Phần II:
TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?
BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?
TRÍ THỨC ÔN HÒA
ĐÁM ĐÔNG NHÂN CHỨNG
_____________________________
PHẦN II
Khi phát biểu phải bộc trực, thẳng thắn, trung thực – ngay cả khi bạn phải trả giá. Điều cuối cùng mà mỗi chúng ta muốn thấy [là] con người quá thích nghi với bất công. ~ Cornel West[i]
TỰ VỆ HAY BẠO ĐỘNG?
Từ 2011 đến nay các cuộc xuống đường tự phát (trong tinh thần ước mong có cải cách hơn là cách mạng dân tộc) đều bị điểm chỉ là gây thiếu “ổn định” và gây “bạo động”. Như đã đề cập trong phần I, gần đây các cuộc xuống đường của công nhân Bình Dương vào ngày 12/5/2014 được truyền thông trong và ngoài nước báo cáo tường thuật là “bạo loạn”. Vai trò nào của diễn luận yêu nước và bất bạo động ở đây?
Diễn luận bất bạo động thường vùi chôn san bằng các khác biệt trong tương quan quyền lực. Hậu quả là kẻ bần cùng hay vô danh nếu phản kháng hay đối kháng thì dễ phải nhận chịu những nguyền rủa và thiệt thòi.
Như đã trình bày, những hành vi của họ (cho dù có âm mưu khích động từ nhóm nào đó liên hệ đến nhà cầm quyền CSVN hay không) thường bị xem là “gây rối trật tự công cộng”, “tục tằn”, “thô bạo”, “bị xúi giục bởi các thế lực thù địch”, “thiếu văn hóa”, “không văn minh”, làm “xấu hổ” dân tộc đất nước. Những lên án chỉ trích này dù từ những ai/nhóm nào (và dù có quyền lực hay không) tạo ra đi chăng nữa đều thể hiện sự đồng nhịp ăn khớp với một trong những dấu hiệu của tròng diễn luận “bất bạo động”.
Thế nào là có văn hoá văn minh? Ai định đoạt tiêu chuẩn văn hoá văn minh?
Văn hóa “xin-cho” chăng? Nạn nhân lại phải đi xin công lý ư và chờ cường (“ngụy”) quyền cho lại nhân phẩm à?
Văn minh cho ai? Ai sẽ có lợi khi nạn nhân tin là mình không “văn minh” do đã “bạo động” hay “bạo loạn”?
Cách ứng xử có văn minh văn hoá giữa hai đối tượng CHỈ có thể xảy ra khi hai bên có quyền lực tương xứng và cơ chế đối thoại phân minh. Một khi “miệng nhà quan có gang có thép” thì những kẻ bị hiếp đáp chỉ biết dùng “đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm” để đáp lại.
Nếu một bên có quyền lực tuyệt đối, có quyền sinh sát, nắm tất cả các cơ chế hành pháp, lập pháp, tư pháp—như nhà nước Việt Nam đang nằm trong tay đảng CSVN—để áp đảo tiếng nói đối tượng thì mọi việc cũng như “con kiến mà kiện củ khoai.” Các luật sư còn bị họ vu khống, bỏ tù, cưỡng chế, quấy nhiễu chỉ vì dám lên tiếng bảo vệ công lý chứ nhằm nhò gì đám dân đen bé cổ thấp họng.
Kẻ bị đàn áp không có một cách thức nào khác hơn để lên tiếng. Những hình thức ngôn ngữ dung tục này là phản xạ hoàn toàn hợp lý cho những người nạn nhân bị ức hiếp, đàn áp.
Thật ra họ chỉ như con giun xéo mãi cũng quằn, tức nước thì vỡ bờ. Họ tự vệ phản kháng trong phản xạ khi bị áp bức. Hành động của anh Đoàn văn Vươn và các làng thôn miền Bắc bảo vệ đất đai ruộng vườn của mình trong các năm vừa rồi đã bị gán cho là bạo động. Hành động một dân oan đi kiện tụt quần tại văn phòng tiếp dân trung ương đảng CSVN là phản kháng sự hiếp áp của công an nơi thưa kiện và việc chiếm đất ở địa phương. Bà thách thức bạo quyền thà cứ “hiếp” bà trước mặt công chúng còn hơn là bản thân và gia đình bị công an địa phương hà hiếp lén lút ở bờ ruộng hay sau nhà. Một gia đình ở Bắc Giang có con chết oan ức vì bị công an đánh buộc phải đem quan tài diễu hành trên phố để đòi lại “công bằng cho con trai tôi”.
Còn thêm bao nạn nhân chết tương tự dưới tay công an CS như ông Nguyễn Năm (3-7-2010), anh Nguyễn Phú Trung (8-6-2010), Nguyễn Quốc Bảo (22-1-2010), nhưng đa số tất cả đã bị bịt miệng và chịu tử vong hay bị bắt cóc mất tích. Nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Mascơva tại Nga đã phát biểu với RFA như sau qua hai trường hợp của ông Trịnh Xuân Tùng (bị giết vào tháng 2/2011), anh Nguyễn Công Nhựt (bị giết vào tháng 4/2011)
[N]hững hành động đàn áp của CA như vậy là do nhà nước, những người lãnh đạo bày cho họ, do những người lãnh đạo sử dụng các phần tử gọi là “quần chúng tự phát”, tức CA giấu mặt để đàn áp dân chúng… Chưa bao giờ số người dân bị CA giết chết nhiều như vậy.
Ông Nguyễn Ngọc Già cũng đã đồng thanh và chỉ ra bản chất bạo lực của chế độ CSVN như thế này:
Những họng súng chĩa thẳng vào mình, có sợ không? Có. Còng số tám, dùi cui, nhà tù, có sợ không? Có. Nhưng điều chúng tôi sợ nhất, mà không, chúng tôi ghê tởm nhất, chính là “văn hóa đàn áp”. Nó đã ngày càng trở nên ghê rợn như người Việt Nam đang sống giữa rừng già thâm u—nơi “ánh sáng văn hóa” chưa bao giờ rọi tới!
Trong một xã hội với văn hóa đàn áp tràn lan các ngõ ngách mạch sống thì diễn luận “văn minh” liên quan với móc xích của tròng diễn luận “bất bạo động” này có lợi cho ai?
Chúng tôi đưa ra các trường hợp (dù mang tính cách cá nhân hay địa phương) nói trên để nhấn mạnh rằng việc định hướng dư luận—qua các kiểu cách xoa bóp nhào nặn diễn luận “bất bạo động” và các diễn luận liên quan với nó—là một công tác dân vận rất phổ thông qua nhiều thời kỳ tại VN (và nay là công tác kiều vận tại hải ngoại qua nghị quyết 36). Những chính sách tuyên truyền này ẩn chứa rất nhiều bạo động về mặt tâm lý và mang lại nhiều thuận lợi cho cơ chế cầm quyền trong khi sử dụng văn hóa bạo lực.
Những phán xét—“gây rối trật tự công cộng”, “tục tằn”, “thô bạo”, “bị xúi giục bởi các thế lực thù địch”, “thiếu văn hóa”, “không văn minh”, làm “xấu hổ” dân tộc đất nước—dựa vào quan điểm (trong lối mòn nhận thức) ngay cả trong tư cách cá nhân hay đại diện đảng phái chính trị và dù vô tình hay cố ý—đều trở thành cánh tay nối dài của quyền lực chuyên chế, và đồng thời, gián tiếp bóp mũi, bịt miệng, thậm chí xiết cổ cái khát vọng cũng như nỗi oan khiên từ kẻ khốn cùng.
BẤT LỢI VÀ CÓ LỢI CHO AI?
TRÍ THỨC ÔN HÒA
Diễn luận “bất bạo động” mới nghe thì xuôi tai và thuận lợi cho các “diễn biến hòa bình” nhưng thực tế thì có lợi cho ai? Cho các nhóm lợi ích, lũ đi đêm để đầu cơ chính trị, lũ ăn theo, và dĩ nhiên, cho lũ nô tài độc ác nhưng có quyền lực trong tay.
Qua truyền thông thống trị hay dạng chiếm ưu thế—nhất là truyền thông mạng cho những ai hoạt động xã hội, diễn luận này tiếp sức giúp chế độ độc tài tiếp tục đứng vững.
Các nhóm trí thức cùng bọn đầu cơ chính trị đã và đang xử dụng các biểu tượng, thông điệp và luận cứ (nghe thì có vẻ rất êm tai) để “chỉ đạo”. Họ chỉ đạo ai? Chỉ đạo tay sai và các nhóm lợi ích thường“đục nước béo cò” để “định hướng” dư luận và kiểm soát tâm lý và tâm trí quần chúng.
Diễn luận “bất bạo động” thường kéo theo thông điệp “nhẫn nhục để khắc phục” (cho “bớt đổ máu” như qua lời người đại diện đảng Việt Tân trong cuộc phỏng vấn của RFA mới đây vào ngày 16/3/2014, hay lời ám chỉ của tác giả Vũ Đông Hà qua bài “Nếu bạn muốn bạo động…” trên Dân Làm Báo mới đây), “hòa hợp hòa giải” (giúp “dân tộc thu về một mối”), và diễn luận “văn minh” (“theo đà phát triển của thế giới”).
Các diễn luận chính/phụ và những thông điệp này đan chéo hỗ trợ nhau như thể sinh hoạt của một lưới nhện phức tạp—dù thường gây bất lợi cho quần chúng của một dân tộc chịu nhiều bất hạnh đau khổ, nhất là thành phần anh chị em thật sự tiên phong đấu tranh—nhưng đã được trưng bày khéo léo qua các thiết bị hùng biện (như tấn tuồng và cách sử dụng ngôn từ chung chung mơ hồ nhưng lấp lánh) để người trong cuộc tự nguyện chịu làm nô lệ và cắn răn trong đau khổ.
Theo Gandhi, vai trò của tự hy sinh chịu khổ hạnh đọa đày là để phá vỡ các bế tắc, để phá vỡ sự phòng thủ duy lý của đối thủ bởi vì trái tim có sắc đá nhất và sự kém hiểu biết có thô sơ nhất cũng sẽ tàn lụi khi đối mặt với đau khổ—nỗi đau khổ không hề có tức giận hay ác ý.
Thiết nghĩ Gandhi có vẻ như quá thiên về một chuyển đổi nhanh chóng đạt được từ một nỗ lực của ý chí dựa trên tâm lý xấu hổ hoặc hối hận. Trong thực tế, nhất là trong trường hợp ngắn hạn, khả năng xảy ra ngược lại thì lại rất nhiều. Chấp nhận bạo lực mà không kháng cự thường gợi gây nhiều bạo lực hơn.
Nhà tâm lý học Leroy Pelton tuyên bố rằng ý tưởng tự chấp nhận đau khổ để làm trái tim đối thủ ‘tan chảy’ là một lý luận đơn giản phiến diện, và thậm chí hành động này có thể gợi ra những phản ứng tiêu cực đối với các nạn nhân. Ông đưa ra các tài liệu dữ kiện tâm lý về đám đông và nhấn mạnh rằng: chúng ta thường mong những điều tốt đẹp thì phải xảy ra với những người tốt và đau khổ nghiêm trọng thường xảy ra cho người xấu, và do đó chúng ta thậm chí có thể không thích, chứ không hề thông cảm với, những người đau khổ.[ii]
Nói cách khác, trong nhiều trường hợp tưởng đơn giản là đạo đức trong tinh thần trọng nhu sẽ có kết quả thì thực tế nó chẳng làm được việc hoán cải đối thủ được. Một vài nghiên cứu mới đây có vẻ thuyết phục hơn đã cung cấp các phân tích cho các liên quan giữa đau khổ và sự hoán cải này. Ông Johan Galtung—học giả người Na Uy—đã gọi sự hoán cải đối thủ một cách gián tiếp từ đau khổ thật ra là chuỗi xiềng xích to xù của phương thức bất bạo động[iii]. Hoán cải chỉ có thể xảy ra trong trường hợp những kẻ áp bức (hoặc một nhóm có thể gây ảnh hưởng về mặt đạo đức đối với kẻ tấn công hoặc những ai thay mặt để can thiệp) cảm thông được với nạn nhân vì coi họ như đồng bào đồng hương. Khi nạn nhân bị xem là Kẻ Kia (the Other) không cùng một “chiến tuyến” thì không thể nào có chuyện hoán cải được.
Bất bạo động phủ nhận bất kỳ giá trị xã hội nào đóng vai trò cứu chuộc cho bạo lực và các anh em của nó chẳng hạn như sự giận dữ.
Tuy nhiên, trong thực tế thì các sắc tố của nỗi tức giận bị nén và bị buộc xóa bỏ khỏi tâm trí vì dựa vào châm ngôn thường rao giảng là “hãy yêu kẻ thù của bạn”. Tức giận hoặc niềm bất mãn đó lại được củng cố thêm qua phong trào bất bạo động thay vì trở thành một công cụ phục vụ cho sự chuyển đổi tích cực trong xã hội.
Bất bạo động thường nói về việc chấp nhận đau khổ hơn là gây tổn hại đến người khác, nhưng oái ăm thay đây lại là những gì phụ nữ đã hành xử qua các thời đại.
Thành phần phó thường dân, nhất là nhóm dân oan và phụ nữ, thường là người chịu đàn áp trấn lột trực tiếp và nhiều nhất. Sự tức giận này của họ rất cần được sự công nhận và chấp nhận để chấm dứt bạo lực áp đặt lên họ. Nếu không, việc họ bị đàn áp mặc nhiên được duy trì như thể hợp lệ hợp pháp.
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại thì các chế độ phụ hệ thường tìm cách—hoặc chuyển hướng hoặc sửa đổi—và tránh né lánh xa bao nỗi tức giận của phụ nữ bằng cách tạo dựng các huyền thoại về những phụ nữ sống cao thượng như thần thánh. Bất kỳ người phụ nữ nào ra mặt từ chối tiêu chuẩn đạo đức này thì sẽ không còn được xem là phụ nữ nữa. Tóm lại, sự tức giận này dù là một nguồn năng lực tích cực nhưng thường không được công nhận bởi những “tín đồ” của phong trào bất bạo động.
Marcos Bisticas-Cocoves, một người hoạt động cho hòa bình và học giả Hoa Kỳ (Morgan State University/Maryland) về các vấn đề bạo động/bất bạo động trong các hoạt động đối kháng tại chốn công cộng, từng nói:
Tôi vẫn tin vào phương cách bất bạo động trực diện như một chiến thuật, nhưng tôi giờ đã có mối nghi ngại nghiêm trọng về khả năng chính trị của một triết lý mà chỉ đề cao tình yêu và bôi nhọ sự tức giận,…một triết lý đòi hỏi từ bỏ sự giận dữ như là một điều kiện tiên quyết để hành động.[iv]
Theo ông Bisticas-Cocoves, tức giận là nguồn gốc của quyền lực, và sự tức giận cần phải được hoán chuyển hướng theo chiều hướng gây được áp lực đối với cầm quyền, không phải hầu “đắc nhân tâm” để hoán cải thành phần cường quyền này.
Nếu không, bất bạo động rất dễ trở thành một loại khổ dâm—loại tình dục biến thái nếu phân tích theo phương diện tâm lý, một khi các nhà hoạt động cho phong trào bất bạo động chỉ cung cấp hình ảnh và viễn cảnh người tham gia phong trào chịu hy sinh để tiếp tục bị đánh đập, bị bắt, hoặc bị tra tấn.
Điều này nói lên điểm gì? Thành phần có quyền lực đồng thời không ngớt rao hàng mời chào và ban bố chút quyền (cai thầu nô lệ) cho những ai chấp nhận a tòng và phục tùng nó.
Trong thực tế, quyền lực thì không bao giờ cho sang nhượng mà chỉ phải giành lấy. Như Malcolm X đã từng nói, “Không ai có thể cho bạn tự do. Không ai có thể cho bạn sự bình đẳng hay công lý hay bất cứ điều gì. Nếu bạn là một con người thì bạn phải giànhlấy nó. ”
Vì thế cởi bỏ nỗi sợ và tâm thức nô lệ đòi hỏi sự chọn lựa chấp nhận hy sinh khi phải đối đầu với nó và rũ bỏ cái tôi, chút địa vị, lợi ích cám dỗ.
Quan trọng hơn nữa là việc kẻ thống trị và người hiếp áp luôn sử dụng và áp đặt những cơ chế làm nạn nhân (và đám đông nhân chứng) mất trí nhớ quên đi tội ác mà kẻ bạo quyền đã và sẽ gây ra. Ai có lợi đây?
Nếu chúng ta (từ chối) không hiểu chỉ có một đường chỉ đỏ mỏng manh giữa tự vệ và bạo động thì vấn đề đối kháng/phản kháng hằng ngày đối với cường quyền và nhóm ăn theo/đầu cơ chính trị/tay sai sẽ tàn lụi.
Những ai một khi đã tự xưng là thành phần “ôn hòa” thì mối liên hệ với những người cương quyết, nhất quán trong việc đấu tranh trở thành mối liên hệ xa lạ––giữa ta và Kẻ Kia (the Other). Giữa hai phía là một hố khoảng cách sâu rộng cho dù ngay cả khi cả hai đều có cùng một mục đích hoặc lý tưởng đi nữa.
Không thiếu gì trường hợp người ôn hòa gán cho người khác là “quá khích”, “cực đoan”, là “bất hảo”, “mất gốc rễ”, là “vô liêm sĩ, man rợ”, là “xuyên tạc và kích động bạo lực”, là “ô hợp” thiếu “văn minh”—đặc biệt một khi Kẻ Kia có những ứng xử không theo “tiêu chuẩn” của người chủ quan tự cho mình là thành phần ôn hòa.
Ví dụ rất điển hình là vào năm ngoái khi ông TS Nguyễn Quang A cảnh cáo nhà hoạt động dân chủ Bùi thị Minh Hằng “Không được kích động bạo lực” khi phân vân không biết nên gọi hành động của chị là gì–“anh hùng hay khủng bố?”
Vô hình chung cách ứng xử này sẽ cô lập và tách biệt quần thể ra thành hai nhóm—một tập thể bỗng dưng có hai thái cực đối kháng và khắc kỵ nhau. Kết quả cả hai đều rơi vào BẪY PHÂN HÓA do tròng diễn luận cài khung được thực thi bởi quyền lực hiện hành mà không hề hay biết. Đây lại là loại bạo động vô hình do diễn luận “văn minh” chủ đạo và áp đặt một cách khéo léo lên hai nhóm có tương quan với nhau nói trên.
Bên cạnh chỗ dựa “ôn hòa” trong đám đông thầm lặng những kẻ tựa vào quyền lực lại còn có chiếc ô che “khách quan” (vô tư) tránh nắng (thiếu) khoa học tạo thuận lợi giúp cho những phán quyết về người khác được xem như là chuẩn mực.
Nơi an toàn nhất đối với họ là vị thế “ôn hòa”, “việc đâu còn có đấy”, “bình chân như vại” không động đến cái lông chân. Chốn khó khăn đầy hiểm nguy là điểm trực diện đương đầu với quyền lực chỉ của những ai chọn dấn thân.
Khi không hiểu ảnh hưởng tiêu cực của diễn luận “bất bạo động” mà chỉ phản biện cãi cọ chém gió tranh giành ảnh hưởng dư luận (và còn tự mệnh danh là người “ôn hòa”) thì chỉ để được chút tiếng tăm mà thôi.
Tự bao lâu quyền lực chuyên chế đã chiếm hữu ngôn từ [cũng như chiếm đoạt các dòng đại tự sự (grand narratives), và đặt vô tròng diễn luận] trong chủ định áp đặt ý nghĩa riêng phục vụ cho lợi ích và quyền lực của họ. Vì vậy, người bị áp bức, nhóm phản kháng phải cùng nhau giải mã, phải chất vấn cái ý nghĩa và sự thật nằm trong ngôn từ rồi vẽ ra con đường mới để thoát khỏi dòng tự sự tìm cách định sẵn.
Như đã đề cập trong phần I, các chất vấn sau đây rất quan trọng: Xử dụng phương thức bất bạo động để làm gì, trong bối cảnh nào và mang đến kết quả như thế nào, và có lợi/hại cho ai là một vấn đề là một vấn đề lớn và phức tạp.
ĐÁM ĐÔNG NHÂN CHỨNG
Ngoài bạo quyền và đám ăn theo—từ trí thức dù chém gió (trong tự mãn hay không) cho đến lũ công sai biểu trương bạo lực là chuyện bình thường—diễn luận này khi sử dụng thành công cũng có lợi cho đám đông thầm lặng (tất cả chúng ta) trong khi chứng kiến bạo hành.
Trước khi đề cập đến thành phần đám đông nhân chứng thầm lặng thường bị chê là “vô cảm”, tưởng cũng nên nêu danh hành động của kẻ/nhóm khác có thể giúp cho bạo lực bất công được tiếp diễn. Đó là:
- Kẻ/nhóm tuyên bố là thành phần trung lập trong bàn cờ chính trị tầm quốc gia hay quốc tế?
- Kẻ/nhóm thường tự hào là ta ôn hòa và kêu gọi không “cực đoan” trong đối kháng với bạo hành bạo quyền?
- Kẻ/nhóm hay lên tiếng và chỉ nhập cuộc sau khi bàn cờ đã chuyển, sau khi máu đã đổ thành sông và xương khô phủ khắp ruộng đồng?
Ngoài kẻ/nhóm trong cả hai tầng quốc gia và xuyên quốc gia trên, đám đông nhân chứng thầm lặng như chúng ta là một lực lượng đáng kể. Tất cả chúng ta một khi im lặng không lên tiếng hay can thiệp khi chứng kiến trực tiếp hay gián tiếp thì đã tự mình đồng lõa.
Hiện tượng đám đông trở thành nhân chứng thụ động và bản chất “vô cảm” của nó là một vấn đề rất hệ trọng nhưng thường bị bỏ quên không ai đề cập đến. Blogger Huỳnh Trọng Hiếu mới đây đã kể lại:
Cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh chóng và lực lượng công quyền trấn áp người đi biểu tình: “Khi chúng tôi hô “đả đảo TQ xâm lược” khoảng được 10 – 20 phút [thời gian tôi ước lượng] thì cơ quan công an đưa loa phát thanh yêu cầu mọi người giải tán, nếu không sẽ bị trấn áp. Một số bạn trẻ lo lắng đã tách ra khỏi đoàn và đứng qua một bên. Một số người còn lại – những người chấp nhận bị bắt cùng đứng chung lại với nhau hô “đả đảo TQ xâm lược VN”. Sau đó, lực lượng công an vây chúng tôi lại trong 1 khu vực có vỉa hè rất rộng, không cho chúng tôi thoát ra ngoài để trấn áp chúng tôi. Những người nào đưa khẩu hiệu “trả tự do cho người yêu nước” bị đánh rất nghiệt ngã. Một bạn trẻ người Chăm, đang theo học ngành bác sĩ, giương khẩu hiệu có lá cờ ba sọc đỏ thì ngay lập tức cơ quan công an tấn công và đánh anh ta rất dữ dội.
Trách nhiệm của đám đông nhân chứng thầm lặng khi chưa thể vượt qua thái độ bình chân như vại hay nỗi sợ hãi để cùng nhau tạo sức mạnh đám đông để can thiệp trong lúc bạo hành xảy ra là một vấn đề rất hệ trọng cần bàn luận sâu.
Như có trình bày ở phần I, đám đông thầm lặng tuân theo lề thói vì thói quen, sợ bị trừng phạt, không có tự tin, nghĩa vụ “đạo đức” vạch ra rạch ròi bởi diễn luận, lợi ích cá nhân, đứng về phía phe thống trị vì tự nhận cùng thể loại, và vì sự thờ ơ vô cảm.
Đám đông nhân chứng thầm lặng sau nhiều năm tháng vì bị nhồi sọ bởi ý thức hệ CS dần dần bằng lòng tự nguyện chấp nhận các diễn luận tuyên truyền “ổn định để phát triển” đất nước là chính đáng! Tư tưởng họ bị thuần phục trong tình nguyện và không hề có cưỡng chế. Từ đó, cùng với nỗi sợ hãi bạo lực, họ trở thành lú lẫn lãng quên để nhận ra đâu là hiện thực và chỉ tập trung mưu cầu sinh tồn và dục vọng. Đến lúc đó thì “không cần biết, không cần bàn, không cần kiểm tra” hay theo đạo ba không: “không thấy, không nghe, không biết”. Đây là dấu hiệu dốt nát thuộc về tròng diễn luận đã đề cập trong phần I của bài viết.
Điều lý tưởng (chẳng hạn như qua thiết bị hùng biện cổ võ cho diễn luận “bất bạo động”) và tình hình hiện thực (không có tương quan quyền lực giữa cường quyền và người dân cũng như hiện tượng đám đông nhân chứng thụ động) là hai điều hoàn toàn khác nhau.
Tiếc thay trong tuyên truyền thì các nhóm trí thức và các nhà bất đồng chính kiến (song song với các tính toán của bè lũ đầu cơ chính trị) đã và đang xử dụng ngôn ngữ mỹ miều để biến “lý tưởng” và “hiện thực” thành một. Khi hai trở thành một thì chúng ta (chứng nhân đám đông thầm lặng) quên đi bản chất hiện thực là cái gì.
Đó là lý do ta thấy chỉ có dân oan và các thành phần không tên tuổi và không có địa vị hay thế lực bị đánh đập bạo hành. Những ông bà trí thức với các đặc quyền xã hội (vì nằm trong phe nghiêng ngả) và cả đặc quyền hèn sợ thường có bị bắt hay bị đánh đập đâu?
Điều khác biệt khi so với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vào năm 2011 là những nhà trí thức hay hoạt động dân chủ (dù chỉ trên mạng và dù có được mệnh danh là chém gió hay không) không là mục tiêu của trấn áp bạo hành trong ngày 18/5/2014.
Quay ngược về lịch sử ta sẽ thấy mục sư Martin Luther King biết rất rõ thủ thuật của hành động bất bạo động trực diện có tiềm tàng một nghịch lý. Mặc dù ông tin rằng bạo lực là vô đạo đức, các phương pháp bất bạo động của ông chỉ có thể thành công khi nó có thể kích động được bạo lực từ những người đàn áp. Ông và các cộng sự lúc nào cũng hy vọng đạt được mục đích của mình mà không thành nạn nhân của bạo lực. [v]
Tương tự như thế, những nhà hoạt động dân chủ trong (hay ngoài VN) đã không (thể) có mặt trong các cuộc xuống đường đó. Có người còn cho rằng họ không xuống đường vì không muốn “là con tốt thí” để mắc mưu cộng sản VN. Điều này cho thấy hậu quả của một phản ứng ngược. Khi đất nước đến hồi lâm nguy người xuống đường “ôn hòa” đã thí mạng và bị bắt cóc mất tích không phải là những vị đấu tranh tiên phong.
Ai trong chúng ta mà không biết trường hợp anh sinh viên người Chăm tên là Lâm Vanda—người mang một biểu ngữ biểu dương cờ vàng VNCH bên cạnh cờ đỏ và cờ Hoa Kỳ để kêu gọi đoàn kết (được các phóng viên và các nhà dân chủ gọi là “ôn hòa”) đã bị đánh đập dã man trong cuộc biểu tình ngày 18/5/2014 và cho đến nay vẫn không có tin tức. Sau cuộc biểu tình thì nhiều blogger chẳng hạn như Trung Nghĩa, Lô Đề VN, v.v… bị bắt biệt tăm ít nhất là vài ngày. Nhiều người thậm chí bị bắt cóc mất tích trước cả cuộc biểu tình ngày 18/5 ví dụ như các blogger Lê thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung—những người vừa bị công an Đồng Nai khởi tố theo điều 258 Bộ luật Hình sự.
Hiện tượng các đối thủ (chính trị, trí thức, hay chỉ là phó thường dân yêu nước yêu tự do dân chủ) bị bắt cóc mất tích thường là một phương cách để chế độ tạo trong quần chúng một cảm giác đồng lõa dù là trong vô thức. Đây là chước tạo nhiều thử thách khó lường trong việc công khai chống chính phủ một khi các vụ bắt cóc giết người có thể dẫn đến một cuộc “tự huyễn hoặc” tập thể rằng mọi chuyện đều bình thường (everything is normal?), như nó đã thực hiện tại Nam Mỹ–nhất là tại Argentina, Chile.
Đây là một thử thách đáng kể cho các phương pháp mà Gandhi đề xướng trong việc áp dụng ở những quốc gia mà đối thủ của chế độ bị bắt cóc mất tích giữa khuya, không bao giờ được nghe hay biết đến nữa. Nếu không có tự do báo chí và quyền hội họp người ta không thể thu hút các ý kiến bên ngoài hay giúp cho một phong trào quần chúng được hình thành.
Việc chọn vị trí ôn hòa hay trung lập là không thể có được. Như đã trình bày ở trên, vị trí “ôn hòa” chỉ có thể làm lợi cho phe thống trị mà thôi.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta sợ hãi loại bạo lực nào nhất? Bạo lực của bè lũ tập đoàn thống trị hoặc “bạo động” (hay thật ra là “tự vệ”) của kẻ bị trị và bị bạo hành? Trả lời được câu hỏi đó là đã xác định phe nào ta sẽ chọn để nhập cuộc.
________________
CHÚ THÍCH
[i] Cornel West, Lecture on “Race, Injustice” at Cornell University, April 2006. [Nguyên văn: “Bold speech, frank, honest – even if you have to pay a price. The last thing one wants to see [is] people who are well adjusted to injustice”.]
[ii] Pelton, L. (1974). The psychology of non-violence. New York, NY: Pergamon.
[iii] Galtung, J. (1989). Nonviolence and Israel/Palestine. Honolulu, HI: University of Hawaii Press.
[iv] Bisticas-Cocoves, M. (1998). Listening to Anger. Non-violent Activist, September-October, 9.
[v] King, M.L. (1963, 1964) Why We Can’t Wait. New York, NY:Harper & Row.
Lewis, D.L. (1978, 2nd Ed.) King: A Biography. Urbana, IL: University of Illinois Press.
Oates, S.B. (1982) Let the Trumpet Sound: The Life of Martin Luther King, Jr. New York, NY:Harper & Row.
___________
BẤT BẠO ĐỘNG: TRÒNG DIỄN LUẬN?