vietsoul21

Tái Ông Thất Mã (Góc nhìn khác)

In Cộng Đồng, Tạp văn on 2009/09/11 at 16:27

Lời ngỏ: Tuần này, có một vài sự kiện góp nhặt xin được chia xẻ ở đây. Các sự kiện “khoảnh khắc khúc đoạn” này chứa đựng “đầy phán đoán” xẩy ra đây đó. Rất nhiều lần nhà tôi nghe người ta gạn hỏi khéo léo rằng có lời đồn, hỏi là tôi đi đi về về làm việc tại Việt Nam. Hay khi chúng tôi bày tỏ cảm nghĩ của mình thì không được thông cảm và hiểu, mà nhận câu đáp trả chớp nhoáng bắt đầu bằng “Không nên như vậy vì sẽ không làm nên chuyện đâu!”.

Chuyện vừa xảy ra liên hệ đến bài viết phản biện chúng tôi vừa đăng trên báo International Examiner ngày 2/9/2009. Một người thuộc nhóm dạy Việt ngữ và giữ một chân thành viên Hội Đồng Quản Trị của Hội Thân Hữu (VFA) tại Seattle đã tung điện thư gởi các nhóm thảo luận trên mạng toàn cầu vu khống chúng tôi là “mạo danh” nhóm của họ. Chúng tôi phát hiện hành động khuất tất, không minh bạch này qua trung gian của một thành viên mạng. Việc khởi sự sau khi chúng tôi có gởi một điện thư chung (trong đó có nhóm của người này) để đọc bài viết của chúng tôi—một bài chứa đựng rất nhiều quan tâm về thế hệ trẻ gốc Việt sống lớn lên ở hải ngoại. Cho đến nay người này vẫn không phúc đáp thư của chúng tôi phản hồi về lời vu khống hàm hồ đầy khuất tất của họ. Riêng một vài diễn đàn trên mạng đã đăng tin thư của người này thì lại không đăng lời phản biện của chúng tôi.

Điều tình cờ khác làm ấm lòng chúng tôi khi có dịp được nghe kể một câu chuyện lý thú. Người chuyên gia trị liệu rất quý mến của chúng tôi–một người tâm nguyện về việc áp dụng thiền trong đời sống–đã chia xẻ với chúng tôi câu chuyện này mặc dầu ông ta không biết những sự kiện đầy “phán đoán” kể trên.

Chúng tôi còn nhớ đã được nghe câu chuyện này khi còn ở Việt Nam. Luân lý của câu chuyện là về hiện tượng phúc họa khôn lường rất phù hợp với nhân sinh quan của Việt Nam/Á đông. Câu chuyện lý thú lần này được ghi chép thì theo một lăng kính khác–lăng kính gọi là “phán đoán.” Chúng tôi dịch thuật câu chuyện sâu sắc này dưới đây để giúp bạn đọc và cả chúng tôi tiếp tục ngẫm nghĩ về khoảnh khắc khúc đoạn, phán đoán, đích đến, và hành trình.

Theo thiển ý của chúng tôi, những người đã “phán đoán” chỉ cần định tâm rồi phát biểu đơn giản về sự việc như thế này:

”Lâu nay không thấy Cô Trâm đến sinh hoạt tại Hội Cao Niên.”

”Blog Hồn Việt Thế Kỷ 21 vừa đăng một bài phản biện trên báo International Examiner.”

”Chúng tôi vừa nhận một lời mời để đọc bài viết tại blog của VietSoul:21 hay là Hồn Việt Thế Kỷ 21.”

Giá mà những người đã hành xử phán đoán chọn cách phát biểu như thế thì sẽ giúp cả đôi/ba bên không phiền lòng nhau để có thể trưởng thành và nối kết với nhau.

 

Tái Ông Thất Mã (Góc nhìn khác)

Phán đoán đồng nghĩa với một trạng thái của trí óc. Và trí óc thì lúc nào cũng muốn phán đoán vì nếu cứ phải ở trong tiến trình thì quả là căng thẳng và phiền phức khó chịu. Hãy thật can đảm lên. Đừng ngưng trưởng thành; hãy sống trong hiện tại, cứ giản dị sống ươm mình trong giòng đời.

Câu chuyện này xảy ra vào thời Lão Tử ở Trung Hoa, và Lão Tử thích chuyện này vô cùng.

Có một ông già sống trong làng, ông nghèo lắm nhưng ngay cả các vua chúa cũng ghen với ông cụ vì ông có một con ngựa trắng tuyệt đẹp… Các vua chúa đã ướm giá rất cao để mua con ngựa, nhưng cụ bảo, “Con ngựa này không phải là ngựa đối với tôi, nó thật ra là người. Làm sao mà mình bán người, bán bạn được?” Ông già nghèo nhưng không bao giờ đem bán con ngựa.

Một buổi sáng nọ ông già không thấy con ngựa trong chuồng đâu hết, cả làng tụ tập và nói với ông, “Ông dại dột quá đỗi đi thôi! Đã bảo ông là sẽ có ngày ngựa bị đánh cắp mà. Giá mà ông bán nó rồi thì có phải hơn không. Thật là tai họa!”

Ông cụ bảo, “Xin đừng nói quá lố nhé. Chỉ cần nói ngắn gọn là con ngựa không còn ở trong chuồng. Đấy là sự kiện; những cái khác là phán đoán. Tôi không biết đây là tai họa hay may mắn nữa, vì sự kiện này chỉ là một khoảnh khắc khúc đoạn mà thôi. Ai biết chuyện gì xảy tiếp theo nữa?”

Người làng cười ông già. Họ lúc nào cũng nghĩ ông này hơi khùng khùng. Nhưng sau năm mười ngày, con ngựa đột nhiên trở về đêm đó. Con ngựa đã không bị đánh cắp; nó chạy vào rừng hoang. Và không phải chỉ có vậy, con ngựa đem về cả bầy ngựa rừng với nó.

Người làng tụ tập một lần nữa và bảo ông, “Ông già ơi, ông nói đúng đấy. Đây không phải là tai họa; rõ ràng đây là may mắn.”

Ông cụ bảo, “Các ông bà lại nói quá lố nữa rồi. Chỉ cần nói là ngựa đã trở về… ai mà biết đây là may mắn hay không? Việc này cũng chỉ là một khoảnh khắc khúc đoạn. Ông bà mới đọc có một chữ trong một câu—làm sao ông bà có thể phán đoán được cả quyển sách?”

Lần này người trong làng chẳng nói nhiều, nhưng trong lòng họ biết là ông cụ sai. Mười hai con ngựa đẹp đã đến với ông kia mà…

Người con trai một của ông già sau đó bắt đầu thuần các con ngựa rừng. Chỉ một tuần sau đó anh ta té ngựa và hai chân bị gẫy. Người làng tụ tập một lần nữa và lại phán đoán, “Ông đúng rồi đó! Đây quả là tai họa. Mụn con của ông nay không làm gì được với đôi chân của nó, mà nó lại là chỗ nương nhờ duy nhất khi ông về chiều. Giờ thì ông nghèo không còn nước nào nói nữa.”

Ông cụ nói, “Các ông bà bị phán đoán ám ảnh mất rồi. Xin đừng bàn quá xa. Chỉ cần nói là con trai tôi bị gẫy chân thôi. Ai biết đây là tai họa hay may mắn. Cuộc đời đi rồi đến đến rồi đi trong những khoảnh khắc khúc đoạn, và chẳng có cái gì hơn trong đời đến với ông bà đâu.”

Vài tuần sau đó thì đất nước lại đi vào chinh chiến, và tất cả trai trẻ của làng bị đưa vào quân đội. Chỉ một mình con trai của ông cụ là còn sót lại vì anh ta què. Người trong làng khóc lóc thảm thiết vì cuộc chiến này là một cuộc bại trận và rồi họ bảo ông cụ, “Ông già ơi, ông nói đúng đấy—quả đây là chuyện phúc lành. Có thể là con ông què nhưng con ông còn ở với ông. Con chúng tôi thì biệt mất tăm luôn rồi.”

Ông cụ bảo, “Các ông bà lại phán đoán hoài. Ai mà biết được. Chỉ nói như thế này, con các ông bà bị bắt vào quân đội, và con tôi thì không bị bắt vào quân đội. Chỉ có trời mới biết đây là may mắn hay tai họa.”

Xin đừng phán đoán, nếu không thì bạn sẽ không bao giờ đạt tới vẹn toàn. Khoảnh khắc khúc đoạn làm bạn bị ám ảnh, tiểu tiết làm bạn kết luận vội vã. Một khi đã phán đoán rồi, bạn không thể trưởng thành. Phán đoán đồng nghĩa với một trạng thái của trí óc. Và trí óc thì lúc nào cũng muốn phán đoán vì nếu cứ phải ở trong tiến trình thì quả là căng thẳng và phiền phức khó chịu.

Thật vậy, hành trình thì không bao giờ chấm dứt. Một lối đường tắc thì ngõ khác thông. Một cánh cửa đóng lại thì cửa khác mở ra. Bạn đến được đỉnh cao này: một đỉnh cao hơn chắc chắn sẽ hiện ra. Ông trời hay đấng thiêng liêng là một hành trình không có đích. Ai thật can đảm thì sẽ không bao giờ bận tâm tới đích đến mà sẽ toại nguyện với hành trình, toại nguyện được sống trọn vẹn trong khoảnh khắc rời rạc của thời gian và trưởng thành từ đấy, và chỉ những người ấy mới có khả năng bước đi với vẹn toàn.


Bản tiếng Anh (English)

 

Các chuyện ngụ ngôn khác:

5 người bạn và 5 kẻ thù

Chuyện Ngụ Ngôn về Người Ở Cuối Nguồn



Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: