị đất nước suốt gần 15 năm, chạy trốn khỏi đất nước, và Eritrea tuyên bố tách khỏi Ethopia, trở thành độc lập và từ bỏ chủ nghĩa Cộng sản. Ở Trung Đông, năm 1990, chế độ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Yemen bị sụp đổ, sau đó, hợp nhất với Nam Yemen, thành lập nước Cộng hòa Yemen; ở Afghanistan, chế độ Cộng sản của Najibullah sụp đổ vào mùa xuân 1992.

Sự sụp đổ một phần diễn ra ở Trung Quốc, Lào, Cuba và Việt Nam.

Chế độ Cộng sản, như nó từng tồn tại từ năm 1917 đến cuối thập niên 1980, dựa trên ba nền tảng chính: Về ý thức hệ, dựa trên chủ nghĩa Marx-Lenin; về kinh tế, dựa trên chính sách quốc hữu hóa và nguyên tắc kế hoạch hóa tập trung; và về bộ máy quyền lực, dựa trên sức mạnh độc tôn của đảng, công an và quân đội. Ở cả bốn quốc gia kể trên, từ đầu thập niên 1990, nền tảng ý thức hệ coi như đã bị phá sản; nền tảng kinh tế cũng bị biến chất theo chiều hướng tư bản hóa. Trên cái thế kiềng ba chân của chế độ, hai chân đã bị sụp. Chỉ còn một chân là bộ máy quyền lực. Gọi chế độ Cộng sản ở bốn quốc gia này bị sụp đổ một phần, thậm chí, phần lớn, là vậy.

Trên thế giới hiện nay, chỉ có một quốc gia duy nhất còn giữ được chế độ Cộng sản chính thống và “truyền thống” trước năm 1990, đó là Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, không ai xem đó là điều đáng tự hào. Ngược lại. Nó chỉ bị xem là một thứ quái thai.

Như vậy, chúng ta chứng kiến một nghịch lý: một mặt, có cảm tưởng như không ai có thể đánh bại được Cộng sản; mặt khác, chỉ trong vòng mấy năm thật ngắn ngủi, tất cả, với những mức độ khác nhau, đều thi nhau ngã gục. Vậy thì ai đánh bại nó?

Có nhiều câu trả lời đã được đưa ra. Nhưng câu trả lời được nhiều học giả đồng tình nhất là: Không có ai đánh bại Cộng sản cả. Chỉ có Cộng sản mới đánh bại được Cộng sản.

Cộng sản đánh bại Cộng sản bằng cách nào?

Bằng nhiều cách. Thứ nhất, bằng các sai lầm có tính hệ thống trong kinh tế khiến nước Cộng sản nào cũng nghèo đói xơ xác. Giữa thập niên 1980, phần lớn các cửa hàng quốc doanh, kể cả cửa hàng thực phẩm, ở phần lớn các nước Cộng sản, bao gồm cả Liên Xô, đều trống không. Nợ nước ngoài chồng chất. Riêng Ba Lan, nơi chế độ Cộng sản sụp đổ đầu tiên, nợ các nước Tây phương đến trên 100 tỉ đô la và đối diện với nguy cơ không thể trả được. Thứ hai, tình hình kinh tế tồi tệ ấy càng tồi tệ thêm nữa do nạn tham nhũng tràn ngập ở mọi cấp. Thứ ba, những thất bại về kinh tế, sự hoành hành của tham nhũng và những chính sách độc tài tàn bạo của chính quyền làm dân chúng bất mãn và nổi dậy tranh đấu đòi thay đổi chính sách, đặc biệt, dân chủ hóa. Cuối cùng, đối diện với tất cả các vấn đề ấy, hầu như mọi người, kể cả các cán bộ cao cấp nhất, đều mất hẳn niềm tin vào chủ nghĩa Cộng sản. Họ biết chắc chắn một điều: họ không thể tiếp tục tồn tại được nếu họ không tự thay đổi. Chính sách glasnost và perestroika của Mikhail Gorbachev ra đời là để đáp ứng lại nhu cầu đó. Nhưng ngay cả khi đưa ra chính sách cải tổ và tái cấu trúc như vậy, giới lãnh đạo vẫn không an tâm hẳn. Họ biết đó chỉ là những biện pháp vá víu. Tự thâm tâm, tất cả đều mất niềm tin vào chế độ.

Chính vì mất niềm tin như vậy nên ở những thời điểm quan trọng nhất, mọi người đều đâm ra hoang mang, không ai dám quyết định điều gì. Ngày 9 tháng 11 năm 1989, khi dân chúng đổ xuống đường biểu tình trước bức tường Bá Linh, bộ đội và công an, dù đông hơn hẳn, không biết đối phó thế nào. Họ gọi điện thoại lên cấp trên. Các cấp trên của họ sợ trách nhiệm, cứ đùn qua đẩy lại với nhau: Cuối cùng bức tường bị đổ. Ở Nga cũng vậy, trước các cuộc xuống đường của dân chúng, không ai dám ra lệnh quân đội hay công an nã súng vào dân chúng: cuối cùng, chế độ sụp.

Không phải cán bộ, công an hay giới lãnh đạo bỗng dưng nhân đạo hơn. Không. Ở đây không phải là sự thay đổi trong tính khí. Mà ở nhận thức. Tất cả đều nhận thức được sâu sắc mấy điểm chính: Một, ngày tàn của chế độ Cộng sản đã điểm; nó không thể tồn tại thêm được nữa. Hai, nó cũng không thể cứu được. Mọi nỗ lực cứu vớt đều tuyệt vọng và chỉ gây tai họa không những cho đất nước mà còn cả cho chính bản thân họ. Cuối cùng, như là hệ quả của hai điều ấy, chọn lựa tốt nhất mà họ nên làm là buông tay bỏ cuộc.

Cả ba nhận thức ấy đều không thể có nếu không có hai điều kiện: Thứ nhất, người ta có dịp so sánh với sự giàu có, tự do và dân chủ ở Tây phương và thứ hai, các nỗ lực tranh đấu không ngưng nghỉ của dân chúng, đặc biệt giới trí thức, trong việc vạch trần các sai lầm và tội ác của chế độ. Cả hai điều kiện đều quan trọng, nhưng điều kiện thứ nhất chỉ có thể phát huy được tác dụng là nhờ điều kiện thứ hai. Những sự phê phán và tranh đấu cho dân chủ liên tục càng ngày càng làm nổi bật sự khác biệt sâu sắc giữa tự do và toàn trị, càng làm lung lạc niềm tin ngay cả ở những kẻ cuồng tín và mê tín nhất, cuối cùng, cô lập những kẻ lì lợm bám víu vào bộ máy độc tài. Khi sự cô lập đến mức độ nào đó, người ta chỉ còn hai lựa chọn: hoặc trở thành Gorbachev hoặc trở thành Ceaușescu (hay gần hơn, Muammar Gaddafi ở Libya).

Theo VoA Blog

Nỗi Sợ Tự Do

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Thế giới on 2013/06/04 at 21:26

Lời dẫn:

Trước khi mời quý bạn đọc bản dịch bài bình luận của The Telegraph (về hồi ức của vụ thảm sát Thiên An Môn xảy ra 24 năm về trước vẫn tiếp tục bị cấm đoán), chúng tôi mời quý bạn lắng nghe bản tin của Đài Phát Thanh Bắc Kinh vào ngày 3 tháng 6 năm 1989. Cuốn băng thâu và bản thông báo này đã đi vào lịch sử vì chứa đựng nhiều nỗi ám ảnh.

Đây là bản tin được phát ra khi các xe tăng tiếp tục tiến vào khu vực Thiên An Môn để thi hành nhiệm vụ thảm sát hàng ngàn người dân (thuộc thành phần sinh viên, trí thức, công nhân, v.v…) đang biểu tình tọa kháng, tuyệt thực và chiếm đóng quảng trường này.

https://i0.wp.com/upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/e/ed/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_ph%E1%BA%A5t_c%E1%BB%9D%2C_Qu%E1%BA%A3ng_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Thi%C3%AAn_An_M%C3%B4n.jpg

Một người phất cờ lớn tại Thiên An Môn, tháng 5 năm 1989. Do Robert Croma (Luân Đôn) chụp tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Sau đây là nguyên văn bản thông cáo phát ra bằng tiếng Anh trên đài phát thanh vào ngày đó:

Bản sao của cuộn băng thâu âm phát ra từ Đài phát thanh Bắc Kinh, ngày 03 tháng 6 1989:

Đây là Đài phát thanh Bắc Kinh. Xin ghi nhớ ngày Ba tháng Sáu năm 1989. Một sự kiện bi thảm nhất đã xảy ra tại Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc.

Hàng ngàn người, đa số là thường dân vô tội, đã bị giết bởi những người lính đầy đủ vũ trang khi họ xông vào thành phố. Trong số những người thiệt mạng còn có các đồng nghiệp của chúng tôi tại Đài phát thanh Bắc Kinh.

Các binh sĩ trên xe tăng sử dụng súng máy để chế ngự hàng ngàn người dân địa phương và sinh viên đang cố gắng ngăn chặn bước tiến của họ. Sau khi đoàn xe tăng quân sự chọc thủng được thì binh sĩ lại tiếp tục phun đạn một cách bừa bãi vào đám đông trên đường phố.

Những người chứng kiến nói rằng một số xe tăng thậm chí đã nghiền nát những bộ binh nào ngần ngừ khi đứng trước mặt những người dân kháng cự.

Chương trình Anh ngữ của đài phát thanh Bắc Kinh vô cùng thương tiếc những người đã chết trong sự kiện bi thảm này, và khẩn khoản yêu cầu quý thính giả cùng chúng tôi tham gia chống lại các vi phạm nhân quyền thô bạo và đàn áp dã man nhất đối với người dân.

Vì tình hình bất thường tại đây ở Bắc Kinh, chúng tôi không có tin nào khác để gởi đến quý thính giả. Chúng tôi chân thành mong quý vị thông cảm, và xin cảm ơn quý vị đã có mặt với chúng tôi tại thời điểm bi thảm nhất này.

Cuộc ghi âm tự nó đã là một trường hợp ngoại lệ. Một người Mỹ tên là G. Jack Urso, một kỹ thuật viên tại đài phát thanh WQBK-băng tần 1300 AM ở Albany, New York trong lúc thay đổi tần số trên đĩa vệ tinh của đài đã bắt được tín hiệu của Đài phát thanh Bắc Kinh. Ông nghe được tiếng nói của Tệ Năng (Yuan Neng) đang đọc thông báo. Bản thông báo này được soạn bởi Wu Xiaoyong, Phó Giám đốc chương trình Anh ngữ của Đài phát thanh Băc Kinh. Tên tuổi cũng như tin tức về họ chỉ được khám phá sau mười hai năm. 

Trong nghiên cứu về truyền hình như một phần cho chương trình học phó tiến sĩ của mình, Urso đã xác nhận tên của người đọc thông báo và tác giả của bản tin này với một cựu nhân viên của Đài phát thanh Bắc Kinh. Phát hiện của Urso cũng được hỗ trợ bởi một báo cáo của Tổ chức Human Rights Watch.

Tệ Năng (Yuan Nang) đã bị sa thải vì thực hiện chương trình phát sóng, số phận của ông cuối cùng ra sao thì không ai rõ. Điều này tương tự với trường hợp của một sinh viên vô danh một mình chặn đoàn xe tăng–người được dân Trung Quốc gọi là Vương Duy Lâm ((王维林 hay Wang Weilin) trong khi phương Tây mệnh danh là “Unknown Rebel” (Người biểu tình vô danh) hay “Tankman” (tạm dịch là Người xe tăng). Phó giám đốc Wu Xiaoyong, có cha là Wu Xueqian–một cựu ngoại trưởng của Trung Quốc–đã bị quản thúc tại gia từ hai cho đến ba năm, và sau đó nhờ thế lực của cha đã di cư sang sống tại Hồng Kông.

Bức ảnh nổi tiếng, chụp bởi Jeff Widener (The Associated Press)

Các chi tiết liên quan đến cuộc thảm sát Thiên An Môn, các chiêu nhà cầm quyền tiếp tục xử dụng để đàn áp chính kiến của người tham gia biểu tình bất bạo động, và chính sách bưng bít tất cả các tin tức về sự kiện chấn động thế giới này trong thời kỳ hậu Thiên An Môn cần được làm sáng tỏ để làm bài học cho các phong trào dân chủ trong và ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Như The Telegraph đã kết luận, “Một chế độ càng cố gắng đè nén các quyền chính trị và tự do khác, tính hợp pháp của chế độ càng giảm trong mắt dân họ và cả thế giới. Sức mạnh kinh tế vỏn vẹn của Trung Quốc không thể đạt được sự tin tưởng từ thế giới tự do.”


______________

Nỗi Sợ Tự Do

Theo The Telegraph (Calcutta, Ấn độ)

Tập tin:Tiananmen Square protests.jpg

Bức tượng Nữ Thần Dân Chủ hướng thẳng về tấm ảnh lớn của Mao Trạch Đông

Chỉ có một Nhà nước hoang tưởng mới cố ra lệnh buộc người dân về những gì họ cần nhớ và phải quên. Cách thức Trung Quốc ngăn chận tổ chức tưởng niệm cuộc Thảm sát Thiên An Môn ngày 4 Tháng 6 năm 1989 lần thứ 24 phản ảnh sự bất an của chế độ cộng sản. Du khách và nhà báo đã bị cấm lai vãng tại nghĩa trang ở Bắc Kinh nơi mà rất nhiều nạn nhân của thảm kịch được chôn cất. Một số hành động của Nhà nước gợi lại hình ảnh mà nhà văn Orwell xử dụng để miêu tả một chế độ toàn trị. Trong khi các nhà chức trách ngăn chặn truy cập Internet tất cả các tài liệu tham khảo về thảm kịch này, họ còn bôi đen loại trừ bất kỳ biểu tượng nào giống như một ngọn nến. Lý do rõ ràng là một ngọn nến được thắp sáng đã từ lâu đồng nghĩa với một cuộc biểu tình hay một tưởng niệm. Chuyện cứ là thế khi các chế độ tự đánh lừa mình rằng họ có thể kiểm soát suy nghĩ và hệ nhớ cho quốc gia bằng cách áp đặt các hạn chế thô bạo. Vì chắc chắn là người dân Trung Quốc – cả ở Trung Quốc và các nơi khác – có rất nhiều cách để nhớ đến ngày bi thảm ấy và ngẫm nghĩ về các ý nghĩa của ngày đó cho tương lai đất nước họ. Nhiều người trong số các nhân vật chính tham dự phong trào còn sống sót bị giam cầm trong nhiều năm dài hoặc đã buộc phải sống lưu vong sau cuộc đàn áp của quân đội vào cuộc biểu tình Thiên An Môn. Nhưng giấc mơ của họ về một Trung Hoa dân chủ đã liên tục ám ảnh các nhà lãnh đạo của Trung Quốc ròng rã 24 năm qua.

Sự kiểm duyệt lễ tưởng niệm lần này cũng nói lên được nhiều điều về thành phần lãnh đạo mới của Trung Quốc. Không ai trông chờ rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ thay đổi vị trí chính thức từng buộc cuộc biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989 là một bước chuyển động “phản cách mạng”. Nhưng vài người cầm quyền trong đảng hiện nay, bao gồm Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, đã được dung dưỡng trong nền văn hóa chính trị tự do chớm nở ấy ở Bắc Kinh trong thập niên 1980. Chắc chắn các nhà lãnh đạo này có thể sẽ không khác với những người tiền nhiệm của họ về mặt cải cách chính trị. Cũng có thể là số phận của bất kỳ nhà quán quân về cải cách nào cũng sẽ như của Triệu Tử Dương, người đảng viên kỳ cựu luôn ủng hộ cải cách, đã bị thanh lọc vì mềm mỏng biểu lộ đồng tình với những người sinh viên biểu tình năm 1989 và bị quản thúc tại gia cho đến cuối đời. Tuy nhiên, cuộc chơi của một nền kinh tế mở cửa Trung Quốc song song với một hệ thống chính trị khép kín đang trở nên khó duy trì. Một chế độ càng cố gắng đè nén các quyền chính trị và tự do khác, tính hợp pháp của chế độ càng giảm trong mắt dân họ và cả thế giới. Sức mạnh kinh tế vỏn vẹn của Trung Quốc không thể đạt được sự tin tưởng từ thế giới tự do.

(Bản dịch của VietSoul:21)

Nguyên bản tiếng Anh “FEAR OF FREEDOM” tại:
http://www.telegraphindia.com/1130605/jsp/opinion/story_16970043.jsp#.Ua7XN0CTih9

Hình chụp ngày 2/6/1989 tại quảng trường ở Thiên An Môn nơi hàng trăm ngàn người dânTrung Quốc tụ tập xung quanh một tượng sao chép của tượng Nữ thần Tự do (chính giữa). Hôm sau hằng ngàn người trong số này đã bị thảm sát dưới lệnh của nhà cầm quyền Trung Quốc. (Ảnh: CATHERINE Henriette / AFP / Getty Images)