vietsoul21

Posts Tagged ‘Việt kiều’

Tưởng Năng Tiến – Hát Xẩm

In Cộng Đồng, Việt Nam on 2014/08/14 at 18:08

Lấy cớ rằm tháng Tám – Tết Trung Thu – tôi hú cả đống bạn bè tụ lại, uống sương sương vài chai, cho nó đỡ buồn chút đỉnh. Sau khi cạn vài ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, dù tất cả đã bước vào tuổi năm muơi, chúng tôi đều “ngỡ như còn thơ.”

Cả đám đồng ca bài “Thằng Cuội,” bản nhạc mà có lẽ đứa bé nào sinh trưởng ở miền Nam – vào thập niên 1950 – cũng thuộc. Bài đồng dao này được nhạc sĩ Lê Thương viết bằng những lời lẽ rất tân kỳ, dù nền tân nhạc Việt Nam – vào thời điểm đó – còn ở giai đoạn phôi thai.

 

Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ… Nguồn: ttvnol.com

Hát Bộ, hát Chèo, hát Cô Đầu, hát Cải Lương, hát Hồ Quảng… để kiếm sống ra sao thì tôi không biết. Chớ còn hát xẩm thì dù có được (cho) tiền, vẫn nghèo xơ xác.“Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ …”

“Lặng nghe trăng gió hỏi nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…”
“Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…”

Thuở bé, thỉnh thoảng, tôi cũng nhìn thấy những người hát xẩm. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ Đà Lạt, vào lúc chợ đông, gẩy những tiếng đàn buồn bã, và hát những bài ca u uất, giữa sự hờ hững của “ông đi qua bà đi lại.”

Đó là chuyện hát xẩm ở miền Nam, trong trí nhớ non nớt của tôi, khi đất nước đã hoàn toàn chia cắt. Ở miền Bắc, sinh hoạt của một số những người hát xẩm – có lúc – hoàn toàn khác hẳn:

“…khi hoà bình mới lập lại 1954, ông (nhà văn Thanh Tịnh) được giao phụ trách một đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về hướng Bùi Chu – Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát dân gian để động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ di cư của kẻ địch mà hãy ở lại với quê hương. Không biết ai đã có sáng kiến đặt Thanh Tịnh vào việc ấy? Song quả thực, đấy là một trong những lần, tài năng của Thanh Tịnh được sử dụng một cách đắc địa (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người — Saigon: Phuong Nam Corp, 2002 — 174).

Tác giả đoạn văn vừa dẫn (tiếc thay) không viết thêm một chữ nào về chuyện “quả thực” này, để người đọc có dịp biết thêm, xem “tài năng” của Thanh Tịnh đã được “sử dụng một cách đắc địa” ra sao – trong việc “động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ của kẻ địch di cư” vào Nam. Nhưng vẫn cứ theo như lời của Vương Trí Nhàn thì cuộc sống của những kẻ ở lại – như Thanh Tịnh – cũng (vô cùng) buồn bã:

“Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu muơi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, duới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn (sđd , 181).

Cỡ như Thanh Tịnh (một nhà văn tăm tiếng, biên tập viên của tạp chí Văn Nghệ, sĩ quan cao cấp của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Anh Hùng) mà còn “đăm chiêu” và “đờ đẫn” như thế thì toàn dân đã sống (dở, chết dở) ra sao – bên kia vĩ tuyến – là chuyện mà ai cũng có thể thấy được, trừ những người đui.

Còn hàng triệu người bỏ đi thì hậu vận cũng không sang sủa gì hơn. Họ bị bắt lại, trọn đám, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng! Từ đây, “Nam / Bắc hoà lời ca.” Một bản trường ca hơi khó hát nên rất nhiều triệu người đã liều mạng đâm xầm ra biển, hay ù té bỏ chạy thục mạng qua biên giới xứ người.

Họ là những kẻ thuộc thành phần “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” – theo như nguyên văn lời giải thích của Chính Quyền Cách Mạng, với dư luận thế giới bên ngoài, và với lũ cột đèn (còn) ở lại.

Không hiểu những người ra đi như thế đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao – nơi đất lạ quê người – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ gửi về cố hương đã cứu sống toàn dân, cũng như toàn Đảng, khi cả nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn và đói kém.

Từ đó, Nhà Nước đổi mới tư duy, và (cùng lúc) bắt đầu… đổi giọng. Theo như ngôn ngữ đương đại thì những kẻ phản bội tổ quốc đều đã trở thành “khúc ruột xa ngàn dặm”, và là “một thành phần không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc.” Nghị Quyết số 36-NQ/TƯ, về “Công Tác Ðối Với Người VN Ở Nuớc Ngoài”, đã ra đời (hơi muộn) vào ngày 26 tháng 3 năm 2004 – dựa trên cơ sở đó.

Đây là công tác quan trọng, được đảm trách bởi Bộ Ngoại Giao, do một vị Thứ Trưởng đứng đầu. Ngoài những ban ngành phụ thuộc, mỗi thành phố lớn đều có (thêm) một vị Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài- chuyên trách về khu vực của mình.

Nếu bỏ những chức danh như Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài… qua một bên – cho nó đỡ rườm rà – và nói trắng phớ ra thì đây chỉ là một đoàn hát xẩm tân thời, chấm hết. Vấn đề chỉ khác ở chỗ là bây giờ (ta) không động viên đồng bào ở lại với Đảng và Nhà Nước nữa (vì chúng đã đi hết rồi) mà chỉ kêu gọi họ đừng đi luôn, tiếc lắm, thế thôi!

Sau đây là báo cáo của Viện sĩ Nguyễn Chơn Trung, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài Tại Thành Phố H.C.M:

Nguyễn Chơn Trung – Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM (Nguồn: nguoivienxu. vietnamnet. vn)

Không biết cái viện (thổ tả) nào đã sản xuất ra cái loại viện sĩ, như Nguyễn Chơn Trung. Ông ấy thường hay nói chữ, và nói (rất) ngu. Mấy tỉ Mỹ Kim tiền tươi (đổ về ồ ạt hàng năm) mà thằng chả kêu bằng “tiềm năng” và “tiềm lực,” Giời Đất ạ!“Năm 2004 cả nước có khoảng 3,3 tỷ USD kiều hối, riêng TP.HCM đạt 1,8 USD… đó chỉ mới thống kê theo đường “chính ngạch” qua ngân hàng, chưa kể kiều hối về nước bằng những con đường khác nữa. Tiềm năng của Việt kiều rất lớn. Nếu tính xuất khẩu dầu lửa, xuất khẩu gạo của Việt Nam, cả năm phải dùng nguồn lực của toàn dân mới đạt gần 2 tỷ dolar. Trong khi đó, với số lượng kiều hối đổ về quê hương, chúng ta có được 3,3 tỷ dollar. Tiềm lực này nếu bị bỏ quên là điều đáng tiếc”

Thứ Trưởng Nguyễn Phú Bình, Chủ Nhiệm Ủy Ban Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài – có vẻ – đỡ dốt hơn thuộc cấp, khi bàn về “tiềm năng và tiềm lực”của cộng đồng nguời Việt tị nạn:

“Trong số gần 3 triệu người Việt Nam sinh sống định cư ở nước ngoài, uớc tính có khoảng 300.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có kiến thức cập nhật về văn hóa, khoa học và công nghệ, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế… Từ trước đến nay, đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”

Ông Nguyễn Phú Bình vốn bị mang tiếng là chỉ biết ăn, chứ không biết nói. Đoạn văn vừa dẫn có thể dùng để biện minh rằng (lâu nay) ông ấy chỉ bị tiếng oan. Nói tình ngay, cả ăn lẫn nói ông Bình đều khá. Chỉ có làm việc là… như cứt!

Không hiểu sau 1954, những đoàn hát xẩm ở miền Bắc đã lôi kéo được bao nhiêu người ở lại với Đảng và Nhà Nước? Chớ còn bây giờ thì con số Việt Kiều mà Thứ Trưởng Nguyễn Phú Bình “chiêu hồi” được – rõ ràng – hơi bị ít.

Năm 2004, có 19 Việt Kiều (1) được mời tham dự “Ðêm Vinh Danh Của Những Người Con Nước Việt Xa Xứ ” – tổ chức vào ngày 18 tháng 2 năm 2005 – ở Hà Nội. “Tại sao ban tổ chức lại quyết định lựa chọn con số lẻ 19 người được nhận danh hiệu mà không phải là một con số nào khác?”

Ðây là câu hỏi đã được phóng viên Tạp Chí Người Viễn Xứ nêu ra, và ông Lê Truyền – Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam – trả lời (rất thành thật) như sau:

“Đó chỉ là một con số ngẫu nhiên vì khả năng phát hiện, thông tin của chúng ta mới chỉ được đến thế. Có thể nói rằng công lao đóng góp của bà con Việt kiều ta trên khắp thế giới đối với quê hương đất nước là rất phong phú đa dạng, dưới nhiều hình thức. Việc vinh danh họ sẽ vẫn còn tiếp tục được thực hiện trong các lần khác. Tất nhiên, có cả những người chưa muốn xuất hiện trong đợt vinh danh này” .

Qua đợt sau, Đêm Vinh Danh Nước Việt 2005 – cũng tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 5 tháng 2 năm 2006 – con số “những người chưa muốn xuất hiện” lại tăng thêm chút đỉnh, làm giảm số người “muốn xuất hiện” xuống chỉ còn 15 mạng (2).

Sự sút giảm này, được nhà báo Trần Khải bàn (ra) như sau:“Trở ngại lớn nhất chính là tự thân chính phủ. Người dân, trong và ngoài nứơc, đa số vẫn không có cảm giác đang được mời xây dựng đất nứơc, mà chỉ có cảm giác đó là lời mời gọi xây dựng chế độ độc đảng tòan trị. Nơi đây, dân không có quyền chọn lựa chế độ, không có quyền chọn lựa chính phủ, không có quyền chọn lựa dân cử. Không tự do báo chí, không tự do tôn giáo, không tự do đi lại hay các quyền căn bản khác. Với người đã từng sống ở Mỹ-Âu mà về là thấy dị ứng rồi”.

Ông nhà báo (tị nạn) này ở tận California, và cái tâm hơi (bị) lớn nên cách nhìn vấn đề có vẻ quá… vĩ mô. Ở bình diện vi mô, những trở ngại (xem ra)… nhỏ nhặt và giản dị hơn nhiều. Câu chuyện sau đây, đã được nêu lên ở tạp chí Nguời Viễn Xứ (vào ngày 22 tháng 9 năm 2006) sẽ minh chứng điều này:

GS Đặng Lương Mô và vợ, bà Trần Thị Ánh Xuân trong căn nhà A1A2, Khu Quy hoạch nhà ở Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp (Nguồn: nguoivienxu. vietnamnet. vn)


“Để “lạc nghiệp”, ông và vợ, bà Ánh Xuân, quyết định phải “an cư”, nghĩa là tìm mua cho mình một mảnh đất, tự tay xây cất căn nhà theo ý muốn. Với số tiền không nhiều, được tích lũy sau 40 năm làm khoa học ở xứ người, ông bà quyết định mua đất của một công ty nhà nước để tránh những rủi ro đáng tiếc…”
“Trường hợp cụ thể mà chúng tôi muốn đề cập là căn nhà của GS.TS Đặng Lương Mô, Việt kiều Nhật, hồi hương từ năm 2002. Do những công hiến của ông cho đất nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và báo điện tử Vietnamnet đã bình chọn ông là một trong những gương mặt Việt kiều tiêu biểu được trao giải thưởng Vinh danh nước Việt năm 2005…

Vậy mà chuyện “rủi ro” và “đáng tiếc” vẫn (cứ) xẩy ra! Sau đây là đoạn cuối của bức tâm thư mà giáo sư Đặng Lương Mô gửi đến “các cơ quan chức năng” của Thành Phố Hồ Chí Minh:

“Tôi xa quê hương đã lâu. Ở nơi đất khách quê người, lòng tôi lúc nào cũng hướng về quê hương. Khi được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho trí thức Việt kiều về quê hương sinh sống để đóng góp, tôi rất lấy làm vui mừng và phấn khởi. Khi làm thủ tục hồi hương, tôi cũng gặp không ít khó khăn rắc rối, nhưng rồi mọi việc đều qua đi. Nhưng bây giờ vào lúc cuối cuộc đời, sau bao nhiêu năm cặm cụi lao động dành dụm để xây được một căn nhà thì giấy tờ lại không có, lúc nào cũng thấp thỏm lo âu, nhất là tâm trạng bực bội vì bị công ty Vật liệu và Xây dựng lừa gạt”.

Giáo sư Đặng Lương Mô, có lẽ, vì quá tiếc tiền nên hoá… quẩn! Ở thành phố Hồ Chí Minh (quang vinh) có biết bao nhiêu ngàn “cơ quan chức năng” mà đếm. Tâm thư của ông biết gửi về đâu, ai là người sẽ nhận, và phải đọc? Lẽ ra, ông chỉ nên gửi một bức duy nhất đến viện sĩ Nguyễn Chơn Trung (Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài Tại Thành Phố H.C.M) là đủ.

Và loại thư này của đám Việt Kiều thì ông viện sĩ vẫn nhận được đều đều, và cũng đã lên tiếng giải thích nhiều lần – trước đó. Theo ông Nguyễn Chơn Trung thì vấn đề (chả qua) là vì “trên thông nhưng dưới chưa thoáng,” thế thôi!

Thế thôi, kể như, là huề vốn. Nghe thiệt đã đời. Nhưng (lại) nói năng bóng bẩy và ẩn dụ như thế thì e những Việt Kiều, như giáo sư Đặng Lương Mô, không hiểu thấu. Phải nói rõ hơn rằng đây là tình trạng “trên bảo dưới không nghe.” Nghĩa là sự bất lực của một cơ chế đã hoàn toàn rệu rã vì tham nhũng và thối nát. Thượng bất chính, hạ tất loạn. Trên ăn thì không thể bắt dưới nhịn được. Bây giờ toàn Đảng cứ “nghe cái chủm là táp”, chợ chiều mà.

Số tiền dành dụm cả một đời người – của gia đình ông Đặng Lương Mô – phen này chắc mất, mất chắc!

Nghe (lời) hát xẩm, vào lúc chợ chiều, rõ ràng là dại.

Tôi không đồng tình với việc làm vì tham danh và hám lợi của ông Đặng Lương Mô, và những ông tiến sĩ cùng loại; tuy nhiên, tôi vẫn lên tiếng phản đối đến cùng chuyện tài sản của quý vị bị những đảng viên cộng sản VN cuỡng đoạt. Tôi cho hạn ông Nguyễn Phú Bình, ông Nguyễn Chơn Trung 4 tháng – kể từ hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2006 – để giải quyết dứt điểm chuyện lừa gạt này. Nếu không xong, quý vị sẽ có dịp đọc một bài viết khác – có tựa là “Già Đô, Tiến Sĩ Đặng Lương Mô Và Chuyện Kể Năm 2007 – cũng trên diễn đàn này, với một văn phong (hoàn toàn) không lấy gì làm nhã nhặn.

(Bà) sẽ chửi cho tắt bếp, để chúng mày chừa cái thói đạo tặc đi!

Copyright by DCVOnline 2006

Ghi chú:

(1) Ông Vũ Giản, Thụy Sĩ; tiến sĩ Ông Nguyễn Đăng, Vương quốc Bỉ; tiến sĩ Lương Văn Hy, Canada; tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê, Việt Nam; viện sĩ Trần Văn Khê, Paris; tiến sĩ Đặng Lương Mô, Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt Nam; tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, Hoa Kỳ; ông Lê Phi Phi, Việt Nam; tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong, Hoa Kỳ; tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Pháp; tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu, Pháp; nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, Canada; ông Bùi Kiến Thành, Hoa Kỳ; tiến sĩ Trần Văn Thọ, Nhật; tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận, Hoa Kỳ; tiến sĩ Võ Văn Tới, Hoa Kỳ; kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Pháp; tiến sĩ Trần Thanh Vân, Pháp

(2) TS. Nguyễn Quốc Bình (VK Canada); TS. Nguyễn Trọng Bình (VK Mỹ); PGS, TS. Nguyễn Lương Dũng (VK Đức); TS. Nguyễn Trí Dũng (VK Nhật); Họa sĩ Lê Bá Đảng (VK Pháp); GS,TS. Nguyễn Quý Đạo (VK Pháp); Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo (VK Pháp); Bác sĩ Bùi Minh Đức (VK Mỹ); TS. Lê Phước Hùng (VK Mỹ); ThS. Phạm Đức Trung Kiên (VK Mỹ); GS,TS. Đoàn Kim Sơn (VK Pháp); GS Toán học Lê Tự Quốc Thắng (VK Mỹ); Ông Phan Thành – Chủ tịch HĐQT HHNVNONN TPHCM (VK Canada); GS,TS Nguyễn Văn Tuấn (VK Úc) và GS,TS Nguyễn Lân Tuất, VK Nga

Tưởng Năng Tiến Thuế Má & Chó Má

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2014/03/01 at 08:54

Ôi! Có ở đâu như ở đây.

Trần Hồng Tâm

Năm ngoái, tôi được nghe Thượng Tọa Tuệ Sĩ kể lại mộ câu chuyện hơi buồn:

Tại xã Hương Thọ huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên có một gia đình nghèo khổ sống lênh đênh trên một chiếc đò. Khi cơn lụt ập đến, gia đình này là duy nhất có ghe ở địa phương miền núi này, do đó đã vớt được trên 80 người khỏi cảnh chết chìm. Sau nước rút, thỉnh thoảng có vài phái đoàn đến cứu trợ. 

Các gia đình khác đều nhận được cứu trợ. Chỉ trừ gia đình anh. Lý do: không có hộ khẩu, vì lâu nay gia đình này nghèo quá, phải sống “vô gia cư” phiêu bạt trên các sông suối nên không có hộ khẩu thường trú. Dân làng biết ơn anh, xin chính quyền địa phương cấp hộ khẩu cho. Nhưng thiếu điều kiện nhập hộ: gia đình anh không có đủ 400,000 đồng VN để hối lộ...

Thay vì “lênh đênh trên một chiếc đò” (vì không có hộ khẩu) dân Việt có thể lựa chọn một cách sống “vô gia cư” khác: chui (mẹ) vô …  rừng. Báo Xã Luận, số ra ngày 15 tháng 2 năm 2014, mới đi tin “Phát Hiện Cô Bé Người Rừng Ở Khánh Hoà. ” Xin  ghi lại nguyên văn, không sót một chữ để rộng đường dư luận:

 Thị Ni đã được 7 tuổi, (SN 2007, người dân tộc Rắc-lây) nhưng chỉ nhỏ bé như một đứa trẻ lên 5 và mọi sinh hoạt đều gặp hạn chế vì những chứng bệnh bẩm sinh của mình (do quá trình mẹ em mang thai bị Rubela).

Từ ngày sinh ra cho đến tận lúc được sư thầy cùng các phật tử phát hiện giúp đỡ, Ni không biết nói, không thấy đường, cũng chẳng thể nghe và đi lại được, bị hẹp van tim và phổi… Em nằm yên một chỗ giữa cái nền nhà trơ trọi cát đất và chờ sự chăm sóc từ những người thân.

Bi kịch chưa dừng lại ở đó với Ni. Năm em lên 2 tuổi, mẹ em đột ngột qua đời để lại Ni cho người cha nghèo già yếu. 4 năm sau (tháng 11/2013), trải qua một quá trình bệnh nặng không có tiền chữa trị, người cha – người thân duy nhất còn lại của em cũng qua đời vì ung thư gan. Đứa bé dị tật câm – điếc – mù và nhiều chứng bệnh nặng khác chính thức bước vào con đường “người rừng” do không ai chăm sóc.

Khi được một sư thầy đã vô tình phát hiện ra, cô bé “người rừng” Mấu Thị Ni đang trong tình trạng báo động về thể chất và tinh thần, rất cần giúp đỡ.

Nhận được sự trợ giúp, hiện cô bé đáng thương này đã được đem về chùa Phú Quang (thuộc tỉnh Khánh Hòa) để tập dần với cuộc sống người thường và chờ kêu gọi hỗ trợ để chữa trị bệnh tật.

thue 2

Nguồn ảnh: xaluan.com

Bán tin thượng dẫn dài 275 chữ. Hai từ “giúp đỡ” và “rất cần giúp đỡ” được lập đi lập lại đến đôi lần nhưng không một chữ nào – nửa chữ cũng không luôn – nhắc đến Đảng, Nhà Nước, Ủy Ban Nhân Dân, hay Mặt Trận Tổ Quốc (cùng với hàng trăm thứ cơ quan, ban ngành, đoàn thể hội hè … (thổ tả gì đó) của tỉnh Khánh Hoà.

Người rừng Mấu Thị Ni được “sư thầy cùng các phật tử vô tình phát hiện “rồi mang về chùa, “… chờ kêu gọi hỗ trợ trị bệnh tật.” Tất nhiên là “kêu gọi hỗ trợ” đồng bào (trong hay ngoài nước) chứ không phải từ phía chính quyền.

Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân là ba phạm trù luôn luôn đi liền, và gắn bó mật thiết với nhau, khi có nhu cầu tuyên truyền hay đóng góp – kể cả đóng góp máu xương cho cách mạng: đâu cần nhân dân có, đâu khó có nhân dân. Khó trăm lần, dân liệu cũng xong. Tuy thế, khi Nhân Dân trăm họ bị bệnh tật hay gặp chuyện khó khăn thì đó lại là chuyện (riêng) của mỗi người. Đảng và Nhà Nước hoàn toàn vô can và vô trách nhiệm.

Cứ thử google bốn chữ “cần được giúp đỡ” coi. Trong vòng 25 giây, hiện ra 3,300, 000 “kết  quả”, xin xem qua vài ba để … mở mang kiến thức:

–         Thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn cần được giúp đỡ.  Đó là gia đình bà Hà Thị Thủy, 74 tuổi, trú tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng (An Dương, thành phố Hải Phòng)… Thời kỳ chiến tranh, bà là thanh niên xung phong. Bà gặp và kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Viền là bộ đội. Ông Viền hy sinh năm 1968, khi con gái vừa mới sinh. Bản thân bà là người ngoại tỉnh, gia cảnh lại neo đơn không có anh em ruột thịt, bà phải gửi con nhỏ về quê Nam Định cho mẹ già chăm sóc. Bà lăn lộn kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi con gái. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Hà Thị Thủy hoặc bà Vũ Thị Hải – Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông Thôn Ngày Nay tại Hải Phòng – số 31 Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng, ĐT: 0903212789; hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay – 13 Thụy Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117, chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội.

–         Gia đình anh Dũng rất cần được giúp đỡ. Hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Ngọc Dũng, (tên thường gọi là Đất) ở xóm Bàu Cả, thôn Phú Vang, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) rất đáng thương, cần được các tấm lòng hảo tâm và cộng đồng chung tay giúp đỡ…Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về anh Nguyễn Ngọc Dũng (xóm Bàu Cả, thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, Phú Yên) hoặc Phòng Bạn đọc – Ban công tác Xã hội – Từ thiện Báo Phú Yên, 62 Lê Duẩn, TP Tuy Hòa, Phú Yên. ĐT: 057 3841043.

–         Chị Tâm cần được giúp đỡ. Nói đến gia đình chị Trần Thị Tâm (tổ 74, khu 9, phường Cao Thắng, TP Hạ Long), bà con sống xung quanh ai cũng thấy ái ngại cho hoàn cảnh của chị. Chị Nguyễn Thị Châm, cán bộ LĐ-TB&XH phường Cao Thắng cho biết: “Chồng mất sớm, chị Tâm lam lũ nuôi hai con. Dù rất cố gắng nhưng gia đình chị Tâm vẫn không thể thoát nghèo…”… Mọi sự giúp đỡ xin gửi về một trong các địa chỉ: Chị Trần Thị Tâm, tổ 74, khu 9, phường Cao Thắng, TP Hạ Long hay Quỹ Xã hội từ thiện Báo Quảng Ninh (71 Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long, tài khoản 010704060014495 – Ngân hàng Quốc tế Chi nhánh Quảng Ninh), số điện thoại 0915771582.

–         Một hoàn cảnh thương tâm cần được giúp đỡ. Là trụ cột của gia đình nhưng tháng 9-2013, anh Nguyễn Hoàng Hiệp, trú tại 646/34A đường 30-4 (TP.Vũng Tàu) đã phát hiện mình bị ung thư máu trong khi cuộc sống gia đình đang khó khăn chồng chất… Hơn lúc nào hết, gia đình anh Hiệp rất cần sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm để giúp gia đình anh vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật. Mọi sự đóng góp có thể gửi trực tiếp tới gia đình anh Hiệp, số điện thoại 0962571933 hoặc thông qua Quỹ tấm lòng vàng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, địa chỉ: Số 28 Trần Hưng Đạo, phường 1 (TP.Vũng Tàu).

Từ hai phần ba thế kỷ qua, ngoài việc thu thuế (và thu thêm hàng trăm khoản tiền bà rằn khác nữa) Đảng & Nhà Nước tuyệt nhiên và tuyệt đối không có bổn phận hay trách nhiệm gì ráo trọi trong đời sống của bất cứ ai – bất kể là người rừng hay người thành thị.

Mỗi tuần tôi nhận được qua bưu điện bốn tờ tuần báo: Sống (phát hành từ Westminster, California) Thời Báo(Cheektowaga, New York) Trẻ (Dalla, Texas) và Việt Tribune (San Jose, California). Trừ tờ cuối cùng, ba tờ còn lại đều có mục “Những Tấm Lòng Vàng” hay “Trang Tương Trợ” với tên tên tuổi, địa chỉ, và hình ảnh những đồng bào đang lâm trọng bệnh hay rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát – ở quê nhà – cùng với lời kêu gọi xin độc giả hảo tâm giúp đỡ.

Sự giúp đỡ không chỉ giới hạn ở bình diện cá nhân.  Nếu google vài chữ khác nữa,  “giúp đỡ xây cầu” chẳng hạn, trong vòng năm mươi giây cũng sẽ hiện ra hơn chục ngàn “kết quả” đại loại như:
– Nhóm Việt kiều xây hơn 100 chiếc cầu cho quê hương
– Bạn đọc Dân trí ủng hộ xây cầu Dân trí ở Quảng Bình gần 1,3 tỷ đồng

–  Độc giả VnExpress quyên góp xây cầu vượt sông Pôkô

thue 3

Ảnh Nguyễn Thành Chung. Nguồn: Dân Trí

Chớ cái Chính Phủ của nước Cộng Hoà  Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) làm gì và ở đâu, vậy Trời? Một cá nhân, một gia đình, hoặc ngay cả một tập thể người (đôi lúc) cũng cần đến sự trợ giúp của tha nhân khi lâm hoạn nạn nhưng một quốc gia thì không thể theo đuôi chính sách sống nhờ vào lòng từ thiện, vào kiều hối, hay vay vốn ODA nước ngoài – mãi mãi – như vậy được.

Câu hỏi cũng cần được đặt ra là nhà nước Việt Nam làm gì với thuế má của dân mà lại điều hành xã hội một cách chó má như thế. Đã thế, hôm 18 tháng 2 năm 2014 BBC còn đi tin:

“Tòa phúc thẩm TP Hà Nội vừa y án 30 tháng tù giam vì Tội Trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự đối với luật sư bất đồng chính kiến Lê Quốc Quân. Luật sư Hà Huy Sơn, một trong bốn luật sư bào chữa cho ông Quân ngày 18/2, cho biết ngoài án tù giam, doanh nghiệp của ông Quân còn phải bồi thường một khoản tiền phạt 1,29 tỷ đồng.”

thue 4

Luật sư Lê Quốc Quân tại Tòa án nhân dân Hà Nội
hôm 18/2/2014
Ảnh: AFP

Theo Blogger Nguyễn Ngọc Già: gọi ‘trốn thuế’ phủ chụp luật sư Lê Quốc Quân đều được đại đa số gọi là sự trả thù hiển hiện của chế độ cộng sản Việt Nam mang màu sắc chính trị. Nó cũng được xem là đòn dằn mặt tiếp tục cho bất kỳ ai đòi dân chủ. Blogger Nguyễn Hữu Vinh nói thêm đây là “chuyệg gắp lửa bỏ tay người”.

Việt Nam – có lẽ – là nơi duy nhất mà người dân có thể bị cầm tù (thay vì xử phạt) với tội danh trốn thuế, dù không ai biết là bọn chó má đã xử dụng thuế má của người dân đóng góp ra sao, từ hơn nửa thế kỷ qua?

Tưởng Năng Tiến

Hoàng Ngọc Tuấn – Làm sao để hoà giải dân tộc?

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết on 2013/11/12 at 17:06

Gõ từ “hoà giải” lên Google, tôi thấy kết quả đầu tiên là bài giải thích về từ này trên trang Wikipedia tiếng Việt. Trong bài ấy có một đoạn nói đến vấn đề “hoà giải dân tộc” của Việt Nam. Đoạn ấy như sau: “… ở Việt Nam hiện nay vấn đề hòa giải dân tộc cũng được đặt ra và tốn nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian gần đây. Với một lượng kiều hối chuyển về nước ngày càng nhiều, và Việt kiều ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại, Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng đặt ra vấn đề hòa giải dân tộc để huy động sức mạnh và sự đóng góp của lực lượng “Việt kiều yêu nước”. Tuy vậy, tiến trình hòa giải dân tộc ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do còn nhiều bất đồng trong cách suy nghĩ và các vấn đề lịch sử để lại.”

Đọc đoạn ấy, tôi cảm thấy khá nực cười! Nếu nhóm viết Wikipedia tiếng Việt diễn tả đúng sự thật thì hoá ra, đối với Nhà nước Cộng Sản Việt Nam, vấn đề “hoà giải dân tộc” chỉ xoay quanh chuyện quan hệ với “Việt kiều” với mục đích kiếm “kiều hối” ngày càng nhiều và tìm cầu nối “để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại”!

Cũng trong bài ấy, ở chú thích số 12, có ghi: “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng phát biểu rằng nhà nước phải chìa tay ra trước để đón nhận, đồng thời một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm cũng phải chủ động hòa nhập.”

Lại càng nực cười hơn nữa! “Nhà nước phải chìa tay ra trước để đón nhận”! Đón nhận cái gì? Đón nhận “kiều hối” chăng? Và “một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm cũng phải chủ động hòa nhập”! Mặc cảm về việc gì? Về việc chưa chuyển “kiều hối” về Việt Nam nhiều đủ hay chăng? Và “phải chủ động hoà nhập” bằng cách nào? Bằng cách ra sức chuyển thêm nhiều “kiều hối” nữa và ra sức “làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại” hay chăng?

Chưa bao giờ tôi thấy ở nước nào mà lại có cái loại “hoà giải dân tộc” theo kiểu con buôn kỳ quái đến thế.

Quan sát các nước đã từng thực hiện hoà giải dân tộc, ta có thể thấy trước hết họ thiết lập một Truth Commission (Uỷ Ban Sự Thật). Uỷ Ban này có nhiệm vụ điều tra và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác của một chính quyền trong quá khứ. Sau đó, những kẻ đã hành xử sai lầm hay đã gây tội ác phải được đem ra xét xử trước công lý. Tuỳ theo mức độ của sự sai lầm và tội ác, những kẻ ấy sẽ được tha thứ hay phải chịu những hình phạt của luật pháp. Nếu những sự sai lầm và những tội ác ấy đã diễn ra trong một quá khứ rất xa, và tất cả những kẻ gây tội ác ấy đều đã chết, thì chính quyền đương nhiệm phải thay mặt cho quốc gia để công khai xin lỗi tất cả các nạn nhân (hay thân nhân của họ, nếu họ đã qua đời). Sau đó, tuỳ theo mức độ thiệt hại của từng trường hợp, tất cả các nạn nhân (hay thân nhân của họ) đều được bồi thường xứng đáng. Từ 1974 đến nay, có hơn 30 Uỷ Ban Sự Thật đã được thành lập ở hơn 30 quốc gia và đã đạt được những kết quả đáng kể.

Vấn đề “hoà giải dân tộc” của Việt Nam thì không chỉ là vấn đề bắt tay xí xoá giữa Nhà nước Cộng Sản Việt Nam với “Việt kiều”. Lại càng không phải là vấn đề “hoà giải” giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài, hay giữa người Việt miền Nam và người Việt miền Bắc.

Vấn đề “hoà giải dân tộc” của Việt Nam phải là một vấn đề cần được giải quyết minh bạch và thoả đáng giữa Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Nghĩa là, để có được một cuộc hoà giải thực sự, trước hết phải có một Uỷ Ban Sự Thật (độc lập với Nhà Nước) đứng ra điều tra và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam từ trước đến nay. Tiếp đến, phải có một cuộc xét xử công minh và nghiêm khắc. Sau đó, phải có sự xin lỗi công khai và sự bồi thường xứng đáng.

Tất nhiên, dưới chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam hiện nay, tiến trình này không thể thực hiện được. Và chừng nào tiến trình này chưa thực hiện được, thì chưa thể có sự “hoà giải dân tộc”.

Thậm chí, ngay cả khi chế độ Cộng Sản đã sụp đổ, tiến trình hoà giải dân tộc vẫn còn có thể gặp rất nhiều khó khăn. Nếu những người cựu Cộng Sản vẫn còn chiếm một bộ phận lớn trong bộ máy chính quyền mới, thì họ có thể tìm cách cản trở việc thành lập một Ủy Ban Sự Thật, và nếu một Ủy Ban Sự Thật được thành lập, thì họ có thể sẽ tìm cách xoá bỏ những bằng chứng và trì hoãn việc bạch hoá sự thật trước công lý.

Kể từ 1989, sau khi chế độ Cộng Sản ở các nước Đông Âu sụp đổ, và từ 1991, sau khi chế độ Cộng Sản ở Liên bang Xô-Viết sụp đổ, cho đến nay, chỉ có 5 Ủy Ban Sự Thật được thành lập ở Đức, Romania, Estonia, Lithuania và Latvia; còn ở Tiệp chỉ có The Office of the Documentation and the Investigation of the Crimes of Communism (Văn phòng thu thập tài liệu và điều tra các tội ác của Cộng Sản) thuộc bộ cảnh sát, chuyên điều tra những tội ác đã bị chế độ Cộng Sản Tiệp che giấu từ năm 1949 đến 1989.

Kết quả của các tổ chức này như thế nào thì chúng ta vẫn phải chờ để xem. Trong tiểu luận “Truth Commissions in Post-Communism: The Overlooked Solution?” (trong tập san The Poen Political Science Journal, 2009, 2, 1-13), Lavinia Stan đã có phân tích nhiều trường hợp các chính quyền hậu cộng sản cố tình tránh né việc thành lập các Uỷ Ban Sự Thật. Trong cuốn chuyên luận Transitional Justice in Post-Communist Romania: The Politics of Memory (New York: Cambridge University Press, 2013), Lavinia Stan cũng có tường thuật khá chi tiết về những thủ đoạn của chính quyền Romania đương thời trong việc trì hoãn công lý.

Tuy nhiên, dù có cố tình trì hoãn việc bạch hoá các sai lầm và tội ác trước ánh sáng công lý, cuối cùng thì người ta vẫn không thể chôn vùi sự thật mãi mãi. Một ngày nào đó, sự thật sẽ được phục hồi.

Trong bài “Hoà giải dân tộc“, Nguyễn Hưng Quốc đã kể lại một số cuộc hoà giải được thực hiện trong khoảng hai thập kỷ vừa qua trong phạm vi quốc gia và quốc tế như sau: “… Chính vì thế, quá trình hoà giải thường bắt đầu bằng một lời xin lỗi chính thức. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt chính trị thế giới thời hậu-Chiến tranh lạnh là việc công khai hoá niềm ân hận đối với những lỗi lầm trong quá khứ. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong thời Đệ nhị thế chiến. Cũng năm 1990, Mikhail Gorbachev bày tỏ sự ân hận sâu sắc trước việc Stalin giết chết 15 ngàn viên chức người Ba Lan tại Katyn Forest vào năm 1940. Đức giáo hoàng John Paul đệ nhị xin lỗi về việc Giáo hội Công giáo đã thất bại trong việc cứu giúp người Do Thái khỏi thảm hoạ Holocaust. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh công khai xin lỗi việc nước Anh tàn sát người Maori ở Tân Tây Lan trước đây. Thủ tướng Anh Tony Blair xin lỗi về trách nhiệm của Anh trong nạn đói ở Ireland vào thế kỷ 19. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton xin lỗi người châu Phi về vai trò của Mỹ trong việc buôn bán nô lệ thế kỷ trước. Ở Nhật, năm 1993, Thủ tướng Morihiro Hosokawa bày tỏ sự ân hận và xin lỗi về những tội ác mà nước Nhật đã gây nên thời Đệ nhị thế chiến. Năm 1995, Thủ tướng Tomiichi Murayama lại xin lỗi lần nữa. Năm 1998, trong dịp gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Thủ tướng Keizo Obuchi lại xin lỗi lần nữa, nhắm chủ yếu vào những nạn nhân người Hàn Quốc. Riêng ở Úc, đầu năm 2009, Thủ tướng Kevin Rudd đã chính thức xin lỗi người thổ dân tại Úc về những chính sách sai lầm của người da trắng trong quá khứ. Những lời xin lỗi công khai và chính thức như thế chứng tỏ sự thành tâm và thiện chí của các chính phủ nhằm hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và giữa các quốc gia để mọi người có thể thanh thản xếp chuyện quá khứ lại hầu hướng tới tương lai, một tương lai hoà thuận và hợp tác. Đó là yếu tố đầu tiên cần có để tạo nên sự tin cậy. Ở các nước, mọi lời xin lỗi đều đi liền với sự đền bù…”

Nói tóm lại, nước Việt Nam không thể đạt được “hoà giải dân tộc” theo cách của con buôn nhằm tăng “lượng kiều hối” và “buôn bán hàng hóa ra hải ngoại và ngược lại”. Cũng không thể có loại “hoà giải dân tộc” theo kiểu “Việt kiều yêu nước” chạy theo vuốt đuôi chính quyền để tìm cơ hội làm ăn. Cũng không thể có loại “hoà giải dân tộc” theo kiểu “giao lưu văn nghệ” giữa các văn nghệ sĩ Việt Nam trong nước và ngoài nước chạy ra chạy vào múa hát, đọc thơ, bắt tay nhau, cụng ly với nhau…

Không. Tất cả những trò đó không thể nào xoá được những đau thương, những oan ức của hàng triệu nạn nhân dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tiến trình hoà giải dân tộc của Việt Nam phải bắt đầu bằng một Uỷ Ban Sự Thật để giải quyết minh bạch và thoả đáng những món nợ bằng máu và nước mắt mà Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã gây ra cho nhân dân Việt Nam từ trước đến nay.

Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)

Nguồn: RFA Blog