vietsoul21

Posts Tagged ‘Phương Uyên’

Nguyễn Hưng Quốc – Bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn, Văn Hóa on 2013/08/28 at 13:56

Sinh viên chống Trung Quốc Nguyễn Phương Uyên (Nguồn: VOA)

Trong bài phỏng vấn do Trà Mi thực hiện, Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi được nhiều người xem như một “biểu tượng” của lòng can đảm và của tuổi trẻ, nêu lên một ý nguyện, đồng thời cũng là một tham vọng của em: “Tôi không muốn mắc phải căn bệnh rất khó trị ở các thanh niên cùng tuổi tôi. Tôi muốn làm một bài thuốc để thanh niên Việt Nam nhìn thấy mà làm hết mình, ‘cháy’ hết mình, không còn bị vô cảm và sợ hãi vốn đã bị tiêm nhiễm ngay từ bé.”

Tôi không biết hiệu quả của “bài thuốc” ấy thế nào. Nhưng tôi nghĩ Phương Uyên đã bắt đúng căn bệnh kép không phải chỉ của giới trẻ mà còn của người Việt Nam nói chung lâu nay: bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi.

Bệnh sợ hãi, thật ra, là một bệnh lâu đời. Chế độ phong kiến, ở đâu cũng vậy, bao giờ cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng chính: sự sùng bái và sự sợ hãi. Sự sùng bái được xây dựng trên hai nền tảng chính: tư tưởng thần quyền (nòng cốt là tư tưởng thiên mệnh) và các nghi lễ đầy tính đẳng cấp trong xã hội. Sự sợ hãi được tạo thành và được duy trì chủ yếu bằng một biện pháp chính: khủng bố. Trong các tội trạng, tội nặng nhất là tội phản nghịch. Hình phạt dành cho tội này thường là tử hình, có khi không phải tử hình một cá nhân mà còn tử hình nguyên cả một dòng họ (tru di tam tộc). Tử hình không phải chỉ nhắm đến việc giết chết tội nhân. Mà còn nhắm đến việc giết chết mọi ý đồ phản nghịch của những người còn sống bằng cách khiến họ phải sợ hãi. Do đó, người ta bày ra đủ thứ kiểu giết người, từ kiểu chặt đầu, treo cổ đến kiểu cho voi giày, ngựa xé, ném vào vạc dầu sôi, tùng xẻo, v.v.. Bởi vậy, chuyện ngày xưa dân chúng thường xuyên sống trong sợ hãi là điều dễ hiểu.

Sau này, chế độ cộng sản tiếp tục duy trì sự sợ hãi ấy bằng các trại cải tạo và nhà tù, hơn nữa, bằng chế độ lý lịch: Con cháu những người bị xem là phản động trở thành một thứ con ghẻ, thường xuyên bị nghi kị và kỳ thị, có thời gian, lại là thời gian khá dài, còn không được nhận vào đại học. Bây giờ, do sự phát triển của kinh tế thị trường, chế độ lý lịch ấy đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, hệ thống nhà tù thì vẫn dày đặc. Mà không cần nhà tù, chỉ cần sự hiện diện của công an, mọi người đã khiếp sợ.

Tất cả những sự khủng bố và đe dọa ấy khiến mọi người nếu không run sợ thì ít nhất cũng thu mình lại, né tránh mọi đụng chạm đến công an hoặc rộng hơn, đến chính trị, từ đó, làm nảy sinh ra một thứ bệnh khác: bệnh vô cảm.

Nếu sợ hãi là một căn bệnh lâu đời, vô cảm lại là một căn bệnh rất mới. Trước, hầu như không ai nói người Việt vô cảm bao giờ. Thậm chí, ngược lại, hầu như ai cũng cho người Việt sống bằng tình cảm nhiều hơn lý trí. Với tư cách cá nhân, người ta quan tâm đến nhau; láng giềng quan tâm đến nhau; cả làng quan tâm đến nhau. Chuyện một người biến thành chuyện của cả tập thể. Sự quan tâm lớn đến độ lấn át cả sự riêng tư của từng cá nhân một.

Vậy mà, những năm gần đây, hầu như bất cứ người nào để ý đến xã hội Việt Nam một chút, cũng đều nhận thấy ngay một hiện tượng: người ta đối xử với nhau thật vô cảm.

Ngoài đường, nhìn người khác bị cướp giật, hầu như mọi người đều dửng dưng; thấy có ai đó bị tai nạn nằm giãy đành đạch, phần lớn vẫn đứng trố mắt nhìn. Trồng trọt hay buôn bán thực phẩm, biết việc sử dụng nhiều hóa chất có thể gây nhiễm độc hay bệnh hoạn cho xã hội, người ta vẫn mặc kệ. Làm các dịch vụ du lịch, biết việc chụp giật hay lừa đảo có thể gây ấn tượng xấu cho cả đất nước, khiến du khách ngoại quốc khinh bỉ và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, người ta vẫn bất chấp.

Chưa hết.

Hiện tượng con cái đánh đập hoặc đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà càng lúc càng phổ biến. Chỉ giận hờn hay cãi cọ nhau một chút là học sinh, có khi là nữ sinh, đã đánh nhau một cách tàn nhẫn. Để cướp một chiếc nhẫn, thay vì trấn lột, người ta nghĩ ra một biện pháp cực nhanh: chặt đứt nguyên cả cánh tay. Ăn trộm một con chó cũng bị cả làng xúm vào đánh chết.

Dù sao, ở trên cũng là những chuyện… nhỏ.

Lớn hơn là những chuyện liên quan đến số phận của cả đất nước. Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng ư? Người ta nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!” Nạn tham nhũng hoành hành, các công ty quốc doanh thi nhau phá sản để lại những núi nợ nần không những cho thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ sau này nữa ư? Người ta cũng nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!”

Quan trọng nhất là chuyện chủ quyền. Hầu như ai cũng biết Trung Quốc đang toan tính cướp biển và cướp đảo Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống của nhiều ngư dân Việt Nam, chi phối tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam. Ai cũng biết vậy. Nhưng phần lớn đều nhún vai: “Làm gì được?”. Rồi thôi.

Người Việt vẫn thường tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất và anh dũng của mình. Nhưng thời gian gần đây, nhìn đâu cũng thấy những cái nhún vai bất cần, kiểu sống chết mặc bay như thế.

Tại sao?

Lý do, thật ra, khá đơn giản. Một phần vì sợ, như đã nói ở trên. Phần khác, vì đó là chính sách của nhà cầm quyền. Dưới mọi hình thức tuyên truyền, nhà cầm quyền chỉ muốn mọi người vô cảm. Bày tỏ sự quan tâm của mình đối với chủ quyền của đất nước dưới hình thức biểu tình thì bị đạp vào mặt hay bắt thảy vào các nhà tù; dưới hình thức bài viết trên các blog thì bị vu cho tội… trốn thuế.

Trước, mọi nhà độc tài đều duy trì chế độ của mình trên sự sợ hãi của người dân; sau này, ngoài sự sợ hãi, người ta sử dụng một biện pháp nữa: làm cho mọi người trở thành vô cảm.

Tôi không biết hiệu quả của bài thuốc trị sự vô cảm và sự sợ hãi của Phương Uyên như thế nào. Nhưng ít nhất, nhìn ánh mắt, dáng dứng và những câu phát biểu của em trước tòa, cả tòa sơ thẩm lẫn tòa phúc thẩm, và đặc biệt, nhìn cả trăm người từ khắp nơi đến tham dự phiên tòa phúc thẩm của em, tôi nghĩ, ít nhất cũng có nhiều người đã vượt qua được hai căn bệnh hiểm nghèo ấy.

NguồnVOA

Trần Trung Đạo – Niềm vui Phương Uyên, hành trang cho chặng đường tranh đấu mới

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/21 at 12:19

Chưa bao giờ trong suốt 38 năm, bản án  chế độ CS dành cho một cô bé không chỉ làm lương tâm cả dân tộc thức  dậy, đứng lên mà cả nhiều nơi trên thế giới bất bình, phẫn nộ như bản án  Phương Uyên. Ba tháng qua, từ trong nước đến ngoài nước, từ nguyên thủ  quốc gia Mỹ cho đến lãnh đạo các nước Bắc Âu, hai chữ Phương Uyên rất  khó phát âm theo đúng tiếng Việt đã trở thành một điều kiện cho các quan  hệ ngoại giao song phương và quốc tế.

 

Khi đứng trước tòa sơ thẩm giữa tháng Năm, thay vì dùng những câu nặng  tính cách đấu tranh chính trị như “tôi quyết liệt phản đối” hay “tôi  cương quyết không chấp nhận” bản án, em chỉ nói “tôi không cam tâm”: “Tôi  là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những  người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước.  Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì  thật sự tôi không cam tâm”. Bốn chữ “tôi không cam tâm” nhỏ nhẹ như có chút gì trách móc những người ở tuổi ông bà đang ngồi xử  em là tiếng nói chân thành, tha thiết nhưng không thiếu phần cương  quyết.

Những ai ngạc nhiên vì bản án sáu năm tù ở quá khắc nghiệt lần trước  cũng có thể ngạc nhiên vì bản án “ba năm tù treo” lần này. Thật ra, dưới  chế độ CS chẳng có bản án tù chính trị nào dựa trên lý lẽ, bằng chứng,  truy tố, phân tích hay biện hộ, tất cả đều phản ảnh của chính sách và  chính sách lại luôn thay đổi tùy theo nhu cầu chính trị trong từng giai  đoạn.

Điều 88 Bộ Luật Hình Sự của chế độ CSVN hiện nay không phải là một bộ  luật do một cơ quan lập pháp độc lập nào làm ra mà chỉ là một văn bản  của chế độ CSVN tự dựng lên và dùng làm thước đo để trừng trị những ai  đi ngược lại quyền lợi của lãnh đạo đảng CS. Trên thế giới, ngoại trừ  Trung Quốc, Bắc Hàn, Cu Ba và Việt Nam, không có quốc gia nào mà việc  phê bình chỉ trích nhà nước và các cấp lãnh đạo nhà nước lại có thể bị  phạt tù đến 12 năm như “Bộ Luật Hình Sự” kỳ quái của chế độ CSVN quy  định.

“Bộ Luật Hình Sự” của Liên Xô trước đây là một ví dụ. Tháng Sáu năm  1934, để chuẩn bị cho cuộc thanh trừng đẫm máu sắp bắt đầu, Stalin đã  thêm vào điều 58 bộ Luật Hình Sự Liên Xô được ban hành vào năm 1927  những khoản quy định các bản án dành cho các tướng lãnh quân đội và ngay  sau đó chiếu vào các khoản này để xử bắn bốn trong số năm đô đốc, ba  trong số năm thống chế, mười ba trong số mười lăm tướng lãnh ba sao và  bốn sao, năm mươi trong số năm mươi bảy tư lịnh binh đoàn và toàn bộ  mười sáu chính ủy cao cấp thuộc các binh chủng của Hồng Quân Liên Xô.

Theo tường thuật của các bloggers cũng như của đài RFA, cuộc tranh luận  giữa Phương Uyên và các ông bà ngồi ghế quan tòa “như một cuộc chiến rất  căng giữa một bên là chế độc độc tài, toàn trị, vô cảm với đầy đủ  phương tiện đàn áp người dân với một bên là phe dân chủ “liễu yếu mong  manh” nhưng bất khuất” và cũng tại đó em đã phát biểu câu nói lịch sử “Tôi  không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng  chống đảng CS không phải chống phá đất nước, dân tộc”. Tuy  nhiên, không phải vì Phương Uyên đã chiến thắng trong “cuộc chiến rất  căng” về lý luận và đã khuất phục được bà Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ  chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hôm 16 tháng Tám vừa qua và bà đuối lý đành  kết án Phương Uyên “tù treo” thay vì “tù ở”. Không phải vậy đâu. Quyết  định “tù treo” là quyết định từ trung ương đảng. Giả thiết, trong phiên  tòa phúc thẩm dù Phương Uyên có hô to “Đả đảo Cộng Sản” như Cha Nguyễn  Văn Lý đã hô hay bỗng dưng em đổi tính gọi ba đời nội ngoại của bà  Trương Thị Minh Thơ ra chửi bằng ngôn ngữ hàng tôm hàng cá nhất, bà Thơ  vẫn phải cắn răng tuyên bố Phương Uyên được hưởng “án treo” theo đúng  chỉ thị đã nhận từ trước.

Lý do trực tiếp của việc em được thả đã được nhiều người phân tích trong  đó có áp lực của chính quyền Barack Obama và quốc tế, chiều hướng mới  về chính sách đối ngoại của lãnh đạo CSVN, một cách tỏ thái độ đối với  Trung Quốc v.v… Tất cả đều có thể đúng tùy theo góc độ phân tích của  vấn đề nhưng như kẻ viết bài này đã viết trong bài trước Áp lực nào buộc CSVN phải thả Phương Uyên?, chính tinh thần đấu tranh bền bỉ, đa dạng, tích cực và nhiệt tình  của mọi tầng lớp nhân dân, mọi thế hệ Việt Nam trong nước và ngoài nước  là nguyên nhân sâu xa và sức đẫy chủ động đã giúp Phương Uyên được trở  về trong vòng tay của mẹ. Tận dụng ưu thế của cộng đồng người Việt tại  Mỹ và các quốc gia dân chủ từ châu Úc đến châu Âu là một bằng chứng  thành công hùng hồn. Sức mạnh tổng hợp của các thành phần dân tộc và xu  hướng phát triển văn minh của thời đại là nền tảng của cuộc đấu vì tự do  dân chủ trước đây, hôm nay và tái thiết đất nước sau này.

Việc vận dụng các điều kiện chính trị thế giới cũng như trong vùng Đông  Nam Á của các tổ chức người Việt không có liên hệ trực tiếp hay gián  tiếp gì với việc “lệ thuộc vào ngoại bang” và cũng chẳng “theo tây theo  Mỹ” nào cả. Phân tích một cách dễ hiểu, không có cuộc vận động liên tục  của nhiều tổ chức đấu tranh người Việt không một Tổng thống Barack Obama  nào, không một dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ  nào, không một Dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân Chủ nào, không  một Dân biểu Chris Smith thuộc đảng Cộng Hòa nào, không một bà Catherine  Ashton, phụ trách đối ngoại của Quốc Hội Châu Âu nào, không một dân  biểu Quốc hội Châu Âu nào trong số 34 vị ký tên trong thư phản đối tình  trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam biết đến Phương Uyên.

Áp lực từ các lãnh đạo quốc tế có thể là những giọt nước làm tràn chiếc  ly nhưng ly nước lớn kia vốn đã chứa đựng bao giọt mồ hôi và nước mắt  trong gian khổ đấu tranh của nhiều lớp người Việt Nam đi trước. Bức  tường chuyên chính không sụp bằng những cơn bão Đông Âu nhưng sẽ sụp từ  những giọt nước nhỏ xuống một cách âm thầm và kiên nhẫn như thế.

Qua đoạn phim ngắn phỏng vấn Phương Uyên  của hệ thống truyền hình Dòng Chúa Cứu Thế chúng ta thấy em rất chững  chạc và trưởng thành về nhận thức dù tuổi còn nhỏ và quá trình giáo dục  bị đóng khung trong hệ thống giáo dục tuyên truyền nhồi sọ khi em phát  biểu đừng đánh đồng giữa đảng CS và tổ quốc Việt Nam vì “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.

Vâng, đúng thế.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên  mảnh đất này vẫn còn ghi lại dấu chân của những người để lưng trần, tóc  cắt ngắn, đóng khố che thân, đầu đội mũ lông chim Hồng, tay ẵm đàn con  Lạc Việt, vượt bao nhiêu núi rừng ghềnh thác trong cuộc Nam tiến đầy  gian nan nhưng vô cùng hiển hách, từ vùng Nam Hoa di dân xuống lưu vực  sông Hồng 48 thế kỷ trước.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trong  lúc bao nhiêu bộ tộc Bách Việt khác đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay đồng  hóa vào những tỉnh, những huyện như Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân  Nam, Phúc Kiến của Trung Quốc ngày nay, giòng giống Lạc Việt qua bao độ  thăng trầm, vẫn tồn tại và trưởng thành nên quốc gia Việt Nam độc lập và  tự chủ.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” vì trên  mảnh đất này tên của một con sông, một ngọn núi, một thôn làng, khi được  nhắc đến có thể làm người Việt Nam phải rơi nước mắt. Những Phong Hóa,  Nam Quan, Mê Linh, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, Thiên Trường, Diên Hồng, Chi  Lăng, Lam Sơn, Đống Đa v.v… không phải chỉ đơn giản là những địa danh,  mà hơn thế nữa, còn là là nơi giữ gìn anh linh hùng khí của dân tộc.  Hình ảnh những chiếc búa, những chiếc rìu, những mũi thương, mũi đao,  mũi tên bằng đồng đào được ở vùng Trung Châu, Bắc Việt, ở sông Bạch  Đằng, dọc Ải Nam Quan không chỉ là những cổ vật mà còn là chứng tích của  bao nhiêu trận mạc, bao nhiêu cuộc chiến đấu, bao nhiêu máu xương của  tổ tiên đã đổ xuống trước áp lực của các triều đại Bắc phương xâm lấn.

“Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều” như  Phương Uyên nói không thể đem so với một đảng chính trị chỉ mới nhập từ  Nga năm 1930 và đã bị đào thải trên phạm vi thế giới. Thế nhưng, không  chỉ trong giới sinh viên học sinh mà ngay cả trong nhiều người lớn,  trong tầng lớp “tiến sĩ”, “thạc sĩ”, “nhà văn”, “nhà thơ”, “trí thức xã  hội chủ nghĩa” không phải ai cũng thấy được sự khác biệt đó như em. Mà  có thấy được cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chứ không đủ can đảm gióng  lên tiếng nói như em.

Dù sao Phương Uyên đã về quê với mẹ. Chuyến xe lửa đã rời nhà ga. Những  ngày nóng bỏng của mùa hè 2013 đang qua và tiếng cười rạng rỡ như tia  nắng cuối ngày vừa tắt. Mai đây em sẽ đối diện với thực tế mới và những  chọn lựa mới trong đời. Những ai hy vọng em sẽ làm những việc vượt quá  khả năng của em có thể sẽ thất vọng. Phương Uyên chỉ mới 21 tuổi. Em có  nhận thức rất sáng so với các bạn cùng thế hệ nhưng để bay cao, để đi xa  cần có thêm nhiều phương tiện. Em có thể sẽ trở lại trường học, có thể  chọn một việc để làm, có thể sẽ tiếp tục cùng các bạn tiếp tục hành  trình phục vụ đất nước, chống tham nhũng, chống độc tài, chống “Tàu  khựa” bằng một hình thức khác. Làm gì đi nữa, một chương lớn trong cuộc  đời em vừa mới lật qua. Phương Uyên không còn là một Phương Uyên mang ít  nhiều huyền bí và hấp lực trong tù mà là cô bé 21 tuổi ngoài xã hội với  cuộc sống bình thường.

Nhưng đất nước thì không. Đất nước như một giòng sông vẫn còn đang trôi  qua những ghềnh đá cheo leo, những núi non ngăn cách suốt ba mươi tám  năm đầy chịu đựng. Trên quê hương Việt Nam, hàng trăm người Việt Nam vẫn  còn đang bị tù đày cũng chỉ vì cùng quan niệm như em “Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng hơn rất là nhiều”.

Hôm nay, điều kiện thật sự của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, người anh cả của  phong trào tuổi trẻ chống Trung Quốc âm mưu rước đuốc qua Hoàng Sa nhân  dịp Thế Vận Hội mùa hè tại Bắc Kinh, vẫn chưa ai biết rõ một cách chính  xác ra sao. Từ 2008 đến nay, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là tù nhân chính  trị chịu đựng nhiều truy bức và đày ải nhất. Trong lúc sự kính trọng  dành cho hàng trăm nhà dân chủ đang bị tù dày bao giờ cũng sâu đậm, sự  quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước dành cho anh Điếu Cày Nguyễn  Văn Hải đã vượt lên trên. Tình cảm đồng bào dành cho anh giống như tình  cảm của anh dành cho đất nước, đơn sơ, thiêng liêng và trong sáng.

Điếu Cày không phải là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà cách mạng,  nhà lý thuyết, nhà báo, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Không phải là nhà  nào cả. Mơ ước của anh là được cầm máy ảnh đi thăm ba miền đất nước để  ghi lại những vẻ đẹp nên thơ và hùng vĩ của quê hương. Anh đã đi nhưng  vết thương Hoàng Sa và Trường Sa buộc anh dừng lại. Quê hương không còn  đủ nghĩa khi hai quần đảo thiêng liêng và chiến lược rơi vào tay Trung  Quốc. Từ đó, anh dấn thân trên con đường gai góc, con đường nhiều triệu  người khác không dám đi: con đường chống Trung Quốc xâm lăng. Và cũng từ  đó, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cái tên một lần nghe rất lạ đã trở thành  quen thuộc, gần gũi, thân thương trong mọi gia đình Việt Nam, đặc biệt  trong lòng tuổi trẻ Việt Nam.

Anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải không phải là Nelson Mandela của Nam Phi,  Aung San Suu Ky của Miến Điện, Vaclav Havel của Tiệp. Anh là một người  Việt Nam bình thường, đơn giản và hiền hòa như hạt gạo, củ sắn, củ  khoai, con mắm, ngọn rau nhưng anh cũng vô cùng cao quý vì đã nói lên  khát vọng độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Ngoài Điếu Cày, còn nhiều anh chị em khác nữa, những Đinh Nguyên Kha,  Việt Khang, Nguyễn Hữu Cầu, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân  Diệu, Lê Văn Sơn, Phan Thanh Hải, Mai Thị Dung, Nguyễn Công Chính, Phạm  Thị Phượng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn  Đặng Minh Mẫn, Trần Thị Thúy, Phùng Lâm, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy  Chương, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Văn Thông, Nguyễn Ngọc  Cường, Đinh Đăng Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Kim  Nhàn, Hồ Thị Bích Khương, Lê Thanh Tùng, Phan Ngọc Tuấn, Vi Đức Hồi,  Nguyễn Văn Lía, Võ Minh Trí, Lê Quốc Quân v.v… tất cả vẫn còn ở trong  tù.

Chúng ta nên làm gì cho họ đây. Không có con đường nào khác ngoài việc  tiếp tục cuộc đấu tranh như đã từng tranh đấu cho Phương Uyên. Nếu có  khác chăng, chặng đường mới có nhiều hy vọng và thuận lợi hơn. Cuộc vận  động dân chủ ngày nay không phải là môi trường chỉ dành riêng cho những  người ly khai khỏi mọi ràng buộc, dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho lý  tưởng tự do dân tộc theo kiểu “gát bút nghiên lên đường tranh đấu” như  cha ông chúng ta đã làm ngày trước mà diễn ra ở mọi người, tại mọi nơi,  mọi chỗ và trong mọi ngành nghề.

Cuộc vận động dân chủ sẽ thành công bởi vì có sự góp sức của hơn hai  triệu người Việt đang sống nhiều nơi trên thế giới. Ngày xưa chúng ta  thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ đóng vai trò chủ  lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc đẩy con tàu dân  chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần thiết nữa. Mọi người  Việt Nam dù ở đâu trên trái đất nầy cũng đều có thể đóng góp, có thể làm  được phần mình theo điều kiện và hoàn cảnh mỗi người đang có mà không  phải chen lấn nhau hay dẫm lên bước chân người khác.

Việt Nam có thể vẫn còn phải tiếp tục chịu đựng dưới ách độc tài một  thời gian ngắn nữa nhưng các phong trào dân chủ không còn là các nhóm  nhỏ hoạt động rải rác mà sẽ phối hợp chặt chẽ và thách thức chế độ một  cách công khai bằng nhiều hành động cụ thể. Tranh đấu cho dân chủ là  khẩu hiệu của thời đại, là niềm vui chứ không còn là nỗi sợ.

 

FB Trần Trung Đạo

BS Hồ Hải – Vật thế chấp chính trị

In Chính trị (Politics), Lịch Sử, Liên Kết, Tạp văn on 2013/08/17 at 11:10

Lời tuyên bố đầy bản lĩnh chính trị của cô gái trẻ Phương Uyên trong phiên tòa ngày 16/8/2013 là một bản án đanh thép đi vào lịch sử ngàn năm của dân tộc Việt Nam với chế độ độc quyền của đảng cộng sản ở Việt Nam

Từ ngàn xưa, khi con người bước ra khỏi cuộc sống của thời cộng sản nguyên thủy bầy đàn, để đấu tranh sinh tồn với hiểm họa vây quanh, cũng là lúc con người biết sử dụng vật thế chấp làm tin trong giao dịch.

Để được ngồi ngôi cao, hưởng ân sủng của thiên hạ, lấy uy tín với thần dân, các vua phong kiến sử dụng con mình để gả cho quốc gia lân bang làm vật thế chấp chính trị, để thực hiện phương án ngoại giao, chờ thời cơ xâm chiếm.

Trong làm ăn giao thương, tài sản cố định là vật thế chấp cho đối phương, ngân hàng để vay vốn làm ăn. Chỉ có những đối tác làm ăn lâu bền, uy tín lớn, tín chấp là một kiểu thế chấp cao cấp nhất của con người tới giờ này.

Nhưng khi xã hội ngày càng phát triển vật thế chấp càng có nhiều hình thức tinh vi hơn. Tinh vi và ác độc nhất vẫn là các chính khách lấy đồng bào mình làm vật thế chấp chính trị trong bang giao. Trong khi họa cũng trút lên đầu dân, mà nguy cũng trút lên đầu dân, còn lộc thì chính khách và dòng họ an hưởng.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ngày nay, phương án dùng dân làm vật thế chấp để đi buôn chính trị của chính khách. Thời chiến cũng thế, và thời bình cũng thế.

Hoa Kỳ khi muốn lấy lòng toàn thế giới, vật thế chấp của họ gồm cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Đã thế, ở đâu có bất ổn, họ sẵn sàng đem tuổi trẻ của họ làm lính viễn chinh đến, với cái gọi là vì tự do dân chủ. Nhưng nếu nhìn về bản chất, những người trẻ lính viễn chinh này không ngoài là vật thế chấp.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam 83 năm qua, vừa ra khỏi ách đô hộ thực dân Pháp thì lao vào nội chiến. Hậu quả, hơn 3 triệu sinh linh đã ngả xuống, đến giờ này còn hơn 300 ngàn không tìm được xác, và còn hơn 200 ngàn đã tìm được xác, nhưng chưa rõ họ tên. Những chiến sỹ vô danh ấy, họ sinh ra, và lớn lên, không ai nhớ mặt đặt tên, nhưng họ là vật thế chấp cho ngai vàng của các chính trị gia của cả 3 bên – thắng cuộc, bỏ cuộc, và thua cuộc trong nội chiến kéo dài 20 năm.

Hòa bình lập lại, chưa được yên ấm bao nhiêu ngày. Một nửa bên thua và bỏ cuộc trở thành vật thế chấp để các chính khách bên thắng cuộc tiếp tục nồi da nấu thịt, để người dân thà bỏ thây cho cá, cướp biển, để đi tìm đất sống. Và chỉ vì chính khách kém tầm trong ngoại giao, và mê muội trong men say thắng cuộc. Một cuộc chiến kéo dài 12 năm ở cả 2 biên giới Tây Nam và phía Bắc – 1978 đến 1990. Hàng triệu thanh niên nữa lại ngả xuống, không phải vì chén cơm manh áo của mình và gia đình mình, mà vì sai lầm của chính khách.

Vốn xuất thân từ giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhờ không có gì để mất – giai cấp vô sản. Họ đã chọn con đường đã và đang đi theo 83 năm qua là con đường tăm tối. Nó đã sụp đổ ngay tại cái nôi sinh ra nó. Nhưng có một nghịch lý cuộc đời là, chính giai cấp vô sản là giai cấp làm cách mạng triệt để nhất, nhưng khi cướp được chính quyền, thì họ lại không có gì để có thể dựng xây đất nước. Thế cuộc buộc họ lại phải quay lại con đường mà họ đã đạp đổ nó – bất công, độc tài và tàn ác còn hơn cả thực dân.

Vì không có gì để dựng xây đất nước, và con đường đã chọn tăm tối ấy, họ lại quay sang lấy biên cương lãnh thổ, tài nguyên và cả đồng bào mình làm vật thế chấp cho việc bang giao.

Khi vào WTO và muốn ra khỏi các nước nằm trong danh sách các nước đặc biệt bị quan tâm – Country of Particular Concerns, gọi tắt là CPC – một số nhân vật bất đồng chính kiến như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Linh Mục Ngô Quang Kiệt, giáo dân Thái Hà, các luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, v.v… để làm vật thế chấp trong đàm phán bang giao. Họi được thả và giảm án.

Sau khi vào được ra khỏi danh sách CPC, và vào WTO cùng lúc vào tháng 11/2006, thì tình trạng đàn áp tôn giáo và bắt bớ những nhà bất đồng chính kiến lại diễn ra dày đặt, ngày càng gia tăng từ 2008 đến nay. Cụ thể là tháng 02/2005 Linh mục Nguyễn Văn Lý được giảm án và ân xá, thì đến 18 tháng Hai năm 2007 ông bị bắt và chính thức ngồi tù lại vào ngày 30 tháng Ba năm 2007. Luật sư Lê Quốc Quân cũng trở lại nhà tù vào tháng 12/2012, sau khi bị bắt vào tháng 3/2007, và còn bao nhiêu người khác nằm trong diện sẵn sàng “chờ đợi” làm vật thế chấp cho con buôn chính trị.

Hôm qua, câu chuyện giảm án của Phương Uyên từ 4 năm tù giam còn 3 năm tù treo cộng với 3 năm quản thúc. Với Nguyên Kha giảm án từ 8 năm tù còn 4 năm tù cũng không ngoại lệ là vật thế chấp chính trị trong bang giao. Vì nếu chế độ này đối xử tốt với dân thì cái án của gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã không y án sau phiên phúc thẩm! Xem ra chế độ Phong kiến xưa kia tuy vậy mà vua lo cho dân, cho nước hơn nhiều.

Liệu những điều trên các quốc gia bang giao với Việt Nam họ có biết? Chắc chắn và đương nhiên là quá biết, và càng không tin cậy Việt Nam, khi đồng bào Việt Nam bị đối xử tệ thì làm sao họ là ngoại bang được đối xử tốt hơn?

Từ đó cho thấy, chế độ đảng cầm quyền này chưa và sẽ không bao giờ xem dân là gốc, mà luôn là vật thế chấp trong mọi cuộc bán buôn nhơ nhớp của chính trị. Chỉ có ngoại bang có ảnh hưởng đến sinh mệnh sống còn của đảng cầm quyền mới có thể sai khiến được chế độ này làm theo như kiểu con tắc kè đổi nàu để đấu tranh sinh tồn, rồi màu khát máu vẫn là màu của máu.

Một chế độ mà ở đó, xem người dân là vật thế chấp cho con buôn chính trị thì bản chất của chế độ đó như Marx nói – chỉ có súc vật mới quay lưng với nỗi đau của đồng loại, để chăm chút cho bộ lông của mình. Nhưng xem ra súc vật còn có lòng tin với gia chủ của nó được nuôi nấng, vỗ về. Còn với chế độ Việt nam hiện tại niềm tin dân chúng đã không còn 38 năm qua và mãi mãi.

Sức mạnh của một thể chế nhà nước là ở toàn dân, khi niềm tin dân chúng đã cạn kiệt thì, liệu chế độ đó tồn tại được bao lâu? Sức mạnh mềm của một quốc gia là vô hình và vô hạn. Liệu với cách cư xử với đồng bào đã từng vào sinh ra tử cho chế độ như thế thì sức mạnh mềm của Việt Nam có còn?
Nguồn: blog BS Hồ Hải