Nguồn: Blog BS Hồ Hải
Posts Tagged ‘báo chí’
Hồ Hải – Khi Cái Thiện Không Còn Đất Sống
In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/01/18 at 10:26Báo Tiếng Vang An Nam: Một cuộc trao đổi ý kiến với ông Phan Chu Trinh
In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Việt Nam on 2012/07/15 at 09:26
Theo cuốn Phan Chu Trinh – Toàn Tập, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2005
KHÔNG CÓ CHÍNH QUYỀN NÀO LÀ KHÔNG THỂ SAI LẦM. Vậy phải cho đồng bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn hợp pháp, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công hoặc sự nhũng lạm nào đó. Báo chí chống đối là điều cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải. Ai không nói gì là tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn là sự câm lặng của người An Nam làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn, và chính quyền sẽ yên ngủ coi như đã tròn phận sự. Đúng là vì sao lại đi trao tự do cho những người nô lệ bằng lòng với số phận của họ?
Chúng tôi vui mừng gửi đến bạn đọc bản tường thuật một cuộc nói chuyện mới đây của một cộng tác viên của chúng tôi với ông Phan Chu Trinh.
Chúng tôi vui mừng hoàn toàn nhất trí về những vấn đề của nước An Nam với một trí thức lớn đã có một cuộc sống sôi động, đã quan sát nhiều và suy ngẫm lâu dài về những cái đã thấy, và với một người đã dũng cảm chịu đựng đau khổ, nên chính kiến và lời nói có một quyền uy đặc biệt.
Cách đây mấy hôm, tôi được dự bữa cơm tối chào mừng ông Phan Chu Trinh.
Suốt bữa chiêu đãi thân mật ấy, người bị đày biệt xứ đã kể cho chúng tôi những kỷ niệm thời ở Côn Đảo, thời bị tống giam vào nhà tù Santé tại Paris, khi ông từ chối chính phủ Pháp buổi đầu chiến tranh yêu cầu ông trở về Đông Dương để truyền tuyển mộ người An Nam đi lính tình nguyện, bởi vì ít người tình nguyện quá nên nhà chức trách địa phương phải có biện pháp ép buộc.
Ông nói với chúng tôi rằng người An Nam phải TIN CẬY VÀO CHÍNH MÌNH. Được đào tạo, uốn nắn và giáo dục theo những giáo huấn của văn minh Trung Hoa cổ, họ phải hiểu rằng một số khía cạnh của nền văn minh ấy không còn phù hợp với những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại. Hãy từ bỏ chúng không thương tiếc, không sợ sệt, vì chính Trung Quốc đã vứt bỏ chúng! Để tham gia vào cuộc đại vận động sôi nổi khích lệ các dân tộc khắp nơi, người An Nam phải dũng cảm bắt tay vào việc tiếp thu những kiến thức mà họ thiếu. Trong mọi việc, phải có một phương pháp làm việc, một tổ chức sử dụng mọi cố gắng, mọi ý chí rời rạc phải tụ hội vào tổ chức đó. Một kỷ luật xã hội cũng rất cần thiết.
Mỗi người, bỏ ngoài quyền lợi cá nhân của mình, phải tận tụy trong tính toán với quyền lợi chung, cá nhân phải biến mất trước tập thể, như vậy việc giải phóng của người An Nam tùy thuộc vào ý chí kiên trì của họ để đạt được nó.
Ông Phan Chu Trinh không thuộc phái chủ trương giải phóng bằng bạo lực, bằng vũ khí. Ông nói rằng ngày mà chúng ta đã khá phát triển để xứng đáng đứng vào hàng ngũ những dân tộc hiện đại, ông chắc rằng nước Pháp hẳn sẽ thỏa mãn những yêu cầu của chúng ta.
– Hãy tiến lên, ông nói to, hỡi thanh niên của thế hệ hiện đại, chúng tôi đặt cả hy vọng vào các bạn. Trên con đường tiến bộ mà các bạn đi những bước dài, những người già yếu tuổi tác [1] như tôi sẽ phải chống gậy theo các bạn để khỏi rơi rụng dọc đường.
– Trong khi trong thiên nhiên, mọi thứ đều là vận động và tiến hóa, tại sao chúng ta lại chậm trễ rồi tụt hậu với những công thức cũ rích của những nguyên tắc lỗi thời? Không có sự dừng lại trong sự tiến triển của một dân tộc. Dân tộc nào không tiến lên thì thụt lùi. Cũng phải nhớ rằng nước An Nam dưới thời Trần đã có một kỷ nguyên vinh quang và thịnh vượng nổi bật. Chính quyền thời ấy là một chính quyền dân chủ, từ ngữ mà lúc bấy giờ Châu Âu chưa biết đến vì bất kỳ đâu, Châu Âu lúc đó đang rên xiết dưới sự chuyên chế tàn bạo của chế độ phong kiến. Vài năm sau, những ông vua xấu – mà tôi không muốn nêu tên – đã đưa vào nước ta nền văn minh Mãn Châu mà họ là những tín đồ trung thành. Và đó là sự tan vỡ của lịch sử chúng ta. Con người bị rơi vào tình cảnh nông nô, phải chịu sưu cao thuế nặng mà không dám than vãn. Từ đó mà có sự nhịn nhục, sự thụ động của nhân dân An Nam. Điều đó phải chấm dứt. KHÔNG CÓ CHÍNH QUYỀN NÀO LÀ KHÔNG THỂ SAI LẦM. Vậy phải cho đồng bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn hợp pháp, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công hoặc sự nhũng lạm nào đó. Báo chí chống đối là điều cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải. Ai không nói gì là tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn là sự câm lặng của người An Nam làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn, và chính quyền sẽ yên ngủ coi như đã tròn phận sự. Đúng là vì sao lại đi trao tự do cho những người nô lệ bằng lòng với số phận của họ?
Còn về tinh thần gia đình và các vị nói đó, đó là một điều rất hay, là điều duy nhất đáng kính nể. Tôi không thể không cảm thấy vô cùng buồn bã khi thấy đến lúc xế chiều những ông già bà già suy yếu thảm bại, mà không có một cánh tay mạnh khỏe để dựa vào. Phải giúp đỡ bố mẹ, những người đã lo lắng và nhọc nhằn nuôi nấng con cái. Đó là bổn phận sơ đẳng nhất của con người.
– Người ta phải biết sự căm ghét của ông đối với triều đình Huế! Một phong trào dư luận đang thành nhằm xóa bỏ vương quyền. Ông có thể nói cho chúng tôi biết ý kiến của ông về vấn đề này?
– Quả thực – Phan Chu Trinh trả lời – tôi không mặng mà lắm với triều đình Huế. Điều đó giải thích sự thất sủng rồi án tử hình mà tôi phải chịu. Nếu bây giờ tôi còn giữ được cái đầu trên cổ, đó là do sự can thiệp của những nhân vật có thế lực ở Pháp [2]. Ý kiến của tôi về cái triều đình hình thức ấy không thay đổi. Tôi đồng ý xóa bỏ nó đi một cách hoàn toàn và đơn giản và thay thế bằng sự cai trị trực tiếp của chính quyền bảo hộ Pháp. Giải pháp ấy, ngoài những điều lợi mà nó đem đến, còn vì ngân sách khỏi phải vì những mục đích mơ hồ và duy trì một ông vua ủy mị và những thượng thư không quyền hành. Nó còn làm cho người An Nam có quan hệ trực tiếp với chính quyền bảo hộ. Chính phủ bảo hộ sẽ không thể dùng nhà vua để che giấu những ý đồ của mình, để chối cãi vai trò chủ trương hoạch định của mình về những biện pháp hành chính, và do đó, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những biện pháp ấy. [Đọc đến đây tôi không thể không liên tưởng đến hệ thống Đảng lãnh đạo và Nhà nước thực hiện của chúng ta hiện nay!]
Sự tiến hóa của nhân dân An Nam tùy thuộc một phần vào việc chính phủ Pháp quyết định vấn đề này như thế nào. Khi chúng ta can đảm cắt đứt ngay với di sản nặng nề của những thế hệ đã qua, chúng ta sẽ tiến lên phía trước một bước dài trên con đường giải phóng. Việc giải phóng này không phải không vấp trở ngại và chấn động, nhưng đó là cái giá phải trả không tránh khỏi cho mọi tiến bộ.
– Theo ông, phương tiện nào hữu hiệu nhất giúp chúng ta đạt đến sự giải phóng mà ông nói đến?
– Giáo dục, như tôi đã nói với các ông rồi. Giáo dục phổ cập khắp nơi, giáo dục tăng cường, giáo dục không theo đuổi mục đích thực dụng là giúp người An Nam mưu đồ địa vị và bổng lộc ở chốn quan trường, mà là để làm phương tiện giải phóng quần chúng. Khi đại đa số nhân dân An Nam CÓ HỌC VẤN sẽ hiểu những “VÌ SAO?” và “NHƯ THẾ NÀO?” của sự vật, khi họ ý thức được mình, ý thức được quyền lợi và bổn phận của mình, ngày ấy chính phủ Pháp sẽ phải nới lỏng những sợi dây cản trở sự vươn lên của những người bị bảo hộ, nếu không sẽ làm trái với lý tưởng của mình.
Như vậy, đám thực dân tức là tất cả những người có lợi trong việc duy trì hiện trạng, sẽ gây khó khăn. Vì thế, chúng ta phải rất thận trọng với họ; chúng ta hãy quan hệ rất thẳng thắn với họ, không khúm núm cũng như ngạo nghễ. Ở Pháp, có nhiều người Pháp sáng suốt chống đối việc cai trị thuộc địa. Ông Clémenceau, mà tôi có vinh dự được xem như là một người quen biết, luôn luôn không tán thành chính sách thực dân, vì vậy mà không ghé thăm Đông Dương trong chuyến đi thăm Trung Hoa.
Nếu trong một thời gian bị nhiều người Pháp ở đây ngờ vực, mặc dù tôi không phải là người bài Pháp, đơn giản là vì tôi có một cái nhìn chính xác đối với người và sự vật và không bao giờ không phản đối khi có những sự bất hợp pháp hoặc bất công.
– Về vấn đề giáo dục, ông có tán thành cuộc vận động của ông Phạm Quỳnh, chủ nhiệm tạp chí Nam Phong, về việc phổ biến và dùng chữ quốc ngữ ở bậc tiểu học không?
– Không, tôi cho là không thích hợp, vì giải pháp ấy sẽ làm cho ai muốn học lên sau bậc tiểu học sẽ phải mất thêm vài năm mà họ phải dùng để học tiếng Pháp. Đã có chuyện một tú tài bản xứ, muốn được cùng trình độ với bạn anh ta ở chính quốc, phải học thêm 2 hoặc 3 năm. Thế mà người ta còn bắt anh ta để ra mất 3 năm để học tiếng mẹ đẻ, trong khi người nông dân trì độn nhất chỉ cần học nhiều nhất là vài tháng để đọc và viết được chữ quốc ngữ! Tất nhiên phải loại trừ những quan điểm khác vì đó dĩ nhiên chỉ là những nhận xét trên khía cạnh thực tiễn vì khi tất cả mọi thứ đều là tốc độ, phải nhanh chóng, lẹ làng, tôi thấy không hợp lý khi chúng ta chọn một biện pháp làm con em chúng ta mất một thời gian cực kỳ quý báu.
Bữa ăn tối kết thúc, nhưng ông Phan Chu Trinh vẫn nói hùng hồn, đề cập đến nhiều vấn đề, tất cả khá hấp dẫn, và được thanh niên vây quanh chăm chú lắng nghe. Tuy nhiên, trong trí chúng tôi tưởng tượng lại nỗi đau khổ dai dẳng suốt cuộc đời của ông già ấy, già nhưng vẫn còn trẻ vì trí tuệ sắc sảo, gợi lại việc ông bị đày ra nước ngoài, xa quê hương mà ông yêu tha thiết… Chúng tôi rất thán phục sự nhẫn nại của ông, lòng tin không gì lay chuyển vào sự nghiệp mà ông tha thiết theo đuổi.
Ông Phan Chu Trinh cho tất cả chúng ta tấm gương của một ý chí bền bỉ phục vụ một lòng yêu nước sáng suốt.
D.N
Báo Echo Anammite [3] (Tiếng Vang An Nam)
Ngày 17/7/1925
(Theo Lê Thị Kinh – Sđd)
_______________
[1] Nguyên văn: “Đầu đã lung lay” (không còn vững nữa)
[2] Phan Chu Trinh hoàn toàn không hay biết chuyện Phủ Phụ chánh (tên Viện Cơ Mật lúc Duy Tân còn ít tuổi) đã cải lệnh của Khâm sứ Levecque để giữ mạng sống cho ông.
[3] Báo của chính khách Nguyễn Phan Long ở Sài Gòn
* * *
PHẢI CÓ BẢN LĨNH ĐẤU TRANH…
Tiểu dẫn: Sau ngày cụ Tây Hồ về nước (1925), có nhiều người, nhiều giới chức đến thăm viếng và nghe Cụ nói chuyện. Trong số đó, cũng có người non gan, sợ tai vạ, nói với Cụ rằng: “Đối với Cụ thì người ta không làm gì được, nhưng mà chúng tôi, ở dưới tay bọn thống trị, thì một tiếng nói cứng, một việc nhỏ mọn, cũng có thể bị họ thêu dệt thành ra mà bắt bớ hình phạt…”
Cụ trả lời:
“Miễn là các ảnh hiểu rõ và có lòng cương quyết để nói, để làm là được. Còn làm chính trị, ở đâu cũng vậy, mà ở thời nào cũng vậy, nếu sợ khó nhọc, sợ hao tổn, sợ bắt, sợ tù, thì làm sao được? Dân ta bây giờ là dân mất nước, nếu muốn được nước lại, mà sợ tù tội, thì làm sao nổi! Chưa ở tù khi nào, thì còn sợ tù, chỡ đã ở rồi thì không sợ nữa. Chúng ta bây giờ nên ở tù cho đông, cho quen, để có đủ can đảm mà làm việc.
Không phải là nói liều mạng để cho họ bắt bớ mà làm ngăn trở công việc mình làm đâu. Phải biết chắc chắn cái quyền tự do là quyền của mình, không phải xin ai mà có, không phải xin của người ta cho. Lại phải hiểu rõ đường lối chính trị, phải có trí khôn sáng suốt, phải luyện tập tình hình và biết cách tùy cơ hành động, tùy cơ tranh đấu, thì mới bảo vệ được quyền tự do của mình mà công việc mình mới khỏi bị ngăn trở. Ngoài ra khi nào sức mạnh mình không chống nổi; khi nào có sự bất ngời không liệu trước được, rủi bị bắt bị tù, thì cũng phải cam chịu…”
(Theo Phan Thị Châu Liên, trong mục Phụ biên kèm theo cuốn Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử của Huỳnh Thúc Kháng, xuất bản cùng với Giai Nhân Kỳ Ngộ (do Lê Văn Siêu bình giải và chú thích). NXB Hướng Dương, Sài Gòn, 1958, tr. LXXXI-LXXXII)
Nguồn: Dân Luận
Tưởng Năng Tiến – Những Bước Đi Lùi
In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/05/05 at 09:25“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước…”
–Tạ Phong Tần (Thành Viên Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do)
Lâu rồi, có bữa, tôi nghe nhà văn Vũ Thư Hiên (bùi ngùi) nhắc lại một kỷ niệm buồn ở Bất Bạt – Sơn Tây:
“Nơi tôi được đưa đến là một trại giam quân đội… Trên cái bàn gỗ mộc bụi bặm và mốc thếch lăn lóc mấy tờ Quân Đội Nhân dân nhàu nát. Tôi vồ lấy chúng, đọc ngấu nghiến để rồi thừ ra, thất vọng – tin tức trong báo chả nói với tôi điều gì mới.”
“Thời gian không đứng về phía chúng tôi. Những tờ báo giống y như những tờ này tôi đọc hàng ngày, một năm trước. Chúng sẽ giống như thế một năm sau, hoặc nhiều năm sau. Thế giới đã mắc bệnh bại liệt…Ngoài kia vẫn là đêm tối, chưa có gì hứa hẹn bình minh. Mà bây giờ đã là mùa hè năm 1969.”
(Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. California:Văn Nghệ, 1997).
Khoảng thời gian mà Vũ Thư Hiên vồ vập và đọc ngấu nghiến mấy tờ báo Quân Đội Nhân Dân (rồi “thất vọng” và than rằng ““Thời gian không đứng về phía chúng tôi”) thì một công dân Việt Nam khác vừa mở mắt chào đời. Bà sinh ngày 15 tháng 9 năm 1968. Bốn mươi năm sau, với tư cách là một thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, blogger Tạ Phong Tần đã dõng dạc tuyên bố:
“Đã qua rồi cái thời người dân chỉ được biết những gì nhà cầm quyền muốn cho họ biết, và không được biết những gì nhà cầm quyền muốn bưng bít, giấu nhẹm bằng cách quản lý chặt chẽ toàn bộ hệ thống báo chí trong nước…”
“Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự hiểu biết của bạn truyền tải cho người khác để mọi người cùng được biết, qua đó, mọi người cùng bàn luận, cùng kiểm tra xem, dùng quyền công dân của mình đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật pháp quy định.”
“Có thể sự hiểu biết của bạn chỉ là một phần nhỏ nào đó trong đời sống xã hội, nhưng nhiều người góp lại sẽ tạo nên một bức tranh hiện thực xã hội hoàn chỉnh. Khi tự mình làm một nhà báo công dân, chính bạn đã góp phần công khai, minh bạch hóa xã hội, cùng chung sức xây dựng một xã hội dân sự cho đất nước chúng ta.”
.jpg)
Nhà báo tự do và blogger Tạ Phong Tần một ngày trước khi bị bắt đã tham dự khóa huấn luyện về kỹ năng truyền thông Công Giáo ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. (Hình: chuacuuthe.com)
Quan niệm đúng đắn và tích cực vừa nêu, tiếc thay, đã không được chia sẻ bởi những kẻ đang nắm quyền lực ở Việt Nam. Vốn đa nghi, và trí trá, giới người này có khuynh hướng xem blog (nói riêng) và web (nói chung) chỉ là “âm mưu của những con nhện” – những kẻ đang âm mưu “diễn biến hoà bình” – cần phải được theo dõi và kiểm soát, nếu được.
Tất nhiên là không thể được. Tầu còn bó tay thì nói chi ta. Chuyện quản lý internet ở nước bạn (“bốn tốt”) láng giềng, được giáo sư giáo sư Cao Huy Thuần tóm gọn, như sau: “80 muơi triệu con chuột thì mèo đâu ra mà bắt cho hết.”
Nhà nước Trung Hoa vĩ đại đã từng thành công mỹ mãn trong việc huy động dân chúng tiêu diệt vài tỉ con chim (sẻ) mà nay đang loay hoay không biết đối phó ra sao với mấy chục triệu con chuột (điện). Quyết tâm của họ, xem chừng, hơi thấp. Quyết tâm của ta, xem ra, cũng… không cao gì cho lắm!
Báo Công An Nhân Dân, số ra ngày 5 tháng 10 năm 2007, đã mô tả blog như là một thứ “hệ lụy” và “quản lý blog” là chuyện … buộc cẳng chim trời:
“Theo ước tính từ Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 3 triệu blog tại Việt Nam. Và mỗi ngày có hàng chục ngàn blog mới được khai sinh và việc một người sử dụng nhiều blog với những mục đích khác nhau là hoàn toàn có thể. Đã có những phát sinh và hệ lụy từ blog…”
“Tuy nhiên, liệu có quản lý được không? Quản lý một blog mà danh tính của nó có thể thay đổi trong chớp mắt và những thông tin hiển thị không thực sự chính xác thì đó là cách buộc cẳng chim trời. Hầu hết các blog đều là dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, vì vậy việc quản lý sẽ càng trở nên nan giải hơn…”
“Trong bộn bề của những ngày bắt đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, trong rất nhiều những vấn đề cần giải quyết và đưa ra những hướng dẫn cụ thể, đưa ra việc quản lý blog với những quy chế hướng dẫn cụ thể là điều chưa khả thi.”
Ủa, nói vậy thì chừng nào chuyện “quản lý blog” mới “khả thi” đây – mấy cha?
Câu trả lời tìm được vào gần một năm sau, khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị Định 97/2008/NĐ-CP – về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet – vào ngày 28 tháng 8 năm 2008. Theo đó: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hơn năm năm đã trôi qua, với thời gian số chuột ở nước ta – xem ra – có vẻ mỗi lúc một tăng gia, chứ không hề giảm. Ta không có tới tám mươi triệu con chuột (như Tầu) nhưng tính rẻ cũng cỡ đâu chừng… bốn triệu! Mèo đâu ra mà bắt cho hết, hả Trời?
CAM (công an mạng) lại không thể đào tạo dễ dàng như mấy ông bạn đồng nghiệp, bên ngành giao thông. Loại sau, khỏi cần huấn luyện, cứ quăng ra đường là tụi nó xông xáo đi ghi giấy phạt để… kiếm (them) chút cháo. Chớ còn rình bắt chuột (điện) thì đòi hỏi cần phải có nghiệp vụ khá cao mà lại chả được ăn cái… giải (rút) gì, ngoài số tiền lương… chết đói.
Bắt không hết thì đành dọa xuông thôi, kiểu như nông dân đặt mấy thằng bù nhìn trên những cánh đồng để hù đám chim trời vậy mà. Thử nghe lời ông Tom Cat – một vị quần chúng tự phát, trong thế giới internet – vừa đe những blogger ở Việt Nam, trên trang Dân Luận:
Anh Bùi Thanh Hiếu thân mến, có lẽ tôi không phải trình bày dài dòng với anh như với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bởi vì những hoạt dộng của anh không vang tới Bộ Chính Trị như tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhưng ở mức độ thấp hơn, anh có 3 hoạt động khiến những người làm an nình và bảo vệ tư tưởng văn hóa đặc biệt khó chịu: đó là cổ vũ cho các hoạt đống chống đối ở Thái Hà, tham gia tích cực biểu tình, viết tập truyện ‘Đại Vệ Chí Dị’. Tôi xin mạn phép cảnh báo anh Hiếu là đã có quyết định chính thức của cơ quan chức năng để vô hiệu hóa anh. Tôi rất lấy làm tiếc về điều này, và thật sự tôi hy vọng với những dòng cảnh báo này anh sẽ chấm dứt hoàn toàn 3 hoạt dộng chống đối trên, như vậy thì cơ quan Công An có thể sẽ tha cho anh, tôi thật sự không muốn anh vào tù và bé Tí Hớn của anh thiếu vắng sự dạy bảo của người cha, rất mong anh suy nghĩ.
Trân trọng
Tom Cat
P/S: Tom Cat xin cảnh báo 2 người nữa cũng đang có nguy cơ rất cao bị ‘vô hiệu hóa’ đó là ông Nguyễn Hữu Vinh và ông Nguyễn Xuân Diện, xin hai ông biết rằng chính quyền đã hết kiên nhẫn với hai ông khi sự kiện tàu Bình Minh 02 đã trôi qua 7 tháng mà các ông vẫn muốn ‘restart’ các cuộc biểu tình nhằm mục đích gây rối. Nếu chỉ cần kích động thêm 1 lần biểu tình nữa thì hai ông sẽ bị vô hiệu hóa triệt để. Xin thật lòng cảnh báo.”
Mà “vô hiệu hoá” và “vô hiệu hoá triệt để” khác nhau làm sao vậy cà? Một đằng là vô tù; còn đằng khác (chắc) là vô nghĩa địa, sau khi (cho) xe đụng chết luôn hay sao? Đằng nào thì nghe cũng ghê thấy mẹ luôn. Tuy thế, qúi ông Bùi Thanh Hiếu, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Hữu Vinh (dường như) đều bị nặng tai nên mọi lời đe doạ của quần chúng tự phát –Tom Cat – kể như nước đổ lá khoai!
Thế là Nhà Nước lại phải có biện pháp mạnh (hơn) theo như tin nghe được từ RFI, vào hôm 06 tháng 4 năm 2012:
“ Tại buổi hội thảo hôm thứ Sáu vừa qua, thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã tuyên bố rằng, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực Internet không còn phù hợp nữa, cho nên cần phải ‘bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các chế tài’, nhằm tạo hành lang pháp lý cho ‘sự phát triển bền vững của Internet’ở Việt Nam. Nói cách khác, dự thảo nghị định mới đi xa hơn trong việc kiểm soát thông tin trên Internet ở Việt Nam.”
Nghe mà thấy thương quá sức, muốn ứa nước mắt luôn:”các văn bản pháp luật trong lĩnh vực Internet không còn phù hợp nữa, cho nên cần phải ‘bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các chế tài.”
Thời gian, rõ ràng, đã đứng về phía khác – phía của ông Vũ Thư Hiên và mọi người dân Việt, trong cũng như ngoài nước. Buộc cẳng chim trời hay buộc chỉ chân voi đều là những chuyện (rất) khó thành công.
– Ủa, không thành công thì thành nhân chớ có mất mát gì đâu mà sợ?
– Sợ chớ, theo luật tiến hoá thì đi tới mới có hy vọng thành nhân. Còn cố kìm giữ cả một dân tộc trong tăm tối, dốt nát và nghèo đói… là bước lùi. Bước lui thì chỉ có thể thành dã nhân thôi! Thì tui cũng tiện mịêng mà nói chơi cho vui vậy, chớ đừng có lo chuyện những người đang cầm quyền ở VN có thể biến cả dân tộc này thành … vượn. Khoảng cách mà họ có thể tiếp tục bước lùi cũng chả còn được bao xa và bao lâu nữa đâu. Chắc chắn là không thể lâu như bản án hàng chục năm tù mà họ sắp áp đặt lên cuộc đời của những thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, trong đó có Tạ Phong Tần (*) Gió đã chuyển rồi!
Tưởng Năng Tiến
(*) Xin đón đọc Tuyển Tập Tạ Phong Tần, do tuần báo Trẻ Dallas, Texas xuất bản. Độc giả có thể đặt mua ngay từ bây giờ qua địa chỉ sau:
Toà soạn báo Trẻ
3202 N. Shiloh Rd., Garland, TX 75044.
ĐT: 972-675-4383/ Email: tusachtreusa@gmail.com