vietsoul21

Tiếng Trống Mê Linh

In Cộng Đồng, LittleSaigon - Seattle on 2008/06/01 at 16:59

Tiếng Trống Mê Linh (vang vọng từ Seattle)

Càn Di

Bầu (a…) trời Nam u tối,
Quân (a…) thù gieo bạo tàn…

Tiếng hát vừa đau buồn, vừa cương quyết của Trưng Trắc trước giờ ra quân bên dòng sông Hát qua giọng trầm ấm của chị Nguyệt trong không khí trang nghiêm và oai hùng. Phía trước bàn thờ tế sống là hồn thiêng Thi Sách vọng lời thúc dục Trưng Trắc nỗi trống phát quân, với giọng hát của chú Đường, một nghệ sĩ cao niên nhưng giọng khoẻ tràn đầy sức sống. Góp mặt trong ban cải lương tài tử là cây đàn Tranh của Chị Tuyết, đàn Lục Huyền Cầm của anh Hùng, và dàn trống dân tộc của chú Văn Thịnh. Một ban cải lương tài tử tự phát thật là hiếm có trong cộng đồng người Việt tha hương.

Nhưng cái độc nhất vô nhị chắc phải là hình ảnh Trưng Nhị và quân lính, không phải là người Việt mà thuộc các sắc dân khác: Thổ-Nhĩ-Kỳ, Phi, và Mỹ. Họ hợp nhau tham gia lần đầu tiên trình diễn trích đoạn tuồng cải lương Tiếng Trống Mê Linh tại chánh điện chùa Vạn Hạnh, Seattle, Hoa-kỳ vào ngày 23 tháng 4 năm 2008. Tất cả–từ người nghệ sĩ Việt sống tản mác đến thanh niên thiếu nữ sinh ra lớn lên ở Hoa Kỳ–dù tuổi tác cách xa, công việc đa dạng, gốc rễ khác biệt đã bỏ thời giờ, sức lực ngồi lại với nhau góp tiếng nói mình bằng câu hát, tiếng đàn trong nỗ lực tìm kiếm với sự giúp đỡ, phụ giúp từ nhiều cá nhân mà cô Quỳnh-Trâm đã tìm cách bắc nhịp cầu kết nối.

Hai bà Trưng và Thi Sách

Hai bà Trưng và Thi Sách

Sau đó gần một tháng nhân dịp lễ Phật Đản cũng tại chùa Vạn Hạnh, nhóm cải lương tài tử này được mời diễn lại trích đoạn Tiếng Trống Mê Linh với sự tham gia lần này của các thiếu niên gia đình Phật tử. Trong dịp này màn mở đầu thêm phần đặc sắc là 20 câu Đáo Ngũ Cung qua tiếng hát trong sáng của chị Mỹ Tiên, giới thiệu tiểu sử và công lao hai Bà trong quá trình dựng nước và giữ nước. Màn cải lương được người tham dự, đặc biệt là nhiều cụ già và giới trung niên vỗ tay khen thưởng, và cũng có nhiều người không cầm được nước mắt.

Em Diệu Trâm đã thật nhập vai Trưng Nhị sau khi được hướng dẫn kỹ lần đầu tiên về vai trò nhân vật của mình. Chỉ mới một tuần trước đó các sinh viên trường UW được học căn bản nghệ thuật trống dân tộc do chú Văn Thịnh giảng dạy, rồi được chị Nguyệt chỉ vẻ học hát, điệu bộ của trích đoạn tuồng cải lương. Mặc dù không biết tiếng Việt nhưng khi tập diễn điệu bộ các sinh viên đã cảm nhận được sự thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cùng lúc, hơn mười em trai gái trong gia đình Phật tử được quan sát, tập dợt điệu bộ cũng như học hỏi về bối cảnh lịch sử chuẩn bị cho buổi diễn.

Tiếng Trống Mê Linh đã trổi lên để gióng tiếng bảo tồn một nghệ thuật truyền thống đang ngày càng mai một, chèn ép bởi âm nhạc nghệ thuật đương đại Tây phương. Những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghiệp dư, và tài tử của nghệ thuật truyền thống đã bị đẩy lùi vào bóng tối, không sân khấu trình diễn, không phương tiện học hỏi, trao đổi, trau dồi, và mưu sinh tồn tại. Họ hát cho nhau, rút ruột, đứt lòng. Hát để trái tim còn đập, máu đỏ còn chảy, nước mắt mặn mà, để vượt qua đoạn trường người di dân, tị nạn.

Trình diễn trích đoạn Tiếng Trống Mê Linh tại chùa Vạn Hạnh

Tiếng Trống Mê Linh lại được trổi lên trong giai đoạn lịch sử hiện tại khi Trung Quốc đang có thái độ và hành động quân sự, hành chánh, và chính trị để chiếm cứ Hoàng Sa, Trường Sa. Người dân trong nước có muốn biểu tình phản đối cũng không được. Chỉ người Việt ở hải ngoại mới có môi trường tự do để bày tỏ tấm lòng yêu nước, bất khuất. Họ hát, họ xem để nhắc nhở cho nhau truyền thống dũng cảm chống áp bức, đô hộ, để dạy dỗ con cháu lịch sử oai hùng.

Tiếng Trống Mê Linh cũng trổi lên để biểu dương tiếng nói của một sắc dân thiểu số tại các quốc gia Âu hay Mỹ. Dòng sinh hoạt chính mạch chảy chủ động trong khi các phụ lưu phần thì phải tản mác, phần thì bị cô lập tù đọng không sức sống. Những người Việt di dân, tị nạn sinh hoạt trong dòng phụ lưu thì thường bị ép đẩy không sức thoát. Hiện tượng này không chỉ là hiện tượng văn hóa. Hiện nay những khu gia cư nghèo co cụm bị giải toả theo kế hoạch làm “đẹp, giàu” thành phố thiết kế thích hợp cho giới thượng lưu trung lưu. Người yếu thế không tiếng nói lại phải xách gói ra đi, mở toang vết thương ly biệt, như đã từng bỏ quê hương đất tổ ra đi, không được lựa chọn nào khác.

Những nghệ sĩ đã nổi trống Mê Linh như thể cộng đồng Việt đang mong mỏi họp quần gây sức mạnh, gióng tiếng tới chính quyền địa phương muốn ý kiến họ được lãnh nhận. Đây là tiếng nói dân tình, phản kháng lại thế lực đồng tiền của các nhà phát triển địa ốc đang tiếp tục áp đặt công trình xây cất bất lợi cho thường dân nghèo và tiểu thương. Đây là tiếng nói dân tình phản kháng các tiềm lực muốn tiêu hủy đặc thù màu sắc của cộng đồng, các tiềm lực mang tính đe doạ thoái hoá nhằm gián tiếp xoá dấu tên Little Saigon trên bản đồ thành phố.

Một nhóm nhỏ anh chị em đang khởi đầu tích cực hoạt động với tiên chỉ làm nhịp cầu để liên kết và xây dựng tiềm năng cho cộng đồng người Việt hầu có tiếng nói lớn mạnh bảo vệ quyền lợi chung. Họ đang tìm cách xử dụng đúng lúc, đúng chổ một số mô thức phát triển cộng đồng, đem ra áp dụng khéo léo cho phù hợp với văn hoá Việt Nam và bối cảnh địa phương. Đối với họ nối kết giữa các thế hệ hiện rất cần thiết giữa các tầng lớp, giữa dòng chính và phụ lưu, giữa lý thuyết và thực hành. Nối kết để có thể tạo ra một lực sáng tạo mới xây dựng cộng đồng phồn thịnh, bảo tồn văn hoá, và hỗ trợ lẫn nhau.

TTML17

Trưng Trắc và binh lính trong ngày lễ ra quân

Nền tảng mô thức này mang tính chất liên kết cẩn tín, đồng tham gia, thanh bạch, và tương cầu. Nhằm tránh đi vào vết bánh xe đổ đã xảy ra trong địa phương và các nơi khác, những người hoạt động này không tham lấn vào các tổ chức, nắm giữ chức vụ, địa vị hoặc cầm cán, lèo lái, nhân danh trục lợi. Họ chỉ muốn làm nhịp cầu, làm chất keo để nối kết lại những mối giây liên hệ bị đứt đoạn, để khâu lại vết thương do hoàn cảnh lịch sử. Và vì thế họ sắp có một buổi diễn trong một hình thức đặc biệt, khác hẳn cách tổ chức trong cộng đồng thường nhật từ trước đến nay ở tiểu bang Washington.

Trưng Trắc làm lễ tế chồng (Thi Sách) trước giờ xuất quân đánh giặc Tàu

Trưng Trắc làm lễ tế chồng (Thi Sách) trước giờ xuất quân đánh giặc Tàu

Buổi trình diễn văn nghệ ngoài trời này sẽ được tổ chức giữa phố chợ Little Saigon tại Asian Plaza vào ngày 13 tháng 6. Đây là buổi diễn như lời trống Bà Trưng đã gióng lên, kêu gọi mọi người đến với nhau, gióng tiếng nói đến chính quyền thành phố Seattle và cộng đồng dòng sinh hoạt chính. Họ hơp trong tiếng trống loan tin rằng người Việt hải ngoại là một tập thể sinh động đa dạng với văn hoá đặc thù và là một thực thể chính trị cần được lắng nghe và tôn trọng. Các kế hoạch phát triển đô thị và cộng đồng liên quan đến khu phố Little Saigon, hoặc khu gia cư có người Việt ở cần phải góp nhặt và lãnh nhận ý kiến để đáp ứng được những nhu cầu chuyên biệt của người Việt. Mỗi một người là một tiếng trống và tiếng trống dồn dập, liên hoàn của làn sóng người trong buổi văn nghệ này là tiếng gọi dấn thân sinh hoạt công dân, dân chủ, tự do.

Tiếng Trống Mê Linh

Tiếng Trống Mê Linh trong đêm Sân Khấu Ngoài Trời, 13/6/2008, tại Asian Plaza trong khu Little Saigon đường Jackson.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: