vietsoul21

Posts Tagged ‘Phan Bội Châu’

Phan Bội Châu – “Ái quốc giả”

In Lịch Sử, Liên Kết, Văn Hóa on 2013/10/14 at 15:43

Chứng bệnh hay giả dối là chứng bệnh chung của người nước ta, mà ở trong chứng bệnh đó lại có một chứng đặc biệt là chứng ái quốc giả. Gần mấy năm nay, cuộc Âu châu cũ vừa xong mà cuộc “thế giới đại chiến” mới đã toan gây rối, chủ nghĩa quốc gia toan bành trướng đến cực điểm. Người nước ta bây giờ ngoài thì bị làn song thế giới xô đẩy mà ngủ không thể nào yên; trong thì bị dây sắt cường quyền trói đau, mà sống không thể nào khỏe. Lúc bấy giờ những thiếu niên với phường mới học, cho đến những người ngủ say quá độ, mới đánh thột ở trong giấc chiêm bao, thấy con em mà đau đớn cho kiếp ngựa thân trâu, trông non song mà ngậm ngùi những mây sầu gió thảm.

Tiếng hai chữ “Ái quốc” mới vẳng bên tai người ta, hồn ái quốc tuy còn dở tình dở say, mà bóng “Ái quốc” nửa mờ nửa tỏ; nào là đám truy điệu, nào là tiệc hoan nghênh, nào là kỉ niệm anh hùng, nào là sùng bái chí sĩ, chuông dồn trống giục, nam hát bắc hò, xem ở trong một đám lúc nhúc lao nhao, cũng đã có mấy phần người biết quyền mất nước, biết quyền nước đã mất thì tính mạng không còn, biết hồn nước có về thì giang sơn mới sống. Ngòi bút ái quốc cũng đã có một đôi kẻ múa men, tên tờ giấy nhật trình cũng đã tỏ vẻ một vài câu thương nòi thương nước.

Nên những tấm lòng ái quốc đó mà thật thà chắc chắn, thì giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, chẳng hạnh phúc lắm sao? Nhưng tội tình thay! Khốn khó thay! Người ưu thời mẫn thế chẳng bao nhiêu mà người rao danh thì đầy đường chật ngõ, giọt nước mắt khóc nước vẫn đêm ngày chan chứa, mà xem cho kĩ thì rặt là nước mắt gừng, tiếng chuông trống kêu hồn vẫn trong ngoài gióng giả mà nghe cho tới nơi, thi rặt là chuông trống trò hội, ngoài miệng thì ái quốc mà trong bụng vẫn là ái kim khánh mề đay, khi trước mặt người vẫn ái quốc, mà đến lúc đêm khuya thanh vắng thì tính toan những việc chó săn chim mồi.

Chao ôi! Trời ôi! Ái quốc gì! Ái quốc thế ru?

Treo mặt nạ ái quốc để phỉnh chúng lừa đời, một mặt thời mua chuốc lấy tiếng chí sĩ nhân dân, một mặt thì ôm chặt lốt ông Tham bà Đốc.

Ôi các anh em! Ôi các chị em! Người Âu châu, Nhật Bản, ai ái quốc như thế! Ái quốc như thế thà không ai quốc còn hơn: Trá vàng mặt ngoài, làm tai mắt cho những kẻ chuộng vàng, xức mặt đầu môi, làm khổ cực cho những người say mật; vì đá vũ phu mà oan đến ngọc; vì tròng mắt cá mà họa đến châu.

Ôi chứng bệnh quốc gia giả kia, chết nước, chết nòi vì chứng bệnh đó, chứng bệnh đó nếu không trừ khỏi, 25 triệu dân ta chắc chôn sống rày mai. Tôi ngồi sâu, nghĩ lặng, khấn nguyện chín phương trời, ước ao thần hộ Phật phù, cứu khổ, cứu nạn gấp cho tôi vị thuốc để chữa chứng bệnh đó cho người ta, mới được vị thuốc này là “BỤNG NHIỆT THÀNH”

Bụng nhiệt thành đó là gốc ở một tấm lòng đỏ của loài người. Khi mẹ mới hoài thai, thì đã đúc sẵn một hòn máu nóng, đến khi sinh thành trưởng đại, thì hòn máu đó càng nuôi nấng càng lớn lao, càng nấu nung càng tươi thắm; giọt máu đó xối vào sắt, sắt phải tan, giọt máu đó rưới vào ma, ma phải tránh. Người Nhật Bản có câu rằng: “Tinh thành sở chí kim thạch năng khai” nghĩa là tinh thành đã tới nơi dầu đá vàng cũng không nức nở. Ông Khổng Tử có câu rằng: “Thất phu bất khả đạt chí” nghĩa là chí vững bền của một người không ai cướp được. Những câu nói đó đều là vẽ cả nét nhiệt thành người ta; có đầy đủ một tấm nhiệt thành mới trọn vẹn mười phần ái quốc, thành mà không nhiệt thì kém phần nóng sốt, nhiệt mà không thành thì kém sức vững bền, mà cái nhiệt đó dễ lạnh, đã thành lại nhiệt, đã nhiệt lại thành, thời thần quỉ phải kinh, mưa gió chông gai cũng phải dẹp, chỉ có ai sợ ta, mà ta không sợ ai, chỉ có ai ỷ lại vào ta mà ta không ỷ lại vào ai.

Đã biết nước là mẹ, thì dầu hi sinh ta với nước mà ta không quản, trong óc chỉ có nước, ngoài việc nước ta không màng gì lợi, ta không thiết gì danh, nhiệt thành thế này mới là ai quốc, ái quốc thế này mới hay cứu quốc.

Ruột tằm máu quốc thề sống thác với non song, dạ sắt lòng son chẳng lụi sờn vì mưa nắng, nhiệt thành như vậy người ta có khó gì tự lập đâu, vậy nên trong bài tự lập lại cần thứ nhất vị thuốc này:

“BỤNG NHIỆT THÀNH” mười phân luyện chín

———————————————————————————————

Tác giả Phan Bội Châu
Trích đăng từ tập Luân Lý Vấn Đáp – chương 10 Cao Đẳng Quốc Dân
Tập 7 Phan Bội Châu Toàn Tập

Cùng đọc lại “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” của Phan Bội Châu.

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/14 at 15:17

 

Cụ Phan Bội Châu viết “Lưu Cầu huyết lệ tân thư” cách đây hơn trăm năm nhưng giờ đọc lại những dòng này những ai còn có chút trí tuệ, lương tâm không khỏi chau mày, rơi lệ.

Lưu Cầu huyết lệ tân thư

(Bức thư viết bằng máu và nước mắt từ đảo Lưu Cầu mới gửi về).

Theo học thuyết của Quảng Trọng, nước có bốn “Duy” (bốn mối lớn). Nói ngược lại thì quốc duy tức là duy quốc (giữ nước). Giữ nước trước hết là giữ quốc thể. Nhưng giữ quốc thể ngày nay thật cũng khó giữ lắm. Vì sao? Quyền bính của nước ta là ở quan lại, nhân dân, tài sản. Nước có quan lại, tức là vị đứng đầu nước (nguyên thủ) có tay chân. Quan lại có nhân dân cũng như tay chân có ngón có đốt. Còn tài sản là huyết mạch của nước, huyết  mạch phải lưu thông trong tay chân ngón đốt, không thể một khắc gián đoạn. Thế mà quan lại ngày nay không phải tự ta truất trắc được. Tài sản ngày nay không phải tự ta vận dụng được. Đại thế sụp đổ khó lòng cứu vãn. Mọi việc đều bị xâm lăng lấn át, ngày càng thêm nặng, dầu muốn vớt vát cũng khó khăn muôn phần.

Nhưng nghĩ cho kỹ thì vẫn có cách làm được. Câu Tiễn đã từng mất nước, vẫn lấy việc thờ Ngô mà diệt Ngô. Nhật Bản là nước nhỏ hèn, vẫn lấy việc chịu lún Anh mà chống Anh. Lão tử nói: “Muốn thu lại, cần trương ra, muốn lấy được cần cho trước”. Binh thư Tá thiên nói: “Mình không đương được, mượn tay người khác, chẳng cần tự mình làm mà vẫn được việc”. Hợp hai thuyết ấy không phải không có cách làm.

Từ ngày nước mất đến nay, sự thế đổi khác, thực là tôi tớ mà danh là chủ nhân. Nói về cục thế, thì là một sự kỳ lạ, từ xưa chưa hề xảy ra. Nói về biến đổi, thì là một điều hổ nhục, từ xưa chưa hề mắc phải. Bọn chúng làm con hổ, nhỏ nước bọt thèm thuồng, người mình làm con cá, vẩy đuôi trốn lui. Động có yêu cầu việc gì thì cho là tốn kém hàng vạn. Bớt điều chúng thích, tiêu việc ta cần, chúng có vui đâu. Sở dĩ chúng còn để ta sống là vì chúng không dám giết chết đó thôi. Bên ngoài để che tai mắt nước khác, bên trong để lừa nhân dân nước ta. Chúng tạm cho ta cái danh giả để chúng giành lấy cái lợi thực.

Nay ta may còn được như thế này thì cũng nên lo tính việc giữ nước (duy quốc), dầu mất bò rồi mới sửa chuồng cũng chưa phải là muộn. Chúng ta nên mưu kín nghĩ xa, rán sức nhọc lòng, ngoài thì cố làm cái việc Câu Tiễn thờ Ngô, trong thì nuôi cái mưu Nhật Bản chịu lún Anh. Khi chưa sinh sự thì phải tự nhún mình nén khí để mua chuộc lòng chúng, phải qua lại thân mật để che tai mắt chúng, tìm trăm cách để lừa dối chúng, hễ chưa nuốt được gan chúng là chưa thôi. Khi đã sinh sự thì viện công pháp quốc tế mà yêu cầu, viện luật lệ nước ta mà tranh chấp, cả trăm miệng đều bẻ lại chúng, hễ chưa chặn được mưu chúng là chưa thôi. Lấy trí khôn và giúp khí mạnh thì dầu phải nhẫn nhục đến đâu cũng nấn ná mà làm; lấy khí mạnh mà đỡ trí khôn thì dầu biện biễn lễ có găng cũng mạnh dạn mà nói. Chúng thấy ta rất đỗi quyết lòng thì cũng phải chiều lòng; chúng thấy ta quả quyết giành thế thì chúng cũng phải nhượng thế. Lòng quyết được thì quyền bính mặc nhiên chuyển về ta, chúng không thể ngăn cản, thế giành được thì quyền bính hiển nhiên trả lại ta, chúng không dám lừa dối. Vua tôi đồng lòng, trăm người một bụng, dầu chúng ngoan cố cũng phải thua ta.

Quyền bính thu về dần thì quan lại lại là quan lại của ta, nhân dân là nhân dân của ta. Do đó, tài sản cũng không thể không phải là tài sản của ta. Rồi thì ta giảm bớt những thứ phù phí vô ích để tiêu vào việc cần kíp; bỏ bớt nhưng hư phí vô dụng để làm những việc thực dụng. Học thuật đổi được thì ta đổi dần, nhân dân nuôi được thì ta nuôi dần, dân khí chấn được thì ta chấn dần. Làm được ba điều ấy, tức là giữ được quốc thể đó vậy.

Trong ba điều nói trên thì chấn dân khí là trước hết. Nhân tài từ nhân dân mà ra, dân khí chấn rồi thì mới nuôi nhân tài được. Học thuật cốt nhân dân noi theo, dân khí chấn rồi học thuật mới đổi được. Sao lại nói đổi học thuật tất phải chấn dân khí đã? Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ. Trước kia sống bình thường đã lâu. Khiếp sợ quen thói, nghe và thấy chật hẹp, tai như điếc, mắt dường mù. Người dưới phải làm điều đê tiện mà không biết hổ, phải chịu sự ô nhục mà không biết thẹn. Người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân, dẫu có những người thông minh cũng phải chiều theo tập thượng. Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như sấm sét, thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như thấy tuyết và mặt trời (2). Cái tệ ấy buổi đầu là do tính nhu nhược, theo mãi, hóa ngu hèn đến nỗi có tay chân mà không biết làm lụng, có tài sản mà không biết trao đổi, có miệng lưỡi mà không biết trình bày, có núi bể mà không biết vượt bơi, có khoáng sản àm không biết dò lấy, có máy móc mà không biết cho chạy. Thậm chí thấy nhục vua cha mà không biết căm tức, thấy ngoại nhân mắng nhiếc, lừa đùa mà vẫn bằng chân như vại, ngu thật là ngu!

Gần đây phong hội ngày mở mang, thời cuộc ngày thay đổi, gặp cảnh đau lòng khổ tứ mà vẫn không bổ ích cho nỗi thua kém của mình. Các nước Thái tây đâu có hạng người gỗ đá như thế! U mê gàn dở, không chút căm giận, sao mà hèn nhát sút kém đến thế! Phỏng khiến thoắt chốc thay đổi học thuật lập ra qui chế mới thì không khỏi làm cho họ khiếp thấy ngại nghe, sinh ra nhiên nhiễu. Mở mang trí tuệ, họ cho là hiếu kỳ, sửa đổi cho hợp thời, họ cho là trái cổ. Bọn giàu có tài giỏi đã không muốn làm thì những người nghèo dốt trông cậy sao được. Cho nên nói rằng dân khí chưa chấn thì học thuật khó lòng sử đổi.

Muốn chấn dân khí  phải làm thế nào? Cốt yếu là phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ lòng liêm sỉ, bớt lệnh áp bức để cổ võ khi cương cường. Hiện nay thói tốt đã mất, việc hối lộ công hành. Lúc đầu chỉ mới mon men lén lút, dần dần thần tiền trở nên vững mạnh, muốn thêm một cấp là được một cấp, muốn thăng một bậc là được một bậc, đồng bạc ném vào, luật nào cũng phá. Cho đến khoa mục là việc to lớn như trời mà người ta cũng dùng tiền chạy chọt, không chút kiêng dè. Người ta chỉ chú trọng việc làm quan và thi đậu, nhờ bất liêm mà được thì còn biết xấu hổ là gì nữa! Huống hồ người dầu non nớt đã có tiền làm cho thành giỏi giang, người dầu dốt kém đã có tiền làm cho thành thông thạo, như thế cần gì phải chịu khó học để cố gắng tiến lên! Con đường hối lộ chưa chặn hẳn thì dân khí không sao chấn được.

Các nước Thái tây cho dân có quyền tự do, người trên có lỗi, dân được phép bắt lỗi, người trên chống dân thì dân được chống lại. Các vua thời trước muốn cùng dân tính việc. Sách Chu Lễ nói: “Hỏi khắp muôn dân” là có ý muốn khuyến khích lòng trung dũng của nhân dân, thấu hiểu việc lớn nhỏ trong thôn xóm. Quan dân như nhau thì dân cần gì phải luồn cúi. Ngày nay giữa quan và dân xa cách như trời với đất. Người bình dân thấy bọn lại thuộc hơn thấy hùm sói, người bách tính đến chốn nha môn khiếp sợ hơn cả con rệp ở khe giường, dầu có oan uổng cũng không chỗ kêu van. Nếu có vài người cứng cổ thì khác nào dùng cái “mâu” đâm vào cái “thuẫn”, thu được cái khí một chút thì mất ngay cái liêm, như thế muốn dân không tự ti sao được! Ôi! Núi sông chưa đổi, quỉ thần còn thiêng, nếu biết đồng bào là ruột thịt thì sao nỡ không thu hút họ để họ phải chạy tới kêu xin nơi cửa người ngoài, khác nào tự ta đuổi cá về vực sâu, sao mà khờ dại đến thế! Nay nên thành thực mở lối kêu van, dứt đường cầu cạnh, thắt chặt tình trên dưới, mở rộng đường thẳng ngay, làm cho công luận vững như sắt đá, chính lý sáng từ cổ kim, búa rìu không uy hiếp nổi, uy quyền không đe dọa được. Quan dưới như thế, quan trên tất phải theo. Quan trên như thế, người ngoài tất phải chiều. Lẽ phải rõ rệt, không ai mạnh ai hèn, dân chúng lâu ngày sẽ cho là thường, dẫu muốn bắt họ quì lụy luồn cúi cũng không thể được…

Còn muốn thay đổi đầy đủ hơn nữa thì phải dùng những ký thuật: Thuật thứ nhất là mở mang công dịch. Xét ra dân ta mà trí khéo không nẩy nở ra được, nào có phải bản chất họ không thông minh đâu, chẳng qua chỉ vì cái khí ươn hèn lười biếng. Hiện nay cầu sắt, đường sắt và các sở nhà máy có thể thuê dân làm. Nếu quả muốn mở mang công dịch thì nên trả công thuê khá cao để người nghèo đói được nhờ. Nghiêm mệnh lệnh làm công, rộng điều lệ làm công, bắt bọn nhà giàu cũng phải làm, không được trốn tránh. Lại cần nghiêm sức những người thừa hành phải lấy công tâm mà làm việc, không được ăn bớt tiền thuê nhân công bỏ túi cho đầy, không được viện lệ vu vơ câu nệ mà làm khó dễ. Có thế thì người nghèo tập quen thói cần cù và người giàu cũng sinh lòng phẫn nộ. Tập cần cù thì khí được luyện, sinh phẫn nộ thì khí được trương. Đã luyện và trương tất không chịu lún người khác.

Kỹ thuật thứ hai là nắn sửa cái hại của phép đánh thuế. Thuế nào có hại cho dân nghèo thì giảm và giảm thêm mãi. Như các loại chè, muối, cá, rau, dân nghèo không có đủ thì đánh thuế nhẹ để đỡ sức dân. Thuế nào có hại cho nhà giàu thì tăng lên và tăng thêm mãi. Như các loại nha phiến, lò rượu,  vốn đặt lãi, nhà cho thuê, chỉ nhà giàu mới có, thu thuế nặng tất họ phải oán, mà họ oán thì qui lỗi cho người ngoài (tức thực dân thống trị) và gợi lên lời chê phiền nhiễu độc ác. Đỡ sức dân thì có lợi cho ta và do đó dân quen theo ta. Gợi lời chê (người ngoài) thì có thiện cảm với ta và do đó ta được thêm thuận lợi.

Những kỹ thuật nói trên là nhằm mục đích mượn tay người ngoài làm để ta thu kết quả. Bọn người ngoài chỉ cầu lợi. Dân nghèo muốn thu ít thì bớt thu, nhà giàu ghét thu nhiều thì tăng thu, chúng nghe lấy làm thích mà ta thì đạt được cái trí. Việc gây thù oán của bọn phú hào, việc luyện khả năng cho đám dân nghèo ấy là một cách thừa cơ mà lợi dụng, chắc chắn làm được. Các thày thuốc thường nói: “Khai thông cái muốn thông, ủng tắc cái muốn tắc” ấy là thượng sách.

Như thế là chấn được dân khí, mà dân khí có chấn thì mới tuyển được những người tài giỏi để dạy cho họ cái học hữu dụng và bỏ cái học hư văn, vẫn tôn trọng cái tốt của sách thánh hiền phải phụ thêm việc học học của Thái tây. Việc thi cử lập qui chế mới, chứ không thi văn suông. Việc chọn nhân tài thì nghiêm phòng cái lối chạy ngoài mà không câu nệ lời khen tục sáo. Học thuật đã tiến thì bỏ bớt thường lệ để bạt dụng những người tài năng ở miền thảo dã, phớt qua cấm lệ để thu hút những người kỳ tài ở nơi núi rừng. Cấp học bổng xuất dương du học thật hậu để giúp thành công; tìm tài ngoại giao cho tinh để khuyên cố gắng. Như thế là nhân tài được nuôi dưỡng. Những người nay đang ở thấp là nhân tài tương lai, những người nay đã lên cao là nhân tài hiện tại. Nhờ có họ giúp sức thì mới thực hiện được những điều nói trên.

Trong khoảng trời xanh bát ngát, bể thẳm mênh mông (tức là trong nước), chắc chắn cũng có những người gánh được cái việc tối đại của nghìn muôn đời, lập nên được cái công tối gian khổ của nghìn muôn năm và đương lấy được cái nhục tối hiếm tối lạ của nghìn muôn thuở. Có được những người ấy thì quyền bính sẽ thu về được, quan lại sẽ truất trắc được dân dân sẽ sử linh được, tài sản sẽ vận dụng được. Lúc bấy giờ, muốn chấn dân khí thì dân khí ngày càng cao vọt, muốn nuôi nhân tài thì nhân tài ngày càng thịnh đạt. Cái thành công của Câu Tiễn, Nhật Bản chỉ ngẩng đầu mà đợi. Nhờ vậy có thể nói chắc rằng, huyết mạch sẽ đầy đủ, tay chân ngón đốt sẽ béo mập và vị đứng đầu nước sẽ vững vàng như núi Thái Sơn. Bằng không làm theo lời bàn trên thì chẳng khác đem cho nhà người ngoài cư trú, làm tôi tớ cho người ngoài sai khiến, hiến tài sản cho người ngoài tiêu dùng, hơn thế nữa, đem thê thiếp và con gái cho người ngoài làm vợ, còn trách gì được ai! Còn trách gì được ai!…

(1903)

Lê Thước dịch

Nguồn: blog thôn Sấu

Đông Hải Long Vương: ĐCSVN đã lâm trọng bệnh – Quá trình chuyển dạ của dân tộc chăng ?

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/12/31 at 11:10

Vào sáng ngày mồng 5/6/2012, sau đúng 1 năm nổ ra phong trào biểu tình yêu nước tại Hà Nội và Sài Gòn, tại Hà Nội có khoảng 30 anh chị em đã tụ tập giao lưu, hàn huyên tại một quán cafe cạnh tượng đài cảm tử. Phần lớn những người đã từng đi biểu tình có cuộc sống rất bình thường. Tuy ở các môi trường, hoàn cảnh khác nhau nhưng họ có một đặc điểm chung là cùng thao thức đến tiền đồ của dân tộc trong khi ở thời điểm đó (2011) trở về trước chính quyền cố tình bưng bít thông tin về biển đảo, biên giới, lãnh thổ và tìm mọi cách ngăn chặn, tiêu diệt các cuộc biểu tình cũng như sự gắn kết của họ sau biểu tình.

Trong một khung cảnh trái ngược cũng vào sáng hôm đó, nghe giang hồ đồn đại tại một buổi sinh hoạt đảng bộ X của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) (*) trong cơ quan Y trên địa bàn Z, đồng chí báo cáo viên cấp trên đã phát biểu công khai “Đảng đã lâm trọng bệnh” và thú nhận “đây là lúc chúng ta phải nói thật với nhau“.


Một số anh chị em từng tham gia biểu tình chụp ảnh lưu niệm. Ảnh : Facebook.com

Nếu quả thật “Đảng đã lâm trọng bệnh” thì xưa nay những tâm thư, tố cáo, kiến nghị của những trí thức và cựu cán bộ/tướng lãnh của chế độ từng gửi Ban Bí Thư, BCT mong muốn ĐCSVN phải chỉnh đốn đề tồn tại nhằm giúp dân, giúp nước coi như nước đổ lá khoai. Cách đây 2 năm, cũng trên tinh thần “ăn cây nào rào cây ấy“, tuy chỉ là thân phận bọt bèo của người công nhân cũng muốn cho đảng của mình tồn tại nên tôi cũng mạo muội viết vài dòng cho tổ chức đảng cơ sở:

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (đảng viên tự diễn biến)

Thiết nghĩ bao năm qua những góp ý của những tên tuổi lớn như đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố trung tướng Trần Độ, rồi gần đây là cựu thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và nhiều cựu tướng lãnh/cán bộ trung-cao cấp khác chẳng có tác động gì đối với những kẻ cầm quyền, thao túng trong Quốc Hội, Chính Phủ, ĐCSVN (3 trong 1) thì những tiếng nói đơn lẻ trong số 3,6 triệu đảng viên của ĐCSVN, các nhân sĩ-trí thức độc lập, Hội-Đoàn-Đảng trái luật CHXHCNVN và nhân dân nói chung chỉ là rơm rác, cỏ dại mà thôi.

Lúc này tôi nghĩ toàn ĐCSVN, toàn dân, toàn quân không nên mất thời gian và làm khổ nhau vào những việc hô hào kêu gọi chỉnh đốn Đảng, học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM, chống tham nhũng nhằm củng cố suốt đời quyền lãnh đạo của ĐCSVN mà sâu xa và bản chất phũ phàng để giữ độc quyền thao túng quyền lợi, vận mệnh dân tộc của chỉ một vài kẻ/nhóm thiểu số chóp bu cậy mình công thần nhưng đầy bảo thủ và lạc hậu.

Và lúc này tôi nghĩ người Việt (ngoài ĐCSVN) quan tâm đến chính trị không nên phân biệt, đố kị, hận thù, nghi ngờ giữa đại bộ phận đảng viên thường với nhân dân Việt Nam. Những người đảng viên này cũng bị đè nén, lừa đảo, nhồi sọ không khác gì dân thường. Thân phận của họ còn khốn khố hơn vì họ phải cam chịu mà không dám nói lên lời, họ rất sợ viết blog, phát biểu công khai, viết thư ngỏ/kiến nghị dễ bị kiểm điểm cao hơn là quy chụp phản Đảng, nâng cao quan điểm là phản Quốc vào những tội danh rất mơ hồ của luật pháp nước CHXHCNVN.

Nhưng lúc này tôi nghĩ đến những trí thức lớn; các nhà quản lý kinh tế, luật sư tài ba, giáo dục vĩ mô, quí vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo… đặc biệt là những sỹ quan trung-cao cấp trong quân đội ở các quân khu-binh chủng có lòng yêu nước nồng nàn, có một tư tưởng mong muốn nước Việt Nam hùng mạnh, ước mơ cải thiệt chất lượng sống của người dân cả về vật chất và tinh thần, cổ súy văn hóa cộng đồng Việt Nam được bảo tồn và phát triển rực rỡ hãy nghĩ đến vấn đề mấu chốt, dài hơi nhằm tác động ĐCSVN dần dần rời khỏi vũ đài chính trị với những công lao hiển hách chấn động địa cầu và cả những chấn thương gây ra cho dân tộc Việt Nam kể từ khi Nó ra đời năm 1930. Hi vọng một ngày nào đó những người đại diện này sẽ đứng trong một Quốc Hội mới với một bản Hiếp Pháp mới của một nước Việt Nam mới. Thiết tưởng chỉ riêng việc ĐCSVN dám bản lãnh rời khỏi vũ đài lịch sử thì đó sẽ là công trạng cực lớn và cũng là cuối cùng, tôi tin rằng nhân dân sẽ hồ hởi và trân trọng đón nhận.

ĐCSVN đã lâm trọng bệnh thì những vấn đề thuốc thang, chữa chạy chỉ nhằm câu giờ, kéo dài tuổi thọ mà thôi!

Nếu tinh tế chúng ta sẽ nhận thấy những biện pháp bắt bớ, gây khó dễ những người cất lên tiếng nói đấu tranh vì bất công trong xã hội, dùng kỹ thuật ngăn chặn người dân tiếp cận thông tin trên Internet, dùng chế tài ràng buộc trong nội bộ Đảng, gây nhiễu sóng trên hệ thống truyền thông bằng những tin tức sex-cướp-hiếp-chém gió, ru ngủ thanh niên bằng lối sống hưởng thụ với những chương trình giải trí rầm rộ như VietNam I-ỐT, got talent, thi hoa hậu-người mẫu…chỉ là những biện pháp xoa dịu tình thế cho một cơn chuyển dạ lớn của dân tộc.


Mẹ sẽ tròn con sẽ vuông nếu sản phụ được sự quan tâm tận tình của người thân và các bác sỹ. Ảnh : webtretho.com

Không biết thời gian chuyển dạ của dân tộc sẽ diễn ra vào lúc nào và trong bao lâu? Nhưng trước hay sau thì tôi vẫn chỉ là 1 người dân, 1 người lao động kiếm sống bình thường, tôi không và không thể có khả năng can dự vào những chuyển biến chính trị. Có chăng trong tôi giống như bao người khác chỉ là một tinh thần dân tộc mạnh mẽ được hun đúc qua gia đình, dòng họ và tổ tiên đã sống bao đời trên mảnh đất hình chữ S này. Tôi hi vọng và chân thành mong muốn cuộc chuyển dạ của dân tộc sẽ diễn ra êm thấm, tránh biến động lớn cả về đối ngoại lẫn đối nội cho dù ít nhiều sẽ mang lại nỗi buồn, hoài niệm cho thiểu số ai đó nhất là những thành phần cựu chiến binh/lão thành cách mạng đã từng nắm quyền bính trong tay trong một giai đoạn nhất định của biến động lịch sử đầy hào hùng nhưng cũng chứa chan nước mắt.

Cuộc chuyện dạ này cần phải có và tất yếu phải đến để dân tộc Việt Nam đứng dậy bước tới văn minh!

Tôi không mong muốn quá trình chuyển dạ sẽ gây ra cảnh nồi da xáo thịt, đẫm máu, cũng như tạo cơ hội cho những kẻ bất tài nhưng lắm tiền nhiều của do ăn cướp của nhân dân, suy nghĩ cục bộ địa phương nhảy lên cướp cái rồi lại sinh ra một vòng luẩn quẩn mới. Trong trường hợp xấu nhất đối với những kẻ chóp bu cầm quyền ngoan cố đi ngược lại trào lưu tiến bộ, nếu các anh em trong quân đội, công an cảm thấy khó xử vì lý do nào đó (tình nghĩa/quan hệ/tránh mang tiếng) thì đến lúc đó hãy bật đèn xanh và phát súng cho những người theo chủ nghĩa dân tộc, cấp khích như tôi sẵn sàng thế chấp mạng sống của mình để “Thế Thiên Hành Đạo“.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích 2 nội dung ngắn là Thập Đại Khoái & Lục Đại Nguyện trong tác phẩm Tân Việt Nam của cụ Phan Bội Châu viết cách đây trên 100 năm. Hi vọng những đảng viên của ĐCSVN còn chút lương tri, tình tự dân tộc nhưng đang còn do dự, e dè hãy can đảm từng bước dấn thân nhập cuộc.

Di ảnh cụ Phan Bội Châu (danlambao)

THẬP ĐẠI KHOÁI

– Không có cường quốc bảo hộ
– Không có bọn quan lại hại dân
– Không có người dân nào không được thỏa nguyện
– Không có người lính nào không được vinh dự
– Không có thuế xâu nào mà không bình đẳng
– Không có hình luật nào mà không công bằng
– Không có nền giáo dục nào là không hoàn thiện
– Không có nguồn địa lợi nào là không khai phá
– Không có ngành công nghệ nào mà không phát đạt
– Không có ngành thương nghiệp nào là không thịnh lợi

LỤC ĐẠI NGUYỆN

– Xin mọi người trong nước đều có chí tiến thủ mạo hiểm
– Xin mọi người trong nước đều có tinh thần thương mến, tin yêu nhau
– Xin mọi người trong nước đều có tư tưởng bước lên nền văn minh
– Xin mọi người trong nước đều có sự nghiệp thực hành yêu nước
– Xin mọi người trong nước đều có sự nghiệp thực hành công đức
– Xin mọi người trong nước đều có hy vọng về danh dự lợi ích

(*) Trong bài viết này nói riêng và blog nói chung rất hay có cụm từ viết tắt ĐCSVN, thay vì viết tắt là Đảng vì tôi muốn người đọc hiểu rằng ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay đang hoạt động đã từng có và sẽ có những đảng phái khác xuất hiện trên vũ đài chính trị, lịch sử.

Nguồn:  donghailongvuong