vietsoul21

Posts Tagged ‘chiến tranh lạnh’

Vô vọng: Tại sao giới trí thức cánh tả không hiểu cộng sản

In Cộng Đồng on 2015/12/09 at 21:59
Lost Cause: Why Intellectuals of the Left miss Communism

Los Angeles Times, Ngày 14 tháng 1 năm 1996 | TODD GITLIN |

Vài lời về tác giả:

Todd Gitlin là học giả, nhà văn, nhà xã hội học, nhà thơ, và một trí thức bộc trực, và là tác giả của mười lăm quuyển sách. Một trong các cuốn sách nổi tiếng của ông là “Hoàng hôn của giấc mơ chung: Tại sao nước Mỹ bị hủy hoại bởi Chiến Tranh Văn Hóa” (Nhà Xuất Bản Metropolitan / Henry Holt).

Ông tốt nghiệp cử nhân toán tại Harvard, lấy bằng Cao Học môn khoa học chính trị, và Tiến Sĩ môn xã hội học tại Đại học California, Berkeley. Ông là chủ tịch thứ ba của Hội Sinh Viên Đấu Tranh Cho Một Xã Hội Dân Chủ  vào năm 1963-1964, và là điều hợp viên của Dự án Nghiên cứu Hòa bình và Giáo dục SDS vào khoảng 1964-1965. Trong thời gian đó ông đã tổ chức các cuộc biểu tình đầu tiên toàn quốc chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên có mặt trong các cuộc biểu tình chống lại các doanh nghiệp đã viện trợ cho chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Trong thời gian 1968-1969, ông Gitlin là một phóng viên/biên tập viên cho San Francisco Express Times, và từ đó cho đến năm 1970 ông đóng góp thường xuyên cho báo chí đấu tranh bí mật. Trong 2003-2006, ông là thành viên của Hội đồng quản trị của tổ chức Greenpeace tại Hoa Kỳ. Ông hiện là giáo sư của ban báo chí và xã hội học, và là khoa trưởng của chương trình Tiến sĩ môn Truyền thông tại Đại học Columbia, New York.

Ba năm trước đây trong một bữa tiệc sinh nhật, cuộc trò chuyện chuyển sang vụ Bosnia. Chúng tôi sáu người ngồi cùng bàn, các nhà báo và các học giả, bạn bè phong trào Tân Cánh Tả. Chúng tôi đã từng đi diễu hành chống việc chế bom H và ủng hộ quyền dân sự và chống chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi lái xe cả đêm để đến được các buổi họp tại những vùng xa xôi hẻo lánh nhằm thực hiện kế hoạch tập hợp các lực lượng lèo tèo ít ỏi đôi khi của mình vì một mục đích tốt đẹp. Trong những năm tháng đó, ít khi nào chúng tôi bất đồng với nhau. Nhưng khi cuộc thảo luận chuyển sang vụ Bosnia, chúng tôi đã không còn ngồi dù chung một bàn. Một số người, bao gồm cả bản thân tôi, muốn Hoa Kỳ ném bom người Serbs đang pháo kích vào Sarajevo ở Bosnia; những người khác thì cho rằng Mỹ không có cơ ngăn gì để can thiệp vào chuyện này. Không còn điều gì rõ hơn nữa là lúc đó phe cánh Tả đã tan vỡ, ít nhất là trong vấn đề đối ngoại.

Những đam mê và tranh luận của giới trí thức – phe tả, phe hữu và thành phần khác nào đó– đưa đến cách định hình về các điều khoản mà trong đó toàn nền dân chủ mặc cả cho định mệnh của nó. Các cuộc thảo luận của giới trí thức cánh tả về Tây Ban Nha năm 1936 đã tạo tiền chất cho thế chiến đệ nhị; các cuộc tranh luận về (chiến tranh) Việt Nam có lẽ đã ngăn được lạm phát lớn những năm 1970. Vì vậy, sự thất bại của giới trí thức khi không xem vấn đề Bosnia là nghiêm trọng đã gây một tác động rất lớn.

Một chính sách chung từ giới trí thức cánh tả cho vấn đề Bosnia – hoặc Haiti hay ngay cả Rwanda – đã không thành, và vẫn chưa hề có. Bởi vì một khi bạn thuộc phe tả – phe tin vào sự bình đẳng – thì không hẳn nhất thiết chỗ đứng của bạn về một vấn đề chính sách đối ngoại nhất định sẽ là X, Y hay Z.

Tây Ban Nha, Cuba, Việt Nam, Nicaragua, El Salvador – vào những thời điểm khác nhau – chính là căn cơ cho toàn cánh tả và giới trí thức. Nếu có những chia rẽ, căng thẳng, mơ hồ thì việc khó khăn là làm thế nào để bộc lộ bày tỏ sự đồng cảm của mình với người ở nơi nào đó trên thế giới được chính xác, nhất là trước các bằng chứng quá tồi tệ của các đảng cộng sản – chẳng hạn như về những gì đảng Cộng sản Tây Ban Nha đã làm? Cần bao nhiêu tha thứ cho Cộng Sản Bắc Việt, hoặc mặt trận giải phóng Sandanistas?. Và rốt rồi, hầu hết trí thức cánh tả đạt một thỏa thuận chung về những gì mà Hoa Kỳ cần phải làm. Quốc gia này đáng lẽ phải can thiệp vào Tây Ban Nha, bảo vệ  sự thành lập nước Cộng hòa một cách hợp pháp chống lại các cuộc tấn công của quân phát xít vào năm 1936; đáng lẽ không nên tập kích vào Vịnh Con Heo, không nên mưu sát Fidel Castro, không nên tham dự vào Việt Nam, hay không nên trang bị cho lực lượng Contras.

Khối trí thức cánh tả–trong mọi hóa thân biến dạng của nó ở thế kỷ 20–vẫn kiên quyết phải cưu mang chủ nghĩa quốc tế. Khối ấy không tin rằng đại loại có những “người ở xứ hóc bò tó mà ta không hề biết tới”. Đấy là ngôn ngữ mà Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã dành cho Tiệp Khắc năm 1928 – và là loại ngôn từ mà không một người theo chủ nghĩa quốc tế đầy tự trọng có thể nói mà không ngượng ngùng. Nghĩa vụ của những người giới cánh tả là phải biết về các dân tộc xa lắc. Vô minh không thể cho là hạnh phúc và cũng không coi là chứng cớ cho ngoại phạm. Nếu bạn không thể phân biệt các tay chơi không có thẻ điểm thì bạn buộc phải kiếm một bảng điểm khá hơn.

Hiện tượng ấy dẫn đến những buổi tối mà những ai thiên tả học hỏi được ngay, thí dụ như việc giết người thổ dân ở Guatemala hơn là phải mãi miết tìm cả năm trời qua các tờ báo Mỹ. Tệ nhất là các buổi tối trở thành rập công thức đến độ nhàm chán khi nghe tin mới nhất về “cuộc đấu tranh ở Mozambique.” Thường thường những gì trí thức tả khuynh (cũng như ngay cả giới trí thức hữu khuynh) tưởng là họ biết về các dân tộc xa xôi thì tất nhiên sai lầm đến chết người. Họ đã quá háo hức mong tương lai mở ra. Họ khát khao đến độ tin rằng một số khuôn phép nhân phẩm đang được gầy dựng vun đắp tại một nơi nào đó trên thế giới, thích nhất nếu đang xảy ra ở một vùng khuất lấp mù mịt nào đó nơi mà dáng dấp của dân chúng trông là lạ. Những người Cộng Sản và đồng hành của họ thì hát “Giai cấp công nhân quốc tế sẽ đại diện cho nhân loại,” – và nhiều người độc lập thiên xã hội chủ nghĩa cũng thế nhưng lại nghĩ rằng những người cộng sản đã phản bội giai cấp công nhân quốc tế. Trong khi những kẻ tôn thờ tiệc tùng, bọn giả định, thứ kiêu ngạo về vinh quang và lũ ảo tưởng nhiều thứ khác đang bị chế nhạo tuốt tuồn tuột, thì cũng là khi niềm đam mê cho toàn thể nhân loại, và sự cảm kích dành cho những ai có vẻ khác mình trở thành một đặc tính vinh dự và cần thiết.

George Orwell, người bị bọn phát xít Tây Ban Nha bắn vào cổ họng và biết phe cánh tả của ông ta bị các tên cộng sản buộc tội là đi theo phía tướng Francisco Franco vì sự đau đớn của mình, thậm chí đã viết: “Cuộc chiến tranh này… đã để lại cho tôi những hồi ức toàn là ghê rợn, nhưng tôi không hề muốn bỏ lỡ nó. Khi bạn đã nhìn thấy một thảm họa như thế – và dù nó kết thúc như thế nào, cuộc chiến tranh Tây Ban Nha sẽ vẫn là một thảm họa kinh hoàng, ngoài những thảm sát và đau khổ về thể chất – kết quả không nhất thiết phải là vỡ mộng và hoài nghi. Kỳ lạ thay, toàn bộ kinh nghiệm đã để lại cho tôi không ít mà chí nhiều thêm niềm tin vào nhân phẩm của con người.” Orwell, dù không phải là kẻ khờ, không cách chi hiểu được KGB đã tích cực cỡ nào trong sự nghiệp của nền Cộng hoà (Tây Ban Nha); và đặt trường hợp ông không ngạc nhiên khi biết phe chính nghĩa đã thỏa hiệp như thế nào, ông chắc cũng vẫn đổ lỗi cho phương Tây là đã bỏ rơi để nền Cộng hòa (Tây Ban Nha) lọt vào tay thô bạo của Joseph Stalin.

Thập niên 60 tuần tự đưa đến sự xác định hai lý tưởng: dân quyền và phản chiến. Nếu bạn thuộc phe cánh tả, bạn đã biết lập trường mình là gì. Ác độc là dùi cui điện, ác độc là bom napalm. Bạn muốn gửi quân đội đến vùng Mississippi và phải rút khỏi Đà Nẵng. Dẫu đã có bao cái nhìn ngây ngô về các đối thủ người Việt (cũng như về những người Việt Nam đồng minh với chính khách Washington), nhưng trí thức cánh tả vẫn thống nhất trong quan điểm người Mỹ không việc gì phải đánh nhau với người Việt Nam yêu nước – dù họ là cộng sản. Quan điểm này lậm hơn cả một niềm tin và đã trở thành cách sống của hàng trăm ngàn người. Nó đã gây ra các bản án tù tội, lưu đày, xa lánh, và hoài nghi cao độ đối với chính phủ (Hoa Kỳ). Cuộc chiến (Việt Nam) và phong trào phản chiến đã phá vỡ, rồi có lẽ, tái tạo lại tinh thần dân tộc. Đối với cánh tả, chiến tranh củng cố cái mệnh đề đơn giản nhất thiết rằng chống cộng thì phải là say sưa giết người. Mệnh đề phải đơn giản tận cùng như thế vào lúc đó.

Trong gần nửa thế kỷ, Chiến tranh Lạnh là ý thức hệ cho các tổ chức phe thiên tả khắp mọi chốn. Nếu bạn là một trí thức cánh tả, bạn biết rằng Liên Xô không chỉ là quốc gia có quyền lực đáng sợ nhất, có sức mạnh tàn nhẫn nhất trên thế giới. Bạn cũng biết về cuộc đảo chính mà CIA tài trợ ở Iran, Guatemala, và Indonesia. Dẫu cho bạn băn khoăn về chủ nghĩa cộng sản, bạn thừa biết không thể đổ lỗi cho cộng sản về nạn phân biệt chủng tộc tại Nam Phi, hay những tàn dư của chủ nghĩa thực dân Bồ Đào Nha, hoặc hội đồng dân sự của Argentina hay Chile. Bạn biết nhiều lỗi lầm của các pháp nhân và chính sách Hoa Kỳ . Nếu lo sợ về các cuộc chạy đua vũ trang tại Mỹ, bạn thành đồng minh với những thành phần ngược lại khắp chốn – tại châu Âu, trong thế giới thứ ba, thậm chí ở Đông Âu và Trung Âu.

Sau đó thì chiến tranh lạnh tan rã, chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và trí thức cánh tả bị đẩy vào chỗ hỗn loạn. Chủ nghĩa chống can thiệp–một loại chính trị vô nghĩa–vẫn được duy trì. Sự chia rẽ trong hàng ngũ trí thức này đã lộ rõ qua sự kiện chiến tranh vùng Vịnh – cả cánh tả ở châu Âu và Hoa Kỳ đều bị chẻ làm hai. Những ai nhìn Kuwait thì thấy Việt Nam và hồn ma của Lyndon B. Johnson. Kẻ khác thấy Munich thì nghĩ đến hồn ma của Chamberlain. Thế thì quốc gia siêu cường này là ai vậy? Một đế chế đê tiện cuối cùng bùng nổ? Một nguồn quyền lực có đáng tin cậy trong vấn đề can thiệp nhân đạo?

Phe cánh tả ở châu Âu lại bị chia rẽ đến độ thê thảm qua sự kiện Bosnia. Lần này sự chia rẽ và tháo lui xuống tới mức bỏ rơi, bởi vì đáng lẽ quốc gia của họ có thể thay đổi được tình hình. Các nhà hoạt động trí thức cánh tả tại Anh như EP Thompson không thể tin rằng người Serbia–đồng minh một thời chống lại phát xít Croatia của họ–đã phạm tội một cách hệ thống hóa.  Tại Pháp, một nỗ lực vào năm 1991 nhằm tổ chức một phe đấu tranh nhằm can thiệp qua khẩu hiệu “Châu Âu bắt đầu ở Sarajevo” đã sụp đổ lập tức vì các chiến thuật hỗn độn. Giới trí thức, bao gồm cả các ngôi sao truyền thông Bernard-Henri Levy và Andre Glucksmann, đe dọa phản đối cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu, rồi sau đó (theo nguồn tin của kẻ chống đối họ) đã lùi lại, và thỏa hiệp bởi vì họ sợ mất quyền tiếp cận với chính quyền Francois Mitterrand trong chính sách thiên người Serbia rất hiệu quả. Đến đầu năm 1995, chỉ một vài nghìn người đổ về tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ sự can thiệp ở Paris. Tại Đức, khi Danny Cohn-Bendit (hay 1968 của “Danny Đỏ,” và bây giờ là lãnh đạo đảng Xanh) kêu gọi sự can thiệp của quân đội Đức thì các nhà cựu hoạt động tiên phong khác cực lực phản đối.

Trong khi đó, trí thức cánh tả Mỹ sụp đổ tan vỡ thành những mảng lẩn quẫn trong bối rối và nản lòng. Chăm lo vun trồng cho cái bản sắc bị phân tán ấy thành chuyện dễ dàng hơn là việc công nhận sức mạnh quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương có thể làm được điều gì khả dĩ. Cái vũng lầy đạo đức này là nỗi buồn có thật đằng sau bài tiểu luận “Bi ca cho Bosnia” gần đây của Susan Sontag.

Sontag quả là nói đúng khi cho rằng trong vòng bốn năm đại đa số trí thức trên toàn thế giới đã ruồng bỏ [ý thức hệ cánh tả]- dù bà đã tha không đề cập đến một số người Mỹ tên tuổi từng một thời là những người cố hết sức ủng hộ chuyện can thiệp, ví dụ như Stanley Hoffmann và Robert Jay Lifton. Người Mỹ duy nhất mà bà trừng phạt nêu tên là Noam Chomsky – người lúc nào cũng khăng khăng việc Hoa Kỳ đã bị ô uế vì chủ nghĩa đế quốc là điều không thể chối cãi được, và người cho rằng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về hiện tượng trở thành trơ chai của cánh tả Mỹ hơn bất kỳ giới trí thức nào khác. Chỉ vài thành phần thuộc đảng Dân chủ có ý ép chính quyền Clinton dội bom hầu mong có thể ngăn cản người Serbia. Cuối cùng chỉ còn mỗi Thượng nghị sĩ Bob Dole (thuộc Đảng Cộng Hòa tiểu bang Kansas) thúc đẩy hủy bỏ cấm vận vũ khí cho Bosnia.

Chẳng có xu hướng chính trị nào có thể lộ vẻ tươi đẹp dưới luồng ánh sáng khủng khiếp rọi soi những gì cứ để xảy ra trên đất Nam Tư cũ (đa phần là trên truyền hình!) trong suốt nhiều năm. Tất nhiên, trí thức cánh tả không muốn chỉ là một phe phái. Họ muốn mình là giới ưu việt. Nhưng không phải vậy! Cái ước muốn đó của trí thức cánh tả sẽ bị ám ảnh mãi mãi bởi vị trí mà họ ruồng bỏ một cách đáng hổ thẹn.*

Nguồn: Los Angeles Times, 14/1/1996

Uwe Siemon-Netto – Phía Sai Trái Đã Thắng

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Việt Nam on 2014/03/11 at 22:46

BBT:  Dưới đây là bản dịch của VietSoul:21 cho một bài luận mang tính tổng hợp mới đây mang tựa đề The wrong side won của Tiến Sĩ người Đức Uwe Siemon-Netto.

Đây cũng là bài dịch thứ ba của chúng tôi trong loạt bài viết liên quan đến một cựu phóng viên quốc tế người Đức đã tường thuật nhiều sự kiện lớn trên thế giới trong vòng 57 năm chẳng hạn như việc xây dựng và sự sụp đổ của bức tường Berlin, cuộc chiến 6 ngày giữa Ả Rập và Do Thái, cuộc Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Cộng, và vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy.

Ông Siemon-Netto nguyên là tổng biên tập về tôn giáo của United Press International, hiện là bình luận gia quốc tế và một nhà thần học (không phong chức) của đạo Lutheran. Ông là sáng lập viên của Center for Lutheran Theology and Public Life (CLTPL) và chủ tịch của tổ chức “The League of Faithful Masks” đặt bản doanh tại Capistrano Beach và trường Concordia University Irvine, California.

Với tư cách một nhà báo, ông chuyên về những đề tài liên quan đến niềm tin, xã hội và ngoại giao. Ông hiện là cộng tác viên thường trực của tờ “The Atlantic Times,” một tờ báo tiếng Anh hàng đầu của giới báo chí Ðức tại Mỹ.

Mối quan hệ của ông Siemon-Netto đối với Việt Nam rất mật thiết. Trong khoảng thời gian năm năm (từ năm 1965 cho đến năm 1969 và sau đó một lần nữa vào năm 1972) với tư cách phóng viên chiến trường tại Việt Nam, ông đã chứng kiến tội ác Việt Cộng tại Huế kỳ Mậu Thân 1968, trong đó một số người quen của ông là 3 bác sĩ người Ðức cùng với vợ của một người đang làm việc thiện nguyện tại trường Y Khoa Huế đã bị thảm sát. Ông còn là nhân chứng của một số xung đột khủng khiếp, đặc biệt là trận chiến đẫm máu tại thung lũng “Ia Drang” trong năm 1965.

Sau hai bản dịch cho các điểm sách của Michael PotemraJoseph Reitz, chúng tôi chọn dịch tiếp bài thứ ba là bài viết của chính tác giả vào cuối năm vừa rồi trên tạp chí The American Legion–một tạp chí chuyên về các đề tài liên hệ đến các cựu chiến binh Hoa Kỳ.

Trong bài viết này ông đã dùng ngòi bút qua kinh nghiệm xương máu tại chiến trường Việt Nam để mô tả tội ác khủng khiếp của Cộng sản. Ngoài các chuyện kể cảm động từ các nhân chứng đã sống trong những giây phút cuối cùng của tháng 4 năm 1975, ông kể lại cảm xúc của mình đối với thành phần sinh viên và trí thức cánh tả với rừng cờ Mặt Trận GPMNVN khi đang sống tại Paris trong cùng khoảng thời gian đó.

Ông cũng không quên phê phán thái độ không trung thực của giới truyền thông Hoa Kỳ vào thời kỳ chiến tranh ấy. Ông còn dùng dẫn chứng để bạch hóa chuyện phương Tây không có các phương tiện tâm lý và chính trị để chống lại một cuộc chiến tranh kéo dài.

Đọc bài viết này chúng ta có thể thấy được tại sao sau hơn nửa thế kỹ mà tác giả vẫn không thể quên vô số nạn nhân vô tội do Cộng sản gây ra trước và sau khi có cuộc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam bắt đầu từ năm 1975. Đây là bài viết dựa vào quyển hồi ký mới của nhà thần học này mang tựa đề Đức: A reporter’s love for a wounded people xuất bản vào năm ngoái 2013.

Ngay đầu cuốn hồi ký ông đã viết những chuỗi dòng thương nhớ tưởng niệm sau đây:

Tưởng niệm

Cuốn sách này được viết nhằm tưởng nhớ vô số các nạn nhân vô tội trong cuộc xâm chiếm Miền Nam Việt Nam bởi Cộng sản, đặc biệt là:

– Hàng trăm ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị tàn sát trong các làng mạc và thành phố, nhất là tại Huế;

– Hàng trăm ngàn chiến sĩ và công cán chính VNCH đã bị hành quyết, tra tấn hoặc bỏ tù sau khi chiến tranh kết thúc;

– Hàng triệu người đã bị xua đuổi ra khỏi quê hương và hàng trăm ngàn người đã bị chết đuối trong quá trình đi tìm tự do;

– Các chiến sĩ VNCH đã anh dũng chiến đấu khi đã mất tất cả và các tướng lãnh oai hùng đã quyên sinh vào những giờ phút cuối cùng;

– Các thanh niên miền Nam và Bắc Việt Nam động viên vào quân ngũ đã bỏ mạng trong cái gọi là “chiến tranh giải phóng” nhưng đã không mang lại tự do cho ai;

– 58.272 binh lính Hoa Kỳ, 4.407 Đại Hàn, 487 Úc; 351 Thái và 37 Tân Tây Lan đã hy sinh tại Việt Nam ;

– Các đồng hương người Đức của tôi, trong đó có BS Horst-Günther và Elisabetha Krainick, BS Alois Alteköster, BS Raimund Discher, GS Otto Söllner, Bá Tước Hasso Rüdt von Collenberg và nhiều người khác đã đến như những người bạn và phải trả giá bằng mạng sống của họ.

Trong tư cách một phóng viên và nhân chứng lịch sử, tác giả sau đó đưa ra các dữ kiện tình tiết liên quan đến nạn nhân của một cuộc chiến mà bên sai trái đã thắng và chia xẻ nhiều kỹ niệm khó quên trong suốt hồi ký của mình.

Qua các phân tích và chứng minh chiến thắng của Cộng sản Việt Nam đặt trên căn bản của tội ác, ông không chấp nhận chiến thắng đó là một cuộc giải phóng. Ông đàm luận rằng phe sai trái đã thắng nhờ vào khủng bố, tàn sát và phản trắc.

Hồi ký của ông đã được ra mắt tại quận Cam tại California vào dịp Quốc Hận năm ngoái với hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt. Phiên bản tiếng Việt là Đức: Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương được hai biên tập viên của Diễn Ðàn Cựu Sinh Viên Quân Y dịch. Hai cựu sinh viên quân y này là Nha sĩ Lý văn Quý tại Little Saigon/Quận Cam và Dược Sĩ Nguyễn Hiền tại Hòa Lan đã “dịch vừa sát nghĩa vừa đượm hồn Việt”. Quý vị có thể tham khảo videobài nói chuyện của tác giả (hay bản dịch tiếng Việt) trong dịp sinh hoạt này của Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y với sự hỗ trợ của tổ chức Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và Tù Ca Xuân Điềm.

Phiên bản tiếng Đức đã xuất hiện và bản tiếng Anh vừa tái xuất bản vào năm nay với nhiều bổ túc và sửa chửa. Điều bắt mắt là tít cho bìa tiếng Đức, “Mein Vietnam. Warum die Falschen siegten”–tạm phỏng dịch “Việt Nam của tôi: Tại sao bọn Sai Trái lại chiến thắng?”. Ngược lại trong lần tái bản tiếng Anh này thì ông đã cho đặt thêm cụm từ “Vinh quang của sự Phi Lý” (Triump of the Absurd) lên tựa đề ngoài bìa sách và xử dụng thuật ngữ “bị bỏ rơi” thay vì “nhiều đau thương” khi nói đến dân tộc Việt Nam.

Một số chương mẫu (Preface, Chapter 1-“Comme la mer, comme le ciel”, and Epilogue) trong nguyên bản tiếng Anh có thể tìm thấy trên trang nhà của tác giả. Quý bạn cũng có thể tìm đọc các chương mẫu bằng Việt Ngữ tại các trang mạng nối sau đây:

Chương 1: Như biển cả, như bầu trời

Chương 15: Tết Mậu Thân: Hỏa ngục Huế

Đoạn kết: Hậu quả của khủng bố và hiệu lực của hy vọng

Toàn quyển (do ông Lý Văn Quý &  Nguyễn Hiền dịch, tại trang của ông Phan Ba): Vinh Quang của Phi Lý

Nhân dịp 30 tháng 4 năm nay ông sẽ đi một vòng Châu Âu để ra mắt sách. Nhưng trước tiên ông Siemon-Netto sẽ ra mắt hồi ký bằng Đức ngữ của mình tại Hội Chợ Sách được tổ chức ngay tại nơi ông đã sinh trưởng—thành phố Leipzig (Đông Đức cũ). Quý vị có thể mua sách tại Amazon hay trang nhà của tác giả, http://www.siemon-netto.org hoặc viết thư liên lạc với tác giả tại siemon-netto@siemon-netto.org hay quyvanly@aol.com

Đọc tiếp »

Tình yêu , Sự thật, và Việt Nam

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Việt Nam, Văn Chương on 2014/03/08 at 23:36

Điểm sách của Michael Potemra

National Review Online, 18/7/2013

Bản tiếng Anh: “Love, Truth, and Vietnam” by Michael Potema

Ai mà muốn những vết thương của Việt Nam bị toang mở lần nữa? Nhưng sự thống khổ của đất nước đó vẫn là những bài học cho tất cả chúng ta. Uwe Siemon-Netto là một phóng viên chiến tranh thời đó, và ông vừa xuất bản một cuốn hồi ký về nó, Đức: Tình yêu của một phóng viên dành cho một dân tộc nhiều đau thương. Như những hồi ký thực sự xuất sắc, chính những chi tiết nhỏ nhất trong sách đã làm bức tranh lớn trở nên linh động. Siemon-Netto đã chứng minh rằng Bắc Việt là khách hàng quân sự chủ yếu bên ngoài châu Âu của Đông Đức, quốc gia này đã cung cấp mìn gây chết người gọi là PPM-2. Nhiều lần chạy xe dọc quốc lộ 19 ở Việt Nam, ông thấy rằng hầu hết những người bị giết bởi mìn PPM-2 là phụ nữ và trẻ em, bởi vì người dân thường di chuyển bằng xe cộ sơ sài không có khả năng tự vệ so với xe quân sự chuyên chở lính tráng lẽ ra là mục tiêu chính của mìn.

Siemon-Netto không chỉ đơn thuần là một người quan sát từ xa về các tổn thất nhân mạng của thường dân trong cuộc chiến đó. Ông kể lại câu chuyện trong một lần đến bệnh xá của người Đức chữa trị cho thường dân ở Việt Nam, trong khi chiến trận đang diễn ra ở ngoài:

Một bác sĩ trẻ người Đức đang làm việc ráo riết để cứu mạng sống. Trên một bàn mổ dã chiến tôi thấy có một người phụ nữ nằm mê man với lòng ruột phòi ra ngoài một vết thương lớn ở bên trái bụng của cô.

“Bạn có phải là bác sĩ?” Ông BS hỏi.

“Không phải, tôi là phóng viên.”

“Không sao, tôi cần sự giúp đỡ ngay bây giờ. Không còn ai ở lại đây để giúp tôi một tay. Bọn Việt Cộng bắt cóc tất cả. Bạn đi rửa tay ở đằng đó rồi đeo găng tay phẫu thuật vào và hãy tự biến mình thành người hữu dụng.”

Để đặt các bộ phận lòng ruột của người phụ nữ trở lại vị trí cũ, [bác sĩ] đã phải cắt toang bụng cô. Sau đó, ông cần thêm một đôi tay nhét chúng vào bụng qua vết thương hở bên trái của cô. Việc đó thành phận sự của tôi . . . 

Một chủ đề khác mà Siemon-Netto biểu lộ thật mạnh mẽ và rõ ràng là việc chuyện con người ta khoác trên người mình quá dễ dàng một mai rùa kiên cố để phủi lưng (tay) với sự thật. Nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Siemon-Netto đã về lại Đức:

Tôi tham dự cuộc họp buổi sáng của một tờ báo trí thức Đức nơi tôi làm việc dưới tư cách là một tư vấn biên tập. Công việc của tôi là giúp các biên tập viên và nhà xuất bản này hiện đại hóa tờ báo cổ hũ của họ trong hy vọng rằng nó sẽ đạt tầm cỡ hàng đầu của nước Đức thống nhất . . . .

Các cuộc thảo luận chuyển sang chủ đề cho các câu chuyện tiêu biểu từ Đông Đức cũ.

“Xin xem đây như một đề nghị”, tôi nói. “Sao ta không thử làm một báo cáo chuyên sâu về các nhà sản xuất Đông Đức làm mìn PPM-2, những tàn tích liên quan đến các nạn nhân mà tôi chứng kiến trên dọc cả Quốc Lộ 19 tại Việt Nam? Sao không thử tìm kiếm tài liệu lưu trữ của Đông Đức về bộ máy tuyên truyền cáo buộc Tây Đức đồng lõa trong chiến tranh Việt Nam, và có lẽ đã dẫn đến cái chết của một số bác sĩ và y tá của chúng ta tại Việt Nam?”

Ối trời, tôi đã đạp vào ổ kiến lửa bằng lời gợi ý này! …Dù đây không phải là một tờ báo cánh tả nhưng một số biên tập viên trẻ tự mãn đã trở mặt giận dữ làm tôi tự hỏi có quả thực là thể chế Cộng sản Đông Đức đã thực sự biến mất. Cái ý thức hệ của phong trào sinh viên năm 1968 tôn vinh Hồ Chí Minh đã bắt rễ quá nhiều trong thế hệ của sinh viên tốt nghiệp trường đại học Đức nên bất cứ đề cập nào đến những hành vi vô nhân đạo của Việt Cộng sẽ bị coi là một dị giáo.

Nó cũng không làm tôi ngạc nhiên khi các biên tập viên lớn tuổi, những người lẽ ra phải hiểu biết hơn, vẫn nghĩ là thiếu thận trọng nếu hỗ trợ cho tôi. Nhà thần học Lutheran Dietrich Bonhoeffer một lần từng than vãn là sao mà “lòng can đảm từ công dân quá khan hiếm” ở nước ông ta khi bị Đức quốc xã thống trị…Cái thiếu hụt này nhất định vẫn hiện còn kéo dài ở vài nơi chốn.

Tất nhiên đây không chỉ là một điều thuần tính cách của người Đức: Đây là một xu hướng phổ quát của con người luôn ghét vị thần mang hung tin, và khi sự giận dữ chống lại vị thần sứ giả đưa tin này dâng cao thì ngay cả những người lẽ ra phải hiểu biết hơn cũng làm lơ không bảo vệ sứ giả. Nó làm cho người ta nghĩ đi nghĩ lại trước khi lên tiếng, và ngay cả những ai thực sự dũng cảm cũng không có đủ can đảm để nói lên tất cả sự thật trong mọi thời điểm. Nhưng cuốn sách Siemon-Netto là một minh chứng cho việc phải luôn tiếp tục cố gắng là điều cần thiết.

Người dân Việt Nam đã bị phương Tây bỏ rơi trong những năm thập niên 1970, họ vẫn còn bị áp bức cho đến mãi bây giờ, nhưng chuyện của họ vẫn chưa đến hồi kết cuộc. Siemon-Netto kết luận: “Tôi biết rằng [người Việt Nam] sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa độc tài. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó rồi sẽ xẩy ra.”

Về vấn đề cuối vừa đề cập: Hy vọng là một điều có nhiều mãnh lực. Lúc tôi còn là một cậu bé bắt đầu quan tâm đến chính trị, hồi thời những năm 1970, vì tôi chủ yếu nghĩ rằng cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản trong chiến tranh lạnh là một điểm quan trọng mang tính cách sinh tử. Nếu hàng triệu người Mỹ coi việc này thật nghiêm túc và thực sự gắng sức, tôi nghĩ, thế hệ của chúng tôi có thể đặt được nền móng cho vài thế hệ tương lai tạo được chiến thắng cuối cùng và sự thất bại tối hậu của đế chế Xô Viết.

Thế mà khi tôi chưa hết lứa tuổi 20 thì điều đó đã xảy ra.

Trước khi cuốn sách này xuất bản, tôi biết các tác phẩm của Siemon-Netto chỉ qua những văn bản về tôn giáo của ông viết cho UPI, và thông qua sự tham gia của ông ở các cuộc tranh luận trong nội bộ của Lutheran. (Ông là một nhà thần học Lutheran khả kính.) Dù cuốn sách này là một thành tựu quan trọng trong một lĩnh vực hoàn toàn khác, nó đã thấm nhuần các nguyên tắc nhân đạo và tôn giáo trong toàn thể các tác phẩm của ông. Cuốn sách này, như ông cho biết trong phụ đề của mình, là một công trình có gốc rễ từ tình yêu.

Michael Potemra