vietsoul21

Posts Tagged ‘hòa giải’

Bốn mươi năm: Chưa hết tháng Tư

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2015/04/26 at 21:34

Cái rìu thì quên nhưng thân cây luôn nhớ[1]

Ngạn ngữ Phi Châu

 

… những ý nghĩ vụn về bài viết “Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư” [2]

image

Cách đây hai năm tụi tui có đọc bài “Tháng Tư, và bạn và tôi” của bà Nguyễn Thị Hậu viết cho “chúng tôi”, những người thuộc thế hệ “vùng biên” này. Chúng tôi đã viết bài “Tháng tư, nhớ và quên[3] để đáp lời.

Năm nay, 40 năm hậu chiến, lại một cột mốc thời gian để đánh dấu. Cột mốc càng ngày càng dài hơn thì lòng người càng ngày càng quằn quại hơn nữa. Và bốn mươi năm sau chưa hết tháng Tư cho người bên ni và người bên nớ.

Tác giả bài “Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư” đã cá nhân hóa sự việc để giảm tầm quan trọng và đưa ra một so sánh khiên cưỡng trật đường rầy.

Nghe thì lọt tai nhưng hoàn toàn sai. Hãy đọc xem:

“Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vẫn không chịu chấp nhận rằng, mình đã “thua” trong một cuộc tình. Vì vậy cứ trách móc, cứ hận thù, cứ giữ mãi trong lòng những đau đớn và rồi nuôi dạy con cái bằng chính những căm hận đớn đau.[4]

Ngày “Thống Nhất” thì lẽ nào lại so sánh khiên cưỡng như một cuộc tình tan vỡ?

Ngày kết hợp hai miền Nam Bắc có thể so sánh như là một cuộc hôn nhân. Nhưng theo cung cách và phương tiện sử dụng để kết hợp hai miền thì có lẽ phải so sánh như là một cuộc cưỡng dâm rồi ép hôn.

Chẳng phải “Bên thắng cuộc” đã từng huyên hoang tuyên bố “Nhà Ngụy ta ở, vợ Ngụy ta lấy, con Ngụy ta sai[5] như thế sao?

Sau một cuộc cưỡng dâm thì thủ phạm có thể quên, nhưng nạn nhân thì bao giờ cũng nhớ. Nó đã ghi vào người trên từng thớ thịt và tế bào. Rồi mỗi khi có một hành vi hoặc ngoại cảnh nào đó tác động thì ký ức lại tràn ngập, chèn ngạt cuộc sống.

Ai thì sao chúng tôi không biết. Chứ riêng chúng tôi thì không có lòng thù hận cá nhân người lính bộ đội hoặc cá nhân những người miền Bắc vào miền Nam công tác. Chỉ đến khi những tên công an phường, công an khu vực, cán bộ phường xách nhiễu, áp đặt chính sách độc tài, áp bức, thù hằn, o ép, nhồi sọ thì họ tạo ra lòng oán hận. Những người này là bộ mặt đại diện cho đảng csvn. Và lòng thù hận đảng csvn được thể hiện trực tiếp qua những khuôn mặt này.

Chúng tôi không phải là nhà chuyên gia tâm lý để có một lời tư vấn cho nạn nhân rằng hãy quên đi, quên đi cái quá khứ chết tiệt ấy. Chắc chắn lời khuyên “quên đi” là câu nói mà nạn nhân không hề mong đợi để nghe.

“Một ông bác sĩ tâm thần người Do Thái nói với bà đồng nghiệp người Việt là ‘chiến tranh đã qua 35 năm rồi mà sao tụi bay vẫn còn nói tới nói lui hoài.’ Chị bạn tôi trả lời ‘chừng nào người Do Thái các ông không còn nhắc nhở đến Holocaust thì chúng tôi sẽ ngừng nói về cuộc chiến Việt Nam’ (when the Jews no longer talk about the Holocaust then we’ll stop talking about the Vietnam War). Một người Mễ đồng nghiệp khác cũng nói tương tự với chị và chị đã trả lời ‘khi nào ông nói với một thân chủ nạn nhân lạm dụng tình dục là hãy câm miệng và lo sống thì lúc đó chúng tôi sẽ không nói đến cộng sản đã đối xử với đồng bào chúng tôi như thế nào’ (until you tell your patient, a victim of sexual abuse, shut up, move on, then we will not talk about what they have done to our people.)”[6]

Khi nào thủ phạm vẫn thoái thác, lắc léo, và chối phăng thì nạn nhân vẫn ghi nhớ và đòi hỏi công lý nêu danh tội phạm. Người Armenia bị tàn sát bởi Đế chế Ottoman nước Thổ Nhĩ Kỳ một trăm năm sau vẫn nhớ và đòi hỏi đích danh.[7] Người Armenia không nề hà gánh nặng cả 100 năm để nêu tên tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm cưỡng dâm vẫn nhởn nhơ khoe khoang thành tích và cùng lúc lại chối phăng tội phạm.

Nạn nhân không thể quên khi thủ phạm vẫn sỉ nhục họ bằng cả lời nói và hành động.

Họ nói “Tôi nghĩ rằng sau chiến tranh, Việt Nam không có ngược đãi đối với mọi người. Bởi vì chính sách lúc ấy của nhà nước Việt Nam là chính sách hòa hợp dân tộc” , “Thế còn việc tập trung học tập hay cải tạo, tôi nghĩ đấy là để học cho nó rõ chính sách của nhà nước Việt Nam thời bấy giờ. Chứ không có nghĩa là một chế độ tù đầy.[8]

Còn nữa, chưa hết.

Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?[9]

Riêng lời khuyên “Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này.” thì cũng đúng phần nào.

Lẽ thường thì không ai muốn ôm chặt một quá khứ, nhất là một quá khứ đen tối, đau thương để đắm chìm và chết ngộp vì phải chạm mặt phải sống lại nỗi niềm mất mát đau khổ cả. Tuy nhiên, quá khứ luôn được nhắc nhở tưởng niệm vì người Việt tị nạn hiểu thấm thía rằng nhớ, hận hay giận, tự nó, không phải là tâm lý bất thường bịnh hoạn cho dù xã hội và các luồng lực nỗ lực tuyên truyền, đặc biệt hướng về hòa hợp hòa giải kiểu bỏ rọ, muốn họ tự nghi ngờ và thấy kém kỏi để rồi tin vào như thế.

Hơn thế nữa, gần như đa số người Việt tị nạn lúc nào cũng hướng mắt về nước nhà để “nhìn thấy hiện tại”. Càng nhìn vào hiện tại thì họ lại thấy rõ hơn “tương lai chung của đất nước này”.

Ngoài cái vỏ bọc hào nhoáng, rỗng tuếch của công viên vui chơi, tượng đài hoành tráng, công thự nguy nga xây dựng từ tiền viện trợ, mượn nợ, kiều hối, tài nguyên thì bên trong mục rửa nền giáo dục, văn hóa, môi trường. Thời kỳ đồ đểu lên ngôi[10], thời kỳ con ông cháu cha, con cháu các cụ[11], công tử đảng sắp đặt độc quyền, độc đoán, độc hại làm chủ nhân đất nước.

Càng nhìn thì họ càng thấy không có một tương lai (sáng sủa) nào cho một đất nước trước họa tiêu vong.

Nạn nhân chỉ có thể quên đi và lo sống khi đã giải tỏa được tâm lý, tìm được niềm tin, và nhìn thấy tương lai. Nhưng người Việt luôn cảm thấy thế nào?

  • Không giải tỏa được tâm lý do một mặt nhà cầm quyền csvn tung hê những từ rụng rún “khúc ruột ngàn dặm” trong kiều vận, nhưng mặt khác đảng và nhà cầm quyền csvn vẫn ra rả “ngụy quân”, “ngụy quyền” trên báo chí, trong sách giáo khoa, trong bảo tàng lịch sử “tội ác Mỹ – Ngụy”.
  • Không tìm được niềm tin do những đối xử phân biệt theo chính sách lý lịch[12], hành hung, giam giữ tùy tiện những người hoạt động xã hội dân sự về dân quyền và nhân quyền[13], tiếp tục trù dập các tổ chức tôn giáo từ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo[14] Nguyên thủy cho đến Hội Tin Lành Mennonite[15].
  • Không thấy được tương lai vì dân oan[16] mất đất mất nhà không phương tiện mưu sinh, công nhân bị o ép bóc lột[17], sinh viên học sinh thất nghiệp phải đi làm ô sin, cửu vạn nước ngoài, làm gái mại dâm[18], người dân hết đường sống vì chủ trương chính sách sai trái tùy tiện[19], đất đai tài nguyên khắp nơi đất nước bị thế chấp, cho thuê nhượng vô tội vạ[20].

Bà Nguyễn thị Hậu hỏi: “Còn việc hoà giải giữa những người cùng một nước sao lại không bắt đầu từ mỗi người chúng ta? Không lẽ chống lại người ngoài hay hoà giải với người ngoài dễ dàng hơn làm lành với đồng bào mình?

Câu hỏi này nó lại na ná với một câu phát biểu của ông Nguyễn Thanh Sơn, “Chúng ta đã tha thứ cho kẻ thù của chúng ta là đế quốc Mỹ, thực dân Pháp. Vậy tại sao họ dễ dàng tha thứ cho Mỹ, Pháp mà không nhìn nhận người anh em cùng một bào thai, cùng một dòng máu Lạc Hồng?

Phải nói đến bao nhiêu lần để nhà cầm quyền csvn hiểu rằng giữa người dân ba miền và người Việt hải ngoại không cần ai hô hào hòa giải với nhau.

Đã có hàng chục ngàn chuyến bay chở người Việt hải ngoại về Việt Nam hàng năm. Đã có hơn 12 tỷ đô la kiều hối chuyển về bà con quê nhà để giúp đỡ xây dựng cuộc sống của thân nhân. Đã có bao nhiêu tổ chức thiện nguyện vô vị lợi, tổ chức tôn giáo bỏ công bỏ của để xây trường học, thư viện, bệnh xá, cầu đường, chùa chiền, nhà thờ giúp đỡ đồng hương hoạn nạn.

Dù cho đảng csvn có bắt thân nhân của họ và đất nước Việt Nam làm con tin trong cái rọ “Tổ quốc Chủ nghĩa Xã hội” thì người Việt tị nạn hải ngoại vẫn thăm nuôi với tình tự đồng hương và họ hòa hợp với nhau trong tình cảm thiêng liêng đó.

Nhiều gia đình, dòng họ có ông bà, chú bác, con cháu bên hai chiến tuyến đã chia sẻ những mất mát trong cuộc chiến. Thằng Tí thằng Tèo, anh Tám anh Tư, bà Bốn bà Bẩy, chị Hai chị Ba nếu có xích mích thì hàng xóm họ đã tự giải hòa hoặc nhờ người thông giải. Cá nhân họ có xích mích nhau không hòa giải được thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai ngoại trừ đương sự. Chuyện có lớn hơn thì nhờ pháp luật (cái này thì chưa chắc ở VN có sự xét xử công bằng vì luật ngầm phân biệt người “thân nhân tốt”, gia đình cách mạng, quan chức với đám phó thường dân hoặc “Ngụy”).

Nếu muốn nói tới hòa giải dân tộc thì phải nói là hòa giải giữa nhà cầm quyền và khối người dân Việt Nam qua những đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội thông qua những cơ chế và chính sách.

Nhưng Việt Nam là một nước độc tài toàn trị do đảng cộng sản nắm giữ hết quyền lực, và mọi tổ chức hội đoàn đều nằm dưới cái ô dù Mặt Trận Tổ Quốc hoặc là một cơ cấu ngoại vi của đảng. Ngay cả các tổ chức đúng ra là phi chính phủ (Non-Government Organization) cũng do chính phủ thành lập (GONGO – Government organized Non-Government Organizations) [21].

Thế thì nói hòa giải dân tộc trong một chế độ độc tài cộng sản là nói chuyện với đầu gối.

Chỉ có những quyền lực tương xứng thì mới đủ sức đàm phán, thương lượng, để hòa giải với nhau. Chứ như đám dân quèn chúng tôi thì làm gì nói chuyện hòa giải với đảng, nhà nước csvn. Cá nhân chúng tôi có yêu sách thì cũng chỉ làm dân oan “con kiến mà kiện củ khoai” hay lại phải “xin-cho”, “ơn đảng ơn chính phủ”.

Hòa giải qua nghị quyết 36, qua chỉ thị, qua tuyên truyền làm sao bưng bít được bụng dạ một bồ dao găm.

Hòa giải bằng kiểu cả vú lấp miệng em, miệng quan gang thép, sỉ nhục đối tượng!

Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phán: “Chúng ta là người chủ đất nước, chúng ta đi lên thì không có lý gì bỏ rơi họ trong mặc cảm, tự ti. Họ đã ra đi trong suốt 40 năm qua và luôn mặc cảm, có những hận thù đối với đất nước.”[22]

Không ai hận thù với đất nước cả ông ơi! Ông đừng đánh đồng “yêu tổ quốc (đất nước) là yêu chủ nghĩa xã hội (đảng cộng sản)” để ngụy biện và mạ lị người Việt hải ngoại.

Làm gì có ai mặc cảm hả ông? Ông chớ tự hào “đỉnh cao trí tuệ” với mặc cảm ếch ao làng để nói lời khinh thường một khối người dân Việt Nam lớn mạnh thành công ở hải ngoại.

Khi nào nhà cầm quyền csvn vẫn tiếp tục chính sách hòa giải hòa hợp kiểu con lợn bỏ vào rọ thì ngay cả những con heo ngu đần cũng phải eng éc bỏ chạy xa và “Nếu cái cột đèn biết đi nó cũng chạy”.

Muốn hòa giải với toàn dân trong và ngoài nước thì dễ ợt à. Vậy mà đảng ta “đỉnh cao trí tuệ” vẫn một kèn một trống hát khúc “tiến quân ca” trên con đường tới thiên đàng “xã hội chủ nghĩa”.

Thôi thì trên diễn đàn này tui mạo muội đề nghị các bước cụ thể và tích cực để hòa giải các khuynh hướng, nguyện vọng của toàn dân.

  1. Loại bỏ điều 4 hiến pháp dành độc quyền cho đảng csvn trong chính trường.
  2. Bãi bỏ chế độ đảng cử dân bầu. Tiến hành phổ thông bầu phiếu ở các cấp chính quyền. Bảo đảm cho người dân với mọi xu hướng chính trị thành lập đảng phái tham gia chính quyền.
  3. Chấm dứt chế độ hộ khẩu với kiểm tra hộ khẩu sách nhiễu người dân vi phạm quyền hiến định của công dân.
  4. Chấm dứt chính sách lý lịch đối xử phân biệt.
  5. Chấm dứt việc dùng ngôn từ xúc xiểm đến quân dân cán chính VNCH như “Ngụy”, “Ngụy Quân”, “Ngụy Quyền”.
  6. Phê chuẩn chính sách đối đãi thương phế binh VNCH tương tự thương binh QĐNDVN.
  7. Trùng tu các nghĩa trang quân đội VNCH, nghĩa trang QĐNDVN. Yêu cầu Trung Quốc cải táng tất cả mộ phần binh lính của họ về nước và tái quy hoạch Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Quốc tại Việt Nam thành những công trình phục vụ lợi ích công cộng cho người dân địa phương.
  8. Loại bỏ hết những bài học giáo khoa các cấp từ phổ thông đến đại học xuyên tạc phỉ báng chế độ VNCH.
  9. Loại bỏ môn học chính trị Mác-Lê, Tư Tưởng HCM.
  10. Bảo đảm quân đội và các lực lượng vũ trang độc lập không đảng phái, không chính trị, không làm kinh tế.
  11. Giải thể tổ dân phố, công an khu vực, dân phòng, các hội đoàn phường. Những thành phần chuyên xách nhiễu cư dân.
  12. Giải tán các hội đoàn chuyên môn tổ chức bởi chính quyền, các Tổ chức phi chính phủ do chính quyền thành lập (Government organized Non-government Organization). Bảo đảm cho các hiệp hội thợ thuyền, chuyên môn, tương tế, tôn giáo, sở thích được thành lập và điều hành hoàn toàn độc lập và tự do.

Tụi tui ăn học ít nên chỉ biết vậy thôi. Mời bà con cô bác đề nghị những việc làm cụ thể để có được hòa giải hòa hợp dân tộc.

image

Vì sao đã bốn mươi năm vẫn một tháng Tư?

Chắc chắn không ai muốn vác trên vai một gánh nặng suốt cả trăm năm. Nhưng tại sao người Armenia vẫn sẵn lòng gánh nặng một sự kiện lịch sử 100 năm trước đây? Vì không ai gánh cho họ. Vì họ không muốn quên dù họ có thể quên.

Một khi ký ức mất đi thì dân tộc đó chết theo. Nếu như ký ức được ngụy tạo và bóp méo? Đó là điều tồi tệ nhất. Đó là thảm sát. (Silvanadan, “When memory dies”)

Riêng tụi tui không thể quẳng gánh (nặng) đi và lo sống (cho cá nhân) vì đây là một gánh nặng của dân tộc.

Nên bây giờ bốn mươi năm chưa hết tháng Tư.

© 2015 Vietsoul:21


[1] ‘The axe forgets; the tree remembers.’ – African Proverb

[2]Bốn mươi năm: Vẫn một tháng Tư”, Viet-Studies

[3]Tháng tư này, nhớ và quên”, Vietsoul:21

[4] Bài đã dẫn (2)

[5] Phát biểu của Nguyễn Hộ, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam TP HCM.

[6] Bịt miệng nạn nhân, talawas

[7] Armenian genocide survivors’ stories: ‘My dreams cannot mourn’, the Guardian

[8]Không có ngược đãi sau 30/4”, BBC

[9]Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn: Tư tưởng hận thù sẽ làm đất nước yếu kém”, Pháp Luật

[10]…ngai vàng cựu TBT Nông Đức Mạnh”, Nhật Báo Văn Hóa. Thăm nhà cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, BBC

[11]Con Cháu Các Cụ Cả’, Người-Việt

[12] 40 năm hỗn danh “ngụy” và những trận đòn thù của ác quỷ!, Dân Làm Báo

[13] CA nện đá vỡ đầu anh Trịnh Anh Tuấn – admin nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, Dân Làm Báo

[14] Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo liên tiếp bị đàn áp, RFA
[15] Tín đồ Tin Lành tại Bình Dương tiếp tục bị sách nhiễu, RFA. Công an, côn đồ, du dãng khủng bố Hội Thánh Tin Lành Mennonite Bến Cát, Youtube
[16] FB Dân Oan Việt Nam

[17] Tại sao công nhân Pou Yuen đình công?, RFA.

Sài Gòn công nhân nhà máy PouYuen đình công ngày 1/4 /2015, Youtube

[18]Mỗi năm, gần 5000 phụ nữ Việt Nam bị đưa sang Malaysia, Singapore bán dâm”, Thanh Niên. 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm mỗi năm, Đất Việt

[19] Bình Thuận: Dân chặn xe trên quốc lộ 1 và đụng độ với cảnh sát cơ động, Dân Luận. Người dân chặn đường phản đối ô nhiễm, RFA. Dân đổ cá chết phản đối xáng cạp, gây tắc quốc lộ, Tuổi trẻ. Tiểu thương Nha Trang biểu tình, Dân Làm Báo

[20] Vì sao lao động TQ ngang nhiên khai thác quặng trái phép? Vietnamnet. Chỉ 36% lao động Trung Quốc ở Vũng Áng có phép.

[21] Government Organized Non-government Organization (GONGO), wikipedia

[22] Bài đã dẫn (9)

Hoàng Ngọc Tuấn – Làm sao để hoà giải dân tộc?

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết on 2013/11/12 at 17:06

Gõ từ “hoà giải” lên Google, tôi thấy kết quả đầu tiên là bài giải thích về từ này trên trang Wikipedia tiếng Việt. Trong bài ấy có một đoạn nói đến vấn đề “hoà giải dân tộc” của Việt Nam. Đoạn ấy như sau: “… ở Việt Nam hiện nay vấn đề hòa giải dân tộc cũng được đặt ra và tốn nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian gần đây. Với một lượng kiều hối chuyển về nước ngày càng nhiều, và Việt kiều ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại, Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng đặt ra vấn đề hòa giải dân tộc để huy động sức mạnh và sự đóng góp của lực lượng “Việt kiều yêu nước”. Tuy vậy, tiến trình hòa giải dân tộc ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do còn nhiều bất đồng trong cách suy nghĩ và các vấn đề lịch sử để lại.”

Đọc đoạn ấy, tôi cảm thấy khá nực cười! Nếu nhóm viết Wikipedia tiếng Việt diễn tả đúng sự thật thì hoá ra, đối với Nhà nước Cộng Sản Việt Nam, vấn đề “hoà giải dân tộc” chỉ xoay quanh chuyện quan hệ với “Việt kiều” với mục đích kiếm “kiều hối” ngày càng nhiều và tìm cầu nối “để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại”!

Cũng trong bài ấy, ở chú thích số 12, có ghi: “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng phát biểu rằng nhà nước phải chìa tay ra trước để đón nhận, đồng thời một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm cũng phải chủ động hòa nhập.”

Lại càng nực cười hơn nữa! “Nhà nước phải chìa tay ra trước để đón nhận”! Đón nhận cái gì? Đón nhận “kiều hối” chăng? Và “một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm cũng phải chủ động hòa nhập”! Mặc cảm về việc gì? Về việc chưa chuyển “kiều hối” về Việt Nam nhiều đủ hay chăng? Và “phải chủ động hoà nhập” bằng cách nào? Bằng cách ra sức chuyển thêm nhiều “kiều hối” nữa và ra sức “làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại” hay chăng?

Chưa bao giờ tôi thấy ở nước nào mà lại có cái loại “hoà giải dân tộc” theo kiểu con buôn kỳ quái đến thế.

Quan sát các nước đã từng thực hiện hoà giải dân tộc, ta có thể thấy trước hết họ thiết lập một Truth Commission (Uỷ Ban Sự Thật). Uỷ Ban này có nhiệm vụ điều tra và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác của một chính quyền trong quá khứ. Sau đó, những kẻ đã hành xử sai lầm hay đã gây tội ác phải được đem ra xét xử trước công lý. Tuỳ theo mức độ của sự sai lầm và tội ác, những kẻ ấy sẽ được tha thứ hay phải chịu những hình phạt của luật pháp. Nếu những sự sai lầm và những tội ác ấy đã diễn ra trong một quá khứ rất xa, và tất cả những kẻ gây tội ác ấy đều đã chết, thì chính quyền đương nhiệm phải thay mặt cho quốc gia để công khai xin lỗi tất cả các nạn nhân (hay thân nhân của họ, nếu họ đã qua đời). Sau đó, tuỳ theo mức độ thiệt hại của từng trường hợp, tất cả các nạn nhân (hay thân nhân của họ) đều được bồi thường xứng đáng. Từ 1974 đến nay, có hơn 30 Uỷ Ban Sự Thật đã được thành lập ở hơn 30 quốc gia và đã đạt được những kết quả đáng kể.

Vấn đề “hoà giải dân tộc” của Việt Nam thì không chỉ là vấn đề bắt tay xí xoá giữa Nhà nước Cộng Sản Việt Nam với “Việt kiều”. Lại càng không phải là vấn đề “hoà giải” giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài, hay giữa người Việt miền Nam và người Việt miền Bắc.

Vấn đề “hoà giải dân tộc” của Việt Nam phải là một vấn đề cần được giải quyết minh bạch và thoả đáng giữa Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Nghĩa là, để có được một cuộc hoà giải thực sự, trước hết phải có một Uỷ Ban Sự Thật (độc lập với Nhà Nước) đứng ra điều tra và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam từ trước đến nay. Tiếp đến, phải có một cuộc xét xử công minh và nghiêm khắc. Sau đó, phải có sự xin lỗi công khai và sự bồi thường xứng đáng.

Tất nhiên, dưới chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam hiện nay, tiến trình này không thể thực hiện được. Và chừng nào tiến trình này chưa thực hiện được, thì chưa thể có sự “hoà giải dân tộc”.

Thậm chí, ngay cả khi chế độ Cộng Sản đã sụp đổ, tiến trình hoà giải dân tộc vẫn còn có thể gặp rất nhiều khó khăn. Nếu những người cựu Cộng Sản vẫn còn chiếm một bộ phận lớn trong bộ máy chính quyền mới, thì họ có thể tìm cách cản trở việc thành lập một Ủy Ban Sự Thật, và nếu một Ủy Ban Sự Thật được thành lập, thì họ có thể sẽ tìm cách xoá bỏ những bằng chứng và trì hoãn việc bạch hoá sự thật trước công lý.

Kể từ 1989, sau khi chế độ Cộng Sản ở các nước Đông Âu sụp đổ, và từ 1991, sau khi chế độ Cộng Sản ở Liên bang Xô-Viết sụp đổ, cho đến nay, chỉ có 5 Ủy Ban Sự Thật được thành lập ở Đức, Romania, Estonia, Lithuania và Latvia; còn ở Tiệp chỉ có The Office of the Documentation and the Investigation of the Crimes of Communism (Văn phòng thu thập tài liệu và điều tra các tội ác của Cộng Sản) thuộc bộ cảnh sát, chuyên điều tra những tội ác đã bị chế độ Cộng Sản Tiệp che giấu từ năm 1949 đến 1989.

Kết quả của các tổ chức này như thế nào thì chúng ta vẫn phải chờ để xem. Trong tiểu luận “Truth Commissions in Post-Communism: The Overlooked Solution?” (trong tập san The Poen Political Science Journal, 2009, 2, 1-13), Lavinia Stan đã có phân tích nhiều trường hợp các chính quyền hậu cộng sản cố tình tránh né việc thành lập các Uỷ Ban Sự Thật. Trong cuốn chuyên luận Transitional Justice in Post-Communist Romania: The Politics of Memory (New York: Cambridge University Press, 2013), Lavinia Stan cũng có tường thuật khá chi tiết về những thủ đoạn của chính quyền Romania đương thời trong việc trì hoãn công lý.

Tuy nhiên, dù có cố tình trì hoãn việc bạch hoá các sai lầm và tội ác trước ánh sáng công lý, cuối cùng thì người ta vẫn không thể chôn vùi sự thật mãi mãi. Một ngày nào đó, sự thật sẽ được phục hồi.

Trong bài “Hoà giải dân tộc“, Nguyễn Hưng Quốc đã kể lại một số cuộc hoà giải được thực hiện trong khoảng hai thập kỷ vừa qua trong phạm vi quốc gia và quốc tế như sau: “… Chính vì thế, quá trình hoà giải thường bắt đầu bằng một lời xin lỗi chính thức. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt chính trị thế giới thời hậu-Chiến tranh lạnh là việc công khai hoá niềm ân hận đối với những lỗi lầm trong quá khứ. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong thời Đệ nhị thế chiến. Cũng năm 1990, Mikhail Gorbachev bày tỏ sự ân hận sâu sắc trước việc Stalin giết chết 15 ngàn viên chức người Ba Lan tại Katyn Forest vào năm 1940. Đức giáo hoàng John Paul đệ nhị xin lỗi về việc Giáo hội Công giáo đã thất bại trong việc cứu giúp người Do Thái khỏi thảm hoạ Holocaust. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh công khai xin lỗi việc nước Anh tàn sát người Maori ở Tân Tây Lan trước đây. Thủ tướng Anh Tony Blair xin lỗi về trách nhiệm của Anh trong nạn đói ở Ireland vào thế kỷ 19. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton xin lỗi người châu Phi về vai trò của Mỹ trong việc buôn bán nô lệ thế kỷ trước. Ở Nhật, năm 1993, Thủ tướng Morihiro Hosokawa bày tỏ sự ân hận và xin lỗi về những tội ác mà nước Nhật đã gây nên thời Đệ nhị thế chiến. Năm 1995, Thủ tướng Tomiichi Murayama lại xin lỗi lần nữa. Năm 1998, trong dịp gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Thủ tướng Keizo Obuchi lại xin lỗi lần nữa, nhắm chủ yếu vào những nạn nhân người Hàn Quốc. Riêng ở Úc, đầu năm 2009, Thủ tướng Kevin Rudd đã chính thức xin lỗi người thổ dân tại Úc về những chính sách sai lầm của người da trắng trong quá khứ. Những lời xin lỗi công khai và chính thức như thế chứng tỏ sự thành tâm và thiện chí của các chính phủ nhằm hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và giữa các quốc gia để mọi người có thể thanh thản xếp chuyện quá khứ lại hầu hướng tới tương lai, một tương lai hoà thuận và hợp tác. Đó là yếu tố đầu tiên cần có để tạo nên sự tin cậy. Ở các nước, mọi lời xin lỗi đều đi liền với sự đền bù…”

Nói tóm lại, nước Việt Nam không thể đạt được “hoà giải dân tộc” theo cách của con buôn nhằm tăng “lượng kiều hối” và “buôn bán hàng hóa ra hải ngoại và ngược lại”. Cũng không thể có loại “hoà giải dân tộc” theo kiểu “Việt kiều yêu nước” chạy theo vuốt đuôi chính quyền để tìm cơ hội làm ăn. Cũng không thể có loại “hoà giải dân tộc” theo kiểu “giao lưu văn nghệ” giữa các văn nghệ sĩ Việt Nam trong nước và ngoài nước chạy ra chạy vào múa hát, đọc thơ, bắt tay nhau, cụng ly với nhau…

Không. Tất cả những trò đó không thể nào xoá được những đau thương, những oan ức của hàng triệu nạn nhân dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tiến trình hoà giải dân tộc của Việt Nam phải bắt đầu bằng một Uỷ Ban Sự Thật để giải quyết minh bạch và thoả đáng những món nợ bằng máu và nước mắt mà Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã gây ra cho nhân dân Việt Nam từ trước đến nay.

Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)

Nguồn: RFA Blog

Tháng Tư này, nhớ và quên

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam, Văn Hóa on 2013/04/26 at 15:11

Viết từ “vùng biên” đáp lời “Tháng Tư, và bạn và tôi”[1]

Memory_PoliticalAgendaDường như cứ mỗi tháng Tư đến thì hồn ma ám ảnh lại lãng vãng trở về và xương khô lục đục bước ra. Bên “thắng cuộc” rầm rộ lễ hội ăn mừng. Bên “thua cuộc” mất nước lưu vong ngậm ngùi tưởng niệm. Rồi như một điệp khúc nghịch lý mỗi năm một đậm nỗi băn khoăn nên có người đã hỏi, “Gần 40 năm rồi sao chúng ta vẫn chưa thực sự ra khỏi cuộc chiến…?[2] và có người không ngần ngại trả lời “chúng tôi cũng không quên nhưng không bắt buộc phải nhớ như ngày xưa nữa[3].

Phải chăng chẳng ai có thể bắt buộc (mỗi cá nhân) ta phải nhớ như thế nào? Phải chăng ta tự cho mình quyền nhớ điều này và quên điều nọ? Phải chăng ta muốn nhớ như thế nào cũng được? Hay là ta tự lựa chọn cái để nhớ và gạn lọc cái cần quên?

Tôi không có một ảo tưởng về cái tự do (ở bên ni hay bên nớ) để nhớ và để quên. Tôi luôn cảnh giác với cái bị quên và điều buộc nhớ. Có lẽ quên thì dễ hơn là nhớ. Quên lãng thường đem lại cho ta cảm giác êm đềm và thăng bằng trong cuộc sống. Dù có thể chỉ trên bề mặt cho qua ngày tháng. Ngược lại, hồi tưởng chiêm niệm quả là khó tránh khỏi chuyện đem lại bao cảm xúc khác màu, lạc âm cho mỗi cá nhân ta.

Hồi tưởng đem lại những cảm xúc khác nhau, thay đổi theo tùy thời gian và theo từng trải nghiệm. Hồi tưởng đem lại cảm giác hân hoan, thỏa mãn, tự hào, đớn đau, ngậm ngùi, xé lòng, hổ thẹn. Hồi tưởng có thể nâng người lên bệ phóng mà cũng có thể đẩy ta đến bờ vực chênh vênh.

Quên lãng và hồi tưởng tựa như hai mảng màu trong một quang phổ lăng kính ký ức đầy phức tạp. Ký ức không chỉ nằm ở góc xó riêng tư và ngăn tủ cá thể nhưng hòa trộn với biển hồ của ký ức tập thể. Hơn nữa ký ức còn tương tác qua lại trong tiến trình định hình bản sắc cá thể (personal identity) và bản sắc tập thể (collective identity) cũng như đan chéo ngang dọc với và trong lịch sử một dân tộc. Ký ức đó có lúc tách màu có lúc hợp quang. Nhưng hai mảng màu ký ức đó không có khả năng tách rời khỏi quang phổ. Nó chỉ có quyền được diễn đạt tự do hơn trong đời thường riêng tư cá lẻ, và có lúc chuyển động ồ ạt trào dâng khi bị chạm mặt bất chợt. Ngược lại, nó thường bị kiềm hãm khi phải phơi bày giữa đám đông hiếu kỳ nhưng cô quạnh tâm hồn—khi đồng hoang không xanh, sông đã ngừng chảy trong tâm tưởng.

Quên và nhớ không ngừng tác động từvới tâm sinh lý cá thể và điều kiện hóa xã hội. Quên lãng và hồi tưởng không ngừng di chuyển đẩy đưa trong tiến trình thành lập và nẩy nở của bản sắc cá thể và bản sắc tập thể—nhất là trong hoàn cảnh di dân hay lưu vong. Quên và nhớ trong tâm thức tị nạn do đó bị buộc sàn lọc từ vô thức và được lọc lừa qua ý thức.

Những động cơ và ước muốn thầm kín (mang tính tâm sinh lý) luôn đứng canh chừng chộp vồ những ký ức lơn tơn kéo vào sau cánh gà hoặc đẩy ký ức trịnh trọng ra trước tấm màn sân khấu. Những động cơ và áp lực từ cuộc sống, bản sắc, và vị thế xã hội lắm lúc chực chờ để thi hành phận sự kiểm duyệt chỉ để trình làng những gì thuận lợi nhất cho riêng cá thể. Ký ức nào lơn tơn bị kéo vào bóng tối sau cánh gà để cho vào quên lãng? Ký ức nào được rọi trước ánh đèn màu để ghi vào bộ nhớ?
Động cơ nào để quên và ước muốn nào để nhớ? Phải chăng truyền thông đại chúng và cỗ máy tuyên truyền thiết tạo các đại tự sự tầm quốc gia đã và đang định hướng rồi điều kiện hóa chúng ta về chuyện gì cần nhớ và điều nào phải quên? Nhất là hướng về những nơi chốn và tình cảm lưu luyến một thời giờ đã xa lìa cách biệt?

Nhớ “Giải phóng miền Nam”, nhớ “ơn đảng, ơn chính phủ”, nhớ “trung với đảng”, nhớ “vì đảng, vì mình”, nhớ “đảng quang vinh muôn năm”, nhớ “đêm qua em mơ gặp bác Hồ”, nhớ “tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhớ “chùm khế ngọt”, nhớ “khúc ruột ngàn dặm”.

Quên “cải cách ruộng đất”, quên “nhân văn giai phẩm”, quên “thảm sát Mậu Thân”, quên “học tập cải tạo”, quên “chôn dầu vượt biển”, quên “Nghĩa Trang Biên Hòa”, quên tượng đài thuyền nhân bị đục khoét ở các trại tị nạn, quên “Bản Giốc, Nam Quan”, quên “Gạc Ma, Trường Sa”, quên “ngàn năm đô hộ giặc Tàu”, quên “chiếm đất Cồn Dầu”, quên “cưỡng chế Văn Giang”, quên “lao động bán thân”, quên thân phận nô đòi chế độ nội-thực-dân cộng sản.

Bạn Điếu Cày, Nguyễn Văn Hải, chỉ muốn nhớ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” thì ai đã không chấp nhận cho anh nhớ như thế? Ai đã bịt miệng anh bắt anh câm lặng trong lao tù? Và bao người khác cũng chỉ muốn nhớ điều đơn giản ấy nhưng cũng bị giam cầm, sách nhiễu, hành hung, trấn áp. Ai bắt họ phải quên?

Bạn Cù Huy Hà Vũ chỉ lên tiếng chấp nhận (muốn nhớ) những người miền Nam trước đây đã chiến đấu bảo vệ tự do và mong đất nước Việt Nam thuộc về người dân từ hai thể chế miền Nam, miền Bắc đa dạng chứ không phải chỉ rơi vào tay một đảng csvn cầm quyền. Thế thì ai đã thảy hai bao cao su, đem còng số tám xiềng xích hai tay anh? Ai bắt anh phải quên đi những người miền Nam đó?

Bạn từ Bắc chí Nam muốn nhớ một Việt Nam từ thuở vua Hùng dựng nước bao nhiêu triều đại và anh hùng giữ nước–thay vì của đảng csvn với chủ thuyết ngoại lai vong bản áp đặt chế độ toàn trị nội-thực-dân với điều 4 hiến pháp đeo gông cùm vĩnh viễn vào người dân—thì bị hàm hồ thóa mạ gán ghép là “suy thoái”, “phản động”, “thế lực thù địch” và bị trấn áp, đuổi việc, tù đày.

Ký ức cá nhân dễ bị chi phối bởi cả hai yếu tố tâm sinh lý cá thể và điều kiện hóa xã hội trong khi ký ức tập thể thì gần như bị thống trị bởi điều kiện hóa xã hội qua lịch sử.

Thế nên tôi luôn cảnh giác với thói quên của mình cùng sức nhớ của người.

Tháng Tư đó, đã là quá khứ và mốc điểm của bao cá nhân, tập thể. Để rồi …

Tháng Tư này, bạn và tôi quên nhớ những gì?

Memory_GhostHunter

Tôi có thể tạm quên những gì xảy ra trong quá khứ nhưng đừng bắt tôi phải quên cái đang diễn ra trước mắt ở hiện tại. Tôi không thể nhắm mắt mà sống. Tôi không thể câm lặng hiện hữu. Những bất công, bất cập, áp bức, khủng bố hàng ngày trên nẻo đường quê hương cố quận sao không được nhớ?

Tôi không thể quên Văn Giang, Tiên Lãng, Đồng Chiêm, Cồn Dầu. Tôi không thể nào chôn nỗi đau đớn và nhục nhã các ngư phủ ngồi khép nép dưới họng súng quân TQ và những mộ gió trên đảo Lý Sơn. Tôi không thể nào dấu cảm xúc phẫn nộ thấy hai mẹ con trần truồng giữ đất bị nắm tóc nắm chân lôi đi như những con lợn trước khi đưa vào lò mổ. Tôi không thể nào xóa được khỏi trí nhớ mình hình ảnh các cô gái miền Tây trở thành sản phẩm qua hình ảnh bày bán nhan nhãn ở các nước láng giềng. Tôi không thể nào (quên) quen lờn với bao nhiêu bất công để miễn nhiễm lương tâm[4].

Tháng Tư tôi khóc cho những người phải bỏ nước ra đi, lướt sóng vượt đại dương, bao kẻ mất bấy người còn, đi tìm tự do, sống đời hạnh phúc.

Tháng Tư tôi khóc cho anh Vươn, ngọn đầu Tiên Lãng, lập đê đắp kè, chắn sóng đẩy lũ, vượt bao thử thách, con mất thân tàn chống trả quân “ác với dân, hèn với giặc” nội-thực-dân cộng sản.

Tháng Tư tôi cúi đầu tưởng niệm cho những vong linh oan khiên ngày cũ.

Tháng Tư tôi mắt trừng phẫn nộ cho bao mảnh đời đày đọa hôm nay.

Tháng Tư tôi hổ ngươi là con nước Việt cam phận nô đày.[5]

Bạn và tôi thuộc thế hệ “vùng biên”[6] này có thể nào chọn chỗ đứng ngoài lề để nhận định và phán xét. Bạn và tôi có thể cá thể hóa và đơn giản hóa vấn đề để giải quyết những khó chịu bề mặt hay bề sâu cho mình. Thật ra chúng ta những anh em ruột thịt, bên này bên kia, không bao giờ quên nhau, và chẳng bao giờ dửng dưng xa lạ đâu. Nếu quên, nếu dửng dưng xa lạ thì làm gì có bao triệu lượt chuyến bay hàng năm thăm viếng, bao tỷ đô la kiều hối chăm chút trút cạn hầu bao gởi về.

Thiển nghĩ nếu ta đơn giản hóa và chỉ tiếp cận trong liên đới về mặt tình cảm bằng cách cá thể hóa vấn đề thì bạn và ta đã—dù vô tình hay cố ý—đè nén và dập tắt tương tác giữa ký ức với chính trị và quyền lực.

Thế thì mối quan hệ của bạn và tôi với quyền lực là như thế nào?

Liệu lời mời gọi “làm sao để những người Việt Nam từng ở bên này bên kia có thể gặp nhau ở bất cứ đâu một cách thoải mái, chân tình, ấm áp như những người ruột thịt, để cho người bạn vong niên thân quý của chúng ta có thể về lại quê hương, sống bình an vào những năm cuối đời có thể thực hiện nếu chúng ta phải tự bịt miệng, bịt mắt, bịt tai?

Bịt miệng không được (nhắc) nhớ điều này và phải (im) quên điều nọ, bịt tai không phải nghe đảng csvn quang vinh muôn năm, học tập tư tưởng HCM, bịt mắt để không phải thấy cưỡng chế cướp đất áp bức nông dân, phá hủy giáo đường tín đồ Tin Lành/Công Giáo, đập phá thánh thất Cao Đài/Hòa Hảo, đàn áp các buổi cứu trợ thương phế binh VNCH v.v…

Tôi e ngại nhận lãnh một lời hiệu triệu “thế hệ chúng ta có trách nhiệm cần phải mở đầu, thúc đẩy và tiến hành những mối quan hệ nhằm làm lành những vết thương của thế hệ tham chiến, làm cầu nối cho những trái tim thế hệ hậu chiến còn thờ ơ đến được với nhau, bởi chúng ta có sự trải nghiệm chiến tranh có cả sự hiểu biết của thời *toàn cầu hóa* để chia sẻ với thế hệ cha anh và thế hệ con cái chúng ta.”. Bởi vì ngay cả một thái độ trân trọng của thiền sư Nhất Hạnh dù chỉ mong lập đàn giải oan cho các vong linh người chết của hai miền đất nước thì cũng đã bị đáp trả như thế nào. Nói gì chuyện người sống!

Cái quyền lực bên “thắng cuộc” chỉ nhằm nuôi dưỡng, thúc đẩy tiến hành củng cố những mối quan hệ chuyên chính với “chân lý của nòng súng” trong các rao giảng tính “chính danh”. Chưa bao giờ họ lắng nghe hoặc chấp nhận quan điểm nào khác.

Chắc bạn có thiện ý mong bên “thua cuộc” quên đi để lấy lại sự “thăng bằng” tâm lý nhằm tạo cuộc sống an bình cá nhân. Riêng tôi thì không có quyền đánh giá phán xét “mặc cảm thất bại” trong giới cha anh bên “thua cuộc”. Tôi chưa sống trọn ở vị thế của họ để chiêm nghiệm xem có phải sự “thiếu hụt tình cảm bao dung và lòng vị tha” đã gây ra “mặc cảm thất bại” đó hay không.

Bạn và tôi có lẽ không thiếu sự cảm thông và lòng bao dung vì chúng ta thừa mứa xa xỉ sống trong vị trí bình an này. Nhưng chắc bạn và tôi chưa cảm nhận đủ phần nào cái khổ nạn họ gánh gồng, là nhân chứng của đầy đọa gian truân. Chỉ khi nào bạn và ta không chỉ nói mà còn sẵn lòng nhảy xuống đáy vực để cùng họ gào thét, khóc la, rên siết bởi vì không ai khóc than cùng và để tang cho họ thì may ra sự cảm thông và lòng bao dung của bạn và ta có chút thực dụng nào đó.

Bạn và tôi cùng ở trong một vị thế có thể tạm gọi là ưu đãi, vừa đủ tự do với quyền cơ bản để nói để viết, vừa đủ miếng ăn để sống mà không phải lệ thuộc xin-cho, vừa đủ tri thức và tự chủ để không phải vô tình quên và bị nhắc nhớ.

Bạn và tôi hưởng được những lợi ích từ toàn cầu hóa và tự do di dịch gần như tới bất cứ nơi nào trên quả địa cầu này. Ngược lại, những cửu vạn, ô sin[7] và nô lệ hiện đại phục vụ bạn và tôi từ A tới Z—dù trực tiếp hay gián tiếp. Bạn và tôi là thượng đế của thời thượng.

Bạn và tôi có thể hãnh tin để tuyên ngôn về một “thế giới phẳng”—nơi mọi người, mọi nơi đều có sự bình đẳng trong tương quan cạnh tranh và giao dịch nào đó. Nếu chỗ ấy có thật đi nữa, nghĩa là bạn và tôi sống ở một môi trường tương đối phẳng không lắm hố nhiều đồi, ta cũng không thể tự lừa dối về một thế giới đồng hành có rất nhiều hố sâu không đáy và đỉnh cao không hề vượt nổi.

Bạn và tôi có quyền lực ưu đãi để tự cho mình quyền nói hộ cho họ—những ai đang ngụp lặn dưới hố sâu hay bám víu thành vực thẳm—để dám quả quyết thế nào là “sự thật”, để chọn lựa và khắn khít với dòng tự sự “hòa giải” thêu dệt của quyền lực (bên “thắng cuộc”)

Có lẽ điều cốt lõi nhất là bạn và tôi có quyền lực để hội nhập những mảng màu của cái “cá thể co cụm” hầu phù hợp với dòng tự sự của quyền lực xuyên quốc gia (tân tự do, toàn cầu hóa, thời thượng).

Có những tiếng nói xử dụng ngôn từ phù hợp hoa mỹ được trưng dụng tâng cao. Thì cũng có những tiếng nói tiếng lòng nấc nghẹn không đủ được nghĩa từ bị bưng bít xóa mù. Tiếng nói của bạn ít gì cũng thuộc giới học hàm nên được bay bổng và trích dẫn đó đây. Tiếng nói của vị thế ưu đãi và phía quyền lực thường được chấp cánh. Trong khi đó, tiếng nói của những người bên “thua cuộc” dường như nếu không bị bịt nghẽn thì cũng bị bóp méo. Ký ức của người miền Nam và lịch sử của chính thể Việt Nam Cộng Hòa gần như hoàn toàn bị tẩy xóa và gò nặn phản ánh góc nhìn quyền lợi kinh tế, chính trị nước Hoa Kỳ. Còn ký ức của người miền Nam ở tại Việt Nam thì khỏi phải nói làm gì.

Một khi ký ức mất đi thì dân tộc đó chết theo. Nếu như ký ức được ngụy tạo và bóp méo? Đó là điều tồi tệ nhất. Đó là thảm sát. (“When memories dies, a people dies. What if you create a false memories? That’s worse. That’s murder.”, Silvanadan – “When memory dies”)

Bạn và tôi có muốn chấp cánh cho những tiếng kêu gào dường như vô vọng từ đáy vực và những tiếng hú trơi ma của các oan khiên ngày cũ? Hay bạn và tôi chỉ thích dùng tấm bùa thực dụng của các pháp sư quyền lực để bịt miệng nó?

Phải chăng bạn và tôi là những người đi lách né trong căn phòng đầy pha lê tránh đụng chạm làm đỗ vỡ nhưng lại giả đò, làm ngơ bịt mắt, bịt tai không thấy không nghe con voi to đùng đang tung vòi đạp phá[8].

Truyền thống xã hội Tây phương tạm đủ khoảng không gian tự do để trí thức nói thẳng (sự thật) với quyền lực (speak truth to power) nhưng chưa chắc ai cũng muốn lên tiếng. Vì nói thẳng với quyền lực thì chẳng có lợi mà lắm khi lại bị rắc rối lôi thôi. Tôi vẫn luôn hy vọng rằng bạn và tôi không ngại bước ra, đứng vào vị thế chênh vênh thử thách cổ võ cho công bằng, mạnh dạn lên tiếng trực diện với quyền lực (bên “thắng cuộc”) tương tự như những gì bạn đã đặt câu hỏi cùng lời khuyên/tự nhủ cho tôi và bạn.

© 2013 Vietsoul:21


[1] “Tháng Tư, và bạn và tôi”, Nguyễn Thị Hậu, Viet Studies

[2] Cùng trích dẫn (1)

[5] Tháng Tư oan trái, Vietsoul:21

[6] “vùng biên”, vùng đệm, khoảng giao tiếp (in-between) giữa hai thế hệ, hai văn hóa, hai bản sắc

[7]Thời cửu vạn, ô sin”, Vietsoul:21

[8] “Elephant in the room” is an English metaphorical idiom for an obvious truth that is either being ignored or going unaddressed. “Con voi trong phòng” là một thành ngữ ẩn dụ tiếng Anh cho một sự thật hiển nhiên mà hoặc là bị bỏ qua hay không được nói tới.

Phó thường dân (15): phố vẫy …

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/10/07 at 14:25

 

Mấy ngày trước đây là Trung Thu, trăng tròn, ở quê nhà thì tùng cắc tung lũ trẻ với lồng đèn chú cuội. Ở đây thì người ta gọi là trăng mùa gặt (harvest moon), cũng tròn như ở bên nhà chỉ có khác là không có đám trẻ con lăng xăng hớn hở rước đèn.

Nói đến trăng tròn thì phó thường dân tui chợt nhớ câu thơ “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ nước Mỹ.”[1] trong tập thơ Cửa Mở của nhà thơ Việt Phương.  Riêng hai câu thơ này mới là cay đắng để đời nè nghe: “Tôi đã sống một phần hai thế kỷ. Ðể hôm nay làm đĩ với tâm hồn!

Nhà thơ Việt Phương tự thấy mình “làm đĩ tâm hồn” phục vụ cho cái chế độ cộng sản bịp bợm, thối nát khi đành đã bao năm nằm chung cái chăn đầy rận với các đồng “chí” chuyên nghề hút máu. Nhưng đáng tội hơn nữa nhà thơ ấy đã mở mắt, mở tâm hồn, mở cửa (“Mở đài địch như mở toang cánh cửa.”) nên sự nghiệp ông Thi sĩ kiêm thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chưa bay qua cánh cửa thì đã bị treo bút “lặn không sủi tăm”.

Không riêng chỉ mỗi một nhà thơ này mới mở mắt, mở tâm hồn. Những người dù chỉ có một chút lương tâm rồi cũng không thể tự dối mình được nữa và thậm chí ân hận vì dây dưa với cái hủi cộng sản. Rất nhiều người (Hữu Loan, Hoàng Hữu Quỳnh, Hà Sĩ Phu, Bùi Tín, Tô Hải) ở lúc giữa đời hoặc chậm đến khi gần đất xa trời thì cũng bỏ đảng[2], lánh xa, tẩy rửa mặt nạ vô hình đã làm ô uế tâm hồn. Riêng nhà văn Dương Thu Hương thì tuyên bố thẳng “làm giặc” chống lại cái ác rồi từ chối cả “tự do ảo là khoảng sinh tồn của ngòi bút” và chấp nhận sống lưu vong. Gần đây hơn là TS Đỗ Xuân Thọ, anh Nguyễn Chí Đức, em Tô Hoài Nam bỏ đảng về với Nhân Dân[3]. Vì sao bỏ đảng – bộ phận quyền lực tuyệt đối trong nước?

Vì đảng ta vốn đã xây dựng được (XHCN) kỹ nghệ “đánh đĩ”[4]  nên ai ai phò cái bình vôi (BCT) cộng sản cũng đều phải học cho rành “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề”. Mà thiệt là tội cho cái nghề làm đĩ, chẳng đặng đừng đành bán trôn nuôi miệng. Còn những tay chuyên gia đánh đĩ thì thiệt tình (và nhiệt tình) hồ hởi “bán miệng nuôi trôn”.

Đánh đĩ nên Giám đốc CA TP Hà-nội Nguyễn Đức Nhanh mới hôm trước phát ngôn “Biểu tình chống TQ là yêu nước” thì hôm sau đã nhất quyết đạp mặt, vặt khủy tay, tống lên xe buýt như lợn chở về trai “phục hồi nhân phẩm”.

Đánh đĩ nên TT Nguyễn Tấn Dũng lúc đăng đàn Quốc hội tuyên bố khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam thì mới đây đi chầu TQ chẳng dám ọ ẹ một lời chủ quyền biển đảo.

Đánh đĩ nên vãi Doan nhà ta chả ngượng mồm “Dân chủ của chúng ta là rân chủ gấp vạn lần dân chủ các nước tư sản.”

Đánh đĩ nên Nguyễn Trần Bạt  mới “Tôi đã có một kết luận rằng nhân quyền không còn là quyền chính trị, nhân quyền là quyền phát triển và chống lại rủi ro của cuộc sống.”

Mà kể sao cho hết cái (nọc) nòi (cộng sản) đánh đĩ này[5].

Thế nên nhà thơ Việt Phương cũng phải thốt lời “Từ kỳ lạ đến bình thường rồi quá bình thường. Thứ chính trị không chính mà chỉ trị”.

Riêng phó thường dân tui thì hổng sao chịu nổi cái đánh đĩ chính sách “đại đoàn kết dân tộc” và “hòa giải” của đám chuyên gia trong “kỹ nghệ đánh đĩ” này.

Hổng biết “đại đoàn kết dân tộc” cái kiểu gì, chứ theo kiểu chính sách lớn đảng ta với búa liềm, cuốc chim trong Cải Cách Ruộng Đât với “trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” rồi rần rần tới luôn bác tài trong “cải tạo thương nghiệp” đến mút mùa “học tập cải tạo” và “Đối với bọn Ngụy quân, Ngụy quyền, nhà của chúng: ta ở; vợ của chúng: ta xài; con của chúng: ta bắt làm nô lệ; còn bọn chúng nó: ta giam cho đến chết!” thì có mà đời tàn dân tộc.

Đại đoàn kết dân tộc gì mà sĩ-nông-công-thương thì thí bỏ thành phần sĩ-thương và thổi ống đu đủ giai cấp công-nông.

Đại đoàn kết chi mà đày đọa dân miền Nam (một nửa đất nước) làm phó-thường-dân, diện “lý lịch” có vấn đề.

Đại đoàn kết nào mà lại bóp mũi, khai tử đồng chí (rận) trẻ người non dạ (Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Tranh Đấu) Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tấn tuồng “Hoàn tất sứ mệnh lịch sử” vừa hạ màn thì cho lũ trẻ xuống đường và nằm vùng chầu rìa, “dựa cột” coi bộ gọn ghê!

Còn cái loa “hòa giải” lại to chẳng thua gì “đại đoàn kết dân tộc”.

Chèng đéc ơi ai đời “hòa giải” với trò thủ tiêu Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ và đàn áp Cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo[6]… “hòa giải” bằng cách khai tử Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất rồi bắt giam Tăng thống Thích Huyền Quang và quản chế tại chùa[7] … “hòa giải” dùng cần cẩu giật sập thánh đường Giáo hội Mennonite (dù chỉ là chuồng bò tái tạo) của MS Dương Kim Khải[8] … “hòa giải” cướp nhà chung giáo phận Hà Nội và “thoái vị” Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi nước … “hòa giải” đem đàn áp tín đồ Cao Đài và trù dập giáo dân Con Cuông[9] … “hòa giải” triệt để áp lực chính quyền sở tại phá phá đổ tượng đài kỷ niệm thuyền nhân ở Galang và Bidong[10] hủy bỏ tang chứng trăm ngàn người chết trên biển, trên sông vì chính sách “hòa giải” trước đó v.v…

Mà thôi để chuyện chung, chuyện lớn ra một bên. Phó thường dân xin kể cái đời cá nhân lăn tăn, trầy trụa bà con nghe.

Số là tui được sanh trưởng ở miền Nam tự do, cũng được ăn (nhiều) học (ít) còn chơi thì lơ mơ thằng cù lần. Nghĩ lại đó cũng là cái phước vì chỉ biết ăn-học-chơi trong lúc tuổi thơ.

Không phải học căm thù người dân miền Bắc (như kiểu căm thù Mỹ-Ngụy), không phải học chém giết bộ đội CS trong phép toán cộng trừ (kiểu bắn bao nhiêu thằng Mỹ, thằng Ngụy) hoặc sát máu trong thơ ca (Giết, giết nữa bàn tay không phút nghỉ. Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong. Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt).

Phước đức nhất là không phải yêu, thờ ai ngoài thờ cha, kính mẹ và ông bà. Ai đời lại thương, thờ cái ông râu xồm tội phạm nhân loại ở tận đâu đâu (Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! … Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không? Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một, thương Ông thương mười). Vừa mới thoát khỏi nạn học “tổ tiên chúng ta là người Gô-Loa (nos ancêtres étaient des Gaulois )” dưới thực dân Pháp thì lại đội đầu ông Mác-ông Nin hở trời!

Vì không bị tuyên truyền, tẩy não với thù hận chém giết nên phó thường dân tui chẳng có chút thù hận nào với cộng sản dù có thấy những thảm cảnh gây ra bởi cộng sản. Nhưng sợ thì có (thiệt) à nha.

Sợ cúp cua đi coi phim kiếm hiệp, phim chưởng Khương Đại Vệ, Lý Tiểu Long mà bị đặc công đặt mìn plastic chết lòi phèo, phọt óc, máu me đầy rạp hát.

Sợ đi xem đá banh bị ném lựu đạn người tung như bóng.

Sợ đón xe lam đi học từ quê ra thị xã 12 cây số mà lỡ cán phải mìn bị chết hoặc cụt tay, què giò, mù mắt thì chắc phải đi ăn xin hoặc ăn bám cha mẹ suốt đời.

Sợ nửa đêm đang ngủ bị pháo kích lạc đạn cả nhà đi chầu ông bà sớm.

Tuy sợ thì có sợ thiệt nhưng phó thường dân tui không có lòng thù hận gì vì có gì (cá nhân) mà thù ghét họ. Ngay khi lúc lơn lớn dậy thì, bắt đầu biết nghe ca nhạc nên cũng có lúc khuya hôm mở radio gặp nghe chương trình “sinh Bắc tử Nam”. Nghe xướng danh thì cũng ngậm ngùi thương những người đã chết không hương khói giỗ chạp.

Còn dối trá hả. Không có ai bắt tui phải học nằm lòng. Làm gì có bị buộc dối trá, giả hình trong cuộc sống. Có dối thì cũng chỉ là cái dối cha mẹ đi chơi, dối để thuê truyện chưởng trinh thám đọc lén, dối hút thuốc lá lấy le phong độ bạn gái. Còn bạn bè thì xạo sự chơi dzui thôi mà.

Đâu có phải sống trong cái “thời kỳ bao cấp” tem phiếu, phải sống “đăng ký hộ khẩu” đi thưa (xin giấy phép) về trình (báo) với công an phường, hay họp tổ dân phố, không phải nghe phổ biến nghị quyết trên cái loa phường. Mạnh ai nấy sống chẳng nghi kị, dòm ngó. Mười bẩy năm niên thiếu của tui hổng thấy cái ông chính quyền Việt Nam Cộng Hòa nào xen vào cái đời tư cá nhân của tui hết ráo.

Thế nhưng cuộc đời êm ấm của tui chấm dứt vào cái ngày 30 tháng 4 năm ấy.

Đó là khởi đầu cái học dối trá và thù hận. Học đấu tranh giai cấp, học ai thắng ai, học “xưa cha đào, nay con đắp”[11], học (tham gia) đánh tư bản mại sản, kiểm kê tiểu thương, v.v…

Trời đất quỷ thần ơi! Sống ở dưới chế độ CS mà không dối trá thì đi đoong cái đời. Hổng dám kết bè, kết bạn với ai vì chỉ nói thật điều mình không ưa là có ngày gặp họa. Tui còn nhớ rành rành câu “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói là đi học tập.” Thành ra có gì thật thì giữ kín trong lòng, còn tất cả là giả vờ giả dối tung hô theo khẩu hiệu thì mới sống ngáp ngáp thôi. Họp hành ai nói gì thì nói cứ vỗ tay lớn là chắc ăn. Phải biết nói như con vẹt lập đi lập lại cái “ba giòng cách mạng”, “thời kỳ quá độ”. Phải “phấn khởi”, “hồ hỡi” thuộc long những câu trong nghị quyết làm bùa hộ mạng, làm lưới chống đạn B40.

Mà thôi, đó là chuyện cá nhân, nghe dài cũng oải. Mấy ổng đang vẫy gọi “hòa hợp hòa giải” nè!

Phó thường dân tui hổng biết gặp ai để nói chuyện “hòa giải”. Đi gặp ông Tổng (bí) hay ông Thủ (tiền)? Chắc chắn là tui hổng có thế, có lực để mà ngồi nói chuyện hòa giải với hai ổng.

Còn bà con chòm xóm láng giềng thì tui có gì xích mích mà hòa giải? Ngay cả người dưng ngoài ngõ đầu đường tui cũng hổng xích mích thì hòa giải cái nỗi gì.

Mà mẹ ơi, tui ở bên này (bên kia bờ đại dương) thì có ăn cái giải gì mà hòa hợp với lại hòa giải. Mấy ông vẫy tui lại để móc cái “khúc ruột ngàn dặm” coi còn sót đồng Đô nào chứ gì? Mỗi năm mấy ông ăn hớt cũng được bao nhiêu trên số kiều hối sấp xỉ mười tỷ đô la rồi chớ ít ỏi gì đâu mà còn bòn rút nữa mấy cha.

Khi nói tới “hòa giải” thì cũng có người bàn tới “thỏa hiệp” (compromise)[12]. Nói nghe cũng thủng lỗ nhĩ đó, vì trong đối thoại, từ đòi hỏi các phe nhóm, thì có lúc đi đến thỏa hiệp nhằm tránh sự bế tắc. Nhưng đó chỉ là chuyện của các thế lực (ba bẩy, tám mười) chứ cái cộng đồng và dân đen chung chung thì có thế lực gì. Chuyện “thỏa hiệp” giữa cá nhân với tập đoàn cộng sản thực chất là làm tay sai để đạt lợi ích riêng của họ. Mà thôi, để tôi chống mắt xem “Nhất định trong tương lai gần, người Cộng sản sẽ nhẹ nhàng ngồi vào bàn đàm phán đặt vấn đề ‘thỏa hiệp’ để vì lợi ích Dân tộc, Tổ Quốc.”[13] là tới khi nào.

Phó thường dân tui nghĩ mấy ổng nên hòa giải với dân chúng trong nước cho phải phép (pháp luật). Hòa giải với những người dân oan mất đất, trả đất đền bù thỏa đáng. Hòa giải với tín đồ các tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng và trả lại tài sản giáo hội. Hòa giải với những người bất đồng chính kiến, không giam cầm, bắt bớ, sách nhiễu, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, hội họp và chính trị của họ. Hòa giải bằng cách xóa bỏ độc quyền lãnh đạo, tạo bình đẳng cho mọi người thực thi quyền công dân xác đáng của họ trong việc chọn người tài giỏi xây dựng đất nước.

Mấy ông thực hành hữu hảo 4 tốt và 16 chữ vàng với dân trong nước thay vì với thằng láng giềng hung hăng trước đi.

Phó thường dân mới đọc đâu đây có cái giải thưởng Trần Nhân Tông[14] về hòa giải trao tặng cho hai vị: Tổng thống Myanmar, ông U Thein Sein và Chủ tịch Đảng đối lập NLD – bà Aung San Suu Kyi. Tui dám cá độ là mấy ổng mà làm được ba bốn điều hoà giải ở trên thì tui xin tiến cử và đài thọ chi phí đi lãnh giải kỳ tới liền (liền).

Tui nói thiệt nghe, coi bộ cái kỹ nghệ “đánh đĩ” của đoảng có nhiều hàng tồn kho nên cứ năm ba bữa rảnh rang là đem chào hàng món ế ẩm, câu khách tham bèo. Dzậy mà cũng có người dù không dám bỏ tiền túi mua nhưng lại rùm beng khen rẻ.

Phó thường dân tui lúc trước 75 có nghe phong phanh đến các “chị em” mua bán dâm ở ngã ba chú Ía nhưng chưa hề nghe vẫy chào quá cỡ thợ mộc kiểu này. Giờ thì nghe nói các “phố vẫy” nhan nhãn ở (Phan Đăng Lưu-Phạm Văn Đồng ) Hà Nội. Nghe rằng đặc điểm của phố vẫy là mờ mờ, ảo ảo phấn son, xiêm áo, mông má đắp vá, chuyên là đồ mã.

Còn phố vẫy khu Ba Đình thì sao? Thấy thì mát mắt. Sờ thì chắc cũng mát tay. Nhưng đụng trận là tới bến! Mụn cơm, mụn cóc, sùi mào gà, giang mai, hột xoài, HIV, HPV, SIDA vòng trong vòng ngoài khỏi kể. Ai xâm mình thì xin mời một quả “hòa hợp, hòa giải”, “đại đoàn kết dân tộc” dưới rốn.

Phó thường dân tui thì xin hai chữ bình an.

© 2012 Vietsoul:21


[Loạt bài Phó Thường Dân: (1) Anh tám hồ hởi – (2) Nôị-thực-dân – (3) Sợ – (4) Kỳ đà – cắc ké – kỳ nhông – (5) Con dân – con cá – cò mồi – (6) Bình vôi – bái vật – bà đồng – (7) (Vô) Hậu  – (8) Gió mưa là chuyện của trời …  – (9) Vô liêm sỉ – man rợ – (10) Phế-anh-hùng – (11) Luật Lệ(nh) … (12) Nhà em có nuôi một con két … (13) Cái nhà là nhà của ta … (14) Mèo – thỏ (16) Mít tờ Đàm và Bác Hồ (17) Nín thở qua cầu (18) Bán Thân – Bán Thận – Bán Thần (19) Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm]


[1] NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG RA MẮT TẬP THƠ “CỬA ĐÃ MỞ”
http://vanchuong.vnweblogs.com/post/2192…

Cuộc Đời Như Vợ Của Ta Ơi

Năm xưa ta nói rất nhiều “cực kỳ” và “hết sức”
Tội nghiệp nhất là ta nói chân thành rất mực
Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”
Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình.
Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa

Người ta dạy tôi
Ðồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Tôi đã sống một phần hai thế kỷ
Ðể hôm nay làm đĩ với tâm hồn!

[2] Hồi ký “Tôi Bỏ Đảng”, Hoàng Hữu Quýnh – Tại sao bỏ Đảng, bỏ Bác mà chạy trốn?

[4] Đánh đĩ chính trị, blog Nguyễn Tường Thụy

[11] Sau 30-4-75, chính quyền CS bắt thanh thiếu niên con em “lính  Ngụy” vào Thanh Niên Xung Phong đi đào thủy lợi, đắp đê.

Ởm à, Tản mạn [về Khánh Ly]

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Tạp văn on 2012/09/28 at 23:32

Việc Khánh Ly về Việt Nam hát hay không hát hiện nay vẫn là một câu hỏi, chưa là sự thực. Tuy nhiên với những động thái mở đường, những lời đánh tiếng, và sau đó Khánh Ly trực tiếp trả lời phỏng vấn trên BBC thì có thể nói trước đó là chuyện sẽ đến.

Về Khánh Ly thì cá nhân chúng tôi chuộng giọng hát của chị, một thời. Từ trước tới giờ, chúng tôi chẳng có gì để phê phán hoặc thành kiến với những lời đàm tiếu, dị nghị về lối sống hoặc cuộc đời riêng tư của Khánh Ly. Tuy nhiên việc về Việt Nam để hát dưới sự kiểm duyệt và xin phép được biểu diễn dù gián tiếp (hay trực tiếp) là một điều đáng xem xét ở đây.

Con người là động vật duy nhất có khả năng biện minh (justify) cho các hành xử của họ, và họ rất là thông minh, khéo léo trong việc hợp lý hóa (rationalize) cho các hành xử của họ một khi nó xung đột (conflict) với quan điểm và lương tri (riêng tư hoặc thuộc về nhân loại). Họ có thể dùng mọi thứ—từ ngôn từ đến khả năng thu hút—để ảnh hưởng, thuyết phục, biện hộ hay lừa dối mình. Đằng sau tận đáy sâu thẳm của tâm lý là những khát vọng—cái lực hấp  dẫn thúc đẩy có khi còn trói buộc con người vận dụng mọi lý lẽ—trong chiều đáp ứng thỏa mãn ước vọng của mình.  Và một phương tiện khác họ thường dùng đến đó là tự quên, tự chối chối bỏ những gì đã nói, làm, hứa, thề và cả thân thế mình nữa. Nhất là những ai khoác lên chiếc áo hoa xiêm lộng lẫy biến mình thành trọng tâm chiêm ngưỡng dưới ánh đèn sân khấu—nghệ thuật hay chính trị—thực và ảo. Viễn cảnh về khối đông người hâm mộ thần tượng chiêm ngưỡng chắc đủ để biện minh và hợp lý hóa cho danh ca Khánh Ly trở về.

Khánh Ly và bao nhiêu người miền Nam, danh ca hay đánh cá, đã liều mình trốn chạy cái độc tài cộng sản ác độc vô nhân, thế thì (chị) em còn nhớ hay (chị) em đã quên.

Con người trong vị trí hay tư cách là một cá nhân so với con người của công chúng (public figure) thì hoàn toàn là hai thực thể khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực xã hội và chính trị. Khánh Ly, cá nhân, đi về Việt Nam thì chả ai phải nói gì. Phần lớn tập thể tỵ nạn cs đã làm thế—đã đi về nơi chôn nhau cắt rốn với tư cách cá nhân vì lý do cá nhân, gia đình, bạn bè, chòm xóm v.v…  Nhưng Khánh Ly, danh ca, con người công chúng, người tỵ nạn cs đi về Việt Nam thì là một vấn đề chính trị. Nhất là tại thời điểm hiện nay.

Việt Nam đang lặn ngụp trong một môi trường mà tự do bị bóp nghẹt, các người đấu tranh dân chủ bị trù dập, lãnh án nặng nề, các thanh niên công giáo bị bắt giữ và tuyên án, bao nhiêu người dân oan mất đất sống lê lết ở các công viên Hà-nội, Sài-gòn. Vì thế, việc Khánh Ly về Việt Nam hát là một cái tát vào dân quyền, nhân quyền, và hơn thế nữa là cú đấm mõm những cái đầu biết cúi.  Chính quyền CSVN sử dụng nó với mục đích tuyên truyền trong nước và hải ngoại (nghị quyết 36) cho cái gọi là tự do, hòa giải, đoàn kết dân tộc v.v… và v.v… Và đã có không ít người đu dây tự mình ỡm à tiếp thị cho cái vàng mã “hòa giải” này.

Thật nực cười cho lời biện hộ hợp lý hóa của Khánh Ly đồng ý chịu kiểm duyệt bởi chính quyền VN trong khi trả lời phỏng vấn: “Phải có kiểm duyệt. Lỡ hát những bài người ta không cho phép thì phiền lắm. Nhưng mà nhiều khi tôi nghĩ nó cũng đúng. Mình vào nhà người ta. Tức là vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép.” Hóa ra từ xứ tự do lại phải đi vuốt ve cái “con cặc”[1] của xã hội chủ nghĩa (gấp ngàn lần ở các xứ Tây phương). Đó phải là cách tự quên, quên đi quá khứ khi nhà mình đang ở yên ấm thì bị cướp trắng tay, bị đuổi đi kinh tế mới, bị bắt đi cải tạo, phải liều mình trốn thoát ra được xứ sở tự do để an cư lạc nghiệp nay trở lại mái nhà xưa để thì-mà-là xin-cho phép.

Chúng tôi còn nhớ trong một video phỏng vấn với đài VNCR vài năm trước Khánh Ly nói nếu về thì sẽ về cùng với mọi người vì “khi đi thì đã cùng đi thì về sẽ cùng về“. Câu nói này trong ngữ cảnh và nội dung của cuộc phỏng vấn thì được hiểu với ý (nghĩa bóng) là “khi nào Việt Nam được tự do dân chủ thì mọi người Việt Nam hải ngoại và Khánh Ly trong tập thể tỵ nạn cs cùng về nước”; bây giờ thì chắc Khánh Ly sẽ dùng theo nghĩa đen (thui) của nó, ai cũng về (hát) thì tôi cũng về (hát) thôi.

Trong bài “Tản mạn về Khánh Ly”[2], tác giả quả thật khéo mở bài dẫn dắt từ các lời đàm tiếu, thị phi con người cá nhân Khánh Ly đồng điệu với “Những vấn đề thuộc về đố kỵ, chia rẽ, bôi xấu …”[3]  và kết đến thương thay “tội nghiệp cho Khánh Ly – Nữ Ca Sĩ tài năng, vận số bọt bèo, gây nhiều tranh luận bất tận, dường như vẫn ‘không buông tha’ chị?” vì những lời xôn xao về con người công chúng của Khánh Ly. Riêng câu hỏi “Liệu việc chị về hát có là một đổi thay thức thời của chính thể này?” của tác giả thì quả thật là một câu hỏi đùa bắt bóng vì “Còn ai mơ hồ gì về nhà nước cộng sản Việt Nam nữa hay không?”[4]

Ấy thế nhưng cũng rất dễ để quay lưng, nhắm mắt, cúi đầu nhằm biện minh và hợp lý hóa cái mơ hồ (hòa hợp hòa giải, tự do độc lập, nhà nước pháp quyền) của chế độ CSVN.

© Vietsoul:21

Song Chi – 37 lần 30 tháng Tư.

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Việt Nam on 2012/04/30 at 15:19

Viết gì cho ngày 30 tháng Tư khi đã có quá nhiều và ngày càng nhiều hơn những bài viết hay, xác đáng, tỉnh táo, dưới những góc nhìn khác nhau về biến cố lịch sử này của dân tộc?

Sau 37 năm dài, sự thật rồi cũng dần dần được sáng rõ. Dù có thể vẫn còn nhiều tư liệu, chi tiết về cuộc chiến tranh VN chưa được giải mã hết, nhưng tên gọi, ý nghĩa thật sự của cuộc chiến, vì sao lại có cái ngày 30 tháng Tư năm 1975 , ai “giải phóng” ai, thế nào thật sự là “thắng” là “thua”…thì hầu như đã được những người trong và ngoài cuộc, sinh ra ở miền Bắc hay miền Nam, trước hay sau cuộc chiến, người Việt hay người Mỹ, người nước khác…phân tích khá là đầy đủ.

Và điều quan trọng hơn cả, như câu thơ của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe trong tác phẩm Faust “Mọi lý thuyết đều xám xịt, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”, người Việt có thể vẫn cứ tiếp tục tranh cãi bất tận về thắng, thua, chính nghĩa thuộc về ai, nhưng chính thực tế VN như thế nào sau 37 năm đảng cộng sản giành độc quyền lãnh đạo trên toàn đất nước mới là câu trả lời xác đáng nhất.

Sau 37 năm, ngoại trừ những người đang ngồi trên những cái ghế lãnh đạo cao ngất ngưởng, những người gắn chặt với chế độ này vì quyền lợi, bổng lộc, và những người không có thông tin do không hiểu hoặc không biết tìm hiểu, còn ai thực sự tin rằng việc thống nhất hai miền Nam Bắc vào cái ngày 30 tháng Tư năm 1975 để đất nước thu về một mối dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản là một điều đúng đắn, may mắn cho đất nước này, dân tộc này?

Còn ai thực sự tin rằng con đường nước VN đã và đang đi bao nhiêu năm qua là đúng, rằng sau 37 năm đảng cộng sản vẫn xứng đáng lãnh đạo đất nước?

Còn ai thực sự tin rằng nhà nước này là của dân do dân vì dân, chế độ này tốt đẹp hơn, nhân bản hơn các chế độ có mô hình dân chủ pháp trị đa nguyên đa đảng trên thế giới, thậm chí ngay cả so với chế độ miền Nam Cộng Hòa trước kia?

Rằng ngay cả cái khái niệm ổn định mà đảng vả nhà nước cộng sản vẫn tuyên truyền như một ưu thế của chế độ có thật như vậy, hay chỉ là sự ổn định về chính trị bằng vào bàn tay sắt của nhà cầm quyền, còn lại tất cả mọi lĩnh vực khác của đời sống từ kinh tế, xã hội, văn hóa, đối nội đối ngoại… đều tiềm ẩn những mấm mống bất ổn, bất công, phi lý sâu sắc không thể sửa đổi, hóa giải?

Rằng người dân có thật sự đang được hưởng một cuộc sống tự do dân chủ với những quyền căn bản của một con người, một công dân, và sự bình yên trong tâm hồn?

v.v…và v.v…

Tôi tin rằng ngay cả trong cái thiểu số vừa nhắc đến ở trên-những người đang ngồi trên những cái ghế lãnh đạo cao ngất ngưởng, những người gắn chặt với chế độ này vì quyền lợi, bổng lộc, và những người không có thông tin-trong thâm tâm cũng không còn tin những vào những điều đó nữa.

Sau 37 năm, mọi huyền thoại được tô vẽ xung quanh đảng, nhà nước, chế độ…đều vỡ vụn ra như những bọt bong bóng xà phòng. Thực tế, đảng cộng sản VN đã và đang thua cuộc nặng nề. Thua từ cái lý thuyết ngoại lai không tưởng cùng với mô hình xã hội được xây dựng từ đó mà họ sao chép về đã hoàn toàn bị thất bại. Buộc họ phải “đổi mới” thực chất là “đổi cũ”, tồn tại nhờ tiếp tục kết hợp sự cai trị hà khắc của một chế độ độc tài với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.

Thua từ chỗ đứng trong
lòng người. Từ cuộc “bỏ phiếu bằng chân” (khái niệm foot voting từ thời Charles Tiebout, Ronald Reagan lại vừa được nhắc lại mới đây trong bài viết của tác giả Nguyễn Hưng Quốc) của hàng triệu con người bỏ nước ra đi ngay sau khi đảng và nhà nước cộng sản tưng bừng ăn mừng chiến thắng chưa lâu, và cho đến tận bây giờ người dân vẫn tiếp tục tìm cách này cách khác để ra đi. Với kẻ thù một thời là “đế quốc Mỹ” nay họ buộc phải quay lại cầu thân xin xỏ, với những người dân miền Nam trước đây họ không sao hòa hợp hòa giải hoặc thu phục được nhân tâm, còn với gần 90 triệu người dân hôm nay thì đang ngày càng mất lòng tin vào họ.

Thua từ vị trí, thế đứng, tầm mức phát triển về mọi mặt của VN so với các nước. Thua trong cái nhìn của thế giới đối với chân dung của nhà cầm quyền VN từ những hồ sơ tệ hại về nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do dân chủ cho người dân…

Thua cả trong văn hóa nghệ thuật, giáo dục, con người….Sau 37 năm, những tác phẩm nào của một thời được tung hô là dòng văn học nghệ thuật cách mạng hiện thực xã hội chủ nghĩa nay còn tồn tại theo thời gian?

Lịch sử dù có bị bóp méo, làm sai lệch, bưng bít đến đâu, nhưng thời gian và thực tế sẽ dần dần trả lại tất cả. Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều người đứng về phía “triệu triệu người buồn” (từ ý câu nói của Cố Thủ tướng nước Cộng hòa XHCN VN Võ Văn Kiệt), viết lên những tâm tư trăn trở day dứt băn khoăn mỗi khi ngày 30 tháng Tư lại về.

Không chỉ là những con người đã từng sống, dính líu đến chế độ miền Nam Cộng Hòa, những người có ân oán với chế độ cộng sản hiện nay, hay những con người đã phải rời nước ra đi ở thời điểm này thời điểm khác, vì không thể chịu đựng hoặc không chấp nhận chế độ cộng sản.

Mà là những con người đã từng sinh ra và lớn lên ở miền Bắc trước 1975, từng cầm súng chiến đấu dưới lá cờ đỏ sao vàng cho một lý tưởng mà họ thực sự tin vào thời điểm đó là “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào, đánh để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, để xây dựng một chế độ xã hội chủ nghĩa công bằng và tốt đẹp”. Thậm chí họ từng ở trong hàng ngũ tướng tá, lãnh đạo cao cấp, hoặc từng là thành phần con cưng của chế độ.

Là những con người thuộc thế hệ hậu chiến, sinh ra và lớn lên hoàn toàn trong lòng chế độ hôm nay, có rất ít hoặc hầu như không có chút mặc cảm nào với cuộc chiến đã qua, hàng ngày vẫn nghe những lời tuyên truyền một chiều của đảng và nhà nước cộng sản trong bao nhiêu năm…

Những con người ấy cũng đã nhận ra đúng sai, sự thật. Hãy đọc những bài viết trên báo chí ở nước ngoài, các diễn đàn độc lập, blog cá nhân…để thấy sự phong phú, đa dạng của những người vừa nhập thêm hàng ngũ “triệu triệu người buồn”, cứ mỗi 30 tháng Tư năm sau lại đông hơn, đa dạng hơn. Dù mức độ và cách thể hiện khác nhau, họ đều bày tỏ nỗi đau xót, nuối tiếc cho những bước đi sai lầm của đất nước mà đôi khi trong đó có cả sự đóng góp của chính mình và cha ông mình bởi một thời ngây thơ bị lừa, đồng thời trăn trở ưu tư trước tình hình hiện tại, lo lắng cho vận mệnh và tương lai của đất nước.

Tôi đồng ý với nhà báo Lê Diễn Đức, đồng thời đây cũng chính là câu tôi thường tự nói như an ủi khi nghĩ về đất nước không may mắn của mình, rằng mỗi con người có định mệnh của mình, mỗi đất nước cũng có vận mệnh riêng.

Vận mệnh của VN thật nghiệt ngã, cay đắng. Quá nhiều những sự chọn lựa sai, những bước đi sai lầm.

Nhưng có ích gì nếu bây giờ chúng ta lại nhắc đến những chữ “nếu”…

Tôi tin rằng nếu ý chí của một con người có thể thay đổi số phận của người đó thì điểu này lại càng đúng, với một dân tộc, một đất nước.

Sau 37 năm dài. Dù VN vẫn chưa có được một phong trào dân chủ mạnh mẽ xuất phát từ sự đoàn kết của quần chúng dẫn đến sự sụp đổ của chế độ như các nước Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa cũ, các nước Trung Đông và Bắc Phi trong phong trào cách mạng hoa nhài mới đây…Dù VN vẫn chưa có những đảng phái chính trị đối lập đủ mạnh với những khuôn mặt có đủ uy tín để đương đầu với nhà cầm quyền, buộc họ phải tự thay đổi như Miến Điện…Nhưng lòng dân chán ghét chế độ, mong muốn một sự thay đổi và một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước thì đã quá đủ.

Không ai có thể cứ sống mãi trong một chế độ độc tài, một xã hội tồi tệ mà không vùng dậy tìm lối thoát cho mình, cho người khác và cho con cháu mai sau.

Và tôi tin rằng nếu một ngày nào đó chế độ này sụp đổ, và một chế độ tự do dân chủ được thiết lập trên quê hương VN, sẽ không bao giờ có hiện tượng hàng loạt tướng lĩnh cao cấp trong quân đội cộng sản sẽ tự sát cùng với chế độ như đã từng xảy ra với miền Nam Cộng Hòa, mặc dù chế độ đó vẫn có những ông tướng, tá hèn nhát bỏ lính chạy trước để bảo vệ mạng sống của mình. Sẽ không có hiện tượng hàng triệu con người sau khi đã phải rời bỏ đất nước và đã có một cuộc sống bình yên, thậm chí sung túc, đã là công dân của nước khác, nhưng vẫn mang theo lá cờ của cái chế độ đã bị bức tử đó suốt bên mình bao nhiêu năm. Sẽ không có những bài viết, những nỗi đau, tiếc cho sự sụp đổ của chế độ này như đã từng có đối với ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Như đã từng xảy ra ở Liên Xô và các nước do đảng cộng sản lãnh đạo trước đây ở Đông Âu. Không một ai nuối tiếc những năm tháng dưới chế độ do đảng cộng sản nắm quyền, họ thẳng tay vứt nó vào sọt rác, bước sang một trang sử mới. Và rõ ràng ở những quốc gia này đảng cộng sản không có mảy may hy vọng gì quay trở lại.

Đôi khi cũng phải an ủi trong nỗi bất hạnh có cái may. VN phải trải qua những năm tháng sống dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản để không bao giờ còn ai có bất cứ chút ảo tưởng nào vào lý thuyết, chủ nghĩa cộng sản, vào đảng cộng sản cả.

Mặc dù cái giá ấy là quá đắt!

 

Song Chi