vietsoul21

Little Saigon: Phố nhà hay phố ma?

In Cộng Đồng, LittleSaigon - Seattle on 2008/07/04 at 14:09

Ghi chú:

Dưới đây là bức thư gởi đến những người đến dự cuộc họp ngày 29/6/2008 tại Providence Peter Claver House (khu phía sau Tammy Deli và nhà hàng Minh trên đường MLK) . Đây là một cuộc họp đã không được thông báo trên báo chí Việt trong cộng đồng. Người đến dự hôm ấy chỉ có ông Phạm Kim/Báo Người Việt Tây Bắc, ông Nguyễn Tấn Lai và ông Linh Vũ/Báo Phương Đông Times, và ông Tăng Phước Trọng/Hội CĐNVQG cùng Nguyễn Thế Anh (con của ông Nguyễn Thế Viên). Có nghĩa là lần đầu tiên hai tờ báo này cùng đến họp không đứng trong tư cách báo chí và hợp ý với nhau. Bà Phạm thị Như Ý (thuộc hội Cao Niên) cũng có đến dự với tư cách cá nhân.

Trong cuộc họp này, chúng tôi đã trình bày các tin tức rất quan trọng đã xẩy ra từ sau ngày 13 tháng 6–tức là đêm Sân Khấu Ngoài Trời–cho đến ngày hôm ấy. Mục đích cuộc họp là bàn luận về các giải pháp sau khi đưa ra các dữ kiện phức tạp liên quan đến Tiến Trình Phát Triển Đô Thị khu Little Saigon và những ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng Việt. Chúng tôi cũng đã liên lạc với Cơ Quan Dân Cư Khu (Department of Neighborhoods) để tìm hiểu hoạt động hỗ trợ của cơ quan này, và quyết định từ chối số tiền quá nhỏ lại đầy các điều kiện ràng buộc của họ trong việc tổ chức các buổi hội họp cho cộng đồng. Tự lực cánh sinh mà vẫn thực hiện công tác giúp cộng đồng Việt am tường vấn đề luôn là chuyện quan trọng đối với chúng tôi trong quá trình đấu tranh cho công bằng và bảo vệ cho Little Saigon Seattle.

Tuy nhiên, cuộc họp lại xoay quanh vấn đề ông Tăng Phước Trọng và Phạm Kim/Báo Người Việt Tây Bắc đưa ra và lần đầu tiên lại được sự tán thành của hai ông thuộc tờ Phương Đông Times. Ông Trọng muốn chúng tôi phải gia nhập hội của ông và khoe rằng hội ông có đến 70-80 người để hỗ trợ cho công việc bảo vệ Little Saigon mà chúng tôi quan tâm. Ông còn cho chúng tôi biết rằng ông bảo các thành viên nhóm của ông không nên tới họp để chờ ông nói chuyện và có sự thuận ý gia nhập hội ông ở phía chúng tôi. Dĩ nhiên là chúng tôi không hề trả lời dứt khoát là đồng ý.

Sau khi cuộc họp chấm dứt vào lúc 4 giờ chiều, ông Tăng Phước Trọng đã gọi điện thoại và mời chúng tôi ra quán Minh của bà Dung để gặp ông Võ Thành Đông, chủ nhiệm Báo Phương Đông Times, và hai ông Linh Vũ/Nguyễn Tấn Lai cũng như ông Phạm Kim/Báo Người Việt Tây Bắc. Trong cuộc gặp gỡ này, ông Võ Thành Đông đã cho biết về cuộc thăm viếng của Sơn Michael Phạm/hội Greater Seattle Vietnam Association và Quang Nguyễn/Phòng Thương Mại tại văn phòng của ông vào tháng 3 trước đó. Họ đã mời ông gia nhập vào hội đồng quản trị của Phòng Thương Mại, và mong ông Đông ủng hộ chuyện giao thương với chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Sơn Michael Phạm còn bảo với ông Võ Thành Đông là họ sẽ không là những người trực tiếp ra phi trường đón phái đoàn từ Việt Nam sang viếng thăm chính quyền địa phương vì các chống đối biểu tình của cộng đồng người Việt tại Seattle sẽ đương nhiên được tổ chức. Ông Đông cũng cho biết là ông vẫn còn lưu giữ các hình chụp cuộc gặp gỡ này. Ông Võ Thành Đông còn cho biết một số dự đoán của ông về mục đích Thái Nhật Lĩnh giữ chức hội trưởng hội tiểu thương trong khu MLK trong thời gian hiện tại. (Ghi chú: Vào ngày 2/9/2008, Thái Nhật Lĩnh đã từ chức chính thức ngay sau khi Phòng Thương Mại ký giao kèo với tập đoàn xây cất Ravenhurst)

Cũng cùng vào đêm ấy khi về đến nhà, ông Phạm Kim/Báo Người Việt Tây Bắc đã gọi điện thoại cho chúng tôi. Ông ta muốn ươm ý xem chúng tôi có thỏa thuận “đứng dưới trướng” của hội ông Tăng Phước Trọng hay không. Chúng tôi vẫn không trả lời câu hỏi này. Ông Phạm Kim còn bảo là từ đây trở đi ông sẽ trở lại “vai trò làm báo” và sẽ không tham dự trong tính cách tương tự như chiều nay.

Trong khi trên điện thoại với chúng tôi, ông Phạm Kim đã nhận một cú điện thoại của ông Kim Long mà chúng tôi nghe được từ đầu dây bên này. Ông Phạm Kim đã trả lời với ông Kim Long/Hội Thân Hữu là “chuyện sắp gần xong rồi, một chút tôi sẽ gọi lại.” Chúng tôi có hỏi ông Phạm Kim tại sao ông Kim Long thường không đến dự họp mà lại quan tâm đến kết quả cuộc họp. Ông Phạm Kim ầm ừ không trả lời trực tiếp câu hỏi này, và chỉ đáp bóng gió trên điện thoại rằng hội của ông Kim Long thì toàn thuê mướn những người “phản chiến”. Hơn thế nữa, sau ngày 29/6/2008, ông Trọng đã gọi thúc dục chúng tôi về việc ấn định ngày họp cộng đồng sắp tới dưới sự bảo trợ của hội ông ta. Ông cho hay đã đăng tải lời mời chính thức của CDNVTBWa và ông Phạm Kim/Báo NVTB đã cho lên trang nhất.

Sau những sự kiện đáng quan ngại này, chúng tôi đã quyết định thảo lá thư dưới đây và gởi đi vào ngày 4/7/2008, tức là vào ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ. Xin mời quý vị đọc để hiểu tại sao chúng tôi làm việc độc lập trong tư cách người dóng trống. Chúng tôi không có ý định bè phái cục bộ và luôn ủng hộ những công tác vì chuyện chung chính nghĩa, không trục lợi cho hội nhóm riêng hay làm vì danh vọng tiền bạc cá nhân.

Sau thư này và nhất là sau lá thư kiến nghị cho cơ quan DPD ngày 31/7/2008 được gởi đi thì chúng tôi bắt đầu đối diện với các từ chối không tham gia đoàn kết để bảo vệ Little Saigon. Một sự im lặng không bộc bạch giải thích của đại diện đa số các hội đoàn, nhất là những nhóm có lãnh tiền ngân quỹ hay bảo trợ và các nhóm luôn bề nổi hô hào họ tận tụy công sức cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Một trong các từ chối đầu tiên là từ vợ chồng ông bà Nguyễn Dương và Ngọc Yến–người tổ chức Trại hè Tây Bắc–cho dù ông Vũ Tuấn/Hội Cờ Vàng ở Olympia tiếp tục thúc dục trước và sau sinh hoạt trại hè. Trại hè này là cuộc họp mặt có già lẫn trẻ và được sự ủng hộ của hai tờ báo trên, hội Nhà Văn Hóa của ông Giáp Phúc Đạt, hội của ông Kim Long cũng như Thái Nhật Lĩnh/hội Vovinam.

Thư về cuộc họp ngày 26/9/2008

Thư gởi ông Phạm Kim/Báo Người Việt Tây Bắc, ông Võ Thành Đông & ông Nguyễn Tấn Lai/Báo Phương Đông Times, và ông Tăng Phước Trọng/Hội CĐNVQTTB và Nguyễn Thế Anh

Date: Fri, Jul 4, 2008 at 2:09 PM

Subject: Little Saigon: Phố nhà hay phố ma?

To: Nguyễn Tấn Lai, Tăng Phước Trọng, Võ Thành Đông, Phạm Kim/Người Việt Tây Bắc, Nguyễn Thế Anh

Kính gởi các chú:

Từ sau cuộc họp về chúng cháu suy nghĩ thêm nhiều, và cảm thấy không ổn trong việc quyết định đưa ra một cuộc họp nữa qua lời mời chính thức của CDNVTBWa cho dù chú Kim NVTB đã lên trang nhất và chú Trọng đã gọi thúc dục về việc ấn định ngày họp này.

Tụi cháu nghĩ rằng đây là chuyện nan giải của một vđ phức tạp. Nếu không rộng đường dư luận và suy nghĩ trong cảnh tỉnh thì chúng ta sẽ không đạt được kết quả tiên khởi như mong muốn thầm lặng của mọi người từ bao lâu nay: sự tham gia của nhiều đoàn thể, nhiều thành phần xã hội trong cộng đồng cho dù bất đồng chánh kiến và những điểm dị biệt khó tương đồng khác.

Dựa vào những suy nghĩ bàn bạc với nhau trong những ngày vừa qua, tụi cháu rút ra 4 điểm nhận xét chính:

1. Các đoàn thể không (muốn) hiểu (a) những dữ kiện phức tạp của vấn đề, hay những phương thức đấu tranh tập thể, hoặc (b) không màng quan tâm đến chuyện “cộng đồng” này có rất nhiều lý do nội/ngoại tại.

(a) Có người nghĩ rằng đây là chuyện muộn màng, chuyện đã rồi, như châu chấu đá xe với cơ cấu thành phố.

(b) Có người không muốn liên lụy đến, sợ đụng chạm vì dây mơ rễ má cá nhân hoặc có liên hệ (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến các tổ chức đang được đề cập và bàn luận tới.

(c) Có người tin đồn đãi (hơn tìm hiểu đầy đủ các dữ kiện) nên tránh né.

(d) Có người đã cá nhân hóa đời sống mình vì lợi ích cá nhân và sinh hoạt cơm áo sinh tồn.

(e) Có người không mấy tin vào danh xưng chúng ta có một “cộng đồng” thật sự.

Tóm lại, quyết định không tham gia hoặc muốn am tường vđ nói chung do sợ liên lụy, sợ trong tưởng tượng, hay muốn giữ tình “giao hảo” hoặc tránh đụng chạm “nồi cơm”. Niềm tin vào sức mạnh tập thể tựa như chuyện hảo huyền.

2. Nếu hành động ngược lại thì lập tức bị nghi vấn gán ghép có động lực cá nhân, hoặc thật sự dùng danh xưng cộng đồng cho lợi riêng cho bản thân hoặc nhóm của mình.

3. Thời khóa biểu và hạn kỳ áp đặt từ những lực ngoại tại vừa gấp rút vừa căng thẳng làm chúng ta không thể chuẩn bị tốt (do chỉ phản ứng chứ không có phòng ứng) đuợc. Thêm vào đó những ngày giờ ấn định mang tính tùy tiện không hiệu quả trong vận động. Dục tốc bất đạt.

4. Chúng ta chưa có cơ hội thật sự ngồi lại để thảo luận sâu rộng một kế hoạch (phương pháp, chiến thuật, tiến trình) làm thế nào để đạt được kết quả mong muốn.

5. Liên kết giữa tổ chức, cá nhân, và thế hệ có tính cách một chiều, hàng dọc, không vận dụng tất cả tiềm năng.

Hai vợ chồng cháu trong thời gian qua phải liên hệ tiếp xúc cùng một lúc với quá nhiều người và nhóm từ Hội Đồng Thành Phố (city council, dpd, neighborhood department), chuyên gia (architect, lawyer, professor), giòng chính (báo chí, activists), giới trẻ (sinh viên, học sinh), đến các nhóm có tên tuổi trong cộng đồng v.v. và v.v. Rồi công ăn việc làm, việc học đã bị trể nãi nay đòi hỏi thời gian của chúng cháu để tránh hậu quả xấu nên không thể ôm đồm mọi việc trong khi những người khác đứng ngoài vỗ tay thúc dục, đòi hỏi, đặt trách nhiệm. Hơn thế nữa, chúng cháu không muốn áp đặt việc của mình vào đám trẻ (Thế Anh hay các em khác, v.v…) để rồi lại tiếp tục con đường mòn vào ngõ cụt. Chuyện cũng rất quan trọng là chúng cháu không muốn tự tiện làm điều lương tâm không hề cho phép–không đồng ý những hành động lạm dụng của người khác rồi lại ứng xử y hệt như vậy không có trách nhiệm đối với những người bị thiệt thòi nhất–từ bà cụ bán rau cho đến người nghèo sống trong khu lao động bất kể là người Việt hay không. Họ là những người không bao giờ được lắng nghe nhất là lúc có hội họp bàn cãi.

Tóm lại, một vài câu hỏi cần thiết nhất cho chúng ta–mọi người cư dân Việt ở Seattle–(trước khi có thể đúc kết hai kiến nghị chung cho cả hai đề án Livable South Downtown và Dearborn Mall rồi mới đề đạt kêu gọi sự chú ý của Hội Đồng Thành Phố và nhân viên trực thuộc các Bộ Khu của Thành Phố) là:

Chúng ta có thật sự muốn làm việc này? Chúng ta cần làm gì và làm thế nào vận động để nhiều tổ chức, hội đoàn tự nguyện tham gia (hay có động lực thúc đẩy để đồng ý ngồi vào bàn thảo luận rồi tự xét) trong một tiến hành có tính cách tập thể hay không? Ai là người/nhóm có thể ứng xử hay hành động để biến phố Little Saigon thành phố nhà hay phố ma? Ai làm để nhớ, để gìn giữ và phát triển, hoặc làm (trong tỉnh thức hay vô thức) cho tiếng nói chính trị và tiếng trống văn hóa của người Việt đi vào quên lãng?

Rất mong nhận được sự góp ý của các chú và các em,

Hiếu & Quỳnh-Trâm

Tài liệu liên hệ:

Thư mời họp ngày 29/6/2008

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: