vietsoul21

Posts Tagged ‘Hoàng Sa-Trường Sa’

Màn chiếu tướng nguy hiểm đang diễn ra trên Biển Đông

In Chính trị (Politics), Kinh Tế, Liên Kết, Thế giới on 2014/05/17 at 00:28

ARLINGTON, Virginia , May 14 ( UPI ) – Việc Trung Quốc triển khai hạ đặt giàn khoan dầu 981 ngoài khơi trong vùng bờ biển của Việt Nam vào đầu tháng cho thấy đã có một sự leo thang nghiêm trọng trong vùng Biển Đông vốn đã căng thẳng. Khả năng có một cuộc giao tranh hải quân giữa Trung Quốc và Việt Nam coi như là cao nhất kể từ khi cuộc đụng độ lần cuối của họ trên đảo Gạc Ma (rặng đá ngầm Johnson) vào năm 1988 gây tử vong cho khoảng 70 thủy thủ Việt Nam . Nhiều viên chức ở Washington đánh giá là Bắc Kinh thiếu thận trọng, nhưng trong tâm trí của Trung Quốc thì hành động khiêu khích này bắt nguồn từ lôgic chiến lược.

Điều gì đã xảy ra?

Bắc Kinh khẳng định rằng, dựa trên nghiên cứu lịch sử, phía Nam Biển Đông và tất cả các nguồn tài nguyên của nó thuộc về Trung Quốc. Đường chín đoạn mới được thổi phồng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ, và Trung Quốc đã triển khai tàu thuyền đánh cá, tàu cảnh sát biển, và các tàu hải quân để biểu dương xác định quan điểm của họ.

Việt Nam coi vùng biển này, những gì mà họ gọi là Biển Đông, nằm trong vòng 200 dặm của Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), là nhà của họ. Cả Việt Nam và Philippines phản ứng mạnh mẽ đối với động thái của Trung Quốc. Indonesia , Brunei, và Malaysia cũng đã phản ứng tương tự, mặc dù lặng lẽ hơn .

Trung Quốc biết triển khai giàn khoan dầu 981 sẽ làm Việt Nam nổi giận do đó họ đã điều phối hơn 80 tàu để bảo vệ. Việt Nam đáp lại bằng cách triển khai 29 tàu hải giám, cảnh sát biển và các tàu hải quân, và nhiều chiếc trong số đó đã bị hạm đội Trung Quốc phun nước vòi rồng và đâm thủng.

Những việc đó mang ý nghĩa gì?

Đầu tiên, từ một quan điểm chiến lược toàn cầu, Bắc Kinh đang hành động nhịp nhàng với đồng minh mới nhất của mình là Nga. Hai nước này đã thành lập một liên minh chiến lược trong ba năm qua, tuy rằng nó có thể là mong manh, để chống lại tầm ảnh hưởng của Mỹ. Khi Nga xâm chiếm Crimea và tung hoành trên mặt trận miền Tây (Âu) với máy bay ném bom Bear, thì Trung Quốc đang hành động tương tự ở phía Đông. Đó là một gọng kìm toàn cầu sử dụng chiến tranh phi đối xứng (asymetric warefare), trong trường hợp này là sử dụng tối thiểu lực lượng với tính toán cực cao và mưu kế triệt thoái. Đây là món đòn khôn ngoan cực kỳ, nó không quá mức để kích hoạt một phản ứng quân sự từ Mỹ, nhưng nó vừa đủ để tăng tiến mục tiêu của Nga và Trung Quốc. Điều này một phần thúc đẩy bởi chính quyền Obama loại bỏ khả năng chiến đấu một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận. Trung Quốc và Nga đang phân tâm và phân tán lực lượng Hoa Kỳ. Trong “36 chiến lược” (tam thập lục kế) kinh điển của người Trung Quốc thì đây là “Nước đục thả câu”

Thứ hai, Trung Quốc thấy Mỹ trong tiến trình triệt thoái chiến lược như một quyền lực toàn cầu . Trung Quốc nhận thức được một số điểm thất bại an ninh quốc gia của Mỹ như Iraq (rời quá sớm) Afghanistan ( COIN là quá khó ) , Libya (một nhà nước bất thành hậu chiến thuật “lãnh đạo sau lưng”) , và Yemen (thành lập căn cứ mới của al-Qaeda bất chấp nhiều cuộc oanh tạc bằng máy bay gọn điều khiển từ xa.) Bắc kinh cho rằng Washington không thể giải mã Pakistan, kẻ làm “tà hữu” (frienemy) với Mỹ và là á-đồng-minh của Bắc Kinh. Nó (BK) cũng cho rằng chính sách can thiệp vào Trung Đông của TT Obama vốn đã được quảng bá ầm ĩ trong bài diễn văn Cairo năm 2009 đã bị thất bại bởi vì khủng bố thánh chiến Hồi giáo gia tăng và toàn bộ những mùa Xuân Ả rập đã đưa đến kết quả cay đắng. Biển Đông bị buông bỏ mặc cho ai chiếm lấy. Người TQ gọi chiến thuật này là “Mục hỏa băng giang” (ngồi nhìn lửa cháy bên kia sông), để cho đối phương cạn kiệt lực lượng quân sự và đó sẽ là lúc để ra tay.

Thứ ba, nói về chiến lược khu vực, trong khi TQ chứng kiến thấy Mỹ đang dần suy yếu họ vẫn rất cảnh giác về chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Hagel, chuyến đi đã “đắp thịt trên xương” vào chiến lược quay trục Châu Á với các hiệp ước quốc phòng và hỗ trợ an ninh. Điều này bao gồm cả việc tăng cường diễn tập quân sự hàng năm với các đồng minh Đông Nam Á như Philippines mà cuộc diễn tập Balikatan (Vai sánh Vai) đã bắt đầu từ ngày 05/05. Theo đó thì sự khiêu khích của TQ nói chung coi như là thọc một “cú đấm trực diện” với “chiến tranh phi đối xứng” vào “vòng đấm chắc nịch”(haymaker) “tham gia khu vực” truyền thống của Mỹ. TQ tin rằng nếu ra tay thật nhanh thì càng khó cho Mỹ giúp đỡ các đồng minh Á Châu về sau.

Thứ tư, TQ đang lo sợ về một VN đang càng ngày càng mạnh. Kinh tế nước này đang phát triển. Hà Nội đang gầy dựng quân đội và hải quân để bảo vệ huyết mạch chính của mình là Biển Đông – trọng điểm của ngành hàng hải, ngư nghiệp và năng lượng. Hà Nội cũng biết rằng nước của họ rất dễ bị xâm nhập và tấn công từ ngoài biển vào.

TQ muốn VN phải ngoan ngoãn thuần phục theo lý tưởng về an ninh quốc gia theo kiểu truyền thống Khổng giáo và vương triều trung tâm của họ. Họ vẫn còn nhớ cuộc chiến tranh trừng phạt năm 1979 vào Bắc VN lúc Hà Nội đang có đội quân lớn thứ tư trên thế giới. VN bị đẩy lùi rất ít và mỗi bên bị thiệt hại khoảng 30 ngàn người trong vòng một tháng giao tranh. Theo cái nhìn của Bắc Kinh thì làm suy yếu ngay cái sức mạnh mới chớm nở của VN là một đòn khôn ngoan.

Rồi đây sự việc nơi Biển Đông sẽ tiến về đâu? Có vẻ là tình hình đang tồi tệ hơn. Không có phe nào chịu lùi bước. TQ thậm chí còn có thêm những động thái tương tự trong những tuyên bố chủ quyền vùng biển với Nhật. Trừ khi những cái đầu tỉnh táo ở Bắc Kinh thắng thế còn không thì những rắc rối này có thể dẫn tới một tính toán sai lầm khủng khiếp.

Một nước VN bị dồn vào chân tường có thể vùng ra đánh trả bằng sức mạnh nhiều hơn mức mà Bắc Kinh có thể tưởng tượng được. Một khối đồng minh ASEAN vốn lỏng lẻo sẽ bị buộc phải đoàn kết cùng nhau để chống lại đối thủ chung. Nhật Bản đang chống lại và tái vũ trang. Mỹ chưa hẳn là đang cạn kiệt và thương tổn tới mức mà Tư lệnh Thái Bình Dương và Hải quân Hoa Kỳ phải bị loại khỏi vòng chiến.

Có vẻ như TQ đang bị lóa mắt bởi ý tưởng “Trung Quốc trỗi dậy”, niềm tự hào quốc gia sáng ngời, và vì thành tựu kinh tế vang dội. Như thế thì TQ đang phải đương đầu với mối hiểm nguy vì chính họ đã vi phạm cái châm ngôn chiến lược của mình, “Rút thang đi sau khi kẻ thù đã leo lên nóc nhà” – nghĩa là nó đang đi trên con đường tự cô lập mình trên lãnh vực quân sự do các hành động gây hấn bất cẩn trọng. Các chiến lược gia TQ khôn ngoan hơn sẽ giúp làm giảm nhiệt tình hình vô kể.

Nguồn: UPI

Song Chi – Chủ quyền mất dần, nhục cũng thành quen

In Chính trị (Politics), Liên Kết, Thế giới on 2012/12/02 at 11:45
Song Chi (NV) – Việc in chìm tấm bản đồ hình “lưỡi bò” trên hộ chiếu mới của nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ là một diễn biến tiếp theo sau hàng loạt hành động trước đó của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa bản đồ phi pháp này.
 
Và khi các nước có liên quan hoặc đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Ðông còn đang tức giận và tìm cách đối phó với những tấm hộ chiếu “lưỡi bò”, thì Trung Quốc đã lại có thêm một bước đi khiêu khích nữa:
 
Báo chí trong và ngoài nước dẫn nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng bắt đầu từ năm 2013, các quy định mới sẽ cho phép cảnh sát tỉnh Hải Nam lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài bị xem là xâm nhập trái phép trong vùng biển mà Trung Quốc tự cho là lãnh hải của mình ở biển Ðông.
 
Trên thực tế từ nhiều năm qua, tàu Trung Quốc đã từng nhiều lần bắt giữ các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Nhẹ nhất thì cũng là tịch thu ngư cụ, hải sản… rồi thả cho về, nặng hơn thì đánh đập, bắt giam, đòi tiền chuộc, cũng có khi tông chìm tàu…
 
Nhưng tất cả những hành động này chỉ là “không chính thức”.
 
Còn nay thì cảnh sát biển của Trung Quốc sẽ chính thức được quyền lục soát, tịch thu và trục xuất tàu nước ngoài xâm nhập khu vực đường “lưỡi bò”!
 
Ðiều này cho thấy Bắc Kinh ngày càng tự tin không cần giấu diếm mưu đồ độc chiếm biển Ðông, bất chấp sự lo ngại và phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế.
 
Các nhà bình luận chính trị đã nói nhiều về chiến lược của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển Ðông: Ðó là cứ lấn dần, từng bước thiết lập quyền kiểm soát khu vực biển Ðông cho đến khi Trung Quốc có thể thâu tóm toàn bộ khu vực theo đúng như tham vọng của họ.
 
Với các nước khác như thế nào không biết, nhưng trước bước đi mới này của Trung Quốc, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ làm gì để bảo vệ ngư dân và khẳng định chủ quyền của mình?
 
Liệu Việt Nam có dám cho tàu cảnh sát đi bảo vệ ngư dân mà nếu có, thì liệu có thể đối phó với lực lượng tàu hải giám, tàu ngư chính, cảnh sát biển… đồ sộ, đông đảo các loại của Trung Quốc?
 
Hay là cứ mặc cho tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc công khai chặn bắt, lục soát, tịch thu và trục xuất ngay trên chính vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam? Ðể rồi cùng lắm, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao lại xuất hiện, “phát lại” cuộn băng với những lời phản đối cũ mèm?
 
Và nếu tình hình cứ tiếp diễn một thời gian thì ngư dân Việt Nam dù có muốn cũng không thể tiếp tục ra khơi để rồi lại mất trắng tài sản, chưa kể có thể còn bị cảnh sát Trung Quốc đánh đập, lăng nhục, bắt giam.
 
Trong khi đó, tàu cá của ngư dân Trung Quốc, như thực tế đã xảy ra, ngang nhiên vào ra trên khu vực biển Ðông, đánh bắt cá dưới sự yểm trợ của những tàu hải giám.
 
Thế là dần dần người Việt đành bỏ trống biển khơi cho Trung Quốc. Nói cách khác, biển Ðông, hay ít nhất là khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xưa đến nay, trở thành của Trung Quốc mà họ không cần phải gây chiến tranh. Vừa tốn kém vừa tạo điều kiện cho các nước khác có dịp “tọa sơn quan hổ đấu”, một điều mà nhà cầm quyền Trung Quốc tối kỵ.
 
Chưa hết, trên bản tin Thứ Sáu 30 tháng 11, 2012 của trang Nhật báo Ba Sàm lại có thêm “hung tin” từ một số blogger và một nguồn tin từ báo giới cho hay: Vào lúc gần 8 giờ ngày 30 tháng 1 năm 2012, tàu Trung Quốc lại vừa xâm nhập lãnh hải Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 nằm sâu trong lãnh hải Việt Nam!
 
Còn nhớ, khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 vào tháng 5 năm 2011, Việt Nam đã phản đối khá mạnh, tổ chức họp báo đưa tin, báo chí được phép lên án mạnh mẽ. Liệu bây giờ Việt nam sẽ có phản ứng gì mạnh hơn nữa không?
 
Một ví dụ khác trước đó nữa, khi lần đầu tiên Bắc Kinh tuyên bố lập thành phố đô thị cấp huyện thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là Tam Sa nhằm quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa vào cuối năm 2007, người dân Việt Nam đã giận dữ xuống đường tại Sài Gòn, Hà Nội.
 
Những cuộc biểu tình hiếm hoi đầu tiên phản đối Trung Quốc trong một chế độ mà biểu tình là chuyện cấm kỵ quả thật đã gây tiếng vang lớn, thế giới cũng phải lưu ý.
 
Tiếp theo là hàng loạt cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tại các thành phố thuộc các quốc gia khác nhau.
 
Sức ép của lòng dân buộc nhà nước Việt Nam cũng phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Kết quả là Trung Quốc buộc phải tuyên bố tạm dừng kế hoạch này.
 
Thế nhưng sau một thời gian, cái “thành phố Tam Sa”, trung tâm hành chính Tam Sa lại được đường hoàng thành lập, phát triển.
 
Trung Quốc đã lập cục cấp điện, đã bắt đầu xây dựng các cơ sở xử lý rác thải và nhà máy xử lý nước thải ở đây (“TQ lập cục cấp điện trái phép tại Hoàng Sa”, báo VNExpress).
 
Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, bầu thị trưởng, thành lập bộ chỉ huy quân đồn trú (”Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”, báo Thanh Niên), phát hành bản đồ “thành phố Tam Sa,” v.v… và v.v…
 
Việt Nam đã làm gì? Một bên cứ phản đối, một bên cứ việc ta ta làm, đường ta ta cứ đi. Còn người dân? Chán ngán và không buồn phản đối nữa.
 
Thế là Trung Quốc thắng.
 
Vụ cắt dây cáp tàu, cấp hộ chiếu, cho cảnh sát biển được phép lục soát, trục xuất tàu cá của ngư dân Việt Nam… tất cả đều theo một lộ trình như vậy.
 
Trước đây khá lâu người viết bài này đã từng viết về tình trạng biển Ðông ngày càng trở nên chật hẹp với Việt Nam, nay thực tế đã quá rõ ràng, nghiêm trọng.
 
Mà nhà cầm quyền Việt Nam thì vẫn không cho thấy sẽ có một phương sách đối phó nào theo hướng mạnh mẽ tăng dần cho xứng tầm với mức độ ngang ngược ngày càng tăng từ phía Bắc Kinh, nếu không muốn nói là ngược lại.
 
Nhưng điều chua xót hơn là chính người dân Việt Nam chúng ta dường như cũng chẳng có cách gì khác ngoài việc giận dữ, tuyên bố phản đối.
 
Kinh nghiệm cay đắng của những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trước đây bị chính nhà nước Việt Nam gây khó dễ, ngăn chặn đủ kiểu, thậm chí thẳng tay đàn áp khiến cho những cuộc biểu tình khó có thể nổ ra nữa.
 
Mà nếu có nổ ra thì vài trăm người, thậm chí vài ngàn người cũng chưa đủ gây sức ép lên nhà cầm quyền Trung Quốc nếu chúng ta thử làm vài so sánh:
 
Cuộc biểu tình của khoảng 400 nghìn người Hong Kong chống lại bàn tay xâm lấn của chính phủ trung ương Trung Quốc đối với các vấn đề nội bộ của Hong Kong, nhân ngày kỷ niệm thứ 15 Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc -ngày 1 tháng 7 năm 2012.
 
Cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người Hồng Kông đòi chính quyền Trung Quốc hủy bỏ việc áp đặt môn học “yêu nước Trung Quốc” đối với học sinh phổ thông ngày 1 tháng 9 năm 2912.
 
Hay những cuộc biểu tình của chính người Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Ðiếu Ngư/Sensaku. Xảy ra vào ngày 15, 16 tháng 9 năm 2012 tại nhiều thành phố khác nhau, lên đến hơn 60,000 người, một số cuộc biểu tình còn biến thành bạo lực, v.v…
 
Chỉ riêng Việt Nam, nhà cầm quyền đã thành công khi ra sức dập tắt mọi cuộc biểu tình, mọi hành động phản đối Trung Quốc, làm nguội lạnh lòng yêu nước và sự quan tâm đến tình hình chính trị, vận mệnh đất nước trong đa số người dân.
 
Trong khi chính họ ngày càng tự quen dần với nỗi nhục bị Trung Quốc lấn lướt, coi không ra gì, thì đến lượt họ cũng tập cho người dân quen với điều này.
 
Cũng như chuyện tham nhũng, càng ngày số vụ tham nhũng càng nhiều, mức độ tham nhũng càng lớn, nhưng người dân đã bị quen dần đến mức không còn thấy kinh ngạc. Thì chuyện Việt Nam bị Trung Quốc lấn dần trên biển Ðông đến lúc không còn chỗ mà lùi, cũng không làm ai hoảng hốt nữa.
 
Câu hỏi bây giờ không còn là liệu có mất nước hay không mà bao giờ thì mất?
 
Và thời gian không còn tính theo đơn vị năm nữa mà là tháng, ngày.
 
Song Chi