vietsoul21

Phó thường dân (9): vô liêm sỉ – man rợ

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/08/05 at 22:21

Vietsoul:21

Phó thường dân (9): vô liêm sỉ – man rợ

[tiếp theo kỳ trước: (1) Anh tám hồ hởi (2) Nôị-thực-dân (3) Sợ (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông (5) Con dân – con cá – cò mồi (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng (7) (Vô) Hậu  (8) Gió mưa là chuyện của trời … (10) Phế-anh-hùng  (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (15) phố vẫy (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ (17) Nín thở qua cầu]

People have to make do with what they have … there is a certain art of placing one’s blows, a pleasure in getting around the rules of constraining space.

(Người tacũng chỉ làm được với những gì họ có … đó là một nghệ thuật trả miếng, một cái hả hê khi vượt qua các luật lệcủa khoảng giới hạn bóp nghẹt.)

– Michel de Certeau

Những ngày chủ nhật tháng 6 và tháng 7 năm nay, hay đúng hơn là những tối thứ bẩy ở đây (cách xa Việt Nam gần nửa vòng trái đất), phó thường dân tôi vẫn hướng về đất nước mình, với hy vọng, với âu lo, và với phẫn nộ. Chúng tôi dí mắt vào máy tính xem tin tức cập nhật từ blog Anh Ba sàm, blog Nguyễn Xuân Diện và Dân Làm Báo.

Nỗi hân hoan phấn khởi nhìn những đoạn video và hình ảnh cuộc biểu tình vài tuần trước (24 tháng 7) như cơn nước vỡ bờ. Phó thường dân tôi cảm động vô cùng khi nhìn thấy cảnh các bác, các cô chú, các em thanh niên và cả các cháu bé đã có được một khoảng thời gian ngắn, một mảng không gian vừa đủ tự do biểu lộ quyền công dân và tình yêu nước sâu khẳm trong lòng.

Thế mới biết sự phẫn nộ và sức mạnh của đám đông. Và không ai có thể tước được quyền lực của chúng ta, ngoại trừ chúng ta. Ngay cả những người bị giam cầm, khoá tay, bịt miệng vẫn có sức mạnh và quyền lực của họ. Đó là quyền lực của lương tri Việt Nam đương đại mà Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Phạm Thanh Nghiên, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Anh Kim, LM Nguyễn Văn Lý v.v… đang gánh gồng với với bao oan khiên, khổ ải.

Tiếc thay, ngay sau những cuộc biểu tình đó lại có những lời phê phán “vô liêm sỉ” và “man rợ” [1] về lời lẽ dung tục và hành động phản kháng trong bức xúc của những người đi biểu tình bị bắt.[2]

Nghe đến “máu trên máu dưới trét vào mặt” thì cánh đàn ông chúng mình hãi thật. Vì sao? Vì mình là đàn ông mà dây phải thứ đó thì có mà “nhục”. Vì thuộc phái “yếu”mà đấng trượng phu mày râu nếu vấy vào thì có mà bị bêu xấu. Chung quy là vì mình đã được điều kiện hoá xem đấy là dơ bẩn, xấu xa.

Không biết cánh phụ nữ thì nghĩ gì nhưng tớ đoán là các bà nghe cũng chối đấy (vì cũng bị điều kiện hóa) nhưng chắc chắn không hãi tiệt như chúng mình. Vì sao? Vì máu đó là một phần thân thể của họ. Họ có thể che, dấu nhưng không thể dứt bỏ được. Máu kinh nguyệt là một đặc ân để các phụ nữ – bà và mẹ của mình – có thể cưu mang ra các đấng mày râu chứ chẳng phải đùa đâu.

Ngược lại, giới mày râu chúng ta cứ thì văng tục “đ.m.” vô tư, thoải mái theo quán tính và hệ thống. Tại sao?

Này, tớ phải thú thật với các cậu cánh đàn ông chúng mình nhé. Ví dụ nếu một tên “lạ” độc ác nào đó kê súng vào màng tang của tớ và bảo phải lựa chọn giữa một trong hai hoặc phải “đ.m.” hoặc “máu trên máu dưới trét vào mặt” thì tớ hai tay xin chọn giải pháp sau. Chẳng phải “đ.m.” là đáng ghê tởm hơn “máu dưới” sao? “đ.m.” hàm chứa bạo hành hãm hiếp và sỉ nhục đến giới phụ nữ tước đoạt phẩm chất con người không những của người mẹ mà còn cả dòng tộc, con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thế nhưng trong xã hội phụ hệ thì từ “đ.m.” đã được bình thường hoá như là một tiếng đệm, một tiếng của quyền lực. Và ngược lại “máu dưới” là dơ bẩn, xấu xa.

Phó thường dân đã từng được nghe có cậu nói rằng khi nào hăng “máu” lên văng “đ.m.” liên tục thì thấy “đã”, “sướng” (tự sướng đấy nhé!). Tương tự đó là “con c..” đối nghịch với “cái l..”. “Con c..” thường được dùng trong ngữ cảnh quyền lực còn “cái l..” thì lại trong ngữ cảnh dơ bẩn, xấu xa, ô nhục. Mà cường độ hoá cái xấu hơn nữa là “cái l.. què”.

Ngôn ngữ luôn hàm chứa quyền lực: cá nhân, giới tính, phe nhóm, giai cấp, và nhà nước. Ví dụ như từ “man rợ” chẳng hạn. Không biết từ “man rợ” được dùng từ lúc nào nhưng vì phó thường dân tôi chữ nghĩa không đầy cái lá mít nên xin nhường cho các nhà ngôn ngữ học truy tầm. Từ “man rợ” mang đầy quyền lực của đại Hán Trung Quốc đối với giống “man di” ở phương Nam, của thực dân đối với người thuộc địa, và ngay cả của người Kinh đối với người Thượng, người dân tộc miền núi sâu xa.

Khi nhìn và phán đoán các hành động và sự kiện chúng ta cũng cần để ý đến tương quan quyền lực. Giữa những cá nhân với nhau (chưa hẳn là quyền lực bằng nhau vì khác biệt giai cấp, giới tính, tính đại diện) thì những từ dung tục được xem là hạ cấp (theo giới có học). Còn giữa cá nhân đối với nhóm/tập thể quyền lực thì lại là vấn đề khác.

Khi một bà răng đen, váy đụp dùng “đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm” đối lại với ông hia mão “miệng nhà quan có gang có thép” thì đó là một phản kháng vô cùng thâm thúy. Ai cũng tán thưởng chứ nào có ai nói là bà ấy “man rợ”. Cũng như thế, một Minh Hằng (cá nhân, nữ) đem cái “máu trên máu dưới trét vào mặt” đó để đối lại với băng đỏ của đám dân phòng (nhà nước, nam) rất là thích đáng vì các hành động trấn áp độc ác, vô nhân (tránh dùng từ man rợ) của họ. Một bên là cá nhân xử dụng vũ khí duy nhất (một phần thân thể) của mình để kháng cự lại tập đoàn quyền lực với dùi cui, roi điện, bình xịt cay, vòi rồng, còng sắt, súng ngắn, súng dài. Đối tượng Minh Hằng chửi rủa không phải riêng một cá nhân nào nhưng là những tên đại diện cho guồng máy quyền lực độc tài vô nhân đàn áp đồng bào.

  • Vô nhân (man rợ) là Đại úy công an Phạm Hải Minh thô bạo đạp lên mặt anh Nguyễn Chí Đức[3] biểu tình chống bá quyền Trung Quốc xâm lấn biển Đông.
  • Vô nhân là bắt người vô tội bằng hai bao cao su, bằng gán ghép trốn thuế, bằng điều 88 luật hình sự[4]
  • Vô nhân là đám dân phòng, cảnh sát, công an, an ninh bóp cổ, túm cẳng, lôi sềnh sệch, rồi quẳng đồng bào yêu nước biểu tình vào xe như đem heo về lò sát sinh.
  • Vô nhân là đám công an huyện Tân Yên, Bắc Ninh hành hung đánh chết anh Nguyễn Văn Khương chỉ vì lý do đi xe máy không đội mũ bảo hiểm.
  • Vô nhân là Trung tá Nguyễn Văn Ninh và công anh phường Thịnh Liệt đánh trọng thương gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng[5] không cho gia đình thân nhân đưa cấp cứu dẫn đến tử vong.
  • Vô nhân là cướp đất người dân mất nhà, mất ruộng không nơi ở không phương tiện mưu sinh

Nếu nói Minh Hằng “vô liêm sỉ” thì thật là … sao nhỉ.

  • Vô liêm sỉ là điều 4 hiến pháp CHXHCN Việt Nam: độc tài, độc đảng, độc quyền.
  • Vô liêm sỉ là tự bầu, tự bổ nhiệm vai “đầy tớ”, làm “công bộc của dân”[6] tên Nguyễn Tấn Dũng.
  • Vô liêm sỉ là tay giám đốc công an t/p Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh mặt dầy đổi trắng thành đen[7] để  “chơi” đồng chí của họ.[8]
  • Vô liêm sỉ là thẩm phán và hội đồng xét xử của toà án bỏ túi (kangaroo court) đối với người yêu nước như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên, v.v…
  • Vô liêm sỉ là tự phong hàm áo thụng vái nhau, tự tiện cấp theo cơ chế tại chức và mua bằng “tiến sĩ” giấy.
  • Vô liêm sỉ là con đường hoạn lộ của CCCC như Nông Đức Tuấn, Nguyễn Thanh Nghị[9] và vô số trong BCT, BCH TW ĐCSVN, cơ quan nhà nước.
  • Vô liêm sỉ là tên ma cô và kẻ mua bán dâm trẻ vị thành niên Chủ tịch Tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô và Hiệu trưởng Sầm Đức Xương.[10]

Phó thường dân tôi đã được cho đi ăn học chút chữ nghĩa, làm việc lương trung bình, sống đời trung lưu, tự/bị cho mình là “trí thức tỉnh lẻ”.  May là chúng tôi chưa được đọc “sấm” Hegel hoặc thấm nhuyền “tư tưởng đạo đức” Hồ Chí Minh nên tư duy theo thành phần giai cấp tạch-tạch-sè. Không ít trong giới chúng tôi đôi (nhiều) lúc muốn tỏ ra có cái nhìn tưởng như là khách quan trong lý luận và phán xét sự việc nhưng thực ra lại ẩn chứa một cái nhìn thiên vị nghiêng về quyền lực. Dĩ nhiên khi đó chúng ta quên mất cái tương quan quyền lực mà phang ngòi bút vô tội vạ đến những người nói năng “hạ cấp”. Ngược lại nếu một khi đã rời tháp ngà, dù chưa phải ở gầm cầu xó chợ, được chung đụng với người dân dã thì ta dễ có thể thông cảm và hiểu hơn những nỗi bức xúc với cuộc sống.  Lúc đã xem họ như mình thì chắc chẳng ai lại hạ bút “phán” những từ như vậy.

© 2011 Vietsoul:21

[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu – (8) Gió mưa là chuyện của trời … – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … – (12) Nhà em có nuôi một con két … – (13) Cái nhà là nhà của ta … – (14) Mèo – thỏ]


CHÚ THÍCH:

[9] Quét mãi lá đa, Dân Làm Báo

  1. Đính chính: Hiệu trưởng Sầm Đức Xương, Chủ Tịch Nguyễn Trường Tô

Bình luận về bài viết này