vietsoul21

Archive for Tháng Tám, 2011|Monthly archive page

Nguyễn Quang Lập – Dân cày ngó… sân golf

In Cộng Đồng, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/08/15 at 11:02

Nguồn: Danlambao

Sáng thứ bảy, vừa bảnh mắt Ngu ngơ đã tung tăng mặc quần sooc áo pull, đeo giày thể thao chuẩn bị ra khỏi nhà. Đang lúi húi cột dây giày, ngẩng lên đã thấy tám mươi cân Mũm Mĩm lù lù trước mặt choán cả tầm nhìn.

Mũm Mĩm lừ lừ nhìn Ngu Ngơ với cái nhìn khả nghi, nói đi đâu mà sớm thế, hẹn hò gì với ai chăng? Ngu Ngơ cười khì khì, nói ừ thì hẹn hò, có mấy ông bạn hẹn đi chơi sân golf cho biết. Mang tiếng ở một đất nước có 90 sân golf, nhiều sân golf vào loại nhất nhì trên thế giới mà mình không biết sân golf méo hay tròn thật chẳng ra làm sao.

Mũm Mĩm trợn mắt bặm môi, nói anh có biết người ta làm sân golf cho ai không mà đòi đến chơi? Vé vào sân golf một năm bốn năm chục nghìn đô rõ chưa! Một bộ gậy một tay nắm cũng giá hai, ba nghìn đô rõ chưa! Ngu Ngơ đòi đến chơi sân golf, đừng có mà mơ.

Đã thu hồi 77 dự án sân golf

Ngu Ngơ cười khì, ôm Mũm Mĩm hôn cái chụt, nói biết rồi biết rồi. Anh biết sân golf làm ra không để cho đám dân nghèo các anh chơi. Đám dân giàu Việt 10 anh thì có 9 ông bụng phệ, chơi karaoke thì được chứ chơi golf làm sao được mà chơi. Tây cũng thế, mấy ai mò đến Việt Nam chơi một trận golf rồi về. Thế giới có 2000 sân golf hiện đại tiện nghi vô cùng, có động rồ mới đến Việt Nam chơi golf.

Bây giờ đến lượt Mũm Mĩm tròn xoe mắt nhìn Ngu Ngơ, nói thế người ta làm ra sân golf để làm gì, cho bò gặm cỏ à?

Ngu Ngơ ôm bụng cười rũ, nói ôi Mũm Mĩm thân yêu của anh sao mà ngu ngơ thế. Sân Golf chẳng qua là thứ buôn bán bất động sản trá hình thôi. Mũm Mĩm vội vàng bịt mồm Ngu Ngơ, nói anh có im đi không, đừng có ăn ốc nói mò. Ngu Ngơ cười, mò gì mà mò, thiên hạ biết cả chỉ mình em không biết. Người ta nhân danh làm sân golf để kiếm được một khoảnh đất khổng lồ với giá đền bù rẻ mạt, sau đó xẻo ra một miếng làm sân golf, còn lại thì xây biệt thự, làm nhà hàng, khu du lịch sinh thái… ai mua thì bán. Đấy kinh doanh sân golf lãi như thế đấy, hu hu.

Mũm Mĩm lườm Ngu Ngơ, nói bằng chứng đâu? Ngu Ngơ cười cái hậc, nói này nhé, trong 90 sân golf thì chỉ có 21 sân golf thuần túy thôi, 69 sân golf còn lại kết hợp với kinh doanh bất động sản và du lịch. Thích ví dụ thì anh ví dụ. Này nhé, sân golf Tản Viên có 1200 ha thì chỉ có 222 ha làm sân golf, sân golf Quan Sơn có 1.700ha chỉ có 161ha làm sân golf… số còn lại là du lịch và bất động sản. Đó thấy chưa?

Mũm Mĩm thở dài, nói ối giời ơi, người ta kinh doanh bất động sản như vậy sao không ai biết nhỉ? Ngu Ngơ nói biết chứ, nếu không biết thì số sân golf lên tới 166 chứ đâu dừng lại con số 90. Nhà nước đã dẹp đi 76 dự án sân golf rồi đấy.

Mũm Mĩm cười tươi, nói may quá, dẹp đi 76 dự án sân golf, tiết kiệm cho dân được hơn 7,8 ngàn ha đất nông nghiệp, nếu không cái câu “dân cày có ruộng” thành câu “dân cày ngó sân golf”, chỉ đứng ngó sân golf rồi ứa nước mắt vác cày ra đường nhựa mà cày thôi.

Ngu Ngơ lắc đầu xua tay, nói khoan hãy mừng vội. Dự án xây mới 28 cái sân golf mới được bổ sung đó kìa. Mũm Mĩm giật nẩy mình, nói ối ôi. Ngu Ngơ cười ngao ngán, ấy là biết vậy. Hu hu.

Đinh Tấn Lực – Nhanh Như Chớp

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/08/13 at 06:07

 

Cuộc biểu tình đầu tháng 8 tại Hà Nội xuất hiện một biểu ngữ mới lạ chưa từng thấy ở VN ta.

Đó là bản phóng lớn một bài báo in trên tờ Thanh Niên ngày 3/8/2011, với hàng tít cực kỳ bắt mắt: “Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước”.

Tính theo vị trí, tấm biểu ngữ đó góp mặt ở hàng đầu của đoàn biểu tình, được lắm người xiển dương như là cái thay thế các bức ảnh lộng kiếng trong những cuộc mít-tinh hoành tráng trước đây.

Về mặt hình thức, một bài báo phóng lớn nhấp nhô di động giữa đường phố quả là loại biểu ngữ khác thường/khêu gợi/lạ lẫm/sáng tạo nhất xưa giờ ở đây, và có thể là ở nhiều nơi khác nữa.

Xét về nội dung, nó là một khẳng định chắc nịch “3 trong 1”:

  • Một là sự xác quyết trên hệ truyền thông đại chúng, rằng, đây, đích thực là các cuộc biểu tình chứ chẳng phải “một số ít người tự phát tụ tập” như hàng trăm tờ báo đồng loạt giáo dục/cải tạo dư luận mấy tuần trước;
  • Hai là sự xác quyết bằng văn bản chính quy rằng các cuộc biểu tình (ôn hòa và trọng thị) này bắt nguồn từ động cơ trong sáng nhất (từ khi loài người được xã hội hóa) là lòng yêu nước;
  • Ba là, sự xác quyết của kẻ nắm giữ vai trò “chức trách” hàng đầu của thủ đô mở rộng (như một lời tuyên hứa long trọng) là không chủ trương trấn áp đối tượng của 2 xác quyết chắc bắp nói trên.

Còn, duyệt lại các thứ toàn tập, phải thừa nhận rằng khó tìm đâu ra một khẳng định “3 trong 1” ngắn gọn và tràn đầy ý nghĩa (giải trình/vỗ về/trấn an/tuyên truyền/định hướng tư duy hiệu nghiệm) như cụm từ vỏn vẹn 10 chữ mà báo Thanh Niên giật tít.

Nguyễn Đức Nhanh, qua cuộc họp báo “lịch sử” ngày 2/8/11, cũng đã bất ngờ giật giải quán quân xạ thủ “nhất tiễn xuyên sát tam tứ điêu”, một mũi tên bắn xỏ xâu 3-4 chim cùng lúc.

Vì sao?

Trước tiên, tay tướng CA nhà ta đã chớp thời cơ để dí dùi cui vào (giữa mặt) TTXVN và vào (giữa mồm) người phát ngôn bộ ngoại giao, về lời tuyên bố (tuy cà lăm song không kém phần lí nhí để trấn an bạn vàng của họ) rằng những tiếng hô đả đảo quân xâm lược vang dội đường phố kia không phải là âm thanh của những cuộc biểu tình chống hiểm họa ngoại xâm. Ngay cả khi những tuyên bố đó được trang trọng đăng lại trên báo CA là cơ quan ngôn luận của bộ phận/ngành nghề mà hắn đang phục vụ.

Kế tiếp, hắn lại chớp cơ hội ngáng chân chính phủ, dí giày chà đạp/vô hiệu hóa Nghị định 38/2005/NĐ-CP (về hoạt động tập trung đông người) từng được phát liên tu bằng loa phóng thanh công suất cao nhằm giải tỏa các cuộc biểu tình gần đây ở Hà Nội.

Điều đó, cách hô biến quan điểm riêng thành chủ trương chung, ở một chừng mực nhất định, cũng được đánh giá là một cách chớp lấy dịp bày tỏ thái độ khinh thường có trọng lượng, thậm chí là ngồi xổm lên cái chính phủ của tay thủ tướng phế binh thiếu năng lực nhưng thừa gian tham từng có nhiều tì vết đen tối (cả trong lẫn ngoài đảng, cả trong lẫn ngoài nước) nên chưa từng dám kỷ luật một ai. Mà quả thật, chẳng ai ở đây chịu nổi cái ngữ y tướng thủ tá, nói chi thứ y tá thủ tướng đó.

Tay tướng công an có được cái biệt danh “Nhanh Như Chớp” là nhờ phương cách chộp giựt mớ thực tế sâu sát/bén nhạy đó chăng?

NguyeDucDanh-0ed0.jpg

Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh

Mặt khác, phong cách lật đật “giải độc” nhằm mát-sa dư luận về hành động mất dạy của thuộc cấp (đạp mặt người biểu tình) này cũng có thể đánh giá là một chiêu gian xảo đề huề, chỉ tiếc là thừa gian, thiếu xảo:

  • Miệng bảo là tên đại úy Minh không hề đạp, nhưng tay lại ký lệnh ngưng công tác đương sự, mà không hề chạm tới thượng tá Canh là đứa ra chỉ thị cho nó.
  • Chẳng phải đây là lần đầu CA bạo hành với dân, song, có kịch mấy hay láo mấy cũng cần phải lên tiếng, vì hình ảnh âm thanh vụ này đã tràn ngập thế giới mạng.
  • Vu chụp ngay lời bình “lắp ráp ảnh” để bịp người tay ngang, chứ còn đội quân ma mảnh của Vũ Hải Triều mà còn bó tay thì lấy gì để Nhanh ta giải thích?
  • Nhanh ta không kịp ngăn gia nô thuộc hạ đừng nhanh nhẩu đưa nạn nhân đi khám nghiệm, và cũng không bịt nổi blog riêng của nạn nhân, vốn là một Fan của XHCN; vậy mà hắn cứ tưởng chiêu thức nói lấy được vẫn còn xài tốt thời a-còng.

Ngần ấy thứ bao che cú “âu yếm bằng đế giày/vỗ về bằng gót chân”, đặc biệt là cách dứt điểm thuộc hạ không nháy mắt, mà có người vẫn còn nghi ngờ cái kết luận lật lọng “Nhanh Như Chớp” đó sao?

Có cần phải dẫn thêm một vài phản ứng bén nhạy/nhanh nhẩu khác:

  • Những người yêu nước biểu tình bị vất lên xe buýt chở về đồn CA, chẳng cần giải thích gì sất, lại đều phải viết tờ khai, như những tội phạm bị bắt quả tang, bị mắng nhiếc, bị dọa nạt, và sau đó, bị lùa ra cổng để tự tìm đường về nhà.
  • Những sinh viên yêu nước biểu tình cũng chẳng được giải thích điều gì, ngoại trừ việc cấm thi, miễn tốt nghiệp, hay nhận giấy đuổi học.
  • Cô Bùi Minh Hằng, người phụ nữ “quản ca” suốt các chủ nhật, từ khi có bài báo tướng Nhanh họp báo, đã liên tục nhận đầy ổ cứng điện thoại những lời nhắn vô học và vô hậu không thua gì đám lãnh đạo hèn hạ.
  • Cô Trịnh Kim Tiến, hoa khôi biểu tình, đã bị quấy rầy và áp lực đến bật khóc, như một loại phạm nhân, hàng giờ, mỗi ngày, bởi công an khu vực, đối với thân nhân, gia đình, hàng xóm… thậm chí cả ông cụ trông chừng xe cạnh nhà.
  • Bé Oanh, học sinh lớp 8 xuống đường với chiếc khăng quàng đỏ trên cổ áo, đã chịu đựng áp suất mỉa mai từ thân nhân, như một thiếu nhi phạm tội “yêu nước biểu tình”, theo kiểu lên án của an ninh.
  • Chín thanh niên sinh viên ở Vinh, một số đã từng tham dự biểu tình yêu nước ở Hà Nội, đều bị bắt cóc ở nhiều nơi khác nhau và cho tới nay chưa biết bị tạm giữ tạm giam ở đâu…

Tất cả những phản ứng “hậu họp báo” (cực kỳ đáng tởm đó) chưa đủ để vinh danh cái thói lừa đảo “Nhanh Như Chớp” của đương sự hay sao?

Chưa đủ để đám CA thuộc hạ liếc chừng nhau, chẳng biết khi nào tới phiên mình lên dàn hỏa làm dê tế thần cho lũ thượng cấp vô loài đó sao?

Nếu không thì đã chẳng có thơ rằng:

Khá khen cho Nguyễn Đức Nhanh
Hà Nội văn hiến biến thành nhà giam
Công an một lũ gian tham
Tội phạm không chống, chỉ làm hại dân

Nhưng mà, hỏi thiệt, “Nhanh” thì biết rồi, còn “Chớp” là gì?

Theo từ điển mở, từ “chớp” có 3 nghĩa:

1. Ánh sáng xuất hiện và biến đi rất nhanh khi có hiện tượng phóng điện trong khí quyển;

2. Ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt ngay;

3. Thân cây có vết nứt sắp gãy (“cây chớp đừng leo”).

Lắm người tin rằng vụ chớp này ứng vào nghĩa thứ ba.

Song, ai cũng đồng ý với tự điển mở: “nhanh như chớp” là một tục ngữ.

Bởi vì, nó tục thiệt.

NgDucNhanh.jpg

13/8/2011. Nhân ngày hội thảo Meiji “làm mẹ an toàn”

Blogger Đinh Tấn Lực

Tạ Phong Tần – Vụ Án Văn Tự Ngục Tân Thời

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/08/12 at 21:33

Lịch sử phong kiến Trung Hoa ghi nhận những vụ án oan đẫm máu nhà cầm quyền phong kiến nhắm vào tầng lớp sĩ phu Trung Hoa, gọi là “Văn tự ngục”.

“Văn tự ngục” là danh từ chỉ việc bức hại văn nhân, loại trừ kẻ dám trái ý mình của nhà cầm quyền, là động từ chỉ việc lợi dụng đặc quyền hãm hại kẻ trái ý mình, là hình dung từ diễn tả sự hà khắc của kẻ thống trị đối với người bị trị. Hán Ngữ đại tự điển giải thích “văn tự ngục” là “Nhà thống trị thời xưa cố ý trích dẫn câu chữ nhằm bức hại người trí thức”, Trung Quốc đại bách khoa toàn thư giải thích “Là loại hình ngục thời Minh – Thanh bày ra để loại trừ kẻ trái ý”.

Theo các nhà nghiên cứu, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328-1398) là người “phát động phong trào” “văn tự ngục” đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Chu Nguyên Chương, lúc trẻ nghèo khổ, ít học, từng làm sư ở chùa Hoàng Giác. Sau khi lên ngôi vua, Chu Nguyên Chương cổ xúy loại văn nhằm ca tụng công đức của mình, đồng thời ra tay đàn áp văn nhân. Bởi nhà vua vốn “vi tiện xuất thân”, nên thường mặc cảm, lúc nào cũng sợ bóng sợ gió rằng người ta khinh thường mình ít học, hay nhạo báng xuất thân nghèo hèn.

Học giả Nguyễn Hiến Lê viết: “Cũng như Lưu Bang, vì ít học, nên ông (Chu Nguyên Chương) nghi kỵ các văn thần… Sử chép có người khen ông là biết “đạo”, ông hiểu là mỉa ông làm “đạo tặc”. Một người khác nịnh ông là làm “tăng trí tuệ lên” (tăng trí), ông cho rằng chê ông có cái trí tuệ của thầy tăng (nhà sư)…Ông là ông vua Hán độc tài nhất trong lịch sử Trung Hoa, không kém Tần Thủy Hoàng”.

Đời nhà Thanh, “phong trào” “văn tự ngục” trở thành “trăm hoa đua nở” đến gà, chó cũng không sống nổi. “Văn tự ngục thời tiền Thanh là bắt đầu từ vua Thuận Trị, dần dần đến thời vua Khang Hy, mà mạnh mẽ nhất là vào giữa thời vua Ung Chính và Càn Long. Theo đà thời gian thấm thoát, thì quy mô, nội hàm và bối cảnh của Văn tự ngục cũng không ngừng nâng cấp, mức độ cũng ngày càng gây gắt hơn, cuối cùng đã trở thành một trở ngại to lớn đối với sự phát triển nền văn minh Trung Hoa”.

Đời Ung Chính có hơn 20 vụ án “Văn tự ngục”, đời Càn Long có hơn 130 vụ “Văn tự ngục”. “Văn tự ngục thời vua Càn Long là mạnh mẽ và sâu sắc nhất từ trước đến nay. Đây tuyệt đối không phải vì nhà vua quá bộp chộp, nôn nóng, mà đây là một âm mưu lâu dài của tầng lớp thống trị phong kiến Mãn Thanh tìm đủ mọi cách để nhược hóa nhân dân”.

Đọc lịch sử Trung Hoa rồi so sánh với màn thẩm vấn của Hội đồng xét xử (sau đây xin gọi là “Tòa ta” cho ngắn gọn) trong vụ án Cù Huy Hà Vũ mới xử phúc thẩm tại Tòa án Tối cao hôm 02/8/2011 sao thấy y chang và lắm sự tức cười.

Điều 101 Hiến pháp ghi rõ: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” nhưng “Tòa ta” ngang nhiên bảo rằng Chủ tịch nước chỉ đại diện cho cá nhân ông ta mà thôi, cho nên việc “bị cáo xâm hại lợi ích an ninh Quốc gia, không phải của cá nhân nào nên không triệu tập Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết”. Nếu Chủ tịch nước không đại diện cho quốc gia thì làm Chủ tịch nước làm quái gì, chẳng lẽ để “làm cảnh” à? Có thể nói, “Tòa ta” thiếu kiến thức pháp luật cơ bản (Hiến pháp) nhưng vẫn nghiễm nhiên là “Tòa” và có quyền bỏ tù người khác theo lệnh trên chớ không theo pháp luật. Chẳng phải giống y như các “Tòa” thời Văn tự ngục đó sao, có vụ nào “bị hại vua” ra đứng vào vị trí nguyên cáo đâu? Ngồi ở trên xỉ xỉ xuống là đủ chết oan hàng trăm người một lượt rồi.

Kế tiếp, việc cung cấp các tài liệu cho bị cáo theo yêu cầu của luật sư được “Tòa ta” phán: “Vì bị cáo đã làm ra nên bị cáo sẽ ghi nhớ được, nên không cấp”, “Không cung cấp giấy bút cho bị cáo để tự bào chữa tại tòa”.

Cụ Hồ Biểu Chánh được công nhận là nhà văn có nhiều tác phẩm nhất Việt Nam. Kế đến là cụ Thế Lữ có nhiều tác phẩm nhất thời Tự Lực Văn Đoàn. Rồi kế tiếp là các cụ Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, hiện nay là cụ Sơn Tùng… May chưa cụ nào bị ra “Tòa ta”, nếu không thì bằng vào số tác phẩm các cụ đã viết mà bắt các cụ vì “làm ra” nên “ghi nhớ được” từng câu, từng chữ thì các cụ lăn đùng ra chết chắc, khỏi cần bỏ tù cụ nào.

Thiệt giống y mấy vụ án Văn tự ngục tại hạ xem trong phim. Lão quan ngồi trên cao cầm cục cây (gỗ) gõ cụp cụp xuống mặt bàn, dõng dạc chỏ mỏ xuống dưới hỏi: “Nhà ngươi có viết… (A Bờ Cờ gì đó) không? (Đọc cho nghe vài câu). Bị cáo ở dưới nói: “Dạ dạ! Có viết, nhưng mà tiểu nhân làm thơ (hoặc viết văn) cả bài ý như thế này…”. Lão quan quát: “Không cần biết. Chỉ cần có chữ… là phỉ báng triều đình, là phạm tội chết”. Nay xét thấy diễn biến vụ xử án ông Cù Huy Hà Vũ cũng giống y như vậy, chỉ cần đổi chữ “xưa” thành “nay” thì rõ ràng là “Nhà thống trị thời nay cố ý trích dẫn câu chữ nhằm bức hại người trí thức”. Cũng y chang cái kiểu thuở nhỏ chăn trâu, ở chùa ở miễu, học hành lôm côm, học giả bằng thật, không học mua bằng thật, không học mua bằng giả… rồi ngấm ngầm tự ti, thù ghét trí thức, ai nói cái gì cũng “si diễn” người ta đang cười nhạo, nói xấu mình.

Toàn bộ 340 Điều của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam hiện hành không có điều nào quy định tội “chống đảng cộng sản” cả, nhưng các câu hỏi của “Tòa ta” truy bức bị cáo Vũ có hành vi “chống đảng”, xin trích một đoạn thẩm vấn:

Chủ tọa: Bài bàn về ĐCSVN?

Cù Huy Hà Vũ: Ở đâu? Bài nào?

Chủ tọa: Bài bàn về Đảng cầm quyền.

Chẳng biết chống đảng cộng sản thì phạm vào tội gì? Thiệt giống y như các vụ Văn tự ngục, tuy đương sự không “phỉ báng triều đình” nhưng dám bĩu môi, nhổ nước miếng khi nhắc đến cung tần mỹ nữ, thái giám, lính hầu… của hoàng đế vậy.

Cái phiên tòa Văn tự ngục tân thời xảy ra ở Việt Nam này còn tệ hơn các phiên xử Văn tự ngục thời Minh- Thanh ở chổ các vua thời Minh -Thanh không kêu gọi ai gửi thư góp ý cho mình rồi dùng chính cái thư ấy làm cớ chém đầu người ta. “Nhà nước ta” lúc nào cũng kêu gọi nhân dân góp ý cho nhà nước, việc gì không hài lòng thì góp ý, nói lung tung bọn “thế lực thù địch” chúng nó lợi dụng, nhưng khi góp ý thì bị chính “Tòa ta” coi văn bản góp ý đó làm chứng cứ  để buộc tội “chống nhà nước”.

Xin trích đoạn thẩm vấn tiếp theo:

Ông Vũ: Đó là sự dốt nát và kém cỏi, muốn hại tôi vì đó là Kiến nghị tôi gửi Quốc hội, mà tài liệu tôi gửi kiến nghị Quốc hội thì không được dùng làm chứng cứ buộc tội tôi.

Chủ tọa: Bị cáo có gửi Quốc hội?

Ông Vũ: Tôi gửi cả chục kiến nghị mà Quốc hội đã không trả lời tôi.

Các vị “tai to mặt bự” luôn lên báo, đài kêu gọi góp ý cho “nhà nước ta”, cho “đảng ta”. Website Chính phủ, Quốc Hội đến thời điểm này vẫn còn chành ành mục đề nghị công dân góp ý. Sau phiên tòa này, hẳn hết đứa dân đen nào dám cả gan gửi thư góp ý, phải lấy “bài học” Cù Huy Hà Vũ làm tấm gương. Dân ta cứ bưng tay, bịt mắt, bịt mồm là sống “phẻ”, còn “nhà nước ta” dưới sự thống trị của “đảng ta” muốn làm gì thì làm. “Ông đút cặp giò, bà thò chai rượu”, sướng nhé! Văn tự ngục tân thời vạn vạn tuế! Vạn vạn tuế!

Nguồn: Blog Tạ Phong Tần

Người Buôn Gió – Đại Vệ Chí Dị

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/08/08 at 07:19

Nước Vệ triều nhà Sản, năm thứ 66.

Mùa nước, nhưng con sông chính miền Bắc, miền Nam vẫn cạn kiệt, ruộng đồng khô hạn. Đất đai canh tác bán rẻ cho tư thương nước ngoài. Thóc lúa, thực phẩm khan hiếm, giá cả tăng từng ngày.

Bạo nắm quyền thiên hạ, thế nghiêng trời lệch đất, thâu tóm mọi quyền lực vào tay. Các quan trong triều đến nhân sĩ trong nước gặp Bạo đều phải cúi đầu không dám nhìn thẳng.

Lạm phát ngày một cao, người lao động đói khổ đình công. Triều đình bắt bớ, tầm nã những người đình công, còn bọn chủ nhân thế đó mà đánh đập, dùng xe tứ mã cán chết người đình công.

Công sai là cánh tay phải của Bạo, như kiêu binh ngày xưa tha hồ hoành hành ức hiếp dân kiếm chác, ăn hối lộ. Gặp người trái ý là đánh đập, có nhiều vụ dẫn đến tử vong. Giết xong vu là tự vẫn, đột tử.

Mọi thứ đắt đỏ, chỉ có mạng người và nhân cách là rẻ rúng.

Bấy giờ ở huyện Can, xứ Tĩnh có người họ Cù, cha ông mấy đời làm quan thanh liêm, phò trợ tiên đế, khai quốc công thần. Dòng họ nhà đó từ nơi phát tích đến kinh kỳ, danh tiếng đều lững lẫy thiên hạ. Đến đời Cù tiên sinh, tên chữ là Võ ức cảnh thế thời điên đảo, Võ tiên sinh bỏ áo từ quan, về nhà mở phòng cãi hòng bênh vực dân nghèo dưới thời mạt pháp.

Nước Vệ thời nhiễu nhương, kẻ sĩ theo nghề luật càng đi càng thấy rối rắm, bất công. Mười năm theo nghề, Võ tiên sinh hiểu được cái cốt lõi của việc, như người thầy thuốc bắt được căn bệnh. Với lòng tự trọng của người dòng dõi, Võ tiên sinh theo bước Chu tiên sinh ngày xưa dâng sớ lên triều Sản, đòi cải cách , xử các quan lại tham nhũng, ức hiếp dân chúng, lời sớ gang thép, khảng khái chấn động cả thiên hạ. Kẻ sĩ nước Vệ rùng mình tính giấc, ngóng theo hành động can trường của Võ tiên sinh. Uy danh của Võ bây giờ khiếp người trong thiên hạ ai cũng nấy nể và cảm mến.

Nhà Sản không nhận ý kiến của Võ tiên sinh, bởi mọi cải cách, ý hay từ xưa đến nay là phải do triều đình ban ra, kẻ bên ngoài dẫu trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, đọc bốn ngàn cuốn sách, kinh thư làu làu, tài an bang tế thế cũng không bao giờ được trọng dụng. Bởi dụng ý người ngoài, hóa ra triều Sản xưa nay vẫn vỗ ngực là hội tụ tinh hoa trí tuệ bốn cõi, lại phải nghe lời người khác sao, hơn nữa bấy lâu trót cả ngợi Bạo tể tướng là anh tài hiếm có, nghìn năm mới xuất hiện một lần, khắp thế giới đều công nhận. Nay lại có kẻ tài hơn nữa thì còn uy tín gì trong dân gian.

Lẽ đời thường không nghe thì phải giết, xưa kia Hàn Tín dâng kế sách cho Hạng Vũ, Hạng không nghe, mưu sĩ Phạm mới nói. Hàn là người tài, nếu không nghe thì phải giết đi. Hạng cho rằng Hàn là kẻ hèn lính chấp kích, không bõ giết. Sau mới mang họa vào thân ở trận Bối Thủy vì tay Hàn. Nhà Sản lâu nay học chính sự từ Tề, chuyện này tất phải làm theo sách Tề dạy. Huống chi nay Võ tiên sinh danh lừng thiên hạ, không phải như Hàn Tín lúc bấy giờ.

Năm Canh Dần, triều nhà Sản thứ 65, đời cuối cùng, Cường Vệ Vương chỉ lo vơ vét, bỏ mặc chính sự cho Bạo. Nhân lúc đó tay chân của Bạo ở bộ Hình, lấy lòng chủ soái mới dùng kế gian dâm để vu họa Võ tiên sinh. Trước là đánh về mặt danh dự, để chia rẽ lòng người, sau bắt kết tội chống triều đình, tiếp nữa cho người lăng loàn rêu rao chuyện thị phi. Tiếp đó mang ra tòa xử tội, lúc xử không tranh tụng, cấm dân chúng xem. Xử xong nói rằng xử công khai, đúng người, đúng tội, dư luận đồng tình.

Dư luận nhìn nhau ngơ ngác, biết gì đâu mà đồng tình.

Nhà Sản sợ dân không tin, bèn chọn những cảnh trong tòa chép lại những cảnh quan tòa kết tội đưa cho dân chúng xem, lại cho bọn bồi bút chạy lăng xăng hô hoán thêm ai bênh Võ tiên sinh là thế lực thù địch mưu hại nhân dân. Cảnh tượng thật vừa ngao ngán vừa nực cười, ai cũng chả hiểu vì sao bỗng dưng có kẻ góp ý với triều đình, bị xử tù, người bênh vực lại thành thù địch cả.

Lúc này lạm phát, suy thoái, đổ nợ, dân chúng, triều đình nhìn nhau nghi kỵ, thấy đâu cũng là bọn thù địch. Kẻ sĩ nhìn triều đình là thù địch, triều đình bảo kẻ sĩ là thù địch, chỉ tội dân đen kém hiểu biết không biết tin ai, dưới lưỡi đao búa kề cổ, khối kẻ đành ừ à cho qua chuyện theo ý triều đình.

Nước Vệ hỗn loạn, càng thêm hỗn loạn. Kẻ thắt dây phải là kẻ mở dây.

Thế nhưng nhà Sản dưới thời Bạo, không làm điều theo luân thường. Ỷ mạnh ra sức đàn áp, vu vạ người lương thiện nhiều hơn.

Chẳng những mở nút trói, lại càng thắt thêm. Nước Vệ rồi sẽ về đâu?

Nguồn: Người Buôn Gió

Cái giá của sự ngây thơ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2011/08/05 at 22:38

Nguyễn Chí Đức

Đọc bài “Nguyễn Chí Đức: Họ đã “chơi” đồng chí của họ”  thấy ngậm ngùi cho Đức. Sự phẫn nộ của Đức là hậu quả của sự tin tưởng quá ngây thơ của anh.

Mình không quen Đức để hỏi xem Đức đã chiều theo ý người ta thế nào để ra nông nổi ấy. Mình hình dung  người  ta đã gặp Đức ra sao, xin lỗi Đức thế nào, rồi nói bây giờ việc đã lỡ ra thế rồi, nếu em nói ra công an đạp vào mặt em nhất định sẽ bị kẻ xấu lợi dụng, làm mất uy tín Đảng. Chỉ vì một việc nhỏ mà Đảng ta phải mang tiếng xấu, bọn phản động chúng nó rêu rao thế nào em biết rồi đấy, nguy hiểm vô cùng. Dù thế nào chúng ta cũng là đồng chí của nhau, có gì thì đóng cửa bảo nhau, chứ nếu em cứ đòi tố cáo, điên lên người ta trả thù em thì các anh không bảo vệ được em đâu nhé. Đừng có đẩy người ta đến chân tường em ạ, để cho người ta một lối thoát danh dự, khi đó chẳng những em được an toàn mà uy tín Đảng không mất. Là đảng viên em có muốn Đảng ta vì một việc nhỏ mà mất uy tín không?

Chắc là người ta “khuyên nhủ chân tình” như vậy nên anh Đức, một đảng viên trong sáng hồn nhiên mới gật đầu đồng ý. Anh kể: ”lúc ấy làm việc với rất nhiều công an thành phố, viện kiểm sát và với cả giám đốc công ty tôi là bí thư đảng ủy thì tôi đã chỉ mặt tất cả những người công an ở đấy bảo là “Tôi làm việc này là vì Đảng. Bản thân tôi là đảng viên, tôi làm việc hợp tác với các anh là vì tôi muốn bảo vệ Đảng tại vì tôi không muốn đi quá sự việc”.

Nghe anh kể mà thương. Không biết sau vụ ”toạc móng heo” với RFA thì tình hình thế nào. Anh nói: Ngày mai tôi sẽ lên gặp bí thư đảng ủy để xem thái độ của đồng chí đấy với giám đốc như thế nào. Nếu ủng hộ tôi thì còn khác, còn nếu phủi tay cũng giống như công an thành phố Hà Nội thì có lẽ là tất cả hệ thống chính trị nó đẩy tôi ra khỏi đảng. Mình lại hình dung thế này: cái ông bí thư đảng ủy mới tròn xoe mắt, nói a thế à. Chết chết…bậy quá bậy quá. Thế là không được. Cứ bình tĩnh đi, để anh hỏi xem vì sao họ làm thế. Em cũng đừng làm gì, đừng nói gì nữa nhé. Cứ để việc đó cho anh, anh có trách nhiệm với em việc này. Vài ngày sau , đợi Đức nguôi giận, bí thư mới gọi lên, nói anh hỏi rồi em ạ. Cũng phải thông cảm cho người ta thôi, cũng vì uy tín của Đảng mà người ta làm vậy. Đặt cương vị em thì em giải quyết thế nào? Cái clip ấy mà bảo cắt dán có chó nó tin. Đành phải nói vậy chứ chẳng biết nói sao. Thôi em chịu hy sinh cho Đảng đi. Cũng chẳng mình em hy sinh đâu, ông Nhanh cũng hy sinh, ông Minh cũng hy sinh. Chúng nó chửi họ như chửi chó, họ phải cắn răng chịu đựng chứ có sung sướng gì đâu. Chỉ cần Đảng hiểu mình là được em ạ. Hy sinh cho ai chứ hy sinh cho Đảng không bao giờ thiệt đâu. Hôm qua anh lên nói chuyện, mấy anh ở thành ủy quan tâm đến em lắm. Họ nhắc đi nhắc lại anh phải quan tâm giúp đỡ em. Tương lai em sáng lắm, đừng vì tiểu tiết mà làm hỏng đại sự em nha.

Với một tâm hồn trong sáng như Đức, chắc là anh khó cưỡng lại được, nhất là khi người ta “hở” cho anh biết, nếu cưỡng lại anh sẽ gặp họa, có thể là đại họa. Nếu Đức “không còn sợ nữa” như anh nói, nhất định cưỡng lại, đòi làm cho ra nhẽ, khăng khăng bảo họ “chơi” đồng chí của họ, dám lật kèo đồng chí của họ, thì lập tức người ta sẽ đập bàn, nói ai đồng chí với anh? Đức nói tôi là Đảng viên, tôi không đồng chí với anh thì là cái gì. Người ta sẽ cười khẩy, nói thời này còn đồng chí với đồng cheo, ngu lắm, ngu lâu lắm con ạ.

Chẳng biết câu chuyện của Đức có xảy ra như mình hình dung không, nhưng mình tin như vậy, bởi vì đó là “sự tráo trở của phương pháp”  mà Alejo Carpentier viết hẳn một cuốn sách nói về sự khốn cùng của người dân Mỹ la tinh dưới chế độ độc tài. Và chính đó là giá của sự ngây thơ, hơn một thế kỉ người dân Mỹ la tinh phải trả bằng máu và nước mắt.

Nguồn: Quê Choa

Phó thường dân (9): vô liêm sỉ – man rợ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/08/05 at 22:21

Vietsoul:21

Phó thường dân (9): vô liêm sỉ – man rợ

[tiếp theo kỳ trước: (1) Anh tám hồ hởi (2) Nôị-thực-dân (3) Sợ (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông (5) Con dân – con cá – cò mồi (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng (7) (Vô) Hậu  (8) Gió mưa là chuyện của trời … (10) Phế-anh-hùng  (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (15) phố vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ (17) Nín thở qua cầu]

People have to make do with what they have … there is a certain art of placing one’s blows, a pleasure in getting around the rules of constraining space.

(Người tacũng chỉ làm được với những gì họ có … đó là một nghệ thuật trả miếng, một cái hả hê khi vượt qua các luật lệcủa khoảng giới hạn bóp nghẹt.)

– Michel de Certeau

Những ngày chủ nhật tháng 6 và tháng 7 năm nay, hay đúng hơn là những tối thứ bẩy ở đây (cách xa Việt Nam gần nửa vòng trái đất), phó thường dân tôi vẫn hướng về đất nước mình, với hy vọng, với âu lo, và với phẫn nộ. Chúng tôi dí mắt vào máy tính xem tin tức cập nhật từ blog Anh Ba sàm, blog Nguyễn Xuân Diện và Dân Làm Báo.

Nỗi hân hoan phấn khởi nhìn những đoạn video và hình ảnh cuộc biểu tình vài tuần trước (24 tháng 7) như cơn nước vỡ bờ. Phó thường dân tôi cảm động vô cùng khi nhìn thấy cảnh các bác, các cô chú, các em thanh niên và cả các cháu bé đã có được một khoảng thời gian ngắn, một mảng không gian vừa đủ tự do biểu lộ quyền công dân và tình yêu nước sâu khẳm trong lòng.

Thế mới biết sự phẫn nộ và sức mạnh của đám đông. Và không ai có thể tước được quyền lực của chúng ta, ngoại trừ chúng ta. Ngay cả những người bị giam cầm, khoá tay, bịt miệng vẫn có sức mạnh và quyền lực của họ. Đó là quyền lực của lương tri Việt Nam đương đại mà Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phạm Thanh Nghiên, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Anh Kim, LM Nguyễn Văn Lý v.v… đang gánh gồng với với bao oan khiên, khổ ải.

Tiếc thay, ngay sau những cuộc biểu tình đó lại có những lời phê phán “vô liêm sỉ” và “man rợ” [1] về lời lẽ dung tục và hành động phản kháng trong bức xúc của những người đi biểu tình bị bắt.[2]

Nghe đến “máu trên máu dưới trét vào mặt” thì cánh đàn ông chúng mình hãi thật. Vì sao? Vì mình là đàn ông mà dây phải thứ đó thì có mà “nhục”. Vì thuộc phái “yếu”mà đấng trượng phu mày râu nếu vấy vào thì có mà bị bêu xấu. Chung quy là vì mình đã được điều kiện hoá xem đấy là dơ bẩn, xấu xa.

Không biết cánh phụ nữ thì nghĩ gì nhưng tớ đoán là các bà nghe cũng chối đấy (vì cũng bị điều kiện hóa) nhưng chắc chắn không hãi tiệt như chúng mình. Vì sao? Vì máu đó là một phần thân thể của họ. Họ có thể che, dấu nhưng không thể dứt bỏ được. Máu kinh nguyệt là một đặc ân để các phụ nữ – bà và mẹ của mình – có thể cưu mang ra các đấng mày râu chứ chẳng phải đùa đâu.

Ngược lại, giới mày râu chúng ta cứ thì văng tục “đ.m.” vô tư, thoải mái theo quán tính và hệ thống. Tại sao?

Này, tớ phải thú thật với các cậu cánh đàn ông chúng mình nhé. Ví dụ nếu một tên “lạ” độc ác nào đó kê súng vào màng tang của tớ và bảo phải lựa chọn giữa một trong hai hoặc phải “đ.m.” hoặc “máu trên máu dưới trét vào mặt” thì tớ hai tay xin chọn giải pháp sau. Chẳng phải “đ.m.” là đáng ghê tởm hơn “máu dưới” sao? “đ.m.” hàm chứa bạo hành hãm hiếp và sỉ nhục đến giới phụ nữ tước đoạt phẩm chất con người không những của người mẹ mà còn cả dòng tộc, con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế nhưng trong xã hội phụ hệ thì từ “đ.m.” đã được bình thường hoá như là một tiếng đệm, một tiếng của quyền lực. Và ngược lại “máu dưới” là dơ bẩn, xấu xa.

Phó thường dân đã từng được nghe có cậu nói rằng khi nào hăng “máu” lên văng “đ.m.” liên tục thì thấy “đã”, “sướng” (tự sướng đấy nhé!). Tương tự đó là “con c..” đối nghịch với “cái l..”. “Con c..” thường được dùng trong ngữ cảnh quyền lực còn “cái l..” thì lại trong ngữ cảnh dơ bẩn, xấu xa, ô nhục. Mà cường độ hoá cái xấu hơn nữa là “cái l.. què”.

Ngôn ngữ luôn hàm chứa quyền lực: cá nhân, giới tính, phe nhóm, giai cấp, và nhà nước. Ví dụ như từ “man rợ” chẳng hạn. Không biết từ “man rợ” được dùng từ lúc nào nhưng vì phó thường dân tôi chữ nghĩa không đầy cái lá mít nên xin nhường cho các nhà ngôn ngữ học truy tầm. Từ “man rợ” mang đầy quyền lực của đại Hán Trung Quốc đối với giống “man di” ở phương Nam, của thực dân đối với người thuộc địa, và ngay cả của người Kinh đối với người Thượng, người dân tộc miền núi sâu xa.

Khi nhìn và phán đoán các hành động và sự kiện chúng ta cũng cần để ý đến tương quan quyền lực. Giữa những cá nhân với nhau (chưa hẳn là quyền lực bằng nhau vì khác biệt giai cấp, giới tính, tính đại diện) thì những từ dung tục được xem là hạ cấp (theo giới có học). Còn giữa cá nhân đối với nhóm/tập thể quyền lực thì lại là vấn đề khác.

Khi một bà răng đen, váy đụp dùng “đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm” đối lại với ông hia mão “miệng nhà quan có gang có thép” thì đó là một phản kháng vô cùng thâm thúy. Ai cũng tán thưởng chứ nào có ai nói là bà ấy “man rợ”. Cũng như thế, một Minh Hằng (cá nhân, nữ) đem cái “máu trên máu dưới trét vào mặt” đó để đối lại với băng đỏ của đám dân phòng (nhà nước, nam) rất là thích đáng vì các hành động trấn áp độc ác, vô nhân (tránh dùng từ man rợ) của họ. Một bên là cá nhân xử dụng vũ khí duy nhất (một phần thân thể) của mình để kháng cự lại tập đoàn quyền lực với dùi cui, roi điện, bình xịt cay, vòi rồng, còng sắt, súng ngắn, súng dài. Đối tượng Minh Hằng chửi rủa không phải riêng một cá nhân nào nhưng là những tên đại diện cho guồng máy quyền lực độc tài vô nhân đàn áp đồng bào.

  • Vô nhân (man rợ) là Đại úy công an Phạm Hải Minh thô bạo đạp lên mặt anh Nguyễn Chí Đức[3] biểu tình chống bá quyền Trung Quốc xâm lấn biển Đông.
  • Vô nhân là bắt người vô tội bằng hai bao cao su, bằng gán ghép trốn thuế, bằng điều 88 luật hình sự[4]
  • Vô nhân là đám dân phòng, cảnh sát, công an, an ninh bóp cổ, túm cẳng, lôi sềnh sệch, rồi quẳng đồng bào yêu nước biểu tình vào xe như đem heo về lò sát sinh.
  • Vô nhân là đám công an huyện Tân Yên, Bắc Ninh hành hung đánh chết anh Nguyễn Văn Khương chỉ vì lý do đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.
  • Vô nhân là Trung tá Nguyễn Văn Ninh và công anh phường Thịnh Liệt đánh trọng thương gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng[5] không cho gia đình thân nhân đưa cấp cứu dẫn đến tử vong.
  • Vô nhân là cướp đất người dân mất nhà, mất ruộng không nơi ở không phương tiện mưu sinh

Nếu nói Minh Hằng “vô liêm sỉ” thì thật là … sao nhỉ.

  • Vô liêm sỉ là điều 4 hiến pháp CHXHCN Việt Nam: độc tài, độc đảng, độc quyền.
  • Vô liêm sỉ là tự bầu, tự bổ nhiệm vai “đầy tớ”, làm “công bộc của dân”[6] tên Nguyễn Tấn Dũng.
  • Vô liêm sỉ là tay giám đốc công an t/p Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh mặt dầy đổi trắng thành đen[7] để  “chơi” đồng chí của họ.[8]
  • Vô liêm sỉ là thẩm phán và hội đồng xét xử của toà án bỏ túi (kangaroo court) đối với người yêu nước như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên, v.v…
  • Vô liêm sỉ là tự phong hàm áo thụng vái nhau, tự tiện cấp theo cơ chế tại chức và mua bằng “tiến sĩ” giấy.
  • Vô liêm sỉ là con đường hoạn lộ của CCCC như Nông Đức Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị[9] và vô số trong BCT, BCH TW ĐCSVN, cơ quan nhà nước.
  • Vô liêm sỉ là tên ma cô và kẻ mua bán dâm trẻ vị thành niên Chủ tịch Tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô và Hiệu trưởng Sầm Đức Xương.[10]

Phó thường dân tôi đã được cho đi ăn học chút chữ nghĩa, làm việc lương trung bình, sống đời trung lưu, tự/bị cho mình là “trí thức tỉnh lẻ”.  May là chúng tôi chưa được đọc “sấm” Hegel hoặc thấm nhuyền “tư tưởng đạo đức” Hồ Chí Minh nên tư duy theo thành phần giai cấp tạch-tạch-sè. Không ít trong giới chúng tôi đôi (nhiều) lúc muốn tỏ ra có cái nhìn tưởng như là khách quan trong lý luận và phán xét sự việc nhưng thực ra lại ẩn chứa một cái nhìn thiên vị nghiêng về quyền lực. Dĩ nhiên khi đó chúng ta quên mất cái tương quan quyền lực mà phang ngòi bút vô tội vạ đến những người nói năng “hạ cấp”. Ngược lại nếu một khi đã rời tháp ngà, dù chưa phải ở gầm cầu xó chợ, được chung đụng với người dân dã thì ta dễ có thể thông cảm và hiểu hơn những nỗi bức xúc với cuộc sống.  Lúc đã xem họ như mình thì chắc chẳng ai lại hạ bút “phán” những từ như vậy.

© 2011 Vietsoul:21

[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu – (8) Gió mưa là chuyện của trời … – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … – (12) Nhà em có nuôi một con két … – (13) Cái nhà là nhà của ta … – (14) Mèo – thỏ]


CHÚ THÍCH:

[9] Quét mãi lá đa, Dân Làm Báo