vietsoul21

Posts Tagged ‘Đinh Nguyên Kha’

Người Buôn Gió – Chúng ta biết ơn những người bị bắt.

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết on 2014/03/01 at 12:47

Có lần một thượng nghĩ sĩ của một nước châu Âu, hỏi trực tiếp tôi (qua phiên dịch). Bây giờ thì hình như ông ta là bộ trưởng hay phó thủ tướng gì đó.

– Anh nghĩ sao về chuyện có những người bị bắt và có những người chưa bị bắt. Tôi vẫn thấy nhiều người viết hoặc đấu tranh nhân quyền không bị bắt đó thôi.

Tôi trả lời.

– Tôi nghĩ là chỉ có người bị bắt và người chưa bị bắt thôi. Vì sự bắt bớ vẫn diễn ra, năm nay người này, năm sau người khác. Cho nên tôi chờ đợi ở những người như ông câu hỏi – Chừng nào ở Việt Nam không có người viết, người bất đồng chính kiến bị bắt? – Câu hỏi đó tôi nghĩ mới cần thiết.

Ở cuộc gặp này có 3 người Việt Nam được đối thoại với các nghị sĩ, hai trong số 3 người đó là người của nhà nước Việt Nam.

Trong câu hỏi của vị thượng nghị sĩ kia, chắc chắn ông ta có những thông tin về người bị bắt, và chắc chắn ông ta còn có những lý giải của ai đó về việc vì sao có người không bị bắt. Ví dụ người bị bắt là không phải đấu tranh ôn hòa cho nền dân chủ, nhân quyền mà họ đi gây sự, đi phá phách …v.v.. và vân vân.

Những lý giải này từ phía người của nhà nước Việt Nam, đó là chuyện tất nhiên. Nhưng đáng tiếc những lý giải này còn có ở những người đấu tranh chưa bị bắt. Tôi rất buồn khi nhìn báo cáo của họ, tôi vẫn cứ nghĩ rằng báo cáo đó do an ninh mạo danh soạn ra và cách nào đó gửi đến đây, nghĩ thế cho đỡ buồn.

Trở lại câu chuyện người bị bắt và chưa bị bắt. Nói nôm na theo dân chúng, chẳng qua chỉ là chuyện nạc và xương. Bao giờ hết nạc mới vạc đến xương. Những người bị bắt là nạc, những người chưa bị là xương. Đương nhiên người ta cứ chén nạc cái đã, bao giờ hết mới đến bọn xương.

Tôi nằm trong số bọn xương, nhiều khi tôi nghĩ mình chưa bị bắt, không phải là khôn ngoan hơn người bị bắt. Chẳng qua những người bị bắt đã mạnh mẽ quá, và họ đã hứng chịu thay cho mình. Thử hỏi không có họ xem, ôn hòa à, hữu nghị à, chỉ viết lách à…với một chính quyền chuyên chế thì chỉ bóng gió thôi cũng đi tù mút mùa cải tạo như trước đây nhiều người đã bị khi nói vài câu ở hàng nước.

Nhưng hôm nay ở hàng nước nhiều người nói thế không sao. Bởi vì có người viết hẳn bài trên mạng, người viết bài trên mạng không sao, vì có người viết hẳn tên tuổi đích danh quan chức. Và nếu có bắt thì những người viết đích danh như Cù Huy Hà Vũ, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào sẽ bị bắt trước, chẳng bao giờ người ta đi bắt bọn phê phán ôn hòa ở hàng nước vỉa hè trước cả.

Tương tự như thế, những người ở đảng phái sẽ bị bắt trước những người không đảng phái. Khi mà không có người ở đảng phái, tổ chức thì ắt những người đấu tranh không đảng phái vô tù. Lúc đó thì đừng nghĩ mơ đến chuyện tôi không đảng phái gì, tôi độc lập, tôi trong sáng lý tưởng.

Cũng tương tự như thế, người đấu tranh trực tiếp trên đường phố bằng hành động thực tế như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và Bùi Thị Minh Hằng sẽ đương nhiên bị ưu tiên hốt trước tiên.

Cho nên những người chưa bị bắt có đi con đường ôn hòa (con đường không nạc mỡ) thì đừng chê trách những người bị bắt. Vì hiểu thấu đáo nguyên nhân thì họ đã chịu trận cho mình. Chúng ta, những người chưa bị bắt chả khôn ngoan gì hơn họ, nói thẳng chúng ta đang hưởng chút an toàn từ họ.

Nhưng còn chê trách họ, ngầm tạo dư luận bất lợi cho họ trước phiên xử, trước khi cơ quan anh ninh ra quyết định khởi tố. Cung cấp những thông tin về họ thiếu khách quan cho tổ chức báo chí quốc tế, nhân quyền, đại sứ, chính phủ các nước. Để họ bị cô lập trước một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Đó là điều không giản đơn.

Tôi chia sẻ với ông Huỳnh Ngọc Tuấn, là một người đấu tranh nhiều năm, chịu án tù nhiều năm, ông cảm giác cơn giông bão sắp tới với con thuyền gia đình mình là điều tất nhiên. Cảm giác ấy khó nói được thành lời để giãi bày thiên hạ.

Không phải tình cờ, một Hồ Lan Hương ngồi một chỗ, không mấy tiếng tăm, không tham gia các hoạt động. Càng chưa bao giờ gần với Bùi Thị Minh Hằng. Bỗng nhiên một ngày giật status nói Bùi Hằng đi gây sự, và hai hôm sau cơ quan an ninh chuyển từ tạm giữ sang tam giam và khởi tố Bùi Thị Minh Hằng với tội danh chống người thi hành công vụ, một tội danh rất phù hợp với từ “gây sự”.

Chúng ta hãy xem lại đoạn phim Bố Già, khi Mai Cơn vào viện thăm ông, không thấy ai bảo vệ. Mai Cơn đã hiểu đằng sau đó có vấn đề sắp đến với sinh mạng bố mình.

Cũng như Trần Bùi Trung đi đòi bảo vệ mẹ mà không thấy những người trước kia gọi mẹ xưng con, chị chị em em đi theo.

Dù sao ở bài viết này, tôi vẫn muốn nhấn mạnh chuyện vì sao có người bị bắt và chưa bị bắt. Và vì sao những người chưa bị bắt nên cám ơn họ. Chứ không phải là chê trách họ ngu hơn mình.

Đó cũng là lý do vì sao tôi hay bênh vực những người bị bắt bớ giam cầm vì lý tưởng.

Nguồn: FB Người Buôn Gió

Nguyễn Lân Thắng – “Phe” Nước mắt

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/10/20 at 10:20

Chị Nguyễn Thị Hiền, vợ của Luật sư Lê Quốc Quân, ảnh chụp hôm 30/12/2012. Photo by Nguyễn Lân Thắng

Hành động theo con tim mách bảo

Tôi sinh ra trong một gia đình công chức ở Hà Nội vào đúng năm 1975 – Cái năm được ông Võ Văn Kiệt “đánh dấu” bằng câu nói: “Chúng ta có triệu người vui, mà cũng có triệu người buồn”. Vết thương trong lòng người Việt cứ day dứt như thế trong suốt cả gần 40 năm cuộc đời tôi từ tấm bé đến tận bây giờ. Ngày nhỏ, tôi đã chứng kiến đủ cả những màn pháo hoa mừng thắng trận mỗi năm, cũng như cảnh những người họ hàng lặn lội từ miền Nam ra Bắc, đến ở nhờ gia đình tôi để đi thăm chồng cải tạo. Bé quá, chả biết được rồi sau này những cảnh đã thấy đó chính là nỗi đau của dân tộc…

Hồi đó, cả nhà tôi chỉ có một cái loa truyền thanh bọc vải hoa bé tý tẹo treo trên tường, cứ đến bốn giờ chiều là lại ré lên: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về… ” – Thế là biết đã đến giờ vo gạo thổi cơm. Thế hệ tôi lớn lên hoàn toàn “Đỏ”. Chúng tôi chỉ biết đến ném bom rải thảm Khâm Thiên, em bé Napal, chất độc da cam… mà chẳng hề hay có những đồng bào đã bỏ mạng tức tưởi trên biển. Tình cảm, nhận thức đến từ những điều mình thấy, mình nghe nó tự nhiên thế thôi, chẳng ai thắc mắc gì. Mà có điều gì khó lý giải quá thì sẵn có đế quốc Mỹ xâm lược đấy… cứ đổ lên đầu chúng là ai cũng yên lòng mà sống tiếp. Cái tâm thế được – thua, ta – địch phải mãi những năm sau này, qua nhiều luồng tin của phương tiện truyền thông trên internet mới gột tẩy khỏi đầu tôi những điều ngớ ngẩn đó…

Người Việt dù sinh ra trong bất cứ chế độ nào, rồi cuối cùng ai cũng thấy chỉ có nhân dân là bên thua cuộc. Sở dĩ đến bây giờ người dân đã nhận thức được điều đó bởi liên tục bao năm nay, đã có biết bao nhiêu lớp người liên tục đấu tranh, liên tục cống hiến cuộc đời mình vì lý tưởng đổi mới và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và tôn trọng những giá trị phổ quát của nhân loại. Tôi có dính dáng ít nhiều đến các hoạt động đấu tranh trong nước, bị bắt bớ sách nhiễu đôi lần, nhưng có may mắn là chưa bao giờ chịu cảnh truy nã, tù đày. Nhìn những người bạn đấu tranh quanh mình, nay đang phải giam mình sau song sắt như anh Lê Quốc Quân hay anh em Đinh Nhật Uy, Đinh Nguyên Kha… tôi thấy mình còn quá hạnh phúc.

Luật sư Lê Quốc Quân (giữa) cùng những người nông dân biểu tình chống trưng thu đất đai tại Hà Nội tháng 8/2012. AFP photo

Anh em cậu Uy – Kha thì còn quá trẻ, còn nhiều cơ hội, nhưng anh Quân mới là điều đáng nói. Chuyện vụ án anh Quân thế nào, cả tháng nay các phương tiện truyền thông đều có nhắc cả. Tôi biết, nhiều người tự hỏi động lực ghê gớm nào khiến anh ấy bỏ qua mọi hiểm nguy, dám bỏ mình để đương đầu với cái ác. Mỗi con người ai cũng có gia đình, có bạn bè, có những điều quý giá không thể mất… Bỏ những điều ấy để đi vào con đường lửa, chấp nhận ngồi sau song sắt lạnh, ai cũng thương anh ấy!

Người đời có câu: “Phù thịnh, chứ không ai phù suy”. Không biết sao tôi chỉ muốn làm ngược lại, chỉ muốn bênh vực những người yếu thế. Bức ảnh này được chụp đúng 1 tuần sau ngày anh Quân bị bắt. Đó là một ngày cuối năm 2012. Hôm ấy trời lạnh lắm. Chúng tôi chỉ có khoảng chục người đến thăm nhà anh Quân, người thì vừa ra tù, người thì cũng bị bắt nhốt liên tục, bị theo dõi dài ngày vì những vụ án chính trị mà chính quyền tưởng tượng ra. Cả một gia đình chỉ còn toàn đàn bà và trẻ con tiếp đón chúng tôi. Nhìn giọt nước mắt của chị Hiền vợ anh Quân nghẹn ngào, nhưng sung sướng vì có người đến sẻ chia lúc hoạn nạn… chẳng ai cầm lòng được.

Cuộc sống vốn hết sức phức tạp. Thú thực tôi cũng không biết hết những việc anh Quân đã làm, và cũng có nhiều ý kiến chê trách anh ấy dại quá, liều quá, lộ liễu quá… Nhưng có lẽ, điều rõ nét nhất chính là cái án quá bất công cho mấy trăm triệu tiền trốn thuế, vốn là cái cớ mà chính quyền khó mà chứng minh được. Và, cũng chẳng ai biết liệu cái án anh Quân đang phải chịu bây giờ, lúc thi hành xong sẽ có một cái án khác như anh Điếu Cày hay không?…

Còn biết bao nhiêu những trường hợp như anh Quân, như Uy, Kha… đang trong nhà tù nhỏ? Còn biết bao nhiêu cảnh đời khốn khó của những người tranh đấu ở nhà tù lớn ngoài kia? Tôi cũng như bạn, chẳng thể nào đếm hết được. Tôi chỉ biết hành động những gì con tim mình mách bảo. Dù thế nào tôi cũng đứng về “phe” nước mắt!

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

Nguồn: RFA

BS Hồ Hải – Vật thế chấp chính trị

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/17 at 11:10

Lời tuyên bố đầy bản lĩnh chính trị của cô gái trẻ Phương Uyên trong phiên tòa ngày 16/8/2013 là một bản án đanh thép đi vào lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam với chế độ độc quyền của đảng cộng sản ở Việt Nam

Từ ngàn xưa, khi con người bước ra khỏi cuộc sống của thời cộng sản nguyên thủy bầy đàn, để đấu tranh sinh tồn với hiểm họa vây quanh, cũng là lúc con người biết sử dụng vật thế chấp làm tin trong giao dịch.

Để được ngồi ngôi cao, hưởng ân sủng của thiên hạ, lấy uy tín với thần dân, các vua phong kiến sử dụng con mình để gả cho quốc gia lân bang làm vật thế chấp chính trị, để thực hiện phương án ngoại giao, chờ thời cơ xâm chiếm.

Trong làm ăn giao thương, tài sản cố định là vật thế chấp cho đối phương, ngân hàng để vay vốn làm ăn. Chỉ có những đối tác làm ăn lâu bền, uy tín lớn, tín chấp là một kiểu thế chấp cao cấp nhất của con người tới giờ này.

Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển vật thế chấp càng có nhiều hình thức tinh vi hơn. Tinh vi và ác độc nhất vẫn là các chính khách lấy đồng bào mình làm vật thế chấp chính trị trong bang giao. Trong khi họa cũng trút lên đầu dân, mà nguy cũng trút lên đầu dân, còn lộc thì chính khách và dòng họ an hưởng.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngày nay, phương án dùng dân làm vật thế chấp để đi buôn chính trị của chính khách. Thời chiến cũng thế, và thời bình cũng thế.

Hoa Kỳ khi muốn lấy lòng toàn thế giới, vật thế chấp của họ gồm cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Đã thế, ở đâu có bất ổn, họ sẵn sàng đem tuổi trẻ của họ làm lính viễn chinh đến, với cái gọi là vì tự do dân chủ. Nhưng nếu nhìn về bản chất, những người trẻ lính viễn chinh này không ngoài là vật thế chấp.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam 83 năm qua, vừa ra khỏi ách đô hộ thực dân Pháp thì lao vào nội chiến. Hậu quả, hơn 3 triệu sinh linh đã ngả xuống, đến giờ này còn hơn 300 ngàn không tìm được xác, và còn hơn 200 ngàn đã tìm được xác, nhưng chưa rõ họ tên. Những chiến sỹ vô danh ấy, họ sinh ra, và lớn lên, không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ là vật thế chấp cho ngai vàng của các chính trị gia của cả 3 bên – thắng cuộc, bỏ cuộc, và thua cuộc trong nội chiến kéo dài 20 năm.

Hòa bình lập lại, chưa được yên ấm bao nhiêu ngày. Một nửa bên thua và bỏ cuộc trở thành vật thế chấp để các chính khách bên thắng cuộc tiếp tục nồi da nấu thịt, để người dân thà bỏ thây cho cá, cướp biển, để đi tìm đất sống. Và chỉ vì chính khách kém tầm trong ngoại giao, và mê muội trong men say thắng cuộc. Một cuộc chiến kéo dài 12 năm ở cả 2 biên giới Tây Nam và phía Bắc – 1978 đến 1990. Hàng triệu thanh niên nữa lại ngả xuống, không phải vì chén cơm manh áo của mình và gia đình mình, mà vì sai lầm của chính khách.

Vốn xuất thân từ giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhờ không có gì để mất – giai cấp vô sản. Họ đã chọn con đường đã và đang đi theo 83 năm qua là con đường tăm tối. Nó đã sụp đổ ngay tại cái nôi sinh ra nó. Nhưng có một nghịch lý cuộc đời là, chính giai cấp vô sản là giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhưng khi cướp được chính quyền, thì họ lại không có gì để có thể dựng xây đất nước. Thế cuộc buộc họ lại phải quay lại con đường mà họ đã đạp đổ nó – bất công, độc tài và tàn ác còn hơn cả thực dân.

Vì không có gì để dựng xây đất nước, và con đường đã chọn tăm tối ấy, họ lại quay sang lấy biên cương lãnh thổ, tài nguyên và cả đồng bào mình làm vật thế chấp cho việc bang giao.

Khi vào WTO và muốn ra khỏi các nước nằm trong danh sách các nước đặc biệt bị quan tâm – Country of Particular Concerns, gọi tắt là CPC – một số nhân vật bất đồng chính kiến như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Ngô Quang Kiệt, giáo dân Thái Hà, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, v.v… để làm vật thế chấp trong đàm phán bang giao. Họi được thả và giảm án.

Sau khi vào được ra khỏi danh sách CPC, và vào WTO cùng lúc vào tháng 11/2006, thì tình trạng đàn áp tôn giáo và bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến lại diễn ra dày đặt, ngày càng gia tăng từ 2008 đến nay. Cụ thể là tháng 02/2005 Linh mục Nguyễn Văn Lý được giảm án và ân xá, thì đến 18 tháng Hai năm 2007 ông bị bắt và chính thức ngồi tù lại vào ngày 30 tháng Ba năm 2007. Luật sư Lê Quốc Quân cũng trở lại nhà tù vào tháng 12/2012, sau khi bị bắt vào tháng 3/2007, và còn bao nhiêu người khác nằm trong diện sẵn sàng “chờ đợi” làm vật thế chấp cho con buôn chính trị.

Hôm qua, câu chuyện giảm án của Phương Uyên từ 4 năm tù giam còn 3 năm tù treo cộng với 3 năm quản thúc. Với Nguyên Kha giảm án từ 8 năm tù còn 4 năm tù cũng không ngoại lệ là vật thế chấp chính trị trong bang giao. Vì nếu chế độ này đối xử tốt với dân thì cái án của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã không y án sau phiên phúc thẩm! Xem ra chế độ Phong kiến xưa kia tuy vậy mà vua lo cho dân, cho nước hơn nhiều.

Liệu những điều trên các quốc gia bang giao với Việt Nam họ có biết? Chắc chắn và đương nhiên là quá biết, và càng không tin cậy Việt Nam, khi đồng bào Việt Nam bị đối xử tệ thì làm sao họ là ngoại bang được đối xử tốt hơn?

Từ đó cho thấy, chế độ đảng cầm quyền này chưa và sẽ không bao giờ xem dân là gốc, mà luôn là vật thế chấp trong mọi cuộc bán buôn nhơ nhớp của chính trị. Chỉ có ngoại bang có ảnh hưởng đến sinh mệnh sống còn của đảng cầm quyền mới có thể sai khiến được chế độ này làm theo như kiểu con tắc kè đổi nàu để đấu tranh sinh tồn, rồi màu khát máu vẫn là màu của máu.

Một chế độ mà ở đó, xem người dân là vật thế chấp cho con buôn chính trị thì bản chất của chế độ đó như Marx nói – chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại, để chăm chút cho bộ lông của mình. Nhưng xem ra súc vật còn có lòng tin với gia chủ của nó được nuôi nấng, vỗ về. Còn với chế độ Việt nam hiện tại niềm tin dân chúng đã không còn 38 năm qua và mãi mãi.

Sức mạnh của một thể chế nhà nước là ở toàn dân, khi niềm tin dân chúng đã cạn kiệt thì, liệu chế độ đó tồn tại được bao lâu? Sức mạnh mềm của một quốc gia là vô hình và vô hạn. Liệu với cách cư xử với đồng bào đã từng vào sinh ra tử cho chế độ như thế thì sức mạnh mềm của Việt Nam có còn?
Nguồn: blog BS Hồ Hải

Đại Vệ Chí Dị – Một cổ mấy tròng

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/05/16 at 09:29

Nước Vệ nhiều nhà Sản năm thứ 68. Kinh tế suy thoái, khó khăn chồng chất đổ lên đầu người dân. Nhà Sản ngầm quy tội tất cả mọi chuyện do đảng Ích mà ra.

Đảng Ích vốn từ trong lòng nhà Sản mà ra. Khi xưa khó khăn, nhà Sản mở trói cho thiên hạ làm ăn. Đồng thời phủ dụ dân chúng hãy chịu khó cày cuốc, buôn bán kiếm kim ngân mà lo cho bản thân. Đừng nghĩ chuyện quốc gia, đại sự. Từ khi có phủ dụ ấy , người thiên hạ thi nhau kiếm tiền bằng mọi giá. Thước đo nhân cách con người không phải là đạo lý thánh hiền, mà thước đo nhân cách con người được tính bằng tiền bạc. Bởi vậy chuyện kiếm tiền bằng tham nhũng, gian lận, cưỡng đoạt, lừa đảo đều được thiên hạ bỏ qua. Miễn sao có nhiều kim ngân người đó là anh tài.

Cơ hội kiếm tiền đến với nhiều người. Thầy thuốc thì ép bệnh nhân trên giường bệnh lấy tiền. Thầy đồ mở lớp học thêm ở nhà thu tiền, ở trường dạy qua loa, ở nhà dạy kỹ càng, học trò muốn giỏi phải đóng tiền học thêm. Công sai đi tuần ráo riết hàng giờ ngoài đường, thấy lỗi gì của dân dù nhỏ cũng không buông tha. Quan lại không có tiền đút lót không duyệt bất cứ thứ gì. Đến bọn văn thư, nha lại cũng cậy mình ở cửa quan sách nhiễu đòi tiền dân. Các con buôn thi nhau nhập hàng độc hại giá rẻ về trà trộn bán cho dân chúng….

Nhưng cơ hội kiếm tiền nhiều nhất và lớn nhất đương nhiên thuộc về tể tướng, bởi ngài coi soát việc kinh tế trong triều. Một lời của ngài, một chữ ký của ngài kẻ khác có được hàng vạn lượng. Những kẻ hám lợi vây quanh tể tướng để nhận chút mưa móc. Lâu ngày chúng đông dần lên. Nghiễm nhiên thành băng đảng, kẻ đứng đầu băng đảng ấy tất là tể tướng.

Người trong thiên hạ gọi cái băng đó là đảng Ích.

Đảng Ích năm thứ 68 thâu tóm mọi tài nguyên, lợi nhuận trong nước. Thế mạnh vô cùng, Vệ Kính Vương lo sợ nhà Sản mất về tay đảng Ích. Ngày đêm Vương toan tính mọi điều để hạn chế sự bành trướng của đảng Ích. Nhưng Vương nghĩ ra mưu kế nào, đảng trưởng X đập tan ngay trong trứng nước.

Sở dĩ kế của Vương không thành do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân do đảng Ích nắm hết ngân khố đã đành. Nguyên nhân nữa là giờ không có đảng Ích thì cái nhà Sản vốn đã bị dân chúng coi khinh làm sao tồn tại được. Đảng Ích quyền hành bao trùm thiên hạ, dù tham nhũng những vẫn coi trọng nhà Sản. Như lý thuyết giữ chùa được ăn oản. Oản thì đảng Ích có được ăn thì mới giữ chùa nhà Sản.

Đảng Ích và nhà Sản gườm nhau thế, nhưng cả hai vẫn ngầm quy ước là quy phục Tề. Bởi có quy phục Tề thì hiện trạng chùa vẫn được giữ, oản vẫn có ăn. Cả Sản và Ích đều tồn tại và có phần.

Nhà Sản mấy lần đã dâng sớ tâu sang Tề, nói rằng đảng Ích lũng đoạn nước Vệ, nếu không diệt thì tất có ngày Ích soán quyền. Lúc ấy liệu Vệ có còn dâng cống nạp mà thuần phục Tề nữa không.?

Đảng Ích cũng đoán được ý trong sớ, nên gia tăng bắt những người trong nước có lòng ghét Tề. Năm nào đảng Ích cũng đưa dăm bảy người Vệ chống Tề ra xử thật nặng.

Tề Vương Tạp Cặn thấy bọn bầy tôi nước Vệ dẫu có dèm nhau, nhưng đối với Tề cả hai đều tỏ lòng trung. Nên chỉ khuyến cáo là đã làm bầy tôi cho Tề thì chớ có bụng làm bạn với nước khác. Cứ nghe khuyến cáo ấy thì chính sự Vệ ổn định, hòa bình, an hòa bốn cõi. Triều đình nhà Sản và đảng Ích sánh ngang tuế nguyệt, đời đời chia nhau hưởng lộc ở nước Vệ.

Bởi thế Tề cho quân sang chiếm đảo Vệ. Nhà Sản không nói gì, đảng Ích cũng chẳng làm gì.

Ở phía Nam nước Vệ, đất Rồng Nằm có đôi học trẻ một trai, một gái tuổi còn đôi chin, vì căm tức quân Tề lộng hành bắn giết ngư dân Vệ ngoại biển, chiếm đoạt tài nguyên của Vệ ngoài biển. Đôi bạn trẻ cắt tay lấy máu viết tờ phản đối hành vì của ngạo ngược của Tề.

Gặp đúng lúc Sản và Ích hục hặc, cả hai muốn lấy lòng thiên triều nhà Tề. Bèn bắt bọn trẻ và kết án tù khổ sai nhiều năm.

Sau đó cả hai đều lập tức dâng sớ sang Tề nhận công, xin chứng nhận lòng trung son sắt với thiên triều.

Tề Bá Vương Tạp Cặn nhận sớ, khen cả hai phe đều là trung nghĩa.

Nước Vệ chính sự lại yên ổn, thanh bình, không có chiến tranh loạn lạc.

Những phường con buôn, quan lại, công sai,văn thư, nha lại, thầy thuốc, thầy đồ..thở phào nhẹ nhõm vì môi trường kiếm ăn không bị xáo trộn. Chúng đua nhau ca ngợi chính sách, đường lối của nhà Sản và đảng Ích đã khéo léo gìn giữ chính sự yên bình. Thay mặt nhân dân, chúng cảm tạ trời đất đã sinh ra nhà Sản, lại còn sinh thêm đảng Ích để giúp rập cơ đồ tiên đế để lại bền như tuế nguyệt.

Khi xưa tiên đế nhà Vệ khởi binh, tuyên cáo tội bọn Phá Lãng Sa và triều đình thực dân đã bóc lột dân Vệ , khiến dân Vệ vào cảnh một cổ hai tròng.

Nhờ vạch tội rõ thế, tiên đế thành công đoạt lấy thiên hạ, dựng nên nhà Vệ đến ngày nay.

Lớp hậu sinh kế tục nghiệp tiên đế đã có những bước ly luận đột phá , đi tắt , đón đầu hợp với thực tiễn thời cuộc để gìn giữ cơ nghiệp. Đó là một cổ hai tròng thì có thể bị lật, chứ một cổ mà ba hay bốn tròng thì dân có sức bằng trời cũng không lật được.

Thật là hậu sinh khả úy.

Người Buôn Gió