vietsoul21

Posts Tagged ‘Nguyễn Phương Uyên’

Người Buôn Gió – Chúng ta biết ơn những người bị bắt.

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết on 2014/03/01 at 12:47

Có lần một thượng nghĩ sĩ của một nước châu Âu, hỏi trực tiếp tôi (qua phiên dịch). Bây giờ thì hình như ông ta là bộ trưởng hay phó thủ tướng gì đó.

– Anh nghĩ sao về chuyện có những người bị bắt và có những người chưa bị bắt. Tôi vẫn thấy nhiều người viết hoặc đấu tranh nhân quyền không bị bắt đó thôi.

Tôi trả lời.

– Tôi nghĩ là chỉ có người bị bắt và người chưa bị bắt thôi. Vì sự bắt bớ vẫn diễn ra, năm nay người này, năm sau người khác. Cho nên tôi chờ đợi ở những người như ông câu hỏi – Chừng nào ở Việt Nam không có người viết, người bất đồng chính kiến bị bắt? – Câu hỏi đó tôi nghĩ mới cần thiết.

Ở cuộc gặp này có 3 người Việt Nam được đối thoại với các nghị sĩ, hai trong số 3 người đó là người của nhà nước Việt Nam.

Trong câu hỏi của vị thượng nghị sĩ kia, chắc chắn ông ta có những thông tin về người bị bắt, và chắc chắn ông ta còn có những lý giải của ai đó về việc vì sao có người không bị bắt. Ví dụ người bị bắt là không phải đấu tranh ôn hòa cho nền dân chủ, nhân quyền mà họ đi gây sự, đi phá phách …v.v.. và vân vân.

Những lý giải này từ phía người của nhà nước Việt Nam, đó là chuyện tất nhiên. Nhưng đáng tiếc những lý giải này còn có ở những người đấu tranh chưa bị bắt. Tôi rất buồn khi nhìn báo cáo của họ, tôi vẫn cứ nghĩ rằng báo cáo đó do an ninh mạo danh soạn ra và cách nào đó gửi đến đây, nghĩ thế cho đỡ buồn.

Trở lại câu chuyện người bị bắt và chưa bị bắt. Nói nôm na theo dân chúng, chẳng qua chỉ là chuyện nạc và xương. Bao giờ hết nạc mới vạc đến xương. Những người bị bắt là nạc, những người chưa bị là xương. Đương nhiên người ta cứ chén nạc cái đã, bao giờ hết mới đến bọn xương.

Tôi nằm trong số bọn xương, nhiều khi tôi nghĩ mình chưa bị bắt, không phải là khôn ngoan hơn người bị bắt. Chẳng qua những người bị bắt đã mạnh mẽ quá, và họ đã hứng chịu thay cho mình. Thử hỏi không có họ xem, ôn hòa à, hữu nghị à, chỉ viết lách à…với một chính quyền chuyên chế thì chỉ bóng gió thôi cũng đi tù mút mùa cải tạo như trước đây nhiều người đã bị khi nói vài câu ở hàng nước.

Nhưng hôm nay ở hàng nước nhiều người nói thế không sao. Bởi vì có người viết hẳn bài trên mạng, người viết bài trên mạng không sao, vì có người viết hẳn tên tuổi đích danh quan chức. Và nếu có bắt thì những người viết đích danh như Cù Huy Hà Vũ, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào sẽ bị bắt trước, chẳng bao giờ người ta đi bắt bọn phê phán ôn hòa ở hàng nước vỉa hè trước cả.

Tương tự như thế, những người ở đảng phái sẽ bị bắt trước những người không đảng phái. Khi mà không có người ở đảng phái, tổ chức thì ắt những người đấu tranh không đảng phái vô tù. Lúc đó thì đừng nghĩ mơ đến chuyện tôi không đảng phái gì, tôi độc lập, tôi trong sáng lý tưởng.

Cũng tương tự như thế, người đấu tranh trực tiếp trên đường phố bằng hành động thực tế như Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha và Bùi Thị Minh Hằng sẽ đương nhiên bị ưu tiên hốt trước tiên.

Cho nên những người chưa bị bắt có đi con đường ôn hòa (con đường không nạc mỡ) thì đừng chê trách những người bị bắt. Vì hiểu thấu đáo nguyên nhân thì họ đã chịu trận cho mình. Chúng ta, những người chưa bị bắt chả khôn ngoan gì hơn họ, nói thẳng chúng ta đang hưởng chút an toàn từ họ.

Nhưng còn chê trách họ, ngầm tạo dư luận bất lợi cho họ trước phiên xử, trước khi cơ quan anh ninh ra quyết định khởi tố. Cung cấp những thông tin về họ thiếu khách quan cho tổ chức báo chí quốc tế, nhân quyền, đại sứ, chính phủ các nước. Để họ bị cô lập trước một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Đó là điều không giản đơn.

Tôi chia sẻ với ông Huỳnh Ngọc Tuấn, là một người đấu tranh nhiều năm, chịu án tù nhiều năm, ông cảm giác cơn giông bão sắp tới với con thuyền gia đình mình là điều tất nhiên. Cảm giác ấy khó nói được thành lời để giãi bày thiên hạ.

Không phải tình cờ, một Hồ Lan Hương ngồi một chỗ, không mấy tiếng tăm, không tham gia các hoạt động. Càng chưa bao giờ gần với Bùi Thị Minh Hằng. Bỗng nhiên một ngày giật status nói Bùi Hằng đi gây sự, và hai hôm sau cơ quan an ninh chuyển từ tạm giữ sang tam giam và khởi tố Bùi Thị Minh Hằng với tội danh chống người thi hành công vụ, một tội danh rất phù hợp với từ “gây sự”.

Chúng ta hãy xem lại đoạn phim Bố Già, khi Mai Cơn vào viện thăm ông, không thấy ai bảo vệ. Mai Cơn đã hiểu đằng sau đó có vấn đề sắp đến với sinh mạng bố mình.

Cũng như Trần Bùi Trung đi đòi bảo vệ mẹ mà không thấy những người trước kia gọi mẹ xưng con, chị chị em em đi theo.

Dù sao ở bài viết này, tôi vẫn muốn nhấn mạnh chuyện vì sao có người bị bắt và chưa bị bắt. Và vì sao những người chưa bị bắt nên cám ơn họ. Chứ không phải là chê trách họ ngu hơn mình.

Đó cũng là lý do vì sao tôi hay bênh vực những người bị bắt bớ giam cầm vì lý tưởng.

Nguồn: FB Người Buôn Gió

Người Buôn Gió – Vừa hợp tác vừa đấu tranh

In Cộng Đồng, Chính trị (Politics), Liên Kết on 2014/02/28 at 13:21

Có lẽ ít người biết đến cụm từ này cụ thể là hành động thế nào. Tôi thấy một số người vẫn thắc mắc tại sao đối tượng A, nhóm B cũng đấu tranh mà lại đi đánh phá người khác.

Hợp tác có nghĩa là làm cho an ninh một số việc, đồng thời được an ninh cho phép làm nhà ” đấu tranh ” trong mức độ có lợi cho an ninh. Tất nhiên trong về này, an ninh bao giờ cũng hời hơn. Vì họ được cả một cuộc chiến. Còn những kẻ kia về cá nhân họ cũng được hời. Ở giá cả trao đổi như vậy hai bên đều cảm thấy hài lòng.

Có những người vì thiếu hiểu biết, đố kỵ, ghen tức nhau mà vô tình để những lời an ninh nói nhập vào đầu mình. Dẫn đến tự nguyện làm một người vừa đấu tranh mà vừa hợp tác trong khi chính họ không biết.

Nhưng có người thì nhận thức được điều đó, và họ bằng lòng với việc này. Bởi họ hy vọng sẽ mượn tay an ninh triệt phá các nhóm đấu tranh cạnh tranh với họ, hòng dành được nguồn tiền trợ lực từ hải ngoại cho nhóm của mình. Sâu xa hơn là họ hy vọng vào sự thay đổi xã hội, họ sẽ là lực lượng được ĐCS chọn làm đối thoại trong buổi giao thời. Bởi thế họ luôn tạo cho mình vẻ ngoài là ôn hòa, là chừng mực, là vì một chuyển biến tốt đẹp cho dân tộc mà cả hai bên đều thấy ổn thỏa, hài hòa.

Hợp tác là năng chịu khó cà fe với an ninh, kể những chuyện mình nghe, mình biết về người nào đó đang làm gì, đang định thế nào. Qua câu chuyện cà fe này, an ninh có thông tin về thằng kia đang yêu một con bé dưới tuổi thành niên, thằng này đang khó khăn trong việc thuê nhà,kếm việc làm, con nọ là vợ hai của lão này, con kia dây dưa với bọn Việt Tân, Dân Chủ, 8406..

Cái việc gặp gỡ kể chuyện tưởng như đối thoại tầm phào như hai người bạn trao đổi quan điểm đó, thực chất là một cuộc cung cấp thông tin về nhóm khác, người khác đang hoạt động hay tình trạng thế nào cho anh ninh nắm bắt. Đổi lại họ nhận thêm từ phía an ninh những thông tin về người đấu tranh này đã có những gì không xứng đáng là nhà đấu tranh, ví dụ như nhận tiền để đấu tranh, theo đảng nọ kia…

Sau đó hai bên ra về, khai thác sử dụng thông tin theo cách của mình.  An ninh thì gia tăng việc ngăn cản thuê nhà, xin việc hay triển khai bắt người (như trường hợp Dũng aduku).

Còn kẻ  ” đấu tranh ” thì từ nguồn tin an ninh về sẽ rỉ tai rằng người này, người kia có vấn đề.

Những kẻ ” đấu tranh ” này rất chịu khó làm quen với các trang truyền thông lớn quốc tế hoặc nhưng trang báo ngoài lề. Để khi cần thiết có thể lái dư luận hoặc cô lập thông tin về vấn đề nào đó. Chúng cũng hay chịu khó ghi danh vào bất cứ nhóm nào để chiếm vị trí trong nhóm, khi cần đưa ra những ý kiến làm phân tán sức mạnh của nhóm. Được cái bề ngoài nhiều người lầm tưởng kẻ ” đấu tranh ” này đang nỗ lực hoạt động vì tham gia nhiều nhóm. Nhưng nhìn thực chất thì chúng không làm gì hiệu quả thực sự. Thậm chí chúng còn lái các hoạt động đấu tranh đi sang hướng khác, chúng nhanh chân chiếm vị trí để nắm thông tin hoạt động của nhóm. Khi nhóm có việc gặp các cơ quan ngoại giao, chúng sẽ chiếm một phần tiếng nói trong đó. Đôi khi nội dung phát biểu của chúng với cơ quan ngoại giao chỉ nhằm mục đích lấy đi thời gian của người khác mà nội dung phát biểu cần thiết hơn.

Chúng tập trung một số thanh niên trẻ quanh mình, lợi dụng sự khác biệt giữa lớp già với lớp trẻ để khoét sâu mâu thuẫn, gia tăng sự hiềm khích. Khiến cho các hoạt động của nhóm lớn tuổi và nhóm trẻ trở thành riêng rẽ. Đồng thời chúng cũng thâm nhập vào các nhóm để làm phân hóa, tan rã các nhóm bằng cách kích động tự ái của một số người, xúi dục họ tách ra lập nhóm này nhóm kia. Sau khi lập nhóm mới xong, chúng cho hoạt động vài ba trò rồi để nhóm tự tan rã. Bởi mục đích của chúng chỉ là phân hóa nhóm ban đầu.

Điều này giải thích vì sao nhiều nhóm đầu voi đuôi chuột. Lúc đầu rất hăng hái bên nhau, sau cứ mâu thuẫn dần, các hoạt động nhạt dần rồi tan rã.

Điều độc ác hơn là khi những người đấu tranh nào đó bị bắt, chúng phân tán dư luận bằng những luận điệu như với Tạ Phong Tần chúng bảo là an ninh trá hình, với Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh chúng bảo đó là do nghe theo thế lực chính trị bên ngoài. Với Huỳnh Thục Vy chúng gây sự, với Lê Thị Công Nhân chúng moi móc thông tin cá nhân để dèm pha.

Nhiều người e ngại không dám nói, vì có thể trước đó có chút giao du, hoặc có thể để an phận mình, hoặc có thể chúng đánh nhóm khác mà mình cũng không ưa. Hoặc họ nghĩ nhầm đây là mâu thuẫn giữa những người đấu tranh, không tham gia làm gì.

Xin thưa, đây là cả một chiến dịch có âm mưu kết hợp bài bản của cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ. Nếu đọc được sách hướng dẫn ” đấu tranh chống diễn biến hòa bình ”. Bạn sẽ thấy hoạt động này nằm hẳn trong một trương về ” phân hóa ”. Và đã gọi là ” phân hóa ” diễn biến bên trong thì tất nhiên kẻ tham gia phải nằm trong hàng ngũ những người đấu tranh.

Một số bạn trẻ vẫn nghĩ rằng, con người này vẫn đấu tranh, mình làm việc với họ thấy thế mà. Ở đây cũng nằm trong sách lược, vì cơ quan an ninh tính rằng ngăn chặn từ đầu hơn là bắt bớ. Nên họ ngầm để bạn theo những kẻ này, hoạt động trong vòng kiểm soát, ở những mức độ họ có thể thấy chấp nhận. Ví dụ như phong trào xuống đường biểu tình lên cao, họ sợ bạn tham gia, họ để bạn theo kẻ kia để biểu tình trong nhà. Họ sợ bạn tham gia Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, nên họ để các bạn tham gia các nhóm nhỏ này nọ để thỏa mãn sự đấu tranh trong bạn. Vì họ biết không thể dập tắt ham muốn đấu tranh của bạn, thì họ chọn một lối đi cho bạn, cũng là đấu tranh nhưng ở dạng khác. Cũng như nguồn nước sẽ xuôi theo về với sông lớn. Họ cho bạn chảy riêng theo một dòng khơi, bạn không hòa vào con sông lớn, bạn có bản sắc của riêng mình, thỏa mãn cái tôi của bạn, cái tiếng đấu tranh của bạn. Mục đích của những người bảo vệ chính trị nội bộ là không để cho một con sông lớn được hình thành. Những dòng suối nhỏ chảy mãi rồi cũng thấm dần vào đất và mất tích êm đềm, đúng như các nhóm nhỏ đã sinh ra và mất đi như thực tế.

Sẽ có người hỏi, tại sao chúng hợp tác với an ninh mà thỉnh thoảng vẫn bị làm khó dễ.?

Nhìn thực chất thì những khó dễ đó không nhiều, nó chỉ mang tính nhất thời trong một vụ việc nào đó. Mà do các cơ quan an ninh không kịp phối hợp trao đổi cho nhau. Hoặc vì ngăn chặn cả một đám đông thì chúng lọt vào đó nếu đẩy ra cũng khó. Nhưng cũng phải thẳng thắn công nhận là có lúc để cần thể hiện mình là nhà ” đấu tranh” chúng đi quá những gì mà an ninh mong muốn.

Tôi là kẻ chưa học hết phổ thông, từng đâm chém thuê, tàng trữ vũ khí, buôn ma túy, trấn lột tài sản, tổ chức cá độ cờ bạc…một kẻ từng làm những điều như thế để kiếm lợi  thì khó có gì bảo đảm lời nói của mình là trong sáng, khách quan. Tôi thực sự thú nhận không hề có danh dự gì để bảo đảm lời mình nói là đúng. Cũng có thể tôi nói lời này vì không kiềm chế được cơn giận khi Bùi Thị Minh Hằng đương trong lao tù mà bị bên ngoài đánh phá.

Đọc một bài viết, phụ thuộc vào cảm nhận của chính các bạn đọc.

Nhưng nếu các bạn được tiếp cận hồ sơ những vụ án của tôi nói, sẽ thấy một điều là vụ nào lời khai của tôi cũng chỉ có một mình tôi phạm tội.

Một kẻ đã từng dám làm những điều như vậy, thì không thể viết một bài viết dài mà không có tên tuổi ai, khiến thiên hạ đoán mò.

Người mà tôi nói trên là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm Gấu. Người đứng đằng sau trong các vụ đánh phá Huỳnh Thục Vy, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên và Bùi Thị Minh Hằng lần này.

Còn có những người đứng đằng sau MNG ở Hải ngoại và một số chân rết ở trong nước. Nhưng thiết nghĩ động cơ của họ chỉ vì muốn đấu tranh dân chủ mà có những hướng đi nhất thời chưa khớp với thực tế. Nên không nhắc tên họ ở đây sẽ ảnh hưởng đến việc đấu tranh của họ sau này.

Bức tranh toàn cảnh đấu tranh Việt Nam rất đa dạng, mỗi con người là một nét vẽ, mỗi nét vẽ có những xuất xứ, động cơ khác nhau. Chính thế khi nhìn vào bức tranh đó, người ta khó trông cậy được một điều gì hoàn chỉnh, tổng thể.

FB Người Buôn Gió

Phạm Thị Hoài – Hiệu ứng Trương Duy Nhất

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2013/05/28 at 09:37

Vài tháng trước, một người từng tham gia những hoạt động không được chính quyền Việt Nam ưu ái như biểu tình, kiến nghị, đồng thời là tác giả của một số bài viết thẳng thắn về những đề tài nhạy cảm đăng trên blog cá nhân, chia sẻ với tôi rằng cho đến nay ông vẫn an toàn và sự an toàn đó có ý nghĩa lớn, vì nó giúp những người khác bớt sợ hơn.

Quả thật số người không còn sợ hay đã bớt sợ bộ máy trấn áp của chế độ chưa bao giờ tăng nhanh như trong thập niên vừa qua tại Việt Nam, và một phần quan trọng là do được khích lệ bởi sự an toàn tương đối của cá nhân một số người đi ở hàng đầu. Cho đến Chủ nhật vừa rồi, blogger Trương Duy Nhất thuộc về số ấy. Song việc ông bị bắt khẩn cấp một lần nữa cho thấy: bảo hiểm chính trị ở Việt Nam chỉ đảm bảo một điều duy nhất, đó là: nó không bảo đảm điều gì hết.

Trương Duy Nhất đã chuẩn bị sẵn chỗ dựa lập luận để tránh cho mình khỏi trở thành nạn nhân của bộ máy trấn áp một cách vô ích. Bài trả lời một nhân vật Tom Cat nào đó của ông là tổng kết của những lập luận này, không ai có thể bảo vệ ông xuất sắc hơn. Ông trình bày mình như một tiếng nói độc lập chứ không đối lập, một nhà báo tự do chứ không li khai, một người phát ngôn chính kiến riêng chứ không bất đồng chính kiến, phản biện chứ không phản động, phản đối chứ không chống đối. Ông không treo biển “Kính Đảng, trọng chế độ, yêu Bác Hồ” [i], không trưng hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không đồng tình với mọi biểu hiện chống cộng cực đoan, không đi biểu tình, chưa bao giờ kí tên vào một bản tuyên bố hay kiến nghị, và bất chấp những tấn công và đe dọa từ nhiều phía vẫn không rời góc nhìn KHÁC của mình. Trong nhiều năm trời, ông đi ở ranh giới giữa an toàn và mạo hiểm mà tỉ lệ có thể là 51 % nghiêng về an toàn.

Một số người có cảm giác rằng thời gian gần đây, tỉ lệ ấy đã đảo ngược, Trương Duy Nhất đã ngày càng đi xa hơn trong quan điểm phê phán chế độ và đó là một trong những lí do khiến ông bị bắt. Tôi cho rằng mọi phỏng đoán đều vô nghĩa, vì không có một biểu giá an toàn nào cố định trong một chế độ công an trị, trừ biểu giá duy nhất là không làm gì hết. Ảo tưởng về những vùng an toàn nào đó, trớ trêu thay, được nuôi dưỡng trên mảnh đất đầy mìn, gài bởi chính sách chia để trị, kết tinh thành thủ pháp điêu luyện nhất của bộ máy an ninh Việt Nam. Người chưa bị đụng tới có thể là một cái thớt hữu ích cho con dao bổ xuống người nằm trên thớt. Hay đơn giản hơn, những người còn đi xa hơn Trương Duy Nhất mà vẫn an toàn chẳng qua là “của để dành”, nói theo cách dân dã của blogger Người Buôn Gió, cho những thao tác khác trong chiếc hộp đen của bộ máy quyền lực mà chúng ta chịu đựng và dung dưỡng.

Quan sát từ những bản án chính trị trong ba năm gần đây (2011, 2012, 2013), tôi nhận thấy hai đặc điểm đáng lưu ý: Thứ nhất, tuyệt đại đa số những người bị kết án đều không phải là đảng viên Đảng Cộng sản [ii]. Thứ hai, tuyệt đại đa số những người bị kết án đều không ở trong biên chế cán bộ, nhân viên, công chức các cơ quan Đảng và nhà nước [iii]. Ông Trương Duy Nhất thỏa mãn cả hai đặc điểm này. Khả năng vụ điều tra ông được đình chỉ như trong trường hợp ông Phạm Chí Dũng, đảng viên, cán bộ Thành ủy TPHCM khi bị bắt, có vẻ như xa vời.

Trở lại với câu chuyện mở đầu bài viết này, vâng, tôi đồng ý rằng người ta bớt sợ khi dựa lưng vào an toàn. Nhưng điều đáng nói hơn là: người ta có thể can đảm lên, khi chứng kiến người khác thách thức mạo hiểm và đường hoàng chấp nhận cái giá của hành động đó. Trương Duy Nhất rất chú trọng đến hiệu ứng thông điệp của các hình ảnh. Ông từng ca ngợi hình ảnh hiên ngang của Cù Huy Hà Vũ, hình ảnh trong trắng, đĩnh đạc của Nguyễn Phương Uyên. Bức hình chụp ông trong ngày bị bắt cho thấy một Trương Duy Nhất khỏe mạnh và tự chủ, không một nét khiếp nhược. Tôi hoàn toàn tin rằng nếu phải đứng trước tòa, ông sẽ là một hình ảnh đẹp và hình ảnh ấy sẽ có ý nghĩa lớn, vì nó gây cảm hứng cho lòng can đảm, cũng như blog Một góc nhìn khác của ông đã góp phần quan trọng để giới blogger Việt Nam bớt e sợ, khi ông còn an toàn.

© 2013 pro&contra


[i] Ngay sau khi Trương Duy Nhất bị bắt, chủ nhân của blog “Kính Đảng, trọng chế độ, yêu Bác Hồ” này, nhà báo kì cựu Đào Tuấn, người có nhiều bài viết nhạy bén và thẳng thắn mà tôi thường xuyên theo dõi, lập tức lên tiếng với bài “Cái còng và khẩu súng không thể chĩa vào Nhất”. Nhưng một ngày sau, bài ấy chỉ còn là mã 404 trên chính trang của chủ blog.

[ii] Riêng ông Vi Đức Hồi từng là giám đốc trường Đảng một huyện ở Lạng Sơn, nhưng đã trở thành thành viên Khối 8406 và bị khai trừ Đảng nhiều năm trước khi bị bắt.

[iii] Ngoại lệ duy nhất là ông Đinh Đăng Định, giáo viên trung học phổ thông ở Đắk Nông.

 

Đại Vệ Chí Dị – Một cổ mấy tròng

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/05/16 at 09:29

Nước Vệ nhiều nhà Sản năm thứ 68. Kinh tế suy thoái, khó khăn chồng chất đổ lên đầu người dân. Nhà Sản ngầm quy tội tất cả mọi chuyện do đảng Ích mà ra.

Đảng Ích vốn từ trong lòng nhà Sản mà ra. Khi xưa khó khăn, nhà Sản mở trói cho thiên hạ làm ăn. Đồng thời phủ dụ dân chúng hãy chịu khó cày cuốc, buôn bán kiếm kim ngân mà lo cho bản thân. Đừng nghĩ chuyện quốc gia, đại sự. Từ khi có phủ dụ ấy , người thiên hạ thi nhau kiếm tiền bằng mọi giá. Thước đo nhân cách con người không phải là đạo lý thánh hiền, mà thước đo nhân cách con người được tính bằng tiền bạc. Bởi vậy chuyện kiếm tiền bằng tham nhũng, gian lận, cưỡng đoạt, lừa đảo đều được thiên hạ bỏ qua. Miễn sao có nhiều kim ngân người đó là anh tài.

Cơ hội kiếm tiền đến với nhiều người. Thầy thuốc thì ép bệnh nhân trên giường bệnh lấy tiền. Thầy đồ mở lớp học thêm ở nhà thu tiền, ở trường dạy qua loa, ở nhà dạy kỹ càng, học trò muốn giỏi phải đóng tiền học thêm. Công sai đi tuần ráo riết hàng giờ ngoài đường, thấy lỗi gì của dân dù nhỏ cũng không buông tha. Quan lại không có tiền đút lót không duyệt bất cứ thứ gì. Đến bọn văn thư, nha lại cũng cậy mình ở cửa quan sách nhiễu đòi tiền dân. Các con buôn thi nhau nhập hàng độc hại giá rẻ về trà trộn bán cho dân chúng….

Nhưng cơ hội kiếm tiền nhiều nhất và lớn nhất đương nhiên thuộc về tể tướng, bởi ngài coi soát việc kinh tế trong triều. Một lời của ngài, một chữ ký của ngài kẻ khác có được hàng vạn lượng. Những kẻ hám lợi vây quanh tể tướng để nhận chút mưa móc. Lâu ngày chúng đông dần lên. Nghiễm nhiên thành băng đảng, kẻ đứng đầu băng đảng ấy tất là tể tướng.

Người trong thiên hạ gọi cái băng đó là đảng Ích.

Đảng Ích năm thứ 68 thâu tóm mọi tài nguyên, lợi nhuận trong nước. Thế mạnh vô cùng, Vệ Kính Vương lo sợ nhà Sản mất về tay đảng Ích. Ngày đêm Vương toan tính mọi điều để hạn chế sự bành trướng của đảng Ích. Nhưng Vương nghĩ ra mưu kế nào, đảng trưởng X đập tan ngay trong trứng nước.

Sở dĩ kế của Vương không thành do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân do đảng Ích nắm hết ngân khố đã đành. Nguyên nhân nữa là giờ không có đảng Ích thì cái nhà Sản vốn đã bị dân chúng coi khinh làm sao tồn tại được. Đảng Ích quyền hành bao trùm thiên hạ, dù tham nhũng những vẫn coi trọng nhà Sản. Như lý thuyết giữ chùa được ăn oản. Oản thì đảng Ích có được ăn thì mới giữ chùa nhà Sản.

Đảng Ích và nhà Sản gườm nhau thế, nhưng cả hai vẫn ngầm quy ước là quy phục Tề. Bởi có quy phục Tề thì hiện trạng chùa vẫn được giữ, oản vẫn có ăn. Cả Sản và Ích đều tồn tại và có phần.

Nhà Sản mấy lần đã dâng sớ tâu sang Tề, nói rằng đảng Ích lũng đoạn nước Vệ, nếu không diệt thì tất có ngày Ích soán quyền. Lúc ấy liệu Vệ có còn dâng cống nạp mà thuần phục Tề nữa không.?

Đảng Ích cũng đoán được ý trong sớ, nên gia tăng bắt những người trong nước có lòng ghét Tề. Năm nào đảng Ích cũng đưa dăm bảy người Vệ chống Tề ra xử thật nặng.

Tề Vương Tạp Cặn thấy bọn bầy tôi nước Vệ dẫu có dèm nhau, nhưng đối với Tề cả hai đều tỏ lòng trung. Nên chỉ khuyến cáo là đã làm bầy tôi cho Tề thì chớ có bụng làm bạn với nước khác. Cứ nghe khuyến cáo ấy thì chính sự Vệ ổn định, hòa bình, an hòa bốn cõi. Triều đình nhà Sản và đảng Ích sánh ngang tuế nguyệt, đời đời chia nhau hưởng lộc ở nước Vệ.

Bởi thế Tề cho quân sang chiếm đảo Vệ. Nhà Sản không nói gì, đảng Ích cũng chẳng làm gì.

Ở phía Nam nước Vệ, đất Rồng Nằm có đôi học trẻ một trai, một gái tuổi còn đôi chin, vì căm tức quân Tề lộng hành bắn giết ngư dân Vệ ngoại biển, chiếm đoạt tài nguyên của Vệ ngoài biển. Đôi bạn trẻ cắt tay lấy máu viết tờ phản đối hành vì của ngạo ngược của Tề.

Gặp đúng lúc Sản và Ích hục hặc, cả hai muốn lấy lòng thiên triều nhà Tề. Bèn bắt bọn trẻ và kết án tù khổ sai nhiều năm.

Sau đó cả hai đều lập tức dâng sớ sang Tề nhận công, xin chứng nhận lòng trung son sắt với thiên triều.

Tề Bá Vương Tạp Cặn nhận sớ, khen cả hai phe đều là trung nghĩa.

Nước Vệ chính sự lại yên ổn, thanh bình, không có chiến tranh loạn lạc.

Những phường con buôn, quan lại, công sai,văn thư, nha lại, thầy thuốc, thầy đồ..thở phào nhẹ nhõm vì môi trường kiếm ăn không bị xáo trộn. Chúng đua nhau ca ngợi chính sách, đường lối của nhà Sản và đảng Ích đã khéo léo gìn giữ chính sự yên bình. Thay mặt nhân dân, chúng cảm tạ trời đất đã sinh ra nhà Sản, lại còn sinh thêm đảng Ích để giúp rập cơ đồ tiên đế để lại bền như tuế nguyệt.

Khi xưa tiên đế nhà Vệ khởi binh, tuyên cáo tội bọn Phá Lãng Sa và triều đình thực dân đã bóc lột dân Vệ , khiến dân Vệ vào cảnh một cổ hai tròng.

Nhờ vạch tội rõ thế, tiên đế thành công đoạt lấy thiên hạ, dựng nên nhà Vệ đến ngày nay.

Lớp hậu sinh kế tục nghiệp tiên đế đã có những bước ly luận đột phá , đi tắt , đón đầu hợp với thực tiễn thời cuộc để gìn giữ cơ nghiệp. Đó là một cổ hai tròng thì có thể bị lật, chứ một cổ mà ba hay bốn tròng thì dân có sức bằng trời cũng không lật được.

Thật là hậu sinh khả úy.

Người Buôn Gió

Người Buôn Gió – Nuôi án

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2012/10/25 at 15:07

Nuôi án thường có trong các vụ án hình sự. Người ta muốn có chiến công, thành tích nên khi phát hiện những đối tượng có manh nha phạm tội thì họ lặng lẽ theo dõi. Không bắt bớ, ngăn chặn ngay. Thậm chí họ còn cài đặc tình vào thúc đẩy việc phạm tội lớn hơn. Nuôi án hay có trong các vụ như mại dâm, buôn ma tuý, cờ bạc, buôn lậu,…đặc điểm của những “án nuôi” là có tổ chức, có sự phát triển theo thời gian.

Nhiều đối tượng bán lẻ ma tuý, chứa cờ bạc, cầm lô đề, cho vay lãi, bảo kê hoành hành được thời gian. Nghĩ mình lo lót hết, nhưng một ngày đẹp trời bỗng nhiên bị thộp cổ. Bọn nhỏ thì nhiều vô kể, còn bọn lớn thì như Khánh Trắng, Năm Cam.

Thật ra về số má giang hồ về đao búa, cái thang tính điểm của anh chị giang hồ thì cả Năm Cam, Khánh Trắng đều không có. Nhưng do được che chở của thế lực nào đó, từ một người đạp xích lô trở thành tay anh chị trùm bến bãi, lúc có vị trí rồi thì lúc đó không muốn thì cũng không thể làm ngơ nếu bị kẻ khác xúc phạm. Có lẽ Khánh Trắng chết một phần là do hắn, còn phần nữa là những kẻ đã dựng hắn lên. Nói thế mới chính xác. Cuộc đời Khánh Trắng nếu không một ngày gặp một vị đỡ đầu, thì giờ đây theo đà cuộc sống từ đạp xích lô, vợ bán hoa quả cứ chăm chỉ làm ăn. Khánh Trắng đã ngồi an nhàn uống bia hơi đầu Ô Quan Chưởng, vất xe tải cho một gã lái thuê nào đó. Chỉ việc điều hành chở hàng. Còn bà vợ thì ngồi một sạp hàng hoa quả chỉ đạo vài cô gái trẻ giúp việc cân đo, bó buộc hàng cho khách. Cuộc sống tương đối khá giả, bình bình. Sự thật thì nhiều anh chị ngang hàng Khánh Trắng thậm chí còn số má hơn lúc mà Khánh Trắng đạp xích lô giờ đây đã có cuộc sống như thế.

Thôi thì cứ gọi cho là số phận. Nhưng hẳn Năm Cam, Khánh Trắng ở suối vàng còn ôm khối hờn cả cục với những kẻ đã một thời bao che cho họ.

Nói gì thì nói, nuôi án không phải là việc chính đáng, thậm chí đó còn là đồng loã, tiếp tay cho tội ác. Người có trách nhiệm khi thấy mầm mống của tội phạm thì phải răn đe, giáo dục, ngăn chặn từ đầu. Nhưng công việc đó tương đối là thầm lặng, hiệu quả thì không rõ ràng. Chẳng ai có thể có chứng cứ để báo cáo thành tích rằng tôi đã ngăn chặn một ổ cờ bạc, ổ chứa mại dâm bằng cách khuyên bảo, giáo dục, ngăn ngừa ngay từ khi tên chủ quán mới định bán bia lắp đèn mờ, có xây phòng kín…Bởi chỉ có một xã hội mà người ta theo tiêu chí khác, con người ở đó khác thì họ mới cầm đồng lương và cố gắng làm những việc ngăn chặn cái xấu khi nó chưa xảy ra.

Còn ở đây, thành tích phải bằng số ma tuý cân được, số tiền cờ bạc thu được, số người bị giết…thành tích được miêu tả đầy hào hứng về con số, con số càng lớn thì thành tích của những người chỉ huy chiến dịch, bắt bớ, điều tra lại càng lớn.

Một đất nước thành tích thể thao năm sau cao hơn năm trước, chỉ số kinh tế năm sau cao hơn năm trước là điều rất đáng mừng. Nói nôm na là nếu anh năm nay mua sắm 10 đồng, năm sau 20 đồng thì là điều rất đáng mừng.

Nhưng thành tích bắt tội phạm thì không tương tự như thế nếu chúng ta biết suy nghĩ. Chả lẽ chúng ta hào hứng vì cảnh sát tháng trước bắt 20 bánh ma tuý, tháng sau chiến công rực rỡ hơn là bắt được 40 bánh. Rồi vài năm sau lại thấy khen thưởng rầm rộ vì phá vụ án có 100 bánh heroin.

Bạn thấy sắp có cuộc đánh nhau, hai người hàng xóm chửi nhau theo tiến độ căng hơn, theo kinh nghiệm bạn thấy họ sắp vác dao đến nơi. Bạn gọi điện lên công an phường báo tin. Một lúc sau họ xuống thì sự đã rồi, họ lập biên bản, lấy nhân chứng, bắt bớ, lấy cung. Có người đã trách công an là lúc đó xuống luôn thì không nên chuyện. Anh công an chân tình nhăn nhó trình bày, khổ lắm nhưng mà việc nó chưa xảy ra thì làm sao mà xuống được!!!

Nói về băng nhóm tội phạm như thời Khánh Trắng, Năm Cam, Dung Hà thì chuyện giết người so với bây giờ còn kém xa. Các băng nhóm thời đó vào cảnh mà họ cho là không thể chấp nhận, cân nhắc kỹ mới quyết định thanh toán đối thủ. Chứ còn bây giờ năm ba cậu thanh niên làm bóng, cho vay lãi, cầm đồ hứng lên là vác súng, dao truy sát. Thậm chí chả phải chuyện làm ăn, mà chỉ ở trong quán bar, quán phở dẫm chân lên nhau, nhìn đểu nhau là có thể vác súng bắn vỡ đầu nhau luôn.

Mấy lần nghe thấy cán bộ lãnh đạo công an nói rằng thiếu nhân lực. Mặc dù năm sau nhiều hơn năm trước. Lập thêm đội dân phòng, đội trật tự tự quản, xung kích, dân quân tự vệ để hỗ trợ công an. Dường như vẫn chưa đủ để lực lượng này đảm bảo số lượng duy trì an ninh, trật tự.

Tội phạm gia tăng dẫn đến tăng cường quân số, trang bị, vũ khí…một cái vòng tương tác cứ như thế kéo dài. Nếu người ta không chú ý đến giáo dục, thậm chí còn có ý đồ nuôi án để lấy thành tích. Thì đương nhiên cái vòng luẩn quẩn đó còn phải nói đến nhiều.

nguyenphuonguyen_nucuoi.jpg

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên

Những chuyện về tội phạm hình sự như thế này không kể thì ai cũng biết. Sở dĩ hôm nay kể vì gặp chuyện bất ngờ. Thường chỉ gặp nuôi án trong các vụ kinh tế, cờ bạc, cưỡng đoạt (bảo kê bến bãi, nhà hàng), mại dâm…chứ ở những vụ như an ninh chính trị thì không bao giờ có.

Thế nhưng mới đây nghe chuyện một cô bé sinh viên bị bắt, đồn rằng người ta phát hiện từ nhiều tháng trước, cài đặc tình vào theo dõi, rồi để đến khi truyền đơn tung ra họ mới bắt.

Không tranh luận chuyện cô bé có tội hay không có tội, vì đó sẽ là cuộc tranh luận còn diễn ra dài dài đến khi nào cô ấy được thả. Về quan điểm của tôi tất nhiên là cô bé không có tội, nói vậy để các bạn khỏi tranh luận về cô bé có tội hay không. Chuyện ấy sẽ tranh luận ở phần khác. Phần ở đây là chuyện nuôi án cơ.

Về phần những người bắt cô gái thì họ sẽ khẳng định cô bé có tội, bởi thế họ theo dõi từ lâu, cài người để nắm bắt, thậm chí có thể là tác động để cô và các bạn tiến hành hoạt động mà họ nghĩ là đủ chứng cứ để bắt. Vậy là nuôi án đấy.

Đến án chính trị, an ninh quốc gia mà còn nuôi án nữa. Thì thực sự một kẻ xuất thân từ dân lưu manh vốn tưởng đã không có gì bất ngờ với chế độ này, một lần nữa phải kinh ngạc vì hiểu biết của mình vẫn còn non kém quá.

Một đất nước ổn định về chính trị, cứ tưởng là không có những người phạm tội chống chế độ, tuyên truyền nói xấu chế độ, âm mưu lật đổ chế độ cơ. Chứ đã đầy rẫy những người ra toà vì tội như thế rồi mà lại còn nuôi án cả những tội đó để lấy thành tích nữa thì quá là đáng ngại.

Mong sao chuyện đó không phải là sự thật.

Theo blog Người Buôn Gió

Tự Tình Mẹ

In Cộng Đồng, Liên Kết, Tạp văn, Việt Nam on 2011/12/30 at 10:14

Đêm mẹ nghe tiếng ca bi hùng thay tiếng kinh cầu “Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây”[1] của những đứa con trong tù đày và lưu lạc mà lòng mẹ chĩu đau.

Mẹ luôn thức, dõi mắt nhìn đàn con khôn (dại) lớn lên, những đứa con ân tình, những đứa con nghĩa nặng, những đứa con vong ơn, những đứa con bội phản.

Mẹ biết, có những đứa lầm đường quên mẹ chỉ “còn đảng còn mình”. Mẹ biết, có những đứa u mê thờ bình vôi – bái vật – bà đồng[2] “lên đồng tập thể”, rồi xẻo thịt cắt xương dâng cho kẻ lạ. Mẹ biết, có những đứa thế chấp mẹ cho vài trăm triệu đô la. Mẹ biết, có những đứa lo lắng quan tâm từng cơn ho thổ huyết đầu nguồn, từng vết thương lở loét cột sống lưng của mẹ. Mẹ biết, có những đứa phải chịu nhục hình vì mẹ.

Những bài hát các con dành cho mẹ – Ca Dao mẹ, Mẹ Việt Nam ơi, người mẹ Gio Linh, người mẹ Ô Lý, người mẹ Lý Sơn[3] – mẹ nhận lấy nhưng chẳng mong cầu.

Nhưng mẹ xin …

Các con đừng xây dựng tượng đài hão huyền cho mẹ.

Các con đừng đem tên mẹ ra chót lưỡi đầu môi lọc lừa thiên hạ.

Các con đừng bắt mẹ làm anh hùng, đừng bắt mẹ hy sinh mãi mãi.

Các con đừng thở than trách móc với mẹ. Gia tài của mẹ[4] để lại cho con không là “một nước Việt buồn”. Mẹ đâu để lại “một rừng xương khô” hay “một núi đầy mồ”. Mẹ nào sinh ra “một bọn lai căng”, “một lũ bội tình”. Những đứa con của mẹ đầy nhiệt huyết lý tưởng một thời. Những đứa con học thói Mác-Lê, nọc nòi Cộng Sản. Những đứa con vong bản “đem gươm đao về xóm làng”[5] giết chết anh em gieo hận thù đố kỵ.

Mẹ không oán trách các con vì mẹ là mẹ của tất cả các con.

Và mẹ muốn …

Mẹ muốn gì? Tất cả các người mẹ muốn gì?

Muốn các con thương yêu bảo bọc lẫn nhau, những đứa con trái bí trái bầu.

Muốn trẻ thơ không phải chết già. Muốn người già chẳng phải chết non. Muốn không ai chết đời oan ức.

Muốn đứa cày có ruộng, đứa đi biển có ngư trường, đứa làm công có việc, đứa trẻ thơ được học, đứa bệnh hoạn được chăm, đứa cô quạnh được hỏi, đứa đói lạnh được no[6].

Muốn các con nên người. Muốn các con học làm người. Muốn các con được làm người.

Muốn các con sống đời chân thật.

Mẹ có gì để lại cho các con. Không phải là rừng vàng biển bạc hay phù sa bên lở bên bồi. Gia tài của mẹ là các con. Những trí tuệ tài năng con rồng cháu lạc.

Mẹ yêu lắm những đứa con của mẹ. Mẹ nhớ tên từng đứa một, đứa quê đứa tỉnh, đứa gái đứa trai, đứa trẻ đứa già, đứa nghèo đứa giàu, đứa cô thế đứa cường quyền.

Đừng lo gì cho mẹ. Mẹ luôn vẫn còn đây cùng tuế nguyệt, dù bão táp phong ba.

Lo cho người mẹ thở hơi nông cạn chờ con (Paulus Lê)[7] mỏi mòn chờ đợi (Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Tiến Trung). Lo cho người mẹ trông con Tí Hón (Người Buôn Gió). Lo cho người mẹ chưa từng (Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Hồ Thị Bích Khương). Lo cho người mẹ của các con vắng cha (Anh BaSG, Điếu Cày, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Minh Hoàng, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vi Đức Hồi, Nguyễn Công Chính). Lo cho người mẹ, vợ và con (Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Trịnh Kim Tiến) mãi đi tìm công lý[8]. Lo cho người mẹ, con đi tìm mẹ (Bùi Thị Minh Hằng)[9]. Lo cho những người mẹ có con bỗng nhiên bắt mất[10]. Lo cho những người mẹ mất đất không nhà. Lo cho người mẹ con dâu xứ người (Hàn, Đài) [11]. Lo cho những người mẹ Osin xa nhà. Lo cho người mẹ con đói củ mài. Mẹ đếm kể sao cho hết những đứa con thân yêu của mẹ.

Mẹ nhắc, các con thương yêu bảo bọc lẫn nhau. Các con luôn nhớ đến anh chị em của mình bị bức hại chia lìa. Bao con tin lương tâm[12] vẫn còn chảy đập để động viên tinh thần và chia sẻ đồng tình với các đứa con tù nhân lương tâm của mẹ.

Các con ơi mẹ luôn vẫn còn đây. Các con chỉ có một cuộc đời mỏng manh hữu hạn. Mẹ mong con sống một đời vui tươi, một đời tự chủ, một đời an lạc.

Các con sống đứng thẳng làm người, không cúi lưng nô lệ.

Các con sống chân thật, nói lời ngay thẳng, không uốn lưỡi mua danh, không lọc lừa cầu lợi.

Các con sống xứng đáng làm người.

Mẹ Việt Nam con vẫn còn đây!

© 2011 Vietsoul:21


[1]Mẹ Việt Nam ơi”, Thái Thanh – Nguyễn Ánh  9

[4] “Gia tài của mẹ”, Trịnh Công Sơn

[5]Cơn mê chiều”, Thái Thanh – Nguyễn Minh Khôi

[6] Chuyện chuột & người, Đàn Chim Việt

[12] Con tin lương tâm, Vietsoul21.net