vietsoul21

Hồn ma và xương khô

In Cộng Đồng on 2009/06/08 at 05:22

Ghi chú:  Bài viết này đã được gởi đến cuộc hội thoại trên mạng toàn cầu mà tạp chí Da Màu đã kêu gọi. Như một số quý vị vẫn còn nhớ, cuộc triển lãm “F.O.B. II: Art Speaks / F.O.B. II: Nghệ Thuật Lên Tiếng” của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã gây ra các tranh cãi cộng với nhiều cuộc biểu tình nên đành đóng cửa sớm trước cuối tuần ngày 17 tháng giêng năm 2009 tại thành phố Santa Ana (quận Cam, tiểu bang California). Sau đó vào ngày 30/1/2009 thì tạp chí Da Màu đã chính thức công bố mở cuộc hội thoại trên mạng. Vì thế, chúng tôi đã tham gia bằng bài viết dưới đây qua lăng kính của chủng tộc, giai cấp, đặc ân, sự ngăn cách giữa các thế hệ, đàn áp, và ký ức kỷ niệm.

Voiceless_Arundhati Roy

“người chết ám ảnh kẻ sống…”
Michel de Certeau

Vi Nhân

Các cuộc biểu tình gần đây chống đối triển lãm FOB II dưới sự bảo trợ của hội VALAA đã ào vượt quá tầm mục định có sẵn trước của ban tổ chức. Từ những gì tôi có thể thấy được, vấn đề này liên hệ đến hiện tượng khác biệt về quyền lực và tranh giành quyền lực giữa những người bị thương với nhóm có quyền-lực-đương-thời cùng các biểu trưng bày biện (dù thực chất hay được cảm nhận) của họ. Quan trọng hơn nữa thì đây là một cuộc đấu tranh nơi chốn công cộng. Khoảng không gian chung họ cùng chia xẻ trước đây giờ đã bị tước đoạt, và họ bị tống đẩy ra khỏi đất mẹ. Bây giờ họ đã tạo dựng được một không gian công cộng (Tiểu Sài Gòn và những tên khác) cho riêng mình nên đối thủ (xin nhắc lại là thực chất hay được cảm nhận) phải chấp nhận sự hiện hữu và sở hữu của họ.

Có nhiều ý kiến đưa ra nhận xét về nhóm biểu tình phản đối này. Nhưng khi vội kết luận rằng “… những người phản đối giận dữ không có thiện ý và không có khả năng đối thoại” thì đã trở thành dễ dãi, buông tuồng vì nói như thế là hoàn toàn trật điểm. Những nhóm biểu tình phản đối không quan tâm đến nghệ thuật. Họ cũng chẳng mong có đối thoại với VALAA. Mục đích và động cơ thuần túy của họ như đã từng xảy ra trong những cuộc biểu tình trước đây và sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai thì vẫn là về chính trị. Thật ra cuộc đối thoại nào cũng có mục đích, ước tính nào đó và thành phần riêng sẽ được mời tham gia. Trong trường hợp này thì người được mời tham dự không đồng thuận với chương trình nghị sự cũng như không ưng các biểu trưng triển lãm nên họ mới biểu tình và tẩy chay. Mục đích của các nhóm biểu tình dựa trên suy nghĩ rằng đối thoại giữa những người Việt hải ngoại (Mỹ gốc Việt) thì chẳng thể thúc đẩy cho các thay đổi ở Việt Nam, không giải quyết được gì cho những vết thương cũ, và cũng không mang lại tiến triển nào trên lãnh vực chính trị xuyên quốc gia. Nếu nhóm có quyền-lực-đương-thời thật sự muốn đối thoại thì chính họ phải sẵn lòng rũ bỏ quyền lực của mình để cùng ngồi lại với nhau.

Những người phản kháng muốn kẻ quyền-lực-đương-thời nhận thấy hồn ma vất vưởng trong phòng và xương khô ở xó tủ. [Hồn ma vất vưởng là độc tài và áp bức. Xương khô chôn dấu là bao nhiêu tội ác đã xảy ra trước, trong, và sau khi cuộc chiến tương tàn: từ ám sát thủ tiêu đảng phái chính trị đến chém giết dân lành tập thể, từ đấu tố cải cách ruộng đất đến tù đày học tập cải tạo]. Muốn có kết quả tích cực và khúc mắc không còn nút tắc thì phải trực diện nhìn nhận. Còn không thì chỉ tạo thêm ảo tưởng cho các đối thoại và hoà giải.

Người ta thường xướng đám đông thầm lặng là ở về phía mình. Vậy thì trong bối cảnh của cộng đồng người Việt, đám đông thầm lặng nào được ám chỉ? Họ là ai? Là những người trung lưu, thượng lưu, giới tri thức, dân chuyên gia, người chịu hội nhập văn hoá, hay đã bị đồng hóa. Đa số (gần như là tất cả) bạn bè tôi đều thuộc nhóm ám chỉ đó, kể cả tôi nữa. Nhưng chắc chắn về con số thì chúng ta không phải là đa số. Còn có những “người khác” thì bị coi là vô hình nằm ngoài rìa, và không được đếm xỉa. Những người ngoài rìa này chẳng bao giờ được đếm đong là đa số bởi vì có ai thấy họ đâu, và bất kể số họ thật ra là bao nhiêu. Còn đám đông thầm lặng được ám chỉ trên thì đã chọn không lên tiếng rồi tự cảm thấy không thể chấp nhận được vì thể chừng như bị bịt miệng bởi thiểu số ngoài rìa to tiếng. Nhưng thực ra, không phải là “không chịu nổi” như họ nghĩ. Cái khó chịu không chấp nhận được ấy là căn bệnh trò tuồng giới thời thượng (giới “sành điệu”). Còn sự im lặng đó thật ra rất đỗi dễ chịu tựa như sự vuốt ve của dối trá—nỗi khuây khỏa trong tự lừa dối—để được nằm giữa đàn bầy an toàn và cho đám ngoài rìa lãnh đủ.

Thật ra cái im lặng đó không những là họ có thể chịu được mà còn dùng cho biện minh nữa. Im lặng là phương thức tối ưu vì nếu không thì họ chẳng lợi lộc gì mà có khi còn lâm nguy mất mát nữa. Khi im tiếng với đa số thầm lặng thì họ lại càng có thế thượng phong để tiện đánh giá các cuộc biểu tình phản đối là “phản động”, “vô lý”, “không dân chủ”, “thiếu văn minh” cũng như cho những người biểu tình là cuồng tín, cực đoan. Các kẻ chống đối thì bị xem là người thua cuộc và kẻ phá rối, là vật cản trở cho một bối cảnh cần “bình thường hóa”, là người khách không mời mà đến trong cuộc đối thoại giữa những người tự ban phép. Họ thật ra không được xem như những người tham gia, quá lắm chỉ là người đi thưởng ngoạn. Vì thế đám đông thầm lặng được ám chỉ trên được coi là thành phần hỗ trợ cho đối thoại ôn hoà và giữ chân tham gia đàm luận. Trong sự ngây thơ cụ “đám đông thầm lặng” được ám chỉ trên này quên đi kẻ không ai muốn thấy—những người không phương tiện hoặc ngôn ngữ để có thể lên tiếng. Ai được ấn định chương trình, ai đặt dựng câu hỏi? Ai định đoạt thế nào và làm gì để tham gia? Ai lên tiếng? Tại sao kẻ không ai muốn thấy cần phải ứng xử “ôn hoà” và “trật tự” trong khi phản đối? Giới trí thức “cấp tiến” một thời ngồi ì, xuống đường, đốt cờ, chặn đường, bôi phá tài sản công cộng thì ca cẩm hành động mình là “quyền công dân bất tuân thủ” nay lại gán cho các cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại ở ngoài rìa này là “cực đoan” và “man rợ”!?

Đã có những hồn ma (báo gở trong vô hình) từng ám nhập đồ vật, biểu tượng, không gian, và nơi chốn. Lá cờ đỏ sao vàng và tượng hình Hồ Chí Minh là những vật bị ám. Chúng hiện hình lên gợi khêu kinh hoàng ma quái đầy chết chóc và đau thương. Chúng linh hơn cả chữ thập ngoặc—cái biểu tượng của đảng phát xít Nazi là một chế độ đã tàn từ lâu—vì lá cờ đỏ sao vàng biểu tượng cho bao nhiêu đau thương, nhục nhằn, và áp bức triền miên không chỉ từ trước mà vẫn tồn tại cho đến nay và còn về sau nữa. Cho dù biểu tượng này được biến dạng, trá hình thành vật dụng giáo dục, thông tin, nghệ thuật, hoặc món hàng thương mại, chúng vẫn nguyên là vật bị ám. Người biểu tình kinh hoàng la hét khi thấy những hồn ma ám ảnh mà kẻ khác lại muốn che mắt bỏ qua. Người che mắt coi thường những hồn ma ám ảnh này bằng cách quên đi, loại bỏ, và định khung chúng một cách khôn khéo. Ngược lại, những người chống đối thì muốn moi xương khô trong xó tủ, chôn dấu bao nhiêu năm không được nhìn nhận để đưa ra ánh sáng.

Người ta thường rủa cô hồn vì chúng quấy nhiễu, ám báo nơi ở và đòi cúng ăn (trong cả hai khía cạnh hình tượng và thực tế hóa). Ở bên nước nhà đám cô hồn đệ tử là băng đảng, thường bị hất cẳng bởi cô hồn sư phụ là công an địa phương, cảnh sát giao thông, cảnh sát đặc nhiệm. Dân chúng lo hối lộ đám cô hồn này để chúng khỏi quấy phá. Người ta thường tránh né cô hồn bằng mọi giá để mà sống nhưng thật ra họ chủ yếu muốn hoá kiếp chúng đi. Khi cô hồn muốn ám cho dù có thay đổi dung diện, trá hình khéo léo cách nào đi nữa cô hồn vẫn tạo cho người cái cảm giác rùng rợn đầy rủi ro cũng như gây sợ hãi và ghê tởm. Những hồn ma bóng quế giờ đang trá hình trong “đổi mới”, “tiến bộ” khi chào hàng với kẻ mang tham vọng toàn cầu. Còn ai khác ngoại trừ những nhóm có quyền thế, nhiều người tự xưng là “cấp tiến”.

Người ta có thể rất cấp tiến trong môi trường sinh hoạt dòng chính nhưng lại trở thành cấp bóc lột và tân thực dân ở quốc gia thứ ba xa vời — hai bản sắc chính trị này không thể loại trừ lẫn nhau được. Nhiều người xem như vô tình (hay vốn dĩ đã có kế hoạch) tiếp tay khích ký các khế ước máu, giúp cho vốn tư bản đỏ được trộn lẫn thuận lợi với vốn tư bản hải ngoại để tẩy rửa dấu máu. Tiền cũ, tiền mới. Kẻ với đặc quyền cũ, kẻ với đặc quyền mới. Giờ máu mủ giòng giống cũng đang hoà trộn để tạo ra hỗn chất hoá dịch giúp quyền lực và đặc ân họ được trường cữu. Chẳng ai cần nhìn đâu xa. Ái nữ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa mới kết hôn với con trai cưng của cựu phó bộ trưởng thời Việt Nam Cộng Hoà. Hoa kỳ, vùng đất cơ hội giờ không còn dịp để làm giàu nhanh chóng nữa trong khi đất mẹ tổ tiên thì đang hiến miếng đất màu mỡ của mình cho Việt kiều hồi hương khai thác. Cứ thế họ núp dưới tấm bình phông mời gọi mọi người chạnh lòng về xây dựng lại đất nước.

Người Mỹ gốc Việt với nhiều ân quyền thì có ưu thế về mặt ngôn ngữ, truyền thông, an sinh, và mớ vốn đã tích lũy để phát biểu tư tưởng và cảm xúc, mặc dù chỉ là trong phạm trù hạn hẹp của cộng đồng bản sắc thiểu số. Hơn thế, họ đặt chương trình, định khung thảo luận, phát biểu trên danh nghĩa người khác trong khi người bị-thương thì phản ứng dựa cảm tính qua nhiều kinh nghiệm hằng tải. Tôi e rằng những người mà không ai muốn thấy này (cho dù không phải là thể dạng hư hư thực thực hay tưởng tượng) cũng đâu có tiếng nói trong diễn đàn dẫu có chủ trương là “mở” ở chốn công này. Vậy thì Ai lên tiếng đây?

Tạp Chí Da Màu

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: